Trương Dưỡng Một Cánh Hoa Dù Hồi Ký Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù


Trận An Lộc Bình Long (Mùa Hè Đỏ Lửa 1972



tải về 1.4 Mb.
trang13/17
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích1.4 Mb.
#27293
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

15. Trận An Lộc Bình Long (Mùa Hè Đỏ Lửa 1972)

Năm 1972, phải chăng để dò dẫm, Bắc Việt đã tung ra một cuộc tổng tấn công được coi là có tính toán rất kỹ lưỡng về mặt chiến lược. Cũng rất quan trọng, vì lần đầu tiên họ dùng chiến xa của Nga Sô tập trung tấn công một cách ào ạt.

Bất chấp hiệp ước Genève và không cần biết đến vùng phi quân sự giữa hai miền Nam và Bắc, địch tung mũi dùi tấn công đánh thẳng từ phía Bắc xuống Nam, và gặp phải sự kháng cự mãnh liệt. Một mũi dùi tấn công khác từ biên giới Campuchia đánh qua phía Kontum, Pleiku, làm cho các tiền đồn đều lâm vào tình trạng bị động. Áp lực đè nặng vùng nầy đến độ phải đưa sư đoàn bộ binh từ Ban Mê Thuột lên để tiếp viện.

Ở mặt trận phía Bắc, địa phương thành lập từng bộ phận lưu động nhỏ để dễ điều động, nhưng cũng vì thế mà trở thành khó chỉ huy và hậu quả là tuyến phòng thủ bị vỡ. Thành phố Quảng Trị thất thủ ngay sau đó, các đơn vị tranh nhau chạy về Huế. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn IV, được gởi ngay ra Huế với nhiệm vụ tái lập trật tự tại đây.

Hai sư đoàn tổng trừ bị, SĐND và SĐ/TQLC, đến giờ nầy vẫn còn ở Sàigòn, được đặt dưới quyền xử dụng của tướng Trưởng. Sư Đoàn 21 Bộ Binh ở Vùng Đồng Bằng Cửu Long được đặt trong tình trạng báo động, dự trù sẽ được bốc ra Huế.

Bất thình lình địch quân tấn công vào An Lộc, bao vây thị trấn nầy, đe dọa SàiGòn vốn chỉ cách đó khoảng 100 cây số. Tình hình lúc bấy giờ hết sức căng thẳng, chỉ cần trể nửa giờ nữa là không kịp ngưng chuyến đi ra Huế của SĐ21BB để chuyển hướng cho sư đoàn nầy tới thẳng An Lộc, nhằm bảo vệ vòng ngoài cho thủ đô SàiGòn.

Tôi theo BTL tiền phương sư đoàn đến đóng quân ở Căn cứ Lai Khê, sư đoàn thiết lập Trung tâm Hành quân để trực tiếp chỉ huy các đơn vị Dù đang tham chiến tại Bình Long.

Vào Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, chiếm xong quận Lộc Ninh, Việt Cộng đã mở cuộc tấn công biển người, với chiến xa T-64 lần đầu tiên xuất hiện tại vùng nầy. Chúng bao vây và cô lập Thị trấn An Lộc thuộc tỉnh Bình Long, trong đó có Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh.

Đại tá Lê quang Lưỡng, Lữ đoàn trưởng LĐIND, điều động các Tiểu đoàn Dù đánh từ Lai Khê lên Chơn Thành. Tại đây Tổng Thống và Trung Tướng Đống đáp trực thăng xuống, ra lệnh Chiến Đoàn Dù nhảy vào tiếp ứng An Lộc. Sau khi được lệnh, Đại tá Lưỡng thay vì nhảy trực thăng thẳng vào Thị Trấn, (theo lời ông kể lại qua điện thoại) Đại tá cho trực thăng vận xuống Đồi Gió ở phía Đông của Thị Xã An Lộc.

TĐ6ND đã dùng chiến thuật thần tốc bất ngờ đánh trúng ngay đầu não chỉ huy (hay đài quan sát), Thiếu tá TĐP Bằng, K16, dẫn 2 Đại đội do Trung úy Ngô Xuân Vinh tự Vinh “Con”, và Tuấn nhảy xuống đầu tiên. Trung úy Tuấn và Vinh điều động binh sĩ xung phong thần tốc tiêu diệt địch trong một “Lô cốt” duy nhất mà chúng đã đặt Bộ Chỉ huy, khiến chúng chạy tán loạn. Nơi đây có rất nhiều hầm hố bằng những tản đá xếp lại; vì đất rất cứng, toàn đá sạn, rất khó dùng sẻng đào hầm. Sau đó 2 Tiểu đoàn 5 và 8 cùng Pháo binh được đổ trực thăng xuống cùng với BCH Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù. Chiến đoàn Trưởng Lê Quang Lưỡng quyết định cho TĐ6ND ở lại giữ cao điểm nầy, đích thân đại tá dẫn 2 tiểu đoàn 5 và 8 cấp tốc đi ngay đêm đó để vào An Lộc, trấn an các đơn vị đang bị bao vây lâu ngày.

Tiểu Đoàn 8 dẫn đầu hướng về Thị Trấn An Lộc; TĐ5ND của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu, TĐT, và Thiếu tá Lê Hồng, TĐP (sau bị thương Ngoạc Lùn lên thay), cho tiểu đoàn đi theo đội hình quả trám bảo vệ phía sau. ĐĐ51 của Sĩ (sau bị thương Trung úy Nguyễn Tiến Việt lên thay) đi trước, tiếp theo là ĐĐ50 của Đ/U Từ Khánh Sinh; bọc hậu có ĐĐ52 của Lê Hữu Chí, K20ĐL; cánh trái là ĐĐ53 của Dũng, K22ĐL ( vài ngày sau Dũng bị thương, Hồ Tường lên thay); bảo vệ sườn phải ĐĐ54 của Nguyễn Văn Dũng (sau bị thương Trung úy Dương lên xử lý). Khi vào gần tới Thị trấn thì địch chận đánh đại đội đi chót của Chí Bệu. Trung tá Hiếu điều động ĐĐ53 bọc lại tăng cường giúp Chí đánh bật địch ra. Kế đó Tiểu đoàn tiếp tục đi về hướng Đông Nam An Lộc thanh toán các ổ chốt và bảo vệ an ninh tại phía Bắc Xa Cam. TĐ8ND lo thanh toán các ổ chốt và bảo vệ an ninh ở phía Nam thị xã An Lộc.

TĐ6ND ở lại Đồi Gió để vừa làm lực lượng tiếp ứng bên ngoài, vừa ngăn chận địch chiếm lợi thế cao có thể dùng làm đài quan sát hay bộ chỉ huy trực tiếp nhắm vào Thị Xã.

Lúc bấy giờ các đơn vị bị bao vây đã lấy lại tinh thần vì có đơn vị thiện chiến Nhảy Dù vào yểm trợ. Sáng hôm sau, Đại tá Lưỡng cho TĐ8ND bung ra lục soát về phía Tây Thị Trấn, nhưng địch quân pháo kích nhiều quá nên TĐ8ND chuyển về hướng Nam. TĐ5ND cũng ra tiếp ứng nhằm mở rộng vòng vây, để có bãi tiếp tế bằng thả dù. Nhờ có tiếp tế đầy đủ nên tinh thần các đơn vị bị vây vẫn còn vững chắc.

Vào đêm 30/4/72, để kỷ niệm ăn mừng lễ Lao Động 1/5, địch bắt đầu tập trung tổng tấn công vào An Lộc, chúng hạ quyết tâm nuốt gọn các đơn vị đang kẹt bên trong: Như LĐ1ND Nhảy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù, SĐ5BB, SĐ21BB,...nhưng các đơn vị bên trong An Lộc đã kiên cường chống trả mãnh liệt. Tuyến của BCH/SĐ5BB của Tướng Lê Văn Hưng bị lung lay, Đại tá Lưỡng điều động cấp tốc ĐĐ/TS1ND lên lấp chỗ; sau đó, ông tăng cường thêm TĐ5ND để đẩy lui bảo vệ Tướng Hưng.

Ngoài ra ông còn dùng 4 khẩu súng cối 81 ly (xạ thủ là những chuyên viên của TĐ1PB) bắn yểm trợ rất hữu hiệu. Ngay đêm đó, 2 trung đoàn địch đang hung hăn xung phong vào thì bị mấy loạt bom B52 xóa sạch, sáng hôm sau có mười mấy tên sống xót quờ quạng chạy bậy vào khu TĐ8ND và bị đẩy lui; chúng hốt hoảng chạy đâm đầu vào khu vực TĐ5ND, một anh thượng sĩ thường vụ đại đội hăng máu dẫn lính ra thanh toán, nhưng anh đã hy sinh sau khi tiêu diệt toàn bộ địch. Các đơn vị trong An lộc đều rất kiên cường. Nhất là các chiến sĩ Biệt kích, theo lời Hùng, K21ĐL, TĐP thuộc SĐ5BB kể lại, thì chính anh đã mục kích sự gan dạ và tài điều khiển của Đại tá Phan Văn Huấn, Khóa 10 ĐL làm Liên Đoàn trưởng, và Tr/T Lân, LĐP. Họ đã tổ chức các cuộc đột kích đêm, từng tổ 3 người lợi dụng đêm tối len vào ổ địch, đặt chất nổ hoặc phá các kho địch. Đôi khi còn tiến sâu vào vòng trong để sát hại cấp chỉ huy địch bằng cận chiến. Những cái can đảm, hào hùng của họ đã lọt vào mắt của một cô giáo còn kẹt lại An Lộc. Chính cô đã làm nên hai câu thơ lịch sử để ghi nhớ công xả thân vì nước của chiến sĩ Biệt Kích Dù:

An Lộc địa sử ghi chiến tích

Biệt Kích Dù vị Quốc vong thân!

Thấy địch tập trung quân số bao vây thị trấn đông quá, Đại tá Lưỡng đã phải dùng 15 phi tuần B-52 đánh vào các khe suối, mà khi đi vào An Lộc, ông thấy rất nhiều hầm hố dọc theo hai bên bờ, các vị trí pháo của địch, và ngay tuyến cận phòng (cách quân bạn không quá một ngàn thước, thật hết sức táo bạo và liều lĩnh, giống như trường hợp B-52 đã giải vây cho các TĐ 7 và 8 tại Hạ Lào). Khiến địch gần như tịch ngòi, các phi cơ quan sát Mỹ báo cáo địch chỉ có một phần ba lực lượng còn khả năng chiến đấu, sau khi hứng chịu 15 phi tuần B-52. Đánh thêm 8 phi tuần thì An Lộc gần như được yên tỉnh.

Trước khi Chiến Đoàn Dù vào An Lộc, các đơn vị thuộc Sư Đoàn 21 BB của tướng Hồ Trung Hậu đã ngày đêm hứng chịu những đạn pháo liên tục của địch. Phía Tây Quốc lộ 13 gần Tàu Ô là Tiểu đoàn của Võ Công Danh, phía Đông Chơn Thành có Trung đoàn của Đ/T Nguyễn viết Cần, SĐ21BB, đang ở phía Bắc Chơn Thành, ông đã điều động các binh sĩ trực thuộc cố gắng chọc mũi dùi vào giải vây An Lộc. Nhưng Đại tá Cần đã hy sinh vì một viên đạn pháo cay nghiệt! Ông nguyên là TĐT TĐ11ND, một sĩ quan tài giỏi, tánh tình hiền hậu, biết lo cho kẻ dưới, nên thuộc cấp ai nấy đều mến phục.

Có lần khi TĐ11ND đóng quân ở vườn Tao Đàn, bảo vệ an ninh vòng ngoài phủ Tổng Thống. Một đêm nọ, ông cùng 2 ĐĐT Bạch và Nuôi đến ăn uống tại nhà hàng Tour D’Ivor.

Bỗng có hai Quân cảnh Mỹ đến hỏi giấy, vì thấy ông cao ráo, trắng trẽo, mũi lỏ giống hệt người Hoa Kỳ. Ông tự ái không đưa, chỉ nói mình là TĐT/TĐ11ND và bảo hai người ngồi chung là đại đội trưởng thuộc cấp. Họ không tin còn có cử chỉ hỗn láo, định còng tay, Nuôi và Bạch thấy TĐT mình bị hạ nhục, nên tức giận đứng lên tính can thiệp, Hai Quân cảnh hiểu lầm rút súng ra, Bạch nhanh tay hơn, rút súng bắn chết hai quân cảnh Mỹ để tự vệ! Ba người vội xuống xe Jeep chạy về vườn Tao Đàn và ra lệnh báo động, các xe Quân cảnh Mỹ có gắn súng đại liên rượt theo bao vây. Sợ động tới dinh Độc Lập, nên các anh chạy về Trại Hoàng Hoa Thám, đoàn xe Jeep có gắn đại liên của Mỹ rượt theo tới trước cổng trại. Tướng Đống biết chuyện nên ra lệnh hễ Mỹ xông vô thì cứ bắn, lính Tổng Hành Dinh đem súng ra dàn trước cổng. Sau đó cấp trên của Mỹ gọi họ rút về để điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ tính.

Khi nhân chứng nói tại Quân Cảnh Mỹ hỗn láo và rút súng ra trước, mọi việc được dàn xếp ổn thỏa: Trung tá Cần bị ra bộ binh, Nuôi và Bạch bị phạt một năm nhốt ở Quân Lao.

Trở lại trận đánh An Lộc,dân và lính đã thụ động co rút dưới hỏa ngục do từ trên trời xuống trong hơn 2 tháng; pháo kích không phải từng cơn, từng giờ, từng loạt; pháo đầy trời như mưa; pháo ào ạt như gió; pháo kín mít như mây. Pháo không vạch từng đường như Mậu Thân, pháo không đi từng luồng như hạ Lào. Pháo và trời chan hòa trộn lẫn như mây bay giăng giăng che kín cả bầu trời An Lộc. Nhờ Đại tá Lưỡng rút kinh nghiệm trận Hạ Lào, canh giờ địch thường hay dùng biển người tấn công, ông xin mấy Pass B-52 rải thảm cách vòng rào phòng thủ không quá 1000 thước, cả Trung đoàn địch đang hung hăng tấn công, bỗng bị cuốn mất trong đám bụi mù, nhờ vậy Bình Long được yên tỉnh mấy ngày.

TĐ6ND, sau khi bị tổn thất nặng tại Đồi Gió (chỉ còn 180 người) rút về Lai Khê tái bổ sung và huấn luyện cấp tốc tại chỗ, được trực thăng đổ hai đại đội của Ngô xuân Vinh (tự Vinh Con) và Nguyễn văn Nghiêm, trưởng ban 3 kiêm nhiệm xử lý chức vụ Tiểu đoàn phó thay thế Thiếu tá Bằng (bị thương mắt tại Đồi Gió), nhảy xuống Tân Khai, phía Nam Thị Trấn, đánh bật lên Xa Cát, Xa Cam, các bộ đội địch lâm vào cảnh lưỡng đầu thọ địch (trong đánh ra, ngoài đánh vào), nên trở tay không kịp, bị lính Dù hốt sạch. Tiểu Đoàn 6 Dù bắt tay được với TĐ8ND tại cửa ngõ vào An Lộc, như vậy coi như Bình Long đã được thoát hiểm.

Cũng nên kể lại trường hợp của trại Tống lê Chân, vì pháo binh trong An Lộc bị tê liệt do các cuộc pháo kích dữ dội của quân Bắc Việt, Quân đoàn III đã thả pháo binh 155 vào trại để từ đây bắn yểm trợ cho Bình Long. Tiểu Đoàn 92/BĐQ/Biên Phòng của Đại úy Ngôn (Ngôn, Khóa 21 Đà Lạt, là người hùng ở Tống lê Chân, trong 1 năm anh được thăng cấp 2 lần, chính Tổng Thống ra lệnh thả lon Trung tá bằng máy bay xuống tưởng thưởng cho anh) đã tuần tiểu lục soát tiêu diệt toán nghiên cứu chiến trường của Cục R, họ đã bắn chết một Thượng tá có trách nhiệm tìm lý do tại sao cuộc tấn công hỗn hợp chiến xa và Bộ binh của chúng vào An Lộc bị thất bại nặng nề.

CSBV bại trận, không chiếm được An Lộc bằng những chủ lực vô cùng hùng hậu, vì vậy Hiệp Định Ba Lê được chúng bằng lòng ký kết (Ngôn sau nầy bị chết trong trại tù VC). Khi đóng tại căn cứ Sư đoàn 5 BB ở Lai Khê, tôi có gặp Biệt đội Tác Chiến Điện Tử Sư đoàn 21 Bộ binh, họ rủ nhậu bia với rắn “Ri Cá”! Tôi thấy anh em Sư Đoàn 21 ôm ra từng bao cát, trong đó đựng những con rắn ngọ nguậy trông thật ghê khiếp. Họ làm thịt tại chỗ; vì sợ mất mặt màu áo binh chủng, tôi cố uống nhiều bia để lấy can đảm, rồi mới dám ăn, lúc tài xế chở về doanh trại bên SĐND, nhớ tới động tác ngọ nguậyï của rắn ri cá, nên buồn nôn, khiến bụng sạch bóc luôn!

Anh em Biệt Đội TCĐT/SĐ21BB thật là hào sảng chịu chơi, họ mới gặp tôi lần đầu mà đã mua từng chồng két bia để đãi, nhất là những con rắn, đã vất vả đem từ Bạc Liêu xa xăm lên. Có lẽ họ thích nét hào hùng của lính Nhảy Dù, cũng có thể trong đó có anh tài xế của vị Biệt đội trưởng tiền nhiệm đã kể lại, lúc trước tôi đã mời lại nhà đãi cơm canh chua cá bông lau và còn cho anh 40 lít xăng để lái xe về Bạc Liêu.
16. Trận Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị

Khi hay tin Quảng Trị bị thất thủ, dân quân tranh nhau chạy về Huế, Tướng Trưởng phải bỏ bữa cơm trưa tại dinh Tổng Thống để cấp tốc bay ra ngay nhiệm sở mới, cố đô Huế lúc nầy đang ở trong tình trạng hỗn loạn vô trật tự.

Trung tướng Trưởng, với một sự bình tỉnh đáng kính phục, không có một trách phạt hay quy lỗi cho một ai. Ông đã vãn hồi được trật tự trong hàng ngũ quân sĩ và đặt lại ngay hệ thống an ninh phòng thủ trên bờ sông Mỹ Chánh, sẵn sàn chờ đón một cuộc tấn công mới của địch. Vì họ đã chiếm được một phần đất khá sâu và đang muốn tiến xa xuống phía Nam khai thác thành quả chiến thắng vừa đạt được.

Tướng Trưởng biết lợi dụng sự già nua của cán bộ VC. Tướng Bắc Việt chỉ huy mặt trận lúc đó thay vì thừa thắng xong lên, ông ta cho dừng quân chờ báo cáo chiến thắng và nhận chỉ thị mới. Hà Nội tức giận việc nầy, ra lệnh sa thải ngay viên tướng nhát gan và gởi một thượng tướng Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng vào thay thế.

Tướng nầy đến nơi phải mất gần một tháng mới nắm được quân tình để hòng tiếp tục khai thác thêm chiến quả. Một thời gian quá đủ cho tướng Trưởng kiện toàn xong hệ thống phòng thủ. Ông chẳng những chận đứng được đợt tấn công của địch mà còn phản công dò dẫm ở một vài điểm, làm địch quân phải lúng túng và chùng bước tiến quân của họ lại. Ông đã nhận được lệnh phải tiêu diệt 4 sư đoàn chánh qui Bắc Việt đang đối diện ở bờ Bắc sông Mỹ Chánh, bằng 2 sư đoàn tổng trừ bị là Sư Đoàn Dù và Sư Đoàn TQLC mà hiện ông đã có sẵn trong tay.

Biệt đội tôi theo Bộ Tư Lệnh ra Huế và đóng quân tại Cây Số 17 gần cầu An Lỗ. LĐ1ND do Đại tá Lê Văn Ngọc làm Lữ Đoàn Trưởng, đóng ở bờ Nam gần cầu Mỹ Chánh. LĐ2ND do Đại tá Trần Quốc Lịch (rồi Đại tá Nguyễn Thu Lương thế chức LĐT), đóng ở căn cứ Hòa Mỹ, Phong Điền. Các Tiểu đoàn Dù hoạt động phía Tây Quốc lộ 1; từ Phong điền tới bờ Nam sông Mỹ Chánh, sẵn sàng đợi lệnh ào qua sông tiến về Bắc để tái chiếm Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng.

Sau Trận Bình Long, Hiệp Định Đình Chiến Paris đang được tạm thời (vì Việt Cộng đâu bao giờ giữ lời hứa) áp dụng, hai bên lo chiếm đất dành dân kiểu da beo. Các đơn vị cũng được một thời gian an ổn thoải mái.

Bấy giờ khí hậu ở đây thật là nóng bức, nắng lửa mưa dầu. Mỗi buổi trưa, Thiếu tá Hồng Thu, đại đội trưởng Quân Cảnh Dù, Thiếu tá Đàn, Tâm Lý Chiến, Thiếu tá Bằng, đại đội trưởng Tổng Hành Dinh, Thiếu Tá Tôn Thất Hiếu, đại đội trưởng Truyền Tin, Đại Úy Nguyễn Thanh Nhàn, Tiểu đoàn Công Binh, và tôi,....thường rủ nhau ra sông An Lỗ tắm.

“Sông An Lỗ nắng đục mưa trong” (phỏng theo câu ca dao nói về sông An Cựu). Bấy giờ là mùa mưa, nước sông trong leo lẻo, chúng tôi thường bơi ra giữa dòng, rồi nắm tay nhau lặn thi, ai nổi lên trước thì thua chầu đãi nhậu tại chỗ. Trên bờ sông có quán bán cua luộc và hột vịt lộn, chúng tôi lặn xong rồi lên uống bia với cua cũng vui vẻ lắm. Thiếu tá Đàn rất rộng rãi, anh thường đãi chúng tôi đi ăn bún bò Mụ Rớt ở Gia Hội, hoặc Cơm Âm Phủ ở gần Đập Đá, anh nguyên là Cảnh sát trưởng một Quận trong Thành Phố Sàigòn.

Một hôm Thiếu tá Hiếu lái trực thăng C&C của Tướng Lưỡng, chở chúng tôi ra cửa Thuận An tắm biển, rồi tới nhậu mực tươi của Thiếu tá Chỉ huy Trưởng căn cứ Hải Quân tại đây, anh nầy cùng khóa 16 Đà Lạt với Thiếu Tá Bằng. Mực tươi luộc đựng đầy trong thau to trông thấy ớn! Vì anh phi công trưởng nầy khóa 21 Đà Lạt nên rất chịu chơi; một hôm khác, anh cho Thiếu tá Hiếu lái chở chúng tôi ra Đà Nẵng nhậu xong rồi về trong ngày, để mọi người kịp dự thuyết trình trong phiên họp tham mưu mỗi buổi chiều của Sư đoàn.

Trong cuộc chiến Việt Nam, chiến sĩ Dù thường phải đi khắp nơi để đánh dẹp quân thù, chúng tôi ngoài việc thường xuyên xa nhà, sống trong rừng thiêng nước độc, ngày đêm chạm mặt quân thù. Những ngày dừng quân tiếp tế hoặc đợi lệnh hành quân kế tiếp, mọi người thường đi tham quan thắng cảnh hoặc rủ nhau chè chén cho đỡ lòng nhung nhớ vợ con, thân thuộc.

Rồi ngày tái chiếm Quảng Trị sắp đến, Bộ Tư Lệnh họp các Lữ Đoàn Trưởng, các phòng ban lia lịa; và cho tổ chức buổi thuyết trình hành quân mời các đơn vị tăng phái, phổ biến rộng rãi ngày chuẩn bị vượt sông Mỹ Chánh tấn công tái chiếm Quảng Trị. Nội tuyến và tình báo địch nhận được tin, chúng cho dàn trận chờ đưa các đơn vị ta vào rọ, nào xe tăng T-54, T-64, PT-76, Phòng Không 30 ly, đại bác 130 ly,...cùng các Sư đoàn chánh qui của quân Bắc Việt. Thật là một lực lượng hùng hậu chưa từng thấy, một con kiến cũng khó qua, một con ruồi cũng bay không lọt! Nhưng.....

Ngày N đã điểm các đơn vị quân Nam chuẩn bị như sẵn sàng xuất quân nhưng không thực sự tiến quân (chỉ dùng kế nghi binh), đêm trước đó các Pass B-52 trải thảm liên tục bên bờ Bắc sông Mỹ Chánh; các Phi tuần Khu Trục, Pháo binh 105 ly, thay nhau nả vào các tuyến án ngữ suốt ngày, khiến địch bị tơi bời. Quân CSBV giống như bị thiên lôi đánh, không thể ngóc đầu dậy tháo chạy được !

Rồi vài hôm sau, ngày 7 tháng 5 năm 1972 (lại một mùa hè đỏ lửa) trong khi địch quân không còn dám tập trung gần bờ sông Mỹ chánh, trong khi họ chưa hồi sức bởi trận thiên lôi giáng; các đơn vị sau khi đã trực tiếp nhận khẩu lệnh (để giữ bí mật tuyệt đối), bắt đầu xuất quân. Sư đoàn Dù phụ trách phía Tây Quốc lộ 1, bên cánh phải có Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Một giờ khuya, TĐ1ND vượt sông Mỹ Chánh đánh bất ngờ, khiến địch trở tay không kịp, mới mờ sáng đã nghe họ báo cáo tịch thu tới 11 khẩu đại bác Phòng Không 30 ly!

Cánh TĐ11ND do Thiếu tá Mễ làm TĐT và Thành Râu, TĐP, từ Phong Điền tiến về hướng Tây Bắc, đuổi địch chạy qua bên kia sông. Vào nửa đêm 14/5, chúng trở lại phản công, pháo dữ dội vào tiểu đoàn, rồi các chiến xa địch lù lù tiến vào vị trí phòng thủ. Lúc ấy TĐT Mễ đã bị thương, Thành Râu (xử lý TĐT) đứng trên đỉnh đồi dùng ống dòm Hồng Ngoại Tuyến thấy bóng nhấp nhô như bầy “Cua đinh” lấp loé ánh đèn của đoàn xe tăng giống một đàn đom đóm, Thành vội gọi pháo binh bắn chận. Đại úy Triệu cho bắn đạn CVT để tiêu diệt đám bộ binh tùng thiết, nếu mảnh đạn mà trúng vào thùng xăng thì những con cua đinh sẽ trở thành “Cua rang muối” ngay lập tức. Một chiếc bị pháo cháy, nhưng chiến xa và tùng thiết địch vẫn tiến, đại bác 76 ly và đại liên 12.8 ly từ trên pháo tháp nả vào TĐ11ND. Chờ tới gần, binh sĩ dùng súng chống chiến xa M-72 và Hỏa tiễn lân tinh 4 nòng MX202 bắn hạ hết 8 chiến xa địch, ngoài ra binh sĩ còn dùng lưỡi lê, lựu đạn để tiêu diệt những tên tùng thiết ngoan lỳ dám xong vào tuyến phòng thủ của tiểu đoàn.

Ở xung quanh đồi Trần Văn Lý (tên của một Thiếu úy thuộc TĐ11ND đã hy sinh tại đây), các đơn vị đã dùng hỏa tiễn Tow diệt thêm 7 chiến xa địch. TĐ11ND sau đó tiến lên diệt 3 nút chận quan trọng khác là nhà thờ La Vang, căn cứ Trung Đoàn 3 BB cũ, và Chi Khu Mai Lĩnh để trợ giúp cho TĐ5ND và TQLC tiến đánh Cổ Thành. “Tinh thần” TĐ11ND lúc bấy giờ rất hăng hái vì nhân dịp giỗ thất tuần của cố Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Đình Bảo, toàn thể chiến sĩ quyết tâm “Rửa hận” trận Charlie và họ đã chiến thắng nhờ ba yếu tố:

1. Đơn vị đã xử dụng 24 phản lực cơ yểm trợ một lúc, phi cơ bay rợp trời, dùng “Smart Bomb” để tiêu diệt chiến xa.

2. Ngay cả một sĩ quan tâm lý chiến của Tiểu đoàn với độ cận thị rất nặng, vậy mà đã xử dụng và chỉ huy toán “Hỏa Tiễn Tow” tiêu diệt nhiều chiến xa địch.

3. Thả bom B-52 cách tuyến phòng thủ chỉ có 700 thước, để tiêu diệt Chiến xa và Bộ binh địch (đây không phải là khoảng cách an toàn tối thiểu cho loại phi cơ chiến lược nầy)

LĐ2ND chiếm các căn cứ ở đỉnh cao dãy Trường sơn như Barbara, Động Ông Đô (những tên nầy được đặt sau hiệp ước đình chiến), và chiếm đỉnh cao (căn cứ Ann sau nầy) đặt các khẩu pháo 155 ly ở hướng Tây Ái Tử. Các tiểu đoàn thuộc LĐ2ND, báo cáo tịch thu trên 2000 khẩu súng, trong đó có phòng không 30 ly, đại bác, và hỏa tiễn đủ loại. Ngoài ra các đơn vị còn tiêu diệt nhiều chiến xa của địch. Thiếu tá Đào Thiện Tuyển, TĐP/TĐ8ND, báo cáo thấy nhiều đồ lót phụ nữ và nghe nhiều tiếng chửi chí chóe của các cô hộ lý tại căn cứ 18 (Đại tá LĐT Nguyễn Thu Lương định đặt tên Căn cứ 81, nhưng Trung tá Tuyển sợ kỵ húy ảnh hưởng không tốt cho ĐĐ81 của ông, nên đổi ngược là cô gái 18):

- Đ.M. các ông chạy bỏ chúng tôi lại không kịp dẹp nồi niêu, son, chảo,... như vậy thì còn bố chi mà nấu nướng đây?

Cánh quân các tiểu đoàn khác, trong đó có Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù cùng nhau Bắc tiến đánh đuổi địch ra khỏi các quận Triệu Phong, Hải Lăng khi tới Ngã Ba Long Hưng thì bị khựng lại. Tại đây địch đã làm tuyến án ngữ từ Ngã Ba tới cầu Thạch Hãn, TĐ5ND và đơn vị bạn phải dùng cận chiến, đôi bên đều tổn thất nặng nề. Nhờ vậy địch quân lùi vào tử thủ cổ thành Đinh Công Tráng. Một đại đội của Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đã lên được Cổ Thành, nhưng bị một trái bom của Mỹ thả gần quá làm tổn thiệt một số chiến sĩ dũng cảm ở trên bờ thành. Sau khi TĐ5ND rút ra đi về mục tiêu kế tiếp ở phía Tây Quốc Lộ I, phi cơ tiếp tục dội bom làm tan nát cổ thành, một đơn vị của TQLC đã nhào lên chiếm được vị trí quá kiên cố đó, và địch quân chịu không nổi phi pháo, nên rút chạy về phương Bắc (nhưng sau trận nầy, cổ thành sụp đổ tan tành, mất tiêu dấu vết cổ kính của một di tích lịch sử!)

Trong một thời gian hạn định, Tướng Ngô Quang Trưởng đã điều động 2 đơn vị Tổng Trừ Bị tái chiếm lại được Quảng trị, nơi địch quân đã dồn hết lực lượng chủ chốt để thách đố quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tướng Trưởng đã diệt địch không phải bằng một cuộc phản công đại quy mô, mà bằng những cuộc tấn kích nho nhỏ và liên tục, mỗi ngày một khác và ở những địa điểm không giống nhau, nhằm mục đích tiêu hao để rồi diệt gọn địch. Ông tiếp tục cho hành quân phản công lấn đất lần về đến thị xã Quảng Trị. Sau đó chiếm lại thành phố và bao vây cổ thành Quảng Trị, rồi trương cờ lên cổ thành Đinh Công Tráng. Ông cho lệnh bố trí quân phòng thủ phía Nam sông Thạch Hãn, dùng phía Bắc bờ sông như vùng trái độn để củng cố và tổ chức các tuyến phòng ngự, xử dụng trọng pháo tối đa để ngăn chận địch quân tiến gần bờ sông (nói thêm là sau trận chiến thắng nầy, tướng Trưởng có được một cháu trai, ông đặt tên là Trị). Ngũ Giác Đài và các danh tướng ngoại quốc hết sức khâm phục sự chiến đấu dũng cảm của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung, Sư Đoàn Dù và Sư Đoàn TQLC nói riêng.

Sau trận nầy, địch quân hoàn toàn mất khả năng chiếm giữ Thị Trấn Quảng Trị, vì cổ thành đổ nát, Thị Xã tan tành bởi bom, đạn pháo; nên chánh quyền lập thị trấn mới tại Quận Triệu Phong, Phía Bắc sông Mỹ Chánh. Địch quân núp vào dãy núi Trường sơn ở phía Tây, thỉnh thoảng pháo vài quả khuấy rối, như để chứng tỏ còn hiện diện tại đây. Vì vậy các đơn vị Dù thay phiên nhau lên các đỉnh núi cao trong dãy Trường Sơn, lập căn cứ đóng đồn giống như Địa Phương Quân.

Điều đáng buồn là Đại tá Nguyễn Trọng Bảo, Tham mưu trưởng SĐND, đi quan sát bằng trực thăng, chẳng may máy bay bị địch bắn trúng và rớt xuống vùng phía Đông Bắc cầu Mỹ Chánh, ông bị tử thương cùng Trung tá Huỳnh Long Phi, pháo binh. Đại úy Lang bị thương chân và phỏng nặng cấp ba, còn Đại úy Công binh Nguyễn Thanh Nhàn thì thật may thoát khỏi nạn vì vợ ra thăm nên đại úy Lang đi thế. Tin nầy làm Tướng Đống nằm bịnh liệt giường hết mấy ngày, vì ông rất thương vị Tham Mưu Trưởng đã từng giúp ông rất đắc lực trong nhiều năm qua.

Tháng 3 năm 1973, xe Jeep chở tôi chạy tới cua quẹo gần cầu Phong Điền thì bỗng bị lạc tay lái, xe lật nhào xuống lề đường sâu thoai thoải; tôi đang ngồi ở ghế trưởng xa, bị văng ra ngoài, lưng chạm vào viên đá, gây chấn thương cột sống, hai chân bị tê liệt, mất cảm giác và không thể cử động từ thắt lưng trở xuống! Thế là đời binh nghiệp chấm dứt từ đây!

Chương 4
Gãy Gánh Giữa Đường

1. Tai Nạn Thảm Khốc
Năm 1973 tôi ra thăm toán Tác chiến điện tử tại LĐ1ND, ở bờ Nam sông Mỹ Chánh thuộc tỉnh Quảng Trị. Trên đường về xe Jeep bị lật ở khúc cua quẹo ngay chân cầu Phong Điền khiến lưng tôi chạm nhằm viên đá, gây chấn thương cột sống! Thế là cuộc đời gãy gánh giữa đường !!!

Sau khi tỉnh dậy chờ xe cứu thương di tản, tôi bi quan nằm ngó trời đất mênh mông. Nghĩ đến số phận tàn phế của mình, chẳng lẽ phải tiếp tục kéo dài cuộc sống không lạc thú nầy hay sao? Nghĩ đến người vợ còn trẻ tuổi (chưa đầy ba mươi!), tôi muốn tự giải thoát để không liên lụy cuộc đời son trẻ của nàng. Nhưng khi nhớ đến ba đứa con còn nhỏ dại rồi đây sẽ ra sao ? Chỉ trong mấy phút mà đầu óc suy nghĩ đủ thứ. Cuối cùng tôi quyết định không buông xuôi, phải cố gắng tồn tại, dùng bộ óc và kiến thức sẵn có để dìu dắt các con cho nên người rồi sẽ tính sau.


a). Tại Bệnh Viện Cộng Hòa

Khi được chở về tới Trạm xá ở bộ Tư Lệnh Sư đoàn Nhảy Dù, nhìn thấy Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh SĐND, Đại tá Phước, Tư Lệnh Phó, tới thăm; nhưng tôi cứ nhắm mắt buông xuôi. Lúc đó tôi không muốn gặp ai, chỉ mong được yên lặng để tiếp tục suy nghĩ về số phận tương lai của mình.

Sáng hôm sau, đích thân Bác sĩ Trần Khắc Niệm, Y Sĩ Trưởng, kiểm soát lại bệnh tình rồi gọi về Hậu cứ nói Bác sĩ Tường cho người đón và đưa tôi thẳng vô Bệnh viện Cộng Hòa để kịp giải phẫu lấy máu bầm sớm, may ra cứu vãn được phần nào hệ thần kinh tủy sống. Bác sĩ Niệm, Bác sĩ Tường, y sĩ trưởng bệnh viện Đỗ Vinh, là những người bạn rất tốt. Lúc bình thường Cò Thu, tôi, và anh Niệm thích chơi bóng chuyền với nhau, tại sân Trạm xá Quân y. Chúng tôi cũng ưa rủ nhau ra thành phố Huế du ngoạn nơi các Lăng Miếu cổ xưa, vào Hoàng Cung Đại Nội xem các di tích lịch sử và ăn bún bò nổi tiếng ở Gia Hội,...nhưng từ đây tôi sẽ không còn những ngày huy hoàng đó nữa!

Vô Bệnh Viện Cộng Hòa, họ chụp quang tuyến và đưa đi mổ ngay. Đây là cuộc giải phẫu lớn, gần một buổi sáng mới xong. Khoảng nửa ngày thì tôi tỉnh dậy, thấy miệng khô và khát nước vô cùng! Nhưng họ không cho uống, chỉ lấy bông gòn thấm nước thỉnh thoảng để trên môi cho thấm xuống chút xíu, vì mới mổ mà uống nước sẽ nguy hiểm. Lúc ấy tôi bị hành sốt và lạnh run, miệng đánh bồ cạp liên tục! Y tá đấp mền và lấy đèn sưởi mà không đỡ chút nào, thân nhân đứng ngoài phòng kiến nhìn cảnh như vậy mà đau lòng xót ruột.

Vợ tôi sau nầy kể lại là thường ngày tôi rất kỹ, trước khi ăn đều rửa tay, vậy mà hôm đó cục bông gòn ướt rớt xuống nệm dơ bẩn, tôi vẫn cứ lượm lên liếm một cách ngon lành, giống như những em bé thèm kẹo cục vậy!

Ở Hậu giải phẫu một thời gian, họ đưa tôi tới phòng điều trị, tại đây có một số sĩ quan bị thương cột sống như :

* Thiếu Úy Nguyễn Văn Tuân, khóa 24 ĐL, còn độc thân. Anh mới ra trường 6 tháng thì bị bắn trúng ngay xương sống, chỉ có bà mẹ già gần 70 tuổi vào nuôi bịnh. Tuân bị lở nhìn thấy cả xương khu, vết to bằng bàn tay, hằng ngày phải rửa nước biển, chữa trị suốt cả năm vẫn chưa lành.

* Chuẩn úy Linh, vừa mới cưới vợ một tháng, bị thương giống Tuân; tội nghiệp vợ Linh còn trẻ đẹp mà sớm chịu cảnh nầy! Hằng ngày chị chăm sóc Linh rất chu đáo và tận tình.

* Chuẩn úy Sơn, xương sống không vỡ; nhưng bị chấn thương, làm ảnh hưởng thần kinh tủy. Sơn bị loại liệt mềm, đôi chân thường co giựt. Ba má và em trai hằng ngày thay phiên vào chăm sóc. Sau ngày mất nước, vì sinh kế, gia đình về quê làm ruộng; nhưng dân ở đó nghèo quá làm bậy. Họ vào nhà Sơn ăn trộm; má Sơn thấy la lên, bị họ đánh trúng cổ, gây chấn thương cột sống và tê liệt 2 chân giống con! Gia đình Sơn phải trở về Phú Nhuận sống lây lất qua ngày. Tội nghiệp ba và em trai của Sơn phải làm việc vô cùng vất vả, để đùm bọc, chăm sóc hai mẹ con bị bịnh hiểm nghèo nầy. Má Sơn chịu đựng được mười năm và vừa mới mất hai năm trước.

* Thiếu úy Lạc cũng còn độc thân như Sơn và Tuân, bà mẹ ở Bến Tre lên chăm sóc anh rất kỹ. Lạc có tiến triển, vài dây thần kinh phục hồi dần, đôi chân cựa quậy chút chút. Sau nầy trước khi xuất viện về Bến Tre, anh đứng được tập đi bằng cách vịn trong hai thanh paralel.

* Đại úy Bếp, Đại đội trưởng công vụ Liên đoàn Biệt Động Quân, căn cứ ở gần cầu Bình Lợi, anh bị thương vì pháo kích. Trung tá Hồng, Liên Đoàn Trưởng, cũng bị thương chân trong ngày đó, nằm ở trại sĩ quan cao cấp (sau nầy họ chuyển tôi xuống nằm cạnh phòng Trung tá Hồng). Gia đình anh Bếp coi bộ khá giả, chị nói cho ăn ổ yến, nên có tiến triển và phục hồi đôi chút, anh thường đi ngâm đôi chân vào hồ nước xoáy.

Cũng từng là Đại đội trưởng Chỉ huy Công vụ như anh, nhưng bà xã tôi, những ngày cuối tháng chưa kịp lãnh lương, phải qua bà Thượng sĩ Bạc (Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù) mượn tiền đi xe Lam vô thăm nuôi!

Thật ra làm Đại Đội Trưởng muốn giàu có thì không được, nhưng muốn có chút ít xài vặt cũng không khó. Lúc còn ở Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, Trung sĩ Dậu, kế toán trưởng, thấy gia cảnh tôi quá đơn sơ đạm bạc, ở nhà lợp “Tôn” nóng bức. Đích thân Dậu và anh thợ hớt tóc kiêm thợ mộc tên Tám đi kiếm thùng đạn pháo binh về đóng “La phông”, để có thể nằm nghỉ trưa; anh và Tám còn đóng một cái giường, tuy thô sơ nhưng lòng tôi rất ấm cúng, vì đó là tình nghĩa, là tấm lòng tốt của Dậu và Tám, nhưng lòng tôi vẫn ái ngại mỗi khi nghĩ đến chuyện nầy.

Có lần má của binh nhì Dũng, một người giàu có, nhà thầu khai thác trục Đa Sa (đường dẫn vào trường Võ bị Đà Lạt), đến văn phòng đại đội nhờ Dậu giúp đỡ dùm. Vì Dũng thích Nhảy Dù quá nên bỏ học, chưa đủ 18 tuổi mà đã trốn nhà đi lính; khiến ai nấy đều lo âu sợ sệt. Bà tìm đến nhà tôi nhờ giúp đỡ và hứa sẽ hậu tạ, thấy Dũng còn vị thành niên, tôi cho em ở Trung đội Chỉ huy, bớt nguy hiểm phần nào, nhưng không nhận thù lao, chỉ lấy bó hoa hồng Đà Lạt thôi.

Dậu rất tốt và hiểu tôi nhiều nhứt, hôm Tết tôi treo tiền cho đội lân nhà, sau khi kiểm điểm, thấy dư thừa cho buổi tiệc Tân Niên. Dậu bàn với Trường đem hoàn lại số tiền; nhưng vợ tôi không nhận, coi như ủng hộ phần nhỏ mọn nầy cho anh em binh sĩ vui chơi trong ba ngày Xuân. Dậu và Trường thật chí tình và trung tín, dầu đi đâu hay ngay khi ngồi viết bài nầy, tôi vẫn hồi tưởng lại và thương mến họ, cùng các anh em từng sống chết có nhau, ở Đại đội 91 Nhảy Dù.

Một trong những bịnh bi đát và khổ sở nhất là bịnh chấn thương cột sống; hệ thống bài tiết bị đình trệ, gần như không còn hoạt động tốt và gây rất nhiều biến chứng. Họ để ống “Xông” vào bọng đái thường trực gây ra nhiểm trùng, chuyền lên tới hai quả thận. Riêng tôi còn bị ống xông loại cứng quá làm lủng từ bọng đái xuyên qua ruột già, khiến nước tiểu chảy qua đường hậu môn! Lúc đó họ định mổ tách ra, nhưng thấy tôi còn yếu nên tìm loại ống xông đặc biệt đặt thường trực và bơm nhiều thuốc trụ sinh vào chai nước biển diệt vi trùng để bảo vệ thận. Họ cho trụ sinh nhiều quá đến đổi cơ thể tôi không còn tiếp nhận được Pénicilin, hễ chích vào sẽ bị phản ứng, ngay cả uống Ambicilin cũng vậy.

Còn việc đại tiện thật là bế tắc, mỗi ngày tôi nhìn thấy ra ba cục “Thuốc tể” thì mừng rỡ, nhưng nếu lớn bằng ba cục “Cứt dê” thì trong người thật khó chịu! Cứ ôm cái bụng chình bình; không còn muốn ăn uống gì nữa; lúc đó tôi ốm yếu cân mất hơn 50 pounds (gần 25 kí lô!).

Cháu Thành bấy giờ đã hơn 3 tuổi, ngày nào cũng theo má vào thăm tôi. Nó ưa leo lên giường nằm cạnh bên, khiến mọi cơn đau đớn về thể xác như tiêu tan mất hết. Có lần đi ngang qua hai chân, thấy tôi đang lót báo, nó vội lật đật nhảy xuống cái rột, thật là đáng “Ghét” vô cùng.

Trước đó, mỗi khi Biệt Đội được ở hậu cứ, sáng nào nó cũng canh thức sớm, leo lên xe Jeep theo tôi vào văn phòng làm việc. Thành thường trèo lên bàn lấy viết vẽ lung tung; nó thích cho chú tài xế chở đi chơi vòng vòng. Các sĩ quan và quân nhân trong Biệt Đội đều thương nó. Mỗi lúc đi hành quân xa, tôi thường lén thức dậy một cách nhẹ nhàng để trốn ra phi trường, nhưng lần nào cũng không gạt được, tôi vừa ngồi dậy là nó liền mở mắt đen thui, làm như đã canh sẵn hồi nào tới giờ.

Khi máy bay bắt đầu lăn bánh ra phi đạo, tôi nhìn nó mà ứa nước mắt, thật sự không muốn rời xa con chút nào; nếu đào ngũ được tôi cũng muốn làm. Có lần Huy lúc ở Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù đã đào ngũ; vậy mà ra Quảng Trị, hắn cũng dám lại thăm tôi như thường (đơn vị Nhảy Dù chỉ cần người tình nguyện. Những ai quá nặng nợ, không kềm giữ được bản thân thì không giúp gì cho đơn vị thiện chiến nầy). Vì vậy khi có con cái đùm đề, nặng nợ gia đình, chần chừ mỗi khi đi hành quân xa, lúc đó tôi cảm thấy không xứng đáng mang danh binh chủng nầy chút nào!

Nhà thương của Việt Nam đâu có máy lạnh nhiều như ở Mỹ, chúng tôi ai cũng bị lở (mông hoặc xương khu) vì hầm hơi, mặc dù thỉnh thoảng cũng nhờ thân nhân giúp trở mình qua lại. Tôi chỉ bị nhẹ, trong khi Tuân và Sơn thì lở rất nặng; nhưng vết mổ của mọi người đều lành thật chậm. Hằng ngày vợ tôi phải rửa bằng nước biển và băng bó kỹ lưỡng nhưng cũng không gom mặt. Sau nầy khi hành quân về, bác sĩ Niệm có tới thăm và cho hộp “Bô Mát” làm bằng một loại nấm gì ở Phi châu, do Pháp sản xuất. Khi thoa vài lần, thấy vết thương có tiến triển, tuy đắt tiền nhưng bà xã tôi vẫn kiếm mua, xức trong vài tháng thì lành hẳn.

Vết lở của tôi bằng đồng bạc mà cũng nửa năm và tốn rất nhiều típ bô mát mới hết, đây đúng là bịnh nhà giàu! Vì mỗi lần lở lâu lành nên tôi giữ gìn rất kỹ; ngày nào cũng tắm rửa sạch sẽ; tối nào cũng thức giấc nhiều lần để trở mình (thói nầy tập quen từ năm 1973 và đi theo tôi tới giờ đã gần 25 năm!).

Không khí sinh hoạt ở đây cũng dễ chịu, đồng cảnh thường thương mến giúp đỡ lẫn nhau. Thân nhân được đôi chút an ủi vì những người xung quanh ai cũng nồng nhiệt; lúc rảnh rỗi mấy bà thường tụ họp chuyện trò thăm hỏi nhau, trong đó đề tài chánh thường bàn về vết lở và táo bón của người thân họ.

Một tháng sau, Sĩ quan Đại diện SĐND vào bệnh viện gắn cho tôi cấp bậc Thiếu tá và chuyển xuống trại sĩ quan cao cấp. Tại đây, cấp Trung và Thiếu tá thì hai người một phòng, Đại tá ở phòng có máy lạnh, cấp Tướng thì rộng rãi và tiện nghi hơn. Trưởng trại sĩ quan cao cấp là Trung úy Hai, sau ngày mất nước, nghe nói anh là nội tuyến nằm vùng (chỉ nghe nói chứ chưa xác định rõ). Dãy nhà cấp Tướng, lúc đó có Ngô Quang Trưởng,Tư Lệnh Quân Đoàn I và Phó Tổng Thống Trần Văn Hương,...Cụ Hương chỉ thích nằm võng chứ không chịu nằm giường. Nghe nói Tướng Trưởng đã bất mãn vụ gì đó nên khai bịnh như để phản đối một cách tiêu cực.

Tôi nằm cùng phòng với Thiếu tá Anh, là Phi công lái F-5 đầu tiên của ngành không quân. Anh ra ngoài Bắc oanh tạc, máy bay trúng đạn, bị thương ở chân. Mỗi tối có một binh sĩ Biệt đội thay phiên đến trông nom, vì vợ tôi lo ở nhà coi sóc 3 đứa con còn nhỏ dại. Tội nghiệp cháu Thiện lúc đó mới sanh 7, 8 tháng, ở nhà với anh Tâm (mới 6 tuổi) và chị Hảo, người giúp việc cho gia đình mấy năm nay.

Cháu Hảo là con của một Trung sĩ Dù, nhà trong trại Hoàng Hoa Thám, tánh tình cương trực không tham lam. Có lần bà xã tôi mua giấy số, cầu mong có chút đỉnh tiền lo cho chồng, con. Nhưng vì đầu óc bối rối lo lắng đủ điều, tiền lương cố định; mà phải nào là thuốc men, nào là cơm gạo và nhất là phải có tiền mua sữa cho cháu Thiện nữa. Mắt thì dò giấy số mà đầu óc cứ nghĩ đâu đâu, như Tú Xương đã nói về vợ:

....Nuôi nấng ba con với một chồng (đang bịnh)

Lặn lội thân cò khi quãng vắng....

Hảo lượm giấy số đã quăng bỏ lên coi lại, bỗng la lớn:

__ Trúng cặp 7 một trăm ngàn rồi cô ơi !

Vợ tôi không tin, nhưng cũng miễn cưỡng coi, bỗng mắt nàng sáng lên vì quả thật là trời đã ngó lại!

Ở trại sĩ quan cao cấp, mỗi ngày tôi mang giày nẹp tập đi trong hai thanh paralel; ngoài ra còn lo vô nước biển, trong đó có thuốc trụ sinh, để chữa bệnh nhiễm trùng đường tiểu gây ra do đặt ống xông lâu ngày. Điều trị hơn một năm thì sức khỏe tôi hồi phục dần, hằng ngày có thể tự lăn xe đi vòng vòng trong khu trại nầy, và mỗi buổi sáng thường ra phơi nắng. Chiều tới, khoảng năm giờ là bắt đầu thấy buồn, vì hai mẹ con sửa soạn ra về, nhất là cháu Thành cứ quay lại vẫy tay chào làm tôi ứa nước mắt.

Không hiểu tại sao lúc đó tôi dễ nhạy cảm và con người quá yếu đuối? Có lần Thành nghịch ngợm, mẹ nói hoài không nghe, nên giận quăng đôi giày của nó ra sân; chỉ có vậy mà tôi cũng chảy nước mắt. Có lẽ trước kia tôi còn nghĩ đến quyền quý danh vọng, bây giờ thì mất tất cả. Chỉ còn lại bốn mẹ con yêu thương trong tầm tay, tôi muốn họ lúc nào cũng được yên vui hạnh phúc mãi mãi, không ai được động tới họ.

Những ngày ở bệnh viện buồn chán, may nhờ có mấy đứa con vô chơi nên tôi cảm thấy yêu đời dần dần và tự nhủ thầm: hãy bỏ mọi ước mơ ảo tưởng qua một bên, không nhìn về quá khứ để ngồi than thở, hối tiếc; mà nên bằng lòng với định mệnh để nắm giữ cái hiện hữu thực tại, và cố ngoi lên trong khả năng hạn chế của mình (Thực sự nếu cứ ngồi một chỗ để cằn nhằn so bì tại sao mình không đi đứng được như người ta, tại sao mình không có nầy không có nọ như người ta? Tại sao và tại sao,....thì thà xuống địa ngục còn sướng hơn)

Thân thể tuy bất toàn nhưng không có nghĩa là cuộc đời đã chấm dứt; đôi chân không đi được nhưng khối óc vẫn còn nguyên vẹn. Nước chảy đá mòn, thời gian dài chịu đựng sự dày vò về thể xác lẫn tâm hồn suốt năm qua; vẫn không bào mòn được ý chí phấn đấu sẵn có trong con người từng xong pha vào làng tên mũi đạn quân thù như tôi. Mấy tháng nay tôi luôn tranh đấu với bản thân, quyết tâm hướng về tương lai, bỏ lại những quá khứ đau buồn từ ngày bị tai ương tàn khốc!

Sau khi nghĩ thông suốt, tôi thường tự an ủi bằng cách so sánh với những người có cảnh ngộ khó khăn hơn mình. Như những người bị liệt tứ chi chẳng hạn, họ còn khổ sở hơn rất nhiều: hai tay cử động yếu ớt, khó thở vì phổi không được bình thường. Hoặc so với những người bị ung thư bất trị, hoặc những người già yếu lụm khụm. Ôi thế gian nầy còn biết bao nhiêu người đau khổ hơn mình; tại sao họ chịu đựng được, còn mình đường đường là một nam nhi, đã từng tôi luyện trong lò luyện thép tại Đà Lạt, đã từng “Nhảy Dù Cố Gắng”, chỉ huy binh sĩ trong các mặt trận thập phần nguy hiểm như Tết Mậu Thân ở Quảng Trị, Huế, và Vùng Ven Đô Sàigòn. Nào là mặt trận Tây Ninh, nào là Bình Long Anh Dũng, nào là vùng Phi Quân Sự, Hạ Lào,Campuchia,... Rồi tôi nghĩ đến những nhà tu hành đạo đức; họ đâu chú trọng về hưởng thụ bản thân, đã một lòng hướng thiện và cứu rỗi chúng sanh đang đau khổ vì cái vòng lẩn quẩn: sinh, lảo, bịnh, tử.

Bây giờ đã thấu triệt, nhờ vậy tôi cảm thấy thoải mái và xin xuất viện về nhà để gia đình tránh khỏi một kiểng hai quê, hòng có dư chút đỉnh mua sữa cho cháu Thiện hiện còn quá thơ dại.


Каталог: stories
stories -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
stories -> -
stories -> TỜ khai thông tin của ngưỜi khuyết tật phần I cá nhân ngưỜi khuyết tậT
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
stories -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ ngh ĩa việt nam ban an toàn giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
stories -> BỘ CÔng thưƠng số: 1057/QĐ-bct cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
stories -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
stories -> Đôi lời Ân tình

tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương