ĐÀNg sau việc phạm tội là GÌ?



tải về 25.7 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.02.2018
Kích25.7 Kb.
#36265
ĐÀNG SAU VIỆC PHẠM TỘI LÀ GÌ?

Trong những ngày mùa chay, đặc biệt, những ngày cận và trong tuần Thánh, rất nhiều người đi xưng tội. Người ta tỉ mỉ xưng thú đủ thứ tội, từ tội trong lời ăn tiếng nói, rồi tội trong tư tưởng, tội trong hành động, đến cả những “tội quên, tội sót phạm trót đời con”, nghe mà… tội nghiệp. Người ta còn kể lể chính xác đã xưng mấy tháng, nhớ kỹ mỗi tháng phạm tội mấy lần… Thậm chí, có người đã bỏ xưng tội rất nhiều năm, khi đến xưng tội, mọi thứ được gộp chung một câu cho chắc ăn: “Tội gì cũng có”. Gọi là xưng tội, nhưng xưng theo kiểu tội gì cũng có, thực chất, chẳng xưng gì cả…

Nhưng đàng sau những kiểu xưng tội ấy là gì? Phải chăng như thế đã là sám hối, và chúng ta chỉ cần có thế là đủ cho cái gọi là “sống đạo”?

Không ai trách móc người Công giáo khi họ xưng thú từng chi tiết những tội bỏ kinh sớm tối, chia lòng, chia trí, ngủ gục khi dự lễ, cầu kinh. Chẳng ai trách khi họ xưng thú những tội rất đời thường: trách móc nhau, oán giận nhau, khó ưa lẫn nhau… Hoặc trong các nghĩa vụ đạo đức như kiêng khem, hy sinh… Và những lề luật khác liên quan đến giáo luật như bỏ chay tịnh, bỏ kiêng thịt, bỏ lễ buộc, bỏ mùa Phục Sinh…

Cả những anh chị em chỉ giữ đạo theo mùa: Cứ vào mùa (Vọng, Giáng Sinh, Chay, Phục Sinh), ta làm nghĩa vụ cho xong, cho rồi. Đến lúc ra mùa, hoặc tệ hơn, ngay sau khi rời tòa giải tội, trở về đời thường, ta đã từng sống thế nào, sự sống của ta cứ thế ấy, không một chút biến đổi, không một chút mềm lòng. Lại chờ đến mùa sau, ta lại làm bấy nhiêu việc. Cứ thế… cứ thế…, hết mùa này đến mùa khác, ta chỉ tìm trấn an lương tâm bằng những việc làm máy móc. Bởi vậy, việc nhiều người xưng tội như hiện nay, một mặt, đó là dấu hiệu đáng mừng, nhưng xét về khía cạnh nào đó, nó vẫn cứ là vấn đề cần xem lại… Kể cả những ai, nhất là các đôi nam nữ vừa ngồi cùng nhau trên chiếc xe gắn máy ở một góc nào đó trong khuôn viên nhà thờ, vừa trao đổi tâm tình, vừa… nghe lễ từ xa xa, phía bên trong nhà thờ, cũng là một dạng thức lệch chuẩn của lương tâm…

Một lý do rất đơn giản khiến người ta tấp nập đến tòa giải tội trong những ngày cuối mùa Chay và tuần Thánh, đó là chuẩn bị lòng mình mừng lễ Phục Sinh. Tôi không có ý “bới lá tìm sâu”, bẻ quanh vấn đề đi xưng tội. Càng không bao giờ có ý chống việc xưng tội. Bởi ai cũng biết rõ, việc xưng tội trong những ngày cực thánh này là việc làm tốt, là việc hệ trọng, không ai chống đối. Nhưng dù với lý do rất hay, rất đẹp là dọn lòng mừng lễ Phục Sinh, thì bên cạnh điều tốt, hình như bao giờ cũng có những điều, tuy chưa hẳn là xấu, nhưng có thể chưa hay. Bởi biết đâu, trong những hàng dài người nối tiếp người, chờ cáo giải, vẫn có ai đó, chỉ xưng tội như một thói quen, không hề có chút ý thức về tội, về tình trạng tội của mình, càng không bao giờ nghĩ tới lòng thương xót của Chúa mà chỉ tìm một lối thoát tạm thời trấn an lương tâm.

Đành rằng, lòng thương xót của Chúa là vô cùng, chỉ cần lòng người nhận ra sự yếu đuối của mình, là có thể chạm đến lòng thương xót ấy, là có thể lãnh nhận ơn tha thứ. Nhưng nếu tìm tòi kỹ lưỡng hơn, đi đến tận nguồn, tận ngọn của vấn đề, ta nhận ra, trong cách xưng tội của nhiều người như vừa kể, vẫn có điều bất ổn, vẫn ẩn giấu bên dưới cách xưng tội, cũng như những tội được xưng thú, ngay cả việc người ta tấp nập đến tòa giải tội trong những ngày cực trọng này, một tảng băng chìm, lạnh giá, và nguy hiểm: ĐỨC TIN BỊ ĐE DỌA. Sự đe dọa này mang nhiều cấp độ: Có thể là đức tin bị đánh mất, hoặc chí ít, đã bị hao hụt. Cũng có thể là chẳng còn đức tin, hoặc chẳng có đức tin.

Đúng hơn, phải nói, vì thiếu chiều sâu của lòng đạo, thiếu nền tảng đức tin, người ta chỉ chú tâm vào cái ngọn của vấn đề, nhưng không ai tra xét cái gốc của việc phạm tội. Người ta hối tiếc vì đã phạm tội, nhưng không ai tìm hiểu xem nguyên nhân nào đưa đến thái độ chểnh mãn lòng đạo đến như vậy. Người ta để ý đến cái bên ngoài, mà không để ý đến chính đức tin của mình. Có mấy ai nhận ra mình thiếu đức tin. Càng khó thấy có người xưng tội vì đã yếu lòng tin. Trong khi đức tin mới là điều quan trọng, là nền tảng, là căn cội của vấn đề.

Chính đức tin, tuy rất âm thầm, nhưng lại rất mạnh mẽ, chi phối đời sống tông giáo và cách thực hành đời sống tôn giáo của con người. Nếu không có đức tin, hoặc đức tin quá lu mờ, thì chuyện người ta phạm tội là điều dễ hiểu. người ta có đi xưng tội đến ngàn lần, thì vẫn cứ phạm đến vài chục ngàn lần như không vậy. Bởi thế, nếu không lo chỉnh trang chính đức tin của mình, thì việc xưng tội chỉ là biện pháp nhất thời. Rồi sau đó, người ta lại tiếp tục con đường của riêng mình như đã từng đi trên con đường ấy. Chính vì lý do thiếu chiều sâu đức tin, hàng năm cứ đến mùa, đến lễ, người ta kéo nhau đi thú nhận tội lỗi đông không thể tả, nhưng lại quá hiếm những người, sau khi xưng tội, thực sự đổi mới lòng mình, đổi mới đời sống, đổi mới cái nhìn đức tin và việc sống đạo trong đời cá nhân của mình. Hiếm đến vô cùng!

Đáng tiếc là, từ xưa đến nay, vẫn cứ như thế, vẫn cứ những nhịp độ đều đặn: đến mùa, đến lễ thì việc xưng tội lên đến tận đỉnh điểm. Hết mùa, hết lễ, mọi sự như chẳng có gì xảy ra. Mọi sự cứ đều đặn hết năm này đến năm khác. Đều đặn đến mức đáng sợ. Nhưng hình như chưa bao giờ có ai, kể cả các bậc lãnh đạo trong Hội Thánh, hoặc chính bản thân các hối nhân đặt vấn đề bởi đâu lại xảy ra ngày cành nhiều những hiện tượng “khô cạn” đức tin? Nguy hiểm hơn, hiện tượng “khô cạn” ấy càng lúc càng phổ biến theo chiều hướng trầm trọng.

Như vậy, đã rõ, cái gốc của vấn đề phạm tội - dẫn đến việc xưng tội như một thói quen, thiếu lòng thống hối thật, thiếu ý thức về tội, thiếu quyết tâm chừa tội, thiếu một xác tín nội tâm về lòng thương xót của Chúa - không khó trả lời: Thiếu đức tin. Bởi thiếu đức tin, thậm chí không còn đức tin, mà người ta đang để xảy ra một thứ tôn giáo nặng hình thức ngay trong việc giữ và sống đạo của mình.

Không có đức tin, chắc chắn người ta sẽ bị đẩy xa lòng yêu mến Chúa. Không còn tin, không còn yêu mến, lập tức sự cậy trông cũng trở thành một thứ xa xí phẩm của đời người. Đức tin không có, lòng cậy trông chai cứng, lòng yêu mến đối với việc giữ đạo cũng tan biến, vì thế, mọi nghĩa vụ đạo đức mà người ta thực hiện chỉ là hình thức, là cảm giác phải giữ, phải thực hiện, nếu không thì sẽ khác người.

Có khi các việc đạo đức chỉ là gánh nặng, là của nợ mà người ta chỉ muốn quăng đi. Nếu việc đạo đức thiếu chiều sâu nội tâm, hơn thế, chỉ là cái phải làm, là những nghĩa vụ khô khan, thì cầm chắc, đời sống tôn giáo xuống cấp. Khi đó, nếu vui, người ta thực hành nghĩa vụ đạo đức. Nhưng nếu buồn, họ chối bỏ, có gì là khó đâu. Lòng đạo hời hợt, vì thế, đi xưng tội, người ta cũng xưng tội cách hết sức hời hợt. Mà bởi mọi sự chỉ là hời hợt, người ta cũng chẳng thể nào nhận ra tình trạng đức tin “khô cạn” của mình. Bởi vậy, ta không lạ gì khi người ta xưng đủ mọi thứ tội, nhưng cái gốc của vấn để đẩy người ta đến chỗ phạm tội là sự yếu kém của đức tin, thì mãi mãi không ai nhận ra.

Ước mong mỗi lần chuẩn bị vào tòa cáo giải, người tín hữu, trong khi xét mình, luôn tự tra vấn về chính đức tin của mình. Bởi việc xét mình, tự nhận ra mình có tội đã là điều quang trọng, nhưng cái quang trọng nhất vẫn là phải tìm ra cho được nền tảng dung túng cho việc phạm tội ấy. Vì thế hãy đặt câu hỏi bởi đâu mà tôi đã phạm tội dễ dàng như thế, trước khi đặt câu hỏi tôi đã phạm tội gì, mấy lần, mấy tháng?

Trình bày những điều như trên, tôi không có ý loại trừ những anh chị em có đức tin, nhưng vì bản tính yếu đuối của kiếp người, họ đã nhiều lần vấp ngã. Chúng ta đã từng có kinh nghiệm này. Đó cũng chính là cảm nghiệm rất thật mà thánh Phaolô từng thú nhận: “Sự lành tôi muốn, tôi không làm, sự dữ tôi không muốn, tôi lại làm” (Rm 7, 19). Cũng vậy, một mặt, ta muốn yêu mến Chúa, muốt thoát ra khỏi những cám dỗ của tội, rất muốn là đàng khác, nhưng không hiểu sao, ta vẫn phạm tội, vẫn đẩy mình xa cách Thiên Chúa.

Cả việc đi xưng tội, đi thật đông, xưng tội thật lòng, xưng tội chi ly… đều là những việc đạo đức rất đáng khuyến khích, cần phải làm thường xuyên, không chỉ trong mùa Chay, tuần Thánh hay mùa Phục Sinh, mà còn phải thực hiện liên tục, suốt đời.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, dù ai, dù hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải xem lại đức tin của mình. Nếu tôi đã có đức tin, nhưng tôi vẫn sa ngã, thì nhờ kiểm điểm lại, tôi sẽ được củng cố hơn trong đời sống đức tin của tôi. Nếu tôi yếu đức tin, tôi lười biếng các bổn phận đạo đức, và phạm tội thường xuyên, hãy nhớ rằng, tội trước tiên tôi cần phải thống hối và sửa mình chính là tập tín thác vào Chúa hơn, tập sống siêu thoát hơn, tập lấy tinh thần phục vụ, xả kỷ làm trọng hơn… Càng thiếu đức tin, càng dễ phạm tội, thì tôi càng cầu nguyện nhiều hơn, tìm cách tiếp xúc với Lời Chúa qua việc đọc, học hỏi, suy niệm Lời Chúa, nhờ đó tôi có một tương quan hết sức cá vị với Chúa của tôi. Tôi cũng không quên tham gia việc thờ phượng tập thể cùng anh chị em, để qua và nhờ anh chị em, đức tin của tôi sáng hơn, mạnh hơn.

Biết rằng, tôi có xu hướng đi ngược lại những gì đức tin đòi hỏi, thì chính tôi phải cố gắng ngày một chút, dừng lại những xu hướng ấy, và làm điều ngược lại với xu hướng ấy là lập tức quay về với Thiên Chúa, đối diện với lương tâm và phản tĩnh ngay.



Chúa chúng ta đã phục sinh. Bạn và tôi hãy phục sinh đức tin của mình. Hãy cố gắng hết sức có thể, làm cho đức tin có một sức sống mới, phù hợp với ơn Phục Sinh mà Đấng Phục Sinh trao ban…

Lm. VŨ XUÂN HẠNH



tải về 25.7 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương