Để tưởng nhớ những đàn ông, đàn bà và trẻ em của mọi dân tộc và của các nước là nạn nhân của bọn Gestapo và chủ nghĩa Quốc xã



tải về 175.87 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích175.87 Kb.
#39644
Để tưởng nhớ những đàn ông, đàn bà và trẻ em của mọi dân tộc và của các nước là nạn nhân của bọn Gestapo và chủ nghĩa Quốc xã.


- Đối với tất cả mọi người trong toàn Châu Âu đã đau khổ trong máu thịt, trong lương tâm về những tội ác ấy.



- Để cho con cháu sau này không bao giờ quên được thảm cảnh ấy.



- Với tất cả những đàn ông và đàn bà đã đạt được cái giá của danh dự, của sự thật, của tự do, để họ hiểu và để họ nhớ lại.

MỞ ĐẦU
Trong mười hai năm, Gestapo, cái tên ấy đã làm nước Đức rồi đến toàn Châu Âu run sợ. Cơ quan ấy đã bắt hàng trăm ngàn người vô tội, với “lý do về xã hội”. Hàng triệu người đau khổ đã chết dưới sự tra tấn tàn bạo của Gestapo1 và của bọn S.S2.
Đến nay đã có hàng trăm cuốn sách xuất bản bằng tất cả thứ tiếng đã nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ, bình luận về những sự kiện đáng chú ý nhất về lịch sử Quốc xã và về cuộc đại chiến thế giới thứ hai; nhưng sau 17 năm chế độ Reich III3 sụp đổ chưa có cuốn sách nào xuất bản để ghi lại toàn bộ lịch sử của Gestapo.
Thế nhưng Gestapo lại là cái trục trung tâm của Nhà nước Quốc xã và những sự kiện ở thời kỳ đó chỉ được hiểu rõ khi người ta biết đến cơ chế bên trong của nó, luôn hoạt động xoay quanh chiếc bánh xe nào đấy của bộ máy cảnh sát khổng lồ.
Chưa một quốc gia nào, ở một thời kỳ nào có tổ chức cảnh sát nào lại đạt đến sự phức tạp, đến một quyền lực, đến sự “hoàn thiện” trong hiệu lực và trong nỗi kinh hoàng như thế.
Với cái tên đó, Gestapo còn in lại trong ký ức của mọi người như một ví dụ về một công cụ xã hội do những kẻ không còn lương tri, lèo lái đất nước vào con đường sai lầm. Gestapo đã chứng tỏ cho chúng ta thấy một thể chế nhà nước không còn được phục vụ cho lợi ích quốc gia mà chỉ để phục vụ cho một bè cánh thối nát. Những quyền lực và vũ khí mà chúng lấy cớ sử dụng để bảo vệ nhân dân, chỉ là để cưỡng bức và giết chóc. Đấy là sự độc tài của một nhóm người, quản lý đất nước bằng sức mạnh tàn bạo và bằng việc chấm hết mọi quyền sơ đẳng nhất của công dân.
Bộ máy quốc xã khổng lồ do một nhóm người điều khiển, không phải do đại bộ phận công chúng, mà ngay cả các nhà sử học cũng không có một công trình nghiên cứu nào về những sự kiện thời kỳ ấy.
Tôi muốn vạch trần bộ máy quốc xã ấy, đưa bí mật của nó ra ánh sáng, để chứng tỏ rằng chế độ Quốc xã chỉ có thể tồn tại nhờ sự trợ giúp của Gestapo, từ mọi việc nhỏ nhặt, để duy trì cơ cấu thể chế của nó. Người ta sẽ thấy vì sao có vô vàn chi nhánh của Gestapo và của Bộ an ninh S.D (Sécurité Department) đã thâm nhập vào tất cả hoạt động của cuộc sống thường ngày và bao vây mọi người buộc họ phải sống kìm kẹp trong một mạng lưới kiểm soát chặt chẽ đến nỗi không có một hành động, một ý nghĩ nào của họ có thể thoát khỏi sự kiểm soát của bọn Gestapo - những kẻ nắm giữ quyền lực. Chỉ huy toàn bộ bộ máy tàn bạo này vẫn còn chưa được phanh phui cả về nhân thân và cơ chế. Tôi thấy cần thiết phải vạch trần mọi hoạt động, mọi sự đồi bại trụy lạc, mọi điểm yếu và cả điểm mạnh của chúng.
Những con quái vật, hầu hết là những con người bình thường như mọi người khác với những bộ mặt khá hấp dẫn. Số phận của chúng được quyết định từ ngày “chủ nghĩa Hitler” nhồi nhét một nền “đạo đức” mới, buộc ý thức của chúng phải phụ thuộc hoàn toàn vào giáo lý Quốc xã.
Những tài liệu cơ bản dùng trong cuốn sách này được chia làm hai loại. Tôi đã sử dụng số lớn nguồn tin còn chưa được in ấn và một vài tác phẩm, trong đó người ta thấy mục lục đăng ở trang cuối.
Trong gần 10 năm từ 1945 đến 1954, tôi đã tập hợp được một khối đáng kể những ghi chép của cá nhân, trong dịp ở Pháp tôi đã có những đơn thưa kiện những nhân viên của Gestapo, tên chỉ huy của chúng và những tên tội phạm chiến tranh mà tòa án của Pháp có thể đưa ra xét xử.
Cũng trong thời kỳ này, tôi biết được nhân thân của phần lớn nhân vật chỉ huy cơ quan cảnh sát Đức ở Pháp. Tôi cũng biết được họ chỉ là những con người đôi khi có bộ óc trì độn, đôi khi thông minh, nhưng không có cá tính, cũng không có một nền tảng đạo đức nào, và không có thể phân biệt được khái niệm về cái tốt hay cái xấu, họ chỉ mù quáng tuân theo một mệnh lệnh.
Hầu hết những tên tội phạm Quốc xã bị giam giữ không thấy chút hối hận và tỏ vẻ kém cỏi để nhận thức về hoàn cảnh của họ. Họ cho việc kết tội họ là hành động trả thù của những người chiến thắng đối với kẻ chiến bại, và ngược đời, theo cách nhìn ấy họ chấp nhận số phận. Họ cũng đã hành động. Những kẻ khôn ngoan nhất nghĩ rằng có thể dùng cuộc đời của chúng coi như một thứ “tiền” để trao đổi những điều bí mật và phục vụ cho người chiến thắng.
Masuy, một trong những tên tra tấn dã man nhất trong toán “phụ tá” của Gestapo, bị giam trong nhiều tháng ở nhà tù Fresnes, đã phác họa một chương trình mở nhà máy sản xuất búp bê ở Tây Ban Nha, sau khi được tha, và hắn cũng không nghĩ gì về sự tự do của hắn sau này.
Chính vì những cuộc tiếp xúc trực tiếp ấy, tôi đã vẽ nên những chân dung của những tên Gestapo đã hoạt động ở Pháp.
Tôi đã sử dụng những lời khai, những hồi ức của họ để tái dựng lại cấu trúc của toàn bộ tổ chức Gestapo và những giai đoạn của tổ chức này hoạt động ở Pháp, cũng như những mặt trái của vài sự kiện còn chưa hiểu đúng. Những cuộc tranh luận trong các phiên tòa xét xử về sự cộng tác của những kẻ đã làm việc với bọn Đức trước tòa thượng thẩm, tòa án hình sự, và tòa án binh, cũng đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý.
Trước hết, hai mươi ba tập tài liệu tranh cãi ở tòa án hình sự quốc tế ở Nuremburg, và mười bảy tập tiếp theo, là nguồn cung cấp tư liệu bổ ích nhất cho tôi. Tôi cũng đã sử dụng những tài liệu do Chính phủ Pháp in và phát hành. Tài liệu thể hiện sự tổ chức hành chính của các cơ quan Quốc xã. Quyền lực của các cơ quan này được khẳng định trong những tác phẩm xuất bản của Đảng Quốc xã hay của các cơ quan nhà nước của Đế chế thứ III. Tôi đã khai thác trong những tác phẩm ấy được rất nhiều thông tin có ích về tiểu sử của các nhân vật.
Trong suốt thời gian nghiên cứu tài liệu gần mười năm, tôi đã may mắn nhận được rất nhiều sự động viên quý giá và sự giúp đỡ của nhiều người, nhiều tổ chức. Nếu không được sự giúp đỡ ấy thì chắc chắn tôi không thể hoàn thành tốt công việc của mình.
Tôi xin những người đã giúp tôi trong việc biên soạn này, nhận những lời cảm ơn chân thành nhất của tôi.
Trước khi đề cập đến lịch sử Gestapo sẽ không phải là vô ích để hồi tưởng, nhớ lại những sự kiện làm mốc cho bước đi của những tên quốc xã trên con đường tiến tới quyền lực của chúng từ năm 1919 đến năm 1933. Kết quả là người ta không thể tách rời Gestapo với chủ nghĩa Quốc xã. Chúng liên kết với nhau trong cùng một bản thể. Sự gợi ý ngắn ngủi này chỉ có một mục đích là ghi lại trong trí nhớ vài tài liệu đã được xác định rõ.
Chủ nghĩa Quốc xã sinh ra trong sự phức tạp của cuộc bại trận. Khi nước Đức đầu hàng vào tháng 11 năm 1918, giới quân sự đã không chịu chấp nhận sự thực ấy.
Trong những khuôn khổ truyền thống của đội quân hoàng gia Đức, bị đẳng cấp các sĩ quan “Phổ” thống trị, đã từ lâu xây dựng những thói quen và những tinh thần quân phiệt được mở rộng đến chỗ phát triển quá mức. Giới quân sự tự coi mình là những người chủ duy nhất của nước Đức và của các dân tộc nông nô. Đấy là những ý tưởng ngoan cố. Vì vậy không có sự đầu hàng. Ngự trị trong giới quân sự là ý nghĩ: nước Đức chỉ là nạn nhân của sự phản bội. Vì vậy đã sinh ra một truyền thuyết về “Dolchstoss ” (nhát dao đâm lén). Họ làm như quên không nhắc đến vào tháng 11 năm 1918, quân đội Đức còn có 184 sư đoàn ở tiền tuyến, và 17 sư đoàn dự bị, trong đó có hai sư đoàn tân binh; còn quân Đồng minh đã rải ra ở tiền tuyến 205 sư đoàn và có tới 103 sư đoàn dự bị, trong đó có 60 sư đoàn tân binh. Ngoài ra còn có quân Mỹ tiếp viện hàng ngày. Mặt trận Danube đã phải rút lui vào tháng tiếp sau. Nước Áo sụp đổ ngày 6 tháng 11, chỉ còn lại quân Đức chiến đấu đơn độc. Ngày 3 tháng 11 hạm đội số 5 ngoài biển khơi nổi loạn; ngày 7 tháng 11 ở Munich nổ ra cuộc khởi nghĩa lật đổ cựu vương Bavière là Louis III. Ngày 9 tháng 11 Hội đồng chiến tranh tối cao đóng ở Spa, công nhận bộ tham mưu quân Đức đã bị tê liệt, xin đình chiến, trong khi thủ tướng Đức xin từ chức và hoàng đế Đức bỏ trốn sang Hà Lan. Nhưng có ba nhân vật dân sự là ông hoàng Max de Bade, thủ tướng mới là ông Elbert và linh mục Erzberger, tự hạ mình xin được thương lượng. Cùng ngày hôm ấy, ông Scheidemann thuộc phe Xã hội - dân chủ đứng trên ban công tòa nhà Reichstag (tòa nhà Quốc hội) tuyên bố thành lập Chính phủ cộng hòa.
Nền cộng hòa non trẻ ấy sinh ra trong đống đổ nát hoang tàn, đã nhanh chóng trở thành đáng ghét nhất đối với giới quân sự đang thấm nỗi cay đắng của sự bại trận và tiếp tục nói về sự phản bội.
Nước Đức chìm trong sự hỗn loạn. Cái kỷ cương chặt chẽ nổi tiếng của nước Đức, thường được các quốc gia coi là gương mẫu phải chịu trách nhiệm về sự hỗn loạn này. Trong nhiều thế hệ, “sự tuân theo mù quáng” (Kadavergehorsam) đã làm cho người Đức mất hết cá tính, đẩy họ vào sự lệ thuộc để chế độ quốc xã dễ bề sai khiến.
Cái tôn ti trật tự hình tháp đã sụp đổ. Những cái “thây ma” ấy không còn ra được những mệnh lệnh tàn bạo, đành phó mặc số phận cho những người nổi dậy.
Nạn thất nghiệp và nạn đói càng làm tăng thêm sự hỗn loạn. Để thiết lập lại trật tự phải cần đến quân đội. Lực lượng quân sự đã dựng nên những tổ chức quái đản như “Đặc công”, “Đơn vị chiến đấu”, là loại quân đội không chịu tuân theo mệnh lệnh của bất cứ ai ngoài chỉ huy của họ.
Những toán binh lính đàn áp những âm mưu nổi dậy ở các địa phương, đã nắm lấy quyền bắt giữ người và hình thành dần cái khung của đội quân mới. Cũng trong thời gian này, giới quân sự đã đặt ra đường lối chính trị riêng, và lập ra một loại gọi là Cơ quan hành động về tâm lý; Cơ quan này tổ chức những “lớp giáo dục về ý thức công dân”. Một trong số người đặt ra trường học ấy là đại uý Ernst Roehm.
Vào đầu mùa hè năm 1919, một “Bildungsoffiziere ” đã tốt nghiệp khoá học, tên là Adolf Hitler, nhận được những kiến thức sơ đẳng về học thuyết tương lai xã hội chủ nghĩa quốc gia. Đấy là vai trò của giới quân sự Đức, quyết định sự ra đời chủ nghĩa Quốc xã. Chúng liên kết với những hãng công nghiệp lớn để thành lập, hay trợ giúp những toán nhỏ tuyên truyền ý nghĩ chống dân chủ, đề cao tính quân phiệt, nêu lại chủ nghĩa bài Do Thái, mà từ lâu đã không còn tồn tại. Chính phủ Cộng hòa tỏ ra không biết gì về sự hoạt động ấy, họ tin vào thể chế xuất sắc của Weimar (Cộng hoà), được ban bố vào tháng tám năm 1919. Thể chế này chắc chắn là tốt, nhưng nó cũng có một vài xu hướng để có thể phá đổ chính nó.
Những kẻ thù của chế độ mới nhanh chóng hiểu rằng cách thức thâm nhập là thuận lợi nhất cho cuộc tấn công trực diện. Chúng lừa dối tình cảm, ý thức của những người cộng hòa, để dựa vào đấy cái đòn bẩy về sự chỉ huy của chúng. Noske bộ trưởng Bộ chiến tranh - xã hội - dân chủ, đã nói nghiêm túc: “Với đội quân cộng hòa trẻ này, chúng tôi sẽ mang đến cho mọi người sự tự do và hòa bình”.
Dưới chiêu bài lấy lời nói làm dịu lòng người, những kẻ thù của nền Cộng hòa tiếp tục công việc phá hoại ngầm. Ở Herrenklule “Câu lạc bộ của những chúa tể”, chúng bắt đầu thực hiện học thuyết của chúng và phổ biến trên tờ báo Ring của nam tước Gleichen.
Người ta đọc báo và thấy “những tên sĩ quan của Reichswehr” (Quân đội Quốc xã) đã học được từ cuộc cách mạng, cách phân biệt giữa nhà nước và cái hình thức bề ngoài của nó. Những tên sĩ quan muốn phục vụ nhà nước chỉ khi nhà nước thường xuyên phải có những điểm giống như tổ chức của chúng.
Vì thế, thật là đơn giản, từ khi nhà nước thôi không theo đường lối chính trị của các sĩ quan, thì nó chỉ còn là một nhà nước “bù nhìn”. Sau đó, người ta biết được rằng chúng cũng có bổn phận phải theo luật pháp của chúng.
Đại uý Roehm và bạn của hắn đã theo những bài học ấy để giúp đỡ cho việc thiết lập lại trật tự cũ. Chúng sửa soạn cho tương lai bằng cách lập ra rất nhiều những tổ chức theo chủ nghĩa quốc gia.
Sự chia nhỏ ấy đảm bảo làm chính phủ yên tâm. Chúng đã ngăn chặn được sự kiểm soát có hiệu quả của Chính phủ và trong trường hợp bị sức ép, chúng sẽ làm giảm bớt những trách nhiệm chung và tái lập lại được dưới hình thức khác. Khi thời cơ đến viên đại uý Roehm sẽ dễ dàng tập hợp tất cả những tổ chức nhỏ ấy thành một ban như trước đây.
Một trong những tổ chức nhỏ ấy là Đảng Lao động Đức ở Drexler (gọi tắt là D.A.P) mà Adolf Hitler đã gia nhập vào tháng 9-1919. Hitler đã nhanh chóng củng cố uy tín và đến ngày 8-8- 1921 hắn được viên đại úy Roehm của Đảng Lao động quốc gia - xã hội chủ nghĩa Đức (gọi tắt là N.S.D.A.P) giúp sức để tập hợp những thành viên của ba đảng là: Đảng Lao động của Drexler, Đảng Quốc gia xã hội chủ nghĩa của Jung và Đảng Xã hội chủ nghĩa của Streicher, thành một đảng thống nhất. Lúc mới thành lập tổ chức thống nhất này chỉ có 68 đảng viên. Nhưng đến tháng 11-1921, con số đảng viên đã lên tới 3.000 người. Nhờ có cuộc vận động tuyên truyền ráo riết, dựa trên những khẩu hiệu tàn bạo được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần về một huyền thoại nhàm chán là “sự phản bội tội lỗi vào tháng 11” do phái quân sự bịa đặt ra, đảng thống nhất này nhanh chóng lớn mạnh, lập ra một đội chuyên trách cứng rắn dùng nắm đấm và dùi cui để trấn áp những người chống đối.
Từ đó sinh ra tổ chức S.A (Sturm Abetilungen - Đạo quân cứu thế). Tháng 11-1922, trong đợt lựa chọn hội viên mới cho Đảng Lao động quốc gia - xã hội chủ nghĩa Đức (Quốc xã), đại uý Hermann Goering, một phi công vẻ vang trong chiến tranh thế giới thứ nhất, viên chỉ huy nổi tiếng của phi đội tiêm kích Richthofen, để rồi sau đó trở thành ông tổ của Gestapo, được lựa chọn. Những người đi tuyển mộ xuất sắc nhất của N.S.D.A.P đều là quân nhân. Những người này đã hình thành bộ chỉ huy của S.A. và Roehm nhanh chóng có trong tay một đội quân thực sự, đe doạ Chính phủ cộng hòa, vượt trội quân đội cộng hòa cả về số người và sức mạnh.
Nhưng đội quân của Roehm không chống lại Reichswehr, nó chỉ giúp đỡ vũ khí, những chỉ huy bí mật và đôi khi cả tiền bạc. Tháng 4-1923 lực lượng S.A đã chiếm lấy những kho vũ khí bí mật của Reichswehr. Và đến tháng 11 tướng Von Lossow ở Munich, đã không cấm tờ báo quốc xã Völkischer Beobachter ra đời để đề cao vai trò nhiệm vụ của S.A.
Những đề tài về quốc xã đã làm cho quân đội xúc cảm, họ đồng tình đòi hủy bỏ chế độ đại nghị, tập trung quyền lực vào một nhà nước mạnh do một chỉ huy chịu trách nhiệm thăm dò nhân dân bằng cách bỏ phiếu toàn dân.
Không cần đến thể chế vì nó chỉ là cái khung vô ích ngăn cản mọi sự phát triển. Nhà nước này sẽ không dung tha đối thủ nào, và sẽ tiêu diệt họ. Không có báo chí chống đối nên không có sự “phản bội”, không có đảng đối lập để chia sẻ quyền hành, mà chỉ duy nhất kể đến “quyền lợi quốc gia”.
Nhà nước này sẽ dùng cách khôn khéo để đồng nhất đảng cầm quyền với Tổ quốc. Đây là trò ảo thuật mà quân đội thường dùng. Để bảo vệ Tổ quốc (thực ra là bảo vệ đảng) thì mọi cách xử sự đều tốt. Cá nhân con người là không đáng kể, họ buộc phải hy sinh tất cả cho tập thể. Như vậy cần phải có một kỷ luật tuyệt đối, một sự toàn tâm toàn ý vâng theo người chỉ huy. Chính vì thế, các trí thức đều bị giám sát và loại bỏ không thương tiếc, một khi họ trở thành phần tử “nguy hiểm cho đất nước”, nghĩa là thù địch với chế độ.
Với những nguyên tắc ấy, cộng thêm những lý lẽ về “chủ nghĩa chủng tộc”… là cần thiết để chế độ này áp dụng luật “dưới con người” với các dân tộc thoái hoá hạ đẳng. Sự thương xót không có trong “cái trật tự đương nhiên” này.
Hitler đã viết với tất cả sự tin tưởng “Chúng tôi có thể đi đến giới hạn của sự vô nhân đạo để có thể mang lại hạnh phúc cho nhân dân Đức”.
Trong khi Đảng Lao động quốc gia - xã hội Đức lớn mạnh nhờ có sự tuyên truyền của nó thì các đảng khác cũng cố gắng để thâu tóm quyền lực.
Có nhiều cuộc đảo chính thất bại như cuộc đảo chính của tiểu đoàn trưởng Buchdrüker, đã khiến cho Hitler dùng sức mạnh để đàn áp thẳng tay.
Ngày 9-11-1923 ở Munich, Hitler dự định lật đổ chính phủ Bavière (Đế chế Cộng hòa II) để làm một vết dầu loang, lật đổ các lực lượng khác. Tòng phạm chính với Hitler là tướng Von Ludendorff. Nhưng hoạt động lật đổ của Hitler bị thất bại trong vài giờ sau loạt nổ súng làm 14 người chết và 50 người bị thương.
Hitler bị bắt. Goering đi bên cạnh Hitler trong cuộc chạm súng, bị thương nặng và trốn sang nước Áo. Một người khác cũng tham gia vào cuộc lật đổ này với vai trò một người khởi xướng của phong trào do Roehm chỉ huy. Hắn tên là Heinrich Himmler.
Cuộc lật đổ thất bại, Hitler bị bắt, nhưng Chính phủ cộng hòa đã không lợi dụng dịp này để trừ bỏ vĩnh viễn chế độ Quốc xã.
Sau bản án nực cười gây tai tiếng, Ludendorff được trắng án, Hitler cùng với bốn đồng phạm chủ chốt bị kết án 5 năm tù ở trại giam lớn cùng với 4 năm án treo. Các tội phạm ra khỏi phòng xử án được môn đệ của chúng tung hô nhiệt liệt với bài hát quốc ca.
Ngày 20-12-1924 vào lúc 12 giờ 15 phút Hitler được ra khỏi nhà tù ở Landsberg, sau 13 tháng 20 ngày bị giam giữ. Hắn hiểu ra chỉ nắm được quyền lực trong tay với điều kiện là chinh phục quyền lực ấy theo cách hợp pháp, nghĩa là phải dùng sức mạnh cộng với những mưu mẹo vi phạm luật pháp và phải dựa vào những đồng phạm trung thành, để giả vờ chơi trò dân chủ nhưng thực ra là phá ngầm từ bên trong.
Hitler nhớ lại các đảng cực tả và những đảng viên Quốc xã bị nếm mùi thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11-1924 và lại phải bắt đầu từ con số không vào đầu năm 1925. Từ năm 1924 đến 1932, các đảng cực hữu đã không ngừng mở rộng vai trò của họ trong các cuộc bầu cử. Chỉ trong tám năm họ đã tăng lên được tới 3.329.000 tiếng nói.
Nhưng những thắng lợi ấy chỉ là những mệnh đề quan hệ, vì cũng trong thời gian này các đảng viên Quốc xã đã tuyên truyền được khối người đông đảo là những cử tri trẻ tuổi, (trong năm 1930 có tới 3.000.000 cử tri mới) và tranh thủ được số lớn người ủng hộ thuộc những đảng cánh tả truyền thống và của cả những người trong trung ương đảng cánh tả. Đó là những người rụt rè và theo chủ nghĩa truyền thống, đã bị mắc vào những lời đường mật và không hiểu trong những cách nói của đảng viên Quốc xã có nhiều ẩn ý khác.
Những người này đã có thắng lợi bước đầu đối với nền cộng hòa bằng cách lôi kéo vị thống chế già Hindenburg, tổng thống Cộng hòa được bầu vào tháng 2-1925.
Yên tâm núp dưới bóng của vị thống chế già, kẻ thù của nền Cộng hòa đã chiếm được phần lớn những vị trí chủ chốt.
Bọn Quốc xã và tay chân của chúng, bằng cách chơi trò dân chủ lừa bịp đã làm sụp đổ cả cơ cấu của Chính phủ cộng hòa.
Chúng gây ra khủng hoảng nội các, kéo theo sự giảm sút trong cuộc bầu cử. Chúng thay đổi chế độ làm cho số lớn công dân chăm chú lắng nghe những lời tuyên truyền Quốc xã. Trước tình hình ấy, các đảng thuộc cánh hữu không thể đoàn kết với nhau được, và cũng không thể chấm dứt cuộc đấu tranh nội bộ để cùng nhau chống lại kẻ thù chung. Những đảng thuộc cánh hữu đã không có khả năng nắm được nhiều cơ hội để phục hồi lại tình thế như lúc ban đầu.
Trong khi ở các nước láng giềng đặc biệt như Anh và Pháp, những người chiến thắng trước đây có vai trò quyết định, thì sự khinh suất và tính mù quáng đã không có giới hạn nào trong thời kỳ chinh phục quyền lực và cả trong mấy năm đầu của chủ nghĩa Quốc xã.
Ngày 30-5-1932, thống chế Hindenburg bãi chức thủ tướng Brüning, ủy quyền cho Von Papen, đại diện cho các nam tước và quân đội thay thế Brüning. Từ đó bắt đầu pha cuối cùng của quá trình chinh phục quyền lực.
Các nhà tư sản nhỏ ở Đức, như Thomas Mann từng nói: “Chúng tôi không muốn trở thành giai cấp vô sản”, đã hoan nghênh việc chỉ định Von Papen làm thủ tướng. Đối với họ, thống chế Hindenburg chỉ là người may mắn, chẳng làm được việc gì có ích, nên phương sách cuối cùng và những quyết định của ông ta chỉ là cách khôn ngoan để giữ lấy cái ghế mà thôi.
Ngày 14-6, gần hai tuần lễ sau khi giữ chức thủ tướng, Von Papen đưa ra lệnh cấm S.A và cách mặc đồng phục kiểu của Hitler theo sắc lệnh do Brüning ban bố trước đó.
Vai trò của Von Papen đã nổi lên rõ ràng. Trong cuộc họp của “Hiệp hội quốc gia các cựu sĩ quan Đức” khai mạc ở Berlin vào đầu tháng 9-1932, các đại biểu theo chủ nghĩa quốc gia, ông Everling đã phát biểu:
“Thủ tướng Von Papen đã cương quyết quét sạch những rác rưởi cuối cùng của cơ cấu cộng hòa Weimar và tái lập chế độ Reich, dựa trên cơ sở mới.”
Von Papen bãi chức nhiều viên chức cao cấp thuộc phe cộng hòa, những người đứng đầu ở các tỉnh, thay thế họ bằng những người “quốc gia”. Nhưng ở Phổ, chính quyền Xã hội - dân chủ và Thiên chúa giáo của ông Braun Severing vẫn chống lại một lệnh đơn giản từ phủ tổng thống: căn cứ vào điều 48 của Hiến pháp, cách chức Braun Severing với lý do “không duy trì sự trật tự”.
Von Papen đã rút khỏi con đường quyền lực, và bọn Quốc xã tiến dần vào con đường đó không khó khăn gì. Cuộc bầu cử vào tháng 7-1932, chúng thu được 230 ghế ở Reichstag (Quốc hội) và trở thành đảng mạnh nhất ở Đức. Ngày 30-8 Goering được bầu làm chủ tịch Reichstag. Bắt đầu từ đó sự chiến thắng toàn diện chỉ còn là vấn đề chiến thuật. Ngay cả những đảng cánh tả và giới quân sự cũng không hình dung ra kỳ hạn tất yếu ấy là thủ đoạn của bọn Quốc xã. Những thói quen cố hữu của đường lối chính trị đã không hình dung ra mọi quyền lực lại có thể hoàn toàn rơi vào tay bọn Quốc xã, khi mà các đảng đều cho rằng chúng không có khả năng điều khiển đất nước. Họ chỉ muốn sử dụng sự năng động của chúng, đi theo con đường cũ để gây dựng lại những giá trị cổ truyền và giữ lại được những đặc quyền đặc lợi bằng cách đưa ra sự giúp đỡ đối với bọn Quốc xã. Họ sẵn sàng chấp nhận việc tham dự vào chính quyền của chúng. Nhưng họ đã quên mất lời tuyên bố của Hitler: “Chúng tôi đã ở đây và sẽ không có chỗ cho một người nào khác ”.
Để có được câu nói nghiêm túc ấy, Hitler đã phải mất nhiều thời gian và nhiều kinh nghiệm xương máu.
Tháng 7-1932 Von Papen khôi phục quyền lực, làm cho bọn Quốc xã thất thế trong cuộc bầu cử mới vào tháng 11. Phe Quốc xã mất 2 triệu phiếu bầu và mất 34 ghế ở Reichstag.
Nhưng bài học của phe Quốc xã chưa phải là mất hết. Năm ngày sau cuộc bầu cử, Von Papen miễn cưỡng xin từ chức, thay chức vụ thủ tướng là Von Schleicher.
Hitler đã liên tục tấn công và ngày 28-1, Von Schleicher cũng buộc phải ra đi.
Trưa ngày 30-1, lấy cớ được Von Papen gọi ra để thành lập nội các mới Hitler đã buộc ông già cổ lỗ Von Papen phải trao quyền lực cho con người mà ông đã khinh bỉ gọi là “tên hạ sĩ Bohem” (Người chuyên sống phóng đãng).
Từ đó sự vãn hồi của nền cộng hòa đã không thể thực hiện được. Không ai lại tưởng đến sự chiến thắng của phe Quốc xã.
Chỉ có Thomas Mann khi biết tin này, đã cười nói: “Không cần! Hắn chỉ giữ được quyền lực trong tám tháng thôi”. Hãy xem những nhà “lão luyện” Pháp và Anh đồng tình với nhau để xét xử bọn Quốc gia - xã hội chủ nghĩa.
Hindenburg, muốn được đảm bảo nên đã đỡ đầu cho Hitler bằng cách cử Von Papen giữ vai trò như là phó thủ tướng và là ủy viên của Reich (ủy viên của Chính phủ liên bang) ở Phổ, và Von Blomberg là bộ trưởng Bộ chiến tranh.
Nhưng “những cái hàng rào” che đỡ cho Hindenburg đã nhanh chóng bị quét sạch.
Ngày 1-2, Hitler nhận được mệnh lệnh của thống chế - tổng thống qua sắc lệnh giải tán Reichstag và bốn ngày sau y cũng không công nhận Schleicher, buộc ông này phải từ chức.
Từ đó những tên Quốc xã cương quyết bằng mọi cách để đoạt hết quyền lực.
Nước Đức thực sự đi vào cuộc phiêu lưu đẫm máu, và trong buổi đầu khiêm tốn, Gestapo đã nắm giữ vai trò đầu tiên.
Phần 1: Sự ra đời của Gestapo (1933-1934)
Chương 1: Bọn Quốc xã trở thành chủ nhân nước Đức
Ngày 30-1-1933, số phận của thế giới đã diễn ra 15 năm trong văn phòng của thống chế Hindenburg. Hitler mới được cử giữ chức thủ tướng Cộng hòa. Bên cạnh hắn, Von Papen làm phó thủ tướng và là ủy viên của Reich ở Phổ.
Von Papen là cựu sĩ quan tham mưu trưởng, người tin cậy của thống chế Hindenburg và là người làm bù nhìn của liên minh cải cách nước Đức, dưới quyền lãnh đạo của bá tước Von Klackreuth, để tập hợp các điền chủ lớn ở miền Đông.
Hindenburg ủy nhiệm cho Von Papen “quan hệ với các đảng để làm rõ hoàn cảnh chính trị và để giám sát những khả năng tồn tại của các đảng này” thành lập một nội các mới. Von Papen đã đề cử Hitler với Hindenburg và nói giới quý tộc cho rằng chỉ có Hitler là người duy nhất có thể dùng sức mạnh của đường lối chính trị để ngăn chặn dự định của những khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đang mở rộng.
Von Papen cũng là người của giới quân sự.
Bộ trưởng Bộ nội vụ mới là tiến sĩ Frick, viên chức cũ của cảnh sát ở Munich, là đảng viên Quốc xã già dặn, đã giữ cương vị này tới tháng 8-1940. Von Blomberg được chỉ định là bộ trưởng Bộ chiến tranh; Von Neurath làm bộ trưởng Bộ ngoại giao; Goering vẫn là chủ tịch Reichstag, bộ trưởng không bộ, đồng thời chịu trách nhiệm về hàng không và những công việc của Bộ nội vụ của Phổ.
Kẻ trung thành Hermann Goering, tên bộ trưởng không bộ, người của Đảng Quốc xã từ năm 1922, đã bị thương nặng trong cuộc đảo chính hụt năm 1923, giữ vai trò đáng kể trong những tuần lễ phe Quốc xã nắm giữ quyền lực. Là nghị sĩ của Reichstag từ những cuộc bầu cử vào tháng 5-1928, là thành viên của Landtag (như nghị viện bang) ở Phổ, Goering đã xây dựng những đơn vị cảnh sát và nhận được sự tham mưu chắc chắn về những kỹ thuật của cảnh sát chính trị do người bạn mới là cảnh sát Rudolf Diehls giúp đỡ.
Sự kinh hoàng lại đổ xuống nước Đức với hai tính chất: tàn bạo và đẫm máu, trong cuộc nổi dậy và chiến đấu trên đường phố.
Nỗi kinh hoàng lan rộng bởi những cuộc bắt bớ tuỳ tiện và thường kết thúc bằng việc dùng súng hay dây thừng lặng lẽ xử tử những người bị bắt ở dưới tầng hầm gian nhà nào đó.
Tối ngày 30-1-1933, các toán Quốc xã vấp phải sự chống cự của những người Cộng sản. Những cuộc chiến đấu thực sự nổ ra ngay nơi hai bên đụng độ nhau. Ngày 31-1 Hitler đọc tuyên bố trên radio. Trong bài diễn văn ôn hòa, Hitler nói sẽ gắn bó với những nguyên tắc truyền thống. Nhiệm vụ của chính phủ là “thiết lập lại sự thống nhất về tư tưởng và ý chí” của nhân dân Đức. Hitler muốn duy trì đạo Cơ đốc, bảo vệ gia đình “là một tế bào hợp thành khối cộng đồng dân tộc và nhà nước”. Hitler tự nhận là người bảo vệ những giá trị tư sản.
Hitler tôn trọng những thể thức đã có từ ngày 1-2, sắc lệnh giải tán Reichstag và cả việc Hindenburg đã từ chối không chấp nhận Von Schleicher làm thủ tướng. Cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 5-3 để tỏ rõ: người Quốc xã luôn tiến hành công việc trong khuôn khổ hợp pháp.
Nhưng sợ cuộc chiến thắng chưa được chắc chắn, Hitler đã dùng mọi cách để bảo vệ cho cuộc bầu cử và trước hết là loại trừ địch thủ của mình.
Ngày 2-2, Goering, ủy viên nội vụ phụ trách lực lượng cảnh sát, thanh lọc kỹ lực lượng này. Những viên chức cộng hòa đã được xác định từ lâu, bị loại trừ hoặc bị đối xử lạnh nhạt, thay vào đó là những đảng viên Quốc xã có tín nhiệm.
Hàng trăm các ủy viên, thanh tra, cảnh sát mặc sắc phục, hai phần ba số chỉ huy đã bị thanh trừng để nhường chỗ cho những tên Quốc xã ở S.A hay S.S. Từ tổ chức Quốc xã này, Hitler đã dùng sức mạnh rèn luyện những tên Quốc xã theo cách quản lý truyền thống để trở thành đơn vị Gestapo. Nhưng Landtag Phổ đã phản đối những việc làm bất hợp pháp ấy. Ngày 4, Landtag bị loại trừ do sắc lệnh “bảo vệ nhân dân”. Cũng ngày hôm đó một sắc lệnh được ký ngăn cấm các cuộc họp “có thể phá rối trật tự công cộng”. Nó có nghĩa là cấm các cuộc hội họp của đảng cánh hữu và để cho bọn Quốc xã toàn quyền thao túng đất nước.
Ngày 5-3, những đội quân Mũ thép, những Schupos và những đội quân mặc quần áo nâu diễu hành trong cuộc biểu dương lực lượng ở Berlin. Đây là bước chính thức hóa cho đơn vị S.A gợi lại một đơn vị nổi tiếng Mặt trận Hazfburg của những đảng theo chủ nghĩa quốc gia trước đây.
Tiếp theo đó là một đêm đẫm máu đánh dấu đòn đầu tiên của phe Quốc xã để xoá các phòng hội họp, các quán cà phê mà những người Cộng sản hay lui tới. Những cuộc đánh lộn xẩy ra ở Bochum, Breslau, Leipzig, Stassfurt, Dantzig, Dusseldorg làm nhiều người chết và bị thương. Chính phủ đã có trong tay những người say chiến thắng như Hitler, Von Papen và Hugenberg - bộ trưởng Bộ kinh tế và thực phẩm, vua của giới báo chí và điện ảnh, chỉ huy của các đơn vị quân quốc gia Đức.
Ngày 6-3, một đạo luật khẩn cấp nhằm “bảo vệ nhân dân Đức” đã thắt chặt kiểm soát hạn chế hoạt động của các cơ quan thông tin đối địch. Từ ngày 9-3, bộ máy cảnh sát của Goering bắt đầu hoạt động. Những cuộc khám xét nhà ở của các đảng viên Cộng sản và những người lãnh đạo các đảng, đã diễn ra ở khắp nơi trên nước Đức. Chúng dựng lên những vụ khám xét vũ khí đạn dược và thu được tài liệu “chứng tỏ” âm mưu định gây ra những vụ cháy ở các tòa nhà công cộng. Những vụ bắt bớ, bắt cóc cùng tăng. Bọn lính S.A tra tấn, ám sát những người chống đối mà chúng đã lên danh sách từ mấy năm trước.
Tướng Ludendorff, bạn cũ của Hitler, chối bỏ việc đồng phạm của hắn năm 1923 và viết đơn gửi cho Hindenburg: “Tôi xin trịnh trọng báo trước để ngài biết rằng con người tai hại ấy sẽ đưa đất nước xuống vục thẳm, và đưa Tổ quốc chúng ta vào thảm họa không thể lường nổi. Thế hệ con cháu chúng ta sẽ nguyền rủa ngài dù cho ngài đã ở dưới mồ, là đã cho phép xẩy ra những điều ấy”.
Hindenburg đã không chuyển lá thư của Ludendorff cho Hitler.
Ngày 20, Goering ra lệnh cho phép cảnh sát được dùng vũ khí dể dập tắt các cuộc biểu tình của các đảng thù địch với chính phủ.
Ở Kaiserslautern, cựu thủ tướng Brüning tổ chức cuộc họp của Liên hiệp Thiên chúa giáo Pfalz Wacht. Lúc kết thúc cuộc họp, bọn Quốc xã đã tấn công đoàn diễu hành bằng dùi cui và súng ngắn. Chúng đã làm 1 người chết, 3 người bị thương nặng và nhiều người khác bị thương nhẹ.
Tờ báo của Thiên chúa giáo Germania kêu gọi tổng thống Hindenburg có biện pháp ngăn chặn những cuộc thảm sát của bọn Quốc xã, nhưng ông này im lặng.
Ngày 23, bộ trưởng Bộ kinh tế ở Wurtemberg, ông Maïer thuộc phe dân chủ, kháng nghị chống lại những dự định tước quyền của các nghị viện địa phương. Ông Maïer đã mời những người Đức ở miền Nam hợp tác với ông, vì người của Hitler không chiếm đa số trong một nghị viện nào ở các bang miền Nam, để “bảo vệ tính hợp pháp của nền cộng hòa về quyền lợi và sự tự do của họ”.
Ngày hôm sau ông Frick, bộ trưởng Bộ nội vụ trả lời với ý nghĩa: Reich sẽ chiến thắng để giành lấy quyền ở các bang miền Nam. Nhưng Hitler sẽ nắm quyền lực ngay cả khi Reich không chiếm được đa số ghế trong các nghị viện ngày 5-3.
Một tình huống sẽ xuất hiện để tuyên bố tình trạng khẩn cấp và hạn chế sức mạnh còn lại của thể chế cộng hòa “sẽ cho thấy đa số đối nghịch có thể lại trở thành số âm”.
Bọn Quốc xã vẫn lo lắng, mặc dầu không muốn từ bỏ quyền lực mà chúng đã mất nhiều công sức để chiếm lấy.
Một khi sự chống đối luôn dành cho chúng. Tình thế ấy càng ngày càng trở nên sục sôi khi nhiều sự kiện liên tiếp xẩy ra: Ngày 25, những tổ chức chiến đấu của những người Cộng sản, nhất là những đội quân của Liên minh Antifa đã thống nhất dưới sự chỉ huy chung, đánh trả lại việc quân Quốc xã chiếm tòa nhà Karl Liebknecht, vào buổi sáng sớm. Ngày 26, bộ chỉ huy quân Antifa kêu gọi “thiết lập một phòng tuyến với khối đông người để bảo vệ Đảng Cộng sản và quyền lợi của giai cấp thợ thuyền” và để “mở cuộc tấn công mạnh, chiến đấu dũng cảm chống lại nền độc tài phát xít”.
Cách duy nhất để đập tan Đảng Cộng sản, ngăn cản họ cầm đầu cuộc chiến chống phát xít, chỉ còn bằng cách đè bẹp họ. Cần phải thuyết phục toàn thể nhân dân thấy rõ sự thật của âm mưu lật đổ của Cộng sản, để có thể loại trừ những người cầm đầu và giải tán Đảng Cộng sản trước cuộc bầu cử.
Để dựng nên bộ máy có quyền lực tuyệt đối không có gì khó khăn đối với bọn Quốc xã. Chúng có lực lượng cảnh sát Berlin đã được Goering làm trong sạch. Ba mươi ngàn “nhân viên cảnh sát phụ” trang bị súng, đeo băng có hình chữ thập ngoặc, đã làm chủ đường phố và được đảng Reich trả công ba mác mỗi ngày.
Goering ra một sắc lệnh vào ngày 22 tháng 2 hợp nhất các nhân viên S.A và đội quân Stahlhelm (đội quân Mũ thép) được tập hợp thành một lữ đoàn. Tất cả lực lượng này đều được tung vào cuộc chiến trong ba đợt.
Ngày 27-2, mở màn cho một thời kỳ thảm khốc.
Vào lúc 21 giờ 15 ngày 27-2, một sinh viên thần học đang đi trên hè phố Königsplatz để trở về nhà. Phố này có tòa nhà Reichstag (tòa nhà Quốc hội). Chợt anh nghe thấy tiếng cửa kính vỡ do bị đập phá. Các mảnh kính rơi xuống hè đường lanh canh. Ngạc nhiên, anh vội chạy đến báo cho người gác trụ sở nghị viện. Một toán tuần tra được thành lập cấp tốc. Khi toán này đến nơi, họ thấy một bóng người đang châm lửa đốt ở khắp nơi trong tòa nhà. Chỉ một loáng sau, cảnh sát và nhân viên chữa cháy đã có mặt. Chiếc xe chở cảnh sát đầu tiên theo sát ngay sau xe chữa cháy. Trung uý Lateit chỉ huy toán cảnh sát này. Lateit cùng với viên thanh tra Scranowitz và vài người nữa lao vào tòa nhà tìm kiếm thủ phạm. Mọi người ngạc nhiên vì lửa đã cháy ở nhiều nơi trong tòa nhà. Ở trong phòng họp, họ hoảng sợ khi thấy cảnh tượng kinh hoàng. Một ngọn lửa khổng lồ bốc cao lên tới trần mà lại không có chút khói nào. Đám lửa rộng hơn một mét, bốc cao đến nhiều mét. Trong phòng họp không có một lò sưởi. Đấy là kết quả của một loại hoá chất gây cháy rất mạnh. Súng ngắn cầm tay, họ sục sạo tìm kiếm khắp nơi. Khi họ tới phòng ăn thì nơi đây chỉ còn là đống than hồng đỏ rực. Mọi đồ vật trong phòng đã cháy hết.
Trong phòng lớn ở phía nam tòa nhà, bất chợt họ thấy một người cởi trần đẫm mồ hôi, nhảy vụt ra, vẻ ngơ ngác với cái nhìn kinh ngạc. Khi người ta chất vấn, người đó liền giơ cao hai cánh tay, để cho họ khám xét mà không chống cự lại. Trong người anh ta có vài thứ giấy tờ cáu bẩn, một con dao và tấm hộ chiếu Hà Lan. Scranowitz ném cho anh ta tấm chăn phủ lên lưng và dẫn về trụ sở cảnh sát Alexanderplatz.
Con người ấy nhanh chóng khai rõ lý lịch: Van der Lubbe Marinus, người Hà Lan, sinh ngày 13-1-1909 ở Leyde, thất nghiệp.
Khi mới xảy ra đám cháy, radio đã phát tin: “Bọn Cộng sản đã đốt trụ sở Nghị viện”. Sau đó cuộc điều tra bắt đầu và người ta cho rằng thủ phạm vụ cháy này là người của Cộng sản.
Ngay đêm ấy, cuộc trấn áp được tiến hành. Một sắc lệnh được đưa ra tức khắc gọi là “Luật khẩn cấp ngày 28-2” để “bảo vệ nhân dân và nhà nước” do chính vị thống chế già ký.
Đảng Cộng sản bị đánh trực tiếp. Nhưng tất cả các báo xã hội - dân chủ đều bị cấm phát hành. Những đạo luật cứu rỗi cho dân chúng đã bãi bỏ phần lớn các quyền tự do theo hiến pháp: tự do báo chí, quyền được hội họp, quyền bí mật về thư tín, để tiến hành việc bắt người bí mật, tù giam chung thân không cần xét xử, không có bản án kết tội, không có chứng cớ, không mở phiên toà, không có luật sư bào chữa v.v… Sẽ không có các cuộc xét xử, cũng không có lệnh tha hay mở cuộc điều tra mới.
Gestapo giữ đặc quyền này cho đến ngày chấm dứt chế độ của nó.
Cũng trong đêm ấy, ở Berlin bắt đầu các vụ bắt bớ. Với cái cớ “phòng xa”, chúng xông vào nhà ngay giữa đêm, bắt 4.500 người đều là đảng viên Đảng Cộng sản hay Đảng Dân chủ đối nghịch.
Cảnh sát, S.A và S.S chia nhau làm các công việc lục soát, chất vấn, nhốt người tình nghi lèn chặt trên các xe camion, giam họ trong một thời gian ở nhà tù của Đảng Cộng hòa hay ở nhà tù quốc gia, những nhà tù này sau đó trở thành những trại tập trung đầu tiên do Goering lập ra theo ý định của bọn Quốc xã.
Đến 3 giờ sáng các phi trường và các bến cảng đều phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Những chuyến tàu bị lính biên phòng lục soát. Không ai có thể ra khỏi nước Đức. Nhiều người chống đối đã tìm cách bỏ trốn, nhưng đều bị bắt ngay. Người ta đếm ở Phổ có 5.000 người và ở Rhénanie có 2.000 người bị bắt.
Ngày 1-3, một đạo luật thứ hai trừng phạt “Việc gây ra cuộc chiến bằng vũ khí chống lại nhà nước” và việc “gây ra cuộc biểu tình rộng lớn”. Bởi vì bọn Quốc xã sợ nhất những cuộc biểu tình rộng lớn - vũ khí mạnh của các lực lượng cánh hữu phân tán. Đảng Cộng sản đã bị chặt đầu, những người xã hội - dân chủ run sợ nhưng vẫn còn có các nghiệp đoàn với khối khổng lồ, các nghiệp đoàn này có thể chống lại cuộc tấn công của Quốc xã, làm tê liệt đất nước bằng cách tổng đình công.
Ở nước Đức có 3 nhóm nghiệp đoàn: Tổng liên đoàn lao động Đức là mạnh nhất; Tổng liên đoàn lao động tự do, tổng cộng có tất cả là 4.500.000 người; Sau đó là Liên đoàn giáo dân có 1.250.000 người.
Các nghiệp đoàn ở Đức có hiệu lực mạnh nhất trên thế giới: 85% người lao động là đoàn viên của các nghiệp đoàn. Họ không thể nào quên được cái giá mà họ đã phải trả trong thời gian chiến tranh và họ thù địch với bọn quân phiệt, chúng lại đang gây ra cuộc xung đột, và chúng đang tiêu pha công của vào đó.
Cái khối người khổng lồ ấy, mặc dầu có sự thù địch với bọn Quốc xã, nhưng lại không biết nắm lấy cuộc tổng đình công để tự cứu lấy mình và cứu lấy nước Đức. Tất cả lại giống như cách của phe Xã hội - dân chủ, các nghiệp đoàn chọn cách cúi lưng chờ đợi.
Trong cảnh hỗn loạn ấy, người ta đã ấn định ngày bầu cử.
Từ ngày 30-1, bọn Quốc xã đã gieo rắc lên người dân Đức sự khiếp sợ và một dòng thác tuyên truyền diễn ra ở khắp nơi, kèm theo mỗi hành động và mỗi phút là cuộc đời của họ.
Trong cuộc vận động bầu cử, đã có hàng ngàn cuộc họp. Hitler cho tăng cường các cuộc họp đến mức không thể tưởng được; trong các cuộc họp chớp nhoáng từ tỉnh này sang thành phố khác, chúng dùng những lời lẽ cứng rắn và rỗng tuếch nhưng ẩn chứa điều bí mật, để đe doạ nhân dân. Một bộ máy tuyên truyền khổng lồ đặt dưới quyền chỉ huy của Goebbels cùng với những nghi thức có kết quả như có rất nhiều cuộc diễu hành, trống giong cờ mở, khẩu hiệu, những nhịp bước hùng tráng, kích động, và những người đói rách chạy theo chúng để nghe lời ca cứu thế.
Lúc đó nước Đức đã có trên 7 triệu người thất nghiệp. Điều đó có nghĩa là: 1/3 người thợ phải được Wohlfarsamt (hội cứu tế công cộng) cứu đói.
Ngày 5 tháng 3, toàn nước Đức bầu cử. Có tới 11% cử tri không đi bầu cử. Một con số phần trăm rất lớn so với những cuộc bầu cử trước.
Bọn Quốc xã thu được 17.164.000 phiếu bầu, kết quả của cách làm năng động gây hàng ngàn sức ép lên người dân Đức và cả sự lừa dối to lớn khi tự gây ra vụ cháy ở tòa nhà Reichstag.
Những người Cộng sản, mà bọn Quốc xã tin là đã bị đập nát, đã có thái độ đúng mức đến nỗi không thể tưởng được. Mặc dầu họ bị đàn áp dã man, những người lãnh đạo bị mất tích, bị tù đày, phải lẩn trốn, và việc cấm đoán các tờ báo của Đảng Cộng sản, họ cũng đã thu được 4.750.000 phiếu bầu và giữ được 81 ghế trong Quốc hội.
Quốc hội mới gồm 288 đại biểu Quốc gia - xã hội, 118 đại biểu Xã hội, 70 đại biểu trung lập, 52 người Đức quốc gia, 28 người theo chủ nghĩa Dân tuý ở xứ Bavière và ở vài nơi khác và 81 người Cộng sản.
Những người Xã hội có gần 7.000.000 phiếu bầu. Bọn Quốc xã chỉ đạt được 43,9% số phiếu bầu, không chiếm đa số trong Reichstag. Chúng nghi ngờ các đảng phái khác đã liên minh chống lại chúng, vạch trần các điều xảo trá. Chúng đã tuyên bố trước khi có cuộc bầu cử. Chúng liền “mời” các đại biểu Cộng sản đến họp với chúng. Biết rằng đi là sẽ chết nên không đại biểu Cộng sản nào có mặt.
Ngày 21-3, ngày kỷ niệm cuộc họp quốc hội đầu tiên 1871 do Bismarck chủ trì; Cuộc họp của Quốc hội mới được tổ chức long trọng.
Ngày 22, phiên họp đầu tiên của Reichstag, diễn ra trong nhà hát Opéra Kroll ở Berlin, tại khu vực Tiergarten. Những lá cờ đại mang hình chữ thập ngoặc, dựng ở sau diễn đàn, các hành lang đầy sắc phục S.A và S.S; các đại biểu Quốc xã mặc đồng phục đảng Reich.
Đến sáng ngày hôm sau phiên họp đã ra sắc lệnh mới.
Việc loại bỏ những người Cộng sản làm cho bọn Quốc xã thu được tới 52% số phiếu bầu. Không có một đại biểu nào dám nêu một yêu sách nhỏ nào, làm quyền lực hoàn toàn rơi vào tay bọn Quốc xã. Cuộc bầu trên bàn làm việc chỉ diễn ra trong vài phút bởi các đại biểu vừa đứng, vừa ngồi giơ tay tán thành. Goering được đa số bầu làm chủ tịch Quốc hội, trừ những người Xã hội không tham gia bầu.
Ngày 23, Hitler đọc bài diễn văn - Cương lĩnh hoàn toàn không quan trọng, tuyên bố nắm quyền lực trong bốn năm và nhắc lại rằng: “Đa số thành viên trong chính phủ có thể miễn hay tăng thêm thời hạn này”.
Cái quyền lực toàn bộ ấy cho phép Chính phủ ấn định những quy tắc, không cần thông qua Quốc hội, về những sắc lệnh không cần có chữ ký của tổng thống hay xác nhận của Reichstag. Những sắc lệnh ấy cũng được miễn sự xác nhận của Quốc hội đối với các hiệp ước có thể thỏa thuận với người ngoài. Nghĩa là xoá bỏ thẳng thừng nền dân chủ đại nghị và thực thi chế độ độc tài.
Những lời bán tán của bọn lính S.A, đang xúm lại xung quanh tòa nhà vọng lên đến tận phòng họp, gây ra nỗi lo sợ sâu sắc cho những người dự họp.
Đến lúc bỏ phiếu bầu, chỉ có một số nghị sĩ Xã hội còn có can đảm bỏ phiếu chống lại. Có 441 phiếu thuận so với 94 phiếu chống. Chỉ còn cách xoá bỏ đại hội nghị viện. Ngay thống chế Hindenburg cũng bị truất quyền bởi vì bọn Quốc xã không cần đến chữ ký của ông trong các sắc lệnh nữa.
Đảng Quốc xã đã nắm toàn quyền. Đó chính là lúc bắt đầu một cuộc cách mạng thực sự.
***
Khi đã nắm được toàn bộ quyền hành, bọn Quốc xã hiểu rằng phải đánh thật mạnh vào mọi sự chống đối mà cuộc bầu cử vừa qua chứng tỏ là một minh chứng cho sức mạnh ấy.
Tổ chức Gestapo sau này đã biết cách sử dụng tốt nhất sức mạnh ấy. Cần phải bắt đầu ngay tức khắc chiến lược Gleich Schaltung (tiến hành tổng lực) để đồng hóa mọi việc. Nghĩa là quốc xã hóa toàn nước Đức, bắt dân chúng phải phục tùng và bắt nhà nước phải phụ thuộc vào đảng Reich. Cũng có nghĩa là phải tiêu diệt hết các tổ chức chính trị, ám sát thủ tiêu những người lãnh đạo, bắt giữ, hay buộc họ phải lưu vong.
Những người Cộng sản đã bị loại trừ. Ngày 1-4 Hitler tuyên bố tẩy chay các sản phẩm và các cửa hiệu của người Do Thái. Đã từ lâu, những tên quốc xã đã có một khẩu hiệu chung: “Juda Verrecke” (Tên Juda sẽ phải chết) - Người Do Thái bị coi là Juda.
Ngày 1-4, những tên lính S.A và S.S rải khắp đường phố Berlin, khích động dân chúng chống lại người Do Thái. Những người Do Thái qua đường đều bị chúng xông vào đánh đập, các cửa hiệu của họ bị đập phá, cướp bóc. Những người chủ cửa hàng và cả những người làm công đều bị chúng đánh đập, lấy hết tài sản. Chúng tràn vào các quán cà phê lớn, các quán ăn, xua đuổi những người khách là Do Thái. Hơi hướng cuộc tàn sát người Do Thái thời trung cổ đã khơi dậy trong mọi tầng lớp dân chúng Đức làn sóng bài Do Thái.
Những hành động bạo lực vô cớ ấy làm người ta không thể hiểu nổi. Hitler đã nói: “Cần phải làm cho con người tha hóa, yếu kém như một con vật”. Việc biến con người thành những bản năng tàn ác, được chủ nghĩa Quốc xã công nghiệp hoá, bắt đầu bằng việc bài Do Thái.
Những sự kiện ngày 1-4 hầu hết được tiến hành một cách mờ ám: một sắc lệnh thứ nhất ra đời, thay cho điều thứ 7 bằng một điều khác, bắt đầu sự tập trung quyền lực của chính quyền Reich. Các nghị viện của các bang (Länder) đều phải giải tán, trừ Nghị viện Phổ. Thay vào đó là những đại biểu (những Reichsstatthalter) do Hitler lựa chọn, được trao cho tất cả quyền lực.
Biện pháp chủ yếu ấy đã làm phân rã mọi sự chống đối đang ngấm ngầm trong nghị viện các bang, ví dụ như ở xứ Bavière.
Những tên phụ chính quyền lực có quyền sa thải các viên chức không có đặc tính của người Aryan hoặc không biết xu thời.
“Hội đồng hành động quốc gia” của đảng Reich đã ký một quyết định giải tán 28 liên đoàn của Tổng liên đoàn lao động Đức vào ngày 24-4. Tài sản của các liên đoàn đều bị tịch thu; những người đứng đầu các liên đoàn ấy và các giám đốc nhà băng của thợ thuyền đều bị bắt. Các nghiệp đoàn khác không có sự phản ứng nào.
Hitler quyết định tổ chức ngày lễ “Lao động quốc gia” vào 1-5. Những người lãnh đạo các nghiệp đoàn tự do, theo xu hướng xã hội hay Thiên chúa giáo đều được mời tiếp xúc thân thiện nhưng cương quyết. Người ta yêu cầu họ phải cho người tham dự vào cuộc biểu tình do đảng Reich tổ chức trong ngày lễ đầu tiên ấy của chế độ mới. Hitler ca tụng tình đoàn kết thợ thuyền, sự thống nhất người lao động trong tình anh em quốc gia. Đây chỉ là một hành động xã hội, không mang tính chất chính trị, mà chỉ là ngày hội hòa giải. Người lao động tham dự vào ngày lễ này vẫn được trả tiền công như một ngày làm việc bình thường. Và tất cả những ai tham dự đều được thưởng một khoản tiền và một bữa ăn.
Đây là tính ngây thơ hay sự hèn hạ? Ai có thể xét đoán được điều đó. Nhưng các nghiệp đoàn đã chấp nhận.
Ngày 1-5, một triệu người lao động đã tập trung trên quảng trường Tempelhofer Feld. Hitler đọc bài diễn văn “hùng hồn” cổ vũ khối đông thợ thuyền và cầu xin Thượng đế.
Lúc 10 giờ sáng ngày hôm sau, các đơn vị S.A, cảnh sát đã chiếm lấy các trụ sở của các nghiệp đoàn, nhà cửa của dân chúng, các tờ báo, các hợp tác xã, nhà băng của nghiệp đoàn và những chi điếm khác.
Một sắc lệnh do Goering ký ngày 26-4 thành lập Gestapo ở Phổ và lần đầu tiên hành động dưới cái tên mới này ở Berlin.
Các chủ nghiệp đoàn, đã được lên danh sách từ nhiều ngày trước, đều bị bắt ngay tại nhà hay tại nơi ẩn trốn. Những tàng thư, những khoản tiền ở nhà băng của các nghiệp đoàn bị thu giữ, kể cả những tài sản cứu tế và quán ăn của họ.
Cùng ngày hôm ấy “Ban hành động bảo vệ việc làm Đức” do tiến sĩ Ley chỉ đạo, đã nắm lấy quyền điều hành các nghiệp đoàn, buộc họ lệ thuộc vào các chi bộ nhà máy của đảng Reich.
Có những tổ chức đã tập hợp được tới sáu triệu người và lợi tức hàng năm đạt tới 184 triệu Mác, cũng bị thanh trừng không dám có một sự chống đối nhỏ nào.
Ngày 4-5, Ley tuyên bố thành lập “Mặt trận của lao động” buộc mọi người phải làm việc. Mặt trận này coi như một công cụ khổng lồ về tuyên truyền để nhồi nhét ý tưởng Quốc xã trong số hàng triệu hội viên bị bắt buộc phải dự vào. Mọi điều kiện sống của người thợ thuyền đều bị san bằng. Chương trình to lớn của Hitler đã làm hạ con số thất nghiệp, bằng cách hạ tiền công của người lao động và số tiền lãi to lớn của các hãng công nghiệp hợp tác với chủ nghĩa Quốc xã đều rơi vào tay Đảng Quốc xã.
Các nghiệp đoàn đã bị loại bỏ tạo điều kiện cho việc thanh toán các đảng phái chính trị.
Sau ngày 30-1, Hindenburg và Von Papen cùng tham dự chính quyền với Hitler, khiến cho những người Đức quốc gia trở thành chỗ dựa vững chắc cho Hitler. Hai người này đã dùng mọi biện pháp để chống lại các đảng phái. Theo sắc lệnh mới nhiều đơn vị hành chính, nhiều viên chức là hội viên của những đảng ấy bị đuổi việc không cần lý do. Nhưng vẫn còn hai bộ trưởng Bộ kinh tế và Bộ nông nghiệp. Để gạt bỏ hai vị này, bọn Quốc xã bèn tổ chức những cuộc kháng nghị đông đúc để chống lại đường lối về nông nghiệp.
Ngày 28-6, hai vị bộ trưởng nói trên đều phải xin từ chức.
Cùng ngày hôm ấy, Đảng Dân tuý, đảng cũ của Stresemann xem xét hết sức thận trọng để tự giải tán, bắt chước theo Đảng Thiên chúa giáo. Trước sự tự giải tán của các đảng nói trên, chỉ có Đảng Dân tuý của người xứ Bavière, tiếp tục đối mặt với mọi sự đe dọa của Quốc xã. Lập tức những người lãnh đạo của Đảng Dân tuý xứ Bavière đều bị bắt. Trong số người bị bắt có ông hoàng Wrede, sĩ quan kỵ binh đã cùng Hitler tham dự cuộc đảo chính năm 1923 và cùng ngồi tù với Hitler ở nhà giam Landsberg. Ông hoàng này cũng phải nhún nhường và đến lượt mình phải tự giải thể đảng của mình.
Ngày 7-7, một sắc lệnh gạt bỏ các đại biểu Xã hội - dân chủ trong Quốc hội (Reichstag) và những tổ chức chính quyền của Länder. Rất nhiều người lãnh đạo của các tổ chức chính quyền đã phải ra nước ngoài. Những người khác thì vào tù hay vào trại tập trung. Bọn Quốc xã tuyên bố hễ ai không nhận thức được tinh hoa của chủ nghĩa Quốc xã, đều phải bị cải tạo tư tưởng.
Từ ngày 25-3, chúng đã mở trường cải tạo đầu tiên ở gần Stuttgart. Lúc đầu chỉ có 1.500 người phải cải tạo, sau đó con số này tăng gấp ba bốn lần. Loại trường này nhanh chóng trở thành nhà trường quốc gia.
Cùng ngày hôm ấy có một loạt 19 điều luật được ban bố. Một trong số những điều luật này cấm hẳn mọi bàn cãi; khẳng định: “Đảng Quốc gia - xã hội (Quốc xã) của người lao động Đức là đảng chính trị duy nhất ở nước Đức. Người nào muốn duy trì cơ cấu một đảng phái chính trị khác, hay dự định thành lập một đảng chính trị mới sẽ phải chịu lao động khổ sai đến ba năm hay phải vào tù từ sáu tháng đến ba năm, không kể đến những phê chuẩn nghiêm khắc của các văn bản khác”.
Có rất nhiều người Đức lương thiện ngạc nhiên về các sự kiện đã bị bóp méo. Họ nhận ra sai lầm của mình là đã không nhớ đến lời tuyên bố của Hitler trước đây: “Chúng tôi đã ở đây sẽ không còn có chỗ cho người khác!”. Những người bạn, những người đồng minh của Hitler, những người quốc gia Đức, đã có đủ thì giờ để ngẫm nghĩ về ý đồ đó của Hitler.
Từ nay, những tên Quốc xã đã là chủ nhân tuyệt đối của nước Đức. Thể chế mới của chúng đã có thể hoạt động không còn cản trở nào nữa.
Chương 2: Goering dự vào cảnh sát
Đến mùa xuân năm 1934 đã có 65.000 người Đức phải rời bỏ đất nước ra đi. Chỉ có một năm của nền độc tài đã gây ra nạn “chảy máu người” như vậy, nó thúc đẩy hàng ngàn đàn ông và đàn bà, hầu hết là những nhà bác học, nghệ sĩ, nhà văn, giáo sư, phải bí mật vượt qua biên giới tìm nơi ẩn náu ở nước khác. Họ chạy trốn sự cưỡng bức và sự sợ hãi, một nỗi hoảng sợ âm ỉ đã mang cái tên: Gestapo.
Gestapo. Cái tên ấy làm cho những người can đảm nhất cũng phải xanh mặt, vì nó chứa đựng những điều bí ẩn và khủng khiếp. Người nào đã có thể dùng bàn tay của mình để tạo ra con quái vật ấy? Ma quỷ nào đã rèn ra cái trục của bộ máy quốc xã? Bộ máy này đã đẩy 25.000.000 người vào chỗ chết và gieo rắc khắp Châu Âu hoang tàn và tro bụi!
Con người ấy không có bề ngoài của quái vật, khuôn mặt hắn phương phi và dễ cảm tình so với phần đông người trong bọn chúng. Hắn rất bình dân, có thể gây xúc động bằng những cử chỉ thân mật. Hắn là Hermann Goering.
Ví cuộc đời của Goering hai năm về trước, trong dòng chữ của Malraux, đã gợi lại trong trí nhớ của mọi người: “Con người không giống như điều hắn ẩn giấu. Hắn chỉ thể hiện trong việc làm”.
Malraux cũng đã viết trong cuốn sách “Les Noyers de l’ Altenburg” và “La Condition Humaine” (Những người chết chìm ở Altenburg và Thân phận con người): “Con người là tổng thể hành động của nó, là việc gì nó đã làm hay có thể làm”.
Goebbels, Hess, Bormann, Himmler, không nói đến Hitler, chúng đã gợi nên rất sớm một vài sự lo sợ. Còn Goering lại làm người ta yên tâm.
Sự phán xét của Otto Strasser lại là điều trái ngược: “Goering là tên giết người trong tâm hồn. Trong con người hắn chứa đựng “ý nghĩa của sự khủng bố””.
Đúng thế, “ý nghĩa của sự khủng bố” và là một loại nghệ thuật tinh tế, một kiểu suy đồi mà tên thống chế to béo, đầy mỡ và kiêu ngạo, đã áp dụng trong nghề nghiệp tuyệt đỉnh vinh quang của hắn.
Cái ý nghĩa rất đặc biệt ấy, đã phát triển trong con người hắn với những hoàn cảnh lạ lùng. Người ta nhớ lại ngày 13 tháng 10 năm 1930, Reichstag mới được bầu ngày 14-9 đã có phiên họp đầu tiên. Đảng Quốc gia xã hội, đã nhanh chóng chiếm hàng thứ hai sau Đảng Xã hội nắm quyền với 143 ghế. 107 đại biểu Quốc xã tiến vào phòng hội nghị mặc áo sơ mi nâu, xếp hàng đi đều bước. Người chỉ huy toán người kỳ lạ, xiết chặt hàng ngũ, là một trong số những đảng viên kỳ cựu: Hermann Goering. Hắn đã là đại biểu nghị viện từ hai năm trước (ngày 20-5-1928) trong khi đảng của hắn, khó khăn lắm mới chiếm được 12 ghế. Vào thời kỳ ấy có rất ít người Đức nhớ ra rằng viên đại biểu mới này đã là anh hùng của cuộc đại chiến thế giới vừa qua. Cuộc đại chiến thế giới còn chưa đi vào huyền thoại. Sự có mặt của vị đại biểu Quốc gia - xã hội trẻ tuổi đã có vài điều làm mọi người phải sửng sốt. Trong quá khứ, Hermann Goering đã từng dự vào đảng của những người bảo thủ, ưa thích nền quân chủ, đã dự vào đảng của phái trung lập, tập hợp tầng lớp tư sản và những người ngang hàng với tầng lớp đó.
Là con của bác sĩ Heinrich Goering, một viên chức ở một trường học bình thường, Hermann Goering sinh ra ở Rosenhem, xứ Bavière vào ngày 12-1-1893. Bà ngoại Caroline de Nérée có tổ tiên là người Pháp theo giáo phái Can-vanh ở Pays-Bas. Ông Heinrich Goering, cha của Hermann Goering là bạn thân thiết với Bismarck, năm 1885 là cao ủy đầu tiên ở vùng Tây Nam Phi Châu thuộc Đức. Ông Heinrich tốt nghiệp đại học ở Bonn và ở Heidelberg, đã là sĩ quan trong quân đội Phổ, là một người có uy tín, bởi cách làm và điều lệnh theo kiểu Phổ.
Goá vợ khi đã có năm người con, bác sĩ Heinrich Goering lấy người vợ thứ hai là cô gái trẻ ở tỉnh Tyrol, nước Áo. Ông đã đưa người vợ trẻ đến Haïti là nơi ông làm ủy viên xứ thuộc địa, sau đó cho vợ về Bavière để sinh ra Hermann Goering.
Lúc còn thơ ấu, Hermann Goering học ở trường nào cũng gây gổ đánh nhau, nên thường xuyên bị đuổi. Trước tình hình ấy, ông Heinrich đành phải gửi con đến trường sĩ quan ở Karlsruhe, rồi từ đó Hermann được chuyển sang trường quân sự ở Berlin.
Hermann tốt nghiệp vào tháng 3-1912 với thứ bậc cao và được cử vào trung đoàn bộ binh
Prinz Wilhehm ở Mulhouse với cấp hàm thiếu uý. Lúc ấy Hermann Goering 19 tuổi. Đời sống trong quân ngũ ảnh hưởng đến người thanh niên sôi nổi và Hermann Goering hết sức vui mừng khi được tham dự vào cuộc chiến tranh. Tháng 10-1914, Hermann được chuyển sang lực lượng không quân, đã có rất nhiều chiến tích. Lúc đầu Hermann chỉ làm nhiệm vụ quan sát, đến tháng 6-1915, Hermann đã trở thành phi công lái máy bay thám thính, rồi máy bay ném bom, sau đó vào mùa thu 1915, Hermann trở thành phi công lái máy bay tiêm kích.
Chỉ khi ngồi trên máy bay tiêm kích, trung uý Goering mới phát huy hết khả năng. Khả năng chiến đấu được thể hiện đầy đủ. Chiến công đầu của Hermann Goering là bắn hạ máy bay ném bom hạng nặng Handley-Page của Anh, nhưng Hermann cũng phải nhảy dù thoát nạn khi máy bay của hắn bị các máy bay tiêm kích Anh bắn rơi. Bị thương ở háng và ống chân trái, nhưng khi lành vết thương, Hermann lại tiếp tục chiến đấu và trở thành phi công tiêm kích xuất sắc của Đức. Tháng 5-1917, Hermann được cử làm chỉ huy phi đội số 27. Đầu năm 1918, Hermann đã có 21 chiến công. Tháng 5-1918, hoàng đế Đức thưởng cho Hermann Huân chương Chiến công là loại huân chương cao nhất của nước Đức. Cũng vào thời kỳ này Hermann được nhận vào phi đội không quân số 1 nổi tiếng nhất, được gọi là phi đội Richthofen.
Ngày 21-4-1918, đại uý - nam tước Freiherr Von Richthofen đã có hơn 80 chiến công, cũng đến lượt bị bắn hạ. Người kế tiếp là trung uý Reinhard tử nạn vào ngày 3-7-1918. Goering được cử làm chỉ huy phi đội vinh quang này. Hắn bắt đầu giữ chức vụ vào ngày 14-7-1918 khi các đội quân của Đức phải rút lui khỏi mặt trận ở Marne (Pháp). Phi đội số 1 của Hermann Goering đã đánh trả không quân Đồng minh. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của Goering. Đến tháng 11-1918, Goering phải rút phi đội về nước.
Goering thấy rõ cái chết trong lòng. Y viết một bài về cuộc đình chiến trên báo “Hành quân” của đơn vị. Từ ngày thành lập, phi đội số 1 Richthofen đã mang về 644 chiến thắng và mất 62 phi công.



1


2


3



tải về 175.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương