Thần Học Luân Lý


*** HÀNH ĐỘNG KHI LƯƠNG TÂM NGHI NGỜ (Doubtful Conscience)



tải về 0.9 Mb.
trang3/12
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.9 Mb.
#15361
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

*** HÀNH ĐỘNG KHI LƯƠNG TÂM NGHI NGỜ (Doubtful Conscience)

 

Nghi ngờ là tình trạng do dự không chắc chắc việc làm này có hợp luật (law) hay có buộc làm (obligation) không. Để giải quyết tình trạng nghi ngờ ấy có 4 cách:

 

            1. Bàn hỏi:



Nguyên tắc:

-  Khi lương tâm nghi ngờ thực tiễn (việc đang xảy ra),  cách tốt nhất, nếu có thể được, phải tìm cách loại sự nghi ngờ đó (bằng cách tra cứu sách vở, tìm hỏi người có kiến thức, có kinh nghiệm). Ví dụ: Một người bên Mỹ đi nghỉ hè tại Canada, hôm ấy là 15 tháng Tám lễ Đức Mẹ lên trời. Tại Mỹ là lễ buộc, nhưng tại Canada có buộc không, vì Hội đồng Giám mục có thể ấn định cách khác. Vậy để yên lương tâm, nếu đương sự có thể  hỏi được ai thì nên hỏi.

 

            2. Hoãn lại:



Nguyên tắc:

- Không được hành động với lương tâm nghi ngờ thực tiễn (practical doubt). Nếu cứ hành động sẽ phạm bất công hay phạm tội nào đó. Nếu có nghi ngờ lỡ ra phạm đến mạng sống (life) hoặc quyền lợi (right) của tha nhân, thì phải hoãn hành động. Ví dụ: Người đi săn buổi sáng, trời sương mù, ông ta thấy một vật lờ mờ, có thể là con nai, cũng có thể là người bạn săn. Ông phải ngưng bắn. Nếu cứ bắn mà trúng người bạn, ông ta phạm tội giết người.

 

            3. Áp dụng nguyên tắc Phản hồi (Reflex principles):



Nguyên tắc Phản hồi là những qui luật khôn ngoan giúp tìm ra sự chắc chắn về phương diện luân lý để lương tâm được bình an mà hành động.

 

Nguyên tắc:



1. " Khi nghi ngờ về luật, thì không buộc làm hay bỏ.

2. " Khi nghi ngờ , phải đứng về người được ưu đoán. Ví dụ: Sách nói về gia đình, người có đôi bạn được ưu tiên coi hơn tu sĩ ở bậc trinh khiết.

3. " Khi nghi ngờ, ai đang chiếm hữu, người ấy được ưu tiên.

4. " Khi nghi ngờ, phải bênh vực tội nhân.

5. " Khi nghi ngờ, phải dành ưu tiên cho Bề trên.

6. " Khi nghi ngờ, phải đoán theo sự việc thông thường xảy ra. Ví dụ: Thông thường trẻ 7 tuổi mới đủ trí khôn.

7. " Khi nghi ngờ, phải đoán là việc đã thành (vadility) cho tới khi có bằng chứng ngược lại. Ví dụ: Hai người đã kết hôn, nay có người nói là không thành... (GL 1060).

8. " Khi nghi ngờ, phải cắt nghĩa rộng để chủ thể hưởng ơn, cắt nghĩa hẹp để chủ thể tránh phạt.

9. " Khi nghi ngờ luật buộc nhiều hay ít, được giữ theo phần ít.

10. " Để kết tội, không được kết án phỏng đoán, nhưng phải chứng minh.

 

            4. Bảo vệ luật:



Nguyên tắc:

- " Nếu đã tìm hiểu, tra cứu sách vở, ngưng hành động, áp dụng nguyên tắc phản hồi mà còn nghi ngờ thì phải áp dụng nguyên tắc: "Bảo vệ luật và tránh phạm tội".

 

 



3. HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM

 

"Huấn luyện lương tâm là công tác phải làm cả đời...trong việc huấn luyện lương tâm, Lời Chúa sẽ là ánh sáng soi đường của ta"(GLCG92 số 1784)



 

Cách tự nhiên:

- Thời gian: Cần được hấp thụ nền giáo dục tốt ngay từ trên gối mẹ, và từ những năm thơ ấu. Gương lành và lời nói của các bà mẹ các thánh nhân: Vua thánh Lui, thánh Gioan Boscô,...

- Không gian: Cần được giáo dục ngay từ tuổi thơ, trong bầu khí thích hợp tại gia đình, học đường, giáo xứ.

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí chỉ trích, nó sẽ thích kết án người khác,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí nghịch thù, nó sẽ bướng bỉnh, hiếu chiến,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí chế diễu, nó sẽ nhút nhát rụt rè,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí sợ sệt, nó sẽ mặc cảm tội lỗi,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí bao dung, nó sẽ hiền hòa thông cảm,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí khuyến khích, nó sẽ bền chí, tự tin,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí cởi mở, nó sẽ bộc lộ cảm nghĩ riêng tư,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí tán thưởng, nó sẽ phát triển tài năng,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí công bằng, nó sẽ bênh vực sự thật,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí bác ái, nó sẽ thấu hiểu luật Chúa,

 Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí gương mẫu và cầu nguyện, nó sẽ tìm thấy niềm tin,

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí có Chúa ngự trị, nó sẽ phát triển toàn diện nhân cách.

 

" Người tự luyện lương tâm, cần phải hoàn toàn chân thực với mình. Kiểm soát lương tâm cách chân thành không quanh co lừa dối mình, và cách trung thành không "gặp chăng hay chớ", "ba hồi có ba hồi không".



 

Cách siêu nhiên:

- Cầu nguyện,

- Trung thành chiến đấu đam mê,

- Năng lãnh các Bí Tích, nhất là Bí tích Xá giải,

- Nghe lời chỉ dẫn khôn ngoan của cha linh hướng. Cha linh hướng chỉ nêu nguyên tắc để hướng dẫn chứ không giải quyết hay chọn giùm. Chính đương sự lựa chọn.
Chương sáu

CÁC MÔN PHÁI LUÂN LÝ

(The Moral systems)

 

 



Một người được ưu tiên coi là vô tội (innocent), bao lâu chưa chứng minh được rằng người đó đã mắc tội. Người đang chiếm hữu vật gì, được ưu tiên giữ nó, bao lâu chưa chứng minh ngược lại để mất nó.

Tuy nhiên , theo nguyên tắc "Luật hồ nghi không buộc giữ" sẽ có tranh luận là : Có nên luôn luôn bênh vực luật (law) hay bênh vực tự do (liberty) con người ? Từ những tranh luận trên phát sinh ra các môn phái luân lý.

Các môn phái luân lý gồm có: Rigorism, probabiliorism, Aequiprobabilism, Probabilism, and Laxism. Những môn phái này đã gây rất nhiều tranh luận sôi nổi về luân lý thần học trong quá khứ, nhất là vào thế kỷ 17 và 18.

 

CÁC MÔN PHÁI LUÂN LÝ:

 

1. Phái Cứng ngắc (Rigorism, Tuitorism)

Chủ trương: khi nghi ngờ, phải luôn theo luật, không được theo ý kiến ngược lại luật.

Ví dụ: Luật buộc đi lễ Chúa nhật, dù đau ốm nặng cũng phải đi. Phái này quá ngặt (thái quá). Đức Alexander 8 đã luận phi. (Ds.2303)

 

2. Phái Phóng túng (Laxism)

Chủ trương: Khi nghi ngờ, chỉ cần lý nhỏ mọn (tenous probability) cũng đủ miễn giữ luật.

Ví dụ: Hơi nhức đầu cũng đủ để khỏi đi lễ Chúa nhật. Phái này quá dễ dãi (bất cập). Đức Innocent XI đã phi bác. (Ds.2103)

 

CÁC MÔN PHÁI ĐƯỢC GIÁO HỘI NHÌN NHẬN:

 

1. Phái Hữu lý hơn (Probabiliorism)

(Safe view favor law - MORE probable view in favor of liberty)

Chủ trương: Khi hồ nghi phải bênh luật, nhưng được tự do theo ý kiến có lý hơn, miễn là không làm điều xấu.

Ví dụ: Mới khỏi bệnh, đi lễ hôm nay sẽ bị bệnh lại nặng hơn, thì được bỏ lễ.

 

2. Phái Đồng hữu lý (Aequiprobabilism)

(Safe view favor law - EQUAL probable favor liberty)



Chủ trương: Giữ luật cũng có lý, bênh vực tự do không giữ luật cũng có lý, thì được bỏ giữ luật. Thánh Anphongsô cũng theo thuyết này.  Áp dụng nguyên tắc phản hồi:"Khi hồ nghi, phải đứng về phía người được ưu đoán". Ví dụ: Với tình trạng bệnh như vậy, đi lễ cũng được, ở nhà cũng được, thì được ở nhà. Ví dụ khác: Vào một nơi nào đó, giáo sĩ đeo cổ trắng cũng được mà bỏ ra cũng được  thì không buộc  đeo.

 

 3. Phái Hữu lý (Probabilism)



(Favor liberty, even though the Contrary opinion favor law be more probable)

Chủ trương: Được theo ý kiến không chắc để bênh tự do, miễn là ý kiến ấy có lý.

Ví dụ: Một bệnh nhân ngoài Công giáo gần chết đòi gặp Mục sư Tin lành. Sơ Công giáo phải tìm Mục sư theo ý bệnh nhân.

Ngày trước Giáo hội không nhận lý thuyết này, vì sợ gặp nhiều khó khăn, dựa trên nguyên tắc:"Luật hồ nghi không buộc giữ". Giáo luật cũ số 1989 không cho bà Sơ đi tìm Mục sư.

 

Ngày nay, Công đồng Vaticanô II trong Tuyên ngôn Tự do Tôn giáo đề cao nhân phẩm tự do con người, người ta được hoàn toàn tự do theo tôn giáo họ lưa chọn, Công đồng còn cấm tất cả những hình thức cưỡng bách tôn giáo.

 

Nguyên tắc:



1. " Cha giải tội phải theo ý kiến có lý hơn, khi gặp một vấn đề có nhiều ý kiến đối nghịch, ý kiến nào xem ra cũng có lý. Nếu muốn bênh tự do, thì phải tìm ra lý do quan trọng cân xứng, hoặc  có lý mạnh hơn là giữ luật."

 

2. "Cha giải tội không nên bắt hối nhân phải theo phái nào theo ý mình.  Cha giải tội chỉ là Thừa tác viên giúp hối nhân hối cải chuẩn bị lãnh xá giải, chứ không phải là "quan xét" về ý kiến.

 

3. "Cha giải tội phải khôn khéo hiểu tình trạng của hối nhân. "Khi hồ nghi, phải đứng về phía người được ưu đoán".

 

4. " Cha giải tội đừng quá tin vào trí mình, nhưng phải chịu khó tìm hiểu ý kiến của các tác giả luân lý đứng đắn.


Chương bảy

 TỘI LỖI



(Sin)

  

1. TỘI LỖI THEO QUAN NIỆM CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II.

 

"Con người được Thiên Chúa thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, vì nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình, nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa.



"Dù họ đã nhận biết Thiên Chúa nhưng họ đã chẳng tôn vinh Ngài như Thiên Chúa, trái lại tâm hồn mê muội của họ đã ra tối tăm và họ đã phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Đấng Tạo Hóa (Rm 1,21-25).

"Điều Thiên Chúa mạc khải cho ta biết, cũng phù hợp với kinh nghiệm của ta, bởi vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa tốt lành của mình.

"Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, và đồng thời phá vỡ mọi hoạt động nơi chính bản thân, cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo.

"Con người thấy mình không đủ sức khi phải tự mình chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy dường như bị xiềng xích trói buộc.

"Nhưng chính Chúa đã đến để giải phóng con người, và làm cho con người trở nên mạnh mẽ khi Ngài đổi mới tự nội tâm họ, và loại ra ngoài thủ lãnh của thế gian này (Ga 12,31) là kẻ đã kìm giữ họ trong vòng nô lệ tội lỗi. (Ga 8,34)

(Mục vụ 13).

 

2. BẢN CHẤT TỘI LỖI

 

Kinh Thánh Cựu Ước: Tội như một sự vi phạm Luật Chúa và Ý Chúa. Nguồn gốc của danh từ tội (hata) diễn tả ý niệm bỏ mất đích hoặc lạc mất đường. Tội nối kết với luật, là phạm tới luật, là không vâng giữ, chống lại Giới răn Chúa (Nl 28,15-68). Chương ba sách Khởi nguyên nói về tội Ađam Evà trong vườn Địa đàng như là tự do phạm mệnh lệnh Chúa đã truyền dạy.

 

Kinh Thánh Tân Ước: Chúa Giêsu đòi phải thanh sạch cả bên trong, không phải chỉ sạch chén đĩa bên ngoài (Mc 7,1-23). Tội như sự vô ơn của đứa con phung phá, muốn chia lìa tình cha để đi lối riêng (Lc 15), là ích kỷ, ghen ghét (Lc 7,47), là theo xác thịt hơn tinh thần (Rm 8,1-7).

 

Quan niệm thần học kết án tội làm tổn thương ba phía:



            1/ Chúa, (từ chối Chúa và chương trình thiêng liêng của Ngài),

            2/ Tha nhân (tác hại trực tiếp tha nhân, nhất là những tội phạm công bằng, bác ái, gương xấu, cộng tác sự dữ),

            3/ Chính mình (dù là tìm dễ dãi cho mình, nhưng thực ra con người phá hủy tự do và trở thành nô lệ (Ga 8,34). Khi phạm tội, con người tưởng tìm được hạnh phúc cho mình, nhưng thực ra, con người không thể tìm được hạnh phúc và hoàn tất đích cùng của mình khi tìm nơi những gì không được tạo dựng nên cho mình.

"Ai tìm Ta, là tìm sự Sống và tìm được ơn nghĩa nơi Thiên Chúa, nhưng ai thiếu Ta  là tác hại cho chính mình, ai ghét Ta là yêu cái chết" (Pr 8,35)

 

3. PHÂN LOẠI TỘI LỖI.

 

- Cựu Ước phân biệt tội nặng, tội nhẹ:



"Kẻ nào phạm những tội ác này, chắc chắn nó phải chết, máu nó sẽ đổ trên chính nó" (Ez 18,10-18; Lv 18; Jr 7,9-15)

Có những tội, những xúc phạm khác được phán đoán nhẹ nhàng hơn, có thể đền bù bằng những lễ nghi thanh tẩy, những việc lành (Lv 4).

 

- Tân Ước công nhận có những tội nặng, những lối sống bị cấm đoán vì nó dẫn tới chỗ chết (Rm 1,28-32; 1Ga 3,14) hoặc bị loại khỏi Nước Thiên Chúa (1 Cr 6,9; Gl 5,19-21; Ep 5,3-5; Kh 22,15), "có thứ tội phải chết" (1Ga 5,16).



Ngoài ra có những tội nhẹ xin Chúa tha: "và tha nợ chúng con" (Lc 11,4); "Chúng ta phạm nhiều lỗi" (Gc 3,2; 1Ga 1,8-10; 1Cr 3,10-15) Thánh Gioan chia rõ hai loại:"Mọi lỗi lầm đều là tội, nhưng có tội phải chết (1 Ga 5,16), có tội không phải chết" (1Ga 5,17).

Giáo huấn Giáo hội luôn phân biệt tội trọng và những lỗi nhẹ phạm đến Chúa, đến Giáo hội. Công đồng Trentô đã phân biệt rõ thế nào là tội nặng, tội nhẹ, và tuyên ngôn:"Tội nặng phải xưng thú, vì tội nặng làm cho nên con cái thịnh nộ (Ep 2,3), thù nghịch Chúa.  Tội nhẹ chỉ khuyên nên xưng (Ds 1680), vì tội nhẹ không tiêu hủy ơn Thánh hóa (Ds 1537;GL 988,2).

 

4. ĐIỀU KIỆN THÀNH TỘI NẶNG NHẸ

 

Nguyên tắc:



1. " Tội trọng, là khi  phạm luật Chúa và Hội thánh, trong những điều trọng (important matter), hiểu biết đầy đủ (full advertance),  ý muốn tự do trọn vẹn (wholly free will).

(Tội trọng, thực ra ít khi phạm, nhưng với người quen sống trong tình trạng tội trọng, lại dễ phạm. Ví dụ: Một nhà chính trị tàn ác...).

2. " Tội nhẹ, là khi ( tuy không từ bỏ cùng đích cuộc đời là chính Chúa) phạm luật Chúa và Hội thánh trong những điều không trọng và khi thiếu ý thức, thiếu ưng thuận".

 

"Sự vô tình không biết có thể giảm bớt, và  xóa bỏ qui trách về một lỗi nặng (GlCg92 số 1860).

 

 

5. TIÊU CHUẨN PHÂN BIỆT TỘI TRỌNG



 

* Tiêu chuẩn ngoài:

            1/ Kinh Thánh Cựu Ước: Khi Kinh Thánh tả bằng những tiếng nặng nề  như:"sẽ bị nguyền rủa (cursed), đáng ghét (abominable),kêu tới trời (cries to heaven)". Ví dụ: Bốn tội sau: giết người (St 4,10),tội Sodom (St 18,20;19,13), đàn áp cô nhi quả phụ (Xh 22,22), kẻ bắt cóc người anh em trong hàng con cái Israel (Nl 24,7), giựt tiền công của tôi tớ (Nl 24,14) được mô tả bằng những tiếng nặng: phải chết, phải hình phạt đời đời, phải loại ra khỏi nước Thiên Chúa.

Tuy nhiên có đôi chỗ dùng chữ "đáng ghét","phải loại ra khỏi dân" "xử tử" cũng khó phân biệt là nặng đối với thời nay: Ví dụ: Giao hợp trong kỳ phụ nữ có kinh nguyệt (Lv 18,19), làm việc ngày Sabbath (Xh 31,15), mót củi ngày hưu lễ (Ds 15,32"36)...

            2/ Kinh Thánh Tân Ước: Chúa Giêsu nêu rõ khi trả lời cho người thanh niên giầu có về mười Giới răn...(Mc 10, 19). Tân Ước thường dùng những tiếng:"phải loại ra khỏi Nước Trời" (1Cr 6,9), "không được vào Nước Trời"(Gl 5,19-21).

            3/ Giáo huấn của Công đồng và Giáo hoàng. Những giáo huấn long trọng trên  ngai không có nhiều, nhưng những giáo huấn thông thường cũng có nhiều giá trị phải tuân cứ (Gh 25; Mv 50).

            4/ Ý kiến chung các Giáo phụ, các nhà Luân lý cũng là những tiêu chuẩn giúp xét chất liệu nặng nhẹ. Những giáo huấn này, trong một số vấn đề, cũng đổi theo tâm thức con người và hoàn cảnh mỗi thời. Ví dụ: Ngày trước phán đoán việc truyền bánh rượu ngoài khăn thánh, mang Thánh thể không mặc áo chức, dâng lễ có phụ nữ giúp lễ, dù là nữ tu, dùng nước không sạch để rửa tội, xức dầu  không mang áo chức... bị coi như mắc tội trọng. Ngày nay không còn quan niệm như thế.

 

* Tiêu chuẩn trong:

            1/ Những thiệt hại trầm trọng cho vinh Danh Chúa, cho Quốc gia, Giáo hội, Cộng đồng nhân loại.

            2/ Thiệt hại nặng về vật chất, tinh thần cho tha nhân,

            3/ Thiệt hại nặng về  vật chất, tinh thần cho chính mình.

Đó là những điều tâm thức chung thẩm định là nặng. Ví dụ: Đả thương nặng thân thể ai làm hư con mắt, ám sát, hãm hiếp, ăn cắp đồ vật có giá trị lớn như cái xe, con ngựa, vu cáo nặng...  Khi cả tôn giáo lẫn xã hội quan niệm vào thời này, những vấn đề này được quan niệm thế nào, các học giả phát biểu thế nào là trọng tội... những điều đó cũng giúp ta dễ phán đoán hơn về hành vi cụ thể của mình nặng hay nhẹ trên phương diện luân lý.

 

Thật khó phân biệt tới mức nào là trọng. Thông thái như Thánh Augustinô cũng chịu, ngài nói là "để cho Chúa phán xét". Ngài khuyên đừng ngả về phía tội trọng hay tội nhẹ. Cha giải tội chỉ cần liệu cho hối nhân biết mình, ăn năn, tránh lánh tội cố tình.

 

Các sách Cẩm nang thời trước thường chú trọng rất nhiều về loại và số tội. Lý do chính là vì theo Công đồng Trentô đòi phải xưng mọi loại và số tội trọng (DS 16791681;1707).



Ngày nay Giáo luật vẫn còn đòi buộc như thế (GL 988), nhưng mục đích là để cha giải tội dễ ra việc đền tội hiệu quả, và cân xứng hơn theo từng hoàn cảnh của hối nhân (GL 981).

 

6. TỘI PHẠM VÀ TỘI BỎ

 

- Tội phạm chỉ về phạm luật cấm, có tính cách tiêu cực. Ví dụ: Thứ 5: Chớ giết người...



- Tội bỏ chỉ về phạm luật buộc, có tính cách tích cực. Ví dụ: Thứ 4: Thảo kính cha mẹ...

Có ý kiến cho rằng tội phạm có bản chất nặng hơn tội bỏ, nhưng theo ý kiến nhà luân lý Haring: "Ta không nên quá chú ý vào những điều không được phép làm, vào điều ta phải tránh. Nhấn mạnh vào tiêu cực chưa đủ. Ta phải chú tâm vào điều ta phải làm, điều ta có thể làm, và nên làm với sự giúp đỡ của ơn thánh" (B. Haring, CSsr, The Law of Christ, vol I, 1966,372).

 

7. BẢY MỐI TỘI ĐẦU

(Tương đương trong GlCg92  số 1866)

Theo truyền thống Kitô giáo từ thời các Giáo phụ đã xếp các tội chính vào một nhóm gọi là tội đầu, vì nó là nguồn của nhiều tội khác. Thánh Grêgôriô Cả (năm 604) xếp thành 7 loại:

1. Kiêu ngạo (Pride) là ước ao vô trật tự vinh dự, nổi nang và độc lập. Đối ngược kiêu ngạo là Khiêm nhường (Humility).

2. Hà tiện (Avarice) là theo đuổi cách vô trật tự những của cải vật chất, trái nghịch các đức tự do và công bằng.

 3. Mê tà dâm (Lust) là ham muốn thỏa mãn tính dục cách vô trật tự, nghịch đức thanh khiết.



4. Hờn giận (Anger) là bùng lên sự ghen tức muốn cho người khác bị hình phạt cách vô lối, trái với sự hiền lành và nhẫn nhục.

5. Mê ăn uống (Gluttony) là sự quá đáng trong thưởng thức đồ ăn uống, trái với đức tiết độ và chừng mực.

6. Ghen ghét (Envy) là không hài lòng với sự tốt lành tha nhân, trái với đức yêu người và quảng đại.

7. Lười biếng (Sloth) là tình trạng thiếu chăm chỉ thực hành những việc thiêng liêng, trái với đạo đức và lòng kính mến Chúa.

 

8. TỘI PHẠM THÁNH THẦN

 

Chính là gạt bỏ ơn tha thứ của Thiên Chúa Tình Thương, cứng lòng như thế có thể dẫn đến sự ngoan cố không hối cải vào phút chót cuộc đời và như thế là hư mất (GlCg92 1864).


Chương tám

 

 THỜ PHƯỢNG MỘT CHÚA



(Điều răn thứ nhất)

(Nhờ điều răn này, người ta được giải thoát khỏi thờ cúng tà thần)

 

 



1. Ý NIỆM VIỆC TÔN THỜ

 

- Loài người và các thụ tạo được dựng nên là vì vinh Danh Chúa, nói cách khác: Vinh Danh Chúa là lý do thụ tạo được hiện hữu:



"Ta là Chúa, đó là Danh Ta, Ta không cho ai vinh Danh của Ta" (Is 42,8).

- Lý do tôn thờ Chúa: Vì Chúa vô cùng Thánh thiện, Cao cả, Quyền phép, là Đấng duy nhất đáng tôn thờ.

- Cựu Ước qui việc tôn thờ về mình Thiên Chúa Giavê là Đấng Toàn Thánh, Tân Ước còn qui danh dự tôn vinh cho Chúa Kitô (Mc 13, 26; Ga 1, 14; 17, 1-5. 24; 1 Cr 2, 8; Tt 2, 13; Dt 13, 21; 1 Pr 4, 11).

 

2. ĐỨC THỜ PHƯỢNG



 

Thờ phượng gồm bên trong và bên ngoài, nên các hình thức cũng bao gồm cả hai phương diện:

"Bất cứ anh em làm gì, hãy làm vì vinh Danh Chúa" (1 Cr 10,31).

 

CÁC HÌNH THỨC DIỄN TẢ LÒNG TÔN THỜ THIÊN CHÚA:



 

A. BA ĐỨC ĐỐI THẦN (Theological Virtues)

 

Đời sống tôn giáo được bày tỏ ra trên hết là các hành vi thờ phượng (the acts of worship). Linh hồn của tất cả các việc thờ phượng là ba đức Đối thần: Tin, Cậy, Mến. Đây là những nhân đức lấy Chúa làm đối tượng, nên gọi là đức đối thần.



 

            1. ĐỨC TIN (Faith)

 

1.1- Tin, trước hết, là sự tín nhiệm của con người, sự khiêm tốn tùng phục, sự đầu hàng cá nhân mình để chấp nhận Ý Chúa và Lời Chúa.

Đối tượng của đức tin là tất cả những chân lý Chúa mạc khải trong Kinh Thánh. Tin vào điều được mạc khải, vì tin vào thế giá Chúa, Ngài không lừa dối ai, và không ai lừa được Ngài.

Đức tin tuyệt đối cần cho việc cứu rỗi. (Mc 16,16)

Đức tin là ơn "nhưng không", Chúa ban tùy Ý Ngài.

Để đón nhận, cần khiêm tốn, bỏ mình, mở rộng tâm hồn đón Lời Chúa, sẵn sàng thay đổi cuộc sống. Hành vi đức tin luôn đòi tự do quyết định của người tin. Người giảng thuyết không được cưỡng ép ai tin, cũng như người nghe không thể  bị cưỡng ép.

Trở lại để đón nhận niềm tin cần qua nhiều giai đoạn. "Người trồng, người tưới, Chúa cho lớn lên" (1 Cr 3, 6).

Trong đời sống Công giáo, cần phải được nuôi dưỡng đức tin qua việc tham dự các Nghi thức Phụng vụ và lãnh các Nhiệm tích. Đức tin sống động tùy thuộc vào đời sống cầu nguyện.

 

1.2- Bổn phận đức tin:



 

            a. Học biết Đức Tin.

Đòi buộc các người Công giáo đến tuổi khôn (7 tuổi) phải học biết Giáo lý tổng quát: - Kinh Tin kính các Tông đồ (gồm những điều phải tin), - Mười Điều Răn (gồm những điều phải tuân giữ), - Các Nhiệm tích (gồm những điều phải nhận lãnh), - Kinh Lạy Cha (gồm những điều phải cầu nguyện).

Người lớn , trong trường hợp nguy tử, cần phải tin Thiên Chúa Cha, Đấng tạo thành trời đất, Đấng thưởng phạt loài người, và tin Chúa Con ra đời chuộc tội trước khi lãnh ơn Rửa tội.

Nếu việc nghe giảng là cơ hội duy nhất để hiểu biết đời sống công giáo mà bỏ qua, thì khó tránh khỏi qui trách luân lý (tội).

Những người có nhiệm vụ như các linh mục, cha mẹ , thầy cô phải liệu cho các người được trao phó cho mình học biết đời sống công giáo.

 

            b. Tuyên xưng Đức Tin.



Có những lúc Kitô hữu phải tuyên xưng đức tin ra bên ngoài vì vinh Danh Chúa và phần rỗi tha nhân. Chúa Kitô đã đòi buộc như thế: "Ai xưng Ta ra trước mặt người đời..ai chối Ta trước mặt người đời…" (Mt 10 32; Mc 8,38; Lc 9,26; 2 Tm 2,12).

 

Nguyên tắc:



1. " Khi công quyền đòi buộc cách chính đáng, Kitô hữu phải tuyên xưng đức tin trong lời nói, việc làm vì Nước Trời và phần rỗi nhân loại.

 

2. " Nhưng khi vì lý do quan trọng, điều hợp pháp và đôi khi buộc phải giấu ẩn đức tin của mình. Ví dụ: Một người có thể trốn tù, trốn đánh và chết để giữ tự do và mạng sống cần cho gia đình mình, Giáo hội hoặc Quốc gia. Chúa Kitô cho phép trốn tránh (Mt 10,23). Tuy nhiên nếu sự hiện diện của linh mục là cần thiết cho lợi ích các tín hữu được trao phó cho mình thì không được trốn.

 

3. " Khi thẩm quyền nhà nước bách hại tôn giáo ra lệnh chung, đòi các tín hữu trình diện trước công quyền, không buộc phải vâng lệnh bất công ấy.

 

4. " Tư nhân vô thẩm quyền, nếu hạch hỏi tôn giáo, không buộc trả lời.

 

5. " Một vài nghi lễ xem ra mơ hồ (giữa thờ và kính) do chính quyền tổ chức, Coi như thờ giả trá, nên theo các nguyên tắc sau: (Thông cáo Hội đồng Giám mục Việt nam ngày 14.6.1965:

- " Cho phép tham dự chủ động những việc có ý nghĩa thế tục rõ ràng để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu kính những người quá cố.

- " Không được dự, hoặc chỉ dự cách thụ động khi bất đắc dĩ những việc có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý công giáo, hay dị đoan rõ ràng, hoặc cử hành nơi dành riêng tế tự.

- " Phải xét theo dư luận địa phương những việc không rõ thế tục hay tôn giáo. Nếu nghi nan, có thể hành động theo lương tâm, nếu cần để cất gương xấu thì phải giải thích cách khéo léo hợp thời.  (Nên bàn hỏi với người khôn ngoan những trường hợp nghi ngờ khó giải quyết, để theo Chỉ thị Tòa Thánh).

 

            c. Gìn giữ Đức Tin.



 

Nguyên tắc:

1. "Tín hữu cần phải kiêng lánh đọc sách báo nguy hại đức tin. Không ấn hành, không bày bán các loại sách báo ấy

" Từ chối giap tiếp với những bạn bè, xưởng thợ, hôn nhân gây hại đức tin.

" Tham gia những tổ chức thù nghịch Công giáo là lỗi nặng.

 

2. "Bảo vệ đức tin cho mình, cho con em trong gia đình xã hội. Các cha mẹ, các nhà giáo dục cần lưu ý cách riêng bổn phận gìn giữ đức tin cho thuộc hạ"  (Sl. Tông đồ Giáo dân  13).



 

            d. Truyền bá Đức Tin.

 

            Đối với tôn giáo nói chung, Giáo hội chủ trương Tự do Tôn giáo, vì theo mạc khải cũng như gương hành động của Chúa Kitô . Không ai bị cưỡng bách chấp nhận đức tin trái với ý muốn...nhưng cũng không ai được cản trở người ta chấp nhận đức tin" (Vaticanô II, Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo).



- Dầu vậy, Giáo hội luôn phải vâng lời Đấng Sáng Lập là Chúa Kitô mà truyền giáo, vì tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo, và vì là sứ mạng mà Giáo Hội đã lãnh nhận từ Chúa Kitô.

Lệnh Chúa truyền: "Hãy đi rao giảng... (Mt 28,19; Mc 16,15).

Giáo hội dạy: "Mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận truyền bá đức tin theo khả năng mình" (GH 17; Tg 23).

- Vì lý do tình mến mà họ mến Chúa, lý do đó đòi họ chia sẻ cho mọi người những ơn phúc thiêng liêng đời này và đời sau" (Tg 7).

 

Nguyên tắc:



" Mọi Kitô hữu có những ân điển khác nhau, phải cộng tác trong việc truyền bá đức tin theo hoàn cảnh, khả năng đoàn sủng và ơn gọi mình, trước hết là hàng Giám mục (AG 29), Các cộng đồng dòng tu, Các linh mục, Các giáo dân.

 

            đ. Cổ võ hợp nhất Đức Tin



Sắc lệnh Hợp nhất Các Tôn giáo rất lưu tâm việc này theo lời cầu của Chúa Cứu thế: "Xin cho chúng nên một" (Ga 17,21).

Trong thực hành cần: Canh tân Giáo hội, giáo dục Hợp nhất, đối thoại, cầu nguyện chung riêng.

 

1.3- Tội phạm đức tin



 

Nguồn gốc tội phạm đức tin là từ chối không suy phục Uy quyền và Thánh Ý Thiên Chúa. Tội này phát xuất từ kiêu ngạo (pride) và bất tín (unbelief).

            a/ Vô thần (Atheism) Người ta nghi ngờ, hoặc không tin sự hiện diện của Chúa, không tin những điều Chúa mạc khải, vì người ta muốn tự khuôn đúc đời mình theo ý mình. Đức tin và tôn giáo coi như không có lợi ích gì cho họ, chỉ có vật chất (materialism), chỉ có con người (humanism), sự việc Trần thế (Secularism) là tuyệt đối, người là cứu cánh cho người, ngoài ra không còn thần thánh nào.

Có những hình thức vô thần  và Trần thế (Hchế Mv 19).

Nhiều người không chối Thiên Chúa , nhưng cho rằng "không thể biết về Thiên Chúa ", hay không muốn tìm hiểu; nhiều người không chối Chúa trong lý thuyết, nhưng chối trong lối sống hàng ngày, do không thực hành đức tin.

 

            b/ Người tín hữu lỗi phạm đức tin khi thờ ơ những bổn phận đức tin: Bổn phận học biết đức tin, tuyên xưng đức tin, truyền bá đức tin, giữ gìn đức tin cũng như cổ võ hợp nhất đức tin theo sức mình có thể.



            Tội phạm đức tin có thể là bất tín (infidelity), lạc giáo (heresy), ly giáo (schism) và bội giáo (apostasy) (GlCg92 2089):

- Bất tín: là biết mà không tin, không chịu rửa tội trong đạo Chúa.

- Lạc giáo: là tin theo một điều lầm lạc với mạc khải của Chúa.Ví dụ: Người công giáo mà tin thuyết luân hồi.

- Ly giáo: là từ chối không tùng phục Đức Giáo hoàng.  Ví dụ: Phe Tổng Giám mục Lefebvre 1988.

- Bội giáo : là hoàn toàn bỏ đức tin đã lãnh nhận (bỏ đạo).

 

Nguyên tắc:



1. " Chối trực tiếp: khi nói mình không phải là Kitô hữu, mình là người vô thần, là người...hoặc tự cúng tế thần Phật.

 

2." Chối gián tiếp: khi bị hỏi mà im lặng để người ta hiểu là mình không phải là Công giáo, hoặc làm những việc mà người ta hiểu là mình không còn là Công giáo.

 

 

            2. ĐỨC CẬY (HOPE)



 

2.1 - Theo Thánh Tôma, đức cậy là ao ước những điều lành, tuy khó nhưng không thể không đạt được.

Tổ phụ Abraham đã có lòng trông cậy lớn lao khi hướng về lời hứa tương lai: "Ta sẽ làm cho ngươi nên tổ phụ một dân lớn...đông như sao trời (St 12,1-3, 13,14-17; 15,1-6).

Tín hữu Tân Ước cũng phải trông cậy hướng về những lời Chúa hứa qua 8 mối Phúc thật: "Phúc cho ai có lòng khó khăn, vì Nước Trời là của họ..." (Mt 5,2).

 

2.2 - Đối tượng của đức Cậy, theo truyền thống thần học là ơn Cứu rỗi, sự sống đời đời, hạnh phúc đời đời, phúc hưởng kiến Chúa, nói tóm tắt đối tượng tối chung của đức Cậy là chính Thiên Chúa.



 

2.3 - Hiệu quả đức cậy có thể kể đến: Kiên tâm trong thử thách, đau khổ (Rm 8,18); mở rộng tâm hồn để hướng về tương lai; Sẵn sàng từ mình nhỏ bé để chấp nhận sự vĩ đại Thiên Chúa.

 

2.4- Tội phạm đức Cậy:



 

            a. Tự phụ (presumption) là hy vọng một cách liều lĩnh vào những ơn lành hoặc những trợ giúp của trật tự ơn thánh. (thái quá):  Đám này hi vọng chắc được cứu rỗi không do các phương thế Chúa dạy, không nhờ công nghiệp Chúa Kitô.

 

            b. Tuyệt vọng (despair) là tự ý từ chối hạnh phúc đời đời, cho là không thể đạt được. (bất cập)



 

 

            3. ĐỨC MẾN (LOVE)



 

3.1- Mến là cảm tình căn bản nhất của con người, mến là nguồn gốc và nền tảng của tất cả các cảm xúc khác.

Tiếng mà Kinh Thánh thường dùng để diễn tả Tình mến theo tiếng Hy lạp là Agape (tình mến có tính cách tinh thần (spiritual love). Phân biệt với Philos chỉ tình bạn (friendships) và Eros: chỉ tình yêu thể lý, nhục dục (physical, sexual side).

Trong Cựu Ước:

- Theo các sách lịch sử (historical books):

Thiên Chúa Giavê đã tỏ tình mến đối với nhân loại dưới nhiều hình thức: Lời nói cũng như hành động. Ngược lại, Giavê cũng muốn dân riêng Ngài mến lại Ngài cách chặt chẽ, bền bỉ theo tính cách Giao Ước: Mến hết lòng hết sức...và tuân giữ mệnh lệnh Ngài truyền để được Ngài chúc phúc (Nl 6,5).

- Theo các sách Tiên tri (prophetic books):

Tình mến (love) như giây ràng buộc giữa Giavê và dân Israel. Ngài mến dân Ngài như cha mến con (Gr 31,20-22), như chồng với vợ (Gr 2,2), như chủ với tớ (Is 41,8-10), như mục tử với chiên (Ez 34,11-24).

Trong Tân Ước:

Thiên Chúa mang Danh hiệu: Chúa là Tình yêu (2 Cr 13,11; 1 Ga 4,16). Tình yêu Chúa tỏ ra với nhân loại (xa hơn với Israel) là cho Con Ngài giáng trần. "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Con thì không bị tiêu diệt, nhưng được sống đời đời"(Ga 3,16).

Tình yêu của Chúa với vả nhân loại như cha với con (Mt 5, 45; Lc 15,11-32; 1 Ga 3,1). Đó là tình yêu cứu rỗi, trương rộng tới các tội nhân là thù nghịch Chúa (Mt 5,44; Lc 6,35)

Tình mến của nhân loại đối với Chúa là lời đáp trả cần thiết: "Yêu mến Chúa hết lòng...và yêu tha nhân...(Mt 22, 37). Tình yêu Chúa ở tại: Giữ các giới răn (1 Ga 3,5; Ga 14,15.21; 1 Ga 2, 4-6).

Những hình ảnh diễn tả tình mến giữa Thiên Chúa và nhân loại kể tới trong Tân Ước như: Liên hệ cha- con (Mt 5,45....), Đấng Chăn chiên nhân lành - đoàn chiên (Ga 10, 1-18), liên hệ bạn-bạn (Ga 15,14). Thánh Phaolô còn dùng hình ảnh chồng-vợ (2 Cr 11,2).

 

Ý niệm về Tình mến trên phương diện thần học được diễn tả như là:



Mến là một đức siêu nhiên, nhờ đó ta mến Chúa là sự Thiện cao nhất vì chính Chúa, và ta mến các thụ tạo cũng vì Chúa. Gọi là "siêu nhiên", vì nó vượt tự nhiên, và cũng vì phải có ơn Chúa giúp mới thực hành đức mến được.

Mến có giá trị hơn cả các đức khác dù là đức đối thần như tin, cậy (1 Cr 13,13).

 

3.2- Đặc tính của đức Mến:



 

- Siêu vượt: Người ta phải mến Chúa trên hết mọi sự, và hơn mọi thụ tạo (Nl 6,5; Mt 22, 36-38; Mc 12,30; Lc 10,27). Đây là giới răn cao trọng nhất. Kính mến Chúa phải vượt trên lòng yêu mến cha mẹ, anh em, vợ con và hơn cả chính mình (Mt 10, 37; Lc 14, 36). Chúa là nguyên lý tiên khởi và là nguyên nhân sau cùng của vạn vật.

- Từ bên trong và hiệu quả: Mến Chúa không phải chỉ ở ca tụng các kỳ công của Ngài bên ngoài môi miệng, mà còn phải chân thành kính mến trong hành động (deed) và chân thật (truth) (1 Ga 3,18). Kính mến Chúa phải tỏ ra trong việc giữ giới răn Chúa (Ga 14,21) và thương mến nhau (1 Ga 4,21).

  Tình mến Chúa phải thể hiện qua các hình thức tôn thờ, suy niệm, cầu nguyện: "Matta sao con lo nhiều chuyện, chỉ có một sự cần" (Lc 10, 41. Không thể mến Chúa, nếu không biết Chúa.

  Tình mến ấy cũng phải thể hiện qua những hành vi bác aí

 

3.3- Tội phạm đức Mến



 

            a/- Vô ơn, khi chối bỏ tình yêu Chúa để rồi không yêu mến lại.

            b/- Thờ ơ (indifference) với Đấng cao cả đáng mến nhất. Đây là kết quả của lười biếng không tìm biết Chúa, yêu thụ tạo cách vô trật tự.

            c/- Chê ghét (hatred). Tội này trực tiếp chống lại đức mến. Nếu người ta biết Chúa cao cả đáng mến, người ta không thể chê ghét Ngài.



Khi con người gặp nhiều đau khổ cũng dễ sinh bất mãn chống đối Thiên Chúa, có thể dẫn tới vô thần (Mv 19).

 

B. CẦU NGUYỆN



 

Cầu nguyện theo lời Chúa dạy: "Hãy cầu nguyện luôn" (Lc 18,1). Khi không có nhiều giờ cầu nguyện sáng tối, ít ra cầu nguyện bằng những lời nguyện tắt đôi khi, để tỏ ra cần sự trợ giúp của Chúa. "Không có Thầy, các con không làn gì được" (Ga 15,5)

 

C. DÂNG THÁNH LỄ MISA:



 

Đây là hình thức tôn thờ Thiên Chúa cách cao cả và đẹp lòng Chúa nhất, vì đó là việc của Thiên Chúa (Thánh Gioan Vianey cha sở xứ Ars),

Thánh hóa các ngày Lễ, các Mùa. Cử hành các Bí tích, Phụ tích...

 

D. CÁC LỜI KHẤN HỨA



 

Khấn là hành vi ngoại lệ của đức thờ phượng. Trừ khi có tiếng gọi đặc biệt của Chúa, người ta không buộc phải thờ phượng Chúa bằng cách khấn.

 

1. Ý nghĩa lời khấn.



 

Ngay trong Cựu Ước đã có lời khấn (vows). Đó là quyết định cao cả, buộc phải chu tất cách nghiêm chỉnh.(Nl 23,21-23; Ps 56,12). "Khi ngươi khấn với Chúa, đừng trì hoãn thi hành, vì Người không hài lòng. Hãy giữ lời khấn. Đừng khấn thì tốt hơn là khấn mà không giữ"(Cn 5,4).

Thánh Phaolô đã khấn (Cv 18,18).

Luân lý định nghĩa khấn là lời hứa với Chúa, người ta tự ý buộc mình làm một việc lành, việc đó có thể làm và tốt hơn việc ngược lại.

 

2. Điều kiện chủ thể để khấn thành:



 

- Hiểu biết đầy đủ,

- Tự do đầy đủ,

- Ý muốn nghiêm chỉnh buộc mình theo lương tâm.

 

3. Về phía đối tượng lời khấn:



 

- Điều khấn phải có thể thực hiện được cả về tâm lý và về thể lý,

- Điều khấn phải tốt và tốt hơn điều đối lập. Ví dụ: Khấn ở đồng trinh thì tốt hơn khấn lấy chồng.

 

4. Buộc giữ lời khấn.



 

Nguyên tắc:



1. " Lời khấn buộc nặng hay nhẹ tùy theo ý của người khấn và trọng tính của vấn đề.

 

2. " Lời khấn buộc mình, không buộc người khác. Ví dụ: Con không buộc giữ lời khấn của cha, hạ cấp không buộc giữ lời khấn của Thượng cấp. Cha khấn dâng con đi tu, con không buộc phải đi tu.

 

3. " Lời khấn có điều kiện chỉ buộc khi điều kiện hoàn tất.

 

5. Giải nghĩa (Interpretation) lời khấn



 

Giải nghĩa lời khấn theo ý người đã khấn. Nếu khấn không rõ, lời khấn sẽ được giải theo nghĩa rộng. Ví dụ: Khấn dâng một chén lễ, thì không buộc dâng cúng chén lễ đắt tiền.

 

6. Giữ trọn (Fufillment)lời khấn.



 

Nguyên tắc:



1. " Khấn thế nào, phải giữ như vậy.

 

2. " Chính người khấn phải giữ, nếu liên can đến người khác, phải được họ đồng ý.

 

3. " Khấn theo thời giờ, phải hoàn tất khi thời giờ đã tới.

 

7. Ngưng (Cessation) thực hiện lời khấn.



 

 Lời khấn hết buộc nếu hết mục đích, hết thời gian, khi bản chất lời khấn đã đổi, hoàn cảnh đã đổi, người khấn trở nên bất lực, tốt hơn là nên ngưng thực hiện.

 

8. Treo (Suspension) lời khấn.



 

Coi Giáo luật 1195,1198 .

 

9. Miễn chuẩn(Dispensation) lời khấn



 

Là việc làm của Bề trên khi có lý do quan trọng. Coi Giáo luật 1196 và 691,2

 

10. Hoán chuyển (Commutation) lời khấn.



 

Hoán chuyển là khi thay thế thực hiện lời khấn bằng một việc tương xứng. Bề trên có quyền này (Gl 1197).

 

 

Đ. TỘI PHẠM ĐỨC THỜ PHƯỢNG



 

Tội phạm đức thờ phượng có thể xảy ra 2 cách: Thờ chúa giả dối, và thờ cách giả dối.

 

1/ Thờ chúa giả dối: Thờ Tà thần (Idolatry), ngẫu tượng, đa thần.

Là thờ lạy thụ tạo (thần thánh, vua chúa,  loài vật, cây cối, gỗ đá...) như Thiên Chúa, bên trong hoặc bên ngoài hoặc cả hai.

Điều này chống lại lệnh Chúa: "Ngươi không được có thần thánh nào trước mặt Ta" (Xh 20,3), Mt 6,24; Ep 5,5; Ph 3,19; Cl 3,5).

 

2/ Thờ cách giả dối:

 

            a. Tin nhảm (tin vơ thờ quấy) (Dị đoan: superstition)



Theo nghĩa rộng, là làm những việc không đặt nền tảng vào đâu, do những kẻ lạm dụng tôn giáo bày đặt ra.

Theo nghĩa hẹp, là làm theo những cái do trí tưởng tượng bày vẽ ra. Những người chủ trương thường dùng biểu tượng tôn giáo, phụng vụ, đưa người nhẹ dạ đến những cái gọi là linh thiêng để dễ mê hoặc, quyến dụ.

Nguồn gốc sâu xa của người tin dị đoan là thiếu đức tin vào Chúa và đạo thật.

Kinh Thánh nghiêm khắc kết án những hình thức dị đoan, bùa chú.. (Nl 18,9-14; Is 2,6; 8,19;Gr 27,9; Ac 19,19).

Đối với những người ít học không hiểu biết, họ có thể được qui trách nhẹ hơn những người học thức mà còn tin nhảm.

Cần phải xét tới nghi thức (rites) và tập tục (custom) của từng vấn đề.

 

            b. Kiêng nhảm (vain observances)



Là giữ những dấu hiệu, dùng những đồ vật vô lý. Ví dụ: Sợ mèo đen nhảy qua, sợ số 13,...

Dùng những đồ vật hộ thân, đeo lá bùa (talismans) để lấy vận hên, Amulets để trừ vận xui, Mascots để hộ mạng.

Đọc thần chú, cho uống tàn nhang nước lã...nói là chữa bệnh.

 

Nguyên tắc:



1. " Tất cả những hình thức tin kiêng nhảm nhí, dối trá đều bị luân lý lên án vì làm giảm giá đức tin và ngược lại lẽ phải.

 

2. " Những tin kiêng nhảm nhí, dối trá nhiều khi chỉ là nhẹ dạ, nhưng khi nó đã thay thế niềm tin vào Chúa, lúc ấy bị qui trách nặng hơn.

 

            c. Coi bói (divination)



Là thử nói trước tương lai, nhờ cách nào đó, nhiều khi bất chính, mà biết những điều kín ẩn, tìm người chết hay mất tích...

Có rất nhiều lừa gạt trong bói toán tác hại thân chủ nhẹ dạ dễ tin.

 

Nguyên tắc:



1. " Coi bói dựa trên quyền lực ma quỉ là hành động vi phạm luân lý, có trọng tội.

 

2. " Coi bói dựa trên khoa học, kinh nghiệm, có thể chấp nhận được, nếu không có nguy cơ lầm lạc, tác hại và xúc phạm.

 

            d. Chiêm tinh (astrology)



Là tìm hiểu vị trí các chòm sao khi con người sinh ra để biết tương lai con người.

Hình thức phổ thông là tử vi (horoscopes) in trên báo chí.

            - Không nên tin vào những lời tiên đoán về tương lai, nhiều khi mơ hồ, lừa dối.

            -  Có thể lợi dụng những kinh nghiệm khi nói về tính tình của ngày tháng sinh trong việc huấn luyện cá nhân.

 

            đ. Đoán số mệnh (fortune telling)



Đoán số mệnh do bói bài, lá trà...thường là những cách lạm dụng lòng tín cẩn của khách hàng.

Người ta cũng coi chỉ tay (palmistry) hoặc coi chữ viết (handwriting) để đoán sự việc xảy ra của con người, dầu sao cũng chỉ tương đối.

 

            e. Gọi hồn (necromancy and spiritism)



Mục đích gọi hồn người chết để hỏi vài điều bí mật hoặc điều tương lai. Khoa học cho tới nay chưa chứng minh được sự việc này. Ví dụ: Vua Saulê đang đêm đi nhờ bà lên đồng gọi hồn tiên tri Samuel (1 Sm 28,3-20).

Xưa Tòa Thánh cấm tham dự những cuộc gọi hồn, vì nguy hiểm đức tin và luân lý chân chính. (ASS 30 1897-98,701). Cũng nguy hại cho sức khỏe tâm lý và quân bình của con người.

 

            g. Phù phép (black magic), ảo thuật (magic)



Phù phép được định nghĩa như thử đem lại một số kết quả nào đó nhờ sức nhiệm  cách siêu phàm (preternatural way).

 

Nguyên tắc:



1. " Nếu là ảo thuật (magic) do tài khéo, nhanh tay tự nó vô hại. Thánh Gioan Boscô dùng thứ ảo thuật này chinh phục trẻ em.

 

2. " Nếu là phù phép, thần chú, mê hoặc làm những điều gở lạ do ma quỉ can thiệp, tự nó bị cấm và mắc tội nặng.

 

3/ TÔN TRỌNG NGƯỜI ĐÃ HIẾN DÂNG



 

Đức Giáo hoàng, các Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ là những dấu hiệu hiện diện của Chúa giữa nhân loại.

Đánh đập, xỉ nhục họ là phạm người thánh (personal sacrilege). Hình phạt chỉ định tùy tội trạng. (GL 1370).

Người đã tận hiến có thể phạm thánh chống lại bậc mình: Tội lỗi đức Khiết tịnh, tội như buôn bán, tội mê cờ bạc, tội say sưa, ra vào tửu quán...

 

4/ TÔN TRỌNG NƠI ĐÃ HIẾN THÁNH



 

Những nơi đã hiến dâng để thờ phượng Chúa là nhà thờ, nhà nguyện công cộng, nghĩa địa đã làm phép. Cần phải tôn kính nhất là nhà thờ có Thánh Thể Chúa.

Làm những việc thế tục như trình diễn văn nghệ, khiêu vũ, họp chợ, mở tiệc... trong nhà thờ đã thánh hiến là phạm nơi thánh (sacred places).  (GL 1205-1213).

Trường hợp khẩn thiết phải cho người tị nạn, đau ốm, bị thương ở trong nhà thờ, không phải là phạm nơi thánh.

 

5/ TÔN TRỌNG ĐỒ ĐÃ HIẾN THÁNH



 

Những đồ đã làm phép để dùng vào việc thờ phượng như chén thánh, xương thánh, tượng ảnh, sách Lễ... cần phải được tôn kính.

Dùng những đồ thánh vào việc phàm tục là phạm đồ thánh (sacred things). Ví dụ: Lấy chén thánh uống rượu.

 

6/ BUÔN BÁN CỦA THÁNH (Simony)



 

Là lấy tiền mua bán của thiêng liêng. Tội này phát xuất từ phù thủy Simon trong sách Tông đồ Công vụ 8,18-24, hắn muốn dùng tiền mua quyền năng Thánh Thần.

Những của thiêng liêng như Bí tích, lời cầu nguyện, Ân xá...

Những của vật chất như tượng ảnh, xương thánh...Người ta thường chỉ lấy tiền với danh nghĩa "tiền đồ, tiền chuyên chở".

 

Nguyên tắc:



1. " Không được buôn bán của thánh, nếu thực sự là mại thánh thì mắc tội nặng. Những Tràng hạt, tượng ảnh đã làm phép chỉ nên hiểu là lấy cước phí. Xương thánh không gọi là bán, nhưng là lấy tiền hộp đựng, công làm, tiền gửi. (GL 1190)

 

2. " Linh mục không được đòi thêm bổng lộc khi làm tác vụ thánh cho giáo dân. Coi thêm Giáo luật 149,3 và 1380.

 

7/ TÔN KÍNH ẢNH TƯỢNG



 

Nguyên tắc:



1. " Không nên trưng bày quá nhiều ảnh tượng trong một nhà, một tòa, ảnh tượng chỉ nên trưng bày một số hạn chế và hợp lý" (HC Phụng vụ 125).

 

2. " Ảnh tượng đã làm phép, đã cũ nát, được đốt hay xé bỏ đi cách trọng kính. Các tranh ảnh, bìa báo in hình Chúa Đức Mẹ chưa làm phép có thể xé bỏ, không phải áy náy.

 

------------------



Coi thêm Giáo lý Công giáo 92 số 2083-2141, nhất là 2116-17):

2116    Tất cả mọi hình thức bói toán đều phải bị gạt bỏ: nhờ đến Satan hoặc ma quỷ, gọi hồn người chết, hoặc các cách thực hành khác mà có người tin rằng "vén màn" thấy được tương lai. Tra cứu tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, phân tích các điềm trời và các quẻ, những hiện tượng "nhìn thấy" quá khứ và tương lai, những vụ đồng cốt, v.v., tất cả đều hàm ý muốn thống trị và vượt trên thời gian, vượt trên lịch sử và vượt trên con người, đồng thời muốn chiếm được sự đồng tình của những quyền lực bí ẩn. Những điều này trái nghịch với sự tôn trọng và cung kính, có pha trộn sự kính ái, mà chúng ta phải dành cho một mình Thiên Chúa thôi.

 2117   Tất cả các cách thực hành ma thuật hoặc phù thuỷ, người ta thực hiện để có cao vọng làm chủ được các quyền lực bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình, hòng đạt được một quyền hành siêu nhiên đối với đồng loại - dù là để mang lại sức khoẻ cho người ta -, đều nghịch với nhân đức thờ phượng cách nặng nề. Những sự thực hành này còn đáng lên án hơn nữa, khi người ta có chủ ý hãm hại tha nhân, hoặc có cậy vào sự can thiệp của ma quỷ. Sự đeo các bùa, các lá bùa, cũng đáng trách. Môn "thần thông học" thường gồm nhiều việc bói toán và ma thuật, nên Giáo Hội khuyên các tín hữu hãy tránh xa...


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU

tải về 0.9 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương