TƯ VẤn tâm lý CĂn bản lời giới thiệU


Mục tiêu của phân tích tâm lý



tải về 1.32 Mb.
trang8/18
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích1.32 Mb.
#37038
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   18

Mục tiêu của phân tích tâm lý là đưa đến những thay đổi những hành vi bằng việc chế ngự những xung động bản năng. Thân chủ được lý giải về nguyên nhân của những trục trặc trong quá khứ, từ đó họ hiểu được căn nguyên, tuy không sống lại được quá khứ, họ có thể sửa đổi nó, vẫn có thế thu lượm những điều bổ ích cần thiết khi nguyên do của vấn đề đã được giải thích.

Kỹ thuật chủ yếu bao gồm:

Nói tự do (free association): Thân chủ nói tự do về mọi sự, tư vấn viên ghi chép, sau đó lý giải và phân tích các nội dung với thân chủ. Thân chủ được khích lệ nói chuyện lan man về tất cả những gì đến trong đầu.

Phân tích giấc mơ (dream analysis): Thân chủ sẽ kể cho tư vấn viên nghe về những giấc mơ. Tư vấn viên sẽ giải thích nội dung giấc mơ cho thân chủ. Bởi một lý do đơn giản, những ai theo Freud đều nghĩ rằng giấc mơ đến từ vô thức, nên giấc mơ rất quan trọng với tư vấn viên trong quá trình giúp đỡ thân chủ. Họ chú trọng đến nội dung giấc mơ, hình ảnh thường gặp trong mơ, mơ thấy ai, thấy cái gì, thấy mình làm gì, và tính lập đi lập lại của những giấc mơ có quan hệ.

Phân tích sắm vai (analysis of transference): Thân chủ nói chuyện với tư vấn viên như thể tư vấn viên là một người thân trong gia đình của thân chủ, (hay bất cứ một người nào đó) có dính líu đến những trục trặc trong quá khứ. Từ đó tư vấn viên sẽ tìm ra mấu chốt của những nguyên cớ.

Phân tích những chống đối (analysis of resistance): Khi tự thân chủ tỏ thái độ bất hợp tác, như bỏ hẹn, từ chối kể về giấc mơ, cãi lại, phá bĩnh, lớn tiếng… tư vấn viên cần khai thác những hành vi này, để tìm ra những cội rễ của bức xúc.

Cắt nghĩa (interpretation): Là một kỹ thuật quan trọng. Tư vấn viên sử dụng kỹ thuật này để tạo ra sự liên kết giữa những sự kiện trong quá khứ và hiện tại. Liên hệ giữa mầm mống của những hành vi và biểu hiện khác thường sẽ được giải thích. Tư vấn viên sẽ vạch ra tại sao thân chủ ứng xử theo một lối nhất định nào đó.

Thuyết phân tích tâm lý (psychoanalytic) mặc dù có những đóng góp lớn cho kho tàng tâm lý, song tính phổ thông trong ứng dụng trong tư vấn của nó ngày càng có ít người thực hiện. Cơ bản vì nó mất quá nhiều thời gian và đòi hỏi tư vấn viên phải thật sự có kinh nghiệm chuyên môn. Trong khi đó xu hướng hôm nay người ta đặt tư vấn vào quan hệ văn hóa xã hội nhiều hơn: một điều mà thuyết phân tích tâm lý đã không đào sâu.



3. Tư vấn theo phái Adlerian

Quan điểm về con người của học thuyết Adlerian nhấn mạnh rằng: Con người luôn được cử động bằng những quan tâm trong xã hội (social interest) trong đó con người có nhu cầu muốn trở thành một thành viên có ý nghĩa trong xã hội và vì thế họ có nguyện vọng đóng góp cho xã hội.

Mỗi cá nhân, theo quan điểm của nhóm Adlerian luôn có nhu cầu và xu hướng thăng tiến để trở thành hoàn thiện hơn (need to be perfect). Nếu không được đáp ứng, cá nhân sẽ trở nên nhụt và mắc phải những hội chứng cảm thấy mình lép vế, vô dụng. Trong đời sống đã có nhiều người đặt ra yêu cầu thăng tiến quá cao, họ thường vấp phải hội chứng muốn trở thành siêu nhân. Trong đó, theo Alder cá nhân đã tiểu thuyết hóa (fictionalize) mục tiêu cuộc sống đến độ trở thành bệnh lý (neurotic fiction).

Adler tin rằng hành vi và động cơ của con người chịu ảnh hưởng của cả quá khứ (past) và tương lai (future). Ông cũng nhấn mạnh phần lớn cá tính của một con người phụ thuộc rất nhiều vào thứ tự sinh ra trong gia đình (birth order). Theo ông thì ai cũng nằm một trong những nhóm đại diện: con đầu lòng, con thứ hai, các con giữa, con út, và con độc nhất.

Sau đây là đặc tính của những đứa con sinh ra tùy theo thứ tự, dựa theo Adler:



Con đầu lòng (first born): Giống như hoàng tử, nhận được nhiều chăm sóc của cha mẹ. Họ thành công, thành đạt, có óc dẫn đầu, hài lòng, nguyên tắc. Tuy nhiên, họ cảm nhận được nỗi đau khi đứa trẻ thứ hai ra đời, vì bị xuống ngôi (dethroned).

Con thứ hai (secondborns): Vật lộn với người anh chị sinh ra trước, thường trái ngược với anh, chị cả về đủ mọi đức tính. Họ dễ cởi mở, dễ dãi, và nhất là không lo đến nỗi đau bị thay thế (truất phế).

Con thứ (middle children): Thường có cảm giác bị nhồi nhét, mắc kẹt (squeezed) vào gia đình, họ cảm thấy lép vế, cần phấn đấu, họ khéo léo trong thương lượng, vì nhu cầu sinh tồn, mong tìm được cái họ cần.

Con út (youngest child): Là trẻ sinh ra sau cùng, được mọi người quan tâm, dễ bị làm hư vì được chiều chuộng. Một số cá nhân muốn thoát khỏi cảm giác mãi mãi là bé nhất, khi họ không muốn là trẻ con nữa. Điều này có thể gây ra những khó chịu không lành mạnh.

Con một (only child): Trẻ không có anh em hoặc trẻ sinh ra cách anh chị khác 7 năm được coi thuộc diện này. Họ hưởng những đặc lợi như con đầu lòng và của con út. Không phải tranh giành. Họ có trí tưởng tượng phong phú, do phải chơi một mình. Họ rất thoải mái với người lớn. Nhiều em được nuông chiều quá, có thể khi lớn lên khó hòa nhập trong xã hội.

Môi trường sống thơ ấu (living environment): Adler cũng nhấn mạnh môi trường sống trong 5 năm đầu tiên của trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến cá tính và nhân cách của cá nhân. Vì thế môi trường gia đình không tốt sẽ rất có nguy hại đến tinh thần lành mạnh của một cá nhân, chẳng hạn như môi trường độc quyền, đàn áp, hằn học, tranh giành, cãi vã. Nếu trẻ may mắn lớn lên trong gia đình có hòa khí, yêu thương, quan tâm, đùm bọc… em sẽ trở thành một thành viên tốt trong xã hội khi lớn lên.

Tiểu thuyết cuộc đời (life script): Theo phái Adlerian, hành vi và ứng xử của cá nhân thường bị chi phối bởi những tiểu thuyết chính họ viết về họ, dựa trên những đánh giá về bản thân và môi trường xung quanh họ đang sống. Mosak (1995) đã kê ra 5 hình thái tiểu thuyết cuộc đời, là:

Ba phải (overgenalizing): thái độ coi mọi hoàn cảnh cuộc sống đều giống nhau. Cố gắng cũng chẳng ăn thua gì. Trên thực tế đây là không đúng. Thái độ phấn đấu và nỗ lực cá nhân sẽ cải thiện được hoàn cảnh.

Mục tiêu không thể đạt và mục tiêu ảo (False or impossible goals of security). Họ cố gắng bằng mọi giá, sống, để làm đẹp lòng mọi người vì muốn được ăn toàn. Trên thực tế, điều này không có. Con người cần có tinh thần xây dựng thông cảm, nhưng cần có thái độ yêu ghét rõ ràng. Anh không thể luồn cúi mãi được và không thể làm vừa lòng 2 hay nhiều người trong cùng một lúc.

Quan điểm sai lệch về cuộc sống và nhu cầu của cuộc sống (Misperceptions of life and life's demands): Tin rằng cuộc sống không bao giờ cho phép họ giải lao. Trên thực tế, làm gì, là ai, chúng ta không thể mãi vận hành như cỗ máy không nghỉ ngơi. Họ tham việc và sợ vui chơi giải trí. Cuộc sống vì thế mà mất đi sự quân bình.

Xem nhẹ hoặc không có tự tin về khả năng của bản thân (minimization or denial of one’s worth): Họ tin rằng phấn đấu của con người không bao giờ đạt kết quả. Trên thực tế, cuộc sống luôn mỉm cười với bất cứ ai không bỏ cuộc, chăm chỉ, yêu lao động và có tự tin. Nhiều người bao giờ cũng nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ thành công cả.

Giá trị sai lệch (faulty values): Cho rằng họ luôn là người quan trọng trước nhất, bằng mọi giá. Trên thực tế, nhiều lúc con người cần vui vẻ với trách nhiệm và vai trò của họ, bất kể trách nhiệm và vai trò ấy đặt chúng ta ở những địa vị khác nhau nào trong xã hội. Họ tin rằng cứ phải xuất sắc mới là tốt. Trên thực tế, làm tốt chính là có trách nhiệm, hoàn thành bổn phận và chu toàn công việc của mình.

Vai trò của tư vấn viên với lối tiếp cận Adlerian khá phong phú, họ giống như người chẩn đoán, thầy giáo, bạn hữu, và những vai trò trợ giúp khác, với mục tiêu chủ yếu là góp nhặt những dữ kiện về thân chủ, tìm ra những lỗ hổng trong sai phạm, từ đó cùng với thân chủ làm việc để khắc phục những lỗ hổng ấy.



Bài tập (homework): Là những yêu cầu từ nơi tư vấn viên, giành cho thân chủ như là một công cụ phản tỉnh suy nghĩ và tập áp dụng kỹ năng mới. Trong những bài tập này, thân chủ sẽ học cách nhìn đời bằng cách khám phá những thay đổi khi họ làm khác đi (new ways to behave).

Nếu như (as if): Là một bài tập có tính khái niệm, nó giúp thân chủ khám phá ra cuộc sống không duy nhất chỉ có một cách cư xử cứng nhắc. Tư vấn viên sẽ giúp họ chắt lọc lấy giải pháp hữu hiệu nhất. Ví dụ, thân chủ sẽ tập hỏi mình:

Nếu như… thì đã sao nào?

Nếu như thế… có gì khác hơn chứ?

Nếu như thế… tại sao mình lại không…

Mục tiêu của tư vấn theo phái Adlerian: Giúp người ta phát triển đời sống lành mạnh và sống một cuộc sống toàn diện. Thân chủ được giáo dục để từ bỏ những tư duy sai lệch như tư tướng không tin vào cuộc sống, không tín thác vào bản thân, và như thế sẽ dẫn đến như khả năng nội tại nơi cá nhân. Tư vấn viên phái Adlerian cổ động thân chủ sống lành mạnh và có trách nhiệm với bản thân họ và với xã hội.

Tư vấn viên Adlerian, theo Dreikurs (1967) vạch ra, họ cần:

- Cần tạo ra và duy trì quan hệ bình đẳng trong quan hệ tư vấn với thân chủ.

- Giúp thân chủ phân tích đời sống và lối sống của họ.

- Cắt nghĩa lối sống của thân chủ, từ đó giới thiệu những áp dụng lành mạnh.

- Cải tạo và giáo dục thân chủ, song song với những hành động lành mạnh cụ thể - đưa lý thuyết áp dụng vào thực hành.



Kỹ thuật sử dụng chính trong tư vấn theo phái Adlerian bao gồm:

- Chất vấn/đối đầu trong tinh thần xây dựng (confrontation): Tư vấn viên giúp thân chủ có được cơ hội phản tỉnh và suy nghĩ kỹ hơn về hệ tư duy cũ của họ. Và từ đó thân chủ sẽ tránh bỏ những tư tưởng lệch lạc.

- Hỏi câu quan trọng (asking "the question"): Tư vấn viên tranh thủ mọi lúc để hỏi thân chủ: Nếu bạn làm khác đi và điều đó làm bạn vui vẻ, đó là điều gì? Câu hỏi này sẽ giúp thân chủ nhận ra chân lý từ những quan sát trong quá trình phản tỉnh (feedback).

- Cổ động thân chủ (encouragement): Cho thân chủ thấy rằng họ cần có mềm tin vào bản thân và với xã hội. Đây là nét chính trong tư vấn, kiến tạo và xây dựng khung tư duy lưới, đây là bước quan trọng trong việc hướng tới thay đổi đời sống.

- Hành động “nếu như” (acting “as if”): Cho thân chủ cơ hội được đối chất giữa con người thực và con người siêu thực, để họ nhận ra sự khác biệt. Từ đó rút ra chân giá trị của cuộc sống bình dị, nhưng vui vẻ.

- Tẩy chay việc làm sai của thân chủ (Spitting in the client’s soup): Tư vấn viên vạch rõ những hành vi sai lạc có ảnh hưởng đến tiến trình kiến tạo đời sống hiệu quả khi thân chủ cố đi tìm ý nghĩa cao đẹp trong cuộc sống. Nghĩa đen là nhổ vào bát súp đang ăn của thân chủ. Anh ẹ lắm cơ!

- Biết dừng lại (catching oneself): Tư vấn viên giúp thân chủ tự biết kiềm chế, hãm phanh, từ bỏ những hành vi có hại, ban đầu là lý thuyết, nhưng sau đó là những thực hành cụ thể.

- Đặt ra việc cần làm (task setting): Thân chủ được khuyến khích những điều tốt cần làm, bắt đầu từ những việc nhỏ dễ làm, sau chuyển sang những việc to tát, phức tạp khó làm hơn.

- Bấm nút (push button): Thân chủ được khuyến khích tận dụng mọi điều kiện, hoàn cảnh, sau đó với cảm xúc thành thật, nhiệt tình, xây dựng tinh thần cố gắng để biến tất cả những điều kiện, cơ hội và hoàn cảnh trong cuộc sống để thăng tiến đời sống của mình.

Thuyết Adlerian nhấn mạnh đến tính xã hội và tinh thần vươn lên của cá nhân. Theo ông, con người tự thân đã có ý thức vươn lên. Song vài tư tưởng lệch lạc, khúc xạ cần được điều chỉnh lại. Thuyết này được coi là quá chung chung, nói chuyện huề vốn. Và đôi khi thân chủ nghĩ rằng thuyết này quá đơn giản.



4. Kết luận

Trong chương này, hai thuyết phân tích tâm lý hàng đầu của Freud và Adlerian được giải thích và trình bày. Tất nhiên, khi áp dụng vào nghiệp vụ tư vấn; tư vấn viên cần chọn lọc để tìm được thân chủ thích hợp với hai học thuyết này là điều quan trọng. Vì không phải ai cùng lĩnh hội và nắm bắt được những tư tưởng và hướng dẫn, đôi khi trừu tượng, xa xôi hơn với những sinh hoạt hàng ngày.

Tư vấn viên cần thiết giới thiệu sơ sơ một cách khái quát về những giá trị và thủ pháp của từng học thuyết mà tư vấn viên cảm thấy thích hợp với thân chủ. Khi thân chủ có một khái niệm về những gì đang xảy ra, họ sẽ chủ động hơn trong việc cộng tác với tư vấn viên.

Cần nhắc, chất lượng tư vấn phải là nỗ lực chung - một phần rất lớn của chất lượng tư vấn đến từ cố gắng của thân chủ. Hơn thế nữa, thân chủ có quyền được biết về thủ pháp trong quá trình trợ giúp mà họ đang tìm đến. Vì thế tư vấn viên cần giải thích cho thân chủ biết về học thuyết mình sử dụng - như thế thân chủ sẽ có nhiều nỗ lực đóng góp hơn.



Chương 9
THUYẾT TƯ VẤN TẬP TRUNG - CON NGƯỜI THUYẾT HIỆN SINH VÀ THUYẾT TÂM LÝ HỌC HÌNH THÁI


1. Dẫn nhập

Trong Chương 8, chúng ta đã đề cập đến thuyết phân tích tâm lý và thuyết Adlerial trong nghiệp vụ tư vấn. Trong chương này, chúng ta sẽ đề cập đến 3 thuyết đại diện cho nhóm học thuyết chủ trương làm việc với thân chủ trên mặt xúc cảm (affective).

Theo nhóm này, cảm xúc (tình cảm) là những tác nhân quan trọng có ảnh hưởng đến tư duy nhận thức và hành động của một cá nhân. Không ai dám quả quyết chính xác rằng tư duy nhận thức đưa đến cảm xúc hay cảm xúc là khởi nguồn của tư duy nhận thức. Tất nhiên qua thời gian, nhóm học thuyết cảm xúc đã thâu lượm được những gặt hái rất đáng kể.

Vì thế Chương 9 sẽ cung cấp cho tư tấn viên những tham khảo như một cố gắng thiết thực, nhất là trong bối cảnh tư vấn đa dạng, phục vụ con người - những sinh thể có nhu cầu rất lớn về cảm xúc và những vấn đề xoay quanh cảm xúc.

Nhóm tư vấn viên với thuyết cảm xúc này tin rằng, khi cảm xúc của thân chủ được thay đổi, họ sẽ dễ dàng bắt tay vào xây dựng cuộc đời họ nhiều hơn. Họ tin tưởng cảm xúc tích cực khi nhìn vào cuộc sống sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hành vi con người. Tuy nhiên cần chú ý, thuyết cảm xúc cũng có những hạn chế nhất định, vì thế khi ứng dụng, cần phải chọn thân chủ phù hợp với những học thuyết này.

2. Thuyết tư vấn tập trung - con người

Quan điểm con người: Người khai sáng cho thuyết này là Carl Rogers. Theo ông, con người về căn bản là tốt, có lòng thiện. Chính xác hơn, họ là những cá nhân "tích cực, có óc hướng tới, có tinh thần xây dựng, thực tiễn, đáng tin cậy". Họ có khả năng thăng tiến và trở nên hoàn thiện. Ông đề xướng con người ngay từ nhỏ đã có những đức tính sau:

- Trẻ ấu thơ nhìn thấy cuộc sống như thực tế và cách chúng nhìn vào cuộc sống là một quá trình nội tâm, ít có người chú ý đến.

- Tất cả trẻ ấu thơ được sinh ra với xu hướng hoàn thiện, và sẽ đạt được khi có hướng dẫn bằng những hành động cụ thể của người lớn.

- Trẻ ấu thơ tiếp cận với cuộc sống như một tổng thể, toàn diện, mọi ứng xứ của trẻ là những tác động hỗ tương nội tại phong phú.

- Kinh nghiệm của trẻ ấu thơ về tính hướng thiện tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của những hành động hướng đất. Ở thời kỳ còn bé, trở thành một kinh nghiệm tích cực hay tiêu cực.

- Trẻ ấu thơ giữ kinh nghiệm hướng thiện và tránh những tư tưởng khác.

Theo Rogers, tính hướng đến hoàn thiện là động cơ thúc đẩy cá nhân con người tồn tại, nó giúp con người kiểm soát tất cả những hành vi của họ để trở thành con người toàn diện.

Cũng theo ông, điều quan trọng nhất với một cá nhân là vũ trụ quan (world view) của họ với những hiện tượng cuộc sống. Những sự kiện và tự bản thân chúng thật ra không quan trọng lắm - con người mới là yếu tố quan trọng. Ông nhấn mạnh đến khái niệm bản thân (self). Khái niệm bản thân là kết quả của những cảm nghiệm và trải nghiệm thu lượm được bởi những cá nhân.



Khái niệm bản thân (self): Được lớn lên và phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, nó cần đến những tác động tích cực như, tình thương yêu, sự chào đón ấm áp, thái độ quan tâm, lòng tôn trọng, và sự đón nhận chân thành. Trẻ em và cả người lớn rất cần đến nhưng tác động tích cực này. Song, trên thực tế, những tác động tích cực này thường được cho đi một cách có điều kiện. Nghĩa là cá nhân phải phấn đấu để đạt được tình thương, được chấp nhận.

Khái niệm bản thân lý tưởng (ideal self): Là con người lý tưởng mà mọi cá nhân khao khát muốn vươn đến. Đây là khái niệm khác với khái niệm bản thân đời thực (real self) là con người bình thường vẫn gặp trong cuộc sống.

Vai trò của tư vấn viên: Theo Rogers là tạo được một môi trường thật tốt để niềm tin của thân chủ vào cuộc sống được bén rễ. Đây cũng là một việc làm đầy thử thách, vì đối diện với cuộc sống hiện tại, những gì tư vấn viên khởi xướng xem ra quá lý tưởng, khó lòng đạt được. Vì thế, nhiệm vụ chủ yếu của tư vấn viên là người gợi ý chứ không đóng vai trò chỉ đạo. Nói khác đi, họ là người đồng hành. Thân chủ mới là người quyết định trong tiến trình tự khám phá mình, dựa trên những gợi ý của tư vấn viên.

Mục tiêu của tư vấn: Theo hướng đi của Rogers nhắm đến là tập trung vào tổng thể con người. Hành vi của cá nhân không là trung tâm của quá trình tư vấn. Tư vấn viên phải tin rằng khi con người có đầu óc và tư duy lành mạnh, hành vi của anh ta tất nhiên sẽ trở nên lành mạnh. Để làm được việc này, thân chủ được khuyến khích tránh sử dụng những cơ chế tự vệ (defense mechanisms - đã bàn trong Chương 8). Họ cần ý thức được quá trình nhìn vào bản thân, khám phá bản thân, và thăng tiến bản thân là công tác quan trọng.

Kỹ năng sử dụng trong tư vấn tập trung vào con người thay đổi theo lịch sử của thuyết này.

Những năm 1940 - 1950, thuyết có chủ trương không lôi kéo - mà chỉ thuyết phục có lý lẽ, cố tình tạo ra một môi trường đón nhận (accepting environment), một quan hệ thân thiện và sử dụng chủ yếu là giải thích và cắt nghĩa.

Thời điểm 1950 - 1957, tư vấn viên tiếp tục duy trì quan hệ tốt với thân chủ, tập trung vào phản ảnh những cảm xúc và cảm giác của thân chủ, nhắm tới tính trị liệu, không chỉ đơn thuần là môi trường đón nhận (accepting environment) như thập kỷ trước.

Giai đoạn 1957 - 1980 giới thiệu thêm tính đồng cảm (empathy) với thân chủ, tinh thần quan tâm tích cực, và cả thái độ chân thành (không phân biệt vai trò tư vấn viên hay thân chủ).

Từ năm 1980 đến nay, phần lớn trong quan hệ tư vấn theo thuyết này cần có:

- Hai bên xây dựng quan hệ trong bối cảnh trị liệu tâm lý.

- Thân chủ, là người bình thường, đang gặp khó và rất lo lắng.

- Tư vấn viên phải thành thật, hăng hái, thiết tha muốn trợ giúp, có chuyên môn.

- Tư vấn viên phải giành tất cả những quan tâm, thật tích cực, không điều kiện (unconditional). Thân chủ trong mắt tư vấn viên luôn luôn là người tốt.

- Tư vấn viên phải đồng cảm (empathy) được với nội tâm của thân chủ, sau đó truyền tải cảm nghiệm của tư vấn viên đến với thân chủ.

- Những thảo luận phải là quan hệ hai chiều.

- Quan tâm tích cực không điều kiện (uncondition) được khai thác triệt để, thường xuyên. Bất luận hành vi của thân chủ như thế nào.

3. Tư vấn với thuyết hiện sinh

Người dẫn đầu thuyết này là Rolo May và Victor Frankl.



Quan điểm về con người: Thuyết hiện sinh chủ trương con người tạo nên cách sống của mình dựa trên những chọn lựa (choices). Thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào quyết tâm xem con người có dốc hết sức để đeo đuổi lựa chọn do mình đã đặt ra không.

Yếu tố quyết tâm (desire) trong theo đuổi lựa chọn của mình rất cao trong thuyết hiện sinh. Thuyết này tôn trọng chọn lựa cá nhân (personal choice). Họ quan niệm con người chính là tác giả (author) cuốn sách của cuộc đời họ.

Họ khẳng định con người hoàn toàn có khả năng ý thức được trách nhiệm của những chọn lựa. Tất nhiên trong cuộc sống, có những chọn lựa không được lành mạnh như những chọn lựa khác. Tư vấn viên theo thuyết này tin tưởng con người vốn có tính sáng tạo (creative), tận tụy đến lợi ích của người khác (caring), thân thiện (warm), và có tính hướng thiện (actualization).

Thuyết hiện sinh, theo Frankl (1962), ý nghĩa cuộc sống luôn thay đổi - nhưng không biến mất hoàn toàn (change but not ehminate). Đời sống có nghĩa còn vượt qua cả giới cảnh hoàn thiện. Con người được mời gọi trong ba cấp độ tồn tại (1) trong một trật tự ở quy luật vận hành của vũ trụ, (2) với ý nghĩa của giây phút tức thời trong một bối cảnh đặc biệt, và (3) trong ý nghĩa của cuộc sống bình thường hàng ngày.

Das (1998) nêu ra rằng ý nghĩa cuộc đời có thể khám phá theo ba cách:

- Làm một việc có ý nghĩa: đạt thành tựu ở một lĩnh vực nào đó, chạy maratông, viết một cuốn sách, đi du lịch châu Phi…

- Kinh qua một giá trị lớn: trong tình yêu, gương cuộc sống, văn hóa, kỳ quan thiên nhiên.

- Trải qua đau khổ: đối diện với những mất mát không thể cứu vãn được.

Vai trò của tư vấn viên trong thuyết hiện sinh: Chủ yếu ghi nhận rằng mỗi một thân chủ là một cá nhân đặc biệt, vì thế không có một tiêu chuẩn nào cố định. Vì thế tư vấn viên cần nhạy cảm với tất cả những tình huống khả dĩ có thể xảy ra. Tư vấn viên cần trung thực với thân chủ ở mức tối đa. Các chia sẻ cảm nhận cá nhân được khuyến khích để tăng cường tính khắn khít trong mối quan hệ, nhất là khi thân chủ đang gặp những trở ngại lớn ở cuộc sống.

Buhler và Allen (1972) khuyến khích tư vấn viên sử dụng thuyết hiện sinh cần tập trung đầu tư nhiều cố gắng vào quan hệ giữa hai bên, để tăng thêm tính hỗ tương, nhắm đến mục tiêu tiến bộ, và phát triển tính nhất quán trong tư vấn.

Das (1998) chủ trương tư vấn viên cần làm gương để thân chủ có thể tìm được cảm nhận riêng cho họ, tìm được khả năng xử lý, để họ áp dụng những khám phá mới.

Mục đích của thuyết hiện sinh: Giúp thân chủ tìm thấy giá trị của ý nghĩa cuộc sống - có tinh thần trách nhiệm - cảnh giác và năng động - tự do cá nhân trong chọn lựa khả năng nội tại và vốn quý trong mỗi cá nhân.

Trung tâm của tư vấn sử dụng thuyết hiện sinh nằm trong ước muốn rằng thân chủ sẽ tìm thấy ý nghĩa của trách nhiệm - với bản thân họ và với xã hội xung quanh. Thân chủ được mời gọi trong tiến trình nhận ra ý nghĩa của giá trị tồn tại trong cuộc sống. Họ được giải phóng khỏi những quan sát và kỳ vọng của người khác (expectation of others), hoàn toàn có khả năng tồn tại và làm việc, đóng góp và quan tâm đến chính họ và xung quanh.

Tính chủ động và tinh thần trách nhiệm được thân chủ rút ra từ quá trình tư vấn có sự đóng góp lớn của tư vấn viên. Thân chủ sẽ ý thức được giá trị của bản thân. Bước kế tiếp xa hơn là khuyến khích thân chủ hãy tận dụng khả năng và đóng góp những đức tính cá nhân trong việc giúp đỡ xã hội. Đây là một điểm mạnh, cần thiết, vì công việc có ích cho xã hội luôn đem lại những phần thưởng tích cực (positive rewards) cho những ai quan tâm cộng tác.

Kỹ thuật tư vấn trong thuyết hiện sinh: Rất đơn giản, so với những thuyết khác. Đây, dù ngạc nhiên, lại là mặt mạnh, vì nó thúc đẩy tư vấn viên trong việc vay mượn có chọn lọc kỹ thuật từ những mô hình tư vấn khác. Họ sợ một mô hình kỹ thuật cứng nhắc có thể gây phương hại đến tiêu chí của thuyết hiện sinh.

Tư vấn viên được kêu mời trong việc tích cực vạch ra những nhu cầu bức xúc của thân chủ trong bối cảnh đa dạng, nhiều mặt của cuộc sống phong phú. Sau đó tập trung trong bối cảnh riêng với cá nhân, giúp thân chủ rút ra kinh nghiệm cá nhân. Tư vấn viên cần chú ý đến khả năng nhận thức của từng thân chủ một, để có những vận dụng thích hợp.

Nhắc nhở thân chủ rằng, trong đời sống cá nhân và đời sống chung ở xã hội luôn có những điều tốt, đáng yêu, đáng trân trọng, mang tính nhân văn căn bản. Đi tìm ý nghĩa cuộc sống và chân lý đòi hỏi nỗ lực và cố gắng. Để làm tốt việc này, tư vấn viên cần mạnh dạn chia sẻ và thổ lộ lòng mình (self-disclosure), như một ví dụ làm gương (model) cho thân chủ, trong việc thẩm định và đánh giá kinh nghiệm bản thân họ.

Tư vấn viên cần làm sáng tỏ về những điểm mâu thuẫn với tiến trình chữa lành (healing process). Thân chủ cần luôn được nhắc nhở họ có trách nhiệm sống tốt. Đó không phải là một lựa chọn đơn thuần mà là một lựa chọn có tính mệnh lệnh - một nghĩa vụ, mọi người được mời gọi tìm được ý nghĩa sung mãn trong cuộc sống.




tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương