TƯ VẤn tâm lý CĂn bản lời giới thiệU



tải về 1.32 Mb.
trang10/18
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích1.32 Mb.
#37038
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   18

- Cái tôi trẻ con gặp cái tôi trẻ con: vui vẻ hòa nhã, dễ dãi, thoải mái.

- Cái tôi trưởng thành gặp cái tôi trưởng thành: nghiêm túc tôn trọng, công việc.

- Cái tôi phụ huynh gặp cái tôi phụ huynh: có thể xây dựng và có thể chỉ trích. Tùy theo quan hệ và nội dung trọng quan hệ.

Tất nhiên những giao tiếp theo hệ này thường dẫn đến những diễn biến có thể tiên đoán trước được.

- Giao tiếp chéo (crossed transaction): Gây khó chịu cho hai phía vì đây là thể loại giao tiếp không thích hợp, thiếu bình đẳng, tôn trọng, dẫn đến:

- Cái tôi trẻ con gặp cái tôi trưởng thành: phải mất nhiều thời gian để giải thích, vì không đồng nhất về quan điểm, cách nghĩ.

- Cái tôi trẻ con gặp cái tôi phụ huynh: có thể gây ra những trái ngược về yêu cầu, kỳ vọng, và quan điểm, mục đích (giống như giữa cha mẹ và con cái).

Nói khác đi, những quan hệ này luôn gặp những căng thẳng và trở ngại do tính hòa hợp thấp, thiếu sự cân đối nhịp nhàng giữa hai đối tác.

- Giao tiếp hiểu ngầm (ulterior transaction): Khi hai đối tác hoàn toàn có thể tin tưởng, gần gũi vì họ đã hiểu ngầm với nhau rằng: chúng ta giống nhau, nên có thể làm việc với nhau dễ dàng, thường là chỉ có hai hình thái:

- Cái tôi trẻ con gặp trẻ con: chúng ta sẽ chơi chung, làm theo lối trẻ.

- Cái tôi trưởng thành gặp cái tôi trưởng thành: tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ hợp tác trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Còn trường hợp 2 bên đều là cái tôi phụ huynh, có thể sẽ có những chỉ trích, bảo thủ… (giống như hai vợ chồng ngoài đời thực).



Phân tích những bông đùa: Nhằm tìm hiểu và phân tích những giao tiếp vui vẻ bề mặt, nên nếu có những lấn cấn ngầm, quan hệ không được xử lý sẽ trở thành xấu đi. Nếu không được điều chỉnh kịp thời, tất sẽ dẫn đến những hậu quả khó chịu trong tương lai. Bông đùa (playing) giúp con người tránh được những căng thẳng trong chốt lát và để đạt được những mong muốn, tìm sự an toàn, trốn tránh trách nhiệm… Về lâu dài, tất nhiên không ai muốn mình thiệt thòi, mâu thuẫn vì thế khó tránh khỏi. Bông đùa có 3 cấp cộ là:

- Cấp độ vô thưởng vô phạt: Những bông đùa xã giao, vô thưởng vô phạt, với mọi người, tác hại nhẹ. Mất mặt, giận, bực, nghỉ chơi…

- Cấp độ vừa: Xảy ra với những người thân, bạn bè, và sự kiện ở mức trung bình, tác hại có thể từ đáng kể đến nghiêm trọng. Không muốn nói chuyện, giận lắm.

- Cấp độ nghiêm trọng: Xảy ra với người thân, bạn bè khi sự kiện liên quan đến những phạm trù nghiêm túc, tác hại từ nghiêm trọng đến nguy hiểm. Bực bội, điên loạn, căm hận, trả thù…



Phân tích kịch bản cuộc đời: Berne tin tưởng rằng mỗi cá nhân xây dựng cho mình một kịch bản cuộc đời từ khi còn rất trẻ, khoảng 5 tuổi. Trẻ sử dụng kịch bản này để tiếp cận với xã hội, dựa trên nhãn quan chúng thu thập từ môi trường sống thực tế. Nên những thông điệp tích cực (positive message) từ người lớn hay những thông điệp tiêu cực (negative message) sẽ có những ảnh hưởng lên tư tưởng của trẻ. Cần biết, những thông điệp tiêu cực thường có tác dụng lớn hơn. Ví dụ, nghe mắng sẽ nhớ lâu hơn là được khen. Bài học cho mỗi chúng ta, khen ba lần chỉ bằng chê một lần.

Một khái niệm khác trong tư vấn trên nền tảng giao tiếp gọi là vuốt (stroke) là những lời khen và những ủng hộ (vuốt tích cực). Chê trách hay phản đối cũng là một dạng vuốt (vuốt tiêu cực). Nên nhớ, vuốt tiêu cực (negative stroke) sẽ vẫn hơn là không có bất cứ một dạng vuốt nào. Vì như thế sẽ dẫn đến trạng thái dồn nén. Berne gọi đấy là nhưng con tem (stamps) giống như của người sưu tầm tem. Để đến một lúc nào đó, khi bị dồn nén quá mức, cá nhân sẽ quay ra phá bĩnh, suy sụp, có biếu hiện tiêu cực thái quá.

Dưới đây là những xu hướng viết sai kịch bản (kế hoạch dự định cho cuộc đời):

- Không bao giờ cả (never script): Cá nhân không bao giờ có cố gắng vì không tin vào bản thân, họ bị ngăn cản, không có ai ủng hộ, điều kiện sống quá thiếu thốn, hạn chế. Mẹ bảo mình chẳng thể nào lấy chồng được, mẹ nói đúng đấy.

- Chờ đến khi (until script): Là kịch bản cá nhân chờ đến một thời điểm thuận lợi, điều đáng buồn là thời điểm thuận lợi ấy hình như chẳng bao giờ đến cả. Mình cứ đợi đến 35, hãy có chồng.

- Bao giờ chẳng thế (always script): Là kịch bản cá nhân thuyết phục mình không nên thay đổi, cứ bằng lòng với điều kiện hoàn cảnh hiện tại. Lấy chồng làm gì vội. Có cố cũng không ăn thua. Đàng nào cũng khổ cả.

- Rồi sẽ có ngày (after script): Là kịch bản cá nhân tin rằng sẽ có những biến cố xấu, tai họa, bất lợi sẽ xảy ra ở một giai đoạn nào đó. Rồi lấy chồng được mấy năm sau mình sẽ sinh con, xấu xí, già đi, có khi còn bị ung thư ngực nữa.

- Mở rồi đóng (open-ended script): Cá nhân bị tắc, không biết mình phải làm gì, kế tiếp. Ồ. Mình đã 38 rồi, chưa có chồng, làm sao đây? Chán thật!



Vai trò của tư vấn viên trong phân tích thỏa hiệp: Chủ yếu giống như một thầy giáo, vì họ cần phải giải thích những khái niệm tương đối dễ nhầm lẫn, như 3 khái niệm cái tôi khái niệm giao tiếp, vuốt, kịch bản… Tư vấn viên còn cần khéo léo trong việc thiết lập nên những hợp đồng và lịch làm việc để thân chủ có cơ hội thực hành càng nhiều hoạt cảnh (role playing) để giúp họ hình thành những hệ thống và xu hướng xử lý trong quá trình giao tiếp.

Nhiệm vụ chính của tư vấn viên là cung cấp đầy đủ những công cụ cần thiết, như bài tập, thời gian, và những đánh giá, nhận xét kịp thời về tiến trình tiếp thu những kỹ năng và việc họ có thể áp dụng những kỹ năng mới mà thân chủ đã học hỏi được.



Mục tiêu của tư vấn phân tích thỏa hiệp: Là quá trình thay đổi cá nhân từ tiêu cực thụ động chuyển sang lành mạnh, tích cực, hoạt bát. Tư vấn viên giúp thân chủ nhận ra những cái tôi của họ, sử dụng chúng đúng, thích hợp trong những bối cảnh đặc biệt, từ đó họ sẽ tìm thấy những đồng điệu, thuận lợi, hòa hợp với những đối tác và đối tượng trong đời sống.

Kỹ thuật sử dụng trong tư vấn phân tích thỏa hiệp phần lớn là sử dụng 4 loại hình phân tích đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên những kỹ thuật dưới đây cần được giới thiệu và tham khảo:

Hợp đồng trị liệu (treatment contract): Ghi rõ, cụ thể về trách nhiệm từ hai phía.

Đặt câu hỏi (interrogation): Cho đến khi thân chủ thành thạo vai trò cái tôi trưởng thành (adult ego) của họ.

Cụ thể và chính xác (specification): Vạch rõ cho thân chủ thấy từng loại cái tôi mà họ đang sắm vai trong những bài tập thực hành giữa hai bên.

Chất vấn (confrontation): Vạch ra những mâu thuẫn, không ăn khớp trong lời nói của thân chủ ở quá trình làm bài tập thực hành với tư vấn viên.

Giải thích (explanation): Cung cấp đầy đủ thông tin để thân chủ có thể nắm bắt được các khái niệm và cách thức tư vấn.

Minh họa (illustration): Có những ví dụ, cần khôi hài để giảm căng thẳng, như những phần thưởng khích lệ nho nhỏ cho thân chủ.

Khẳng định lại (confirmation): Nhắc lại những điểm đã làm đúng, cho đến khi thân chủ thật sự thuần thục với kỹ năng đang được huấn luyện.

Cắt nghĩa (interpretation): Giải thích tại sao cái tôi trẻ con luôn dẫn đến những khó khăn trong giao tiếp và cái tôi trưởng thành là cái tôi cần được phát huy.

Tập trung vào giao tiếp tích cực (crystallization): Tiếp tục thường xuyên cho đến khi thân chủ quán triệt và vững vàng trong mô hình quan hệ giao tiếp sử dụng cái tôi trưởng thành trong mọi trường hợp có thể.

Những câu hỏi dưới đây thường được tư vấn viên hỏi:

- Những gì tốt nhất/ xấu nhất bố mẹ đã nói về bạn?

- Chuyện gì bạn còn nhớ rõ từ độ tuổi sớm nhất?

- Gia đình kể về sự sinh ra của bạn như thể nào?

- Bài hát, chuyện cổ tích, câu chuyện nào thời còn bé bạn thích nhất?

- Bạn miêu tả về bố và mẹ như thế nào?

- Bạn nghĩ rằng mình sẽ sống đến bao lâu đây?

Ngoài ra, tư vấn viên cần khéo léo tìm ra động cơ (motive) của thân chủ tại sao họ sử dụng cái tôi không thích hợp, từ đó những động cơ lành mạnh (healthy motive) có thể được thảo luận. Cá nhân thường có khả năng và sẵn lòng thay đổi khi họ nhìn thấy những lựa chọn khả thi khác trong cuộc sống.

6. Kết luận

Rõ ràng hai thuyết vừa được trình bày đã tập trung nhiều vào tiến trình thay đổi nhận thức và tư duy của cá nhân. Một điều cần chú ý là thân chủ cho những liệu pháp dựa trên cơ sở nhận thức phải có những tiêu chuẩn thông minh nhất định như khả năng xử lý và hấp thụ những khái niệm nhầm lẫn và cấu trúc tư vấn khá phức tạp.

Cần biết, khi thân chủ hoàn thành tư vấn dựa trên căn bản nhận thức và tư duy sẽ có cơ hội sống rất hiệu quả. Nói khác đi, sau khi thay đổi và điều chỉnh (adjust) khung tư duy của mình, thân chủ sẽ áp dụng những kỹ năng và kinh nghiệm của mình vào những trường hợp trong tương lai mà họ đà gặp tương tự trong quá khứ.

Tư vấn viên cần tập trung vào kỹ năng khi tư vấn cho thân chủ qua liệu pháp nhận thức, vì đây là khâu quan trọng then chốt. Chẳng hạn là, nếu thân chủ có quyết tâm, có thiện chí, song kỹ năng áp dụng không đúng, không chính xác, hiệu quả tất nhiên sẽ không cao, nếu không nói là không có những gặt hái nào.



Chương 11
LIỆU PHÁP HÀNH VI, LIỆU PHÁP NHẬN THỨC HÀNH VI VÀ LIỆU PHÁP THỰC TIỄN


1. Dẫn nhập

Như tên gọi, nhóm liệu pháp trong Chương 11 này tập trung vào hành vi của con người. Mục tiêu của tư vấn viên theo lối liệu pháp hành vi cố gắng giúp thân chủ thay đổi hành vi của họ, sửa đổi những hành vi không lành mạnh, xóa bỏ những hành vi xấu hoặc những hành vi mà thân chủ muốn từ bỏ. Như thế, những hành vi tiêu cực sẽ được thay thế bằng những hành vi tích cực.

Từ tính đặc trưng của nó, liệu pháp hành vi thường được áp dụng cho những trung tâm cải huấn, trung tâm cai nghiện, trường dạy nghề, những lớp, khóa thực hành để từ bỏ một hành vi không được xã hội và cá nhân thân chủ chấp nhận.

Từ những chương trước, hành vi là kết quả của những mảng rộng lớn hơn như: ý tưởng, thực hành, và lý thuyết. Nó được coi như sản phẩm sau cùng của mỗi một cá nhân trong xã hội. Cá nhân có thể có nhận thức, hệ tư duy, có kinh nghiệm, có khả năng xử lý… nhưng hành vi của họ mới thật sự có tác động đến người xung quanh.

Đấy là lý do tại sao người ta vẫn nói: hành động thật sự quan trọng hơn lời nói. Và trong trường hợp này, hành động là biểu hiện, là tiếng nói quan trọng nhất.

Ban đầu, người theo phái hành vi chỉ tập trung vào việc điều chỉnh và sửa đổi những hành vi có thể nhìn thấy, quan sát được. Xu hướng gần đây cho thấy, Watson đã chứng minh được ngay cả những thói quen thuộc phạm trù tình cảm cũng có thể tập và sửa đổi được.

Dựa vào phần lớn công cuộc nghiên cứu đầy giá trị của Pavlov với những thí nghiệm về lĩnh vực phản xạ có điều kiện, những khoa học gia sau này đã phát huy; những kiến thức và hiểu biết về động cơ hành vi của con người càng ngày càng được khám phá.

Theo Hackney và Cormier (1996), những thân chủ sau sẽ có cơ hội thành công cao khi áp dụng trị liệu trên cơ sở hành vi:

- Là người có tinh thần theo đuổi mục đích, muốn thấy hiệu quả và thành tích đạt được.

- Là người hiếu động, luôn cần, thích làm một cái gì đó.

- Có hứng thú trong việc thay đổi cả những ứng xử riêng biệt và những hành vi phụ khác, có liên quan đến những hành vi chủ yếu.

2. Thuyết hành vi

B. F. Skinner là người có công nhiều nhất với thuyết hành vi. Niềm tin của ông vào khả năng thay đổi của con người dựa vào phần thường (rewards) từ những hành vi. Với thuyết này, cội rễ của những hành vi không hoàn toàn nằm trong, và chịu ảnh hưởng của hệ tư duy và cảm xúc lành mạnh. Theo họ, cá nhân ứng xử, hành động chủ yếu là vì hành vi của họ sẽ đem lại những kết quả (có cả tốt lẫn xấu). Vì thế, họ sẽ hành xử làm sao có thể đem lại nhiều gặt hái nhất.



Tư vấn viên và quan điểm về con người của thuyết hành vi: Có những đặc tính căn bản sau, dựa theo Rimm và Cunningham (1985), gồm:

- Tư vấn viên chú trọng đến tiến trình thay đổi hành vi, và những hành vi này có thể quan sát, đánh giá được qua kiểm chứng, đo đạc.

- Tư vấn viên tập trung vào hành vi hiện tại để làm điểm tựa cho việc thay đổi, điều chỉnh những hành vi muốn bỏ trong quá khứ.

- Họ tin rằng hành vi có được do học hỏi, bất kể nếu như hành vi đó tốt hay xấu.

- Họ muốn thiết lập một kế hoạch trị liệu cụ thể, không mập mờ, hành vi muốn bỏ phải bỏ được. Không nói suông, phải thực hiện kế hoạch. Bắt tay vào làm.

- Họ phản đối quan niệm nhân cách được tạo nên bởi những yếu tố thiên bẩm bất biến. Xấu tốt đều do học hỏi mà ra.

- Họ chú trọng đến tính khoa học và thực nghiệm, với họ cứ liệu và bằng chứng mới thật sự quan trọng, kỹ thuật áp dụng phải mang tính khoa học, có tổ chức chặt chẽ. Họ không lí luận suông.

Tóm lại, trong một tiêu chí rõ nhất, thuyết hành vi tin rằng con người học tập (learn) một hành vi nào đó, và hoàn toàn có thể xoá (unlearn) những gì đã học trước đó.



Mô hình kích thích - phản ứng (stimulation-reaction model): Sử dụng trong hành vi trị liệu, được rút ra từ thí nghiệm phản xạ có điều kiện, còn được gọi là mô hình học cách phản ứng (respondent learning). Đây là mô hình dựa trên khám phá của nhà bác học Nga nổi tiếng Pavlov. Có thể tóm tắt thí nghiệm của ông với con chó trong phòng thí nghiệm như sau:

1. Chuông reo suông, chó không chảy nước miếng.

2. Thức ăn, chó chảy nước miếng - Phản xạ không điều kiện.

3. Chuông reo + thức ăn (trong một thời gian nhất định).

4. Chuông reo suông, chó chảy nước miếng - Phản xạ có điều kiện.

5. Chuông reo suông, không có thức ăn (trong một khoảng thời gian nhất định).

6. Chuông reo suông, chó không chảy nước miếng nữa.

Từ thí nghiệm này, có thể nhìn thấy quá trình chó học tiếng chuông (learn) khi kích thích (stimulation) có điều kiện (tiếng chuông) đi kèm với kích thích không điều kiện (thức ăn), chó học (learn) rằng tiếng chuông đi kèm với thức ăn. Nhưng nếu nghe tiếng chuông mà không thấy thức ăn mãi, chó sẽ quên tiếng chuông (unlearn). Suy diễn từ thí nghiệm này, ta có thể nhận ra một cách khái quát, hành vi (chảy nước miếng) được học và có thể bị xóa, tùy thuộc vào phần thưởng (thức ăn). Mô hình thí nghiệm này được áp dụng vào động cơ và hành vi của con người.



Phân tích hành vi áp dụng (applied behavior): Dựa vào thuyết của Skinner. Theo đó, để hành vi phản ứng có chọn lọc, con người phải là một chủ thể chủ động trong tiến trình học tập hành vi đó. Ở đây, hai kết quả là được phần thưởng (rewards) và bị trừng phạt (punishment), hai nguồn động cơ quan trọng của tiến trình học hỏi. Lẽ tự nhiên, cá nhân sẽ có những hành vi để tăng thêm phần thưởng và giảm thiểu sự trừng phạt. Vì thế, những hành động tạo ra những kết quả có lợi chính là động lực thúc đẩy con người theo đuổi một hành vi nào đó có lợi cho bản thân.

Thuyết nhận thức - xã hội (social cognitive): Chủ trương những hành vi nhất định của một cá nhân là do quá trình quan sát và bắt chước từ xã hội xung quanh của cá nhân đó. Theo Bandura (1986) thì tiến trình học hỏi từ xã hội của một cá nhân phụ thuộc vào ba yếu tố tách rời, nhưng có quan hệ hỗ tương rất lớn với nhau, là:

- Kích thích bên ngoài (external stimuli): Những sự kiện trong cuộc sống.

- Áp dụng bên ngoài (external reinforcement): Phần thưởng hay trừng phạt của những hành vi này.

- Quá trình điều tiết nhận thức (cognitive mediational process): Xử lý thỏa đáng những hậu quả đến từ hành vi và động cơ của hành vi, dẫn đến quyết định học tập một hành vi mới hoặc quên đi một hành vi không có lợi đã học từ trước



Vai trò của tư vấn viên: Là người chủ động trong những ca tư vấn, họ là người cung cấp những công cụ cần thiết như ý nghĩa giá trí của từng đại lượng kết quả do hành vi đem lại. Động cơ của hành vi đối với thân chủ thôi vẫn không đủ, tư vấn viên cần vạch ra lợi ích của hành vi đem đến cho thân chủ phải có ý nghĩa với bản thán cá nhân và tới xã hội xung quanh. Vì con người vốn là một sinh thể có nhu cầu xã hội rất cao. Nếu đem lại thật nhiều lợi ích, nhưng sống cô độc, không liên đới với người khác, việc lợi ích đem đến những lợi ích cho cá nhân thật ra không còn thật sự có ý nghĩa nữa.

Tư vấn viên cần nhấn mạnh đến tính liên đới trong xã hội và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Hành vi của một người luôn có ảnh hưởng tác động lên những cá nhân khác, chính vì thế, đặt trọng tâm hành vi của cá nhân trong bối cảnh xã hội là điều cần thiết.



Mục tiêu của hành vi liệu pháp: Trong tư vấn với thân chủ nhằm giúp họ thay đổi, điều chỉnh những hành vi để họ hòa nhập, thích nghi với điều kiện hoàn cảnh, từ đó tăng cường những quan hệ lành mạnh, có ý nghĩa trong sáng. Tất nhiên khâu giúp thân chủ dẹp bỏ những hành vi tiêu cực là một vấn đề cần nhắm tới. Để đạt được mục tiêu, từng bước được đề ra, gồm:

- Xác định được nan đề: cần cụ thể về nội dung, thời gian, nơi chốn, mức độ nặng nhẹ…

- Xem xét quá trình phát triển: thân chủ đã xử lý nan đề trong quá khứ như thế nào?

- Xác định mục tiêu cụ thể: chia mục tiêu thành những mục nhỏ, dễ thực hiện hơn, nên nhưng bước cần thực hiện có thể được học một cách dễ dàng hơn.

- Đề ra phương pháp sửa đổi hữu hiệu nhất: chọn phương pháp khả thi nhất, cần có phương án hai, nếu phương án một không hữu hiệu như ý muốn thì phương án phụ sẽ được áp dụng.

Kỹ thuật trong hành vi liệu pháp: Có thể tìm thấy qua những kỹ năng:

- Sử dụng áp dụng tích cực (use of positive reinforcement): Phần thưởng, khích lệ một hành vi mới.

- Sử dụng áp dụng tiêu cực (reinforce of negative reinforcement): Lấy đi những phần thưởng, nhằm kích thích những hành vi thích hợp, để duy trì phần thưởng vẫn được hưởng.

- Lịch áp dụng những phần thưởng và hình phạt (schedule of reinforcement): Phải đảm bảo tính kịp thời mới mong đạt hiệu quả cao.

- Tập dần (shaping): Là quá trình từ từ đưa một hành vi mới học vào thực tập trong đời sống thực tế một cách chậm, nhưng chắc.

- Ứng dụng ra môi trường (generalization): Giúp thân chủ áp dụng hành vi mới học vào đời sống thực tế.

- Duy trì (maintenance): Yêu cầu thân chủ tự thực hiện các thao tác áp dụng hành vi mới một mình, không cần đến sự trợ giúp của tư vấn viên.

- Triệt tiêu (Extinction): Gạt bỏ những hành vi không muốn giữ.

- Hình phạt (punishment): Nhằm hạn chế, làm giảm những lành vi bằng cách giới thiệu những hậu quả khó chịu.

3. Thuyết Nhận thức - Hành vi

Đây là một phái mới đang thu hút đông đảo dư luận. Thuyết này chủ yếu nhắm vào liên hệ giữa nhận thức và hành vi. Phần lớn những mô hình trong học thuyết tổng hợp này có thể được tìm thấy cả ở hai thuyết hành vi và nhận thức.

Với thuyết này, việc xây dựng lại khung tư duy (nhận thức) là cần thiết, thân chủ được huấn luyện để tự xác định và đánh giá được những tư duy sai lệch đã dẫn đến những hành vi thiếu trưởng thành, lập dị, không được chấp nhận bởi cá nhân, cũng như bởi xã hội.

Thân chủ cần được hướng dẫn để họ cảnh giác khi dấu hiệu của những tư tưởng không lành mạnh nảy sinh trong đầu. Bằng cách liên tục tự nhắc nhở mình, thân chủ có thể ngăn chặn được những tư tưởng tiêu cực này.



Chủng ngừa căng thẳng (stress inoculation): Là quá trình phòng ngừa, giúp thân chủ thiết lập một thói quen lành mạnh, xử lý những căng thẳng khi chúng vừa chớm, tạo được thế chủ động. Trong đó, thân chủ được giáo dục về tính chất và tính năng của sự căng thẳng (characters of stress), sau đó họ được huấn luyện các kỹ năng xử lý căng thẳng, sau cùng là bắt tay vào thực hiện những kỹ thuật xử lý đã được học tập.

Chặn đứng luồng tư tưởng (thought stopping): Là quá trình thân chủ sẽ ngưng lại những suy nghĩ về những hành vi trong quá khứ, những tư tưởng khúc xạ. Điều này giúp họ tập trung vào những nỗ lực hiện tại, nhắm tới đời sống lành mạnh, tích cực trong tương lai. Về cơ bản, đây là một kỹ năng giúp thân chủ đoạn tuyệt với quá khứ tiêu cực. Nói khác đi - kỹ năng này giúp thân chủ tránh được bất cứ luồng tư tưởng tiêu cực khi chúng mới vừa khởi xướng.

4. Thuyết Thực tiễn

Liệu pháp thực tiễn: Chú trọng vào lựa chọn của cá nhân trong cuộc sống. Theo Wubbolding (1998), liệu pháp này tập trung vào 2 điểm then chốt: (a) môi trường tư vấn - và (b) thủ tục trong liệu pháp. Họ chủ trương mọi tiến trình chỉ có thể xảy ra khi cá nhân cảm thấy an toàn trong một môi trường được bảo vệ. Hiểu rõ là, liệu pháp thực tế có một hình thái uyển chuyển, thân thiện, cởi mở, nhưng cũng kiên định trong những hoạt động tư vấn.

Đây là liệu pháp tiên phong bởi William Glasser. Liệu pháp này nhấn mạnh đến ý thức của con người, họ tin rằng con người hoạt động độc lập, xử lý các tình huống một cách có ý thức; không bị lệ thuộc bởi những xung động vô thức (như trong thuyết phân tích tâm lý của Freud).

Glasser (1988) cũng nêu ra niềm tin rằng con người tự thân có khả năng vươn lên và phát triển, cả về mặt thể lý và mặt tâm lý. Ông đưa ra hai khái niệm rất thú vị, như:

Óc cũ (old brain): hành vi xuất phát từ nhu cầu thể lý, như cơm áo, thuốc men, nghỉ ngơi…

Óc mới (new brain): Hành vi xuất phát từ những nhu cầu tâm lý cao hơn, trong xã hội hiện đại; như an toàn, được yêu, địa vị trong xã hội, ý nghĩa và mục đích cuộc sống…

Theo ông, nhu cầu tâm lý gồm:

- Được thuộc về (belonging): Được quan tâm và được chấp nhận bởi người thân, bạn bè, được yêu thương…

- Có quyền lực (power): Được công nhận, được thi thố, có niềm tin, tự tin…

- Có tự do (freedom): Nhu cầu được tự do trong chọn lựa và quyết định…

- Vui chơi, giải trí (fun): nhu cầu vui chơi, cười đùa, học tập, giải trí…

Cũng theo ông, con người rất cần đến một nhận dạng định vị trong xã hội (identity) - một yếu tố tâm lý giúp khẳng định giá trị bản thân (self). Vì mọi cá nhân, trong bất cứ tầng lớp xã hội nào cũng cần đến nhu cầu được hòa nhập, trở thành một thành viên của một nhóm nào đó có một ấn tượng đặc trưng riêng đại diện cho nhóm ấy. Con người không thể tồn tại, nếu họ không thuộc vào một nhóm đặc trưng nào đó.

Khi cá nhân hòa hợp với mọi người, anh ta có thể đã có một khuôn mặt ấn tượng thành công (successful identity). Tuy nhiên, nếu một nhân vật không hòa hợp với mọi người, chán nản, xa lánh, bất cần, anh ta có thể được coi là có một khuôn mặt ấn tượng thất bại (failure identity).



Vai trò của tư vấn viên: Như là một thầy giáo hướng dẫn, đón nhận thân chủ với một thái độ ân cần, cởi mở. Quan hệ tư vấn cần được xây dựng trên cơ sở thân thiện, kiên định, và công bằng thỏa đáng. Tư vấn viên sử dụng những buổi tư vấn để tăng cường tính tích cực và tính xây dựng trong hành vi.

Thân chủ cần được nhắc nhở rằng họ có quyền lựa chọn và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những lựa chọn đó. Điều này giúp họ có tinh thần trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình. Tư vấn viên sử dụng liệu pháp thực tiễn không đào sâu vào quá khứ của thân chủ. Trái lại, họ tập trung nhiều vào những nan đề trong hiện tại. Từ đó những giải pháp tháo gỡ luôn được xử lý trong bối cảnh hiện tại, đảm bảo được tính thực tế trong quá trình tư vấn.



Mục tiêu của thực tiễn liệu pháp: Là giúp thân chủ ý thức được rằng họ cần trưởng thành về mặt tâm lý, hợp lý và thực tế trong những chọn lựa có trách nhiệm đối với xã hội. Như thế, khi trưởng thành, họ sẽ trở nên tự chủ, năng động, tích cực hòa nhập vào đời sống phong phú của xã hội. Sau đó, họ sẽ trở nên có trách nhiệm, sống lành mạnh, biết tôn trọng người khác, hòa hợp, đạt được hạnh phúc.

Theo Glasser (1976) những biểu hiện sau đây được coi là những hành xử lành mạnh:

- Hành vi không tranh giành, chụp giựt.

- Hành vi đơn giản, không mất quá nhiều công sức, thời gian để hoàn tất.

- Hành vi có thể hoàn tất bởi chính cá nhân, không cần đến người khác.

- Hành vi có giá trị ý nghĩa với cá nhân và với xã hội.

- Hành vi khiến cá nhân tin rằng họ sẽ thăng tiến nếu họ thực hiện chúng.

- Cá nhân có thể thực hiện hành vi mà không cảm thấy cắn rứt, khó chịu.

Tóm lại, mục tiêu của thực tiễn liệu pháp là giúp thân chủ xây dựng cho mình một kế hoạch hành động thực tế nhằm đạt được những nguyện vọng cá nhân. Bởi lẽ, nhiều lúc không xác định được hướng đi, không biết mình phải làm gì sẽ dẫn đến những bế tắc và khó khăn cản trở trong tiến trình sống tốt, sống khỏe, sống sung mãn.



tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương