TƯ VẤn tâm lý CĂn bản lời giới thiệU


Duy trì để giữ mình là một tư vấn viên làm việc có hiệu quả



tải về 1.32 Mb.
trang2/18
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích1.32 Mb.
#37038
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

3. Duy trì để giữ mình là một tư vấn viên làm việc có hiệu quả

Một tư vấn viên luôn có những khó khăn đời thường như tất cả mọi người trong xã hội. Họ có những trăn trở, đôi khi rất bức xúc và nan giải. Cuộc sống của họ không hẳn là một cuộc sống bằng phẳng. Họ cũng vật lộn với những vấn đề gay cấn như: bệnh tật: cuộc sống, nghề nghiệp, tình cảm, tài chính, gia đình…

Tất nhiên những nan đề này, khôi hài một chút, lại là chất liệu giúp một tư vấn viên xây dựng khả năng đồng cảm với thân chủ tốt hơn. Nói khác đi, kinh nghiệm song sẽ giúp họ đồng cảm hơn với những nan đề trong cuộc đời của những thân chủ. Nói thế, không có nghĩa là kinh nghiệm xử lý của tư vấn viên sẽ áp dụng được cho mọi cá nhân khác. Nên nhớ, kinh nghiệm của tư vấn viên chỉ mang tính chia sẻ, tham khảo, hoàn toàn không phải là cơ sở cho lời khuyên hay cung cấp giải pháp cho thân chủ.

Một tư vấn viên tốt luôn đón nhận những khó khăn trong cuộc sống như bài học kinh nghiệm. Họ giữ vững lập trường, sống khách quan và đối diện khó khăn với tinh thần trách nhiệm. Với họ, thất bại và thành công đều có tính giáo dục trong đó. Vì thế họ có thể nhìn thấy, đồng cảm và giúp thân chủ tìm ra những giá trị tích cực trong cuộc sống.

Một bạn trẻ muốn trở thành một tư vấn viên, trước hết bạn cần phải hiểu rõ bạn cần từ bỏ và đón nhận một cách có chọn lọc để giữ cho bản thân được trong sáng, trung lập.

Với tư vấn viên, thân chủ hoàn toàn có lý do riêng của họ về những hành vi và ứng xử. Tư vấn viên có nhiệm vụ chí rõ ra những hành vi và ứng xứ của thân chủ sẽ có những ảnh hưởng nào đến người khác. Như thế, thân chủ sẽ nhìn thấy hành vi và ứng xử của họ cần được thay đổi để họ biết chấp nhận bản thân họ và tiếp cận với người khác một cách có hiệu quả hơn.

Để giữ cho mình luôn cân bằng, những biện pháp phòng ngừa xem ra rất cần thiết. Tình trạng quá tải thường (overload) là một vấn đề phổ biến. Tình trạng quá tải có thể hiểu rằng như những mệt mỏi về cả mặt tinh thần và thể xác. Khi quá tải, tư vấn viên sẽ không còn tỉnh táo và minh mẫn trong công tác nữa. Để tránh tình trạng này, tư vấn viên cần có những thú vui trong sáng lành mạnh khác ngoài phạm vi nghề nghiệp của mình. Tìm cho mình những giải trí lành mạnh. Các tác giả Bay và Pine (1980), Pines và Aronson (1989), Savicki và Cooley (1982), Watkins (1983) có vài gợi ý dưới đây giúp tư vấn viên tránh tình trạng quá tải:

- Quan hệ với những cá nhân khác (bạn bè, đồng nghiệp…) có đời sống lành mạnh.

- Công tác và quan hệ với những cơ quan tổ chức có tiêu chí làm việc tích cực.

- Luôn giữ chừng mực tương đối với những học thuyết trong tư vấn mình áp dụng. Tránh lún ngập quá sâu trong lý thuyết.

- Tận dụng tập thể dục để giảm căng thẳng (chạy bộ, tập yoga, dưỡng sinh…).

- Cố gắng điều tiết bản thân sao cho phù hợp với môi trường gây ra căng thẳng, tránh những môi trường gây ra căng thẳng.

- Tự đánh giá bản thân, nhằm tìm nguồn tác nhân gây ra những căng thẳng, để có biện pháp thích hợp.

- Thường xuyên đánh giá lại quan điểm nghiệp vụ, vai trò nghiệp vụ, mong đợi của chính mình, niềm tin và triết lý của mình trong quá trình theo nghề.

- Tìm đến tư vấn viên khác, nếu có nhu cầu.

- Giữ gìn khoảng cách, không nên liên hệ quá sâu với nan đề của thân chủ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của tư vấn viên. Tránh đem nan đề của thân chủ về nhà.

- Luôn giữ thái độ lạc quan, yêu mến cuộc sống.

Một tư vấn viên hiệu quả sẽ giữ cho hệ tình cảm của mình được ổn định, cân bằng, và khách quan. Họ cần cảnh giác và luôn sống với những mặt mạnh và cả những hạn chế của mình một cách thực tế. Đó là lời khuyên của Auvenshine và Noffsinger (1984).


4. Đào tạo căn bản cho một tư vấn viên

Ta vẫn thấy nhiều tư vấn viên làm việc có hiệu quả mà không qua đào tạo trường lớp kiến thức về quá trình phát triển của con người và kiến thức về tư vấn. Để quyết định xem mức độ cần thiết về đào tạo như thế nào là đủ, thiết nghĩ nên xem đến mức độ quan hệ giữa hai người trong quá trình tư vấn.

Tạm thời, ba cấp độ của quan hệ trợ giúp gồm: không chuyên - bán chuyên nghiệp - chuyên nghiệp. Mỗi cấp độ đòi hỏi một trình độ đào tạo khác nhau.

Với cấp độ chuyên nghiệp, ca tư vấn thường được hẹn trước, chủ yếu là tìm giải pháp cho nan đề. Thân chủ trong tư vấn chuyên nghiệp rõ ràng mong đợi kết quả từ quá trình tư vấn.

Với cấp độ không chuyên, ca tư vấn thường không có giờ hẹn nhất định, quan hệ tư vấn chỉ là quan hệ phụ, thân chủ thường không có mong đợi kết quả cụ thể. Nói chung tư vấn theo kiểu tiện đâu làm đó.

Cấp độ bán chuyên, các điểm vừa nêu trên nằm ở khoảng giữa.



Không chuyên: ở cấp độ không chuyên, người cung cấp tư vấn thường là bạn bè, đồng nghiệp, những người không qua đào tạo căn bản trường lớp, những người thiện nguyện, hoặc những người có lòng vì người khác. Họ cũng có những kiến thức và kinh nghiệm nhất định - nhưng thiếu hẳn kinh nghiệm tư vấn và kiến thức tư vấn. Cần biết có kinh nghiệm sống và khả năng tư vấn là hai lĩnh vực rất khác nhau.

Bán chuyên nghiệp: Ở cấp độ này, người cung cấp tư vấn có những kiến thức được huấn luyện về đặc điểm tính năng trong quan hệ giữa con người. Họ là những người làm việc như cảnh sát, y tá, thầy cô giáo, nam nữ tu sĩ… Họ thường làm việc như: một bộ phận liên ngành, không hoạt động riêng biệt, hoặc độc lập như một tư vấn viên. Họ thường làm việc trong những môi trường có liên hệ đến dịch vụ tư vấn, song họ làm việc dưới sự giám sát bởi chuyên viên cao hơn.

Chuyên nghiệp: Ở cấp này, chuyên viên được đào tạo chuyên môn về cả hướng dẫn đề phòng và can thiệp trị liệu. Họ là những người có chuyên môn và học vị tùy theo chuyên ngành. Họ là bác sĩ tâm thần, tâm lý gia, chuyên viên tâm lý nhân viên cộng đồng, linh mục, sư ni… Thông thường trong quá trình đào tạo, những chuyên gia này trải qua thời gian thực tập sinh hoặc có kinh nghiệm thu thập được trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Những chuyên môn riêng trong tư vấn

Mỗi chuyên ngành trong xã hội đều có riêng những chương trình đào tạo chuyên biệt. Tư vấn là một ngành độc lập cũng có những đào tạo nhằm giúp các tư vấn viên trao đổi, liên lạc, và cộng tác trên bình diện phục vụ mục đích chung trong ngành. Thường thì tư vấn viên liên hệ nhiều nhất với bác sĩ tâm lý học, tâm lý gia, và nhân viên cộng đồng.



Bác sĩ tâm thần học (psychiatrist): Là người có học vị bác sĩ, họ trải qua đào tạo có thực tập trong bệnh viện tại khoa tâm thần học. Họ làm việc với những bệnh nhân có vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Họ có quyền ghi toa thuốc và thực hiện những phương pháp trị liệu trong bệnh viện. Thân chủ của họ được gọi là bệnh nhân. Ở Hoa Kỳ, họ phải có giấy phép hành nghề của quốc gia và tiểu bang.

Tâm lý gia (psychologist): Hay còn gọi nhà tâm lý, họ tốt nghiệp với học vị tiến sĩ (Ph.D). Quá trình đào tạo với chương trình thực tập có thể ở nhưng trung tâm trị liệu, trường học, hay những trung tâm trị liệu ngoại trú. Ở Hoa Kỳ, mỗi tiểu bang có những quy chê riêng đối với việc cấp giấy phép hành nghề cao tâm lý gia. Trong quá trình đào tạo, chương trình học chú trọng đến những khối môn học: khoa học cơ bản, đạo đức nghề nghiệp, nghiên cứu, phương pháp, thống kê, tâm lý thử nghiệm, sinh học trong hành vi, hành vi với tư duy – cảm xúc, hành vi từ xã hội, hành vi cá nhân, căn nguyên bệnh lý, những vấn đề liên quan.

Nhân viên cộng đồng xã hội (social worker): Thường tốt nghiệp cao học (Master's Degree), hoặc cử nhân (Bachelor). Họ thực tập chủ yếu ở những trung tâm cộng đồng xã hội. Một số làm việc tại những trung tâm của ban ngành trực thuộc nhà nước. Phần còn lại, họ công tác như những tư vấn viên.

Giáo dục bắt buộc trong tư vấn chuyên nghiệp

Để trở thành một tư vấn viên chuyên nghiệp, những sinh viên ở Hoa Kỳ phải hoàn tất chương trình cao học 2 năm với ít nhất 48 tín chỉ (semester hours). Nhân viên tư vấn sức khỏe tâm thần được yêu cầu hoàn thành 60 tín chỉ, cũng giống như các tư vấn chuyên môn khác như, tư vấn hôn nhân gia đình, tư vấn cho người nghiện…

Theo ủy ban tiêu chuẩn đào tạo cho tư vấn và giáo dục Hoa Kỳ (CACREP, 1994), giáo dục đào tạo bắt buộc cho tư vấn viên bao gồm:

1. Chương trình học cho cao học (master's degreee) tư vấn bắt buộc gồm 8 khối môn học:

(1) Tiến trình phát triển của con người.

(2) Căn bản về văn hóa và xã hội.

(3) Quan hệ trong tư vấn.

(4) Tư vấn cho nhóm.

(5) Thúc đẩy lối sống lành mạnh và tư vấn nghề nghiệp.

(6) Đánh giá chất lượng chương trình.

(7) Nghiên cứu và thẩm định chương trình.

(8) Căn bản chuyên nghiệp trong nghề Tư vấn.

2. Thực tập (practicum) trong môi trường có giám sát trực tiếp 1 giờ trên tuần và 1.5 giờ với giáo sư, tổng cộng 100 giờ.

3. Thực tập sinh (internship) yêu cầu 600 giờ dưới sự giám sát của chuyên viên, ngay sau khi hoàn tất thực tập 100 giờ (practicum), như nêu ở trên.

4. Mỗi trường đại học cung cấp đào tạo tư vấn viên cần có ít nhất 3 giáo sư thường trực tại Ban tư vấn giáo dục khoa Tư vấn.
5. Lý thuyết và hệ thống căn bản áp dụng bởi tư vấn viên

Học thuyết (theory), theo định nghĩa, là một mô hình, giải thích cặn kẽ nghiệp vụ và thao tác của một tư vấn viên trong quá trình đặt giả thiết về nguồn gốc của một vấn đề và từ đó có giải pháp cho vấn đề đó. Nói chung học thuyết trong tư vấn sẽ giúp tư vấn viên liên hệ được nan đề của thân chủ trong bối cảnh đa diện của cuộc sống.

Một tư vấn viên làm việc hiệu quả sẽ trang bị cho mình một học thuyết cơ bản, như một sườn chính (main frame) trong quá trình đào tạo. Sau đó, học thuyết sẽ trở thành kim chỉ nam và triết lý nghiệp vụ cho công tác tư vấn sau này. Học thuyết cũng sẽ giúp tư vấn viên xác định được nhu cầu của thân chủ.

Tương tự, một hệ thống khung tư duy căn bản (basic thinking system) cũng không kém phần quan trọng. Tư vấn viên cần tập trung cho mình một hệ thống căn bản bao gồm những tư tưởng, nguyên tắc, và hành vi phù hợp với nghiệp vụ tư vấn. Hệ thống tư duy căn bản này giúp tư vấn viên áp dụng hoàn cảnh cụ thể của thân chủ vào học thuyết mà tư vấn viên đã sử dụng, nhằm xây dựng những kế hoạch tư vấn mục tiêu và quá trình tư vấn cho thân chủ.

Học thuyết được thành lập bởi những chuyên viên ưu việt, người đã xây dựng tư tưởng dựa trên kinh nghiệm làm việc của họ. Các nhà sáng lập học thuyết liên tục theo dõi tính thực tế và khả thi của những tư tưởng mà họ sử dụng để xây dựng học thuyết của mình. Tuy nhiên, những nhà học thuyết đều công nhận rằng không có một học thuyết nào có thể áp dụng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng và phức tạp của thân chủ. Tất nhiên có những học thuyết được xây dựng kỹ lưỡng và đầy đủ hơn những học thuyết khác.

Tính chất đặc trưng của một học thuyết

Một học thuyết tốt bao gồm 5 đặc tính sau, theo Hansen, Stevic, và Waner (1986):

1. Rõ ràng, dễ hiểu và có thể trao đổi được với mọi người. Đấy là một tổng thể hợp nhất và không có các điểm mâu thuẫn trong cùng một học thuyết.

2. Toàn diện, đặc tính này cho phép học thuyết có thể áp dụng được vào tất cả những hiện tượng khả dĩ có thể xảy ra trong thực tế.

3. Thiết thực, có tính được khám phá, dựa trên mẫu thiết kế của học thuyết, áp dụng và thể nghiệm được.

4. Cụ thể trong liên hệ với kết quả mong đợi, vì học thuyết cho phép người sử dụng để tìm ra kết quả khá quan trong quá trình áp dụng. Tính khả thi và ứng dụng của học thuyết.

5. Hữu ích cho người sử dụng, cung cấp hướng dẫn cần thiết cho người muốn kiểm nghiệm và áp dụng.

Ngoài ra, một học thuyết tốt cần phải phù hợp với triết lý sống và nhân sinh quan của một cá nhân. Shertzer và Stone (1974) đề nghị một tư vấn viên nên thật sự thoải mái với một học thuyết như chuyện mặc quần áo vừa vặn. Giống như quần áo, nó có thể sửa đổi, cát xén sao cho thật vừa vặn. Họ khuyến cáo tư vấn viên nên sử dụng học thuyết một cách uyển chuyển, linh động.

Auvenshine và Noffsirger (1984) cũng khuyên, một tư vấn viên làm việc hiệu quả là người biết tổng hợp, chọn lọc, áp dụng nhiều học thuyết khác nhau một cách thích hợp với những trường hợp khác nhau, tuy nhiên cần tôn trọng những đường lối căn bản của những học thuyết đang được sử dụng.

Tầm quan trọng của học thuyết

Học thuyết là nền tảng quan trọng cho tư vấn có hiệu quả. Nó mời gọi tư vấn viên trong việc tận dụng một cách có quan tâm và sáng tạo ở khuôn khổ của học thuyết, giúp thăng tiến mối quan hệ trong tư vấn, phát triển hướng giải quyết và thông cảm giữa hai bên.

Học thuyết còn cung cấp phương tiện cho quan hệ hai bên được nảy nở. Nó cũng giúp để những nan đề của thân chủ được phơi bày. Nó còn giúp tư vấn viên trung thành với đạo đức nghiệp vụ và xác định được vị trí của tư vấn viên trong bức tranh toàn cảnh, trong suốt quá trình tư vấn.

Học thuyết cũng giúp giải thích những gì đang xảy ra trong quan hệ tư vấn. Vì thế, tư vấn viên có thể dự đoán, đánh giá, điều chỉnh, nhằm tăng tính hiệu quả của kết quả tư vấn. Học thuyết cho phép ứng dụng khoa học được áp dụng trong tư vấn. Nó cho phép tư vấn viên quan sát. Học thuyết cũng tạo cơ hội cho tư vấn viên áp dụng những tư tưởng mới của mình vào hệ thống tư tưởng của học thuyết, tạo nên tính năng động trong sáng tạo. Vì thế học thuyết giúp giải thích và đem lại sự hòa hợp giữa những gì tư vấn viên quan sát từ thực tế và hệ tư tưởng trong học thuyết.

Nói khác đi, học thuyết giải thích tại sao về những thao tác của khách hàng, vì thế trong quá trình giúp đỡ, tư vấn viên sẽ biết làm như thế nào khi trợ giúp thân chủ.

Price và Boy (1983) đã nêu ra tại sao một học thuyết tốt sẽ hữu ích cho một tư vấn viên:

1. Học thuyết giúp tư vấn viên liên hệ và nắm bắt được tính đa dạng của những nan đề trong cuộc sống.

2. Học thuyết yêu cầu tư vấn viên giám sát quan hệ trong tư vấn như một nhắc nhở bắt buộc.

3. Học thuyết cung cấp tư vấn viên những hướng dẫn xử lý tình huống để họ có cơ sở đánh giá quá trình phát triển khả năng chuyên nghiệp của mình.

4. Học thuyết giúp tư vấn viên nắm bắt dữ kiện, và vì thế có thể biết trước loại dữ kiện nào cần tìm, chủ động hơn trong tác nghiệp.

5. Học thuyết giúp tư vấn viên làm việc hiệu quả hơn với thân chủ trong quá trình điều chỉnh những hành vi tiêu cực

6. Học thuyết giúp tư vấn viên đánh giá lối tiếp cận cũ và mới trong quá trình tư duy. Nói khác đi, một học thuyết tốt sẽ cung cấp nền tảng cho những lối tiếp cận mới với nan đề trong quá trình tư vấn.



6. Học thuyết nguyên thủy và tổng hợp các học thuyết

Ban đầu, trong tư vấn, những học thuyết được sử đụng dưới hình thái nguyên dạng, và tư vấn viên được yêu cầu phải trung thành với một học thuyết. Tuy nhiên, càng gần về sau, ý tưởng vận dụng một cách có chọn lọc và áp dụng các học thuyết khác nhau đang trở nên càng phổ thông hơn.

Lazareus và Beuler (1993) cho biết hiện nay ở Hoa Kỳ, từ 60 - 70 phần trăm các tư vấn viên tự nhận họ thuộc phái tổng hợp học thuyết (eclectism). Họ chủ trương sử dụng nhiều học thuyết và áp dụng nhiều kỹ năng khác nhau để áp dụng sao cho phù hợp với từng nhu cầu cá biệt của mỗi thân chủ. Một điều cần lưu ý khi sử dụng những học thuyết khác nhau, tư vấn viên cần sử dụng học thuyết sao cho gần gũi và phù hợp với khả năng tiếp nhận và sự lĩnh hội của thân chủ nhất.

Một trở ngại lớn cho những tư vấn viên mới vào nghề là chuyện họ không nắm vững các thao tác của mỗi học thuyết. Để tránh tình trạng trên, tư vấn viên cần kiên nhẫn với một vài học thuyết căn bản trước, sau đó từ từ triển khai áp dụng sang những học thuyết khác.


7. Hệ thống khung tư duy trong tư vấn

Hệ thống khung tư duy (thinking system) trong tư vấn được quy định dựa trên hai cơ sở chính: (1) Tập trung vào tiêu chí của tư vấn là phát triển đời sống lành mạnh; (2) Mục tiêu của tư vấn là tập trung vào can thiệp, trị liệu đối với rối loạn tâm lý và rối loạn chức năng.

Để có hiệu quả, tư vấn viên cần đứng ở vị trí trung lập giữa hai hệ khung tư tưởng trong tư vấn vừa kể ra. Đây là việc rất cần, giống như việc họ cần trung thành với một học thuyết (đã nêu ở phần trên). Nói rõ hơn, hiệu quả tư vấn tùy thuộc vào mức độ tập trung của một tư vấn viên đối với quá trình áp dụng thao tác nghiệp vụ vào hệ thống khung tư tưởng trong tư vấn - đảm bảo thường xuyên tính trung lập của mình - nghĩa là tránh có thành kiến với lối suy nghĩ của người khác.

Thiếu hệ thống khung tư duy tư vấn: Nhiều tư vấn viên không đi theo một hệ thống khung tư duy trong tư vấn thường lạc lối và hiệu quả tư vấn, chất lượng tư vấn cũng không cao. Họ giống người cỡi ngựa chạy lang thang trên cánh đồng, không có định hướng.

Hệ thống tư duy tư vấn phát triển / đời sống lành mạnh: Tư vấn viên đi theo hệ thống tư duy này thường tin tưởng vào kinh nghiệm sống và sự phát triển của con người trong bối cảnh của những ứng xử và hành động. Với họ, những nan đề trong cuộc sống là vấn đề thuộc về mức độ phát triển của một giai đoạn trong tiến trình phát triển của con người. Và như thế, hành vi của cá nhân ở một thời điểm có thể sẽ không phù hợp ở một thời điểm khác. Nhiệm vụ của tư vấn viên là giúp thân chủ có hành vi thích hợp với giai đoạn phát triển phù hợp với tuổi tác của cá nhân.

Vì thế, khi phỏng vấn lần đầu (initial interview), tư vấn viên cần xem xét nếu thân chủ đã phát triển đến giai đoạn nào và như thế những biện pháp ứng dụng sẽ phù hợp với giai đoạn phát triển của thân chủ.

Với hệ thống tư duy nhắm đến phát triển thăng tiến đời sống lành mạnh, tư vấn viên phải ý thức được rằng con người vốn sẵn có bản năng tích cực. Nhiệm vụ của họ là khơi dậy trong thân chủ những nhân tố tích cực, khả năng sống tốt, và các mặt mạnh của họ. Như thế thân chủ sẽ có thêm niềm tin vào bản thân cũng như niềm tin vào cuộc sống. Sau đó thân chủ sẽ tự tin hơn và có thể tự giải quyết được những vấn đề của bản thân. Nan đề không còn là điều bí hiểm khó hiểu, song đó là vấn đề cần được khắc phục.

Với hệ thống tư duy con người phát triển: Thân chủ được hướng dẫn để hiểu rõ vấn đề trong hoàn cảnh hiện tại. Họ được cung cấp những kỹ năng cần thiết để xử lý những vấn đề đó. Kết quả nhắm tới là họ không chỉ giải quyết vướng mắc trong hiện tại, nhưng có cả khả năng đối phó với những vấn đề tương tự trong tương lai.

Tóm lại, hệ thống tư duy tư vấn phát triển đời sống lành mạnh mang tính ngăn chặn đề phòng, mang tính giáo dục. Tư vấn viên giúp thân chủ hiểu được những mảng liên quan của đời sống con người. Thân chủ vì thế sẽ chủ động hơn nhiều trong quá trình tư vấn, nhất là khi họ xác định được tai trò hoàn cảnh của họ nằm ở đâu trong bức tranh toàn cảnh của cuộc sống.

Hệ thống tư duy tư vấn theo mô hình y học / bệnh lý: Đối ngược với hệ thống tư tưởng phát triển/ đời sống lành mạnh, hệ thống mô hình y học/ bệnh lý yêu cầu thân chủ phải được điều trị dựa trên chẩn đoán lâm sàng. (Dựa vào bảng phân loại: Diagnostic anh Statistical manual 4th edition DSM IV. Đây là một cẩm nang chỉ rõ tiêu chuẩn chẩn đoán những rối loạn tâm thần.

Nhiều học giả vẫn có nhiều ý kiến khác nhau mặc dù DSM IV là một cẩm nang được sư dụng rất rộng rãi. Theo họ, cuốn cẩm nang trên không dựa vào một học thuyết nào, chỉ nhắm vào những chẩn đoán cá nhân, hoàn toàn bỏ qua những mảng quan hệ khác của đời sống con người, như văn hóa, xã hội, môi trường…

Một lợi thế của DSM IV là, nó cho phép tư vấn viên ghi nhận một cách cụ thể hiện trạng của thân chủ. Nhất là lối chẩn đoán 5 trục (axis) bao gồm những khu vực chức năng hoạt động và tên gọi của rối loạn tâm thần của thân chủ, điều đó cho phép các chuyên gia khác nắm bắt được tình trạng hiện thời của một thân chủ một cách có hệ thống, mỗi khi họ có nhu cầu thảo luận và trao đổi về bệnh án của thân chủ.

Tư vấn theo hệ thống tư tưởng này dễ rơi vào tình trạng gào tên bệnh cho thân chủ. Tất nhiên, một khi đã được chẩn đoán, nhất là chẩn đoán về một rối loạn tâm lý nào đó, thân chủ sẽ chịu một ảnh hưởng tâm lý khó tránh khỏi do việc mình đã bị/ được chẩn đoán và bị gán cho là có bệnh tâm thần. Đây là điều hoàn toàn nên tránh, chỉ áp dụng khi thật cần thiết mà thôi.



8. Tham gia những hoạt động liên quan đến tư vấn chuyên nghiệp

Trở thành tư vấn viên là một quá trình phát triển tiếp diễn gắn liền với đời sống và nghiệp vụ, không dừng lại sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo. Được cấp chứng chỉ, đấy mới là khởi đầu của một hành trình phấn đấu không ngừng trong nghề nghiệp. Tư vấn viên bắt buộc phải tham gia những chương trình giáo dục tiếp diễn (continuing education). Thiết nghĩ một hệ thống như thế sẽ giúp tư vấn viên có được những đơn vị giờ học (tối thiểu để giúp cho nghề này được bảo đảm cập nhật), từ những chương trình giáo dục tiếp diễn. Tư vấn viên cần được yêu cầu giám sát. Việc này sẽ giúp tư vấn viên cập nhật hóa, đồng thời bảo đảm tính chuyên môn của ngành Tư vấn cũng như tăng thêm chất lượng phục vụ cho thân chủ.



Giáo dục tiếp diễn: Một bắt buộc cho tất cả tư vấn viên hành nghề ở Hoa Kỳ. Lý do chính là vì ý tưởng và ứng dụng trong phương pháp điều trị luôn thay đổi và biến hóa. Tư vấn viên không chịu đọc, tham khảo, tham gia những chương trình hội thảo sẽ chóng bị lạc hậu về mặt kiến thức chuyên môn. Vì thế tham gia giáo dục tiếp diễn sẽ giúp tư vấn viên nhạy bén với những bổ sung trong nghề và hiệu quả hơn trong công tác; tránh tình trạng tụt hậu.

Vai trò của giám sát: Là tiến trình người có kinh nghiệm giám sát và giúp người ít kinh nghiệm hơn về những mặt liên quan đến hoạt động tư vấn. Người giám sát không chỉ cung cấp những chia sẻ mang tính giáo dục mà cả những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác và cuộc sống. Hầu hết những trường đại học có chương trình đào tạo tư vấn tâm lý cần chú trọng đến công tác giám sát. Đây là cách tốt nhất để đào tạo những thế hệ tư vấn tâm lý có chuyên môn và kỹ năng vững vàng để phục vụ. Các tư vấn viên được cấp chứng chỉ cần nỗ lực và hăng hái trong việc nhận thực tập sinh mới. Đây cần được xem như là một nghĩa vụ cao cả chứ không nên là một chọn lựa, càng không phải là một ơn huệ, giành cho những thực tập sinh đang cần có thêm kinh nghiệm.

Ủng hộ viên: Là những hoạt động tư vấn viên giành thời gian cho công cuộc tư vấn ở cấp địa phương cũng như cấp liên tỉnh, cấp quốc gia. Điều này không chỉ có tác động tích cực cho ngành Tư vấn mà còn có lợi ích cho xã hội nói chung. Ủng hộ có nhiều hình thức như: mua sách báo liên quan đến ngành, tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm của mình, đóng góp và tham gia các chương trình phúc lợi công cộng, nhằm tạo một hình ảnh tích cực của dịch vụ tư vấn với xã hội.

9. Kết luận

Tóm lại, một tư vấn viên làm việc có hiệu quả là một nhân tố then chốt trong công tác tư vấn. Ngoài những đức tính thiên phú sẵn có, họ còn phải trang bị cho mình kiến thức và được đào tạo hẳn hoi. Họ cần tiếp tục quá trình giáo dục và phát triển nghề nghiệp. Tư vấn viên cần trang bị cho mình một học thuyết và sử dụng một hệ thống tư vấn căn bản.

Điều quan trọng nhất mà một tư vấn viên cần ghi nhớ là đào tạo công tác tư vấn không kết thúc sau khi tốt nghiệp và nhận việc. Trái lại, đấy chính là khởi đầu của một quá trình lao động nghiêm túc với một nghề cao quý. Tư vấn viên có kinh nghiệm cần giúp đỡ giám sát những thực tập viên, vì đây không phải là một việc làm dựa trên cơ sở thích thì làm.

Tư vấn là một ngành giúp đỡ thật sự. Người yêu nghề nhất định không thể ngồi im để thấy ngành phục vụ của mình không phát triển. Giám sát thực tập sinh là nghĩa vụ của tư vấn viên.



Chương 3
ĐẠO ĐỨC VÀ TÍNH PHÁP LÝ TRONG TƯ VẤN


1. Dẫn nhập

Đạo đức trong nghề nghiệp là làm đúng, làm có trách nhiệm, làm hết mình vì công việc. Đạo đức trong nghề nghiệp là không tạo ra những dịch vụ và sản phẩm có hại cho người tiêu dùng. Trong nghề tư vấn, tính đạo đức cũng thế, nó đòi hỏi người tư vấn viên phải luôn chú ý đến nghiệp vụ của mình, sử dụng mọi kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để bảo đảm tính đạo đức trong nghiệp vụ tư vấn.

Theo TS.Trần Thị Giồng (2006): lĩnh vực công việc nào cũng đều có những đòi hỏi của đạo đức nghề nghiệp, làm việc với “con người”, một sinh linh quý giá nhất, chúng ta lại càng phải trân trọng tối đa. Để giúp cho những ai đang phải mang trách nhiệm giúp đỡ những con người đang có vấn đề, nghĩa là họ đang ở trong giai đoạn mong manh yếu mềm, thì chúng ta lại cần sự hướng dẫn hơn cả. "Đạo đức trong Tư Vấn là Trị Liệu" chính là những điều giúp chúng ta thực hiện công tác phục vụ “con người’”" một cách hữu hiệu?

Từ tinh thần đó, tư vấn viên cần suy nghĩ và lĩnh hội được cái chất nhân văn trong nghề, để từ đó mỗi khi tư vấn cho thân chủ, họ cần nghiêm túc cân nhắc xem những trợ giúp của mình có thật sự đem lại lợi ích cho họ không? Đây không chỉ đơn thuần là nghiệp vụ mà đó là trách nhiệm của chúng ta, những người đã tình nguyện đến với nghề Tư vấn.




tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương