TƯ VẤn tâm lý CĂn bản lời giới thiệU



tải về 1.32 Mb.
trang14/18
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích1.32 Mb.
#37038
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

Với sinh viên: Nhiều người sau khi vào đại học, với nhiều lý do khác nhau, đã biết mình không còn hứng thú với môn học, ngành học do có nhiều phát sinh mới ngoài dự đoán. Trong những trường hợp này, các sinh viên rất lúng túng, lấn cấn với những băn khoăn giữa đi tiếp hay chuyển hướng. Dù sao họ cũng đã đầu tư công sức và tiền bạc. Bỏ thì vương, thương thì tội. Tư vấn viên cần giúp sinh viên hiểu:

- Trực giác chọn nghề lần đầu tiên thường là tốt, nếu họ đã suy nghĩ chín chắn trong chọn nghề lần trước.

- Nhiều người có khuynh hướng dễ dao động và các em cần xem xét lại có phải đó là động lực đổi nghề.

- Nghề nào cũng có thế mạnh, điểm yếu, thuận lợi và khó khăn, dù bề ngoài trông có vẻ không như thế, có vẻ như nghề này hát mặt hơn nghề khác.

- Nên dứt khoát, nếu ở lại ngành học cũ, quên hẳn những mời gọi khác. Nếu chuyển ngành học, nhất định không nuối tiếc ngành học cũ nữa.

- Giúp các sinh viên liên hệ xem chương trình học cũ có áp dụng được với ngành học mới, có thể đốt ngắn thời gian đào tạo ở ngành mới, tránh lãng phí công sức, tiền bạc.

- Giúp các bạn có kỹ năng xử lý giải quyết, tránh những vấp phạm tương tự trong tương lai.

- Giới thiệu những kỹ năng học tập, nhiều bạn muốn chuyển ngành học vì chương trình học quá nặng, khó khăn. Trong trường hợp này tư vấn viên nên cho các bạn sinh viên biết là thành quả của việc phấn đấu không chỉ có ý nghĩa với bản thân mà còn giúp họ trưởng thành, chín chắn hơn



Với người trưởng thành: Nhiều cá nhân do nhiều lý do, làm đủ các việc, cuối cùng lại muốn thay đổi. Tất nhiên nhu cầu của họ phải được coi là chính đáng, cần thiết. Tư vấn viên phải ghi nhận cố gắng của họ, tránh xem thường, hạ thấp, cho rằng họ có vấn đề trục trặc về chuyện có quyết định với bản thân. Thông thường, đối tượng tìm đến tư vấn việc làm ở độ tuổi đã lớn thường gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, họ cần được trung tâm tư vấn trợ giúp trong mọi khả năng có thể, như cần có sự phối hợp với bên xã hội, thương binh lao động, các chương trình hỗ trợ…

Tư vấn viên cần hiểu những cố gắng săn việc của thân chủ là một cố gắng trong việc tìm ra những giải pháp giúp ổn định cho cuộc sống của họ. Tư vấn viên có nhiệm vụ giúp cá nhân điểm lại kinh nghiệm lao động trong quá khứ, giúp họ hệ thống hóa lại những kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có. Việc này giúp họ soạn ra một bản lịch sử kinh nghiệm lao động (resumé), vốn không chỉ giúp họ nhìn nhận ra giá trị đóng góp cho xã hội mà còn giúp họ tự tin hơn trong công tác đi tìm một công việc mới, thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.

Tư vấn viên cần có một danh sách những ngành nghề tạo ra cơ hội để thân chủ có thể lựa chọn và tự làm chủ doanh nghiệp.

Những thủ tục cần thiết để huy động vốn, những nguồn tài trợ, giúp đỡ của Chính phủ cũng như từ nhiều nguồn khác nhau. Tất nhiên tư vấn viên cần tham khảo với những chuyên viên có kinh nghiệm nghiệp vụ về nhiều lĩnh vực khác như tài chính, luật pháp, xã hội… Đây là cơ hội tốt nhất để tư vấn viên có tham vấn với các ngành khác.

Cần nhớ, ngoài những kiến thức về phát triển tâm- sinh- lý của con người, những kỹ năng cần thiết, một tư vấn viên nghề nghiệp có trách nhiệm, làm việc có hiệu quả rất cần đến những kiến thức liên ngành, nhằm đem đến cho thân chủ những thông tin cần thiết trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Nên biết, khi thân chủ đến với tư vấn viên, dịch vụ tư vấn gần như là cánh cửa sau cùng.

Với những nhóm đối tượng khác: Như phụ nữ, dân tộc thiểu số, người tàn tật nhưng vẫn có khả năng lao động, và những người có hạn chế về giới tính, ngoại hình… tư vấn viên cần tế nhị, tránh tỏ vẻ thương hại, lo lắng. Tư vấn viên không đến với họ bằng lòng trắc ẩn. Chúng ta cần cung cấp những dữ kiện có liên quan đến hoàn cảnh cụ thể.

Quá nhạy cảm (oversensitive) và có những biểu hiện quan ngại là không đúng. Những nhóm đối tượng này vẫn được coi như bình thường. Tất nhiên việc đồng cảm với những khó khăn họ gặp phải là có thể hiểu được. Luôn nhắm tới để khôi phục tinh thần lạc quan, tuy không quá xa rời thực tế. Bày tỏ ủng hộ với những trăn trở của họ qua việc vạch ra rằng toàn bộ xã hội đều thế, ai cũng có những nan đề cần giải quyết. Nhiệm vụ của họ là có niềm tin vào cuộc sống. Ít nhất với thái độ này, họ sẽ có thêm tự tin lạc quan. Tự tin và lạc quan luôn là vốn quý xã hội rất cần đến.



6. Kết luận

Nghề nghiệp là một phần của đời sống con người. Ý thức và phát triển nghề nghiệp có từ rất sớm. Không chỉ dừng lại ở một độ tuổi nào đó, nhu cầu hướng nghiệp, tìm việc làm mới là một nhu cầu rất thực, của toàn xã hội, không phân biệt tuổi tác.

Nhà trường và đội ngũ tư vấn viên cần ý thức được rằng đây là một bức xúc chung của xã hội, song không phải là nan đề có thể áp dụng chung với mọi người. Vấn đề nghề nghiệp đối với từng cá nhân có những khác biệt rất lớn, phần nhiều tùy thuộc vào cá tính, hoàn cảnh, điều kiện, và môi trường sống của thân chủ.

Xã hội đang thay đổi, cơ cấu nghề nghiệp và lao động trong xã hội cũng khác. Nhu cầu sống và giải trí của con người đang có những thay đổi về mặt cơ bản, đây cũng là một thách thức cho đội ngũ tư vấn viên khi họ làm việc với những thân chủ thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội (đa văn hóa). Hy vọng rằng với sự quan tâm và hỗ trợ đến từ nhiều ban ngành khác, đội ngũ tư vấn viên sẽ làm tốt hơn, góp phần ổn định xã hội qua việc giảm thiểu những căng thẳng, nhất là về lĩnh vực hướng đạo nghề nghiệp cho xã hội.



Chương 15
TƯ VẤN HỌC ĐƯỜNG:
BẬC TIỂU HỌC - TRUNG HỌC CƠ SỞ - TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


1. Dẫn nhập

Nhu cầu tư vấn học đường ở cả ba cấp là thiết thực, nếu không muốn nói là không thể thiếu được.

Theo kinh nghiệm các nước phát triển, trẻ em khác nhau ở hai khía cạnh: môi trường sống và khả năng của bản thân mỗi em.

Môi trường sống có thể là nơi cung cấp những hướng dẫn tốt đẹp tích cực ban đầu, song không phải em nào cũng may mắn được thế. Môi trường các em sống sẽ có ảnh hưởng, rồi những ảnh hưởng ấy sẽ theo các em vào lớp học, tác động không nhỏ đến quá trình học tập, tư cách đạo đức, và những hành vi biểu hiện trong sân trường.

Khả năng bản thân của mỗi em cũng là một nhân tố quyết định đến quá trình tiếp thu và hòa nhập vào môi trường học đường. Tuy cùng một độ tuổi phần nhiều các em phát triển bình thường, song cũng có một số em kém may mắn hơn, điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng ảnh hưởng của nó rất rõ: các em có hoàn cành không bình thường sẽ không đáp ứng được nhu cầu chung như các em khác.

Từ hai mảng môi trường sống và khả năng bản thân, có ảnh hưởng đến quá trình học của các em. Thiết nghĩ tư vấn học đường là thiết thực, nếu như chúng ta thật sự tin rằng: mọi học sinh đều được hướng dẫn, nâng đỡ để các em trở thành công dân có ích cho tương lai đất nước.


2. Tư vấn học đường và hướng dẫn học tiểu học

Tư vấn viên học đường bậc tiểu học là những người chiến sĩ bảo vệ đầu tiên, rất quan trọng đối với các em học sinh. Họ là những người nhận ra những biểu hiện phát triển (development) về tâm- sinh- lý của các em. Tất nhiên ở Việt Nam, không phải trường học nào cũng được trang bị một đội ngũ tư vấn học đường.

Những điều lỗi, sai phạm, học kém… bình thường được giao cho giáo viên lớp xử lý (nếu nhẹ). Nặng hơn thì Ban giám hiệu xử lý. Tất nhiên những nhân sự này đã cố gắng hết mình trong khả năng có thể của họ, song vấn đề chỉ được giải quyết ở phần cắt- cái- ngọn chứ không được xử lý đào- tận- gốc. Vì thế tư vấn học đường ở Việt Nam cần được quan tâm như một nỗ lực đồng bộ, áp dụng đồng nhất trên toàn lãnh thổ đất nước.

Cố gắng xóa dần khoảng cách giữa thành phố và nông hôn luôn gặp những khó khăn cố hữu. Điều này không phải là ngoại lệ với những nước đang phát triển. Ngay cả với những nước đã phát triển, đây vẫn là một bài toán đang rất cần có đáp án thỏa đáng. Chúng ta hy vọng, và làm tất cả trong khả năng, tận dụng mọi điều kiện sẵn có, cố gắng trong mọi trường hợp. Chúng ta cần trang bị với một suy nghĩ: xã hội sẽ khác đi nếu xã hội ấy có thêm một thành viên tốt, và xã hội cũng sẽ khác đi nếu chúng ta có thêm một thành viên không tốt. Suy nghĩ đó sẽ giúp chúng ta cố gắng hơn trong mọi khả năng có thể.

Gysbers và Henderson (1994) đã đề xuất tư vấn viên học đường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công cuộc góp phần xây dựng chất lượng học tập của học sinh tiểu học bằng cách:

- Thúc đẩy áp dụng hướng dẫn trong môi trường lớp học.

- Cung cấp tư vấn nhóm cho các em, nhất là cho các em có nhu cầu, hoàn cảnh bất thường.

- Giúp các em nhận ra khả năng và năng khiếu của bản thân.

- Làm việc với các em có những nhu cầu đặc biệt (trẻ chưa ngoan - tránh từ trẻ hư).

- Làm trung gian giữa nhà trường với các đơn vị tài trợ và cơ quan địa phương, trong vai trò tham vấn viên.

- Đề xướng những chuyến tham quan nghề nghiệp (tại các xí nghiệp, cơ quan).

- Tham vấn với thầy cô và các chuyên môn khác (bác sĩ gia đình, cảnh sát khu vực).

- Liên lạc với gia đình và phụ huynh, trong vai trò tham vấn.

- Là một thành viên trong hội đồng kỷ luật của trường, đại diện như một tiếng nói đứng về phía học sinh, đại diện cho quyền lợi của các em.

Qua kinh nghiệm được chia sẻ của hai tác giả trên, ta có thể nhận ra ngay rằng tư vấn viên học đường phải là một nhân viên làm việc thường trực, độc lập, và nhất định là nên qua một khóa đào tạo có căn bản, có hệ thống, để mô hình hoạt động trong các trường tiểu học mang tính đồng bộ và thống nhất.

Nên biết, những tư vấn viên tham gia đội ngũ tư vấn học đường được mời gọi làm việc như những đại diện cho học sinh. Họ không làm việc chỉ đơn giản vì đồng lương mà vì trách nhiệm và tình thương mến họ giành cho các em. Cho nên, trong mọi trường hợp họ cần trình bày trước những bộ phận chức năng khác về hiện trạng của một học sinh cá biệt trong bối cảnh bức tranh nhiều mặt để mọi biện pháp áp dụng sẽ đem lại hiệu quả cao nhất cho em học sinh đó.

Nhiệm vụ của tư vấn viên học đường bậc tiểu học là có những hoạt động mang tính ngăn chặn và sửa chữa. Một nhận định thú vị, nhưng rất thực tế là 1 đồng bỏ ra để đầu tư vào biện pháp phòng ngừa sẽ tiết kiệm được 3 đồng trong tương lai khi nan đề thực sự xảy ra.

Hoạt động phòng ngừa (prevention) là hoạt động mà tư vấn viên cần quan tâm. Họ làm việc với các bộ phận khác, khoanh vùng những em có biểu hiện cần sự giúp đỡ, từ đó họ có những can thiệp thỏa đáng, kịp thời, trước khi vấn đề trở nên vượt quá khuôn khổ cho phép, trở thành phức tạp hơn. Với tư thế chủ động và sớm phát hiện, vụ việc thường dễ xử lý hơn, nhanh chóng hơn, đỡ tốn kém và bớt lãng phí hơn.

Hoạt động sửa chữa (remediation) là dạng hoạt động sau khi vấn đề đã được khoanh vùng và cần đến một giải pháp thích hợp. Như trường hợp học sinh đánh nhau quá nhiều lần áp dụng biện pháp sửa chữa là hoạt động có tính hệ thống, sử dụng những chuyên môn nghiệp vụ, liên kết với những bộ phận khác, tạo ra một mặt trận nhiều mũi, tạo thế mạnh tổng hợp giúp đỡ một học sinh. Trong trường hợp này, tư vấn viên sẽ song song tiến hành công tác tư vấn với học sinh và áp dụng những hỗ trợ từ giáo viên phụ trách và phụ huynh của các em.

Tư vấn viên có thể sử dụng trò chơi liệu pháp (play therapy) qua đó học sinh sẽ bộc lộ cảm xúc và hành vi của mình với những món đồ chơi hay trò chơi, từ đó tư vấn viên sẽ tìm ra mấu chốt của những căn nguyên gây ra bức xúc, và hướng giải quyết sẽ được xây dựng.

Một liệu pháp khác là đọc sách liệu pháp (bibliotherapy) trong đó sách viết về những câu chuyện có những nội dung gần gũi với hành vi của trẻ, sau đó tư vấn viên sẽ cùng trẻ đọc những sách này, mục tiêu chính là để cung cấp cho trẻ những kiến thức giác ngộ tích cực. Giúp trẻ hướng đấu những hành vi tích cực lành mạnh hơn.

3. Tư vấn học đường và hướng dẫn cho bậc trung học cơ sở

Ở độ tuổi này, trẻ em thường có những bức xúc và nhu cầu rất đặc trưng. Phần lớn ngoài chương trình học, các em còn phải đối phó với những áp lực đến từ gia đình, cộng đồng, cả thay đổi của cơ thể, và áp lực từ phía bạn bè trang lứa. Phương tiện truyền thông đại chúng cũng là một nhân tố không thể xem nhẹ. Ảnh hưởng của truyền thông rất lớn, nó ảnh hưởng không chỉ đến người lớn mà cả với các em nữa.

Với độ tuổi từ 10 đến 14, các em bắt đầu có những nhận thức cơ bản về vị trí của các em trong bức tranh cuộc sống, tuy chưa hẳn là đầy đủ. Tất nhiên điều này đôi lúc gây cho các em những khó khăn trong việc định vị lại giá trị bản thân.

Thornburg (1986) đã đề xuất những đóng góp, giúp chúng ta hiểu được những thay đổi về 3 mặt: thể lý, trí tuệ, và giao tiếp xã hội mà trẻ thời gian này đã phát triển, là:

- Các em đã ý thức được về những phát triển thể lý trên cơ thể.

- Khả năng tổ chức và áp dụng nhận thức trong khâu xử lý các khó khăn hàng ngày.

- Khả năng chuyển đổi, liên hệ, xử lý những khái niệm cụ thể (concrete) và những khái niệm trừu tượng (abstract) và ngược lại.

- Các em đã học được những xử thế xã giao và nhận thức về vai trò giới tính của mình. Tuy một số ít vẫn gặp trở ngại (vẫn chưa biết mình thật sự là trai hay gái).

- Đã tự nhận ra mình thuộc vào một nhóm bạn đặc trưng nhất định.

- Phát triển và xây dựng tình bạn.

- Bắt đầu phát triển tinh thần trách nhiệm.

Elkind (1986) còn nhắc đến khả năng của trẻ trong việc có khả năng xử lý ba loại căng thẳng (stress):

- Căng thẳng loại A (type A): có thể nhìn thấy và đoán trước được (không học thuộc bài - thi kiểm tra không làm được).

- Căng thẳng loại B (type B): không thể thấy và không dự đoán được (tai nạn từ nhà đến trường học).

- Căng thẳng loại C (type C): thấy được nhưng tránh không được (không hiểu bài nhưng vẫn phải làm bài kiểm tra).

Matthew và Burnett (1989) cho rằng trẻ ở cấp trung học cơ sở chịu nhiều áp lực hơn trẻ bậc tiểu học và trẻ ở bậc phổ thông trung học. Vì đây là giai đoạn phát triển nhanh về nhiều mặt, trẻ rất dễ bị tổn thương nếu như bất cứ sai lạc nào ảnh hưởng đến trẻ. Để làm tốt công tác tư vấn viên học đường trong giai đoạn này, với kinh nghiệm của Schmidt (1999), tư vấn viên cần:

- Làm việc với trẻ qua cách cá nhân hay theo nhóm, tuỳ theo tính chất/ nội dung của vấn đề.

- Làm việc với giáo viên và ban giám hiệu trong vai trò tham vấn viên.

- Làm việc với các bộ phận khác trong khuôn khổ liên hệ cần thiết trong vai trò tham vấn viên.

- Liên lạc với gia đình, phụ huynh, nêu rõ những vấn đề cần giải quyết.

Tương tự như ở bậc tiểu học, hoạt động của tư vấn viên học đường bao gồm phòng ngừa và sửa chữa. Ở mảng phòng ngừa, trong thời khóa biểu, nên thu xếp một tiết học cho tư vấn viên đề cập đến nhưng mối quan tâm, giới thiệu dịch vụ tư vấn để các em biết rõ khi cần đến giúp đỡ, các em sẽ luôn được hoan nghênh. Điểm quan trọng ở đây là các em cần được nhắc nhở rằng mọi vấn đề, dù ở mức độ nặng nhẹ, đều có thể giải quyết được. Các em cần được động viên để hiểu nhiệm vụ của các em là học tốt, mọi vấn đề khác sẽ tự chúng vận hành theo lẽ tự nhiên. Tư vấn viên học đường phải hòa nhã, thân thiện, tạo ấn tượng tốt với các em.

Ở mảng sửa chữa, mặc dù tốt nhất là kết hợp với mảng phòng ngừa, tuy nhiên trong giai đoạn này, các em cần được đối xử như một cá nhân với mức độ tôn trọng thích hợp. Tuổi dậy thì vốn có những xung động khó kiểm soát và khó tiên đoán, nên thái độ mềm mỏng là rất cần thiết. Nên nhớ, trong giai đoạn này, các em rất dễ có những phản ứng bốc nóng nhanh. Tư vấn viên cần luôn tạo cho các em có một van xả nhất định. Tránh không để các em có cảm giác mình bị dồn vào ngõ cụt.



4. Tư vấn học đường và hướng dẫn cho bậc trung học phổ thông

Vào cấp ba, trẻ ở giai đoạn phát triển mạnh nhất ở lứa tuổi dậy thì. Đây là giai đoạn đặc biệt của đời người. Lúc này sức ép căng thẳng trong quan hệ với gia đình trở nên rất bức xúc. Đối thoại giữa trẻ với gia đình, nhất là với phụ huynh trong nhiều gia đình trở nên tắc nghẽn. Trẻ bị áp lực vì bị ảnh hưởng bởi bè bạn xung quanh. Trẻ còn chịu nhiều áp lực phát triển của cơ thể.

Nhất là với học sinh lớp cuối cấp, nhiều cảm xúc và lo lắng vì những bận rộn luyện thi, có tình cảm với bạn khác phái, sắp sửa bước vào đời, lưỡng lự đắn đo trước những quyết định chọn trường, chọn ngành học… Nhu cầu tư vấn không chỉ còn giới hạn trong sách vở học đường mà cả những như cầu khác như tư vấn giới tính, sức khỏe, tình yêu…

Gladding (2000) đề nghị, vai trò của tư vấn học đường giai đoạn này tập trung vào những chuyên mục:

- Cung cấp dịch vụ tư vấn cá nhân và tư vấn nhóm. (Tùy theo mức độ và thể thức hành vi).

- Cung cấp những hướng dẫn giáo dục cho phụ huynh rất cần thiết.

- Cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc tham vấn với thầy cô và ban giám hiệu.

- Trung gian với những ban ngành ngoài hệ thống trường học, phục vụ những nhu cầu đặc biệt của trẻ; vai trò tham vấn.

- Khuyến cáo và hướng dẫn trong lĩnh vực giáo dục khi cần thiết.

- Tư vấn nghề nghiệp.

Hoạt động chính vẫn là ngăn ngừa và can thiệp. Riêng ở giai đoạn này, nhiều em dễ rơi vào trầm uất và chán nản (depression), nhất là khi các em mất phương hướng hoặc không có những biểu hiện tốt và khả năng vào đời không thuận lợi.

Nhiều trường hợp đặc biệt như kiến thức về sinh hoạt tình dục, AIDS và HIV, nghiện hút… là những vấn đề nóng cần được đề cập trong những tiết học giành riêng cho tư vấn viên học đường được đứng lớp. Vấn đề dinh dưỡng cũng cần được quan tâm đối với những em lười ăn hoặc ăn quá nhiều, vì cả hai thái cực đều không có lợi cho các em.

Giai đoạn này là giai đoạn mà nhiều trẻ trải nghiệm qua hội chứng nổi loạn (rebellion syndrome). Tình cảm trở nên phức tạp, tuy bên ngoài có vẻ trong sáng, nhưng thật sự những đợt sóng ngầm luôn diễn ra bên trong ở lứa tuổi này. Các em luôn sống trong trạng thái xúc cảm lẫn lộn. Nhìn đời qua lăng kính màu hồng nên những lời khuyên thực dụng thường gây cho các em cảm giác khó chấp nhận. Tư vấn viên cần trấn an các em rằng, những xung động trong quan hệ (gia đình) sẽ là những kinh nghiệm khó quên của một thời sôi động của tuổi mới lớn - và tình thương của gia đình là bất biến.

Tư vấn viên cần tìm hiểu từng trường hợp cụ thể xem những biểu hiện không lành mạnh xuất phát từ nguyên nhân chủ quan (nơi trẻ) hay từ khách quan (gia đình, nhà trường, bạn bè). Nếu như nguyên nhân từ mất căn bản trong học hành hay từ những cú xốc đến từ chuyện tình cảm, quan hệ gia đình; trong mọi trường hợp, trẻ cần được đối xứ như người trưởng thành, tự ái của các em tương đối cao, và khả năng đón nhận lời khuyên, dù trong tinh thần xây dựng và quan tâm, vẫn có thể bị các em hiểu lầm.

Ở Việt Nam, theo những con số của tác giả Lê Thị Ngọc Dung (2006) cung cấp: năm 2000 ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 2 điểm, nhưng đến tháng 1 năm 2005 con số đã tăng lên 31 điểm cho cả ba cấp, đây là một dấu hiện khởi sắc đáng khích lệ.

Tác giả này cũng đã vạch ra một hiện thực bức xúc và cho biết: "Đội ngũ tư vấn tâm lý chưa đồng đều về nghiệp vụ chuyên môn, một số người chưa từng qua một khóa đào tạo nào về tâm lý mà tác nghiệp chỉ dựa chủ yếu vào kinh nghiệm. [Họ] Chưa nhận thức được sâu sắc vai trò, tầm quan trọng, trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm nghề tư vấn tâm lý".



5. Kết luận

Hệ thống tư vấn học đường còn rất mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiều trường đã có những tư vấn viên học đường như một số trường ở thành phố Hồ Chí Minh (Nguyễn Phúc Ân, 2006) và rải rác ở những nơi khác.

Chứng minh từ những nước phát triển cho thấy, vai trò của tư vấn học đường là không thể thiếu được. Một lẽ đơn giản là chất lượng giáo dục đến từ hai phía: thầy cô và học sinh. Nếu chúng ta chú trọng đến đào tạo thầy cô và có giáo trình, tài liệu tốt nhưng khả năng hấp thụ và đón nhận của học sinh không hiệu quả, nhất định chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng.

Đội ngũ tư vấn học đường, có thể nói là nhịp cầu quan trọng (important liaison) giữa thầy cô và học sinh. Họ có chức năng trình bày tâm tư, chia sẻ, đại diện cho tiếng nói của học sinh, vì thế giáo viên sẽ dễ đi vào não trạng của học sinh tốt hơn.

Tư vấn học đường tự nó sẽ là một sự phát triển với nỗ lực lớn, đáp ứng được những bức xúc của điều kiện giáo dục hiện tại. Chúng ta có quyền hy vọng rằng tư vấn học đường, một ngày không xa, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong trường học như một phát triển tất yếu - đứng về phía quyền lực chính đáng của các em.

Chương 16
TƯ VẤN ĐẠI HỌC VÀ PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG SINH VIÊN NHỮNG GỢI Ý SUY NGHĨ


1. Dẫn nhập

Sinh viên các trường đại học và cao đẳng là rường cột của đất nước, họ là đội ngũ công dân có chất xám, được đào tạo nhằm góp phần xây dựng đất nước. Với cá nhân họ, đây là một khoảng thời gian phải có nhiều nỗ lực và cố gắng. Ngoài những lo lắng chuyện bài vở và chương trình học, họ còn có bao ưu tư về những mảng khác rất đời thường, môn luôn luôn là những trăn trở khó khăn của đời sống sinh viên.

Nhất là đối với những sinh viên phải sống xa nhà, xa quê, lặn lộn đến từ những làng quê, không dễ dàng thích nghi ngay với đời sống thành phố lạ lẫm. Rất nhiều sinh viên này phải làm thêm, kiếm tiền để trang trải học phí cho đời sống và tiêu pha. Vì thế họ càng đối diện nhiều hơn với những khó khăn trước mắt.

Nhiều sinh viên học sinh cao đẳng còn gặp những chuyện bức xúc sau khi tốt nghiệp, khó kiếm việc, làm việc sai ngành, ngược tuyến. Họ gặp những trở ngại trong việc tiếp tục sinh hoạt sau tốt nghiệp, lúng túng trong việc có kế hoạch đối phó.

Từ những bức xúc nêu trên, tư vấn cho sinh viên ở trường đại học và cao đẳng là một việc làm thiết yếu bức xúc. Nhiều sinh viên có học lực song nếu khâu tổ chức yếu, hoặc chỉ đơn giản là thiếu nâng đỡ, các bạn sẽ dễ rơi vào những sai phạm đôi khi có ảnh hưởng lớn đến tiệc tiếp tục học. Hoàn cảnh và lý do khiến họ gặp những khó khăn trong cuộc cũng rất đa dạng, nhưng nỗi bức xúc là rất chung: họ muốn tốt nghiệp, muốn đi làm và có những niềm vui đáng có của một thời là sinh viên.

Là tư vấn viên, chúng ta không thể không suy nghĩ đến tư vấn phục vụ đời sống sinh viên.


2. Cần có tư vấn đại học và phục vụ đời sống cho sinh viên, học sinh

Với sự bùng bổ của các trường đại học và cao đẳng, nhu cầu nâng cao kiến thức đào tạo chuyên môn, lượng sinh viên, học sinh đã tăng đáng kế từ những năm gần đây. Hệ thống đại học dân lập, bán công đã góp phần tạo ra những cơ hội được vào đại học của học sinh phổ thông. Đây là một phát triển tất yếu, song kéo theo nó là những nan giải khiến nhiều giới hữu trách, người có quan tâm phải nghĩ đến nhu cầu chăm lo cho đời sống của sinh viên, học sinh.

Theo TS. Hồ Văn Liên (2006) Trưởng khoa Tâm lí - Giáo dục Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tư vấn của học sinh, sinh viên nói riêng đã đặt ra những vấn đề bức thiết. Phần lớn những chuyên ngành ứng dụng tâm lý học vào tư vấn tâm lý của trường đều đề cập đến những mặt khác của xã hội như tâm lý sư phạm, tâm lý xã hội, tâm lý phát triển, tâm lý pháp luật, tâm lý giáo dục, tâm lý lâm sàng… song tư vấn cho học sinh, sinh viên chưa thấy đề cập đến.

Có lẽ đây là điều dễ hiểu, tâm lý học không mới với đất nước ta, nhưng ứng dụng của tâm lý học (nhất là trong ngành Tư vấn tâm lý) xem ra chưa nhanh đủ. Vì thế, ngành Tâm lý, nhất là ứng dụng của nó là ngành Tư vấn cần phải quan tâm đến những mảng đề tài nóng trước. Sau đó từ từ sẽ mở rộng ra những phạm trù khác của đời sống xã hội.

Với hy vọng rằng tư vấn đại học một ngày nào đó ra đời sẽ sẵn sàng cung cấp những dịch vụ tư vấn bổ ích cho giới sinh viên, học sinh; thiết nghĩ rằng tham khảo và bàn luận về vấn đề này sẽ là một bước đi phù hợp với xu thế phát triển.

Giống như tư vấn học đường, tư vấn đại học cũng có hai tập trung là ngăn ngừa và can thiệp. Tuy nhiên tính hướng dẫn cao hơn vì tinh thần tự giác của sinh viên đã trưởng thành hơn thời phổ thông rất nhiều.

Tuy không hẳn là giống tham vấn (consultation) [vốn có cấu trúc quan hệ bình đẳng giữa hai bên; rất khác với tư vấn (counseling) khi chuyên môn của tư vấn viên là yếu tố quyết định trong quan hệ tư vấn], tư vấn đại học gần như là đứng giữa tham vấn và tư vấn.

Theo Cowger (1982) tư vấn đại học tập trung vào những mặt sau:

- Tư vấn mang tính chất chương trình học (academic) và tính chất giáo dục, hướng dẫn (education).

- Tư vấn hướng nghiệp (vocational counseling).

- Tư vấn nghề nghiệp (cateer counseling).

- Tư vấn cá nhân (personal counseling).

- Dịch vụ trắc nghiệm (testing).

- Giám sát và huấn luyện (supervision & training).

- Nghiên cứu (research).

- Dạy học (teaching).

- Phát triển chuyên môn (professional development).

- Dịch vụ phục vụ (administration).

Trong đó 4 chuyên đề tư vấn giáo dục, tư vấn cá nhân, và tư vấn hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp chiếm 50% các hoạt động liệt kê ở phần trên.

Theo kinh nghiệm tư vấn đại học của Hoa Kỳ, thách thức lớn nhất với tư vấn đại học là sự thay đổi từ cơ cấu và đặc tính văn hóa thay đổi từ phía sinh viên. Vấn đề thái độ và quan điểm văn hóa xã hội của mỗi thế hệ rất khác nhau.

Ở Việt Nam, điều này có lẽ cũng là một phát triển tương tự. Não trạng sinh viên Việt Nam hôm nay rất khác với thế hệ sinh viên cha anh. Điều này như những tín hiệu gửi đến chúng ta một lời nhắn: khi tư vấn cho sinh viên, học sinh, tư vấn viên phải giữ cho mình luôn luôn kịp thời với những thay đổi trong não trạng đời sống sinh viên.

Anton và Reed (1991) đề ra một bản trắc nghiệm, bao gồm 9 điểm rất thực tế với hầu hết các quốc gia, giúp đánh giá căng thẳng tâm lý rất chung, như:

- Lo lắng (anxiety).

- Trầm uất (depression).

- Ý định tự tử (suicidal ideation).

- Nghiện ngập (substance abuse).

- Vấn đề tự tin (self-esteem problem).

- Vấn đề quan hệ cá nhân (interpersonal problem).

- Vấn đề gia đình (family problem).

- Vấn đề chương trình học (academic problem).

- Vấn đề nghề nghiệp (career problem).

Ragle và Krone (1985) nêu ra lợi ích của việc sinh viên nên tìm đến tư vấn nghiệp dư từ nơi bạn bè (peer counselors). Theo hai tác giả này đến với tư vấn nghề nghiệp dư sinh viên sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích khi họ đều cùng là sinh viên, trải qua những kinh nghiệm khó khăn tương tự, vả lại họ lại là người dễ đồng cảm trong tinh thần cùng hội cùng thuyền.

Tư vấn viên đại học cần liên hệ với các hiệp hội sinh viên, tổ chức đoàn, các nhóm sinh viên như là những nguồn cộng tác hữu hiệu. Một điều đáng quý ở môi trường đại học, cao đẳng là các sinh viên học sinh luôn tỏ ra quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau.

Các chuyên ngành khác, các đoàn thể, cơ quan đơn vị trong xã hội cũng có thể là những địa chỉ quen thuộc của tư vấn viên đại học. họ cần tạo ra một hệ thống mạng lưới trong việc tăng cường những thông tin, có sẵn trong tay, hoặc giới thiệu sinh viên, học sinh đến thẳng những địa chỉ ấy. Ví dụ những trung tâm cai nghiện nhất định sẽ có những tư liệu về lạm dụng rượu và các loại thuốc gây nghiện, nếu sinh viên có vấn đề về chất gây nghiện, họ nhất định sẽ tìm được nhiều lời khuyên bổ ích ở những nơi như thế.

Vai trò tham vấn của tư vấn viên với sinh viên là rất lớn. Hãy giúp họ. Đó là trách nhiệm của tất cả những tư vấn viên chúng ta.



tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương