TƯ VẤn tâm lý CĂn bản lời giới thiệU


Những vấn đề trong các nhóm



tải về 1.32 Mb.
trang13/18
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích1.32 Mb.
#37038
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

5. Những vấn đề trong các nhóm

Để vận hành một nhóm sao cho có hiệu quả, những vấn đề căn bản về nhóm cần được tuân thủ chặt chẽ, vì những vấn đề này sẽ có một quyết định quan trọng trong suốt quá trình hoạt động của nhóm qua từng khâu, từng bước, từng giai đoạn. Trước khi thành lập nhóm, tư vấn viên phải trả lời được những câu hỏi:

Tại sao phải có nhóm này?

Nội dung hoạt động và chiến lược cho nhóm?

Mục tiêu chính của nhóm?

Ai là người thích hợp cho nhóm?



Chuẩn bị thành lập nhóm: Là giai đoạn các ứng viên của nhóm được chọn lọc dựa trên những tiêu chuẩn cần thiết. Đây là khâu rất quan trọng vì không thực hiện đúng, sự chênh lệch giữa các nhóm viên sẽ là một cản trở rất lớn cho toàn nhóm sau này (nhóm viên không thâu lượm được kết quả và sẽ có những ảnh hưởng tai hại về mặt tâm lý). Tư vấn viên cần phỏng vấn (interview) để chọn lọc những ứng cử viên thích hợp cho nhóm. Những nhóm viên tương lai của nhóm cần hội đủ những yêu cầu căn bản:

- Cùng mức độ thông minh và có kiến thức tương đương.

- Nội dung vấn đề mức độ khó khăn của những nan đề có gần nhau hay không?

- Quan điểm và khả năng giao tiếp xã hội có quá chênh lệch.

- Kinh nghiệm sống và trình độ, cũng như hoàn cảnh văn hóa xã hội hiện tại.

- Thái độ sẵn sàng với nhóm và khả năng thích nghi với cường độ làm việc của nhóm.

Tư vấn viên cần giải thích rõ về quá trình làm việc của nhóm, những điều sẽ xảy ra trong quá trình làm việc của nhóm. Nhóm viên tương lai cần được nhắc nhở về tính đồng nhất trong nhóm là cần thiết. Sự bất đồng ý kiến và mâu thuẫn bước đầu (khó tránh khỏi) cần được thông báo. Tính đón nhận mạo hiểm trong làm việc với nhóm là cực kỳ quan trọng, nên nhóm viên cần có sự chuẩn bị tinh thần trước.

Nhóm viên cần được giải thích kỹ trước khi tham gia nhóm về những yêu cầu của nhóm như, theo Corey (1995), những giải thích đó bao gồm:

- Mục đích cơ bản của nhóm (nhắm đến những kết quả cụ thể nào).

- Một văn bản mô tả rõ về điều lệ, quá trình làm việc, và công thức tập hợp nhóm.

- Văn bản về trình độ và tư cách nghiệp vụ của tư vấn

- Quá trình chọn lọc nhóm viên thích hợp cho nhóm.

- Tính mạo hiểm trong việc chia sẻ nội tâm với nhóm (thông tin có thể bị rò rỉ), những trách nhiệm và quyền lợi của nhóm viên.

- Những thảo luận căn bản về hạn chế trong việc giữ kín thông tin (confidentiality) của cả nhóm.



Số nhóm viên và tuổi thọ của nhóm: Là điều cần được chú ý đến. Lý tưởng nhất là nhóm có từ 6 đến 8 người (Gazda, 1989). Nếu nhiều quá, hoạt động của nhóm sẽ cồng kềnh và những điểm nóng của từng nhóm viên sẽ bị lẫn và khó tập trung. Với trẻ em, nhóm nên nhỏ hơn, từ 4 đến 6 em. Thời gian cho mỗi ca nhóm là 90 phút (với trẻ em thời gian nên ngắn hơn - 50 phút). Để nhóm hoạt động tốt, một khoảng thời gian chừng 6 tháng, họp hàng tuần là thích hợp. Tuy nhiên không nhất thiết. Điều này phụ thuộc tình hình hoạt động của nhóm, số người trong nhóm, và tốc độ làm việc của từng nhóm riêng biệt. Cần có sự thống nhất chung về thời gian làm việc của nhóm. Tính đồng tâm rất cần thiết cho hoạt động tư vấn của nhóm.

Nhóm đóng hay mở: nhóm đóng (closed group): Là nhóm tính từ lúc bắt đầu đến lúc nhóm kết thúc chỉ bao gồm những nhóm viên cố định, không kết nạp thêm nhóm viên mới. Ngược lại, nhóm mở (open group) là nhóm mở ra và luôn luôn có thành viên mới tham gia. Trong nhóm mở, khi nhóm viên cảm thấy mình trưởng thành họ có thể tự động tách nhóm. Hạn chế của nhóm mở là người mới và người cũ luôn tạo ra những chi phối khó tránh khỏi. Trong trường hợp một nhóm viên rời nhóm, những người còn lại thường rơi vào những xáo trộn về tâm lý. Nhưng điều tích cực của nhóm mở là cho phép nhóm viên có cơ hội được ở lại lâu hơn để xử lý vấn đề của mình một cách triệt để.

Vấn đề giữ kín (confidentiality): Là vấn đề nóng bỏng và tế nhị. Đây là nét đặc trưng nổi cộm trong tư vấn. Một yếu tố then chốt, có tính quyết định trong công tác tư vấn. Theo TS. Trần Thị Giồng (2006), giữ bí mật là nguyên tắc trong tư vấn, để chứng tỏ sự tôn trọng và tạo lòng tin của thân chủ vào tư vấn viên. Với tư vấn nhóm, đây là một điều cần phải được nhắc nhở (emphasize) thường xuyên.

Cần thiết trong buổi phỏng vấn và lần nhóm mặt đầu tiên (initial session), nhóm viên được nghe giải thích về tính bí mật thông tin của những hoạt động lên đến nhóm. Tư vấn viên cần nhấn mạnh đây là phạm trù đạo đức mang tính bắt buộc. Nhóm viên được mời gọi tham gia một cách trưởng thành trong xử thế mang tính văn hóa và thể hiện tinh thần tôn trọng những bí mật riêng tư của thân chủ. Tuy nhiên, nhóm viên cũng nên hiểu rằng đây là vấn đề phức tạp và có những hạn chế chủ quan nhất định, nên họ có thể chấp nhận tính tương đối của vấn đề giữ bí mật.



Hạ tầng cơ sở (physical structure): Là địa điểm để nhóm viên và người hướng dẫn thực hiện các buổi làm việc. Nơi này cần có bầu không khí thân thiện, lành mạnh, chuyên nghiệp. Một địa điểm sơ sài quá sẽ không tạo ấn tượng, từ đó sẽ ảnh hưởng đến niềm tin và đóng góp của các nhóm viên. Địa điểm cần cố định, tránh thay đổi cho khi không thật sự cần thiết. Địa điểm cần là nơi trung tâm, tránh quá xa nơi các nhóm viên đang sinh hoạt. Địa điểm phải tạo được những tiện nghi căn bản để khuyến khích nhóm viên tham gia đầy đủ, thường xuyên.

Người nhóm trưởng thứ hai (co-leaders): Là người nhóm trưởng cùng làm việc với nhóm trưởng khác trong tư vấn nhóm. Tuy không nhất thiết phải có hai nhóm trưởng. Tư vấn viên có thể hoạt động độc lập như nhóm trưởng, tuy nhiên trong vài trường hợp, sự xuất hiện của nhóm trưởng thứ hai là cần thiết, nhất là khi một nhóm trưởng làm việc với nhóm, người thứ hai sẽ quan sát và ghi chép phản ứng của nhóm. Nhiều tác giả đồng ý rằng, trường hợp nhóm trưởng tay nghề yếu nên tham gia học hỏi với cương vị nhóm trưởng thực tập với một tư vấn viên có kinh nghiệm, trước khi họ bắt tay vào thực hiện làm việc với nhóm một mình. Dinkmeyer và Muro (1979) đã đề nghị hai nhóm trưởng, lý tưởng nhất, nên có:

- Chung triết lý nghiệp vụ và thống nhất trong cách xử lý nhóm.

- Cùng kinh nghiệm và năng lực nghiệp vụ.

- Xây dựng được nền tảng căn bản lành mạnh trong quan hệ con người (làm gương).

- Ý thức được và khéo léo trong xử lý, khi các nhóm viên ủng hộ một người và chống đối một người.

- Đồng ý với nhau về mục tiêu và quá trình vận hành nhóm để đạt được hiệu quả trị liệu cho thân chủ.



Chia sẻ cảm xúc (self-disclosure): Được định nghĩa như việc thổ lộ cảm xúc, thái độ, và niềm tin trong thời điểm hiện tại của các nhóm viên cũng như của tư vấn viên. Điều này phụ thuộc vào sự gắn bó của từng nhóm viên. Đây là hiện tượng đặc biệt, có tác dụng đưa mọi người xích lại gần nhau. Trong thời kỳ đầu, rất ít nhóm viên chịu chia sẻ; vì thế tư vấn viên cần khơi dậy trong nhóm viên nét tích cực này. Chia sẻ cảm xúc sẽ kích thích tinh thần đồng đội nên thường được nhắc nhở bởi nhóm trưởng, giúp mọi người có tinh thần trách nhiệm với nhóm hơn. Tuy cần điều chỉnh để mọi người có cơ hội; vì nhiều nhóm viên có xu hướng thích kể về mình.

Ý kiến phản hồi (feedback): Là những chia sẻ của các nhóm viên sau khi suy nghĩ và cân nhắc để giúp các nhóm viên khác có được những ý kiến từ góc nhìn khác về vấn đề của cá nhân họ. Đây là những thông điệp mang tính hết sức chủ quan, vì thế ý kiến phản hồi có thể có ích nếu chân thành và có tính xây dựng. Tuy nhiên, nếu vận dụng sai lệch, nó sẽ là những châm chọc, báng bổ, khả dĩ có thể đem đến những tai hại khó lường. Corey (1995) phân biệt ý kiến phản hồi trong các ca tư vấn riêng rẽ (in sessions) (có thể rất căng thẳng) và trong thời kỳ chuẩn bị kết thúc (termination) (thường chân thành). Theo đó, tư vấn viên cần chọn lọc trong việc xử lý những ý kiến phản hồi, sao cho kết quả đem lại giúp cho các nhóm viên nhiều nhất. Để biết chắc nếu những ý kiến phản hồi có hiệu quả hay không, Hoffman, Splete, và Pietrofesa (1984) đề nghị chúng phải:

- Phục vụ có ích cho người nghe, không phải cho người nói.

- Sử dụng qua diễn tả cụ thể, sát với nội dung hành động, tránh vòng vo, xách mé.

- Sử dụng đúng lúc, ý kiến phản hồi tích cực (nói tốt) có ảnh hưởng tốt hơn ý kiến phản hồi tiêu cực (nói xấu) trong giai đoạn đầu mới thành lập nhóm.

- Được đưa ra ngay thức thời, gần thời gian với hành vi của người nghe. Tránh một thời gian sau mới nhắc lại.

- Chân thành và trên tinh thần xây dựng, tránh dùng với mục đích gây hại.



Chăm sóc nhắc nhở sau tốt nghiệp (follow-up): Là một việc làm có tính đạo đức nghề nghiệp. Nó thể hiện được tinh thần trách nhiệm của tư vấn viên. Điều này giúp các nhóm viên tiếp tục vận dụng những kinh nghiệm họ thu thập được vì sự nhắc nhở của nhóm trưởng. Hơn nữa, việc làm này sẽ giúp nhóm trưởng có thêm những kinh nghiệm cho những lần làm việc nhóm sau này. Theo Corey (1995), việc làm chăm sóc nhắc nhở sau tốt nghiệp (after termination) nên được tiến hành ngay 3 tháng sau khi tốt nghiệp tư vấn nhóm. Vì thế trong buổi sau cùng của hoạt động nhóm, các thành viên cần được biết về một buổi nhóm họp sau 3 tháng, như thế họ sẽ sẵn sàng và đáp ứng nhanh chóng khi thời điểm cuộc hẹn được tổ chức.

Một nhóm trưởng hiệu quả cần có những đức tính thích hợp: Tất nhiên sự đóng góp tham gia của nhóm viên có ảnh hưởng đến chất lượng của cả nhóm và cho cá nhân họ, một nhóm trưởng hiệu quả cũng sẽ có những đóng góp tích cực không kém. Một nhóm trưởng cửa quyền, tính tình hung hăng, thích chất vấn, và không trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ khiến cho nhóm viên bị tổn thương, dẫn đến bỏ nhóm. Yalom (1995) đã nêu ra những phẩm chất tốt của một nhóm trưởng có hiệu quả:

- Có sự quan tâm đến lợi ích của nhóm viên (càng nhiều càng tốt).

- Có những đóng góp quan trọng trong việc giải thích, vạch rõ những điểm cần tập trung, cung cấp chất liệu và công cụ cho tiến trình tái thiết khung tư duy cho các nhóm viên.

- Nguồn cảm hứng cảm xúc, khả năng tạo nên những hoạt động gắn bó với nhóm, tạo ra cơ hội mời gọi trong mạo hiểm, đón nhận thử thách, và cả những chia sẻ cảm xúc trong quá trình làm việc với nhóm.

- Có chức năng chỉ đạo, giúp nhóm viên theo sát thủ tục vận hành, tuân theo qui định và cộng tác với cơ cấu của nhóm.

Tư vấn viên làm việc hiệu quả: Là luôn trung lập, tránh kéo bè gây phái, mặc dù quan điểm của mình có mâu thuẫn với một số nhóm viên khác. Kottler (1994) nhận xét một tư vấn viên làm việc hiệu quả sẽ nhận ra những xung lực có tính trị liệu (therapeutic forces) và những xung lực có hại (destructive forces). Vì thế nhiệm vụ của họ như một dụng cụ chọn lọc, giúp điều tiết những xung lực có ích cho nhóm. Ngoài ra nhóm trưởng cần tích cực và có tâm huyết với nhóm mới là nhóm trưởng có hiệu quả (Yalom, 1995).

Corey (1995) cho rằng một nhóm trưởng có hiệu quả cần có: tinh thần trách nhiệm, thái độ luôn có mặt với nhóm, khả năng thúc đẩy người khác, can đảm, biết tự chất vấn với chính mình, thành thật, trung thực, nhiệt tình, có óc sáng tạo.

Quan trọng hơn cả, một nhóm trưởng phải là người có kinh nghiệm. Họ có được đào tạo chuyên môn, có kiến thức về vận hành nhóm, song song với những kiên thức tư vấn khác. Họ cần có lòng tự tin và am tường những giai đoạn phát triển của nhóm, khả năng xử lý những phát sinh không nằm trong kế hoạch.

6. Kết luận

Tư vấn nhóm hay còn gọi là làm việc với nhóm (group work) là một bộ phận của tư vấn. Đây là một hoạt động phong phú, có hiệu quả thiết thực với một số đông trong xã hội. Tất nhiên môi trường nhóm có lợi cho một số trường hợp và có hại cho một số trường hợp khác.

Chất lượng hoạt động của nhóm tùy thuộc vào một số điểm then chốt như bản thân các nhóm viên, sự chọn lọc kỹ càng trước khi thành lập nhóm, và từ hiệu năng của một nhóm trưởng.

Hoạt động nhóm có những nguyên tắc của nó, điều này cần được thực hiện một cách có chuyên môn, càng không thể xem nhẹ. Những vấn đề trong hoạt động nhóm cần được các thân chủ hiểu thấu đáo và nắm rõ, để từ đó những xử lý cần thiết được áp dụng trong tinh thần hợp tác, sâu sát, và đạt hiệu quả cao.

Nhu cầu hoạt động nhóm trong thực tế xã hội sẽ trở thành nhu cầu ngày càng cao, trách nhiệm của đội ngũ tư vấn viên là tạo ra những sinh hoạt nhóm có ý nghĩa, có chất lượng, nhằm góp phần kiến tạo những kinh nghiệm tốt trong lòng những người tìm đến dịch vụ tư vấn qua hoạt động nhóm.

Chương 14
TƯ VẤN NGHỀ NGHIỆP TRONG SUỐT HÀNH TRÌNH ĐỜI NGƯỜI


1. Dẫn nhập

Chọn nghề là một hoạt động mang tính xã hội đã có từ rất sớm trong lịch sử xã hội con người. Hẳn chúng ta đã nghe trong tục ngữ Việt Nam ta đã có câu: Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương, đây là một ví dụ cho thấy ngay từ thời xưa bức xúc trong việc chọn nghề đã có. Xã hội càng phát triển, nhu cầu chọn nghề càng trở nên cấp thiết hơn.

Thuật ngữ tư vấn hướng nghiệp được sử dụng rộng rãi. Nhưng nó có vẻ giành riêng cho học sinh sinh viên. Hẳn nhiên học sinh và sinh viên rất cần đến hướng nghiệp. Song, trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, những người đã trưởng thành cần tìm cho mình một nghề mới không phải là hiếm, từ đó thuật ngữ tư vấn nghề nghiệp được sử dụng trong chương này không khác về ý nghĩa, chỉ là bao quát hơn, tránh gạt bỏ những người lớn tuổi ra khỏi bức tranh tư vấn liên quan đến nhu cấu tìm việc làm thích hợp của mọi giới.

Ngày nay, nghề nghiệp không còn đơn thuần là phương tiện kiếm sống. Nghề nghiệp hôm nay được đặt vào một bối cảnh rộng lớn hơn, chịu ảnh hưởng của những áp lực đến từ những nhu cầu xã hội khác như giải trí, giờ giấc, phúc lợi, khả năng tiến thân, môi trường làm việc, ý nghĩa của công việc, và những cảm xúc tâm lý khác. Vì thế nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến đời sống thể lý mà còn đến cả đời sống tâm lý xã hội nữa.

Quá trình chọn nghề ở mỗi cá nhân có khác nhau, dựa trên những cá tính của người đó, như: nhân cách, lối sống, lý lịch bản thân và gia đình, giới tính, trình độ giáo dục, điều kiện sống, điều kiện môi trường xung quanh… Vì thế thu cầu tư vấn đối với cá nhân không chỉ xảy ra ở cấp độ sinh hoạt nhóm mà nó có thể được áp dụng với từng cá nhân một.

Trong các trường phổ thông trung học và đại học nước ngoài luôn có những văn phòng hoặc trung tâm tư vấn nghề nghiệp. Các tổ chức ban ngành phúc lợi công cộng cũng vậy. Điều này không phải ngẫu nhiên, mà rõ ràng là một thực tế quan trọng đối với là những người có quan tâm đến xã hội.

Nhất là trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa, nhu cầu và cơ hội phát triển nghề nghiệp càng trở nên đa dạng và phong phú. Chuẩn bị cho một nghề nghiệp liên quan đến đầu tư vào giáo dục, vì thế chọn đúng nghề không phải là một lựa chọn đơn thuần, mà là một quyết định cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Thiết nghĩ, tư vấn nghề nghiệp không thể xem nhẹ, vì nó là một công cụ quan trọng trong quá trình điều tiết, giúp cá nhân tìm được ý nghĩa cuộc sống thông qua việc chọn đúng nghề, làm đúng việc, hợp với khả năng và còn giúp ổn định trật tự kinh tế xã hội.



2. Tầm quan trọng của tư vấn nghề nghiệp

Crites (1981) đã đề ra những điểm căn bản tại sao tư vấn nghề nghiệp là quan trọng:

- Tư vấn nghề nghiệp tập trung cả vào thế giới nội tâm và cả thế giới bên ngoài của cuộc đời, trong khi tư vấn những mảng khác thường tập trung nhiều hơn vào khung tư duy và hệ thống bên trong cá nhân con người.

- Kinh nghiệm thu gặt được từ tư vấn nghề nghiệp cho cá nhân một cảm giác tự tin vì họ thật sự hiểu được con người họ trong bối cảnh xã hội, từ đó họ an tâm và thoải mái hơn, vì đóng góp của họ cho cuộc đời là đóng góp có ý nghĩa. Riêng bản thân, họ tìm được những giá trị có ý nghĩa cho cá nhân mình. Krumboltz (1994) nhận định rằng tư vấn nghề nghiệp đề cập đến nhiều khía cạnh, tương tự như trong tư vấn cá nhân khác, song bối cảnh xã hội được giới thiệu vào quá trình tư vấn nghề nghiệp, nên nó là một hình thức tư vấn toàn diện.

- Tư vấn nghề nghiệp có ích cho thân chủ vì nó không chỉ đề cập đến nhân cách, mơ ước, sở thích, nguyện vọng, mà thân chủ còn được biết đến những đại lượng khác trong bức tranh nghề nghiệp rộng lớn, từ đó họ hiểu thêm về xã hội họ đang sống. Nhất là tư vấn nghề nghiệp cho họ một cái nhìn "từ bên trong" và họ có cơ hội chọn lựa, an tâm với chính mình, giành hết năng lực và công sức của bản thân một khi đã chọn ra một nghề thích hợp cho mình.

3. Phạm vi tư vấn nghề nghiệp và các ngành nghề

Trên thực tế, một tư vấn viên hướng nghiệp cần có kiến thức chuyên môn phong phú, nhưng vị trí của họ trong xã hội thường không nổi cộm, mà chỉ là những cống hiến thầm lặng. Họ giống như người chọn áo, hóa trang cho diễn viên, âm thầm làm việc bên trong cánh gà sân khấu.

Họ là những người phân tích kỹ trường hợp thân chủ, gạn lọc cẩn thận, sau cùng đem đến những gợi ý và thông tin chính xác, giúp thân chủ tìm ra một chọn lựa thích hợp, mang tính quyết định lâu dài cho đời sống của mình.

MacDaniels (1984) giới thiệu khái niệm giải trí vào bức tranh nghề nghiệp với đẳng thức mới:

Nghề nghiệp = Làm việc + Giải trí

Theo ông, trong tương lai. Con người sẽ không chỉ làm việc mà họ còn có nhu cầu hưởng thụ cuộc sống. Vì thế, đây là một khái niệm không chỉ đáp ứng được yêu cầu cuộc sống hiện tại mà còn chuẩn bị cho tư vấn viên một não trạng tốt, sẵn sàng làm việc với tương lai.

Mọi học thuyết đề cập trong các chương 8, 9, 10, 11 đều áp dụng được trong tư vấn nghề nghiệp, tùy thuộc vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể của khách hàng.

4. Thông tin nghề nghiệp

Ở những nước đã phát triển, thông tin nghề nghiệp thật dễ tìm, dễ có. Chính phủ và các ngành xã hội luôn có những tài liệu, đôi khi phát miễn phí hoặc cho mượn. Các hệ thống thư viện luôn đầy ắp tài liệu và sách vở cho bạn đọc về thông tin nghề nghiệp.

Riêng ở Việt Nam, thông tin nghề nghiệp rất hạn chế. Nhiều trường cao đẳng về những ngành nghề không được học sinh biết đến. Học trò của những trường này thường là con cháu, bạn bè, hàng xóm của những người trong nghề, biết được sự hiện diện của trường, và nhận thấy đó cũng là nghề kiếm sống được, thế là họ nộp đơn, ghi danh, dự thi, vào học… tốt nghiệp rồi đi làm.

Nhiều người đọc quảng cáo chiêu sinh, song những phương tiện này chỉ rộng rãi ở thành phố, còn những tỉnh với vùng sâu, vùng xa, mảng thông tin thường không được cập nhật hoặc trưng dẫn một cách hình thức, từ đó dẫn đến tình trạng có làm nhưng không gặt hái được nhiều.

Sau đây là vài kiến nghị, dựa theo kinh nghiệm tư vấn nghề nghiệp của Hoa Kỳ, thông tin nghề nghiệp cần được phổ biến trong những dịp:

- Hội chợ nghề nghiệp định kỳ (career fair), thường xuyên mời được đông đảo các đơn vị kinh doanh, tổ chức kinh tế, xí nghiệp, nhà máy, các trường đại học, bệnh viện, sở ban… tham dự.

- Hệ thống thư viện được trang bị những thông tin nghề nghiệp để mọi người có điều kiện tiếp cận với thông tin cập nhật.

- Kêu gọi các cơ quan hãy tạo những nỗ lực chiêu sinh, tuyển việc đến gần hơn nữa với giới lao động và các học sinh, sinh viên.

- Xây dựng những hệ thống máy vi tính có lưu trữ những phần mềm có nội dung liên quan đến nghề nghiệp.

- Có những buổi nói chuyện chuyên đề bởi những chuyên viên trong nghề trên tivi, đài, báo… về ngành nghề, mặt trái và mặt phải.

Học thuyết của Holland (1997) được coi là học thuyết được thiết kế với mục đích phục vụ công tác chọn nghề. Đây là một thuyết được dựa trên cơ sở phân tích rất chặt chẽ, tính áp dụng cao. Dưới đây là giải thích sơ lược về học thuyết này. Sáu khái niệm cá tính trong thuyết chọn nghề của ông, gồm 6 loại, nên cũng thường gọi là “lục giác cá tính”:

1. Thực tế (R - realistic): là người chuộng kỹ năng, có óc kỹ thuật, thích cụ thể, cơ khí (thích hợp với công việc kỹ sư, thợ máy, nông dân, công nhân).

2. Thám tử (I - investigative): thích phân tích, trừu tượng, có óc khoa học (thích hợp làm nhà nghiên cứu, lập trình viên, nhân viên phòng thí nghiệm, địa chất, hải dương học, bác sĩ, dược sĩ…).

3. Nghệ thuật (A - artistic): có óc tưởng tượng phong phú, rất sáng tạo, có khiếu thẩm mỹ (thích hợp với việc như nhạc sĩ, nhà thơ, viết lách, họa sĩ, nhà thiết kế, nhiếp ảnh…).

4. Hoạt động xã hội (S - social): có nguyện vọng phục vụ, yêu cái đẹp hoạt bát, quý trọng giá trị giáo dục (thích hợp với ngành giáo dục, xã hội học, từ thiện, đi tu, bác sĩ, y tá…).

5. Kinh doanh (E - enterprising): có khiếu thuyết phục, ngoại giao, ăn nói lưu loát, năng động, xông xáo (thích hợp với tiếp thị, quản lý, nhà kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp…).

6. Nghiêm túc (C - conventional): có tổ chức, ngăn nắp, thực dụng, nguyên tắc (thích hợp với việc kế toán, nhân viên chức, nhân viên nhà băng, thâu ngân…).

Holland đề nghị sắp xếp 6 nhân cách này theo thứ tự: R-I-A-S-E-C

Thứ tự RIASEC này sau đó được chia ra làm sáu nhóm:

RIA: tốt nhất là nhà nghiên cứu (I) - sau đó là lựa chọn 2 để trở thành kỹ sư (R), hoặc nghệ sĩ (A).

IAS: tốt nhất là nghệ sĩ (A), kế đến là nhà nghiên cứu (I) hoặc cô giáo (S).

ASE: tốt nhất là cô giáo (S), sau là nghệ sĩ (A) hoặc nhà kinh doanh (E).

SEC: tốt nhất là nhà kinh doanh (E), sau là cô giáo (S) và nhân viên chức (C).

ECR: tốt nhất là nhân viên chức (C), sau đó là nhà kinh doanh (E) và kỹ sư (R).

CRI: tốt nhất là kỹ sư (R), sau là nhà nghiên cứu (I) và nhân viên chức (C).

Những tư vấn viên nghề nghiệp theo thuyết này còn đặt cho nó cái tên là thuyết yếu tố cá tính (trait-factor). Đầu tiên, thân chủ được đưa cho một bản trắc nghiệm về cá tính, sau đó họ được đưa cho một danh mục bao gồm tất cả những ngành nghề, với những yêu cầu đào tạo khác nhau và đòi hỏi những kỹ năng căn bản nào đó.

Ví dụ trong ngành y, có nhiều nghề, tuy cùng làm trong bệnh viện, song chức năng và đào tạo có khác biệt rất lớn. Chẳng hạn từ thấp lên cao như: trừ điều dưỡng, y tá dược tá, y sỹ, bác sĩ, chuyên khoa trưởng… Vì thế, một thân chủ sẽ dựa vào khả năng của mình để chọn một hướng giải quyết của mình phù hợp với điều kiện bản thân. Họ có thể có một vài quyết định như thi vào trung cấp, nhắm đến đại học tại chức sau này, hoặc bỏ ra 1 năm luyện thi thật chăm chỉ…

5. Tư vấn nghề nghiệp với những nhóm đối tượng khác nhau

Như đã trình bày, đối tượng có nhu cầu tìm việc, học nghề đến từ mọi lứa tuổi, bao gồm học sinh phổ thông, cán bộ chuyển ngành, bộ đội về hưu, lý do sức khỏe, giải thể, muốn thay đổi điều kiện sống, tăng thu nhập, giảm biên chế, về hưu… Vì thế tư vấn viên nghề nghiệp cần đầu tư chút thời gian để hiểu sơ qua về những nét căn bản của từng nhóm đối tượng vừa kể trên.



Với trẻ em: Xin đừng cười, trẻ em đã có ý thức nghề nghiệp từ rất sớm. Các em biết người lớn xung quanh mình đi làm và làm gì vì nghe cha mẹ, anh chị kể về việc làm. Chính những câu chuyện nghề nghiệp nhất định ấy đã có ảnh hưởng đến các em. Tuy nhiên, các em rất cần đến một bức tranh toàn diện về các ngành nghề trong xã hội. Vì thế, nhà trường và những người có trách nhiệm cần tố chức những cuộc dã ngoại, tham quan (field trip), giới thiệu với các em về những ngành nghề khác nhau, điều này mang tính giáo dục rất cao. Những kinh nghiệm với các hình thái công việc khác nhau sẽ cho các em những suy nghĩ, giúp các em củng cố nhiều hơn nữa về những quyết định nghề nghiệp sau này. Một đề nghị là trường học nên tổ chức những buổi tham quan do các đơn vị có tâm huyết bảo trợ, hoặc mời những công nhân viên có tinh thần, thiện nguyện (volunteer) đến trường kể chuyện về nghề nghiệp và việc làm của mình cho các em nghe.

Với tuổi dậy thì: Giúp trẻ em sắp bước vào thế giới trưởng thành xác định được điều các em cần biết, nên biết; có liên quan đến nghề nghiệp. Không như quá khứ, nhiều nghề cha truyền con nối và không đòi hỏi văn bằng, chứng chỉ; xã hội hôm nay rất cần đến đào tạo chuyên môn và chứng nhận tốt nghiệp. Vì thế, các em cần được hướng dẫn cụ thể, xác định được nghề mình thích, sau đó sẽ có hướng chuẩn bị thích hợp, đáp ứng tốt yêu cầu tuyển sinh cho các khóa đào tạo phù hợp với ngành nghề các em yêu thích.

Ngoài việc được hướng dẫn bởi một tư vấn hướng nghiệp có chuyên môn, các em cần được đề nghị thám hiểm về đề tài nghề nghiệp: các em được khuyến khích sẽ trực tiếp gặp gỡ 5 đến 10 người lớn trong gia đình, hàng xóm, bạn bè của cha mẹ, anh chị với những ngành nghề khác nhau, từ đó các em sẽ có một khái niệm hoàn chỉnh, đầy đủ hơn về bức tranh nghề nghiệp.

Bloch (1989) đề xuất những hướng dẫn cho một chương trình tư vấn, đặc biệt giành cho các em đang có nguy cơ bỏ học vì những điều kiện khác nhau:

- Các em cần hiểu biết về bức tranh hiện tại và bức tranh trong tương lai giữa có nghề và không có nghề. Một kế hoạch phù hợp với từng cá nhân học sinh, với sự quan tâm thành thực, thể hiện được tinh thần quan tâm đến các em.

- Chương trình này nên có quan hệ với những đơn vị sản xuất, đề nghị họ tạo điều kiện giúp đỡ các em.

- Giới thiệu những chương trình huấn nghệ có cấp chứng chỉ học nghề cho các em, và những chương trình giáo dục thường xuyên, bổ túc, học ban đêm…




tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương