TƯ VẤn tâm lý CĂn bản lời giới thiệU


Phục vụ đời sống sinh viên, học sinh



tải về 1.32 Mb.
trang15/18
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích1.32 Mb.
#37038
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

3. Phục vụ đời sống sinh viên, học sinh

Đây là một nhu cầu bức xúc, ít nhất là đối với những sinh viên xa nhà. Buổi đầu họ hội nhập với đời sống thành phố, mọi chi tiêu không thế tránh trong một khuôn khổ ngân sách chi tiêu có hạn. Tất nhiên họ khó tránh khỏi những lo lắng và băn khoăn. Lạ lẫm với phương tiện giao thông công cộng, bỡ ngỡ với mọi sinh hoạt ở phố xá, họ nhớ nhà, nhớ nếp sống quen thuộc. Hơn lúc nào hết, họ rất cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Không giống như những nước phát triển, khi là sinh viên có thể vay tiền đi học, còn sinh viên Việt Nam phải tự túc là chính và rất ít chỉ dựa vào chút tiền học bổng, nhưng không phải ai cũng có may mắn này. Vấn đề tài chính luôn là một bức xúc, họ phải đi làm, kiếm tiền phụ thêm bằng đủ thứ nghề, vặt vãnh. Thời gian giành cho việc học bị thu hẹp, nhiều bạn không còn chút thời gian cho riêng mình.

Sức ép từ nhiều phía đã khiến cho nhiều sinh viên rơi vào cảnh buồn chán, lo lắng. Chính vì thế, nhu cầu tư vấn đại học đôi khi chỉ là người đồng cảm, khơi dậy trong lòng họ những ngọn lửa nhiệt tình để vượt khó khăn mà còn là những đáp ứng nhu cầu lắng nghe là rất cần thiết.

Con người có nhu cầu cần được quan tâm. Sự có mặt của tư vấn đại học đôi khi là một van xả hữu hiệu. Khi làm tốt, tiếng lành đồn xa, các sinh viên có nhu cầu sẽ tìm đến dịch vụ tư vấn đại học. Thiết nghĩ mỗi trường đại học nên có vài tư vấn đại học ăn lương biên chế hẳn sẽ không phải là một ao ước xa xỉ phung phí (!)

Khi tình trạng tinh thần căng thẳng đến một mức độ nào đó, suy nghĩ và ứng xứ của con người sẽ bị hạn chế, bị ảnh hưởng, dẫn đến những phán quyết và hành vi không được cân nhắc. Nhiều hành vi và quyết định có thể lệch lạc, dẫn đến những lần sa chân trước cám dỗ, trước là bỏ học, sau là chạy theo những mời gọi nguy hiểm. Nếu như có một đội tư vấn tâm lý được trang bị sẵn, chỉ cần đôi ba lần tư vấn cõi lòng trĩu nặng được trút ra, tâm thần trở nên nhẹ nhàng, sinh viên có thể suy nghĩ tỉnh táo hơn, họ sẽ vượt qua được khó khăn. Họ tận tụy và sẽ tốt nghiệp đại học.

Nói khác đi, phục vụ đời sống sinh viên là một việc làm thiết yếu, có ý nghĩa đối với xã hội. Như đã nói, 1 đồng đầu tư vào phát triển và đề phòng trước sẽ tiết kiệm được 3 đồng để sửa lại những nan đề trong tương lai. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến đời sống sinh viên vì đây là một dạng đầu tư rất có ý nghĩa, nhất là với sinh viên nói riêng và xã hội nói chung.

Ở nước ngoài luôn có những Hội cựu sinh viên (alumni association), những người đã tốt nghiệp, đã thành công trong cuộc sống, sự đóng góp của họ cho trường cũ là một nét văn hóa đẹp bởi sự quan tâm đến thế hệ sau, tri ân với ngôi trường đã đào tạo ra họ. Ta thử liên lạc với họ, đề nghị cùng họ, với tinh thần đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, ít nhất những đóng góp ấy sẽ giúp trường có một văn phòng tư vấn cho sinh viên.



4. Kết luận

Mặc dầu tư vấn đại học, cao đẳng cho sinh viên, còn là một khái niệm mới mẻ, ít nhất khi bàn thảo về nó sẽ là những gợi ý thiết thực trong hoàn cảnh hiện tại. Kinh nghiệm tư vấn đại học ở nước ngoài là một kinh nghiệm thành công, và chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm ở họ.

Nhu cầu của sinh viên Việt Nam không nhỏ hơn nhu cầu của học sinh, sinh viên nước ngoài. Sinh viên Việt Nam không có nhiều thuận lợi (như vay tiền học, việc làm từ trường do Chính phủ tài trợ (work study) như học sinh nước ngoài). Học sinh nước ngoài thường có lựa chọn học tại quê nhà nên chi phí có thể dựa vào gia đình. Sinh viên chúng ta vất vả hơn, hoàn toàn không có những may mắn như vừa liệt kê ở trên.

Ở đây, những khó khăn nhìn theo khía cạnh tích cực sẽ là một thứ thách để họ trưởng thành hơn. Song, kéo giãn quá mỏng, nhất định họ sẽ rạn, rách hoặc đứt đôi. Tất nhiên chúng ta không muốn nhìn thấy những người có trình độ và chất xám sẽ rơi vào những trường hợp khó khăn như thế.



Chương 17
TƯ VẤN SỨC KHỎE TÂM THẦN TƯ VẤN CHO NGƯỜI NGHIỆN - TƯ VẤN PHỤC HỒI LAO ĐỘNG


1. Dẫn nhập

Tư vấn sức khỏe tâm thần, nhất là tư vấn người nghiện, và tư vấn phục hồi lao động là một hình thái tư vấn thông thường bắt buộc (mandatory) đối với thân chủ, có thể họ không muốn nhưng vì sự bắt buộc, bị thuyết phục từ gia đình, người thân, hay các cơ quan hữu trách đã yêu cầu nên sự có mặt của họ trong những ca tư vấn là miễn cưỡng. Tất nhiên là vẫn có cá nhân có can đảm và giác ngộ; tự giác đến với dịch vụ tư vấn để được giúp đỡ, đây là những trường hợp rất đáng khích lệ, đáng biểu dương.

Nét đặc trưng của tư vấn sức khỏe tâm thần, tư vấn cho người nghiện, và tư vấn phục hồi lao động có 3 tính năng lớn là can thiệp (intervention), giáo dục (didactic) và tính liệu pháp (therapeutic).

Nhìn chung, tư vấn viên làm việc trong những môi trường này được sự quan tâm của xã hội cũng như các ban ngành của Chính phủ vì việc làm của họ là thiết thực. Họ công tác và có đóng góp trực tiếp với những phần tử rất được xã hội quan tâm đến.

Tác giá Nguyễn Hữu Chùy (2006), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ, tư vấn giáo dục cho người khuyết tật, đã mạnh dạn đề nghị: “Trẻ khuyết tật cũng có nhu cầu tư vấn tâm lý như vậy. Chỉ tiếc là số người nắm vững đặc điển tâm sinh lý và phương pháp giáo dục còn rất ít, nhưng không được ngành Giáo dục và Đào tạo trọng dụng. Vì vậy hạn chế đến hoạt động tư vấn, giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng”.

Tài liệu về tư vấn sức khỏe tâm thần, tư vấn cho người nghiện, tư vấn phục hồi lao động không có nhiều trong hội thảo Tư vấn Tâm lý - giáo dục tháng 2 năm 2006 ở Việt Nam. Mặc dù ba loại tư vấn này có liên hệ rất chặt với tư vấn tâm lý. Chỉ có báo cáo của nhóm nghiên cứu của TS. Trần Thị Giồng viết: “Đối tượng phục vụ của các cơ sở tư vấn tâm lý rất đa dạng nhưng nhiều nhất là tham vấn cho mọi người có nhu cầu, tham vấn cho người nghiện, người sống với HIV/ AIDS”.

Có lẽ đâu đó rải rác vẫn có những tài liệu tư vấn về 3 nhóm đối tượng này, song những tư liệu về tư vấn cho họ vẫn còn là ấp ủ của những người có quan tâm. Chia sẻ trong chương này như một đóng góp để cùng nhau học tập, tham khảo.

2. Tư vấn sức khỏe tâm thần (mental health counseling)

Đây là hình thái tư vấn không nằm trong khuôn khổ giáo dục mà được tách ra ở một phạm trù riêng, tập trung vào sức khỏe tâm thần, thường tổ chức trong bệnh viện hoặc những địa điểm cộng đồng. Tư vấn thể loại này thiên về chữa trị (treatment) nên đào tạo có phần kỹ hơn, phải đủ 60 tín chỉ (semester hours) theo hệ thống đào tạo ở hoa Kỳ; thay vì chỉ cần 48 tín chỉ với những tư vấn viên cá nhân bình thường. 12 tín chỉ yêu cầu thêm, tương đương với nửa năm theo học toàn thời gian ở một trường đại học ở Hoa Kỳ.

Theo Spruill và Fong (1990), tư vấn viên sức khỏe tâm thần cần được trang bị kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Họ có một vai trò quan trọng vì tư vấn sức khỏe tâm thần là một hoạt động liên ngành, có quan hệ rất nhiều đến những lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Tư vấn viên sức khỏe tâm thần có cả kinh nghiệm và kỹ năng của một tư vấn viên và những kiến thức cả chuyên môn, liên quan đến những mảng khác về toàn bộ hoạt động tâm lý, sinh lý, thể lý của con người. Xa hơn nữa, Hiệp hội tư vấn sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (The American Mental Health Counselor Association AMHCA) còn yêu cầu các tư vấn viên sức khỏe tâm thần của họ học thêm về thương mại, kinh tế, tâm lý người già và quá trình phát triển nơi người lớn, các liệu pháp áp dụng cho những rối loạn tâm thần.

AMHCA còn ra yêu cầu cấp chứng chỉ (certificate) cho những tư vấn viên sức khỏe tâm thần cho những ai muốn thực hiện tư vấn sức khỏe tân thần lâm sàng (clinical counselor).

Về mặt kỹ thuật và học thuyết, tư vấn viên sức khỏe tâm thần sử dụng từ nhiều nguồn học thuyết khác nhau. Họ thường áp dụng nhiều học thuyết vì làm việc trong nhiều hoàn cảnh đa dạng, tiếp cận nhiều đối tượng thân chủ trong những môi trường khác nhau.

Triết lý làm việc của họ với mục tiêu chính là ngăn ngừa chủ yếu (primary prevention) và khuyến khích sức khỏe tâm thần (promoting mental health). Theo định nghĩa, ngăn ngừa chủ yếu là ngăn chặn trước khi vấn đề xảy ra, có tính phòng chống, chính vì thế họ luôn gắn liền hoạt động của họ với khuyến khích sức khỏe tâm thần. Với tiêu chí này, tư vấn viên sức khỏe tâm thần nhắm vào khẩu hiệu: Sống lành mạnh sẽ tránh được điều phiền não.

Thân chủ của tư vấn sức khỏe tâm thần thường là đối tượng đông đảo quần chúng với nhóm hoặc nhiều người (có tính đại trà), thay vì tư vấn cá nhân riêng tư. Tính ngăn ngừa chủ yếu trong tư vấn sức khỏe tâm thần chủ yếu nằm ở chỗ chống lại nạn tự tử - nguyên nhân thứ 9 giết nhiều người nhất ở Hoa Kỳ. Diễn đạt dễ hiểu, sức khỏe tâm thần chủ trương cổ súy lối sống lành mạnh, tinh thần sảng khoái, biết yêu đời.

Heath (1980) đề ra những điểm chủ yếu tư vấn viên sức khoẻ tâm thần cần nhắm tới, giúp thân chủ của họ đạt tới trạng thái tinh thần lành mạnh:

- Động viên thân chủ tiếp tục ôn lại những thay đổi (kinh nghiệm lành mạnh học được) áp dụng vào sinh hoạt hàng ngày để đạt được đời sống lành mạnh.

- Khuyến khích cá nhân áp dụng kinh nghiệm kết quả hành động vào quyết định của họ.

- Đánh giá cao cuộc sống và sức mạnh kiên định của thân chủ. Những khen thưởng tích cực sẽ thúc đẩy tiến trình hành động và học tập của thân chủ. Khi được đánh giá cao, họ sẽ tự tin hơn, sẵn sàng nhập cuộc, hào hứng hơn trong việc học hỏi những điều mới mẻ.

Tập trung vào môi trường sống của thân chủ là một trong những quan tâm chính của tư vấn sức khỏe tâm thần. Nhiều môi trường sống không được trong sáng, lành mạnh. Sự gò bó tù túng, ngột ngạt của môi trường sống sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Huber (1983) nêu ra những việc tư vấn viên cần làm để giúp thân chủ, là:

- Xác định được những vấn đề gai góc, khó chịu trong những bối cảnh môi trường. Nhiều môi trường thật sự có những nhân tố ảnh hưởng kìm hãm con người sống thoái mái, dẫn đến kết quả làm ra những hành vi tiêu cực nhất định.

- Tạo sự chấp nhận đồng cảm giữa thân chủ và người thân của họ rằng vấn đề gai góc chính là ở môi trường chứ không phải từ thân chủ, cá nhân có nhiệm vụ điều chỉnh để phù hợp với môi trường.

- Đánh giá môi trường sống của thân chủ, xác định xem môi trường đã có tác động lên nhu cầu và nguyện vọng của thân chủ như thế nào.

- Giới thiệu những thay đòi quan hệ xã hội. Giúp thân chủ áp dụng tính khoa học vào quá trình cái thiện môi trường sống.

- Đánh giá được những thành quả cố gắng.

- Thân chủ phải đề xuất được những đặc điểm của môi trường tốt nhất, từ đó sẽ có những mốc hướng tới hành động để đạt được một môi trường thuận lợi nhất.

- Xử lý những rối loạn và những ứng xử thiếu lành mạnh.

Số người cần đến tư vấn sức khỏe tâm thần luôn nhiều hơn khả năng đáp ứng của đội ngũ tư vấn viên. Ngăn chặn thứ yếu (secondary prevention) là dạng ngăn ngừa khi mầm mống sự cố đã bộc lộ nhưng chưa biến chứng. Ngăn chặn cấp ba (tertiary prevention) là lối ngăn chặn mang tính can thiệp trị liệu nhiều nhất, trực tiếp xử lý những ca nghiêm trọng đã xảy ra, nguy hiểm đến tính mạng của thân chủ. Có thể giải thích qua những ví dụ, như:

- Ngăn ngừa chủ yếu (primary prevention): giáo dục về nguyên nhân và tác hại của trầm uất, và một trong những biến chứng của nó là tự tử.

- Ngăn ngừa thứ yếu (seconđary prevention): giúp cá nhân trong giai đoạn bị trầm uất, có dấu hiệu không muốn duy trì cuộc sống, tư vấn viên giúp đỡ họ chủ yếu là môi trường ngoại trú.

- Ngăn ngừa cấp ba (tertiary prevention): giúp cá nhân được đưa vào cấp cứu môi trường bệnh viện) vì họ đã thật sự tự tử và được phát hiện kịp thời.

Những rối loạn và ứng xử không lành mạnh là kết quả của đời sống thiếu tinh thần trong sáng, thiếu đầu óc minh mẫn, tinh thần không lành mạnh. Vì thế tư vấn viên sức khoẻ tâm thần cần chú tâm, chuyên cần đến việc quảng bá thay đổi cách sống để tâm trí thân chủ đạt được những trạng thái hoạt động rộng thoáng, không tù tùng bế tắc.

3. Tư vấn cho người nghiện

Đây là một vấn đề đau đầu xảy ra với tất cả mọi xã hội. Con người thường đi tìm những giải pháp khác nhau cho vấn đề cuộc sống của mình, tất nhiên nhiều giải pháp không lành mạnh dẫn đến con đường nguy hại; nghiện ngập là một trong những giải pháp thiếu cân nhắc ấy. Trường hợp mượn rượu giải sầu là một ví dụ. Uống mãi thành nghiện, nghiện rồi sẽ khó gỡ và càng lún sâu. Vấn đề cái vòng luẩn quẩn nảy sinh ra cũng từ chỗ đó.

Nghiện là quá trình sử dụng sai và khai thác chất gây nghiện một cách thiếu trách nhiệm. Nghiện ở đây được hiểu trong bối cảnh rộng lớn như nghiện rượu, chất kích thích, và những loại thuốc phiện, hoặc những chất được nghiêm cấm bởi xã hội và luật pháp.

Nghiện có tác hại phá hủy con người cả về thể lý, tâm lý, về mặt tình cảm và cả những chức năng xã hội khác cũng như đời sống tinh thần. Nghiện ngập không có mắt và không chừa ai cả. Nó tấn công vào mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt giới tính, dân tộc, tuổi tác, tôn giáo, nghề nghiệp, hoàn cảnh địa lý…

Nghiện ngập được định nghĩa thói quen sử dụng đến độ nghiện (không có không được) chất có men, thuốc tây (bao gồm những chất kích thích, gây nên trạng thái trầm uất, hoặc gây ảo giác), và thuốc lá, chất caffeine. Người nghiện không thể tự sinh hoạt bình thường khi nồng độ chất gây nghiện trong máu giảm xuống thấp. Họ trở thành vật vã, yếu đuối hạn chế tất cả những chức năng hoạt động.

Nhìn vào, người nghiện tưởng như chỉ nghiện một thứ nào đó, song trên thực tế, nhiều người có thể nghiện hai ba thứ hoặc nhiều hơn nữa trong cùng một lúc. Chẳng hạn nghiện rượu, nghiện thuốc, nghiện cà phê. Trường hợp này đòi hỏi tư vấn viên phải phân tích và điều trị các chất đã gây ra những tác hại nghiện nhiều nhất đối với cá nhân, sau đó xử lý đến những chất khác. Nếu ý thức của cá nhân cao và có sự nhiệt tình đáng tin cậy, họ có thể bắt đầu cai nghiện hoàn toàn các chất gây nghiện.

Nghiện ngập không phải là vấn đề của một cá nhân, nó có ảnh hưởng tiêu cực đến cả những người thân xung quanh người nghiện nữa. Nó không chỉ hành xác cá nhân mà có những tác động tiêu cực đến tinh thần rất lớn với gia đình người nghiện.

Trong nhiều trường hợp, người nhà vô tình là một trong những nguyên nhân thúc đẩy cá nhân người nghiện lún sâu hơn. Vì thế sức khỏe tâm thần trong điều trị cai nghiện cần đặt mọi đối tác trong một liên hệ xã hội có tác động và ảnh hưởng qua lại. Sự đóng góp của gia đình với thân chủ cai nghiện là một đóng góp rất to lớn.

Nghiện là giai đoạn bệnh lý của quá trình lạm dụng chất gây nghiện. Nhiều người mặc dù đã vào giai đoạn này, song họ vẫn từ chối (denial) tình cảnh hiện thực và luôn tìm mọi lý do (rationalization) để biện bạch. Bản thân não trạng họ đã là người bình thường. Họ càng nỗ lực nhiều hơn trong việc bình thường hóa tình trạng hiện tại, tư vấn viên cho người nghiện vì thế cần sử dụng nhiều kỹ năng một cách khéo léo, có thể là chất vấn, đồng cảm, nhượng bộ, nói một cách thẳng thắn mạnh mẽ… tất cả đều tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể của từng thân chủ.

Đánh giá một cá nhân đã nghiện hay chưa là biểu hiện khi cá nhân đó bỏ mặc những trách nhiệm xã hội với bản thân và với gia đình. Họ đặt nhu cầu cần có chất gây nghiện lên hàng đầu. Họ bỏ nhiều thời gian, công sức, tiền của vào việc có được chất gây nghiện và để sử dụng chúng. Nói khác đi, cá nhân thật sự nghiện khi họ không thể hoạt động khi thiếu chất gây nghiện.

Ngoài ra người bị nghiện còn được coi là khả năng chống lại chất nghiện của cá nhân đã mất, họ biết mình sai khi sử dụng chất gây nghiện, song không đủ can đảm để khước từ chất gây nghiện. Với trường hợp này, việc khôi phục lại khung tư duy để có những cảm xúc hy vọng mới là cần thiết.

Song làm thế vẫn chưa đủ, cá nhân cần được hỗ trợ bởi những nguồn trợ lực khác. Tư vấn viên cần đặt ra câu hỏi: Ta cần gì để giúp họ lấp đầy những khoảng trống vốn đã bị chất gây nghiện gây ra. Thật khó mà giúp được người nghiện đi cai nếu như không có những hoạt động hữu ích giúp họ chống lại khoảng trống vắng trong lúc cai và sau khi cai.



Ngăn ngừa lạm dụng chất gây nghiện: Là một hoạt động rất hiệu quả trên mặt trận chống tệ nạn xã hội. Thường thì các công ty sản xuất chất gây nghiện luôn quảng cáo lôi kéo khách hàng. Môi trường tiếp xúc với chất gây nghiện, ngay cả với những chất ma túy nghiêm cấm bởi pháp luật cũng không phải là khó tìm kiếm.

Đây là tình hình chung của mọi xã hội, điều ấy đã dễ dẫn dắt những cá nhân sa chân vào con đường nghiện ngập. Có thể nói, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nghiện ngập, vì thế ngăn ngừa nghiện ngập là biện pháp áp dụng lên toàn xã hội. Nhất là đối với những người có tính chủ quan. Vì khoảng cách từ quá chủ quan đến nghiện ngập đôi khi chỉ là một lần tiếp xúc tưởng như hoàn toàn vô hại.



Giai đoạn ngăn ngừa chủ yếu (primary prevention): Xã hội cần quan tâm đến việc truyền bá rộng rãi những kiến thức căn bản về mọi chất gây nghiện, tác hại và hậu quả của nó. Vai trò của tư vấn viên nghiện không chỉ giới hạn ở việc can thiệp khi đã xảy ra tình trạng nghiện ngập. Trái lại, tư vấn viên người nghiện phải là người hết sức tiên phong trong mặt trận ngăn ngừa. Nói khác đi, tư vấn viên và người nghiện phải quan niệm rõ rằng: Mục đích tối ưu là không ai mắc nghiện chứ không phải ai cũng cai được nghiện.

Xuất phát từ suy nghĩ tích cực và chủ động như thế, đội ngũ tư vấn viên cần hợp tác với những ban ngành giáo dục - xã hội khác, tích cực tổ chức những buổi truyền bá thông tin, hội thảo, đứng lớp, nói chuyện chuyên đề, từ cấp học sinh phổ thông đến mọi tầng lớp trong xã hội. Làm được thế, xã hội sẽ hạn chế rất nhiều những tệ nạn nghiện ngập. Giống như chiến dịch chống muỗi, việc đầu tiên là triệt để lấp ao tù đọng nước và khai thoáng các bụi bờ. Ngăn chặn tệ nạn nghiện ngập cũng giống y như thế!



Điều trị lạm dụng chất gây nghiện: Chiếm khoảng 25% các ca tư vấn ở Hoa Kỳ. Nói thế, ta thấy hai điểm quan trọng cần nhắc đến là mức gây hại của tệ nạn này và cũng là quan tâm của công tác tư vấn đối với người bị nghiện. Phần nhiều tư vấn cho người nghiện xuất phát từ những cơ quan chủ quản; họ thuê mướn hoặc quản lý người nghiện, yêu cầu nhân viên của mình đi cai nghiện. Người bị nghiện có thể sợ mất việc, tránh ly dị, muốn giữ lại sự êm ấm của gia đình, nên nhiều cá nhân đã chủ động tìm đến tư vấn cai nghiện.

Dù với động cơ nào, khi đến với tư vấn, họ đều được coi như là có thiện chí. Tư vấn viên cần đánh giá cao và cổ vũ họ: Các bạn đã thành công được một nửa, đã dũng cảm và có trách nhiệm chọn ra cho mình một hành động có ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội.

Cũng nên biết, tư vấn viên không hứa hẹn về bất cứ một điều đơn giản dễ dãi nào trong tiến trình cai nghiện. Cá nhân cần được biết rằng quá trình cai nghiện là một quá trình làm việc nghiêm túc, đầy mồ hôi và nước mắt. Tuy nhiên, tính lạc quan cần được nhắc đến và cổ vũ. Nhất là trong việc kiến tạo một viễn cảnh lành mạnh của một đời sống tự do, không còn bị ràng buộc bởi chất gây nghiện.

Riêng với điều trị nghiện rượu, ở Hoa Kỳ có một tổ chức giúp người nghiện với lịch sử thời gian hoạt động lâu đời nhất là Người nghiện vô danh (Alcoholics Anonymous) từ những thập niên 1930. Đây là một tổ chức áp dụng những tính năng tôn giáo và đời sống tinh thần vào sự giúp đỡ để thân chủ tự nhận mình là người có những điểm hèn yếu nhu nhược, để từ đó có thêm sức mạnh từ ơn tha thứ của Thượng Đế đã cải hóa họ.

Mặc dù có nhiều yếu tố tôn giáo, tổ chức này vẫn thu hút được đông đảo cá nhân. Tính trị liệu của việc tham gia AA rất cao. Một điều ít ai chịu khó để ý là thành viên của AA rất quan tâm đến nhau. Một giả thiết cho rằng tính trị liệu cao của nhóm này xuất phát từ tính năng tình cảm tương trợ lẫn nhau của các thành viên trong nhóm. Một hạn chế của nhóm này với chủ trương: Một khi đã nghiện, anh sẽ là người nghiện suốt đời và điều này không thật sự phản ánh được tinh thần cải tạo con người.

Điều trị người nghiện ma tuý: Thông thường diễn ra tại những trại cải huấn, nơi các thành viên được điều trị theo khuôn khổ tập trung, nằm trong những nỗ lực trong sạch hóa và bài trừ tệ nạn trong đời sống xã hội.

Tác hại lây lan của ma túy quá lớn, đến độ nó đã trở thành nỗi lo ám ảnh không chỉ với phụ huynh mà còn toàn thể xã hội. Người nghiện ma túy không có một chút lý do nào tự biện bạch. Ma túy gây ra biết bao nhiêu tệ nạn, tàn phá gia đình, ảnh hưởng xấu đến xã hội, biến nhiều người vô tội lương thiện thành những nạn nhân một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Xã hội lên án ma túy gay gắt và vì thế sức ép từ phía xã hội đã là một trở ngại cho tiến trình xóa bỏ mặc cảm cho người nghiện. Họ lo lắng về cơ hội làm lại từ đầu, họ không tin mình có được cơ hội thứ hai, thứ ba. Nhiệm vụ của tư vấn viên trong những hoàn cảnh này cần tập trung vào việc động viên rằng họ có quyền làm lại từ đầu, có quyền quyết định sống lành mạnh. Chính điều này đã thúc đẩy quyết tâm trở về của con nghiện.

Lệ thuộc vào ma túy là nô lệ. Khó khăn trong quá trình cai nghiện là thực tế, song với quyết tâm và tinh thần không đầu hàng, con người nhất định có thể thay đổi được vận mệnh của mình. Giống như những quá trình điều trị khác, tư vấn viên phải giúp cá nhân tìm ra được những hoạt động lành mạnh thay thế cho những khoảng trống mà quá trình gây nghiện đã gây ra.



Gia đình trong quan hệ với người nghiện: Là một yếu tố không thể tách rời trong quá trình điều trị nghiện. Một điều cần nhớ, gia đình là một động lực không thể xem nhẹ. Sự quan tâm hay xa lánh của gia đình có một ảnh hưởng rất lớn đến quyết định thành công hay thất bại của người nghiện. Nói khác đi, người nghiện không thể, hoặc có rất ít khả năng chiến đấu một mình. Vì thế họ cần đến sự hỗ trợ và động viên của gia đình.

Chính xác hơn, thái độ đón nhận và cổ vũ của người thân là một nhân tố quan trọng. Tư vấn viên cần khai thác thế mạnh này. Nhiệt tình và giác ngộ trong nhiều trường hợp không đến từ bản thân, song lại đến từ sự quan tâm của những người xung quanh. Để làm tốt công tác này, tư vấn viên cần ngồi xuống với gia đình để có sự thống nhất. Với một thiện chí xây dựng, những đồng cảm và được mời gọi sau đó gia đình được khuyến khích trở thành một đồng minh tốt của cá nhân trên mặt trận cai nghiện.



Làm việc với người nghiện: Là một công việc khó khăn nhưng rất có ý nghĩa, chúng ta đang nói đến chuyện cứu vãn tương lai một con người. Cần biết, các biện pháp lâm sàng, hoặc cưỡng chế nhằm đưa cá nhân từ tình trạng nghiện sang giai đoạn "không có thuốc" trong một thời gian ngắn, trước khi bất cứ hoạt động tư vấn nào được áp dụng. Với một khoảng thời gian "không có thuốc" trong vòng 30 ngày, cá nhân sẽ có một cơ thể tương đối sạch và đầu óc họ cũng minh mẫn thoáng hơn để tiếp thu dịch vụ tư vấn.

Robinson (1995) đã đề nghị những hướng dẫn cơ bản khi làm việc với người nghiện:

- Giúp cá nhân hiểu được họ cần chậm lại vận tốc sống cố gắng bắt đầu mọi việc một cách chậm nhưng chắc, và phải bảo đảm được tính chủ động chọn lọc.

- Hướng dẫn cho họ những phương pháp thư giãn như phương pháp thiền, phương pháp hít thở đều đặn, đọc sách tinh thần, vệ sinh cá nhân.

- Giúp cá nhân đánh giá tình trạng gia đình của họ, xem xét những ảnh hưởng của họ và nguyện vọng của người thân, mong muốn của cá nhân với gia đình họ.

- Nhấn mạnh đến ý nghĩa của những ngày lễ tết, giỗ kỵ, kỷ niệm của gia đình vì những hoạt động này sẽ liên kết mọi thành viên trong gia đình, như thế sẽ tạo nên tình đoàn kết vốn rất cần thiết trong quá trình trị liệu.

- Giúp họ trở lại với đời sống xã hội, như đã biết, mặc cảm với xã hội của người nghiện là rất lớn, tư vấn viên cần giúp họ có những kỹ năng hòa nhập với đời sống xã hội, cần hiểu rằng cô đơn và bị xã hội xa lánh đã là một cách trực tiếp đẩy xa người nghiện trượt dài trên con đường nghiện ngập.

- Đề cập đến cố gắng sống trong hiện tại, giúp cá nhân biết quý trọng giá trị của đời sống hiện thời - hãy tận hưởng những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống, tránh những dằn vặt, ưu tư về những trăn trở thuộc về tương lai.

- Cổ vũ người nghiện ăn uống điều độ. Đây là một quan tâm thích ứng vì người nghiện thường bỏ mặc bản thân, nên họ dễ mệt mỏi và chán nản, tìm đến chất gây nghiện là một hành động tìm đến cân bằng, như thế họ càng lún sâu vào nghiện ngập.

- Giúp cá nhân có cơ hội nhìn lại những kinh nghiệm đau thương trong thời gian quá khứ, cùng họ trải nghiệm và quyết định từ giã những cảm xúc đau thương ấy, cảm thông và đứng về phía thân chủ, cám ơn về kinh nghiệm của họ và cơ hội được cộng tác.

- Cung cấp thông tin về những tổ chức khác luôn sẵn sàng hỗ trợ người cai nghiện và những trợ giúp cần thiết về mặt tinh thần cũng như những giáo dục căn bản về vấn đề nghiện.



tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương