TƯ VẤn tâm lý CĂn bản lời giới thiệU


Kỹ thuật sử dụng trong thực tiễn liệu pháp



tải về 1.32 Mb.
trang11/18
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích1.32 Mb.
#37038
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18

Kỹ thuật sử dụng trong thực tiễn liệu pháp: Dựa trên nền tảng hành động để thân chủ ý thức được họ có quyền lựa chọn. Liệu pháp này, giống như những liệu pháp khác, sử dụng các kỹ năng như: khai thác tính khôi hài - hướng dẫn - chất vấn nếu cần - đóng kịch - phân tích những trao đổi qua lại - xây kế hoạch trị liệu cụ thể - triệt để thực hiện hợp đồng đã được thỏa thuận bởi hai bên.

Glasser (1980) cũng khuyên rằng tư vấn viên không nên chán nản khi thân chủ không đạt được kế hoạch đề ra. Hơn thế nữa, tư vấn viên càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong quá trình tìm hiểu xem điều gì đã không làm đúng. Điều này sẽ cho cả thân chủ và tư vấn viên những cơ hội được làm lại từ đầu từ khâu họ làm chưa hiệu quả.



5. Kết luận

Như đã trình bày, thuyết hành vi, nhận thức-hành vi, và thực tiễn liệu pháp nhắm đến hành vi trong đó cá nhân có đóng góp quan trọng trong quá trình điều tiết, để chế ngự những hành vi không tốt, và phát huy những hành vi đáng khích lệ. Một nét chung của những thuyết này là đề cập đến môi trường xã hội. Điều này giúp khẳng định được tầm quan trọng của hành vi cá nhân trong bức tranh xã hội.

Nên nhớ, con người luôn tồn tại trong bối cảnh liên đới với môi trường xung quanh. Tư vấn viên vì thế có nhiệm vụ mời gọi thân chủ hãy nên có những hành vi với tinh thần trách nhiệm.

Động cơ trong hành vi được điều khiển bởi kết quả của hành vi. Tư vấn viên là những người đầu tiên có cơ hội giải thích để thân chủ nhìn thấy giá trị thực sự (hạnh phúc hay tiền tài vật chất) của kết quả hành động.

Tất nhiên, cùng trong một dữ kiện kích thích từ cuộc sống, sẽ có nhiều cách phản ứng, hành xử khác nhau. Nhiệm vụ của chúng ta, tư vấn viên và thân chủ là chọn ra giải pháp ứng xử tối ưu, đáp ứng được nguyện vọng của cá nhân trong mối tương quan phù hợp với đời sống xã hội, môi trường xung quanh.

PHẦN BỐN
KỸ NĂNG VÀ CHUYÊN NGÀNH TRONG NGHIỆP VỤ TƯ VẤN

Chương 12
TƯ VẤN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: THUYẾT HỆ THỐNG


1. Dẫn nhập

Hôn nhân và gia đình hiện diện và tồn tại từ những ngày đầu của lịch sử con người, tuy nhiên mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, quan hệ những cá nhân gắn bó trong gia đình, ở những góc độ nào đó, có những khác biệt. Bắt nguồn từ nền tảng tôn giáo hay không có, hôn nhân là một giao kèo chung sống với nhau dựa trên nền tảng căn bản là sinh sản con cái và yêu thương vợ chồng. Nói khác đi, hôn nhân là nền tảng gia đình.

Theo định nghĩa, thông thường, gia đình là một đơn vị xã hội, gồm từ hai người trở liên, kết hôn, hoặc được sinh ra, sống chung trong một hộ khẩu.

Với những thay đổi cơ bản về nhiều mặt, từ kinh tế đến đời sống, từ văn hóa xã hội đến gia đình, môi trường và điều kiện làm việc, giáo dục và y tế, truyền thống và hiện đại, vai trò của giới tính thay đổi…, hôn nhân và gia đình đang đứng trước những thử thách lớn lao.

Tất nhiên, con người có lúc không theo kịp đà phát triển xã hội, nhiều người không xoay xở kịp dẫn đến tụt hậu, lúng túng. Xuất phát từ những bức xúc ấy, tư vấn hôn nhân và gia đình trở thành một nhu cầu thiết thực, nóng bỏng.

2.Thuyết hệ thống căn bản (general system theory)

Được sáng lập bởi Ludwig von Bertalanffy (1968), căn bản dựa trên lý luận: gia đình, giống như bất cứ một sinh thể sống nào (living organism), gồm những bộ phận có những tác động hỗ tương, ảnh hưởng đến trạng thái lành mạnh hoặc ảnh hưởng xấu đến những bộ phận khác. Nét đặc trưng của học thuyết hệ thống căn bản ứng dụng cho tư vấn tập trung vào ba khái niệm:

- Nguyên nhân gây ra những khó khăn (causality) không phải đến từ một phía, nó là kết quả (result) của tác động qua lại từ hai phía.

- Hệ thống tâm lý - xã hội (socio-psychology) được hiểu như là những khuynh hướng tư duy và ứng xử cá nhân lặp đi lặp lại (repetitions) giữa những người trong một mối quan hệ, ví dụ chồng nóng tính.

- Những hành vi có vấn đề (problematic behaviors) phải được đặt trong bối cảnh liên quan đến mọi đối tượng trong một tổ chức quan hệ. Ví dụ chồng nóng tính phải có nguyên nhân từ anh ta, từ vợ, hoặc từ các con nữa.

Vì thế, thuyết hệ thống căn bản luôn cố gắng đi tìm những sự cố, cắt nghĩa nguyên nhân sự cố, và đề nghị giải pháp cho sự cố; tất cả đều dựa trên nền tảng quan-hệ-liên-quan (related relationship) đến tất cả mọi thành viên trong gia đình. Theo thuyết này, vấn đề của một người cũng là vấn đề của cả nhà. Nói khác đi, một người có sự cố, điều đó có nghĩa cả nhà có sự cố. Đây là một khái niệm rất nổi cộm trong thuyết này.

Một khái niệm khác mà thuyết này đề nghị là nguyên nhân vòng tròn (circular causality) là nguyên nhân của những bất hòa chứ không phải là đường suy nghĩ thẳng (linear thinking); vốn được coi như lối giải thích cũ cho rằng nguyên nhân bất hòa đến từ một thành viên. Để giải thích kỹ hơn, ta có thể hiểu:

Nguyên nhân dạng vòng tròn (circular causality): Là mô hình cho thấy những vấn đề căng thẳng là do hai phía. Ban đầu một người có ý kiến, người thứ hai phản hồi, nếu không thỏa đáng, nhất định sẽ có thêm những giải thích, dẫn đến tấn công, buộc tội….Cứ thế, hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại từ hai phía, giống như cãi nhau, nhìn tổng quát, ta có thể minh họa câu tục ngữ: Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên; là rất chính xác với mô hình này.

Suy nghĩ đường thẳng (linear thinking): Trái lại, thông thường theo lối cũ, người ta nhìn vào những vấn đề gay cấn trong gia đình thường do một người gây ra (identified patient). Tại anh ta tất cả. Bỏ bê vợ con nhà cửa. Tất nhiên chúng ta thường có thói quen bênh vực nạn nhân (victim), tuy nhiên, nhiều lúc người có vẻ là nạn nhân lại là nguyên nhân gây khổ cho họ và cho người khác. Thành ra suy nghĩ đường thẳng (linear thinking) đã không giải thích bức tranh một cách khách quan, thường là với suy nghĩ đường thẳng, một thành viên trong quan hệ sẽ là người bị khép tội (Scapegoating).

Những gia đình mắc hội chứng tâm thần phân liệt (Schizophrenia families - nghĩa bóng): Trong gia đình có những biểu hiện, được đông đảo chuyên gia nghiên cứu và đi đến những khái niệm thống nhất như: mang tính bệnh lý được giải thích dưới đây:

- Mù mờ cả hai phía (double blind): Khi một phía nhận được một thông điệp có 2 nghĩa nên không biết phải theo lối nào? Ví dụ dưới đây:

Chồng: Ly dị không phải là giải pháp tệ!

Vợ: Anh ấy đề cập đến ly dị - và còn bảo không là giải pháp tệ. Có nghĩa là sao?

- Gá tạm vào nhau (pseudomutuality): Bằng mặt nhưng không bằng lòng. Bên ngoài vẫn vui cười bình thường, bên trong rạn nứt, chia rẽ ngấm ngầm.

- Xung đột gia đình (marital schism): Hai hay nhiều phía có những xung đột gay gắt, lộ liễu, công khai, không giấu giếm. Nhà ấy hết phúc rồi. Đánh nhau suốt ngày.

- Kẻ cầm quyền (marital skewness): Khi một người lấn lướt chèn ép, lợi dụng, áp bức người còn lại. Chồng chúa vợ tôi. Sợ vợ một vành…

Nichols (1983) đã nhấn mạnh, với đời sống vợ chồng, gia đình, đó là một QUAN HỆ chứ không phải là TẬP HỢP NHỮNG CÁ NHÂN lại. Vì thế những biểu hiện không lành mạnh của một cá nhân trong gia đình phải là kết quả chung của nhiều người - chứ không phải duy nhất là lỗi của một người.

Càng ngày, quá trình đô thị hóa càng ồ ạt, lấy chồng, lấy vợ người ngoại quốc,… những điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ đến những cặp vợ chồng có hoàn cảnh lý lịch rất khác nhau, trên nhiều bình diện như: kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì thế, yếu tố đa văn hóa (multicultural) trong tư vấn hôn nhân gia đình là không thể xem nhẹ.

3. Tuổi thọ của một gia đình và các chu kỳ trong tuổi thọ của một gia đình

Tuổi thọ gia đình (family life): Là giai đoạn khởi điểm từ lúc hai, hay nhiều người gắn bó với nhau về mặt pháp luật hay do sinh sản cho đến khi họ chính thức không còn sống chung với nhau nữa.

Chu kỳ tuổi thọ gia đình (family life cycle): Bao gồm những thời kỳ phát triển, tiến hóa của một gia đình trong nhiều năm chung sống, gắn bó. Becvars (1996) đã giới thiệu 9 thời kỳ phát triển của một gia đình như sau:

1. Còn độc thân - mọi người khác lạ với những người độc thân khác trong xã hội.

2. Mới cưới - có những thay đổi căn bản để thích nghi với đời sống vợ chồng.

3. Sinh con - có thêm nỗi lo, nhà thêm người, có thế hệ khác nhau, ông, cha, cháu.

4. Con sắp đi học - phải lo nhiều hơn, tốn thời gian, vợ chồng mất đi sự riêng tư, bận, đối phó với trẻ.

5. Con đi học - liên hệ với những mảng khác trong xã hội, bận hơn, lo nhiều khoản, phải chia thời gian giữa con cái và bạn đời.

6. Con cái tuổi dậy thì - lo lắng về những phát sinh mới, đối diện với cá tính của con cái, xung đột, chi phí, sức ép công việc, trọng trách với xã hội, gia đình.

7. Con cái lớn lên rời xa nhà - con đi học, đi làm, lấy vợ, đối diện với những ưu tư về con cái, sắp về già, công việc, chuyện chăn gối, mâu thuẫn về những dự định chưa thực hiện được.

8. Trung niên - lo chăm sóc cho mình, đón nhận dâu rể, quan tâm đến cha mẹ bây giờ đã già, lo lắng về cuộc sống sắp về hưu, những việc thực hiện dở dang.

9. Về hưu - đối diện với cái chết của cha mẹ, anh em, bạn bè, lo cho con và cháu, sống vì nghĩa, sao nhãng chuyện chăn gối.

Với những gia đình thành công, việc đáp ứng và xử lý những đòi hỏi của từng thời kỳ thường uyển chuyển nhịp nhàng, song nhiều gia đình không được may mắn như thế, họ va vấp với những thứ thách và không giải quyết được, vì thế đã có những khó khăn nảy sinh.

Cần biết, dù gia đình thành công hay khó khăn, họ đều trải qua kinh nghiệm gắn bó gia đình (family cohesion). Những gia đình thành công thường: hạnh phúc - vận hành nhịp nhàng - vững vàng - ổn định, họ còn: quyết tâm - đánh giá cao những thành viên khác - giành thời gian cho nhau - đối thoại tốt – sốt sắng trong đời sống tâm linh - biết xử lý những xung đột một cách có hiệu quả. Đây là khái niệm được gọi là khả năng thích ứng của từng cá nhân trong gia đình (adaptability).

Một mô hình dựa trên mức độ gắn bó trong gia đình (family cohesion) và khả năng thích ứng (adaptability) cho thấy cấu trúc của gia đình lỏng lẻo hay thắt chặt:

A. Khả năng thích ứng của từng cá nhân thấp + và tính gắn bó thấp.

 gia đình mạnh ai nấy làm - xa cách - gia đình thiếu tính đoàn kết, ít quan tâm đến nhau.

B. Khả năng thích ứng từng người cao + nhưng tính gắn bó thấp.

 gia đình có thể lộn xộn - xa cách - không gắn bó - không ai đụng chạm đến nhau - sống rời rạc.

C. Khả năng thích ứng của từng người thấp + tính gắn bó cao.

 các thành viên lệ thuộc vào nhau quá nhiều - quan tâm đến nhau quá nhiều - cấu trúc gia đình có thể cứng nhắc, thụ động, thiếu linh hoạt.

D. Khả năng thích ứng từng người cao + tính gắn bó cao.

 có thể dẫn đến lệ thuộc thái quá - quan tâm nhiều đến nhau - hoặc ở mức độ nhẹ, tạo nên một gia đình có những liên hệ ràng buộc lẫn nhau, có trách nhiệm với nhau.

E. Khả năng thích ứng của từng người trung bình + tính gắn bó vừa phải.

 Gia đình gắn bó có quy củ - họ gắn bó với nhau trong một thể chế có co giãn - họ có khoảng cách không gian vừa phải giữa những cá nhân - họ giữ một khoảng cách uyển chuyển nhất định.

Lý tưởng nhất là những gia đình không rơi vào thái cực mà chỉ ở mức trung dung (trường hợp F). Họ không quá xa cách nhưng cũng không quá vồ vập lệ thuộc lẫn nhau. Họ quan tâm và giành cho nhau một cách vừa phải.

Wilcoxon (1985) khuyên các tư vấn viên hôn nhân gia đình nên tìm hiểu xem thân chủ của họ đang trong thời kỳ phát triển nào của 9 chu kỳ đời sống gia đình, từ đó những đồng cảm và liên hệ đến công tác tư vấn sẽ đảm bảo được tính thời sự, đáp ứng được những nhu cầu của thân chủ. Tất nhiên không phải gia đình nào cũng trải qua đủ 9 thời kỳ, như những gia đình vô sinh, gia đình chỉ có một cha hoặc mẹ, gia đình ly dị. Vì thế tư vấn viên cần quan tâm đến từng hoàn cảnh của thân chủ một cách cụ thể.

Bowen (1978) giới thiệu vài khái niệm mô tả tác động qua lại hỗ tương trong quan hệ gia đình, cho thấy nếu một gia đình hoạt động không nhịp nhàng lành mạnh là gia đình có những bất ổn, lộn xộn:

- Kẹt trong lưới (enmeshment): là mô hình một gia đình mà những thành viên lệ thuộc và dựa vào nhau quá nhiều và hầu như họ dẫm chân nhau trong những vai trò đáng ra phải được phân chia rõ ràng, cụ thể. Cá mè một lứa. Cá đối bằng đầu.

- Kéo bè kết cánh (triangulation): xảy ra khi một hay hai thành viên của gia đình cấu kết lại, với mục đích tạo ra đồng minh, gây thế mạnh đối lập với một hay những thành viên khác. Vào hùa, kéo bè.



4. Tư vấn hôn nhân gia đình đối chiếu với tư vấn cá nhân/ tư vấn nhóm

Mặc dầu có nhiều điểm giống nhau cơ bản về học thuyết và kỹ năng áp dụng trong tư vấn hôn nhân gia đình và những thình thái tư vấn khác; tuy thế, tư vấn viên có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt là tính hệ thống và tính quan hệ trong tư vấn hôn nhân gia đình.



Mục đích của tư vấn cá nhân/ tư vấn nhóm là đem đến sự thay đổi của cá nhân trong bối cảnh thân chủ đối diện với chính họ và với thế giới trực hệ là những người xung quanh. Mục đích của tư vấn hôn nhân gia đình có điểm khác hơn mục tiêu đặt ra là giúp thân chủ thay đổi bối cảnh đặc biệt khi họ cần phải có những nỗ lực dung hòa với chính họ, với thế giới, và cả với đối tác của họ trong một quan hệ rất đặc biệt - quan hệ gia đình, vợ chồng.

Hôn nhân là một quan hệ đặc biệt nhất, trong đó hai con người đi vào đời sống của nhau, lệ thuộc vào nhau quá nhiều, quá sâu. Nên tư vấn viên cần ý thức sâu sắc rằng họ đang làm việc với một quan hệ rất đặc biệt. Vì thế họ cần nhạy cảm, tinh tế.

Trong tư vấn cá nhân/ nhóm, thân chủ được đề nghị sống có trách nhiệm trực tiếp với bản thân và có trách nhiệm gián tiếp với thế giới. Với tư vấn hôn nhân gia đình, thân chủ được yêu cầu sống có trách nhiệm trực tiếp với bản thân, trực tiếp với đối tác khác (chồng, vợ, con cái). Đây là điều mà thân chủ phải được giải thích rõ trong suốt quá trình tư vấn.

Tư vấn cá nhân/ tư vấn nhóm, thân chủ cần nỗ lực làm việc, tìm giải pháp mang tính cá nhân. Ngược lại, thân chủ trong tư vấn hôn nhân gia đình phải làm việc, tìm giải pháp cho nan đề trên tình thần cộng tác với đối tác của mình. Vì thế đây là cố gắng và nỗ lực chung của cả hai người. Đây là một việc làm tương đối khó khăn, nhất là trong điều kiện căng thẳng. Cứ tưởng tượng, nếu tình huống không quá xấu, họ đã không tìm đến dịch vụ tư vấn (!) Và nhiều khi phía nào cũng có vẻ có lý cả.



Bối cảnh tư vấn hôn nhân gia đình cần được mổ xẻ và thảo luận nhiều hơn trong tư vấn cá nhân. Dù tư vấn hôn nhân gia đình nhìn bề ngoài giống như tư vấn cho nhóm, chúng ta vẫn nhận ra sự khác biệt về vai trò của những thành phần cá nhân trong gia đình, như cha mẹ, con cái vợ chồng, anh em… Họ đúng là nhóm, song là một nhóm rất đặc biệt.

Sau cùng, đặc tính suy nghĩ đường thẳng (linear thinking) trong tư vấn cá nhân/ tư vấn nhóm thể hiện khá rõ. Nhưng trong tư vấn hôn nhân gia đình, đặc tính hỗ tương vòng tròn của nguyên nhân (circular causality) lại là mũi nhọn cần phân tích.

Resnikoff (1981) yêu cầu tư vấn viên hãy đặt cho mình những câu hỏi tự để thẩm định xem họ hiểu về thân chủ của họ ở mức độ nào, qua những câu hỏi dưới đây:

- Gia đình thân chủ xuất hiện có vẻ bề ngoài như thế nào? Gắn bó hay xa cách?

- Những hành vi dễ gây ra tiêu cực nào xuất hiện nhiều nhất? Nói to, cãi vã, đổ lỗi…?

- Cảm giác không khí chung căn bản của gia đình? Ai là người phát biểu nhiều nhất? Phát ngôn viên của cả nhà có phản ánh được cảm giác chung của mọi thành viên trong gia đình?

- Những vai trò cá nhân của người gây ra chống đối trong gia đình? Biểu hiện nào thường xuyên nhất cho thấy gia đình có sự đối đầu, bảo thủ?

- Các thành viên trong gia đình có khác biệt hay na ná như nhau? Nếu có bè phái, nhóm, cá tính của nhóm ấy?

- Gia đình thân chủ đang trong thời kỳ phát triển nào (trong chu kỳ 9 giai đoạn)?

- Phương pháp tháo gỡ nào xem ra khả thi nhất đối với gia đình thân chủ?



5. Tư vấn hôn nhân vợ chồng

Khác với tư vấn hôn nhân gia đình (thường liên quan đến con cái, ông bà…), tư vấn hôn nhân vợ chồng chủ yếu có đối tượng là hai vợ chồng; có thể lý do họ tìm đến dịch vụ tư vấn là vì con cái, ông bà, nhưng vấn đề căng thẳng chủ yếu chính là hai vợ chồng.

Bất luận ai là người khởi xướng dịch vụ tư vấn, một tư vấn viên khéo léo phải sắp xếp, thiết kế một môi trường trong đó hai người đều có trách nhiệm trong câu chuyện đau đầu, và nhấn mạnh rằng: nếu cả hai người có thiện chí, thành quả gặt hái được sẽ có lợi ích cho cả hai người. Nếu tư vấn viên không thiết kế được một môi trường như thế, nhất định cả hai người (vợ và chồng) đều không có một cái nhìn tích cực nơi tư vấn viên.

Tư vấn viên đặc biệt tránh tư vấn hai người một cách riêng rẽ bằng những ca tư vấn khác nhau, làm thế, nhất định sẽ tạo ra những hiểu lầm không cần thiết, dẫn đến hoài nghi và cả những thái độ bất hợp tác rất có thể sẽ xảy ra. Nhất là tư vấn hôn nhân vợ chồng là để đem họ lại gần nhau hơn.

Khi một đôi vợ chồng đến với tư vấn viên, họ cần được giải thích rõ chuyện tư vấn riêng rẽ là điều không có lợi cho tiến trình tư vấn. Họ cần hiểu về những khả năng rủi ro sẽ có thể xảy ra vì điều kiện khách quan (thông thường như thế), vấn đề tế nhị sẽ rất dễ đưa đến hiểu lầm.

Về mặt chủ quan (khi một thành viên kể về quan hệ mà họ chỉ sở hữu 50% và dữ kiện và được nhìn từ một phía), từ đó những cảm giác một chiều, chụp mũ, tố khổ có thể sẽ gây ra nhiều rắc rối, có hại nhiều hơn là lợi ích – và khi phải nghe câu chuyện từ 2 phía như thế, tư vấn viên có thể bị lẫn lộn.

Một điều cần biết, một trong hai người (thường là phụ nữ) có vẻ hăm hở với tư vấn và người còn lại (thường là nam giới) không hồ hởi trong lúc đầu. Tư vấn viên nên tránh đốc thúc người thứ hai. Có thể, nếu đủ khéo léo, tư vấn viên sẽ hãm (slow) người nhiệt tình lại để người chậm chạp kia theo kịp. Vận tốc của hai người phải đồng đều, như thế hiệu quả tư vấn mới cao được.

Sau khi đôi vợ chồng đã thống nhất và đồng ý với dịch vụ tư vấn họ có thể chọn lựa một trong 5 lối tiếp cận tư vấn được liệt kê sau đây:



Thuyết Phân tích tâm lý (psychoanalytic theory): Trong đó những gút mắc thường được quy về cho thân nhân của vợ (hoặc chồng) hoặc cả hai nguồn trong quá khứ đã tác động lên đời sống tình cảm hiện tại của họ. Có thể chồng hoặc vợ đã luôn coi người phối ngẫu (transference) là hình ảnh của ai đó trong thời thơ ấu, nơi những xung đột và kinh nghiệm khó chịu đã xảy ra. Vì thế, những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ chưa được xử lý, nay quay trở lại gây khó khăn cho quan hệ hiện tại. Những giấc mơ được kể cho tư vấn viên nghe, để từ đó cả ba người, sẽ tìm ra căn nguyên của những lấn cấn, rất có thể đã xảy ra. Theo Baruth và Huber (1984), giải pháp tốt nhất là van xả (catharsis) để cả hai được trút ra những bức xúc dồn nén lâu nay.

Thuyết Nhận thức - xã hội (social-cognitive theory): Nhấn mạnh đến chủ nghĩa hành vi (behaviorism) trong đó thân chủ đã học được từ môi trường. Gút mắc được xem là kết quả một người học hỏi từ những hôn nhân khuôn mẫu khác quá nhanh, nhận thức quá sâu, suy diễn quá xa; trong khi đó người vợ (hoặc chồng) học chậm hơn, nhận thức không sâu nên đã không theo kịp người bạn đời. Khi đối thoại được nêu ra, có thể điểm xuất phát là chân thành, nhưng quá trình trao đổi sẽ có những khúc quanh phát sinh sai lạc, hiểu lầm có thể xảy ra. Nếu đôi vợ chồng không xử lý kịp, vấn đề sẽ nảy sinh và phát triển đến một lúc nào đó khiến quan hệ của họ gặp phải lúng túng, lún sâu, sa lầy. Công cụ được áp dụng cho tháo gỡ là tập trung vào đối thoại trong bối cảnh hiện tại, tránh đào sâu quá khứ, thực hiện nhiều bài tập (homework) để tạo một xu hướng hành vi mới, và đóng kịch (role playing) để hai bên có những cách chọn lựa mới, tích cực hơn trong việc xử lý những điểm nóng trong đời sống gia đình. Mục tiêu là giáo dục để cả hai cùng có vận tốc và những mong đợi thực tế - phù hợp với điều kiện hiện tại của hai người.

Thuyết hệ thống gia đình theo Bowen (Bowen family systems theory): Chủ trương mỗi thân chủ cần tách cảm xúc (emotions) ra khỏi suy nghĩ (thought); tách bản thân ra khỏi người phối ngẫu, ông gọi đây là quá trình phân biệt (differentiation). Sự chênh lệch về mức độ trưởng thành cảm xúc (emotional maturity) của hai người là mấu chốt của khó khăn. Khi cọ xát và căng thẳng xảy ra, người không có đủ trưởng thành cảm xúc sẽ có những phản ứng như sau:

- Vón cục (fusion): nôi gộp lại một cách thiếu cân nhắc, cái gì cũng dính líu đến một cảm xúc cứng nhắc, gò bó, quạu cọ bức xúc…

- Đóng chặt, cắt đứt (cut off): họ tránh né, co cụm, ít nói, lảng tránh.

- Kết bè với người khác (triangulation): họ tìm đến với người thứ ba, có thể là người thân, con cái, anh em… để tạo đồng minh.

Hướng giải quyết tập trung vào việc tách thân chủ ra khỏi những quan hệ gia đình với anh em, bà con, người thân, sau đó tập trung vào việc ổn định tình cảm, lấy thế cân bằng, tự tin. Nhận thức mới cần được xây dựng bằng cách trả lời những câu hỏi có nội dung về quan hệ gia đình được thảo luận để thân chủ có một cách nhìn, cách nghĩ mới. Trưởng thành về mặt tư tưởng sẽ dẫn đến trưởng thành về mặt cảm xúc.

Thuyết Xây dựng - Chiến lược (structural-strategic theory): Thuyết này tin rằng những khó khăn bấp bênh trong đời sống gia đình bắt đầu từ những phản ứng thụ động, xử lý kém khi vợ chồng trải qua những thời kỳ phát triển của chu kỳ đời sống gia đình. Khó khăn trong đời sống vợ chồng là nguyên nhân những khục khặc, nực cười, đó cũng là cái gắn họ lại trong một cố gắng chống đỡ. Tư vấn viên cần thuyết phục đôi vợ chồng thay đổi hành vi của họ vì những hành vi cố gắng trong quá khứ đã chứng minh là không có hiệu quả.

Vì thế một chiến lược nhắm tới những cải tổ, nhắm thẳng vào những mảng cần sửa đổi (problematic areas) là điều cần thiết. Để làm tốt, tư vấn viên phải năng động, hướng dẫn, chỉ lối, khéo léo trong việc tạo ra một kế hoạch cụ thể với từng bước nhỏ, giúp vợ chồng thân chủ đi đúng với kế hoạch được đề ra:

- Đặt tên (relabeling) lại những hành vi cần cải thiện với tên gọi tích cực hơn.

- Gây xốc (pardoxing) để kích thích vợ chồng thân chủ làm điều ngược lại, và những việc làm này phục vụ cho tiến trình chữa lành.

- Liệt kê ra những triệu chứng (prescribing the symptoms) là việc gợi ra những hành vi tiêu cực trong quá khứ (đánh nhau, lăng mạ…) để hai người có cơ hội thay đổi lại những hành vi bằng cách tập những hành vi mới thông qua bài tập (homeworks).

Thuyết Hành vi - Tình cảm hợp lý (rational emotive behavior theory): chú trọng đến những tư duy bất hợp lý là nguyên nhân dẫn đến những trục trặc trong đời sống lứa đôi. Họ bức xúc vì cách họ nhìn vào những sự kiện trong cuộc sống, chứ không phải bản thân những sự kiện ấy làm cho họ khó chịu. Thông thường thân chủ hay có thói quen: thổi phồng - ứng xử cứng nhắc quá mức cần thiết, vô lý, và trở thành người theo chủ nghĩa tuyệt đối. Họ cứng nhắc trong cách nhìn, cố tình kéo căng, nghiêm trọng hóa, nguy hiểm hóa mọi tình huống bình thường, đã dẫn đến những bế tắc tai hại. Tư vấn viên cần làm việc về những vấn đề cá nhân trước, khi cả hai đã đả thông tư tướng, bước kế đến là họ sẽ bắt tay vào giải quyết chuyện hôn nhân, sau khi mỗi đối tác đã có một khung tư duy mới.

6. Tư vấn gia đình

Gia đình thường tìm đến dịch vụ tư vấn bằng nhiều lý do khác nhau. Tuy thế, điểm chung vẫn là trong mọi gia đình luôn có một kẻ bị bệnh (identified patient), có vấn đề cần được chữa trị.

Phần nhiều người ta quy tội cho một người. Không ai chịu nhìn người bị bệnh kia là vấn đề chung của cả gia đình. Họ không thấy mọi người trong nhà đều chia chung trách nhiệm của vấn đề.

Vì thế tư vấn viên cần giúp gia đình cải tổ lại cấu trúc và tái thiết lại quan hệ giữa các thành viên đế họ uyển chuyển hơn trong tư duy, hành xử, có sự tôn trọng đối với các thành viên khác trong gia đình. Tư vấn gia đình tập trung vào khái niệm nguyên nhân của nan đề trong gia từng dưới dạng vòng tròn (circular casuality) trong đó mọi thành viên đều có trách nhiệm chia chung những triệu chứng (symptoms) của nan đề.

Những khái niệm sau đây được sử dụng rộng rãi trong tư vấn gia đình:

- Tính tổng thể (nonsummativity): nhấn mạnh đến sức mạnh đoàn kết một khối của cả nhà sẽ mạnh hơn sức mạnh riêng rẽ của từng người cộng lại.

- Kết quả mơ hồ (equifinality): một sự kiện có thể dẫn đến nhiều kết quả, cũng như một hành vi xuất hiện sẽ có nhiều động cơ khác nhau.

- Đối thoại (communication): những HÀNH VI của mỗi thành viên là cách để họ NÓI CHUYỆN, chứ không phải là HÀNH ĐỘNG thuần tuý.

- Luật gia đình (rule of family): trong gia đình luôn tồn tại hai hệ thống luật: (a) luật được nói cụ thể ra và (b) luật hiểu ngầm.

- Cách xử lý trong nhà (morphogenis): khả năng của gia đình điều tiết chức năng để đối phó với những khó khăn trong gia đình. Ta vẫn hay gọi là nếp nhà.

- Hằng định nội môi (homeostasis): là trạng thái hòa hợp, ổn định, cân bằng, vốn được xem là trạng thái lý tưởng cho mỗi gia đình.



tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương