TƯ VẤn tâm lý CĂn bản lời giới thiệU



tải về 1.32 Mb.
trang6/18
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích1.32 Mb.
#37038
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

Đồng cảm chính xác (empathy): Là một yếu tố thành công mà hầu hết các chuyên gia công nhận. Một điều quan trọng cần biết khi sử dụng đồng cảm là chuyện tư vấn viên đi vào thế giới của thân chủ, nhưng vẫn có thể bước ra mà không bị xốc (ảnh hưởng). Nói khác đi, tư vấn viên chỉ liên hệ (relate) mình vào hoàn cảnh của đương sự, hoàn toàn không bị câu chuyện của đương sự cuốn lấy (affected), và kéo xuống.

Nói thế, có nghĩa tư vấn viên cần có khả năng phản ánh một cách trung thực những gì họ cảm nhận được nơi thân chủ. Ví dụ như:

Thân chủ: Tôi không thiết gì nữa, tôi chán cả sống. Bỏ hết mọi sự.

Tư vấn viên: Có vẻ như bạn đang rất mệt mỏi.

Đôi khi lời nói không đi đôi với cử chỉ, với những trường hợp này, lúc ấy tư vấn viên nên tìm thêm dữ kiện trước khi bắt tay vào việc đồng cảm với thân chủ. Chẳng hạn khi:

Thân chủ (cười sằng sặc): Tôi ghét mọi thứ trên đời.

Tư vấn viên: Xin lỗi, sao bạn lại cười. Tôi không theo kịp bạn.

Đồng cảm chính xác phải là một quá trình thao tác có chọn lọc. Nên nhớ, tư vấn viên không thể đồng cảm với thân chủ trong mọi cảm xúc. Chỉ có những cảm xúc tích cực, phục vụ cho tiến trình thiết kế lại khung tư duy là nên được đồng cảm. Như thế, thân chủ sẽ càng bộc lộ những cảm xúc tích cực mà họ biết tư vấn viên sẽ ủng hộ. Như thế một hướng đi tích cực sẽ được dần dần thiết lập.



Chia sẻ kinh nghiệm (self-disclosure): Là một kỹ năng đòi hỏi phải được sử dụng một cách rất có chọn lọc và cẩn thận. Đây là thủ thuật do tư vấn viên sử dụng để chia sẻ những thông tin cá nhân của tư vấn viên. Khi những thông tin này liên hệ với hoàn cảnh hiện tại của thân chủ. Đây là một cách thường được sử dụng trong quá trình tạo sự gần gũi.

Chia sẻ kinh nghiệm, theo Egan (1998) phục vụ hai tiêu chí: (1) tạo sườn mẫu tích cực và (2) giúp kiến tạo nên cách nghĩ mới. Điều này xảy ra khi tư vấn viên liên hệ hoàn cảnh hiện tại của thân chủ với kinh nghiệm quá khứ của tư vấn viên. Trong đó, tư vấn viên kể lại cách thức họ đã đối phó và xử lý hoàn cảnh đó một cách có hiệu quả như thế nào.

Tuy nhiên, nếu không sử dụng khéo léo và lạm dụng, thao tác này sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực ngược lại. Nhất là khi tư vấn viên sử dụng quá nhiều chia sẻ kinh nghiệm (overshare), điều này sẽ dẫn đến hiểu lầm khi thân chủ ngộ nhận rằng tư vấn viên không nghiêm túc và xem nhẹ vấn đề của họ.

Thân chủ có thể lầm tưởng rằng tư vấn viên đang huênh hoang, nên thiện cảm có thể bị tổn thương. Tưởng ổng giúp mình. Ai dè bỏ tiền ra nghe chuyện của ổng! Nên nhớ, trong suốt quá trình tư vấn, mục tiêu của tư vấn là tất cả vì thân chủ thân yêu. Vì thế tư vấn viên luôn giành thời gian thỏa đáng cho thân chủ. Nói quá nhiều về tư vấn viên trong một ca tư vấn là điều không nên lạm dụng.



Nắm hắt kịp thời (immediacy): Là một kỹ năng cần thiết trong tư vấn. Điều này cho thân tư vấn viên luôn quan tâm đến từng diễn biến của những vấn đề liên quan đến thân chủ trong suốt quá trình tư vấn. Thân chủ luôn kỳ vọng tư vấn viên trong khả năng nắm bắt kịp thời những thảo luận về nan đề của thân chủ. Sẽ là một thiếu sót nếu tư vấn viên không đáp ứng được nhu cầu này.

Để đảm bảo tính hiệu quả của kỹ năng này, Turock (1980) đã nhấn mạnh rằng, tư vấn viên cần:

- Nắm bắt kịp thời và phải bao quát được bức tranh toàn cảnh, tổng quát, chúng từ đang ở đâu và tiến trình tư vấn đang phát triển như thế nào?

- Nắm bắt kịp thời phải có tính tập trung ở thời điểm tức thì, chuyện gì chúng ta tập trung vào mổ xẻ ngay trong lúc này, chúng ta đang làng gì.

- Phản ảnh được diễn biến của những bước ngoặt mang tính trị liệu, giúp thân chủ dễ dàng nhận ra những điểm mấu chốt trong quá trình tư vấn. À đến nay chúng ta đã đạt được những thu hoạch sau đây, chúng ta đã đạt được điều gì?

Tất nhiên rất nhiều tư vấn viên sẽ không sử dụng kỹ thuật nắm bắt kịp thời (immediacy) vì họ sợ nhận định của họ có thể không đúng lúc, hoặc họ sợ nhầm lẫn, họ tránh định vị sai sự kiện này không quan trọng bằng sự kiện khác. Trong hệ tư duy của thân chủ, giá trị và sức nặng của một sự kiện có thể sẽ khác với tư vấn viên. Hơn nữa kỹ năng này thường đem lại những kết quả khó kiểm soát, vì vậy, ít được sử dụng bởi những tư vấn viên thiếu kinh nghiệm nghiệp vụ.



Tính hài hước (humor): Là một kỹ năng tương đối phổ thông. Tác dụng chính của nó là tạo nên nhịp cầu thông cảm khi tư vấn viên cảm thấy là cần thiết để giảm thiểu những tình huống căng thẳng. Tính hài hước trong tư vấn giúp sửa chữa những sơ xuất nho nhỏ trong quá trình xử lý những vấn đề gai góc và tế nhị.

Nên nhớ, dù ngay cả trong những ca tư vấn có quan hệ tốt đẹp, những đối đầu và nhưng mổ xẻ nghiêm túc rất có thể đưa đến những căng thẳng. Chính kỹ năng hài hước sẽ được áp dụng vào những tình huống trên như một thứ dầu bôi trơn cần thiết để giảm lực ma sát trong quá trình tư vấn.

Hài hước còn có tác dụng giúp cho ánh sáng tạo thể hiện bởi tính năng căn bản đặc trưng về tinh thần lạc quan trong yếu tố hài hước, vốn rất cần thiết cho quá trình kiến tạo khung tư duy mới. Tuy nhiên, tư vấn viên nên tránh sử dụng kỹ năng hài hước trong những vấn đề có chủ ý nhằm bôi nhọ, hạ thấp danh dự, hoặc đánh mất vẻ đẹp của cuộc sống. Làm thế kỹ năng hài hước đã không bảo đảm được tính năng hiệu quả của nó.

Chất vấn trong tinh thần xây dựng (constructive confrontation): Trong tư vấn là một kỹ năng khó khăn thực hiện nhưng cần thiết. Kỹ năng này nếu sử dụng đúng sẽ giúp thân chủ có can đảm nhìn lại, phản tỉnh, hiểu được những tư duy, hành vi cũ của họ là sai tuyến và không lành mạnh. Chất vấn và đối đầu trong tinh thần xây dựng giúp thân chủ nhìn rõ hơn những gì đang xảy ra trong bức tranh lớn, họ có cơ hội hiểu được rõ hơn về hậu quả của những hành vi trật đường ray (off-trail) của họ.

Kỹ năng chất vấn khi sử dụng tốt sẽ gửi đến thân chủ những thông điệp rằng những hành vi và tư duy không lành mạnh cần được sửa đổi và khắc phục. Đôi khi kỹ năng này còn thể hiện được sự quan tâm (chung) của tư vấn viên qua lối suy nghĩ thuốc đắng dã tật. Khi tư vấn viên sử dụng kỹ năng này, điều này cũng góp phần phản ánh được mối quan hệ giữa tư vấn viên và thân chủ.

Kỹ năng này nên được sử dụng như một lời mời. Ngôn ngữ phải khách quan (objective language) và thái độ (attitude) của tư vấn viên phải bình tĩnh, tránh không để cho cảm xúc lấn át, nhất là trong những trường hợp tư vấn viên phải đối diện với những cảm xúc vượt ngoài khả năng kiềm chế của họ.

Kỹ năng này nên được sử dụng chỉ khi nào những tư duy và hành động có mâu thuẫn với kế hoạch và mục tiêu đề ra trong tiến trình tư vấn. Như thế, thân chủ sẽ thấy được tính liên đới và chủ ý của tư vấn viên. Chất vấn cần được sử dụng như một hệ thống bảng chỉ dẫn đi đường mà thôi.

Vì kỹ năng này cũng có những hạn chế nếu không được áp dụng một cách đúng đắn. Nên nhiều khi nó bị hiểu lầm như là một sự tấn công, xem thường, hạ thấp vai trò đóng góp của thân chủ. Nhất là khi chất vấn trong tinh thần xây dựng bị hiểu sai như là một van xả mà thân chủ nghĩ rằng tư vấn viên đã sử dụng họ để băm vằm một cách thiếu tôn trọng. Lại bực bội với công việc rồi trút hết lên đầu tôi hay sao vậy cha nội? Nhất là khi tư vấn viên đụng đâu là chất vấn đó, điều này rất dễ gây ra những ngộ nhận tai hại không cần thiết.

Hợp đồng (contract): Trong tư vấn là một kỹ năng phục vụ đắc lực trong tiến trình tìm ra giải pháp cho nan đề. Hợp đồng có nhiệm vụ giúp cho tiến trình tư vấn đi đứng hướng nhằm thẳng mục tiêu cần đạt được. Tư vấn nên sử dụng kỹ năng này như một nền tảng căn bản (template) cho những cảm xúc, tư duy, hành vi của thân chủ được thể nghiệm và thực tập trong quá trình đạt được nhận thức.

Nói một cách khác, quá trình tuân thủ kỹ năng hợp đồng giúp cả hai bên cùng tập trung vào những đề mục nằm trong khuôn khổ kế hoạch được đặt ra. Nhiều lúc, kỹ năng này còn giúp tăng cường sự gắn kết của quan hệ trong tư vấn. Điều này dễ hiểu vì đơn giản là các quan hệ đều được xây dựng trên tinh thần tôn trọng một bản hợp đồng chung, vì trách nhiệm cũng được phân chia rõ ràng, cụ thể, minh bạch. Nói khác đi, tư vấn viên và thân chủ sẽ tôn trọng nhau qua một hình thức thoả thuận đồng ý (agreement).

Thomas và Ezell (1972) liệt kê những thuận lợi của hợp đồng như:

- Bản hợp đồng kết ra với cam kết trách nhiệm của cả hai bên.

- Thân chủ sẽ tránh ỷ lại vì hợp đồng phục vụ như một thời khóa biểu.

- Bản hợp đồng có thể phân ra làm nhiêu tiểu bộ phận, giúp thân chủ theo dõi và thực hiện phần trách nhiệm của họ mà cách khít khao, kịp thời.

- Hợp đồng quy trách nhiệm cụ thể cho mỗi bên.

- Hợp đồng sẽ lập ra một thời khóa biểu, giúp tiến trình tư vấn có kế hoạch và nâng cao tính khả thi của kế hoạch đã đề ra.

Vài gợi ý sau đây do Goodyear và Bradley (1980) cho thấy tại sao hợp đồng là cần thiết:

- Thân chủ có trách nhiệm như quá trình tư vấn là một quá trình làm việc nghiêm túc.

- Thân chủ sẽ thay đổi tốt hơn, khác với tình trạng tiêu cực hiện thời, vì hợp đồng chú trọng đến hành vi cụ thể cần thiết được xúc tiến.

- Liệt kê những hành động để thân chủ có trách nhiệm tham gia đóng góp cụ thể vào nỗ lực tư vấn.

- Có thời hạn nhất định như một thời khóa biểu.

- Liệt kê cụ thể những thay đổi đã tiến bộ, tốt hơn mà thân chủ mong muốn nay đã đạt được.

- Hợp đồng tập trung vào mục tiêu của tiến trình tư vấn là thay đổi tình trạng hiện thời. Ví dụ: Chúng ta sẽ bỏ hẳn hút thuốc lá trong vòng ba tuần nữa.

Một vấn đề cần chú ý là tư vấn viên cần theo dõi và luôn cổ động thân chủ gắn bó với hợp đồng. Nếu không, mục đích và ý nghĩa của hợp đồng coi như lãng phí, vô bổ.

Một ứng dụng quan trọng khác của hợp đồng khi thân chủ có ý định tự tử. Trong bản hợp đồng này, tư vấn viên sẽ có hợp đồng miệng (verbal contract) hay hợp đồng viết có chữ ký (written contract), trong đó thân chủ sẽ cam kết không được làm bất cứ hành động nào trước khi liên lạc với tư vấn viên. Làm gì thì làm, anh phải nói chuyện với tôi trước.

Nhắc lại tiến trình (rehearsal): Là một kỹ năng mỗi tư vấn viên cần thực hiện trong một chu kỳ lịch trình. Việc làm này giúp hai phía tiếp tục đáp ứng những yêu cầu mà bản hợp đồng đã ghi rõ ra. Kỹ năng này cho phép tư vấn viên huấn luyện thân chủ nói ra những điều ghi trong hợp đồng, vì thế, giúp thân chủ sẽ có thêm quyết tâm, đi sát với kế hoạch thực hiện mục tiêu đã ghi ra trong bản hợp đồng (contract).

Hơn nữa, chuyện nhắc lại về hợp đồng sẽ giúp thân chủ có một ý tường rằng họ đã đạt được những tiến bộ nào trong toàn bộ tiến trình tư vấn. À mình đã bỏ được cái thói cằn nhằn ông xã được hai tuần rồi!

Đặc biệt là với những bài tập (homework) yêu cầu sử dụng ngôn ngữ, tư vấn viên cần áp dụng kỹ năng ôn lại (rehearsal) nhiều hơn đối với thân chủ. Ví dụ trường hợp một cô gái cần mạnh dạn phát biểu trước đám đông (như nghề của cô yêu cầu). Quá trình ôn lại sẽ giúp cô tự tin nhiều hơn trong việc mạnh dạn khi trực tiếp đối diện với công việc của mình.

Thuận lợi của kỹ năng nhắc lại đến trình này giúp thân chủ:

- Tập trung vào những hành vi thích ứng liên quan, cần được thực hiện giữa các ca tư vấn. Mình đã thảo luận về việc phải giữ im lặng khi ông xã bạn gắt lên trong vòng hai mươi giây.

- Giúp họ nhìn rõ những tiến bộ của quá trình tư vấn. À, mình đã dám gọi di động cho thủ trưởng rồi.

- Động viên họ nhiều hơn trong việc cải sửa những hành vi cần thay đổi. Bạn đã làm rất tốt công tác là tránh dồn việc cho mỗi cuối tuần.

- Giúp họ đánh giá và sửa đổi những hoạt động cho phù hợp. Bạn phải gặp thẳng giám đốc, thay vì nhét thư qua gầm cửa văn phòng.

- Khuyến khích họ chuyên cần và có trách nhiệm với những hành vi, liệt kê trong hợp đồng. Bạn đã quên rằng mỗi tuần bạn nên bỏ vào quỹ hai trăm ngàn rồi sao? Chúng ta đã thỏa thuận như thế kia mà.

- Giúp họ phấn khởi hơn mỗi khi họ vượt qua một giai đoạn được đặt ra trong tiến trình tư vấn. Ồ! Bạn đã làm được chuyện mà cách đây 3 tháng bạn đã không có can đảm để làm.



3. Một quan hệ đúng nghĩa trong tư vấn

Chúng ta đã mổ xẻ những kỹ năng cần thiết trong quá trình tư vấn. Trong đó những kỹ năng này phục vụ như là những thao tác nhằm củng cố quan hệ giữa thân chủ và tư vấn viên. Khi những kỹ năng này áp dụng đúng, quan hệ giữa thân chủ và tư vấn viên sẽ trở thành một quan hệ hai chiều, tạo ra một kinh nghiệm đồng đội rất có ý nghĩa.

Một quan hệ tư vấn đúng nghĩa (real relationship) là một quan hệ có tổ chức, có tinh thần tôn trọng, và có tính trung thực xuất phát từ cả hai phía: tư vấn viên thực sự muốn giúp và tận tâm với trách nhiệm. Đáp lại tinh thần trách nhiệm đó, thân chủ cũng thật sự đóng góp vào tiến trình tư vấn một cách tích cực và thiết thực. Thế mạnh của một quan hệ tư vấn đúng nghĩa bao gồm những thao tác đi sát với hợp đồng, luôn gặt hái và đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu xử lý nan đề một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, có hạn chế, là nhiều lúc một quan hệ đúng nghĩa, song khi mức độ gắn kết giữa thân chủ và tư vấn viên quá sâu, cứng chắc, có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng không lành mạnh. Nhất là trong tương lai khi quá trình tư vấn sắp kết thúc, nhiều tư vấn viên và thân chủ sẽ phải đối diện với cảm giác khó tách ra. Tất nhiên đây không phải là một điều tích cực, mặc dù điều này có vẻ rất tự nhiên với bản năng cảm xúc của con người. Tuy nhiên đây cũng là mặt trái của nghề này.



4. Kết luận

Trong tư vấn, một quan hệ tốt giữa thân chủ và tư vấn viên sau khi được thiết lập, bước kế tiếp là đưa quan hệ ấy vào hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình sửa đổi và cải tiến hệ tư duy và hành vi của thân chủ. Trong tiến trình tư vấn, cốt lõi chủ yếu là đạt được mục tiêu đề ra trong kế hoạch.

Con đường đưa từ điểm thân chủ cần sửa chữa đến điểm thân chủ bằng lòng với kết quả trị liệu – đạt được nếp suy nghĩ lành mạnh, có những biểu hiện hành vi tích cực trong cuộc sống – là một quá trình phấn đấu. Quá trình phấn đấu ấy không thể đạt được kết quả nếu giữa tư vấn viên và thân chủ không biết duy trì quan hệ ấy để có những xử lý thích hợp.

Trong toàn bộ quá trình tư vấn, những thao tác (kỹ năng) được áp dụng với từng giai đoạn một cách thoả đáng sẽ đem đến những thành công quyết định. Nếu áp dụng có hiệu quả, quan hệ giữa thân chủ và tư vấn viên sẽ trở thành một quan hệ đúng nghĩa, đây là một quan hệ lý tưởng mà mỗi tư vấn viên cần suy nghĩ, coi đó như một mô hình tích cực để họ nhắm đến; mỗi khi họ tiếp nhận một thân chủ mới.


Chương 7
KẾT THÚC MỘT QUAN HỆ TƯ VẤN


1. Dẫn nhập

Burke (1989) định nghĩ việc kết thúc một quá trình tư vấn là một quyết định, có thể là đơn phương, từ phía thân chủ hay từ phía tư vấn viên. Hoặc đây là một quyết định có sự đồng ý của hai bên.

Không phải bất cứ sự kết thúc của một quá trình tư vấn nào cũng diễn ra một cách tự nhiên. Trái lại, có rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến kết thúc dịch vụ tư vấn. Nhiều lúc cuộc tư vấn kết thúc đem lại sự mãn nguyện, bằng lòng cho hai phía. Tất nhiên, không phải trường hợp nào cũng được may mắn như thế.

Ngay cả trong những trường hợp kết thúc một ca tư vấn khi nan đề đã được giải quyết thoả đáng, thân chủ đã tìm ra giải pháp; ta vẫn thấy có cảm giác buồn khi chia tay sau bao nhiêu ngày tháng cộng tác với những nỗ lực vượt khó giữa hai phía. Với những tình trạng này, không thể chối được một thực tế rằng đây là một cảm giác pha trộn giữa những lấn cấn và lo lắng. Phần nhiều những thân chủ sẽ có những băn khoăn nếu họ có thể tự giải quyết được những nan đề trong thời gian tới do một mình họ.

Tình cảm đồng đội (team work) phát triển, trở thành gắn bó sẽ gây ra những bịn rịn khi chia tay. Ảnh hưởng của việc kết thúc một quá trình tư vấn không chỉ ảnh hưởng đến thân chủ, mà nó còn ảnh hưởng đến tư vấn viên. Từ đó, tham khảo về vấn đề này là một điều cần thiết cho mỗi tư vấn viên, những người thường xuyên đối diện với cảm giác chia tay này.

2. Chức năng khi chấm dứt một dịch vụ tư vấn

Giống như bao nhiêu dịch vụ khác, khi giải pháp và điều kiện thỏa thuận bởi hai bên đã đạt được, những đối tác liên quan đến dịch vụ đó sẽ đi đến kết thúc. Dịch vụ tư vấn cũng không phải là một ngoại lệ. Khi thân chủ đã tự giải quyết được nan đề, bước kế tiếp là chuyện kết thúc dịch vụ tư vấn.

Kết thúc dịch vụ tư vấn phục vụ ba chức năng chính: (1) báo hiệu dịch vụ tư vấn đã kết thúc; (2) thời điểm một thân chủ tự điều tiết và duy trì khả năng làm chú hành đi của mình; (3) khẳng định được khả năng xử lý nan đề chuẩn xác của thân chủ, sau khi đã được trang bị bằng một khung tư duy mới.

Mặc dù ở bước khởi điểm, cả thân chủ lẫn tư vấn viên rất mong đến giây phút cả hai bằng lòng với kết quả, khi thân chủ chính thức đạt được những thay đổi (hoặc ít nhất đã có thể tự giải quyết một nan đề). Tuy nhiên khi gần đến thời điểm ấy, bịn rịn là một cảm giác hết sức phổ thông, nếu không nói là khó tránh khỏi.

Với trường hợp thân chủ chưa được trang bị đầy đủ, khi chấm dứt dịch vụ tư vấn, thân chủ đó có khả năng sẽ đánh mất những gì đã học được. Vì kết quả tư vấn chỉ thật sự có ý nghĩa khi thân chủ chính thức vượt qua được cái ải tự bản thân họ giải quyết được những xung đột từ một nan đề nhất định, và khả năng áp dụng với những nan đề trong tương lai.

Với một số dịch vụ tư vấn, bằng nhiều lý do khách quan và chủ quan, vấn đề thông báo về chấm đứt dịch vụ với thân chủ đã không được tư vấn viên đề cập đến, vì thế, thân chủ có thể nói là bị rơi vào tình trạng lệ thuộc vào sự quyết định của tư vấn viên. Đây là một lối thực hành rất thiếu tinh thần đạo đức nghề nghiệp, vì tư vấn viên đã ăn cắp của thân chủ một cơ hội được sống độc lập một mình.

Xuất phát từ những vấn đề vừa nêu, việc kết thúc dịch vụ tư vấn khi cần thiết là điều bất cứ một tư vấn viên nào cũng cần thông báo cho thân chủ của mình. Vấn đề then chốt còn lại là khi nào (when) mới là thời điểm thích hợp khi cả hai bên cùng thỏa thuận. Những tư vấn viên có kinh nghiệm thường nhận ra thời điểm thích hợp để ngừng dịch vụ tư vấn. Song, những tư vấn viên còn mới trong nghiệp vụ thường gặp những trở ngại trong vấn đề này. Hackney và Cormier (1994) đã nêu ra thời điểm thích hợp để kết thúc một dịch vụ tư vấn khi:

- Thân chủ đã đạt được những mục tiêu về tư duy, cảm xúc và hành vi liệt kê rõ trong bản hợp đồng đã được thỏa thuận trước bởi hai phía.

- Khi thân chủ có thể chỉ rõ ra những tiến bộ mà họ phấn đấu và thật sự mãn nguyện với những tiến bộ ấy.

- Nếu như quan hệ giữa thân chủ và tư vấn viên thật sự không có hiệu quả và thân chủ đã không gặt hái được những thành quả nhất định - trong trường hợp này - chấm dứt dịch vụ tư vấn là hiển nhiên.

- Những thay đổi mới nhất (phát sinh ngoài dự đoán) ảnh hưởng đến hợp đồng ban đầu - vượt khả năng nghiệp vụ của tư vấn viên.

3. Những vấn đề liên quan đến kết thúc dịch vụ tư vấn

Chấm dứt một ca hẹn tư vấn (termination sessions): Là điều khoản thường ghi rõ trong hợp đồng, trong đó thân chủ và tư vấn viên sẽ tự động chấm dứt khi thời gian ấn định cho mỗi ca tư vấn, chẳng hạn như 45, 50 phút. Vì thế, tư vấn viên cần chú ý đến yếu tố thời gian, ít nhất là 10 phút trước khi thời gian ngưng ca tư vấn, tư vấn viên nên chuẩn bị, khéo léo (nhưng tránh hấp tấp), trong việc kết thúc ca tư vấn. Quy định thời gian cụ thể sẽ tránh được những trường hợp một ca tư vấn quá ngắn (30 phút) hoặc quá lâu (90 phút). Trong cả hai trường hợp, hiệu quả tư vấn sẽ không cao.

Cần biết, rất quan trọng nếu như thân chủ không cảm thấy tư vấn viên hấp táp, muốn đẩy họ ra khỏi văn phòng. Để tránh điều này tư vấn viên cần tế nhị, khéo léo, tránh không để thân chủ có cam giác bị tổn thương: bị tống ra khỏi văn phòng.

Một điều cần lưu ý là khi chấm dứt ca tư vấn, thân chủ luôn được nhắc nhở và được lấy hẹn cho ca tư vấn đợt tới.

Chấm dứt quan hệ tư vấn (termination counseling): Là kết thúc dịch vụ tư vấn. Điều này rất khác nhau giữa những dịch vụ tư vấn nơi những cá nhân khác nhau. Có khi ở một dịch vụ kết thúc đến sớm, có khi đúng thời điểm, và có khi quá chậm. Một điều đáng nhớ là sau một thời gian chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân và cả những tâm tư sâu kín nhất, cảm giác buồn bởi phải chia tay là điều xảy ra rất tự nhiên và dễ hiểu.

Lý tưởng nhất khi chấm dứt tư vấn là lúc cả hai bên đều nhận ra ý nghĩa tích cực của nó và đồng ý chấm dứt tư vấn vì họ bằng lòng với kết quả thu lượm được trong quá trình tư vấn. Hackney và Cormier (1994) khuyên: sau khi tư vấn đã thực hiện được 3 - 4 tháng, đó là lúc hai bên cần bàn thảo đến vấn đề kết thúc dịch vụ tư vấn. Điều này sẽ có tác dụng tích cực khi cả hai bên cùng có thời gian để thích hợp quen dần với cảm giác chia tay này.

Maholick và Turner (1979) đề nghị những điểm cần lưu ý khi hai bên quyết định đi đến chấm dứt dịch vụ tư vấn:

- Nên kiểm tra nếu vấn đề cần tháo gỡ đã được xử lý hay đã được kiểm soát.

- Những nhân tố gây căng thẳng cho đời sống cá nhân của thân chủ đã được xóa hẳn.

- Kiểm tra xem nếu khả năng sinh hoạt độc lập của thân chủ và khả năng hòa nhập vào đời sống đã đạt đến mức khả quan cần thiết.

- Thẩm định xem nếu thân chủ có thể ứng xử tốt, có khả năng duy trì tình cảm trong đời sống hàng ngày.

- Kiểm tra xem nếu thân chủ có thể độc lập để tính toán, dự định và có kế hoạch làm việc một mình.

- Thẩm định xem nếu thân chủ có thể tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống (vui chơi và giải trí) lành mạnh.

Nói khác đi, tư vấn viên khi quyết định chấm dứt một quá trình tư vấn, cần trả lời những câu hỏi được đặt ra: Nếu như thân chủ có thể sống và sinh hoạt độc lập, bình thường, mà không cần đến sự trợ giúp của một tư vấn viên.

Một hình thức chấm dứt khác gọi là nhạt dần đi (fading away), với hình thức này, thân chủ càng ngày càng cảm thấy không nhất thiết phải cần đến tư vấn viên nữa. Các cuộc hẹn thưa dần và đến một lúc nào đó hai bên không còn gặp nhau nữa. Đây không hẳn là một cách kết thúc tư vấn tích cực, song nhiều lúc nó vẫn xảy ra như thế.

Trong các dịch vụ tư vấn, thân chủ thường có tư tưởng lo lắng về vấn đề kết thúc dịch vụ tư vấn. Họ thường không nhận thức rằng mục tiêu chính trong việc kết thúc tư vấn là tạo cơ hội cho thân chủ có những cơ hội (opportunity) áp dụng những kỹ năng xử lý nan đề qua việc sử dụng khung tư duy mới với những nan đề tương tự xảy ra trong tương lai.

Điều này không dễ dàng với nhiều thân chủ, nhưng với sự cổ vũ của tư vấn viên, đồng thời với việc có một chương trình chăm sóc, quan sát sau khi kết thúc dịch vụ tư vấn (follow-up) sẽ có nhiều cơ hội hơn để thân chủ thật sự an tâm, sẵn sàng làm chủ cuộc sống của họ.

4. Những cản trở thường gặp trong quá trình kết thúc dịch vụ tư vấn

Thân chủ không muốn chấm dứt (resistance from client): Thường xảy ra ở mỗi cuối ca tư vấn và sau khi mục tiêu đã hoàn thành, họ vẫn tiếp tục kì kèo, năn nỉ thêm những cuộc hẹn, tiếp tục mong được duy trì dịch vụ tư vấn tâm lý. Càng xa hơn, có người còn cố tình tạo ra những nan đề và khó khăn mới, nhằm giữ chân tư vấn viên để họ tiếp tục giúp mình.

Mặc dù xuất phát với bất cứ động cơ và chiến lược nào của thân chủ, điều nên làm đối với tư vấn viên là quyết tâm chấm dứt dịch vụ tư vấn vì lợi ích của thân chủ. Tất nhiên với những thân chủ quá lệ thuộc (attached); điều này nên thực hiện chậm, và đều. Tránh quá gấp, như thế sẽ tạo những cảm giác hẫng, phanh gấp, không có lợi cho thân chủ.

Vickio (1990) đã đề nghị vài cách giúp quá trình chấm dứt dịch vụ tư vấn một cách êm ái, nhẹ nhàng:

- Tìm cách lái dịch vụ tư vấn chuyển sang hướng giảm dần về cả mặt thao tác và nội dung tư vấn.

- Giúp thân chủ tìm ra những hành động giải trí lành mạnh khác trong cuộc sống để họ từ từ hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt bình thường.

- Mô tả và giúp thân chủ hiểu được chấm dứt tư vấn là một bước phát triển tốt, thành công.

- Giúp thân chủ biết trân quý những gì họ đã thâu lượm, sẵn sàng tiếp tục nhắm về tương lai phía trước. Tư vấn không thể là một quá trình hãm chân mà phải là một quá trình ứng dụng những kỹ năng học được.

- Vạch ra và nhấn mạnh đến những máng khác của đời sống, cần được khai thác và tận hưởng bởi thân chủ - không nên chỉ chú tâm quá nhiều đến nan đề.

Và tư vấn viên giúp thân chủ tránh những hành vi thụ động, tiêu cực sau đây:

- Đừng quá chủ quan xem chuyện mất mát sau khi chấm dứt dịch vụ tư vấn là không có. Tất nhiên là sẽ buồn khi phải ngưng làm việc với nhau. Đây là một cảm xúc rất tự nhiên, khó tránh, nhưng hoàn toàn bình thường.

- Đừng xem dịch vụ tư vấn là một quan hệ quá lý tưởng, ầm ĩ hóa quan hệ tư vấn. Đây là quan hệ làm việc mang tính trị liệu thuần túy. Cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn.

- Đừng bôi xấu, bôi nhọ sau khi chấm dứt dịch vụ tâm lý. Vì chấm dứt quan hệ tư vấn là một điều tốt, đáng quý, đáng ghi nhớ.

- Đừng tránh né suy nghĩ đến chuyện chia tay. Hãy đối diện với nó trong tinh thần chủ động và trưởng thành.

- Đừng buông tay, bỏ cuộc tất cả những hành vi lành mạnh, thu hoạch được từ dịch vụ tâm lý. Hãy tiếp tục ứng dụng để tìm ra những kinh nghiệm mới mẻ, lành mạnh.

Leners (1983) nêu ra rằng, thân chủ không muốn chấm dứt dịch vụ tư vấn vì họ sợ phải đối diện với thay đổi. Đây là một cảm giác rất thật, đáng được cảm thông. Tâm lý này không tiêu cực, song cũng không lành mạnh xảy ra khi họ lo lắng vào khả năng xử lý của họ. Thân chủ thường hoài nghi khả năng sinh hoạt của họ trong môi trường một khi quan hệ tư vấn được chấm dứt. Tư vấn viên cần trấn an và khơi dậy tinh thần lạc quan của họ.



tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương