QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang17/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

Chánh kinh:

Tránh tụng kinh quan xứ,

Bố úy quân trận trung,

      Niệm bỉ Quán Âm lực,



Chúng oán tất thoái tán,

Diệu Âm, Quán Thế Âm,

Phạm Âm, Hải Triều Âm,

Thắng bỉ thế gian âm,

Thị cố tu thường niệm,

Niệm niệm vật sanh nghi,

Quán Thế Âm tịnh thánh,

Ư khổ não tử ách,

Năng vị tác y hỗ,

Cụ nhất thiết công đức,

Từ nhãn thị chúng sanh,

Phước tụ hải vô lượng,

Thị cố ưng đảnh lễ!

諍訟經官處。

怖畏軍陣中。     

念彼觀音力。

眾怨悉退散。

妙音觀世音。

梵音海潮音。     

勝彼世間音。

是故須常念。

念念勿生疑。

觀世音淨聖。     

於苦惱死厄。

能為作依怙。

具一切功德。

慈眼視眾生。     

福聚海無量。

是故應頂禮。

      (Kiện cãi, qua chỗ quan,

      Trong quân trận kinh hãi,

      Nhờ sức niệm Quán Âm,

      Các oán thảy lui tan,

      Diệu Âm, Quán Thế Âm,



Phạm Âm, Hải Triều Âm,

Hơn tiếng thế gian kia,

Vì thế phải thường niệm.

Niệm niệm chớ sanh nghi,

Quán Thế Âm tịnh thánh,

Trong khổ não, nạn chết,

Thường làm chỗ nương dựa,

Đủ hết thảy công đức,

Mắt từ nhìn chúng sanh,

Chứa phước biển vô lượng,

Vì thế phải đảnh lễ!)
Đây là đoạn kệ tụng cuối cùng thuộc phần hiển thị sự du hóa trong thế giới Sa Bà kết thúc phần thuyết minh phương tiện du hóa của Quán Thế Âm Bồ Tát. Chúng sanh trong thế giới Sa Bà đặc biệt là nhân loại, từ cổ đến nay đấu tranh kiên cố, rất khó đối xử hòa thuận vui vẻ với nhau, thường vì những chuyện nhỏ nhặt bèn phát sanh những tranh chấp không cần thiết, đến nỗi tranh tụng nơi cửa quan. Chẳng riêng gì người ngoài như thế, ngay đến chồng vợ, cha con, anh em v.v… cũng đem nhau ra tòa rất nhiều. Nếu như có người vì tranh chấp bèn đi thưa kiện, lúc phải ra pháp đình hoặc phải đối chất trước mặt nhân viên tư pháp, khó tránh khỏi sợ bị thua kiện; nói thật ra, kiện tụng là chuyện chẳng đáng nên làm nhất, bởi lẽ dù hữu lý hay vô lý, kết quả nói chung đều bất lợi cho chính mình. Giả sử có người vì tranh tụng phải đến cửa quan (“qua chỗ quan”), cảm thấy rất sợ hãi, nếu có thể niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, liền được oai lực Quán Âm gia bị, khiến cho người ấy ngay khi đó giải quyết mối tranh chấp một cách hòa bình, đôi bên nói năng tử tế với nhau, không còn phải gặp nhau ở pháp đình nữa. Như vậy túc oán giữa hai bên nhanh chóng tiêu trừ, trở thành bạn bè rất thân thiết.

Chẳng riêng gì con người tranh chấp nhau, ngay cả nước này với nước kia cũng tranh giành không ngừng; bởi vậy thế giới này của chúng ta từ trước đến nay chưa có được ngày nào hòa bình. Có người nói: “Lịch sử nhân loại là lịch sử chiến tranh”, thật chẳng sai tí nào! Chiến tranh là quân đội đôi bên đối địch bày trận tuyến, giữ nghiêm mặt trận đợi thời cơ, đến lúc hai bên giao phong, tự nhiên chẳng bên nào tránh khỏi thương vong. Cứ nghĩ mỗi một sanh mạng đang sống vui khỏe, từng người một ngã lăn ra, tự nhiên người ta cảm thấy sợ hãi. Vì thế nói là “bố úy quân trận trung” (trong quân trận kinh hãi). Ngay trong lúc binh tai chiến họa nguy hiểm kinh sợ khẩn cấp, nếu có thể niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, ngửa nhờ oai lực Bồ Tát gia bị, các oán địch thảy đều tan lui, can qua hóa thành ngọc bạch, sống đời hòa bình. Chữ “chúng oán” trong bài kệ tụng không những chỉ các quân trận đối địch mà còn gồm cả oán cừu thưa kiện. Do niệm đức Quán Âm, được thánh đức cảm hóa, hối lỗi cái tâm trước kia, bởi thế đều tan lui cả.

Trong phần Ý Nghiệp Phổ Quán ở trên có nói đến Ngũ Quán của đức Quán Âm. Trong phần Du Hóa Sa Bà này lại nói đến Ngũ Âm của đức Quán Âm. Ngũ Quán là Năng Quán Trí của Bồ Tát; còn Ngũ Âm có cái là Sở Quán Cảnh (cảnh được quán) của Bồ Tát, có cái là Thuyết Pháp Âm (âm thanh thuyết pháp) của Bồ Tát; dùng năm âm này để giải thích duyên do Bồ Tát có danh hiệu Quán Thế Âm. Có người nói Ngũ Âm này đều hình dung Quán Âm Bồ Tát thuyết pháp thanh tịnh và mỹ diệu, thật ra không phải cả năm âm đều như thế.

Chẳng hạn như Diệu Âm không cần phải giải thích cách nào khác, mà chỉ là chuyên nói về âm thanh tụng niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Do âm thanh niệm thánh hiệu Bồ Tát chính là âm thanh vi diệu chẳng thể nghĩ bàn nên gọi là Diệu Âm.

Quán Thế Âm nghĩa là quán chiếu hết thảy âm thanh trì danh kêu cứu, lập tức không cõi nào chẳng hiện thân, tìm âm thanh đó để đến cứu tế; bởi thế gọi là Quán Thế Âm.

Chữ Phạm trong Phạm Âm có nghĩa là thanh tịnh, khiết bạch, tức là dù pháp thế gian hay xuất thế gian của Quán Âm Bồ Tát đều thanh tịnh, vô cấu nhiễm. Phẩm Tự kinh Pháp Hoa nói: “Quán âm vi diệu, linh nhân nhạo văn” (xem âm thanh vi diệu khiến người thích nghe). Kinh Hoa Nghiêm nói: “Diễn xuất thanh tịnh vi diệu phạm âm, tuyên dương tối thượng vô thượng chánh pháp, văn giả hoan hỷ, đắc tịnh diệu đạo” (Diễn nói phạm âm thanh tịnh vi diệu, tuyên bày chánh pháp tối thượng, vô thượng, người nghe hoan hỷ đắc đạo tịnh diệu). Sách Pháp Hoa Văn Cú viết: “Phật được quả báo âm thanh thanh tịnh, mầu nhiệm nhất, nên hiệu là Phạm Âm”.

Hải Triều Âm là tiếng lớn như tiếng hải triều ầm vang, như lúc hải triều (sóng biển) lên cao phát ra âm vang tột bậc hùng tráng mênh mông. Đã thế, hải triều lên xuống có thời gian nhất định, từ xưa đến nay chẳng sai chạy. Như sách Nghĩa Sớ của ngài Trường Thủy viết: “Trống trời không suy nghĩ, tùy theo con người mà phát ra tiếng vang; hải triều vô niệm, chưa hề sai thời”. Điều này ví như Bồ Tát thuyết pháp đúng lúc, chưa hề sai thời gian, căn cơ, như chúng sanh lúc nào được đắc độ thì ngay lúc đó Bồ Tát bèn thuyết pháp cho; nên giảng pháp nào mới độ được thì Bồ Tát liền giảng cho chúng sanh pháp đó, giống như hải triều chẳng sai giờ, bởi thế gọi là Hải Triều Âm.

Thắng bỉ thế gian âm” (Hơn tiếng thế gian kia): Có người nói âm thanh niệm Quán Thế Âm Bồ Tát giống như Phạm Âm, như Hải Triều Âm, vượt trỗi hết thảy âm thanh thế gian, vì thế là Phật tử phải thường nên xưng niệm thì mới hòng đạt được lợi ích thực tế. Có người nói Quán Âm đại sĩ đối với căn cơ của chúng sanh trong thập giới có thể nói các pháp thập giới bất đồng, nhưng âm thanh ấy thanh tịnh, âm thanh thế gian trọn chẳng thể bằng, bởi thế chúng ta phải thường niệm tụng. Thuyết trước là ước theo âm thanh niệm thánh hiệu Đại Sĩ mà luận; thuyết sau là ước theo âm thanh của Đại Sĩ vì chúng sanh thuyết pháp mà luận. Cả hai thuyết đều có lý, nhưng tôi nghĩ thuyết trước hợp lý hơn.

Đức Phật đau lòng rát miệng khuyên răn chúng sanh, muốn chúng ta thường xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, nhưng trong lúc chúng ta niệm, niệm trước, niệm sau, niệm niệm chớ nên sanh khởi một niệm nghi hoặc nào; nếu không, niệm thánh hiệu Quán Âm chẳng có ích gì! Nên biết Nghi là đại địch của Tín, nếu có một nghi niệm tồn tại, quý vị sẽ chẳng thể chuyên tâm nhất ý niệm được. Do vậy, chẳng thể chân thật, thiết tha chí thành niệm; tự nhiên khó thể cảm ứng Bồ Tát. Nếu muốn cảm ứng Ngài đến cứu tế khổ nạn cho chúng ta, quý vị phải ngưỡng mộ mà niệm Ngài, không mảy may nghi ngờ gì! Phải biết Quán Thế Âm Bồ Tát là Bổ Xứ Đại Sĩ, đã đoạn sạch hết thảy phiền não tạp nhiễm, chẳng giống với các Bồ Tát chưa đoạn sạch phiền não vô minh khác, nên Ngài được tôn là “tịnh thánh” tức là bậc thánh giả thanh tịnh. Nhưng chúng ta sanh tử trong khổ não, bất luận gặp phải ách nạn nào, nếu quý vị có thể nhất tâm xưng danh, Quán Thế Âm tịnh thánh liền có thể làm bậc cha lành cho chúng ta nương nhờ, làm bậc từ mẫu cho chúng ta nương cậy. Nói cách khác, chúng sanh trong thế gian này gặp bất cứ tai nạn nào thì Quán Thế Âm luôn là người nương nhờ đắc lực cho chúng ta.

     Thêm nữa, Quán Âm Bồ Tát đầy đủ hết thảy vô lượng công đức. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển chín chép: “Nói đến Công Đức thì Công là công năng; điều thiện có công năng tươi nhuận phước lợi, vì thế gọi là Công. Công ấy là đức sẵn có của thiện hạnh nên gọi là Công Đức”. Sách Nhân Vương Kinh Sớ, quyển thượng của ngài Thiên Thai có câu: “Thí vật là Công, quy về mình là Đức”. Sách Thắng Man Bảo Quật, quyển thượng viết: “Ác hết là Công, thiện viên mãn là Đức. Đức còn là được, do công tu mà có được, nên gọi là Công Đức”. Quán Âm đầy đủ các công đức, thường dùng “Từ nhãn” (mắt Từ) bình đẳng quán sát hết thảy chúng sanh, như con cùng một cha mẹ được yêu thương, che chở, chẳng hề đối đãi bất đồng; vì hễ con cái gặp khốn khó, hoạn nạn nào, cha mẹ đều là chỗ nương cậy duy nhất cho con.

Quán Âm Bồ Tát tích công chứa đức, tất cả công đức Ngài tích tụ rộng lớn như biển vô lượng vô biên. Do vì như vậy, chúng sanh phải thường đảnh lễ, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát. Đảnh lễ tức là ngũ thể đầu địa (năm vóc gieo xuống đất), như nói “đầu diện lễ túc” (đầu mặt lễ dưới chân), hoặc “đảnh lễ Phật túc” (đảnh lễ chân Phật). Trong con người không gì quý hơn đảnh đầu, thấp hèn nhất không gì bằng chân. Nay dùng đảnh đầu tôn quý nhất của mình để đảnh lễ chân thấp hèn của người, nói như bây giờ là lễ kính đến cùng cực.

 

3. Văn phẩm hoạch ích (nghe phẩm kinh này được lợi ích)



3.1. Trì Địa xưng dương (Bồ Tát Trì Địa ca ngợi)
      Chánh kinh:

      Nhĩ thời, Trì Địa Bồ Tát tức tùng tòa khởi, tiền bạch Phật ngôn:

      - Thế Tôn! Nhược hữu chúng sanh văn thị Quán Thế Âm Bồ Tát phẩm, tự tại chi nghiệp, phổ môn thị hiện thần thông lực giả, đương tri thị nhân công đức bất thiểu.

爾時持地菩薩即從座起。前白佛言。世尊。若有眾生。聞是觀世音菩薩品自在之業。普門示現神通力者。當知是人功德不少。

(Lúc bấy giờ, Trì Địa Bồ Tát liền từ tòa đứng dậy, bạch trước đức Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát, nghiệp tự tại, sức thần thông phổ môn thị hiện này thì phải biết là người ấy công đức chẳng ít).

Chữ “nhĩ thời” chỉ lúc Phật nói xong phần Kệ Tụng. Ngay lúc đó, có vị Trì Địa Bồ Tát liền từ tòa của mình đứng dậy, đến trước đức Phật, bạch cùng đức Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Trong thế gian này, nếu có những chúng sanh nào có nhân duyên thù thắng, nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát này, hiểu rõ nghiệp tự tại cứu độ chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn của Quán Thế Âm Bồ Tát, “phổ môn thị hiện” không chỗ nào chẳng hiện thân, sức thần thông không khổ nào chẳng cứu, phải biết là người được nghe phẩm Phổ Môn này đạt được công đức thật chẳng ít vậy.

Do đây ta biết: Chúng ta nếu được nghe Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn phẩm, công đức rất lớn như thế đó, nhưng phát tâm nghe phẩm này thì tốt nhất là phải nghe từ đầu đến đuôi, chẳng gián đoạn giữa chừng, nếu nghe một lần, nghỉ hai ba lần, dù không phải là không có công đức, nhưng công đức ấy rất nhỏ.

Theo kinh Lăng Nghiêm giới thiệu, Trì Địa Bồ Tát trong quá khứ, lúc Phổ Quang Như Lai xuất hiện trong đời, từng xuất gia làm một vị tỳ-kheo, nhưng Ngài là một người khổ não, kém học thức. Dầu tâm làm lợi cho người khác rất khẩn thiết, chịu làm các công việc nhọc nhằn, lợi ích khắp xã hội nhân quần, thiệt mình, lợi người, đầy đủ tấm lòng Bồ Tát, nhưng rất tiếc là chưa từng được nghe Phật pháp, chẳng hiểu biết lẽ đạo như thế nào. Bởi thế làm các việc hữu ích cho xã hội toàn là do thiên tánh sai khiến, ngầm hợp với hạnh Bồ Tát mà thôi! Ngài sanh ra rất mạnh mẽ, có sức, suốt ngày ở bên cầu, bên đường, gặp người mang vác nặng nề, nhất định đội thay, vác thay qua cầu; hoặc nếu xe không tiến lên được, ắt sẽ thay họ đẩy kéo, chẳng nhận công, chẳng nhận lời cảm tạ. Thấy đường có chỗ không phẳng, hễ lồi liền san thấp, hễ lõm liền đắp cho bằng, hoặc ra sức tu bổ cầu cống, mọi người đều gọi Ngài là Trì Địa. Tuy khổ tâm nhọc nhằn khắp nơi, dụng tâm rất tốt, nhưng chưa từng thấy hiệu quả gì. Siêng khổ như thế, trải qua vô lượng đức Phật xuất hiện trong đời, sau cùng gặp được Tỳ Xá Phù Phật. Trì Địa gặp đức Phật trên đường đến chỗ quốc vương nhận cúng dường, Tỳ Xá Phù Phật thân thiết xoa đầu ông ta nói:

- Ông làm rất nhiều việc công ích từ thiện, cứu tế rộng rãi chẳng ít người khốn khó, gian nan, đương nhiên là hy hữu khó có, nhưng chỉ dụng công trên mặt vật chất, chẳng biết dụng công nơi tâm địa, nên rất khó có hiệu quả. Phải biết đại địa bên ngoài bất bình (không bằng phẳng) là do tâm địa bất bình. Muốn bình đại địa, phải bình tự tâm trước đã. Nếu tâm địa bình, thế giới, đại địa hết thảy đều bình.

Trì Địa Bồ Tát nghe Tỳ Xá Phù Phật khai thị như thế, lập tức tâm địa đốn khai, thấy vi trần trong tự thân và tất cả vi trần tạo thành thế giới hoàn toàn bình đẳng vô sai biệt, vì thế Ngài trở thành Trì Địa Bồ Tát.

 

3.2. Thời chúng phát tâm (đại chúng hiện diện trong lúc ấy phát tâm)


      Chánh kinh:

      Phật thuyết thị Phổ Môn phẩm thời, chúng trung bát vạn tứ thiên chúng sanh giai phát Vô Đẳng Đẳng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm.



佛說是普門品時。眾中八萬四千眾生皆發無等等阿耨多羅三藐三菩提心。

      (Lúc Phật nói phẩm Phổ Môn này, tám vạn bốn ngàn chúng sanh trong đại chúng đều phát tâm Vô Đẳng Đẳng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).


      Lúc đức Thích Ca Mâu Ni Phật nói phẩm Phổ Môn này, không riêng gì Bồ Tát Trì Địa Bồ Tát được công đức không ít, mà trong số đại chúng hiện diện nghe giảng, cũng có “tám vạn bốn ngàn chúng sanh” nghe xong, lập tức đều phát “tâm Vô Đẳng Đẳng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

      Tám vạn bốn ngàn là nói số nhiều, ở Ấn Độ, khi nói đến số nhiều, thường dùng con số tám vạn bốn ngàn để nói. Nêu thí dụ: Trong phẩm Diệu Âm Bồ Tát kinh Pháp Hoa có nói: “Dữ Diệu Âm Bồ Tát câu lai giả, bát vạn tứ thiên nhân” (Cùng đến với Diệu Âm Bồ Tát là tám vạn bốn ngàn người). Lại chép: “Dữ bát vạn tứ thiên Bồ Tát vi nhiễu” (Và tám vạn bốn ngàn Bồ Tát vây quanh). Còn chép: “Thị bát vạn tứ thiên Bồ Tát đắc Hiện Nhất Thiết Sắc Thân tam-muội” (Tám vạn bốn ngàn Bồ Tát này đắc Hiện Nhất Thiết Sắc Thân tam-muội). Phẩm Hiện Bảo Tháp kinh Pháp Hoa chép: “Hỏa diệt dĩ hậu, thâu thủ xá-lợi, tác bát vạn tứ thiên bảo bình, dĩ khởi bát vạn tứ thiên tháp” (Sau khi lửa tắt, thâu lấy xá-lợi, làm tám vạn bốn ngàn cái bình báu [để đựng], dựng tám vạn bốn ngàn tháp). Kinh Vô Lượng Thọ còn ghi liên hoàn như sau: “Vô Lượng Thọ Phật, hữu bát vạn tứ thiên tướng. Nhất nhất tướng, các hữu bát vạn tứ thiên tùy hình hảo. Nhất nhất hảo, phục hữu bát vạn tứ thiên quang minh, nhất nhất quang minh biến chiếu thập phương thế giới” (Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi một tướng có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo, mỗi một [tùy hình] hảo lại có tám vạn bốn ngàn quang minh, mỗi một quang minh chiếu khắp mười phương thế giới). Trí Độ Luận viết: “Bát Nhã Ba La Mật trừ được tám vạn bốn ngàn bệnh căn bản”, lại viết: “Tám vạn bốn ngàn quan thuộc ai nấy đều cũng đắc đạo”. Trong kinh luận nói tám vạn bốn ngàn như thế rất nhiều, chúng ta phải hiểu “tám vạn bốn ngàn” ngụ ý một con số rất lớn, chứ không nhất định chỉ có tám vạn bốn ngàn thôi đâu!

Vô đẳng đẳng”: Phật là tối cao tối thượng, không có gì có thể bằng được, nhưng Phật Phật đạo đồng, chư Phật và chư Phật bình đẳng nên gọi là Vô Đẳng Đẳng. Bản chú giải kinh Duy Ma Cật của ngài Tăng Triệu, quyển một viết: “Chư Phật gọi là Vô Đẳng (không ai sánh bằng), nhưng bình đẳng với chư Phật, nên gọi là Vô Đẳng Đẳng”. Trí Độ Luận, quyển bốn mươi viết: “Vô Đẳng Đẳng: Chư Phật gọi là Vô Đẳng, ngang bằng với chư Phật nên gọi là Vô Đẳng Đẳng”. Sách Tịnh Ảnh Sớ ghi: “So với những chúng sanh khác, không ai bằng được Phật nên gọi là Vô Đẳng; đạo của chư Phật là bình đẳng, nên lại nói là Đẳng”. Bản sớ giải kinh Pháp Hoa của ngài Gia Tường, quyển mười hai ghi: “Phật đạo không gì bằng được, chỉ có Phật với Phật mới bằng được, nên đạo ấy gọi là Vô Đẳng Đẳng”. Theo những cách giải thích trên đây, ta biết là chỉ có đức Phật mới được gọi là Vô Đẳng Đẳng.

A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề là tiếng Ấn Độ, Hán dịch là Vô Thượng Chánh Biến Tri, hoặc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, hoặc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tách ra mà nói thì A Nậu Đa La dịch là Vô Thượng; Tam Miệu Tam Bồ Đề dịch là Chánh Biến Tri. Giác ngộ được hết thảy chân lý chân chánh bình đẳng là công dụng vô thượng của trí huệ. Theo Trí Độ Luận: “Chỉ mình trí huệ của đức Phật mới gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Chánh Giác là phân biệt với phàm phu chỉ mê không giác, Chánh Đẳng để phân biệt với Nhị Thừa giác nhưng chẳng phổ biến, Vô Thượng là phân biệt với Bồ Tát vẫn chưa giác rốt ráo viên mãn. Phát Vô Đẳng Đẳng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm, nói đơn giản là phát Bồ Đề tâm, nghĩa là lấy bi trí viên thành đại giác đại giải thoát làm mục tiêu, mong chính mình thành tựu đại giác như thế, đó là phát Bồ Đề tâm.

Ai ai cũng có thể thành Phật, vấn đề là chúng ta có chịu phát tâm Bồ Đề hay không? Nếu phát tâm đại Bồ Đề, nhất định sẽ thành Vô Thượng Đại Giác. Quán Âm là Bồ Tát đã phát đại tâm, nếu muốn được Bồ Tát cứu tế, thì phải phát tâm tương ứng với bi nguyện của Bồ Tát.

Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký hết

(dịch xong ngày 14 tháng 10 năm 2004, tăng đính ngày 28 tháng 12 năm 2011)

 


1 Lư Câu Kiều Sự biến còn gọi là Thất Thất Sự Biến (biến cố ngày mồng Bảy tháng Bảy). Với mục đích tìm cớ gây hấn để có cớ tấn công, chiếm thêm lãnh thổ, quân Nhật liên tục tập trận trên đất Trung Hoa từ tháng Sáu năm 1937. Ngày Bảy tháng Bảy, quân Nhật tự ý kéo đến gần chỗ đóng quân của quân đội Quốc Dân Đảng tập trận, rồi tuyên bố một binh sĩ Nhật bị bắt cóc, đòi lục soát huyện thành Uyển Bình (thuộc trấn Lư Câu Kiều, ngoại ô Bắc Kinh). Quân Trung Hoa cự tuyệt, bên quân Nhật bèn nổ súng tấn công, chiếm thành. Chiến tranh Trung - Nhật chính thức nổ ra.

2 Tấn sơn thăng tòa: chính thức đảm nhận vai trò trụ trì, thường gọi tắt là "tấn sơn".

3 Sư thành tức là thành phố Tân Gia Ba, vì Singapore bắt nguồn từ chữ Simhapura (thành phố sư tử).

4 Ngư Lam Quán Âm: Quán Âm tay cầm giỏ cá, tạc theo sự tích Quán Âm thu phục con cá chép thành tinh.

Tống Tử Quán Âm: Tượng Quán Âm bồng một đứa bé, tạc theo bổn nguyện cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái. Những người hiếm muộn thường cầu con nơi tượng này.

Bạch Y Quán Âm: Quán Âm mặc áo trắng.

Bát Tý Quán Âm, Thập Lục Tý Quán Âm: Quán Âm tám tay hay mười sáu tay.



Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm: Quán Âm ngàn mắt ngàn tay, hình tượng Bồ Tát biến hiện khi nói chú Đại Bi.

5 Chữ Quang ở đây là ánh sáng

6 Trong tiếng Hán cổ, “tuần” có nghĩa là mười ngày.

7 Một đấu là mười thưng, nay một đấu chỉ có ba thưng, tức là còn bảy (thất) thưng chưa kể. Chỉ có ba thưng gạo, tức bảy thưng kia phải là cám (tiếng Hán là Khang 糠, đồng âm với họ Khang 康). Ghép hai chữ này thành Khang Thất hoặc Thất Khang.

8 Đài Phong: một loại bão dữ dội ở vùng cận nhiệt đới Thái Bình Dương, ta thường gọi là bão nhiệt đới. Có lẽ chữ “typhoon” chỉ cơn bão nhiệt đới trong vùng Thái Bình Dương là do người Anh mượn âm từ chữ này.

9 Bản tử: Một loại thước to bản, dẹp, dùng để đánh tội nhân.

10 Phẫn não: Ý niệm phẫn nộ, não loạn tâm địa của chính mình.

11 Người đàn bà không thể sanh con đẻ cái gọi là Thạch Nữ.

12 Tổng Lý: Hiện thời, người Hoa gọi chức vụ Thủ Tướng là Tổng Lý

13 Hành Chánh Viện Viện Trưởng là chức vụ đứng đầu cơ quan hành pháp của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), tương đương với Thủ Tướng.

14 Pháp điển Ma Nô (còn gọi là Mānava-Dharmaśāstra), hoặc được biết dưới tên Laws of Manu) là luật điển của Ấn Độ Giáo, tương truyền do chính Phạm Thiên nói ra, do con của Phạm Thiên là Manu truyền lại cho các bà-la-môn, giải thích vũ trụ quan theo Ấn Độ Giáo cũng như những quy định ngặt nghèo về giai cấp.

15 Lưu Tống là một triều đại vào thời Nam Bắc Triều, tồn tại từ năm 420 đến 479, do Lưu Dũ (Tống Cao Tổ Vũ Đế) sáng lập, truyền được 5 đời vua, đóng đô tại Kiến Khang (Nam Kinh). Gọi là Lưu Tống để phân biệt với nhà Tống của Triệu Khuông Dẫn (Triệu Tống), tức Bắc Tống và Nam Tống sau này.

16 Trong Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, pháp sư Viên Anh giảng: “Địa vị chánh đáng của nữ giới là ở trong gia đình nên gọi là Nội Chánh. Mọi chuyện trong gia đình do nữ nhân chủ trì, hiếu kính bố mẹ chồng, giáo dục con cái, đấy là Nội Chánh. Tuy sang cả vẫn siêng năng, tuy giàu có vẫn tiết kiệm, trinh, tĩnh, kín đáo, nhàn nhã, dùng những điều ấy để trau giồi đức hạnh của người nữ nên gọi là Lập Thân.... Do dùng Nội Chánh để Lập Thân, nên thân được trau giồi, cảm hóa người trong gia đình, ảnh hưởng đến toàn bộ quốc gia. Chữ Gia chỉ chung từ bậc đại phu trở lên, chữ Quốc chỉ từ bậc chư hầu trở lên. Nữ nhân có thể dùng Nội Chánh để lập thân, tu thân thì đấy chính là cái gốc để tề gia trị quốc... Nữ Chúa: Vợ của thiên tử (tức hoàng hậu). Quốc phu nhân: Vợ của các vị đứng đầu các bang, các quận. Mạng phụ: Những người vợ được nhận bằng sắc phong tước của triều đình, tức là những người do chồng làm quan mà vợ được phong tước. Đại gia: Những bậc tài lẫn đức cùng trọn đủ, có thể làm thầy cho các bậc nữ chúa, như vợ của ông Tào Thế Thục đời Hán, do thường theo con gái của Ban Siêu vào cung, giảng dạy hoàng hậu và các quý nhân nên cõi đời gọi bà là Tào Đại Gia”.

17 Đây là những tiếng lóng chỉ các thiếu niên nam nữ băng đảng.

18 Tứ chúng: tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.

Thất chúng: tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni, thức-xoa-ma-na, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.



19 Kim Sơn là bảy rặng núi bao quanh núi Tu Di từ ngoài vào trong (không tính núi Thiết Vi), giữa các rặng núi này là biển Hương Thủy Bảy ngọn Kim Sơn là Nimindhara, Vinadhara, Aśvakarna, Sudarśana, Khadiraka, Isadhara, và Yugandhara.

20 Đây là quan điểm của riêng của đại sư. Theo thiển ý, núi Tu Di không phải là Hỷ Mã Lạp Sơn vì theo như mô tả trong kinh Phật, núi Tu Di có hương thủy hải giáp vòng, bảy rặng núi vây quanh v.v…. kỳ vĩ hơn Hỷ Mã Lạp Nhã rất nhiều. Có vị giải thích núi Tu Di tương ứng với một thái dương hệ nghe ra khả tín hơn. Hòa thượng Tịnh Không đều cho rằng một đơn vị thế giới bao gồm cả một thái dương hệ. Cụ Hoàng Niệm Tổ còn đi xa hơn, cho một thế giới là một Ngân Hà Hệ (galaxy); nhưng cả hai cùng xác quyết núi Tu Di không thuộc địa cầu.

21 Băng tinh (Ice crystal) là những hạt nước đóng thành băng trên không, chúng là hạt nhân của những đám mây chứa mưa.




tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương