QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang2/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

LỜI TỰA

 

      Phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa và phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện kinh Hoa Nghiêm là hai phẩm kinh được lưu hành phổ biến nhất trong giới Phật Giáo Trung Quốc, nhưng phẩm Phổ Môn được đọc tụng, hoằng truyền phổ biến thịnh hành nhất. Nguyên nhân là do Quán Âm đại sĩ tâm từ bi thiết tha, có nhân duyên rất sâu đậm đối với Sa Bà; bởi thế, tuy Ngài vào khắp mười phương cõi nước, nhưng thường trụ trong cõi Sa Bà này để hóa độ kẻ hữu duyên.



      Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: Đại Sĩ công đức rất sâu vô lượng, chẳng riêng gì kẻ trí huệ nhỏ nhoi chẳng thể liếc thấy một phần trong vạn phần, ngay cả Phổ Hiền Bồ Tát là bậc hạnh nguyện rộng lớn cũng chẳng thể suy lường chừng bằng sợi lông, giọt nước. Chúng ta là hạng phàm phu khổ não trói buộc đầy dẫy, làm sao có thể tuyên dương một phần trong trăm phần vạn ức phần công đức của Bồ Tát?

      Thế nhưng nghĩ đến Bồ Tát đại từ, tâm niệm độ sanh thiết tha, tâm bi ân cần cứu khổ cứu nạn, đối với công ân tùy hình tùy loại tầm thanh cứu khổ của Bồ Tát, há lẽ chẳng nên cực lực tán ngưỡng? Bởi thế, mỗi khi xuất ngoại hoằng hóa, tôi thường tuyên dương công đức Đại Sĩ, mà đa số thính chúng cũng thích nghe thệ nguyện rộng sâu của Đại Sĩ.

Mùa Xuân năm Dân Quốc 50 (1961), sang Việt Nam hoằng hóa lần thứ hai, Trụ Trì chùa Vạn Phật ở Chợ Lớn cung thỉnh tôi giảng phẩm Phổ Môn, tôi bèn chấp nhận giảng cho đại chúng. Lúc ấy, do cư sĩ Tịnh Thắng ghi chép lời giảng, nhưng vì quá nửa thời gian cứ mải miết hoằng pháp ở ngoại quốc, nguyên cảo rốt cuộc để đâu mất, thủy chung không cách nào tìm lại được, đến nỗi chưa thể xuất bản thành sách!

Năm Dân Quốc 56 (1967), tại pháp hội thuyết pháp mỗi tuần ở Bồ Đề Lan Nhã thuộc Singapore, theo yêu cầu của thính chúng, tôi đặc biệt chọn giảng phẩm Phổ Môn, do pháp sư Tịnh Khải dịch sang tiếng Quảng Đông, đồng thời sư cô còn phát tâm đem bản ghi lời giảng mỗi tuần trình cho tôi xem. Xem xong, biết ghi chép không lầm, tôi lại sửa chữa đôi chút, cho đến khi giảng xong, hoàn thành hơn mười vạn chữ.

      Hoàn thành bản Giảng Ký này, nếu bảo có kiến giải đặc sắc gì, tôi chẳng dám nhận lấy, chỉ dám thừa nhận là những lời thông tục dễ hiểu. Nhận thấy Phật tử Trung Quốc đọc tụng phẩm Phổ Môn rất nhiều, ắt chẳng ít người muốn hiểu rõ nội dung. Đó là hiện tượng đáng mừng ít có, bởi lẽ chẳng những tin nhận Phật pháp mà còn muốn hiểu rõ nữa.

      Nếu tôi không lầm, những bản chú thích liên quan đến phẩm Phổ Môn xưa nay thật sự rất nhiều, nhưng những bản khiến đại chúng xem đến có thể hiểu được lại không nhiều. Lúc tôi giảng phẩm này, vì mong đại chúng nghe hiểu được lời giảng, nên chỉ tích cực chọn lấy những điểm nông cạn nơi những nghĩa thẳm sâu, người chép lại cứ chép đúng theo lời tôi giảng, lại vận dụng tài viết lách sắp xếp lại, khiến cho bản Giảng Ký này rất dễ đọc.

      Với một phẩm Phổ Môn, đức Phật muốn làm cho hết thảy chúng sanh nhất tâm xưng niệm Quán Âm. Đức Quán Âm một thân vì khắp mười phương chúng sanh thị hiện các thứ sắc thân. Bởi thế, trong mọi hang cùng ngõ tận nước ta, kẻ ngu phu, ngu phụ không ai chẳng biết đến đức hiệu của Đại Sĩ, không ai chẳng tôn phụng thánh tượng Đại Sĩ, đủ thấy Quán Âm Bồ Tát đại từ đại bi rộng nhiếp quần cơ và lợi khắp trời người như thế đó!

      Trong thế giới Sa Bà này, có thể nói là Quán Âm Bồ Tát không lúc nào chẳng qua lại quanh quẩn bên chúng ta, vấn đề là mức độ thành kính của chúng ta đối với Bồ Tát như thế nào? Đối với Bồ Tát quý vị thành kính một phần, sẽ gần được Bồ Tát một phần. Đấy là điều tuyệt đối, chẳng còn nghi ngờ chút nào nữa.

      Bởi thế tôi nguyện mọi người trên thế giới, nhằm lúc mùa Thu lắm hoạn nạn này, hãy cùng niệm thánh hiệu Quán Âm để cầu Bồ Tát gia bị, hiện đời thân tâm yên vui, mạnh khỏe, đời sau rốt ráo giải thoát!

Singapore, ngày mồng Mười tháng Tám Phật lịch 2511 (1967),

đề tựa tại giảng đường Linh Phong Bát Nhã.
 

QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

PHỔ MÔN PHẨM GIẢNG KÝ

  

I. Những điều khái lược sơ khởi


       Chư vị pháp sư! Chư vị cư sĩ!

      Thời gian trôi qua quá nhanh, mỗi năm một độ Tân Xuân đã qua mất rồi. Từ hôm nay trở đi, tôi lại cùng các vị giảng luận Phật pháp đôi chút. Năm ngoái, cùng quý vị giảng kinh Thắng Man, xét về mặt lý luận khá sâu, người nghe cảm thấy hơi tốn sức, năm nay tôi đặc biệt chọn phẩm Phổ Môn để giảng cho quý vị, là phẩm kinh mọi người thường đọc tụng, nhất định nghe giảng sẽ dễ hiểu hơn. Thật ra, kinh Thắng Man và Pháp Hoa đều cùng là đại pháp Nhất Thừa, đều là vì căn cơ tối thượng thừa mà nói, chẳng có trí huệ tương đương sẽ chẳng dễ tiếp thọ, nhưng phẩm Phổ Môn này chuyên giảng những sự trong thực tế, chẳng quá khó hiểu chi lắm.

      Năm nay cùng chư vị tuyên giảng Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm, trong thời đại hỗn loạn hiện thời, tôi cho là rất có ý nghĩa. Sống còn trong thời đại này, ai nấy đều có cảm giác ở sẵn bên bờ hủy diệt, thật sự phải gấp cầu Quán Thế Âm Bồ Tát đại bi đến cứu giúp, mà cũng chỉ có Quán Thế Âm Bồ Tát đại bi vô tư như thế mới có thể cứu giúp nhân loại trong thế giới hiện tại. Phẩm Phổ Môn chuyên nói về tinh thần cứu khổ cứu nạn đại vô úy của Quán Âm Bồ Tát; bởi thế, sau khi chúng ta nghe xong, một mặt phải thiết thực cảm niệm, nhận hiểu bi nguyện của đức Quán Âm, một mặt phải chính mình nỗ lực phát khởi bi nguyện sao cho bi nguyện của chính mình và bi nguyện của Bồ Tát kết hợp thành một, khiến cho thế giới trùng trùng khổ nạn này chỗ nào cũng có Quán Âm thị hiện, chỗ nào cũng có Quán Âm cứu giúp, thì hoạt động của nhân loại trong thế giới nhờ đó mới được an tịnh vậy.

Nói đến Quán Thế Âm Bồ Tát thì tín đồ Phật giáo chúng ta không ai chẳng biết, giống như hai câu nói lưu truyền trong nước ta “Gia gia Di Đà Phật, nhân nhân Quán Thế Âm” (Nhà nhà Di Đà Phật, người người Quán Thế Âm), đủ thấy Quán Âm đã thâm nhập trong lòng người như thế nào! Nguyên lai, tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát, xưng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát rất phổ biến chẳng riêng gì tại Trung Quốc, mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và những nơi có kiều bào cư ngụ như Tinh châu (Singapore), Mã Lai, đều rất phổ biến. Có thể nói là trong tất cả những nơi có Đại Thừa Phật pháp lưu hành đều có tín ngưỡng này. Chúng ta cứ thử đi khắp nơi trong những nước này, sẽ thấy rất rõ: nơi thành thị, nơi thôn làng, trên non cao, bên bãi biển, bến sông, nói chung là hễ chỗ nào có người sống, chỗ đó đều có người thờ phụng thánh tượng Quán Âm Bồ Tát, xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát. Chẳng riêng gì người tin Phật mới như vậy, ngay cả những kẻ không tin Phật, cũng thường bất tri bất giác xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát.

Đồng thời, chúng ta thấy kinh Đại Thừa giới thiệu rất nhiều danh hiệu Bồ Tát, đặc biệt là trong số tám vạn Bồ Tát được kinh Pháp Hoa nói đến, thậm chí trong số mười tám vị Bồ Tát thượng thủ, ta thấy rốt cuộc có mấy vị được con người hiện tại thường quen xưng niệm nhiều nhất? Ngoại trừ Văn Thù, Di Lặc còn được người đời xưng niệm, vị Bồ Tát khác được người đời xưng niệm nhiều nhất không thể không tính đến vị Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát này.

Các vị Bồ Tát khác không những chẳng được người đời thờ phụng, xưng niệm, mà còn ít có người biết đến danh hiệu nữa. Do vậy có thể suy luận rằng Quán Thế Âm Bồ Tát có nhân duyên đặc biệt đối với chúng sanh trong thế giới Sa Bà như thế nào, lại còn có mối quan hệ thật sâu đậm, thân thiết! Bởi thế, chúng ta phải thường nên xưng niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chúng ta chẳng nên cô phụ Quán Âm Bồ Tát từ bi cứu giúp chúng ta, trong từng thời khắc, chúng ta nên cùng Quán Thế Âm Bồ Tát sống cùng một chỗ, thực hành hạnh đại bi cứu giúp rộng lớn.

     

1. Nguyên quán của đức Quán Thế Âm Bồ Tát
Quán Thế Âm Bồ Tát đã cùng chúng sanh thế giới Sa Bà có mối quan hệ sâu đậm, thiết tha như thế, vấn đề tiếp theo là: Rốt cuộc, Quán Âm Bồ Tát là người thuộc địa phương nào? Đạo tràng hành hóa của Ngài ở đâu? Bởi người đời thường nêu lên câu hỏi này, nên bây giờ tôi bắt buộc phải giải thích sơ lược. Chỉ khi nào mối nghi này trong lòng mọi người được tháo gỡ sạch thì ai nấy mới có thể kiên định tin tưởng Quán Âm, mới hòng khiến cho con người chân thành tụng niệm thánh hiệu Quán Âm.

      Rốt cuộc, Quán Âm Bồ Tát là người thuộc địa phương nào? Chẳng thể nói nhất định Ngài là người ở trấn nào, làng nào, tỉnh nào, nước nào trong thế giới Sa Bà được. Căn cứ vào những lời giới thiệu trong rất nhiều kinh điển Đại Thừa, Quán Thế Âm Bồ Tát là một trong hai vị đại Bồ Tát hầu cận hai bên đức A Di Đà Phật trong thế giới Cực Lạc cách ngoài mười vạn ức cõi nước, đồng thời, Ngài cũng là vị đại Bồ Tát phù tá A Di Đà Phật hoằng dương Phật pháp. Hiện tại, Ngài là vị Bổ Xứ Bồ Tát, trong quá khứ chính là Chánh Pháp Minh Như Lai, tương lai kế thừa A Di Đà Phật thành Phật trong thế giới Cực Lạc, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Phật. Bởi thế, hiện thời chúng ta chỉ có thể nói Ngài là một Bồ Tát vĩ đại đầy đủ đại từ bi, đại trí huệ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng cần phải nói chính xác Ngài đản sanh tại nơi nào trong thế giới Sa Bà này!

      Còn như đạo tràng hành hóa của Quán Âm Bồ Tát thì về đại thể, có thể chia thành hai loại: căn bản đạo tràng và hóa hiện đạo tràng. Căn bản đạo tràng là thế giới Cực Lạc, bởi lẽ Quán Âm là một vị đại Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc. Căn bản đạo tràng này, phàm ai là Phật tử đều tin nhận, chẳng nẩy sanh lòng hoài nghi. Còn về hóa hiện đạo tràng, trong mười phương tất cả thế giới, phàm những nơi nào có Bồ Tát giáo hóa, nơi đó chính là hóa hiện đạo tràng của Quán Âm Bồ Tát. Như vậy, loại đạo tràng này rất nhiều, chỗ nào cũng là đạo tràng của ngài Quán Âm cả.

      Bất quá, chỉ nói riêng trong thế giới Sa Bà, theo kinh Hoa Nghiêm, bên bờ biển ở Nam Ấn Độ, có ngọn núi Phổ Đà Lạc Già (Potalaka), là đạo tràng thị hiện đầu tiên của Quán Âm Bồ Tát trong thế giới Sa Bà. Nhưng những người học Phật Trung Quốc chưa ai từng đến đạo tràng này, mà cũng ít ai biết đến. Đạo tràng của Quán Âm Bồ Tát mà người Trung Quốc thường biết đến là núi Phổ Đà ở trong Nam Hải, thuộc tỉnh Triết Giang. Trong quá khứ, mỗi năm người đến Phổ Đà triều bái Quán Âm rất nhiều.

     Nam Hải Phổ Đà Sơn là đạo tràng thị hiện của Quán Âm Bồ Tát được người Trung Quốc công nhận, nổi tiếng toàn thế giới, đương nhiên phải có nhân duyên, lai lịch, bây giờ, chẳng ngại gì không giới thiệu đơn giản như sau:

      Ở Trung Quốc, vào thời đại Nam Bắc Triều (386-589), trong khoảng niên hiệu Trinh Nguyên đời Lương, có một vị pháp sư Nhật Bản là Huệ Ngạc đến Trung Quốc cầu pháp, hết sức chân thành tin tưởng Quán Âm Bồ Tát. Lúc Ngài học xong, quay về Nhật Bản, ngoại trừ rất nhiều kinh sách mang theo, Ngài còn đặc biệt thỉnh một tượng Quán Âm đem về nước cúng dường. Thời cổ giao thông chẳng thuận tiện như hiện thời, đương nhiên là phải ngồi thuyền gỗ. Nhưng khi ngài Huệ Ngạc thỉnh tượng Quán Âm lên thuyền gỗ, thuyền đi chưa được bao lâu, biển đột nhiên nổi sóng to, gió lớn, khiến cho chiếc thuyền Ngài ngồi dù làm bất cứ cách nào cũng không tiến lên được. Trong tình huống bất đắc dĩ đó, chỉ còn cách thỉnh tượng Quán Âm Bồ Tát lên một hòn đảo nhỏ, dựng một gian nhà lá trên đảo để thờ phụng Quán Âm Bồ Tát. Những dân chài qua lại hòn đảo nhỏ ấy và những cư dân vùng phụ cận thường đến thắp hương, lễ bái, phát sanh rất nhiều chuyện linh cảm chẳng thể nghĩ bàn. Bởi thế, người đến thắp nhang lễ bái càng ngày càng đông, hòn đảo nhỏ ấy ngày càng phát đạt đến nỗi cái tên gốc là đảo Mai Sầm trở thành Phổ Đà Sơn, núi ấy cũng trở thành đạo tràng của Quán Âm Bồ Tát. Sau này, nó cùng với đạo tràng Ngũ Đài Sơn của Bồ Tát Văn Thù ở Sơn Tây, đạo tràng Nga Mi Sơn của Bồ Tát Phổ Hiền ở Tứ Xuyên và đạo tràng Cửu Hoa Sơn của Bồ Tát Địa Tạng ở An Huy trở thành bốn đại danh sơn, thành những trọng trấn của Phật giáo Trung Quốc.

     Từ khi Phổ Đà Sơn trở thành đạo tràng của Quán Âm Bồ Tát, về sau có rất nhiều chỗ Bồ Tát Quán Âm thị hiện linh cảm, đều gọi là đạo tràng của Quán Âm Bồ Tát. Nói ở mức độ cao hơn, phàm những nơi nào có người tin tưởng Quán Âm Bồ Tát, chỗ nào thờ phụng Quán Âm Bồ Tát, chỗ đó đều có thể gọi là đạo tràng của Quán Âm Bồ Tát. Bởi Bồ Tát giáo hóa chúng sanh trong khắp mười phương nên thật sự có thể nói là “không cõi nước nào, Ngài chẳng hiện thân”. Bất luận ở địa phương nào, bất luận loài chúng sanh nào, lúc nào cần đến Bồ Tát hóa độ, Ngài bèn dùng thân phận đúng theo nơi đó, đến hóa độ. Như kinh nói “nên dùng thân nào để độ, bèn hiện thân đó thuyết pháp” chính là thể hiện tinh thần ấy. Trong phần sau, khi giảng đến chuyện du hóa các nước trong kinh văn, tôi sẽ giới thiệu tường tận.

      Nói theo Đại Thừa Phật pháp, phàm là bậc đại Bồ Tát tu hạnh Bồ Tát đã lâu, đặc biệt là hàng Bồ Tát tối hậu thân Nhất Sanh Bổ Xứ, ai nấy đều có thể “không cõi nào chẳng hiện thân”, đều có thể giáo hóa chúng sanh trong từng thời khắc. Bây giờ, tôi nêu ra một vị Bồ Tát rất nổi tiếng, trong tương lai sẽ thành Phật trong thế giới Sa Bà này, đó là Di Lặc Bồ Tát. Cổ đức đã có bài tụng:

      Di Lặc, chân Di Lặc,

      Hóa thân thiên bách ức,

      Thời thời thị thời nhân,

      Thời nhân tự bất thức.

(Tạm dịch:

Di Lặc, chân Di Lặc,

Hóa thân trăm ngàn ức,

Luôn thị hiện người đời,

Người đời nào hay biết).

Có người cho rằng: Niệm danh hiệu chư Bồ Tát về căn bản là vô dụng, bởi lẽ từ trước đến nay chúng ta chưa từng thấy Bồ Tát. Đây là một quan niệm sai lầm. Xin thưa thật cùng quý vị: Bồ Tát bi tâm thấu xương, xuyên tủy, thời thời khắc khắc hằng hiện diện trước mặt chúng ta. Như ngài Di Lặc sở dĩ có tên là Di Lặc chẳng phải đơn giản đâu nhé, Ngài có thể hóa thân nhiều đến trăm ngàn ức, dùng các thứ thân phận khác nhau: hoặc thị hiện thân Phật, hoặc thị hiện thân tỳ-kheo, hoặc thị hiện thân cư sĩ, thường hằng chẳng gián đoạn, thời thời khắc khắc thị hiện trước mỗi người đáng nên hóa độ. Tiếc rằng kẻ ấy chẳng biết Bồ Tát hiển hiện, ta chỉ có thể tự trách móc mình chẳng nhận ra Bồ Tát ở ngay trước mặt mình, chẳng được nói là Bồ Tát chẳng thị hiện trong nhân gian đông đảo.

Di Lặc thị hiện như thế thì phải biết là Quán Âm cũng giống như thế. Nếu dùng lại bài kệ trên, ta cũng có thể nói:

      Quán Âm, chân Quán Âm,

      Hóa thân thiên bách ức,

      Thời thời thị thời nhân,

      Thời nhân tự bất thức.

      Như nay các vị đang hiện diện đây, ai là Quán Âm Bồ Tát, ai là Di Lặc Bồ Tát, chúng ta cũng chẳng nhận biết một ai, nhưng chẳng thể vì đó nói là trong đạo tràng này không có Quán Âm, Di Lặc ẩn hiện. Là Phật tử, phải kiên định tin tưởng điều này!

     

2. Giới tính của Quán Âm Bồ Tát
      Địa phương xuất thân và đạo tràng thị hiện của Quán Âm Bồ Tát, tôi đã giảng đại lược rồi; hiện giờ còn một vấn đề tôi cần phải giải đáp, đó là đức Quán Âm Bồ Tát trọn vẹn đại từ bi, đại trí huệ, đại nguyện lực, đại công đức rốt cuộc là nam hay nữ đây? Bởi lẽ, hiện thời trông thấy tượng Quán Âm Bồ Tát, đại đa số là nữ tướng, nên thường có người nêu lên câu hỏi này.

      Trên căn bản, chúng ta nên nói Quán Âm Bồ Tát là nam tử. Từ đời Đường trở về trước, tất cả tượng Quán Âm dù là tượng đắp hay tranh vẽ đều mang tướng mạo nam nhân. Quán Âm Bồ Tát mang tướng người nam là có căn cứ hay không? Kinh Hoa Nghiêm chép: “Dũng mãnh trượng phu Quán Tự Tại”. Quán Tự Tại chính là Quán Thế Âm. Kinh gọi Ngài là “bậc trượng phu dũng mãnh”, chứng minh Quán Âm vốn là nam tử.

Chẳng qua, nói trên phương diện Quán Âm thị hiện, khó có thể quyết định Ngài là nam hay nữ; bởi lẽ đại Bồ Tát thị hiện nào phải để chơi giỡn mà trọn vì độ sanh. Chúng sanh muốn Bồ Tát thị hiện thân tướng nào, Bồ Tát liền vì chúng sanh thị hiện thân tướng như thế ấy. Nếu như có một loại chúng sanh cần Bồ Tát thị hiện tướng người nam để hóa độ, Bồ Tát liền vì kẻ ấy thị hiện nam tướng. Lại có một loại chúng sanh cần Bồ Tát thị hiện tướng nữ để hóa độ, Bồ Tát liền vì kẻ ấy hiện tướng nữ; rất khó nói quyết định Ngài là thân tướng nào! Bởi lẽ đối với bản thân Quán Âm Bồ Tát, [thân nam hay nữ] không thành vấn đề, thuận theo yêu cầu của từng chúng sanh mà hiện thân, tự mình trọn chẳng có chủ ý biến hiện ra sao. Còn như Bồ Tát Quán Âm trong thế giới này thường hiện tướng nữ cũng là đạo lý chung, đến phần sau sẽ lại giảng tiếp. 

Bây giờ, trước hết tôi sẽ kể câu chuyện xưa Quán Âm Bồ Tát thị hiện thân nữ để hóa độ chúng sanh cho quý vị nghe. Tại Trung Quốc, vào đời Đường, tại bến Hữu Kim ở Thiểm Tây, Bồ Tát thị hiện làm một cô gái bán cá. Cô gái bán cá này lớn lên rất xinh đẹp, mỗi sáng sớm cô xách một giỏ cá, đến thôn trang nọ bán cá. Thanh niên trong thôn thấy cô gái tuổi nhỏ xinh đẹp, chẳng ngừng theo đuổi cô. Mỗi chàng thanh niên đều hy vọng sẽ được cùng cô kết duyên giai ngẫu. Do quá nhiều người theo đuổi khiến cô gái bán cá không biết giải quyết như thế nào, cô bèn nghĩ ra một cách, bảo cùng những chàng thanh niên trong thôn:

- Các anh nhiều người quá, em chỉ có một thân gái, đương nhiên chẳng thể thỏa mãn tâm nguyện của từng người được. Bây giờ, em đưa ra một điều kiện chẳng khó khăn quá, ai làm được em sẽ lấy người đó, chẳng cần ai phải theo đuổi nữa!

      Những chàng thanh niên vội hỏi ngay: “Điều kiện gì?”

Cô gái bán cá đáp:

- Trong nhà Phật có một bản kinh tên là Phổ Môn Phẩm. Ai trong ba ngày có thể học thuộc lòng, em sẽ sánh duyên cùng người đó.

Kết quả, trong ba ngày đọc thuộc phẩm Phổ Môn có bốn năm chục người. Cô gái bán cá lại nói:

- Em chỉ có một thân, các anh lại nhiều người quá. Làm sao biết quyết định lấy ai đây? Xin thưa cùng các anh, trong nhà Phật lại có một bộ kinh tên là kinh Kim Cang, kinh văn dài hơn phẩm Phổ Môn. Trong số các anh có ai trong năm ngày đọc thuộc, em sẽ lấy người đó.

Các chàng do tình yêu sôi sục, trong năm ngày đọc thuộc kinh Kim Cang, vẫn có hơn mười người. Kết quả, vẫn chẳng giải quyết vấn đề được. Khi ấy, cô gái bán cá lại bảo những chàng đó:

- Trong nhà Phật có bộ kinh Đại Thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa, trong vòng bảy ngày, ai trong số các anh có thể đọc thuộc, em nhất định lấy người đó.

Chư vị nghĩ xem: Kinh Pháp Hoa bảy quyển hai mươi tám phẩm nhiều thế đó, phải đọc thuộc trong vòng bảy ngày chẳng phải là chuyện dễ dàng gì, cho nên rốt cuộc chỉ có một chàng thanh niên họ Mã đọc thuộc. Cô gái bán cá thực hiện lời hứa, đương nhiên lấy chàng thanh niên họ Mã. Chàng họ Mã trong lòng hoan hỷ chẳng thể nói, người khác cũng mừng cho chàng lấy được cô gái đẹp như hoa xinh tợ ngọc đó làm vợ. Nhưng đến tối động phòng hoa chúc, sau khi đám khách mừng đã vui say rã đám, cô gái bỗng lên cơn đau bụng chết đi! Chẳng cần phải nói, lúc đó thật bi thương, chàng thanh niên họ Mã tuổi trẻ, tận dụng mọi tâm cơ, mới lấy được một cô vợ đẹp như thế, nay rốt cục trắng tay, sao không đau lòng muốn chết; nhưng người đã chết rồi chẳng sống lại được, đau thương ích gì? Chỉ đành chiếu theo phong tục, đem người chết đi an táng, chứ còn có cách nào khác nữa đâu?

Nói ra thật là kỳ quái, linh cữu đưa đi nửa đường, đột nhiên gặp một vị lão tăng bảo chàng thanh niên họ Mã:

- Nghe nói hôm qua cậu vừa cử hành đại lễ kết hôn, sao hôm nay đã cử hành tang lễ?

Chàng thanh niên họ Mã ôm mặt, khóc lóc đáp:

- Là vì cô vợ xinh đẹp yêu dấu nhất của con, dốc sạch tâm cơ mới cưới được cô ta làm vợ, chẳng ngờ một cô gái xinh đẹp hoạt bát, nháy mắt đã thành một cái xác chết vô tri, hỏi sao con không đau lòng cho được?

Lão tăng thấy chàng bi thương đến thế, nhân đó bèn khai thị:

- Cậu tuổi trẻ, chỉ biết nói chuyện tình ái, chẳng biết tìm cầu chân lý. Cậu phải biết cô gái xinh đẹp cậu vừa mới cưới hôm qua nào phải là con gái tầm thường trong thế gian, mà là Quán Âm Bồ Tát thị hiện để hóa độ các cậu đấy! Bởi lẽ, Quán Âm Bồ Tát bi tâm sâu nặng, biết già trẻ trong thôn trang này chẳng biết tín phụng Tam Bảo, nên mới đặc biệt thị hiện thân nữ để đến hóa độ các cậu. Nếu cậu nhất định không tin, có thể mở hòm ra xem.

Mọi người muốn kiểm chứng bèn mở quan tài ra thật, thoạt nhìn mới thấy xác cô gái xinh đẹp không còn trong đó nữa, đến lúc đó chẳng thể không tin là Bồ Tát vận dụng thần thông rời đi. Thế nhưng, quay lại nhìn lão tăng, cũng không biết lão tăng đã đâu mất rồi!

Do đây biết rằng: Không riêng gì cô gái bán cá là Quán Âm thị hiện, ngay cả vị lão tăng cũng là Quán Âm thị hiện, mục đích nhằm làm cho những người trong thôn đó thiết thực giác ngộ, nỗ lực tín phụng Tam Bảo. Từ đó, không riêng gì chàng thanh niên họ Mã phát tâm xuất gia tu hành, người trong thôn cũng đều tin Phật, Bồ Tát, quy y Tam Bảo. Trong Phật giáo có hai câu nói về điều này: “Tiên dĩ dục câu khiên, hậu linh nhập Phật trí” (Trước là dùng dục để lôi kéo, sau khiến nhập Phật trí), đó là phương tiện độ sanh lớn nhất của Bồ Tát.

Sở dĩ, Quán Âm Bồ Tát thường thị hiện thân nữ giáo hóa chúng sanh, xét ra, có hai nguyên nhân, giờ đây sẽ thuật sơ lược như sau:

1) Chuyên lấy chúng sanh nhiều đau khổ làm đối tượng cứu giúp. Nhân loại chúng sanh đau khổ rất nhiều, trong thời quá khứ trọng nam khinh nữ, đúng là nữ nhân đau khổ hơn nam giới rất nhiều. Do trong thời đó, nữ nhân bị rất nhiều hạn chế, như: Trước khi lấy chồng, ở nhà với cha mẹ, nhất định phải nghe theo mệnh lệnh của cha mẹ; xuất giá rồi sống ở nhà chồng, nhất định phải nghe theo lệnh chồng. Đến lúc tuổi già có con cái, lại phải nghe lời con cái. Làm con người trong thế gian, phụ nữ thật sự đau khổ rất nhiều như thế. Quán Âm Bồ Tát lấy việc cứu khổ chúng sanh làm mục đích, đương nhiên trước hết phải cứu độ hàng phụ nữ nhiều đau khổ. Bởi thế, Ngài mới đặc biệt thường hay hiện thân nữ, có giống hệt như họ thì sau đó mới từ những nỗi thống khổ vốn sẵn của thân nữ, dẫn dụ họ dần dần đi vào con đường tu học Phật pháp lớn lao, hòng giải trừ tất cả thống khổ, ngõ hầu giải thoát thân tâm.

2) So ra, tuy thân nữ có nhiều nỗi khổ như thế, nhưng sự nhu hòa từ ái trong tâm họ đúng là vượt trội người nam. Giống như cha mẹ trong thế gian đau đáu yêu mến con cái, cố nhiên giống nhau; nhưng nếu so sánh, người mẹ yêu mến, che chở con cái sâu đậm, thân thiết hơn cha. Tôi thường hay nói: Lúc nào cha mẹ ngồi cùng một chỗ, nếu đứa con nhỏ chạy đến muốn xin cha mẹ cho tiền mua đậu phộng hay kẹo ăn, cha thường nói:

- Tụi bay cứ xin tiền hoài làm chi? Hôm nay ba không có tiền cho tụi bay đâu!

Nói vậy là xong, thật sự không cho một đồng nào. Còn mẹ chẳng như vậy, một mặt quở trách đứa nhỏ đừng có xin tiền hoài, một mặt vẫn rút tiền lận lưng cho con, nhưng rất dịu dàng vỗ về con:

- Hư lắm nghe! Từ rày đừng có lại xin tiền nữa nghe chưa!

Tuy nói vậy, lần sau đến xin nữa, vẫn lại giống như vậy. Bởi thế lòng từ ái của mẹ hơn hẳn cha. Quán Âm Bồ Tát là bậc đại từ bi, bởi thế, Ngài thị hiện thân nữ, chẳng qua là tịnh hóa, khuếch đại tình mẹ của thế gian thành lòng đại bi.

Lòng mẹ trong thế gian tuy nói là bao la, nhưng phạm vi nhỏ hẹp phi thường, chỉ biết yêu thương, che chở con cái của chính mình, chẳng biết yêu thương, che chở con cái người khác, nên trong tình yêu thương đó vẫn bao gồm đôi chút nhiễm ô. Thông thường, tuy nói cha mẹ thương con vô điều kiện; thật ra, trong cái vô điều kiện đó vẫn có điều kiện, như người Trung Quốc hay nói: “Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi phòng lão” (Chứa gạo phòng đói, nuôi con dưỡng già). Đấy chẳng phải là điều kiện thì là cái gì đây? Bởi thế lòng yêu thương của cha mẹ so với lòng từ bi của Bồ Tát có hai điểm bất đồng:

1) Chẳng rộng lớn.

2) Chẳng phải là vô điều kiện.

Lòng từ bi của Quán Âm Bồ Tát không những như tình yêu thương của mẹ, lại còn tịnh hóa và rộng lớn hơn, từ bi đối với hết thảy chúng sanh, chẳng phải chỉ từ bi đối với một phần chúng sanh. Bởi thế, Bồ Tát từ bi vĩ đại, lòng mẹ thương con của thế gian chẳng thể sánh bằng được. Quán Âm Bồ Tát hiểu sâu xa lòng mẹ yêu con trong thế gian thật khó có, bởi vậy, Ngài hiện thân nữ khắp chốn, hy vọng dùng thân phận người nữ cảm hóa hết thảy nữ nhân trong thế gian đừng khư khư chấp vào tình mẹ nhỏ hẹp, mà phải biết dùng tinh thần mẹ thương con để thương mến hết thảy chúng sanh, hy vọng mỗi một chúng sanh đều có thể lìa khổ được vui, đều có thể liễu sanh thoát tử, đều có thể thành Đẳng Chánh Giác.

Những điều vừa nói trên chính là hai nguyên nhân lớn khiến Quán Âm Bồ Tát thị hiện thân nữ. Bất quá, ở đây tôi xin quý vị phải nhớ thật kỹ: Đây chỉ là Bồ Tát thị hiện, tuyệt đối đừng lầm tưởng Bồ Tát vốn là thân nữ.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương