QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang12/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

1.2.2.1.1.4. Năng ứng tứ chúng (ứng hiện thân tứ chúng)
Chánh kinh:

Ưng dĩ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thân nhi đắc độ giả, tức hiện tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thân nhi vị thuyết pháp.

應以比丘、比丘尼、優婆塞、優婆夷身得度者。即現比丘、比丘尼、優婆塞、優婆夷身而為說法。

(Nên dùng thân tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di để được độ, liền hiện thân tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di để mà thuyết pháp).
Đoạn này nói Bồ Tát có thể hiện thân tứ chúng, tức là tứ chúng đệ tử trong Phật pháp. Trước khi giảng, trước hết nên chia đoạn kinh văn này ra để đọc như sau: “Nên dùng thân tỳ-kheo để được độ liền hiện thân tỳ-kheo để mà thuyết pháp. Nên dùng thân tỳ-kheo-ni để được độ liền hiện thân tỳ-kheo-ni để mà thuyết pháp. Nên dùng thân ưu-bà-tắc để được độ liền hiện thân ưu-bà-tắc để mà thuyết pháp. Nên dùng thân ưu-bà-di để được độ liền hiện thân ưu-bà-di để mà thuyết pháp”.

Tỳ-kheo là tiếng Ấn, Hán dịch thành ba nghĩa là Khất Sĩ, Phá Ác và Bố Ma.


a) Khất Sĩ:
Khất (乞) là cầu xin, Sĩ (士) là đại danh từ để chỉ người; Khất Sĩ là người cầu xin. Trước kia, đã có hai câu nói quen thuộc như sau: “Ngoại khất thực dĩ dưỡng sắc thân; nội khất pháp dĩ tư huệ mạng” (Ngoài xin thức ăn để nuôi sắc thân, trong xin pháp để vun bồi huệ mạng). Đó là ý nghĩa chữ Khất Sĩ. Bởi lẽ sống trong thế gian, để duy trì sanh mạng, chẳng thể không ăn uống, nhưng đều là hướng đến tục nhân khất hóa. Người xuất gia tu hành, nếu chỉ vì xin thức ăn mà khất thực chẳng biết cầu khất chánh pháp Như Lai, nào có khác gì những kẻ ăn mày xin cơm bình thường đâu. Bởi thế, đức Phật quy định: Trong vòng mười bốn dặm, nếu có người giảng kinh thuyết pháp mà hai chúng xuất gia chẳng đến nghe thì bị phạm giới.
b) Phá Ác:
Là nói hai chúng xuất gia, phàm đã xuất gia thì phải tu hành đúng theo Phật pháp, phá trừ các thứ ác pháp. Nếu xuất gia mà chẳng thể phá ác thì có khác gì tục nhân đâu!
c) Bố Ma:
Là nói hai chúng xuất gia lúc đăng đàn Tỳ-kheo, bạch Tứ Yết-ma, thọ giới Tỳ-kheo, các thần Hộ Pháp đều đến bảo hựu, khiến cho Địa Hành Dạ Xoa báo với Không Hành Dạ Xoa, lần lượt báo lên thiên Ma Thiên Vương, Ma Vương bèn sanh lòng sợ hãi lớn. Ma Vương thích nhất là con cháu đông đảo, khiến cho chúng sanh trong toàn tam giới đều bị Ma nắm giữ, nhất định chẳng vui lòng cho một chúng sanh nào thoát khỏi lòng bàn tay mình. Bây giờ, người phát tâm xuất gia thọ giới, y pháp tu hành, sẽ lìa tam giới, đương nhiên khiến cho Ma hoảng sợ, bởi thế gọi là Bố Ma.

Chữ Ni trong tỳ-kheo-ni nghĩa là nữ, tức là nữ chúng xuất gia. Tôi sẽ kể câu chuyện chứng thực Quán Âm Bồ Tát thị hiện thân tỳ-kheo: Sơ Tổ Thiền Tông Trung Quốc là Bồ Đề Đạt Ma sau khi đắc chánh pháp nhãn tàng, đặc biệt sang Trung Quốc hành hóa. Thoạt đầu, Tổ đến Nam Kinh gặp mặt Lương Võ Đế, đàm luận chẳng hợp, bèn sang chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, tỉnh Hà Nam, ngồi nhìn vách chín năm; sau gặp Nhị Tổ Huệ Khả bèn truyền tâm ấn Phật pháp cho Sư. Chẳng lâu sau, Đạt Ma Tổ Sư viên tịch, chôn tại núi Hùng Nhĩ. Khoảng đâu chừng hai năm sau, đặc sứ của Bắc Ngụy là Tống Vân gặp Bồ Đề Đạt Ma tại Thông Lãnh, cầm một chiếc giày đi một mình, Tống Vân hỏi Tổ đi đến địa phương nào, Ngài nói trở về Tây Thiên. Tống Vân trở về nước Ngụy, kể lại chuyện này. Thoạt đầu mọi người không tin, sau mở hòm ra xem, thấy trong hòm không có xác, chỉ lưu lại một chiếc giày. Do Đạt Ma đi một chiếc giày về Tây, nên sau này giới Phật giáo đồn Đạt Ma Tổ Sư là hóa thân của Quán Âm Bồ Tát.

Lại kể chuyện khác, chuyện Quán Âm Bồ Tát thị hiện thân tỳ-kheo-ni: Trong sách Tỳ Kheo Ni Truyện, có truyện tỳ-kheo-ni Tăng Đoan sống dưới thời Lưu Tống15. Gia đình Sư đời đời tin phụng Phật pháp, hai chị em cùng thệ nguyện xuất gia, nhưng Tăng Đoan tướng mạo xinh đẹp, rất nổi tiếng ở quê nhà, rất nhiều kẻ có tiền bàn chuyện cầu hôn với anh em Sư. Bà mẹ và anh em Sư đồng ý gả Sư cho một người. Ba ngày trước khi về nhà chồng, do chẳng muốn kết hôn, Tăng Đoan liền trốn vào một ngôi chùa Phật giáo, thành tâm thành ý tụng phẩm Phổ Môn suốt ba ngày. Một ngày nọ đang lễ bái, chợt thấy Phật bảo cùng Sư: “Chồng của ngươi mạng sắp hết, ngươi phải tinh tấn dũng mãnh tu trì, chớ có lo lắng quá mức về chuyện này nữa!” Về sau đúng là người chồng hứa hôn của Sư bị trâu húc chết, Sư bèn tu trì Phật pháp được rất nhiều lợi ích lớn lao; bởi thế có thể nói Sư là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ưu-bà-tắc (Upāsaka) là tiếng Ấn Độ, Hán dịch là Cận Sự Nam, hoặc Thanh Tín Sĩ, Ưu-bà-di (Upāsikā) cũng là tiếng Ấn Độ, Hán dịch là Cận Sự Nữ hoặc Thanh Tín Nữ. Hai hạng người này là hai chúng đệ tử học Phật tại gia, thân cận Tam Bảo, phụng thừa hành nhân Tam Bảo. Quán Âm Bồ Tát thị hiện thân Ưu Bà Tắc, thân Ưu Bà Di chép trong sách Quán Âm Linh Cảm Lục có thể nói là rất nhiều, chẳng cần phải kể nhiều nữa.

Ngay trong tứ chúng hiện diện đây, rốt cuộc vị nào là Quán Âm Bồ Tát thị hiện, chúng ta người phàm mắt thịt tự nhiên nhìn chẳng ra. Chẳng thể vì mình nhìn không ra bèn cho là Bồ Tát chẳng thị hiện. Bởi lẽ, Quán Âm Bồ Tát từ bi, trong thế gian này nếu có một loài chúng sanh nào nên dùng thân phận tứ chúng bất đồng mới hòng độ thoát, Ngài lập tức thị hiện thân phận tứ chúng bất đồng, vì họ thuyết pháp bất đồng khiến họ tu hành đúng pháp để được thân tâm giải thoát.

 

1.2.2.1.1.5. Năng ứng chúng phụ (ứng hiện các thân phụ nữ)


Chánh kinh:

Ưng dĩ Trưởng Giả, cư sĩ, tể quan, Bà La Môn phụ nữ thân đắc độ giả, tức hiện phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp.

應以長者、居士、宰官、婆羅門、婦女身得度者。即現婦女身而為說法。

(Nên dùng thân phụ nữ của hàng Trưởng Giả, cư sĩ, tể quan, Bà La Môn để được độ liền hiện thân phụ nữ để mà thuyết pháp).
Đoạn này nói Bồ Tát ứng hiện các thân phụ nữ. Phụ nữ được nói trong đoạn kinh này chẳng phải chỉ một loại phụ nữ mà là các loại phụ nữ đã kết hôn, trở thành bà chủ gia đình. Trong gia đình, họ có địa vị đặc thù, bởi lẽ gia đình lấy vợ chồng làm trung tâm. Nếu bà chủ gia đình phát tâm học Phật sẽ rất có khả năng xúc tiến Phật hóa gia đình. Phật hóa gia đình là căn bản để Phật hóa xã hội. Nếu chúng ta muốn Phật hóa xã hội thì phải bắt đầu từ Phật hóa gia đình. Với ý nghĩa này, bà chủ gia đình tự nhiên trở thành một nhân tố trọng yếu.

Đoạn kinh này có thể đọc thành bốn đoạn: Nếu nên dùng thân phụ nữ của hàng Trưởng Giả để đắc độ, liền hiện thân phụ nữ Trưởng Giả để thuyết pháp; nếu nên dùng thân phụ nữ của hàng cư sĩ để đắc độ, liền hiện thân phụ nữ cư sĩ để thuyết pháp; nếu nên dùng thân phụ nữ của hàng tể quan để đắc độ, liền hiện thân phụ nữ tể quan để thuyết pháp; nếu nên dùng thân phụ nữ của hàng Bà La Môn để đắc độ, liền hiện thân phụ nữ Bà La Môn để thuyết pháp.

Nói theo cách phân biệt chủng tánh của Ấn Độ thì Trưởng Giả, Cư Sĩ thuộc dòng Phệ Xá, Tể Quan mang trọng trách chính trị, quân sự của quốc gia nên thuộc dòng Sát Đế Lợi; Bà La Môn là dòng cao quý nhất trong bốn chủng tánh, còn chủng tánh hạ tiện Thủ Đà La trong kinh không nhắc đến. Sở dĩ Quán Âm Bồ Tát hiện thân phụ nữ chỉ hiện thân trong ba chủng tánh có thể tái sanh, chẳng hiện thân phụ nữ của chủng tánh Thủ Đà La không thể tái sanh là vì trong xã hội đương thời giai cấp Thủ Đà La ty tiện vô cùng. Nếu hiện thân phụ nữ [Thủ Đà La] thuyết pháp, sẽ chẳng có ai tin tưởng tiếp nhận, đương nhiên chẳng thể phát sanh hiệu lực gì, bởi thế chẳng hiện thân phụ nữ Thủ Đà La.

Trong xã hội, Trưởng Giả và Cư Sĩ có địa vị cao, trên phương diện chính trị, Tể Quan có thế lực tương đương, trong giới tôn giáo, Bà La Môn có vị trí đặc thù. Bởi thế, Bồ Tát thị hiện thân phụ nữ của ba hạng người này để làm hiền nội của những Cư Sĩ, Trưởng Giả, Bà La Môn cổ động Phật pháp, đương nhiên đạt được hiệu quả rất lớn. Ta thấy Bồ Tát hiện thân chẳng phải là không mục đích, mà là dùng Phật pháp dạy dỗ, dẫn dắt nhân quần, trong giai cấp nào có thể phát sanh ảnh hưởng lớn thì Bồ Tát bèn thị hiện trong giai cấp ấy ngõ hầu đạt được mục đích giáo hóa thế gian.

Đến đây, ắt có người hỏi: Trong quốc gia, xã hội, phụ nữ có địa vị tối cao trước hết phải kể là hoàng hậu, sức ảnh hưởng của bà ta các phụ nữ khác không sao bằng được, sao trong kinh không nhắc đến thân vương hậu? Vương hậu địa vị cao, sức hiệu triệu mạnh mẽ, cổ động Phật pháp tốt nhất mà!

Theo như cổ đức giải thích: Trong thời đại quân chủ, vương hậu đại đa số đều ở trong thâm cung, rất ít ra hoạt động ngoài cung, chẳng bằng các phụ nữ khác có thể tiếp xúc quảng đại quần chúng, bởi thế trong kinh chẳng nói đến thân vương hậu. Nhưng trong kinh Lăng Nghiêm cũng có nói Bồ Tát hiện thân vương hậu để thuyết pháp như kinh chép: “Nhược hữu nữ nhân, nội chánh lập thân, dĩ tu gia quốc, ngã ư bỉ tiền, hiện nữ chúa thân cập quốc phu nhân, mạng phụ đại gia, nhi vị thuyết pháp” (Nếu có nữ nhân, lo việc cai quản gia đình, tu dưỡng đức hạnh để xây dựng đất nước, ta ở trước người đó, hiện làm thân nữ chúa và quốc phu nhân để thuyết pháp cho các mạng phụ đại gia khiến họ thành tựu)16. Bởi lẽ, vương hậu ở trong cung cũng có thể giáo hóa quyến thuộc trong cung. Còn như những đệ nhất phu nhân trong hiện tại, Bồ Tát cũng có thể thị hiện để giáo hóa.

Đúng là phụ nữ chiếm hữu một địa vị trọng yếu trong gia đình cũng như xã hội. Nhìn trên phương diện tôn giáo, lấy ví dụ bất cứ tôn giáo nào, tín đồ nữ giới cũng nhiều hơn nam; nhưng nói chung, năng lực và trí huệ của phụ nữ chẳng cách biệt nam giới nhiều lắm, thậm chí có phụ nữ trí huệ còn hơn cả rất nhiều nam nhân. Bởi vậy, sau khi người nữ tin tưởng một tôn giáo nào rồi, chẳng những họ không ngừng truy cầu chân lý của tôn giáo đó, mà lòng tin cũng kiền thành, khẩn thiết. Thử coi trong các đại hội truyền giáo của các tôn giáo, phụ nữ đều chiếm đa số trong thính chúng. Do đây ta thấy phụ nữ đối với tôn giáo rất kiền thành. Như vậy, điều cực khẩn thiết đương nhiên là bất cứ phụ nữ nào cũng đều phải nên nuôi dưỡng cái tâm tín ngưỡng tôn giáo. Bởi lẽ, dù phụ nữ có nuôi dưỡng cái tâm tín ngưỡng tôn giáo hay không đều có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội.

Có người từng nói như thế này: “Trong gia đình phụ nữ có đủ ba thiên chức là dưỡng dục con cái, nấu nướng, tín phụng tôn giáo”. Bây giờ khoan bàn hai thiên chức đầu, chỉ bàn đến thiên chức tín phụng tôn giáo. Nếu bà chủ một gia đình có tín ngưỡng tôn giáo, thì trên có thể ảnh hưởng đến bố mẹ chồng, dưới là ảnh hưởng con cái, giữa là ảnh hưởng chồng mình. Như vậy mọi thành viên trong gia đình đều được gội đẫm khí phận tôn giáo, tự nhiên hòa thuận vui vẻ, cuộc sống gia đình vui sướng.

Về mặt ảnh hưởng đối với con cái: nếu người làm mẹ quả thật là một tín đồ tôn giáo kiền thành, con cái ngày ngày tai mắt tiêm nhiễm cảm hóa, tự nhiên cũng sẽ tin tưởng tôn giáo đó. Chẳng hạn như mẹ là tín đồ Phật giáo, sẽ thường dẫn con cái đến chùa miếu, Phật đường, khiến con cái dần dần được tiếp nhận, un đúc khí phận Phật pháp, tự nhiên lưu lại ấn tượng tôn giáo sâu đậm. Đến khi nhân duyên thành thục, liền tín phụng Phật giáo.

Bởi thế, Quán Thế Âm Bồ Tát đối với những kẻ nên dùng thân phụ nữ của hàng Trưởng Giả, cư sĩ, tể quan, Bà La Môn mới có thể được độ thoát, liền hiện các thứ thân nữ nhằm thích ứng thuyết pháp cho kẻ ấy, khuyên dạy, dẫn dắt kẻ ấy trong gia đình làm người vợ đảm, mẹ hiền như thế nào ngõ hầu thân tâm được giải thoát.

 

1.2.2.1.1.6. Năng ứng nhị đồng (ứng hiện thân trẻ con hai giới)
Chánh kinh:

Ưng dĩ đồng nam, đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam, đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp.

應以童男、童女身得度者。即現童男、童女身而為說法。

(Nên dùng thân trẻ trai, trẻ gái để được độ, liền hiện thân trẻ trai, trẻ gái để mà thuyết pháp).
Đoạn này nói Bồ Tát ứng hiện thân hai loại trẻ con, tức là thân bé trai và bé gái. Trong quan niệm mọi người, "đồng nam đồng nữ" chỉ những đứa bé trai và gái từ bảy tám tuổi cho đến mười một, mười hai tuổi; nhưng nếu hiểu hai chữ này theo nghĩa rộng thì chẳng phân biệt tuổi tác lớn hay nhỏ, miễn là chưa kết hôn, hoặc người theo chủ nghĩa độc thân đều có thể coi là đồng nam, đồng nữ.

Đồng nam, đồng nữ có một đặc điểm là thiên chân thuần khiết, như người lớn trông thấy trẻ nhỏ ngay lập tức bèn nói chúng ngây thơ rạng rỡ, hoạt bát đáng yêu, hoặc nói chúng thuần khiết vô cùng, chẳng có chút gì hư ngụy. Sự thật cũng đúng là như vậy, bởi chúng chưa bén nhiễm những tập quán bất lương của xã hội; do đó, tâm địa thật là thiên chân thuần khiết. Người trưởng thành nếu thường tiếp xúc với trẻ con, rất dễ khơi dậy cái tâm con trẻ của chính mình, chẳng còn lo sợ những nỗi tang thương mình từng nếm trải. Ngay cả người lăn lóc trong đời đã lâu, sống chung cùng trẻ con cũng dễ phát khởi cái tâm xích tử.

Sách Thanh Niên Phật Giáo Dữ Phật Giáo Thanh Niên (Thanh niên hóa Phật giáo và Phật giáo hóa thanh niên) viết: “Phật giáo cũng khen ngợi tuổi nhỏ, chẳng những khen ngợi chúng là chân thành, thuần khiết, mà còn đặc biệt chú trọng đến tánh từ hòa, nội tâm chứa nhiệt tình trong sáng vô hạn, chẳng tiếc nuối hết thảy để truy cầu chân lý”. Bởi thế đồng nam, đồng nữ thật đáng yêu quý.

Bản thân một con người đang trong tuổi đồng nam, đồng nữ khác nào một tờ giấy trắng tinh, quý vị muốn vẽ lên đó hình thái như thế nào liền có thể vẽ thành hình thái như thế đó, giống như tờ giấy trắng tô màu hồng liền thành hồng, bôi đen liền thành đen. Bởi vậy, trong thời kỳ đó, đổ công dẫn dắt, giáo hóa thật không còn gì trọng yếu, dễ dàng hơn được nữa. Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Tang thụ chi tử tùng tiểu khuất” (Uốn cành dâu từ thuở còn non). Nếu như cây dâu đã mọc lớn rồi, rất khó uốn cành, chỉ có lúc cành dâu còn non tơ, lá vừa nhú mới có thể uốn cành được. Cũng như dẫn dắt, dạy dỗ trẻ con phải bắt đầu từ khi chúng mới bảy tám tuổi, dạy dỗ một cách thích đáng và hữu hiệu thì mới có thể làm cho chúng nó từ từ trở thành những đứa nhỏ biết vâng giữ phép tắc, mai sau lớn lên cũng trở thành những công dân lương hảo.

Nếu tuổi nhỏ đã nhiễm phải tập khí bất lương, bị thành phần bất lương mê hoặc, dẫn dụ vào ngõ rẽ, như những tên thái bảo - thái muội ở Đài Loan hoặc phi tử - phi nữ ở Hương Cảng, A Phi17 tại Tân Gia Ba v.v… chẳng những tiền đồ của chúng do vậy bị đứt đoạn mà an ninh xã hội cũng bị ảnh hưởng xấu lây! Như hiện thời những bọn thiếu niên bất lương trong xã hội gây rối các nơi, khiến các nhân viên đảm trách trị an xã hội phải đau đầu, đều là những chứng minh hùng hồn nhất.

Do đó, việc hướng dẫn những đồng nam, đồng nữ, bất luận trên phương diện nào, đều vô cùng trọng yếu. Gần đây, Phật giáo đề xướng “Phật hóa nhi đồng” cũng là vận dụng Phật giáo để giáo hóa nhi đồng khiến cho hành vi, tư tưởng của mỗi một nhi đồng đều đi vào khuôn khổ chánh đáng. Quán Thế Âm Bồ Tát thấy trong thế gian có loài chúng sanh “nên dùng thân đồng nam, đồng nữ mới độ được liền hiện thân đồng nam, đồng nữ để mà thuyết pháp”, chỉ dạy bọn chúng phải làm sao để thành con người có nhân cách hoàn chỉnh, hữu dụng cho xã hội!

 

1.2.2.1.1.7. Năng ứng bát bộ (ứng hiện thân tám bộ quỷ thần)
Chánh kinh:

Ưng dĩ Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, nhân phi nhân đẳng thân đắc độ giả, tức giai hiện chi nhi vị thuyết pháp.

應以天、龍、夜叉、乾闥婆、阿脩羅、樓羅、緊那羅、摩候羅伽、人、非人等身得度者。即皆現之而為說法。

(Nên dùng các thân Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân phi nhân để độ, đều liền hiện các thân ấy để mà thuyết pháp).
Đoạn này nói rõ Bồ Tát có thể ứng hiện các thân thuộc tám bộ, ta thường gọi là Thiên Long Bát Bộ, là các chúng Hộ Pháp trong Phật pháp. Nếu tách ra đọc thì cũng giống như trên phải đọc thành tám đoạn:

Nên dùng các thân Trời để độ liền hiện thân Trời để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Rồng để độ liền hiện thân Rồng để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Dạ Xoa để độ, liền hiện thân Dạ Xoa để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Càn Thát Bà để độ, liền hiện thân Càn Thát Bà để thuyết pháp. Nên dùng thân A Tu La để độ, liền hiện thân A Tu La để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Khẩn Na La để độ, liền hiện thân Khẩn Na La để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Ma Hầu La Già để độ, liền hiện thân Ma Hầu La Già để mà thuyết pháp”.

Thiên”: tiếng Ấn Độ gọi là Đề Bà (Deva), Hán dịch là Thiên. Bình thường nói là tam giới có hai mươi tám cõi trời, nhưng Thiên được nói ở đây chủ yếu chỉ Địa Cư Thiên của Dục Giới, bao gồm thiên chúng Tứ Thiên Vương Thiên và Đao Lợi Thiên. Nếu trong thế gian có loại chúng sanh nên dùng thân Trời thì mới được độ, Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Trời để thuyết pháp. Kinh Lăng Nghiêm chép: “Nhược hữu chư thiên, nhạo xuất thiên luân, ngã hiện thiên thân, nhi vị thuyết pháp, linh kỳ thành tựu” (Nếu có chư thiên, muốn thoát kiếp trời, ta hiện thân Trời để thuyết pháp cho những kẻ ấy được thành tựu), chính là nói về ý này. Trong phần ứng hiện sáu thân trời ở trên, tuy nói là ứng hiện sáu thân trời sai khác, nhưng đều là ước theo từng loại sai biệt mà nói, ở đây là nói tổng quát, nên chẳng giống với phần trên.

Long” (Nāga): Ở Trung Quốc, Rồng là một trong Tứ Linh, là một loài linh dị, giỏi biến hóa. Theo Phật pháp, Rồng có các dạng thức sai khác: Có thiên long chuyên thủ hộ cung trời, có hải long chuyên giữ long cung, có tàng long chuyên bảo vệ kho tàng, có vũ long phun mưa. Bất cứ loại rồng nào, rốt cuộc hình dạng như thế nào, từ trước đến nay chưa ai thấy được. Bất quá, thời xưa Trung Quốc và Ấn Độ đều có truyền thuyết về Rồng, chúng ta chẳng thể không thừa nhận là có Rồng. Tuy nói Rồng phước báo rất lớn, nhưng nghiệp chướng cũng cực sâu nặng, chẳng thể an nhiên hưởng thọ phước báo.

Theo kinh Phật, Đại Bằng Kim Xí Điểu rất thích ăn Rồng. Vì thân Rồng rất dài nên khi chúng ăn vào, giống như người đời nuốt cọng mì. Bởi thế chúng sanh mang thân Rồng thường chịu nỗi khổ sanh mạng bị uy hiếp, sợ hãi Đại Bằng Kim Xí Điểu nhất.

Có một lần, đức Phật tịnh tọa tu Định bên bờ biển cả, Rồng bị Kim Xí Điểu uy hiếp, chạy đến trước đức Phật cầu cứu, cầu thoát khỏi cái nạn bị Kim Xí Điểu quắp lấy nuốt ăn. Đức Phật từ bi bèn đem ca-sa đang mặc chia một phần cho Long Vương, dạy gã đem cắt thành từng miếng cho rồng con, rồng cháu đắp trên thân hầu thoát khỏi nạn bị Kim Xí Điểu bắt ăn, bởi lẽ Kim Xí Điểu trông thấy ca-sa của Phật chẳng dám ăn Rồng nữa, giữ yên được sanh mạng cho các Rồng. Do đây, ta thấy rõ oai lực ca-sa lớn đến đâu!

Thế gian có một loại chúng sanh nên dùng thân Rồng thì mới có thể đắc độ, Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Rồng đến Long Cung vì các Rồng thuyết pháp, khiến chúng xả bỏ tâm Sân. Nếu nói: Cung Rồng dưới đáy biển, làm sao đến Long Cung thuyết pháp cho được? Đây chẳng phải là chuyện không thể được, như hiện còn kinh Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo là bản kinh đức Phật ở Long Cung vì Long Vương thuyết pháp. Như vậy, đương nhiên Bồ Tát cũng có thể thị hiện thân Rồng đến Long Cung thuyết pháp cho Rồng.

Dạ Xoa” (Yaksha) ở phần trên đã có nói là Tiệp Tật Quỷ (quỷ nhanh nhẹn), còn gọi là Bạo Ác Quỷ, có hai loại thiện và ác: Thích ăn người là ác Dạ Xoa, hộ trì Phật pháp là thiện Dạ Xoa. Như tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni khai đàn thọ giới, đầu tiên là bạch Tứ Yết-ma, Địa Hành Dạ Xoa liền hoan hỷ báo với Không Hành Dạ Xoa, Không Hành Dạ Xoa nghe được tin này bèn vui vẻ báo với Tứ Thiên Vương. Lần lượt truyền báo như thế lên đến cung Ma Tha Hóa Tự Tại, khiến các Ma Vương sanh sợ hãi lớn lao! Thiện Dạ Xoa bảo hộ hành nhân và hộ trì Phật pháp. Trong thế gian nếu có một loại chúng sanh phải dùng thân Dạ Xoa hóa độ mới có thể độ thoát được họ thì Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi bèn hiện thân Dạ Xoa để vì họ thuyết pháp. Như mọi người đều biết, Diện Nhiên Đại Sĩ chính là hiện thân của Quán Âm Bồ Tát.

Càn Thát Bà” (Gandharva), Hán dịch thành Tầm Hương (tìm mùi hương), Khứu Hương (ngửi mùi hương), Thực Hương (ăn hương), Hương Thần, là thần tấu nhạc trước tòa của Đế Thích, chúa trời Đao Lợi. Đế Thích Thiên mê đắm ngũ dục, đương nhiên cũng thích nghe âm nhạc. Mỗi khi Đế Thích muốn nghe âm nhạc, chẳng cần phải sai thiên chúng đi tìm thần tấu nhạc, chỉ thắp một cây hương để trước mặt; Càn Thát Bà nghe mùi hương bèn đến tấu nhạc trước tòa Đế Thích, cứ tấu mãi cho đến khi Đế Thích không muốn nghe nữa mới ngưng. Thần tấu nhạc này thường sống trong hang Kim Cang ở phía Nam núi Tu Di, có thể bay trên hư không. Trong thế gian nếu có một loại chúng sanh nên dùng thân Càn Thát Bà để hóa độ họ thì sau đó họ mới có thể được độ thoát, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi bèn hiện thân Càn Thát Bà vì họ thuyết pháp. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhược Càn Thát Bà, nhạo thoát kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, hiện Càn Thát Bà thân, nhi vị thuyết pháp, linh kỳ thành tựu” (Nếu Càn Thát Bà thích thoát khỏi thân đó, ta hiện trước gã đó, hiện thân Càn Thát Bà, vì gã thuyết pháp khiến gã thành tựu) cũng nhằm diễn tả ý này.

A Tu La” (Asura), có ba cách dịch sang tiếng Hán:

a) Phi Thiên: Ý nói Tu La có phước báo trời, nhưng không có đức của chư thiên.

b) Vô Đoan Chánh: Theo kinh dạy, A Tu La nữ rất mỹ lệ đoan nghiêm, nhưng A Tu La nam cực thô xấu, chẳng có được nửa điểm tướng mạo đoan chánh nào.

c) Vô Tửu: Theo truyền thuyết, trong quá khứ, A Tu La rất thích uống rượu, nhưng có lúc tìm không ra rượu, không có rượu để uống, liền dứt khoát cai rượu, bởi thế gọi là Vô Tửu.

Đặc tánh lớn nhất của A Tu La là tâm Nghi rất nặng, bất luận việc gì cũng chẳng tin người khác chút nào. Do tâm nghi ngờ quá nặng, sức tranh giành cũng mạnh, nên cái tâm háo thắng tranh cường cũng trội hơn người khác rất nhiều. Tu La thích đánh nhau cùng Đế Thích nhất, nhưng cũng là có nguyên nhân, bây giờ tôi chẳng ngại nêu lên một chuyện để thuyết minh như sau:

Tương truyền A Tu La Vương có một người con gái tên là Xá Chỉ (Shachi Indrani), cô này càng lớn càng xinh đẹp, có thể nói là thế gian ít có người xinh đẹp như cô. Về sau Đế Thích biết được; Đế Thích thuộc Địa Cư Thiên trong Dục Giới, tâm ái dục nam nữ chưa đoạn, bởi thế bèn lấy con gái A Tu La làm vợ, nên cùng A Tu La Vương có quan hệ bố vợ - chàng rể, cảm tình giữa hai bên cũng rất tốt.

Chẳng lâu sau khi Đế Thích đã cưới Xá Chỉ, vì muốn tỏ lòng tôn kính bố vợ, Đế Thích đặc biệt mời A Tu La Vương lên thiên cung du ngoạn và ở lại ít lâu, đương nhiên là dùng hậu lễ tiếp đãi. Khi A Tu La Vương đã hết hứng, muốn trở về, vì muốn tỏ vẻ long trọng tiễn đưa, Đế Thích bèn sai đội nghi trượng thiên binh thiên tướng dàn hàng hai bên cung kính tiễn khách đúng lễ. Nào ngờ A Tu La Vương chẳng những không nhận thịnh tình của chàng rể, trái lại còn nghi Đế Thích cố ý phô trương oai phong trước mặt mình để đe đọa, trong tâm hết sức khó chịu!

Tuy là Đao Lợi Thiên Vương, nhưng Đế Thích thường xuống nhân gian nghe đạo. Hễ có Phật xuất thế bèn xuống nhân gian nghe Phật thuyết pháp, khi không có Phật xuất thế bèn xuống nhân gian nghe Tiên giảng đạo. Có một lần, Đế Thích muốn xuống nhân gian nghe Tiên giảng đạo, bà vợ A Tu La Nữ Xá Chỉ nghi ông chồng lăng nhăng dưới trần, bèn hạch hỏi Đế Thích quá mức, Đế Thích kể thực mọi chuyện, bất luận thế nào bà A Tu La Nữ Xá Chỉ vẫn không tin, lại đòi theo Đế Thích xuống nhân gian dò xét. Đế Thích nghĩ bà ta là đàn bà chẳng nên xuống nhân gian bèn gạt phăng. Bởi thế, bà ta càng thêm ngờ vực, không theo ổng xuống trần cũng không xong!

Đợi sau khi Đế Thích ngồi lên xe báu xuống nhân gian, A Tu La Nữ vận dụng thần thông, ẩn thân núp sau xe báu theo xuống nhân gian. Xuống đến nhân gian, Đế Thích xuống xe, Xá Chỉ cũng xuống xe. Đế Thích trông thấy, không những trách mắng bà đôi câu, còn dùng cành hoa đập bà mấy cái đến nỗi bà Xá Chỉ nổi cơn thịnh nộ kiêu căng, bèn om sòm hài tội Đế Thích cho đến khi ông ta phải xuống nước mới thôi. Ngay lúc đó, tiên nhân vì phải nghe giọng nói lảnh lót của bà ta đến nỗi mất cả thần thông; bởi thế Đế Thích càng thêm giận dữ. Do vậy, Xá Chỉ tâm càng thêm hoài nghi, cứ cho là ông chồng mình hiếp người thái quá!

Sau đó, bà Xá Chỉ đem tình hình khóc kể cùng phụ vương, A Tu La Vương vừa nghe chẳng ngăn nổi nộ khí ngút trời: “Bữa trước mi thị oai trước mặt ta, giờ lại khinh rẻ con gái ta, có ai nhịn được nổi hay chăng?” Do vậy, phát động vô số binh tướng A Tu La đến tuyên chiến cùng Đế Thích, trực tiếp công kích thiên cung. Do A Tu La có chút thần thông, nên chân bèn đạp đáy biển, tay lay cung trời, khiến Đế Thích Thiên đại bại trốn chạy. Sau trận chiến lần ấy, Đế Thích và Tu La thường hay đánh nhau, tuy nói là có lúc thắng, lúc thua, nhưng phần nhiều Đế Thích bị thất bại. Do vậy, thường cảm thấy khổ não!

Đến lúc đức Phật xuất thế, Đế Thích cầu cứu đức Phật, Phật dạy ông ta muốn thắng lợi thì lúc giao chiến cùng A Tu La phải niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Đế Thích truyền thiên binh, thiên tướng xưng niệm như thế, quả nhiên toàn thắng, khiến cho A Tu La thất bại, phải trốn vào lỗ ngó sen, chẳng dám đánh nhau cùng trời Đế Thích nữa!

Đặc tánh của A Tu La là tâm nghi rất nặng, tâm sân rất lớn; vậy thì kẻ nào làm người trong nhân gian, nếu tâm hoài nghi rất nặng, tâm sân khuể rất lớn, chuyện gì cũng tranh cường háo thắng, chết đi bèn đọa vào đường A Tu La. Lúc còn làm người, A Tu La cũng làm không ít thiện nghiệp, như các công đức bố thí v.v... vẫn thường làm, nhưng do tâm háo thắng mạnh mẽ, liền thành ra gieo nhân A Tu La. Nếu có chúng sanh phải dùng thân A Tu La mới có thể độ được, Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân A Tu La vì họ thuyết pháp, khiến họ bỏ được nghi, sân, thân tâm giải thoát. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhược A Tu La, nhạo thoát kỳ luân, ngã ư bỉ tiền, hiện A Tu La thân, nhi vị thuyết pháp, linh kỳ thành tựu” (Nếu A Tu La thích thoát khỏi thân đó, tôi ở trước kẻ đó, hiện thân A Tu La vì kẻ đó thuyết pháp cho được thành tựu), cũng chính là ý này.

Ca Lâu La (Garuda), Hán dịch là Diệu Xí Điểu, hoặc dịch là Kim Xí Điểu (chim cánh vàng), còn có tên là Đại Bằng Kim Xí Điểu, sống trong những cây bằng sắt lớn ở phương Bắc núi Tu Di. Theo kinh Phật, loại chim này hai đầu cánh xòe ra cách nhau ba trăm sáu mươi dặm. Lúc nó muốn ăn Rồng, bèn dùng đôi cánh to quạt nước biển khiến nước tách ra, thấy tận đáy biển, trông thấy cung Rồng, chụp lấy Rồng ăn, ăn Rồng như con người ăn mì sợi vậy.

Phần trên đã nói, Phật dùng ca-sa cứu Rồng khiến Kim Xí Điểu chẳng dám ăn nuốt, bởi thế, chim đến trước Phật nói:

- Ngài rất từ bi cứu Rồng, cứu được Rồng khá lắm, nhưng con đói bụng quá, không có gì ăn, sắp phải chết đói, không biết Phật thấy chết có cứu hay không?

Đức Phật đặc biệt khai thị:

- Nếu ngươi phát tâm quy y Tam Bảo, giữ giới Bất Sát, từ nay chẳng ăn Rồng nữa, ta sẽ truyền đệ tử Phật lúc cúng Phật thọ thực, dùng bảy hạt gạo hoặc cháo xuất sanh, để bố thí cho ngươi và quỷ thần Khoáng Dã, La Sát, Quỷ Tử Mẫu v.v… khiến cho các ngươi có cái để sanh sống, chẳng còn bị cái khổ đói khát nữa!

Bởi thế việc Xuất Sanh trong Phật giáo có ý nghĩa rất trọng yếu, chẳng phải là theo thói quen làm cho qua chuyện đâu nhé! Lúc xuất sanh nên niệm bài kệ Xuất Sanh như sau:

Đại Bằng Kim Xí Điểu,

Khoáng Dã quỷ thần chúng,

La Sát, Quỷ Tử Mẫu,

Cam Lộ tất sung mãn.

(Đại Bằng Kim Xí Điểu,

Các quỷ thần Khoáng Dã,

La Sát, Quỷ Tử Mẫu,

Thảy no đủ cam lộ)

Ngàn vạn phần chẳng thể làm qua quít cho xong chuyện được! Trên đầu Ca Lâu La có bảo châu Như Ý, nếu ai có được bảo châu này, đúng là muốn gì có nấy! Có lúc Ca Lâu La miệng phun ra lửa, bởi thế còn gọi là Ca Lâu La Viêm.

Thế gian nếu có chúng sanh, phải dùng thân Ca Lâu La mới có thể độ thoát, Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Ca Lâu La để tuyên nói pháp nhân từ yêu thương loài vật, khiến chúng sanh ấy hành theo, thân tâm được giải thoát.

Khẩn Na La” (Kinnara), Hán dịch là Nghi Nhân hoặc Nghi Thần, loài này trên đầu có một sừng, khiến người trông thấy khởi lòng ngờ vực không biết có phải là người hay không, nên mới có tên như thế. Chúng cũng là thần tấu nhạc của Đế Thích, nhưng không giống với thần tấu nhạc Càn Thát Bà nói ở phần trên. Nhạc do Càn Thát Bà tấu là âm nhạc thế tục thông thường; nhạc của Khẩn Na La tấu là pháp nhạc. Cũng có thể nói âm nhạc do loài trước tấu là nhạc thế gian, nhạc do loài sau tấu là nhạc xuất thế gian. Nếu có chúng sanh phải dùng thân Khẩn Na La mới có thể độ thoát thì Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Khẩn Na La vì họ tuyên thuyết Như Lai chánh pháp, khiến cho họ y pháp tu hành, thân tâm được giải thoát, thoát ly cuộc sống quỷ thần Khẩn Na La.

Ma Hầu La Già (Mahoraga), Hán dịch là Đại Mãng Xà Thần, hoặc dịch là Địa Long, có thuyết nói là đầu rắn mình người. Nếu có chúng sanh phải dùng thân Ma Hầu La Già mới độ thoát được thì Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Ma Hầu La Già, vì kẻ đó tuyên thuyết pháp nhẫn nhục, tu Từ, nhu hòa tu Huệ, khiến kẻ ấy y pháp tu hành, ngõ hầu thân tâm giải thoát!

Nhân phi nhân đẳng thân đắc độ giả”: là lời tổng kết tám bộ. Nói “nhân phi nhân” là vì: Có thuyết nói họ dường như là thân người, nhưng không phải là người nên gọi là “nhân phi nhân”. Có thuyết nói là tám bộ quỷ thần vốn chẳng phải là người, nhưng biến thành thân người đến trước đức Phật nên gọi là “nhân phi nhân”. Có thuyết nói chữ “nhân” chỉ nhân loại trong bốn châu, chữ “phi nhân” chỉ tám bộ quỷ thần. Tuy có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng tôi cho là cách giải thích thứ nhất hợp lý hơn.

Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, vì muốn cứu độ tám bộ chúng sanh, bèn thích ứng với cơ cảm của bọn họ, đáng nên dùng thân nào để hóa độ bèn hiện thân đó để thuyết pháp, bởi thế nói là “đều có thể hiện những thân đó để thuyết pháp”.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương