QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang16/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

2.2.1.2.2.4. Độc trùng, bạo vũ nạn (Nạn độc trùng, mưa dữ)
Chánh kinh:

Ngoan, xà, cập phúc yết,

Khí độc yên hỏa nhiên,

Niệm bỉ Quán Âm lực,

Tầm thanh tự hồi khứ,

Vân lôi cổ, xiết điển,

Giáng bạc, chú đại vũ,

Niệm bỉ Quán Âm lực,

Ứng thời đắc tiêu tán.

蚖蛇及蝮蝎。

氣毒煙火然。     

念彼觀音力。

尋聲自迴去。

雲雷鼓掣電。

降雹澍大雨。     

念彼觀音力。

應時得消散。

(Rắn, rết, bò cạp độc,

Nhả độc như khói mù,

Nhờ sức niệm Quán Âm,

Theo tiếng, lui chạy mất.

Mây sấm rền, chớp lòe,

Mưa đá, mưa lớn xối,

Nhờ sức niệm Quán Âm,

Ngay lập tức tan mất).
Trong thế gian này, “nguyên xà cập phúc yết” (tạm dịch: “Rắn rết bò cạp độc”) các loài trùng độc, rắn độc rất nhiều. Chúng nó phun hơi độc mù mịt như lửa đốt khói bốc, bởi thế nói là “khí độc yên hỏa nhiên” (tạm dịch: “Nhả độc như khói mù”). Bất luận người nào tiếp xúc những độc khí đó đều bị táng thân mất mạng. Nếu có người gặp phải tình hình này, lập tức niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, liền được oai lực Quán Âm Bồ Tát gia bị, theo tiếng niệm ấy, bọn chúng tự nhiên chạy trốn hết, chẳng dám phun khí độc xâm hại nữa, Bồ Tát từ bi cảm ứng nhanh đến dường nào?

Có thuyết nói Nguyên và Phúc chỉ là một loại; ta thường gọi Nguyên là Thổ Hủy Xà (rắn hổ đất?). Hủy (虺) là một loài rắn độc, dài khoảng chừng tám chín thước, đầu dẹp, mắt to, màu đất, lúc thấy người bèn ngóc đầu lên đuổi theo, loài này cực độc, chỉ cần bị nó cắn, tuyệt đối chẳng còn mạng nữa. Phúc (蝮:rắn cạp nong?) cũng là một loài rắn độc, hay sống ở chỗ ẩm ướt, dài khoảng hơn một thước, đầu rất lớn, hình tam giác, cổ lại rất nhỏ, nanh độc hình giống cái ống, toàn thân màu xám nhạt, có vằn màu nâu, đến đuôi đột nhiên nhỏ dần, độc tánh rất dữ dội, bị nó cắn một cái, cũng mất mạng luôn.

Tương truyền thời Nam Tống, trong niên hiệu Thiệu Hưng, ở Dư Hàng có một người đàn bà họ Châu, đi trên đường thấy có ba con rắn lớn nằm khoanh giữa lộ khiến bà không cách nào đi qua được; chỉ còn cách lấy hết can đảm, nhảy qua rắn. Rắn cũng chẳng chịu kém, lập tức phát nộ đuổi theo bà, cuốn bà ta ngã lăn ra đất. Ngay trong lúc ấy, có người làng tên là Cung Lê Thần đi đến đó, thấy tình hình ấy, muốn cứu bà ta nhưng không nghĩ ra cách nào khác, bèn chắp tay lớn tiếng xưng niệm thánh hiệu Quán Âm và trì niệm chú Đại Bi. Thật là chẳng thể nghĩ bàn, rắn nghe tiếng niệm thánh hiệu Quán Âm, bèn buông bà ta ra, mỗi con tự bò đi mất. Chuyện này chứng tỏ rất đắc lực cho câu “tầm thanh, tự hồi khứ” (nghe tiếng, tự chạy mất).

Lại còn có người nói Yết (bò cạp), tục gọi là Hiết, thuộc bộ Tri Thù, dài khoảng ba tấc, màu xanh pha đen, trên cổ có một đôi xúc tu giống như càng cua, đầu và ức đều rất ngắn, phần bụng có mười ba đốt tròn, phần đốt tròn cuối bụng hẹp nhỏ trông như cái đuôi, cuối đuôi có móc độc. Nếu gặp người bèn cong đuôi lên bắn ra dịch độc. Người trúng dịch độc này có thể bị mất mạng. Bò cạp thường bắt nhện, côn trùng nhỏ để ăn, cũng hay cắn người.

Từ miệng nhả chất độc tổn hại người là tỷ dụ con người ác khẩu, chửi bới dữ dằn, dai dẳng, và những điều độc hại do việc khêu gợi ly gián gây nên. Như ác khẩu, chửi bới dai dẳng khiến người ta khó chịu, chẳng yên ổn nổi, thậm chí vì đó kết liễu tánh mạng. Đấy là chuyện thường thấy trong thế gian. Bởi thế, câu nói: “Nhất ngôn thính chi, linh nhân như tam bách mâu thích tâm” (Một lời nghe qua khiến người cảm thấy như ba trăm ngọn mâu đâm vào tim) chính là nói về ý này.Trong mỗi một xó xỉnh của xã hội hiện thời, có thể nói không sai lắm là không ngày nào chẳng có người chửi bới dữ dằn, độc địa. Chẳng cần biết do quan hệ nào, con người trở thành cừu địch với nhau, quốc gia này gây chiến tranh với quốc gia khác, thường là do một câu chẳng thể nhịn nổi mà thành chuyện. Còn đâm thọc ly gián thì làm cho đôi bên nghi ngờ, ghét bỏ nhau, thậm chí biến thành đấu đá kịch liệt, cũng khiến cho đôi bên đều bị tổn thương. Bởi vậy, làm người trong thế gian, chẳng thể không cẩn thận khẩu nghiệp, đặc biệt là ác khẩu và lưỡng thiệt càng phải đặc biệt tránh.

Trời vốn đang trong trẻo, chợt mây đen phủ kín, sấm nổ ầm ì như tiếng trống rền, chớp lòe nhoang nhoáng bốn phía giống như được vạch, kéo; bởi thế nói “vân lôi cổ, xiết điển” (mây giăng, sấm nổ như trống rền, chớp giăng). Hoặc còn đổ xuống những hạt nước đá cứng chắc, hoặc là tuôn mưa lớn ào ạt, bởi thế nói là “giáng bạc chú đại vũ” (mưa đá, mưa lớn xối). Ngay trong lúc có những hiện tượng thiên nhiên đáng sợ đó, nếu có thể kiền thành niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, liền có thể nhờ vào oai lực Quán Âm Bồ Tát gia bị, ngay lập tức trời quang, mưa tạnh, sấm im, mưa đá hết, nên nói “ứng thời đắc tiêu tán” (ngay lập tức tan mất).

Mây là thứ lờ lững trong không trung, như thường nói: “Bạch vân thương cẩu, biến hóa vạn thiên” (mây trắng, chó xanh, biến hóa ngàn muôn). Nhưng mây do gì tạo thành? Hơi nước hỗn hợp trong không khí, vốn là vô hình vô tướng, một khi ngưng kết thành những hạt nước hoặc đông thành những băng tinh21, liền biến thành mây hữu hình. Nếu mây biến thành sắc đen, phủ kín không trung, là dấu hiệu trời sắp đổ mưa. Sấm động là mây phóng điện, phát ra những tiếng vang rền to lớn, khác nào tiếng trống đánh nên gọi là “lôi cổ”. Trong quá khứ, lúc dân trí chưa khai phát, người ta gọi sấm là Lôi Thần, nói trên lưng Lôi Công đeo một cái trống to, dùng tay vỗ ra tiếng. Đấy cũng là cách giải thích tiếng sấm rền như tiếng trống. Chữ “điển” trong “xiết điển” là nói một công năng cố hữu của vật chất, có thể dùng nó làm sức đẩy, lại còn có thể lợi dụng nó để phát sáng, phát nhiệt, [xiết điển] tức là tia chớp lóe sáng trên không. Sấm và chớp thường đi chung với nhau, tức là trước hết chớp lòe nhoang nhoáng, rồi mới có tiếng sấm ầm ì. Mọi người thường nghĩ chúng theo thứ tự trước sau, nhưng thật sự chúng xảy ra cùng một lúc. Chỉ vì sóng ánh sáng lan truyền nhanh hơn, sóng âm thanh truyền chậm hơn, nên trước hết thấy ánh chớp rồi mới nghe tiếng sấm.

 

 2.2.1.3. Tổng kết


Chánh kinh:

Chúng sanh bị khổn ách,

Vô lượng khổ bức thân,

Quán Âm diệu trí lực,

Năng cứu thế gian khổ.

眾生被困厄。

無量苦逼身。     

觀音妙智力。

世間苦。

(Chúng sanh bị khổn ách,

Vô lượng khổ bức thân,

Quán Âm sức trí diệu,

Thường cứu khổ thế gian).
Trong thế gian hiện thực này, chúng sanh gặp phải cảnh khốn quẫn, hoặc gặp phải tai nạn nguy ách, nên nói là “bị khổn ách”. “Bị” (被) có nghĩa là hứng chịu. Đã thế, còn có vô lượng nỗi khổ bức bách thân tâm, khiến cho cả thân lẫn tâm đều chẳng cảm thấy tự tại. Nhưng đấng tầm thanh cứu khổ đại bi Quán Âm có đủ trí huệ lực vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, xem thấy chúng sanh bị khổn ách, bị các nỗi khổ bức bách, do tâm Bi thôi thúc, Ngài liền đến cứu khổ nạn cho chúng sanh. Như Tâm Kinh ghi: “Quán Tự Tại Bồ Tát lúc thực hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi thấy năm Uẩn đều không, độ hết thảy khổ ách”. Bởi thế nói là “thường cứu khổ thế gian”. Quán Âm Bồ Tát sở dĩ có tên Quán Âm cũng là do duyên này mà có. Giảng đến đây thì phần hiển thị nguyên do có danh hiệu đã hoàn tất.

 

2.2.2. Hiển du hóa phương tiện (hiển thị phương tiện du hóa)



2.2.2.1. Quảng hiển ứng hóa chư quốc (nói rộng về việc ứng hóa trong các cõi nước)

2.2.2.1.1. Thân nghiệp phổ ứng (thân nghiệp ứng hiện khắp tất cả)
Chánh kinh:

Cụ túc thần thông lực,

Quảng tu trí phương tiện,

Thập phương chư quốc độ,

Vô sát bất hiện thân,

Chủng chủng chư ác thú:

Địa ngục, quỷ, súc sanh,

Sanh, lão, bệnh, tử khổ,

Dĩ tiệm tất linh diệt.

具足神通力。

廣修智方便。     

十方諸國土。

無剎不現身。

種種諸惡趣。

地獄鬼畜生。     

生老病死苦。

以漸悉令滅。

      (Đầy đủ sức thần thông,

      Rộng tu trí phương tiện,

      Các cõi nước mười phương,

      Không đâu chẳng hiện thân,

      Bao nhiêu các đường ác,

      Địa ngục, quỷ, súc sanh,

      Sanh, già, bệnh, chết khổ

      Khiến dần bị tiêu diệt).
      Quán Âm là vị đại Bồ Tát địa vị cao tu hành đã lâu, từ trong thể Viên Thông ngài đã chứng, phát xuất diệu dụng tối cực thù thắng, bởi thế nói là “cụ túc thần thông lực” (đầy đủ sức thần thông). “Thần” nghĩa là diệu dụng chẳng thể suy lường, “thông” nghĩa là vô ngại tự tại. Phàm là đại Bồ Tát đều có thần thông. Bất quá nói đến thần thông, thường chia ra hai loại: Thần thông hữu lậu và thần thông vô lậu.

Thần thông hữu lậu chẳng riêng thần tiên có mà quỷ thần cũng có; nhưng thần thông quỷ thần có được là Báo Đắc Thông (thần thông do quả báo mà tự nhiên có được), công dụng chẳng lớn, chỉ có thể thấy chút phần trong hai đường nhân đạo và quỷ đạo. Thiên tiên có năm thần thông: Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Túc Mạng, Thần Túc; so ra tuy công dụng lớn hơn quỷ thần rất nhiều, nhưng vẫn rất hẹp nhỏ, lại còn phiền não hoàn toàn chưa đoạn. Phật pháp coi trọng nhất là Lậu Tận Thông, bọn họ vẫn chưa đạt được. Bởi lẽ, có lúc họ khởi sát cơ, lợi dụng thần thông gây tạo tội ác lớn.

Nhị Thừa thánh giả xuất thế, chẳng những có đủ năm thứ thần thông thông thường, mà còn đắc Lậu Tận Thông của Phật pháp. Tuy thần thông của họ phát sanh tác dụng cao trỗi hơn thần thông hữu lậu của thiên tiên trăm ngàn vạn lần, nhưng do chưa đạt được rốt ráo, nên Thiên Nhãn Thông của Nhị Thừa chỉ có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới này; Thiên Nhĩ Thông chỉ nghe được trong tam thiên đại thiên thế giới này; Thần Túc Thông chỉ có đi tự tại trong tam thiên đại thiên thế giới này; Túc Mạng Thông chỉ có thể biết rõ sự việc trong vòng tám vạn kiếp; Tha Tâm Thông chỉ biết được tâm của chúng sanh lục phàm.

Đăng Địa Bồ Tát (những vị Bồ Tát chứng từ Sơ Địa trở lên) phá được một phẩm vô minh, cho nên Thiên Nhãn Thông và Thiên Nhĩ Thông của họ chẳng những thấy nghe được tam thiên đại thiên thế giới, mà còn thấy nghe được một trăm tam thiên đại thiên thế giới. Công dụng phát sanh bởi thần thông của họ so với Nhị Thừa rộng lớn gấp trăm lần, nhưng vẫn chưa thể kể là “đầy đủ thần thông”.

Thiên Nhãn Thông của Phật có thể thấy vô lượng vô số vô cùng vô tận tam thiên đại thiên thế giới, Thiên Nhĩ Thông của Phật nghe được vô lượng vô số vô cùng vô tận tam thiên đại thiên thế giới, Túc Mạng Thông biết rõ chuyện trong nhiều kiếp lâu xa trước giống hệt như chuyện xảy ra trong ngày hôm nay. Thấu triệt tột cùng, rốt ráo đầy đủ. Trong phần trên đã nói, Quán Thế Âm Bồ Tát đã sớm thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, đã chứng viên thông diệu thể, chẳng giống với Bồ Tát mới thành, bởi thế Ngài đầy đủ sức thần thông lớn lao chẳng thể nghĩ bàn.

      Chánh Pháp Minh Như Lai thị hiện Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng những có đủ thần thông diệu dụng, mà còn rộng tu đại trí huệ, đại phương tiện. “Đại trí huệ” chỉ Thắng Nghĩa Trí, khế chứng chân lý “các pháp tánh Không” là đặc tánh duy nhất của trí ấy. “Đại phương tiện” chỉ Thế Tục Trí, thuyết pháp thích ứng căn cơ chúng sanh là công dụng duy nhất của trí này. Vận dụng cả hai trí, không gì chẳng đầy đủ, nên gọi là “rộng tu”. Chẳng có Thắng Nghĩa Trí, nhất định chẳng thể chứng chân lý; chẳng có Thế Tục Trí, nhất định chẳng thể độ quần mê. Đứng trên lập trường Bồ Tát, hai trí này chẳng thể phế bỏ một trí nào; nhưng cần phải có Thắng Nghĩa Trí mới có thể phát sanh Thế Tục Trí quyền xảo được.

Đại Bi Quán Âm đã có đủ thần thông lực và trí phương tiện, đương nhiên sẽ có thể ở trong mười phương thế giới, trong hết thảy các cõi nước, không cõi nào Ngài chẳng thị hiện các thứ thân ứng hóa để độ các loài chúng sanh bất đồng. “Sát” trong tiếng Ấn Độ là Sát-Ma, Hán dịch là Độ Điền, có lúc kinh còn gọi là Quốc, hoặc gọi là Độ, nhưng đều cùng một ý nghĩa. Nếu nói Phật sát thì có nghĩa là một thế giới được hóa độ bởi một đức Phật. “Hiện thân” nghĩa là Phật, Bồ Tát hóa hiện các thân phận bất đồng; như phần Trường Hàng kinh này nói Quán Âm Bồ Tát hiện ba mươi ba ứng thân, đó là ý nghĩa chữ “hiện thân”. Ứng là tùy cảm mà ứng, tức là do chúng sanh cơ cảm, bèn tự nhiên ứng theo đó. Cần phải biết rằng: Quán Thế Âm Bồ Tát lấy việc độ sanh làm bổn nguyện, chẳng phải như mọi người thường nghĩ Bồ Tát chỉ được thờ trong các chùa miếu, mà Ngài luôn hiện hữu trong mười phương cõi nước đến khắp mọi nơi hiện thân thuyết pháp.

      Quán Âm Bồ Tát không cõi nào chẳng hiện thân, rốt cuộc Ngài thị hiện tại những nơi nào? Chính là “chủng chủng chư ác thú” (trong hết thảy đường ác), Ngài đều có thể hiện thân. Chữ “chư ác thú” thông thường chỉ ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; cũng có khi ngoài ba đường ác thêm vào đường A Tu La, gọi là bốn “ác thú”. Sở dĩ gọi là “ác thú” là vì mỗi chúng sanh do ác nghiệp của chính mình sẽ hướng đến (thú hướng) chỗ ác, nên gọi là “ác thú”. Cũng có khi gộp cả nhân thiên vào ba đường ác gọi là Ngũ Ác Thú, nên gọi là “chư ác thú”. Nhân thiên bị gọi là ác thú là dựa trên chuyện sanh tử luân hồi mà nói. Nói theo quan điểm xuất thế của nhà Phật, phàm bất cứ những gì không thể siêu xuất tam giới đều gọi là “ở trong ác thú”.

Lấy địa ngục để nói: Chúng sanh đọa trong địa ngục, bất luận là thuộc tám ngục lạnh hoặc tám ngục nóng, hoặc trong các địa ngục khác, đều có các thứ đau khổ công kích. Quán Âm Bồ Tát thấy chúng sanh chịu khổ trong địa ngục, chẳng nỡ thấy họ bị hãm trong mọi thống khổ bao vây trong cả một thời gian dài, bởi thế khởi lên bi nguyện “ta chẳng vào địa ngục, ai vào địa ngục”, thị hiện thân tướng chúng sanh địa ngục, vào trong địa ngục giáo hóa bọn họ, khiến bọn họ xuất ly khổ não địa ngục, thân tâm được giải thoát!

Về ngạ quỷ, tuy nói là có vô tài, thiểu tài, đa tài – như các thần hưởng đồ huyết thực – sai biệt, nhưng do đói khát mà thành tên, nên thường gọi là ngạ quỷ. Đọa trong đường ngạ quỷ, thường kéo dài cả trăm ngàn vạn năm, chẳng nghe được tên chất tương (juice) hay nước, huống hồ những thứ thức ăn khác? Bởi thế, sa chân vào đường ngạ quỷ rất khổ vậy. Quán Âm Bồ Tát thấy chúng sanh ngạ quỷ thọ khổ, đặc biệt thị hiện thân quỷ vương Diện Nhiên đại sĩ, tạo cơ hội cho đức Phật giảng kinh Diệm Khẩu để phổ cứu hết thảy ngạ quỷ. Đó là hiện thân ngạ quỷ thuyết pháp cho ngạ quỷ được giải thoát.

Về súc sanh, trong hiện thực thế gian có thể thấy rõ loài này. Có những loài chim bay trên không trung, có loài thú chạy trên mặt đất, có loài lông vẩy bơi lội dưới nước. Chúng sanh đọa vào súc sanh hoặc là để trả nợ, hoặc là để đền mạng, thường chịu những đau khổ khó lòng chịu đựng nổi. Quán Thế Âm Bồ Tát thấy chúng sanh thọ khổ trong đường súc sanh, liền thị hiện các thân tướng chúng sanh sai khác để hóa độ bọn họ, khiến bọn họ lìa bỏ quả báo súc sanh, thân tâm được giải thoát.

Về nhân loại, bốn nỗi khổ lớn Sanh, Lão, Bệnh, Tử, bất luận có tiền hay không tiền, bất luận có địa vị hay không địa vị, ai cũng chẳng tránh khỏi. Chẳng riêng gì nhân loại, ngay cả các hữu tình trên trời cũng chẳng thể tránh khỏi giống như thế. Như cổ đức nói: “Nhân gian nan miễn tứ tướng khổ, thiên thượng hà tằng miễn ngũ suy” (Nhân gian khó thoát bốn tướng khổ, cõi trời ai khỏi năm tướng suy?) Quán Thế Âm Bồ Tát thấy nhân loại và chúng sanh trên cõi trời thọ khổ, cũng thị hiện thân người hoặc thân trời giống hệt họ, đến thuyết pháp cho chúng ta khiến cho chúng ta lìa khổ được vui! Nói chung, chúng sanh trong tam giới, bất luận thuộc đường nào, cứ hễ ai có nỗi khổ, chỉ cần nhất tâm xưng danh, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi đều hiện trước mặt, nói ra chánh pháp người ấy có thể tiếp nhận được, khiến cho người ấy thực hành theo chánh pháp đó, bèn có thể dần dần tiêu diệt thống khổ, bởi thế nói là “dĩ tiệm tất linh diệt” (khiến dần dần bị tiêu diệt). Điều này trong phần Trường Hàng tôi đã giải thích chi tiết.

Hai bài kệ nói trên là phần Tổng Tụng về sự hiện thân, nên khoa này được gọi là Thân Nghiệp Phổ Ứng.

 

2.2.2.1.2 Ý nghiệp phổ quán (ý nghiệp quán sát khắp)


Chánh kinh:

Chân quán, thanh tịnh quán,

Quảng đại trí huệ quán,

Bi quán cập Từ quán,

Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng,

Vô cấu thanh tịnh quang,

Huệ nhật phá chư ám,

Năng phục tai phong hỏa,

Phổ minh chiếu thế gian.

真觀清淨觀。

廣大智慧觀。     

悲觀及慈觀。

常願常瞻仰。

無垢清淨光。

慧日破諸暗。     

能伏災風水。

普明照世間。

(Chân quán, thanh tịnh quán,

Trí huệ quán rộng lớn,

Bi quán và từ quán,

Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng,

Sáng thanh tịnh, không nhơ,

Huệ nhật phá các tối,

Dẹp phục tai, gió, lửa,

Chiếu sáng khắp thế gian).
Đây là phần nói về ý nghiệp quán sát khắp tất cả của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Có năm loại quán: Chân Quán, Thanh Tịnh Quán, Quảng Đại Trí Huệ Quán, Bi Quán và Từ Quán. Dùng năm thứ Quán này hiển thị căn bản hóa độ hết thảy chúng sanh. Theo cổ đức, ba thứ Quán trước thuộc về Tự Lợi, hai Quán sau thuộc về Lợi Tha. Bởi thế, năm thứ Quán gồm hai bộ phận lớn là Tự Lợi và Lợi Tha. Nếu luận trên phương tiện ứng hóa thù thắng của năm thứ Quán này, phải nói chúng đều thuộc về Lợi Tha; nhưng nếu xem tiếp ý đoạn văn trên: “Khiến dần dần tiêu diệt thống khổ của chúng sanh” thì rốt cuộc là dần dần tiêu diệt bằng cách nào đây? Vì thế, ở đây bèn nói là dùng năm pháp Quán để dần dần diệt khổ cho chúng sanh; đã thế phần kinh văn này lại thuộc về phần Hiển Thị Phương Tiện Du Hóa, lẽ đương nhiên là vận dụng Ngũ Quán để làm phương tiện độ thoát chúng sanh.

Có người giải thích như thế này: Do Bồ Tát Quán Âm sanh khởi quán huệ Chân Tâm, soi thấy vọng nghiệp của chúng sanh vốn là Không, về căn bản, tự thể của nghiệp tánh là bất khả đắc. Khởi quán huệ Thanh Tịnh Quán, soi thấy tự tánh của chúng sanh vốn lìa nhiễm, chưa từng bị tạp nhiễm làm nhiễm ô. Khởi quán huệ Đại Trí Quán chiếu phá vô minh si ám của chúng sanh, hiển phát quang minh mà chúng sanh vốn sẵn có. Khởi quán huệ Đại Bi Quán, dẹp trừ vô lượng khổ đau cho chúng sanh, chẳng còn bị các thống khổ bức bách. Khởi huệ quán Đại Từ Quán, ban cho chúng sanh hết thảy an lạc, khiến chúng sanh vĩnh viễn được sống tự do tự tại. Theo cách giải thích này, có thể nói ba phép Quán đầu nhằm phá hủy Hoặc nghiệp của chúng sanh, hai phép Quán sau nhằm dẹp khổ ban vui. Như vậy năm phép Quán đều là Lợi Tha. Do đó, cổ nhân đem ba phép quán Chân, Tịnh, Trí phối hợp với thuyết tam quán Không, Giả, Trung của ngài Thiên Thai; chúng tôi cho rằng không nhất thiết là như vậy.

Quán Âm Bồ Tát dùng Ngũ Quán hóa độ chúng sanh, chúng ta phải “thường nguyện” Bồ Tát từ bi cứu tế, khiến chúng ta thật sự lìa khổ được vui. Đồng thời cũng nên “thường chiêm ngưỡng” diệu tướng trang nghiêm của Bồ Tát, đảnh lễ kính ngưỡng, cầu Ngài nhiếp chiếu. Nói “chiêm ngưỡng” có nghĩa là dùng tâm cung kính ngửa trông vậy. Phẩm Phương Tiện kinh Pháp Hoa có câu: “Chiêm ngưỡng Lưỡng Túc Tôn”, kinh Duy Ma nói: “Chiêm ngưỡng tôn nhan, mục bất tạm xả” (chiêm ngưỡng tôn nhan, mắt chẳng tạm rời) đều nhằm diễn tả ý này.

Bốn câu trên là bài tụng để tổng kết phần nói về Trí Quán, hiển thị Bồ Tát ứng vật quán chiếu nên mới có năm phép Quán sai biệt. Mỗi một phép quán trong năm phép ứng vật quán chiếu của Bồ Tát đều thanh tịnh vô cấu. Từ trong thanh tịnh vô cấu quán, phát sanh quang minh đại trí huệ, nên nói: “Vô cấu thanh tịnh quang”. Ánh sáng đại trí huệ ấy rạng rỡ chiếu ngời, có thể chiếu tan hết thảy tối tăm phiền não, khác nào vầng mặt trời treo cao trên không trung thanh tịnh, chiếu tan hết thảy tối tăm trong đại địa, bởi thế nói: “Huệ nhật phá chư ám” (huệ nhật phá các tối). Vô Lượng Thọ Kinh chép: “Huệ nhật chiếu thế gian, thanh trừ sanh tử vân” (Huệ nhật chiếu thế gian, trừ sạch mây sanh tử), phẩm Phương Tiện kinh Pháp Hoa ghi: “Huệ nhật đại thánh tôn” đều nhằm diễn tả ý này. Chúng sanh vô tri vô minh, nên gọi là “chư ám”. Thanh tịnh trí quang có thể chiếu sáng tăm tối mù lòa của thế gian nên dùng “huệ nhật” (mặt trời trí huệ) để ví dụ. Phẩm Dược Vương Bổn Sự kinh Pháp Hoa có câu: “Hựu như Nhật thiên tử năng trừ chư ám, thử kinh diệc phục như thị, năng phá nhất thiết bất thiện chi ám” (Lại như Nhật thiên tử trừ được các tối, kinh này cũng giống như thế, phá được hết thảy tối tăm bất thiện).

Ánh sáng của huệ nhật chẳng những phá được các tối mà còn “năng phục tai phong hỏa” (dẹp được tai nạn, gió, lửa). Chữ “tai” bao gồm hết thảy khổn ách, nhưng nạn gió, nạn lửa là những tai nạn lớn nhất trong các tai nạn. Tai nạn gió, lửa còn khuất phục được thì tự nhiên các tai nạn khác không thành vấn đề. Nói một cách nghiêm túc, chúng sanh sở dĩ có các tai nạn: gió, lửa v.v… chẳng phải do từ bên ngoài xảy đến cho chúng sanh mà là do phiền não của chúng sanh chiêu cảm. Hắc ám phiền não đã bị chiếu tan, đương nhiên dẹp được các tai nạn. Quang minh của vầng mặt trời trí huệ trừ dẹp tai nạn, chiếu tan hắc ám, khác nào thái dương chiếu rực thế gian, khắp nơi được soi thảy đều sáng sủa, nên nói là: “Phổ minh chiếu thế gian” (Chiếu sáng khắp thế gian).

 

2.2.2.1.3. Khẩu nghiệp phổ ích (Khẩu nghiệp lợi ích khắp tất cả)


Chánh kinh:

Bi thể giới lôi chấn,

Từ ý diệu đại vân,

Chú cam lộ pháp vũ,

Diệt trừ phiền não diệm.

悲體戒雷震。

慈意妙大雲。     

澍甘露法雨。

滅除煩惱焰。

(Bi thể giới sấm rền,

Mây từ ý lớn diệu,

Tuôn mưa pháp cam lộ,

Diệt trừ lửa phiền não).
Đoạn này nói về sự lợi ích khắp cả do khẩu nghiệp của Quán Âm, cũng tức là tán thán sự nghiệp thuyết pháp độ sanh của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tuy nói là “khẩu nghiệp lợi ích khắp cả”, nhưng thực tế bao gồm hoạt động của cả ba nghiệp, cũng có nghĩa là hiển thị tam luân bất tư nghị hóa của đức Quán Âm.

Bi thể”: Bi nghĩa là dẹp khổ. Tâm Bi của chư Phật, Bồ Tát rộng lớn khôn sánh, bởi thế gọi là Đại Bi. Phật, Bồ Tát lấy Đại Bi làm thể, nên gọi là “bi thể”. Như nói: “Phật tâm là đại từ bi”, “Bồ Tát chỉ từ đại bi sanh, chẳng từ các điều thiện nào khác mà sanh” đều có thể coi là những thuyết minh về bi thể; nhưng bi thể ấy còn có thể nói đại từ bi pháp thân, do trì giới mà có. Do đó, Giới và Từ Bi có mối liên quan mật thiết. Chẳng hạn như bất sát, chẳng làm cho hết thảy hữu tình chịu nỗi khổ sát sanh, đó cũng là ban cho hết thảy hữu tình cảm giác an toàn. Cao hơn một bậc là phải yêu thương bảo vệ sanh mạng hữu tình. Há chẳng phải Giới là thực hiện từ bi đó ư?

Quán Thế Âm Bồ Tát dùng giới thể đại từ đại bi, thân luân hiện thần thông, thị hiện ba mươi ba ứng thân, sức thần thông diệu dụng chấn động khác nào sấm rền khắp đại thiên, cảnh tỉnh thế gian đang mê man trong giấc mộng bởi thế nói là “bi thể giới lôi chấn”. Tổ Đức Thanh nói: “Pháp Thân vô thể, lấy Bi làm thể; Giới là những răn dạy lưu xuất từ Pháp Thân. Vì thế để thuyết pháp thì trước hết dùng sấm rền kinh động nhân quần, dùng từ ý nổi mây từ rộng lớn”.

Từ ý diệu đại vân” chỉ ý nghiệp của Bồ Tát. Bồ Tát không chỉ dùng Bi để dẹp trừ đau khổ cho chúng sanh, mà còn đồng thời vận dụng Từ để ban sự sướng vui cho chúng sanh, bởi thế nói là Từ Ý. Trong Phật pháp, phàm muốn khen ngợi điều gì là chẳng thể nghĩ bàn thì gọi là Diệu. Có người nói: “Diệu có nghĩa là không gì sánh bằng, không gì hơn được nữa”. Lòng Đại Từ của Phật, Bồ Tát duyên khắp hết thảy pháp giới chúng sanh, như đám mây che kín khắp hết thảy, bởi thế nói là “diệu đại vân”.

Câu “chú cam lộ pháp vũ” (xối mưa pháp cam lộ) hiển thị khẩu nghiệp thuyết pháp của Bồ Tát. Sách Pháp Hoa Văn Cú viết: “Cam lộ là thuốc bất tử của chư thiên; ăn vào trường thọ, thân yên ổn, sức lực lớn lao, thân thể tươi sáng”. Sách Duy Ma Cật Chú, quyển bảy viết: “Ngài La Thập nói: ‘Chư thiên đem các thứ thuốc quý bỏ vào biển, dùng núi báu để mài, tạo thành cam lộ. Ăn vào thành tiên, gọi là Bất Tử Dược’. Ngài Đạo Sanh nói: ‘Thức ăn cõi trời là vị cam lộ. Ăn vào trường thọ, nên gọi là thuốc Bất Tử”.

Đức Phật thường dùng Cam Lộ để ví diệu pháp bất sanh bất tử. Diệu pháp tư nhuận (tưới tắm, thấm nhuần) chúng sanh, nên được ví như mưa. Kinh Vô Lượng Thọ, quyển thượng ghi: “Chú pháp vũ, diễn pháp thí” (xối mưa pháp, diễn pháp thí). Phẩm Tự kinh Pháp Hoa có câu: “Vũ đại pháp vũ, xuy đại pháp loa” (Mưa trận mưa pháp lớn, thổi ốc pháp lớn). Kinh Niết Bàn quyển hai chép: “Vô thượng pháp vũ, vũ nhữ thân điền, linh sanh pháp nha” (Trận mưa pháp vô thượng rưới xuống ruộng thân của ông, khiến cho nó trổ mầm pháp). Lại nói: “Duy hy Như Lai cam lộ pháp vũ” (Chỉ mong cầu pháp vũ cam lộ của đức Như Lai). Đây là dùng cam lộ pháp vũ để ví cho giáo pháp của Như Lai. Quán Thế Âm Bồ Tát vì chúng sanh tuyên thuyết diệu pháp, khiến các chúng sanh đều được lợi ích nơi pháp, bởi thế nói là “xối mưa pháp cam lộ”.

Có thể làm cho chúng sanh được những lợi ích gì? Chúng sanh có đủ phiền não, nhưng phiền não hừng hực như ngọn lửa to lớn, dùng bất cứ thứ gì khác cũng vô phương diệt được lửa phiền não của chúng sanh, chỉ có cam lộ pháp vũ của Bồ Tát mới có thể làm cho chúng sanh diệt trừ được ngọn lửa phiền não, đạt tới địa vị thanh tịnh bất sanh bất diệt, bởi thế nói là “diệt trừ phiền não diệm” (diệt trừ ngọn lửa phiền não).

 

 2.2.2.2. Chánh hiển du ư Sa Bà (hiển thị sự nghiệp du hóa Sa Bà)



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương