QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang11/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17

1.2.2.1.1.2. Năng ứng lục thiên (ứng hiện sáu thân trời)
Chánh kinh:

Ưng dĩ Phạm Vương thân đắc độ giả, tức hiện Phạm Vương thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Đế Thích thân đắc độ giả, tức hiện Đế Thích thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Tự Tại Thiên thân đắc độ giả, tức hiện Tự Tại Thiên thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Đại Tự Tại Thiên thân đắc độ giả, tức hiện Đại Tự Tại Thiên thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Thiên Đại Tướng Quân thân đắc độ giả, tức hiện Thiên Đại Tướng Quân thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Tỳ Sa Môn thân đắc độ giả, tức hiện Tỳ Sa Môn thân nhi vị thuyết pháp.

應以梵王身得度者。即現梵王身而為說法。應以帝釋身得度者。即現帝釋身而為說法。應以自在天身得度者。即現自在天身而為說法。應以大自在天身得度者。即現大自在天身而為說法。應以天大將軍身得度者。即現天大將軍身而為說法。應以毘沙門身得度者。即現毘沙門身而為說法。 

(Nên dùng thân Phạm Vương để được độ, liền hiện thân Phạm Vương để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Đế Thích để được độ, liền hiện thân Đế Thích để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Tự Tại Thiên để được độ, liền hiện thân Tự Tại Thiên để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Đại Tự Tại Thiên để được độ, liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Thiên Đại Tướng Quân để được độ, liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Tỳ Sa Môn để được độ, liền hiện thân Tỳ Sa Môn để mà thuyết pháp).
Đoạn này nói Bồ Tát có thể ứng hiện thân lục thiên; nhưng lục thiên được nói ở đây chẳng phải là sáu cõi trời Dục Giới thông thường. Sáu thứ thân trời ứng hóa này phiếm chỉ tất cả những thân trong Dục Giới và Vô Sắc Giới. Còn như những cõi trời thuộc Vô Sắc Giới không có sắc pháp, nên cũng không có thân tướng thị hiện; bởi thế kinh văn chẳng nói đến trời Vô Sắc Giới. Phàm những thân tướng được thị hiện, ắt đều phải là sanh mạng thể do vật chất và tinh thần hợp lại. Hữu tình cõi Vô Sắc thuần thuộc về hoạt động tinh thần, bởi thế chẳng nói thân tướng thị hiện trong Vô Sắc Giới.

Trong các quốc độ, có một loại chúng sanh, “nên dùng thân Phạm Vương để được độ”, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi “liền hiện thân Phạm Vương để mà thuyết pháp”. Chữ “Phạm Vương” chỉ Đại Phạm Thiên Vương thuộc Sơ Thiền Thiên của Sắc Giới. Sơ Thiền Thiên gồm ba tầng trời Phạm Chúng Thiên (Brahma-pārisadya), Phạm Phụ Thiên (Brahma-purohita), Đại Phạm Thiên (Mahābrahmā). Phạm Chúng Thiên gồm những Phạm dân bình phàm của trời Đại Phạm, Phạm Phụ Thiên là các bầy tôi phụ chánh của Đại Phạm Thiên Vương (Mahābrahmā-rāja). Bởi lẽ, vị thống lãnh chư thiên đương nhiên phải có những bầy tôi giúp Đại Phạm Vương cai quản thiên quốc. Đại Phạm Thiên Vương là chúa trời cõi Đại Phạm, tức là vị Phạm Thiên được hàng Bà La Môn Ấn Độ sùng bái, cũng chính là Thượng Đế được tin thờ bởi Thiên Chúa Giáo.

Theo tư tưởng Bà La Môn Giáo (Brahmanism, Hinduism), nhân loại trong thế giới này thậm chí hết thảy hữu tình, núi sông, đại địa, hoa, quả, cây cối đều do Đại Phạm Thiên Vương sáng tạo. Bởi thế, Bà La Môn giáo coi Đại Phạm Thiên là đấng sáng tạo nhân loại vũ trụ. Thân Đại Phạm Thiên vô thủy, vô chung, vĩnh hằng, bất biến, có thể chi phối và là chúa tể của hết thảy nhân loại, bởi thế Đại Phạm Thiên chiếm một địa vị rất cao trong Bà La Môn giáo Ấn Độ.

Nhưng từ lập trường Phật giáo: Xét về mặt tôn giáo, Phạm Thiên là đối tượng tín phụng của Nhất Thần Giáo. Ông ta tâm tham dục rất mỏng nhẹ, đã đoạn trừ tất cả vật dục và dâm dục của Dục Giới, chẳng còn sanh khởi tâm Sân nữa, bởi thế giáo đồ Nhất Thần Giáo đều nghĩ ông ta là một Đấng Sáng Tạo rất nhân ái. Nhưng từ Phật pháp mà nói, quả thật ông ta chẳng sanh khởi tâm sân khuể, tâm tham dục đúng là rất nhạt, nhưng tâm kiêu ngạo và siểm mị rất nặng!

Đối với vấn đề này, kinh Phật cho biết: Lúc Phật còn tại thế, trong số đệ tử Phật có ngài tỳ-kheo Mã Thắng (Ashvajit) từng lên cung Đại Phạm Vương, gặp đúng lúc Phạm Thiên giáo huấn thần dân vô cùng kiêu ngạo như thế này:

- Ta là chúa tể của thế gian, là đấng sáng tạo nhân loại, là tuyệt đối rốt ráo, là an lạc tối cực. Các người là con dân của ta, chẳng thể đạt đến địa vị như ta.

Đang cao hứng tuyên bố nẩy lửa như thế, chợt thấy tỳ-kheo Mã Thắng đứng trước mặt, Phạm Vương lập tức im bặt không nói nữa, dẫn tỳ-kheo Mã Thắng ra chỗ không có người, rồi mới khe khẽ bảo tỳ-kheo Mã Thắng:

- Những lời tôi vừa mới tuyên bố cùng thần dân xin Ngài chớ cho là thật, ngàn vạn lần xin đừng rêu rao những lời đùa bỡn ấy trước mặt người khác.

Do đây ta có thể thấy Phạm Thiên có hai thứ phiền não: Trước mặt thần dân tỏ vẻ kiêu ngạo, trước mặt tỳ-kheo Mã Thắng tỏ vẻ siểm mị. Như vậy, phiền não vẫn còn tồn tại.

Sanh lên trời, nếu sanh vào Dục Giới, chỉ hành Ngũ Giới Thập Thiện là đủ, còn muốn sanh lên hai cõi trên (Sắc Giới và Vô Sắc Giới) lại phải tu thêm Thiền Định, nhưng chỉ có thể sanh làm quan tướng nhà trời và dân chúng cõi Sơ Thiền. Nếu muốn làm Đại Phạm Thiên Vương phải tu Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả; cho thấy làm Đại Phạm Thiên Vương cũng chẳng phải là chuyện đơn giản. Đạt đến địa vị Đại Phạm Thiên Vương cố nhiên là cao quý vĩ đại nhất trong Bà La Môn giáo, nhưng nhà Phật chẳng nghĩ như thế, chẳng qua Phạm Vương chỉ là một vị thiên vương, vẫn chưa thể siêu xuất tam giới, liễu thoát sanh tử.

Phạm Thiên tuy tự nhận mình là đấng sáng tạo nhân loại vũ trụ, nhưng không cách nào cứu vãn hiện thực khổ não cho thế gian, bởi thế sau khi đức Phật xuất hiện trong thế gian thành Chánh Giác, thoạt đầu chẳng nghĩ đến chuyện thuyết pháp, sau vì Đại Phạm Thiên Vương cầu thỉnh, Phật mới bắt đầu thuyết pháp cho nhân loại. Như vậy điều này đủ chứng tỏ bậc thật sự cứu vớt thế gian chỉ có mình đức Phật. Nếu Phạm Thiên có năng lực cứu thế gian, cần gì phải thỉnh Phật thuyết pháp? Cũng vì vậy, Phạm Thiên quy y đức Phật, trở thành vị hộ pháp cho Phật pháp.

Thông thường, trong các chùa miếu, Phật điện, Đại Thừa Phật giáo đa phần tạc tượng hai đại Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền bên cạnh tượng Phật; Tiểu Thừa Phật giáo đắp tượng hai đại tôn giả A Nan, Ca Diếp hai bên tượng Phật, nhưng cũng có chỗ tạc tượng Đại Phạm Thiên và Đế Thích Thiên hai bên tượng Phật, bởi Đại Phạm Thiên và Đế Thích Thiên là hai vị hộ pháp đắc lực của Phật pháp. Quán Âm Bồ Tát biết đối với loại chúng sanh này, chẳng thể dùng thân phận nào khác để độ thoát được, bèn hiện thân tướng Phạm Thiên vì kẻ đó nói pháp “ly ái đoạn dục”, pháp Tứ Vô Lượng Tâm, để kẻ đó y pháp tu hành ngõ hầu giải thoát thân tâm. Vị trời này sở dĩ gọi là Phạm Thiên là do sắc tướng thanh tịnh không có ái dục.

Tiếp đến nói về thân Đế Thích. Đế Thích là vị trời cõi Dục Giới. Dục Giới gồm sáu tầng trời, chia thành hai loại: một là Địa Cư Thiên, hai là Không Cư Thiên. Địa Cư Thiên gồm hai tầng trời, tức là Tứ Thiên Vương Thiên (Cāturmahārājika) và Đao Lợi Thiên (Trayastrimśa). Đế Thích là chúa trời cõi Đao Lợi, sống trên đảnh núi Tu Di. Đao Lợi Thiên còn dịch là Tam Thập Tam Thiên, tức là mỗi phía có tám vị trời, tổng cộng là ba mươi hai vị trời, cộng thêm Đế Thích Thiên thành ra ba mươi ba vị trời.

Trong Phật pháp cũng có một đoạn nhân duyên về Tam Thập Tam Thiên, tức là trong quá khứ lâu xa về trước, trong thời kỳ Tượng Pháp của đức Phật Ca Diếp, có một cô gái nghèo khổ trong thế gian, thấy bức tượng của Phật Ca Diếp vàng thếp đã bị tróc lở, trông chẳng trang nghiêm lắm, cô liền phát tâm muốn thếp vàng tượng Phật, nhưng tâm có thừa mà sức chẳng đủ, rốt cục đành đi khất hóa người khác, dành dụm từng chút một lại để mua vàng. Mua đủ vàng rồi bèn mời ba mươi hai tay thợ khéo đến thếp vàng. Những ông thợ thấy cô gái nghèo hết sức chân thành dốc hết tiền bạc ra thếp vàng tượng Phật nên cũng phát tâm làm không công để hoàn tất công việc này. Do nhân duyên thiện căn phước đức ấy, bọn họ chết đi bèn sanh lên trời Đao Lợi, ba mươi hai người thợ trở thành ba mươi hai vị trời, cô gái nghèo trở thành chúa trời Đế Thích.

Đế Thích là gọi tắt, nói cho đủ là Thích Đề Hoàn Nhân (Śakrodevānām Indrah – có chỗ phiên là Thích Ca Đề Bà Nhân Đà La; Ấn Độ giáo chỉ gọi tắt là thần Indra, tức thần Sấm Sét), dịch nghĩa là Năng Thiên Chúa, cũng là một vị thần Hộ Pháp trong Phật giáo, tương tự như Ngọc Hoàng Thượng Đế của Trung Quốc; bởi thế có người đem Ngọc Hoàng Thượng Đế ví với trời Đế Thích. Do Đế Thích là thần Hộ Pháp của Phật giáo, nên ông ta thường xuống nhân gian nghe thuyết pháp. Trong lúc nghe pháp, nghe đức Phật giảng những đạo lý thế gian vô thường bèn có thể lãnh ngộ sâu xa, nhưng khi trở về thiên cung bèn bị các thứ dục lạc cõi trời mê hoặc, quên mất thế nào là vô thường, đương nhiên cũng chẳng thể đúng như pháp tu hành.

Đối với điều này, Phật pháp cũng có một câu chuyện như sau: Có lần Đế Thích xuống nhân gian nghe pháp xong, nói khi trở về thiên cung, nhất định sẽ tu hành chăm chỉ. Đợi khi Đế Thích trở về thiên cung xong, vì muốn khảo nghiệm xem Đế Thích có thật sự tu hành hay không, Phật sai đại đệ tử Mục Kiền Liên tôn giả theo chân Đế Thích cũng lên trời Đao Lợi. Rốt cuộc, Ngài thấy Đế Thích suốt ngày hưởng thọ khoái lạc ngũ dục, quên mất tiêu chuyện tu hành. Vì muốn cảnh tỉnh Đế Thích Thiên, tôn giả Mục Liên bèn dùng sức thần thông chấn động cung trời. Sau cơn hoảng sợ, Đế Thích vừa thấy ngài Mục Kiền Liên bèn thành khẩn nói:

- Bạch tôn giả! Vì sao Ngài lại đùa cợt với con quá mức như vậy khiến cung điện của con bị rúng động hết!

Tôn giả khai thị:

- Vừa rồi, ông ở chỗ Phật nghe pháp, nói muốn tu hành đúng pháp, thế sao vừa về lại cung trời đã quên sạch sành sanh, chỉ biết hưởng thọ dục lạc vậy? Chấn động cung trời là để cảnh cáo ông: Hết thảy thế gian là vô thường, chẳng nên tham chấp dục lạc, dục lạc cũng chẳng thể nhờ cậy được, sao ông lại mê luyến dục lạc đến thế?

Nếu trong các quốc độ có một hạng chúng sanh “nên dùng thân Đế Thích thì mới có thể độ được”, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi “liền hiện thân Đế Thích để mà thuyết pháp”, thuyết pháp gì? Nói chân lý sanh diệt vô thường khiến kẻ đó giác ngộ thế gian vô thường, y pháp tu hành để được giải thoát.

Tự Tại Thiên Thân là thân trời thị hiện thứ ba trong sáu loại thân trời. Tự Tại Thiên chính là Tha Hóa Tự Tại Thiên, là tầng trời cao nhất trong Dục Giới. Gọi là Tha Hóa Tự Tại hàm ý: Tất cả những thứ vui sướng trong cõi trời ấy mình chẳng cần phải phí sức biến hóa ra, tự có người khác biến hóa các thứ, các dạng khoái lạc ngũ dục cho mình hưởng thọ vô ngại tự tại; bởi thế gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên. Đấy là do phước đức của các vị trời này cảm thành. Trí Độ Luận, quyển chín, chép: “Chư thiên này đoạt lấy những thứ vui sướng do người khác biến hóa ra để tự hưởng thọ, nên gọi là Tha Hóa Tự Tại”. Sách Câu Xá Tụng Sớ, phẩm Thế Gian, quyển một, chép: “Tha Hóa Tự Tại Thiên, ư tha hóa trung đắc tự tại” (Tha Hóa Tự Tại Thiên được tự tại nơi những thứ do người khác biến hóa ra).

Theo Phật pháp, Tự Tại Thiên của Dục Giới và Đại Tự Tại Thiên thuộc Sắc Giới đều là ma thiên vương trái nghịch, tổn hại Chánh Pháp; như ta thường nói Thiên Ma là chỉ loại trời này. Nếu đệ tử Phật tu hành đắc lực, Ma Vương bèn đến nhiễu loạn, khiến cho hành giả càng gặp nhiều rắc rối. Như trước khi đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ Đề từng bị Ma Vương nhiễu loạn.

Ma Vương có hai biện pháp nhiễu loạn là cứng và mềm khác nhau. Biện pháp mềm dẻo là dùng các thứ dục lạc để dẫn dụ, như sai ma nữ đến mê hoặc, ban cho ngôi vua, dâng tặng tài lợi v.v… Biện pháp cứng rắn là dùng các thủ đoạn uy hiếp, như ma binh, ma tướng dùng đao, thương, kiếm, kích v.v… đến tấn công. Nhưng lúc đó, đối với hết thảy, đức Phật chẳng thèm quan tâm đến, cũng chẳng bị lay động, thật sự đạt đến công phu như Nho Gia nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, oai vũ bất năng khuất” (Chẳng bị phú quý làm cho dâm, chẳng vì bần tiện mà thay đổi, chẳng bị oai vũ khuất phục). Bởi thế, đức Phật có thể hàng phục Ma, thành Chánh Giác. Hàng ma chính là hàng phục Thiên Ma trời Tha Hóa Tự Tại.

Ma Vương nhiễu loạn người tu hành, nên thường gọi Ma Vương là phường bất hảo, muốn lìa khỏi Ma, chẳng những không hợp tác với hắn mà cũng chẳng muốn qua lại với hắn. Nhưng trong Đại Thừa Phật pháp, Ma Vương cũng cần được cảm hóa. Ma Vương vốn ở trong chỗ tối tăm, phải khuyên lơn dẫn dắt gã hướng đến quang minh. Hành vi của Ma Vương khiến gã bị hướng xuống dưới đọa lạc, cho nên phải khuyến khích gã không ngừng hướng thượng. Ma Vương động niệm đều là hướng đến phương diện ác, nên phải lập cách khiến cho gã cải thiện hồi đầu.

Bởi vậy, trong thế gian nếu có chúng sanh “nên dùng thân Tự Tại Thiên để được độ”, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi “liền hiện thân Tự Tại Thiên để mà thuyết pháp”. Pháp được thuyết chẳng phải là pháp Ma Vương mà là chánh pháp của Như Lai, khiến cho kẻ ấy từ chỗ tối tăm hướng đến chỗ quang minh, từ đọa lạc tiến đến thăng hoa, từ tội ác hướng đến thuần thiện, khiến kẻ ấy cải tà quy chánh, rốt cuộc được giải thoát.

Ma Vương đối địch đức Phật. Nếu hiện thân Phật để cảm hóa gã, chẳng những không cảm hóa được gã, lại càng khiến gã chống chọi Phật. Nếu hiện thân Bồ Tát để cảm hóa gã, gã cũng cho là Bồ Tát tranh giành quyến thuộc của gã, nên cũng chẳng thể tiếp nhận sự giáo hóa của Bồ Tát. Trong tình hình như vậy, tốt nhất là thị hiện thân phận giống như gã, trước hết hành xử giống hệt như gã, một thời gian sau mới dùng Phật pháp để khuyến dụ, khiến gã cải tà quy chánh trở thành người tốt, rồi tiến lên, dẫn gã vào trong Phật pháp. Chỉ có cách vận dụng phương tiện như thế mới có thể độ được Tha Hóa Tự Tại Thiên Ma.

Bởi thế, Đại Thừa Phật pháp chẳng những không ghét Ma, hận Ma, trái lại thông cảm và thương xót Ma cao độ, dùng Phật pháp chuyển hóa chúng thì mới là tinh thần Phật pháp. Nếu gặp Ma đến liền lập tức tách lìa, chẳng quan tâm đến nó, chẳng phải là ác ma và ác nhân trong thế gian vĩnh viễn chẳng được giáo hóa, chẳng thể cải tà quy chánh ư? Bởi thế, Bồ Tát hóa độ chúng sanh chẳng vứt bỏ bất cứ đối tượng nào. Đại Thừa Phật pháp vĩ đại chính là vì vậy.

Thân Đại Tự Tại Thiên là thân trời thị hiện thứ tư trong sáu thân trời. Đại Tự Tại Thiên là tiếng Hán, tiếng Ấn gọi là Ma Hê Thủ La Thiên (Maheśvara), cũng tức là Đại Ma Vương Thiên, là một vị trời thuộc cõi trời Quảng Quả (Bṛhatphala) thuộc Đệ Tứ Thiền Thiên của Sắc Giới, cũng là ma quỷ nhiễu loạn người tu hành giống như Tự Tại Thiên đã nói ở phần trên.

Trí Độ Luận nói Đại Tự Tại Thiên bốn mắt, tám tay, cưỡi ngựa trắng, tay cầm phất trần trắng, là vị trời được ngoại đạo sùng phụng. Nếu có chúng sanh trong quốc độ “nên dùng thân Đại Tự Tại Thiên thì mới đắc độ”, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi “liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên để mà thuyết pháp”, khiến cho kẻ ấy tu học Phật pháp, thân tâm được tự tại giải thoát.

Nói đến đây ắt có người hỏi: Vì sao Bồ Tát hiện thân Ma thuyết pháp? Trong phẩm Bất Tư Nghị của kinh Duy Ma Cật có ghi:

Nhĩ thời, Duy Ma Cật ngữ Đại Ca Diếp: “Nhân giả! Thập phương vô lượng A-tăng-kỳ thế giới trung tác Ma vương giả, đa thị trụ bất khả tư nghị giải thoát Bồ Tát, dĩ phương tiện lực cố, giáo hóa chúng sanh, hiện tác Ma Vương”.

(Lúc bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Đại Ca Diếp:

- Thưa nhân giả! Những người làm Ma Vương trong mười phương vô lượng A-tăng-kỳ thế giới, đa số là bậc Bồ Tát trụ giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, do dùng sức phương tiện giáo hóa chúng sanh bèn hiện làm Ma Vương).

Bồ Tát thị hiện thân Ma Vương chẳng những không bị ma chúng quấy nhiễu, mà còn đúng pháp giáo hóa chúng ma; bởi lẽ, phải hiện thân Ma Vương mới có thể cảm hóa được chúng. Vì thế, bất đắc dĩ phương tiện thị hiện như thế. Đấy chẳng phải là điều nhãn quang tầm thường có thể nhìn ra được, bởi thế, chúng ta chớ có coi Ma Vương thật sự là Ma Vương, mà có khi phải coi như là Bồ Tát, sự thị hiện thân Ma Vương của Bồ Tát này có thể chứng minh được.

Thân Thiên Đại Tướng Quân là thân trời thị hiện thứ năm trong sáu loại thân trời. Xét ra, Thiên Đại Tướng Quân là gia tướng của Đế Thích Thiên thường bảo vệ Đế Thích Thiên, cũng thuộc về chư thiên trong Dục Giới. Người đời thường nghĩ Đế Thích luôn hưởng thọ khoái lạc, những khoái lạc ông ta hưởng thọ đó thế gian không cách gì so sánh, bắt chước được; thế nhưng vẫn có lúc Đế Thích bị chiến tranh uy hiếp. Đó là vì A Tu La thường xuyên đến khiêu chiến, phát sanh chiến tranh khốc liệt. Mỗi khi Đế Thích giao chiến với A Tu La, người xuất trận giao phong đầu tiên chính là vị Thiên Đại Tướng Quân này. Trong kinh có lúc gọi là Na La Diên (Nārāyana) tướng quân, hoặc Kiên Cố Lực Sĩ, Kim Cang Lực Sĩ v.v…

Trong sơn môn Phật giáo có hai vị tướng, tục gọi là Hanh Cáp nhị tướng, thì bên trái là Na La Diên Kiên Cố Lực Sĩ, bên phải là Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ (Guhyapāda-vajrah), gọi chung là Thiên Đại Tướng Quân. Thiên Đại Tướng Quân là Bồ Tát thị hiện, như ngài Vi Đà được khen ngợi là “Vi Đà thiên tướng, Bồ Tát hóa thân” là một chứng cớ rất tốt. Ngài Vi Đà là Bồ Tát hóa thân, là thần Hộ Pháp của Phật giáo, tay cầm Kim Cang Giáng Ma Xử (chày Kim Cang hàng ma), trấn thủ sơn môn, ủng hộ Phật pháp.

Thân Thiên Đại Tướng Quân do Bồ Tát thị hiện này không nhất định chỉ một vị Bồ Tát nào, có lúc là Văn Thù, Phổ Hiền, có lúc là Quán Âm, Thế Chí. Nay theo bản kinh này: Nếu có chúng sanh trong quốc độ “nên dùng thân Thiên Đại Tướng Quân thì mới có thể đắc độ”, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi “liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân để mà thuyết pháp” hòng hóa độ, khiến cho kẻ ấy từ việc hộ trì Phật pháp sẽ dần dần tiến vào đại đạo giải thoát, thậm chí thành tựu Bồ Đề tối cao vô thượng.

Thân Tỳ Sa Môn (Vaiśravana) là thân trời thị hiện thứ sáu trong sáu thân trời. Tỳ Sa Môn là thiên vương, tức là Đa Văn Thiên Vương ở phương Bắc trong Tứ Đại Thiên Vương. Tứ Thiên Vương Thiên là tầng trời thứ nhất của Dục Giới, nằm lưng chừng núi Tu Di. Vị ở phía Đông tên là Trì Quốc Thiên Vương (Dhrita-rastra), vị ở phương Nam tên Tăng Trưởng Thiên Vương (Vidradhaka), vị ở phương Tây tên là Quảng Mục Thiên Vương (Virapaksa), vị ở phương Bắc là Đa Văn Thiên Vương (Vaiśravana).

Đa Văn là dịch nghĩa chữ Tỳ Sa Môn, còn dịch là Biến Văn, Phổ Văn, nhưng thường gọi là Đa Văn. Trong Bà La Môn Giáo, vị trời này được gọi là Tài Thần, tức là vị thần giữ gìn của cải. Trong đại tự miếu Phật giáo, trong sơn môn có Tứ Đại Kim Cang, tức là bốn vị thiên vương này, đều là thần hộ pháp của Phật pháp. Nếu tu Ngũ Giới, Thập Thiện sẽ sanh lên tầng trời này.

Trong thế gian như có hạng chúng sanh nếu dùng các thân khác chẳng thể hóa độ được kẻ đó, “nên dùng thân Tỳ Sa Môn mới có thể hóa độ” thì Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi “liền hiện thân Tỳ Sa Môn để mà thuyết pháp”. Nói những pháp gì? Ngoại trừ việc chăm chỉ hộ trì Phật pháp ra, còn nói pháp Ngũ Giới Thập Thiện sanh thiên, khiến cho người ấy dùng những pháp này làm thang, làm bậc để dần dần tiến hướng vào đạo giải thoát, để cầu thân tâm được giải thoát.

Do vậy biết rằng Phật pháp lưu hành trong thế gian, chẳng những cần có người hoằng pháp, cũng cần phải có người hộ pháp, như quốc vương, đại thần và mọi nam nữ cư sĩ tại gia học Phật, đều là người hộ trì Phật pháp. Đã có lúc đức Phật từng trịnh trọng đem trách nhiệm hộ trì Phật pháp giao cho những người tại gia học Phật. Bây giờ chẳng ngại gì không kể chuyện thiên thần hộ pháp như sau:

Như trong giới luật của tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni Phật giáo, lẽ ra hàng bạch y chẳng được xem, lúc tụng trì hàng bạch y cũng chẳng được nghe. Lúc Phật còn tại thế, các tỳ-kheo cử hành tụng giới mỗi nửa tháng, có người nghe trộm ngoài cửa, bất ngờ thần Hộ Pháp trông thấy, lập tức dùng chày Kim Cang gõ vào đầu kẻ nghe trộm ấy khiến gã đó phải bỏ chạy lẹ, chứng tỏ có Hộ Pháp Thiên Thần hộ trì Phật pháp!

Quán Âm Bồ Tát ứng hiện những thân trời như trên vừa nói chỉ là sáu thân trời trong Dục Giới và Sắc Giới. Trong Dục Giới nói đến hai thân Địa Cư Thiên, trong Không Cư Thiên thì có Tha Hóa Tự Tại Thiên (Parinirmita-vaśavartin), chẳng nhắc đến ba tầng trời Dạ Ma (Yāma), Đâu Suất (Tushita), Hóa Lạc (Nirmānarati); còn trong Sắc Giới chỉ nói Phạm Thiên của Sơ Thiền và Đại Tự Tại Thiên của tầng trời Tứ Thiền cao nhất, chẳng thấy nói đến các tầng trời khác. Trong bốn thiên vương thuộc Địa Cư Thiên chỉ nói đến Đa Văn Thiên Vương, ba vị thiên vương ở Đông, Nam, Tây cũng chẳng nói đến, như vậy nghĩa là sao? Có phải Bồ Tát chẳng ứng hiện các thân trời khác hay không? Không phải! Bất cứ thân trời nào Bồ Tát cũng có thể thị hiện được, sở dĩ ở đây chẳng nhắc đến là vì chỉ nêu một vài thân thay cho tất cả để kinh văn khỏi quá rắc rối.

 

1.2.2.1.1.3. Năng ứng ngũ nhân (ứng hiện thân năm hạng người)


Chánh kinh:

Ưng dĩ tiểu vương thân đắc độ giả, tức hiện tiểu vương thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Trưởng Giả thân đắc độ giả, tức hiện Trưởng Giả thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ cư sĩ thân đắc độ giả, tức hiện cư sĩ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ tể quan thân đắc độ giả, tức hiện tể quan thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Bà La Môn thân đắc độ giả, tức hiện Bà La Môn thân nhi vị thuyết pháp.

應以小王身得度者。即現小王身而為說法。應以長者身得度者。即現長者身而為說法。應以居士身得度者。即現居士身而為說法。應以宰官身得度者。即現宰官身而為說法。應以婆羅門身得度者。即現婆羅門身而為說法。

(Nên dùng thân tiểu vương để được độ, liền hiện thân tiểu vương để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Trưởng Giả để được độ, liền hiện thân Trưởng Giả để mà thuyết pháp. Nên dùng thân cư sĩ để được độ, liền hiện thân cư sĩ để mà thuyết pháp. Nên dùng thân tể quan để được độ, liền hiện thân tể quan để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Bà La Môn để được độ, liền hiện thân Bà La Môn để mà thuyết pháp.
Đoạn này nói Bồ Tát có thể hiện thành năm loại người; nhưng năm loại người này chẳng phải tầm thường mà là những người có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia hoặc có địa vị tương đương. Bọn họ không nhất định phải là hàng đệ tử tin Phật, nhưng Bồ Tát thị hiện có cùng thân phận với họ, nên có thể dần dần chuyển hóa bọn họ tin Phật, trở thành ngoại hộ đắc lực cho Phật pháp, khiến Phật pháp tồn tại trong thế gian, càng được lưu truyền rộng rãi, ảnh hưởng càng nhiều khiến người ta tin Phật, đấy là điều rất trọng yếu vậy.

Trong năm loại người ứng hiện đây, trước hết nói đến thân tiểu vương. Trong thời đại quân chủ, vua là chủ nhân một nước, thống lãnh toàn bộ quốc gia, có oai quyền vô thượng. Các vị đều biết đó: Trung Quốc cổ đại, vua nước lớn gọi là đại vương, vua nước nhỏ là tiểu vương, bởi vậy tiểu vương là so với đại vương mà nói. Nhưng ở Ấn Độ, ngoài những quốc vương thông thường ra, theo truyền thuyết còn có Chuyển Luân Thánh Vương cai trị một thiên hạ, như Thiết Luân Vương cai quản Nam Thiệm Bộ Châu, Đồng Luân Vương cai trị hai châu, Ngân Luân Vương cai trị ba châu, Kim Luân Vương cai quản cả bốn đại châu, tức là Luân Vương cai quản một thiên hạ gọi là đại vương, hết thảy những người cai trị những nước nhỏ gọi là tiểu vương. Quốc vương những nước nhỏ chẳng phải chỉ có một hai vị. Như tại Ấn Độ và Trung Quốc thời cổ, đều có rất nhiều quốc vương của các tiểu quốc, kinh Phật gọi là Túc Tán Vương, ý nói: Các tiểu vương nhiều quá như các hạt bắp rải rác khắp nơi.

Quốc vương bất luận lớn hay nhỏ, đều là kẻ thống trị tối cao, nói theo ngôn ngữ bây giờ là Tổng Thống hoặc Nguyên Thủ, Chủ Tịch Quốc Gia v.v… Đối với toàn thể nhân dân trong nước, bọn họ gánh vác trách nhiệm bảo vệ, chiếu cố, tức là bảo vệ an toàn sanh mạng, tài sản cho toàn dân. Bởi thế trong thời đại chuyên chế thời cổ, nền chính trị của một đất nước tốt hay xấu liên quan rất lớn với kẻ tập trung quyền thống trị tối cao. Nếu quốc vương là kẻ bạo ác hay một gã hôn quân, ắt sẽ khiến nhân dân toàn cõi bị hãm trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, gặp phải những nỗi thống khổ vô cùng vô tận, cuộc sống còn kém cả trâu ngựa. Nếu quốc vương là thánh quân hoặc minh quân thì chốn chốn yêu thương, bảo vệ trăm họ, luôn luôn quan tâm đến dân chúng, trong hết thảy mọi việc đều nghĩ đến quyền lợi trăm họ, chẳng đánh nhiều sắc thuế hà khắc sách nhiễu nhân dân, chẳng hề vô cớ tàn sát nhiễu hại nhân dân, trăm họ an cư lạc nghiệp, được sanh sống hòa bình hạnh phúc. Bởi thế, quốc vương ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân trong một nước.

Nếu như kẻ thống trị tối cao trong một nước có thể tín ngưỡng Phật pháp, dùng Ngũ Giới, Thập Thiện của nhà Phật để giáo hóa nhân dân, chỉ đạo nhân dân khiến cho nhân dân toàn quốc đều tín ngưỡng Phật pháp, phụng hành Phật pháp, thì quốc gia ấy nhất định hòa bình, an định. Bồ Tát phát tâm hành đạo Bồ Tát, nên cần phải thị hiện thân quốc vương, chẳng phải là muốn thống trị nhân dân mà mục đích nhằm hóa độ nhân dân. Nếu trong quốc độ có một loài chúng sanh “nên dùng thân tiểu vương” để hóa độ thì mới có thể “được độ”, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi liền tùy thuận lòng chúng sanh mong cầu, “liền hiện thân tiểu vương để mà thuyết pháp”. Pháp của Ngài nói đương nhiên chẳng ngoài Ngũ Giới, Thập Thiện, khiến cho nhân dân từ Giới Thiện đó tuân thủ pháp luật, hòa thuận, vui vẻ giúp đỡ nhau. Nếu có thể làm được như vậy thì chẳng những thọ dụng lợi ích nơi Phật pháp mà còn được hưởng mưa hòa gió thuận, quốc thái dân an!

Tâm lý của nhân loại chúng sanh đại đa số là hướng thượng. Nếu người thống trị một đất nước thực sự tín phụng Phật pháp, dùng Phật pháp giáo hóa dân, tất nhiên sẽ đạt được hiệu quả rất tốt là “thượng hành, hạ hiệu” (trên thực hành, dưới bắt chước theo), cũng khiến cho trăm họ tự nhiên tin tưởng Phật pháp. Bởi vậy, đức Phật từng đem trách nhiệm hộ trì Phật pháp giao cho quốc vương.

Chẳng hạn như ở Ấn Độ, sau khi Phật diệt độ chừng khoảng một trăm năm, có vị đại vương hữu danh thống nhất toàn cõi Ấn Độ là vua A Dục (Aśoka), là người hộ trì Phật pháp đắc lực nhất. Lúc ông ta chưa tin tưởng Phật pháp, là một ông vua tàn bạo vô cùng, thường tùy tiện đem con người ra để tự tay sát hại, đến nỗi trăm họ toàn quốc rúng động, kinh hoàng vô cùng, đặt cho ông ta một cái tên xấu xa là Bạo Ác A Dục Vương (Chandashok), hoặc Hắc A Dục.

Sau này, vua được một tăng nhân cảm hóa, liền diệt trừ cái tâm tàn bạo trước kia, phụng hành Phật pháp, lại còn tạo dựng tháp Phật nguy nga để cúng dường xá-lợi đức Phật, tuyên dương khuếch đại Phật pháp, lấy Phật giáo làm quốc giáo, khiến Ấn Độ trở thành một nước Phật giáo. Bản thân A Dục Vương cũng trở thành một minh quân nhân từ, hòa hoãn, yêu thương che chở trăm họ. Những thủ đoạn bạo ngược đối với thần dân trong quá khứ đều chẳng còn nữa, từ đấy không còn ai gọi ông là Bạo Ác A Dục Vương nữa, thay vào đó là Nhân Từ A Dục Vương, hoặc Bạch A Dục Vương. Hắc tượng trưng cho hung ác, tàn bạo; bởi thế Phật pháp còn gọi ác nghiệp là hắc nghiệp. Bạch tượng trưng cho nhân từ, lương thiện, nên Phật pháp còn gọi thiện nghiệp là bạch nghiệp.

Từ khi A Dục Vương tin Phật, chẳng những trở thành một vị hoàng đế truyền đạo bậc nhất của Phật giáo, mà còn là vị vua đầu tiên nhận ra trong việc cai trị quốc gia, tuyên truyền đóng một vai trò trọng yếu tột bậc. Về sau, ông còn nhận thấy vương quyền chẳng phải chỉ là một dạng quyền lực mà còn là công cụ để kiến lập hòa bình, thiện ý và từ bi. Bởi thế, A Dục Vương không chỉ tuyên truyền Phật giáo trong nước mình, mà còn phải truyền giáo tới các bộ lạc ở biên cương mới là thành công mỹ mãn, lại còn phải tuyên truyền giáo nghĩa Phật pháp tới những quốc gia xa xôi. Vua từng phái những sứ đoàn Phật giáo đến các nước Tự Lợi Á (Syria), Ai Cập (Egypt), Mã Kỳ Đốn (Macedonia) v.v… tuyên truyền Phật pháp, tuyên truyền thành công nhất là ở Tích Lan (Sri Lanka).

Hiện thời chúng ta thường nghe khẩu hiệu “Phong Trào Phật Giáo Thế Giới”, người đề xướng mấy câu khẩu hiệu này trong thời cận đại, cố nhiên Thái Hư Đại Sư là người đầu tiên, nhưng trong thời cổ, nói đến người phát động phong trào Phật giáo thế giới chẳng thể không nói A Dục Vương là bậc nhất. Bởi thế, nói A Dục Vương là Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện cũng chẳng phải là không chấp nhận được.

Sau thời A Dục Vương, khoảng bốn trăm năm sau khi Phật nhập diệt, có vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishka) xuất hiện, cũng là vị hộ trì Phật giáo đắc lực, cống hiến rất lớn cho Phật giáo. Ngoài ra, những quốc vương Trung Quốc như Đường Thái Tông, Tùy Dượng Đế, Lương Võ Đế, Minh Thái Tổ v.v… cũng có những nỗ lực lớn lao để phổ biến hoằng dương Phật pháp tại Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi đời Tùy - Đường là giai đoạn hoàng kim của Phật giáo, một mặt là do có rất nhiều cao tăng đại đức xuất hiện trong thời đó nỗ lực tuyên dương hoằng pháp, một mặt là do quốc vương đương thời hộ trì và tác động rất đắc lực. Những người như vậy đều có thể coi là Quán Âm thị hiện.

Trong năm hạng người ứng hiện, tiếp đến nói về thân Trưởng Giả. Trưởng Giả, Trung Quốc gọi là kỳ thân, sĩ thân… Theo kinh Phật, Trưởng Giả phải thật sự có mười đức là dòng họ cao quý, giàu có lớn, oai đức cao, lớn tuổi, trí huệ sâu xa, tịnh hạnh, lễ nghi đầy đủ, người trên khen ngợi, kẻ dưới quy ngưỡng. Trong đó, năm đức đầu thuộc về phương diện thân thể, năm đức sau thuộc phương diện tâm lý. Nói đơn giản là đạo đức cao trọng, nhân cách cao quý, đức hạnh mỹ mãn, tài sản dư dật, tri thức quảng bác, niên kỷ cao, tín nghĩa hơn người mới xứng là Trưởng Giả.

Là bậc Trưởng Giả thì bất luận xuất hiện trong tầng lớp xã hội nào cũng đều được quảng đại nhân quần tôn trọng cung kính. Là bậc Trưởng Giả thì bất luận làm chuyện gì hoặc xử lý một vấn đề nào, cũng đều cực kỳ công đạo chánh trực, như trong các địa phương có những sự việc kiện thưa nào nhiều năm chẳng giải quyết được, thế mà gặp bậc Trưởng Giả nói mấy lời công đạo, lập tức chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ biến mất, khiến mọi người vui vẻ, thật sự khâm phục, tiếp nhận sự phân xử, cho thấy Trưởng Giả có ảnh hưởng rất lớn.

Nếu ông ta có thể tin tưởng Phật pháp thì những người đã có hảo cảm và cung kính tôn trọng ông ta cũng sẽ tự nhiên tùy thuận phụng hành Phật pháp. Quán Âm Bồ Tát hiểu sâu sắc điều này, nên đối với chúng sanh thế gian “nếu có kẻ nên dùng thân Trưởng Giả mới có thể độ được”, Ngài “liền hiện thân Trưởng Giả để mà thuyết pháp”, khuyên người khác làm người nên chánh trực, công bình, đôn hậu, chất phác, thành thật. Mọi người nghe Trưởng Giả nói như thế tự nhiên rất vui lòng tiếp nhận, lại còn thành thật làm theo. Bởi thế, Trưởng Giả tin Phật pháp sức cảm hóa cũng rất lớn.

Nói đi nói lại, nếu thân làm Trưởng Giả mà chẳng thể dùng Phật pháp tu dưỡng thân tâm của chính mình thì cũng chẳng thể dùng Phật pháp hóa độ mọi người, cái tư cách Trưởng Giả đó cũng phải xét lại!

Trong năm hạng người ứng hiện, thứ ba là thân Cư Sĩ. Thông thường, chữ Cư Sĩ chỉ người tại gia học Phật, nam giới học Phật gọi là nam cư sĩ, nữ giới học Phật gọi là nữ cư sĩ, tựa hồ chỉ là cách xưng hô dành riêng cho những người học Phật. Tại Ấn Độ, Cư Sĩ chẳng nhất định là danh từ để chuyên gọi người học Phật, như trong bốn chủng tánh, chủng tánh thứ ba là Phệ Xá (Vaishya) có Cư Sĩ Nhất Lưu tức là những người nhờ nông, công, thương mà giàu có. Thế nhưng, một vị cư sĩ chân chánh cũng phải có bốn mỹ đức lớn:

1) Chẳng theo đuổi công danh, quan vị thế gian. Nói cách khác là chẳng tham vinh hoa, phú quý thế gian. Chí khí cao thượng chẳng muốn phụng sự vương hầu.

2) Rất lạt lẽo đối với việc hưởng thụ những dục lạc thế gian, quyết chẳng truy cầu xằng bậy, chân chánh thanh tâm quả dục (giữ lòng trong sạch, ít ham muốn), nội tâm uẩn súc đức hạnh cao quý.

3) Tuy chẳng cầu giàu có mà trong nhà có đủ của cải, nhưng chẳng coi trọng giàu có, có thể đem của cải của mình thí xả cho nhân quần rộng lớn.

4) Tự mình lấy đạo làm vui, tức là hưởng niềm vui trong việc tu đạo.

Nói chung, “tất cả những ai chẳng ham lợi danh, chẳng mộ phú quý, giữ nếp đạm bạc, khiêm cung, liêm khiết ẩn cư, minh triết giữ thân, nhân cách cao thượng, thọ trì Tam Quy, hoặc trì Ngũ Giới, thanh tịnh tự tu, chẳng bị phiền não ràng buộc, chịu cực, chịu oán, lấy thân mình làm gương, thì gọi là Cư Sĩ”.

Như những vị tu tâm dưỡng tánh trong rừng núi vào thời cổ ở Trung Quốc có thể gọi là Cư Sĩ. Hạng người này đạo mạo trang nghiêm, thái độ tiêu sái, tiêu dao tự tại. Nếu dùng thân phận xuất gia đến bàn luận Phật pháp cùng họ, họ sẽ giữ kẽ chẳng thân cận. Nếu dùng thân phận giống như họ để tiếp cận, lâu ngày sẽ được họ tin tưởng, tiến thêm một bước, có thể dẫn dụ họ vào Phật pháp. Bởi thế, nếu có một loại chúng sanh “nên dùng thân Cư Sĩ thì mới có thể độ”, Quán Thế Âm Bồ Tát “liền hiện thân Cư Sĩ để mà thuyết pháp”.

Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, có thể nói là Bồ Tát hiện thân cư sĩ rất nhiều, như cư sĩ Bàng Uẩn vào thời cổ, cận đại là cư sĩ Dương Nhân Sơn đều có ảnh hưởng cảm hóa rất lớn đối với các nhân sĩ thuộc giới tri thức văn hóa, đều có những cống hiến rất lớn.

Người hành Bồ Tát đạo, chẳng câu nệ như Thanh Văn nên có thể thị hiện các thứ thân phận bất đồng để hóa độ chúng sanh. Bởi thế hai chúng cư sĩ tu học Phật pháp tại gia cũng có thể hoằng dương Phật pháp hóa độ chúng sanh, vấn đề là bản thân người cư sĩ có hành theo Phật pháp hay chăng? Có giáo hóa theo đúng chánh pháp Phật pháp hay không? Nếu đúng là như vậy thì do cư sĩ tại gia tiếp xúc nhiều người, từ những hành vi biểu hiện nơi thân ngữ có thể dẫn dắt cảm hóa người khác quy tín Phật pháp. Đó là trách nhiệm của tại gia cư sĩ chẳng thể thoái thác được!

Trong năm loại người ứng hiện, thứ tư là thân Tể Quan. “Tể quan” thông thường chỉ văn võ bá quan trong chánh phủ, giúp đỡ lãnh đạo cai trị đất nước. Thời cổ, trừ quốc vương ra, người mang trách nhiệm trọng yếu nhất đối với đất nước là Tể Tướng, Thừa Tướng, Thủ Tướng phụ trợ quốc vương và hết thảy những ai nhận lãnh chức vụ của chánh phủ đều có thể gọi là Quan; nói như bây giờ là những người làm công chức. Như Thủ Tướng một nước, viện trưởng các viện, bộ trưởng các bộ, cho đến chủ tịch một tỉnh, huyện trưởng, thị trưởng, hương trưởng, thôn trưởng v.v… không chức vụ nào chẳng gồm trong hai chữ Tể Quan.

Quan tối cao như Tể Tướng, Tổng Lý12, hoặc viện trưởng hành chánh13, dưới một người trên vạn người, đảm nhận trách nhiệm hành chánh rất lớn. Nhỏ như các huyện quan, thời cổ gọi là quan phụ mẫu, đối với trăm họ cũng có sức ảnh hưởng tương đương. Nếu như tể quan tin Phật, trăm họ cũng tin Phật theo. Nếu có một loại chúng sanh “nên dùng thân tể quan thì mới độ được”, Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi “liền hiện thân tể quan để mà thuyết pháp”. Xưa nay những tể quan tín phụng Phật pháp, hộ trì Phật pháp rất nhiều. Phật pháp Trung Quốc có thể kéo dài đến ngày nay, lưu truyền kế tục chẳng ngừng, không thể không nhắc đến mối quan hệ rất lớn giữa hàng tể quan và việc “tín Phật - hộ pháp”.

Bởi lẽ, một vị tể quan tốt lành, trên thì dốc sức tận trung đối với vị lãnh tụ tối cao của quốc gia, dưới thì đối với trăm họ thuộc quyền mình cai trị cũng phải yêu thương, che chở, chiếu cố. Nếu làm được như vậy thì nếu chính người ấy tín phụng Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, tự nhiên sẽ có sức mạnh rất lớn. Không chỉ vậy, còn có thể vận dụng thân phận tể quan giáo hóa các tể quan khác. Như trưởng quan trong quân đội hoặc chánh quyền là viên chức lớn trong toàn bộ một vùng, chẳng phải là người tầm thường có thể giáo hóa được, bởi thế Quán Âm Bồ Tát tùy thuận căn cơ chúng sanh, thị hiện thân phận tể quan, vì kẻ đó thuyết pháp khuyên dạy khiến cho thân tâm được giải thoát.

Trong năm loại người ứng hiện, thứ năm là thân Bà La Môn. Những ai học Phật pháp đều biết: Ở Ấn Độ có bốn giai cấp chủng tánh là Bà La Môn (Brahmin), Sát Đế Lợi (Kshaitriya), Phệ Xá (Vaishya) và Thủ Đà La (Shudra). Bốn chủng tánh này vô cùng bất bình đẳng, Bà La Môn được coi là chủng tánh cao quý nhất.

Theo pháp điển Ma Nô (Manusmrti)14:

1) Bà La Môn sanh từ miệng Phạm Thiên, là tăng lữ đảm nhiệm chức trách chuyên tế lễ, cúng bái trong nhân gian, có địa vị đặc biệt tôn quý, có quyền lực đặc thù hơn cả quốc vương, ngoại trừ việc cúng bái, chẳng đảm nhiệm bất cứ công tác nào.

2) Sát Đế Lợi sanh từ vai Phạm Thiên, là người chỉ huy quân đội và quản trị hành chánh, những người như quốc vương và các võ sĩ đều thuộc giai cấp này. Tuy họ chẳng có thần vị cao quý như Bà La Môn, nhưng địa vị xã hội cũng cao tương đương.

3) Phệ Xá sanh từ đầu gối Phạm Thiên, trong xã hội họ chẳng có địa vị gì. Những vật cần dùng cho cuộc sống của hai giai cấp Bà La Môn và Sát Đế Lợi chủ yếu do bọn họ cung cấp. Bởi thế, trong giai cấp này gồm có nông dân, thương nhân, thợ thủ công nghiệp.

4) Thủ Đà La sanh từ bàn chân Phạm Thiên, là giai cấp thấp kém nhất, làm những nghề nghiệp hạ đẳng, suốt đời làm trâu làm ngựa, cứ phải cam chịu những hình phạt vô lý!

Bốn chủng tánh này chẳng những địa vị xã hội cực bất bình đẳng, ngay cả trong tín ngưỡng tôn giáo cũng hết sức bất bình đẳng. Về mặt xã hội, Thủ Đà La chẳng được tiếp xúc với những chủng tánh khác! Thủ Đà La đi đường, nếu dẫm vào bóng của Bà La Môn sẽ bị họa sát thân. Pháp điển Ma Nô còn quy định như sau: “Thủ Đà La dùng lá cỏ chạm vào thân Bà La Môn sẽ bị xử chém”. Do đây biết giai cấp xã hội nghiêm nhặt đến mức độ nào.

Trên phương diện tôn giáo, [Ấn Độ giáo cho rằng] Thủ Đà La là hạng chẳng thể tái sanh, ba chủng tánh kia đều có thể tái sanh. Chữ “tái sanh” vừa nói đó được hiểu là người chết đi lại được sanh làm người, do vì bọn họ lúc còn sống được hưởng quyền lợi đọc tụng kinh điển Phệ Đà (Veda). Nói “chẳng được tái sanh” có nghĩa là chết đi, hết thảy đều chẳng tính đến nữa, căn bản là chẳng thể thọ sanh trong loài người được nữa, bởi lẽ lúc sống họ chẳng được hưởng quyền lợi đọc tụng kinh Phệ Đà. Bởi thế, chế độ giai cấp bốn chủng tánh bất bình đẳng của Ấn Độ rõ ràng rất khắc nghiệt.

Nếu trong thế gian có một loại chúng sanh “nên dùng thân Bà La Môn thì mới có thể đắc độ”, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi “liền hiện thân Bà La Môn để mà thuyết pháp”. Vì bọn họ thuyết những pháp nào? Thuyết pháp bình đẳng, chỉ rõ nhân loại sanh ra bình đẳng, chẳng có ai trỗi hơn, chẳng có ai kém cỏi, sai biệt gì cả, bất cứ ai cũng chẳng thể tự cao tự đại, cho mình là “con kiêu của trời” cả, hoặc là như người Dĩ Sắc Liệt (Israel) nói “người Dĩ Sắc Liệt là dân được Thượng Đế chọn”, hoặc tự nhận chủng tộc của mình là một dân tộc ưu tú nhất trên thế giới.

Hàng Bà La Môn Ấn Độ cho mình là chủng tộc thù thắng nhất, ưu tú nhất trong thế gian nên thường chà đạp các chủng tộc khác, khống chế người khác, chỉ huy người khác, buộc người khác phục tùng mình. Bây giờ, Quán Âm Bồ Tát thị hiện thân phận Bà La Môn giống hệt như họ, dùng thân mình làm gương, đến các nơi biểu hiện tinh thần bình đẳng để cảm hóa Bà La Môn, đả phá quan niệm giai cấp nghiêm nhặt, tin nhận chân lý “nhân loại và hết thảy chúng sanh nhất luật bình đẳng”, từ việc hành theo chân lý bình đẳng này sẽ dần dần đạt đến giải thoát rốt ráo.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương