QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang8/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   17

Chánh kinh:

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát oai thần chi lực, nguy nguy như thị!

無盡意。觀世音菩薩摩訶薩威神之力。巍巍如是

(Này Vô Tận Ý! Sức oai thần của Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát vòi vọi như thế).
Nói đến đây, đức Phật lại tổng kết bốn nạn. Phật gọi Vô Tận Ý để bảo cùng Bồ Tát: Sức oai thần của Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát đương nhiên là vòi vọi vĩ đại như thế, sao chẳng thành khẩn niệm Quán Thế Âm Bồ Tát? “Nguy nguy” nghĩa là có dáng vẻ cao lớn, hình dung nguyện lực, bi trí v.v… của Bồ Tát rộng lớn vô biên, có thể độ thoát vô biên tai nạn và khổ ách của chúng sanh.

 

1.1.2.2.2. Năng ly tam độc (Lìa khỏi ba độc)



1.1.2.2.2.1. Chánh minh ly độc (Nói rõ về lìa ba độc)
Chánh kinh:

Nhược hữu chúng sanh đa ư dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát, tiện đắc ly dục. Nhược đa sân khuể, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát, tiện đắc ly sân. Nhược đa ngu si, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát, tiện đắc ly si.

若有眾生。多於淫欲。常念恭敬觀世音菩薩。便得離欲。若多瞋恚。常念恭敬觀世音菩薩。便得離瞋。若多愚癡。常念恭敬觀世音菩薩。便得離癡。

(Nếu có chúng sanh nhiều dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa dục. Nếu nhiều nóng giận, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa giận. Nếu nhiều ngu si, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa si).
Bảy nạn vừa kể trên tuy có thể nói là phiền não bên trong, nhưng nhìn từ mặt biểu hiện, rốt ráo vẫn thuộc về ngoại cảnh. Ba độc hiện đang được giảng đây mới thực sự thuộc về nội tâm, mà cũng là những phiền não trọng yếu trong tâm chúng sanh. Tất cả phiền não của chúng sanh nếu nói trên phương diện số lượng là vô lượng, vô biên, nhiều như vi trần, như cát vậy; mà hình trạng của phiền não cũng cực vi tế, sâu xa, chẳng dễ biết được. Chẳng qua nói thô thiển cho dễ hiểu thì chẳng ngoài ba độc phiền não, chúng chính là căn bản của hết thảy phiền não; bởi vô lượng vô biên phiền não đều từ ba thứ này sanh ra. Người tu học Phật pháp nếu có thể viễn ly tam độc thì cũng sẽ giải trừ được các phiền não khác. Do đây có thể thấy: Muốn đoạn trừ phiền não thì chủ yếu là đoạn trừ ba độc căn bản phiền não. Bởi thế, phẩm này đặc biệt đề cập ba độc, dạy rõ cho chúng ta phương cách thật sự viễn ly Tam Độc.

Tam Độc là ba phiền não tham, sân, si. Vì sao ba phiền não ấy gọi là Tam Độc? Là vì trong những hoạt động của thân tâm, ba thứ này thường gây độc hại cho người tu hành, khiến cho hành nhân chẳng thể tấn tu đúng pháp. Như người bị rắn độc hoặc rồng độc cắn phải, sẽ có nguy cơ sanh mạng tử vong, chẳng thể tiếp tục sống còn. Tam Độc cũng giống như thế, cũng có thể gây độc hại cho Pháp Thân Huệ Mạng, khiến Pháp Thân chẳng thể tăng trưởng, Huệ Mạng không cách nào khai triển. Bởi thế gọi chúng là Độc; tự độc, độc người, đúng là đáng chán sợ. Phẩm Sư Tử Hống kinh Niết Bàn có câu: “Độc trung chi độc, bất quá tam độc” (Độc nhất trong các độc, không gì bằng Tam Độc). Bởi thế, chất độc trong thế gian chẳng phải là thứ chúng ta nên sợ, Tam Độc độc nhất trong các độc mới đúng là thứ khiến con người sợ hãi. Bởi vậy, người tu học Phật pháp chủ yếu phải đoạn trừ ba độc.

Xin hãy xem kinh Quán Âm chép: “Tịnh ư tam độc căn, thành Phật đạo vô nghi” (Thanh tịnh ba độc căn, thành Phật đạo chẳng nghi). Hành giả tu học Phật pháp nếu có thể đoạn trừ được cội rễ ba độc thì chẳng những chứng được quả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát không thành vấn đề, ngay cả chuyện hoàn thành Phật quả tối cao cũng chẳng còn là nghi vấn nữa. Bởi thế, đoạn trừ ba độc phiền não chính là vấn đề trọng yếu duy nhất của chúng ta. Ba độc như rễ cây, nhổ được rễ thì cành lá tự nhiên khô héo, bởi lẽ công năng của cội rễ đã mất rồi. Bởi thế tu hành đoạn phiền não phải hạ thủ từ căn bản. Chính vì thế, kinh này chỉ giảng về những căn bản phiền não trọng yếu.

      Danh xưng của ba độc phiền não, trong kinh có lúc chỉ gọi đơn độc là tham, sân, si; có khi gọi kép là tham dục, sân khuể, ngu si. Kinh này cũng dùng tên kép để thuyết minh. Để giải thích tên kép, cổ đức đã phân biệt như thế này:

- “Tự ái vi dục, ái tha vi dâm” (Yêu chính mình là dục, yêu người khác là dâm): Con người và hết thảy chúng sanh không ai chẳng tự yêu mến chính mình. Yêu đắm sanh mạng và thân thể của chính mình, muốn cho sanh mạng của chính mình được sanh tồn, đó gọi là Dục. Trong hiện thực thế gian, sự yêu thương giữa nam nữ, đôi bên yêu thương hành dâm, đó gọi là Dâm.

- “Tự phẫn vi khuể, phẫn tha vi sân” (giận bực chính mình là Khuể, giận người khác là Sân): Nếu con người bực tức chính mình, tự mình đột nhiên nhiếc mắng mình, đó gọi là Khuể. Nếu giận dỗi người khác, nói chung thấy người khác sai trái, chán chường, ghét bỏ người khác, đó gọi là Sân.

- “Tự hoặc vi Ngu, hoặc tha vi Si” (tự mình mê hoặc là Ngu, mê hoặc người khác là Si): Tự mình làm mình mê muội, rõ ràng chẳng phải như vậy cứ khăng khăng cho là như vậy, đó gọi là Ngu. Dùng những phương pháp bất chánh đáng mê hoặc người khác, khiến người khác lạc vào mê cung, đó gọi là Si. Tuy căn cứ trên hai phương diện mình và người để giải thích tên kép của ba độc, nhưng thật ra đó đều là căn bản phiền não trong nội tâm của chúng sanh.

Để đối trị Tam Độc phiền não, với mỗi thứ có những phương cách khác nhau: như chúng sanh nhiều tham tu Bất Tịnh Quán, chúng sanh nhiều sân tu Từ Bi Quán, chúng sanh nhiều si tu Nhân Duyên Quán. Bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều giống như vậy. Thế nhưng, tuy Bất Tịnh Quán, Từ Bi Quán, Nhân Duyên Quán là những pháp môn tối thượng để đối trị Tam Độc, chúng sanh bình phàm chẳng dễ gì tu được. Tu chẳng đúng pháp thì chẳng những không thể đoạn Hoặc, trái lại phiền não càng tăng trưởng. Đức Phật đại từ đại bi mở riêng một pháp môn phương tiện dạy chúng sanh tham dục, sân khuể, ngu si nặng nề nếu chẳng thể tu Bất Tịnh Quán v.v… thì hãy nên thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát, cũng có thể viễn ly ba độc.

Đến đây, ắt có kẻ sẽ đâm ra hoài nghi: Thông thường, đoạn phiền não phải có trí huệ, chẳng có trí huệ làm sao đoạn được phiền não? Nếu đã là như vậy, vì sao ở đây lại nói là xưng danh Quán Âm Bồ Tát bèn có thể lìa khỏi ba độc? Ở đây, phải chú ý hai chữ “thường niệm” trong kinh này. Thường niệm là chánh niệm, nhờ đó có thể nhận hiểu phiền não tánh vốn là Không. [Khi đã hiểu tánh của phiền não vốn là Không] thì an trụ trong phiền não chính là trụ vào Thật Tế. Lý thể của Thật Tế không Năng, không Sở, niệm tánh thanh tịnh. Chánh niệm như thế chẳng phải là trí huệ ư? Lìa bỏ điều này, biết còn tìm cầu trí huệ ở đâu nữa? Trí huệ này chẳng lìa phiền não, há còn gì để lìa phiền não? Nếu dùng riêng trí huệ để đoạn phiền não sẽ thành ra có “trí huệ đoạn trừ phiền não” và “phiền não bị đoạn trừ” đối lập nhau. Nếu như vậy, chẳng những phiền não chẳng thể đoạn trừ, mà trí huệ cũng trở thành phiền não, sao còn gọi là “trí huệ đoạn Hoặc” được nữa? Bởi thế, biết rằng: Ngay chính nơi Chánh Niệm là trí huệ. Vì thế, nếu có thể thường niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát chính là có thể dùng chánh niệm để trừ khử ba độc. Đó là đức Phật vì chúng sanh đặc biệt khai thị riêng một đạo dễ hành.

Trong thế gian này, có một loại chúng sanh tâm dâm dục nặng nề vô cùng, đặc biệt là rất nhiều dâm dục. Tuy đây là điều chúng sanh ưa thích, nhưng nó gây ra hậu hoạn vô cùng. Bởi thế, bậc hiền thánh thế gian hoặc bậc xuất thế đại thánh đều đặc biệt chú trọng điều này, răn dạy con người chúng ta bằng nhiều phương cách, khiến cho chúng ta hết sức kiêng dè chuyện này. Như bài văn Đoạn Dục của Ngụy Văn Đế có câu: “Thủ ác mạc như sắc dục, dị phạm đa thị tà dâm” (Điều ác đứng đầu không gì bằng sắc dục, dễ phạm, đa phần là tà dâm). Lại như thế gian thường hay nói: “Vạn ác, dâm vi thủ” (Trong muôn điều ác, dâm đứng đầu) cho thấy rõ lỗi họa của dâm. Kinh Phật quở trách sắc dục lại càng kịch liệt hơn, như nói sắc dục hại người còn hơn mãnh thú, nước lũ, cho thấy lỗi hại của dâm dục rất nặng nề.

Dâm dục là chuyện nam nữ đều có, chẳng phải là riêng một giới nào. Bởi thế, quở trách sắc dục là phải quở trách cả nam lẫn nữ như nhau; nhưng thời cổ Ấn Độ trọng nam khinh nữ; hơn nữa, đối tượng thuyết pháp của đức Phật đa phần là nam giới, bởi thế khi kinh nhắc đến tội ác của dâm dục, đại đa số quy tội nữ giới; như kinh Quở Trách Sắc Dục (Ha Dục Kinh) chép: “Nữ sắc giả, thế gian già tỏa, phàm phu luyến trước, vị năng tự bạt. Nữ sắc giả, thế gian trọng hoạn, phàm phu nhân chi, chí tử vị miễn. Nữ sắc giả, thế gian suy họa, phàm phu tao chi, vô ách bất chí. Hành giả ký đắc ly chi, nhược phục cố niệm, thị tùng địa ngục xuất, hoàn phục tư nhập” (Nữ sắc là gông cùm của thế gian, phàm phu đắm luyến chẳng thể tự dứt. Nữ sắc là tai hoạn nặng nề trong thế gian, vì đó phàm phu đến nỗi chẳng tránh khỏi cái chết. Nữ sắc là suy họa của thế gian, phàm phu gặp phải thì không tai ách nào chẳng gặp. Hành giả đã lìa được rồi, nếu còn đoái tưởng, thì là ra khỏi địa ngục lại nghĩ trở vào). Từ đoạn kinh văn này có thể thấy là họa hại nữ sắc rất lớn; nhưng đứng trên lập trường khác mà nói, đem nữ sắc đổi thành nam sắc thì họa hoạn của nam sắc cũng rất lớn, chẳng phải vậy sao? Bởi thế, chẳng thể quy lỗi một bề cho nữ giới được!

Trong kinh luận lại thường nói như thế này: Trong hết thảy các thứ suy, nữ suy là lớn nhất; trong hết thảy bệnh, nữ bệnh là nặng nhất; trong hết thảy trói buộc, nữ hệ (sự trói buộc bởi nữ giới) là bền chắc nhất. Nếu ai thật sự bị gông xiềng nữ sắc ràng buộc, muốn giải thoát khỏi cô ta, thật rất khó vậy! Bởi thế, từ cổ đến nay, chẳng biết bao nhiêu người chìm đắm trong đó, không thể tháo ra được; chính là vì đàn bà ràng buộc bền chắc. Phật, Bồ Tát dạy chúng ta: Rắn độc, đao, lửa, sấm, chớp, sét, tuy nói là hung tàn chẳng nên tiếp xúc, nhưng vẫn còn có thể tạm thời thân cận, chỉ có nữ nhân keo kiệt, ghen ghét, sân hận, siểm trá, quỷ quái, bẩn thỉu, ưa tranh giành, dâm dục thì tuyệt đối chẳng nên thân cận một chút nào hết. Nếu như thân cận, quý vị sẽ mắc họa hoạn, chẳng thể nói gì được nữa. Nói nghiêm trọng hơn, dâm dục là căn bản của các sanh tử. Do dâm dục giúp cho lòng yêu đắm phát khởi, khiến cho chúng sanh sống chết liên tục.

Nói theo hiện thực của người thế gian thì tuyệt đối chẳng thể tránh khỏi dâm dục, chỉ cần trong thế gian có nam nữ sai khác, tất nhiên phải tạo thành quan hệ vợ chồng. Đã có vợ chồng kết hợp, sao không khỏi phát sanh dâm dục? Sở dĩ Phật đôi ba lượt quở trách sắc dục, chính là muốn chúng ta chẳng suốt ngày đắm chìm trong dâm dục chẳng thể tự thoát, cũng như chẳng gây tạo những hành vi tà dâm phi lễ. Bởi thế, đối với người tại gia học Phật, vợ chồng kết hợp chánh đáng, Phật chẳng cấm ngăn hoàn toàn. Nếu đắm chìm quá phận trong chuyện đó, chẳng những thân thể mình bị tổn hại, mà sự nghiệp của mình cũng bị bỏ phế, đấy thật là bất trí nặng nề. Xem gương đế vương, tể quan, anh hùng, hào kiệt thời cổ, bị thân bại danh liệt, khuynh quốc, táng gia, chẳng biết bao nhiêu người, vẫn chẳng đáng cho chúng ta kiêng dè hay sao? Huống nữa, dâm dục là nguồn gốc các khổ, là gốc chướng đạo, bởi thế đức Phật nghiêm khắc cấm ngặt.

Tuy nói hết thảy chúng sanh đều do dâm dục mà có tánh mạng, nhưng con người rất dễ phạm phải căn bệnh này. Bởi lẽ, dâm dục là bẩm sanh, cũng như Nho Gia nói “tham sắc, tánh dã” (tham sắc chính là tánh vậy, ý nói: Tham sắc thuộc về bản tánh), muốn chẳng phạm rất khó. Nhưng nếu chúng ta luôn luôn giữ cái tâm ngăn dè, kiêng sợ, coi dâm dục là bất tịnh nhất mà cũng là điều đáng sợ nhất thì dục niệm của quý vị sẽ nhạt bớt, thậm chí chẳng khởi. Rất nhiều kẻ do dâm dục mà tạo thành bi kịch, nguyên nhân căn bản là do chẳng biết sợ, cho dâm dục là chuyện nhân sinh đáng nên hưởng thọ, có gì mà chẳng thể phát sanh quan hệ tánh dục? Do một niệm lầm lạc đó, tạo thành đại họa chung thân, câu nói: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận” (Một lần lầm lỡ một lần đủ tạo thành nỗi hận thiên cổ), chính là nói về ý này. Nếu hành giả tu học Phật pháp tham đắm dục lạc sẽ không cách nào tiến được. Bởi thế, phải biết sắc dục là họa hoạn, tận lực lập cách tránh né, chẳng nên tiếp cận nhiều với người khác phái, thì vấn đề sẽ tự nhiên giảm thiểu.

Bất quá, nếu thật sự muốn ly dục hoặc tuyệt dục thì phải xem tâm niệm của chúng ta trong lúc ấy như thế nào, nếu tâm niệm hướng theo phương diện khác, tự nhiên sẽ khó bị dục niệm lôi kéo. Nếu như tâm niệm đặt nơi thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, luôn nhất tâm xưng niệm Quán Âm Bồ Tát, chỉ có mỗi chánh niệm Quán Âm Bồ Tát, không còn tạp niệm nào khác trong tâm, tự nhiên sẽ được Bồ Tát cảm ứng, khiến cho dục niệm của quý vị băng tiêu. Cũng như nếu quý vị có thể coi một người con gái trước mặt chẳng phải là một phụ nữ bình thường mà là Quán Âm Bồ Tát thị hiện thì cũng có thể lập tức trừ được dục niệm trong tâm.

Tương truyền, trong quá khứ có một hành giả, đột nhiên dục niệm xung động, muốn chung chạ bậy bạ cùng một người phụ nữ. Cô gái đó yêu cầu ông ta đem bức họa Quán Âm Bồ Tát treo trên đầu giường, rồi mới đáp ứng đòi hỏi của ông ta. Ngay trong lúc ấy, vị hành giả tỉnh ngộ, biết đó chẳng phải là chuyện nên làm, từ đó bèn xa lìa dục niệm. Đức Phật biết rõ gốc bệnh chúng sanh tại đâu nên đặc biệt chỉ dạy: “Thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát, liền được lìa dục”. Trong câu này, khẩn yếu nhất là hai chữ “thường niệm”. Thật sự phải làm như dùi cây lấy lửa, như gà ấp trứng, mỗi một sát-na đều chẳng ngưng nghỉ niệm thì mới phát sanh công hiệu. Nếu như lúc niệm lúc không, khó lòng đạt được hiệu quả.

Lại có một loại chúng sanh khác, tâm sân khuể nặng nề vô cùng, đặc biệt là hay nóng giận, có biện pháp nào để đối trị đây? Nói thông thường là phải tu Từ Bi Quán, bởi Từ Bi đối trị sân khuể. Sân khuể là đại bệnh, từ bi là pháp dược, uống vào hiệu quả đặc biệt phi thường. Chẳng cần biết quý vị tâm sân khuể lớn nặng đến đâu, chỉ cần tu hành Từ Bi Quán đúng pháp, không ai chẳng trị được tận gốc sân khuể. Nói về mặt phương tiện, nếu như có thể “thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát, liền được lìa dục”.

Đại từ đại bi là điều đặc sắc lớn nhất của Quán Âm Bồ Tát, bởi lẽ thường xưng niệm Ngài, thường tương ứng với lòng từ bi của Bồ Tát, tự nhiên chẳng thể khởi lên sân tưởng. Thử xem bất luận người nào nóng giận đến đâu, cứ hễ vừa niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, tánh nóng lớn bằng trời cũng tiêu mất. Đây là phương pháp đơn giản nhất lại dễ thực hành nhất. Nếu lúc quý vị nổi nóng, chẳng ngại gì mà không áp dụng thử xem, bảo đảm quý vị thấy hiệu quả đặc biệt phi thường. Đừng nói là thường xưng niệm trừ được sân, có lúc quán thánh dung từ hòa đoan nghiêm của Ngài cũng có thể khiến cho tánh nóng của quý vị không cách chi phát khởi được. Bởi lẽ, đối diện thánh dung từ hòa, biết mình nổi nóng chẳng có nghĩa lý gì cả. Đức Phật biết rõ tâm lý chúng sanh, muốn cho chúng sanh đừng phát sanh sân khuể, nên đặc biệt dạy các chúng sanh thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát.

Sân khuể là một hiện tượng tâm lý bất bình thường, bạo ác nhất trong tâm chúng sanh, một khi nó phát khởi tác dụng, tác hại rất nghiêm trọng. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhất niệm sân khuể khởi, chướng bách pháp minh môn”, kinh Đại Tập nói: “Nhất khởi sân, nhất thiết ma quỷ đắc tiện” (Một niệm sân dấy lên, hết thảy ma quỷ được dịp thuận lợi), ý nói: Người tu hành vốn có thể phát sanh bách pháp minh môn, nhưng vì một niệm sân khuể nên các pháp ấy bị ngăn trở chẳng sanh được. Ma quỷ vốn chẳng có cách nào nhiễu loạn được hành giả, chỉ vì một niệm sân dấy lên, ma quỷ bèn nắm lấy cơ hội đó, gây nên nhiễu loạn, khiến quý vị không cách gì tấn tu được. Hãy nghĩ coi sân khuể ảnh hưởng đến người tu hành có rộng lớn hay chăng? Lại nói về người bình phàm, nếu như tâm sân khuể lớn lao, động một chút bèn nổi nóng, nhỏ thì đánh đập người khác, lớn thì tước đoạt tánh mạng người ta. Thế gian phát sanh rất nhiều bi kịch đều là do một niệm sân tâm chẳng nín nhịn được mà ra, bởi thế Phật pháp cho rằng sân khuể là điều chớ nên có.

Đương nhiên nguyên nhân sanh khởi sân khuể rất nhiều, có chút gì chẳng vừa ý, bèn có thể nổi nóng liền; bởi thế, trong hiện thực thế gian khắp nơi chống trái, tàn độc. Thế nhưng, có lúc Phật pháp đem các loại sân khuể quy nạp thành ba thứ như sau:


1) Thuận lý sân:
Nghĩa là chính mình chẳng phải là kẻ có tội, cũng chẳng vì ác ý mà phê bình người khác, càng chẳng có chỗ nào sai trái đối với người khác, bất ngờ bị người ta lăng nhục, bị người ta chửi rủa dữ dằn, bị người ta hủy báng, bị người ta phá hoại, thậm chí vô tình ẩu đả. Trong những tình huống ấy, bất cứ người có tu dưỡng nào cũng khó thể chẳng nổi nóng.

Sự nổi nóng đó, xét theo tình lý, có thể chấp nhận được, cũng có thể nói là hợp tình, hợp lý, nên gọi là Thuận Lý Sân; nhưng đứng trên lập trường Phật pháp mà nói, nổi nóng như vậy vẫn chưa phải là cần thiết. Bởi lẽ, tuy vô duyên vô cớ bị chửi rủa, đánh đập, nhưng nếu nhẫn nhịn được thì nhẫn vẫn là hơn. Nếu như biết người đánh chửi quý vị cũng chẳng phải là chính họ muốn làm vậy, mà là do bị phiền não sai khiến, chính họ cũng chẳng tự chủ được, ta nổi nóng với họ làm gì? Nghĩ được như thế, chẳng những không nổi nóng với họ, mà còn thông cảm cho họ nữa, biết họ đáng thương. Như thế sẽ hóa khí dữ thành cát tường, đây - kia thân tâm an nhiên.


2) Phi lý sân:
Tức là về căn bản chẳng có nguyên nhân gì, vô duyên vô cớ đùng đùng nổi giận. Như có những người vốn rất tốt, chưa từng bị ai xâm phạm, cũng chưa gặp nghịch cảnh nhiễu loạn, thế mà đột nhiên nổi giận bừng bừng khiến người khác chẳng biết nguyên do. Hiện tượng này chẳng những thường thấy nơi những người bình thường ngoài xã hội, ngay trong những hành giả nhà Phật cũng chẳng hiếm thấy. Như có hành nhân tu biệt cư đã lâu, tự nấu cơm ăn, căn bản là không có người thứ hai nào nhiễu loạn, nhưng ngẫu nhiên gặp phải ngày mưa, củi ướt chẳng nhóm được lửa, bởi thế bèn áo não, phẫn nộ, thậm chí giận không thèm ăn cơm nữa! Phải biết đó là giận phi lý.

Nói theo Phật pháp, giận như vậy càng chẳng nên, nóng giận có đối tượng còn chấp nhận được; tự mình giận mình, về lý nói sao cho thông? Bất quá là tự mình chọc ghẹo mình đó thôi. Còn như giận không thèm ăn cơm nữa, thử hỏi có ích gì cho mình hay chăng? Vì đâu mình phải tự mình làm khổ mình như thế? Bởi thế, đức Phật càng nghiêm khắc quở trách Phi Lý Sân để chúng ta đừng có giận hờn vô lý.


3) Đấu Tránh Sân:
Tức là lúc năm ba người bạn tốt cùng thảo luận vấn đề, ban đầu đàm luận tâm đầu ý hợp lắm, nhưng một lúc sau, do tôi nói đằng này, anh nói đằng kia, ai nấy giữ ý kiến riêng, ai nấy cho thế này là đúng, thế kia là sai, không ai nhường ai, bởi thế cãi nhau đỏ mặt tía tai, thậm chí cãi lộn ầm ĩ cả lên. Đó gọi là Đấu Tránh Sân. Tình hình này trong thế gian hiện thời đâu đâu cũng thấy. Thật ra, bất tất phải sân khuể. Phải biết rằng: Bất luận tranh luận vấn đề gì, nói chung là chân lý càng bàn sẽ càng sáng, cớ gì cứ phải tranh luận không cần thiết? Cớ gì cứ phải vì đó mà nổi nóng bừng bừng?

Tranh luận chẳng đúng nghĩa lý như thế chẳng mảy may có ý nghĩa gì, đánh mất tình bè bạn lại càng chẳng đáng chi! Bởi thế vì giận mà tranh, do tranh nên giận đều là chuyện không nên. Hãy thử nghĩ xem: Để thảo luận một vấn đề, rốt cuộc lửa giận bốc cao đến ba trượng, khiến cả mình lẫn người đều cảm thấy bất an, sao lại khổ thế? Vì thế, Phật pháp cũng chẳng cho sân khuể là đúng, mà cho rằng phải nên ngăn dứt.

Hết thảy sân khuể chẳng ngoài ba thứ ấy, nhưng bất cứ loại nào cũng đều bất hảo, đừng để cho nó tiếp tục sanh khởi, phải biết sân khuể có hại rất lớn, như nói: “Khởi nhất niệm chi sân, năng thiêu tận Bồ Đề chi chủng” (khởi một niệm sân, thiêu sạch hạt giống Bồ Đề). Bởi thế, Sân là căn bản để đánh mất Phật pháp, là nhân duyên đọa ác đạo, là oan gia của pháp lạc, là đại tặc đối với thiện tâm, chẳng những hành giả tu học Phật pháp chẳng nên khởi sân, ngay cả những người bình phàm cũng chẳng nên khởi sân. Nếu lúc sân khuể phát động, quý vị lập tức xưng niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ lìa xa được sân ấy. Liên quan đến vấn đề này, có một câu chuyện thực như sau:

Trong quá khứ, ở Trung Hoa có tiên sinh Cao Phiên, thông duệ, học giỏi vô cùng. Năm mười bốn tuổi đã đậu Tú Tài. Đến tuổi nhược quan (20 tuổi), cưới cô họ Phàn, tên là Giang Thành làm vợ. Cô này tuy xinh đẹp như hoa, nhưng tánh tình bạo ác. Bởi thế, chàng Tú Tài có phần sợ hãi cô ta, mang nỗi khổ chẳng nói ra được, đến nỗi thân thể ngày càng suy nhược. Về sau, bà mẹ vợ biết được, chẳng chịu nổi hành vi con gái mình, rất thông cảm với chàng rể, nhưng không có cách nào khác, chỉ đành cầu khẩn Quán Âm Bồ Tát.

Do nhạc mẫu kiền thành, một đêm Bồ Tát báo mộng cho bà:

- Kiếp trước con gái bà là con chuột Trường Sanh được tăng nhân nuôi trong một ngôi chùa. Đời trước con rể bà từng đọc sách ở chùa đó, lỡ tay đùa bỡn làm chết con chuột Trường Sanh đó, nên đời này phải báo ứng, con bà chẳng hành hạ chàng rể héo hắt thì chẳng thôi, không có cách nào cứu được. Nếu thật sự muốn cứu con rể bà chỉ có cách chân thành niệm phẩm Phổ Môn.

Nhạc mẫu được chỉ dạy như thế, chẳng những tự mình chân thành niệm, lại còn bảo cha mẹ chàng rể và cả nhà trì niệm. Thế nhưng kiền thành tụng niệm đã hơn một tháng, chẳng thấy cảm ứng mảy may; tuy vậy, nhạc mẫu tín tâm rất kiên định, chẳng những chính mình không ngừng niệm, còn buộc chàng rể phát tâm cùng niệm.

Oan nghiệp của chính mình thì chính mình tự tiêu, do chàng Tú Tài cũng tham gia xưng niệm, chẳng lâu sau, chợt có một vị lão tăng đi đến. Vị lão tăng này chẳng những hiểu rõ nhân quả, lại còn tinh thông thuật xem tướng; bởi thế, rất nhiều người làng đến thưa hỏi lão tăng. Nàng Phàn Thị vợ chàng Tú Tài cũng đến hỏi lão tăng chỉ điểm bến mê cho nàng, lão tăng bèn lập tức bảo nàng: “Chớ có sân! Chớ có sân! Đời trước đã chẳng giả, đời này cũng chẳng chân! Hừm! Chuột mau rút đầu lại, chớ để mèo kiếm ra!” Nói xong sáu câu đó, lại dùng chén nước phun vào mặt cô ta. Người làng đều biết Phàn Thị chua ngoa, bây giờ thấy lão tăng làm như thế, mọi người đều lo cho lão tăng toát mồ hôi, bởi lẽ Phàn Thị nhất định nổi giận lôi đình. Thế nhưng kỳ quái sao, Phàn Thị nghe xong dường có điều ngộ ra, chẳng những không nổi nóng, lại còn thay biến đổi tánh nóng, trở thành hiền thê lương mẫu. Đủ thấy niệm Quán Thế Âm Bồ Tát có thể xa lìa được sân khuể.

Nếu lại có một loại chúng sanh ngu si rất nặng, đặc biệt là nhiều ngu si. Ngu si là mê hoặc, ngu muội, chẳng hiểu rõ sự lý. Người chẳng hiểu rõ sự lý chẳng nhất định là kẻ hoàn toàn không có trí thức, có kẻ thậm chí trí thức quảng bác, học vấn cao thâm, nhưng vì chẳng tin thiện ác, nhân quả, thì nhà Phật gọi là ngu si. Trái lại, có hạng người tuy chẳng có học thức gì, nhưng chân thành thiết tha tin sâu nhân quả, nhà Phật cũng gọi là có trí huệ. Là ngu si hay không thì chẳng vì có hay không có tri thức, mà là do có tin nhân quả hay không. Tin sâu nhân quả là người có trí huệ, chẳng tin nhân quả là kẻ ngu si. Bởi thế, trong nhà Phật, tin nhân quả thật rất trọng yếu.

Có người do chẳng thấy biết nên chẳng tin, nào biết nhân quả nói trong Phật pháp thông suốt ba đời, chẳng thể vì không thấy được nhân mà xóa sạch sự tồn tại của nó. Có người hiện làm ác rất nhiều, bề ngoài thấy họ hưởng thụ rất sướng, nhưng nỗi khổ lớn đang chờ họ sau này. Chúng ta bất tất phải ngưỡng mộ họ, cũng đừng bắt chước làm theo họ. Có người hiện tại rộng làm thiện nghiệp, nhưng sống trong hoàn cảnh vô cùng xấu kém; hoặc có người vì làm lành chẳng được báo tốt. Thật ra, quả báo khoái lạc đang ở tương lai, quyết chẳng hư uổng. Chúng ta đừng vì đó thoái tâm, mà càng phải bắt chước họ thích làm lành, ưa bố thí.

Hiểu rõ nhân quả ba đời chẳng sai mảy may, tự nhiên quý vị sẽ chẳng dám làm ác, sẽ hành thiện. Đáng tiếc người đời chẳng thường hiểu đạo lý này, cứ nghĩ Phật pháp chẳng linh, hoặc là oán trời trách người. Nói theo Phật pháp, như vậy là ngu si. Đã có ngu si tồn tại, thì phải làm cách nào? Nếu có thể tu Nhân Duyên Quán thì tốt nhất là tu Nhân Duyên Quán. Chẳng thể tu Nhân Duyên Quán thì nếu có thể “thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát, liền được lìa si”.

Niệm Quán Âm Bồ Tát có thể lìa si, đắc trí huệ, trong giới Phật giáo Trung Quốc, là một niềm tin sâu xa rất phổ biến. Như trong quá khứ, các chú tiểu trong các chùa miếu Trung Quốc được sư phụ dạy bài học đầu tiên là trước khi ngủ, lễ Quán Âm Bồ Tát hết một cây hương, miệng đọc như thế này: “Đệ tử tên là… cầu thông minh, mẫn tiệp, kính lễ đấng trí huệ, quảng đại linh cảm, đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát”. Niệm một lần, lễ một lần. Lễ bái lâu dài như thế, được Bồ Tát cảm ứng rất nhiều. Rất nhiều kẻ vốn rất ngu độn, sau này thành thông duệ, mẫn tiệp. Bây giờ, tôi chẳng ngại gì không kể chuyện thực về sự cảm ứng của việc lễ bái Quán Âm như sau:

Trong quá khứ có một chú tiểu sa-di mới xuất gia, vốn cực kỳ ngu xuẩn. Lão hòa thượng dạy chú niệm kinh, bất luận dụng công cách nào, chú vẫn không cách gì nhớ nổi. Vị thầy vô kế khả thi, liền dạy chú ngày ngày lễ niệm Quán Âm, cầu trừ nghiệp chướng khai trí huệ. Mỗi ngày quy định thời gian lễ là một cây hương, đến hết giờ sư phụ lắc linh làm hiệu, chưa nghe tiếng linh chẳng được nghỉ, đi ngủ. Chẳng gián đoạn như thế, lẩm rẩm chú tiểu lễ suốt ba năm.

Có một ngày, chú tiểu lễ niệm Quán Âm như thường lệ, sư phụ quên lắc linh, thế nhưng linh không ai động đến cũng tự kêu. Chú tiểu nghe tiếng linh, đương nhiên là đi ngủ, nhưng sau đó sư phụ quở trách chú: “Chưa nghe tiếng linh đã đi ngủ, mày cố ý biếng nhác!” Chú tiểu thưa cùng thầy: “Con chẳng lười đâu, con nghe tiếng linh mới đi ngủ”. Lúc đó, sư phụ thầm nghĩ: “Mình chẳng lắc linh, làm sao có tiếng linh cho được? Không biết có phải thằng nhỏ này đã được Bồ Tát cảm ứng hay không?” Vì muốn thí nghiệm coi có đúng là linh nghiệm hay không, tối hôm sau sư phụ cố ý không lắc linh, coi xem có tiếng linh hay không? Lạ lùng thay, hôm sau chú tiểu lễ xong một cây hương, tiếng linh lại tự nhiên vang lên. Sư phụ biết lòng thành đã được cảm ứng, bèn chẳng quy định thời gian lễ bái nữa, nhưng từ đó chú tiểu niệm kinh chẳng những mắt nhìn qua chẳng quên, mà còn hiểu rõ ý, trở thành một vị pháp sư giảng kinh hữu danh.

Bởi vậy, nếu có chúng sanh biết mình ngu si, thường niệm thánh hiệu Quán Âm, tất nhiên được trí huệ. Vấn đề là người trong thế gian, đa phần cho mình là thông minh, mẫn tiệp, chẳng chịu thừa nhận mình vốn ngu si, bởi thế quý vị muốn họ niệm Quán Âm, chẳng khỏi trở thành vấn đề. Làm người tốt nhất đừng tự nghĩ mình thông minh, mẫn tiệp, mà phải thừa nhận mình trí huệ có hạn, thỉnh cầu Quán Âm Bồ Tát gia bị, càng niệm nhiều thánh hiệu Quán Âm, xác tín Quán Âm Bồ Tát ban cho trí huệ, khiến cho ta xa lìa ngu si. Ngu si che lấp trí huệ, học Phật là truy cầu trí huệ. Bởi thế, mỗi một người học Phật, đều phải nên đột phá vô minh hắc ám, sống trong quang minh trí huệ.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương