QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang7/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17

1.1.2.1.3. Kết đáp đắc danh nhân duyên (kết lại lời đáp về nhân duyên được danh hiệu Quán Thế Âm)
Chánh kinh:

Dĩ thị nhân duyên, danh Quán Thế Âm.

以是因緣。名觀世音。

(Do nhân duyên ấy, tên là Quán Thế Âm).
Vô Tận Ý hỏi nhân duyên Quán Thế Âm được danh hiệu ấy. Kinh này đã giải thích những nguyên nhân, “do những nhân duyên ấy” nên Bồ Tát được danh hiệu là Quán Thế Âm. Đã hiểu rõ nhân duyên Bồ Tát được danh hiệu ấy, ắt sẽ chẳng còn nghi ngờ đối với Bồ Tát nữa. Hết nghi sanh lòng tin, tự nhiên đối với thánh hiệu của Bồ Tát bèn xưng niệm khẩn thiết và chân thành.

 

1.1.2.2. Quảng hiển xưng danh cảm ứng (rộng thuyết minh về những sự cảm ứng do xưng danh)



1.1.2.2.1. Năng thoát tứ nạn (Thoát bốn nạn)

1.1.2.2.1.1. Biệt minh thoát nạn (Riêng nói về bốn nạn)

1.1.2.2.1.1.1. Năng thoát lục nạn (Thoát nạn giết chóc)
Chánh kinh:

Nhược phục hữu nhân, lâm đương bị hại, xưng Quán Thế Âm Bồ Tát danh giả, bỉ sở chấp đao trượng, tầm đoạn đoạn hoại, nhi đắc giải thoát.

若復有人。臨當被害。稱觀世音菩薩名者。彼所執刀杖。尋段段壞。而得解

(Nếu lại có người khi sắp bị hại mà xưng danh Quán Thế Âm Bồ Tát, thì những đao trượng đang cầm đó liền gãy từng khúc, bèn được giải thoát.
Trong bảy nạn, đây là nạn thứ tư: Đao trượng nạn. Đao là dao bén, có thể cắt chặt sanh mạng, Trượng là những thứ như côn, bổng, nhẹ thì làm tổn thương thân thể, nặng thì tổn hại sanh mạng. Bởi thế, bất luận con người đi đến chỗ nào mà thấy có kẻ vung đao, giáng gậy nói chung là tránh xa, chỉ sợ lỡ bị đao trượng làm hại đến sanh mạng. Nếu phạm phải phép nước, phải bị quốc pháp xử phạt, có khi phải chịu cực hình, nói theo thời cổ, tội chặt đầu cần phải động đao; nếu phạm pháp nhẹ hơn thì bị đánh bằng bản tử9 hoặc bằng côn, đều gọi là bị tội Trượng. Chịu hình phạt đao trượng có khác gì mắc tai nạn, bởi vậy phải tính cách né tránh, không ai là chẳng sợ đao trượng. Nếu gặp phải tình huống đó, nên làm cách nào đây? Kinh dạy:

Nhược phục hữu nhân” (Nếu lại có người) hoặc là vô cớ bị hại, hoặc do phạm pháp phải thọ hình, hoặc do gặp phải cường đạo mà bị đánh, nói chung là “lâm đương bị hại” (khi sắp bị hại) mà nếu có thể nhất tâm nhất ý “xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát” thì những đao trượng đang cầm trên tay của những kẻ toan sát hại quý vị “liền gãy từng khúc” (tầm đoạn đoạn hoại) khiến cho quý vị được giải thoát. Chữ “tầm” (尋) có nghĩa là rất nhanh, hay ngay lập tức. Đao trượng đều là hung khí (những vật hung hiểm, bất tường), nếu thật sự chạm vào thân, sanh mạng nhất định bị tổn thương. Nay do niệm thánh hiệu Quán Âm, đao trượng lập tức bị gãy nát thành từng khúc, mất đi tác dụng gây tổn thương, cũng chẳng thể tổn hại tánh mạng được nữa, bởi thế, ngay khi đó liền được giải thoát.

Con người gặp phải nạn đao trượng đều là do ác nghiệp nhân duyên đã tạo trong đời này, hoặc là tạo trong quá khứ. Nói thông thường, đã có ác nghiệp như thế, vốn là khó trốn tránh, né tránh nghiệp lực chẳng được; nay do sức nhân duyên thiện nghiệp xưng niệm thánh hiệu Quán Âm thắng được sức của nhân duyên ác nghiệp đã tạo, nên có thể tiêu trừ được tất cả ác nghiệp. Ác nghiệp đã tiêu, dù đao trượng có gia hại cũng chẳng gia hại được, nhân đấy bèn được giải thoát.

Đao trượng có thể nói là có đao trượng hữu hình và đao trượng vô hình.

Về đao trượng hữu hình, trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, có một câu chuyện xưa như sau:

Trong đời Đường, tại Trung Hoa, có thiền sư Trí Giác, lúc chưa xuất gia làm quan Thái Thú. Lúc ông đang làm quan Thái Thú, khu vực ông cai trị gặp phải nạn đói chưa từng có, dân chúng bị đói đến nỗi không có cái gì ăn, thậm chí ngay cả rễ cỏ cũng không còn mà ăn, đúng là khổ sở cực điểm! Nhưng kho lúa của chánh quyền còn chứa rất nhiều lương thực. Quốc gia chứa lương vốn dùng để cứu đói, nhưng muốn sử dụng phải xin phép nhà vua trước. Quan Thái Thú sợ thời gian tấu trình lâu lắc, đợi đến khi thánh chỉ ban xuống, e rằng dân chúng chết đói hết. Bởi đó, ông nổi lòng bi, phát gạo cứu đói trước đã, rồi mới tâu lên vua sau, dụng tâm đương nhiên là tốt, nhưng chưa được vua phê chuẩn thì vẫn là phạm quốc pháp. Bởi thế, vua bãi chức ông, truyền giải về kinh đô xử tội chém.

Nhưng viên Thái Thú này là một vị quan thanh liêm, nổi tiếng trong sạch, quốc vương biết tiếng. Bởi vậy, lúc sắp hành hình, đặc biệt truyền quan Giám Trảm chú ý xem thái độ, ngôn ngữ của quan Thái Thú ra sao. Vị quan đương nhiên biết mình làm như vậy là phạm pháp, nhưng vì nóng lòng cứu nạn đói cho dân chúng, biết rõ mà cố phạm, nên đã sớm gác chuyện sống chết ra ngoài. Bởi vậy, lúc sắp thọ hình chẳng những không tỏ vẻ thống khổ, lại còn rất hoan hỷ nói: “Đem cái mạng này cúng dường chúng sanh!” Người cầm đao nghe nói vậy cảm thấy rất kỳ quái, nên chẳng giết ông ta, trở về báo với quốc vương. Vua nghe tâu, lập tức truyền đem ông ta đến trước mặt vua, hỏi ông ta vì sao làm thế? Ông ta đáp rất tách bạch:

- Chẳng có nhân duyên nào khác, chỉ là chẳng nỡ nhìn thấy dân chúng đói khổ, phát xuất từ một niệm đồng tình đó thôi!

Quốc vương biết viên quan này thiện lương, truyền tha tội. Viên Thái Thú do gặp chuyện này, biết nhân sanh chẳng có ý nghĩa gì, bèn phát tâm xuất gia, pháp danh là Trí Giác. Do đây biết rằng: Một người sắp bị hại, chỉ cần sanh khởi một niệm thiện tâm hoặc từ bi tâm, tâm ấy tương ứng Bồ Đề tâm, liền được Bồ Tát cứu tế, bèn thoát nạn đao trượng.

Lại thuật chuyện do niệm Quán Âm mà được thoát nạn:

Trong quá khứ, ở Trung Quốc có người sống tại địa phương nọ, tình cảm vợ chồng rất tốt, người vợ ngoài những việc cần phải vén khéo trong nhà thì chuyên môn niệm thánh hiệu Quán Âm. Người chồng đối với vợ con cũng rất tốt, ra ngoài làm ăn, mỗi khi cùng bè bạn nhắc đến vợ đều khen ngợi không ngớt miệng, nào là vợ hiền thục, nào là vợ trinh tiết, nào là vợ biết giữ đạo làm vợ. Có một gã bạn muốn chọc ghẹo anh ta, kiếm cớ mò đến nhà anh ta, người vợ thấy bạn chồng đến thăm, tiếp đón anh ta rất lễ độ. Thời cổ, y phục đàn bà mặc tay áo rất lớn, mỗi lần cử động cánh tay, giơ ống tay áo lên xuống, mặt trong cánh tay lộ ra. Trên cánh tay người vợ có một nốt ruồi, bị gã bạn dòm trộm thấy. Gã bạn đó lúc sau gặp người chồng bèn chọc ghẹo anh ta:

- Anh hay nói vợ anh hiền lương, giữ phận làm vợ thế này thế nọ, nhưng tay vợ anh ở chỗ này chỗ nọ có nốt ruồi kín, tôi biết rất rõ, vậy thì vợ anh giữ đạo làm vợ như thế nào cứ đó mà suy!

Người chồng nghe nói chẳng biết đáp sao, bụng nghĩ mình tin tưởng vợ như thế, hóa ra vợ lại là hạng đàn bà như thế, thật chẳng còn ra thể thống gì nữa! Bởi vậy, phát phẫn, nửa đêm cầm dao về nhà, kêu vợ mở cửa. Lúc đang mở cửa, chẳng hỏi đầu đuôi, vừa thấy mặt vợ liền đâm ngay một nhát, giết xong liền bỏ chạy để khỏi bị quan bắt.

Trong thời gian lẩn trốn, nghĩ đến người vợ trinh lương, chẳng hề có hành vi đó, biết là bị người gạt gẫm, trong tâm rất hối hận. Ít lâu sau, chẳng nghe nói có tin tức truy bắt kẻ phạm tội sát nhân gì, bèn lén về nhà coi, đến nhà thấy vợ mình đang niệm thánh hiệu Quán Âm, cảm thấy kỳ quái, liền hỏi:

- Mấy bữa trước, có người nào đến nhà gõ cửa không?

Người vợ đáp:

- Gần đây không có ai đến gõ cửa. Mỗi tối em đều niệm thánh hiệu Quán Âm trong Phật đường, làm sao mở cửa được?

Người chồng nghe nói càng lấy làm lạ hơn, bèn kể rõ đầu đuôi cùng vợ. Vợ chồng cùng cho là Quán Âm cảm ứng, cùng đem tượng Quán Âm đang thờ ra xem, quả nhiên thấy trên cổ tượng Quán Âm hãy còn vết dao rành rành, chứng thực Quán Âm ra mở cửa cứu nạn. Từ đó, vợ chồng càng thêm kiền thành xưng niệm Quán Âm Bồ Tát.

Nói về đao trượng vô hình thì đao trượng chính là những chướng ngại ghen ghét và tâm lý oán hận, não loạn đang uẩn tàng trong tâm mỗi người. Tâm ganh ghét đúng là một loại đao tàn hại cùng cực, như thấy ai có điều gì hơn mình, hoặc nhiều tiền của, hoặc địa vị cao, hoặc danh dự lớn, chính mình tự nhiên sanh lòng ghen ghét, khác nào bị đao kiếm cắt vào thân thể mình khó chịu đựng nổi; bởi vậy nói ghen ghét giống như đao. Phẫn não10 phát sanh từ tâm sân hận, nội tâm đang có phẫn não nung nấu, gặp chuyện chẳng như ý, chẳng có cách nào đối phó, chỉ đành ôm hận trong lòng, cũng khó chịu khác nào bị lưỡi gươm bén cắm vào thân; bởi vậy nói phẫn não như đao. Đang mang tâm lý đó mà nếu như có thể thành kính niệm Quán Âm thì phẫn não, ghen ghét lập tức tiêu tan ra mây khói, đồng thời lại còn nghĩ: Chúng sanh và mình có quan hệ mật thiết, vì sao mình lại ghen ghét, phẫn não họ? Nghĩ như vậy, tâm bèn thảnh thơi, liền được giải thoát.

Trong kinh Pháp Hoa có vị Thường Bất Khinh Bồ Tát rất đáng làm gương cho chúng ta. Lúc ngài Thường Bất Khinh hành đạo Bồ Tát, trông thấy bất cứ ai đều đến lễ và nói: “Ngã bất cảm khinh ư nhữ đẳng, nhữ đẳng giai đương thành Phật” (Tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật). Chúng sanh nghe xong chẳng những không tin lại còn rất chán ghét, nhưng Bồ Tát vẫn cứ nói như thế. Bởi thế, người ta chẳng khách khí, dùng ngói gạch, đá, đất đáp lễ Bồ Tát, Bồ Tát chạy ra xa, vẫn hoan hỷ nói như vậy: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật”. Đấy là tôn trọng nhân cách của mỗi người chứ chẳng phải là nói giỡn.

Nếu mỗi người đều có thể tôn trọng nhân cách của đối phương thì chẳng những chẳng thể sanh khởi phẫn nộ, ghen ghét, mà lại càng tôn kính người ta. Thông thường, sở dĩ con người phẫn nộ, ghen ghét là do chẳng tôn trọng nhân cách của người khác. Ngài Thường Bất Khinh tuy bị người ta dùng đao, trượng, gạch, đá đánh đập, nhưng do tôn trọng con người, kết quả là tất cả những ai từng tiếp xúc với Ngài đều được Ngài cảm hóa tín phụng Phật pháp.

Tục ngữ nói: “Nhu thắng cương”. Đao trượng tượng trưng cang cường, chỉ có nhu hòa, nhẫn nhục mới đối phó được. Bởi lẽ tuy đao trượng là vũ khí sắc bén, chúng hoàn toàn vô tác dụng trước mặt người nhu hòa, nhẫn nhục, bởi vậy liền bị gãy từng khúc. Có cái tâm phẫn nộ, ghen ghét, nhưng biết lùi một bước, nghĩ “dùng nhu thắng cương” thì tự nhiên được giải thoát!

 

1.1.2.2.1.1.2. Năng thoát quỷ nạn (thoát được nạn quỷ)
Chánh kinh:

Nhược tam thiên đại thiên quốc độ, mãn trung Dạ Xoa, La Sát, dục lai não nhân, văn kỳ xưng Quán Thế Âm Bồ Tát danh giả, thị chư ác quỷ thượng bất năng dĩ ác nhãn thị chi, huống phục gia hại?

若三千大千國土。滿中夜叉羅剎。欲來惱人。聞其稱觀世音菩薩名者。是諸惡鬼尚不能以惡眼視之。況復加害。

(Nếu trong các cõi nước thuộc tam thiên đại thiên đầy các Dạ Xoa, La Sát muốn đến não hại người, nghe họ xưng danh Quán Thế Âm Bồ Tát, các ác quỷ đó còn chẳng thể dùng mắt ác để ngó, huống còn gia hại?)
Đây là nạn quỷ, nạn thứ năm trong bảy nạn. Trong phong nạn ở phần trên có nói đến La Sát, nhưng trọng tâm là hắc phong. Hoặc có thể hiểu là trong phần trên chỉ nói đến một loại quỷ, còn ở đây nói đến nhiều loại quỷ. Dạ Xoa (Yaksha), Hán dịch là Tiệp Tật Quỷ, chẳng những chúng có thể phi hành trên đất liền mà còn có thể phi hành trên không trung. Quỷ đi trên đất gọi là Địa Hành Dạ Xoa, quỷ bay trên không gọi là Không Hành Dạ Xoa. La Sát đã giảng ở phần trên, là một loại quỷ ăn thịt người, cũng có khi dịch là Bạo Ác Quỷ.

Nếu lúc trong các cõi nước thuộc tam thiên đại thiên thế giới, đầy khắp trong đó đều là Dạ Xoa, La Sát, thời thời khắc khắc muốn đến não loạn con người, người bị phiền loạn đó chỉ cần xưng niệm Quán Âm, thì quỷ Dạ Xoa, La Sát kia “văn kỳ xưng Quán Thế Âm Bồ Tát, thị chư ác quỷ” (nghe họ xưng danh Quán Thế Âm Bồ Tát, thì các ác quỷ) chẳng dám nghĩ đến chuyện dùng con mắt ác nhìn người đó, huống hồ còn dám sát hại nữa ư? Bởi vậy mới nói: “Thượng bất năng dĩ ác nhãn thị chi, huống phục gia hại?” (Còn chẳng thể dùng mắt ác để ngó, huống còn gia hại?”)

Nói theo phương diện thế gian: Tương truyền trong quá khứ có một quốc gia khéo sao biên cương liền sát với nước quỷ La Sát, quỷ La Sát thường vượt biên giới sang bắt người về ăn, khiến cho trong nước thường có người bị mất tích. Quốc vương tuy yêu mến nhân dân nhưng chẳng biết làm sao? Về sau, quốc vương nghĩ ra một cách: Cùng quỷ vương La Sát thỏa thuận, mỗi ngày đưa một người sang nước quỷ La Sát cho La Sát hưởng dụng. Quỷ vương La Sát cảm thấy rất hay bèn tiếp nhận điều kiện ấy. Bởi đó, quốc vương chiếu theo sổ sách, mỗi ngày giao ra một người. Một hôm sai nhằm con độc nhất của một nhà nọ, người mẹ chẳng những thương con tha thiết, mà từ đây còn bị tuyệt tử tuyệt tôn, vấn đề chẳng đơn giản. Bởi thế, bà đến cầu xin quốc vương, xin phái con người khác đi, nhưng không được vua chấp thuận, đành đem con đi giao.

May là bà mẹ tin tưởng sâu xa đức Quán Âm, an ủi con đừng khóc, chớ có sợ, hãy nhất tâm nhất ý niệm thánh hiệu Quán Âm. Đứa con rất ngoan, nghe lời mẹ niệm, đến lúc La Sát đến bắt người, làm cách nào cũng chẳng thấy ai. Chẳng cần phải nói, bà mẹ sau khi đưa con đi, ở nhà không nghĩ gì khác, cũng nhất tâm nhất ý xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, tin chắc mẹ con kiền thành như thế sẽ được Quán Âm gia bị, thoát khỏi nạn La Sát.

Bởi vậy, đến sáng hôm sau, người mẹ tìm đến chỗ đã bỏ con tối hôm trước, từ xa đã nghe tiếng con gọi mẹ, biết con chưa hề bị quỷ bắt đi, rất vui mừng đem con về nhà, đem tình hình tâu rõ cùng quốc vương. Quốc vương nghe tin rất tốt này, lập tức hạ lệnh truyền nhân dân toàn quốc từ nay trở đi đồng thanh xưng niệm thánh hiệu Quán Âm. Từ đó trở đi, quỷ La Sát thật sự chẳng thể nhiễu loạn nước ấy được nữa, nhân dân trong nước đều được sống tự do an vui, chẳng còn bị quỷ La Sát uy hiếp. Bởi thế xưng niệm thánh hiệu Quán Âm đúng là có thể thoát khỏi nạn này!

Nói trên phương diện đạo lý, thật sự ra, trong thế giới nhân loại này, La Sát, Dạ Xoa vừa nói đó chỗ nào cũng có, lúc nào cũng thấy, như hạng nam nhân rất hung bạo, thích đánh đập, chửi mắng người, ta gọi kẻ ấy là Ác La Sát, còn hạng đàn bà cay độc, chỗ nào mắng nhiếc, đánh lộn, giành giật đều có mặt, ta gọi kẻ đó là Mẫu Dạ Xoa. Bởi thế, trong thế giới này thật sự có Dạ Xoa, có La Sát, nhưng mỗi người đều có thể trở thành Dạ Xoa, La Sát. Bất quá, ngay khi quý vị sắp có những biểu hiện đó, tốt nhất là hãy nghĩ đến Quán Âm, thành tâm thành ý xưng niệm, chẳng những chính mình chẳng bị biến thành Dạ Xoa, La Sát, mà Dạ Xoa, La Sát cũng chẳng dám hại quý vị.

Đồng thời, ta thường gọi quỷ là những trò ma mãnh, quái quỷ, tức là những việc được tiến hành trong bóng tối. Nếu ai quỷ kế đa đoan, dụng tâm cơ, bày mưu kế, làm thế này hãm hại không được bèn nghĩ cách khác hãm hại, đó chẳng phải là Dạ Xoa, La Sát thì là gì? Chúng ta gặp phải những hạng người đó, nếu niệm Quán Âm Bồ Tát, trí huệ quang minh phát xuất liền có thể hiểu rõ kế gian, khiến họ không cách nào giở trò được, chúng ta cũng chẳng bị họ hại, nên được giải thoát tự tại.

 

1.1.2.2.1.1.3. Năng thoát hình nạn (thoát được nạn tù ngục)


Chánh kinh:

Thiết phục hữu nhân, nhược hữu tội, nhược vô tội, nữu giới già tỏa, kiểm hệ kỳ thân, xưng Quán Thế Âm Bồ Tát danh giả, giai tất đoạn hoại, tức đắc giải thoát.

設復有人。若有罪。若無罪。鈕械枷鎖檢繫其身。稱觀世音菩薩名者。皆悉斷壞。即得解

(Nếu lại có người, dù có tội hay vô tội, còng - cùm - gông - xiềng trói buộc thân mình, xưng danh Quán Thế Âm Bồ Tát thì [những gông cùm đó] đều gãy nát, liền được giải thoát).
Trong bảy nạn, đây là nạn thứ sáu: Nạn còng - cùm - gông - xiềng. Nữu (鈕) là cái còng tay, Giới (械) là cái cùm chân, Già (枷) là cái gông tròng vào cổ, Tỏa (鎖) là những dây xiềng sắt trói buộc trên thân. Những ai không bị những thứ này trói buộc thân sẽ hành động tự do; nếu không, bất luận làm gì, đều cảm thấy rất bất tiện. Bởi thế, có ai muốn gặp phải tai nạn này đâu?

Nếu lại có một người nào đó, bất luận là có tội hay là vô tội; có tội thì đích thực là tự mình làm chuyện vi phạm pháp luật quốc gia; vô tội tức là người không làm gì mà bị vu báng. Do đó, cơ quan chấp pháp của quốc gia thấy kẻ đó phạm tội nghiêm trọng, bèn dùng “gông, cùm, còng, xiềng” để trói buộc thân hình kẻ đó (“kiểm hệ kỳ thân”). Kiểm (檢) là ước thúc, Hệ (繫) là buộc ràng. Thân thể con người vốn hoạt động tự do, vì bị buộc ràng nên thân thể chẳng được tự do. Nhưng ngay trong lúc gặp phải tình huống đó, nếu có thể chí thành xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì tất cả những thứ trói buộc trên thân như gông, cùm, còng, xiềng sẽ tự nhiên đều gãy nát, khiến cho người đó ngay lập tức được giải thoát.

Nói trên phương diện sự tướng: Tương truyền trong quá khứ có một cặp vợ chồng, là Phật tử quy y Tam Bảo, bình thời tin tưởng Quán Thế Âm Bồ Tát nhất. Về sau, người chồng bị người khác hãm hại, nói anh ta từng là kẻ trộm, bởi thế bị chính phủ bắt để trừng trị cho đáng tội. Anh ta nghe tin ấy, biết làm thế nào cũng vô dụng, chỉ còn cách bỏ trốn. Thế nhưng, chánh phủ chẳng bắt được chánh phạm bèn bắt vợ chịu tội thế chồng, tay mang còng, chân mang cùm, giam vào ngục cùng các phạm nhân khác.

Một ngày nọ, đột nhiên nhà lao bốc lửa, phạm nhân bị áp giải ra ngoài đường. Ngay lúc đó, có một vị Tăng đi qua, nhân người vợ tin tưởng Phật giáo, bèn kêu: “Sư phụ từ bi cứu con”. Kể ra cũng lạ, vị Tăng đó chính là thầy quy y của người vợ. Vị Tăng bảo chị ta: “Bà muốn tôi cứu bà, tôi thật chẳng có cách nào, bà thâm tín Quán Âm, ắt vốn đã có tín niệm, hãy nhất tâm nhất ý xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, sẽ tự có linh nghiệm chẳng thể nghĩ bàn, khiến cho bà được giải thoát!” Từ đấy, người vợ ở trong ngục, buông xuống vạn duyên, nhất tâm xưng danh. Niệm hết ba ngày đêm, gông cùm trên thân chợt tự nhiên đều hư nát, tuy có thể ra đi tự do, nhưng lính gác canh ngay tại cửa, chẳng dám trốn đi. Ngay trong lúc đang chần chừ đó, chợt nghe trên không có tiếng bảo bà lập tức ra khỏi ngục, chớ có do dự nữa. Căng mắt nhìn bốn phía, quả nhiên cửa ngục mở rộng, liền trốn ra khỏi ngục, lặng lẽ đi đến hai, ba chục dặm, trên đường gặp được chồng mình. Hai người gặp gỡ nhau trong cảnh hoạn nạn, mừng rỡ nói chẳng nên lời. Từ sự thực đó, chứng tỏ xưng niệm thánh hiệu Quán Âm đúng là giải thoát được tai nạn gông cùm còng xích.

Cố nhiên gông cùm xiềng xích hữu hình khiến cho con người chẳng được tự do, nhưng gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc chặt con người, nào ai có biết! Như thường nghe nói “danh cương lợi tỏa” (cương tỏa danh lợi) chẳng phải là trói buộc chặt chẽ người đời đó sao? Hãy thử nhìn con người trong thế gian, có mấy kẻ chẳng bị danh lợi lôi kéo? Danh lợi kéo sang Đông liền sang Đông, danh lợi kéo sang Tây liền sang Tây. Nhân vì cầu danh, chỗ nào có danh bèn mò tới đó; nhân vì cầu lợi, nơi nào có lợi bèn lần sang đó. Tự mình chẳng tự chủ được chút nào, còn bàn chuyện tự do chi nữa? Tham danh thì bị danh buộc ràng, nên gọi là “danh cương” (dây cương danh), cầu lợi bèn bị lợi xiềng xích nên gọi là “lợi tỏa” (xiềng xích lợi). Già (cái gông) là nói nam nữ mê đắm nhau, nam tham, nữ ái, kết thành vợ chồng, tạo thành gia đình, nam nắm giữ nữ, nữ ràng buộc nam, người này cũng chẳng lìa bỏ được người kia, đấy chẳng phải là gông cùm hay sao? Giới (cái cùm) nói sâu sắc hơn, thì mỗi cá nhân chấp ngã, do chấp Tự Ngã thật có, suốt ngày bôn ba vì cái Ngã, thời thời khắc khắc hầu hạ cái Ngã, gặp chút chuyện gì chẳng như ý, bèn nổi giận lôi đình; bởi thế Ngã Chấp chính là cái cùm.

Như vậy, theo Phật pháp, người sống trong thế gian bị gông cùm còng xích hữu hình ràng buộc vẫn là chuyện nhỏ, bị gông cùm còng xích vô hình ràng buộc mới là chuyện lớn. Gông xiềng hữu hình do người khác buộc cho mình, vẫn còn có lúc được giải thoát, chứ gông xiềng vô hình do chính mình tự buộc cho mình; nếu chính mình chẳng lập cách giải trừ, người khác không có cách gì giải trừ cho quý vị được. Đức Phật vốn dạy cho chúng ta rất nhiều phương pháp tự mình giải trừ gông cùm do chính mình buộc, nhưng trong phẩm Phổ Môn đang được giảng đây, chúng tôi cho rằng biện pháp giản yếu nhất mà hữu hiệu nhất là nhất tâm xưng niệm Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu sớm có ngày thoát ly thế giới Sa Bà. Trong tâm có ý niệm như thế thì đối với danh lợi thế gian, đối với tình ái nam nữ, đối với cái Chấp Ngã của chính mình, sẽ tự nhiên đạm bạc, chẳng lầm lạc chấp trước. Ràng buộc là do chính mình thì tháo gỡ cũng do chính mình, căn bản chẳng phải là cầu từ bên ngoài!

 

1.1.2.2.1.1.4. Năng thoát tặc nạn (thoát được nạn giặc)
Chánh kinh:

Nhược tam thiên đại thiên quốc độ, mãn trung oán tặc, hữu nhất thương chủ, tương chư thương nhân tê trì trọng bảo, kinh quá hiểm lộ. Kỳ trung nhất nhân tác thị xướng ngôn:

- Chư thiện nam tử! Vật đắc khủng bố! Nhữ đẳng ưng đương nhất tâm xưng Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, thị Bồ Tát năng dĩ vô úy thí ư chúng sanh; nhữ đẳng nhược xưng danh giả, ư thử oán tặc đương đắc giải thoát.

Chúng thương nhân văn, câu phát thanh ngôn: “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, xưng kỳ danh cố, tức đắc giải thoát.

若三千大千國土。滿中怨賊。有一商主。將諸商人。齎持重寶。經過險路。其中一人作是唱言。諸善男子。勿得恐怖。汝等應當一心稱觀世音菩薩名號。是菩薩能以無畏施於眾生。汝等若稱名者。於此怨賊。當得解脫。眾商人聞俱發聲言南無觀世音菩薩。稱其名故。即得解

(Nếu các cõi nước trong tam thiên đại thiên đầy dẫy các oán tặc trong ấy, có một thương chủ dẫn các khách buôn mang theo của báu quý giá, đi qua đường hiểm; trong ấy có một người xướng như thế này:

- Các thiện nam tử! Chớ có sợ hãi! Các ông hãy nên nhất tâm xưng danh hiệu Quán Thế Âm. Vị Bồ Tát này dùng vô úy thí cho chúng sanh, nếu các ông xưng danh sẽ được giải thoát nạn oán tặc này.

Các thương nhân nghe nói, đều thốt lên: “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Do vì xưng danh liền được giải thoát).
Đây là nạn cuối cùng trong bảy nạn, tức là oán tặc nạn. Oán (怨) là oán gia, Tặc (賊) là đạo tặc (giặc cướp), đều là những thứ bất lợi cho mình. Nếu gặp phải thì không tổn mạng cũng bị tốn tiền, nói chung là chẳng làm cho quý vị an ổn.

Giả sử trong các cõi nước thuộc tam thiên đại thiên thế giới này, trong ấy đầy dẫy oán gia, đạo tặc, chẳng cần phải nói nữa, cõi nước như thế rất nguy hiểm, hầu hết mọi người chẳng dám đi vào chỗ oán tặc nhiều như hạt mè ấy. Thế nhưng hiện thời có một vị thương chủ suất lãnh các khách buôn, mỗi khách buôn đều mang theo trân bảo cực quý giá, cùng nhau đi qua con đường hiểm nghèo ấy. Mọi người vốn dè dặt cẩn thận, sợ gặp phải oán tặc cướp đoạt tài bảo của mình, tổn hại tánh mạng mình. Ngay trong lúc mọi người hồi hộp tiến bước, trong số ấy chợt có một người xướng như thế này:

- Các thiện nam tử! Hiện thời chúng ta đang tiến vào một con đường nguy hiểm vô cùng, nhưng mọi người chớ sanh lòng hoảng sợ, hoảng sợ vô ích. Ngay trong lúc này, mọi người các vị chẳng còn cách nào khác, chỉ có cách nên nhất tâm nhất ý xưng niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chỉ có Bồ Tát mới có thể giải cứu tai nạn cho chúng ta, khiến cho chúng ta an toàn vượt qua con đường hiểm này. Bởi lẽ, vị Quán Thế Âm này trong thế giới đây thường ban sự vô úy cho chúng sanh; nếu các ông thật sự có thể nhất tâm nhất ý xưng niệm danh hiệu Ngài, sẽ đều được giải thoát tất cả oán tặc trong tam thiên đại thiên thế giới này, chẳng bị tổn hại mảy lông.

Các thương nhân nghe nói niệm Quán Âm có lợi như thế, ngay lập tức bèn cùng thốt lên: “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát!”. Do bởi xưng danh hiệu Ngài, ngay lập tức liền được thoát khỏi cái nạn oán tặc, tự do tự tại vượt qua con đường nguy hiểm đó.

Cách để đối phó đạo tặc là chớ có quyết đấu cùng chúng, mà phải dùng đức để cảm hóa. Quyết đấu chẳng những không thể làm cho chúng hồi đầu mà chỉ càng làm cho chúng tăng thêm dũng khí ăn cướp. Đức hóa (cảm hóa bằng đức) mới thật sự khiến cho chúng hồi đầu, chẳng còn phá nhà cướp của nữa. Trong quá khứ, tại Trung Quốc có vị hòa thượng Hằng Thuận từng gặp phải đạo tặc, kẻ giặc trông thấy Ngài, câu đầu tiên gã nói là: “Đem tiền tài ra nộp!” Hòa Thượng Hằng Thuận vẫn ngồi yên tại chỗ, tên giặc cướp rất tức, rút dao kề ngang cổ dọa: “Nộp hay không nộp?” Hòa thượng Hằng Thuận chẳng nói câu nào, dốc cạn túi cho tên cướp. Tên trộm cướp được tiền liền lập tức chạy ra ngoài, lúc ấy hòa thượng Hằng Thuận mở miệng, chỉ quát hai chữ: “Mạn tẩu!” (Hãy chậm bước!) tựa hồ tiếng sét nổ, tên cướp nghe thấy liền bị chấn động, đứng đờ người ra, thật chẳng dám đi nữa. Lúc đó, hòa thượng Hằng Thuận bảo gã:

- Người trong thế gian bất luận làm chuyện gì đều phải xét đạo lý, tiền ta cho ngươi đó là dùng để cúng Phật, nay ngươi cầm đi, lẽ ra phải cảm ơn Phật chớ!

Tên trộm lúc đầu tưởng có chuyện gì quan trọng, nay nghe nói chỉ phải cảm ơn Phật, bèn sốt sắng hướng về Phật cảm ơn, rồi lập tức co chân chạy mất! Việc đã qua tưởng là xong, nhưng gã cướp về sau ăn trộm nơi khác, bị chánh phủ bắt được, lúc thẩm vấn, [nhân viên thuộc] cơ quan trị an hỏi gã:

- Sao mày ăn trộm của người khác? Trước đây tiền của hòa thượng Hằng Thuận dường như cũng bị mày cướp lấy, sao tánh cướp vẫn không đổi vậy?

Tên trộm nói:

- Tôi chẳng hề ép Hòa Thượng lấy tiền, không tin, mấy thầy cứ đến hỏi Hòa Thượng coi!

Khi đó, cảnh sát bèn giải tên cướp đến đối chất với Hòa Thượng. Hòa Thượng Hằng Thuận rất từ bi đáp:

- Gã này chẳng ép tôi đoạt tiền, mà là tôi tự nguyện cho gã, có gì để chứng minh hả? Lúc gã sắp bỏ đi, từng hướng về Phật cảm ơn, như vậy chứng tỏ gã không có cướp lấy!

Cảnh sát nghe, biết Hòa Thượng từ bi, không kết tội gã trộm được, nhưng tên này phạm tội ở nơi khác rất nhiều, chẳng thể vì Hòa Thượng từ bi mà không kết tội gã, vẫn phải cho gã nếm mùi vị song sắt! Lúc sắp đi, Hòa Thượng Hằng Thuận cầm tay gã trộm bảo:

- Lần trước anh tới đây, tôi rất thật tình, đem tất cả tiền bạc tôi có tặng anh để làm anh cảm động, khiến cho anh từ đây chẳng còn trộm cắp nữa, nào ngờ tôi đạo đức chẳng đủ, chẳng cảm động được anh, khiến anh phạm phải phép nước, bị quốc pháp trừng phạt, ngoài việc hổ thẹn, tôi còn biết nói gì đây!

Tên trộm ấy bị nhốt vào ngục rồi, mỗi lần nghĩ đến những lời Hòa Thượng Hằng Thuận nói với mình, trong lòng cảm thấy áy náy chẳng thể nói ra. Bởi thế, đau khổ hạ quyết tâm, phát thệ từ nay trở đi không ăn trộm nữa. Sau khi ra khỏi ngục, người thứ nhất gã muốn gặp chính là Hòa Thượng Hằng Thuận, bày tỏ cùng Ngài từ nay trở đi quyết chẳng làm những chuyện như vậy nữa, thỉnh cầu Hòa Thượng chứng minh cho con được sám hối, nhờ vậy trở thành một con người tốt!

Ở Dương Châu quê tôi cũng có một câu chuyện từa tựa như vậy: Có một vị cư sĩ tin Phật, trong nhà có tất cả mười bảy người, trong lúc ấy bọn đạo tặc đang lộng hành ở quê nhà không ngớt, bọn họ nghĩ không còn cách nào khác để né tránh cơn tai nạn này, lúc đó chỉ còn biết tin tưởng Quán Âm, cả nhà xưng niệm thánh hiệu Quán Âm. Có một buổi tối vị cư sĩ ấy mộng thấy đức Quán Âm bảo mình:

- Cả nhà ngươi thành khẩn trì niệm thánh hiệu như thế, thật là khó có, thế nhưng ngoại trừ mười sáu người đương nhiên nhờ đó thoát khỏi kiếp nạn này, bản thân ngươi chẳng thể tránh khỏi tai nạn này là do định nghiệp khó tránh khỏi. Ngày mai cướp đến nhà, trong số đó có gã Vương Ma Tử đời trước ngươi từng đâm gã mười sáu đao, bây giờ do nhân duyên hội hợp, tất nhiên ngươi bị Vương Ma Tử chém mười sáu đao, nhưng do ngươi chân thành nên có thể thoát khỏi tai nạn này.

Đến ngày hôm sau, cư sĩ bảo người nhà núp vào chái nhà xong, tự mình chuẩn bị một bàn tiệc ê hề để chiêu đãi Vương Ma Tử. Ngày hôm ấy, quả nhiên Vương Ma Tử đến nhà, vị cư sĩ bèn hỏi:

- Ngài có phải là Vương Ma Tử hay không? Nếu đúng là ngài, đời trước tôi thiếu nợ ngài mười sáu đao, đời này xin trả nợ, chẳng qua tôi mong ngài trước hết ăn bữa cơm này rồi chém tôi mười sáu đao để kết thúc mối oan trái giữa chúng ta.

Vương Ma Tử nghe vậy cảm thấy rất kỳ quái, bèn hỏi ngay:

- Làm sao ngươi biết tên tuổi ta?

Cư sĩ đáp:

- Tôi là người tin tưởng đức Quán Âm, trong mộng Bồ Tát bảo cho tôi biết mối quan hệ trong quá khứ giữa tôi và ngài.

- Đã là nhân quả báo ứng, mảy may chẳng sai, quá khứ ngươi chém ta mười sáu đao, hiện tại ta chém lại ngươi mười sáu đao, giết qua, giết lại như vậy, oan trái của chúng ta bao giờ mới hết. Đã vậy, chẳng bằng bây giờ coi như mối oan trái đã kết thúc.

Vương Ma Tử nói như vậy xong, liền giở sống đao chém vào thân cư sĩ mười sáu nhát, để trả đũa mười sáu nhát đao trong quá khứ. Cư sĩ đã thoát khỏi kiếp nạn ấy, mối oan cừu giữa họ đã kết thúc.

Bởi thế, đúng là niệm Quán Thế Âm Bồ Tát có điểm hay! Như hai người vốn là oan gia, nay trở thành bạn bè rất tốt; như vốn là đạo tặc, lại biến thành người rất lương thiện. Phải biết đấy đều là sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn của Quán Âm Bồ Tát.

 

 1.1.2.2.1.2. Tổng kết thần lực



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương