QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang10/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   17

1.1.2.2.4.2. Kết hiển đa phước (kết lại phần kinh văn nói về nhiều phước)
Chánh kinh:

Vô Tận Ý! Thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, đắc như thị vô lượng vô biên phước đức chi lợi.

無盡意。受持觀世音菩薩名號。得如是無量無邊福德之利。

(Này Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát được lợi vô lượng vô biên phước đức như thế đó).
 Đây là câu tổng kết phần ý nghĩa thọ trì danh hiệu Quán Âm Bồ Tát được phước đức. Phật bảo cùng Vô Tận Ý Bồ Tát: Bất cứ chúng sanh nào trong thế gian, nếu có thể thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, người ấy tất nhiên đạt được vô lượng vô biên lợi ích về mặt phước đức như trên vừa nói, tuyệt đối chẳng phải là luống uổng.

Từ phần mở đầu phẩm này đến đây là phần Vấn Đáp Nguyên Nhân Có Được Danh Hiệu, đã giảng xong. Từ cuộc vấn đáp này, chúng ta chẳng những hiểu nguyên do vì sao Quán Thế Âm có danh hiệu là Quán Thế Âm, mà còn biết những sự việc cứu khổ cứu nạn và thỏa mãn nguyện cầu của Quán Âm Bồ Tát đối với chúng sanh, bởi thế, càng phải nên tín phụng Bồ Tát.

 

1.2. Vấn đáp du hóa phương tiện (hỏi đáp về phương tiện du hóa)

1.2.1. Đương cơ tấn vấn du hóa (Đương cơ thỉnh hỏi về sự du hóa)
Chánh kinh:

Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật ngôn:

- Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát vân hà du thử Sa Bà thế giới? Vân hà nhi vị chúng sanh thuyết pháp? Phương tiện chi lực kỳ sự vân hà?

無盡意菩薩白佛言。世尊。觀世音菩薩。云何游此娑婆世界。云何而為眾生說法。方便之力。其事云何。

(Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Quán Thế Âm du hóa trong thế giới Sa Bà này như thế nào? Vì chúng sanh thuyết pháp như thế nào? Những sự thuộc sức phương tiện như thế nào?)
 Đây là đoạn lớn thứ hai của phần Trường Hàng, gọi là phần Vấn Đáp Phương Tiện Du Hóa. Trước hết, vị đương cơ nêu lời thỉnh vấn, tiếp đến Như Lai sẽ dạy rõ các sự cảm ứng.

      Lời thỉnh vấn của vị đương cơ gồm ba vấn đề, như Vô Tận Ý Bồ Tát bẩm bạch cùng đức Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát:

1) Du hóa trong thế giới Sa Bà này như thế nào?

2) Vì chúng sanh diễn thuyết diệu pháp như thế nào?

3) Những sự thuộc sức phương tiện như thế nào?”

      Vì sao Quán Thế Âm Bồ Tát gọi là Quán Thế Âm đã được đức Phật từ bi vì con giải thích rõ ràng rồi, từ lời Phật giới thiệu, chúng con biết Quán Âm Bồ Tát là một vị đại Bồ Tát thuộc thế giới Cực Lạc, nhưng giữa thế giới Sa Bà và thế giới Cực Lạc cách nhau mười vạn ức cõi Phật, vậy thì Quán Âm Bồ Tát đến thế giới Sa Bà này bằng cách nào, tiến hành công tác du hóa ra sao? Đối với vấn đề này, lại xin Phật từ bi khai thị cho!

     Sa Bà (Sahā-lokadhātu) là tiếng Ấn Độ, tức là thế giới chúng ta đang sống đây, dịch nghĩa chữ Hán là Kham Nhẫn. Nói theo lập trường của chúng sanh thì chúng ta sanh tồn trong thế giới này, có thể nói là không lúc nào chẳng hãm trong vực sâu đau khổ, bị tầng tầng đau khổ bao vây, công kích, nhưng bất luận gặp phải nỗi đau khổ nào bức bách, chúng ta đều có thể chịu đựng được. Bởi vậy, Kham Nhẫn có nghĩa là có thể chịu đựng được mọi thứ đau khổ của hiện thực thế giới áp đặt trên nhục thân và tâm linh của chúng ta. Chẳng những có thể kham chịu thống khổ, lại còn coi thống khổ là khoái lạc, bởi thế chẳng nghĩ ly khai thế giới này.

Đứng trên lập trường Bồ Tát mà nói: Bồ Tát vốn có thể an trụ trong cõi nước thanh tịnh, hưởng thụ các an lạc tự tại, nhưng vì cứu độ thế giới chúng sanh nên đến giáo hóa trong thế giới này. Trong quá trình giáo hóa, dẫu gặp phải rất nhiều oán ghét, các nỗi khổ bức bách, dẫu phải chịu mọi thứ mọi dạng đả kích, dẫu công tác độ sanh gian nan cay đắng, Bồ Tát vẫn có thể kham chịu nhọc nhằn và những nỗi khổ não, bởi thế gọi là Kham Nhẫn.

Từ thế giới Cực Lạc đến thế giới Sa Bà” hiển thị thân luân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Âm từ thế giới Cực Lạc đến du hóa trong thế giới Sa Bà này, nếu nhìn bằng con mắt thế tục, đương nhiên là Bồ Tát có đến thế giới này. Nhưng nếu nói theo quan điểm nhà Phật, Bồ Tát vẫn y nhiên an trụ trong thế giới Cực Lạc, về căn bản là chưa từng di động chút nào, tức là như thường nói “vô lai vô khứ” (không đến không đi). Đạo lý này rất sâu xa, cần phải dùng thí dụ để thuyết minh:

Quán Âm an trụ trong Cực Lạc giống như vầng trăng rạng ngời trên không trung, Quán Âm ứng hóa trong thế giới Sa Bà và mười phương thế giới giống như bóng trăng in nước. Trên trời chỉ có một vầng trăng, dẫu trăng chưa từng xuống đến mặt đất, nhưng khắp những chỗ có nước trên địa cầu, liền có vầng trăng sáng hiện bóng, câu nói: “Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt” (Ngàn dòng sông có nước, ngàn bóng trăng in trên mặt sông) chính là diễn tả ý này.

Bồ Tát tuy chẳng lìa khỏi thế giới Cực Lạc, nhưng bất cứ địa phương nào hễ có chúng sanh căn cơ chín muồi, Bồ Tát liền hiện thân đến địa phương đó để hóa độ. Dù mười phương thế giới đều có Quán Âm Bồ Tát, nhưng Bồ Tát vẫn chầu hầu bên A Di Đà Phật, hỗ trợ A Di Đà Phật hóa độ chúng sanh, ấy là bất động Bổn Tế du hóa Sa Bà và mười phương thế giới; đấy là thân luân của Bồ Tát ứng hóa chẳng thể nghĩ bàn.

Đến thế giới Sa Bà này, vì chúng sanh thuyết pháp” hiển thị khẩu luân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Bồ Tát đã đến thế giới này du hóa, đương nhiên phải vì chúng sanh nói các thứ pháp môn. Mọi người đều cho rằng Bồ Tát thật sự thuyết pháp, nhưng thật ra Ngài không nói mà nói. Nên biết chân lý Thật Tướng của các pháp là “ly ngôn thuyết tướng”, chẳng thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt được nổi, như trong kinh Pháp Hoa này có câu: “Chư pháp tịch diệt tướng, bất khả dĩ ngôn tuyên” (Các pháp tướng tịch diệt, chẳng thể dùng lời nói), cũng nhằm diễn đạt cùng một ý nghĩa. Chỉ vì giáo hóa chúng sanh, nếu chẳng nói một câu nào, làm sao chúng sanh thấu hiểu chân lý được? Vì đáp ứng nhu cầu của chúng sanh, từ nơi vô ngôn thuyết bèn nói Tiểu, Đại, Quyền, Thật, Thiên, Viên, Đốn Tiệm, các thứ pháp môn bất đồng khiến cho chúng sanh do ngôn thuyết bèn khế nhập chân lý Thật Tướng. Tuy nói các thứ pháp môn bất đồng, nhưng thật ra chẳng nói gì, vô thuyết mà thuyết chính là khẩu luân ứng hóa chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát.

Thuyết pháp dùng các phương tiện bất đồng” hiển thị ý luân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Thuyết pháp độ sanh nào phải là chuyện dễ, nhất định phải có phương tiện! Nếu chẳng có phương tiện thiện xảo thích đáng, thật rất khó tiến hành công tác hóa độ. Phương tiện nói theo ngôn ngữ bây giờ thì có nghĩa là thích ứng. Độ sanh chẳng thể chấp chặt khăng khăng mọi thứ phải giữ nguyên như thế, mà nhất định phải thích ứng thời đại, thích ứng hoàn cảnh, thích ứng căn tánh của chúng sanh, sau đấy mới tiến hành giáo hóa, mới hòng “sự ít, công nhiều”.

Do hoàn cảnh thời đại bất đồng, căn tánh chúng sanh bất đồng, nếu chẳng vận dụng phương tiện tùy cơ ứng biến, tùy duyên thị hiện, tùy cơ lập giáo thì chúng sanh chẳng dễ bị cảm hóa. Trong lúc quý vị độ sanh, cần phải xem xét tình hình thực tế, biết dùng phương pháp nào thuận tiện nhất bèn dùng phương pháp đó vì chúng sanh thuyết pháp giáo hóa. Đấy là ý luân ứng hóa chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát vậy.

Ba thứ thân - khẩu - ý trên cương vị chúng sanh chỉ gọi là Tam Nghiệp, bởi lẽ từ hoạt động của ba thứ này tạo tác các thứ nghiệp Hữu Lậu thiện hay ác; nhưng nếu đứng trên quả vị Phật, Bồ Tát thì gọi là Tam Luân (ba bánh xe), vì các ngài dùng ba thứ này độ sanh, nghiền nát những phiền não trong tâm chúng sanh, khiến chúng sanh lìa khổ được vui, siêu phàm nhập thánh. Nhưng trong lúc Phật, Bồ Tát vận dụng ba luân này biểu hiện những công dụng vĩ đại, bọn phàm phu chúng ta tâm chẳng nghĩ thấu, miệng chẳng bàn xiết được; bởi thế nói là “tam luân bất tư nghị hóa”.

Quán Âm Bồ Tát dùng các thân phận sai khác du hóa vô lượng vô biên thế giới, phần trên tuy đã nói qua chẳng ít, giờ đây vẫn chẳng ngại gì chẳng nêu lên những chuyện thực để chứng minh Bồ Tát thật sự rộng hóa độ chúng sanh trong thế gian này.

Trong quá khứ, tại huyện Tu Văn thuộc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, có động Bạch Sơn, thủy ngân từ trong động chảy ra chẳng ngừng. Bởi thế, trong vùng thường có người tụ tập bên sơn động hứng lấy thủy ngân đem bán. Vì việc thâu thập thủy ngân kéo dài nhiều ngày, để dễ theo đuổi công việc, người ta dựng nhà cửa gần sơn động, thành lập gia đình, sinh sống ở đó, vô hình trung tạo thành một tiểu thôn trang cả mấy trăm nhà. Khoảng đâu mấy năm, do thủy ngân chảy ra quá nhiều khiến cho đất đá trên núi lỏng lẻo, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, nhưng những người trong thôn thâu nhặt thủy ngân chẳng hề biết gì. Nếu như núi vỡ, toàn bộ thôn trang nhất định bị đè bẹp, cả mấy trăm nhà bị thảm tử.

Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi vì muốn cứu độ bọn họ, bèn thị hiện thành một cô gái đẹp, tắm khỏa thân ngay nơi dòng suối trước động. Thời cổ, phong tục khắt khe, một cô gái đẹp tắm trần truồng tự nhiên khiến khắp cả thôn trang náo động, cả mấy trăm gia đình, bất luận trẻ già lớn bé đều rất hiếu kỳ lập tức đi xem. Chính ngay lúc mọi người trong thôn đến xem sự ấy, đột nhiên một trận trời long đất lở vang rền, mọi người ngoái đầu nhìn lại, toàn bộ thôn trang đã bị chôn vùi trong loạn thạch. Mọi người mừng rỡ vừa kịp thoát nạn, nhìn lại cô gái đẹp tắm truồng dưới suối chẳng còn thấy tung tích gì nữa! Nên biết đó là một phương pháp thị hiện độ sanh của Quán Âm Bồ Tát.

Lúc núi lở, trong thôn có một gã trai đang ngủ trong nhà, chưa kịp chạy ra, bị ép trong kẽ đá lở, dẫu không cử động được, chẳng có cách nào chui ra, nhưng cũng chẳng bị ép chết, hồi lâu sau cảm thấy đói quá, liền thành kính niệm thánh hiệu Quán Âm, chợt thấy một con chuột trắng, mắt như chớp lòe chiếu trên đầu một mô đá. Trên đá hiện những chữ trong phẩm Phổ Môn, con chuột trắng liếm chữ trên đá, gã trai bị đá chèn cũng bắt chước liếm chữ, cảm thấy hết đói, bị đá chèn chẳng thấy mặt trời như vậy gần cả ba năm.

Một ngày nọ, có người lên núi hái thuốc, nghe có tiếng người thở than, bèn dò tìm theo tiếng, thấy một người bị ép trong kẽ đá, dò hỏi mới hay ba năm trước lúc núi lở gã trai bị ép tại đây, lại hỏi vì sao chẳng chết đói, gã đáp mỗi ngày liếm chữ khỏi đói, hiện giờ trên mô đá chỉ còn chừng ba hàng chữ chưa liếm hết, coi kỹ rõ ràng là những câu chữ trong phẩm Phổ Môn. Mới biết con chuột trắng cũng như phẩm Phổ Môn hiện trên đá đều là Quán Âm Bồ Tát thị hiện cứu hộ vậy. Bởi thế, Quán Âm Bồ Tát từ bi, thật có thể nói là “không cõi nào chẳng hiện thân”.

 

      1.2.2. Như Lai bị thị cảm ứng (Như Lai dạy rõ về sự cảm ứng)



      1.2.2.1. Quảng hiển ứng hóa chư quốc (rộng nói việc ứng hóa trong các nước)

      1.2.2.1.1. Minh ứng hiển hóa (những thân ứng hóa rõ ràng)

      1.2.2.1.1.1. Năng ứng tam thánh (ứng hiện thân tam thánh)
      Chánh kinh:

      Phật cáo Vô Tận Ý Bồ Tát:

      - Thiện nam tử! Nhược hữu quốc độ chúng sanh, ưng dĩ Phật thân đắc độ giả, Quán Thế Âm Bồ Tát tức hiện Phật thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Bích Chi Phật thân đắc độ giả, tức hiện Bích Chi Phật thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Thanh Văn thân đắc độ giả, tức hiện Thanh Văn thân nhi vị thuyết pháp.

佛告無盡意菩薩。善男子。若有國土眾生。應以佛身得度者。觀世音菩薩。即現佛身而為說法。應以辟支佛身得度者。即現辟支佛身而為說法。應以聲聞身得度者。即現聲聞身而為說法。

      (Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát:

      - Này thiện nam tử! Nếu có cõi nước, chúng sanh nên dùng Phật thân để được độ Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Bích Chi Phật để được độ, liền hiện thân Bích Chi Phật để mà thuyết pháp. Nên dùng thân Thanh Văn để được độ, liền hiện thân Thanh Văn để mà thuyết pháp).
      Đương cơ đã thỉnh vấn, đức Phật tự giải đáp. Bởi thế, Phật lại gọi Vô Tận Ý Bồ Tát bảo rằng: Này thiện nam tử! Ông muốn biết phương tiện du hóa của Quán Âm Bồ Tát như thế nào ư? Tốt, bây giờ ta sẽ nói rõ từng điều cho ông.

      “Nếu có chúng sanh trong một quốc độ nào đó”: Phật pháp gọi quốc độ là Y Báo, gọi chúng sanh là Chánh Báo. Y Báo là chỗ nương dựa của Chánh Báo. Như sanh mạng của nhân loại là Chánh Báo, địa cầu cư trú của nhân loại là Y Báo. Chánh Báo chỉ “sanh mạng thể” chánh thức cảm nhận quả báo khổ hay vui. Nói thật ra, giữa Chánh Báo và Y Báo có mối quan hệ rất mật thiết: Chánh Báo nếu chẳng nương nhờ vào Y Báo như quốc độ v.v… thì không có chỗ để ở, Y Báo nếu chẳng nhờ sanh mạng thể là Chánh Báo thì không cách nào hiển hiện được. Nếu Chánh Báo sanh mạng thể có phước thì tự nhiên những vật được sanh từ Y Báo rất phong phú; còn nếu Chánh Báo không phước đức sẽ cảm lấy Y Báo xấu kém vô cùng, những thứ cảm thọ cũng cảm thấy thiếu hụt.

Phật pháp nói Chánh Báo có mười pháp giới sai biệt, tức là Địa Ngục, Súc Sanh, Ngạ Quỷ, A Tu La, Người, Trời, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Chúng sanh trong mười pháp giới mỗi loài đều có Y Báo, bởi vậy Y Báo quốc độ cũng có các thứ khác biệt. Nói trên đại thể, chẳng ngoài bốn cõi:
1) Ngũ Thừa cộng độ:
Tức là trong cùng một thế giới vừa có phàm phu vừa có thánh nhân, ngài Thiên Thai gọi cõi này là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Như thế giới Sa Bà này, về mặt hiện thực thế gian là nơi sinh sống của chúng sanh hữu lậu, nhưng cũng có Đại Bi Quán Âm, Đại Trí Văn Thù, Đại Hạnh Phổ Hiền, Đại Nguyện Địa Tạng Vương v.v… các đại Bồ Tát du hóa trong ấy, nên gọi là Phàm Thánh Đồng Cư Độ.
 2) Tam Thừa cộng độ:
Tức là cõi nước mà Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa Phật pháp cùng nói đến, ngài Thiên Thai gọi cõi này là Phương Tiện Hữu Dư Độ. Như thế giới của bậc thánh nhân Nhị Thừa sống, tuy nói là thanh tịnh trang nghiêm, nhưng đoạn phiền não và liễu sanh tử chỉ mới thực hiện được nửa phần, chưa đạt đến rốt ráo, vẫn còn có tàn dư Hoặc Khổ tồn tại, bất quá chỉ thuộc đạo phương tiện mà thôi. Bởi thế, gọi là Phương Tiện Hữu Dư Độ.
3) Đại Thừa bất cộng độ:
Là cõi nước chỉ có trong Đại Thừa. Chẳng những không chung đụng với phàm phu, mà cũng chẳng chia sẻ cùng Nhị Thừa. Ngài Thiên Thai gọi là Thật Báo Trang Nghiêm Độ:

Vì là chỗ ở của Bồ Tát phá vô minh, dùng cái Nhân chân thật cảm cái Quả chân thật, dùng cái Duyên chân thật để cảm cái Báo chân thật. Sắc, tâm, y báo, chánh báo trang nghiêm diệu hảo phi thường. Vì Bồ Tát là đại đạo tâm chúng sanh, phát tâm quảng đại độ thoát chúng sanh, tích công lũy đức, gieo đại phước nghiệp, nên được tự tại vô ngại. Tiểu có thể hóa thành Đại, một có thể hóa thành nhiều, Chánh có thể làm Y, Y có thể làm Chánh, có thể nói là một đầu lông có thể biến cõi nước Bảo Vương, trong một vi trần chuyển đại pháp luân, cọng lông nuốt trọn biển lớn, hạt cải chứa khít núi Tu Di. Sắc tâm viên dung, Y, Chánh vô ngại. Đấy đều do trang nghiêm bởi các thứ công đức do lúc Bồ Tát tu nhân, tu hành lục độ vạn hạnh nên gọi là Thật Báo Trang Nghiêm Độ”.


4) Phật quả bất cộng độ:
Chỉ Phật cùng Phật mới có thể trụ trong thế giới này. Cõi này không những không chung với phàm phu, Nhị Thừa; ngay cả Bồ Tát phát tâm cũng chẳng được cùng hưởng. Ngài Thiên Thai gọi cõi này là Thường Tịch Quang Tịnh Độ:

Phật là chúng sanh vô thượng, vì Phật rốt ráo sanh tử, không ai hơn được, vì thế gọi là Vô Thượng. Tịch là biển Đại Tịch Diệt vô sanh, vô diệt, lặng trong thường hằng, [đó là] Giải Thoát đức. Quang là đại quang minh tạng linh minh chiếu rỗng rang, là Bát Nhã đức. Thường tức là Tịch Quang bất nhị, xưa nay thường hằng, là Pháp Thân đức. Gọi là Tịch Quang Độ, tức là tam đức bí tạng (kho tàng ba đức bí mật). Đến đó mới là cõi rốt ráo. Thân chính là cõi, cõi chính là thân, Y Báo và Chánh Báo dung thông, thân và cõi chẳng hai, chỉ là Nhất Đạo Thanh Tịnh Pháp Giới Tạng Tâm”.

Bởi thế gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ.

      Nói đơn giản, Y Báo bao gồm bốn cõi này, Chánh Báo gồm chúng sanh trong mười pháp giới.

      Ngoại trừ đức Phật tối cao vô thượng ra chẳng cần phải thị hiện cứu độ, các chúng sanh khác cao thấp chẳng đồng đều cần phải cứu độ; vì căn tánh chúng sanh có các dạng sai biệt bất đồng, Bồ Tát bèn thị hiện các thân phận thích ứng. Như có cõi nước, Ngài thị hiện thân Bồ Tát hoặc thân Thanh Văn v.v… đều chẳng thể giáo hóa, chỉ có cách “nên dùng thân Phật để được độ”, mới có thể tiếp nhận sự cảm hóa, trong tình huống ấy, Quán Thế Âm Bồ Tát “liền hiện thân Phật để mà thuyết pháp” hòng hóa độ, khiến cho họ nghe đến pháp môn thành Phật, bèn chịu nỗ lực dụng công tu hành, đoạn trừ phiền não đáng đoạn, đạt được sự giải thoát thực sự nơi thân tâm.

Ở đây, có lẽ có người đâm ra nghi ngờ: Đã gọi Quán Âm là Bồ Tát, Bồ Tát làm sao thị hiện thân Phật được? Có thể giải thích điều này trên hai phương diện:

- Phần trên tôi đã từng có nói, Quán Âm Bồ Tát hiện tại chỉ là thị hiện, chứ thật sự trong đời quá khứ, Ngài đã sớm thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Đã như vậy thì thị hiện thân Phật chẳng qua là hiện lại diện mục sẵn có mà thôi, sao lại chẳng thể thị hiện thân Phật?

- Còn có thể nói cách khác: Bồ Tát kể từ Sơ Địa trở lên có thể phân thân làm Phật, như Sơ Địa Bồ Tát có thể phân thân làm Phật trong một trăm cõi, Nhị Địa Bồ Tát có thể phân thân làm Phật trong ngàn cõi. Quán Âm là bậc Bổ Xứ Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc, Ngài có thể thị hiện các thân Phật bất đồng vì chúng sanh thuyết pháp, đương nhiên là tuyệt đối chẳng thành vấn đề.

      Chúng sanh cầu thấy thân Phật mới chịu nhận sự giáo hóa, chứng tỏ chúng sanh ấy muốn được thành Phật. Muốn cầu thành Phật mà chẳng thị hiện thân Phật để thuyết pháp, há có nên chăng? Đại Bi Quán Âm biết chúng sanh có mong muốn như thế bèn hiện thân Phật ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp viên mãn đầy đủ trang nghiêm, vì chúng sanh tuyên nói thế nào là pháp môn thành Phật, chỉ dạy chúng sanh tu hành Lục Độ vạn hạnh để thành Vô Thượng Chánh Giác.

Bốn thánh pháp giới trong mười pháp giới là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Ở trên nói thị hiện thân Phật vì chúng sanh thuyết pháp. Nếu theo thứ tự của tứ thánh thì tiếp đó phải nói “hiện thân Bồ Tát để vì chúng sanh thuyết pháp”, nhưng trong kinh văn đây, sau khi nói thân Phật, bèn nói hiện thân Bích Chi Phật và thân Thanh Văn, chẳng hề nói đến thân Bồ Tát, là vì đạo lý nào? Phải biết thân Quán Âm thị hiện trong hiện tại là thân Bồ Tát, thân phận Bồ Tát đã hiển thị rõ ràng rồi, cho nên bất tất phải nói câu: “Nên dùng thân Bồ Tát để được độ, liền hiện thân Bồ Tát để mà thuyết pháp”.

Nếu trong quốc độ có một hạng chúng sanh “nên dùng thân Bích Chi Phật để được độ”, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi “liền hiện thân Bích Chi Phật để mà thuyết pháp”. Bích Chi Phật (Pratyekabuddha) là tiếng Ấn Độ, phiên dịch sang tiếng Hán là Duyên Giác hoặc Độc Giác, hai danh xưng này cũng có chút phân biệt:
1) Duyên Giác thánh giả:
Luận theo duyên do, vị này sanh trong thời đại có Phật, do bẩm thọ ngôn giáo nhân duyên của Phật bèn được khai ngộ giải thoát. Như Phật tuyên nói giáo pháp Thập Nhị Nhân Duyên, hạng chúng sanh này nghe được, nghịch thuận quán sát nhân duyên, từ trong nhân duyên sanh diệt, ngộ được lý Chân Không bất sanh bất diệt, bởi thế gọi là Duyên Giác.

Thập Nhị Nhân Duyên nói thông thường là: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên lão tử ưu bi khổ não. Tùy thuận mười hai nhân duyên này, đúng là: “Cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh”, bèn lưu chuyển trong biển khổ sanh tử. Đi ngược lại mười hai nhân duyên, tức là “cái này không, nên cái kia không; cái này diệt, nên cái kia diệt”, bèn cắt đứt sanh tử, hoàn diệt Niết Bàn.

Duyên khởi tuy có mười hai chi, nhưng thực tế chỉ có ba thứ Hoặc, Nghiệp, Khổ, trước lúc giải quyết xong sanh tử, chúng như cái vòng không có đầu mối, khiến cho chúng ta khởi nghi hoặc, tạo nghiệp, chịu khổ không ngừng đến nỗi luân chuyển không lúc nào xong. Chỉ có bậc Duyên Giác mới có thể đột phá sự trói buộc của Duyên Khởi để được giải thoát.
2) Độc Giác:
Xuất hiện trong thời đại không Phật, như trong hiện tại, Phật Thích Ca đã nhập diệt, Di Lặc Phật vẫn chưa hạ sanh trong nhân gian, cho đến khi chánh pháp của đức Phật Thích Ca cũng đã diệt tận, có chúng sanh căn tánh Độc Giác xuất hiện trong nhân gian, do thấy tiết Xuân trăm hoa đua nở, trời Thu lá vàng gió cuốn bay tơi bời, nhân đấy bèn giác ngộ. Còn hạng phàm phu, nhìn Xuân hoa nở, thấy Thu lá rụng, chẳng thể có cảm giác giống như vậy. Dù có cảm giác đi nữa, chẳng qua cũng chỉ biết là thời gian thay đổi mà thôi; nhưng thánh giả Độc Giác từ chuyện thấy hoa nở mùa Xuân, lá rụng mùa Thu, giác ngộ vạn sự vạn vật thế gian đều là vô thường diễn biến, chẳng có một pháp nào có thể giữ cho vĩnh viễn bất biến. Tục ngữ nói: “Hoa đẹp chẳng thường nở”, dù có nở cũng chẳng thể giữ mãi sắc thắm. Quán sát kỹ điều này sẽ liễu ngộ chân lý Vô Thường, bởi thế, chứng được quả Bích Chi Phật.

Trong hiện thực thế gian đã có hạng chúng sanh như thế, Bồ Tát Quán Âm đương nhiên phải ẩn giấu thân phận Bồ Tát, thị hiện thân Bích Chi Phật, tuyên nói pháp Thập Nhị Nhân Duyên, khiến cho họ dựa vào pháp Duyên Khởi tu hành, từ sự sanh diệt của duyên khởi ngộ được tánh bất sanh diệt của duyên khởi, chứng được quả Bích Chi Phật.

Nếu trong cõi nước lại có một hạng chúng sanh “nên dùng thân Thanh Văn để được độ, liền hiện thân Thanh Văn để mà thuyết pháp”. Thanh Văn (Śrāvaka) đại đa số đều xuất hiện trong thời Phật tại thế, tức là nghe âm thanh ngôn giáo Phật nói pháp Tứ Đế bèn khai ngộ, được giải thoát, nên gọi là Thanh Văn. Đối với hạng chúng sanh căn tánh như thế ắt phải dùng thân phận của hàng Thanh Văn thuyết pháp thì họ mới có thể tiếp nhận sự giáo hóa. Quán Âm Bồ Tát đại từ đại bi cũng tùy thuận mong cầu của chúng sanh, thích ứng căn tánh của chúng sanh, hiện thân Thanh Văn để thuyết pháp Tứ Thánh Đế.

Tứ Thánh Đế là luận đề căn bản của Phật pháp, mà cũng là cương lãnh của Phật pháp. Thoạt đầu, Phật mới chuyển pháp luân tại Lộc Dã Uyển, bèn nói chân lý Tứ Thánh Đế:


1) Khổ Thánh Đế:
Là nói về Khổ Quả, tức là các nỗi thống khổ nhân sanh phải chịu trong hiện thực. Nhân sanh là Khổ, là một sự thực trong thế gian không ai có thể phủ nhận được; nhưng người hiểu rõ đích xác, thiết thực nguyên do cái Khổ không ai bằng Phật. Do thấy khổ Phật bèn xuất gia và cũng vì đó mà khai thị Khổ Đế cho chúng sanh.
2) Tập Thánh Đế:
Chỉ khổ nhân, tức là những động lực chiêu cảm quả khổ; nói tổng quát là phiền não và nghiệp. Nói thiết thực, Ái là căn bản của khổ, tức là những tình huống chúng ta khát khao vô hạn, tạo thành các thứ nghiệp nhân, đến nỗi cảm thọ sanh mạng khổ quả.

Như vậy, Khổ Đế và Tập Đế là nhân quả thế gian. Tập Đế là nhân, Khổ Đế là quả thế gian.


3) Diệt Thánh Đế:
Tức là Lạc Quả, cũng tức là quả viễn ly sanh tử, đạt được Niết Bàn.
4) Đạo Thánh Đế:
Là Lạc Nhân, tức là những nhân tố để chứng đắc quả Niết Bàn. Tuy nói có rất nhiều Đạo để tu tập, nhưng chủ yếu là Bát Chánh Đạo. Hành theo Bát Chánh Đạo nhất định có thể chứng quả Niết Bàn.

Bởi thế Diệt Đế và Đạo Đế chính là nhân quả xuất thế gian. Đạo là nhân để xuất thế gian, Diệt là quả xuất thế gian.

Tứ Đế gộp lại chính là hai thứ nhân quả thế gian và xuất thế gian. Nhân quả thế gian phải đoạn trừ, nhân quả xuất thế gian phải cầu chứng. Bồ Tát vì hạng chúng sanh căn tánh Thanh Văn mà nói pháp Tứ Đế ngõ hầu họ sẽ đoạn trừ Khổ Tập, hâm mộ Diệt, tu Đạo hòng chứng quả Thanh Văn.

Trong Tứ Đế, biết Khổ là tối khẩn yếu, bởi phải biết Khổ mới có thể đoạn Tập, có biết Khổ mới hâm mộ Diệt, tu Đạo; vì thế Khổ là cánh cửa ban đầu để nhập Đạo vậy.

Trong quá khứ, có một vị lão tăng chuyên tu hạnh Đầu Đà, có một lần ngài ra ngoài cầu sư tham học. Đi nửa đường, cảm thấy đói khát quá mức, bèn đến khất thực ở nhà một nữ cư sĩ còn để tóc tu hành. Vị nữ cư sĩ đó hết sức chân thành tin Phật, thấy có vị đại đức đến nhà mình, ngoài việc hoan hỷ cúng dường ra, còn đặc biệt cung kính, lễ bái cầu thỉnh khai thị. Nào ngờ vị hành giả Đầu Đà đó cố nhiên tu trì rất tinh tấn dũng mãnh, nhưng chẳng hiểu gì về Phật pháp cả; bây giờ đột nhiên bị bà ta xin khai thị, Sư có Phật pháp gì để nói đây? Trong tình thế vạn phần khẩn bách đó, Sư bất tri bất giác thở ra một chữ “Khổ!”.

Nguyên nhân vị lão tăng than khổ là vì chính mình chẳng biết Phật pháp, nhưng bà nữ cư sĩ nghe đến chữ Khổ ấy liền có cảm giác dị thường, thấy trước khi mình tu hành: Lúc nhỏ khổ vì cha mẹ quản thúc, sau khi kết hôn lại khổ vì ông chồng chê trách, có con cái rồi lại chịu nỗi khổ gia đình ràng buộc, có thể nói đời người không có gì ngoài khổ cả. Từ đó đến nay chưa từng hưởng chút vui sướng nào trong kiếp nhân sanh, bất giác buồn bã, đau xót, ứa lệ. Vị lão tăng tu hạnh Đầu Đà thấy bà bi thương như thế chẳng biết vì nguyên nhân nào, bèn bỏ đi chẳng từ biệt, cơm cũng chẳng ăn. Bà cư sĩ nghĩ ngợi nỗi khổ, nghĩ suy đến cực độ, rốt cuộc bao tình tưởng mất sạch, nhập vào Khổ Đế tam-muội, vị lão tăng bỏ đi cũng chẳng biết. Đến mấy tiếng đồng hồ sau, bà cư sĩ chợt nói: “Ngài khai thị cho con một chữ Khổ, đúng là con dùng mãi không hết”.

Bởi vậy nói đến “biết khổ” là phải biết khổ giống như vậy mới có thể gọi là Khổ Đế. Hết thảy người đời suốt ngày ngụp lặn trong khổ, chớ hề thật sự biết khổ! Vì chẳng thật sự biết khổ, nên chẳng có biện pháp gì thoát khổ. Nếu thật sự biết khổ, không ai chẳng lìa được khổ. Đức Phật khai thị: “Nhân sanh là khổ, thế gian là khổ”, thật là những lời thấy biết xác thực. Muốn giải trừ nỗi thống khổ của kiếp người, đối với nhân sanh hiện thực phải hiểu rõ một cách hợp lý thì mới được. Hành theo Tứ Đế sẽ đạt đến mục đích giải thoát.

Trong Phật pháp, Thanh Văn và Bích Chi Phật gọi chung là Nhị Thừa, hoặc còn gọi là Tiểu Thừa; nhưng có lúc còn nói như thế này: Thanh Văn là Tiểu Thừa, Bích Chi Phật là Trung Thừa, Bồ Tát là Đại Thừa. Nói như vậy, có thể thấy là giữa Thanh Văn và Bích Chi Phật vẫn có đôi chút sai khác. Nói cách khác, Bích Chi Phật cao hơn Thanh Văn bởi Thanh Văn chỉ đoạn được Kiến Tư phiền não chánh sử, chưa hề phá trừ được mảy may tập khí nào; Bích Chi Phật chẳng những đoạn được hai phiền não Kiến Tư Hoặc, lại còn phá trừ được chút phần tập khí của Kiến Hoặc và Tư Hoặc. Dù chẳng bằng được Phật là bậc đã đoạn trừ hết thảy tập khí, nhưng vẫn hơn hẳn A La Hán. Bởi thế, gọi Thanh Văn là Tiểu Thừa, Bích Chi Phật là Trung Thừa.

Tuy có phân biệt như thế, nhưng hai thừa này đều nhằm mục đích tự lợi, đối với trách vụ lợi tha chẳng có hứng thú tích cực tiến hành, nên gọi chung là Nhị Thừa.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương