QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang13/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

1.2.2.1.1.8. Năng ứng lực sĩ (ứng hiện thân lực sĩ)
Chánh kinh:

Ưng dĩ Chấp Kim Cang Thần đắc độ giả, tức hiện Chấp Kim Cang Thần nhi vị thuyết pháp.

應以執金剛神得度者。即現執金剛神而為說法。

(Nên dùng thân Chấp Kim Cang Thần để được độ, bèn hiện thân Chấp Kim Cang Thần để mà thuyết pháp).
Đoạn này nói Bồ Tát có thể ứng hiện thân Lực Sĩ. Trong ba mươi ba ứng thân, thân này là thân cuối cùng. Chấp Kim Cang Thần là thần Hộ Pháp của Phật giáo, do Ngài tay thường cầm Kim Cang Bảo Xử, nên mang tên Chấp Kim Cang Thần.

Phật giáo lấy từ bi làm gốc, chuyện gì cũng chẳng tranh giành với người, thế nhưng thế nhân nắm được điều này, bèn luôn tìm cách phá hoại Phật pháp, nhưng đệ tử Phật chẳng muốn trái nghịch lòng từ bi, mọi việc do thần Hộ Pháp cầm Kim Cang Xử hàng phục ác nhân phá hoại Phật pháp, khiến họ chẳng dám gây ra những trọng tội hủy pháp. Bởi thế, đứng trên lập trường Phật pháp, đối với thế gian chúng sanh, về mặt từ bi đương nhiên phải dùng từ bi nhiếp thọ, lúc chiết phục đương nhiên phải dùng dũng mãnh để chiết phục, oai đức song vận mới hòng phổ độ quần sanh.

Thần Kim Cang Hộ Pháp trong Phật giáo cũng có sự tích:

Tương truyền, trong quá khứ có Chuyển Luân Thánh Vương xuất thế, cưới hai phu nhân. Phu nhân thứ nhất sanh một ngàn vương tử, phu nhân thứ hai chỉ sanh được hai vương tử. Một ngàn vương tử của bà phu nhân thứ nhất sau khi tiếp xúc Phật pháp, đều phát khởi đại Bồ Đề tâm, rộng hành Bồ Tát đạo, thành bậc Bồ Tát danh xứng với thật, tương lai đương nhiên sẽ thành Phật, nhưng ai sẽ thành Phật trước? Phụ vương vì muốn biết rõ điều này, truyền các vương tử phát Bồ Đề tâm rút thăm để định thứ tự thành Phật.

Kết quả, đầu tiên là Câu Lưu Tôn Phật (Krakucchanda Buddha), cuối cùng là Lâu Chí Như Lai (Rucika Buddha). Thích Ca là vị thành Phật thứ tư. Sở dĩ phải định thứ tự là vì trong một thế giới, chẳng thể có hai đức Phật cùng xuất hiện trong đời. Hai vị vương tử của phu nhân thứ hai thấy các huynh trưởng đều phát Bồ Đề tâm, tương lai sẽ thành Phật, ngay đó, vị đại vương tử phát nguyện làm Đại Phạm Thiên Vương, khi các anh thành Phật sẽ thỉnh chuyển pháp luân. Vương tử thứ hai phát nguyện làm thần Hộ Pháp, sau khi các anh thành Phật sẽ hộ trì Phật pháp. Chấp Kim Cang Thần chính là vị vương tử thứ hai của bà phu nhân thứ hai.

Trong ngàn vị vương tử, Thích Tôn là vị thứ tư thành Phật, bởi thế đức Thích Tôn xuất thế, trước hết có Đại Phạm Thiên Vương thỉnh chuyển pháp luân, rồi có Chấp Kim Cang Thần hộ trì Phật pháp. Thế gian nếu có chúng sanh “nên dùng thân Chấp Kim Cang Thần mới có thể độ được” thì Quán Thế Âm Bồ Tát “liền hiện làm Chấp Kim Cang Thần” vì kẻ ấy tuyên nói giáo pháp hộ trì chánh pháp của Như Lai, khiến kẻ ấy y pháp tu hành trở thành bậc hộ pháp đắc lực cho Phật giáo.

 

1.2.2.1.2. Kết đức khuyến cúng (tổng kết thánh đức, khuyên nên cúng dường)
Chánh kinh:

Vô Tận Ý! Thị Quán Thế Âm Bồ Tát thành tựu như thị công đức, dĩ chủng chủng hình du chư quốc độ, độ thoát chúng sanh. Thị cố nhữ đẳng ưng đương nhất tâm cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát.

無盡意。是觀世音菩薩。成就如是功德。以種種形。游諸國土。度脫眾生。是故汝等。應當一心供養觀世音菩薩。

(Này Vô Tận Ý! Vị Quán Thế Âm Bồ Tát này thành tựu công đức như thế, dùng các thứ thân hình dạo các cõi nước, độ thoát chúng sanh. Vì thế các ông hãy nên nhất tâm cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát).
Quán Thế Âm Bồ Tát dùng ba mươi ba ứng thân du hóa trong thế giới Sa Bà này, nói như vậy chẳng qua là đơn giản kể một vài trường hợp để hình dung sự nghiệp dùng các thân phận bất đồng du hành hóa đạo chúng sanh của Quán Âm Bồ Tát. Trên thực tế, Quán Âm Bồ Tát cũng giống như các đại Bồ Tát khác, có thể hóa ngàn trăm vạn ức thân hình hóa độ chúng sanh trong các thế giới, Vì thế, đức Thích Tôn lại tổng kết các công đức của Quán Âm Bồ Tát, hòng khuyên Vô Tận Ý và các trời người phát tâm cúng dường.

“Vô Tận Ý!” Đức Thích Ca gọi tên vị đương cơ như thế xong, bèn nói: “Thị Quán Thế Âm Bồ Tát thành tựu như thị công đức” (Vị Quán Thế Âm Bồ Tát này thành tựu công đức như thế). Chữ “như thế” chỉ tất cả hết thảy công đức cứu bảy nạn, lìa tam độc, đáp ứng hai mong cầu, cho đến hiện các thân bất đồng trong thế gian để giáo hóa chúng sanh của ngài Quán Âm. Nhưng các công đức này, Quán Âm Bồ Tát đều đã viên mãn thành tựu. Chính vì Quán Âm Bồ Tát đã thành tựu những công đức nhiều đến như thế nên Ngài có thể “dĩ chủng chủng hình, du chư quốc độ, độ thoát chúng sanh” (dùng các thứ thân, dạo các cõi nước độ thoát chúng sanh). Câu “dĩ chủng chủng hình” chỉ việc thị hiện các thân hình bất đồng. Quán Âm thị hiện rất nhiều thân, “du chư quốc độ” nghĩa là Quán Âm chẳng phải chỉ nhiều dịp thị hiện trong thế giới Sa Bà này, mà còn hiện các thứ thân giáo hóa chúng sanh trong vô lượng cõi nước ở mười phương. Câu này hình dung sự giáo hóa của Bồ Tát rất rộng. “Độ thoát chúng sanh” nghĩa là Bồ Tát dùng các thân phận bất đồng, du hóa hết thảy cõi nước, chẳng giống như người bình thường du sơn ngoạn thủy, cũng chẳng như người hiện đại đi nơi này nơi nọ ngắm nghía, du lịch ngắm phong cảnh, mà là để độ thoát chúng sanh.

Phải biết chúng sanh trong thế giới Sa Bà đau khổ, cố nhiên cần được Bồ Tát giáo hóa và độ thoát, nhưng tất cả chúng sanh trong những thế giới khác cũng có những nỗi thống khổ dù nhiều dù ít, dù lớn hay nhỏ giống như vậy, cũng cần Bồ Tát đến hóa độ cho được giải thoát. Bởi thế, câu này chỉ rõ những chúng sanh được Bồ Tát hóa độ. Ở đây phải đặc biệt thuyết minh:

Quán Âm Bồ Tát vốn là vị Bổ Xứ Đại Sĩ trong thế giới Cực Lạc, lúc Ngài du hóa các quốc độ khác chẳng giống như chúng ta tưởng tượng: Hôm nay du hóa thế giới Sa Bà, ngày mai du hóa thế giới Tịnh Lưu Ly, ngày mốt lại du hóa một thế giới khác nữa. Nếu đúng là như vậy, Quán Âm Bồ Tát bận tối mắt rồi!

Vì thế, nếu nói nghiêm túc, Quán Âm du hóa các nước là trong cùng một thời gian, nhưng đức Quán Âm bổn hữu chẳng hề lìa khỏi thế giới Cực Lạc một bước! Ở phần trên tôi đã từng nói: Như trên trời chỉ có một vầng trăng sáng ngời, nhưng nước ngàn con sông đều có ngàn bóng trăng, nước vạn con sông có vạn bóng trăng. Bất luận trăng trên ngàn con sông hay vạn con sông đều cùng lúc hiển hiện, nhưng vầng trăng thật vẫn vằng vặc trên không, chưa hề đi xuống nước của dòng sông nào. Vì thế có bốn câu như sau:

Nhất nguyệt phổ ấn nhất thiết thủy,

Nhất thiết thủy nguyệt nhất nguyệt nhiếp,

Nguyệt bất hạ giáng, thủy bất thăng,

Thủy thanh, nguyệt minh pháp tự nhĩ.

(Một trăng in khắp hết thảy nước,

Muôn bóng trăng thuộc một vầng trăng

Trăng chẳng rơi xuống, nước chẳng dâng,

Nước trong, trăng sáng, pháp là vậy)

Những câu này diễn tả triệt để ý trên đây vậy.

Ở đây lại cần phải hiểu rõ: Quán Âm Bồ Tát đại từ đại bi, đến mười phương cõi độ thoát chúng sanh đã suốt một thời gian lâu dài, lẽ ra chúng sanh khổ não phải được độ thoát hết, cớ sao trong mười phương thế giới hiện vẫn còn có rất nhiều chúng sanh khổ não? Đừng nói gì những cõi nước khác, chỉ riêng cõi Sa Bà đây, vẫn còn rất nhiều chúng sanh chìm đắm trong biển khổ, chịu các thống khổ công kích, chẳng được giải thoát, thế là thế nào?

Theo kinh nói, đây chẳng phải Quán Âm Bồ Tát chẳng nỗ lực độ sanh, cũng chẳng là phải trong quá trình độ sanh, Bồ Tát có tâm phân biệt, người này ta độ, người kia ta không độ, vấn đề là chúng sanh có chịu tiếp nhận Bồ Tát hóa độ hay không, hoặc là thấy chúng sanh đó đối với Bồ Tát hữu duyên hay không? Có chúng sanh vô duyên với Bồ Tát nên Bồ Tát chẳng thể độ được, đương nhiên phải được Bồ Tát đến giáo hóa mới có thể giải thoát. Bởi lẽ, Phật, Bồ Tát chỉ có thể hóa độ chúng sanh hữu duyên, nếu vô duyên thì chẳng cách gì giáo hóa được!

Chính vì lẽ đó, tuy Quán Âm Bồ Tát dùng các thứ thân hình dạo các cõi nước hóa độ chúng sanh, nhưng hiện thời vẫn còn rất nhiều chúng sanh trong biển khổ chẳng thể giải thoát. Vấn đề chẳng do Bồ Tát, mà là do chúng sanh. Bởi thế muốn mong được Bồ Tát đến cứu độ, trước hết phải kết pháp duyên cùng Bồ Tát, nếu không thì chẳng thấy Bồ Tát đến độ thoát!

Quán Âm Bồ Tát thành tựu công đức nhiều như thế, dùng các thứ thân hình du hóa các cõi, đương nhiên là độ thoát chúng sanh, đương nhiên Bồ Tát đối với chúng sanh có ân đức rất lớn, “thị cố, nhữ đẳng ưng đương cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát” (vì thế, các ông phải nên nhất tâm cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát).

Nói đến cúng dường, thông thường là có hai thứ Sự Cúng Dường và Lý Cúng Dường. Như tứ sự cúng dường, hoặc lục cúng dường, hoặc thập cúng dường, đều gọi là Sự Cúng Dường. Nếu hiểu lý, chứng nhập Pháp Tánh của các pháp, thở cùng một lỗ mũi với Phật, Bồ Tát, là Lý Cúng Dường.

Kinh còn nói: “Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối” (Trong các cúng dường, pháp cúng dường là bậc nhất). Thế nào là pháp cúng dường? Tức là như pháp thật hành là cúng dường tối thượng, như “thân nghiệp cúng dường là lễ bái, khẩu nghiệp cúng dường là khen ngợi, ý nghiệp cúng dường là quán tưởng tướng hảo” đều có thể gọi là pháp cúng dường.

Bất luận cúng dường cách nào, khẩn yếu nhất là phải nhất tâm nhất ý, cung kính chí thành, bởi thể bảo là “nhất tâm cúng dường”.

  

1.2.2.2. Chánh đáp du ư Sa Bà (đáp thẳng vào việc du hóa cõi Sa Bà)



1.2.2.2.1. Hiển thị diệu đức (hiển thị đức mầu nhiệm)

1.2.2.2.1.1. Năng thí vô úy (ban cho sự không sợ hãi)
      Chánh kinh:

      Thị Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát ư bố úy cấp nạn chi trung, năng thí vô úy. Thị cố, thử Sa Bà thế giới giai hiệu chi vi Thí Vô Úy giả.



是觀世音菩薩摩訶薩。於怖畏急難之中。能施無畏。是故此娑婆世界。皆號之為施無畏者。

      (Trong các nạn gấp sợ hãi, vị Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát này có thể ban cho sự không sợ hãi. Vì thế, thế giới Sa Bà này đều gọi Ngài là đấng Thí Vô Úy).


      Đoạn này nói đức Quán Thế Âm Bồ Tát có thể ban cho chúng sanh sự không sợ hãi. Vì thế, Ngài có biệt hiệu là Thí Vô Úy. Sau khi đức Phật khuyên Vô Tận Ý phát tâm cúng dường Quán Âm xong, Ngài lại bảo Vô Tận Ý: “Ư bố úy cấp nạn chi trung, năng thí vô úy” (Trong các nạn gấp sợ hãi, vị Quán Thế Âm Bồ Tát này có thể ban cho sự không sợ hãi). Bồ Tát Ma Ha Tát nghĩa là vị đại Bồ Tát trong số các vị Bồ Tát, đều cùng là Bồ Tát, chỉ khác nhau là mới phát tâm hay tu đại hạnh Bồ Tát đã lâu. Quán Âm là đại Bồ Tát, sẽ kế thừa A Di Đà Phật thành Phật trong thế giới Cực Lạc, đương nhiên chẳng phải là một vị sơ phát tâm Bồ Tát thông thường, bởi thế gọi Ngài là Bồ Tát Ma Ha Tát.

      “Bố” (怖) là khủng bố (hoảng hốt, sợ hãi), Úy (畏) là úy cụ (sợ sệt, kinh sợ), nói thông tục là hoảng sợ. “Cấp nạn” (nạn gấp) tức là tai nạn bất thình lình xảy tới, trở tay không kịp, không cách chi đề phòng được, không cách gì ứng phó được. Người có phước huệ gặp phải cảnh nạn gấp, đương nhiên có thể tùy cơ ứng biến, liệu cách khắc phục; kẻ kém trí huệ chẳng thể đối phó nạn gấp, trong lúc nội tâm hoảng hốt, kinh sợ, rất có thể Quán Âm Bồ Tát đại từ đại bi lập tức cảm ứng hiển hiện trước kẻ đó, ban cho sự không sợ hãi, giải cứu nạn gấp, “thị cố thử Sa Bà thế giới giai hiệu chi vi Thí Vô Úy giả” (vì thế, thế giới Sa Bà này đều gọi Ngài là đấng Thí Vô Úy). Kinh Lăng Nghiêm chép: “Kỳ hình, kỳ chú, năng dĩ vô úy thí chư chúng sanh, thị cố thập phương vi trần quốc độ, giai danh ngã vi Thí Vô Úy giả” (Thân ấy, thần chú ấy có thể ban cho các chúng sanh sự không sợ hãi; vì thế mười phương vi trần quốc độ đều gọi ta là đấng Thí Vô Úy) cũng là nói về ý này.

      Nay tôi chẳng ngại nêu lên một câu chuyện thật để thuyết minh trong cơn kinh hoảng, Bồ Tát có thể bố thí sự không sợ hãi:

      Vào đời nhà Tấn ở Trung Quốc, có một vị đại đức tên là Thích Đạt Khai. Có lần Sư lên núi hái Cam Thảo, chẳng ngờ bị rợ Khương bắt giữ, giam trong vòng rào gỗ. Trước thầy Đạt Khai, đã có mười mấy người bị bắt giam trong vòng rào. Rợ Khương rất hung bạo, dã man; mỗi ngày lôi một người bị giam ra nấu hay nướng ăn. Cuối cùng chỉ còn sót lại mình sư Đạt Khai. Đạt Khai biết ngày mai sẽ đến phiên mình, đương nhiên chẳng khỏi kinh sợ, nhưng kinh sợ há có ích gì? Chỉ đành thành khẩn thầm tụng Quán Âm Phổ Môn Phẩm, đem sanh mạng mình phó cho Quán Âm Bồ Tát. Trời vừa rạng sáng, chợt có một con hổ to chạy tới, bọn rợ Khương đang canh tù trông thấy con hổ chạy đến, ai nấy chạy trối chết. Con hổ chẳng những không đuổi theo, còn ngoạm hàng rào gỗ thủng một lỗ. Lúc ấy, sư Đạt Khai thầm nghĩ: “Tuy thoát nạn rợ Khương sát hại, nhưng chẳng tránh khỏi miệng cọp”; bởi vậy, Sư vừa run lẩy bẩy vừa thành khẩn niệm Quán Âm, đợi lúc con hổ cắn thủng rào chui vào. Con hổ chẳng những không ăn Đạt Khai lại còn lập tức bỏ đi. Đến lúc đó, Đạt Khai biết là Quán Âm sai hổ đến cứu mình thoát tay rợ Khương. Phải biết rằng đó là Bồ Tát ban sự không sợ hãi.

      Lại có kẻ lên núi hái thuốc một mình, chợt gặp mãnh hổ đón ngay trước mặt. Dĩ nhiên người ấy trong lòng hoảng sợ đến mực nào, nhưng trong lúc ấy chợt có một bà già đến quát một tiếng lớn, con hổ hung tợn đáng sợ bèn quay đầu lủi mất. Người hái thuốc qua cơn kinh hồn, trấn tĩnh lại, nhìn quanh chẳng thấy tông tích bà già đâu nữa. Phải biết bà cụ ấy chính là Quán Âm Bồ Tát thị hiện cứu tế, đến ban sự không sợ hãi cho chúng sanh trong cơn nạn gấp!

Trong thế gian, sự sợ hãi, nạn gấp rất nhiều, nhưng nạn gấp đáng sợ hãi nhất và lớn nhất không gì bằng sanh tử; bởi lẽ, hết thảy sự sợ hãi đều do sanh tử mà ra. Nếu không có sanh mạng thể ngõ hầu lưu chuyển sanh tử, nào còn có các nạn gấp sợ hãi hiện hữu? Bởi thế sanh tử là nỗi sợ hãi lớn nhất! Nếu quả thật chúng sanh cảm thấy sanh tử đáng sợ, muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi, Quán Âm Bồ Tát liền đáp ứng mong cầu của chúng ta, tùy chúng ta muốn thấy thân hình nào, Ngài lập tức dùng thân hình ấy hiện trước mặt quý vị, vì quý vị nói pháp lìa sanh tử, khiến cho quý vị chẳng còn cảm thấy sanh tử đáng sợ nữa, ban cho quý vị pháp liễu sanh thoát tử, đấy mới là chân chánh “thí vô úy”. Phật pháp thường nói có ba thứ Tài Thí, Pháp Thí và Vô Úy Thí. Người ta thường nghĩ Tài Thí là trọng yếu, chớ hề biết Pháp Thí và Vô Úy Thí lại càng trọng yếu hơn! Quán Âm thí cho chúng sanh sự không sợ hãi nên được gọi là đấng Thí Vô Úy.

 

1.2.2.2.1.2. Năng cảm cúng dường (cảm thọ cúng dường)
Chánh kinh:

Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật ngôn:

- Thế Tôn! Ngã kim đương cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát.

Tức giải cảnh chúng bảo châu anh lạc, giá trị bách thiên lượng kim nhi dĩ dữ chi, tác thị ngôn:

- Nhân giả! Thọ thử pháp thí trân bảo anh lạc!

Thời Quán Thế Âm Bồ Tát bất khẳng thọ chi, Vô Tận Ý phục bạch Quán Thế Âm Bồ Tát ngôn:

- Nhân giả! Mẫn ngã đẳng cố thọ thử anh lạc!

無盡意菩薩白佛言。世尊。我今當供養觀世音菩薩。即解頸眾寶珠瓔珞。價值百千兩金。而以與之。作是言。仁者。受此法施珍寶瓔珞。時觀世音菩薩。不肯受之。無盡意復白觀世音菩薩言。仁者愍我等故。受此瓔珞。

(Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nay con sẽ cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát.

Liền cởi chuỗi anh lạc bằng các hạt châu quý báu nơi cổ, giá trị trăm ngàn lượng vàng để tặng, nói như thế này:

- Thưa nhân giả! Hãy nhận lấy chuỗi anh lạc pháp thí quý báu này.

Khi đó, Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng chịu nhận. Vô Tận Ý lại bạch cùng Quán Thế Âm Bồ Tát rằng:

- Thưa nhân giả! Hãy thương xót chúng tôi, nhận lấy chuỗi anh lạc này).
Đây là đoạn kinh thuật chuyện Bồ Tát cảm được sự cúng dường. Đức Thích Ca khuyên đại chúng nhất tâm cúng dường Quán Âm; Vô Tận Ý là một vị đại Bồ Tát, hiểu sâu xa tầm quan trọng của việc cúng dường, nên sau khi nghe đức Phật khuyên nên dâng cúng xong, Vô Tận Ý Bồ Tát lập tức bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Lão nhân gia muốn chúng con nhất tâm cúng dường Quán Âm, nay con tuân theo mạng lệnh từ bi, đến cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nói xong, lập tức cởi chuỗi anh lạc bằng các bảo châu đang đeo nơi cổ, giá trị của chuỗi bảo châu anh lạc đó khoảng chừng trăm ngàn lượng vàng, tức đáng giá mười vạn lạng vàng ròng, cho thấy chuỗi ấy đáng quý trọng dị thường, nay Ngài đem chuỗi anh lạc quý trọng ấy cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, nói như thế này:

- Thưa nhân giả! Hãy nhận lấy chuỗi anh lạc pháp thí quý báu này.

Nhân giả” là tiếng xưng hô giữa các Bồ Tát với nhau. Nhân Giả nghĩa là người có lòng nhân từ, hoặc có lòng nhân đức. Tuy Vô Tận Ý Bồ Tát thành tâm cúng dường như thế, nhưng khi đó, Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng chịu tiếp nhận đồ cúng dường ấy. Nếu nhìn từ mặt văn tự, ý nghĩa đoạn này rất dễ hiểu, nhưng những nghĩa lý bao hàm trong đoạn kinh văn này rất sâu, chẳng thể coi thường được!

Anh lạc” là một thứ vật trang sức của Ấn Độ, đồ trang sức đeo trên cổ gọi là Anh (瓔), thứ quấn quanh thân gọi là Lạc (珞). Phải xem thân phận, địa vị và hoàn cảnh kinh tế của mỗi người mà phân biệt anh lạc quý báu hay tầm thường. Như người hiện tại, thích dùng hoa tươi kết thành vòng hoa, đeo trên cổ làm trang sức, hoặc dùng hạt châu xâu thành chuỗi đeo trên cổ làm đồ trang sức, đều có thể gọi là Anh Lạc. Chuỗi anh lạc Bồ Tát Vô Tận Ý dùng cúng dường ở đây là do các thứ bảo châu kết thành. Nếu chỉ nói bảo châu không thôi thì có nghĩa là Ma Ni bảo châu; ở đây nói là “các bảo châu”, tức là hết thảy những vật quý báu, cũng tức là thất bảo như trong phần kinh văn ở trên đã nói. Chính vì chuỗi anh lạc do các thứ bảo châu xâu thành nên quý báu đặc biệt, trị giá trăm ngàn lạng vàng.

Trong đoạn kinh này có một câu phải đặc biệt chú ý, tức là câu “thọ thử pháp thí trân bảo anh lạc” (nhận lấy chuỗi anh lạc pháp thí quý báu này); bởi lẽ chuỗi anh lạc bảo châu do ngài Vô Tận Ý cúng dường rõ ràng là tài vật, phải nói là Tài Thí mới đúng, sao lại nói “nhận lấy pháp thí này”? Tài Thí là vật chất hữu hình; Pháp Thí là chân lý vô hình. Hai thứ này tuyệt đối chẳng tương đồng. Giờ đây chúng ta phải hỏi: Chuỗi anh lạc bảo châu Vô Tận Ý tháo từ trên cổ xuống đó rốt cuộc là tài vật hay là thứ gì khác? Kinh Phật thường dùng anh lạc tượng trưng cho công đức, như vậy chuỗi anh lạc bảo châu tượng trưng cho các thứ công đức.

Trong quá trình hành Bồ Tát đạo, Vô Tận Ý đã từng tích tập vô biên pháp bảo công đức để trang nghiêm Pháp Thân thanh tịnh mà chính mình đã chứng đắc. Bởi vậy, nói đến “cổ” là hàm ý: Chân Như Pháp Thân Ngài đã chứng, Chân Như Pháp Thân này được trang nghiêm bằng các thứ công đức thanh tịnh. Ở đây tháo chuỗi anh lạc bảo châu từ trên cổ xuống có nghĩa là Bồ Tát tuy chứng Pháp Thân, nhưng chẳng an trụ Pháp Thân, từ Pháp Thân thị hiện hóa thân vào thế gian hóa độ chúng sanh; nay đem vô tận công đức ấy nhất tâm cúng dường cho Quán Âm Bồ Tát. Vì thế gọi là Pháp Thí chứ không gọi là Tài Thí.

Vô Tận Ý nghe đức Phật giới thiệu Quán Âm Bồ Tát thành tựu các công đức, nhưng chính bản thân mình cũng thành tựu vô lượng vô biên công đức; có thể nói là hai vị Bồ Tát “tâm tâm tương ấn” (tâm in vào tâm). Vô Tận Ý vâng lời Phật nhất tâm cúng dường, bèn nghĩ Quán Âm đã thành tựu các công đức, căn bản là chẳng cần đến tài vật cúng dường nữa; bởi thế đem các công đức mình đã tích tập được, một niềm cung kính thành tâm thành ý cúng dường. Đấy mới là cúng dường tối thượng, mới là cúng dường chân chánh.

Hoặc có thể giải thích như thế này cũng được: Vật cúng dường tuy là tài vật, nhưng trong lúc cúng dường, nhất quyết chẳng chấp vào tướng, liễu đạt cái gọi là “tam luân thể không”: Trên căn bản thật sự chẳng có người bố thí, chẳng thật sự có người tiếp nhận vật thí, mà ở giữa cũng chẳng có tài vật được bố thí. Bởi thế, tuy suốt ngày hành bố thí, nhưng chẳng mảy may dính mắc công đức bố thí, hiểu mình làm như vậy chỉ là chuyện thuộc bổn phận của chính mình, nhân đó chuyển Tài Bố Thí thành Pháp Bố Thí. Chúng ta phát tâm bố thí thì Tài Thí vẫn là Tài Thí, vì sau khi phát tâm bố thí, cứ nhớ thật kỹ sự việc ấy, chẳng thể đạt đến mức tam luân thể không. Bởi thế, chẳng thể chuyển Tài Thí thành Pháp Thí.

Đồng thời, còn có thể giải thích như thế này nữa: Vô Tận Ý cúng dường chuỗi anh lạc bảo châu chẳng phải để cầu công đức cho chính mình, mà là cầu phước đức cho chúng sanh. Nếu cầu công đức cho chính mình thì công đức ấy thuộc về công đức hữu lậu, chẳng thể thành công đức vô lậu thanh tịnh. Do vì cầu phước cho chúng sanh, đem công đức cúng dường ấy hồi hướng cho pháp giới hết thảy chúng sanh, khiến cho các chúng sanh cùng đạt được công đức lợi ích giống nhau; bởi thế, có thể chuyển Tài Thí thành Pháp Thí. Bọn chúng sanh ta chẳng giống như vậy, làm bất cứ công đức nào, đều coi đó là công đức của riêng chính mình, chẳng chịu cho chúng sanh nào khác được hưởng lợi ích, cứ làm như đem cho chúng sanh thì chính mình sẽ hao hụt [công đức] vậy! Bởi thế chẳng thể chuyển Tài Thí thành Pháp Thí được.

      Sở dĩ chúng sanh chẳng thể vô tướng bố thí và hồi thí chúng sanh vì nghĩ nó là thật sự có, chẳng biết rằng: Nếu có thể làm được như vậy, công đức đạt được lại càng lớn, càng nhiều. Bồ Tát hiểu sâu sắc điều này nên hành bố thí chẳng chấp tướng, lại còn hồi thí [công đức] cho chúng sanh. Vô Tận Ý là đại Bồ Tát, thông đạt Tài Thí và Pháp Thí bình đẳng không sai biệt, nên biến Tài Thí thành Pháp Thí.

Có người nói chuỗi anh lạc ngài Vô Tận Ý dùng để cúng dường đó biểu trưng trí huệ; nhưng các công đức ngài Quán Thế Âm thành tựu lại tượng trưng cho từ bi. Bi và Trí là những điều mỗi vị hành giả Bồ Tát phải có, nhưng trong kinh thường lấy một tánh đức nào đó làm đặc điểm của một vị Bồ Tát, như Quán Âm Bồ Tát lấy từ bi làm tánh đức đặc biệt của mình, Vô Tận Ý lấy trí huệ làm đặc tánh. Bây giờ Vô Tận Ý đem hết thảy trí huệ mình vốn có dâng lên đức đại từ bi Quán Âm, ngõ hầu Quán Âm bi trí viên dung, thượng cầu hạ hóa, vận dụng tự tại, bởi thế gọi là Pháp Thí.

Vô Tận Ý thành tâm cúng dường Quán Thế Âm, nhưng Quán Thế Âm chẳng chịu tiếp nhận, là vì đạo lý nào? Nói theo thế tục, bảo châu là thứ ai cũng thích, lúc không có bèn dùng trăm phương ngàn kế cầu cho được; nếu có ai cho mình, lẽ nào chẳng chịu tiếp nhận? Sở dĩ chúng sanh truy cầu tài vật chẳng ngừng là do tham dục sai khiến, Quán Âm Bồ Tát đã sớm viễn ly tham dục, há còn tùy tiện tiếp nhận trân bảo người khác cúng dường? Bởi thế chẳng tiếp nhận! Nói theo Phật pháp, Quán Thế Âm cố nhiên đã có trí huệ như Vô Tận Ý, Vô Tận Ý cũng có đầy đủ lòng từ bi như Quán Thế Âm. Mỗi một vị đại Bồ Tát đều đầy đủ cả Bi lẫn Trí, há còn có thể nói là cho hay nhận được nữa ư? Quán Thế Âm Bồ Tát đã hiểu sâu xa điều này, nên dù Vô Tận Ý thành tâm thành ý cúng dường, Quán Thế Âm Bồ Tát vẫn rất khách khí từ chối tiếp nhận.

Vô Tận Ý Bồ Tát thấy Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng chịu tiếp nhận chuỗi anh lạc mình cúng dường, nên lại rất khẩn thiết bạch cùng Quán Thế Âm Bồ Tát rằng:

- Thưa nhân giả! Chúng tôi cúng dường rất thành ý như vậy, xin Ngài nghĩ thương xót chúng tôi chẳng có công đức gì để tự trang nghiêm mà từ bi tiếp nhận phần anh lạc cúng dường nhỏ nhoi này, khiến cho chúng tôi tạm tăng thêm một chút công đức!

Từ việc Vô Tận Ý cầu thỉnh lần nữa, ta có thể thấy Vô Tận Ý phát tâm cúng dường chẳng phải vì chính mình, mà vì hết thảy chúng sanh. Bởi Vô Tận Ý thấy chúng sanh thọ khổ, thọ nạn trong sanh tử vì trong quá khứ chưa hề vun bồi phước đức. Nếu bây giờ Quán Âm chẳng từ bi tiếp nhận sự cúng dường của mình, há chẳng phải là chúng sanh đời vị lai khổ nạn càng nhiều hơn nữa ư? Bởi đó, Ngài thỉnh cầu Quán Âm tiếp nhận cúng dường, mà cũng chỉ có vì chúng sanh phát tâm cúng dường như thế thì mới là chân tâm cúng dường.

 

1.2.2.2.1.3. Năng tu cúng dường (tu cúng dường)


Chánh kinh:

Nhĩ thời, Phật cáo Quán Thế Âm Bồ Tát:

- Đương mẫn thử Vô Tận Ý Bồ Tát cập tứ chúng, Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, nhân phi nhân đẳng cố, thọ thị anh lạc.

Tức thời Quán Thế Âm Bồ Tát mẫn chư tứ chúng, cập dữ Thiên, Long, Nhân Phi Nhân đẳng, thọ kỳ anh lạc, phân tác nhị phần: nhất phần phụng Thích Ca Mâu Ni Phật, nhất phần phụng Đa Bảo Phật tháp.

爾時佛告觀世音菩薩。當愍此無盡意菩薩及四眾、天、龍、夜叉、乾闥婆、阿脩羅、樓羅、緊那羅、摩候羅伽、人、非人等故。受是瓔珞。即時觀世音菩薩愍諸四眾。及天、龍、人非人等。受其瓔珞。分作二分。一分奉釋迦牟尼佛。一分奉多寶佛塔。

(Lúc bấy giờ, Phật bảo Quán Thế Âm Bồ Tát:

- Hãy vì thương Vô Tận Ý Bồ Tát này và tứ chúng, Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, nhân phi nhân v.v… mà nhận lấy anh lạc đó.

Ngay khi đó, Quán Thế Âm Bồ Tát thương các tứ chúng, Trời, Rồng, Nhân Phi Nhân v.v…nhận chuỗi anh lạc đó, chia làm hai phần: Một phần cúng Thích Ca Mâu Ni Phật, một phần cúng tháp Đa Bảo Phật).
Vô Tận Ý thành tâm cúng dường, Quán Thế Âm từ chối chẳng nhận. Trong tình huống đó, muốn cúng dường nhưng cúng dường chẳng được, sẽ cảm thấy thất vọng vô cùng! Thế nhưng ở đây cần phải biết rằng: Quán Thế Âm Bồ Tát đến thế giới Sa Bà này giáo hóa chúng sanh, đơn thuần lấy giáo hóa chúng sanh làm mục đích, quyết định chẳng mảy may có dụng ý nào khác, nên càng chẳng mong người khác cúng dường mình. Hiện tại, Vô Tận Ý được đức Thích Tôn khuyên phát tâm cúng dường; trước khi được đức Phật khuyên nên tiếp nhận, Quán Âm Bồ Tát chẳng thể tùy tiện tiếp nhận. Đức Thế Tôn biết rõ dụng tâm của Quán Âm, nên ngay lúc đó, Đại Thánh Phật Đà bảo Quán Thế Âm Bồ Tát:

- Ông hãy nên nghĩ thương xót ông Vô Tận Ý Bồ Tát đây và tứ chúng, Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân v.v… nhận chuỗi anh lạc ấy.

Những chúng sanh ấy trong thế giới Sa Bà này đều rất khổ não, vì từ trước đến nay họ rất ít gieo thiện căn, vun bồi các phước đức, nay Vô Tận Ý thay cho chúng sanh phát tâm cúng dường, hệt như chính mình thiếu khuyết phước đức thiện căn! Nếu Quán Âm Bồ Tát chẳng chịu tiếp nhận, há chẳng phải là chúng sanh bần cùng khốn khổ trong đêm dài vĩnh viễn chẳng có cơ hội vun bồi thiện căn, phước đức ư? Vì để cho chúng sanh vun bồi, gieo trồng thiện căn, phước đức, nên đức Phật mới bảo Quán Âm tiếp nhận vật cúng dường.

Ngay lúc đức Phật từ bi khuyến cáo, Quán Thế Âm Bồ Tát lập tức nghĩ thương tứ chúng và Thiên, Long, Nhân Phi Nhân v.v… bèn tiếp nhận chuỗi anh lạc do Vô Tận Ý thay mặt chúng sanh cúng dường. Ở đây phải đặc biệt chú ý: Ở phần trên, muốn cho Quán Thế Âm tiếp nhận an lạc, Phật dạy Ngài chẳng những nghĩ thương tứ chúng và thiên long bát bộ, mà còn phải nghĩ thương Vô Tận Ý Bồ Tát; thế nhưng khi Quán Thế Âm tiếp nhận chuỗi anh lạc, kinh chỉ nói Ngài nghĩ thương tứ chúng và thiên long bát bộ, chẳng hề nói Ngài nghĩ thương Vô Tận Ý Bồ Tát, nghĩa là sao? So với Bồ Tát, Phật cao hơn một bậc, nên đứng trên lập trường của Phật, cố nhiên Ngài nói nghĩ thương Vô Tận Ý Bồ Tát. Quán Thế Âm và Vô Tận Ý đều là Nhất Sanh Bổ Xứ đại Bồ Tát, địa vị hai bên ngang nhau, đứng trên lập trường Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát nói năng phải giữ ý, chẳng thể nói là “nghĩ thương Vô Tận Ý Bồ Tát” được. Bởi duyên cớ đó, chỉ nói là “nghĩ thương tứ chúng và thiên long bát bộ”.

Quán Thế Âm Bồ Tát nghe lời Phật khuyến cáo, nghĩ thương tứ chúng và thiên, long v.v… bèn tiếp nhận chuỗi anh lạc của Vô Tận Ý cúng dường, nhưng Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng giữ cho mình; Ngài lập tức chia thành hai phần: Một phần cúng Thích Ca Mâu Ni Phật, một phần cúng cho tháp Đa Bảo Phật.

Kinh văn đến đây có thể nói là đã giảng xong, nhưng vì vẫn còn có nghĩa lý sâu xa, nên phải thuyết minh đại lược: Thoạt đầu, Quán Âm Bồ Tát chẳng chịu tiếp nhận cúng dường, sau được đức Phật khuyên nhủ bèn nhận chuỗi anh lạc ấy. Như vậy là “chẳng nhận mà nhận”. Nói theo lý luận Phật pháp, “chẳng nhận” hiển thị tánh Không; “nhận” hiển thị Duyên Khởi. Bởi thế, chẳng nhận mà nhận có nghĩa là Tánh Không tức Duyên Khởi. Sau khi đức Quán Âm tiếp nhận, bèn lập tức đem cúng dường, như thế là “nhận nhưng chẳng nhận”. Nói theo lý luận Phật pháp: Nhận là Duyên Khởi, chẳng nhận là Tánh Không, bởi thế nhận mà chẳng nhận hàm nghĩa Duyên Khởi tức là Tánh Không. Như vậy, đoạn kinh văn này bao hàm nghĩa lý “Tánh Không mà Duyên Khởi; Duyên Khởi mà Tánh Không” rất sâu. Duyên Khởi chính là Tánh Không, thường được gọi là Diệu Hữu Chân Không; cũng như Tâm kinh nói “Sắc tức là Không”; Tánh Không chính là Duyên Khởi, thường được gọi là Chân Không Diệu Hữu, cũng như Tâm kinh nói “Không tức là Sắc”. Quán Âm Bồ Tát khế nhập tánh Không Tịch rốt ráo, chẳng còn chấp trước hết thảy các pháp thật có tự tánh, vì thế, Ngài đem chuỗi anh lạc chia làm hai phần, cúng dường hiện tiền Thích Ca Mâu Ni Phật và tháp của quá khứ Đa Bảo Phật, tự mình chẳng thọ dụng.

Thích Ca Mâu Ni Phật là giáo chủ cõi Sa Bà, cũng là vị Phật hiện tại, đúng là phải cúng dường, chẳng cần phải nói gì nữa. Thế nhưng Thích Ca Mâu Ni Phật nghĩa là gì cũng nên nói sơ qua một phen. Thích Ca (Śākya) là tên một dòng họ, dịch nghĩa là Năng Nhân; Mâu Ni (Muni) là đức hạnh của bậc thánh, dịch nghĩa là Tịch Mặc. Nói “Năng Nhân” nhằm mô tả lòng từ bi lợi tha của đức Phật, nghĩa là đầy đủ lòng nhân từ dẹp khổ ban vui, lại còn có khả năng lợi tha tích cực. Đó là ý nghĩa chữ Năng Nhân. Tịch Mặc tượng trưng trí huệ tự lợi của đức Phật rất sâu, đầy đủ vô biên trí huệ rộng lớn, phá trừ phiền não khiến chính mình được lợi. Đó là ý nghĩa chữ Tịch Mặc. Thực hành nhân từ, hiển thị đức Phật nhập thế độ sanh, tịch tĩnh mặc chiếu hiển thị đức Phật xuất thế không tịch. Từ ý nghĩa của bốn chữ Thích Ca Mâu Ni, ta có thể thấy đức Phật coi trọng cả tự lợi lẫn lợi tha như thế nào, thống nhất cả hai phương diện thế gian và xuất thế gian như thế nào.

Đa Bảo Phật (Prabhutaratna Buddha) là vị Phật quá khứ, vì sao lại xuất hiện trong pháp hội Pháp Hoa này? Cũng nên lược thuật nhân duyên ấy như sau: Theo kinh Pháp Hoa, trong lúc đức Thích Ca giảng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu (Griddhkuta), nói xong phần Chánh Tông, lúc sắp giảng qua phần Lưu Thông, chợt có một tháp báu, từ dưới đất vọt lên xuất hiện trong không trung, trong tháp đặt xá-lợi của Đa Bảo Phật. Trong tháp lại phát ra âm thanh rất lớn, khen ngợi kinh Pháp Hoa đức Thích Ca vừa giảng quả là chân thật chẳng dối. Như trong phẩm Hiện Bảo Tháp kinh này ghi:

Nhĩ thời Phật tiền hữu thất bảo tháp, cao ngũ bách do-tuần, tung quảng nhị bách ngũ thập do-tuần, tùng địa dũng xuất, trụ tại không trung, chủng chủng bảo vật nhi trang hiệu chi... Nhĩ thời bảo tháp trung xuất đại âm thanh thán ngôn:

- Thiện tai! Thiện tai! Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn năng dĩ bình đẳng đại huệ giáo Bồ Tát pháp Phật sở hộ niệm Diệu Pháp Hoa Kinh vị đại chúng thuyết. Như thị! Như thị! Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn như sở thuyết giả giai thị chân thật”.

(Lúc bấy giờ, tháp bằng bảy báu ở trước đức Phật, cao năm trăm do tuần, rộng lớn hai trăm năm mươi do-tuần, từ dưới đất vọt lên, trụ trên hư không, các thứ bảo vật trang hoàng…. Lúc bấy giờ, trong tháp báu vang ra âm thanh lớn khen rằng:

- Lành thay! Lành thay! Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn có thể đem pháp bình đẳng đại huệ dạy các Bồ Tát là kinh Diệu Pháp Liên Hoa - [là kinh] được chư Phật hộ niệm - nói cho đại chúng. Đúng như vậy! Đúng như thế! Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, những lời Ngài đã nói đều là chân thật!)

Tiếp đó, đức Phật lại nói:

Nhĩ thời Phật cáo Đại Nhạo Thuyết Bồ Tát:

- Thử bảo tháp trung hữu Như Lai toàn thân, nãi vãng quá khứ Đông phương vô lượng thiên vạn ức A-tăng-kỳ thế giới, quốc danh Bảo Tịnh, bỉ trung hữu Phật, hiệu viết Đa Bảo. Kỳ Phật hành Bồ Tát đạo thời, tác đại thệ nguyện: “Nhược ngã thành Phật, diệt độ chi hậu, ư thập phương quốc độ, hữu thuyết Pháp Hoa Kinh xứ, ngã chi tháp miếu, vị thính thị kinh cố, dũng hiện kỳ tiền, vị tác chứng minh, tán ngôn thiện tai”.

(Lúc bấy giờ, Phật bảo Đại Nhạo Thuyết Bồ Tát:

- Trong tháp báu này có toàn thân Như Lai, trong quá khứ, cách vô lượng ngàn vạn ức A-tăng-kỳ thế giới về phương Đông, nước tên là Bảo Tịnh, trong cõi ấy có Phật, hiệu là Đa Bảo. Đức Phật ấy lúc hành đạo Bồ Tát, phát đại thệ nguyện: “Nếu ta thành Phật, sau khi diệt độ rồi, trong mười phương cõi nước, có chỗ nào nói kinh Pháp Hoa, tháp miếu của ta vì để nghe kinh ấy, bèn vọt lên hiện trước [pháp hội] để chứng minh, khen rằng lành thay!)

Do bởi nhân duyên ấy, trong lúc Phật giảng kinh Pháp Hoa, để thực hiện hoằng nguyện đó, tháp Đa Bảo Phật bèn hiện từ dưới đất vọt lên, chứng minh cho Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong pháp hội khi ấy, có quá khứ Đa Bảo Phật, có hiện tại Thích Ca Mâu Ni Phật, Phật Phật đạo đồng, Quán Âm Bồ Tát chuyển cúng vật mình đã nhận, chẳng thể chỉ cúng dường một đức Phật, nên chia làm hai phần: Một phần dâng lên Thích Ca Mâu Ni Phật, một phần cúng tháp Phật Đa Bảo.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương