QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang14/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

1.2.2.2.2. Ứng vấn kết đáp (tổng kết lời đáp câu hỏi)
Chánh kinh:

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát hữu như thị tự tại thần lực, du ư Sa Bà thế giới.

無盡意。觀世音菩薩有如是自在神力。游於娑婆世界。

(Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có thần lực tự tại như thế, dạo trong thế giới Sa Bà).
Đến đây là phần tổng kết lời đáp câu hỏi. Phật lại gọi Vô Tận Ý bảo: Quán Thế Âm Bồ Tát có sức thần thông oai đức tự tại như ta vừa nói trên đây, dạo trong thế giới Sa Bà để giáo hóa chúng sanh.

Nói đến tự tại thì có Tứ Tự Tại, Lục Tự Tại, Thập Tự Tại, nhưng trọng yếu nhất chẳng ngoài thân lẫn tâm cùng đại tự tại. Nếu thân có thể tới lui vô ngại thì gọi là Thân Tự Tại. Nếu tâm xa lìa được trói buộc, đối với hết thảy thông đạt vô ngại, thì gọi là Tâm Tự Tại. Phẩm Tự kinh Pháp Hoa có câu: “Tận các hữu kết, tâm được tự tại” có nghĩa là Tâm Tự Tại. Sách Duy Thức Diễn Bí nói: “Việc làm không úng trệ, gọi là Tự Tại”, nghĩa là Thân Tự Tại. Thần lực nói ở đây chính là thần thông lực, có người giải thích ba chữ “thần thông lực” như sau: “Thần nghĩa là diệu dụng chẳng thể suy lường, Thông nghĩa là thông suốt, dung hòa, tự tại, Lực có nghĩa là lực dụng”. Tổng hợp lại, bốn chữ “tự tại thần lực” có nghĩa là chẳng cần phải mất công khởi lên ý niệm, tùy lòng hiện tiền, thần diệu chẳng thể suy lường được. Câu “thần lực tự tại như thế” chỉ ba mươi ba ứng thân để thực hiện mười chín cách thuyết pháp nhằm giáo hóa cứu độ các loại chúng sanh bất đồng như phần trên đã nói.

Dạo trong Sa Bà thế giới”“dạo các cõi nước” là cách nói tương hỗ, tức là: Trong phần trên, khi nói Bồ Tát dạo trong các cõi nước, không có nghĩa là Bồ Tát chẳng du hóa trong thế giới Sa Bà này; giờ đây nói Bồ Tát du hóa trong thế giới Sa Bà, không có nghĩa là Bồ Tát chẳng đến cảm ứng trong các quốc độ mười phương. Chỉ vì Quán Âm Bồ Tát có duyên đặc biệt cùng chúng sanh cõi Sa Bà, lại vì cõi Sa Bà trược ác, Bồ Tát đại từ đại bi luôn thường đặc biệt du hóa. Vì thế chúng ta càng phải đặc biệt tôn trọng cung kính, cúng dường Quán Âm Bồ Tát.

 

2. Kệ tụng hợp hiển (Hợp giải kệ tụng)



2.1. Trùng vấn đắc danh sở dĩ (Hỏi lại duyên do được danh hiệu)
      Chánh kinh:

Nhĩ thời, Vô Tận Ý Bồ Tát dĩ kệ vấn viết:

Thế Tôn diệu tướng cụ,

Ngã kim trùng vấn bỉ,

Phật tử hà nhân duyên

Danh vi Quán Thế Âm?

爾時無盡意菩薩以偈問曰。

世尊妙相具。

我今重問彼。     

佛子何因緣。

名為觀世音。

(Lúc bấy giờ, Vô Tận Ý Bồ Tát dùng kệ hỏi:

- Thế Tôn, đủ diệu tướng,

Con nay xin lại hỏi:

Nhân duyên gì Phật tử

Tên là Quán Thế Âm?)
Phần Trường Hàng của phẩm này đến đây đã giảng xong, nay giảng tiếp phần Kệ Tụng. Trường Hàng dùng thể tài văn xuôi để tuyên thuyết; Kệ Tụng dùng thể tài văn vần. Đức Phật giảng kinh, đa phần có đủ hai loại thể tài này. Như trong hai mươi tám phẩm kinh Pháp Hoa, chỉ có phẩm sau cùng là phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát không có kệ tụng, các phẩm khác đều có kệ tụng. Thế nhưng khi ngài La Thập dịch phẩm Phổ Môn này, chưa dịch phần Kệ Tụng; sau này, ngài Xà Na Cấp Đa (Jhanagupta) dịch ra, các sư đời sau Ngài cho rằng Phạn bản vốn có phần Kệ Tụng này nên đem bài kệ đây ghép vào sau phần Trường Hàng của phẩm Phổ Môn do ngài La Thập dịch, hợp thành một phẩm hoàn chỉnh. Bởi thế phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa khi được lưu truyền trong hiện tại đều có phần Kệ Tụng này. Do vậy, tôi lại dựa theo phần Kệ Tụng để giải thích đại lược.

Kệ Tụng là so với Trường Hàng mà nói, có các dạng ba chữ, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ khác biệt, nhưng phải có đủ bốn câu mới gọi là Kệ; tiếng Phạn gọi là Kệ Đà, Hán dịch là Ứng Tụng; nếu gộp cả tiếng Ấn lẫn tiếng Hoa thì thành ra Kệ Tụng. Nếu phân loại thì lại có hai loại khác nhau:

1) Nếu là một kết cấu đơn độc để diễn giải pháp nghĩa thì trong mười hai bộ loại kinh, nó được gọi là Già Đà (Gatha); dịch là Cô Khởi Tụng, chẳng gọi là Trùng Tụng.

2) Nếu là bài kệ dùng để kết lại ý nghĩa đã giảng trong phần kinh văn bằng văn xuôi đã giảng trước đó thì trong mười hai bộ loại kinh gọi là Kỳ Dạ (Geya), dịch là Ứng Tụng, hoặc Trùng Tụng.

Kệ Tụng trong phẩm này thuộc loại Trùng Tụng. Sở dĩ gọi là Trùng Tụng, cũng có hai ý nghĩa:

1) Để cho những thính chúng đến sau trong pháp hội cũng được nghe giản lược những điều đã giảng trong phần văn xuôi trước đó.

2) Để cho những thính chúng chưa thể hiểu thật sâu những điều đã nói trong phần trước, sẽ nhờ vào phần Kệ Tụng này mà được hiểu rõ và dễ ghi nhớ trong tâm.

Chữ “nhĩ thời” chỉ lúc đức Phật nói xong phần Trường Hàng. Vào đúng lúc đó, Vô Tận Ý Bồ Tát lại dùng kệ tụng hỏi đức Phật.

Thế Tôn” là một trong mười hiệu chung của đức Phật, do được hết thảy phàm thánh thế gian xuất thế gian cùng tôn trọng nên có danh hiệu này. Đức Thế Tôn đã chứng Vô Thượng Chánh Giác chẳng giống với mọi phàm phu, Phật có đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, bởi thế gọi là “diệu tướng cụ” (đầy đủ các tướng mầu nhiệm). Đầy đủ các diệu tướng, trong phẩm Đề Bà Đạt Đa nói:

Vi diệu tịnh Pháp Thân,

Cụ tướng tam thập nhị,

Dĩ bát thập chủng hảo,

Dụng trang nghiêm Pháp Thân.

(Pháp Thân tịnh vi diệu,

Đủ ba mươi hai tướng,

Dùng tám mươi vẻ đẹp,

      Để trang nghiêm Pháp Thân)

      Trong phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự gọi là “dung nhan thậm kỳ đặc” (dung mạo rất lạ lùng, đặc biệt). [Khi nói] Phật có đủ các diệu tướng, ta thường hiểu là nói về Ứng Thân, nhưng trong phẩm Đề Bà Đạt Đa lại nói Pháp Thân đủ các tướng, đó là điều rất đáng chú ý! Pháp Thân có tướng trạng hay không, các học giả thường tranh luận, ở đây tôi chẳng thể giảng kỹ vì nói ra dài dòng quá. Còn như ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, danh tướng rắc rối quá nên bất tất phải giảng từng thứ một, chủ yếu là: Dưới lòng bàn chân có tướng bánh xe ngàn căm, trước ngực có chữ Vạn, giữa hai mày có tướng bạch hào, trên đảnh có nhục kế v.v… Tướng hảo chẳng phải ngẫu nhiên mà có được, phải do tu các phước đức mà có. Bởi thế mới có hai câu nói như sau: “Tam kỳ tu phước huệ; bách kiếp chủng tướng hảo” (Ba A-tăng-kỳ tu phước huệ; trăm kiếp trồng tướng hảo). Mỗi một tướng hảo do một trăm phước tạo thành, chẳng phải là chuyện đơn giản! Chúng ta nếu muốn được tướng hảo thì phải đúng pháp tu tập đức hạnh mới được như nguyện, bởi những tướng hảo ấy là do tu tập mà thành chứ chẳng phải tự nhiên mà có vậy!

      Vô Tận Ý tôi nay lại hỏi đức Phật lần nữa: Vị Phật tử kia do nhân duyên nào mà được danh hiệu là Quán Thế Âm? Chữ “bỉ”“Phật tử” trong phần Kệ Tụng đều chỉ Quán Thế Âm Bồ Tát. “Phật tử” vốn là tiếng để gọi chung người tin Phật, học Phật, như tứ chúng, thất chúng18 đều có thể xưng là Phật tử, nhưng ở đây chữ “Phật tử” này chuyên chỉ Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu nói dễ dãi, đức Phật coi chúng sanh đều như con một, nên hết thảy chúng sanh trong pháp giới đều xưng là “Phật tử” cũng chẳng hề gì; nhưng nếu nói phân biệt thì có đích tử và thứ tử. Theo Đại Thừa Phật pháp: Nhị Thừa là thứ tử (con dòng thứ) của Phật, vì chẳng thể kế thừa gia nghiệp Như Lai, Bồ Tát Thừa là đích tử (con dòng chánh) vì có thể thiệu long Phật chủng, gánh vác gia nghiệp Như Lai, nên người thật sự có thể xưng là con dòng, cháu đích của Phật chỉ có hàng Bồ Tát độ sanh tự lợi lợi tha. Quán Âm là đại Bồ Tát, đương nhiên có đủ tư cách xưng là Phật tử.

Cần biết: Đức Phật xuất thế hoàn toàn lấy việc hoằng pháp độ sanh làm gia vụ sự nghiệp, ngoại trừ việc hoằng pháp độ sanh, bất cứ việc gì khác Phật cũng chẳng làm! Hiện thời chúng ta đã là Phật tử, phải hoằng pháp độ sanh giống như đức Phật, phải gánh vác sự nghiệp đức Như Lai đã từng gánh vác, giống như con cái kế thừa giữ gìn sự nghiệp của cha mẹ. Làm đệ tử Phật, nếu chẳng thể thực hiện sự nghiệp Phật hóa, mà suốt đời chỉ có thể thực hiện Phật sự quấy quá cho xong thì chẳng những là bất hiếu đối với Phật, mà còn là cô phụ thân phận Phật tử của chính mình nữa. Đặc biệt là trong thời đại hiện tại, nhân loại đúng là đang cần được Phật pháp cứu vớt; là người con Phật càng phải nên tích cực thực hiện công tác hoằng dương Phật pháp, ngõ hầu nhân loại thế giới khỏi bị hủy diệt bởi oai lực của bom khinh khí (H-bomb). Do vậy, tôi mong những Phật tử chân chánh có lòng thiệu long Phật chủng chẳng để Phật chủng đoạn tuyệt hãy nên biết trách nhiệm trọng đại của chính mình, nhất trí vì Phật pháp, vì nhân loại, vì chúng sanh mà nỗ lực thực hiện sự nghiệp Phật hóa.

 

2.2. Hợp hiển đắc danh du hóa (giải thích rõ duyên do đắc danh và sự du hóa)

2.2.1. Hiển đắc danh sở dĩ (nêu nguyên do được danh hiệu)

2.2.1.1. Tổng tiêu (nêu chung)
      Chánh kinh:

      Cụ túc diệu tướng tôn,

      Kệ đáp Vô Tận Ý:

Nhữ thính Quán Âm hạnh,

Thiện ứng chư phương sở,

Hoằng thệ thâm như hải,

Lịch kiếp bất tư nghị,

Thị đa thiên ức Phật,

Phát đại thanh tịnh nguyện,

Ngã vị nhữ lược thuyết,

Văn danh cập kiến thân,

Tâm niệm bất không quá,

Năng diệt chư hữu khổ.

具足妙相尊。

偈答無盡意。     

汝聽觀音行。

善應諸方所。

弘誓深如海。

歷劫不思議。     

待多千億佛。

發大清淨願。

我為汝略說。

聞名及見身。     

心念不空過。

能滅諸有苦。

(Đấng đầy đủ diệu tướng,

Kệ đáp Vô Tận Ý:

Ông nghe hạnh Quán Âm,

Khéo ứng các nơi chốn,

Nguyện lớn sâu như biển,

Trải kiếp chẳng nghĩ bàn,

Hầu nhiều ngàn ức Phật,

Phát đại thanh tịnh nguyện,

Ta vì ông nói lược:

Nghe tên và thấy thân,

Tâm niệm chẳng luống qua,

Diệt khổ trong các cõi).
 Vô Tận Ý dùng kệ thỉnh vấn đức Phật, đức Phật là “cụ túc diệu tướng tôn” (đấng đầy đủ tướng tốt) bèn dùng kệ phúc đáp Vô Tận Ý:

Ông nay nghe ta nói sơ lược các hạnh môn ngài Quán Âm đã tu, chẳng phải đơn giản như mọi người tưởng tượng đâu nhé, mà thật là vi diệu chẳng thể nghĩ bàn được. Đối với các pháp môn ngài Quán Âm đã hành và các công đức Ngài đạt được, vì sao chẳng nói là Quán hay là Thấy mà lại nói là “nghe” (“Ông nghe hạnh Quán Âm”); trong phần giải thích vì sao Quán Thế Âm Bồ Tát có tên là Quán Thế Âm trong phần trên, tôi đã có nói rồi: Bồ Tát dùng lẫn lộn sáu căn, ở đây chẳng nhắc lại nữa.

Do Quán Âm Bồ Tát tu chẳng thể nghĩ bàn các hạnh môn, đã từng đạt được sức oai đức thần thông chẳng thể nghĩ bàn, bởi thế Ngài có thể “thiện ứng chư phương sở” (khéo hiện [trong khắp] các nơi chốn). Ở đây nói “phương sở” là chỉ mười phương quốc độ, ý nói: Quán Thế Âm Bồ Tát dùng ba mươi ba ứng thân ứng hiện trong bất cứ cõi nước nào, cũng có nghĩa là trong mọi ngóc ngách của mỗi một thế giới đều có Quán Âm Bồ Tát thị hiện, như trong phần trên nói là “vô sát bất hiện thân” (không cõi nào chẳng hiện thân) cũng chỉ là cách nói khác của “thiện ứng chư phương sở” vậy. Chẳng những là không một cõi nào trong không gian Bồ Tát chẳng hiện thân, mà trong thời gian, không lúc nào Bồ Tát chẳng hiện.

Quán Âm Bồ Tát đã đạt đến mức “không cõi nào chẳng hiện thân” là vì khi mới phát tâm, Ngài đã từng phát hoằng thệ sâu như biển cả nên nói là “hoằng thệ thâm như hải” (nguyện lớn sâu như biển). Hoằng () nghĩa là rộng lớn, Thệ (誓) nghĩa là ước định, tức là hành theo đúng đại nguyện mình đã lập, chẳng cần biết là gian nan khốn khổ như thế nào, đều chẳng vì gặp bất cứ trở ngại và thử thách nào mà buông bỏ hết thảy những điều mình đã lập nguyện phải làm. Sách Pháp Giới Thứ Đệ, quyển Hạ viết: “Duyên rộng khắp gọi là Hoằng, tự chế tâm mình gọi là Thệ, chí mong trọn đủ gọi là Nguyện”. Một con người lập chí phát nguyện nếu chẳng chế ngự được cái tâm mình, nếu chẳng muốn làm [nhất định] như thế nào đó thì sẽ khó tránh khỏi lui sụt, thất bại. Chỉ có nhờ vào tinh thần trăm thứ trở ngại chẳng nao núng, sau khi phát nguyện lập thệ, nhất tâm chuyên chí phấn đấu tiến lên, khi chưa trọn vẹn ý nguyện quyết chẳng ngưng nghỉ [thì mới thành tựu ý nguyện].

Thế nào mới là Hoằng Thệ? Trong Phật pháp, chỉ có đại thệ nguyện độ sanh mới là hoằng thệ. Nhưng độ sanh cũng chẳng phải là độ một hai chúng sanh hoặc một số ít chúng sanh mà phải độ khắp hết thảy chúng sanh; như kinh Kim Cang dạy: “Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại... ngã giai linh nhập Vô Dư Niết Bàn nhi diệt độ chi” (tất cả hết thảy loài chúng sanh… tôi đều khiến cho nhập Vô Dư Niết Bàn để diệt độ); ấy mới là hoằng thệ đại nguyện chân chánh. Trong lúc còn là phàm phu, mới phát tâm, Quán Âm Bồ Tát từng có mười hai đại nguyện, như nói: “Quán Âm Đại Sĩ, hiệu là Viên Thông, mười hai đại thệ nguyện rộng sâu” chính là lời thuyết minh rất khéo về hoằng thệ sâu như biển cả của Ngài. Bởi thế, mỗi một hành giả Bồ Tát chân chánh chẳng những có những nguyện chung phải nên lập, mà mỗi người còn phải lập những lời nguyện riêng biệt; như mười hai đại nguyện của đức Quán Âm cố nhiên là biệt nguyện. Như nói đến năm trăm đại nguyện của Phật Thích Ca, bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, mười hai đại nguyện của Phật Dược Sư, đều là nói về biệt nguyện vậy.

      Quán Âm đại sĩ phát Bồ Đề tâm, lập hoằng thệ nguyện, chẳng phải chỉ trong một hai ngày bèn hoàn thành đại thệ nguyện đó, mà là trong chẳng thể nghĩ bàn trần kiếp, tinh tấn dũng mãnh thực hiện Bồ Tát hạnh, nên nay mới đạt đến địa vị Nhất Sanh Bổ Xứ, bởi thế nói là “lịch kiếp bất tư nghị” (trải kiếp chẳng nghĩ bàn). Kiếp trong tiếng Ấn là Kiếp-ba (kalpa), tương phản với sát-na (ksana). Sát-na tượng trưng cho thời gian cực ngắn, Kiếp-ba tượng trưng cho thời gian cực dài. Thời gian lâu dài ấy chẳng thể dùng năm tháng ngày giờ thông thường để tính toán được nổi. Kiếp-ba còn dịch là Đại Thời, như quyển mười tám Trí Độ Luận chép: “Đại Thời gọi là Kiếp”. Xét ra, có ba loại: Đại Kiếp, Tiểu Kiếp, Trung Kiếp. Thời gian đức Quán Âm dành để tự hành hóa tha chẳng phải là một hai kiếp, dăm ba kiếp để con người chúng ta có thể tâm nghĩ, miệng bàn hòng suy lường được, mà là trải qua trần điểm kiếp, đấy là điều chúng ta chẳng thể nghĩ bàn được nổi.

      Trải qua chẳng thể nghĩ bàn trần sa kiếp, Quán Âm Bồ Tát rộng tu đại hạnh Bồ Tát, thời gian Ngài trải qua đương nhiên rất dài. Chính vì thời gian hành đạo Bồ Tát cực dài, nên Ngài cũng phụng sự chư Phật nhiều đến trăm ngàn vạn ức vị, như kinh Kim Cang nói: “Đương tri thị nhân, bất ư nhất Phật, nhị Phật, tam, tứ, ngũ Phật nhi chủng thiện căn, dĩ ư vô lượng thiên vạn Phật sở chủng chư thiện căn” (Phải biết người ấy chẳng phải gieo thiện căn nơi một Phật, hai Phật, ba bốn năm đức Phật, mà là gieo thiện căn nơi vô lượng ngàn vạn đức Phật). Bởi thế, kệ tụng nói: “Thị đa thiên ức Phật” (Hầu nhiều ngàn ức Phật). Sở dĩ một đức Phật xuất thế, Bồ Tát phải phụng thị (vâng kính, hầu hạ) là vì:

      1) Bồ Tát phải thường theo học với Phật, dù nói “Phật Phật đạo đồng”, nhưng phương tiện độ sanh của mỗi một đức Phật rốt ráo vẫn có điểm bất đồng. Bởi thế, Bồ Tát chẳng thể không phụng sự, học tập theo Phật.

      2) Bồ Tát phải giúp đức Phật tuyên dương, giáo hóa, dù ngàn vạn ức Phật xuất thế, Bồ Tát chẳng thể không phụng sự trước tòa mỗi đức Phật, nghe chư Phật sai khiến, giúp Phật tuyên dương pháp hóa.

      Hầu Phật đã rất nhiều, đương nhiên tích tập hạnh cũng rất thù thắng, cho nên nguyện đã phát cũng chỉ là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, tuyệt đối chẳng có các tạp niệm bất thuần chánh nào khác xen tạp vào, nên nói là “phát đại thanh tịnh nguyện”. Chúng ta lập nguyện nếu thuần vì lợi lạc cá nhân, chẳng những nội tâm đã sớm chẳng thanh tịnh mà còn do nguyện lực thúc đẩy, tự biểu hiện ra hành vi cũng chẳng thuần khiết. Động cơ lập nguyện của Bồ Tát, nhìn lên chỉ là thượng cầu Phật đạo, nhìn xuống chỉ mong hóa độ chúng sanh. Do hết thảy hoạt động của ba nghiệp thân - ngữ - ý tạm thời xa lìa hết thảy phiền não ác hạnh cấu nhiễm, hoặc vĩnh viễn xa lìa hết thảy cấu nhiễm phiền não ác hạnh, có thể nói là ba nghiệp không lầm lỗi, nên gọi là thanh tịnh; đấy mới thật sự là đại nguyện thanh tịnh. Chỉ có đại nguyện thanh tịnh như thế mới có thể ứng hiện trong hết thảy cõi nước, cứu tế khắp hết thảy chúng sanh.

Pháp sư Thông Lý nói: “Hai câu ‘lịch kiếp’ (tức “lịch kiếp bất tư nghị, thị đa thiên ức Phật”) cho thấy hạnh tự tu thù thắng, nghĩa là: Bồ Tát lúc tu nhân, trải qua kiếp số đã đến mức chẳng thể nghĩ bàn, những đức Phật Ngài đã hầu nhiều đến số ngàn ức. Hạnh ấy có thể nói là thù thắng vậy”. Như vậy, “phát đại thanh tịnh nguyện” đương nhiên có nghĩa là phát nguyện thù thắng. “Nguyện lớn, hạnh lớn, cúng nhiều Phật, nguyện rộng xa, gốc sâu rễ chắc, nên mới có đủ các thân ứng hóa Phổ Môn thị hiện như thế, thí đại vô úy, diệu lực chẳng thể nghĩ bàn, ví như thuyền cao nước lớn, đất nhiều [đắp được tượng] Phật to. Đấy là lời đức Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán Quán Thế Âm Bồ Tát diệu lực chẳng thể nghĩ bàn vậy”. Do vậy, Quán Âm Bồ Tát dù hạnh hay nguyện đều chẳng thể nghĩ bàn, đều đáng khen ngợi cả, bởi lẽ, Ngài chẳng vì tự thân mà phải làm như thế, mà thật sự là vì chúng sanh mà làm như thế, do một lòng giáo hóa chúng sanh cho họ được giải thoát, do hy sinh bản thân nên chứng giác Phật quả tối cao vô thượng.

Thêm nữa, đức Phật lại bảo cùng Vô Tận Ý: Tuy ở trên, ta đã vì ông nói các hạnh nguyện tự tha của Quán Âm Bồ Tát, nay ở đây ta vẫn phải vì ông lược nói những hạnh hóa tha của Quán Âm Bồ Tát. Quán Âm là vị Bồ Tát đại từ đại bi, không thời khắc nào chẳng quan hoài bọn chúng sanh ta, do đó, bất luận chúng ta “nghe tên”“thấy thân”, cho đến “tâm niệm” Bồ Tát thì đều sẽ cảm ứng Bồ Tát, chẳng đến nỗi luống uổng. Pháp sư Thông Lý nói: “Nghe tên ắt xưng niệm là dùng khẩu nghiệp để cảm; thấy thân ắt lễ là dùng thân nghiệp để cảm; tâm niệm ắt quán là dùng ý nghiệp để cảm. Ba điều ấy đều có thể ứng, nên chẳng luống uổng”. Có người cho rằng miệng xưng danh, thân thể lễ bái, tâm niệm tư duy là lãng phí thời gian, chẳng có ý nghĩa gì, chẳng có một chút lợi ích thật sự gì, đây là điều lầm lạc lớn nhất, mà cũng là lỗi lầm chẳng có tín niệm tôn giáo vậy!

Câu “năng diệt chư hữu khổ” (diệt khổ trong các cõi) hiển thị lợi ích thù thắng đạt được do nghe tên, thấy thân và tâm niệm Bồ Tát. “Chư Hữu” nói đơn giản là Tam Hữu, tức Dục Hữu, Sắc Hữu, Vô Sắc Hữu; nói ở mức độ trung bình là chín cõi: Ngũ Thú Tạp Cư Địa, Ly Sanh Hỷ Lạc Địa, Định Sanh Hỷ Lạc Địa; Ly Hỷ Diệu Lạc Địa, Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, Không Vô Biên Xứ Địa, Thức Vô Biên Xứ Địa, Vô Sở Hữu Xứ Địa, Phi Phi Tưởng Xứ Địa. Nếu phân tích chi tiết, “chư Hữu” chỉ hai mươi lăm Hữu trong tam giới, tức là bốn đường ác trong bốn đại châu, Lục Dục và Phạm Thiên, Tứ Thiền, Tứ Không Xứ, Vô Tưởng và Bất Hoàn. Gọi chung là Hữu vì có nhân có quả, nhân quả chẳng lầm vậy. Bình thường khi chúng ta nói đến Hữu thì có nghĩa là “tồn tại”, tức là mỗi một hữu tình có sanh mạng thể trong tam giới. Dù không thật sự có được một Tự Ngã, nhưng có giả tướng do duyên khởi hòa hợp, đích xác tồn tại trong thế gian này nên gọi là Hữu.

 Sanh mạng thể trong hai mươi lăm Hữu là bất đồng, nhìn từ quan điểm thế gian, đương nhiên là có sướng vui vô cùng khác biệt, như trên trời là sướng nhất, địa ngục là khổ nhất, nhân gian là khổ vui lẫn lộn. Nhưng nếu nhìn từ quan điểm Phật pháp, chúng sanh trong hai mươi lăm Hữu của tam giới đều cùng trong biển khổ sanh tử, không ai chẳng bị đau khổ bức bách. Nếu dựa trên ý nghĩa bức bách, thông thường nói có tám khổ, nhưng nay dựa theo quyển mười hai Trí Độ Luận lược nói có hai thứ khổ:

1) Nội khổ: Chỉ bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh khổ nơi thân thể, các nỗi khổ ưu sầu, ghen ghét v.v… trong tâm.

2) Ngoại khổ: Chỉ các nỗi khổ gia hại như ác tặc, cọp, sói v.v… nỗi khổ tai nạn mưa, gió, lạnh, nóng v.v…

Bất luận nội khổ hay ngoại khổ bức bách, chỉ cần thâu nhiếp tam nghiệp, nhất tâm xưng danh, thân lễ, tâm niệm, liền cảm ứng Bồ Tát, diệt trừ các nỗi khổ trong hai mươi lăm Hữu và các thứ ách nạn, thân tâm rốt ráo được giải thoát!

 

2.2.1.2. Biệt hiển (hiển thị riêng biệt từng điều)



2.2.1.2.1. Năng miễn tam nạn (thoát được ba nạn)
Chánh kinh:

Giả sử hưng hại ý,

Thôi lạc đại hỏa khanh,

Niệm bỉ Quán Âm lực,

Hỏa khanh biến thành trì.

Hoặc phiêu lưu cự hải,

Long, ngư, chư quỷ nạn,

Niệm bỉ Quán Âm lực,

Ba lãng bất năng một.

假使興害意。

推落大火炕。     

念彼觀音力。

火炕變成池。

或漂流巨海。

龍魚諸鬼難。     

念彼觀音力。

波浪不能沒。

(Nếu kẻ nổi ý hại,

Xô rớt hầm lửa lớn,

Nhờ sức niệm Quán Âm,

Hầm lửa biến thành ao.

Hoặc lênh đênh biển cả,

      Mắc nạn quỷ, cá, rồng,

      Nhờ sức niệm Quán Âm,

      Sóng mòi chẳng chìm được)

 

      Từ đây trở đi, trùng tụng những sự Quán Âm cứu nạn, cứu tai. Hai bài kệ tụng này ý nói có thể tránh được tam tai: hỏa tai, thủy tai, phong tai.



Giả sử trong thế gian này, có kẻ nào đối với quý vị khởi tâm ý hãm hại, thật sự đẩy quý vị rớt vào trong “hầm lửa lớn” mong kết thúc sanh mạng của quý vị; nhưng trong lúc đó, quý vị chẳng cần phải sanh ác niệm đối với kẻ đó, chỉ cần quý vị có thể niệm thánh hiệu đức Quán Âm Bồ Tát kia, liền có thể cảm ứng thần lực oai đức của Bồ Tát khiến cho cái hầm lửa lớn quý vị té vào đó ngay lập tức biến thành ao nước trong mát, khiến quý vị chẳng bị tổn thương mảy may nào. Kinh Hoa Nghiêm phẩm Nhập Pháp Giới chép: “Ma La Da sơn, xuất Chiên Đàn hương, nhược dĩ đồ thân, thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu” (Núi Ma La Da sanh hương Chiên Đàn, nếu bôi lên thân, dù có vào trong lửa lớn, lửa chẳng đốt nổi). Gỗ Chiên Đàn Hương thế gian còn có lực dụng như thế, huống hồ là hạnh nguyện lực của Bồ Tát?

Cao Tăng Truyện chép thời Ngụy có pháp sư Pháp Lực, phát tâm sửa tháp dựng chùa, đi ra ngoài mộ hóa, quyên được một xe mè, đi đến giữa đầm, gặp phải dịp đốt đồng, rủi thay lúc đó pháp sư Pháp Lực mệt mỏi ngủ quên, đến khi lửa cháy đến gần thân, bị khói lửa xông tỉnh, bèn lập tức xưng niệm thánh hiệu. Ngay lúc miệng vừa thốt ra chữ Quán, còn chưa niệm đến hai chữ Thế Âm, theo tiếng niệm gió liền nổi, ngọn lửa cũng theo đó tắt ngấm, đủ thấy hiệu lực của việc niệm thánh hiệu Quán Âm. Còn như Hỏa là Sân Hỏa, phần trên đã giảng rồi, bất tất phải nhắc lại. Nhưng cũng có thể hiểu “hầm lửa” là tỷ dụ đường ác; như nói: “Tam ác hỏa khanh, lâm chung dục nhập” (Hầm lửa ba đường ác, lâm chung sắp vào). Một người lúc còn sống tạo tội ác, đến lúc sắp chết, đương nhiên phải đọa ba ác đạo, thế nhưng ngay trong lúc đó, nếu có thể nhất tâm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, ngưỡng cậy sức oai đức từ bi của Quán Âm, lập tức chuyển ba đường ác thành đường lành; thậm chí vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Kinh Quán Thế Âm Đại Bi Đà Ra Ni nói: “Ngã nhược hướng hỏa thang, hỏa thang tự tiêu diệt” (Nếu tôi hướng về vạc lửa, vạc lửa tự tiêu diệt) cũng là nói về ý này.

      Bị người xô rớt vào hầm lửa, nhưng chẳng khởi ác niệm đối với người ấy, chỉ có người tu dưỡng nơi tôn giáo mới có thể làm như vậy được. Hết thảy mọi thế nhân thông thường, đừng nói là quý vị đẩy họ vào tử địa hay làm hại mạng, chỉ cần có chút gì chẳng vừa ý họ, họ cũng nghĩ cách trả đũa hết. Bởi thế, làm người tốt nhất là phải có tín ngưỡng tôn giáo và có sự tu dưỡng tôn giáo.

      Hoặc là có người chèo thuyền vượt biển, lúc thuyền vào trong biển cả, chợt gặp phải cuồng phong sóng dữ khiến thuyền “phiêu lưu cự hải” (lênh đênh trong biển cả), sóng gió vùi dập khiến người ta bị lạc hướng trong biển, đó là việc rất nguy hiểm! Bởi lẽ, nước sâu chẳng thể tự thoát, lại còn có các tai nạn rồng, cá, la-sát, các quỷ. Nói thật ra, nếu chẳng bị chết đuối, cũng vùi thân trong bụng cá, rất ít có cơ hội sanh tồn! Trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc ấy, nếu có thể niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, ngửa nhờ sức oai thần của Quán Âm Bồ Tát, sóng mòi chẳng thể nhấn chìm đáy biển, bởi thế nói là “ba lãng bất năng một” (sóng mòi chẳng chìm được). Nên biết “cự hải” (biển cả) được nói ở đây chỉ biển cả sanh tử vô biên, “rồng, cá, các quỷ” chỉ phiền não trong nội tâm chúng ta. Phiền não trong tâm chúng ta dậy sóng nổi gió khiến chúng ta vĩnh viễn trôi nổi trong biển sanh tử, chẳng đến được bờ kia Niết Bàn.

      Trên mặt sự tướng, tôi kể một hai câu chuyện cảm ứng: Trong niên hiệu Thuận Trị đời Thanh, có ông họ Lưu ở Mạt Lăng phát tâm triều lễ Nam Hải Phổ Đà, trong thuyền nguyện được thấy Bồ Tát, nào ngờ sau đó gặp cơn sóng gió, thuyền lật, họ Lưu rơi xuống nước. Tuy người đã ở dưới nước, trước mắt thấy bốn phía ánh sáng đỏ rực, có một vị tăng nhân, đưa ông ta về nhà, lúc vừa về đến nhà, vị tăng nhân biến mất; mới biết vị tăng nhân đến cứu họ Lưu chính là Quán Âm Bồ Tát thị hiện.

      Trong sách Tỳ Kheo Ni Truyện có nói thời Tấn có vị ni sư pháp danh là Lệnh Tông, trước tiên là ở Ký Châu, do niệm thánh hiệu được thoát nạn giặc. Buổi chiều, ni sư đến bến Đạt Mãnh, do không có thuyền để qua sông, Ni sư bèn kiền thành niệm thánh hiệu, chợt có một con nai trắng chạy tới, lội xuống sông, ni sư theo chân nai [vượt sông], chẳng bị thấm ướt, nhờ đó về được nhà. Nên biết con nai trắng đó cũng là Quán Âm thị hiện đến cứu ni sư Lệnh Tông.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương