QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang9/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17

1.1.2.2.2.2. Kết quy thần lực
Chánh kinh:

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát hữu như thị đẳng đại oai thần lực, đa sở nhiêu ích, thị cố chúng sanh thường ưng tâm niệm.

無盡意。觀世音菩薩。有如是等大威神力。多所饒益。是故眾生。常應心念

(Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có sức oai thần lớn lao như thế, hay làm lợi ích. Vì thế, chúng sanh nên thường tâm niệm)
Phật nói đến đây, lại kêu Vô Tận Ý Bồ Tát bảo: “Quán Thế Âm Bồ Tát hữu như thị đẳng đại oai thần lực” (Quán Thế Âm Bồ Tát có sức oai thần lớn lao như thế), bởi thế đối với chúng sanh trong thế giới, Ngài làm lợi ích rất nhiều như làm cho chúng sanh xa lìa dâm dục, xa lìa sân khuể, xa lìa ngu si, đấy chẳng phải là nhiêu ích hay sao? Tam Độc còn gọi là Tam Bất Thiện Căn, bây giờ chỉ do xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát bèn có thể chuyển tham dục thành vô tham tịnh định, chuyển sân khuể thành từ bi vô sân, chuyển ngu si thành trí huệ vô si, dẹp trừ ba bất thiện căn ác độc, gộp thành ba thiện căn đức hạnh, đạt đến mức phát triển hài hòa, quân bình. Nếu chẳng phải do sức oai thần lớn lao của Bồ Tát gia bị, thử hỏi làm sao đạt được như vậy?

Chúng sanh trong thế gian có cùng một tâm lý, hễ chuyện gì chẳng có lợi ích cho chính mình bèn chẳng thể sốt sắng tự nguyện làm, nếu chuyện gì có lợi cho chính mình bèn rất ưa thích làm ngay. Đức Quán Âm đầy đủ đại oai đức, thần thông lực, có đại lợi ích đối với chúng sanh, nên ở đây, đức Phật đặc biệt khuyến cáo: “Thị cố chúng sanh thường ưng tâm niệm” (Vì thế, chúng sanh phải thường tâm niệm).

Trong phần kinh văn này, đáng chú ý nhất là hai chữ “tâm niệm”. Bình thường mọi người niệm thánh hiệu Quán Âm đều là khẩu niệm, nếu lúc niệm mà tâm tương ứng với miệng sẽ tự nhiên rất tốt. Nếu như miệng niệm thánh hiệu, tâm suy Đông nghĩ Tây, tuy chẳng thể nói là hoàn toàn vô ích, nhưng công đức đạt được rất nhỏ, muốn có cảm ứng rất khó. Chẳng lạ gì người niệm Quán Âm rất nhiều, nhưng người được Bồ Tát cảm ứng rất ít.

Nên biết là miệng niệm, nhưng tâm chẳng đặt nơi thánh hiệu, chẳng duyên nơi sức công đức oai thần của Bồ Tát thì muốn có cảm ứng chẳng thể được. Bởi thế, hai chữ “tâm niệm” ở đây trọng yếu phi thường. Chẳng những tâm niệm mà còn phải thường niệm. Nếu lúc cao hứng thì niệm, lúc chẳng cao hứng không niệm thì vẫn là chẳng đúng; tất yếu là phải thường niệm. Lúc niệm, miệng niệm, tai nghe, tâm tưởng, thì mới có thể cảm ứng oai đức thần lực của Bồ Tát vậy.

 

1.1.2.2.3. Năng ứng nhị cầu (đáp ứng hai điều mong cầu)

1.1.2.2.3.1. Chánh minh ứng cầu (nêu rõ những chuyện ứng với lòng mong cầu)
Chánh kinh:

      Nhược hữu nữ nhân, thiết dục cầu nam, lễ bái cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, tiện sanh phước đức trí huệ chi nam; thiết dục cầu nữ, tiện sanh đoan chánh hữu tướng chi nữ, túc thực đức bổn, chúng nhân ái kính.



若有女人。設欲求男。禮拜供養觀世音菩薩。便生福德智慧之男。設欲求女。便生端正有相之女。宿植德本。眾人愛敬。

      (Nếu có người nữ muốn cầu con trai, lễ bái cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát liền sanh con trai phước đức trí huệ; nếu muốn cầu con gái, liền sanh con gái đoan chánh hữu tướng, đời trước đã gieo gốc lành, mọi người kính yêu).


Cứu bảy nạn, lìa ba độc đều đã giảng qua. Nay giảng về hai điều cầu mong, tức là ứng với hai điều mong cầu của chúng sanh, Bồ Tát bèn cho được thỏa nguyện. Hai thứ cầu mong vừa nói đó chính là cầu sanh con trai, con gái. “Cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái”, ứng với hai điều cầu mong. Chúng sanh trong thế gian không ai chẳng mong sanh con đẻ cái vì muốn được truyền dòng nối dõi. Nếu cá nhân nào tuyệt tử tuyệt tôn, luận theo lập trường thế tục thì thật bi thảm; nhưng nếu luận theo Phật pháp, con cái là nợ nần, đặc biệt đối với việc tu hành, bởi lẽ quyến luyến con cái rất khó thể tấn tu.

Lại nói về con cái thì chẳng ngoài hai loại:

- Một là trả nợ, như con cháu hiếu thuận phụ mẫu, yêu thương, bảo vệ gia đình.

- Một là loại đến đòi nợ, như những hạng con cháu bất hiếu, ngỗ nghịch, tiêu hao tài sản.

Bởi thế, chân chánh tu hành chẳng nhất định phải có con cái, nhưng vì đáp ứng lòng chúng sanh thế gian mong cầu, Phật, Bồ Tát từ bi cũng có thể thỏa mãn nguyện cầu của chúng sanh. Bởi thế, trong những thân thị hiện của Quán Âm có hình tượng Quán Âm Tống Tử v.v...

Nhược hữu nữ nhân, thiết dục cầu nam” (Nếu có nữ nhân muốn cầu con trai): Trong mọi gia đình thế tục, cả cha lẫn mẹ đều mong có con như nhau, sao ở đây lại chỉ nói là người nữ mong cầu con trai, con gái? Phải biết là tâm cầu có con cái của nữ nhân so ra chân thành, khẩn thiết hơn các ông chồng rất nhiều; bởi thế kinh văn đặc biệt nói nữ nhân cầu con cái. Tâm phụ nữ cầu con cái khẩn thiết hơn chồng nói chung là do ba nguyên nhân:

1) Cha mẹ chồng cưới dâu về đại đa số là vì rất mong được ẵm cháu. Nếu như con dâu sau khi cưới chậm có cháu, chẳng khỏi bố mẹ chồng thất vọng, thậm chí sanh lòng ghét bỏ con dâu, bởi thế phụ nữ hy vọng sớm sanh con đẻ cái để bố mẹ chồng được vui lòng.

2) Người đàn ông sở dĩ lấy vợ vì muốn gia tộc khói hương chẳng dứt, bởi lẽ suốt ngày cay đắng, khổ sở, bận rộn, không điều gì chẳng phải là vì gia đình, con cái. Nếu như vợ chậm sanh nở, chẳng những đánh mất lòng yêu thương của chồng, thậm chí chồng còn toan lấy vợ khác; bởi thế, tâm cầu con đặc biệt khẩn thiết.

3) Đàn bà sau khi kết hôn, nếu không có con cái, chẳng những bố mẹ chồng ghét bỏ, chồng cũng sanh chán, trong vòng thân thích cũng đâm ra chê cười cô vợ, bởi thế tâm nữ nhân cầu con càng khẩn thiết, chân thành hơn so với nam nhân.

Trong thế gian, nếu có nữ nhân nào thật sự cầu có được một đứa con trai, thì có cách nào? Kinh dạy chúng ta: Chỉ cần “lễ bái, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, liền sanh con trai phước đức trí huệ”. “Lễ bái” là chí thành, khẩn thiết, năm vóc gieo xuống đất; giống như cách mọi người thường lễ Phật hiện tại. Cúng dường là dùng các thứ phẩm vật như hương, hoa v.v… cúng dường. Luận về phía Bồ Tát, Ngài vốn chẳng cầu mong gì nơi chúng ta, sao lại nói đến cúng dường? Chỉ vì để cầu phước hay cầu con, chúng ta chẳng thể không biểu lộ một chút tâm ý; chẳng qua, nhà Phật nói đến cúng dường, không nhất định phải là tài vật. Nếu như thân thể cung kính lễ bái, miệng xưng niệm danh hiệu, trong tâm quán tưởng thánh dung; ba nghiệp cúng dường như thế là cúng dường tối thượng. Làm được như vậy, nhất định Bồ Tát sẽ ban cho quý vị một đứa con trai phước đức, trí huệ vẹn toàn.

Sanh làm con người, phước đức và trí huệ đều trọng yếu như nhau. Có phước đức nhưng không trí huệ ví như sanh làm đứa con khờ khạo trong gia đình giàu có. Tuy có mọi thứ tốt lành để hưởng thọ, nhưng cái gì cũng không biết; có phước không huệ như thế chỉ gọi là Si Phước. Có trí huệ nhưng vô phước như chàng Tú Tài trong gia đình nghèo khó, tuy bụng đầy ắp kinh luân văn chương nhưng cuộc sống quẫn bách. Có trí huệ mà vô phước như thế chỉ có thể gọi là Cuồng Huệ; cũng chẳng phải là lý tưởng. Bởi thế, cầu có được đứa con trai phải cầu đứa phước huệ song toàn, chẳng cầu đứa con si phước hay cuồng huệ. Đấy chính là ý nghĩa thật sự của việc cầu con được con. Bây giờ tôi kể một câu chuyện thật như sau:

Trong quá khứ, tại Trung Quốc có một vị cư sĩ học Phật tại gia, tên là Đàm Hiến Khanh, nhà rất giàu có, có cả vợ lẫn thiếp, nhưng đến năm mươi tuổi vẫn chưa có con. Chỉ vì tài sản rất nhiều, tất nhiên mấy đứa cháu tranh nhau làm con thừa tự, mong hưởng tài sản của ông ta nên không ngừng tranh chấp với nhau. Đàm Hiến Khanh nghe những chuyện ấy, cảm thấy buồn bực vô cùng, thấy mình còn sống đây mà chúng nó đã tranh đoạt tài sản. Họ Đàm là người tín phụng đức Quán Âm, nghĩ Quán Âm đại từ đại bi, bèn phát tâm bỏ ra năm ngàn đồng làm lễ Đại Bi Sám Đàn, chân thành lễ Đại Bi Sám Pháp bốn mươi chín ngày. Chẳng lâu sau, người thiếp hoài thai, đến kỳ sanh hạ một bé trai trắng trẻo, mi thanh mục tú, thông mẫn, linh lợi. Bà vợ thấy lễ niệm Quán Âm quả thật có cảm ứng, cũng phát tâm bỏ ra một ngàn đồng dựng Bạch Y Các để thờ Quán Âm Đại Sĩ, chuyên dốc lòng thành lễ bái cúng dường, về sau cũng sanh được một đứa con trai phước đức, trí huệ. Từ đó, nhân đinh nhà họ Đàm rất vượng, chứng tỏ lễ bái cúng dường Quán Âm Bồ Tát có thể khiến cho chúng ta sanh hạ những đứa con xinh đẹp, hiền lương; kính xin quý vị hãy tin tưởng sâu đậm đừng ngờ vực!

Chẳng riêng gì cầu con trai được con trai, nếu có nữ nhân “thiết dục cầu nữ, tiện sanh đoan chánh hữu tướng chi nữ” (ví muốn cầu con gái, liền sanh con gái đoan chánh hữu tướng). Ý nói: Trong thế gian này, nếu có nữ nhân nào cầu đảo Quán Thế Âm Bồ Tát, hy vọng sanh được một mụn con gái, Bồ Tát cũng cho được thỏa nguyện. Bốn chữ “đoan chánh hữu tướng” ở đây vô cùng trọng yếu. Bởi lẽ, làm thân con gái trong thế gian, so với nam giới thì vấn đề thân tướng đoan chánh trang nghiêm càng được đặt nặng hơn, tuyệt đối chẳng thể có tướng gì khuyết hãm. Thế gian thường nói “ngũ quan đoan chánh”, nhà Phật gọi là “sáu căn đầy đủ”, đều hàm ý thân tướng đoan nghiêm.

Người sống trong thế gian bất luận nam hay nữ, chẳng ai mong tướng mạo mình xấu xí, khó coi cả; ai nấy đều mong mỏi mình sanh ra được tướng mạo đoan chánh, dễ nhìn. Như vậy, “đoan chánh hữu tướng” nghĩa là người con gái đó phẩm hạnh đoan chánh, hành vi lại càng trang trọng. Nếu tướng mạo đoan nghiêm nhưng hành vi cẩu thả, chắc chắn chẳng phải là lý tưởng rồi. Nếu như một người con gái tướng mạo đoan trang, hành vi chẳng cẩu thả, chẳng những lòng cha mẹ vui thích, người khác trông thấy cũng vui thích. Cứ theo hiện thực thế gian mà nói, có thể thấy rõ là: Nếu một đứa bé gái chừng hai ba tuổi, nếu càng lớn càng dễ nhìn, ai cũng thích chơi đùa với nó; còn như nó vừa xấu vừa bẩn, chẳng có ai thích nó cả. Bởi thế, đoan chánh hữu tướng là một điều kiện chẳng thể thiếu đối với nữ nhân vậy.

Nhà Phật nói đoan chánh hữu tướng là Quả, có Quả ắt phải có Nhân, chẳng thể không Nhân mà có Quả được. Vì đâu người con gái ấy được đoan chánh hữu tướng? Vì cô ta “túc thực đức bổn” (trồng gốc lành trong đời trước). Chữ “túc(宿) chỉ đời sống quá khứ. Trong đời quá khứ làm một con người tích cực, đức hạnh cao siêu, phẩm cách thanh cao, lại làm những chuyện công đức thiện căn lợi ích nhân quần xã hội, nên mới cảm được quả báo đoan chánh hữu tướng. Có được quả báo như thế, đương nhiên được “mọi người ái kính”.

Hai chữ “ái kính” cũng mang ý nghĩa rất trọng yếu. Một phụ nữ sống trong thế gian được mọi người kính yêu, thật là tối lý tưởng, mà cũng là một người “hiền huệ trang thục” (hiền lương, thông minh, đoan trang, trinh thục). Nói thật ra, một người con gái chỉ được người ta yêu chứ không kính, tất nhiên rất hạ tiện; trái lại, chỉ được người ta kính chứ không yêu, tức là “kính nhi viễn chi”, sẽ dần dần trở thành một người cô độc, tự nhiên cũng chẳng phải là lý tưởng gì. Lý tưởng nhất là một mặt được người khác yêu mến, lại còn được người ta tôn kính. Trong lòng yêu lại có mấy phần kính nể, sẽ chẳng bị người khác tùy tiện coi thường, lại chẳng khiến người khác dễ khởi vọng niệm. Nếu một cá nhân được người khác kính yêu, tất nhiên cũng chiếm được hảo cảm của người khác; bởi thế ở đây đặc biệt dùng hai chữ “ái kính” để biểu thị người con gái tài đức song toàn.

Cầu con trai được con trai phước đức - trí huệ, cầu con gái được con gái đoan chánh - hữu tướng, phải biết đó là nói tương đối. Trên thực tế, nam nhân chẳng những cần có phước đức, trí huệ, mà cũng cần phải đoan chánh hữu tướng. Không riêng gì nữ nhân cầu tướng mạo mỹ mãn, ngay cả nam nhân cũng mong mỏi. Chẳng có nam tử nào trong thế gian mong mình xấu xí, thô lậu cả, bởi lẽ yêu cái đẹp là thiên tánh của con người. Cũng thế, nếu con gái đoan chánh hữu tướng, nhưng không có phước đức, trí huệ thì đời người cũng chẳng mỹ mãn. Như ngạn ngữ Trung Quốc thường nói: “Hồng nhan đa bạc mệnh” (gái đẹp số phận thường hẩm hiu), chính là nói về hạng người đoan chánh hữu tướng nhưng không phước đức, trí huệ; bởi vậy, đàn bà cũng cần phải có phước đức, trí huệ.

Bất quá, nếu phân biệt thì nam nhân đặt nặng phước huệ, nữ nhân coi trọng tướng hảo. Chứ thật ra phải nói là: Cầu con trai được con trai phước đức, trí huệ, đoan chánh, hữu tướng; cầu con gái liền sanh con gái đoan chánh, hữu tướng, phước đức, trí huệ. Kinh Diệu Huệ Đồng Nữ nói: “Thân tướng đoan nghiêm” ngụ ý đoan chánh hữu tướng; “phú quý tôn thân” ngụ ý phước đức, trí huệ. Có thể nói: Làm thân người, phước đức và tướng mạo đều trọng yếu như nhau.

 Nhắc đến chuyện cầu con trai, con gái, bây giờ tôi cũng kể một chuyện thật để thuyết minh như sau:

Trong quá khứ, ở Trung Quốc có một người tên là Hoa Đôn, kết hôn đã gần hai mươi năm, người vợ từ đầu đến cuối vẫn không sanh nở gì, vợ chồng chẳng tránh khỏi đôi phần lo lắng. Nhưng bọn họ đều tin Phật, nhất là đối với Quán Âm Bồ Tát càng tin kính, ngưỡng mộ cao độ. Bởi thế, họ khẩn thiết cầu đảo Quán Âm Bồ Tát, lại kiền thành cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát. Chính nhờ họ khẩn thiết chí thành, quả nhiên được Bồ Tát cảm ứng. Ước chừng một tuần lễ sau, người vợ mộng thấy Quán Âm Bồ Tát bảo:

- Ta thấy các ngươi kiền thành cầu khẩn ta, chẳng nỡ để các ngươi thất vọng. Bởi vậy, ta đặc biệt ban cho các ngươi một trai, một gái, hy vọng các ngươi an tâm, đừng lo đến chuyện này nữa!

Sau khi người vợ nằm mộng chẳng bao lâu, quả nhiên năm sau sanh một bé trai, năm kế đó lại sanh một đứa con gái. Do điều này, chứng tỏ chỉ cần thành tâm, thành ý cầu nguyện cùng Quán Thế Âm Bồ Tát, Bồ Tát không nguyện nào chẳng thỏa mãn, khiến cho chúng sanh tâm nguyện toại ý. Chúng ta phải tin tưởng sự thật này, bởi lẽ đó là điều chính miệng đức Phật đã nói trong pháp hội Pháp Hoa, tuyệt đối chẳng dối người.

Cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái giảng về mặt sự thật, cố nhiên là như thế, nay cũng nên luận theo mặt đạo lý. Phải biết rằng nam được nói ở đây tượng trưng cho Trí Huệ, nữ tượng trưng cho Thiền Định hoặc Từ Bi. Tôi sẽ phân biệt đại lược như sau:

Nam đại biểu cho Trí Huệ vì nếu nhìn từ hiện thực thế gian sẽ thấy rõ: Sức quyết định, chọn lựa của nam tử đối với mọi sự đúng là trội hơn nữ nhân. Nếu như có việc gì đó phát sanh, nữ giới thường có biểu hiện lo lắng, mềm yếu, không dám quyết đoán, chẳng biết nên cư xử như thế nào, nhưng nam giới thường phán đoán ngay, thấy nên làm như thế nào bèn lập tức làm như thế đó, chứng tỏ trí huệ của nữ giới yếu hơn. Nhưng xét theo mặt hành vi hoạt động, ta lại thấy rõ nữ giới tánh tình nhàn tịnh hơn, bất luận gặp phải hoàn cảnh nào cũng đều biểu lộ tánh cách khoan hòa hơn nam; bởi vậy người đời hay nói: “Nam hiếu động, nữ hiếu tịnh”. Nhất là vào thời cổ, thường dùng mấy chữ “u nhàn trinh tịnh” để hình dung mỹ đức của nữ giới. Bởi vậy, riêng lấy nữ giới tượng trưng Thiền Định. Do đó, trong Phật pháp, nói “cầu nam, cầu nữ” chính là cầu trí huệ của nam, cầu Thiền Định của nữ. Dựa trên kinh Phật có thể hiểu rõ điều này,

Như người sống trong cõi trời Dục Giới, do tâm tán loạn đặc biệt nặng nề, chỉ có trí huệ bình phàm, thiếu hẳn Thiền Định như pháp, bởi thế trí huệ mà họ có được đó chỉ là Cuồng Huệ; nếu nói là nam thì đó là Cuồng Nam. Đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thuộc Vô Sắc Giới, chỉ có Định tâm vi tế, nhưng do tâm lực bạc nhược thái quá, nên chỉ có Định thiếu Huệ. Có Định không Huệ chỉ có thể gọi là Khô Định; nếu gọi là nữ thì chỉ là Si Nữ. Còn như cõi trời Tứ Thiền thuộc Sắc Giới và ba tầng trời trước của Vô Sắc Giới, tuy nói là có Định có Huệ, Định Huệ đầy đủ, nhưng Định Nữ ấy chẳng thể sanh ra Vô Lậu Huệ Nam, chẳng thể giải quyết các thứ phiền não, nên Định Huệ hữu lậu ấy chỉ có thể gọi là Si Nam Thạch Nữ11, vẫn chẳng mỹ mãn, chẳng phải là pháp môn nam nữ mà hành giả Phật pháp đáng nên cầu mong vậy.

Còn như trí huệ của bậc thánh giả Nhị Thừa xuất thế, nhân vì có thể siêu sanh thoát tử, nên gọi là Vô Lậu Định Huệ. Nhưng Huệ Nam đó chỉ có thể đoạn được Kiến Tư phiền não, chẳng thể đoạn Căn Bản Vô Minh, Định Nữ tuy sanh Vô Lậu, nhưng chẳng thể nhập Trung Đạo. Bởi thế chúng ta phải cầu Trung Đạo Trí Huệ Nam, Trung Đạo Phước Đức Nữ, chẳng chấp vào Không - Hữu. Huệ chính là Định thì gọi là con trai trí huệ có phước đức, Định chính là Huệ thì gọi là con gái có phước hữu huệ. Huệ là trí đức trang nghiêm, Định là phước đức trang nghiêm.

Đạt đến địa vị Phật là Phước lẫn Huệ cùng đủ nên gọi là Lưỡng Túc Tôn. Thân sắc vàng và tướng hảo quang minh không gì sánh bằng chính là phước trọn đủ; tứ biện tài, tám âm thanh, xét căn cơ [của chúng sanh] mà ban bố giáo pháp, chính là Huệ đầy đủ. Bởi chúng ta không có phước huệ Trung Đạo trang nghiêm nên phải làm chúng sanh lưu nhập sanh tử. Ngạn ngữ có câu: “Nhân yếu y trang, Phật yếu kim trang” (người đẹp bởi áo, tượng Phật đẹp vì thếp vàng); trang nghiêm cực kỳ trọng yếu. Bởi thế cần phải cầu Phước, cầu Huệ, lại còn phải Phước Huệ Song Tu. Tự tánh là cái được trang nghiêm (sở trang nghiêm), phước huệ là chủ thể trang nghiêm [tự tánh] (năng trang nghiêm), Năng - Sở bất nhị thì gọi là “diệu nam diệu nữ cụ túc trang nghiêm”. Điều này cho thấy chuyện cầu con trai con gái được nói trong phẩm này chẳng nên hiểu là chuyện cầu con trai con gái thông tục của thế gian, mà phải hiểu là cầu con trai trí huệ, cầu con gái Thiền Định.

Lại còn có thể hiểu như thế này: nam biểu thị Trí Huệ, nữ biểu thị Từ Bi. Nhìn trên phương diện tánh khí nam nữ bình thường, nữ giới tánh tình ôn hòa, tâm cảm thông rất lớn, biểu hiện lớn nhất là tình mẹ càng vượt trội nam giới, vì thế phụ nữ tượng trưng cho Từ Bi. Như vậy, cầu con trai là cầu Trí Huệ, cầu con gái là học Từ Bi. Chỉ có Bi - Trí song vận như thế mới hòng đạt được Bi - Trí trọn đủ. Có đầy đủ cả Bi lẫn Trí mới tương ứng với Bi - Trí của Quán Âm Bồ Tát, đương nhiên mới được oai lực của Bồ Tát gia hộ, mới khiến cho Từ Bi - Trí Huệ của mình ngày càng tăng trưởng, Bi - Trí đã tốt, Định - Huệ càng hay, đấy đều là những điều hành giả nhà Phật đáng nên cầu. Bởi thế, người tu hành có cầu con trai, con gái như thế thì chẳng qua là cầu con trai Trí Huệ và con gái Từ Bi - Thiền Định đó thôi.

 

1.1.2.2.3.2. Tổng kết thần lực
Chánh kinh:

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát hữu như thị lực.

無盡意。觀世音菩薩有如是力。

(Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có sức như thế).
Nói đến đây, đức Phật lại gọi Vô Tận ý bảo: “Quán Thế Âm Bồ Tát có sức oai đức thần thông vĩ đại như thế khiến cho cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái, chẳng để chúng sanh thất vọng mảy may nào!”

 

1.1.2.2.4. Năng đắc đa phước (được nhiều phước)



1.1.2.2.4.1. Khuyến trì giảo lượng (so sánh [công đức], khuyên nên trì niệm)
Chánh kinh:

Nhược hữu chúng sanh cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát, phước bất đường quyên. Thị cố chúng sanh giai ưng thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu.

若有眾生恭敬禮拜觀世音菩薩。福不唐捐。是故眾生。皆應受持觀世音菩薩名號。

(Nếu có chúng sanh cung kính, lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát, phước chẳng luống uổng. Vì thế chúng sanh đều nên thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát).
Tiếp theo là phần kinh văn nói [trì danh hiệu Quán Âm] sẽ được nhiều phước. Trước hết là khuyên trì danh hiệu Bồ Tát và so sánh công đức nhiều ít. Phật nói “nếu có chúng sanh” phát tâm “cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát”, kẻ ấy sẽ được phước đức, quyết định chẳng bị luống uổng. Đường (唐) là uổng phí, Quyên (捐) là vứt bỏ. “Bất đường quyên” nghĩa là chẳng nhọc nhằn uổng công vô ích. Vì thế, chúng ta cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát, đừng nghĩ là chẳng ích gì cho mình cả, thật ra, cung kính có phước đức của cung kính, lễ bái có phước đức của lễ bái, tuyệt đối chẳng uổng phí, lãng phí thời gian.

Có người vì hằng ngày lễ bái Quán Thế Âm, xưng niệm Quán Thế Âm, nhưng trọn chẳng được Bồ Tát cảm ứng gì, bèn nghĩ lễ niệm Quán Âm vô ích, đã chẳng phát sanh trí huệ, lại còn chẳng tăng trưởng từ bi, càng chẳng đắc Thiền Định, nào biết nghĩ như vậy là lầm. Bởi thế, ở đây đức Phật đặc biệt nhắc nhở chúng ta: Nếu quả thật chân chánh xưng niệm, cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát thì tuyệt đối chẳng luống uổng. Đã như thế thì “thị cố chúng sanh, giai ưng thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu” (vì vậy, chúng sanh đều nên thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát). Thọ (受) là lãnh thọ, chủ yếu là do Tín lực duy trì; Trì (持) là Ức Trì (nhớ, giữ), chủ yếu là nhờ Niệm lực ghi nhớ. Lãnh thọ nơi tâm, chấp trì chẳng quên, thì gọi là Thọ Trì. Bởi thế thọ trì danh hiệu Bồ Tát là điều mỗi một cá nhân phải tuân thủ, nhớ kỹ.

Bây giờ tôi nêu chuyện của một vị đại đức được cảm ứng trong Cao Tăng Truyện để chứng minh:

Vào đời Tấn ở Trung Quốc, tại Trung Sơn, có vị tăng tên Bạch Pháp Kiều. Lúc niên thiếu, Sư rất thích tụng kinh, nhưng không rõ do nguyên nhân gì, thanh âm cứ bị vướng tắc không thông suốt. Pháp Kiều biết mình nghiệp chướng sâu nặng, bèn kiên định thực hành tuyệt thực, lại còn khẩn thiết chí thành sám hối. Trong bảy ngày bảy đêm kiền thành hướng về Quán Âm Bồ Tát lễ bái cầu nguyện, mong Bồ Tát gia bị khiến cho tiếng tụng kinh của mình thông suốt không trở ngại. Những pháp sư khác thấy Ngài chẳng ăn, chẳng ngủ, khổ nhọc tu hành, có hại cho thân thể nên khuyên Ngài bất tất phải hành xác như thế, nhưng Ngài vẫn cứ hành như vậy, chẳng đổi thay ý niệm ban đầu chút nào.

Đúng là người có tâm thành, Phật, Bồ Tát liền có cảm ứng. Bởi thế, đến ngày thứ bảy, cảm thấy trong họng tự nhiên nhẹ nhàng, biết là Bồ Tát cảm ứng, liền dùng nước súc miệng, đến khi tụng kinh lần nữa, tiếng vang hơn ba dặm. Người xa gần nghe thấy đều cảm thấy rất lạ lùng, người lẫn vật đều đến nghe Ngài tụng kinh. Cho đến năm chín mươi tuổi, thanh âm chẳng biến cải; cho thấy cung kính, lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát có cảm ứng, chẳng uổng phí công lao vậy.

 

Chánh kinh:



Vô Tận Ý! Nhược hữu nhân thọ trì lục thập nhị ức hằng hà sa Bồ Tát danh tự, phục tận hình cúng dường ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược. Ư nhữ ý vân hà? Thị thiện nam tử, thiện nữ nhân công đức đa phủ?

Vô Tận Ý ngôn:

- Thậm đa! Thế Tôn!

Phật ngôn:

- Nhược phục hữu nhân thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, nãi chí nhất thời lễ bái cúng dường, thị nhị nhân phước, chánh đẳng vô dị. Ư bách thiên vạn ức kiếp bất khả cùng tận.

無盡意。若有人受持六十二億恒河沙菩薩名字。復盡形供養飲食、衣服、臥具、醫藥。於汝意云何。是善男子善女人。功德多不。無盡意言。甚多﹐世尊。佛言。若復有人。受持觀世音菩薩名號。乃至一時禮拜供養。是二人福。正等無異。於百千萬億劫。不可窮盡。

(Này Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, lại còn suốt đời cúng dường thức ăn, y phục, đồ nằm, thuốc men, ý ông nghĩ thế nào?

Vô Tận Ý đáp:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều!

Phật dạy:

- Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thậm chí là lễ bái cúng dường trong chốc lát, thì phước của hai người này giống hệt như nhau, trong trăm ngàn vạn ức kiếp chẳng thể cùng tận).
Phần trên là khuyên nên trì niệm, còn phần này là so lường công đức. Chúng ta thường ngày trì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, rốt cuộc có công đức như thế nào? Đạt được công đức lớn hay nhỏ, chẳng có biện pháp gì biết được, chỉ từ sự so sánh ở đây mới hòng biết được. Tức là nếu so sánh công đức do thọ trì danh hiệu các Bồ Tát khác và công đức thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, ngay lập tức sẽ biết to nhỏ như thế nào.

Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát: “Nếu quả thật có người nào đó phát tâm thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát”: Hằng hà (Ganges) là một con sông lớn ở Ấn Độ, dài đến mấy ngàn dặm, rộng đến bốn mươi dặm, nhưng nước rất cạn. Cát trong sông Hằng rất mịn nhuyễn, kinh Phật mỗi khi nói đến số nhiều thường lấy cát sông Hằng làm ví dụ. Nếu dùng tay bốc lấy một nắm cát, số hạt cát ấy đã nhiều đến nỗi chẳng thể đếm nổi số. Một con sông có bao nhiêu cát càng khó hình dung hơn nữa. Mỗi một hạt cát ví như danh hiệu một vị Bồ Tát, danh hiệu Bồ Tát tượng trưng bởi số cát trong một con sông Hằng đương nhiên đã rất nhiều; nhưng ở đây nào phải nói số cát của hai ba con sông Hằng thôi đâu mà là cát của sáu mươi hai ức con sông Hằng! Số Bồ Tát được hình dung bởi những hạt cát trong các con sông Hằng như thế có thể nói là nhiều vô lượng vô biên. Chúng sanh thọ trì danh hiệu của các vị Bồ Tát nhiều như cát của sáu mươi hai ức sông Hằng, chẳng cần phải nói nữa, trì danh rất nhiều, phước điền cũng rất nhiều.

Không chỉ thọ trì xưng niệm danh hiệu đâu nhé, “phục tận hình cúng dường ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược” (lại còn suốt đời cúng dường thức ăn, y phục, ngọa cụ, thuốc men), những thứ này gọi là “tứ sự cúng dường”. Lúc Phật tại thế, tín đồ cúng dường chẳng ngoài Tứ Sự. Có bệnh bèn cúng dường thuốc, bình thường thì cúng dường thức ăn, y phục, ngọa cụ. Bởi lẽ bốn thứ này đều là những thứ cần thiết để nhân loại sanh tồn; Phật, Bồ Tát và thánh giả La Hán cũng chẳng ngoại lệ. Nhưng cúng dường như vậy phải đâu chỉ một hai ngày, nào phải một hai năm, mà là suốt đời cứ cúng dường như thế. Nếu như năm hai mươi tuổi phát tâm cúng dường, sống đến tám mươi tuổi mới chết thì cúng dường suốt sáu mươi năm. Nói chung, trọn khoảng thời gian mình sống được đều cúng dường tứ sự như thế.

- Thọ trì danh hiệu nhiều như thế là thọ trì rất nhiều, là đại công đức thứ nhất.

- Sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát là phước điền nhiều, là đại công đức thứ hai.

- Tứ sự cúng dường là cúng dường nhiều, là đại công đức thứ ba.

- Trọn tuổi thọ phát tâm cúng dường là thời gian nhiều, là đại công đức thứ tư.

Do đó, Phật lại hỏi Vô Tận Ý Bồ Tát: “Ư nhữ ý vân hà? Thị thiện nam tử, thiện nữ nhân công đức đa phủ?” (Ý ông nghĩ như thế nào? Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy công đức có nhiều chăng?) Nói đơn giản, nghĩa là người ấy có được nhiều công đức hay chăng? Vô Tận Ý Bồ Tát thành thật đáp: “Thậm đa! Thế Tôn!” (Thưa Thế Tôn rất nhiều). Người ấy đạt được rất nhiều công đức, chẳng riêng gì Bồ Tát Vô Tận Ý đáp như thế, nếu hỏi bất cứ ai cũng sẽ đều dị khẩu đồng thanh đáp: “Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân như thế đạt được công đức thật là rất nhiều, chúng con chẳng thể nói được nổi”.

Sau khi đức Phật nghe Vô Tận Ý Bồ Tát đáp xong, Ngài lại bảo tiếp cùng Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Kẻ đó công đức cố nhiên rất là nhiều, “nhược phục hữu nhân thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, nãi chí nhất thời lễ bái cúng dường” (nhưng nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thậm chí lễ bái, cúng dường một lúc) thì so ra người ấy đạt được công đức như thế nào? Nếu đối chiếu với người ở trên thì:

- Chỉ trì một mình danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng trì danh hiệu các Bồ Tát nhiều như cát trong sáu mươi hai ức sông Hằng, rõ ràng là trì danh ít.

- Niệm một thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng niệm Hằng hà sa số danh hiệu Bồ Tát, tức là phước điền ít.

- Xét về thời gian thì chỉ là lễ bái, cúng dường một lát, chẳng hề dài lâu đến hết tuổi thọ, so ra thời gian cũng ít.

- Đã là lễ bái, cúng dường trong một lúc, thì tứ sự dùng để cúng dường đương nhiên cũng chẳng thể rất nhiều. Đó là cúng dường ít.

So sánh một nhiều một ít như thế, nếu dùng con mắt thế tục để luận, ắt sẽ cho công đức của người trước lớn, công đức của người sau ít, thậm chí chẳng thể đem so sánh với nhau được. Nhưng Phật chẳng hề có cái nhìn như thế, Ngài dạy chúng ta: “Phước đức hai người đạt được chính là bình đẳng chẳng có sai khác gì, phước đức của người này lẫn kẻ kia đều là trong trăm ngàn vạn ức kiếp chẳng thể cùng tận”.

Ở đây ắt sẽ có người vặn hỏi: Vì sao lại có hiện tượng như vậy?

Dùng thí dụ để nói: Như một viên Ma-ni bảo châu giá trị vượt hẳn ngàn vạn vạn lần các thứ báu khác trong biển cả. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát như Ma Ni bảo châu, niệm sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát như các chất báu khác trong biển, bởi thế phước đức có lớn - nhỏ sai khác.

Lại như một lượng vàng ròng giá trị hơn ngàn cân lúa; niệm Quán Thế Âm Bồ Tát giống như vàng ròng, niệm sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát giống như lúa, bởi thế phước đức có lớn nhỏ sai khác.

Lại như kinh nói: “Bố thí ngàn vạn người ác, chẳng bằng bố thí một người thiện. Cúng dường ngàn vị phàm phu Tăng, không bằng cúng dường một La Hán. Cúng dường ngàn vị La Hán không bằng cúng dường một vị Bồ Tát”. Vì sao vậy? Ác nhân chẳng bằng thiện nhân, phàm phu Tăng vẫn chưa liễu thoát sanh tử, La Hán lại chỉ cầu tự độ chứ chẳng độ sanh; bởi thế phước đức có lớn - nhỏ sai khác.

Người đời đa phần đều có quan niệm như thế này: Cứ nghĩ càng niệm nhiều càng tốt, đâu biết ý niệm quá nhiều thì vọng tưởng cũng nhiều; luận trên phương diện công phu vẫn chưa phải là lý tưởng. Bất luận làm như thế nào, đều phải chuyên nhất, nhất quyết chẳng được tham nhiều. Nhưng chúng ta thường nghe thấy hoặc trông thấy rất nhiều người học Phật có lúc nghĩ muốn niệm bộ kinh này, có lúc toan niệm bộ kinh khác, có lúc vui thích bái sám, có lúc lại nẩy sanh hứng thú niệm chú, thật là lung tung chẳng biết đường đâu mà lần. Làm như vậy chẳng phải là không có công đức, nhưng có lúc đến nỗi loạn tâm bất định, lại hóa thành chướng ngại cho việc tu hành.

Bởi thế, chẳng bằng chí thành khẩn thiết chuyên nhất bất nhị, hoặc tụng niệm phẩm Phổ Môn, hoặc trì thánh hiệu Quán Âm, so ra được ích lợi nhiều hơn. Huống nữa, nhất tâm vô nhị dụng, ngay khi đó khắp cả pháp giới danh hiệu của sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát không danh hiệu nào chẳng bao gồm trong đó. Bởi thế, chuyên niệm là thỏa đáng tốt lành nhất.

Phải biết rằng: Nói nhiều hay ít đó vốn là nói một cách tương đối, cũng chỉ là so sánh, chứ trong Thật Tướng các pháp, hết thảy đều là tuyệt đối, hoàn toàn bình đẳng, về căn bản chẳng có sai biệt nhiều ít gì. Bởi thế, trong kinh Hoa Nghiêm thường hay nói đến lý viên dung “một tức là nhiều, nhiều tức là một”. Do vậy, chúng ta cũng có thể nói niệm một vị Quán Thế Âm Bồ Tát cũng chính là niệm sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, mà sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát đó cũng có thể nói chỉ là hóa thân của một vị Quán Thế Âm Bồ Tát. Đã là như vậy thì lễ bái, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát và lễ bái cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát công đức hoàn toàn bằng nhau, đương nhiên chẳng có điểm nào đáng làm chúng ta kinh dị cả, cũng như chẳng có điểm nào đáng làm chúng ta hoài nghi cả!

Bởi thế, tôi mong mỗi một Phật tử nếu có thể phát tâm thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì phải chuyên tâm nhất ý mà trì, tuyệt đối chớ có tam tâm lưỡng ý. Nếu tam tâm lưỡng ý, vị này cũng niệm, vị kia cũng niệm, kết quả, chẳng những không được Quán Âm Bồ Tát cứu tế, mà cũng chẳng được Bồ Tát nào cứu tế cả, thật có thể nói là mất trắng đôi đàng!

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương