QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang6/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

1.1.2.1.2. Biệt thị trì danh cảm ứng (Dạy riêng từng điều về sự cảm ứng của việc trì danh)

1.1.2.1.2.1. Cứu hỏa nạn (cứu nạn lửa)
Chánh kinh:

Nhược hữu trì thị Quán Thế Âm Bồ Tát danh giả, thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu, do thị Bồ Tát oai thần lực cố.

若有持是觀世音菩薩名者。設入大火。火不能燒。由是菩薩威神力故。

(Nếu có kẻ trì danh vị Quán Thế Âm Bồ Tát này, giả sử vào trong lửa lớn, lửa chẳng thể đốt cháy được, là do sức oai thần của vị Bồ Tát này vậy).
 Phần kinh văn trước là đức Thế Tôn vì Vô Tận Ý đáp tổng quát, tiếp theo đây, Phật nói đến các thứ lợi ích. Như phẩm kinh này nói, Quán Âm lợi ích chúng sanh, về đại thể có hai phương diện:

- Một là “minh ích” (ích lợi ngầm), tức là âm thầm ban cho chúng sanh lợi ích.

- Hai là “hiển ích” tức là ban lợi ích cho chúng sanh một cách rõ rệt.

Trong hai thứ lợi ích này, bây giờ trước hết nói về minh ích. Trong đây lại chia thành ba đoạn:

1) Cứu bảy nạn.

2) Giải tam độc.

3) Đáp ứng hai thứ cầu mong.

Bảy nạn là nạn lửa, nạn nước, nạn hắc phong, nạn đao trượng, nạn La-sát, nạn gông cùm, nạn oán tặc. Thế gian vốn rất nhiều tai nạn, nhưng tối trọng yếu là bảy nạn vừa nêu trên. Nạn thứ nhất trong bảy nạn là nạn lửa, tức là những tai nạn do lửa lớn gây ra. Gặp phải tai nạn này, nếu niệm thánh hiệu Quán Âm sẽ được giải thoát.

Trong thế gian này, bất luận đi đến địa phương nào, bất luận trong thời điểm nào, chúng ta đều có thể gặp phải một trận hỏa tai lớn. Nhỏ thì khiến chúng ta khuynh gia bại sản, lớn thì khiến chúng ta táng thân mất mạng. Bởi thế, bất cứ ai cũng đều sợ hỏa tai. Sợ lửa là một chuyện, lửa bốc lên lại là chuyện khác; nhưng lửa đâu có muốn thế, thường là do sơ ý, một đốm lửa nhỏ nhoi có thể là nguồn tai họa. Nếu gặp lúc đại hỏa tai, nên làm cách nào? Nói theo thế tục là phải dốc tận sức người tìm cách dập tắt. Ngoài ra nên trấn tĩnh cái tâm mình, đừng sợ hãi quá mức; bởi lẽ chỉ có tâm trấn tĩnh mới chẳng đến nỗi bị tổn thất lớn lao! Nếu tâm chẳng thể trấn tĩnh, kinh hoảng, thất thố, thì càng phải chịu tổn thất nặng nề hơn. Bởi vậy, lúc gặp đại hỏa tai, cần nhất là phải trấn tĩnh, đừng kinh hoảng. Nếu tâm hoảng ý loạn, chẳng những không cứu vãn được tình thế, trái lại còn bị hại, phải nhớ kỹ để tránh khỏi!

Nói theo Phật giáo, lại còn có một biện pháp tối hảo, tức là nhất tâm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, bởi vậy mới nói: Nhược hữu trì thị Quán Thế Âm Bồ Tát danh giả, thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu” (Nếu có kẻ trì danh ngài Quán Thế Âm Bồ Tát này, giả sử vào trong lửa lớn, lửa chẳng thể đốt cháy được). Chữ “trì” ở đây thật là trọng yếu, giống như chữ “nhất tâm” trong đoạn văn ở phần trên vậy. Thông thường, ta hiểu Trì là nắm vật gì trong tay, nắm chắc chẳng buông thì gọi là “chấp trì”. Bây giờ vận dụng ý tưởng ấy vào việc niệm tụng danh hiệu Quán Âm, thì gọi là “chấp trì danh hiệu”.

Những gì mình chấp trì chẳng buông đa số đều là những thứ quý báu, nhưng thứ quý báu nhất trong thế gian không gì hơn nổi Phật, Bồ Tát. Bởi thế, xưng niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát cần phải chấp trì cho thật chắc. Thế nào mới là chấp trì? Tức là niệm trước, niệm sau nối tiếp nhau chẳng đoạn, thẳng thừng mà niệm thì gọi là “chấp trì”. Chấp trì như thế nội tâm nhất định rất kiền thành. Nội tâm kiền thành bèn được Bồ Tát cảm ứng, dẫu vô ý lọt vào đại hỏa, đại hỏa cũng chẳng thể đốt được quý vị. Vì sao lửa chẳng đốt được? Là do sức thần thông oai đức của Quán Âm Bồ Tát ngầm gia bị cho quý vị đấy. Bởi thế nói: “Do thị Bồ Tát oai thần lực cố” (Do sức oai thần của vị Bồ Tát này vậy).

Điều này có thể luận trên hai phương diện sự thực và đạo lý. Luận trên phương diện sự thực, nếu là Phật giáo đồ đương nhiên là tin, nếu chẳng phải Phật giáo đồ sẽ chẳng thể tin nổi. Chẳng cần biết là tin hay không tin, sự linh cảm của Quán Âm Bồ Tát đích xác là có.

Dưới thời Mãn Thanh ở Trung Quốc, có một người giữ chức quan Vận Lương, tên là Thái Ân Tương. Chỗ ông ta ở tiếp giáp nhà dân, bốn bề khít khao chẳng hở chút nào. Một lần, nhà hàng xóm đột nhiên bốc cháy, mọi người lo chạy cứu đồ đạc này nọ, riêng mình quan Vận Lương ngồi yên trong nhà, có người khuyên ông ta cũng không ra, tựa hồ muốn cùng chết với căn nhà. Kể ra cũng lạ, lửa từ nhà này bén sang nhà kia, nhà hàng xóm bốn bề đều bị cháy rụi, riêng mình nhà ông ta chẳng bị cháy! Sau này có người hỏi ông ta vì sao lại như thế? Ông bèn đáp:

- Trong lúc lửa đang cháy đùng đùng, tôi nhất tâm nhất ý niệm chú Đại Bi, không còn có ý tưởng nào khác. Trong nhà tôi, không riêng gì tôi niệm chú Đại Bi, mấy đời đều niệm chú Đại Bi, mỗi đời đều có linh nghiệm chẳng thể nghĩ bàn, thoát được các thứ tai nạn khác nhau! Riêng bản thân tôi niệm chú Đại Bi đã mười mấy, hai mươi năm, mỗi lần gặp nạn gấp nào đều thấy hóa hiểm thành an! Tình hình bữa nay trong quá khứ tôi đã từng trải qua, cũng do niệm chú Đại Bi mà thoát hỏa tai. Do tôi có tín niệm như vậy, tin tưởng Bồ Tát nhất định thầm gia bị cho; bởi thế, mọi người phải tin tưởng Bồ Tát, niệm thánh hiệu Quán Âm nhiều hơn!

Lại nữa, vào thời Diêu Tần ở Trung Quốc, có vị pháp sư Pháp Trí một dạ chuyên xưng niệm thánh hiệu Quán Âm. Có một lần, có việc phải đi qua nơi khác, con đường Sư đi cắt ngang đồng cỏ lau; ngay lúc đó, có người đến đốt cỏ dại, lửa từ bốn mặt cháy tới, vây kín pháp sư Pháp Trí vào giữa, chẳng có cách nào thoát khỏi biển lửa. Ngay khi đó, pháp sư lắng tâm suy nghĩ: “Mình là người tín phụng Quán Âm, giờ đây đem sanh mạng này giao cho Quán Âm”. Sư bèn ngồi ngay ngắn giữa đám cỏ lau, nhất tâm nhất ý niệm thánh hiệu Quán Âm, niệm một lúc lâu sau, lửa to dần dần cháy lan gần đến thân, Sư bị khói ngộp mê đi, cho rằng sanh mạng đến đây là kết thúc! Thế nhưng lúc lửa to tắt rồi, một trận gió mát thổi tới, Sư dần dần tỉnh lại, nhìn chung quanh, tất cả cỏ hoang đều bị cháy sạch, chỉ có những nhánh cỏ mọc quanh mình trong vòng một thước là chẳng bị lửa bén đến, do đó chưa bị thiêu chết!

Căn cứ vào những sự thực này, chứng tỏ thánh hiệu Quán Âm có thể miễn trừ tai nạn. Quý vị đừng vội kêu mình niệm chẳng có linh nghiệm, vấn đề là có nhất tâm xưng danh hay không?

Lại luận trên phương diện đạo lý: Đối với câu “giả sử vào trong lửa lớn”, chớ nghĩ lửa ở đây nhất định phải là lửa có hình, có tướng, mà phải nghĩ tới loại lửa vô hình vô tướng, hoặc nói theo cách thông thường là lửa nóng giận, chẳng phải là lửa bên ngoài mà là lửa trong tâm. Lửa Sân trong tâm cũng có tác dụng thiêu đốt, như nói: “Lửa nóng giận đốt cháy rừng công đức”, điều này đáng sợ nhất! Kinh Diệu Huệ Đồng Nữ nói: “Sân hoại thiện căn, vật tăng trưởng!” (Sân phá hoại thiện căn, chẳng cho tăng trưởng). Người bình thường chỉ biết lửa dữ ác hại bên ngoài đốt tiêu nhà cửa, rừng cây, chẳng nghĩ lửa Sân trong tâm còn độc dữ hơn lửa bên ngoài. Lửa bên ngoài chỉ có thể đốt tiêu vật ngoài thân, cùng lắm là đốt mất thân thể, còn công đức thiện căn đã tu học, tích tập, bất luận cách nào [lửa dữ bên ngoài] cũng chẳng thể thiêu được. Chỉ có mỗi lửa Sân trong tâm mình mới có thể thiêu cháy thiện căn công đức. Bởi vậy, cố nhiên là phải đề phòng ngoại hỏa, nhưng nội hỏa lại càng phải gia tâm đề phòng.

Ngăn ngừa nội hỏa bằng cách nào? Tức là ngay trong lúc nội tâm nổi nóng, chợt nhớ đến Quán Âm đại sĩ, kiền thành niệm thánh hiệu Quán Âm, khác nào hắt một chậu nước lạnh thấu tận tâm, dập tắt lửa Sân, tự nhiên rừng công đức thiện căn chẳng bị đốt mất. Nếu đổi “thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu” (giả sử vào trong lửa lớn, lửa chẳng thể thiêu) thành “giả sử vào trong lửa Sân, lửa Sân chẳng thể thiêu” có phải là rất hợp đạo lý hay không? Người không tin Phật pháp há chẳng thể cũng tin tưởng điều này hay sao? Bởi thế, Phật pháp là vô cùng hợp tình, hợp lý, chẳng phải là kể chuyện cổ tích, nói huênh hoang đâu!

Lửa Sân có thể đốt cháy hết thảy, nóng giận chẳng ích lợi gì cho người khác, rất nhiều kinh đã nhắc đến. Nay tôi dẫn kinh Di Giáo để nói: “Sân khuể chi hại, tắc phá chư thiện pháp, hoại hảo danh văn, kim thế, hậu thế nhân bất hỷ kiến, đương tri sân tâm thậm ư mãnh hỏa, thường đương phòng hộ, vô linh đắc nhập” (Cái hại của nóng giận chính là phá các thiện pháp, hư hoại tiếng tăm tốt, người đời này đời sau chẳng thích trông thấy. Phải biết tâm Sân còn hơn lửa mạnh, thường phải đề phòng, ngăn ngừa chẳng để cho nó vào được). Thật đấy! Nếu là người thường nổi nóng, dù các mặt khác rất tốt, ai cũng chẳng thích gặp người đó. Như ta thường nghe nói: “Gã đó làm việc rất giỏi giang, cũng chịu giúp đỡ người khác, có thể nói những lời tốt lành, có thể biên chép được, nhưng tánh nóng quá!” Nếu có ai muốn gặp kẻ kia, những người khác đều nói: “Tôi chẳng muốn gặp anh ta, vì tánh anh ta nóng quá!” Bởi thế, lửa Sân độc hại nhất! Thật ra, có những lúc chẳng nên nổi nóng, nhưng do không tự khống chế được mình, bất ngờ nổi giận đùng đùng! Trong lúc đó, nếu có thể nghĩ đến Quán Thế Âm Bồ Tát, nóng giận lập tức mất tiêu!

Trong quá khứ, có kẻ tục nhân hỏi vị pháp sư xuất gia câu này:

- Pháp sư! Tôi vốn có một bệnh không ai trị lành được, chẳng hay pháp sư có trị được bệnh cho tôi hay không?

Pháp sư hỏi:

- Ông mắc bệnh gì?

- Nói thật ra, về mặt thể chất tôi chẳng có bệnh gì, chỉ là thường hay nổi nóng. Lúc nổi nóng giống như sấm sét vậy đó, ai thấy cũng sợ, tôi vốn chẳng muốn nổi nóng, nhưng lúc gặp chuyện bèn tự nhiên đổ quạu giống như trời sanh vậy đó, muốn nóng là nóng, thật không có cách gì!

Gã tục nhân thưa cùng pháp sư như thế. Pháp sư lại bảo:

- Quái lạ! Rất nhiều bệnh tôi từng nghe qua, nhưng chưa bao giờ nghe căn bệnh như thế.

- Nhà thầy đúng là vô lý quá, nóng giận ai mà chẳng hiểu cơ chứ?

Pháp sư nói:

- Không phải là không hiểu, ông nói nóng giận do trời sanh mà thành, xin ông đem nó ra cho tôi coi, chắc chẳng ngại gì!

Gã tục nhân nghe vậy, không khỏi ngẩn ngơ, suy nghĩ: “Đem bệnh cho ổng coi, tuy nội tâm có bệnh, nhưng làm sao đem cho ổng coi được?” Suy đi nghĩ lại, không cách chi đem ra cho coi được, bởi vậy, gã bảo pháp sư:

- Thầy muốn tôi đem cái bệnh cho thầy coi, nhưng làm sao đem được?

Nhân đó, pháp sư nói:

- Đã không có cách gì đem bệnh cho người khác coi, ông nói là tự nhiên trời sanh, sao tự nhiên chẳng còn?

- Đúng vậy! Nếu là trời sanh ra, ắt phải đem cho người khác coi được. Vì chẳng phải là trời sanh nên chính mình phải rất chú ý!

      Gã hiểu ra: Không có tánh nóng nào do trời sanh, chỉ có cách do tu dưỡng sẽ tự khống chế được tình cảm của mình, chẳng để tánh nóng lạm phát, sự nóng giận tự nhiên chẳng bốc lên nữa. Do vậy, bệnh nóng tánh của gã tục nhân đó không cần uống thuốc mà tự lành. Đúng là làm người trong thế gian bất luận gặp phải chuyện gì, chỉ cần chịu lùi một bước, suy nghĩ một chút, tánh nóng giàn trời cũng chẳng thể phát tác được. Cội nguồn của tánh nóng chẳng phải do nguyên nhân nào khác, đại đa số là do chẳng khống chế được tình cảm. Nếu có thể khéo khống chế tình cảm, nhất định sẽ chẳng nóng giận bừa bãi!

Khống chế lửa Sân chẳng để nó thiêu đốt thì niệm thánh hiệu Quán Âm là biện pháp tốt nhất. Ngoài ra còn có cách khống chế tánh nóng như sau: Nóng giận đa phần là do người khác mà phát khởi, nếu có ai chọc giận, phê bình, chê bai, bỡn cợt, khinh mạn, nhục mạ v.v… sẽ dễ làm người ta nổi nóng nhất.

Nếu lúc đó, quý vị có thể dùng cách sau đây, ắt tánh nóng chẳng đến nỗi phát sanh: Trước hết, xét coi kẻ nói những lời đó là hạng người như thế nào, là quân tử hay kẻ tiểu nhân? Nếu là bậc quân tử rất mực quy củ thì chính mình phải phản tỉnh! Quân tử chẳng tùy tiện phê bình người khác, bây giờ phê bình mình, nhất định mình có nhiều khuyết điểm. Nếu không, quân tử tuyệt đối chẳng phê bình mình. Mình phải nên tiếp nhận lời người đó phê bình, sửa đổi khuyết điểm của mình, sao còn nổi nóng đối với người đó cơ chứ? Nổi nóng trước mặt bậc chánh nhân quân tử đúng là chuyện khó coi lắm! Nếu kẻ tiểu nhân phê bình, lời kẻ tiểu nhân bận tâm làm gì? Nếu cùng kẻ tiểu nhân so đo, hóa ra mình cũng là tiểu nhân ư? Thậm chí còn kém hơn tiểu nhân nữa kia! Nghĩ như thế dù có muốn nổi nóng, cũng nổi nóng chẳng được.

Nói chung, quán sát đối phương chẳng cần biết là quân tử hay tiểu nhân đều chẳng nên nổi nóng!

 

1.1.2.1.2.2. Cứu thủy nạn (cứu nạn nước)
Chánh kinh:

Nhược vị đại thủy sở phiêu, xưng kỳ danh hiệu, tức đắc thiển xứ.

若為大水所漂。稱其名號。即得淺處。

(Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Ngài liền được chỗ cạn).
Đây là thủy nạn, nạn thứ hai trong bảy nạn. Đại thủy cũng đúng là một tai nạn hết sức lớn. Như trong năm Dân Quốc 48 (1959), Đài Loan gặp nạn đại thủy tai nhằm ngày mồng Bảy tháng Tám, năm Dân Quốc 49 (1960) gặp trận lụt lớn hôm mồng Một tháng Tám, đều là những trận thủy tai bi thảm, nặng nề chưa từng có. Quý vị xem báo chí tường thuật, chỉ biết là tai nạn rất nặng, còn rốt cuộc nghiêm trọng đến mức độ nào, chỉ sợ quý vị chẳng tưởng tượng nổi đâu!

Lúc trận lụt mồng Bảy tháng Tám năm Dân Quốc 48 xảy ra, chính tôi đang ở Đài Trung, lúc nước dâng lên, từng dãy từng dãy nhà bị nhận chìm, từng gốc từng gốc cây bị nước xoáy tróc gốc, cả cánh đồng màu mỡ rộng lớn lập tức bị nước trào biến thành hoang sơn loạn thạch, đường sắt bị xoáy đứt, cầu sắt bị nước ngập kín, gia súc bị cuốn phăng theo dòng nước, người bị chết đuối. Bởi vậy, cơn đại thủy tai có thể làm cho người ta khuynh gia bại sản, táng thân mất mạng, không ai chẳng sợ thủy tai.

Thế nhưng thủy tai thiên nhiên không cách gì đề phòng được, ngoại trừ tận nhân lực, không cách gì trốn tránh được. Phật pháp cho rằng niệm Quán Âm là tốt nhất, bởi vậy, kinh dạy: “Nhược vị đại thủy sở phiêu, xưng kỳ danh hiệu, tức đắc thiển xứ” (Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Ngài, liền được chỗ cạn)”. Lúc một cá nhân bị nước lớn cuốn trôi, sanh mạng rất nguy hiểm, trong lúc khẩn yếu đó, nếu có thể nhất tâm xưng niệm thánh hiệu Bồ Tát, ngay lập tức sẽ từ chỗ rất sâu đến được chỗ rất cạn, sanh mạng được thoát hiểm! Bởi thế, lúc bị nước lớn cuốn trôi, tối khẩn yếu là đừng quên Đại Từ Đại Bi Quán Âm Bồ Tát!

Trước hết, tôi nêu lên sự cảm thông về mặt sự tướng để thuyết minh chuyện thoát khỏi thủy nạn. Theo sách Pháp Hoa Cảm Thông, vào đời Đường ở Trung Quốc, có chàng Sầm Cảnh Nhân, từ nhỏ đã niệm phẩm Phổ Môn. Có lần, do có việc phải ngồi thuyền qua Tô Châu. Thuyền đi chưa được bao lâu, chợt chao nghiêng, mọi người rớt hết xuống nước. Sầm Cảnh Nhân đang ở dưới nước, nghe có người nói: “Bình thời niệm phẩm Phổ Môn, bây giờ nhất định được thoát thủy nạn!” Nghe âm thanh như vậy ba lần tất cả, sau đó, tự nổi trên mặt nước, trôi tấp vào bờ, thật sự thoát khỏi thủy nạn.

Những chuyện giống như vậy ở Trung Quốc thấy rất nhiều, chúng ta chẳng thể không tin! Thủy tai có thể phát sanh bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, trong tâm lý chúng ta phải nên chuẩn bị như thế, lại nên có tín niệm như thế, lỡ ra gặp phải thủy tai, ngàn vạn phần nhớ kỹ thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát.

Kế tiếp, giảng về mặt đạo lý: Đại thủy cũng chẳng phải là đại thủy sóng vỗ ngất trời bên ngoài, mà là nước ái dục trong tâm chúng ta. Nhân loại chúng sanh rất nhiều kẻ chìm đắm trong nước ái dục, táng thân, mất mạng. Nhà Phật nói:



Ái hà thiên xích lãng,

Khổ hải vạn trùng ba,

(Sông ái ngàn thước sóng,

Biển khổ sóng muôn trùng)

Đủ biết là sức nước ái dục lớn lao. Thử xem hiện tại bao nhiêu thanh niên nam nữ trái nghịch cha mẹ và những người thân thuộc ngụp lặn trong vũng xoáy sông Ái, chẳng đạt mục đích chẳng thôi, thậm chí tự sát cả đôi! Bởi vậy, phải biết đại thủy chính là nước tham ái. Nếu chúng sanh đắm chìm trong nước ái dục, thì Phật dạy chúng ta chỉ có biện pháp cứu vãn là đề khởi chánh niệm, nhất tâm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, để cầu khải phát trí huệ, sau đấy mới dùng lửa trí huệ đốt tiêu nước ái dục, mới hòng cứu vãn, bất tất phải hy sinh! Bởi vậy, người tu học Phật pháp phải thường niệm Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ tuyệt đối hữu ích cho chúng ta.

Phật pháp coi ái dục là căn bản của sanh tử. Sở dĩ chúng sanh chẳng thể thoát khỏi vòng sanh tử, gốc bệnh là do ái dục. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Nhân hoài ái dục, bất kiến đạo giả, thí như trừng thủy, trí thủ nhiễu chi, chúng nhân cộng lâm, vô hữu đổ kỳ ảnh giả. Nhân dĩ ái dục giao thác, tâm trung trược hưng, cố bất kiến đạo. Nhữ đẳng Sa-môn, đương xả ái dục, ái dục cấu tận, đạo khả kiến hỹ” (Người ôm lòng ái dục chẳng thấy đạo thì ví như lấy tay khuấy nước lặng, mọi người cùng đến, không ai thấy được hình ảnh. Con người do ái dục xen tạp, những thứ nhơ bẩn trong tâm nổi lên, nên chẳng thấy đạo. Hàng sa-môn các ông nên bỏ ái dục, cấu nhơ ái dục hết rồi mới thấy được đạo vậy). Người đời bị ái dục mê hoặc, bởi vậy cả một đời chẳng thấy chân lý, chẳng có cách nào giải thoát sanh tử! Như một chậu nước thanh tịnh, vốn có thể soi được mặt, do bị người ta dùng tay khuấy động, tạo thành nhiều gợn lăn tăn, bởi vậy bất cứ ai đến soi bóng đều chẳng thể thấy được dung mạo của chính mình.

Một niệm tâm của con người bị ái dục làm mê, suốt ngày vọng tưởng tơi bời, làm sao thấy được chân lý? Do bởi như vậy, chẳng những hàng sa-môn xuất gia mà ngay cả mỗi một người học Phật đều phải nên cắt bỏ ái dục, cắt ngang dòng ái dục, thì bổn tâm sẽ khôi phục thanh tịnh, sẽ thấy chân lý được giải thoát!

 

1.1.2.1.2.3. Cứu la-sát nạn
Chánh kinh:

Nhược hữu bách thiên vạn ức chúng sanh, vị cầu kim, ngân, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu đẳng bảo, nhập ư đại hải, giả sử hắc phong xuy kỳ thuyền phưởng, phiêu đọa La Sát quỷ quốc, kỳ trung nhược hữu nãi chí nhất nhân, xưng Quán Thế Âm Bồ Tát danh giả, thị chư nhân đẳng giai đắc giải thoát La Sát chi nạn.

若有百千萬億眾生。為求金銀琉璃磲瑪瑙珊瑚琥珀真珠等寶。入於大海。假使黑風吹其船舫。漂墮羅剎鬼國。其中若有乃至一人。稱觀世音菩薩名者。是諸人等皆得解脫羅剎之難。

(Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sanh vì cầu các món báu: vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu v.v… vào trong biển cả, giả sử hắc phong thổi thuyền của họ trôi giạt vào nước quỷ La Sát, trong ấy nếu có dù chỉ một người, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì những người đó đều được thoát khỏi nạn La Sát).
Đây là nạn quỷ La Sát thứ ba trong bảy nạn. Nạn gió trong kinh gọi là “hắc phong”. Rốt cuộc hắc phong là loại gió nào chẳng biết rõ lắm, chỉ cần biết là một thứ phong tai nghiêm trọng. Những người sống ở Đài Loan Bảo Đảo đều có kinh nghiệm tương đương. Tại Đài Loan mỗi năm đến mùa Đài Phong8, oai lực do Đài Phong phát sanh đúng là khiến người nghe kinh hãi. Mỗi năm, tổn thất do Đài Phong gây ra cũng rất nghiêm trọng. Đó là thiên tai, ngày nay khoa học phát triển, cũng chưa tìm ra cách nào tiêu diệt được Đài Phong, chỉ đành đề cao cảnh giác, lập cách dự phòng ngõ hầu giảm thiểu tổn hại mà thôi. Bởi vậy, nó là một đại tai nạn!

Câu “nhược hữu bách thiên vạn ức chúng sanh” (nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sanh) hình dung thật nhiều chúng sanh. Chúng sanh nhiều như thế ấy “vị cầu kim, ngân, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu đẳng bảo, nhập ư đại hải” (vì cầu các món báu: vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu v.v… vào trong biển cả): Trong bảy thứ báu được nói đến ở đây, kim là vàng ròng, ngân là bạc trắng, lưu ly (veluriyam) là chất báu có màu xanh, xa cừ là một thứ báu có màu trắng, mã não là chất báu có màu hồng, báu san hô có hình dạng như cành cây, hổ phách là do nhựa thông ngàn năm biến thành, chân châu là từng hạt bảo châu. Bảy báu đại đa số sanh từ biển cả, bởi vậy người đi tìm của báu thường kết thành đội vào biển thâu nhặt chất báu. Vào biển tìm chất báu, nhất định phải ngồi thuyền. Trăm ngàn vạn ức chúng sanh đi tìm chất báu như thế ngồi thuyền vào biển cả, thuyền đi chẳng bao lâu “giả sử” gặp phải “hắc phong thổi thuyền của họ trôi giạt vào nước quỷ La Sát”. Tương truyền quỷ La Sát (Rāksasah) ăn thịt người, sống trong những hòn đảo trong biển, chuyên đợi người đến nạp mạng. Hình dạng của chúng như sau: “Khẩu như huyết bồn, nhãn như đồng linh, thủ như thiết xoa, thanh diện liêu nha” (Miệng như chậu máu, mắt như lục lạc đồng, tay như chĩa sắt, mặt xanh, nanh chĩa), trông rất đáng sợ. Do chúng cử động nhanh nhẹn nên còn gọi là Tiệp Tật Quỷ.

Người cầu báu chẳng may gặp phải hắc phong, thổi giạt vào nước quỷ La Sát, chẳng cần phải nói, sanh mạng rất nguy hiểm, ngay trong lúc ấy, “kỳ trung nhược hữu, nãi chí nhất nhân” (trong ấy nếu có dù chỉ một người) trong số nhiều người, “xưng Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, thị chư nhân đẳng, giai đắc giải thoát La Sát chi nạn” (xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì những người đó đều được thoát khỏi nạn La Sát).

Có người nói: Một người niệm Quán Âm thì một người được thoát nạn, còn đáng tin, chứ một người niệm Quán Âm, trăm ngàn vạn ức chúng sanh thoát nạn chẳng thể không khiến người ta nghi ngờ! Thật ra, có gì đáng nghi đâu! Một cá nhân trong lúc tại nạn gấp gáp đáng sợ, chỉ cần nghe người khác niệm, dù miệng chẳng niệm, trong tâm cũng đã có ấn tượng của Bồ Tát, thậm chí trong tâm thầm niệm theo. Bởi vậy, vô hình trung, cùng được lợi ích giải thoát. Hiện thời chúng ta ra khỏi cửa, chẳng cần biết là dùng phương tiện giao thông nào, nếu có thể nhất tâm niệm Quán Âm cho bạn đồng hành nghe thấy, lưu lại ấn tượng về Bồ Tát, sẽ dần dần kích phát người khác phát tâm học Phật, đây cũng là đại công đức vậy!

Bây giờ, tôi sẽ kể lại chuyện xưa xưng niệm Quán Âm thoát khỏi nạn quỷ La Sát: Trong quá khứ, có một thương chủ tìm của báu, dẫn năm trăm thương nhân vào biển cả thâu nhặt của báu, thật sự bị hắc phong thổi giạt thuyền vào nước quỷ La Sát. Trong số đó, bốn trăm chín mươi chín người đều tín ngưỡng Quán Âm, bây giờ đại nạn đối đầu, nghĩ không còn cách nào khác, chỉ còn cách nhất tâm xưng niệm Quán Âm Bồ Tát. Nào ngờ bọn họ vừa niệm như thế, bọn quỷ La Sát muốn đến bắt người để ăn, thủy chung chẳng thấy bóng một ai.

Còn người chẳng tin Quán Âm, chẳng những miệng không niệm, còn cho là lúc gặp đại nạn niệm Quán Âm có ích gì? Ngay lúc hắn ta nghĩ như thế, liền bị quỷ La Sát trông thấy, sắp bị nó chụp bắt, mới nghĩ niệm Quán Âm rất trọng yếu, bèn gấp rút lớn tiếng niệm Quán Âm. Quỷ La Sát nghe hắn niệm Quán Âm, vừa giơ tay chụp, lại chẳng thấy hắn ta đâu nữa, mọi người bèn cùng thoát nạn La Sát. Bởi vậy, trên mặt sự tướng, gặp phải nguy nan nào, xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, nhất định có diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn!

Đại hải” chỉ biển cả Phật pháp; “thất bảo” chỉ Thất Thánh Tài trong Phật pháp, “hắc phong” chỉ vô minh; “quỷ La Sát” chỉ tâm giết hại; “thuyền phưởng” chỉ sanh mạng của hữu tình. Ý nói: Người thâm nhập biển cả Phật pháp, muốn cầu tu tập, tích tụ Thất Thánh Tài, chợt bị cuồng phong vô minh động khởi ý niệm giết hại, khiến cho sanh mạng bị mất.

Trước kia Trung Quốc có câu chuyện cổ như sau: Trong quá khứ có một viên tể tướng, đến thăm một ngôi chùa, trong chùa có vị Tăng rất siêng năng tu tập, mỗi ngày đều niệm phẩm Phổ Môn. Tể tướng đi thăm chùa xong, ở sau vị Tăng nghe ngài tụng kinh, lúc nghe tụng đến câu “giả sử hắc phong xuy kỳ thuyền phưởng phiêu đọa La Sát quỷ quốc” (giả sử hắc phong thổi thuyền của họ trôi giạt vào nước quỷ La Sát), viên tể tướng chợt hỏi vị Tăng:

- Nhà thầy vừa niệm hai câu kinh đó có nghĩa gì vậy? Xin hãy giải thích cho ta nghe.

Vị tăng biết rõ ông ta là tể tướng, vẫn cố ý đáp:

- Ông là người chẳng hiểu đạo lý gì cả, người xuất gia đang niệm kinh, lúc niệm đến gần như nhập định, sao ông lại nêu câu hỏi quấy rầy tôi? Muốn hỏi hãy đợi tôi niệm kinh xong rồi hãy hỏi!

Viên tể tướng thấy vị Tăng đối đáp chẳng chút khách khí, trong tâm bực bội vô cùng, lập tức sai tùy tùng lôi vị Tăng về nha môn, muốn xử vị Tăng tội chết. Lúc đó, vị Tăng cười khanh khách nói:

- Đúng là tôi đang bị hắc phong thổi giạt thuyền bè, đọa vào nước quỷ La Sát rồi!

Viên tể tướng nghe nhà sư nói vậy, rất lấy làm lạ, bèn hỏi vì sao ông lại cười nói như thế? Vị Tăng đáp:

- Ngài buông xuống không được, bị gió vô minh lay động, tức là hắc phong đấy. Ngài động sát tâm tức là quỷ La Sát; bởi vậy tôi nói là bị hắc phong thổi giạt vào nước quỷ La Sát.

Tể tướng nghe lời giải thích ấy, chẳng những hiểu rõ ý kinh mà còn hiểu rõ ý vị Tăng, chẳng những không giết vị Tăng, trái lại còn tôn kính, đích thân đưa vị Tăng về chùa. Vị tăng nhân ấy có thể nói là người khéo thuyết pháp nhất. Nếu ngay lúc đó, Ngài giải thích cách nào, gã tể tướng cũng chẳng hiểu rõ vấn đề, tin hay không tin cũng là vấn đề. Hiện thân thuyết pháp như thế chẳng những thật sự hiểu rõ, mà còn là tin tưởng thiết tha nữa.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương