QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang3/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

3. Ngàn mắt ngàn tay của Quán Âm
 Quán Âm Bồ Tát tùy loại hóa thân, thị hiện các thứ thân phận bất đồng, như Ngư Lam Quán Âm, Tống Tử Quán Âm, Bạch Y Quán Âm, Bát Tý Quán Âm, Thập Lục Tý Quán Âm, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm4 v.v… là những hình tượng mọi người đều biết. Trong số đó, tượng Quán Âm ngàn mắt ngàn tay có rất nhiều người chẳng hiểu rõ lắm. Vì thế, ở đây tôi sẽ giải thích sơ lược:

Theo cách hiểu thông thường, một con người chỉ có hai mắt, hai tay. Nếu ai rất có bản lãnh, ta nói kẻ ấy rất phi thường, tựa hồ có đủ cả ba đầu sáu tay. Nghe nói ai ba đầu sáu tay, ta đã thấy người ấy rất phi thường rồi. Nhưng Quán Âm Bồ Tát có đủ ngàn mắt ngàn tay nhiều như vậy, đương nhiên khả năng càng lớn. Bởi vậy, có người hỏi: “Vì lẽ gì Quán Âm Bồ Tát có ngàn mắt, ngàn tay? Rốt ráo biểu trưng ý nghĩa gì?” Do vậy, đương nhiên phải giải thích sơ lược; nếu không, chẳng những người ta hỏi đến không cách gì đáp được, mà chính mình đối với sự việc này cũng hoài nghi rất lớn, chẳng thể đúng pháp kiền thành xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát.

Liên quan đến vấn đề này, trước hết chúng tôi bắt đầu từ truyền thuyết mà nói, sau đấy mới giải thích hợp lý. Theo sách Nhữ Châu Chí có chép như thế này: Trong quá khứ, cô con gái thứ ba của Sở Trang Vương tên là Diệu Thiện, là một đứa con gái hiếu thuận phi thường. Lúc Sở Trang Vương bệnh tình rất nguy cấp, thầy thuốc nói muốn được lành bệnh cần phải dùng đến con mắt, cánh tay của thân nhân. Công chúa Diệu Thiện nghe xong, chẳng hề nhăn mặt chút nào, cắt tay, móc mắt để chữa cơn bệnh nặng cho cha, khiến cha được lành bệnh. Đợi đến khi cha lành bệnh, công chúa bèn tọa hóa. Vị thầy thuốc gọi cô là Đại Bi Bồ Tát, rồi vị thầy thuốc nói lời đó cũng lập tức biến mất. Nhân đó, Sở Trang Vương bèn phong công chúa là Đại Bi Bồ Tát và dựng chùa Hương Sơn, đắp tượng ngàn mắt, ngàn tay. Có người nói: Sở Trang vương truyền lệnh đắp tượng “toàn thủ, toàn nhãn” (tay và mắt đầy đủ), nhưng viên quan hiểu lầm là “thiên thủ, thiên nhãn”, nên mới có tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.

Nhưng thuyết của sách Nhữ Châu Chí, sách Cảm Thông Lục không chép, đương nhiên chẳng phải là truyền thuyết đáng tin cậy. Lại còn có lời tục truyền rằng: Đại Sĩ là con gái thứ ba của Sở Trang Vương, tên là Diệu Thiện, nhân vì hy sinh tay, mắt để cứu cha mắc bệnh ngặt nghèo, nên bèn hiển hiện hình tượng ngàn mắt ngàn tay. Sách Biên Niên Thông Luận chép chuyện này cũng do thiên thần kể cho ngài Nam Sơn Đạo Tuyên Luật Sư nghe nên tự nhiên cũng chỉ là truyền thuyết mà thôi.

Nếu theo như kinh Đại Bi Đà Ra Ni thì trong quá khứ, lúc Quán Âm Bồ Tát ở nơi Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai; Tĩnh Trụ Vương Như Lai từng vì Ngài nói Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đại Đà Ra Ni, muốn cho Ngài trì tâm chú này, để trong đời ác vị lai làm đại lợi lạc cho khắp hết thảy chúng sanh. Ngay sau khi nghe xong bài chú này, Quán Âm Bồ Tát lập tức phát thệ nguyện rộng lớn: “Nếu như trong tương lai, con sẽ có thể lợi lạc một phần chúng sanh thì ngay lập tức thân con sanh ngàn mắt, ngàn tay”. Đại nguyện ấy vừa phát, quả nhiên, ngay lập tức thân Ngài thành ngàn mắt, ngàn tay, mười phương đại địa chấn động, mười phương chư Phật cũng đều phóng vô lượng quang minh, chiếu khắp mười phương vô biên thế giới. Đấy là duyên do Quán Thế Âm Bồ Tát được danh hiệu ấy.

Nhưng cũng có thể nói [tượng thiên thủ thiên nhãn] mang tánh chất tượng trưng, giờ đây sẽ nói sơ lược như sau:

- Ngàn tay tượng trưng cho sức lực cứu độ chúng sanh vĩ đại của Quán Âm Bồ Tát. Như thông thường, giúp người khác làm chuyện gì, dùng một tay làm thì đẩy chẳng đi, kéo chẳng động, người khác bèn bảo quý vị: “Ông phải dùng hai tay ra sức mới có thể đẩy, kéo được”, chứng tỏ thêm một tay là thêm một phần sức. Lại như thường nghe người ta nói: Người nào cảm thấy rất bận rộn, thường hay nói hiện thời bận bịu quá sức, không có cách gì, nếu như có nhiều chân nhiều tay, hoặc có mấy tay giúp, chia nhau ra làm, sẽ thảnh thơi rất nhiều. Điều này chứng tỏ nhiều tay giúp, sức lực càng lớn, làm được rất nhiều việc. Phối hợp những điều này lại để giảng, thì ngàn tay của đức Quán Âm Bồ Tát có ý nghĩa là: Chúng sanh được Quán Âm Bồ Tát giáo hóa nhiều, người theo Bồ Tát tu học Phật pháp cũng nhiều, đến lúc năng lực tu học đã cao rồi, liền được phái qua chỗ này chỗ nọ giáo hóa chúng sanh, nhưng sức lực phát sanh tại mỗi địa phương được giao nhiệm vụ giáo hóa cũng giống như chính sức lực của Bồ Tát phân tán ra. Bởi vậy, ngàn tay hoàn toàn mang ý nghĩa biểu thị sức cứu độ chúng sanh vĩ đại của Quán Âm Bồ Tát, bất tất phải khăng khăng cho rằng Bồ Tát thật sự mọc ra ngàn tay.

- Còn ngàn mắt tượng trưng cho trí huệ sâu thẳm chẳng thể nghĩ bàn của Quán Âm Bồ Tát. Như mọi người lúc bình thường xem thứ này thứ nọ, một mắt chẳng thấy rõ ràng, phải hai mắt mới trông được rõ; bất luận trước mắt là vật gì, đều có thể thấy rõ ràng minh bạch. Hai con mắt nhìn vật đã rõ, ngàn con mắt thấy vật đương nhiên càng rõ hơn nữa. Nhưng Quán Âm Bồ Tát quán sát sự vật, chẳng như người thường chỉ nhìn xuông, mà là dùng mắt trí huệ, quan sát sâu chắc, phân tích thấu triệt, bởi thế, Quán Âm Bồ Tát trí huệ cực thâm diệu. Dùng con mắt trí huệ thâm diệu này có thể hiểu rõ tướng chân thật của vũ trụ, vạn hữu, chư pháp, có thể quan sát chúng sanh các thứ căn tánh và mong muốn bất đồng, thuận theo các căn tánh và yêu cầu sai khác mà thực hiện các sự hóa đạo và điều phục bất đồng. Nếu như chẳng đủ trí huệ, dù có tâm hóa độ chúng sanh, nhưng đối với hết thảy chúng sanh chỉ có thể nói một thứ pháp, chẳng thể làm lợi khắp chúng sanh. Nhân vì Quán Âm Bồ Tát trí huệ thâm diệu, nên có thể đối với các loài chúng sanh sai khác, nói các thứ giáo pháp sai khác. Bởi thế, ngàn mắt tượng trưng cho trí huệ của Bồ Tát.

Phối hợp những điều trên để nói, thì có thể thấy ngàn mắt ngàn tay tượng trưng cho đại lực, đại trí của Quán Âm; nhưng đại lực, đại trí nào phải là điều những kẻ bình thường có được, chỉ có đại Bồ Tát mới có đủ, bởi thế, xưng tụng Ngài là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm Bồ Tát.

 

4. Nguyên nhân lưu truyền phẩm Phổ Môn


 Chữ Phẩm trong Phổ Môn Phẩm có nghĩa là “loại”. Rất nhiều kinh điển Đại Thừa được chia thành phẩm, tức là những thứ giống nhau được gộp thành từng phẩm. Phẩm này giảng về những sự thị hiện cứu giúp của Quán Âm, nên những sự thị hiện và cứu giúp này được gom thành một bộ phận kinh văn để nói, bởi thế gọi là Phẩm.

Kinh Pháp Hoa tổng cộng hai mươi tám phẩm, phẩm này là phẩm thứ hai mươi lăm. Bây giờ chúng ta phải nêu câu hỏi: “Toàn bộ kinh Pháp Hoa có đến hai mươi tám phẩm, vì sao chỉ có mình phẩm này được đọc tụng, giảng nói, giải thích, lưu thông nhiều nhất?” Điều này đương nhiên có nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu nhất là vì Quán Âm Bồ Tát đối với chúng sanh cõi này, đặc biệt là với nhân dân Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, có nhân duyên sâu đậm, thiết tha.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân hoằng thông đặc biệt, tức là trong lịch sử Trung Quốc, vào thời Ngũ Hồ Loạn Hoa, tức là giai đoạn năm triều đại, mười sáu nước, có một nước nhỏ tên là Bắc Lương, quốc chúa tên là Thư Cừ Mông Tốn, có lần mắc bệnh ngặt nghèo, thật là đến mức các thầy thuốc bó tay, trăm thứ thuốc đều thành vô dụng, chỉ còn có nước đợi chết, không còn cách nào khác. Chính vào lúc đó, có vị pháp sư hoằng hóa dịch kinh là Đàm Vô Sấm đến phương Bắc Trung Quốc, nghe nói quốc chúa mắc bệnh, Ngài tự động đến bảo cùng người dân trong nước:

- Quốc chúa các người mắc bệnh, chẳng phải là bệnh bình thường nơi thân thể, mà chính là bệnh nghiệp chướng trong tâm, y dược thế gian chẳng trị lành được. Bất quá, theo như ta thấy: Thọ mạng quốc chúa vẫn chưa hết, vẫn còn có biện pháp cứu vãn. Giờ đây, ta bảo cùng các ngươi: Trong nhà Phật có bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trong kinh ấy có phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn, nếu như quốc chúa có thể chí thành khẩn thiết đọc tụng, sẽ được Quán Âm Bồ Tát từ bi gia bị, khiến cho bệnh nghiệp chướng của nhà vua tiêu trừ, thân thể lại được mạnh khỏe như cũ.

Đại thần trong nước nghe nói vậy, lập tức bẩm tấu quốc chúa. Quốc chúa và các đại thần vì mong được lành bệnh, bèn tuân theo lời pháp sư Đàm Vô Sấm chỉ dạy, khẩn thiết chí thành niệm tụng Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn phẩm. Đúng là linh nghiệm, chẳng bao lâu sau, bệnh quả nhiên lành hẳn, khỏe mạnh lại như cũ.

Nhân đó, chẳng những quốc chúa sắc truyền mọi người tụng phẩm Phổ Môn, rất nhiều người dân cũng tự động tụng phẩm Phổ Môn, và thật sự có rất nhiều người do niệm phẩm Phổ Môn mà tiêu trừ bệnh nghiệp chướng. Từ đó cho đến hiện tại, ở Trung Quốc, phẩm kinh này được lưu truyền đặc biệt rộng rãi, giảng nói đặc biệt nhiều, đọc tụng đặc biệt đông đảo, và được giải thích cũng chẳng ít. Phẩm này được đặc biệt lưu hành riêng hoàn toàn là do nguyên nhân này.

Tại Trung Quốc, niệm Phổ Môn được cảm ứng rất nhiều, như trong năm Dân Quốc 26 (1937), bà Đào Thị Thập Lục, vợ góa của họ Nguyên, không con, thường trì niệm Quán Âm Phổ Môn Phẩm, đột nhiên mộng thấy một người áo trắng tay cầm một đóa sen trắng trao cho ăn. Ba năm sau, thấy quang minh Phật, trên hộp đựng kinh thấy có khối lửa to như viên đạn, bà sợ kinh bị cháy, lấy tay phẩy, bèn được một hạt xá-lợi. Lúc lâm chung, hóa Phật đến đón, từ biệt đại chúng ra đi.

 

5. Giải thích sơ lược tựa đề của phẩm kinh này


 Phẩm này mang tên “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm”, tổng cộng tám chữ. Quán Thế Âm Bồ Tát là Nhân (người), Phổ Môn Phẩm là Pháp. Quán Âm là người năng chứng, Phổ Môn là pháp được chứng. Bởi thế, phẩm này dùng Nhân và Pháp để đặt tên.

Trong năm chữ dùng Nhân để đặt tựa, ba chữ đầu là biệt danh, chỉ mình ngài Quán Thế Âm là có thể xưng hô như thế, hai chữ sau là tên gọi chung. Phàm những ai phát Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo, đều có thể gọi là Bồ Tát, chứ chẳng phải chỉ để gọi riêng một ai.

Quán Thế Âm là đức hiệu của Bồ Tát; có lúc còn gọi là Quang Thế Âm5, có khi gọi là Quán Tự Tại, có lúc gọi tắt là Quán Âm. Danh xưng Quán Thế Âm là do ngài Tam Tạng La Thập phiên dịch, còn Quang Thế Âm là do ngài Tam Tạng Trúc Pháp Hộ phiên dịch. Quán Tự Tại là do ngài Tam Tạng Huyền Trang phiên dịch. Ngài còn được gọi là Quán Thế Tự Tại hoặc Thánh Quán Tự Tại. Thánh là từ ngữ tán thán.

Theo bản Tâm Kinh Lược Sớ của ngài Pháp Tạng, chữ Quán Tự Tại có hai nghĩa:

1) Ước theo trí giải thoát, thì với trí huệ của Quán Âm, Ngài đã thấy cảnh sự lý vô ngại, đạt đến mức tự do, tự tại, chẳng còn chút chướng ngại mảy may nào.

2) Ước theo bi giải thoát thì đối với những cơ nghi đáng được hóa độ, thường hiện ra trước cứu giúp, lòng đại bi của Quán Âm cũng đã đạt đến mức tự do, tự tại, chẳng còn nhận thấy có gì bó buộc, xem xét thế giới, tự tại dẹp khổ, ban vui, nên gọi là Quán Thế Tự Tại.

Còn ý nghĩa chữ Quán Thế Âm do ngài La Thập dịch thì đến phần giải thích kinh văn sau này sẽ giảng tường tận.

Tuy có các danh xưng bất đồng, kỳ thực là một người. Nếu so giữa cách dịch của ngài La Thập và ngài Huyền Trang thì: một đằng chú trọng dịch ý, một đằng chú trọng dịch thẳng, cho nên mới dịch khác nhau, chẳng thể nói ai dịch đúng, ai dịch sai. Chẳng qua người trong đời thường quen xưng niệm là Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Quán Âm.

Bồ Tát là tiếng Ấn Độ gọi tắt, nói đủ là Bồ Đề Tát Đỏa, Hán dịch là Giác Hữu Tình, tức là đại tâm chúng sanh thượng cầu Đại Giác, hạ hóa hữu tình. “Thượng cầu đại giác” là tác dụng của đại trí. “Hạ hóa hữu tình” là tác dụng của đại bi. Bởi thế, phàm là Bồ Tát thì đều là bi trí song vận (vận dụng cả bi lẫn trí). Bất quá, chữ Bồ Tát trong Phật giáo không chuyên chỉ các vị đại Bồ Tát được thờ trong điện đường, mà còn chỉ những người phát tâm [Bồ Tát] và những vị Bồ Tát sống trong nhân gian thật sự hành Bồ Tát đạo.

Bây giờ tôi nói tiếp về ba chữ dùng Pháp để đặt tựa, Phổ Môn Phẩm. Phẩm có nghĩa là Loại, tức là loại nào xếp theo loại nấy, nghĩa là vật được gom thành từng loại thì gọi là Phẩm. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hết thảy mọi chuyện về Quán Thế Âm được đức Phật quy kết giảng tại đây, nên gọi là Phẩm.

Phổ nghĩa là “phổ biến”, Môn nghĩa là “có thể đi qua, thông suốt”. Như trước mặt chúng ta đây thấy một cái cửa lớn, có cái cửa lớn như vậy ai cũng đều có thể ra vào qua lại tự tại. Nếu như cái nhà này không có cái cửa đó, muốn từ ngoài vào trong, cố nhiên chẳng có cách nào; muốn từ trong đi ra ngoài, cũng giống vậy, chẳng có cách gì!

Nói đến chữ Môn trong Phật pháp, thì từ địa ngục đến khi thành Phật, tổng cộng có mười cánh cửa. Chìa khóa của mỗi cửa đều nằm trong tay chúng ta. Chúng ta muốn tiến vào cửa nào, phải mở được cánh cửa ấy. Chẳng mở được thì chẳng tiến vào được. Nêu thí dụ: Ví dụ như cửa địa ngục vốn khóa rất chắc, sao có thể tiến vào được? Vấn đề rất đơn giản, chỉ cần quý vị tạo tội nghiệp Ngũ Nghịch, Thập Ác, quý vị bèn có được chìa khóa cửa địa ngục. Có chìa khóa ấy rồi, tùy thời bèn mở được cửa địa ngục, tự nhiên đi vào địa ngục. Nếu như không có chìa khóa đó, dù có muốn tiến vào đến đâu đi nữa, kết quả vẫn chẳng thể vào trong cửa ấy được.

Từ ngoài cửa tiến vào trong cửa, những sự khổ - vui bên trong cửa thật khác xa nhau. Nói theo thế gian: Có những cửa bên trong thật là khoái lạc, như thiên đường thường ngụp lặn trong dục lạc và định lạc; có những cửa bên trong khá thống khổ, như ba đường ác, hoặc chịu nỗi thống khổ nóng lạnh, hoặc chịu nỗi khổ tàn sát, hoặc chịu nỗi khổ đói khát. Bất quá, mọi chìa khóa nằm trong chính tay mình, muốn tiến vào cái cửa nào, hoàn toàn do mình quyết định.

Chẳng qua, mười pháp giới tuy có mười cánh cửa, nhưng chỉ có một cánh cửa Phật đạo được gọi là Phổ Môn. Như cánh cửa sáu đường trong thế gian thuộc về cửa hữu lậu, muốn thông với vô lậu, tự nhiên là chẳng được, bởi thế nó chẳng được gọi là Phổ Môn. Cửa xuất thế của Nhị Thừa thông thường gọi là Không Môn, đối với sanh tử phiền não chỉ có thể giải thoát một nửa, cho nên cửa này chẳng được gọi là Phổ Môn. Đến như cửa Bồ Tát, rớt vào hai bên Không và Hữu, chẳng thể Không - Hữu viên dung, nên cũng chẳng thể gọi là Phổ Môn.

Phật đạo sở dĩ gọi là Phổ Môn là vì sau khi thành đạo, Phật vốn vì đại bi nguyện lực, tiến vào địa ngục giáo hóa chúng sanh. Tuy nói là cửa địa ngục đóng rất chặt, nhưng do sức bi nguyện, muốn tiến vào liền được, chẳng trở ngại chút nào. Vào cửa địa ngục là như thế, vào các cửa ngạ quỷ, súc sanh v.v… cũng giống như thế, nói chung là xuất nhập tự tại, vô ngại tự tại, cho nên gọi là Phổ Môn.

Ở đây, có lẽ có kẻ muốn hỏi: “Đã phải thành Phật mới có thể xưng là Phổ Môn, Quán Âm là Bồ Tát còn chưa thành Phật, sao có thể xưng là Phổ Môn?” Ở đây, chẳng ngại gì nói về hai phương diện Bản và Tích. Từ Bản mà nói, Quán Âm đã sớm thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, đã có đủ bi nguyện của Phật, đương nhiên có thể xưng là Phổ Môn. Nếu nói theo Tích, Quán Âm tuy còn chưa thành Phật, nhưng đã ở địa vị Nhất Sanh Bổ Xứ, đã đủ công đức Phật, có thể vào trong các cửa độ sanh, cho nên có thể gọi là Phổ Môn.

 

6. Giải thích riêng chữ Phổ Môn
 Trong phần giải thích tên phẩm, tuy đã giải thích sơ lược hai chữ Phổ Môn, nhưng vẫn còn có ý nghĩa trọng yếu cần phải giải thích riêng. Bởi thế, tôi lại giải thích như sau:

 

6.1. Từ Bi Phổ Môn:


 Từ Bi là pháp môn trọng yếu nhất trong Phật pháp, cũng là điều thường được nhắc đến nơi cửa miệng của đệ tử Phật. Như xin người nào đó giúp đỡ mình, nếu như người ta nói không rảnh, ta thường nói: “Xin anh từ bi”, hoặc người khác thỉnh cầu đệ tử Phật, cũng nói: “Quý vị đệ tử Phật lấy từ bi làm gốc, tin rằng sẽ đáp ứng điều tôi cầu xin”. Từ bi còn được vận dụng trong nhiều hoàn cảnh khác. Từ bi là trung tâm của Phật pháp, với ý nghĩa căn bản: “Dẹp khổ ban vui”. Tuy cùng gọi là Từ Bi, nhưng trình độ có sâu hoặc cạn. Về đại thể, Phật pháp chia Từ Bi thành ba loại:

 

a) Ái Kiến Từ Bi:


Có kinh còn gọi là Sanh Duyên Từ Bi. Có thể nói là người nào trong thế gian cũng có lòng từ bi này; như làm cha mẹ yêu thương, che chở con cái, có thể nói là một biểu hiện của lòng từ bi. Nhưng lòng từ bi ấy chẳng thể phổ biến rộng lớn, trong đó vẫn hàm chứa tánh nhiễm ô và tâm phân biệt, chẳng thể cứu tế rộng khắp hết thảy chúng sanh, còn có hạn lượng; cho nên chẳng thể gọi là Phổ Môn.

 

b) Pháp Duyên Từ Bi:


Lòng từ bi này chẳng phải ai trong thế gian cũng có được, mà là lòng từ bi của bậc thánh giả Nhị Thừa. Thánh giả Nhị Thừa hiểu rõ vạn hữu chư pháp và mạng thể của chính mình đều là do các nhân duyên, điều kiện hợp thành, duyên sanh vô tánh, pháp nào cũng đều không. Thế nhưng các Ngài chỉ biết đến cái Không, chưa biết Bất Không, chỉ có thể tùy duyên hóa độ, chẳng thể giáo hóa khắp hết thảy chúng sanh, bởi thế lòng từ bi này vẫn chưa phải là Phổ Môn.

 

c) Vô Duyên Từ Bi:


Đây là lòng từ bi của Phật, Bồ Tát, thật sự có thể gọi là Phổ Môn từ bi. Lòng từ bi như thế, nếu nói tách rõ ra là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Bất luận là Phật hay Bồ Tát đều hiểu rõ đạo lý sau đây: Chúng sanh là chúng sanh trong tâm của Phật, Bồ Tát. Trong mắt của Phật, Bồ Tát, chúng sanh và chính mình vốn là một thể, nên tất cả thống khổ của chúng sanh chính là tất cả thống khổ của mình. Chúng sanh chưa được sướng vui, khác nào chính mình chưa được sướng vui. Nếu nói theo Nho gia Trung Quốc thì: “Ưu kỳ sở ưu, lạc kỳ sở lạc” (Lo cái lo của người, vui với niềm vui của người). Đứng trên lập trường của Phật, Bồ Tát, vốn không có lo khổ mà cũng chẳng có sướng vui. Chỉ vì thấy chúng sanh đau khổ, nên tự biết là khổ, do thấy chúng sanh sướng vui, trong tâm tự sướng vui. Thấy chúng sanh giải thoát, hệt như chính mình được giải thoát. Trong con mắt của Phật, Bồ Tát, chỉ thấy có chúng sanh, nào có chính mình.

Vì thế, Phật, Bồ Tát tuyệt đối chẳng thấy có tướng ta - người sai biệt, cho nên suốt ngày độ sanh, chẳng thấy một ai được mình độ; tự mình và chúng sanh đã hòa hợp dung thông thành một thể, thật sự chẳng thể phân ra ai là người hóa độ, ai là người được độ. Tuy chẳng thấy có người độ và kẻ được độ, nhưng vẫn liên tục không gián đoạn, tinh tấn chẳng lười, hóa độ tất cả hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới, không một chúng sanh nào chẳng được Phật, Bồ Tát cứu độ. Đó là Vô Duyên Đại Từ, Đồng Thể Đại Bi, mà cũng chính là Từ Bi Phổ Môn chân chánh.

Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, tất cả sự cứu khổ cứu nạn từ bi của Quán Âm Bồ Tát đều là vô duyên từ bi. Chính vì Bồ Tát có tâm từ bi rộng lớn như thế, nên ở trong thế giới Sa Bà này, vận dụng lòng từ bi đó hóa độ hết thảy những chúng sanh đáng được độ, bởi thế, cũng được xưng là Phổ Môn Từ Bi.

 

6.2. Thuyết pháp Phổ Môn


 Phật, Bồ Tát xuất hiện trong thế gian, chẳng hề vì mình, mà đa phần là vì chúng sanh, vì muốn thuyết pháp cho chúng sanh. Phật vì chúng sanh thuyết pháp rất nhiều, nào là đại pháp, tiểu pháp, không pháp, hữu pháp, quyền pháp, thật pháp, các pháp sai khác nhau. Người bình thường khi thuyết pháp độ sanh, do chẳng có trí huệ phân biệt căn tánh của chúng sanh nên lúc giảng đại pháp chẳng thể kiêm giảng tiểu pháp; còn lúc giảng tiểu pháp, chẳng thể kiêm giảng đại pháp. Giảng các pháp không, hữu, quyền, thật cũng thế. Thuyết pháp chẳng được phổ biến thì chẳng được gọi là Phổ Môn! Quán Âm Bồ Tát có đủ trí huệ thâm diệu, lúc thuyết pháp, trong cùng một pháp hội, Ngài nói ra các pháp bất đồng, khiến cho mỗi thính chúng hiện diện đều hiểu rõ hệt như Ngài đối trước chính mình thuyết pháp, đều được thọ dụng thật sự nơi Phật pháp, bởi thế gọi là Thuyết Pháp Phổ Môn.

Thêm nữa, những ngôn từ sử dụng trong lúc thuyết pháp giữa phàm phu và Bồ Tát rất khác biệt. Mỗi địa phương ngôn ngữ lại bất đồng, lục đạo cũng khác biệt. Như tôi chẳng nói được các phương ngôn Quảng Đông, Phước Kiến v.v… lúc thuyết pháp cho người xứ Việt (Quảng Đông), phải dịch thành tiếng Quảng, lúc vì người xứ Mân (Phước Kiến) thuyết pháp phải dịch sang tiếng Mân. Nếu không, những ai thuộc các địa phương đó chẳng hiểu tôi đang nói gì. Bởi thế, chẳng được gọi là Phổ Môn.

Quán Âm Bồ Tát đã đắc Ngữ Ngôn Tam Muội, “có thể dùng một âm thanh diễn nói pháp, chúng sanh tùy loại đều được hiểu”, đấy phải đâu là chuyện dễ! Âm thanh Bồ Tát thốt ra chỉ là một, nhưng mỗi một loại chúng sanh sai khác đều nghe như Ngài nói tiếng của chính mình, chẳng hạn như người Mân Nam nghe thành tiếng Mân Nam, người Quảng Đông nghe thành tiếng Quảng Đông, thiên long bát bộ nghe thành tiếng của thiên long bát bộ, chẳng phải là Phật, Bồ Tát, sao có thể làm được như thế? Đấy là Thuyết Pháp Phổ Môn.

 

7. Những phẩm kinh chị em của Phổ Môn


 Phổ Môn là phẩm kinh được rút ra từ kinh Pháp Hoa để lưu truyền riêng, cố nhiên phẩm này rõ ràng mang tánh chất trọng yếu, nhưng kinh Pháp Hoa là lời giảng “khai Quyền hiển Thật” đến mức độ cùng cực của Như Lai, diễn tả, phô bày rõ đại pháp Nhất Thừa. Bởi thế, luận về mặt trọng yếu, toàn bộ hai mươi tám phẩm kinh, phẩm nào cũng cực trọng yếu, chẳng thể nói phẩm nào không liên quan đến ý chỉ hoằng dương. Tuy nói như thế, từ xưa, các vị đại đức đặc biệt rút lấy các phẩm Phương Tiện, An Lạc Hạnh, Như Lai Thọ Lượng, Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm trong kinh, gộp thành bốn phẩm trọng yếu nhất của kinh Pháp Hoa; mỗi phẩm đại biểu cho một ý nghĩa đặc thù nhất.

Theo cổ nhân phân biệt:

- Phẩm Phương Tiện hiển thị: Mỗi một cá nhân chánh thức bắt đầu phát tâm. Phát tâm nói thông tục là “động cơ”. Bất luận làm gì, thì trước hết phải phát tâm, hay nói cách khác là trước hết phải có động cơ. Trong Phật pháp, quý vị muốn rốt cuộc đi theo một con đường nào, thì phải xem hiện giờ quý vị phát tâm như thế nào. Đại Thừa Phật pháp phải lấy phát tâm Bồ Đề làm chủ.

- Phẩm An Lạc Hạnh hiển thị: Mỗi cá nhân do phát tâm, bèn tu hành đúng như lời dạy. “Tu hành” nói thông tục là “thực hiện”. Phát tâm Bồ Đề rồi, tất nhiên phải tiến bước trên con đường Bồ Đề, nhưng phải biết đúng pháp, đúng luật. Trong phẩm này có những lời giáo hóa rất hay.

- Phẩm Như Lai Thọ Lượng hiển thị: Mỗi cá nhân do tu hành bèn chứng đắc Bồ Đề vô thượng tối cao, vì đã có thực hiện, tất nhiên chẳng luống qua, tất nhiên có thâu hoạch.

- Còn như phẩm Phổ Môn đang được giảng ở đây thì hiển thị vô trụ Đại Bát Niết Bàn của mỗi cá nhân chứng đắc, bởi thế mới có thể chẳng trụ trong sanh tử, chẳng trụ Niết Bàn mà độ sanh, như những gì đức Quán Âm đã biểu hiện chính là thuyết minh hay nhất của vô trụ Đại Bát Niết Bàn.

Nếu nói về phương diện tu học Phật pháp thì phát tâm, tu hành, chứng quả là ba mức độ lớn. Chỉ vì cực quả để chứng đắc trong Đại Thừa có hai loại: quả đại Bồ Đề và quả đại Niết Bàn, cho nên phân thành hai phẩm (Thọ Lượng và Phổ Môn). Theo cách phân tích này, ta thấy bốn phẩm này là bốn phẩm tối trọng yếu trong toàn bộ kinh Pháp Hoa, ba phẩm kia chính là chị em của phẩm Phổ Môn.

Trong hai mươi tám phẩm của kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn đứng vào thứ hai mươi lăm. Ở trên, đã nêu lên nội dung của bốn phẩm tối trọng yếu, ở đây, chẳng ngại gì lại nêu lên nội dung của hai mươi tám phẩm. Theo cổ đức phán định, hai mươi tám phẩm được chia thành hai bộ phận lớn, tức là như tông Thiên Thai gọi là Tích Môn và Bản Môn. Nay theo thứ tự, thuyết minh như sau:

Mười bốn phẩm đầu thuộc về Tích Môn, mười bốn phẩm sau thuộc về Bản Môn. Hai danh từ Bản Môn và Tích Môn mọi người nghe đến thấy rất xa lạ mà cũng chẳng dễ hiểu, lẽ đương nhiên phải giải thích đại lược.

Bản” (本) có nghĩa là căn bản. Từ căn bản mà nhìn Thích Ca Mâu Ni Phật, thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã sớm thành Phật từ lâu, thành Phật rất sớm, vượt ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Trong phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ mười sáu, có đoạn nói như thế này:

Nhất thiết thế gian, thiên nhân cập A Tu La, giai vị kim Thích Ca Mâu Ni Phật, xuất Thích Thị cung, khứ Già Da thành bất viễn, tọa ư đạo tràng, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, nhiên thiện nam tử! Ngã thật thành Phật dĩ lai, vô lượng vô biên, bách thiên vạn ức na-do-tha kiếp. Thí như ngũ bách thiên vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ tam thiên đại thiên thế giới, giả sử hữu nhân, mạt vi vi trần, quá ư Đông phương ngũ bách thiên vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ quốc, nãi hạ nhất trần, như thị Đông hành, tận thị vi trần... Thị chư thế giới, nhược trước vi trần cập bất trước giả, tận dĩ vi trần, nhất trần nhất kiếp, ngã thành Phật dĩ lai, phục quá ư thử bách thiên vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp”.

(Hết thảy thế gian: trời, người và A Tu La, đều cho rằng Thích Ca Mâu Ni Phật rời khỏi cung họ Thích, đến thành Già Da chẳng xa, ngồi nơi đạo tràng, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Thế nhưng thiện nam tử! Thật sự từ khi ta thành Phật đến nay là vô lượng vô biên, trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp. Ví như năm trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ tam thiên đại thiên thế giới, giả sử có người nghiền thành vi trần, đi qua năm trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi ở phương Đông mới bỏ xuống một hạt bụi, đi về phía Đông như thế cho đến hết số bụi ấy… Các thế giới ấy, dù chẳng bỏ xuống hay không bỏ xuống một hạt bụi, đều coi là vi trần hết. Cứ mỗi hạt bụi là một kiếp. Ta từ khi thành Phật đến nay lại còn nhiều hơn số đó trăm ngàn na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp).

Do đây biết rằng đức Phật thành Phật, thật đã rất lâu xa về trước, tuyệt đối chẳng phải như mọi người thường tưởng chỉ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đức Thích Ca mới thành Phật.

Tích” (迹) có nghĩa là tỏ lộ dấu vết, tức là sau khi đấng Thích Tôn đã thành Phật từ lâu xa rồi, thường trong các thế giới thị hiện giáo hóa chúng sanh. Phàm những gì Phật thị hiện đều gọi là Tích cả. Tích từ do Bản mà có – "tùng bản thùy tích" (từ căn bản thị hiện ra) – đương nhiên Tích chẳng phải là Căn Bản. Kinh Phạm Võng ghi: “Ngô kim lai thử thế giới bát thiên phản, vị thử Sa Bà thế giới, tọa Kim Cang Hoa Quang Vương tòa...” (Ta nay đến thế giới này tám ngàn lượt, vì thế giới Sa Bà này ngồi trên tòa Kim Cang Hoa Quang Vương...) cố nhiên cũng là “thùy tích”.

Kinh Pháp Hoa chép:

Tự tùng thị lai, ngã thường tại thử Sa Bà thế giới, thuyết pháp giáo hóa, diệc ư dư xứ bách thiên vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ quốc đạo sư chúng sanh.

Chư thiện nam tử! Ư thị trung gian, ngã thuyết Nhiên Đăng Phật đẳng, hựu phục ngôn kỳ nhập ư Niết Bàn, như thị giai dĩ phương tiện phân biệt”.

(Từ đấy trở đi, ta thường trụ trong thế giới Sa Bà này thuyết pháp giáo hóa, cũng ở trong trăm ngàn ức vạn na-do-tha a-tăng-kỳ cõi nước ở phương khác làm đạo sư cho chúng sanh.

Này các thiện nam tử! Trong những khoảng đó, ta nói Nhiên Đăng Phật v.v… lại còn nói sẽ nhập Niết Bàn, như thế đều là dùng phương tiện phân biệt).

Đây cũng là Tích, chẳng phải là Bản.

Nói chung, những gì chúng ta biết về đức Thích Ca Mâu Ni đều là những sự thuộc phương diện Tích Môn, còn những sự thuộc về phương diện Bản Môn, chúng ta chẳng thể suy lường hiểu thấu nổi!

Vì sao đức Phật thường thị hiện chẳng ở lâu dài, giáo hóa trong thế gian? Phải biết: Đây cũng là điều khổ tâm bất đắc dĩ của đức Phật. Nguyên nhân là vì chúng sanh thường quen thói, cứ hễ thường trông thấy Phật bèn thấy Phật rất bình thường, chẳng chịu theo đúng pháp đức Phật đã dạy để tu hành. Phẩm Như Lai Thọ Lượng kinh Pháp Hoa có đoạn: “Nhược Phật cửu trụ ư thế, bạc đức chi nhân, bất chủng thiện căn, bần cùng, hạ tiện, tham trước ngũ dục, nhập ư ức tưởng vọng kiến võng trung. Nhược kiến Như Lai thường tại bất diệt, tiện khởi kiêu tứ, nhi hoài yếm đãi, bất năng sanh ư nan tao chi tưởng, cung kính chi tâm” (Nếu đức Phật ở lâu trong đời, kẻ đức mỏng chẳng trồng thiện căn, bần cùng, hạ tiện, tham đắm ngũ dục, lọt vào trong lưới ức tưởng vọng kiến. Nếu thấy Như Lai thường trụ bất diệt, càng khởi lòng kiêu căng, chán ngán, giải đãi, chẳng thể sanh ý tưởng khó gặp, khởi lòng cung kính). Bởi thế đức Phật chẳng thể không nhiều lần thị hiện giáng sanh, nhiều lần thị hiện nhập diệt, để cao độ cảnh giác chúng sanh.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương