QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記


Giải thích đề mục kinh Diệu Pháp Liên Hoa



tải về 1.41 Mb.
trang4/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

8. Giải thích đề mục kinh Diệu Pháp Liên Hoa
 Đã lược giảng tên gọi phẩm này, tôi lại giảng sơ lược tựa đề kinh này. Bốn chữ Diệu Pháp Liên Hoa nếu giảng nghiêm túc rất phức tạp, nội một chữ Diệu thôi, Thiên Thai Trí Giả đại sư phải giảng chín mươi ngày. Câu nói “cửu tuần đàm Diệu” (chín tuần6 giảng chữ Diệu) đã trở thành một giai thoại khoái trá trong lịch sử giảng kinh Trung Quốc. Bởi thế, muốn giải thích chi tiết trong một thời gian ngắn ngủi, đương nhiên là chẳng thể được, chỉ đành nói giản lược mà thôi.

Chữ Pháp trong Diệu Pháp chỉ hết thảy pháp, như pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp phàm phu, pháp thánh nhân v.v… không pháp nào chẳng bao hàm trong đó. Các pháp như thế, mỗi mỗi thuyết minh, đương nhiên là chẳng thể, mà thật ra cũng chẳng cần thiết. Bởi thế, Phật giáo đem vô lượng vô biên pháp quy nạp thành ba loại lớn; đó là tâm pháp, chúng sanh pháp và Phật pháp. Bất luận loại pháp nào cũng đều hết sức vi diệu; bởi thế gọi là Diệu Pháp, tức là: Tâm pháp là diệu, chúng sanh pháp là diệu, Phật pháp cũng là diệu. Tách riêng từng pháp cố nhiên là diệu, nhưng ba pháp chẳng sai biệt lại càng diệu hơn nữa; nói “tâm, pháp và chúng sanh, ba pháp ấy không sai biệt” chính là nói về ý này. Đạo lý này rất sâu, tuy nghe chẳng dễ hiểu, nhưng Diệu Pháp chẳng thể nghĩ bàn ai ai cũng sẵn có, tuyệt đối chẳng thể coi thường. Sở dĩ, chúng sanh là chúng sanh là vì mê mất diệu pháp này, sở dĩ chư Phật thành Phật là vì giác ngộ diệu pháp này. Bởi thế, giờ đây, tất yếu lại phải phân biệt [từng pháp]!

Vì sao tâm pháp là diệu? Muốn hiểu điều này, trước hết phải hiểu rõ mười pháp giới đã nói ở trên. Mười pháp giới là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A Tu La, người, trời, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Mười pháp giới này nếu nói tách ra thì sai biệt bất đồng, rất dễ hiểu, nhưng “giới giới hỗ cụ” (mỗi một giới có đầy đủ các giới khác), nghĩa ấy sâu rộng, rất khó hiểu rõ.

Nói “giới giới hỗ cụ” nghĩa là trong mỗi một giới đều có đủ chín giới khác. Chẳng hạn như địa ngục pháp giới, chẳng phải chỉ là mình địa ngục pháp giới, nó vẫn có đủ chín pháp giới khác, thậm chí nói đến Phật pháp giới, chẳng phải là một Phật pháp giới mà còn có đủ chín giới khác nữa. Mỗi giới có đủ mười giới, tổng cộng là bách giới (10x10=100); một trăm giới ấy, trong một niệm tâm của mỗi người chúng ta đều có đủ. Chẳng hạn như trong nhân pháp giới, lấy một niệm hiện tiền làm trung tâm, thì phàm ai có tâm, không ai chẳng khởi tâm động niệm, trong từng thời khắc khởi lên những niệm tâm sai khác. Có lúc khởi một niệm sân tâm, bèn rơi vào địa ngục pháp giới. Có lúc khởi lên một niệm tham tâm, bèn rơi vào ngạ quỷ pháp giới. Có lúc khởi một niệm ngu si bèn rớt vào súc sanh pháp giới. Có lúc khởi một niệm ghen ghét bèn rớt vào Tu La pháp giới. Có lúc khởi lên một niệm Giới Thiện (Ngũ Giới, Thập Thiện), bèn thuộc nhân loại pháp giới. Có lúc khởi niệm Thập Thiện, Tứ Thiền, Bát Định bèn rớt vào Thiên pháp giới. Có lúc khởi một niệm Chân Không bèn thuộc vào Thanh Văn pháp giới. Có lúc khởi một niệm duyên khởi, bèn thuộc vào Duyên Giác pháp giới. Có lúc khởi một niệm đại Bồ Đề tâm bèn thuộc vào Bồ Tát pháp giới. Có lúc khởi một niệm tâm từ bi, bình đẳng bèn thuộc vào Phật pháp giới. Nhân pháp giới có đủ mười pháp giới như thế. Chín giới kia cũng có đủ mười pháp giới giống hệt như vậy. Mỗi giới có đủ mười giới tạo thành bách giới, bách giới ở ngay trong một niệm tâm. Tâm pháp chẳng thể nghĩ bàn, bởi thế nói “tâm pháp là diệu”.

Trong một niệm tâm của chúng sanh đã có đủ mười pháp giới, cho thấy Thích Ca, Di Đà tâm ta vốn sẵn đủ. Bởi thế, Đại Thừa Phật pháp thường nói: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, tức là diễn tả rõ rệt: Ngay nơi một niệm tâm của chúng sanh chính là Phật, hoặc từ trong một niệm tâm của chúng sanh có thể tu hành thành Phật. Theo đây, có thể nói: “Tâm này là Bồ Tát, tâm này làm Bồ Tát”. Bồ Tát do một niệm tâm của chúng ta tạo thành, chỉ cần chúng ta muốn làm Bồ Tát thì ngay khi đó liền có thể thành Bồ Tát. Chẳng những thế, tâm này còn là Bồ Tát, Bồ Tát chẳng ở ngoài tâm chúng sanh. Đây là đứng trên lập trường của bậc thánh giả xuất thế gian mà nói, nên bảo “tâm pháp là diệu”.

Nếu đứng trên lập trường pháp thế gian mà nói, cũng có thể biểu hiện đạo lý giống hệt như vậy. Chẳng hạn như thiên đường, địa ngục là do đâu mà thành? Thiên đường, địa ngục vốn không lối, chỉ do con người tự tạo đó thôi. Con đường lớn sáng sủa đi đến thiên đường do chính mình mở lối. Con đường tối tăm, gập ghềnh vào địa ngục cũng do chính mình tiến vào. Người khác chẳng thể bồng quý vị lên thiên đường, hay đẩy quý vị vô địa ngục. “Tâm này có sẵn địa ngục, tâm này tạo địa ngục; tâm này sẵn có thiên đường, tâm này tạo thiên đường”. Thiên đường, địa ngục đều là do người tạo, chứng minh một niệm tâm của ta là chẳng thể nghĩ bàn, bởi thế nói “tâm pháp là diệu”.

Vì sao biết các pháp đều do tâm sanh? Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tâm sanh tắc chủng chủng pháp sanh, tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt” (Tâm sanh thời các pháp sanh, tâm diệt thời các pháp diệt), do đây biết tất cả các pháp thế gian, xuất thế gian đều do tâm sanh khởi mà chúng bèn sanh khởi. Nếu như chẳng có cái niệm tâm hiện tiền ấy, hết thảy pháp đều bất khả đắc! Đáng tiếc con người ngày ngày vận dụng cái niệm tâm ấy, nhưng chẳng có ai thực sự nhận thức cái niệm tâm ấy. Nếu thật sự nhận thức được thì mọi vấn đề đều giải quyết được cả. Cổ đức đã hình dung cái tâm trọng yếu như thế này:

Nhược nhân thức đắc tâm,

Đại địa vô thốn thổ.

(Nếu người biết được tâm,

Đại địa không tấc đất).

Bởi thế, trong đời người, quan trọng nhất là nhận thức được cái tâm của chính mình. Tuy rõ ràng là tâm luôn tồn tại và hiện diện trong từng thời khắc, nhưng muốn nhận thức nó, chẳng thể tưởng tượng hình dung là được. Bởi lẽ, chân tướng cái tâm niệm vốn sẵn có của chúng ta từ vô thỉ đã bị những thứ khác che lấp, nếu chẳng trải qua một phen đổ công cạo chất dơ, mài sáng, không cách chi nhận thức được chân tướng. Vì vậy, Phật pháp nói phải tu tâm.

Vì sao chúng sanh pháp là diệu? Nói “chúng sanh” là muốn nói đến mỗi một kẻ hữu tình chúng ta. Hoạt động của mỗi một hữu tình trong thế gian chẳng ngoài ba nghiệp thân - khẩu - ý. Bất luận trên phương diện nào, các hoạt động của ba nghiệp đều bị phiền não chỉ huy; bởi thế tạo tác rất nhiều sự nghiệp hữu lậu thiện hay ác. Do vì nghiệp thiện hay ác lôi kéo, dẫn dắt, bèn luân hồi trong sanh tử, cảm thọ các sự thống khổ. Do đây biết rằng: Tất cả chúng sanh trong thế gian này, chẳng có gì khác ngoài ba thứ Hoặc, Nghiệp, Khổ luân chuyển. Từ ba thứ này mà quán sát, chỉ có thể nói là thô, sao lại nói là diệu? Chẳng sai! Nhưng nói trên phương diện khác, nói “thô chính là diệu” chẳng trở ngại gì! Câu này hiểu như thế nào? Như Phật quả tối cao vô thượng, gồm đủ ba đức Bát Nhã, Giải Thoát, Pháp Thân là do đâu mà có? Chẳng phải là từ ba thứ Hoặc, Nghiệp, Khổ hay sao? Ba thứ Hoặc, Nghiệp, Khổ đổi thành ba đức Bát Nhã, Giải Thoát, Pháp Thân, tức là ý nghĩa “thô chính là diệu”.

Ba thứ Hoặc - Nghiệp - Khổ rõ ràng thuộc về sanh tử, sao có thể nói là ba đức? Đối với đạo lý này, thật sự cần phải giải thích thêm như sau:

Thường nhân luôn cho rằng những phiền não tham, sân, si v.v… có thật, nên cứ bị hãm trong rừng rậm phiền não chẳng ra được. Thật ra, phiền não có tánh chất thực tại chi đâu? Vẫn là do những mối quan hệ kích phát mà sanh khởi đó thôi! Chỉ cần những nhân duyên bên ngoài khiến cho phiền não sanh khởi chẳng còn nữa thì há còn thực sự có phiền não nữa ư? Nếu hiểu rõ phiền não chẳng có tự tánh thì ngay khi đó phiền não trở thành trí huệ. Bởi thế, suy cầu tự thể của trí huệ, sẽ thấy nó vốn ở trong phiền não.

Lìa khỏi phiền não để tìm trí huệ, biết tìm trí huệ ở đâu? Căn bản là chẳng thể được, bởi thế, trong kinh thường nói “phiền não tức Bồ Đề”. Ai nói tìm cầu trí huệ ngoài phiền não thì chẳng hiểu rõ tánh của phiền não là Không vậy! Nếu biết rõ một niệm tâm của chính mình, hiểu rõ thấu triệt rằng "phiền não chẳng có tự thể thật sự" thì sẽ tự hiểu được phiền não chính là Bát Nhã đức.

Vì sao nói nghiệp lực chính là giải thoát? Bao nhiêu nghiệp lực thiện ác của chúng ta đều do phiền não duy trì, tạo tác; nhưng hết thảy hành vi, hoạt động chẳng thể đơn độc phát khởi tác dụng, phải cùng do những điều kiện hòa hợp mà phát sanh. Như hành thiện nghiệp bố thí, chẳng có người nhận vật bố thí, sao có thể thành tựu được nghiệp thí? Như ác nghiệp sát sanh, không có người bị sát hại, sao thành được sát nghiệp? Các nghiệp hữu lậu khác như trì giới, tu Định v.v… không nghiệp nào chẳng vậy. Lúc nghiệp lực thành thục thì phải thọ sanh, lúc nghiệp lực tiêu tán bèn tận diệt.

Nhìn từ lập trường của chúng sanh, chúng sanh đều vì nghiệp lực sanh diệt mà sanh diệt. Qua Đông, qua Tây, lên trời, xuống đất đều là do nghiệp lực lôi dẫn chẳng được tự tại; nào biết đó là vọng tưởng, phân biệt, chứ thật sự, nghiệp tánh vốn Không! Chẳng hiểu rõ nghiệp tánh vốn là Không thì tựa hồ bị nghiệp lực ràng buộc, chẳng được tự do tự tại. Nếu liễu giải nghiệp tánh không tịch, ngay lập tức sẽ được tự tại giải thoát; bởi thế, nghiệp chính là Giải Thoát Đức.

Vì sao nói khổ báo chính là Pháp Thân? Quả báo sanh mạng sanh tồn trong thế gian vì sao là khổ? Trong kinh, đức Phật nói: Sanh diệt là khổ, vô thường là khổ. Do sanh mạng chẳng vĩnh hằng, biến hóa chẳng ngừng trong từng thời khắc, sanh diệt, diệt sanh biến đổi vô thường, bởi thế, bị thống khổ tập kích không ngừng. Chúng sanh lưu chuyển sanh tử, từ vô thỉ đến nay là sanh rồi diệt, diệt rồi lại sanh, sanh diệt, diệt sanh, tạo thành một cuộc sống tồn tại chẳng ngừng. Sanh diệt, diệt sanh, tựa hồ có tự tánh chân thật, do sanh diệt bèn có thống khổ, chẳng có cách nào giải quyết. Nhưng sanh diệt do duyên mà có, sanh nhưng không thật sanh, diệt cũng chẳng thật diệt, sanh diệt là Không, vô tự tánh. Vô sanh mà sanh, vô diệt nhưng diệt, sanh diệt như thế tức là Như Lai Pháp Thân. Như Lai chứng đắc Pháp Thân tức là chứng đắc tự thể bất sanh bất diệt. Do đây chứng tỏ: Ngay nơi quả báo sanh diệt của chúng sanh chính là Pháp Thân đức của Như Lai.

Do Hoặc, Nghiệp, Khổ mà chúng sanh sẵn có chính là ba đức Bát Nhã, Giải Thoát, Pháp Thân của Như Lai nên chúng sanh pháp là diệu.

Tâm pháp diệu và chúng sanh pháp diệu đã giảng rồi, sau cùng lại giảng vì sao Phật pháp là diệu. Phật là Phật Đà chứng đắc Bồ Đề tối cao vô thượng. Phật Đà là bậc đại thánh đoạn sạch hết thảy phiền não, giải quyết hai thứ sanh tử, chứng đắc giải thoát rốt ráo. Dùng Phật nhãn quán sát hết thảy, hết thảy mọi thứ không gì chẳng phải là vi diệu chẳng thể nghĩ bàn. Cố nhiên, chúng sanh là chúng sanh trong tâm Phật, vạn vật cũng là vạn vật trong tâm Phật. Mọi pháp đều là Thật Tướng, pháp nào cũng đều là Bát Nhã, đâu còn có cái này, cái kia sai biệt? Bởi thế, Phật trọn chẳng có pháp nào khác, cái được Ngài chứng đắc cũng chỉ là chúng sanh pháp và tâm pháp. Nói “tâm này là Phật, tâm này làm Phật” chính là ý này. Phật vốn có nghĩa là chẳng mê, cũng có nghĩa là Giác. Một niệm tâm hiện tiền của chúng ta chỉ cần chẳng bị trần cảnh khách quan làm mê, ngay khi đó chính là Phật. Kinh nói: “Nhất niệm bất sanh, tức Như Như Phật” (Một niệm chẳng sanh chính là Như Như Phật) chính là ý này. Bởi thế, Phật pháp là diệu.

Tổng hợp Phật pháp diệu, chúng sanh pháp diệu, tâm pháp diệu thì gọi là Diệu Pháp; nhưng diệu pháp ấy chẳng thể suy nghĩ, phân biệt mà hiểu được nổi. Đồng thời, diệu pháp chẳng thuộc bên ngoài, vốn là sẵn có. Phàm ai có tâm, không ai chẳng có diệu pháp này, chẳng qua chúng sanh chưa thể chứng đắc đó thôi! Làm thế nào mới có thể chứng đắc diệu pháp này? Tùy cách tu hành của mỗi người mà nói khác nhau: Có người nói diệu pháp chẳng dễ chứng đắc, có người nói diệu pháp chứng đắc chẳng khó khăn chi lắm, có người nói diệu pháp chứng đắc chẳng khó chẳng dễ. Ba cách nói bất đồng. Bây giờ, tôi sẽ lấy chuyện vợ chồng và con cái Bàng Cư Sĩ đàm đạo trong Phật giáo Trung Quốc làm ví dụ.

Bàng Cư Sĩ là một vị đại cư sĩ hữu danh của Trung Quốc, nhà vốn rất giàu có, có thể nói là bậc phú ông giàu có trăm vạn, nhưng sau khi ông ta lãnh hội Phật pháp, bèn đem hết thảy của cải trong nhà ném xuống sông Hán Dương, cả nhà chọn cuộc sống thật đạm bạc, chuyên tâm nhất ý tu học Phật pháp. Trong quá trình tu học, chợt có một ngày nọ, mọi người quây quần cùng thảo luận sự tu hành khó - dễ. Cuộc thảo luận ấy diễn ra như sau:

Trước hết, Bàng Cư Sĩ nói: Dụng công chẳng phải là chuyện dễ, muốn chứng diệu pháp vốn sẵn có cũng khó lắm. Khó đến mức độ nào? Ông ta nói: “Nan! Nan! Nan! Thập hộc chi ma thụ thượng than!” (Khó! Khó! Khó! Mười hộc mè rải đều lên cây). Từng hạt mè rải phơi trên đất bằng đương nhiên rất dễ, nếu muốn phơi trên những cây cao, có phải là một chuyện rất khó hay chăng? Ý ông ta nói: Chúng ta bình thường khởi tâm động niệm đều thuận theo hư vọng, phân biệt, tự nhiên rất dễ đi trên con đường tham ái chấp trước quen thuộc. Bây giờ muốn thay đổi niệm tâm đó, hướng theo con đường tu chứng, từ trước vốn chưa có lối mòn người đi thành đường, bởi thế, đi trên đó chẳng tránh khỏi cảm thấy rất khó khăn! Đúng là như vậy đó, bởi lẽ chẳng dễ gì định được cái tâm thức của chúng ta, quý vị muốn nó như thế này, nó lại chệch qua cái khác, quý vị muốn nó hướng về Đông, nó lại chệch sang Tây. Quý vị muốn nó chuyên chú vào một cảnh giới, nó chẳng ngừng rong ruổi hướng ngoại. Bởi vậy, đường tu hành rất khó!

Bàng Cư Sĩ trình bày kinh nghiệm tu chứng xong, tiếp đó, bà Bàng cũng nêu ý kiến: Trong quá trình tôi tu chứng, tôi chẳng cảm thấy khó khăn như ông, lại cảm thấy rất dễ. Bà nói: “Dị! Dị! Dị! Bách thảo đầu thượng tổ sư ý. Niêm lai vô bất thị, thúy trúc hoàng hoa, vô phi Bát Nhã” (Dễ! Dễ! Dễ! Ý tổ sư trên đầu trăm ngọn cỏ, cứ nhón lấy, không chỗ nào là chẳng phải. Trúc biếc, hoa vàng, không gì chẳng phải là Bát Nhã). Ý bà nói: Những điều gì mắt mình trông thấy, không thứ gì chẳng phải là ý tổ sư. Những vật mình thuận tay nắm lấy, không gì chẳng phải là diệu pháp. Như viên phấn đang cầm trong tay đây thoạt nhìn chẳng có ý nghĩa gì; nhưng nếu hiểu rõ duyên khởi tánh không, sẽ ngay lập tức thấy Thật Tướng, cũng chính là diệu pháp. Hiểu rõ như thế thì có khó khăn gì cơ chứ? Bởi thế, tôi cho rằng tu hành rất dễ. Nếu chẳng thể tìm được ý tổ sư trên đầu trăm ngọn cỏ, cứ cho đó là những ngọn cỏ tầm thường, sẽ rất khó chứng ngộ. Nếu lãnh hội thì mắt thấy, tai nghe, một ngọn cỏ, một cái cây đều là diệu pháp, còn có khó khăn gì nữa cơ chứ?

Bà Bàng nêu ý kiến xong, cô con gái Linh Chiếu cũng đưa ý kiến: Theo kinh nghiệm tu hành của con, chẳng khó khăn như bố nói, cũng chẳng dễ dàng như mẹ nói, mà là “dã bất nan, dã bất dị, cơ lai ngật phạn, bì lai thùy!” (Cũng chẳng dễ, cũng chẳng khó, đói ăn cơm, mệt thì ngủ). Khác nào con nít nói giỡn “đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ”, có phải vậy chăng? Vẫn là nói về cách dụng công tu hành, nhưng đơn giản, trực tiếp, kỳ diệu không sao diễn tả được! Nào biết trong đây có đạo lý lớn lao, chẳng phải nói giỡn đâu nhé! Bây giờ tôi dẫn công án “đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ” để làm cước chú.

Có lần, Hữu Nguyên luật sư đến gặp Đại Châu Huệ Hải thiền sư, hỏi:

- Hòa thượng tu đạo còn dụng công hay chăng?

Ngài Đại Huệ trả lời:

- Đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ.

- Có phải hết thảy mọi người đều dụng công giống như thầy hay không?

- Chẳng giống!

- Vì sao không giống?

- Bọn họ lúc ăn cơm chẳng chịu ăn cơm, phải sắp đặt trăm thứ; lúc ngủ chẳng chịu ngủ, tính toán ngàn mối, cho nên chẳng giống!

Bọn chúng sanh ta đúng thật là “sắp đặt trăm thứ, tính toán ngàn mối”, đến nỗi ăn cơm, ngủ nghỉ chẳng an, chuyện tu đạo đương nhiên chẳng cần bàn đến nữa! Mục đích của tu đạo là thể nhận (thấu hiểu, nhận thức) bản tánh của chính mình, đói thì phải ăn, mệt cần phải ngủ, cũng chỉ là một sự trong bản tánh của mình. Chỉ vì có những điều cần phải sắp đặt, tính toán nên bị che lấp chẳng thể thấu hiểu, nhận thức được. Nếu diệt hết những cái cần phải lo lắng, tính toán, thì ăn cơm, ngủ nghỉ, không lúc nào chẳng phải là tu đạo kiến tánh? Bởi thế, Huệ Hải thiền sư nói: “Hiểu đạo thì đi, đứng, nằm, ngồi, không gì chẳng phải là đạo. Ngộ pháp thì dọc ngang tự tại, không gì chẳng phải là pháp”. Do ý chỉ này, khi nói “đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ” chính là lúc hành giả tu đạo.

Nếu có hành nhân một mặt tu đạo, một mặt lo toan, tính toán, đương nhiên khó thể tiến bộ. Nếu như đạt được: Suốt ngày ăn cơm chưa từng cắn trúng một hạt gạo; suốt ngày ngủ nghê, chưa từng khởi điên đảo vọng tưởng; ngay khi đó chính là diệu pháp. Cô Linh Chiếu nói “đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ” đích xác là nói về kinh nghiệm tu hành của cô, mà cũng chính là cảnh giới chứng ngộ đặc thù của cô.

Diệu pháp, mỗi cá nhân đều vốn sẵn có, vấn đề là chúng ta có nhận thức được hay không? Nếu từ dụng công mà đạt được chứng ngộ thì diệu pháp chính ngay đó, cái căn bản là chẳng cần cầu từ bên ngoài. Nếu chẳng khéo dụng công tu hành cho khế hợp thì diệu pháp xa xôi lắm, không cách gì thấy được căn bản. Tuy nói như thế, nhưng chẳng có gì bị mất, thủy chung vẫn tồn tại, chỉ cần xoay lại quán nơi tự tâm, lúc nào cũng có thể đạt được.

Trên đây là giảng về lý Diệu Pháp thật sự rất vi diệu, chẳng dễ hiểu được nổi, bởi thế mới riêng nêu lên hoa sen làm ví dụ để nói rõ diệu pháp khó hiểu, khó nhận biết trọn vẹn. Trong thế gian có rất nhiều thứ hoa khác nhau, nhưng để hiển thị Diệu Pháp, chỉ dùng hoa sen chứ không dùng hoa nào khác. Hoa sen khác với những loại hoa khác như sau: Các hoa khác phải nở hoa rồi mới kết quả, riêng mình hoa sen lúc nở hoa cũng là lúc kết quả. Đó là “hoa quả đồng thời”. Hoa sen là hoa quả đồng thời, tượng trưng cho Diệu Pháp nhân quả bất nhị. Bởi thế dùng hoa sen làm thí dụ, không có gì thích đáng hơn!

Nhưng điểm đặc sắc nhất của hoa sen đã được ngài Thiên Thai dùng ba câu để diễn tả tánh đặc biệt của nó như sau:
      1) “Vị liên cố hoa” (vì hạt sen mà nở hoa):
Chữ “liên” ở đây là “liên tử” (hạt sen), hạt sen cũng chính là trái [của cây sen]. Vì sao Sen nở hoa? Chính là vì hạt sen mà có hoa; hoa và hạt đồng thời; ví như Phật vì Thật mà bày Quyền. Dưới cội Bồ Đề, đức Phật ngộ chứng diệu pháp Thật Tướng, không giấu riêng pháp mình đã chứng mà muốn đem giảng cho chúng sanh nghe. Diệu pháp quá mầu nhiệm, chúng sanh chẳng thể tiếp nhận; bởi thế, Ngài chẳng dám tuyên thị ngay. Kinh Pháp Hoa chép:

Ngã pháp thậm thâm diệu,

Vô tín, vân hà giải?      

(Pháp ta thật thâm diệu,

      Không tin, sao hiểu được?)

Muốn hiểu diệu pháp, trước hết phải có tín tâm. Không có tín tâm, làm sao hiểu được? Chẳng hiểu vẫn chưa sao, nhưng nếu vì chẳng hiểu mà đâm ra phỉ báng thì chẳng những vô ích đối với chúng sanh, lại còn bất lợi hết sức lớn; bởi vậy, trong lúc ấy, đối với những pháp sẽ nói hay chẳng nói, đức Phật phải một phen cân nhắc. Sau khi suy xét như thế, biết pháp chưa được nói ấy sẽ vô ích đối với chúng sanh, do không có biện pháp gì, đành miễn cưỡng vận dụng phương tiện thiện xảo, trước hết tuyên nói những pháp quyền nghi để chúng sanh có thể tiếp nhận được. Chẳng hạn như pháp Nhân Thiên thừa, pháp của thánh giả Nhị Thừa, đều là những pháp mà đức Phật vì chúng sanh phương tiện nói. Vì sao Phật nói Quyền? Chính là vì Thật mà nói Quyền. Trong thời gian ấy, tuy nói các thứ phương tiện, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là vì liễu giải pháp chân thật. Như kinh Pháp Hoa nói:



Tuy thuyết chủng chủng đạo,

Kỳ thật vị Phật thừa.

(Tuy nói các thứ đạo,

Nhưng thật vì Phật thừa).

Chính là thuyết minh hay nhất về đạo lý “vì Thật khai Quyền”.

 

2) “Hoa khai liên hiện” (hoa nở hạt hiện):


Hạt sen đến lúc nào mới thấy xuất hiện rõ ràng? Ngay trong lúc hoa vừa nở, hạt sen đã hiện rõ trên gương sen, trọn chẳng đợi đến lúc hoa nở rụng hết cánh rồi, hạt sen mới xuất hiện. Đây ví như đức Phật khai Quyền hiển Thật, Như Lai dùng các phương tiện quyền xảo để thuyết pháp cho chúng sanh, từ từ điều phục căn tánh chúng sanh cho thuần thục, đến khi nào cơ duyên chín muồi, xem thấy chúng sanh có thể tiếp nhận được diệu pháp, trong hội Pháp Hoa, đức Phật bèn khai Quyền hiển Thật, bảo đại chúng trong pháp hội: Hết thảy các pháp đã nói trong quá khứ đều là phương tiện, đều là những con đường phụ trợ của Nhất Thừa. Phật pháp thật sự rốt ráo chỉ có một Phật thừa, không có hai thừa, ba thừa. Bởi thế kinh Pháp Hoa dạy:

Duy hữu Nhất Thừa pháp,

Vô nhị, diệc vô tam

...Nhược hữu văn pháp giả,

Vô nhất bất thành Phật.

(Chỉ có pháp Nhất Thừa,

Không hai, cũng không ba.

…Nếu có người nghe pháp,

Không ai chẳng thành Phật).

Muốn triệt để phơi bày chỉ thú diệu pháp Nhất Thừa rốt ráo thì phải khai trừ hết thảy những phương tiện thiện xảo đã nói trong quá khứ, đó là “khai Quyền hiển Thật”. Chư Phật do chứng diệu pháp này mà thành Phật, chúng sanh vì mê diệu pháp này nên là chúng sanh. Chúng sanh và Phật vốn cùng sẵn đủ diệu pháp này, đương nhiên chúng sanh có thể thành Phật. Kinh Pháp Hoa phơi bày rõ rệt chân lý này, bởi thế gọi là Diệu Pháp.

 

3) “Hoa lạc liên thành” (hoa tàn hạt chín):
Đến khi nào hoa chánh thức tàn thì hạt sen đã hoàn toàn trở thành ăn được. Điều này ví như đức Phật phế Quyền lập Thật. Quyền là phương tiện chẳng thật, Thật là chân thật rốt ráo. Thật là chân thật rốt ráo, đương nhiên phải nên lập, Quyền là phương tiện chẳng thật, cố nhiên nên phế trừ. Đó là “phế Quyền lập Thật”. Thật ra, Phật ẩn sẵn Thật nơi Quyền, Quyền chính là Thật, rời Quyền há nào còn có Thật? Đương nhiên Quyền chính là Thật, đủ thấy Thật chẳng ngoài Quyền; bởi thế, hết thảy chúng sanh đều được thành Phật.

Diệu Pháp là pháp, Liên Hoa là thí dụ, hợp Diệu Pháp và Liên Hoa lại để nói thì chính là dùng Pháp và Dụ để đặt tên kinh. Kinh là dịch ý chữ Ấn Độ “Tu-đa-la”, chữ này thường giải thích, nên chẳng cần phải giảng lại nữa.

Năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là tên chung của bản kinh này, tám chữ Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm là tên riêng của phẩm này.

 

9. Giới thiệu giản lược tiểu sử dịch giả


 Tựa đề kinh và tên phẩm đều đã giải thích sơ lược, nay sẽ tiếp tục giới thiệu đại lược về tiểu sử của dịch giả như sau:

Người dịch kinh này là pháp sư Cưu Ma La Thập (Kumārajīva); trong lịch sử dịch kinh Trung Quốc, Ngài là vị dịch kinh xuất sắc nhất. Ngài La Thập là người xứ Quy Tư (Kucha, Kutsi), cha tên Cưu Ma La Viêm (Kumārāyana), vốn là người Trung Ấn Độ, nhân sang chơi xứ Quy Tư, quốc vương ngưỡng mộ ông đạo cao học rộng nên đặc biệt đem em gái mình gả cho, sau này sanh ra Pháp Sư Cưu Ma La Thập. Pháp Sư khi còn thơ, không những thông minh hơn hẳn mọi đứa trẻ bình thường khác, phong độ của Ngài đúng là bậc thiếu niên lão thành nên có tên là Đồng Thọ (đứa trẻ già dặn, chững chạc).

Năm ngài La Thập lên bảy tuổi, vì mẫu thân xuất gia, Ngài cũng phát tâm xuất gia. Do mẹ Ngài là em của quốc vương, sau khi xuất gia được rất nhiều người cúng dường, cảm thấy quá phiền phức, trở ngại tu tập đạo nghiệp, bà bèn mang ngài La Thập qua nước Kế Tân (Kophen) cầu pháp. Ở Kế Tân, có một ngày, bà mẹ đến ngôi chùa nọ lễ Phật, ngài La Thập cũng đi theo. Thấy trên đại điện có một cái bát sắt, Sư đùa giỡn, đội bát sắt lên đầu, chẳng nghĩ nó nặng. Chập sau, mới nghĩ: “Bát sắt to như thế này, mình bé như thế này, làm sao giữ vững trên đảnh được?” Nhân vì khởi vọng tưởng ấy, ngay lập tức cảm thấy áp lực nặng nề. Do vậy, Ngài ngộ lẽ “hết thảy tùy tâm chuyển, chẳng có tâm phân biệt, chẳng có quan niệm nặng hay nhẹ. Hễ có tâm phân biệt thì quan niệm nặng hay nhẹ cũng từ đó mà sanh”.

Sống ở Kế Tân hai ba năm, bà mẹ đem Ngài trở về bổn quốc, đi qua một ngọn núi cao, trên núi có một La Hán thánh giả thấy La Thập là pháp khí, bèn bảo bà mẹ: “Bà phải khéo gìn giữ chú sa-di nhỏ này, đến năm ba mươi lăm tuổi, nếu nó chẳng phá giới cấm của Như Lai, sẽ có thể độ vô lượng vô biên chúng sanh”.

Kế Tân là đại bản doanh của Tiểu Thừa Phật giáo, pháp ngài La Thập đã học ở Kế Tân đương nhiên là Tiểu Thừa. Sau đấy, Ngài đến nước Sa Lặc, vương tử con vua tên là Sa Xa xuất gia học tập Phật pháp, chuyên nghiên cứu Đại Thừa Phật pháp. Một ngày nọ, Sư đọc kinh Bát Nhã trong chùa, niệm đúng vào đoạn “không bất khả đắc”. Ngài La Thập nghe được, cảm thấy rất lạ, mình học ở nước Kế Tân “năm Uẩn là có, mười hai Xứ là có, mười tám Giới là có. Sao bây giờ vị pháp sư này lại niệm Ngũ Uẩn là Không, mười hai Xứ là Không, mười tám Giới là Không… hết thảy đều không, đạo lý gì thế?” Bởi thế bèn đến hỏi Sư vì sao nói “không bất khả đắc”? Nhân đó, đôi bên tranh cãi về Đại, Tiểu Thừa. Kết quả, ngài La Thập thất bại, bèn theo ngài Sa Xa học tập Đại Thừa Tánh Không của Bát Nhã. Chẳng lâu sau, chẳng những Ngài đạt tâm đắc nơi Đại Thừa Tánh Không mà còn trở thành bậc học giả hoằng dương Đại Thừa tánh Không mạnh mẽ nhất. Không những mọi người được ngài La Thập cảm hóa trở thành hành giả của Đại Thừa tánh Không, ngay đến cả nghiệp sư của ngài La Thập cũng được Ngài chuyển hóa bèn tín phụng Đại Thừa.

Thân mẫu ngài La Thập sau đấy lại từ Quy Tư qua Ấn Độ, lúc sắp lên đường bảo ngài La Thập: “Nay mẹ xa con, có mấy câu để lại cho con. Nếu Đại Thừa Phật pháp truyền đến Chấn Đán (Trung Hoa) sẽ có ích cho chúng sanh tại Chấn Đán, nhưng muốn truyền được qua đó chỉ nhờ vào sức con. Nhưng làm lợi cho họ, lại đại bất lợi cho con. Nếu chỉ vì con, mẹ chẳng tán thành con đi qua đó; nhưng vì hóa đạo (giáo hóa, dạy dỗ) nhân quần, mẹ lại chẳng thể ngăn con đi, bởi vậy chẳng biết như thế nào mới nên?”

Ngài La Thập nghe mẹ nói, chẳng do dự chút nào, đáp ngay: “Đại Sĩ xả kỷ vị nhân (bỏ mình vì người), chỉ cần chúng sanh được lợi ích, tự mình nào sợ cái khổ vạc sôi, lò than, thậm chí hy sinh tánh mạng chính mình cũng chẳng tiếc!”

Mẹ ngài La Thập nghe như vậy, liền an tâm rời khỏi ngài La Thập. Tinh thần xả kỷ của ngài La Thập có thể nói đã biểu lộ không sót qua mấy câu nói trên. Hành giả Đại Thừa Phật pháp phải nên có tinh thần đó!

Vào năm Hoằng Thỉ thứ ba (401) trào Diêu Tần, ngài La Thập đến Trung Quốc. Diêu Tần là một trong mười sáu nước thời Ngũ Hồ Loạn Hoa, gọi là Diêu Tần để chỉ rõ chẳng phải là nước Tần của Tần Thủy Hoàng, cũng như chẳng phải là nước Tiền Tần của Phù Kiên, mà là nước Hậu Tần của Diêu Hưng. La Thập đến Trung Quốc vào triều đại này. Đương thời, vua Phù Kiên nhà Tiền Tần nghe danh ngài La Thập, ngưỡng mộ phi thường, đặc phái đại tướng quân Lữ Quang qua tận Quy Tư nghênh tiếp Ngài nhập Hoa. Lữ Quang thỉnh được ngài La Thập về đến Lương Châu, chợt nghe Phù Kiên tử trận, Diêu Trành nhà Hậu Tần tiếm hiệu tại Quan Trung. Lữ Quang bèn tuyên cáo độc lập tại Lương Châu, đặt quốc hiệu là Lương. Chỉ vì ngài La Thập túc trí đa mưu, Lữ Quang sợ ngài La Thập bị Diêu Trành lợi dụng nên Lữ Quang bèn cung dưỡng Ngài ở lại Lương Châu, chẳng cho Ngài sang Quan Trung. Về sau, Diêu Hưng nối ngôi [Diêu Trành], do thâm tín Phật pháp, ngưỡng mộ tài đức, sở học của ngài La Thập, phái binh Tây chinh Lữ Long (đời sau của Lữ Quang), cưỡng bách ngài La Thập về Quan Trung, thờ làm quốc sư, cung dưỡng trong vườn Tiêu Dao để Ngài chuyên tâm nhất ý phiên dịch kinh điển. Tổng cộng, Ngài La Thập dịch được ba bốn trăm quyển kinh.

Những bản dịch kinh của ngài La Thập có đặc điểm lớn nhất là văn phong bóng bẩy, lưu loát, ý nghĩa hoàn thiện. Chẳng hạn như kinh Pháp Hoa, kinh Di Đà, kinh Duy Ma v.v... văn từ đều hay đẹp, được mọi người thích đọc tụng. Chữ “chiếu” (詔) trong câu “phụng chiếu dịch” chỉ chiếu thư của hoàng đế, ý nói bản dịch kinh này do ngài La Thập tuân theo chiếu mạng của vua Diêu Hưng mà dịch.

Trong lịch sử dịch kinh Trung Quốc, có bốn nhà đại phiên dịch, nhưng hai ngài La Thập và Huyền Trang nổi tiếng nhất trong giới phiên dịch. Phật pháp Trung Quốc phong phú, hoàn bị, chẳng thể không quy công về hai vị đại dịch sư. Phật giáo Trung Quốc nếu trước chẳng có ngài La Thập, sau chẳng có ngài Huyền Trang, chẳng thể khởi sắc rạng rỡ như thế, tôi dám đoan chắc như thế.

Ngài La Thập tin những kinh Phật mình dịch chẳng sai lầm, nên sau khi tịch, hỏa thiêu, cuống lưỡi vẫn còn nguyên chẳng hoại. Bởi thế, đối với những kinh điển do ngài La Thập dịch, chúng ta phải như pháp phụng hành, tin sâu chẳng nghi.

Tam Tạng pháp sư” có nghĩa là: Một mặt, ngài La Thập dùng giáo pháp trong Tam Tạng để hóa độ chúng sanh, là thầy người khác; một mặt nghiên cứu sâu xa Tam Tạng, tự lấy đại pháp làm thầy của mình; bởi thế xưng là Tam Tạng Pháp Sư.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương