QUÁn thế Âm bồ TÁt phổ MÔn phẩm giảng ký 觀世音菩薩普門品講記 演培老法師講述 釋寬嚴記



tải về 1.41 Mb.
trang15/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.41 Mb.
#35398
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

2.2.1.2.2. Năng miễn bát nạn (Thoát khỏi tám nạn)

2.2.1.2.2.1. Oán tặc hình lục nạn (Nạn oán tặc, xử tử hình)
      Chánh kinh:

      Hoặc tại Tu Di phong,

      Vị nhân sở thôi đọa,

      Niệm bỉ Quán Âm lực,

      Như nhật hư không trụ,

      Hoặc bị ác nhân trục,

      Đọa lạc Kim Cang sơn,

      Niệm bỉ Quán Âm lực,

      Bất năng tổn nhất mao,

      Hoặc trị oán tặc nhiễu,

      Các chấp đao gia hại,

      Niệm bỉ Quán Âm lực,

      Hàm tức khởi từ tâm,

      Hoặc tao vương nạn khổ,

      Lâm hình dục thọ chung,

      Niệm bỉ Quán Âm lực,

      Đao tầm đoạn đoạn hoại.

或在須彌峰。

為人所推墮。     

念彼觀音力。

如日虛空住。

或被惡人逐。

墮落金剛山。     

念彼觀音力。

不能損一毛。

或值怨賊繞。

各執刀加害。     

念彼觀音力。

咸即起慈心。

或遭王難苦。

臨刑欲壽終。     

念彼觀音力。

刀尋段段壞。

      (Hoặc trên đảnh Tu Di,

      Bị người đẩy rớt xuống,

      Nhờ sức niệm Quán Âm,

      Như mặt nhật treo không,

      Hoặc bị người ác đuổi,

      Rớt khỏi núi Kim Cang,

Nhờ sức niệm Quán Âm,

      Chẳng bị tổn mảy lông,

      Hoặc gặp oán tặc quấy,

      Cùng cầm đao gia hại,

      Nhờ sức niệm Quán Âm,

      Đều liền khởi từ tâm,

      Hoặc gặp phải nạn vua,

      Chịu chém, mạng sắp dứt,

      Nhờ sức niệm Quán Âm,

      Đao liền gãy từng khúc)

     

Tu Di, còn gọi là Tu Di Lâu (Sumeru, Meru), hay Tô Mê Lư, Trung Quốc dịch là Diệu Cao. Vì núi này do bảy báu hợp thành, nên gọi là Diệu. Vì núi này cao hơn bảy Kim Sơn19 nên gọi là Cao. Núi ở trong đại hải, dựa trên Kim Luân, mặt trời, mặt trăng xoay quanh, chư thiên sống hoặc dạo chơi trong đó, bảy rặng núi vây quanh, bảy biển giáp vòng. Bốn mặt núi mỗi mặt một màu: Mặt Đông màu hoàng kim, mặt Nam màu lưu ly, mặt Tây màu bạch ngân, mặt Bắc màu pha lê. Bất luận mặt núi màu gì, nước ở phía mặt núi đó đều cùng một màu với núi. Tính ra, núi này cao tám vạn bốn ngàn do-tuần, ngập dưới nước bốn vạn hai ngàn do-tuần, vượt khỏi mặt nước bốn vạn hai ngàn do-tuần, là trung tâm của thế giới Sa Bà. Thật ra, núi Tu Di được nói trong kinh Phật hiện tại chính là Hỷ Mã Lạp Sơn (Himalayas), đúng là ngọn núi cao nhất thế giới20.



      Phật dạy: Giả sử có người đang ở trên ngọn cao nhất của núi Tu Di, đột nhiên bị người khác xô rớt xuống, chẳng cần phải nói, người ấy chẳng khỏi tan xương nát thịt, tuyệt đối chẳng còn có hy vọng sống còn. Vì thế nói là “vị nhân sở thôi đọa” (bị người đẩy rớt xuống), nhưng ngay trong lúc đó, người bị đẩy ấy kiền thành xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, liền được oai lực của Quán Âm Bồ Tát gia bị, hệt như mặt trời, mặt trăng an trụ trong không trung, chẳng đến nỗi rớt xuống mất mạng. Người đẩy ta rớt xuống không phải là oan gia thì cũng là đạo tặc mưu đoạt tài hại mạng; người bị đẩy mà chẳng rơi toàn là do oai lực Quán Âm gia trì. Trong chuyện thoát khỏi oán tặc này, sở dĩ đặc biệt lấy núi Tu Di để nói là vì Diệu Cao sơn vương trên thấu hư không, dưới tột cùng biển cả, cứu được nạn khó cứu nhất. Chót vót đảnh núi Diệu Cao, Bồ Tát còn cứu được thì những nơi khác Quán Âm đến cứu tế sẽ chẳng thành vấn đề nữa.

      Sách Quảng Tín Phủ Chí có chép một câu chuyện như sau: Dưới triều Tống, có người vào núi đào quặng đồng, đào mỏ đồng sâu đến nỗi không sao dò được, đào đến nỗi ngọn núi ấy muốn sụp lở. Ngay trong lúc ấy, chợt có một người nữ xách giỏ chứa một con cá vàng đến rao bán. Những người đào đồng trong hầm núi nghe tiếng người nữ rao bán cá, ai nấy tranh nhau chui ra, chỉ sợ mình chậm chân, đến lúc mọi công nhân đều chui ra khỏi hang núi xong, ngay lập tức ngọn núi sụp xuống, cô gái bán cá cũng chẳng biết đi đâu mất! Mọi người kinh hồn hoảng vía, mới hay đó là Quán Âm đến cứu độ vậy.

      Ở đây, núi cao Tu Di ví cho núi Ngã Mạn cao ngất của chúng ta. Người sống trong thế gian không ai là chẳng cống cao, ngã mạn, có thể thấy rõ thái độ cậy mình khinh người đó. Người ở trên đảnh núi ngã mạn cao chót vót, thường coi thường mọi sự, chẳng có ai đáng để vào mắt, tự cho mình phi phàm nhất; bởi thế, từ đầu đến cuối muốn giữ vững địa vị của chính mình. Một ngày nào đó, cảm thấy có chuyện gì chẳng vừa ý, chẳng được đại đa số mọi người tôn trọng, liền tự giận dữ, tự vứt bỏ, cam bề đọa lạc, khác nào bị người xô từ đỉnh núi Tu Di xuống. Bởi thế, làm người chẳng được tự cao, tự đại, mà phải thường tự khiêm. Nếu có thể thường niệm Quán Âm sẽ có thể an nhiên ngồi nơi địa vị của chính mình!

      Hoặc lại có kẻ nào đó, bị những kẻ hung ác tàn bạo không ngừng đuổi theo sau, bức kẻ ấy không còn đường nào chạy trốn nữa; kết quả, bị té từ núi Kim Cang xuống, chẳng cần phải nói nữa, thật là nguy hiểm vô cùng, rất khó giữ được sanh mạng. Nhưng nếu trong lúc nguy hiểm vô cùng ấy, người bị truy bức gặp hoàn cảnh cấp bách, trí huệ phát sanh, khẩn thiết chí thành xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát thì liền được oai lực Quán Âm gia trì, khiến cho da tóc nơi sanh mạng thể chẳng hề bị tổn thương mảy may gì, bởi thế nói là “bất năng tổn nhất mao” (chẳng bị tổn mảy lông).

Kim Cang Sơn là tiếng Hán, tiếng Ấn gọi là Chước Ca La (Cakravāda). Theo kinh Khởi Thế, ngoài các đại sơn và núi Tu Di ra, còn có một hòn núi lớn tên là Chước Ca La (cũng có chỗ dịch là Thiết Vi sơn), cao sáu trăm tám mươi vạn do-tuần, kích thước các bề cũng là sáu trăm tám mươi vạn do-tuần, do kim cang dày khít kiên cố tạo thành, rất khó lòng phá hoại, đánh vỡ được, bởi vậy gọi là núi Kim Cang; nhưng nếu những thứ khác đụng phải kim cang, những thứ đó sẽ bị phá hoại dễ dàng. Chớ nghĩ núi Kim Cang kiên cố nhất hoàn toàn là ngọn núi ở bên ngoài, nó chính là Ngã Chấp trong tâm chúng ta đấy. Theo Phật pháp, khó phá hoại nhất không gì bằng tâm Ngã Chấp của chúng sanh. Phải đạt đến bực Sơ Địa Bồ Tát mới phá sạch hết nổi Phân Biệt Ngã Chấp, nhưng Câu Sanh Ngã Chấp tùy ý khởi lên, cực kỳ vi tế, dù đã chứng Sơ Địa vẫn chưa thể giải quyết được. Phải tu tập những địa vị cao hơn, tu tập Sanh Không Trí Quán mới hòng dần dần đoạn trừ được, bởi thế nó được ví như Kim Cang. Chính vì chúng sanh ngã chấp kiên cường nên thường bị vây quanh bởi những kẻ ác phiền não, thường bị họ đẩy vào hiểm lộ đường cùng, rốt cuộc từ núi chúa Ngã Chấp té vào ác đạo, chịu mọi thống khổ!

Hoặc là trong thế gian có người nào đó đột nhiên gặp phải rất nhiều oán địch và rất nhiều đạo tặc vây kín lấy người đó, khiến người đó không cách nào chạy thoát được. Đã thế, mỗi tên còn cầm một thanh đao muốn sát hại người ấy. Bất luận thế nào, người ấy rất khó tìm con đường sống trong cái chết được. Thế nhưng trong lúc ấy, nếu người ấy xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, liền được từ lực của Quán Âm Bồ Tát gia hộ, khiến cho những kẻ ấy chẳng còn có ý niệm sát hại nữa, ngay lập tức sanh khởi tâm từ bi, phát sanh hảo cảm lớn lao, bởi thế nói là “hàm tức khởi từ tâm” (đều liền khởi từ tâm).

Ở đây, tôi kể một câu chuyện thật: Năm Dân Quốc thứ nhất (1911), ở Lý Gia Trang, huyện Thiệu Bá, Dương Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, có một vị đại thiện nhân họ Lý, tên là Quốc Cư. Bất luận trong địa phương có chuyện gì, hễ sức ông ta lo liệu được, ông ta bèn tìm cách giúp đỡ đắc lực, tích cực giúp cho sự tình được giải quyết hợp lý. Bất hạnh thay, có lần đạo tặc ồ ạt tấn công nhà ông ta, toan cướp sạch tài sản. Lý đại thiện nhân thấy giặc kéo đến, rất thong dong, không bối rối, cực kỳ an nhiên bảo bọn giặc:

- Các anh sống khốn khổ tôi chẳng hay biết đến nỗi chưa tạm cùng các anh kết thiện duyên, hôm nay được các anh đến tệ xá thật là rất khó có. Nếu các anh có cần gì, tôi sẽ tận lực dâng hiến; nhưng các anh hiện thời cực nhọc lắm rồi, tôi nghĩ chắc cũng chưa dùng cơm chiều. Giờ đây trước hết mời các anh xơi cơm, cho tôi được tỏ chút tâm ý.

Bọn giặc nghe Lý thiện nhân nói như thế, dù ăn uống nhưng cái ý tưởng bất hảo chiếm đoạt tài vật của ông ta bị tinh thần vĩ đại của Lý thiện nhân cảm hóa, từ đấy chẳng còn mưu toan phá nhà cướp của nữa, cải tà quy chánh trở thành người tốt.

Phải biết “oán tặc” được nói ở đây, giống như trong phần Trường Hàng ở trên đã nói, chẳng phải là giặc bên ngoài, mà chính là giặc trong tâm; như phiền não cướp đoạt pháp tài công đức cố nhiên là giặc trong tâm. Sáu căn thấy nghe hay biết cũng là giặc trong tâm. Giặc bên ngoài dễ phòng ngừa, những vật bị chúng cướp đoạt chẳng qua là tài vật ngoài thân; giặc trong tâm rất khó ngăn ngừa, những thứ chúng cướp đoạt là pháp bảo mình đã tích tụ, khiến cho chúng ta vĩnh viễn trở thành kẻ bần cùng, cô quạnh, kém hèn trong biển khổ sanh tử. Bởi thế làm người, đặc biệt là người học Phật, giặc ngoài chẳng cần phải sợ, nếu có được tinh thần như Lý thiện nhân chẳng những không bị oán tặc bức hại, mà còn chuyển hóa chúng trở thành người tốt. Thứ chúng ta đáng nên sợ chính là bọn giặc trong tâm mình. Bọn giặc bên trong này chẳng những khiến chúng ta lưu lãng dài lâu trong sanh tử, chúng còn bức ta đi vào ba ác đạo nguy hiểm nữa.

Hoặc lại có một người nào đó, vi phạm pháp luật quốc gia, bị pháp luật xử phạt. Trong thời đại chuyên chế quá khứ, vua chính là đất nước, vua có quyền sanh sát tối thượng, muốn trị tội như thế nào thì cứ việc xử phạt như thế ấy, vì thế nói “hoặc tao vương nạn khổ” (hoặc gặp khổ vì mắc nạn vua). Khi quốc vương ra lệnh cho đao phủ chém đầu, trong lúc thọ hình, thọ mạng sắp bị kết thúc ấy, nếu ta thành tâm thành ý niệm thánh hiệu Bồ Tát Quán Âm thì sẽ được oai lực Quán Âm gia bị, khiến cho đao đang cầm trong tay gã đao phủ đó lập tức gãy rời thành từng đoạn, chẳng thể tổn hại thân thể quý vị một mảy may nào, bởi thế nói là “đao tầm đoạn đoạn hoại” (đao liền gãy từng khúc). Chữ “tầm” (尋) trong kệ tụng có nghĩa là “ngay lập tức”. Lúc bị xử chém sắp chết, rốt cuộc chẳng bị tử vong, đấy chẳng phải là từ lực của Quán Âm gia bị hay sao?

Sách Pháp Uyển Châu Lâm, quyển mười bảy, có chép một câu chuyện tuy chẳng liên quan đến nạn vua, nhưng có thể dùng làm cước chú cho phần này: Có vị pháp sư Đạo Tập du hành đến Tây Sơn, Thọ Dương, bất ngờ gặp phải hai tên cướp trói vào một gốc cây. Lúc kẻ cướp sắp giết Sư, Sư tự biết có vùng vẫy cũng vô ích, bèn chỉ nhất tâm niệm Quán Thế Âm, niệm đến chết cũng chẳng ngưng. Kết quả, kẻ cướp vận dụng hết sức vẫn chẳng chém được Sư, rốt cuộc Sư chẳng bị tổn hại gì, bọn cướp thấy như thế hoảng sợ khôn cùng, bỏ chạy mất, pháp sư Đạo Tập cũng được giải thoát.

Quyển mười bảy sách Pháp Uyển Châu Lâm còn chép truyện Pháp Thiền pháp sư. Lúc sư đi qua núi, đột nhiên gặp phải kẻ giặc hung ác, tự biết khó tránh khỏi cái chết, Sư lập tức kiền thành niệm Quán Âm. Giặc tuy kéo cung nhắm bắn Sư, nhưng từ đầu đến cuối không bắn ra mũi tên nào được. Bởi thế, tên giặc ném cung xuống đất, lập tức bỏ chạy không biết về hướng nào; nhờ đó, pháp sư Pháp Thiền an nhiên vô sự!

 

2.2.1.2.2.2. Già tỏa độc dược nạn (nạn gông xiềng, thuốc độc)


Chánh kinh:

      Hoặc tù cấm già toả,

      Thủ túc bị nữu giới,

Niệm bỉ Quán Âm lực,

Thích nhiên đắc giải thoát,

Chú trớ, chư độc dược,

Sở dục hại thân giả,

Niệm bỉ Quán Âm lực,

Hoàn trước ư bổn nhân.

或囚禁枷鎖。

手足被杻械。     

念彼觀音力。

釋然得解脫。

咒詛諸毒藥。

所欲害身者。     

念彼觀音力。

還著於本人。

(Hoặc tù giam, gông, xiềng,

Chân tay bị còng, cùm,

Nhờ sức niệm Quán Âm,

Tháo gỡ, được giải thoát,

Chú ếm, những thuốc độc,

Toan muốn hại thân kia,

Nhờ sức niệm Quán Âm,

Hại ngược kẻ làm đó).
      Ví như có một người nào đó, chẳng cần biết là vi phạm pháp luật quốc gia hay là bị giặc cướp bắt được; kết quả, bị giam cầm trong tù ngục, bị gông, bị xiềng, thậm chí tay bị còng, chân đóng cùm, bị mất tự do hoàn toàn, nên nói là “chân tay bị còng, cùm”. Cái buộc trên tay gọi là Nữu (: còng), cái buộc vào chân gọi là Giới (: cùm). Trong lúc ấy, nếu có thể xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát thì lập tức nhờ vào oai lực Quán Âm gia bị, khiến cho những thứ đó bị tháo rớt, được giải thoát. “Thích nhiên” nghĩa là tan lìa ra.

      Sách Pháp Uyển Châu Lâm, quyển mười bảy có chép truyện sau: Vào đời Tấn ở Trung Quốc có một người ở Hà Nội, tên là Đậu Truyền. Đương thời thứ sử Tinh Châu là Cao Xương và thứ sử Ký Châu là Lã Hộ ai nấy cầm quân kình chống nhau, hai bên chẳng hòa thuận với nhau. Đậu Truyền làm quan dưới quyền Cao Xương, được phái đem kỵ binh tập kích Lã Hộ, chẳng may bị bắt, đồng bạn cùng bị bắt sáu bảy người, cùng bị giam trong nhà lao, gông xiềng canh phòng nghiêm nhặt, đợi ngày đem ra chém. Sa-môn Chi Đạo Sơn khi ấy ở trong doanh Lã Hộ, từng quen biết Đậu Truyền, nghe nói họ Đậu bị bắt, lại còn sắp bị chém, liền đến nhà giam thăm ông ta, nói chuyện với nhau qua cửa tù. Đậu Truyền hỏi Chi Đạo Sơn:

      - Bây giờ tôi gặp phải ách nạn này, thầy có cách gì cứu tôi hay không?

Chi Đạo Sơn nói:

- Tôi không có cách nào cứu ông được cả, chỉ có cách ông chí tâm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, nhất định sẽ được Bồ Tát cảm ứng.

Trong quá khứ, Đậu Truyền đã từng nghe nói đến lòng từ bi của đức Quán Âm, bây giờ nghe Chi Đạo Sơn nói như thế, lập tức chuyên tâm nhất ý xưng niệm thánh hiệu Quán Âm. Suốt ba ngày ba đêm chí thành quy mạng xưng niệm, thấy gông xiềng trên thân tựa hồ có chút gì khác thường, lại cảm thấy hơi thong dong, dùng tay thử đẩy một cái, đột nhiên nó rớt khỏi thân. Đậu Truyền lại càng chí thành khẩn cầu:

- Con được Bồ Tát xót thương, đã giải thoát được gông cùm, nhưng những người cùng bị cầm tù với con nhiều lắm, con chẳng nỡ bỏ đi một mình. Khẩn cầu Bồ Tát từ bi cứu khắp tất cả, khiến những người chung ngục đều thoát được nạn giam cầm này!

Cầu khẩn xong, lại kéo gông xiềng của người khác, mọi người lần lượt được tháo gỡ gông xiềng, tựa hồ có người ở bên cạnh chặt đứt vậy. Khi đó, mọi người mở cửa, cùng nhau thoát ra, chẳng bị kẻ canh ngục phát hiện, nhân đó thoát ra ngoài thành, thoát khỏi nạn gông cùm!

Gông cùm và còng xiềng trong phần Trường Hàng đã giảng là dây cương danh vọng, xiềng khóa lợi lộc vậy. Nhìn bề ngoài, cả thế gian chẳng có ai bị giam cầm trong tù ngục cả, tựa hồ ai cũng được tự do hoạt động, về căn bản chẳng bị điều gì trói buộc cả, nào biết sự thật chẳng hề giống như vậy! Thử nhìn xem: Người có danh dự vì bảo vệ danh dự của chính mình, suốt ngày sợ mất danh dự, đó chẳng phải là bị gông xiềng danh dự ràng buộc hay sao? Lại xem người có tiền tài vì cầu được tiền tài nhiều hơn nữa, suốt ngày tính toán sao cho tiền của chất chồng, đấy chẳng phải là bị gông xiềng tài lợi ràng buộc hay sao? Bởi thế, chúng sanh sống trong thế giới này về căn bản là bị cầm tù trong tam giới, xưa nay chẳng hề được tự do chi cả! Hiện tại, nếu có thể xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, thấu hiểu lòng đại từ đại bi của Quán Âm Bồ Tát, chẳng còn đeo đuổi trường danh lợi nữa, thì mới có thể tháo gỡ, giải thoát.

Tiếp đó nói về nạn độc dược. “Chú trớ” là những hành vi bất chánh đáng nhất. Ở Ấn Độ có loại ngoại đạo niệm một loại ác chú để giết hại những kẻ họ muốn giết, như chú sai khiến quỷ nhập tràng, còn gọi là Tỳ Đà La (Vetāla) chú, khiến cho xác chết đứng dậy đi giết người. Lại có kẻ vẽ bùa, đốt thành tro để ếm người mình ghét, hoặc bện cỏ thành hình người, bắn giết để mong kẻ cừu thù của mình bị chết. Đấy đều gọi là “chú trớ”. Độc dược chỉ bất cứ những gì uống vào sẽ chết, những thứ này chẳng phải chỉ có một hai loại nên bảo là “các độc dược”. Bất luận dùng ác chú để nguyền rủa, ếm đối người, hay dùng thuốc độc hại người, mục đích đều nhằm tổn hại thân thể người khác, bởi thế nói là “sở dục hại thân giả” (toan muốn hại thân kia). Chính ngay trong lúc đó, nếu quý vị thành tâm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, liền có thể ngửa nhờ oai lực Quán Âm Bồ Tát, kết quả, chẳng những họ chẳng thể làm tổn hại được quý vị, mà còn “hoàn trước ư bổn nhân” (hại ngược kẻ làm đó), khiến chính kẻ đó bị thương tổn.

Trước hết, tôi kể một câu chuyện thực, rồi mới luận ý thú kinh văn. Trong quá khứ, có một gã chuyên cầu thần bói quẻ, tên là Lại Tỉnh Can, dụng tâm rất tà ác. Vì muốn quẻ mình bói được linh nghiệm, trong nhà gã đặc biệt thờ một loại yêu tinh, mỗi năm xuống Chiết Giang dụ dỗ đồng nam, đồng nữ mang về cúng tế yêu tinh đó. Sau này có một đồng nữ bị gã dẫn dụ về nhà, giam trong một căn nhà. Khi đó, gã tay chân của yêu thần ngọt nhạt phỉnh dụ cô bé, muốn cô tắm gội thay áo để chờ yêu tinh đến ăn thịt. Thế nhưng cô bé này do túc căn quá khứ, bình thời biết niệm Quán Âm Bồ Tát, bởi vậy trong lúc ấy, cô bé chỉ nhất tâm xưng danh. Đến quá nửa đêm, trong căn phòng cô bé đang ở, lỗ hổng [lấy ánh sáng] trên trần nhà chợt mở ra, con yêu tinh hai mắt sáng ngời như chớp, từ lỗ hổng chui vào phòng. Cô bé tuy sợ cực độ, vẫn cứ nhất tâm xưng danh niệm tới niệm lui. Từ miệng cô chợt tỏa ra ánh sáng bắn vào thân con yêu quái; con yêu quái bị trúng ánh sáng đó lập tức từ lỗ hổng rớt phịch xuống. Cô bé kêu cứu mạng ầm lên, khéo sao tuần cảnh đi ngang, nghe tiếng kêu cứu, lập tức xông vào nhà xem chuyện gì xảy ra. Yêu tinh nguyên là một con rắn độc lớn, nằm chết cứng đờ bên cạnh cô bé. Tuần cảnh dò xét biết Lại Tỉnh Can là người hết sức tồi bại, bèn bắt gã về bót, trị tội lừa người, hại người. Phải biết đó là như người ta thường nói: “Hại người, hại ngược lại mình” vậy, cũng như kinh này nói “hại ngược kẻ làm đó”. Bởi thế, người sống trong thế gian thà mình chịu thua thiệt, ngàn vạn phần chẳng được ôm lòng hại người; nếu không, hại người chưa chắc người ta bị hại, mà chính mình gặp phải tai ương trước, có khổ hay không?

Trong kinh Thí Dụ cũng có một câu chuyện tương tự như vậy:

Có một cư sĩ tại gia học Phật, thoạt đầu thọ trì Ngũ Giới, lúc sau tuổi cao già yếu, đối với giới phẩm phần nhiều quên mất. Lúc ấy, trong núi có vị Phạm Chí khát nước, từng xin nước sạch nơi cư sĩ, nhưng vị cư sĩ bận chuyện ruộng nương, chẳng thể lập tức cho ngay được. Vì thế, Phạm Chí phẫn hận bỏ đi. Nhưng Phạm Chí ấy chẳng phải là kẻ đơn giản, ông ta có thể sai khiến được quỷ nhập tràng, bèn triệu một con quỷ tới, bảo nó: “Ông Thanh Tín Sĩ nọ làm nhục ta, ngươi hãy thế ta giết ổng”. Trong núi có vị La Hán biết chuyện đó, lập tức ra ruộng bảo ông Cư Sĩ:

- Tối nay ông hãy thắp đèn sớm, tinh tấn dũng mãnh chí thành quy y Tam Bảo, tụng trì kệ tụng nói về những điều miệng chớ phạm, lại còn nghĩ thương xót hết thảy chúng sanh, thì ông sẽ được an ổn.

Cư sĩ vâng lời La Hán chỉ dạy, niệm Phật tụng giới suốt đêm, kết quả, quỷ chẳng hại được; nhưng pháp của quỷ thần là người ta muốn chúng giết hại, chúng lập tức giết hại; nhưng nếu người đáng lẽ bị chúng giết mà có công đức khiến chúng chẳng giết được thì đương nhiên chúng phải giết người sai chúng đi giết. Bởi thế, quỷ sanh sân nộ, muốn sát hại Phạm Chí. La Hán biết chuyện ấy, lại đem Phạm Chí đi giấu kín khiến quỷ tìm chẳng thấy. Nhân vì như thế, vị cư sĩ do đấy ngộ đạo, Phạm Chí do đấy được sống. Nếu chẳng có vị La Hán, há chẳng phải là có thêm một oan hồn ư?

Sách Đồ Thư Tập Thành Thần Dị, quyển một trăm lẻ sáu, có dẫn lời cư sĩ Tô Đông Pha như sau: “Quán Âm là bậc từ bi, nay người bị chú ếm, nhờ sức niệm Quán Âm, [chú ếm] bèn hại người lại kẻ làm chuyện đó, há nào phải là tâm Quán Âm ư? Nay đổi lại như sau: ‘Chú ếm, các độc dược, toan làm hại thân kia, nhờ sức niệm Quán Âm, hai bên đều vô sự!”

Có người phê bình như sau: “Tô Đông Pha nói: ‘Hại ngược lại là chẳng từ bi, phải nói là hai bên chẳng có chuyện gì’, ta nghĩ Đông Pha chẳng cao minh gì nên mới nói lời thô lậu như thế. Nói ‘hại ngược’ vừa có sự vừa có lý. Về Sự là tà chẳng thể thắng chánh, Từ chế ngự Ác. Nay do [người bị hại] chánh niệm Quán Âm, tự nhiên hại ngược [lại kẻ gây chuyện ác] giống như ngậm máu phun lên trời, ngược lại bị dơ thân mình, đút đầu vô lửa, tự cháy trán mình, tự nhiên mà có như vậy, đâu phải Bồ Tát gia hại kẻ đó, cũng chẳng phải do hành nhân khởi tâm nguyện hại ngược lại!”

 

2.2.1.2.2.3. La-sát, ác thú nạn (Nạn la-sát, ác thú)


Chánh kinh:

Hoặc ngộ ác La Sát,

Độc long, chư quỷ đẳng,

Niệm bỉ Quán Âm lực,

Thời tất bất cảm hại,

Nhược ác thú vi nhiễu,

Lợi nha trảo khả bố,

Niệm bỉ Quán Âm lực,

Tật tẩu vô biên phương.

或遇惡羅剎。

毒龍諸鬼等。     

念彼觀音力。

時悉不敢害。

若惡獸圍繞。

利牙爪可怖。     

念彼觀音力。

疾走無邊方。

(Hoặc gặp ác La Sát,

Rồng độc, các quỷ thảy,

Nhờ sức niệm Quán Âm,

Thảy đều chẳng dám hại.

Nếu ác thú vây quanh,

Nanh vuốt nhọn đáng sợ,

Nhờ sức niệm Quán Âm,

Rảo chạy không tăm tích).
Hoặc nếu có người đột nhiên gặp phải La Sát hung ác, rồng độc và các quỷ gây tai nạn v.v… toan muốn gia hại người đó hòng kết thúc tánh mạng. Nếu ngay trong lúc đó mà có thể nhất tâm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, nương nhờ oai lực Quán Âm Bồ Tát gia bị, ngay lập tức chúng đều chẳng dám làm hại, bởi thế nói là “thời tất bất cảm hại” (thảy đều chẳng dám hại).

 La Sát trong phần Trường Hàng đã giải thích rồi, nay không nhắc lại nữa. Tương truyền trong quá khứ có một người, hễ gặp người khác là thích hỏi hết chuyện này sang chuyện kia. Một ngày, đi trên đường, gặp một con La Sát, tự biết tánh mạng khó giữ, nhưng tánh người ấy hiếu kỳ, chẳng vì nguy hiểm mà không hỏi han, nên vẫn cứ hỏi:

- Ủa nè ông bạn! Vì sao bụng trắng lưng đen vậy?

Quỷ La Sát đáp:

- Ta sợ nhất là ánh mặt trời, nên đi xoay lưng về phía ánh nắng, bởi thế bụng trắng lưng đen.

Người kia nghe lời ấy, lập tức lấy lại can đảm, nắm La Sát đẩy nó tiến về phía mặt trời. La Sát sợ ánh sáng nên tự chạy trốn. Nhờ đó, người kia thoát nạn La Sát!

Câu chuyện này ngụ ý: Bất luận La Sát, bất luận ác quỷ, chỉ có thể hành sự trong hắc ám, chứ đối với quang minh đều sợ hãi, chẳng dám hoạt động dưới ánh sáng. Bởi vậy, chỉ cần chúng ta nhất tâm xưng danh, nương vào từ quang của Quán Âm Bồ Tát, La Sát, ác quỷ đều chẳng dám hại. Đồng thời cũng có thể nói là: Trong tâm chúng ta có con quỷ tham, tham cầu chẳng ngơi, có quỷ vô minh tối tăm chập chùng, quỷ bên trong dẫn khởi quỷ bên ngoài, bởi thế quỷ thường đến làm lừng. Nếu làm người chánh đại quang minh, công chánh, chẳng cẩu thả, tà niệm chẳng khởi, La Sát, quỷ quái nào cũng chẳng thể làm hại được!

Trong thâm sơn cùng cốc, hoặc chỗ đồng hoang cây rậm, thường có các ác thú sài lang, hổ, báo… hung mãnh, tàn bạo xuất hiện. Nếu có người nào đó đột nhiên gặp phải rất nhiều loài ác thú vây quanh, nhe nanh múa vuốt bén ngót rất đáng sợ, khiến kẻ ấy cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Ngay trong lúc đó, nếu có thể kiền thành xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát, liền có thể nhờ oai lực Quán Âm Bồ Tát gia bị, khiến cho những ác thú đang bao vây bốn mặt kia đều chạy trốn lẹ, nấp vào nơi nào không biết nữa. Ác thú, độc xà đều có thật; trong thời cổ, mỗi năm số người bị chúng làm hại đúng là rất nhiều, cho đến bây giờ, vẫn thường nghe nói có người bị ác thú cắn, hoặc bị rắn độc mổ. Như lúc cọp xuất hiện thường gây tai họa, nên Trung Quốc có câu: “Đàm hổ sắc biến” (Nghe nói tới hổ, mặt tái mét). Bởi thế, trong kinh Phật thường nhắc đến nỗi sợ rắn độc, ác thú để chúng ta biết mà đề phòng. Chuyện khẩn yếu nhất của nhân loại là được sanh tồn, nếu cuộc sống không bị uy hiếp sẽ chẳng nẩy sanh sợ hãi. Đức Phật biết rõ tâm lý chúng sanh nên thường nêu những trường hợp thật sự này để thuyết pháp cho chúng sanh.

Sách Pháp Uyển Châu Lâm chép: Năm Nguyên Gia thứ nhất dưới triều Tống ở Trung Quốc, có vị sa-môn ở Hoàng Long, tên gọi là Đàm Vô Kiệt, là một hành giả tịnh tu khổ hạnh, thường tụng đọc kinh Quán Thế Âm. Có lần, Sư cùng đồ chúng hai mươi lăm người đi sang Thiên Trúc, đi đường trải đủ mọi gian nan, nguy hiểm. Đến được nước Xá Vệ ở Thiên Trúc, gặp phải một bầy voi núi, vốn là loài rất nguy hiểm. Ngài Đàm Vô Kiệt nâng kinh, niệm rằng: “Nhất tâm quy mạng đại từ đại bi Quán Thế Âm”. Ngay lúc đó, chợt có một con sư tử từ trong rừng xông ra. Voi thấy sư tử, kinh hoảng bỏ chạy, chẳng còn gây hại tới nhóm Đàm Vô Kiệt. Đi chưa được bao lâu, lại có một bầy trâu rừng rống lên xông tới, muốn hại bọn họ. Đàm Vô Kiệt vẫn như cũ quy mạng, nhất tâm xưng danh. Ngay trong lúc ấy, có một con kên kên to bay tới, khiến các con trâu rừng kia kinh hoảng, lập tức bỏ chạy, nhóm Đàm Vô Kiệt thoát nạn! Cho thấy xưng niệm thánh hiệu Quán Âm liền được Bồ Tát cảm ứng.

Sách Nam Hải Từ Hàng chép: Vào thời Minh, ở đất Mân Nam có người tên Lôi Pháp Chấn, hầm than kiếm sống, trong nhà có cây Áp Lan, vân gỗ cực kỳ tinh tế, muốn khắc tượng Đại Sĩ để thờ, nhưng công việc quá bận, chưa khắc được. Một ngày vào núi hầm than, đột nhiên trong đám cây rậm rạp, một con hổ xông ra, nhe nanh múa vuốt đuổi bắt Lôi Pháp Chấn, khiến Lôi Pháp Chấn hết sức kinh hoàng. Trong lúc nguy cấp đó, chợt có một cô gái mỹ lệ, chỉ vào hổ quát tháo, hổ liền nép phục cô ta, cúi đầu, vẫy đuôi bỏ đi. Pháp Chấn được cô gái cứu giúp, thưa hỏi cô gái tên họ là gì hòng báo đáp. Cô gái đáp: “Tôi là cây gỗ Áp Lan trong nhà ông”. Nói xong không thấy đâu nữa. Pháp Chấn thấy chuyện như vậy, biết là Quán Âm đến cứu, bèn chọn ngày tốt khắc thánh tượng Quán Âm. Từ đó suốt đời trì trai, đảnh lễ. Đủ thấy sức cảm ứng của Quán Âm rất lớn.

 



tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương