Phần thứ nhất ĐÁnh giá TÌnh hình tổ chức thực hiện luật hợp tác xã NĂM 2003


Tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển hợp tác xã



tải về 1.21 Mb.
trang3/10
Chuyển đổi dữ liệu11.07.2016
Kích1.21 Mb.
#1665
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

3. Tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển hợp tác xã

Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 của 50/63 tỉnh, thành phố, đến 2010 các địa phương đã tổ chức được khoảng 20.078 cuộc tuyên truyền với kinh phí khoảng 8.972 triệu đồng, trong đó riêng năm 2010 tổ chức được 4.725 cuộc.

Các địa phương đã thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2003 cho các cá nhân, tổ chức và các sáng lập viên hiểu rõ hơn vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, tổ chức hướng dẫn các sáng lập viên xây dựng điều lệ hợp tác xã, phương án sản xuất - kinh doanh và các thủ tục cần thiết để tiến hành hội nghị thành lập hợp tác xã; cán bộ nông nghiệp ở một số xã hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh cho các sáng lập viên sau khi tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã, giúp hợp tác xã sớm đi vào hoạt động. Tỉnh Tây Ninh căn cứ tình hình thực tế địa phương hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã mới thành lập việc chuẩn bị văn kiện, tài liệu hội nghị, thuê hội trường,… để tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã.

Ở nhiều địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền về kinh tế tập thể, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, đảng viên cơ sở và nhân dân bước đầu hiểu rõ bản chất của mô hình hợp tác xã kiểu mới, từ đó tự nguyện tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tư vấn kiến thức về hợp tác xã, đặc biệt thông qua phương tiện thông tin đại chúng, như báo, đài, và đạt kết quả tốt; tổ chức các lớp tập huấn; một số cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương phát hành định kỳ và đột xuất về kinh tế tập thể, hợp tác xã; liên minh hợp tác xã tỉnh công bố trang web, ra bản tin kinh tế hợp tác xã nhằm phổ biến, tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến kinh tế tập thể, thông tin về xúc tiến thương mại, giới thiệu các mô hình mới và điển hình tiên tiến trong phong trào kinh tế tập thể của địa phương và của các tỉnh lân cận, tư vấn về pháp luật, kinh doanh cho hợp tác xã. Liên minh hợp tác xã tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành tờ Thông tin kinh tế tập thể định kỳ 02 tháng/kỳ. Hàng tuần, hàng tháng các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình của tỉnh Đồng Nai có chuyên đề về kinh tế tập thể; giới thiệu các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động tốt, các gương điển hình nông dân sản xuất giỏi, người tốt việc tốt,…

Một số tỉnh uỷ, uỷ ban nhân dân tỉnh tuy đã cụ thể hoá bằng các nghị quyết, đề án, chỉ thị, nhưng chưa quan tâm thích đáng việc triển khai thực hiện. Một bộ phận cán bộ đảng viên, xã viên hợp tác xã nhận thức chưa đầy đủ về bản chất tổ chức hợp tác xã kiểu mới, về yêu cầu khách quan phát triển hợp tác xã trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; việc tuyên truyền còn nhiều hạn chế, nội dung hình thức chưa hấp dẫn; khá nhiều người dân chưa hiểu biết Luật hợp tác xã; một số cán bộ ở địa phương quản lý nhà nước về hợp tác xã nhưng chưa nắm rõ nội dung Luật Hợp tác xã.

4. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã

- Tổ chức đăng ký kinh doanh

Nhìn chung, hầu hết địa phương thực hiện đúng quy định của Luật hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2003, Nghị định 87/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh hợp tác xã và Thông tư 05/2005/TT-BKH ngày 15/12/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh hợp tác xã được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) và ở quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (phòng tài chính - kế hoạch trực thuộc uỷ ban nhân dân cấp huyện). Hợp tác xã có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc huyện. Riêng việc đăng ký kinh doanh quỹ tín dụng nhân dân và liên hiệp hợp tác xã chỉ thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Cùng với công tác đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đã làm nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc các hợp tác xã không còn hoạt động hoặc tồn tại hình thức.

Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều thực hiện đăng ký kinh doanh ở hai cấp, nhưng phần lớn hợp tác xã lựa chọn đăng ký kinh doanh tại cấp huyện là phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị trấn, thành phố nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính. Chỉ một số ít hợp tác xã thực hiện đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

Nhìn chung, việc đăng ký kinh doanh của các hợp tác xã là thuận lợi. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và cấp huyện đã chủ động hướng dẫn đăng ký kinh doanh mới các hợp tác xã, thực hiện chuyển đổi đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã. Hầu hết các hợp tác xã được thành lập theo đúng quy trình thủ tục và thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành về hồ sơ, thủ tục áp dụng, trong đó có cơ chế một cửa trong việc tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho thành lập mới, bổ sung, thay đổi nội dung hoạt động của các hợp tác xã. Thời gian đăng ký kinh doanh chỉ từ 1 - 2 ngày, đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện 2 - 3 ngày.

Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn hợp tác xã thực hiện đăng ký kinh doanh, hoạt động theo Luật 2003, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và đăng ký kinh doanh hợp tác xã. Tuy nhiên, tại một số địa phương, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa thực hiện đúng quy định pháp luật. Nhiều cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (phòng Tài chính - Kế hoạch) yêu cầu hợp tác xã phải có thêm các giấy tờ khác ngoài ngoài quy định pháp luật, như: phương án sản xuất kinh doanh, giấy xác nhận trụ sở, danh sách xã viên, thông báo về việc thành lập hợp tác xã, quyết định của cấp xã về thành lập hợp tác xã; có nơi huyện ra quyết định thành lập hợp tác xã rồi mới cấp đăng ký kinh doanh.

Một vài địa phương chưa có sự thống nhất ở cấp huyện về người có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh: có huyện giao Trưởng phòng Nông nghiệp ký, có huyện giao Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch ký.

Ở phần lớn các tỉnh, thành phố, việc theo dõi, quản lý nhà nước sau đăng ký kinh doanh chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, như: xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cung cấp thông tin về hợp tác xã, kiểm tra hợp tác xã theo nội dung đăng ký kinh doanh.



- Hướng dẫn xây dựng điều lệ hợp tác xã:

Thực hiện Nghị định số 77/2005/NĐ-CP ngày 09/6/2005 của Chính phủ về việc ban hành mẫu hướng dẫn xây dựng điều lệ hợp tác xã theo Luật hợp tác xã 2003, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan chuyên môn cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc phổ biến các văn bản, quy định của Trung ương và địa phương về hướng dẫn xây dựng điều lệ và trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã mới thành lập và sửa đổi điều lệ theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2003 cho các hợp tác xã được thành lập trước đó.

Việc phổ biến, hướng dẫn xây dựng điều lệ hợp tác xã thường do phòng kinh tế hoặc phòng chuyên ngành cấp huyện, hoặc liên minh hợp tác xã cấp tỉnh thực hiện.

Tại nhiều tỉnh, liên minh hợp tác xã đã triển khai tập huấn tuyên truyền về Luật hợp tác xã và hướng dẫn trực tiếp các sáng lập viên hợp tác xã trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều lệ.

Quỹ tín dụng nhân dân, ngoài việc tuân theo những nội dung chung của Luật hợp tác xã 2003, còn phải tuân theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân có những điều khoản mang tính bắt buộc mà đại hội xã viên và tổ chức tín dụng chưa đồng tình như: hình thức bầu phải bắt buộc bỏ phiếu kín, phân phối lợi nhuận không vượt quá trần cho vay bình quân trong năm, quỹ không chia, …

Mẫu hướng dẫn xây dựng điều lệ hợp tác xã theo quy định được niêm yết công khai, cấp phát miễn phí tại bộ phận một cửa của các cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều lệ mẫu rõ ràng, dễ hiểu và có hướng dẫn mở cho hợp tác xã xây dựng những điều khoản phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hợp tác xã.

Sau 5 năm triển khai Luật hợp tác xã, phần lớn hợp tác xã đang hoạt động đã xây dựng điều lệ mới theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2003.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại trong hướng dẫn xây dựng điều lệ; nhiều hợp tác xã không thực hiện xây dựng điều lệ theo đúng quy định của Luật hợp tác xã năm 2003, như: vốn điều lệ không thể hiện đúng với đăng ký kinh doanh, có sáng lập viên hợp tác xã mới thành lập có số vốn góp trên 30% tổng vốn điều lệ; vẫn còn tình trạng xã viên không góp vốn và có huyện cấp đăng ký kinh doanh mà cả bố, con đều là thành viên ban quản trị của cùng một hợp tác xã; vẫn còn tới 609 hợp tác xã thành lập trước 1997 chưa sửa đổi điều lệ theo Luật Hợp tác xã 2003



- Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật của hợp tác xã và các văn bản pháp luật có liên quan:

Theo báo cáo, phần lớn ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở chuyên ngành, các phòng nghiệp vụ của cấp huyện, uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh tiến hành thường xuyên, định kỳ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật của hợp tác xã và các văn bản pháp luật có liên quan, tập trung vào các nội dung: xây dựng và sửa đổi điều lệ hợp tác xã, thực hiện điều lệ hợp tác xã; tổ chức đại hội xã viên; quản lý tài chính hợp tác xã, vốn điều lệ, nộp thuế cho Nhà nước, nhằm: đánh giá mặt làm được, chưa làm được và đưa ra giải pháp tiếp tục thực hiện Luật tốt hơn; uốn nắn các sai sót, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hải Dương phối hợp với các huyện, thành phố hàng năm tổ chức hai đợt kiểm tra việc thực hiện Luật hợp tác xã 2003 của các hợp tác xã nông nghiệp về việc: xã viên góp vốn điều lệ; tổ chức đại hội xã viên; sửa đổi, bổ sung điều lệ đối với hợp tác xã thành lập trước khi Luật hợp tác xã năm 2003 có hiệu lực và kiểm tra công tác quản lý tài chính, kế toán của hợp tác xã.

Tuy nhiên, nhìn chung, công tác giám sát, kiểm tra thi hành Luật chưa được triển khai toàn diện, chủ yếu chỉ mới tập trung vào sửa đổi, bổ sung nội dung điều lệ, quyết toán tài chính hàng năm, tổ chức đại hội xã viên, xử lý giải thể hợp tác xã, nhưng cũng chưa chặt chẽ, triệt để. Một số tỉnh buông lỏng việc kiểm tra, giám sát thực hiện Luật hợp tác xã và chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hoặc nếu tiến hành thì mang tính đối phó.

Tại nhiều hợp tác xã, xã viên không góp vốn điều lệ, nhiều xã viên quá thời hạn quy định không góp vốn và không có tư cách xã viên; việc sửa đổi bổ sung điều lệ các hợp tác xã thành lập trước khi có Luật hợp tác xã năm 2003 tiến hành còn chậm; nhiều hợp tác xã không tổ chức đại hội xã viên. Việc giải thể các hợp tác xã tuy thực hiện đúng thủ tục, nhưng tiến trình chậm, gặp khó khăn về thủ tục vì không tổ chức được hội nghị xã viên do không còn xã viên. Một số hợp tác xã chuyển đổi đến nay vẫn chưa xác định được xã viên và vốn góp xã viên. Vẫn còn một số hợp tác xã thành lập trước Luật hợp tác xã năm 2003 chưa thực hiện việc sửa đổi, bổ sung điều lệ hợp tác xã theo quy định của Nghị định 77/2005/NĐ-CP. Việc giải thể hợp tác xã còn lúng túng, nhất là trong giải quyết nợ tồn đọng. Vẫn còn 3.744 hợp tác xã có tên nhưng không hoạt động; nhiều hợp tác xã chưa tuân thủ quy định của Luật Hợp tác xã nhưng không có chế tài xử lý.

Hoạt động của ban quản trị, ban kiểm soát hợp tác xã nói chung chưa thực hiện đúng, đủ các quy định về nhiệm vụ theo điều lệ, quy định của Luật Hợp tác xã, chủ yếu do năng lực, trình độ yếu. Hiệu quả hoạt động của các ban kiểm soát hợp tác xã chưa cao. Ban quản trị và chủ nhiệm nhiều hợp tác xã không chủ động và chưa tích cực trong hoạt động. Xã viên nhiều hợp tác xã chưa ý thức được đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của mình trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Hợp tác xã.



- Giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về hợp tác xã:

Hầu hết các tỉnh báo cáo có ít vụ khiếu nại, tranh chấp liên quan đến Luật Hợp tác xã. Các tranh chấp, khiếu nại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, hợp đồng kinh tế, chính sách thuế, vận chuyển theo tuyến, nghi ngờ tiêu cực trong quản lý hợp tác xã, thiếu dân chủ trong quản lý hợp tác xã, sử dụng vốn không đúng mục đích gây thiệt hại tài chính cho hợp tác xã, tình hình thu nộp và xử lý tài chính trong hợp tác xã; định mức kinh tế, kỹ thuật khâu dịch vụ thuỷ nông ở một số hợp tác xã nông nghiệp. Nổi bật lên là vấn đề về tài sản chung của hợp tác xã. Ví dụ, theo quy định của Chính phủ về việc bàn giao lưới điện nông thôn của hợp tác xã cho ngành điện quản lý, nhưng chưa có quy định xử lý hợp lý đối với tài sản hợp tác xã được hình thành từ huy động vốn của xã viên và vốn tự có của hợp tác xã đầu tư.

Nhìn chung, các khiếu nại tố cáo được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Các ngành, các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp hoà giải, xử lý triệt để các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về hợp tác xã theo đúng quy định Luật Hợp tác xã năm 2003 và các quy định pháp luật khác liên quan. Nhờ làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra và có giải pháp tích cực xử lý các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hợp tác xã có xảy ra, nhưng không đáng kể và không kéo dài. Đặc biệt, các ngành, các cấp, nhất là cấp xã quan tâm hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp, tích cực hỗ trợ hợp tác xã trong thu hồi nợ, hỗ trợ nông dân giải quyết tranh chấp trong hiệp thương giá dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ban kiểm soát một số hợp tác xã chủ động phối hợp cùng ban quản trị đề ra chương trình, nhiệm vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, giải quyết các mâu thuẫn, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ hợp tác xã; kiểm tra giám sát việc thực hiện điều lệ, nội quy hợp tác xã. Một số vụ việc được liên minh hợp tác xã tỉnh là cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của các hợp tác xã đề xuất với ngành chức năng giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, cấp uỷ Đảng, các cơ quan chính quyền, nhất là cấp xã, một mặt chưa thực sự quan tâm giúp đỡ hợp tác xã; mặt khác còn có biểu hiện can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của hợp tác xã, trong đó có vi phạm tới sự tự nguyện trong vận động thành lập hợp tác xã mới.

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã:

Uỷ ban nhân dân một số tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc thực hiện điều tra, khảo sát tình hình, nắm bắt những khó khăn, yếu kém của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác; phần lớn các tỉnh đã xây dựng kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và hàng năm về phát triển kinh tế tập thể.

Triển khai Chỉ thị số 20 Ban bí thư (Khoá X) về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 13 Hội nghị BCH TW 5 (Khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các sở, ngành, huyện uỷ, thành uỷ, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc một số tỉnh đã đề ra chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện ở từng cấp.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hoặc xây dựng kế hoạch còn sơ sài, hoặc chưa đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương mình.



Phần thứ hai

KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP TÁC XÃ
I. KẾT QUẢ TỔNG HỢP Ý KIẾN TỪ CÁC BỘ NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2003

1. Về định nghĩa hợp tác xã

- Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ bản chất tổ chức hợp tác xã, theo đó định nghĩa về hợp tác xã phải phù hợp với định nghĩa đã được tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Liên minh hợp tác xã Quốc tế (ICA) khuyến cáo, phải nêu được các giá trị, nguyên tắc của hợp tác xã.

- Có ý kiến đề nghị làm rõ mục tiêu của hợp tác xã là: “giúp đỡ, hỗ trợ cho các hộ xã viên phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống; không vì lợi nhuận nhưng vẫn đủ bù đắp chi phí và có một phần lợi nhuận nhất định.”

- Phần lớn địa phương đề nghị bỏ cụm từ “hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp” để khẳng định hợp tác xã hoàn toàn khác với doanh nghiệp, tránh những cách hiểu chưa đúng về bản chất, giá trị, nguyên tắc của hợp tác xã.

- Nhiều ý kiến yêu cầu làm rõ hơn nội dung “góp sức” trong định nghĩa về hợp tác xã đã được quy định trong Luật, nhất là đối với các đối tượng công chức và pháp nhân, vì công chức và pháp nhân có thể là xã viên hợp tác xã nhưng chỉ có thể góp vốn không thể góp sức vào hợp tác xã.

2. Về quyền, nghĩa vụ và nguyên tắc tổ chức hợp tác xã

- Có ý kiến đề nghị: nên tách quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã thành một chương riêng trước chương về xã viên trong Luật Hợp tác xã; sửa khoản 2 Điều 7 Luật Hợp tác xã như sau: Hợp tác xã phải “có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản thường kỳ theo mùa vụ, năm đối với hợp tác xã nông nghiệp và báo cáo quý, 6 tháng và năm đối với hợp tác xã phi nông nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước và liên minh hợp tác xã tỉnh”; bổ sung tại khoản 5 Điều 7 Luật hợp tác xã, theo đó trưởng ban quản trị hoặc chủ nhiệm hợp tác xã cùng chịu trách nhiệm với hợp tác xã trong quá trình quản lý điều hành hợp tác xã.

- Ý kiến khác đề nghị sửa khoản 4 Điều 3 Nghị định 177/2004/NĐ-CP về chứng chỉ hành nghề thành: “Ngoài ban chủ nhiệm hợp tác xã thì các chức danh quan trọng trong hợp tác xã như cấp trưởng phó phòng trong hợp tác xã và được Ban chủ nhiệm bổ nhiệm có chứng chỉ hành nghề thì hợp tác xã đó được phép kinh doanh các ngành nghề có chứng chỉ hành nghề”.

3. Về điều lệ, nội quy, quy chế của hợp tác xã

- Về điều lệ hợp tác xã: Các tỉnh ở Tây Nguyên đề nghị trong điều lệ của hợp tác xã cần phải ghi rõ mô hình hoạt động (có thể theo một trong 3 mô hình: dịch vụ; sản xuất tập trung hoặc dịch vụ và sản xuất tập trung). Từ đó, Chính phủ ban hành điều lệ mẫu theo từng mô hình do mỗi mô hình đều có tính đặc thù riêng. Đối với các hợp tác xã chuyển đổi, phải có điều lệ riêng, hàng năm nếu có thay đổi phải chỉnh sửa bổ sung điều lệ hợp tác xã như hợp tác xã mới thành lập.

Tuy nhiên, kiến nghị này không hợp lý vì hợp tác xã là tổ chức tự chủ của thành viên như các tổ chức thuộc các thành phần kinh tế khác, có các hình thức tổ chức hoạt động cụ thể, rất đa dạng. Do vậy, Chính phủ không thể quy định điều lệ mẫu cho từng mô hình. Mặt khác, cũng không thể quy định trong Luật ba mô hình (dịch vụ, sản xuất tập trung hoặc dịch vụ và sản xuất tập trung), vì cách phân loại này không dựa trên những nội dung cơ bản quy định bản chất của một tổ chức (mục tiêu, quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế, quan hệ phân phối, quan hệ quản lý); ba mô hình này thực chất chỉ là những hình thức tổ chức hoạt động cụ thể của hợp tác xã.

- Về nội quy, quy chế của hợp tác xã: do năng lực, trình độ của bộ máy quản lý và điều hành hợp tác xã còn yếu, có ý kiến đề nghị Chính phủ có văn bản dưới luật ban hành mẫu hướng dẫn cho các hợp tác xã. Thực tế, Chính phủ đã ban hành mẫu hướng dẫn xây dựng điều lệ hợp tác xã, trong đó hướng dẫn các nội dung chủ yếu mà các thành viên hợp tác xã cần thỏa thuận. Hợp tác xã là tổ chức tự chủ của các thành viên, vì vậy các thành viên phải tự thỏa thuận những vấn đề cụ thể liên quan đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích của chính mình và của hợp tác xã.



4. Về thành lập và đăng ký kinh doanh đối với hợp tác xã

4.1. Sáng lập viên

Có ý kiến đề nghị cần quy định chi tiết hơn về sáng lập viên hợp tác xã như: điều kiện trở thành sáng lập viên; quyền và nghĩa vụ của sáng lập viên trước và sau khi hợp tác xã được thành lập; số lượng thành viên tối thiểu và tối đa của ban sáng lập hợp tác xã; kiến nghị bỏ quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Hợp tác xã về việc báo cáo bằng văn bản nơi đặt trụ sở; sáng lập viên chỉ cần thông báo chính quyền địa phương, không phải xin phép nhằm giảm bớt các thủ tục rườm rà trong việc thành lập hợp tác xã.



4.2. Hội nghị thành lập hợp tác xã

- Có ý kiến cho rằng cần bổ sung tại khoản 1 Điều 11 Luật hợp tác xã: thành phần tham gia hội nghị “mời đại diện chính quyền nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính cùng dự và đồng chủ trì ”.

Ý kiến này không hợp lý, vì hợp tác xã là tổ chức tự chủ, bình đẳng với các loại hình tổ chức kinh tế khác. Việc mời đại diện chính quyền nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính là quyền của hợp tác xã, không bắt buộc, càng không thể quy định “đồng chủ trì”.

- Có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về số lượng xã viên tối thiểu khi thành lập hợp tác xã, từ 7 xã viên trở lên, nay nên là từ 15 trở lên, vì số lượng tối thiểu 7 xã viên là quá ít, chỉ đủ tham gia bộ máy quản lý và điều hành hợp tác xã.

- Ý kiến khác đề nghị sửa điểm 3b Điều 11 Luật hợp tác xã: “thông qua điều lệ, nội quy hợp tác xã” thành “thông qua điều lệ, vốn góp của mỗi xã viên, nội quy hợp tác xã”.

4.3. Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Điểm a khoản 2 Điều 15 Luật hợp tác xã quy định thời hạn 15 ngày để xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã là quá dài, nên giảm xuống còn 05 ngày, hoặc không cần ghi rõ thời hạn cấp đăng ký kinh doanh mà ghi theo quy định hiện hành về cấp đăng ký kinh doanh, vì hiện nay thời hạn xem xét cấp đăng ký kinh doanh chỉ còn 3 - 5 ngày (theo Thông tư liên lịch số 05/2008/TTLT-BKH-BCA-TCT).



4.4. Chi nhánh, văn phòng đại diện và doanh nghiệp trực thuộc của hợp tác xã

Bổ sung quy định về doanh nghiệp thành lập trực thuộc hợp tác xã.



4.5. Nơi đăng ký kinh doanh

- Có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 177/2004/NĐ-CP về việc các hợp tác xã được tự chọn cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/hoặc cấp huyện, mà chỉ quy định đăng ký kinh doanh tại một cấp.

- Ý kiến khác đề nghị sửa thành: “Hợp tác xã nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính), liên hiệp hợp tác xã và các hợp tác xã đặc biệt (do Chính phủ quy định cụ thể) nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư”.

5. Về xã viên hợp tác xã

5.1. Điều kiện trở thành xã viên

- Có ý kiến đề nghị bỏ quy định xã viên là người “góp sức”, chỉ quy định xã viên là người “góp vốn” để dễ kiểm soát (do quy định góp sức là trừu tượng, khó xác định).

Kiến nghị này có phần xác đáng ở chỗ cần xem xét lại quy định về nội dung “góp sức” trong điều kiện cơ chế kinh tế thị trường. Góp sức được trả lương theo thỏa thuận để trở thành người lao động thường xuyên; hay góp sức theo tinh thần nhân đạo; hoặc vụ việc… Tuy nhiên, nếu chỉ quy định xã viên là người góp vốn, thì hợp tác xã là doanh nghiệp, vì vậy cần làm rõ bản chất của tổ chức hợp tác xã, nhất là sự khác biệt với tổ chức doanh nghiệp.

- Có ý kiến đề nghị phải quy định rõ hơn về nghĩa vụ và quyền lợi của xã viên khi tham gia hợp tác xã, vào hợp tác xã là nhằm mục đích hợp tác, phát huy sức mạnh tập thể để làm các dịch vụ và phục vụ lợi ích tập thể trong cộng đồng xã viên.

Ý kiến khác cho rằng cần sửa đổi, bổ sung điều kiện trở thành xã viên trong Luật như: “cán bộ công chức tham gia xã viên ở một số lĩnh vực không cần phải có sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan” để tăng thêm nguồn huy động xã viên.

Điều này cho thấy cần làm rõ hơn bản chất của tổ chức hợp tác xã với nguyên tắc “mở” và nguyên tắc phục vụ xã viên của hợp tác xã.



5.2. Quyền của xã viên

Có ý kiến đề nghị bổ sung Điều 18 Luật hợp tác xã: “các quyền khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã”, để các hợp tác xã xét thấy cần thiết thì quy định thêm.



5.3. Nghĩa vụ của xã viên

- Có ý kiến đề nghị bổ sung Điều 19 Luật hợp tác xã: “các nghĩa vụ khác theo quy định của từng hợp tác xã”, để các hợp tác xã xét thấy cần thiết thì quy định thêm.

- Có ý kiến đề nghị nâng mức vốn góp tối đa của xã viên vượt quá 30% vốn điều lệ của hợp tác xã. Có thể nâng lên thành 40% để thu hút những xã viên có khả năng tham gia, hoặc để tỷ lệ vốn góp do đại hội xã viên quyết định nhưng không được vượt mức quy định của doanh nghiệp.

Lưu ý kiến nghị này, vì hợp tác xã là tổ chức đối nhân, huy động vốn thông qua huy động nhiều xã viên tham gia. Nếu không hạn chế mức vốn góp thì hợp tác xã dễ trở thành tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ không áp dụng được các nguyên tắc hợp tác xã, nhất là nguyên tắc quản lý dân chủ “mỗi người một phiếu” và dễ bị lệ thuộc vào một hoặc một số người góp vốn lớn.

- Có ý kiến đề nghị điều chỉnh điểm 5 Điều 19 Luật hợp tác xã như sau: “trong phạm vi vốn góp của mình, cùng chịu trách nhiệm về các khoản nợ, rủi ro, thiệt hại, các khoản lỗ của hợp tác xã phát sinh từ khi tham gia hợp tác xã (xã viên vào trước hoặc sau, vào hợp tác xã tại thời điểm nào thì chịu trách nhiệm tại thời điểm đó)”.

- Có ý kiến nên quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc góp vốn thực tế của xã viên, thành viên khi tham gia hợp tác xã.



5.4. Chấm dứt tư cách xã viên

- Về chấm dứt tư cách xã viên, có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp “Xã viên vắng mặt trong hợp tác xã hoặc chuyển sang làm nghề khác mà không tham gia hoạt động của hợp tác xã từ 6 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng”.

- Đối với hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi, nên bổ sung quy định về các trường hợp xã viên nợ hợp tác xã hơn mức đóng góp đương nhiên bị xoá tư cách xã viên; bổ sung quy định về hình thức xử lý đối với các xã viên cố tình nợ để chiếm dụng vốn hợp tác xã.

- Điểm a khoản 1 Điều 20 Luật hợp tác xã 2003 quy định về việc chấm dứt tư cách xã viên là trùng với điểm b, c, d khoản 11 Điều 18, nhưng cách giải quyết quyền lợi thì không giống nhau, gây mâu thuẫn khi thực hiện.



Каталог: DuThao -> Lists -> DT TAILIEU COBAN -> Attachments
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 151 /bc-btp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Danh mỤc LuẬt/NghỊ đỊnh thư cỦa các quỐc gia/khu vỰc đưỢc tham khẢo trong quá trình xây dỰng DỰ thẢo luật tài nguyên, môi trưỜng biỂn và hẢi đẢo
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ giao thông vận tải cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 1- tình hình gia nhập công ước quốc tế về an toàn – vệ sinh lao động
Attachments -> BÁo cáo tổng hợp kinh nghiệm nưỚc ngoài a. Nhận xét chung
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 104/bc-btp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 1.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương