Phần thứ nhất ĐÁnh giá TÌnh hình tổ chức thực hiện luật hợp tác xã NĂM 2003



tải về 1.21 Mb.
trang1/10
Chuyển đổi dữ liệu11.07.2016
Kích1.21 Mb.
#1665
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10
BÁO CÁO TỔNG KẾT

THI HÀNH LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2003

(Kèm theo Tờ trình số 99/TTr-CP ngày 3 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ)
Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN

LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2003

Trên cơ sở báo cáo tình hình thực hiện Luật hợp tác xã năm 2003 của các Bộ, ngành, 46/63 tỉnh, thành phố, Liên minh hợp tác xã Việt Nam (Công văn số 2251/BKH-HTX ngày 07/4/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư); kết quả Tổng điều tra hợp tác xã năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và số liệu của Tổng cục Thống kê; báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 - 2010) của 07 bộ, 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hàng năm; kết quả khảo sát thực tế về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã tại 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chính phủ đã tổng hợp tình hình thực hiện Luật hợp tác xã và kiến nghị sửa đổi, bổ sung như sau:



I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ

Các hợp tác xã thành lập mới và chuyển đổi, về cơ bản được tổ chức và hoạt động theo Luật hợp tác xã 2003. Phương thức hoạt động của các hợp tác xã bước đầu được đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho xã viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, khu vực hợp tác xã còn nhiều yếu kém, tồn tại kéo dài nhiều năm, như: quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, sức cạnh tranh thị trường kém. Nhiều hợp tác xã chưa đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, còn nhiều lúng túng, hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả, chưa mang lại nhiều lợi ích cho xã viên; xã viên chưa hoàn toàn yên tâm và chưa toàn tâm đóng góp xây dựng hợp tác xã; tổ chức hợp tác xã chưa hấp dẫn nhân dân, tổ chức tham gia.
1. Về tốc độ tăng trưởng và đóng góp vào GDP1

Kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã có đóng góp quan trọng vào GDP cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho xã viên và người lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP giảm sút liên tục trong suốt thời gian qua: chỉ đạt 5,22% năm 2010 so với mức 7,09% năm 2004 và mức gần 11% năm 1995. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể đạt thấp và có xu thế giảm dần qua các năm và chỉ đạt bình quân khoảng ½ so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước: đạt 2,98% năm 2010 so với mức 3,83% năm 2004, 3,98% năm 2005, 3,52% năm 2006, 3,32% năm 2007, 3,01% năm 2008, và 2,85% năm 2009. Trong khi đó, năm 2010, kinh tế tư nhân đóng góp 11,54%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: 18,72%; kinh tế cá thể: 30,78%; kinh tế nhà nước: 33,74%.

Tuy nhiên, các số liệu đóng góp GDP của hợp tác xã và kinh tế tập thể nói trên mới chỉ tính được phần đóng góp trực tiếp của kinh tế tập thể vào GDP, chưa thể hiện phần đóng góp gián tiếp thông qua tác động của hợp tác xã tới hoạt động kinh tế xã viên hợp tác xã, kinh tế thành viên tổ hợp tác - là xu hướng mới phát triển nổi bật của các hợp tác xã trong thời gian qua.

2. Về số lượng hợp tác xã

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2000 đến năm 2005, số hợp tác xã đang hoạt động tăng liên tục trung bình mỗi năm khoảng 950 hợp tác xã, cụ thể: năm 2000: 9.648 hợp tác xã, năm 2001: 10.817 hợp tác xã; năm 2002: 11.631 hợp tác xã; năm 2003: 12.240 hợp tác xã; năm 2004: 13.228 hợp tác xã; năm 2005: 14.402 hợp tác xã. Nhưng năm 2006, số lượng hợp tác xã giảm xuống còn 13.456 hợp tác xã. Năm 2007 số hợp tác xã có tăng lên so với năm 2006, nhưng sau đó giảm liên tục đến nay trung bình khoảng 1.000 hợp tác xã mỗi năm, cụ thể: năm 2007: 14.366 hợp tác xã, năm 2008: 13.532 hợp tác xã; năm 2009: chỉ còn 12.249 hợp tác xã.

Nhìn chung, số lượng hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là tương đối ổn định, dao động trong khoảng 7.100 đến 8.100 hợp tác xã (giai đoạn 2001-2007), trong khi đó số lượng hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng khá nhanh, từ 3.237 hợp tác xã năm 2000 lên 6.689 hợp tác xã năm 2007.

Tổng hợp báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2011 từ 46 địa phương2, đến hết năm 2011 ước tính có khoảng 13.843 hợp tác xã, tăng khoảng 598 hợp tác xã so với năm 2010. Theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tính đến hết năm 2011, cả nước có khoảng 19.500 hợp tác xã (bao gồm cả hợp tác xã không hoạt động), tăng 610 hợp tác xã so với năm 2010.

Theo kết quả điều tra toàn diện hợp tác xã năm 2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, tính đến ngày 01/7/2008, cả nước có 14.500 hợp tác xã đang hoạt động, 3.744 hợp tác xã có tên nhưng không hoạt động (chiếm 20,3% tổng số hợp tác xã); số hợp tác xã đang hoạt động tăng 718 hợp tác xã so với năm 2006 và 1.487 hợp tác xã so với năm 2005. Trong tổng số 14.500 hợp tác xã, có 609 hợp tác xã thành lập trước năm 1997 chưa chuyển đổi, 5.742 hợp tác xã thành lập trước năm 1997 đã chuyển đổi. Các hợp tác xã tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng với 5.059 hợp tác xã, chiếm 34,9% tổng số hợp tác xã của cả nước, tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ có 2.754 hợp tác xã, chiếm 19%; vùng Đông Bắc Bộ có 2.628 hợp tác xã, chiếm 18,1%. Hai vùng có số hợp tác xã thấp nhất là: vùng Tây Bắc với 604 hợp tác xã, chỉ chiếm 4,2% và vùng Tây Nguyên với 490 hợp tác xã, chiếm 3,4% tổng số hợp tác xã (Biểu 1). Trong tổng số 14.500 hợp tác xã đang hoạt động tại thời điểm 01/7/2008, có 6.372 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 43,9%; 4.744 hợp tác xã công nghiệp, chiếm 32,7%; 989 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 6,8%; tiếp đến là các hợp tác xã xây dựng, thương mại, vận tải, dịch vụ khác. (Biểu 2)

Tổ hợp tác phát triển rất nhanh và đa dạng. Năm 20103 có 155.817 tổ hợp tác, tăng trung bình khoảng 3,3%/năm giai đoạn 2006-2010.



3. Về xã viên, lao động trong hợp tác xã

a) Về xã viên hợp tác xã:

Năm 2010, theo báo cáo của 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực kinh tế tập thể thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên, tăng khoảng hơn 300.000 thành viên so với năm 2006, đạt tốc độ tăng bình quân 1,4%/năm giai đoạn 2006- 2010.

Theo kết quả điều tra toàn diện hợp tác xã năm 2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, tính đến ngày 31/12/2007, cả nước có 2.451.210 xã viên là cá nhân, chiếm 32,78% tổng số xã viên (trong đó có 11,93% là cán bộ công chức); 5.000.541 xã viên là đại diện hộ, chiếm 66,87%; 328 xã viên là đại diện pháp nhân, chỉ chiếm 0,04%; còn lại 205.940 xã viên là các thành phần khác, chiếm 0,34%. Tổng số xã viên nữ của hợp tác xã hàng năm không biến động nhiều: năm 2005 có 2.654.559 xã viên nữ, năm 2007 tăng lên 2.790.975 (tăng thêm 136.416 xã viên nữ), chủ yếu là đại diện hộ và cá nhân. Năm 2007, tỷ lệ xã viên nữ là đại diện hộ chiếm 58,54%, tỷ lệ xã viên nữ là cá nhân chiếm 41,06%, còn lại 0,04% nữa là thành phần khác.

Trong tổng số 7.478.019 xã viên của cả nước, xã viên hợp tác xã nông nghiệp là chủ yếu, chiếm 70,51% (Biểu 3) và tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (Biểu 4).

b) Về lao động trong hợp tác xã:

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng số lao động làm việc trong các hợp tác xã trên cả nước cụ thể như sau: năm 2003: có 160.949 người (trong đó nữ: 47.988 người, chiếm 29,8%), năm 2004: 157.831 người (trong đó nữ: 46.775 người, chiếm 29,63%), năm 2005: 160.064 người (trong đó nữ: 48.398 người, chiếm 30,23%), năm 2006: 149.236 người (trong đó nữ: 44.845 người, chiếm 30,04%), năm 2007: 149.480 người (trong đó nữ: 44.238 người, chiếm 29,59%), năm 20084: 270.077 người (trong đó nữ: 73.346 người, chiếm 27,16%), năm 2009: 261.364 người (trong đó nữ: 60.725 người, chiếm 23,23%).

Năm 2010, theo báo cáo của 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số lượng việc làm do khu vực kinh tế tập thể tạo ra giảm sút đáng kể: từ hơn 1,4 triệu việc làm thường xuyên năm 2006 xuống còn hơn 1 triệu lao động năm 2010.

Theo kết quả khảo sát toàn diện hợp tác xã năm 2008, tổng số lao động làm việc thường xuyên của hợp tác xã tại thời điểm ngày 31/12/2007 là 295.680 lao động. Phần lớn lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là xã viên hợp tác xã thuộc loại hình hợp tác xã của người lao động. Tỷ lệ lao động làm việc thường xuyên không phải là xã viên hợp tác xã đã tăng dần hàng năm: năm 2005 tỷ lệ xã viên là lao động làm việc thường xuyên chiếm 78,66%, còn lại 21,34% lao động không phải là xã viên; năm 2006 tỷ lệ tương ứng là 76,95% và 23,05%; năm 2007 tỷ lệ tương ứng là 75,91% và 24,09% (Biểu 5). Như vậy, tỷ lệ lao động nữ làm việc thường xuyên ở hợp tác xã rất thấp trong tổng số lao động thường xuyên của hợp tác xã: năm 2005, tỷ lệ lao động nữ làm việc thường xuyên trong hợp tác xã đạt 21,08%, năm 2006 đạt 21,91%, năm 2007 đạt 22,75%.

c) Thu nhập của người lao động trong hợp tác xã:

Nhìn chung, thu nhập bình quân một lao động làm việc thường xuyên của hợp tác xã là thấp, nhưng hàng năm tăng thêm đáng kể, từ 200 nghìn đồng - 300 nghìn đồng/tháng. Theo báo cáo của 43 địa phương5, thu nhập bình quân năm 2011 của xã viên hợp tác xã đạt khoảng 15,02 triệu đồng (1.251 nghìn đồng/tháng), của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã (báo cáo của 40 địa phương6) đạt khoảng 15,99 triệu đồng (1.333 nghìn đồng/tháng).

4. Về số lượng, chất lượng cán bộ hợp tác xã

Kết quả tổng hợp báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2011 của 44 địa phương7 cho thấy, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã đang từng bước được nâng lên: tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ trung cấp, sơ cấp bình quân đạt 32,12% tăng 2,09% so với năm 2010, tỉ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học bình quân đạt 8,45%, tăng 1,14% so với 2010.

Kết quả điều tra khảo sát năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: trình độ chuyên môn nghiệp vụ của 4 chức danh chủ chốt của các hợp tác xã còn rất thấp, cả nước có 1.655 trưởng ban quản trị hợp tác xã chưa qua đào tạo (tương đương với 30%) trong tổng số 5.542 trưởng ban quản trị các hợp tác xã (có trả lời phiếu điều tra). Phần đông trưởng ban quản trị (chiếm từ 50% - 60%) có trình độ sơ cấp và trung cấp.

Về trình độ chuyên môn của chủ nhiệm hợp tác xã, có 4.348 người chưa qua đào tạo (chiếm 31,2%); chỉ có 352 người (chiếm 2,53%) có trình độ cao đẳng và 1.224 người (chiếm 8,78%) có trình độ đại học trở lên (Biểu 6).



5. Về quy mô đất đai, vốn, tài sản của hợp tác xã

  1. Thực trạng sử dụng đất:

Tại thời điểm 30/6/2008, hợp tác xã quản lý và sử dụng 697.362.165 m2 đất, bình quân mỗi hợp tác xã quản lý và sử dụng 48.094 m2, trong đó vùng Đông bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung là hai khu vực có diện tích đất được hợp tác xã quản lý và sử dụng bình quân cao nhất (lần lượt là 135.222 m2 và 133.371 m2), gấp gần ba lần so với bình quân chung của cả nước. Lĩnh vực có diện tích đất mà hợp tác xã quản lý và sử dụng nhiều nhất là nông nghiệp với 437.016.550 m2 (chiếm 62,67% tổng diện tích), thấp nhất là tín dụng với 334.009 m2 (chiếm 0,05%). Bình quân mỗi hợp tác xã thủy sản có diện tích đất đang quản lý và sử dụng lớn nhất (463.008,91 m2).

Số diện tích đất của hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ là 94.124.214 m2, tương đương 13,5% tổng số diện tích đất của hợp tác xã đang quản lý và sử dụng. Trong đó, đất nuôi trồng thủy sản và đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, gần 60% tổng số diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Biểu 7).



  1. Thực trạng vốn điều lệ của hợp tác xã:

Theo kết quả điều tra hợp tác xã năm 2008, bình quân một hợp tác xã có số vốn điều lệ là 882,61 triệu đồng. Bình quân cả nước một xã viên hợp tác xã đóng góp vốn điều lệ là 1,76 triệu đồng. Xã viên hợp tác xã ở vùng Đông Nam Bộ có mức đóng góp vốn điều lệ bình quân một xã viên hợp tác xã lớn nhất, 8,2 triệu đồng; xã viên hợp tác xã thuộc vùng Duyên hải miền Trung có mức đóng góp vốn điều lệ bình quân một hợp tác xã thấp nhất, chỉ 0,76 triệu đồng. Hợp tác xã vận tải có số vốn điều lệ bình quân lớn nhất, 2.823,55 triệu đồng. Hợp tác xã nông nghiệp có số vốn điều lệ bình quân thấp nhất (555,22 triệu đồng). Hợp tác xã ở vùng Tây Nguyên có vốn điều lệ bình quân một hợp tác xã lớn nhất, 1.928,84 triệu đồng. Hợp tác xã thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng có vốn điều lệ bình quân một hợp tác xã thấp nhất, chỉ 608,618 triệu đồng.

  1. Thực trạng quy mô và cơ cấu vốn của hợp tác xã:

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2009 tổng vốn sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể ước khoảng 49.000 tỷ đồng, chiếm 0,63% tổng vốn sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, thấp nhất trong các thành phần kinh tế.

Tại thời điểm 31/12/2007, trong tổng số vốn hoạt động của các hợp tác xã, vốn chủ sở hữu chiếm 46,28%, vay nợ chiếm 53,72%. Xét theo lĩnh vực, hợp tác xã lâm nghiệp có tỷ lệ vốn chủ sở hữu lớn nhất là 87,03% và vay nợ là12,97%, tiếp đó là các hợp tác xã nông nghiệp (85,05% và 14,95%) và vận tải (69,94% và 30,06%). Hợp tác xã tín dụng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp nhất (13,31% và 86,69%), tiếp đó là các hợp tác xã thương nghiệp (41,97% và 58,03%) và dịch vụ (52,93% và 47,07%) (Biểu 7).

d) Thực trạng cơ cấu tài sản của hợp tác xã:

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2009 tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của khu vực kinh tế tập thể ước khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm 0,5% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của nền kinh tế.

Tại thời điểm 31/7/2008, theo kết quả điều tra, tính bình quân cả nước, tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các hợp tác xã là 13.282.589 triệu đồng, chiếm 38,57% tổng số tài sản của các hợp tác xã; tổng tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn của các hợp tác xã trên cả nước là 21.156.182 triệu đồng, chiếm 61,43% (Biểu 8).

6. Về kết quả hoạt động của hợp tác xã


  1. Chỉ tiêu doanh thu và thu nhập:

Doanh thu bình quân năm 2011 của một hợp tác xã ước đạt 1.715,72 triệu đồng, tăng gần 180 triệu đồng (tương đương 11%) so với doanh thu bình quân năm 2010; doanh thu bình quân của một tổ hợp tác là 343,77 triệu, tăng 55,5 triệu (khoảng 17%) so với doanh thu bình quân năm 20108.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2009, doanh thu thuần của khu vực kinh tế tập thể ước đạt 43.000 tỷ đồng, chiếm 0,74% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của cả nước.

Theo kết quả điều tra hợp tác xã năm 2008, cơ cấu doanh thu của hợp tác xã chủ yếu là doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, chiếm trên 98% trong tổng số, doanh thu từ hoạt động tài chính chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực thương nghiệp. Tỷ trọng doanh thu của các hợp tác xã tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công, thương nghiệp và vận tải; các lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng nhỏ; đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp chiếm đến gần 50% số hợp tác xã nhưng chỉ đóng góp 12% doanh thu và thu nhập khác.


  1. Chỉ tiêu lợi nhuận:

Theo báo cáo của 56 địa phương về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm, giai đoạn 2006-2010, lợi nhuận bình quân một hợp tác xã năm 2010 ước đạt 538,5 triệu đồng, tăng gấp đôi về danh nghĩa so với năm 2006. Tỷ lệ giá trị dịch vụ hợp tác xã cung cấp cho xã viên trong tổng giá trị dịch vụ của hợp tác xã tăng từ 46,1% năm 2006 lên 53,6% năm 2010, tuy tăng chậm nhưng ngày càng hướng nhiều hơn vào mục tiêu phục vụ xã viên, hướng đến bản chất đích thực của hợp tác xã.

Kết quả điều tra khảo sát hợp tác xã năm 2008 cho thấy tỷ trọng lợi nhuận của hợp tác xã tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và tín dụng; chiếm tỷ trọng nhỏ trong các lĩnh vực khác; đặc biệt, lĩnh vực xây dựng mới chỉ đóng góp 2,3% tổng lợi nhuận khu vực hợp tác xã cả nước. Tỷ suất lợi nhuận bình quân một hợp tác xã rất thấp, thấp hơn cả chi phí vay vốn ưu đãi: Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu bình quân cả nước là 4,56%, so với tỷ suất lợi nhuận trên tổng nguồn vốn là 4,25%.



II. XU HƯỚNG MỚI PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ

Kết quả khảo sát toàn diện hợp tác xã năm 2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện, tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 -2010 và khảo sát một số hợp tác xã cho thấy có hai xu hướng rõ rệt là:



  1. Xu hướng phát triển tổ chức hợp tác xã phục vụ xã viên

Tổng hợp kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 – 2010 (báo cáo của 53 tỉnh, thành phố) cho thấy có sự tăng lên về tỷ lệ tổng giá trị dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho xã viên: từ mức 46,1% năm 2006 tăng lên 53,6% năm 2010, ước tính đến năm 2015, tỷ lệ cung ứng dịch vụ của hợp tác xã cho xã viên sẽ đạt khoảng 73,8%. Số liệu này cho thấy các hợp tác xã ở Việt Nam đang có xu hướng rõ và nổi bật tập trung vào phục vụ thành viên của mình, phù hợp với xu hướng phát triển của các hợp tác xã trên thế giới và phù hợp với bản chất của tổ chức hợp tác xã.

Kết quả khảo sát toàn diện hợp tác xã năm 2008 cho thấy xu hướng nổi bật của phát triển tổ chức hợp tác xã phục vụ xã viên, bao gồm cả loại hình tổ chức hợp tác xã của người lao động (là hợp tác xã mà xã viên là người góp vốn và là người lao động trực tiếp thường xuyên trong hợp tác xã). Tổ chức hợp tác xã dịch vụ phục vụ xã viên phát triển phổ biến ở lĩnh vực nông nghiệp (năm 2007 có 6.631 hợp tác xã với khoảng 5,3 triệu xã viên, cung cấp gần 68% tổng doanh số cho xã viên), trong lĩnh vực tín dụng (năm 2007 có 989 quỹ tín dụng nhân dân với khoảng gần 1 triệu xã viên, cung cấp khoảng 60% tổng dư nợ cho vay cho xã viên); trong lĩnh vực thương mại (năm 2007 có 767 hợp tác xã với khoảng 160 ngàn xã viên, cung cấp khoảng 50% tổng doanh thu cho xã viên); tổ chức hợp tác xã của người lao động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng (năm 2007 có 336 hợp tác xã trong tổng số 14.500 hợp tác xã, với 4.823 xã viên, tạo việc làm cho 3.351 xã viên - chiếm 69,5% tổng số lao động); trong lĩnh vực thương mại và giao thông vận tải có cả hai loại hình: dịch vụ phục vụ xã viên và của người lao động.

Như vậy, số lượng hợp tác xã phục vụ xã viên (bao gồm hợp tác xã của người lao động) chiếm tương đối lớn, khoảng 68% tổng số hợp tác xã đang hoạt động. Trong số này có một số hợp tác xã trước đây đã đầu tư, kinh doanh ra bên ngoài cộng đồng xã viên, nhưng không phải là phổ biến, hoạt động kinh doanh một số ít năm đầu có lãi, nay đã thua lỗ, phải đóng cửa, giải thể hoạt động đó (ví dụ: Xưởng may của Hợp tác xã Duy Sơn 2), mà nguyên nhân chính là không thể cạnh tranh được trên thị trường; quản lý hoạt động của hợp tác xã phục vụ xã viên khác hẳn với quản lý sản xuất, kinh doanh phục vụ bên ngoài thị trường xã viên.

Đã và đang xuất hiện một số hợp tác xã phần lớn là mới thành lập hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho xã viên. Cụ thể như sau:

a) Hợp tác xã nông nghiệp Evergrowth, xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng: Đây là mô hình hợp tác xã tiên tiến đầu tiên ở Việt Nam được Canada hỗ trợ. Phương thức hoạt động của hợp tác xã là tập trung các hộ nông dân trong vùng, cung cấp bò sữa, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, thu mua và bảo quản để đưa sữa đến nhà máy an toàn.

Ban quản trị của hợp tác xã gồm 7 thành viên. Khác với nhiều hợp tác xã nông nghiệp, đại diện chủ sở hữu là Ban quản trị không kiêm nhiệm trong việc điều hành các hoạt động kinh doanh của hợp tác xã, mà giao việc làm cho giám đốc. Giám đốc của hợp tác xã là người được thuê, làm việc toàn thời gian cho hợp tác xã Evergrowth và hưởng lương theo quy định. Bộ máy giúp việc cho giám đốc bao gồm: kế toán, văn thư, tài xế, kỹ thuật viên, nhân viên thu mua… đều là những người được thuê, làm công hưởng lương. Nhờ được đào tạo khá bài bản, nắm vững chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp nên giám đốc và bộ phận giúp việc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc lập các báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động kinh doanh, v.v… đều được thực hiện đúng, đủ và kịp thời, báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như báo cáo cho đại hội xã viên. Cán bộ kỹ thuật làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm để đảm bảo chất lượng đàn bò và sản phẩm sữa của hợp tác xã. Vai trò của xã viên - những người chủ sở hữu thực sự của hợp tác xã được thể hiện đúng và phát huy đầy đủ.

Một trong những điều kiện rất quan trọng của nông dân nuôi bò sữa là phải có hệ thống làm lạnh, bồn chứa bảo quản và xe bồn vận chuyển phục vụ cho khâu tiêu thụ. Nông dân không đủ sức đầu tư, nên việc nhận tài trợ nước ngoài cho hệ thống này là hết sức thuận lợi giúp hợp tác xã hoạt động đạt hiệu quả. Mặt khác, đây cũng là dự án được chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng quan tâm nhằm phát triển ngành nghề mới ở nông thôn. Vì vậy, các chủ trương, chính sách cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã nông nghiệp Evergrowth hoạt động đã nhanh chóng được thiết lập và đi vào thực hiện.

Những người tự nguyện xin vào hợp tác xã để được làm xã viên ngày càng nhiều hơn. Lúc mới thành lập, hợp tác xã chỉ có 171 xã viên, đến nay, đã có 915 xã viên. Tổng đàn bò (gồm bò lai Sind và bò sữa của xã viên) cũng tăng đáng kể, hiện lên đến 2.700 con. Từ chỗ mỗi ngày hợp tác xã chỉ thu được 150 kg sữa, thì nay sản lượng đã lên đến trên 5 tấn mỗi ngày. Nhờ nghề nuôi bò sữa mà nhiều xã viên có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình. Chỉ sau gần 5 năm đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ nghèo trong dự án đã giảm trên 50% so với lúc mới thành lập. Hợp tác xã đã thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân - xã viên hợp tác xã.

Tuy là một nghề tiềm năng, nhưng chăn nuôi bò sữa cũng là nghề có nhiều rủi ro do phụ thuộc rất nhiều vào thị trường sữa, trong đó có thị trường thế giới. Nhờ chất lượng sữa luôn được kiểm soát chặt chẽ và có đầy đủ phương tiện bảo quản, vận chuyển đến nhà máy, nên sản phẩm của hợp tác xã đã tạo được lòng tin của khách hàng. Chất lượng và sản lượng sữa luôn ổn định là yếu tố quan trọng giúp cho giá bán sữa của hợp tác xã ít bị biến động. Mặc khác, dù giá đầu vào, ví dụ giá thức ăn có tăng lên, nhưng giá hợp tác xã bán ra cho xã viên là giá của đại lý cấp 1 nên thấp hơn so với giá thị trường, góp phần giúp xã viên vượt qua những khó khăn trước diễn biến bất lợi của thị trường.

Với vai trò là cầu nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ, hợp tác xã Evergrowth đã giúp cho người dân nghèo có thêm một nghề chăn nuôi mới đầy tiềm năng, mang lại lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế và xã hội cho người dân địa phương.

b) Hợp tác xã cà phê Lâm Viên, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng: Hợp tác xã Cà phê Lâm Viên được thành lập năm 2010 bởi 148 nông hộ trồng cà phê tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Đây là hợp tác xã cà phê đầu tiên ở Việt Nam hoạt động theo các nguyên tắc hợp tác xã hiện đại.

Việc thành lập hợp tác xã được thực hiện trong khuôn khổ một dự án quốc tế do Tổ chức Douwe Egberts Foundation (DEF) tài trợ liên kết với công ty Rang xay Sara Lee (công ty tư nhân), tổ chức Rabobank Foundation (tư nhân) và Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan (nhà nước). 


Mục tiêu của hợp tác xã Cà phê Lâm Viên là: (i) tối đa hoá lợi ích cho các xã viên, (ii) liên tục phát triển các dịch vụ, sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực cà phê và (iii) tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê cho xã viên hợp tác xã. 

Hợp tác xã thực hiện 2 bộ máy quản lý và điều hành độc lập. Ban quản trị do đại hội xã viên bầu ra gồm 9 thành viên đại diện cho các xã viên để xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho hợp tác xã. Ban điều hành gồm 7 thành viên, gồm: 1 giám đốc, 1 phó giám đốc phụ trách kinh doanh, 1 kế toán, 2 cán bộ kiểm tra kĩ thuật và 2 kĩ sư nông nghiệp phụ trách công tác khuyến nông.

Mục tiêu thành lập của hợp tác xã là phục vụ xã viên, cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho kinh tế hộ xã viên. Điều lệ hợp tác xã quy định cụ thể vai trò và trách nhiệm của giám đốc trong việc mua phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ cho xã viên với giá thấp nhất và chất lượng tốt nhất. Giá cung ứng đầu vào thấp nhất, bao gồm chi phí mua từ nhà máy sản xuất cộng với chi phí vận chuyển và cộng thêm một phần chi phí dịch vụ cho bộ máy quản lý hợp tác xã hoạt động. Chất lượng dịch vụ cung ứng cho xã viên được quy định rõ ràng trong hợp đồng kinh tế với xã viên. Nếu chất lượng không đảm bảo theo như đăng kí trên bao bì, giám đốc phải chịu trách nhiệm và công ty liên đới sản xuất mặt hàng này cũng phải chịu trách nhiệm. Điều lệ quy định: xã viên tham gia hợp tác xã phải sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, ví dụ phân bón đầu vào và bán cà phê cho hợp tác xã. Nếu xã viên không tuân thủ thỏa thuận này trong một năm, ban quản trị sẽ họp và chấm dứt tư cách xã viên ngay trong năm đó.

Mùa vụ 2010, do điều kiện mới thành lập nên chưa tổ chức thu mua được cà phê cho bà con xã viên, nhưng hợp tác xã đã làm dịch vụ môi giới trực tiếp để bà con xã viên bán cà phê trực tiếp đến công ty xuất khẩu. Thay vì trước đây xã viên trực tiếp bán cho các đại lý ở địa phương, đại lý bán cho đại lý cấp trên nữa hoặc bán cho công ty, một phần lợi nhuận của xã viên phải chia cho các đại lý. Nhờ hợp tác xã đứng ra môi giới trực tiếp cho công ty nên mỗi kg cà phê người xã viên được hưởng lợi thêm 800 đồng so với những người không phải là xã viên. Ngoài ra, hợp tác xã còn hỗ trợ cho xã viên của mình về quy trình kĩ thuật canh tác cà phê, tư vấn cho xã viên sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu; đồng thời sau này bao tiêu toàn bộ cà phê do xã viên sản xuất. Trước đây, mỗi một hộ xã viên vừa phải đi mua phân bón đầu vào với giá cao, vừa phải tự mình bán cà phê với giá thấp. Hiện nay, xã viên chỉ cần tập trung vào khâu sản xuất, toàn bộ việc kinh doanh giao cho hợp tác xã thực hiện. Điều này đã khích lệ được sự tham gia vào hợp tác xã của người nông dân.

Về công tác kiểm toán nội bộ, cuối năm ban kiểm soát kiểm toán nội bộ lần 1 và thuê kiểm toán độc lập bên ngoài kiểm toán cho hợp tác xã và báo cáo trước đại hội xã viên. Như vậy, công tác quản lý điều hành ở hợp tác xã cà phê Lâm Viên được rõ ràng minh bạch, không chồng chéo.

Về tổ chức ở dưới cấp cơ sở, hợp tác xã phân nhóm các xã viên vào các tổ và nhóm. Mỗi một tổ tối đa là 5 người, mỗi nhóm tối đa 25 người. Những người tham gia tổ, nhóm có trách nhiệm liên đới với nhau về khoản nợ, vay của hợp tác xã, cũng như việc bán cà phê cho hợp tác xã. Mỗi tháng, họp tổ 1 lần, 5 người họp với nhau trao đổi về công việc sản xuất của mình, đưa ra các đề xuất kiến nghị, sau đó các nhóm sẽ họp các tổ trưởng và cũng trong tháng đó ban điều hành sẽ họp với tất cả các trưởng nhóm để hoạch định chính sách kinh doanh cho hợp tác xã. Cơ cấu tổ chức như vậy khuyến khích sự đóng góp tích cực của xã viên đối với việc sản xuất trực tiếp của họ và trong quản lý hoạt động của hợp tác xã.

Nhìn chung, qua 2 năm hoạt động, hợp tác xã đã trở thành địa chỉ tin cậy cho bà con nông dân huyện Di Linh và mô hình hợp tác xã cà phê theo hướng bền vững này đang được nhiều địa phương khác học tập.

c) Hợp tác xã chăn nuôi gia cầm Diên Lâm được thành lập tháng 3/2010 tại xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước khi thành lập, chỉ là một nhóm hộ nông dân chăn nuôi gà tập hợp nhau để chia sẻ thông tin, không có tư cách pháp nhân, không có hoạt động mua chung đầu vào; mỗi hộ mua cám ở một đại lý, chủ yếu là mua chịu của đại lý cấp 2, sau đó lại bán trứng gà riêng rẽ, sản xuất không theo qui trình kỹ thuật chung. Sau khi thành lập, hợp tác xã gồm có 15 xã viên chính thức, 10 xã viên dự bị. Hoạt động chính của hợp tác xã là cung ứng vật tư chăn nuôi (cám, thuốc thú y, con giống ...) và tiêu thụ sản phẩm gia cầm cho xã viên (trứng, gà loại thải). Các xã viên thống nhất mua chung một loại cám, thống nhất bán chung một giá, nên hạn chế được sự ép giá của tư thương. Tất cả các hộ phun khử trùng tiêu độc chuồng nuôi hàng tuần, cùng thực hiện một qui trình kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi.

d) Hợp tác xã liên doanh nấm huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình được thành lập ngày 03/6/2010, với 8 xã viên và đến nay đã có 13 xã viên. Trước khi thành lập, các xã viên tự mua nguyên vật liệu trồng nấm, tự tìm hiểu kỹ thuật sản xuất, chế biến nấm, không có thương hiệu, cạnh tranh lẫn nhau, thị trường đầu ra thiếu ổn định. Sau khi thành lập, hợp tác xã thực hiện cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho xã viên, thống nhất quy trình sản xuất chế biến, có nhãn hiệu trên bao bì sản phẩm và thống nhất giá bán cho sản phẩm của xã viên hợp tác xã; sản phẩm được xã viên sản xuất ra đều được hợp tác xã tiêu thụ hết, nhờ vậy năng lực sản xuất của hộ xã viên cũng tăng lên.

e) Hợp tác xã gà Bảo Chúc được thành lập từ 13/4/2010 tại thôn Bảo Chúc, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc nhằm liên kết mua chung đầu vào (cám, thuốc thú y ...) và bán chung đầu ra (trứng, gà loại thải) để tăng hiệu quả trong sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình thành viên. Hợp tác xã có 10 xã viên, mỗi xã viên góp vốn 3 triệu đồng/hộ. So với hoạt động nhỏ lẻ trước đây, sau 5 tháng tham gia vào hợp tác xã, các hộ gia đình được hưởng lợi từ thu mua chung cám và thuốc thú y đầu vào với tổng số tiền là 57 triệu đồng, trong đó 38 triệu đồng chia cho xã viên, còn lại 19 triệu đồng giữ lại tích lũy trong hợp tác xã. Thu nhập hàng năm của mỗi hộ dự kiến tăng 30 triệu đồng sau khi tham gia hợp tác xã. Từ những lợi thế trên, rất nhiều hộ trong vùng mong muốn được gia nhập hợp tác xã.

Nhìn chung, các hợp tác xã mới được thành lập trong thời gian gần đây đều có xu hướng tập trung vào phục vụ thành viên của mình, điều này là phù hợp với xu hướng phát triển của các hợp tác xã trên thế giới và cũng phù hợp với bản chất của tổ chức hợp tác xã, hoạt động hiệu quả rõ rệt ngay từ khi bắt đầu thành lập.


Каталог: DuThao -> Lists -> DT TAILIEU COBAN -> Attachments
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 151 /bc-btp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Danh mỤc LuẬt/NghỊ đỊnh thư cỦa các quỐc gia/khu vỰc đưỢc tham khẢo trong quá trình xây dỰng DỰ thẢo luật tài nguyên, môi trưỜng biỂn và hẢi đẢo
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ giao thông vận tải cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 1- tình hình gia nhập công ước quốc tế về an toàn – vệ sinh lao động
Attachments -> BÁo cáo tổng hợp kinh nghiệm nưỚc ngoài a. Nhận xét chung
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 104/bc-btp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 1.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương