NIỆm phật pháp yếU 念佛法要 Cư sĩ Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính sưu tập (惕園毛凌雲敬緝)



tải về 1.38 Mb.
trang5/19
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.38 Mb.
#8425
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19

Nhận định:
Miệng niệm tai nghe, tâm niệm tâm nghe, thần thức niệm thần thức nghe chính là bí quyết niệm Phật gồm mười hai chữ của Ðại Sư.

Xin hãy thực hành tai nghe từ miệng niệm sao cho rành rẽ phân minh, chẳng tán loạn, chẳng hôn trầm thì đó là cảnh giới bất loạn. Tạm đạt được mức chí tâm niệm và nghe thì là đã thâu nhiếp sáu căn. Còn nếu đạt đến mức thần thức niệm thần thức nghe thì chẳng phải là Tịch đến cùng tột, Chiếu đến cùng tột hay sao?

Chỉ niệm bốn chữ vì dễ thành một phiến; nhưng ở chỗ bẩn thỉu và lúc đại tiểu tiện thì chỉ nên niệm thầm hoặc tâm niệm. Niệm ra tiếng là chẳng cung kính. Lúc đàn bà sanh nở nên niệm rõ ra tiếng vì niệm thầm thì do tâm lực ít nên cảm ứng cũng nhỏ, hoặc đến nỗi do nín hơi nên mắc bịnh vậy!
17. Trích yếu Ngữ Lục của đại sư Trác Tam Ðế Nhàn thời Dân Quốc8
* Trì danh niệm Phật thì cần phải tin chơn thành, nguyện thiết tha, hạnh thuần thục. Trước hết phải buông bỏ những tư tưởng hồ đồ, lộn xộn, hết thảy tạp niệm, chỉ giữ chánh niệm, đem bốn chữ Phật hiệu hệ niệm trong tâm.

Chẳng cần phải niệm lớn tiếng một lúc lâu, chỉ e tổn thương nguyên khí đến nỗi bị đau họng. Nếu lúc bị hôn trầm, buồn ngủ thì nên niệm lớn tiếng để trừ hôn ám. Cũng chẳng nên niệm Phật nhỏ tiếng một thời gian dài, e dễ bị tán loạn, hôn trần, kẻo lo nghĩ lại nổi lên. Nếu lúc các ý nghĩ khởi lên thì tự biết tâm chẳng quy nhất, nên gom tâm về chánh niệm, niệm lầm thầm. Câu niệm từ miệng thoát ra, tai đón nghe lấy thì gọi là tai miệng truyền nhau, tự - tha chẳng cách trở.

Cách này dễ thực hành nhất, lại dễ thuần thục, lâu ngày thành Niệm Phật Tam Muội.

Nhận định:
Kinh Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã chép: “Như người học bắn, tập lâu ngày thành khéo. Sau này tuy vô tâm mà bắn ra phát nào cũng trúng”.

Xin hãy chỉ giữ chánh niệm, âm thầm mà niệm, lâu ngày thuần thục tự thành tam muội như tập bắn lâu ngày thành quen, dẫu vô tâm vẫn bắn trúng.


18. Trích yếu sách Văn Sao Chánh Tục Tam Biên đại sư Ấn Quang Thánh Lượng thời Dân Quốc
* Hữu tình phàm phu nghe nói pháp môn Tịnh Ðộ này thì hãy nên tin Sa Bà rất khổ, Tây Phương cực vui, phải tin rằng từ nhiều kiếp đến nay, ta nghiệp chướng sâu nặng, nếu chẳng nhờ vào Phật lực khó lòng xuất ly; phải tin hễ cầu vãng sanh thì đời này sẽ quyết định được vãng sanh, phải tin niệm Phật quyết định là được Phật từ bi nhiếp thọ.

Do tin như vậy, kiên định nhất tâm nguyện lìa Sa Bà như tù nhân muốn thoát khỏi lao ngục, không hề có tâm luyến tiếc. Nguyện sanh Tây Phương như lữ khách mong trở về cố hương, há có ý niệm chần chừ. Từ đấy, tùy phận, tùy sức chí tâm trì niệm thánh hiệu A Di Ðà Phật chẳng luận là nói năng, im lặng, động, tịnh, đi, đứng, nằm, ngồi, đón khách, tiễn khách, mặc áo, ăn cơm, chăm chắm sao cho Phật chẳng rời tâm, tâm chẳng rời Phật.


* Nếu niệm Phật mà tâm khó quy nhất thì nên nhiếp tâm niệm khẩn thiết sẽ tự có thể quy nhất. Cách để nhiếp tâm không có gì hơn được chí thành, khẩn thiết; tâm chẳng chí thành thì không cách chi nhiếp nổi!

Nếu đã chí thành mà chưa thuần nhất thì nên thường lắng tai nghe, chẳng luận là niệm ra tiếng hay niệm thầm đều phải là niệm phát xuất từ tâm, tiếng phát xuất từ miệng, âm nhập vào tai; tâm và miệng niệm sao cho rành rẽ rõ ràng, tai nghe sao cho rành rẽ, rõ ràng. Nhiếp tâm như thế thì vọng niệm tự dứt.

Nếu như sóng vọng niệm vẫn còn trào dâng thì dùng cách mười niệm nhớ số, dốc toàn bộ tâm lực vào trong từng câu Phật hiệu, tuy vọng niệm có muốn khởi cũng chẳng có sức. Ðây chính là diệu pháp rốt ráo để nhiếp tâm, càng làm thử càng thấy hiệu nghiệm.

Lúc niệm Phật thì từ một câu đến mười câu sao cho niệm được phân minh, ghi nhớ phân minh. Niệm mười câu xong lại từ một câu niệm đến mười câu, chẳng được niệm đến câu thứ mười hai hay mười ba. Niệm đến đâu, nhớ đến đấy; chẳng được dùng chuỗi để nhớ mà phải dụng tâm nhớ.

Nếu thấy niệm suốt mười câu là khó thì chia thành hai hơi: từ câu một đến câu năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười.

Nếu vẫn chẳng đủ sức thì từ câu một niệm đến câu thứ ba, từ câu thứ tư niệm đến câu thứ sáu, từ câu thứ bảy niệm đến câu thứ mười, tức là ba hơi.

Niệm đến mức rõ ràng, ghi nhớ phân minh, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không còn chỗ để bén chân thì nhất tâm bất loạn lâu ngày sẽ tự đạt được.

Nhưng lúc làm lụng nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết mà niệm xuông. Làm xong việc, lại nhiếp tâm nhớ số thì cái tâm lông bông, lăng xăng sẽ tụ về chuyên chú nơi nhất cảnh Phật hiệu.


* Nhiếp tâm niệm Phật chắc chắn chẳng phải là chuyện dễ dàng, nhưng trong các pháp nhiếp tâm thì chỉ có mỗi cách xoay trở lại nghe tiếng niệm thật là bậc nhất.
* Pháp môn Bảo Vương nương theo hơi thở bao gồm cả Ngũ Ðình Tâm Quán. Nếu có thể niệm Phật theo hơi thở thì là đã tu kèm cả hai pháp quán Sổ Tức và Niệm Phật. Nhiếp tâm niệm Phật thì nhiễm tâm dần dần đoạn tuyệt, lòng nóng giận ắt chẳng còn bừng bừng nữa. Một khi hôn trầm, tán loạn đã hết thì trí huệ hiển hiện, cũng phá được ngu si. Ðấy lại là pháp môn “nhiếp trọn sáu căn” của đức Ðại Thế Chí.

Nay người niệm Phật lơi là thì có lẽ chẳng nên áp dụng cách này, sợ vì chẳng kể số nên sẽ trở thành lười nhác.

Còn người đã cam tâm niệm Phật, nếu chẳng tuân theo pháp này thì tam muội khó thành. Nếu là bậc lợi căn thì trong một thất hay hai thất, quyết sẽ đắc Nhất Tâm; còn như kẻ tối tăm, chậm lụt, tâm tưởng yếu kém, nông cạn thì phải tám năm, mười năm mới có thể chẳng loạn!
* Niệm Phật bằng cách truy đảnh dễ mắc bịnh. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, kim cang trì hay niệm thầm tùy theo tinh thần của mình mà vận dụng cho phù hợp; chớ nên chấp chết vào một cách để đến nỗi bị bệnh ư?

Niệm theo hơi thở chẳng bằng lặng lẽ lắng nghe vì nếu chẳng khéo niệm theo hơi thở sẽ bị bịnh, lặng lẽ lắng nghe chẳng bị mắc bịnh.


* Cảnh tướng của tam muội chỉ có chứng rồi mới hiểu rõ nổi. Nếu bàn đến pháp ấy thì ngay trong lúc niệm Phật, ngay mỗi niệm xoay trở lại quán sát chuyên chú vào một cảnh, chẳng rong ruổi ra ngoài cảnh, niệm niệm soi thấu nguồn tâm; tâm tâm khế hợp Phật thể. Niệm trở lại cái niệm của chính mình, quán ngược lại cái quán của mình. Vừa niệm liền quán, vừa quán liền niệm; cốt sao toàn niệm là quán, ngoài niệm không quán, ngoài quán không niệm.

Tuy quán và niệm đã hòa hợp như nước với sữa nhưng chưa thấu đáo nguồn cội, cần phải hướng đến một niệm Nam Mô A Di Ðà Phật bao lượt suy xét đến tột cùng, khắng khít gạn lọc, càng suy xét càng thiết tha, càng gạn lọc càng thân thiết, cho đến lúc tận lực công thuần, đột ngột ý niệm rơi mất, chứng nhập cảnh giới “vô niệm, vô bất niệm”.

Câu nói: “Linh quang độc diệu, thoát khỏi căn trần, thể lộ chơn thường, chẳng nệ văn tự, tâm tánh vô nhiễm, vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng niệm tức Như như Phật” đã diễn tả cảnh giới ấy. Công phu đến bực ấy thì chứng đắc pháp Niệm Phật, cảm ứng đạo giao, thật khéo ra sức. [Người ấy] hiện tại còn chưa ra khỏi Sa Bà nhưng đã thường ở sẵn trong Hải Hội. Lâm chung vượt ngay lên Thượng Phẩm, đốn chứng Phật thừa.
* Niệm Phật thì đừng nên dùng pháp quán tâm mà hãy dùng pháp nhiếp tâm. Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Ðại Thế Chí dạy: “Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam ma địa; ấy là bậc nhất”.

Lúc niệm Phật, cái niệm trong tâm (ý căn) cần phải rõ ràng, phân minh, câu niệm nơi miệng (thiệt căn) phải phân minh, rõ ràng; tai (nhĩ căn) phải nghe sao cho rõ ràng, phân minh. Ba căn: tai, miệng, lưỡi, căn nào cũng dốc hết vào câu Phật hiệu thì mắt chẳng thể lườm Ðông, nguýt Tây, mũi chẳng thể ngửi các mùi hương khác, thân chẳng thể lười biếng, giải đãi. Ðấy là “nhiếp cả sáu căn”.

Nhiếp cả sáu căn thì dù chưa thể hoàn toàn hết vọng niệm nhưng so với kẻ chẳng nhiếp sáu căn thì tâm thanh tịnh hơn rất nhiều. Vì thế gọi là “tịnh niệm”. Nếu có thể giữ cho tịnh niệm thường liên tục, chẳng có lúc gián đoạn thì tâm sẽ tự có thể quy về một chỗ, cạn thì đắc Nhất Tâm, sâu thì đắc tam muội. Nếu thật có thể nhiếp cả sáu căn mà niệm thì nghiệp chướng quyết định tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, chẳng cần phải quán tâm mà tâm tự thanh tịnh, minh bạch, đâu lại đến nỗi mắc phải căn bịnh tâm hỏa nóng nảy?

Quán tâm là cách tu quán căn bản của bên Giáo, chẳng thích hợp với căn cơ người niệm Phật. “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” mới là pháp thâm diệu thích hợp với hết thảy các căn cơ: thượng, trung, hạ, hoặc thánh hoặc phàm.

Cần phải biết là việc “nhiếp trọn” đó chuyên chú nơi cái nghe, tức là niệm thầm trong tâm cũng phải nghe vì trong tâm khởi niệm là đã có thanh tướng. Tự tai mình nghe tiếng của chính tâm mình, nhưng phải sao cho rành rẽ, rõ ràng, sao cho thật sự nghe được từng chữ, từng câu rõ ràng thì lục căn mới quy về một chỗ.

So với tu những các pháp quán khác thì cách tu này ổn thỏa, thích đáng nhất, ít tốn sức nhất nhưng lại khế lý, khế cơ nhất.


* Tuy niệm Phật quý ở chỗ tâm niệm, nhưng chẳng thể bỏ miệng tụng vì ba thứ: thân, khẩu, ý hỗ trợ nhau. Nếu tâm có thể ức niệm, nhưng thân chẳng lễ kính, miệng chẳng trì tụng thì cũng khó được lợi ích. Vì thế, kinh Ðại Tập có dạy: “Ðại niệm thấy đại Phật, tiểu niệm thấy tiểu Phật”. Cổ đức bảo niệm Phật lớn tiếng thấy thân Phật lớn, niệm nhỏ tiếng thấy thân Phật nhỏ!

Phàm phu đầy dẫy triền phược tâm lắm hôn trầm, tán loạn, nếu chẳng nhờ vào sức lễ, tụng của thân, miệng mà muốn đắc Nhất Tâm thì không có cách nào được!


* Pháp môn Niệm Phật chú trọng Tín, Nguyện. Có Tín, Nguyện thì dù chưa được Nhất Tâm vẫn được vãng sanh. Dù đắc Nhất Tâm, nhưng thiếu Tín, Nguyện thì cũng chẳng được vãng sanh!

Người đời hay chú trọng vào Nhất Tâm, chẳng đặt nặng Tín, Nguyện. Ðã bỏ mất điều trọng yếu, lúc sống lại chẳng đạt Nhất Tâm, sợ rằng bị trở ngại, chẳng được vãng sanh toàn là vì trái nghịch với điều kiện: tin chơn thành, nguyện thiết tha vậy. Do vậy, càng phải tăng thêm tín nguyện để đạt Nhất Tâm thì mới là suy nghĩ đúng lối.

Nếu vì chẳng đạt được Nhất Tâm nên thường cứ nghĩ mình chẳng thể vãng sanh thì sẽ thành ra ý nghĩ bại hoại. Chẳng thể chẳng biết điều này!
* Niệm Phật cốt yếu là để thoát sanh tử, mà đã vì sanh tử thì nên tự sanh tâm nhàm chán nỗi khổ sanh tử, tự sanh tâm ưa thích sự vui nơi Tây Phương. Có như thế thì hai pháp Tín và Nguyện thường được trọn vẹn.

Lại thêm chí thành, khẩn thiết như con nhớ mẹ thì ba pháp: Phật lực, Pháp lực, tự tâm tín nguyện công đức lực hiển hiện trọn vẹn như mặt trời rực rỡ trên không, dù có sương dày, băng đóng tầng tầng thì cũng chẳng bao lâu sẽ biến mất ngay!


* Muốn tâm chẳng tham sự việc bên ngoài chỉ chuyên niệm Phật, người chẳng chuyên muốn cho được chuyên, người chẳng thể niệm muốn cho niệm được, người chưa được nhất tâm muốn họ đắc nhất tâm v.v… cũng chẳng có cách nào áo diệu, lạ lùng, đặc biệt chi cả! Cứ lấy một chữ Chết dán chặt lên trán, cho phủ xuống tận lông mày, tâm thường niệm rằng:

“Tôi tên là… từ vô thỉ cho đến đời hiện tại này đã tạo ác nghiệp vô lượng, vô biên. Giả sử ác nghiệp mà có thể tướng thì mười phương hư không chẳng chứa đựng hết được. Ðời trước có may mắn chi mà nay được thân người, lại được nghe Phật pháp. Nếu chẳng nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì khi một hơi thở không hít vào được nữa, quyết định sẽ phải thọ khổ nơi vạc sôi, lò than, rừng gươm, núi đao nơi địa ngục. Dù thoát được địa ngục, lại đọa trong ngã quỷ, súc sanh. Dù được làm người thì ngu si tạo nghiệp nên lại đọa lạc, trải qua kiếp số nhiều như vi trần luân hồi sáu nẻo, dù muốn xuất ly vẫn chẳng thể được”.

Niệm được như thế, cầu được như trên thì ngay khi đó sẽ tu tập. Vì thế trong kinh nhắc đi, nhắc lại: “Nghĩ khổ địa ngục, phát Bồ Ðề tâm”. Ðấy chính là điều khai thị tối thiết yếu của đấng Ðại Giác Thế Tôn.

Lúc niệm Phật phải thường nghĩ đến lúc chết phải đọa địa ngục thì chẳng khẩn thiết cũng sẽ tự khẩn thiết, chẳng tương ứng cũng tự tương ứng. Dùng cái tâm sợ khổ để niệm Phật chính là pháp mầu bậc nhất để thoát khổ, đó cũng là pháp mầu tùy duyên tiêu nghiệp bậc nhất.


* Người niệm Phật chẳng được lạm tu cách tham cứu của nhà Thiền vì tham cứu hoàn toàn chẳng chú trọng đến tín, nguyện cầu sanh. Dù có niệm Phật cũng chỉ chú trọng khán câu “người niệm Phật là ai?” để cầu khai ngộ mà thôi!

Nếu khai ngộ mà hoặc nghiệp đã hết sạch thì có thể liễu sanh thoát tử; còn nếu hoặc nghiệp chưa tận thì chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh tử.

Lại vì không có tín nguyện nên chẳng thể nương vào Phật lực để liễu sanh tử. Cả tự lực lẫn Phật lực đều chẳng nhờ cậy được thì muốn thoát luân hồi có được hay chăng?
* Người niệm Phật chẳng được bắt chước kẻ ngu làm các “Phật sự” như: đốt hình nhân thế mạng, gởi tiền kho [Âm Phủ] v.v… vì: hình nhân thế mạng chẳng phát xuất tự kinh Phật mà do người đời sau ngụy tạo; gởi tiền kho là nguyện sau khi chết làm quỷ, trữ sẵn làm của tiêu dùng trong Quỷ đạo. Ðã có ý nguyện làm quỷ thì khó vãng sanh.

Nếu trót đã làm thế, hãy nên bẩm rõ với Phật: “Ðệ tử tên là… cầu vãng sanh, trước đây đã gởi tiền kho để tiêu xài trong cõi âm. Nay xin chẩn tế hết cho cô hồn” thì mới chẳng chướng ngại việc vãng sanh.


* Người niệm Phật nên ăn chay trường. Nếu như chẳng ăn nổi thì nên giữ sáu ngày chay, hoặc mười ngày chay. Mồng tám, mười bốn, mười lăm, hăm ba, hăm chín, ba mươi là sáu ngày chay. Thêm vào đó ngày mùng một, mười tám, hăm bốn, hăm tám là thành mười ngày chay. Gặp tháng thiếu thì ăn lên ngày hôm trước.

Lại trong ba tháng chay là tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín nên ăn chay trường, tạo các công đức, giảm dần dần cho đến hoàn toàn vĩnh viễn đoạn ác thì mới hợp lý. Dẫu còn ăn mặn nhưng nên mua thịt làm sẵn, kiêng hẳn sát sanh trong nhà.


* Niệm Phật cần nhất phải tận hết sức mình giữ đạo đức, ngăn tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, giữ tấm lòng lành, nói lời lành, làm việc tốt: việc gì mình làm được thì nhận biết đúng đắn mà làm; việc gì làm không nổi thì cũng nên phát thiện tâm hoặc khuyên người có khả năng hãy làm. Hoặc là thấy ai làm được thì sanh lòng hoan hỷ, thốt lời khen ngợi thì cũng thuộc về công đức nơi tâm và miệng.

Nếu tự mình chẳng làm nổi, thấy người khác làm được lại sanh lòng đố kỵ thì thành ra tâm hạnh của kẻ tiểu nhân gian ác, quyết bị giảm phước, tổn thọ, chẳng có kết quả tốt. Hãy nên thống thiết dè chừng!


* Người niệm Phật cần phải hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Lại cần phải cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tôi tớ trung thành, dốc trọn phận mình. Chẳng cần biết là người khác đối xử với mình có hết lòng hay không, ta cứ luôn tận hết sức mình, tận sức tận tâm đối với gia đình và xã hội. Như vậy gọi là thiện nhân. Thiện nhân niệm Phật cầu sanh Tây Phương, nhất định khi lâm chung liền được vãng sanh vì tâm người ấy tương hợp tâm Phật nên cảm Phật từ tiếp dẫn.

Lại phải nên khuyên cha mẹ, anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, xóm giềng, bạn bè đều thường niệm Phật và Quán Thế Âm Bồ Tát (mỗi ngày niệm một vạn câu Phật, rồi niệm năm ngàn câu Quán Âm. Niệm nhiều ít cứ chiếu theo đó mà gia giảm). Ðó là vì việc này có lợi ích rất lớn, nỡ nào để người sanh ra ta cùng quyến thuộc, thân hữu của ta chẳng được hưởng lợi ích này hay sao?

Vả lại, khuyên người khác niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là thành tựu phàm phu thành Phật, công đức rất lớn. Ðem công đức ấy hồi hướng vãng sanh ắt sẽ mãn nguyện. Hễ tụng kinh, trì chú, lễ bái, sám hối và cứu nạn, giúp nghèo, làm các thứ công đức thì đều nên hồi hướng vãng sanh Tây Phương, tuyệt đối chẳng được cầu hưởng phước báo đời sau trong đường trời, người. Hễ có tâm ấy thì chẳng có phần vãng sanh.

Nếu sanh tử chưa hết thì phước càng lớn nghiệp càng to, thêm một đời nữa khó tránh khỏi đọa trong ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, muốn lại được thân người, lại gặp pháp môn Tịnh Ðộ hòng thoát sanh tử thật khó như lên trời vậy!


* Quán Thế Âm Bồ Tát thệ nguyện sâu rộng, theo tiếng kêu mà cứu khổ. Nếu gặp phải các tai nạn: đao binh, nước lửa, đói kém, nạn châu chấu - sâu rầy, ôn dịch, hạn hán, lụt lội, giặc cướp, oan gia, ác thú, độc xà, ác quỷ, yêu quái, bịnh tật do oán nghiệp, tiểu nhân hãm hại v.v… mà nếu có thể sửa lỗi làm lành, sanh tâm lợi mình, lợi người, chí thành khẩn thiết niệm Quán Thế Âm, niệm niệm chẳng gián đoạn quyết sẽ được ngài từ bi che chở, chẳng có nguy hiểm, tai ách gì nữa!

Nhưng nếu vẫn giữ tâm bất thiện, dù có xưng niệm thì chẳng qua chỉ tạm gieo căn lành trong đời sau, chẳng được cảm ứng ngay trong hiện thời vì Phật, Bồ Tát đều thành tựu cho thiện niệm của con người, chứ tuyệt đối chẳng thành tựu cho người ác niệm. Nếu mơ tưởng niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát để thành tựu ác sự cho mình thì nhất định chẳng được cảm ứng, chớ có sanh tâm điên đảo như thế!


* Chỉ nên chơn thật, thiết tha niệm Phật để tự nương vào từ lực của Phật thoát khỏi binh đao, nước, lửa là những thứ do túc nghiệp tạo thành, cũng như chuyển báo nặng địa ngục trở thành báo nhẹ trong đời này. Gặp phải những tai nạn ấy thì thường ngày đã có lòng tin chơn thật, nguyện thiết tha, quyết định sẽ được Phật tiếp dẫn trong lúc ấy.
* Trong lúc có kinh nguyệt, nữ nhân có thể giảm bớt lễ bái, còn thì cứ niệm Phật, tụng kinh đúng như thường lệ. Phải nên thường thay, giặt vải dơ. Nếu tay chạm phải vải dơ thì nên rửa tay sạch, chớ dùng tay dơ lật kinh, thắp hương.

Lúc sanh nở tuy trần truồng, bất tịnh nhưng là vì không còn cách nào khác, chứ chẳng phải tự ý buông tuồng đến nỗi ấy; nếu có thể chí thành, khẩn thiết niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát ra tiếng rõ ràng thì chẳng bị đau đớn, sanh khó cũng như bị băng huyết sau khi sanh, đứa con bị các chứng kinh phong v.v… Dẫu cho khó sanh cùng cực, người đã sắp chết, bèn dạy sản phụ ấy cùng những người săn sóc chung quanh cùng cất tiếng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Người nhà tuy ở phòng khác vẫn có thể niệm giúp, quyết định chẳng đến một khắc công phu liền được sanh nở bình an. Không những chỉ không có tội lỗi gì mà còn khiến cả mẹ lẫn con gieo đại thiện căn.

Nhưng không được niệm thầm trong tâm vì niệm thầm tâm lực nhỏ nhoi cho nên cảm ứng cũng nhỏ. Hơn nữa, lúc ấy cần phải dùng sức để rặn đứa bé ra, nếu niệm thầm thì rất có thể do vì nín hơi nên sẽ mắc bịnh.
* Một câu Phật hiệu miên miên mật mật thường luôn ức niệm. Hễ khi nào giận dữ, dâm dục, hiếu thắng, gắt gỏng v.v… vừa mới nhen nhúm thì hãy liền nghĩ rằng: “Ta là người niệm Phật, lẽ nào lại có phát khởi ý niệm này?” thì niệm vừa khởi lên liền dứt.

Tập lâu ngày thì hết thảy những ý niệm khiến nhọc lòng tổn xác đều không có cách chi phát khởi được; trọn ngày được công đức bất khả tư nghị của Phật gia trì thân tâm, tôi dám bảo đảm là chẳng cần đến mười ngày đã thấy hiệu nghiệm lớn.

Nếu chỉ tình cờ niệm một hai câu mà muốn thấy ngay kết quả thì là dối mình, lừa người, tuy có công đức nhưng muốn do đó mà lành bịnh thì quyết chẳng thể được!
* Niệm Phật ắt phải chí thành, nếu như có lúc trong tâm chợt sanh đau xót thì đó là dấu hiệu thiện căn phát hiện, nhưng chớ có nên thường như thế, nếu không ắt sẽ bị loài ma đau thương dựa. Hễ có chuyện gì thích ý chẳng được hoan hỷ quá mức, nếu không sẽ bị loài ma hoan hỷ dựa.

Lúc niệm Phật mắt nên nhìn xuống, tinh thần chẳng nên căng thẳng quá mức khiến cho tâm hỏa bốc lên, rất có thể sẽ bị các bịnh vặt như đỉnh đầu nổi mụn nhọt, đau nhức v.v…

Nên giữ sao cho ở mức vừa phải, lúc niệm lớn tiếng chớ nên quá sức kẻo mắc bịnh. Lần chuỗi niệm ngừa được tật lười biếng, nhưng lúc tịnh tọa chẳng được lần chuỗi, vì lần chuỗi thì ngón tay động nên tâm chẳng định, lâu ngày ắt sẽ bị bịnh.

Lúc nằm chỉ nên niệm thầm bốn chữ để tránh nhiều chữ khó niệm. Nếu niệm ra tiếng thì một là chẳng cung kính, hai là dễ bị tổn khí.


* Niệm Phật nhắm mắt dễ bị hôn trầm. Nếu chẳng khéo dụng tâm, hoặc có lúc gặp cảnh ma: Niệm Phật mà trên đầu thấy có vật xoa vỗ hoặc lôi kéo v.v… Ðấy là do lúc niệm Phật, sóng tâm tưởng hướng lên trên quá đến nỗi tâm hỏa bốc lên.

Nếu sụp mí mắt xuống, hướng tâm nghĩ xuống dưới thì tâm liền chìm xuống chẳng còn bồng bềnh nữa, tâm hỏa chẳng bốc lên, căn bệnh ấy liền bị tiêu diệt.

Chớ lầm tưởng đấy là công phu chứng đắc, cũng đừng sợ là ma cảnh. Chỉ chí thành nhiếp tâm mà niệm và tưởng thân mình đang ngồi hoặc đứng trên hoa sen, nhất tâm tưởng nơi hoa sen mình đang ngồi thì tướng đó sẽ tự mau hết. Nếu chẳng dám tưởng mình đang đứng hay ngồi trên hoa sen vì sợ gặp phải ma sự thì chỉ tưởng ngọn lửa tâm hỏa nằm ở dưới bàn chân thì tâm hỏa sẽ chẳng thể sanh được nữa.
* Thấy Phật chẳng phải dễ dàng, trước khi đạt được Nhất Tâm, tuyệt đối chẳng được manh nha ý niệm thấy Phật. Ðã đạt được Nhất Tâm thì tâm hợp với Ðạo, tâm hợp với Phật, muốn thấy liền được thấy ngay, chẳng thấy cũng trọn chẳng trở ngại gì.

Nếu muốn gấp thấy Phật, tâm niệm rối bời, ý niệm muốn thấy Phật đóng cứng trong bụng dạ biến thành một căn bịnh lớn trong việc tu hành. Lâu ngày, oan gia nhiều kiếp thừa cơ nương theo tình ý vọng động ấy hiện thành thân Phật để báo oán xưa. Tâm mình không có chánh kiến, toàn thể đều thuộc về ma; một phen trông thấy liền sanh mừng rỡ. Bởi đó, ma nhập trong tim ruột, bị ma dựa phát cuồng, dẫu có đức Phật sống cũng chẳng biết làm cách nào được! Chỉ nên nhất tâm, cần gì phải so đo là thấy Phật hay không thấy Phật cơ chứ? Sau khi đạt Nhất Tâm, chẳng tự biết được lòng mình hay sao? Chẳng thấy Phật thì càng nên tăng tấn công phu; được thấy Phật thì càng nên lắng tâm chuyên tu thì trọn chẳng bị mắc lỗi lầm lạc, lại chỉ có cái lợi tăng tấn thù thắng.


* Ðóng cửa Phương Tiện, cự tuyệt các sự duyên không cấp bách thì rất có ích. Khi bế quan dụng công nên lấy việc chuyên chú, tinh thuần chẳng hai làm chính. Nếu tâm thật sự được chuyên nhất thì tự sẽ có sự cảm thông chẳng thể nghĩ bàn. Có cảm thông thì tâm càng lại càng tinh thuần, chuyên nhất. Nói cách khác: gương sáng đặt trên đài, gặp hình liền hiện bóng, tự các hình bóng ấy lăng xăng, ăn nhằm gì đến ta?

Lúc tâm chưa chuyên nhất, trọn chẳng nên dùng tâm tháo động, vọng tưởng để cầu cảm thông vì cái tâm cầu được cảm thông ấy lại là đại chướng cho việc tu đạo. Hơn nữa, vì tâm ấy tháo động, vọng tưởng mong ngóng hướng ra ngoài rất có thể khiến cho ma sự khởi lên phá hoại tịnh tâm.


* Gần đây, người tu hành hay bị ma dựa đều là do tâm tháo động, vọng tưởng cầu đạt cảnh giới thù thắng. Ðừng nói là cảnh ma, dù thật sự là thắng cảnh đi nữa nhưng nếu cả một đời tâm cứ tham chấp, hoan hỷ thì sẽ bị tổn hại, chẳng được lợi ích, huống hồ cảnh ấy chưa chắc đã là thắng cảnh ư?

Nếu như người ấy có công năng hàm dưỡng, không có tâm tháo động, vọng niệm, thấy các cảnh giới cũng hệt như chẳng thấy, chẳng sanh hoan hỷ, tham nhìn, hoảng sợ, kinh nghi thì đừng nói là thắng cảnh hiện đã có ích mà dù ma cảnh hiện cũng vẫn có ích. Vì sao vậy? Chẳng bị ma chuyển thì liền có thể tăng tấn hướng thượng vậy.


* Bóng đen chẳng phải là hình bóng của Phật, Bồ Tát, mà cũng chẳng phải hình bóng của oan gia đối đầu hiển hiện. Vì nếu Phật, Bồ Tát hiện ra thì sẽ thấy được mặt, mắt… rõ ràng; oán gia sẽ hiện tướng đáng sợ. Tướng bóng đen ấy chính là cô hồn có duyên với mình trong đời trước mong nhờ sức niệm Phật, tụng kinh được sanh vào đường lành.

Khi hồi hướng sau khóa tụng hãy nên chuyên vì họ hồi hướng để họ được tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng thiện căn, vãng sanh Tây Phương khiến họ được lợi ích, chẳng uổng công họ đã một phen khổ sở hiện hình.


* Con người trong những đời trước có nghiệp nào là chẳng tạo. May được nghe Phật pháp thì hãy nên nhận chân tu trì, mới mong tiêu trừ túc nghiệp, siêu độ oan gia. Nếu [oan gia] khó bề tháo gỡ thì hãy nên phát Bồ Ðề tâm và thành tâm siêu độ thì không chi là chẳng giải oán kết được!

Niệm Phật mà nghẹn hơi thì chẳng phải là do thể chất yếu đuối mà chính là vì nghiệp chướng khiến ra như vậy, hãy nên khẩn thiết, chí thành niệm. Nếu như niệm chẳng ra thì trong tâm hãy nên thường tưởng nhớ; khi nào niệm được thì bèn dùng miệng niệm; khi nào niệm không được thì tâm nghĩ đến, tâm nhớ đến. Lâu ngày nghiệp ấy sẽ tiêu.

Từ đây về sau làm gì nên lưu tâm, phải ăn ở cho có hậu. Ăn ở có hậu thì được phước, bạc bẽo sẽ chẳng được phước. Nếu lại còn khắc nghiệt, hiểm độc, gian xảo hơn thì khác nào như đảnh núi cao vót trơ trọi, mưa dầm cách nào cũng chẳng thấm thì cây cỏ làm sao sanh trưởng được!

Nhận định:

Ðại Sư là vị Tổ đời thứ mười ba của Liên Tông, ngài minh thị: đừng dùng cách niệm Phật bằng quán tâm mà hãy dùng pháp niệm nhiếp tâm. Chỉ có xoay trở lại nghe là pháp nhiếp tâm tốt nhất. Một chữ, một câu chẳng để luống qua, lâu dần chẳng thối thất, tự được Nhất Tâm. Tin sâu, nguyện thiết, tận lực mà hành.


19. Trích yếu Pháp Vựng của đại sư Từ Châu Phổ Hải thời Dân Quốc
* Phật có đại trí, biết cơ, biết căn. Chết lòng niệm Phật thì trong bảy ngày là không có ai chẳng đạt Nhất Tâm Bất Loạn. Chẳng chịu chết lòng niệm Phật thì chẳng thể thành tựu được. Tâm vốn hoạt bát, linh thông sao lại bảo là “chết?” Là vì đem cái tâm nghĩ tưởng nhân tình ân ái, thị phi, danh lợi đổi lấy tâm niệm Phật. Cổ nhân từng bảo:

Ðánh chết được vọng tưởng,



Cứu được Pháp Thân sống”.

Ví như kẻ làm giặc, cái tâm làm giặc đã chết rồi, một dạ làm người đàng hoàng. Nếu tâm thật sự chết rồi thì còn ai niệm Phật? Mong muốn niệm đến mức Nhất Tâm Bất Loạn thì lại phải nhất tâm bất loạn mà niệm.


* Niệm Phật cần phải dụng công thiết thực, niệm đến mức không có năng niệm lẫn sở niệm, cũng không có thân, tâm, thế giới, niệm chính là vô niệm. Tạp niệm một phen khởi lên liền thành chướng ngại. Há có phải là sáng niệm dăm câu, tối niệm vài câu là có thể niệm được thành hay sao? Cái niệm để niệm Phật đó phải giống như chổi sắt quét sạch hết thảy tạp niệm.

Tạp niệm dẫu nhiều nhưng chẳng ngoài: tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, sắc, thanh, hương, vị, xúc v.v… Dùng chổi sắt quét thô niệm xong rồi quét tế niệm. Dù chẳng thể quét sạch hết trong một lúc nhưng cũng giảm ít, lo quét sao cho hết thì mới thấy thái bình.

Cần phải tự mình xét nghiệm minh bạch coi mình niệm Phật mà đã có thể hay chưa thể quét sạch ân ái trói chằng, lôi kéo. Nếu quét chưa hết thì cần phải sanh lòng hổ thẹn lớn. Ðấy là nói: tin phải chơn thật, nguyện phải thiết tha, hạnh phải là thật hạnh thì mới đúng là dụng công chơn thật.
Nhận định:
Chữ “chết” trong câu “chết lòng niệm Phật” (tử tâm niệm Phật) tuyệt diệu nhất. Vọng tâm: tài, sắc, danh, ăn uống v.v… chưa chết thì làm sao đạt được nhất tâm bất loạn đây?
20. Trích yếu Pháp Vựng của đại sư Thao Quang Viên Anh thời Dân Quốc
* Một câu Phật danh trọn đủ các thần lực chẳng thể nghĩ bàn, trị được hết thảy tâm bịnh phiền não. Mỗi khi nghịch cảnh xảy tới, tâm sanh phiền não, hãy liền kinh hành niệm Phật, cứ bốn bước là một câu Phật hiệu, giáp vòng như thế. Niệm được mấy vòng thì sẽ dần dần thấy cõi lòng thanh lương, nhiệt não tự biến mất.

Có lúc lắm việc tâm bị khuấy động, đêm đã khuya vẫn chẳng ngủ được thì cũng nên chuyên xưng Phật hiệu, chừng khoảng chốc lát thân tâm an định sẽ ngủ được, không có các mộng tưởng.

Lúc đang chép kinh thì mỗi một nét bút là một câu Phật hiệu, tinh thần chẳng tán loạn, vọng niệm chẳng khởi, viết lâu cũng chẳng thấy khổ sở.

Nếu thật sự tin được một pháp Niệm Phật này, chuyên tâm xưng niệm chẳng hề gián đoạn, niệm đến mức tâm không, cảnh lặng thì phiền não không có cách nào phát sanh được!


* Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp tâm là Giới”, Niệm Phật chính là pháp để nhiếp tâm vì lấy chánh niệm của việc niệm Phật để ngưng dứt các vọng niệm vin nắm. Nếu như dùng cái tâm thường vin nắm các duyên sắc trần để chuyên niệm A Di Ðà Phật, tịnh niệm tiếp nối thì sẽ tự chẳng bị sắc trần xoay chuyển, nhiếp quy về chánh niệm niệm Phật. Các duyên vin nắm theo thanh trần, hương trần v.v… đối với mỗi duyên đều giống như thế thì chẳng đến nỗi tự mình phá giới, làm ác!

Niệm Phật đến mức niệm nào cũng tương ứng với Phật thì lẽ đương nhiên các niệm chẳng khởi, liền có thể thanh tịnh ý nghiệp, tự nhiên đầy đủ các giới. Hai nghiệp thân, khẩu cũng đều do ý nghiệp phát khởi. Ý nghiệp chẳng nghĩ đến giết, trộm, dâm, chẳng tưởng đến nói dối, nói thêu dệt, nói ác, nói đôi chiều thì thân nghiệp, khẩu nghiệp chẳng phạm giới. Vì thế Niệm Phật là pháp môn thanh tịnh các nghiệp; một câu danh hiệu Phật thanh tịnh cả ba nghiệp. Ðiều này chứng tỏ một cách rõ ràng rằng Niệm Phật có đủ cả Giới Học.


Nhận định:
Niệm Phật thanh tịnh được cả ba nghiệp, trị hết thảy tâm bịnh phiền não. Xin hãy nhiếp tâm chuyên niệm, niệm đến mức tâm không cảnh lặng; phiền não, nghiệp chướng sẽ tự nhiên tiêu trừ.
21. Trích yếu các sách Pháp Vựng và Niên Phổ về đại sư Hư Vân Ðức Thanh Cổ Nham thời Dân Quốc
* Hết thảy các pháp môn: Tham Thiền, Niệm Phật, Trì Chú v.v… đều để dạy chúng sanh phá trừ vọng niệm, hiển lộ bổn tâm của chính mình. Phật pháp không có cao, thấp; nhưng căn cơ có lợi, độn. Trong các pháp môn ấy, pháp Niệm Phật thật là phương tiện ổn thỏa, thích đáng nhất.

Tịnh tọa là phương pháp phương tiện dạy người xoay trở lại quán sát tự tánh, cốt yếu là hệ niệm một câu Phật hiệu (hoặc A Di Ðà Phật, hoặc Quán Thế Âm Bồ Tát đều được). Tâm tâm khế hợp, niệm niệm tiếp nối, phát xuất từ nơi tâm, lọt vào tai chẳng để gián đoạn. Nếu thật có thể làm được như thế thì không còn có các tạp duyên khác xâm nhập được nữa.

Nếu có thể thực hành như vậy lâu ngày chẳng lui sụt, càng siêng, càng chuyên, càng trì càng thiết tha, chẳng phân biệt là đi, đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ, động, tịnh, rảnh, bận thì sẽ thẳng bước về nhà, vĩnh viễn sanh trong An Dưỡng. Vừa biết có chút cảnh để chứng minh chắc chắn là mình đã quán triệt liền sanh tâm động niệm, chấp trước vào đó thì chẳng thể tiến bộ nổi!

Nếu tịnh tọa đúng pháp sẽ có thể điều hòa cả tứ đại. Muốn được khỏe mạnh thì phải giữ cho tự nhiên: thân thể có bịnh hãy nên điều dưỡng thích đáng, chẳng miễn cưỡng chống chọi; dụng công tu hành chẳng câu nệ vào đi, đứng, nằm, ngồi. Mục đích của tịnh tọa tu hành phải là nhằm giải thoát sanh tử.

Ăn mặn, giết chóc, tổn hại sanh vật rất trái nghịch với tông chỉ từ bi khiến cho người ta trí tối tăm, tinh thần hôn ám, tăng trưởng tham, sân, dâm dục, tăng thêm vô biên sanh tử, thân sau nghiệp chất như núi, oan oán đòi nợ có ngày nào xong. Bình thủng chứa dầu, nhọc nhằn tinh thần. Kẻ trí hãy nên tự suy xét đó!

* Người mới phát tâm thấy Tham Thiền và Niệm Phật là hai chuyện, nhưng người tu tập lâu chỉ thấy chúng là một.

Tham Thiền đề khởi một câu thoại đầu, cắt ngang dòng sanh tử, là phát xuất từ tín tâm kiên định. Nếu chẳng nắm chắc câu thoại đầu thì dù có tham Thiền cũng chẳng thành. Nếu tín tâm kiên định, ôm chết một câu thoại đầu mà tham cho đến lúc chẳng còn biết trà là trà, chẳng biết cơm là cơm nữa, công phu đã thuần thục, căn, trần rơi rụng, đại dụng hiện tiền, giống hệt như tịnh cảnh hiện tiền của người niệm Phật đã đạt đến mức thuần thục. Ðạt đến cảnh giới ấy, lý sự viên dung, tâm - Phật bất nhị, Phật như, chúng sanh như, nhất như, vô nhị như thì còn sai biệt ở đâu nữa?

Nhận định:

Ðại Sư là bậc Thái Sơn, Bắc Ðẩu đương đại của nhà Thiền, đã tự chứng công phu tham thiền đến chỗ thuần thục, đại dụng hiện tiền, chẳng khác gì tịnh cảnh hiện tiền của người niệm Phật thuần thục. Xin hãy liền ôm chết một câu Phật hiệu mà niệm, chẳng cần phải Thiền Tịnh Song Tu!


22. Trích yếu Di Trứ của đại sư Trí Quang Văn Giác thời Dân Quốc

* Lúc sống có ba điều quan trọng nhất:

a. Một là thuyết pháp ít, niệm Phật nhiều. Muốn làm việc gì thì nhanh chóng làm xong, việc gì cần giao phó thì gấp gáp giao phó. Ðừng lưu luyến phú quý cõi nhân gian, đừng hâm mộ sự khoái lạc trên trời. Ðặt nặng việc làm lành, khuyến hóa người khác khởi tín tâm, tùy phận tùy sức mà làm, chủ yếu là niệm Phật cầu sanh Tây Phương, thấy Phật, nghe Pháp.

b. Hai là lập chí quyết định, chẳng để người khác dùng miệng lưỡi lung lạc, chẳng để người khác xê dịch gót chân. Những việc tiếp đãi, thù tạc thói đời nên giảm bớt, chẳng cần phải phô diễn dằng dai. Tuổi già quang âm có hạn, chớ để luống qua nữa. Trong tâm có điều gì nghi ngờ hãy nên thưa hỏi minh bạch, chẳng nên hàm hồ tự mình lầm lạc.

c. Ba là luôn luôn tự hỏi chính mình: A Di Ðà Phật có ở trong tâm chăng? Tượng Phật có ở trước mắt chăng? Ði, đứng, nằm, ngồi có đều niệm Phật chăng? Dù nhàn hay bận đều chẳng quên hay không?

Phàm hết thảy những việc lành đã làm, các công đức như niệm kinh, niệm Phật, trì chú, lễ bái, tịnh tọa v.v… đều phát nguyện hồi hướng: hiện tại gia thuộc bình an, tương lai trang nghiêm Tịnh Ðộ; lại cầu lúc lâm chung biết trước thời khắc, tâm chẳng điên đảo, được Phật tiếp dẫn.



Nhận định:
Cả một đời Ðại sư hành theo kinh Hoa Nghiêm, ngài dạy ba việc trọng yếu lúc sanh tiền thật là tinh yếu, xác đáng. Xin hãy lập chí quyết định, đừng để người khác lung lạc, nói ít, niệm nhiều, rảnh bận chẳng quên, luôn luôn phản tỉnh, việc gì cũng hồi hướng quyết sẽ được Phật tiếp dẫn.
23. Trích yếu sách Long Thư Tịnh Ðộ Văn của cư sĩ Hư Trung Vương Nhật Hưu đời Tống
* Mạnh Tử nói: “Ai cũng có thể là Nghiêu, Thuấn”. Tuân Tử nói: “Người tàn ác cũng có thể trở thành ông Vũ”. Thường Bất Khinh Bồ Tát nói: “Tôi chẳng dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật” là vì ai cũng có thể là thánh hiền, cũng có thể thành Phật. Tây Phương Tịnh Ðộ chính là đường lối tắt trọng yếu, không ai chẳng tu được. Vì thế, khuyên khắp mọi người nên tu trì.

Kệ khuyên tu Tây Phương của Ðại Từ Bồ Tát có câu:



Khuyên được hai người tu,

Như chính mình tinh tấn

Khuyên được mười người khác

Phước đức đã vô lượng

Nếu khuyên trăm, ngàn người

Ðáng gọi chơn Bồ Tát

Lại khuyên hơn vạn người

Chính là Phật Di Ðà.

Xem đó thì biết thuyết Tây Phương chẳng phải là cái tâm quảng đại muốn cho người người cùng biết đến đạo này để tích tụ vô lượng phước báo hay sao?

Phàm đối với thầy, bạn, những bậc có ân, tính xuống cả tôi tớ đều nên lấy việc bảo cho họ biết về pháp Tịnh Ðộ để báo đáp. Phàm đối với hết thảy những ai dù biết hoặc không, hiểu hay chẳng hiểu, ta đều muốn dùng pháp này để giáo hóa khiến họ cùng sanh Tịnh Ðộ.

Hết thảy chim bay, thú chạy, thậm chí loài trùng bay, bò, cựa quậy, bất cứ loài nào có hình tướng thấy được, hễ ta trông thấy thì đều vì chúng niệm Phật vài tiếng, phát thiện nguyện rằng: “Nguyện các ngươi hết kiếp sống này sẽ sanh vào thế giới Cực Lạc. Sau khi ta đắc đạo sẽ độ hết các ngươi”.

Ðối với những loài ta chẳng thấy được hình tướng của chúng thì cũng nên phát nguyện như vậy.

Như thế thì thiện niệm mới chín muồi, đều có duyên đối với hết thảy chúng sanh, ắt sanh trong Thượng Phẩm Thượng Sanh, mai sau hóa độ không ai chẳng vui thuận theo.


* Trai tăng cúng Phật, thắp hương, dâng hoa, treo phan, dựng tháp, niệm Phật, lễ sám là những cách để sùng phụng Tam Bảo, đem công đức ấy hồi hướng nguyện sanh Tây Phương cũng được. Hoặc là làm các thứ việc lành phương tiện lợi ích thế gian: Hoặc là hiếu dưỡng phụ mẫu, yêu mến bạn bè, con em, trong khuê môn hết sức làm lành, họ hàng hòa thuận, xóm giềng làng nước thân thiết, lấy lễ đãi nhau, làm ơn cho nhau.

Thờ vua thì dốc lòng son báo quốc, làm quan thì nhân từ lợi dân, khéo an quần chúng, chăm phục vụ cấp trên.

Hoặc dạy dỗ kẻ ngu mê, hoặc giúp người cô đơn, yếu đuối. Hoặc giúp kẻ mắc việc cấp bách, chu cấp người nghèo. Hoặc sửa cầu đào giếng, hoặc thí thuốc chia cơm, hoặc giảm việc phụng dưỡng chính mình để làm lợi người khác, hoặc bỏ tiền của giúp người.

Hoặc là tự tiết kiệm, giản ước, hoặc dạy người khác làm lành, hoặc khen thiện, ngăn ác. Tùy sức làm hết thảy việc lành. Dùng đó để hồi hướng nguyện sanh Tây Phương cũng được.

Hoặc làm hết thảy những việc lợi ích thế gian chẳng nệ là lớn, nhỏ, nhiều, ít.

Dù chỉ là thí một đồng hoặc một chén nước cho người, thậm chí với mảy may điều lành đều khởi niệm rằng: “Dùng thiện duyên này hồi hướng nguyện sanh Tây Phương”, thường khiến cho nhất niệm chẳng đoạn, niệm niệm hướng về đó ắt sẽ sanh trong Thượng Phẩm.


* Tu Tịnh Ðộ nên thuận theo địa vị của mình mà làm lành để giúp công cho việc tấn tu:

a. Tăng phải nên sớm tu Tịnh Ðộ để thoát ngay ra khỏi luân hồi, gặp gỡ Phật A Di Ðà thì mới là hoàn tất phận sự của người xuất gia. Hễ nhận lấy một đồng cúng thí của người khác, được cúng một bữa ăn đều phải nên vì người đó dạy cho pháp Tịnh Ðộ để báo đức. Dù kẻ ấy chẳng tin cũng khiến cho người ấy biết đến pháp này. Nghe quen tai dần, lâu ngày sẽ tự tin. Hãy nên thường giáo hóa người khác như thế thì hiện đời được người khác cung kính, thân sau ắt đạt Thượng Phẩm Thượng Sanh.

b. Kẻ sĩ phải nên chăm chỉ học hành, dốc lòng hiếu thuận, nghĩ xa đến đời ông tổ, ông sơ của mình nếu ai còn sống thì làm cho họ lưu tâm nơi đạo này.

c. Hàng quan lại phải tu phước, làm các phương tiện nhằm yêu người lợi vật. Dùng đấy để hồi hướng Tây Phương, thoát ngay ra khỏi luân hồi, thọ - lạc vô cùng.

d. Kẻ giàu nên tùy phận mà sống, giảm tiêu xài để giúp người, chẳng tiếc của làm lành, chẳng tham của làm ác, thường nghĩ phước thế gian có lúc hết. Nếu hồi hướng về Tây Phương thì sẽ vô tận.

e. Kẻ gặp lắm nỗi truân chiên đừng oán trời trách người, nên siêng sám hối, thường niệm Phật cho tiêu túc chướng, tăng trưởng thiện duyên.

Nếu có thể lần lượt giáo hóa người khác như thế khiến cho họ lại khuyến hóa người khác thì hiện đời có thể tiêu tai, được phước, thân sau ắt sanh trong Trung Phẩm, Thượng Phẩm.
* Nông, thương đều nên tự nghĩ: Cày cấy sát hại sanh mạng loài vật, mua bán sao khỏi có lúc dối trá, hãy nên tránh chuyện ngoắt ngoéo, sám hối làm lành. Kẻ làm thợ đừng mong mỏi quá đáng, nên làm việc tận tâm.

Ai nấy đều nên thường niệm Phật, nguyện thấy Phật đắc đạo rồi thì trước hết sẽ độ những kẻ mình trót đã sát hại từ khi sinh ra đến nay cũng như những chúng sanh mình từng giao thiệp. Kế đó, độ hết thảy kẻ oán, người thân và chúng sanh hữu duyên, vô duyên. Niệm niệm bất tuyệt như thế, niệm tự thuần thục, nhất định sanh về thế giới Cực Lạc.

Nếu ai nấy làm như thế để giáo hóa người khác, khiến cho họ lại khuyến hóa người khác thì hiện đời được phước, thân sau ắt sanh trong Trung Phẩm, Thượng Phẩm.

Kẻ chài lưới, săn bắn, đồ tể, đầu bếp và người mở tiệm ăn đều phải nên tự nghĩ: cá, tôm, cầm thú đều là tánh mạng mà mình sát hại, tội ấy vô lượng. Nếu có thể đổi nghề thì là tốt nhất. Còn nếu không đổi ngay được thì nên giảm bớt dần, chớ giết nhiều mạng những loài vật nhỏ và ốc, hến, lươn, ba ba v.v… là những con vật khó chết.

Thường niệm Phật sám hối, phát đại nguyện rằng: “Nguyện sau khi tôi thấy Phật đắc đạo, sẽ độ hết những kẻ bị tôi giết và bị tôi ăn thịt từ khi sanh ra đến nay khiến đều sanh Tịnh Ðộ”.

Niệm niệm bất tuyệt như thế, niệm tự thuần thục cũng sanh về thế giới Cực Lạc. Nếu giáo hóa người khác như vậy, khiến họ lại khuyến hóa người khác thì hiện thế sẽ tiêu tai diệt tội, thân sau cũng chẳng ở trong Hạ Phẩm Hạ Sanh.


* Kẻ trong chốn phong trần cũng nên tự tỉnh ngộ, đoạn trừ dâm nghiệp. Nếu chưa đoạn nổi thì thường niệm Phật, phát đại nguyện rằng:

“Nguyện ác nghiệp của con ngày một tiêu trừ, thiện nghiệp ngày một tăng trưởng, cơm áo tạm đủ, chóng thoát khỏi chốn này. Sau khi gặp Phật đắc đạo rồi sẽ độ cho hết thảy những người vì tôi mà làm chuyện dâm dục đều sanh Tịnh Ðộ”.

Kẻ tội ác bịnh khổ nên gấp sám hối, hồi tâm niệm Phật, thệ nguyện chẳng làm ác sát sanh nữa, chẳng còn lại não hại hết thảy chúng sanh nữa. Nguyện đời này sớm hết bịnh khổ; sau khi gặp Phật đắc đạo sẽ độ cho hết chúng sanh bị mình sát hại trong đời trước, đời này và hết thảy kẻ oán, người thân đều sanh Tịnh Ðộ.

Niệm niệm bất tuyệt, niệm tự thuần thục quyết định sanh về thế giới Cực Lạc. Nếu giáo hóa người khác như vậy, khiến họ lại khuyến hóa người khác thì hiện thế sẽ tiêu tai diệt tội, bịnh khổ ắt lành. Phước báo vô cùng, thân sau ắt sanh về thế giới Cực Lạc.


Nhận định:
Tịnh nghiệp học nhân xin hãy sùng phụng Tam Bảo, hành đủ các điều thiện, phát khắp các đại nguyện, độ hết chúng sanh khiến cho thiện niệm thuần thục sẽ được Thượng Phẩm Thượng Sanh.

Nếu sanh sống bằng ác nghiệp chẳng thể đổi nghề ngay thì cũng nên tùy phận làm lành, sám hối, phát nguyện, và lần lượt giáo hóa người khác khiến họ lại khuyến hóa người khác cùng sanh Tịnh Ðộ thì mới là chẳng phụ lời khuyên thống thiết, tấm lòng đăm đắm khuyên khắp mọi người tu trì của cụ cư sĩ này.



24. Trích yếu sách Tịnh Ðộ Thặng Ngôn của cư sĩ Tức Lư Thứ Dân Trương Quang Vỹ đời Thanh

* Miệng tụng Phật danh, mắt nhìn tượng Phật, tai lại nghe tiếng chính mình, âm thanh từ lưỡi phát ra, Thiền vị vui sướng tấm lòng, mũi ngửi mùi hương. Niệm Phật như thế là xoay sáu căn trở về một, làm sao loạn được?

Nay ta niệm Phật, thực hành một phương tiện: tự xem tâm này như một cái bình báu sạch, danh hiệu Phật như hạt gạo. Từng chữ, từng câu như gạo bỏ vào bình, rơi xuống như ngọc xâu thành chuỗi. Gạo đã vô tận mà bình cũng chẳng đầy, chẳng quăng một hạt nào ra ngoài bình.

Ðoái nghĩ cái bình này chẳng to đầy một tấc, bên trong chứa trọn tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức vi trần số Phật, ba mươi sáu vạn ức, mười một vạn ức chín ngàn năm trăm vị Phật A Di Ðà đồng danh đồng hiệu an trụ trong ấy. Ta cũng ở chung với các ngài tại một chỗ, vui chơi an ổn. Ðấy mới là chỗ để ta an tâm lập mạng vậy.


* Từ trước đến nay, ta chỉ niệm Phật hời hợt thoáng qua. Bây giờ thì cần nên biết là mỗi chữ đều phát xuất từ trong tâm, lại còn phải biết là mỗi chữ đều nhập vào trong tâm. Trong lúc niệm Phật, trước hết nên nhắm mắt, ngồi ngay ngắn ngưng thần định lự, chẳng được có một mảy tâm tạp loạn, tâm tranh cạnh, tâm hôn trầm, lười biếng, mở miệng thốt ra tiếng sao cho tiếng từ tâm phát ra, tâm dựa vào miệng truyền. Thở điều hòa, tiếng nhịp nhàng, chẳng rề rà, chẳng gấp gáp, từng chữ phân minh, từng câu nối tiếp nhau.

Nếu tách ra thì từng chữ hệt như một câu, nếu gộp lại thì trăm ngàn câu hệt như một câu. Miên miên, mật mật từ một tiếng cho đến ngàn vạn tiếng, từ một khắc cho đến mười hai thời, chẳng gián đoạn, chẳng tiếp nối, chẳng khuyết, chẳng rỉ. Lâu dần thuần thục, hoa nở thấy Phật, đến lúc ấy tự chứng nghiệm.


Nhận định:
Những lời của cụ này đều là lời của bậc niệm Phật đã đạt mà có, thật là pháp niệm Phật rất hiệu nghiệm.
25. Trích yếu sách Khuyến Tu Tịnh Ðộ Thiết Yếu của cư sĩ Phục Trai Trần Hy Nguyện đời Thanh
* Niệm Phật chánh yếu là phải rèn luyện ở chỗ ồn ào: Chẳng nệ là đi, đứng, nằm, ngồi, trong chốn hỗn tạp nếu giữ được nhất tâm bất loạn thì tiếng nhỏ sẽ thắng tiếng lớn, như thường nói: tâm tịnh thì cõi nước tịnh vậy.

Tuy suốt ngày bận rộn nhưng lẽ nào chẳng có một khắc nhàn hạ? Sao chẳng nhân giây phút uống trà, tâm đừng rong ruổi theo bên ngoài để niệm Phật. Kẻ lao tâm có thể dùng cơ hội này để dưỡng tâm, kẻ lao lực cũng có thể nhờ đó để lại sức. Làm vậy chỉ có lợi chẳng tổn hại, có gì hơn được cách này nữa? Hãy nên gấp khởi tâm chơn thật, thiết tha, ra sức dũng mãnh, việc đời bỏ được việc gì liền bỏ ngay; nhân mạng chẳng thường còn, chớ có lưu luyến để rồi tự bị lầm lạc.

Dù có việc mình chẳng thể buông bỏ được, nhưng nào trở ngại mình niệm Phật; giống như lòng còn mang nặng chuyện khẩn thiết thì dù có phải lo liệu việc khác, tâm quên nổi chăng?

Nếu có thể niệm Phật như thế thì sẽ tự chẳng có tạp niệm, cũng chẳng đến nỗi một ngày nóng mười ngày lạnh đâu!


* Dù đã có lòng chơn thật, thiết tha, nhưng do xưa kia tội nghiệp sâu nặng nên bị ma nhiễu loạn. Nội ma là tâm có lúc tỉnh, lúc mê và hết thảy tham, sân, si, ái. Tâm này vừa mới lìa xong, tâm kia lại khởi lên. Ngoại ma là cảnh ngộ truân chiên, các thứ chướng duyên bức bách thân tâm chẳng được an ổn.

Hãy nên đối trước Phật phát nguyện, siêng cầu sám hối, phải buộc chặt ý niệm nơi tâm niệm Phật, chẳng để ma làm mình thối thất. Mặc kệ các thứ chướng duyên, một câu Phật hiệu trọn chẳng rời tâm. Sức ma tuy mạnh, nhưng cậy vào vạn đức hồng danh này để đối phó. Chẳng kể lợi - hại, sống - chết, chỉ biết niệm mà thôi, thề chẳng thối chuyển. Lâu dần ắt sẽ được Phật ngầm gia hộ, chướng duyên tự tiêu, tịnh duyên thành thục. Phật chẳng phụ người, ắt sẽ mãn nguyện.


* Pháp niệm Phật quý ở chỗ đóng cửa tiềm tu, chẳng luận là ngồi xếp bằng hay kinh hành mà niệm, niệm thầm hay niệm ra tiếng, cốt sao một dạ dựa chắc vào câu Phật hiệu, từng chữ phân minh.

Vừa biết mình hồ đồ liền gấp đề khởi giác chiếu; hoặc là thấy mình vừa lạc vào vô ký hoặc rơi vào vọng tưởng, vừa biết là liền đề cao câu niệm, đem một câu Phật hiệu này xông ép ý căn, lấp mất hai nẻo vọng niệm và hôn trầm. Ðấy là đường lối chánh để niệm Phật.

Chẳng nên niệm quá gấp vì gấp gáp thì khó niệm lâu được. Chẳng nên niệm quá thong thả, thong thả dễ tán loạn. Lại chẳng nên mong cầu nhập định, trọn chẳng tác ý. Nếu buông xuôi mà niệm theo miệng thì dễ bị rớt vào cảnh giới hôn trầm nhẹ.

Niệm Phật chú trọng ở chỗ Nhất Tâm Bất Loạn, lúc sắp dứt mạng sẽ nhờ vào cái niệm ấy để chóng nhập vào thai sen. Ðạt đến mức cùng cực của Nhất Tâm thì chẳng mong Thiền Ðịnh hiện tiền nó vẫn tự hiện. Như vậy, lúc công phu đã thuần thục và buông xuôi theo miệng mà niệm dễ bị hôn trầm nhẹ, rõ ràng chẳng giống nhau.

Thể cứu đến cùng tột thì niệm chính là vô niệm, chẳng phương ngại gì đến vô niệm mà niệm. Nhất niệm này chính là Tam Ðế: Không, Giả, Trung; chính là bốn Lý Sự Pháp Giới, chính là hai Quán: Duy Thức và Duy Tâm, chính là Thật Tướng, Vô Tướng, Niết Bàn, Diệu Tâm.

Ðấy chính là pháp niệm Lý Nhất Tâm của bậc thượng căn, nhưng pháp này cũng chẳng ra ngoài cách dựa chắc vào câu Phật hiệu, từng chữ phân minh mà niệm. Ðó chính là khuôn phép của chánh hạnh Trì Danh vậy.


* Lại cần phải rộng tu các Trợ Hạnh:

a. Một là lễ kính Tam Bảo: Xem các hình tượng vẽ trên giấy, bằng gỗ khắc hệt như đức Phật thật, sáng lễ chiều bái, chí thành chí kính, ra vào vái, xá. Dù cách trăm dặm, ngàn dặm vẫn coi như ở trước mắt. Một miếng ăn, một thức uống đều cúng dường lên Phật trước.

b. Hai là sám hối nghiệp chướng: Do vô lượng kiếp đến nay, ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo tội đã sâu, thành ra các thứ chướng ngại cho nên gọi là nghiệp chướng. Sám hối thì chướng sẽ tiêu trừ, thân tâm thanh tịnh.

c. Ba là tránh ác, làm lành: Cứ hễ có tâm chẳng tốt khởi lên liền ra sức niệm Phật, nhất quyết dùng câu niệm đẩy lui cái tâm bất hảo ấy.


d. Bốn là cắt bỏ tình ái: Người ta thường hay yêu mến kẻ ruột thịt, tham tài như mạng. Trong đời trược, tình ý đặt nặng nơi những thứ này thì tự nhiên xem nhẹ bên Tịnh Ðộ. Lúc mạng chung, thần hồn ắt sẽ hướng về nơi tình ý mình xem trọng giống như cây đổ: tự nhiên nó sẽ ngã rạp về nơi nó đã nghiêng qua.

Ðến lúc ấy, vợ con, người ruột thịt duyên hết sẽ tan tác. Chia lìa xong chẳng hề biết đến nhau nữa. Như vợ con, cốt nhục trong nhiều đời đến nay, hiện thời họ ở đâu, sao còn yêu mến?

Nếu như ác duyên tụ hội thì quyến thuộc liền thành oan gia, bất giác ngầm mắc hại. Nghĩ đến đó, lòng chẳng thể không lạnh nhạt. Tài sản, các vật chớp mắt thành không; thật phải nên xét suy tường tận!

e. Năm là cởi gỡ các oán kết: Như các việc: sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v… và các tình chấp tham, sân, si… đều là những cái nhân kết thành oán cừu. Dè chừng thì oán cừu chẳng kết, lỡ đã kết thì nên cởi gỡ. Như quyến thuộc là oán cừu, cầm giáo chống chọi nhau, bị chó cắn, rắn mổ đều là có túc oán, hãy nên hoan hỷ chịu đựng, cởi gỡ oan kết với họ, quyết chẳng nên ăn miếng trả miếng, khiến oan cừu càng buộc càng sâu.

Hãy nên đối trước Phật phát nguyện, dùng công đức niệm Phật đây để lợi khắp hết thảy oan gia, cừu đối. Nếu như mình thành Phật sẽ độ loài chúng sanh này trước hết. Do nguyện lực từ tâm này, tự nhiên túc oán ấy tiêu trừ, hóa thù thành bạn.

f. Sáu là phát phẫn khởi hùng chí, miên mật tinh tấn, ắt phải chứng được cực quả mới thôi.

Ðây là một pháp rất thiết yếu để vãng sanh Tịnh Ðộ vậy.
Nhận định:
Tu luyện trong chỗ ồn ào chẳng bằng đóng cửa tiềm tu. Tuy có thể ngồi xếp bằng thầm niệm, nhưng chẳng được mong cầu nhập định, cứ buông xuôi theo miệng mà niệm rất dễ nhập cảnh giới hôn trầm nhẹ.

Cần phải nên đề khởi giác chiếu: dùng một câu Phật hiệu để xông ép ý căn, lấp mất hai nẻo hôn trầm và tạp niệm. Ðến lúc công phu thuần thục thì chẳng cầu Ðịnh mà Ðịnh tự hiện.


26. Trích yếu sách Tịnh Ðộ Di Tập của cư sĩ Nhân Sơn Dương Văn Hội đời Thanh
* Ðáp lời hỏi về cách niệm Phật, pháp sư Ðàm Loan có nói đến tâm vô hậu, tâm vô gián.

Tin rằng quang ảnh trong tâm dễ thay đổi, phải sớm lo liệu tiền trình chính là tâm hữu hậu. Mạng người trong hơi thở, lẽ nào còn giữ tâm hữu hậu này? Vô luận ngàn niệm, vạn niệm; chỉ dùng ngay một câu trong đương niệm để làm chánh nhân vãng sanh. Câu trước vừa qua, câu sau vừa xuất hiện cũng là trong “đương niệm”. Như vậy là tâm chẳng duyên vào quá khứ, chẳng duyên vào vị lai, chỉ chuyên chú một câu trong ngay đương niệm. Ðó là Sự Nhất Tâm. Chẳng cần biết lúc nào sẽ vãng sanh, lâu ngày thuần thục thì ngay cả đương niệm cũng mất, liền nhập Lý Nhất Tâm, ắt sanh trong cao phẩm. Tâm Vô Gián chính là cảnh giới thuần nhất của Vô Hậu Tâm.


* Nếu có kẻ vặn: Cầu sanh Tịnh Ðộ thì phải phát Bồ Ðề tâm, tu hạnh Lục Ðộ, chẳng phải là khó khăn lắm ư?

Xin đáp: Chẳng khó. Hễ tin vào pháp môn Tịnh Ðộ, phát nguyện tự độ, độ người cùng chứng Phật quả thì chính là Phát Bồ Ðề Tâm vậy!

Chuyên tu niệm Phật, thấy thế gian tài vật, hết thảy chẳng có gì đáng ưa, chẳng khởi lên ý tưởng tham keo là đã tương ứng với Thí Ðộ.

Chuyên tu niệm Phật, dù nghịch cảnh xảy tới chẳng sanh tâm nóng giận thì là tương ứng với Nhẫn Ðộ.

Chuyên tu niệm Phật, tâm chẳng tán loạn là tương ứng với Thiền Ðộ.

Chuyên tu niệm Phật, chẳng bị thế tục làm cho ngu mê là tương ứng với Trí Ðộ.

Lúc mới hành thì chỉ là chuyện tầm thường hằng ngày, nhưng lâu dần tăng tấn sẽ thành diệu hạnh của Bồ Tát.
Nhận định:
Chỉ cần tin sâu nguyện thiết, giữ chắc một câu trong đương niệm, chẳng duyên theo quá khứ, vị lai, cắt đứt tâm thức trước sau thì chính là Sự Nhất Tâm.

Tâm chẳng tán loạn, chẳng khởi tham, sân, si, nguyện tự độ, độ người cùng sanh Cực Lạc chính là tương ứng với phát Bồ Ðề tâm và tu hạnh Lục Ðộ.


27. Trích yếu tác phẩm Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Thắng Quán Diệu Hú Giang Vị Nông thời Dân Quốc
* Một pháp Niệm Phật là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện để dứt niệm. Chẳng niệm gì khác ngoài niệm Phật cũng là một cách để hoán chuyển mỗi ý niệm. Niệm Phật xem ra rất gần với quán tưởng.

Niệm Phật chính là tịnh niệm, đem một niệm thanh tịnh để đối trị các niệm nhiễm trược. Và nhất tâm mà niệm lại chính là dùng cái niệm thuần nhất để đối trị những niệm tạp loạn.

Vả lại, Phật là Giác, niệm niệm đều là Phật thì niệm niệm đều là Giác. Giác là biết tự tánh vốn vô niệm; vì thế bảo là càng thân thiết. Nhưng nếu có thể siêng năng, khẩn thiết Nhất Tâm thì sẽ có thể đạt tới mức niệm mà vô niệm. Phải biết rằng mục đích của niệm Phật phải quy về vô niệm, tức là quay về với Chơn Như, thì chẳng nói đoạn mà tự đoạn, chẳng cầu chứng mà tự chứng vậy. Phương tiện ấy hay đến mức như thế đó!
* Tuy công phu niệm Phật chưa thể đạt tới niệm mà vô niệm, nhưng nếu hạnh nguyện chơn thật, thiết tha, nương vào bi nguyện lực của Phật Di Ðà cũng sẽ được tiếp dẫn vãng sanh, liền giống như bậc A Tỳ Bạt Trí, Hán dịch là Bất Thối, tức là địa vị Sơ Trụ. Nếu tu các pháp khác thì cần phải trải qua nhiều kiếp số lâu xa, nay pháp này được thành tựu ngay trong một đời nên bảo là pháp phương tiện nhất trong các pháp phương tiện.

Nhưng để đúng là hạnh nguyện chơn thật, thiết tha thì ắt phải cả đời niệm Phật cầu sanh thì mới đúng là chơn thật, thiết tha. Nếu một mặt niệm Phật, một mặt lại khởi lên những ý tưởng trần trược thì hạnh nguyện chẳng chơn thật, thiết tha vậy.

Vì thế, người niệm Phật phải đoạn một tầng ý niệm. Nếu như chưa thể dễ dàng làm được thì phải nên cố thực hiện cho được hai câu: “Chẳng trụ vào sắc mà sanh tâm, chẳng trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm”.

Nếu chẳng được vậy thì nguyện chẳng thiết, hạnh chẳng chơn, làm sao được Phật tiếp dẫn đây? Trần trược khí nặng hết sức chẳng tương ứng với hai chữ Thanh Tịnh nên Phật cũng chẳng biết làm sao được nữa!


* Cần phải biết rằng khởi niệm chính là vọng, ý niệm niệm Phật cũng là vọng chứ chẳng phải là chơn, vì sao vậy? Vì tánh của Chơn Như vốn là vô niệm. Nhưng vì phàm phu nhiễm niệm chẳng hề ngơi nên bất đắc dĩ phải mượn tịnh niệm của việc niệm Phật để trị cái nhiễm niệm trụ trần.

Ấy là vì ý niệm niệm Phật tuy chẳng phải là bổn thể của Chơn Như, nhưng nó xu hướng diệu dụng của Chơn Như. Vì sao vậy? Chơn Như là tâm thanh tịnh, Phật niệm là thanh tịnh niệm, cùng là thanh tịnh cho nên được tương ứng. Bởi vậy, dùng ý niệm niệm Phật niệm niệm chẳng ngơi thì có thể đạt đến vô niệm, cho nên bảo là phương tiện thù thắng. Thế giới Cực Lạc cũng là huyễn tướng, nhưng chẳng thể không cầu nguyện vãng sanh vì tịnh huyễn chẳng giống như nhiễm huyễn. Vì sao thế? Cõi thanh tịnh vốn do tâm thanh tịnh hiển hiện, vì thế mới bảo là tâm tịnh thì cõi tịnh vậy.


* Cần phải biết rằng Di Ðà đến đón vốn chưa từng đến đón, vãng sanh Tây Phương cũng là chưa từng sanh qua. Tuy chưa từng sanh nhưng nào có trở ngại gì chuyện thị hiện đến đón, sanh về!

Vì sao vậy? Chẳng đến đón, chẳng sanh về là xét về Lý Thể; có đến đón, có sanh về là Sự Tướng. Lý - Sự vốn dĩ chẳng hai, phải hiểu tánh - tướng một cách viên dung thì dù cho chẳng đến đón, chẳng vãng sanh cũng chẳng ngại có đến đón, có vãng sanh. Dù có đến đón, có vãng sanh nhưng thật sự là chẳng có đến đón, chẳng có vãng sanh.

Ðiều tối khẩn yếu là phải nhận thức được không có đến đón, không có vãng sanh nơi chuyện có đến đón, có vãng sanh; và chuyện có đến đón, có vãng sanh chính là từ không đến đón, không vãng sanh mà thành. Ðấy chính là yếu quyết để niệm Phật cầu vãng sanh.

Hiểu được yếu quyết này thì sẽ nhất định vãng sanh gặp Phật. Chớ bảo là tu Tịnh Ðộ thì khỏi cần phải học Bát Nhã nữa; lại nghi Bát Nhã gây trở ngại cho Tịnh Ðộ hay sao?


Nhận định:
Vạn duyên buông xuống chính là chẳng trụ vào Có; nhất tâm niệm Phật chính là chẳng trụ Không, tức là: Bát Nhã và Tịnh Ðộ đồng tu. Tuy Bát Nhã là theo cửa Không mà vào, ly tướng, ly niệm để đạt đến vô niệm; Tịnh Ðộ theo cửa Có mà vào, dùng niệm để dứt niệm, niệm mà vô niệm, khác đường nhưng cùng về một chỗ. Chẳng phải là Bát Nhã chẳng hiển lộ được chỗ nhiệm mầu của Tịnh Ðộ, Tịnh Ðộ khó thành hạnh Bát Nhã đâu!

Vì thế, Quán kinh dạy bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh phải đọc tụng kinh điển Ðại Thừa. Cụ cư sĩ đây cả một đời học đủ Giáo, Tông, Bát Nhã, nhưng hạnh đặt nơi Di Ðà, thật đáng là một cách tu học hữu hiệu.


28. Trích yếu sách Phật Pháp Yếu Lĩnh của cư sĩ Thù Nguyên Lưu Phục Lễ

* Niệm Phật có hai gia hạnh:

a. Một là đừng vọng tưởng. Phàm đối trước hết thảy cảnh giới đều coi là Không, chẳng được chấp trước kẻo khởi tưởng niệm. Thọ sanh trong thế gian đều là do vọng tưởng tạo thành. Ðây chính là cội rễ của sanh tử, chẳng thể không biết.

b. Hai là gắng lãnh đạm. Thế nhân tạo nghiệp đều là do chẳng cam lãnh đạm nổi. Ðã muốn thành bậc hiền thánh xuất thế mà còn tham đuổi theo ngũ dục chẳng khác gì thế tục, chẳng những không thành Phật mà lão già Diêm La cũng chẳng phải là gã mù! Sao lại duyên theo vọng tưởng chẳng cam lãnh đạm được? Ðấy là gốc bịnh lớn lắm.

Trước hết, nếu trừ được hai căn bịnh trên thì trong tâm tự tịch tĩnh, trí huệ tự quang minh, mới có phần tiến hướng đến Phật pháp được!
* Khi đang tu nhân, học Phật pháp quý ở chỗ chơn thật cầu liễu sanh tử thì mới là chánh nhân. Cầu quả báo thế tục là tà nhân. Cầu trì chú linh nghiệm, cầu thần thông cũng là tà nhân. Hãy dè chừng, hãy tránh! Hãy hỏi nhật khóa hạn định như thế nào? Nỗ lực niệm Phật đến tận cùng. Niệm bốn chữ hay sáu chữ đều được. Ngồi xếp bằng là tốt nhất. Rảnh rang thì niệm thêm phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Sanh kế chẳng khá, phải làm thêm việc khác cũng chẳng sao. Cho nên mới nói: “Làm lụng sanh sống chẳng ngại Viên Tông”; nhưng chẳng được phạm vào mười ác nghiệp.

Những tri kiến từ trước phải mong tảo trừ cho hết sạch. Ðối với những sách vở ngoại đạo ăn theo Phật pháp phải đem cất đi thật xa hoặc giao cho thần hỏa. Nhất tâm niệm Phật đừng cầu nghĩa giải.


Nhận định:
Tu nhân chẳng chơn, quả sẽ tà vạy. Vì thế, tu nhân niệm Phật cốt sao chơn thật. Lấy không vọng tưởng và nhẫn nại lãnh đạm làm gia hạnh thì mới có thể nhất tâm niệm Phật. Xin hãy toàn lực chuyên chú.
Niệm Phật Pháp Yếu

Quyển Thứ Nhất hết

(Phật lịch 2546, Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa kính dịch xong ngày 13 tháng 12 năm 2002)


Phụ Lục
A. Lời phổ khuyến đồng bào toàn cầu niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát của đại sư Ấn Quang

Quán Thế Âm Bồ Tát trong vô lượng kiếp trước đã thành Phật từ lâu, hiệu là Chánh Pháp Minh. Nhưng vì tâm từ bi vô tận, từ thệ vô cùng nên ngài lại ở trong mười phương thế giới, hiện ra những thân Bồ Tát, trời, người, thánh, phàm v.v… ban cho sự không hãi sợ (Thí Vô Úy) ngõ hầu tế độ. Phẩm Phổ Môn có nói: Nên dùng thân nào để độ được thì Ngài liền hiện thân ấy để thuyết pháp cho. Không những chỉ hiện thân hữu tình, ngài cũng còn tùy cơ ứng hiện ra thân núi, sông, thuyền, bè, cầu, đường sá, dược thảo, cây cối, lầu, đài, điện, gác. Nói chung là những việc lìa khổ được vui, chuyển nạn thành yên. Hễ gặp đao binh, nước lửa, ác bịnh, ác thú, oán gia đối đầu, ác quỷ, độc xà, các thứ nguy hiểm, nếu thật có thể chí thành xưng niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát thì liền được Bồ Tát gia bị chuyển nạn thành yên.

Hiện tại, sát kiếp tràn lan, khắp toàn cầu chẳng có chỗ nào an lạc, cũng chẳng có ai an lạc. Nguyện đồng bào trong nước, ngoài nước cùng niệm thánh hiệu Quán Âm, cùng lấy tâm cứu khổ cứu nạn của đức Quán Âm làm tâm mình, cùng lấy sự nghiệp lợi người lợi vật của đức Quán Âm làm sự nghiệp của mình thì ta người cùng không, việc đấu tranh sẽ dứt, tự có thể cùng hưởng thái bình, cùng vui tháng ngày.

Giả sử định nghiệp khó chuyển, táng thân mất mạng thì cũng nhờ sức Bồ Tát vãng sanh Tây Phương, ấy là do túc nghiệp nên mất thân mạng, nhưng do Phật lực thoát được khổ hải.

Kính mong đồng bào trong nước ngoài nước cùng soi xét tấm lòng thành ngu xuẩn của tôi.


Каталог: Luan
Luan -> Trung tâM ĐÀo tạo mạng máy tính nhất nghệ 105 Bà Huyện Thanh Quan – 205 Võ Thị Sáu, Q3, tp. Hcm
Luan -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương