NIỆm phật pháp yếU 念佛法要 Cư sĩ Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính sưu tập (惕園毛凌雲敬緝)



tải về 1.38 Mb.
trang6/19
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.38 Mb.
#8425
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19

Thích Ấn Quang kính bạch



B. Trích tuyển lời khai thị của đại sư Hành Sách

(lược dịch theo ấn bản Hành Sách Ðại Sư Cảnh Ngữ Thiên Hoa của Tịnh Tông Học Hội Dallas)


* Nếu không có lòng tin chơn thật thì dù có niệm Phật, trì trai, phóng sanh, tu phước vẫn chỉ là người lành trong thế gian, được quả báo sanh trong thiện xứ hưởng lạc. Lúc hưởng lạc sẽ tạo nghiệp mà đã tạo nghiệp thì ắt phải thọ khổ.
* Hòa Thượng Chơn Hiết nói: “[Ðiều mà] Phật Phật chuyền tay nhau, Tổ Tổ truyền nhau chỉ là một sự này chứ chẳng còn sự nào khác. Thế Tôn thuyết pháp hơn ba trăm hội trong bốn mươi chín năm cũng chỉ vì để nồng nhiệt tán dương, diễn giảng giáo pháp Tịnh Ðộ thật là con đường tắt siêu phàm nhập thánh vậy!”
* Nhất tâm niệm Phật để cầu chóng được sanh về An Dưỡng, sau đấy mới nương vào bổn nguyện, vận đại từ bi để phân thân biến hình khắp mười phương cõi nước tầm thanh cứu khổ như Quán Thế Âm Bồ Tát, thề làm trống rỗng địa ngục như đức Ðịa Tạng Vương. Dẹp khổ cho hết thảy chúng sanh, ban vui cho hết thảy chúng sanh, nhiếp thủ hết thảy chúng sanh cùng thân cận Phật Di Ðà, rốt ráo an ổn. Ðấy mới là trượng phu. Kính mong các thượng thiện hữu hãy suy xét kỹ cho!
* Cuối kinh Hoa Nghiêm dùng mười đại nguyện vương hướng dẫn về Cực Lạc, mong sanh về thế giới An Dưỡng, mong nguyện thấy A Di Ðà Phật. Bao lượt Bồ Tát đinh ninh khẩn thiết khuyên lơn, phát khởi [được ghi] đầy đủ trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện!
* Thiện nam tử, thiện nữ nhân chuyên niệm Tây Phương A Di Ðà Phật, đem các thiện căn hồi hướng phát nguyện thì sẽ quyết định được vãng sanh, vĩnh viễn chẳng thối chuyển, thân cận Di Ðà.
* A Di Ðà Phật chính là Pháp Giới Tạng Thân. Thế giới Cực Lạc chính là Liên Hoa Tạng Hải. Thấy một đức Phật chính là thấy vô lượng Phật. Sanh trong một cõi chính là sanh trong vô lượng cõi. Niệm một đức Phật chính là niệm hết thảy Phật, chính là được hết thảy chư Phật hộ niệm vì Pháp Thân bất nhị, vì chúng sanh và Phật bất nhị, vì năng niệm và sở niệm bất nhị!
* Tôi thấy những người nay đang phú quý hiển đạt đều thì hoặc là tham đắm thanh sắc thô tệ chẳng biết cội khổ; hoặc mê chút hư danh nhỏ như sừng ốc, chẳng biết đó là hư huyễn; hoặc lại mê man của cải, toan tính kinh doanh. Hiện tại phí uổng một đời, tương lai sẽ lưu chuyển theo nghiệp, chẳng hay chẳng biết y báo, chánh báo trang nghiêm, vô lượng điều thắng diệu trong cõi nước đức Phật kia.

Từ lúc sống đến khi chết, chưa hề có một niệm nghĩ đến chuyện vãng sanh, thật chẳng bằng kẻ nghèo cùng, khốn khổ siêng năng niệm Phật từ chỗ tối vào chỗ sáng, chuyển sanh vào chỗ thù thắng!


* Muốn niệm Phật sao cho công hạnh chẳng luống uổng thì thân tâm phải siêng gắng, tiếc từng tấc bóng. Huống hồ, mạng trong hơi thở, nào có dài lâu? Như kẻ tù bị dắt ra chợ, mỗi bước càng gần đến cái chết, ngày đêm chăm chắm, lạnh nóng khăng khăng một câu hồng danh không lúc nào ngơi thì sẽ quyết định sanh về Tịnh Ðộ. Chớ có lúc đầu hăng hái, sau rồi biếng trễ.
* Chuyên cầu xuất ly, chẳng cầu phước báo thế gian, cũng chẳng cầu công đức, trí huệ, biện tài, ngộ giải; cũng chẳng nguyện đời đời làm Tăng để hưng hiển Phật Pháp v.v… Chỉ nguyện mạng chung được sanh về cõi kia, thoát khổ sanh tử. Nguyện này cần phải hiện diện trong từng khắc, chuyên niệm Di Ðà thì tự nhiên được sanh. Quý ở chỗ tin chắc chắn, tận lực tu hành cho chuyên nhất thì mới được cứu.
* Những vị đồng hạnh vãng sanh nên phòng thân, giữ miệng, khiêm cung tùy thuận, răn bảo lẫn nhau, làm gương cho nhau. Hằng khóa9 mỗi ngày chẳng được lười biếng, bỏ sót. Ði, đứng, nằm, ngồi chẳng quên niệm Phật. Ngoài lúc công phu, đừng buông lung thân tâm nơi chuyện vô ích, chẳng được chuyện gẫu, nói chơi, cười giỡn phóng dật, vừa hại mình vừa tổn người. Chớ nên phí công xem sách ngoài đời, ngâm thơ vịnh kệ, chẳng những chỉ uổng phí ngày giờ mà còn cô phụ kẻ đàn việt10! Phải nên tự nghiêm, tự trọng, nỗ lực tinh tấn!
* Hiểu đến rốt ráo thì vạn pháp đều Như, chẳng có hai tướng, tức là: chúng sanh và Phật bất nhị, tự - tha bất nhị, nhân - quả bất nhị, y báo - chánh báo bất nhị, uế - tịnh bất nhị, khổ - vui bất nhị, ưa - chán bất nhị, lấy - bỏ bất nhị, Bồ Ðề - phiền não bất nhị, sanh tử - Niết Bàn bất nhị. Những cặp pháp ấy đều đồng một tướng, một đạo thanh tịnh. Suy xét đến cùng cực thì đột nhiên khế hợp bổn tâm, mới biết rằng mặc áo, ăn cơm đều là tam muội; vui cười, giận chửi không gì chẳng phải là Phật sự! Nhất tâm bất loạn rốt cục thành hý luận! Trong suốt mười hai thời, chẳng thể tìm được mảy lông tướng nào khác. Hiểu rõ như thế thì mới là chơn chánh học đạo, mới là nhất tâm tinh tấn trì danh! Cả hai thứ Nhất Tâm này đều thuộc về phận sự của phàm phu, hễ ai có tâm thì đều có thể tu học được!
* Một môn niệm Phật là nhờ vào nguyện lực của đức Phật kia, chẳng luận là kẻ hữu trí hay vô trí, là căn cơ thượng, trung, hay hạ, cứ chấp trì danh hiệu nhất tâm bất loạn trong bảy ngày hoặc dẫu chỉ một ngày thì đấy chính là nhiều thiện căn, phước đức nhân duyên, chính là được Phật Di Ðà và thánh chúng tiếp dẫn, chính là được mười phương hết thảy chư Phật hộ niệm. Ðấy chính là phương tiện lạ chẳng thể nghĩ bàn, chỉ vì do phương tiện ấy hay lạ nên mới thù thắng vậy!
* Cõi Phàm Thánh Ðồng Cư [là nơi] thánh hiền Quyền, Thật và kẻ phàm phu thấp sát đất cùng ở. Nhưng cõi Tịnh Ðộ ấy nhờ vào sức nhiếp thọ của chư Phật nên chẳng cần phải đoạn hoặc mà có thể mang nghiệp đi vãng sanh. Bậc thượng trí sẽ nhanh chóng viên chứng bốn cõi Tịnh Ðộ, kẻ hạ ngu cũng vượt ngang ra khỏi tam giới, chẳng cần phải tu theo thứ tự chín lớp11, chẳng cần phải tu trọn ba A-tăng-kỳ. Ðấy là phương tiện lạ lùng chẳng thể nghĩ bàn cho nên thù thắng vậy!
* Pháp môn tối thắng lạ lùng duy nhất như vậy do đức Thích Ca ân cần khuyên lơn, chỉ dạy, hằng sa Như Lai dùng tướng lưỡi rộng dài tán dương, há có phải là lừa dối bọn ta đâu!
* Phật pháp có vô lượng môn, có pháp dễ, pháp khó. Muốn dễ hành mà chóng chứng thì phải nên niệm Phật. Xưng danh hiệu Phật A Di Ðà thì chóng đắc Vô Thượng Bồ Ðề.
* Ðời ác ngũ trược cầu A Bệ Bạt Trí rất khó. Nếu tin vào Niệm Phật Tam Muội, nương vào sức bổn nguyện nhiếp trì, tiếp dẫn của đức Phật kia thì quyết định vãng sanh, chẳng nhọc phương tiện mà tâm tự được khai ngộ, đời đời chẳng thối chuyển, có ngày thành Phật.
* Tịnh Ðộ rộng nhiếp các căn đều chứng Bất Thối. Theo kinh Ðại Bổn, thượng phẩm lấy việc giải ngộ làm chính, trung phẩm lấy giới thiện làm gốc; hạ phẩm thuần ác vô thiện chỉ lúc lâm chung gặp gỡ bạn lành, do nhất niệm tín tâm bèn diệt tội vãng sanh!
* Người đã giải ngộ mà cầu vãng sanh thì nhờ vào cảnh duyên Cực Lạc sẽ dễ đoạn kết tập, dễ tu tam muội, mau thành nhẫn lực, độ các chúng sanh. Kẻ chưa giải ngộ mà cầu vãng sanh thì do thân cận Di Ðà sẽ dễ kiến tánh. Ngài Vĩnh Minh từng bảo: “Chỉ cần gặp Di Ðà, lo gì chẳng khai ngộ!”
* Hai môn Thiền, Tịnh, môn nào cũng nên chuyên tu, chẳng cần phải kiêm tu. Nếu chê bai môn này, môn kia tức là hiểu lầm sâu đậm ý chỉ của Phật. Như kinh dạy: “Chẳng báng Ðại Thừa” thì thấy rõ là kẻ hủy báng sẽ chẳng được vãng sanh vậy.
* Kinh dạy: “Tu hành một ngày một đêm trong thế giới Sa Bà hơn hẳn tu Thập Thiện trăm năm trong cõi Cực Lạc”. Ðó là vì khó lòng tấn tu trong cõi này, còn trong cõi kia thì dễ dàng ra sức tu hành vậy.

Cứ dựa theo đó mà nói thì tu hành một ngày trên nẻo đường phong trần thế gian sẽ hơn hẳn tu hành trăm ngàn ngày nơi cảnh chùa thanh tịnh trong núi sâu, chẳng còn nghi ngờ gì nữa! Vì thế, có thể lẩn quẩn nơi kinh đô, có thể dấn thân vào chốn hồng trần, nhưng tịnh nguyện chẳng được quên, tịnh hạnh chẳng được khuyết!



Than ôi! Phong trần làm sao nhiễm trước con người cho nổi? Chỉ e con người tự nhiễm phong trần đấy thôi!
* Tâm làm xe chỉ nam (la bàn), nguyện làm người dẫn đường, chốn chốn đạo tràng, thời thời Phật sự. Tịnh nguyện, tịnh hạnh thường được hiện tiền, tự nhiên đạt được thượng bang Thanh Thái (Cực Lạc), gặp mặt đức thánh Vô Lượng Thọ.
* Nên nghĩ thời gian vùn vụt, mỗi ngày một già suy để đừng uổng phí thời gian. Ngoài thời khóa nhất định, cứ hễ lúc nào rảnh rỗi liền niệm thêm Phật hiệu. Dù là chú Lăng Nghiêm, hay chú Ðại Bi v.v… cũng đều là chuyện phụ, chẳng cần phải trì!
* Dù rảnh hay bận chẳng để lỡ thời gian, dù nghèo hay giàu vẫn thường tri túc, dù mạnh hay yếu vẫn siêng tinh tấn!
* Cổ đức nói: “Ái chẳng nặng chẳng sanh Sa Bà”. Lại bảo: “Nếu nghĩ đến đạo giống như nghĩ đến tình ái thì thành Phật rất nhiều!” Từ bậc chứng Thánh Quả trở xuống mấy ai chẳng bị nó làm hệ lụy? Phiền não vô tận, mà xét về cội rễ sanh tử thì chỉ là do tham ái vùi lấp hành nhân, chướng ngại pháp vãng sanh! Hễ nhạt nhẽo một phần tình ái thì thành thục được một phần Tịnh nghiệp! Hãy gắng lên!
* Ðời Mạt Pháp bạc bẽo, con người ưa trá ngụy. Chỉ nên gởi tâm nơi Tịnh nghiệp thì mầm Huệ mới nảy nở, giống Ðạo mới thành thục. Ngày sau được ở trước Phật, liên hoa hóa sanh, trở thành người căn cơ thượng thượng vậy!
* Kinh dạy: “Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh. Lúc tâm chúng sanh tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Mấy câu ấy chính là cốt lõi bí mật của Niệm Phật tam muội. Hết thảy pháp quán không pháp nào là chẳng phát xuất từ đấy.
* Kinh Ðại Tập dạy: “Nếu ai chỉ niệm A Di Ðà Phật thì gọi là vô thượng thâm diệu Thiền”. Chí tâm tưởng tượng lúc gặp Phật chính là pháp bất sanh bất diệt.
* Thiền sư Trí Giác bảo: “Nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”.
* Phật là lý Bổn Giác, niệm là trí Thỉ Giác. Vì vậy, ngay trong lúc niệm Phật thì Thỉ hợp với Bổn, Lý - Trí ngầm khế hợp, năng lẫn sở cùng mất; tự - tha chẳng hai! Không có đức Phật nào ở ngoài niệm để được niệm bởi niệm đó. Không có niệm nào ở ngoài Phật để niệm đức Phật ấy. Siêu tình ly kiến, ly cú tuyệt phi12, thẳng tắt, viên đốn, không chi hơn được! Trừ niệm Phật ra thì có diệu quán nào khác để thành tựu đâu?
* Tháng ngày tàn còn mấy? Con đường ổn đáng nhất, dễ dàng nhất chỉ là lấy câu chơn ngôn sáu chữ để khuyên lơn cố gắng. Ðấy chính là vị thuốc hay lấy từ biển để trị bịnh ngặt, trị bịnh từ ngọn đến gốc, bịnh cấp bách hay bịnh mạn tính đều thích hợp. Quý ở chỗ tin tưởng sâu xa, tận lực tu hành, chuyên trì mà thôi!
* Nếu tâm mình niệm niệm chán lìa ngũ dục, khắng khít tưởng nhớ Phật A Di Ðà, ưa thích nguyện được thân cận như con nhớ mẹ, chẳng bị nghiệp cảnh lôi kéo, chẳng bị kẻ khác làm mê lầm, quyết hướng đến Tây Phương thì nhất định sẽ liên hoa hóa sanh trong thế giới Cực Lạc, thấy Phật, [được Phật] thọ ký.
* Mắt thường ngắm hình tướng Phật, tai thường nghe lời Phật dạy, mũi thường ngửi mùi hương của Phật, lưỡi thường xưng niệm Phật hiệu, thân thường lễ tượng Phật, ý thường nghĩ đến Phật pháp. Cả sáu căn không căn nào chẳng chuyên chú vào Phật cảnh. Giữ liên tục như thế không gián đoạn, không xen tạp.
* Biết rõ chúng sanh và Phật như một, tâm và cõi nước chẳng hai, mượn y báo, chánh báo cõi kia để hiển lộ tâm tánh của mình. Ðã chẳng lầm tưởng ngoài tánh có Phật, mà cũng chẳng chấp cõi kia chẳng phải là tâm. Chẳng nhọc phương tiện mà tâm tự được khai ngộ. [Ðấy là] phương tiện tối thắng cực dễ để nhiếp khắp hành nhân quy về Tịnh Ðộ.
* Ðối với việc đối trị chướng nặng đời mạt thì phiền não tuy nhiều, nhưng chỉ riêng mình dâm dục chính là căn bản của sanh tử. Ðối với pháp vãng sanh, nó gây chướng ngại nặng nề nhất. Vì thế, khuyên hành nhân nên quán dâm hỏa nơi thân chính là chơn hỏa Tánh Không của Như Lai Tạng.

Hễ cứ khi nào nghiệp phát hiện thì bèn quán sát sâu xa cho đến khi giải ngộ, biến nó thành trí huệ quang. [Làm như vậy] thì chẳng những sự vãng sanh chẳng bị chướng ngại mà hành nhân còn được sanh lên thượng thượng phẩm.

Vì lẽ đó, kinh Tịnh Danh khen ngợi Dâm, Nộ, Si vì thể tánh của chúng chính là Tạng Tánh, còn công dụng nhiễm hay tịnh của chúng thì cũng giống như úp hay ngửa bàn tay mà thôi.
* Các kinh rộng khen Tịnh Ðộ nào là: công đức chẳng thể nghĩ bàn, nào là: pháp thế gian khó tin, hoặc là: hết thảy đức Phật hộ niệm, hoặc là vô thượng thâm diệu Thiền, hoặc là phương tiện hay lạ, hoặc là vua của các tam muội v.v… Cớ sao riêng đối với pháp môn Niệm Phật, chúng sanh lại hay khởi tâm nghi hoặc, thậm chí phá hoại niềm tin trong sạch của người khác, chướng ngại thiện hạnh của kẻ khác. Kẻ bạc phước trí kém thường quen thói như thế đó!
* Lặng lẽ như sống gửi, trường trai thờ Phật, đạm bạc vô dục, siêng tu học đạo.
* Sau khi vãng sanh, được chứng ngộ xong thì nên đoái tưởng Sa Bà, trở lại sống nhờ trong cõi này để giúp bạn lữ, khuyên dỗ quần mê; lại còn phân thân trong cõi nước khác trong những phương khác, ứng tích qua lại ba cõi, trọn chẳng hề nhọc mỏi.
* Minh là chẳng tối tăm, tịnh là chẳng tán loạn. Minh tịnh chính là kết quả của Chỉ -Quán, là thể của Ðịnh- Huệ mà cũng là bản thể của cái tâm. Chỉ - Quán là công phu, Ðịnh - Huệ là nhân hạnh, minh tịnh là công năng. Minh tịnh đến cùng cực thì liền khế hợp ngay với bổn thể. Nếu đạt được như vậy thì sẽ thành Phước Trí Nhị Nghiêm.
* Thân tâm tịch định là Chỉ. Quán tướng lông trắng giữa hai mày của Phật là Quán. Tướng bạch hào rạng rỡ là Minh. Giữ chắc chẳng động là Tịnh. Nghĩa là: nhờ vào thân tướng của Phật để huân tập tâm tánh của ta. Nếu quán trí thành tựu thì sẽ tự nhiên hiển hiện.
* Hễ tu Quán thì phải hiểu rõ vạn pháp duy tâm. Kinh dạy: “Tâm như thợ vẽ khéo, vẽ ra năm thứ ấm. Hết thảy trong thế gian, không gì chẳng tâm tạo!” không điều gì chẳng do tâm tạo. Vì thế, ta biết: tướng hảo của Phật Di Ðà tự nhiên tâm ta vốn sẵn đủ, [tướng hảo ấy] hiện ra trong khi ta nhập Ðịnh cũng chỉ là từ tâm ta phát sanh ra. Tâm này tạo thành tướng hảo, tâm này là tướng hảo, chẳng từ cái khác mà có, chẳng từ bên ngoài vào. Hiểu rõ được như thế thì mới đáng gọi là tu Quán đúng pháp.
* Cổ đức có bài kệ:

Cảnh là Diệu Giả, Quán là Không.

Quán, Cảnh cùng mất chính là Trung.

Nhất tâm dung, tuyệt không tung tích

Lặng chiếu chưa từng có trước sau

Diệu lý Cảnh-Quán viên dung được gói trọn không còn sót trong bốn câu kệ trên. Thấu hiểu được bài kệ trên sẽ hơn hẳn đọc cả mấy trăm quyển sách của tông Thiên Thai!


* Tịnh nghiệp hành nhân nhất tâm trì danh sẽ chắc chắn được vãng sanh. Nếu kiêm tu diệu quán thì phẩm vị còn cao hơn nữa.

* Một câu A Di Ðà Phật chẳng dứt nơi tâm lẫn miệng, tai thường nghe khiến cho tạp niệm không cách nào xen vào được, lũ ma không đường nào lấn vào. Tinh thần vui vẻ, mảy trần chẳng nhiễm, Tín-Nguyện kiên cố thì sẽ mừng gặp thắng duyên


C. Ðại sư Tuân Thức so sánh công đức Niệm Phật

(trích từ Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)


Kinh Ðại Bát Niết Bàn chép:

Giả sử có người trong vòng một tháng thường dùng y phục cúng dường hết thảy chúng sanh vẫn chẳng bằng được một phần mười sáu công đức của người niệm Phật trong một niệm.



Giả sử lấy vàng đúc thành hình người, dùng xe ngựa chuyên chở; cho đến các thứ bảo vật, thứ nào cũng đủ cả trăm món, đem ra bố thí thì vẫn chẳng bằng người phát tâm, giở một bước chân hướng đến chỗ Phật.

Giả sử có người dùng xe voi lớn chở hết các thứ trân bảo trong đại quốc và các thứ anh lạc, thứ nào cũng đủ cả trăm món dùng để bố thí thì vẫn chẳng bằng người phát tâm bước một bước hướng đến Phật.

Nếu dùng tứ sự cúng dường tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới thì vẫn chẳng bằng người phát tâm bước một bước hướng đến Phật. [Người ấy] đạt được công đức vô lượng vô biên”.

Khuyên khắp những thiện nam tử, thiện nữ nhân tại gia nếu chí tâm tin ưa thế giới Cực Lạc thì vào mỗi sáng sớm nên mặc áo, lắng lòng, chiêm lễ tượng Phật hệt như thấy đức Phật thật sự, chẳng đành để lỡ ngày nào. Nếu như việc công, chuyện tư bề bộn, gấp rút thì phải nên kiên định tâm ý; hễ rảnh lúc nào thì liền bước vào Phật đường thắp hương, đảnh lễ; chủ yếu là “bước một bước hướng đến Phật”! Nếu có lúc nhàn rỗi thì sáng tối đều chẳng bỏ uổng, chẳng quản là sáng hay tối luôn tinh tấn tu hành.

Xin hãy suy xét: công đức “niệm Phật trong một niệm” và “bước một bước hướng đến Phật” còn thù thắng đến như thế đó, huống là trong mỗi niệm, trong mỗi bước đều kinh hành niệm Phật thì sẽ diệt trừ tội chướng và đạt được công đức thật chẳng thể nghĩ bàn!

D. Thuật niệm Phật tu tâm theo pháp sư Sơn Ðường

(trích từ Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)


Theo các kinh điển Ðại Thừa khuyên người vãng sanh Tịnh Ðộ, về mặt tu nhân thì có hai thứ: một là Ðịnh, hai là Tán.

1. Thứ nhất là Ðịnh Thiện, tức là dùng tâm quán tưởng A Di Ðà Phật, ức niệm y báo, chánh báo, giáo chủ và bạn lữ trong thế giới Tây Phương Cực Lạc đều chỉ là do tâm tạo, đều vốn tự sẵn có đủ. Do tánh của chính ngay cái tâm ấy là Không, cho nên A Di Ðà Như Lai vốn là Không. Do tâm ta chính là Giả nên A Di Ðà Phật hiển hiện rõ ràng. Tâm ta chính là Trung Ðạo nên A Di Ðà Phật dứt bặt đối đãi chẳng thể nghĩ bàn.

Hoặc là quán tưởng hoa sen nở ra hay còn búp và ta ở ngay trong hoa sen ấy. Hoa sen còn búp biểu thị Không, hoa sen nở biểu thị Giả. Thanh, sắc, hương, vị hình thể tương đồng biểu thị Trung Ðạo.

Vì thế, kinh điển ghi: “Chư Phật Như Lai là Pháp Giới Thân nhập trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Vì thế, lúc tâm các ông tưởng Phật thì tâm này là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo; tâm này làm Phật, tâm này là Phật’’.

Ðấy chính là đức Thích Ca Như Lai đích thân khai thị Duy Tâm tam muội, quán thể viên diệu thường trụ. Hiểu rõ chúng sanh, Phật Ðà, y báo, chánh báo, sắc pháp, tâm pháp cõi Tịnh Ðộ Cực Lạc đều là các công đức mà bổn tánh của tâm mình vốn sẵn có đủ, hết thảy cảnh giới chính là do bổn tâm mình quán tưởng ra. Ngoài tâm không có Phật, ngoài tự tánh không có cõi nước. Cứ quán chiếu như thế chẳng ngớt thì sẽ có thể chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

2. Thứ hai là Tán Thiện: Tấm lòng chơn thật thanh tịnh tin tưởng vào thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhất tâm bất loạn, hệ niệm Phật A Di Ðà từ một ngày cho đến bảy ngày, tiếng niệm không ngớt, niệm niệm chẳng gián đoạn. Kinh dạy: “Chấp trì danh hiệu hoặc trong một ngày… hoặc trong bảy ngày, nhất tâm bất loạn thì người ấy lúc sắp lâm chung, Phật A Di Ðà cùng các thánh chúng hiện ra trước mặt”. Ðây chỉ là nương vào sự tướng để ức tưởng cõi ấy, chẳng dùng đến ba phép quán Không, Giả, Trung cho nên gọi là Tán Thiện. Vì thế, chỉ cần tuân hành ba thứ Tịnh Nghiệp, hồi hướng phát nguyện được vãng sanh Tịnh Ðộ thì sẽ đều sanh về thế giới Cực Lạc.

Tổ sư Trí Giả đại sư dạy: “Do vì căn cơ có lợi, độn cho nên tu hành có Ðịnh và Tán sai khác”. Quán Phật tam muội gọi là Ðịnh, còn tu các thiện nghiệp khác thì gọi là Tán.

So ra, sức lực của Tán Thiện yếu hơn nên chẳng diệt trừ nổi tội Ngũ Nghịch, mà kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật lại dạy về Quán Phật tam muội nên có thể nhờ đó diệt trừ các tội Ngũ Nghịch, Thập Ác để vãng sanh. Do vậy, chẳng cần luận là Ðịnh Thiện hay Tán Thiện, chẳng luận là độn căn hay lợi căn, tất cả đều là nhân để vãng sanh Tịnh Ðộ, đều có thể xu hướng Vô Sanh, vĩnh viễn không thối chuyển!



E. Liên Trì đại sư Tây Phương Phát Nguyện Văn Giản Chú

(Chú giải sơ lược bài văn phát nguyện vãng sanh Tây Phương của đại sư Liên Trì)

(trích từ sách Phật Thuyết A Di Ðà Kinh Bạch Thoại Giảng Giải)
Tác giả: Lý Viên Tịnh

Ấn Quang đại sư giám định


Chánh văn:

Khể thủ Tây Phương An Lạc quốc

Каталог: Luan
Luan -> Trung tâM ĐÀo tạo mạng máy tính nhất nghệ 105 Bà Huyện Thanh Quan – 205 Võ Thị Sáu, Q3, tp. Hcm
Luan -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương