NIỆm phật pháp yếU 念佛法要 Cư sĩ Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính sưu tập (惕園毛凌雲敬緝)



tải về 1.38 Mb.
trang2/19
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.38 Mb.
#8425
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19

Nhận định:
Ðối với thường khóa sớm tối, người tại gia niệm Phật nhất định chẳng thể bỏ sót. Nếu như có lúc bỏ sót thì sao chẳng ngủ trễ, dậy sớm? Ðừng vin vào đó để gián đoạn thường khóa. Chỉ khi nào bận rộn suốt tối hôm trước thì sáng hôm sau mới đối trước Phật bày tỏ, sám hối, niệm bù. Thường nhật nên dùng thời gian rảnh rang để niệm Phật, niệm càng nhiều càng hay, cũng chẳng hạn định trong trăm câu, ngàn câu. Lâu ngày thuần thục thì tam muội sẽ dễ hiện tiền.
6. Trích yếu sách Tịnh Ðộ Hoặc Vấn của đại sư Duy Tắc Thiên Như đời Nguyên
* Người sanh trong đời có được mấy chốc? [Ðời người như] lửa xẹt từ đá, như ánh chớp nháng lên, chớp mắt đã hết. Giành ngay lúc chưa bệnh, chưa già đây, dốc trọn tinh thần, vứt bỏ sự đời; cứ mỗi một ngày trôi qua là một ngày niệm danh hiệu Phật, được một thời công phu, tu một thời Tịnh nghiệp. Do đấy, lúc mạng lâm chung, dù là chết nhẹ nhàng hay chết đau khổ thì những cái ta vương vấn đã được giải quyết xong, tiền trình của ta đã ổn thỏa, thích đáng rồi!
* Người bị ràng buộc trong lưới đời nếu đau đáu nghĩ đến vô thường, dụng tâm chơn thành, thiết tha thì chẳng luận là khổ, vui, thuận, nghịch, tịnh, ồn, rảnh, bận, mặc lòng công chuyện hoàn tất hay chưa, dù tiếp tân, đãi khách, vạn duyên rối bời, dẫu phải ứng phó mọi mặt mà việc đời và việc niệm Phật vẫn chẳng trở ngại gì nhau cả!

Nếu ai bận khá nhiều việc đời, sức dù có hơi kém thì cũng vẫn nên tìm lấy thời gian rảnh rang giữa lúc bận rộn, tìm lúc yên tịnh giữa chốn huyên náo để mỗi ngày niệm ba vạn câu, hoặc một vạn câu, hoặc ba ngàn câu, một ngàn câu. Lấy đó làm nhật khóa nhất định, chẳng bỏ suông ngày nào! Lại ngay cả khi bận rộn hết sức không có lúc nào rảnh rang thì mỗi ngày vào lúc sáng sớm nên hành pháp Thập Niệm. Lâu ngày tích tụ thành công lao cũng chẳng luống uổng. Ngoài lúc niệm Phật ra thì hoặc là niệm kinh, lễ Phật, hoặc sám hối phát nguyện, làm đủ các thứ kết duyên tạo phước, tùy sức bố thí, tu các việc lành để hỗ trợ thêm. Với bất cứ điều lành mảy may nào đều phải hồi hướng Tây Phương.

Dụng công như thế chẳng những sẽ quyết định vãng sanh mà còn khiến cho phẩm vị được thêm cao nữa!
* Chuyên trì danh hiệu hoặc còn lễ bái, sám hối thêm thì rất hợp với thuyết Chuyên Tu Vô Gián của ngài Thiện Ðạo. Chuyên Tu Vô Gián là thân phải chuyên lễ A Di Ðà Phật, chẳng lễ xen lẫn các vị khác; miệng chuyên niệm A Di Ðà Phật chẳng niệm các thánh hiệu khác, chẳng tụng các kinh khác; ý phải chuyên tưởng A Di Ðà Phật, chẳng tưởng vị nào khác. Nếu tham, sân, si xen tạp thì cứ hễ phạm liền sám, chẳng để cách ngày, cách đêm hay cách giờ; thường giữ cho thanh tịnh thì cũng gọi là Vô Gián.
* Pháp Hệ Niệm là chẳng cần biết đến là đang đi, đứng, hay nằm, ngồi, chẳng cần phải niệm ra tiếng tốn hơi; chỉ cốt chí thành, thầm tưởng thầm niệm, niệm niệm liên tục, tâm không gián đoạn. Tôi dám hứa là nhục nhãn của hành nhân trong hiện đời sẽ thấy Phật, hoặc thấy quang minh, hoặc được Phật xoa đảnh v.v… chứ chẳng cần phải đến lúc lâm chung!

Ðây là một pháp môn đường tắt, giản dị nhất, thiết yếu nhất, cực kỳ linh nghiệm.


Nhận định:
Mẹ của Ðại Sư tuổi gần bảy mươi; ngài sợ niệm Phật ra tiếng tốn hơi nên ngầm sai em là ngài Hành Viễn khuyên mẹ tu pháp môn Hệ Niệm. Nếu có thể niệm Phật ra tiếng thì sẽ dễ xưng danh hơn, dễ giữ được niệm niệm liên tục. Vì thế, sách Tịnh Ðộ Hoặc Vấn quy kết về việc chuyên trì danh hiệu.
7. Trích yếu sách Tịnh Ðộ Pháp Ngữ của đại sư U Khê Truyền Ðăng Vô Tận đời Minh
* Dương Thứ Công nói: “Ái chẳng nặng chẳng sanh Sa Bà; niệm chẳng nhất, chẳng sanh Tịnh Ðộ”.

Nếu đối với Sa Bà mà có một Ái chẳng nhẹ thì lúc lâm chung sẽ bị cái Ái đó lôi kéo nên chẳng được vãng sanh; thế thì có nên lắm ái hay không?

Nếu đối với Cực Lạc có một niệm chẳng chuyên nhất thì lúc lâm chung sẽ bị cái niệm ấy xoay chuyển, chẳng được vãng sanh; vậy thì có nên có lắm niệm hay không?

Do vì Ái có nặng, nhẹ, dày, mỏng: chánh báo, y báo bày đầy trước mắt nên chẳng thể lãng quên nổi cha mẹ, vợ con, đồ đệ, bạn bè, công danh, phú quý, văn chương, thi phú, đạo thuật, kỹ nghệ, y phục, thức ăn, nhà cửa, ruộng vườn, rừng, suối, đồng hoa, trân bảo, ngoạn vật… Hễ còn một vật chẳng quên nổi thì là Ái; còn có một niệm chẳng thể bỏ đi thì là Ái. Hễ còn giữ một niệm Ái trong lòng thì niệm chẳng thể chuyên nhất; còn một niệm chẳng quy nhất thì chẳng được vãng sanh.

Nếu hỏi: Có cách nào làm nhẹ ái chăng?

Xin thưa: Làm nhẹ ái không gì hơn là nhất niệm.

Có cách nào để nhất niệm không?

Xin thưa: Ðể đạt nhất niệm, không có gì bằng làm nhẹ ái.

Bởi vì niệm bất nhất là do tâm tán loạn, duyên khác [xen vào] khiến tâm tán loạn như thế. Duyên khác làm tán tâm là do rong ruổi theo cảnh nên trở thành như thế. Sa Bà có một cảnh thì chúng sanh có một tâm. Chúng sanh có một tâm thì Sa Bà có một cảnh.

Duyên chất chứa chao động bên trong, hướng ra ngoài loạn động, tâm - cảnh theo đuổi nhau, ái nhiều như trần sa. Vì thế muốn nhẹ ái thì không gì bằng phải ngăn lấp cảnh! Các cảnh đều không, vạn duyên đều tịch thì nhất niệm tự thành. Nếu nhất niệm thành thì ái duyên đều tận!

Có cách nào ngăn lấp các cảnh không?

Xin thưa: Ngăn lấp các cảnh nào phải đâu là trừ sạch vạn hữu, cũng chẳng phải là nhắm tịt mắt chẳng nhìn, mà chính là hiểu rõ cảnh là hư giả; thể hội cái gốc để thấy cái ngọn là không. Vạn pháp vốn tự chẳng có. “Có” là do tình thức phát khởi nên hễ tình thức còn thì vật còn, tình không vạn vật không. Vạn pháp không nhưng bổn tánh hiện; bổn tánh hiện nhưng tình niệm dứt; tự nhiên như thế chẳng cần phải miễn cưỡng!

Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Kiến và kiến duyên đều là tướng được tưởng giống như hoa đốm trên hư không vốn chẳng có gì. Kiến và duyên ấy vốn là diệu tịnh minh thể của Bồ Ðề thì làm sao lại có đúng hay sai trong đó được?”

Vì vậy, muốn ngăn lấp cảnh thì không gì bằng hiểu rõ vật là hư huyễn. Hiểu mọi vật là hư huyễn thì tình thức tự nhiên tuyệt. Hễ tình tuyệt thì ái chẳng sanh, duy tâm hiện nên ý niệm chuyên nhất sẽ thành. Bởi thế, kinh Viên Giác dạy: “Biết huyễn liền lìa, chẳng dùng phương tiện. Lìa huyễn chính là giác, cũng chẳng theo thứ tự nào cả!”

Một bỏ, một giữ, chẳng thể thay đổi, công hiệu mau chóng phù hợp khít khao như dùi đánh xuống, trống liền vang tiếng; kẻ học đạo phải nên tận tâm thực hành cách tu tập này!
* Ðạo lý Nhất Niệm gồm ba điều là Tín, Nguyện, Hạnh.
a. Chẳng nghi là Tín, nếu có nghi thì tâm chẳng chuyên nhất. Vì thế, cầu sanh Cực Lạc phải lấy Tín làm đầu. Cần phải đọc khắp các kinh điển Ðại Thừa, rộng học các lời dạy của chư Tổ. Hễ sách nào chỉ dạy pháp Tịnh Ðộ thì đều phải tìm đọc hết cả để giải ngộ rằng Cực Lạc vốn là Tịnh Ðộ duy tâm của ta đó thôi, chứ chẳng phải cõi nào khác; hiểu rõ Di Ðà vốn là vị chơn Phật nơi bổn tánh của ta, chứ chẳng phải là đức Phật nào khác. Có hai điều quan trọng nhất:

- Giải ngộ Diệu Hữu trọn khắp cả, đầy đủ tất cả; lấy đó làm gốc cho việc ưa Tịnh.

- Giải ngộ Chơn Không rời lìa một cách viên mãn, giải thoát một cách viên mãn hầu lấy đó làm cơ sở để lìa Uế.

Tín giải đã đầy đủ thì hãy nên niệm Phật tu hành.


b. Về Hạnh, có hai điều: một là Chánh Hạnh, hai là Trợ Hạnh.

b.1. Chánh Hạnh lại gồm hai thứ: một là Xưng Danh, hai là Quán Tưởng.

Xưng Danh là như kinh Tiểu Bổn Di Ðà dạy bảy ngày trì danh, nhất tâm bất loạn. Có Sự Nhất Tâm và Lý Nhất Tâm. Miệng xưng danh hiệu Phật, chú tâm nơi duyên, tiếng niệm tiếp nối, tâm tâm chẳng loạn. Nếu như tâm duyên theo ngoại cảnh thì nhiếp tâm trở lại. Cách này đòi hỏi phải sanh tâm quyết định, đoạn trừ ý niệm nghĩ đến những chuyện sẽ xảy ra sau này, vứt bỏ thế sự, buông bỏ tâm duyên theo cảnh khiến cho niệm tâm dần dần tăng trưởng từ chốc lát đến lâu ngày, từ nhiều đến ít, một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày cốt sao thành tựu được nhất tâm bất loạn mới thôi. Ðó là Sự Nhất Tâm.

Nếu đạt được như vậy thì thành tựu Tịnh nhân sanh về Cực Lạc; lúc lâm chung tất nhiên giữ được chánh niệm, thân không bịnh khổ, chẳng bị sự ác trói buộc, biết trước giờ chết, thân tâm hoan hỷ, qua đời một cách tốt lành: ngồi tịch hay đứng mất, diện kiến đức Di Ðà phóng quang tiếp dẫn, chắc chắn sanh về Tịnh Ðộ!

Lý Nhất Tâm cũng chẳng khác gì, chỉ là ngay trong Sự Nhất Tâm: trong mỗi mỗi niệm hiểu thấu suốt tâm niệm Phật và đức Phật được niệm suốt ba đời đều bình đẳng, mười phương chứa đựng lẫn nhau, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải Tự, chẳng phải Tha, không đến, không đi, chẳng sanh, chẳng diệt.

Cái tâm nhất niệm hiện tiền chính là cảnh Tịnh Ðộ trong vị lai. Niệm mà không niệm, không niệm nhưng niệm, vô sanh mà sanh, sanh nhưng vô sanh. Ở ngay trong cái chẳng thể niệm ấy lại sốt sắng niệm, ngay trong cái vô sanh ấy lại sốt sắng cầu sanh. Ðấy là ngay trong Sự Nhất Tâm hiểu rõ Lý Nhất Tâm.

Nếu như trong bốn oai nghi chẳng hề gián đoạn việc tu Tịnh Ðộ thì vãng sanh Tịnh Ðộ là chuyện tất nhiên!
b.2. Trợ Hạnh cũng gồm hai thứ:

- Một là hạnh thế gian như hiếu dưỡng cha mẹ, làm điều nhân từ thế gian, từ tâm chẳng giết, trọn đủ các giới luật, làm hết thảy việc lợi ích. Nếu có thể hồi hướng những việc ấy về Tây Phương thì không việc gì lại chẳng phải là hạnh trợ đạo.

- Hai là hạnh xuất thế như Lục Ðộ, vạn hạnh, các thứ công đức, đọc tụng kinh Ðại Thừa, tu các sám pháp; cũng cần phải dùng tâm hồi hướng để trợ tu thì không gì chẳng phải là hạnh Tịnh Ðộ.
Lại còn một thứ Trợ Hạnh vi diệu nữa: Ðối với mỗi thứ cảnh duyên phải trải qua, lúc nào cũng dụng tâm.

Chẳng hạn như khi thấy quyến thuộc thì nên tưởng họ là pháp quyến ở Tây phương, dùng pháp môn Tịnh Ðộ để khai ngộ, chỉ bảo khiến cho họ mỏng nhẹ ái kiến để được nhất tâm nhằm làm cho họ vĩnh viễn trở thành vô sanh quyến thuộc trong tương lai.

Nếu lúc sanh ý tưởng ân ái thì hãy nghĩ quyến thuộc Tịnh Ðộ chẳng có tình ái; để được sanh về Tịnh Ðộ thì nên xa lìa tình ái đó.

Nếu như khi sanh tâm sân hận thì hãy nghĩ đến quyến thuộc Tịnh Ðộ chẳng hề có xúc não. Ðể được sanh về Tịnh Ðộ thì nên xa lìa sự sân hận đó.

Nếu lúc chịu khổ thì nên nghĩ đến cõi Tịnh Ðộ chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng những điều vui.

Nếu khi hưởng các điều vui hãy nghĩ đến niềm vui trong Tịnh Ðộ không thể tính biết nổi.

Hễ gặp cảnh duyên đều dùng ý ấy để suy xét kỹ càng thì trong mọi nơi, mọi lúc, không có gì chẳng phải là hạnh Tịnh Ðộ!
c. Nguyện có thông, biệt, rộng, hẹp, trọn khắp hay hạn cuộc.

Thông là như những bài phát nguyện hồi hướng của các vị cổ đức đã soạn ra.

Biệt là ai nấy tùy theo ý mình [mà phát nguyện].

Rộng là Tứ Hoằng Nguyện: thượng cầu hạ hóa.

Hẹp là nói đến khả năng, quyết chí vãng sanh.

Hạn cuộc là khóa tụng có giờ giấc nhất định, phát nguyện cùng đại chúng.

Trọn khắp là lúc nào cũng phát nguyện, chỗ nào cũng bày tỏ tâm nguyện.

Nguyện chỉ cốt phù hợp Tứ Hoằng Nguyện, đừng móng tâm vọng lập. Xét chung các thứ nguyện đã phát thì biệt nguyện thù thắng hơn thông nguyện vì sợ khi đọc thông nguyện chỉ thuận miệng đọc theo lời văn của người khác; còn biệt nguyện thì tự mình nêu bày tấm lòng. Nếu như tuy đọc những bài phát nguyện chung nhưng quyết chí thì Thông lại trở thành Biệt. Còn nếu đọc lời văn phát nguyện của riêng mình mà tâm lan man thì Biệt lại trở thành Thông.

Nguyện rộng tốt hơn nguyện hẹp vì nguyện rộng thì phát đại tâm nên đạt quả thù thắng, phát nguyện hẹp thì bi nguyện nông cạn nên đạt quả kém hơn. Phát nguyện trọn khắp lại tốt hơn phát nguyện hạn cuộc vì phát nguyện hạn cuộc hay bị gián đoạn, phát nguyện trọn khắp thì niệm niệm viên thành.

Có thể dùng ba pháp như vậy để cầu sanh Tịnh Ðộ, mau được thân cận Phật Di Ðà, hết thảy các pháp môn Tịnh Ðộ không có pháp nào ra ngoài được ba điều này.


Nhận định:
Ðạo lý mỏng nhẹ ái và nhất niệm vừa dạy hoàn toàn nằm trong ba pháp Tín, Hạnh, Nguyện, thật là tinh diệu, thỏa đáng. Nhưng Chánh Hạnh chỉ là chuyên trì danh, chứ chẳng cần phải quán tưởng. Trong hết thảy thiện hạnh thế gian và xuất thế gian, hễ khi nào ta hồi hướng về Tây phương thì khi đó nó là Trợ Hạnh. Ðấy chính là vạn thiện đồng quy, phước huệ song tu vậy.
8. Trích yếu sách Tử Bách Lão Nhân Tập của đại sư Tử Bách Ðạt Quán đời Minh
* Sư hỏi vị tăng Hải Châu: “Niệm Phật có thường gián đoạn chăng?”

Tăng đáp: “Hễ nhắm mắt ngủ liền quên mất”.

Sư nghiêm mặt, quở:

- Nếu nhắm mắt liền quên thì niệm Phật như vậy dù có niệm một vạn năm cũng vô ích! Từ nay trở đi, ông cần phải trong lúc ngủ cũng niệm Phật chẳng gián đoạn thì mới có phần thoát khổ nổi! Nếu trong giấc ngủ chẳng niệm Phật được, quên mất đi thì khi mở mắt ra liền buồn khóc, nhỏm dậy ngay, đến ngay trước đức Phật dập đầu đến chảy cả máu, hoặc niệm ngàn tiếng, vạn tiếng, dốc cạn hết sức chính mình mới thôi. Làm như thế chừng hai ba chục lần thì tự nhiên trong khi ngủ mê mệt, niệm Phật cũng chẳng bị gián đoạn.

Người đời niệm Phật hoặc là hai, ba chục năm hoặc suốt đời niệm Phật mà đến lúc lâm chung lại thành vô dụng là do lúc ngủ nghỉ chẳng hề có ý niệm nhớ đến Phật.

Người sống như đang tỉnh, người chết như mộng; bởi vậy, người nào trong mộng vẫn niệm Phật thì lúc lâm chung tự nhiên chẳng loạn vậy!

* Muốn khám nghiệm một cách chính xác xem mình niệm Phật có chơn thật hay không thì chỉ cần quan sát lúc mình hoan hỷ và phiền não thì biết rõ ràng ngay là tâm mình chơn thật hay giả dối.

Ðại để, người chơn tâm niệm Phật dù là lúc hoan hỷ hay phiền não thì tất nhiên vẫn niệm niệm chẳng gián đoạn vì phiền não chẳng lay động người đó nổi, hoan hỷ cũng chẳng lay động người đó được. Phiền não lẫn hoan hỷ đều đã chẳng lay động nổi người đó thì trong cảnh sanh tử sẽ tự nhiên chẳng hoảng sợ. Nay người niệm Phật vừa mới gặp phải chút vui mừng, giận hờn đã vứt A Di Ðà Phật ra sau ót thì sao mà niệm Phật được linh nghiệm cơ chứ? Nếu làm theo cách niệm Phật của tôi, thật sự có thể chẳng quên mất câu A Di Ðà Phật trong lúc yêu ghét, thế mà chẳng được lợi ích gì trong cuộc sống hằng ngày cũng như khi lâm chung chẳng được vãng sanh thì cái lưỡi của tôi ắt sẽ bị gãy nát vậy!


Nhận định:
Pháp này rất diệu, muốn khám nghiệm tâm niệm Phật là chơn thật hay giả dối chỉ cần xét trong lúc hoan hỷ hay phiền não. Nếu như trong giấc ngủ, việc niệm Phật bị gián đoạn thì hãy nên dũng mãnh tinh tấn làm theo cách này thì hiện tại sẽ được lợi lạc, lâm chung tự được vãng sanh.
9. Trích yếu sách Vân Thê Pháp Vựng của đại sư Liên Trì Châu Hoằng đời Minh
* Tâm vốn vô niệm, hễ có niệm khởi lên là sai; nhưng chúng sanh từ vô thỉ đến nay quen thói vọng tưởng khó lòng thay đổi ngay được. Nay dạy họ niệm Phật chính là dùng độc trị độc, dùng quân dẹp quân. Một pháp Niệm Phật lại có nhiều môn. Nay pháp Trì Danh đây là đường tắt nhất trong các đường tắt. Bởi vì đức Phật có vô lượng đức nên bốn chữ danh hiệu đã bao gồm trọn cả.

A Di Ðà chính là toàn thể nhất tâm, tâm bao gồm mọi đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Bổn Giác, Thỉ Giác, Chơn Như, Phật Tánh, Bồ Ðề, Niết Bàn. Trăm ngàn vạn danh hiệu đều được chứa đựng bất tận trong một danh hiệu này.

Chúng sanh học Phật cũng có vô lượng hành pháp, nhưng một pháp Trì Danh đây đã bao gồm trọn tất cả vì Trì Danh chính là trì một tâm đây. Tâm đã gồm trăm hạnh, Tứ Ðế, Lục Ðộ cho đến tám vạn bốn ngàn hằng hà sa vi trần hết thảy pháp môn, bao gồm hết cả không còn sót gì!
* Có nhiều cách trì danh:

1) Một là Minh Trì, nghĩa là xưng niệm ra tiếng.

2) Hai là Mặc Trì, nghĩa là niệm thầm không ra tiếng.

3) Ba là Bán Minh Bán Mặc Trì, nghĩa là chỉ khẽ động môi lưỡi để niệm. Cách này được những người tụng chú gọi là Kim Cang Trì.

Lại còn có cách niệm ghi số hoặc niệm chẳng ghi số, tùy ý dùng cách nào cũng được!

Cách trì niệm nào cũng chia ra làm Sự và Lý: Ức niệm chẳng gián đoạn thì gọi là Sự Trì; thể cứu đến cùng tột chẳng hề gián đoạn thì gọi là Lý Trì.

“Ức niệm” là nghe nói đến danh hiệu Phật thì luôn nhớ tới, luôn nghĩ tới, tâm duyên theo từng chữ rõ ràng; câu trước, câu sau liên tiếp chẳng gián đoạn. Ði, đứng, nằm, ngồi chỉ có mỗi một niệm này, không có niệm thứ hai; chẳng bị tạp loạn bởi các niệm tham, sân, si phiền não đúng như kinh Thành Cụ Quang Minh Ðịnh Ý dạy: “Nhất tâm nơi vắng vẻ, tịch mịch; nhất tâm giữa các phiền não; cho đến giữa những cảnh khen, chê, lợi, tổn, thiện, ác v.v… đều nhất tâm”.

Do mặt Sự đã đạt, nhưng chưa thấu triệt mặt Lý, chỉ đạt được Tín lực, chưa thấy Ðạo nên gọi là Sự Nhất Tâm. “Thể cứu” là nghe danh hiệu Phật thì không những chỉ ức niệm mà còn trở lại quán sát ngay cái niệm ấy, suy lường, thẩm định tìm tòi đến tận cùng cội rễ. Thể cứu đến cùng tột thì đột nhiên sẽ khế hợp bổn tâm. Trong đây lại gồm có hai loại:




  1. Một là “như - trí bất nhị”:

- Ngoài cái tâm năng niệm chẳng hề có đức Phật để mình niệm. Ðấy là ngoài Trí chẳng có Như.

- Ngoài đức Phật được niệm chẳng hề có cái tâm năng niệm để niệm Phật. Ðó là ngoài Như không có Trí nên chỉ có nhất tâm.


b. Hai là Tịch Chiếu Nan Tư:

Nếu bảo là Có thì bản thể của cái tâm năng niệm tự nó là Không, trọn chẳng thể có được đức Phật được niệm.

Nếu bảo là Không thì cái tâm năng niệm vằng vặc chẳng mờ mịt, đức Phật được niệm đành rành phân minh.

Nếu bảo là “chẳng có chẳng không” thì cả hữu niệm lẫn vô niệm đều mất.

Nếu bảo là “chẳng phải có chẳng phải không” thì hữu niệm lẫn vô niệm cùng tồn tại.

“Chẳng phải có” là thường tịch; chẳng phải không là thường chiếu. “Chẳng có chẳng không” và “chẳng phải có chẳng phải không” là chẳng tịch, chẳng chiếu nhưng vừa chiếu, vừa tịch. Không cách gì để diễn tả, suy lường được, chẳng thể gọi tên được nên chỉ có Nhất Tâm. Ðó chính là Năng lẫn Sở đều tiêu, kiến giải Hữu lẫn Vô cùng mất. Thể vốn sẵn thanh tịnh thì còn có pháp gì tạp loạn được nó. Do vì thấy một cách đúng đắn như thế nên gọi là Lý Nhất Tâm.

Nhưng, Sự nương theo Lý mà khởi, Lý được tỏ bày bởi Sự; Sự và Lý hỗ trợ nhau, chẳng thể phế bỏ một bên nào. Dẫu chấp Sự nhưng niệm đến mức liên tục thì vẫn chẳng mất phần dự vào các phẩm vị; còn nếu chấp Lý nhưng tâm chưa minh thật sự thì sẽ biến thành cái họa lạc vào Không kiến.
* Niệm Phật to tiếng dễ mất sức, niệm thầm dễ bị hôn trầm. Chỉ cốt niệm miên miên mật mật, tiếng niệm đọng nơi răng, môi, tức là Kim Cang trì. Nhưng lại chẳng nên chấp chặt. Nếu biết mình đã mệt thì niệm thầm cũng chẳng trở ngại gì. Nếu biết mình hôn trầm thì chẳng ngại gì niệm lớn tiếng. Hiện tại, người niệm Phật chỉ là liên tay khua mõ, miệng ong óng gào theo cho nên chẳng được lợi ích gì. Cần phải niệm sao cho từng câu thoát ra khỏi miệng vọng vào tai, từng tiếng đánh thức tự tâm ví như người đang ngủ mê mệt, có ai gọi lớn tên lên thì kẻ đó sẽ thức giấc. Bởi vậy, điều quan trọng nhất trong việc niệm Phật là nhiếp tâm.
* Tạp niệm là bịnh, Niệm Phật là thuốc. Niệm Phật chính là để trị tạp niệm, nếu chẳng trị nổi tạp niệm là do niệm Phật chẳng tha thiết. Lúc tạp niệm khởi lên liền dốc sức ra công; mỗi chữ, mỗi câu tinh nhất chẳng xen tạp thì tạp niệm tự dứt.
* Trong mỗi niệm luôn niệm Phật không có tạp niệm thì gọi là Nhất Tâm. Nhất tâm niệm Phật mà còn nhất tâm tu các pháp môn khác thì là Nhị Tâm! Không tạp niệm mới chỉ là Sự Nhất Tâm, thế mà nay ta còn làm chưa được huống hồ là Lý Nhất Tâm? Vì vậy, niệm Phật phải giữ chí đừng để nhị tâm, đừng vì lẽ tam muội khó thành bèn vội đổi sang tu các hạnh khác!
* Kẻ mới học sanh sau vừa mới lấy câu niệm Phật đặt nơi tâm thì vọng tưởng, suy nghĩ nổi lên tơi bời, đè lấp cả cái giác bèn cho rằng công phu niệm Phật chẳng thể nhiếp tâm nổi. Chẳng hề biết rằng mình làm sao đoạn ngay nổi nguyên do sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay cho được? Ngay trong lúc vạn niệm vần vũ chính là lúc để ra sức công phu, [mặc cho] định tâm, tán tâm nhoang nhoáng. Lâu ngày công phu thuần thục, tự nhiên vọng niệm chẳng khởi. Các ông coi những vọng niệm mình nhận biết được đó là nặng, cho nên bèn lơ là câu niệm Phật này. Còn như lúc chẳng niệm Phật, vọng niệm bồng bột tơi bời chẳng ngưng nghỉ trong một sát na nào hết thì các ông làm sao biết được?
* Cổ nhân dạy thân cận minh sư, cầu thiện tri thức, nhưng thật ra thiện tri thức chẳng thể dùng miệng truyền tâm, trao pháp môn bí mật được, họ chỉ giúp người khác gỡ niêm cởi trói. Ðấy chính là “bí mật”!

Nay chỉ tám chữ “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn” chính là pháp môn bí mật để gỡ niêm cởi trói, là đường lớn thênh thênh để thoát sanh tử. Sáng niệm, chiều niệm, đi niệm, ngồi niệm, niệm niệm liên tục tự thành tam-muội, chứ đừng có cầu cái gì khác nữa!

* Tâm vốn chẳng sanh, do duyên hợp mà sanh. Tâm vốn chẳng chết, do duyên tan lìa nên chết. Tựa hồ có sanh tử, nhưng vốn chẳng đến đi. Lãnh hội được điều này thì sanh thuận, tử an, thường tịch, thường chiếu. Nếu như chưa làm được như thế thì hãy nên buông bỏ toàn thân, khăng khăng trì một câu A Di Ðà Phật cầu sanh Tịnh Ðộ. Giả sử các duyên chưa hết, thọ mạng chưa dứt thì càng phải nên niệm Phật, sẽ có lợi ích lớn. Cổ đức bảo: “Pháp môn Niệm Phật là thuật trường sanh của đấng Kim Tiên5”.
* Sanh tử chẳng lìa nhất niệm, thậm chí vạn hạnh dù thế gian hay xuất thế gian đều chẳng lìa khỏi một niệm. Nay dùng cái niệm ấy để niệm Phật thì sẽ thiết tha, gần gũi, tinh chuyên, chơn thật xiết bao? Nếu truy xét chỗ bắt nguồn của cái niệm ấy thì nó chính là tự tánh Di Ðà, chính là ý sang Tây của Tổ Sư. Dù cho chẳng ngộ được, cứ nương theo nguyện lực vãng sanh Cực Lạc, cắt ngang sanh tử, chẳng thọ luân hồi thì rốt cục sẽ đại ngộ!

Xin hãy buông bỏ vạn duyên, trong mười hai thời, niệm niệm khăng khăng thì đấy chính là điều tôi rất mong mỏi.


* Bảy mươi tuổi từ xưa đã hiếm, sống trăm năm có được mấy người! Nay trong lúc tuổi xế chiều đây chính là lúc buông bỏ hoài bão, thấy rõ thế gian hệt như một trường hý kịch, chẳng hề chơn thật. Chỉ còn một câu A Di Ðà Phật để đắp đổi tháng ngày, chỉ lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới làm quê nhà mình: nay ta niệm Phật, mai sau sanh về Tây phương. Còn gì hay hơn, hãy nên vui mừng lớn lao, đừng sanh phiền não!

Giả sử gặp phải chuyện chẳng như ý hãy liền xoay chuyển ý niệm, gấp rút đề cao câu niệm Phật này, hồi quang phản chiếu: ta là người sống trong thế giới của Phật A Di Ðà lẽ nào còn thấy biết như người trong thế gian mà nóng giận, vui vẻ; chỉ nhất tâm niệm Phật. Ðấy chính là pháp môn đại an lạc, đại giải thoát của những người trí huệ.


* Nguyên do của bịnh tật phần nhiều là do sát sanh; bởi thế, ta nên thiên trọng phóng sanh. Bên ngoài càng thêm sám, trong tâm tự hối, công đức rất nhiều. Xin hãy để tâm trống trải, quét sạch hết thảy các duyên. Trong cái tâm rỗng rang đó chỉ niệm một câu A Di Ðà Phật.

Nói niệm Phật đó thì bất tất phải nhếch mép, động lưỡi; chỉ lặng lẽ dùng tâm nhãn phản chiếu từng chữ phân minh, từng câu tiếp nối từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, tâm tâm chẳng hề gián đoạn. Nếu có đau khổ thì cứ nhẫn nại, nhất tâm nghĩ đến câu niệm. Kinh dạy: “Chí tâm niệm Phật một tiếng diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”; bởi thế, công đức niệm Phật rất lớn lao vậy.


* Kẻ học Phật chẳng cần phải trang nghiêm hình dáng, chỉ quý tu hành chơn thật: Hàng tại gia cư sĩ chẳng cần phải áo sồng, khăn đạo. Người còn để tóc có thể mặc thường phục niệm Phật, chẳng nhất thiết phải gõ mõ, đánh trống. Người thích yên tịnh có thể tự lặng lẽ niệm Phật, chẳng nhất thiết phải quây quần lập hội. Người ngại việc cứ tự đóng cửa niệm Phật, chẳng cần phải vào chùa nghe kinh. Người biết chữ có thể tự tuân theo giáo pháp niệm Phật. Ngàn dặm thiêu hương chẳng bằng ngồi yên trong nhà niệm Phật. Cung phụng thầy tà chẳng bằng hiếu thuận mẹ cha niệm Phật. Giao du rộng rãi với bè bạn ma chẳng bằng một thân thanh tịnh niệm Phật. Gởi tiền kho kiếp sau chẳng bằng hiện đời làm phước niệm Phật. Van vái, cầu đảo chẳng bằng hối lỗi sửa mình niệm Phật. Tu học theo kinh sách ngoại đạo chẳng bằng một chữ không biết nhưng niệm Phật. Vô tri bàn xằng lẽ Thiền chẳng bằng ròng chắc, già dặn trì giới, niệm Phật. Mong cầu yêu mỵ linh ứng chẳng bằng chánh tín nhân quả niệm Phật.

Nói tóm lại, đoan chánh tấm lòng, diệt ác thì người niệm Phật như thế gọi là thiện nhân. Nhiếp tâm trừ bỏ tán loạn thì người niệm Phật như thế gọi là hiền nhân. Ngộ tâm đoạn hoặc thì người niệm Phật như thế gọi là thánh nhân.

* Khuyên người cực nhàn hạ hãy niệm Phật: cưới gả đã xong, con cháu đã yên bề gia thất, an nhàn vô sự; đây đúng là lúc nên tận tâm, tận lực mỗi ngày niệm mấy ngàn câu cho đến cả vạn câu.

Khuyên người lúc bận lúc rảnh hãy niệm Phật: xong việc một nửa hay chưa xong, dù bận hay rảnh, tuy chưa cực nhàn, vẫn có thể lúc bận thì lo lắng công việc, lúc rảnh bèn niệm Phật. Mỗi ngày niệm mấy trăm câu, cho đến mấy ngàn câu.

Khuyên người bận rộn cùng cực hãy niệm Phật: siêng lo việc nước, bôn ba gia nghiệp, dẫu chẳng có lúc thảnh thơi, nhưng cần phải dành lấy dịp rảnh rang trong khi bận rộn để niệm Phật. Mỗi ngày sáng sớm hành Thập Niệm cho đến niệm mấy trăm câu trong cả ngày.
* Pháp môn Niệm Phật bất luận nam, nữ, Tăng, tục, quý, hèn, hiền, ngu, không có một ai là chẳng niệm Phật được!

Nếu là người phú quý, của cải dư dả thì đúng là phải niệm Phật.

Nếu là kẻ bần cùng, nhà hẹp, của ít thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu là người có con cháu, việc cúng bái tổ tiên đã có chỗ nhờ cậy thì rất nên niệm Phật.

Nếu là người không con, trơ trọi một thân tự do thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai có con hiếu thuận, yên hưởng con cái phụng dưỡng thì rất nên niệm Phật.

Nếu ai có con ngỗ nghịch, chẳng sanh lòng yêu thương thì thật đúng là phải niệm Phật.

Nếu ai vô bịnh, thân thể khỏe mạnh thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai có bịnh, rất gần cơn vô thường thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai già cả, tháng ngày chẳng còn mấy thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai tuổi trẻ tinh thần sáng suốt thì thật là rất tốt để niệm Phật.

Nếu ai an nhàn, tâm không bị sự gì khuấy động thì thật đúng là nên niệm Phật.

Nếu là người bận rộn, được đôi lúc nhàn rỗi giữa khi bận rộn thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu là người xuất gia, tiêu dao ngoài cõi đời thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu là kẻ tại gia biết cõi đời đúng là nhà lửa thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai thông minh, thông hiểu Tịnh Ðộ thì rất nên niệm Phật.

Nếu là kẻ ngu si, thô lỗ, không làm gì khác nổi thì thật đúng là nên niệm Phật.

Nếu ai trì luật mà Luật lại do Phật chế ra; vì thế, rất nên niệm Phật.

Nếu ai đọc kinh thì kinh là do Phật dạy, càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai tham thiền, do Thiền là tâm Phật nên càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai ngộ đạo thì ngộ cần phải được Phật chứng cho nên càng phải niệm Phật.

Khuyên khắp mọi người hãy cấp bách niệm Phật. Chín phẩm vãng sanh, hoa nở thấy Phật, gặp Phật nghe Pháp, rốt ráo thành Phật mới biết rằng tâm vốn dĩ là Phật.


* Chỉ cần niệm Phật, tôn xưng đã thành quy kính. Sáu chữ, bốn chữ thật chẳng sai khác gì. Có điều là do pháp truyền lâu ngày hóa tệ, biến thành lê thê: khua chiêng, thúc trống, như xướng, như ca, thổn thức, rên siết như gào, như quát; thiên nhĩ nghe thấy chẳng buồn bã hay sao? Nhưng dù là xưng danh một cách hoan hỷ hay nóng nảy cũng vẫn gieo trồng nhân lành, quả báo tương lai chẳng thể nghĩ bàn. Kẻ phàm tình mê muội chứ người trí thì biết rõ!
Каталог: Luan
Luan -> Trung tâM ĐÀo tạo mạng máy tính nhất nghệ 105 Bà Huyện Thanh Quan – 205 Võ Thị Sáu, Q3, tp. Hcm
Luan -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương