NIỆm phật pháp yếU 念佛法要 Cư sĩ Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính sưu tập (惕園毛凌雲敬緝)



tải về 1.38 Mb.
trang14/19
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.38 Mb.
#8425
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

Niệm Phật Dẫn Chứng

Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập


Pháp môn Trì Danh phổ nhiếp thượng căn, trung căn, hạ căn. Các tông Luật, Giáo, Thiền cao siêu, hết thảy pháp Thiên, Viên, Ðốn, Tiệm không một pháp nào là chẳng lưu xuất từ pháp giới này. Hết thảy các hạnh Ðại, Tiểu, Quyền, Thật, không một hạnh nào chẳng quy hoàn pháp giới đây. Vì thế, cả chín giới đều quy hồi, mười phương cùng xưng tán, ngàn kinh cùng xiển dương, vạn luận cùng tuyên thuyết. Phàm trái nghịch với ý kinh thì chính là báng pháp, chẳng được vãng sanh.

Kẻ hậu học căn cơ chậm chạp khó lòng tìm cầu tham cứu nên ở đây tôi trích dẫn những nghĩa lý tinh hoa, giản yếu liên quan đến pháp Trì Danh trong các kinh, luận để họ tùy thời ấn chứng, hòng tránh được lỗi tu mù luyện đui.



1. Trích dẫn kinh Phật Thuyết A Di Ðà

* Từ đây [đi về] phương Tây trải qua mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc. Cõi ấy có Phật hiệu là A Di Ðà, nay hiện đang thuyết pháp. Chúng sanh cõi ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng những điều vui nên [cõi ấy] tên là Cực Lạc.

* Chẳng thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên để được sanh về cõi ấy. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói đến A Di Ðà Phật, [bèn] chấp trì danh hiệu trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm bất loạn thì lúc người ấy lâm chung, A Di Ðà Phật cùng các thánh chúng hiện ra trước mặt. Người ấy lúc mất, tâm chẳng điên đảo liền được vãng sanh cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Ðà… Nếu có chúng sanh nghe lời nói ấy, hãy nên phát nguyện sanh về cõi kia.
* Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh này mà thọ trì và nghe danh hiệu chư Phật thì đều được hết thảy chư Phật hộ niệm, đều được chẳng thối chuyển A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề. Các ông đều phải nên tin lời ta và lời chư Phật đã nói.
Nhận định:
Kinh này khai thị diệu hạnh Trì Danh nên cả Thiền Tông lẫn Tịnh Tông đều dùng cho khóa tụng sớm tối. Sách Tịnh Ðộ Thập Yếu viết:

“Pháp diệu yếu trong Phật pháp không chi bằng Tịnh Ðộ. Pháp diệu yếu trong Tịnh Ðộ không chi hơn được Trì Danh. [Tác phẩm] diệu yếu nói về pháp Trì Danh không gì bằng được kinh A Di Ðà và sách Yếu Giải của ngài Linh Phong”.

Sách Yếu Giải nhận định: “Tín nguyện chấp trì danh hiệu một tiếng ắt đã đầy đủ thiện căn, phước đức. Chẳng luận là xuất gia hay tại gia, sang, hèn, già, trẻ, sáu đường, bốn loài chỉ nghe được danh hiệu Phật thì đã là thiện căn nhiều kiếp thành thục. Ngũ nghịch, thập ác cũng đều gọi là thiện nam nữ vậy.

A Di Ðà Phật là vạn đức hồng danh, dùng danh để chiêu cảm đức thì không đức nào là chẳng gồm thâu trọn vẹn hết. Vì thế, lấy Trì Danh làm Chánh Hạnh, chẳng cần phải lạm dùng các hạnh Quán Tưởng, Tham Cứu v.v… thật là giản dị nhất, thẳng tắt nhất. Nghe rồi tin, tin rồi nguyện mới chịu chấp trì. Chấp trì thì trong mỗi niệm nhớ đến danh hiệu Phật, nhưng lại có Sự Trì và Lý Trì.

Sự Trì là tin có đức A Di Ðà Phật ở Tây Phương, dẫu chưa thấu đạt nổi tâm này là Phật nhưng vì quyết chí nguyện cầu sanh cho nên lúc nào cũng như con nhớ mẹ, không lúc nào tạm quên.

Lý Trì là tin đức Tây Phương A Di Ðà Phật tâm ta sẵn có, là do tâm ta tạo, dùng ngay cái hồng danh tâm ta sẵn có, do tâm ta tạo thành ấy để làm cảnh ràng buộc cái tâm chẳng cho tạm quên.

Bất luận là Sự Trì hay Lý Trì, trì cho đến tiêu sạch phiền não, thậm chí đoạn trước được Kiến Hoặc và Tư Hoặc thì đều là Sự Nhất Tâm. Chẳng bị Kiến Hoặc và Tư Hoặc nhiễu loạn nên cảm được thân Biến Hóa của Phật và các thánh chúng hiện ra trước mặt. Trong tâm chẳng còn khởi lên ba cõi điên đảo trong thế giới Sa Bà nên vãng sanh trong hai cõi Ðồng Cư và Phương Tiện của thế giới Cực Lạc.

Bất luận là Sự Trì hay Lý Trì, trì cho đến khi tâm khai ngộ thấy được đức Phật trong bản tánh thì đều là Lý Nhất Tâm. Chẳng bị Nhị Biên làm loạn nên cảm được thân Thọ Dụng của Phật và các thánh chúng hiện ra trước mặt, tâm chẳng còn khởi lên sanh tử, Niết Bàn, nhị kiến điên đảo nên vãng sanh trong hai cõi Thật Báo và Tịch Quang của thế giới Cực Lạc”.

Ðoạn văn trên đủ để chứng minh rằng tín nguyện vãng sanh nhất định sanh về Cực Lạc!


2. Lược dẫn Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh
* Trong kiếp lâu xa về đời quá khứ, Ðịnh Quang Như Lai xuất thế, lần lượt đến đức Phật thứ năm mươi ba tên là Thế Tự Tại Vương. Lúc bấy giờ có quốc vương nghe Phật thuyết pháp, tấm lòng vui sướng bèn bỏ nước xuất gia, hiệu là tỳ kheo Pháp Tạng. Phật vì ông ta giảng rộng hai trăm mười ức cõi Phật: trời, người thiện ác; quốc độ thô diệu. Nghe xong, ông đều thấy rõ nên phát đại thệ nguyện:

- Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa muốn sanh về cõi tôi, dẫu chỉ mười niệm mà nếu chẳng được sanh thì tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác; chỉ trừ kẻ ngũ nghịch, phỉ báng Chánh Pháp.

Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh phát Bồ Ðề tâm, tu các công đức, chí tâm phát nguyện muốn sanh về cõi tôi. Lúc người ấy hết tuổi thọ, nếu như tôi chẳng cùng đại chúng vây quanh hiện ra trước người ấy thì tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác.

Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi, hệ niệm cõi tôi, trồng các cội lành, chí tâm hồi hướng muốn sanh về cõi tôi mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác...

Phát ra bốn mươi tám nguyện như thế xong, một dạ chuyên chí trang nghiêm cõi Phật, an lập chúng sanh, trụ trong đạo Vô Thượng Chánh Chơn. Nay ngài đã thành Phật, hiện đang ở thế giới Cực Lạc bên Tây Phương, hiệu là Vô Lượng Thọ Phật.

Nghe đến danh hiệu ngài, tín tâm hoan hỷ, thậm chí một niệm chí tâm hồi hướng nguyện sanh về cõi ấy thì liền được vãng sanh, trụ Bất Thối Chuyển.


* Chư thiên, nhân dân trong mười phương thế giới, những ai chí tâm nguyện sanh về cõi ấy thì nói chung là có ba bậc:

a. Bậc thượng là hạng bỏ nhà, buông dục để làm Sa Môn, phát Bồ Ðề tâm, một lòng chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật, tu các công đức nguyện sanh về cõi ấy. Hạng chúng sanh này lúc tuổi thọ sắp hết, Vô Lượng Thọ Phật và các đại chúng hiện ra trước mặt, liền theo đức Phật sanh về cõi ngài, tự nhiên hóa sanh trong hoa bảy báu, trụ Bất Thối Chuyển, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại.

b. Bậc trung là hạng tuy chẳng thể làm Sa Môn, nhưng tu các công đức lớn lao, phải phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, một dạ chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật, tu thiện ít nhiều, phụng trì trai giới, dựng tháp tạo tượng, đãi cơm Sa Môn, treo phan, thắp đèn, rải hoa, đốt hương. Ðem những điều ấy hồi hướng nguyện sanh về cõi ấy thì người ấy lúc lâm chung, Vô Lượng Thọ Phật hóa hiện thân mình, quang minh tướng hảo đầy đủ như đức Phật thật, cùng các đại chúng hiện ra trước người ấy. Người ấy liền theo hóa Phật sanh về cõi kia, trụ Bất Thối Chuyển; công đức trí huệ kém hơn bậc thượng.

c. Bậc hạ là hạng giả sử chẳng thể làm các công đức, nhưng nên phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, một bề chuyên niệm, thậm chí thập niệm, niệm Vô Lượng Thọ Phật nguyện sanh về cõi kia. Nếu nghe pháp sâu xa sẽ hoan hỷ tin ưa, chẳng sanh ngờ vực; thậm chí một niệm niệm đức Phật ấy, dùng tâm chí thành nguyện sanh cõi kia. Người ấy lâm chung, mộng thấy đức Phật cũng được vãng sanh, công đức trí huệ kém hơn bậc trung.

* Trong đời tương lai, kinh đạo diệt hết. Do lòng từ mẫn, ta riêng lưu lại kinh này tồn tại trăm năm. Nếu có chúng sanh gặp được kinh này, tùy theo sở nguyện đều được độ thoát.
Nhận định:
Kinh này rộng giảng về hạnh nguyện của Phật A Di Ðà khi ngài còn đang tu nhân, y báo, chánh báo trang nghiêm và ba bậc vãng sanh đều lấy việc chuyên niệm làm Chánh Hạnh. Cuối kinh, Phật dạy trong tương lai khi kinh diệt hết, chỉ còn mình kinh này tồn tại trăm năm.

Kinh Ðại Tập chép: “Qua khỏi thời gian đó, kinh Vô Lượng Thọ cũng mất, Phật Pháp hoàn toàn biến mất. Chỉ trừ bốn chữ A Di Ðà Phật rộng độ quần sanh”. Há chẳng phải là pháp môn Trì Danh hạ thủ rất dễ mà lại nhiếp khắp các căn cơ, nhập đạo ổn thỏa mà hiệu quả mau chóng hay chăng? Ðủ chứng tỏ rằng càng về sau, pháp này càng khế hợp căn cơ vậy!


3. Trích dẫn Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh
* Muốn sanh sang cõi ấy nên tu ba phước:

1. Một là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp.

2. Hai là thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi.

3. Ba là phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa, khuyến khích hành giả.

Ba sự như vậy gọi là Tịnh nghiệp, là chánh nhân Tịnh nghiệp của tam thế chư Phật.

* Chư Phật Như Lai là Pháp Giới Thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Vì thế, lúc tâm các ông tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo. Tâm này là Phật, tâm này làm Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật sanh từ tâm tưởng.

* Thượng Phẩm Thượng Sanh là nếu có chúng sanh nguyện sanh về cõi ấy, phát ba thứ tâm thì liền được vãng sanh: Một là chí thành tâm, hai là thâm tâm, ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Ðủ cả ba tâm ấy ắt sanh về nước ấy.

Lại có ba hạng chúng sanh sẽ được vãng sanh:

- Một là từ tâm bất sát, đầy đủ các giới hạnh.

- Hai là đọc tụng kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng.

- Ba là tu hành lục niệm, hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy.

Ðầy đủ các công đức này từ một ngày cho đến bảy ngày sẽ được vãng sanh. Lúc sanh trong cõi ấy, do người này dũng mãnh, tinh tấn nên A Di Ðà Như Lai và Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí, vô số Hóa Phật, trăm ngàn tỳ kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, cung điện bảy báu [đều hiện đến]. Quán Thế Âm Bồ Tát cầm đài kim cang cùng với Ðại Thế Chí Bồ Tát đến trước hành giả. A Di Ðà Phật phóng đại quang minh chiếu thân hành giả; các vị Bồ Tát đưa tay nghênh tiếp, tán thán hành giả, khích lệ tâm người ấy. Hành giả thấy xong, hoan hỷ, hớn hở, thấy thân mình nương đài kim cang theo sau đức Phật. Như trong khoảng khảy ngón tay, sanh về cõi kia.

Sanh cõi kia rồi, thấy đầy đủ các tướng nơi sắc thân Phật, thấy đầy đủ sắc tướng của các Bồ Tát, quang minh, rừng báu diễn thuyết diệu pháp. Nghe xong liền ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn; trong vòng khoảnh khắc, đến phụng sự các đức Phật, đi khắp các cõi trong mười phương. Ở trước chư Phật, lần lượt được thọ ký. Trở về cõi mình đắc vô lượng trăm ngàn đà ra ni môn. Ðấy gọi là Thượng Phẩm Thượng Sanh.
* Thượng Phẩm Trung Sanh thì bất tất phải thọ trì, đọc tụng kinh điển Phương Ðẳng, khéo hiểu nghĩa lý. Ðối với Ðệ Nhất Nghĩa, tâm chẳng kinh động. Tin sâu nhân quả, chẳng báng Ðại Thừa. Dùng công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc. Thực hành hạnh ấy thì lúc lâm chung, A Di Ðà Phật và Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí, vô lượng đại chúng, quyến thuộc vây quanh, cầm đài tử kim đến trước hành giả, khen ngợi:

- Pháp tử! Ông hành Ðại Thừa, hiểu Ðệ Nhất Nghĩa. Vì vậy, ta nay đến đón ông.

Và một ngàn hóa Phật đồng thời đưa tay ra. Hành giả tự thấy ngồi trên đài tử kim, chắp tay khen ngợi chư Phật. Như trong khoảng một niệm, liền sanh trong ao thất bảo nơi cõi ấy. Ðài tử kim ấy như đóa hoa báu lớn, qua một đêm mới nở. Thân hành giả biến thành màu giống vàng ròng đã được giồi mài, dưới chân cũng có hoa sen bảy báu. Phật và Bồ Tát đồng thời phóng quang chiếu thân hành giả; mắt [hành giả] liền được mở sáng.

Do đã quen tu tập từ trước, hành giả sẽ nghe tất cả các thứ tiếng thuần nói Ðệ Nhất Nghĩa Ðế rất sâu; liền bước xuống kim đài lễ Phật, chắp tay, tán thán Thế Tôn. Qua bảy ngày sau sẽ liền đắc bất thối chuyển nơi A Nậu Ða La Tam Miểu Tam Bồ Ðề. Ngay khi đó, sẽ có thể bay đi qua khắp mười phương thờ khắp chư Phật. Ở chỗ chư Phật tu các tam muội. Qua một tiểu kiếp sẽ đắc Vô Sanh Nhẫn, hiện tiền thọ ký. Ðấy gọi là Thượng Phẩm Trung Sanh.

* Thượng Phẩm Hạ Sanh là hạng cũng tin nhân quả, chẳng báng Ðại Thừa, chỉ phát Vô Thượng Ðạo Tâm. Dùng công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc. Lúc hành giả lâm chung, A Di Ðà Phật và Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí cùng các Bồ Tát cầm hoa sen vàng, hóa hiện năm trăm vị Phật đến đón người ấy. Năm trăm vị Hóa Phật đồng thời xòe tay, khen rằng:

- Pháp tử! Ông nay phát Vô Thượng Ðạo Tâm thanh tịnh, ta đến đón ông.

Hành giả liền thấy mình ngồi trên hoa sen vàng. Ngồi xong, chắp tay, theo sau Thế Tôn, liền được vãng sanh trong ao thất bảo. Qua một ngày một đêm hoa sen mới nở. Trong vòng bảy ngày mới được thấy Phật. Tuy thấy thân Phật nhưng đối với các tướng hảo, tâm chẳng nhận biết rõ. Hai mươi mốt ngày sau, mới thấy rành rẽ. Hành giả nghe các âm thanh đều diễn diệu pháp. Ði qua khắp mười phương cúng dường chư Phật. Ở trước chư Phật nghe pháp rất sâu. Qua ba tiểu kiếp, chứng đắc bách pháp minh môn, trụ Hoan Hỷ Ðịa. Ðây gọi là Thượng Phẩm Hạ Sanh.

Ðó gọi là phép Quán Tưởng bậc thượng vãng sanh, là pháp quán thứ mười bốn.


* Trung Phẩm Thượng Sanh là nếu có chúng sanh thọ trì Ngũ Giới, trì Bát Trai Giới, tu hành các giới, chẳng tạo Ngũ Nghịch, không có các lầm lỗi. Dùng thiện căn ấy hồi hướng nguyện cầu sanh trong thế giới Cực Lạc thì lúc lâm chung, A Di Ðà Phật và các tỳ kheo quyến thuộc vây quanh, phóng kim sắc quang chiếu đến chỗ người ấy, diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, khen ngợi hạnh xuất gia được lìa các khổ.

Hành giả thấy thế tâm hoan hỷ lớn, tự thấy thân mình ngồi trên đài hoa sen, quỳ dài, chắp tay làm lễ đức Phật. Lúc chưa ngẩng đầu lên đã được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Hoa sen sẽ dần nở. Lúc hoa sen nở, sẽ nghe các âm thanh khen ngợi Tứ Ðế. Ngay khi đó, hành giả liền đắc đạo A La Hán, tam minh, lục thông, đầy đủ tám giải thoát. Ðấy gọi là Trung Phẩm Thượng Sanh.


* Trung Phẩm Trung Sanh là nếu có chúng sanh trong vòng một ngày một đêm trì Bát Trai Giới, hoặc một ngày một đêm trì giới Sa Di, hoặc một ngày một đêm trì Cụ Túc Giới, chẳng khuyết oai nghi. Dùng công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc, giới hương huân tu. Tu hành như thế thì lúc lâm chung thấy A Di Ðà Phật và các quyến thuộc phóng kim sắc quang, cầm hoa sen bảy báu đến trước hành giả. Hành giả tự nghe trên không trung có tiếng khen ngợi:

- Thiện nam tử! Người lành như ông tùy thuận lời dạy của tam thế chư Phật nên ta đến đón ông.

Hành giả thấy mình ngồi trên hoa sen, hoa sen liền khép lại, sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới trong ao báu. Qua bảy ngày sau, hoa sen mới nở. Hoa đã nở rồi, mở mắt, chắp tay, khen ngợi Thế Tôn. Hành giả nghe pháp hoan hỷ, đắc Tu Ðà Hoàn. Sau nửa kiếp mới thành A La Hán. Ðấy gọi là Trung Phẩm Trung Sanh.
* Trung Phẩm Hạ Sanh là nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân hiếu dưỡng phụ mẫu, tu hạnh nhân từ theo thế gian. Người ấy khi sắp mạng chung gặp thiện tri thức vì mình rộng giảng những sự thuộc về cõi Phật A Di Ðà và cũng nói đến bốn mươi tám nguyện của tỳ kheo Pháp Tạng. Nghe sự ấy xong, người ấy liền mạng chung. Ví như trong khoảng thời gian tráng sĩ co duỗi cánh tay, liền sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Qua bảy ngày sau mới gặp Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí, nghe pháp hoan hỷ, đắc Tu Ðà Hoàn. Qua một tiểu kiếp mới thành A La Hán. Ðấy gọi là Trung Phẩm Hạ Sanh,

Ðây gọi là phép quán bậc Trung vãng sanh, là phép quán thứ mười lăm.


* Hạ Phẩm Thượng Sanh là nếu như có chúng sanh làm các nghiệp ác, tuy chẳng phỉ báng kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng, nhưng gây nhiều pháp ác chẳng hề thẹn hổ. Lúc mạng sắp dứt, gặp thiện tri thức giảng cho tựa đề, danh tự của mười hai thể loại kinh Ðại Thừa. Do nghe tên các kinh như thế, trừ được ác nghiệp rất nặng trong ngàn kiếp. Người trí lại dạy chắp tay, xưng “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Do xưng danh hiệu Phật nên trừ được tội trong năm mươi ức kiếp sanh tử. Lúc bấy giờ, đức Phật kia liền sai Hóa Phật, Hóa Quán Thế Âm và Hóa Ðại Thế Chí đến trước hành giả, khen rằng:

- Thiện nam tử! Do ông xưng danh hiệu Phật nên các tội tiêu diệt, ta đến đón ông.

Nói lời ấy xong, hành giả liền thấy quang minh của Hóa Phật ngập tràn nhà mình. Thấy xong, hoan hỷ liền xả mạng, cưỡi hoa sen báu theo sau Hóa Phật, sanh trong ao báu. Qua bốn mươi chín ngày, hoa sen mới nở. Trong lúc hoa nở, Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát và Ðại Thế Chí Bồ Tát phóng đại quang minh, đứng trước người ấy giảng cho mười hai bộ kinh rất sâu. Nghe xong, người ấy tin hiểu phát Vô Thượng Ðạo Tâm. Qua mười tiểu kiếp mới đầy đủ bách pháp minh môn, được nhập Sơ Ðịa. Ðấy gọi là Hạ Phẩm Thượng Sanh.
* Hạ Phẩm Trung Sanh là nếu có chúng sanh hủy phạm Ngũ Giới, Bát Giới và Cụ Túc Giới. Kẻ ngu như thế lấy trộm của Tăng Kỳ và vật của hiện tiền Tăng, bất tịnh thuyết pháp chẳng hề thẹn hổ; dùng các nghiệp để tự trang nghiêm. Kẻ tội như thế do ác nghiệp đáng đọa địa ngục; lúc sắp chết các thứ lửa địa ngục đồng thời hiện ra, gặp thiện tri thức do lòng đại bi giảng vì kẻ ấy khen nói thập lực oai đức của Phật A Di Ðà, rộng khen ngợi quang minh, thần lực của đức Phật ấy và cũng khen ngợi Giới, Ðịnh, Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến.

Người ấy nghe xong, trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử; lửa dữ địa ngục trở thành gió trong mát, thổi các hoa trời. Trên mỗi hoa đều có Hóa Phật và Hóa Bồ Tát đón tiếp người ấy. Như trong khoảng một niệm, liền được sanh về trong hoa sen nơi ao bảy báu. Qua sáu kiếp, hoa sen mới nở. Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí dùng tiếng Phạm Âm an ủi kẻ đó, giảng cho kinh điển Ðại Thừa rất sâu. Nghe pháp ấy xong, ngay khi đó liền phát Vô Thượng Ðạo Tâm. Ðấy gọi là Hạ Phẩm Trung Sanh.


* Hạ Phẩm Hạ Sanh là nếu có chúng sanh làm điều chẳng lành, ngũ nghịch, thập ác, đủ những việc bất thiện. Người ngu như thế do ác nghiệp nên đáng đọa ác đạo trải qua nhiều kiếp, thọ khổ vô cùng. Người ngu như thế lúc lâm chung, gặp thiện tri thức an ủi đủ cách, giảng cho diệu pháp, dạy hãy niệm Phật. Người ấy bị các nỗi khổ bức bách, chẳng yên tâm niệm Phật. Thiện hữu bảo rằng:

- Nếu ngươi chẳng thể niệm Phật thì hãy nên xưng Vô Lượng Thọ Phật!

Chí tâm như thế khiến cho tiếng niệm chẳng dứt, đầy đủ mười niệm xưng Nam Mô A Di Ðà Phật. Do vì xưng danh nên trong mỗi niệm, trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Lúc mạng chung, thấy hoa sen vàng như vầng mặt trời dừng trước người ấy. Như trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Ở trong hoa sen trọn mười hai đại kiếp thì hoa sen mới nở. Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí dùng âm thanh đại bi vì người ấy giảng rộng Thật Tướng của các pháp, trừ diệt tội pháp. Nghe xong hoan hỷ, ngay lập tức phát Vô Thượng Ðạo Tâm. Ðấy gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh.

Ðấy là phép quán bậc hạ vãng sanh, là phép quán thứ mười sáu.


Nhận định:
Kinh này trước hết giảng rõ ba phước là chánh nhân của Tịnh nghiệp, phát ba tâm liền được vãng sanh; cuối kinh giảng rõ về nhân quả của chín phẩm vãng sanh là để người nghiệp chướng nặng nề lấy Xưng Danh làm Chánh Hạnh. Do vì Xưng Danh trừ được tội trong nhiều kiếp nên liền được vãng sanh. Sách Long Thư Tịnh Ðộ Văn nhận định:

Chí thành tâm là chí thành quy hướng, không hề cẩu thả.



Kiên cố tâm là kiên cố tu hành tinh tấn, chẳng thối chuyển.

Thâm tâm là dụng tâm sâu xa, thấu đạt tận cùng Tịnh Ðộ như mò đáy biển tìm ngọc.

Tam thế chư Phật và pháp giới chúng sanh đều do tâm tạo. Tâm ta như thế thì lẽ nào chẳng đạt được Thượng Phẩm Thượng Sanh?”

Tổ Linh Phong dạy: “Quán Kinh chuyên dạy cách quán tưởng, nhưng tâm lực kẻ phàm phu chẳng thể lãnh hội nổi phép quán thù thắng. Vì thế, trong phép quán thứ mười sáu, kinh đại khai pháp môn Xưng Danh thì biết rằng: căn cơ con người tuy độn nhưng danh tự của Vô Lượng Thọ chưa bao giờ chẳng phải là ‘tâm này làm Phật, tâm này là Phật’. Bởi vậy cứ xưng danh chẳng nhọc lòng quán tưởng”.

Tâm làm Phật tức là tâm tưởng niệm. Ấn Quang Ðại Sư dạy: “Phép quán chín phẩm chẳng qua chỉ là để cho người ta biết nhân quả vãng sanh đó thôi. Chỉ cần hiểu rõ là được, bất tất phải tu quán! Xin hãy nhất tâm trì danh cho đến khi tâm quy về một mối thì tịnh cảnh tự khắc sẽ hiện tiền!”

Về việc kinh chẳng nói xưng danh đủ mười lượt mà chỉ nói là mười niệm, cư sĩ Dương Nhân Sơn giảng: “Lúc xưng danh nhất tâm chuyên tinh, không có niệm nào khác xen tạp, gián đoạn, chỉ có ý niệm xưng danh. Mười niệm tiếp nối liền được vãng sanh”.

Ðiều này đủ chứng tỏ rằng chúng sanh đời mạt đa số nghiệp sâu chướng nặng, phải nên phát ra ba tâm, già dặn, chắc thật xưng danh và tùy duyên kiêm tu một hoặc hai thứ phước, hoặc tu đủ cả ba phước hồi hướng Tịnh Ðộ để mong phẩm vị được cao hơn.
4. Trích dẫn kinh Ðại Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm, chương Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông
Con nhớ trong hằng hà sa kiếp xưa có đức Phật tên là Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con Niệm Phật Tam Muội.

Ví như có người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên. Hai người như thế dù là gặp gỡ cũng như chẳng gặp, hoặc là thấy nhau cũng như là chẳng thấy. Hai người nhớ nhau thì hai người càng nhớ nghĩ sâu xa. Cứ như thế từ đời này sang đến đời khác giống như hình bóng chẳng hề xa rời nhau.

Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn, mẹ dẫu nhớ vẫn chẳng làm gì được! Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con; mẹ con đời đời chẳng hề xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì trong hiện tại hoặc trong tương lai, nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa, chẳng nhọc phương tiện tự được tâm khai...

Lúc con tu nhân, dùng tâm niệm Phật nhập Vô Sanh Nhẫn. Nay trong cõi này, nhiếp người niệm Phật quy về Tịnh Ðộ. Phật hỏi pháp Viên Thông, con chẳng chọn lựa. Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa; ấy là bậc nhất.


Nhận định:
Kinh này dạy về pháp Niệm Phật Viên Thông: nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối; xoay về một mối, chẳng còn bị sáu thức sai sử nữa. Ấn Quang đại sư cho rằng đây là:

Phương pháp dụng công niệm Phật tuyệt diệu nhất. Nhiếp trọn sáu căn tức là: Tâm niệm Phật chuyên chú vào danh hiệu Phật chính là thâu nhiếp ý căn. Miệng niệm Phật sao cho rành rẽ, rõ ràng chính là thâu nhiếp thiệt căn. Tai nghe sao cho rành mạch, rõ ràng chính là thâu nhiếp nhĩ căn. Ba căn này đã gom về câu Phật hiệu thì mắt quyết chẳng thể nhìn loạn xạ. Lúc niệm Phật mắt nên cụp xuống, tức là ánh mắt nhìn xuống, đừng mở to mắt. Mắt đã nhiếp thì mũi quyết chẳng thể ngửi xằng, tức là tỵ căn cũng bị nhiếp. Thân phải cung kính tức là thân căn cũng bị nhiếp.



Sáu căn đã nhiếp thì chẳng tán loạn nên tâm cũng không có vọng niệm. Ðấy mới là tịnh niệm. Nếu nhiếp được cả sáu căn mà niệm thì gọi là ‘tịnh niệm tiếp nối’. Nếu thường có thể giữ được tịnh niệm tiếp nối như thế thì Nhất Tâm Bất Loạn và Niệm Phật Tam Muội đều sẽ có thể dần dần đạt được.

Tam Ma Ðịa là tên gọi khác của Tam Muội, Hán dịch là Chánh Ðịnh, cũng dịch là Chánh Thọ. Chánh Ðịnh nghĩa là tâm an trụ trong Phật hiệu, chẳng còn ruổi chạy theo bên ngoài. Chánh Thọ nghĩa là chỗ mình nhận lấy chỉ duy nhất là cảnh duyên công đức của Phật hiệu, không còn hết thảy các cảnh duyên nào khác!”

Ðiều này đủ chứng tỏ: Do ức niệm Phật hiệu, nhất định sẽ thấy Phật, tâm tự được khai ngộ.


5. Trích dẫn kinh A Di Ðà Cổ Âm Thanh Vương Ðà Ra Ni
Tây Phương An Lạc thế giới hiện đang có Phật hiệu A Di Ðà. Nếu có tứ chúng có thể chơn chánh thọ trì danh hiệu Phật ấy, tấm lòng kiên cố, nhớ nghĩ chẳng quên, trong vòng mười ngày mười đêm trừ bỏ tán loạn, siêng năng tinh chuyên tu tập Niệm Phật Tam Muội. Nếu có thể giữ tâm sao cho niệm niệm chẳng dứt thì trong vòng mười ngày nhất định được thấy đức Phật A Di Ðà ấy và thấy các đức Như Lai trong mười phương thế giới và chỗ ở của các ngài. Chỉ trừ hạng chướng nặng, độn căn, trong khoảng thời gian ngắn chưa thể thấy được [thì cứ đem] hết thảy các thiện đều hồi hướng nguyện được vãng sanh thế giới An Lạc. Ðến ngày lâm chung, A Di Ðà Phật và các đại chúng hiện trước người ấy an ủi, khen ngợi, người ấy liền được vãng sanh.
Nhận định:
Theo kinh này trì danh mười ngày chẳng ngớt thì có thể thấy được Phật. Nếu là người chướng nặng, độn căn tuy nay chưa được thấy Phật, nhưng cứ hồi hướng nguyện sanh thì lúc lâm chung ắt sẽ được thấy, liền được vãng sanh. Ðiều này chứng tỏ trong ba thứ tư lương Tín - Nguyện - Hạnh, phải dùng Nguyện để dẫn đường.
6. Trích dẫn kinh Xưng Dương Chư Phật Công Ðức
Nếu có ai được nghe tên của Vô Lượng Thọ Như Lai mà nhất tâm tin ưa, trì tụng, phúng niệm, khởi lên vô lượng hoan hỷ rộng xa, an lập ý mình khiến cho lòng tin chắc chắn, chân thật mười vạn ức phần, niệm đức Như Lai ấy thì kẻ đó sẽ được vô lượng phước, sẽ vĩnh viễn xa lìa nạn tam đồ. Sau khi mạng chung đều sẽ vãng sanh về cõi đức Phật ấy. Lúc sắp lâm chung, nhất tâm tin ưa, niệm chẳng quên bỏ thì A Di Ðà Phật dẫn các tỳ kheo Tăng đứng trước mặt, Ma trọn chẳng thể hủy hoại tâm chánh giác của những người ấy.

Nếu ai vào lúc tối hậu, nghe nói đến danh hiệu của A Di Ðà Như Lai, khen ngợi rồi tin tưởng chẳng hồ nghi, dùng tâm tương kính, dốc lòng niệm ngài như nghĩ đến mẹ, tất cả những người ấy sẽ được thỏa mãn các nguyện nơi cõi đức Phật ấy. Còn kẻ nào chẳng tin tưởng, khen ngợi, xưng dương công đức của danh hiệu Phật A Di Ðà lại còn báng hủy thì trong năm kiếp phải đọa địa ngục, chịu đủ các khổ.


Каталог: Luan
Luan -> Trung tâM ĐÀo tạo mạng máy tính nhất nghệ 105 Bà Huyện Thanh Quan – 205 Võ Thị Sáu, Q3, tp. Hcm
Luan -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương