Nội dung số này


HẠt BỒ ĐỀ Tìm Trong Lá Dâu Xanh



tải về 1.29 Mb.
trang8/12
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.29 Mb.
#24073
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12

HẠt BỒ ĐỀ

Tìm Trong Lá Dâu Xanh


Có tu học! cái đơn sơ bỗng trở thành thánh thiện.
Hạt Bồ đề tìm trong lá dâu xanh
Cái mỏng manh trở nên bất diệt
Có diệt đâu hay bàng bạc muôn phương?
Như một lẽ vô thường chợt ngộ
Âm thanh nào lặng lẽ giữa hư không
Mái tóc trong gió ngàn hoang dã
Nằm chết dần không tiếng khóc tiễn đưa.
Ôi những hy sinh nơi rừng sâu núi thẳm,
Hay bỏ mình trên biển cả mênh mông.
Anh có chết nhưng khí hùng nào chết?
Thân xác nào viết dòng sử Lạc Long.
Có tu học! cái đơn sơ bỗng trở thành thánh thiện.
Ôi cái hay, cái đẹp “Nước có nguồn”
Thiện mỹ nào hơn nếp đẹp “Người có Tông”?
Hãy tìm thấy Giang Sơn trong chiếc lá!

TÂM THƯỜNG ĐỊNH





MÂY NON ÔM MẢNH TRĂNG THU


Thu vàng khắp chốn Ta bà
người cười, ngủ giấc sơn hà bao la
mây non say giấc đỉnh son
lấy mây làm gối, lấy trời làm chăn


Lá thu ôm mộng hư không
Mười phương dung chứa rỗng không chan hoà
rọi soi từng buổi đêm thâu
vòng quanh, rồi lại một vòng chân không
 
Rồi mùa thu đổi lá thu
thấy thu lại thấy những mùa giao duyên
lá vàng rồi thấy lá khô
cành trơ lại thấy nụ hồng điểm hoa


Ồ người say ngủ miên trường
Trong mơ có ủ hư vô làm nhà
Tâm son rộn rã tấm lòng
đời người biết mộng, “chân” không vẫn vào


Xưa người ôm một vầng trăng
chở trăng, mong rải ánh vàng muôn phương
nay, xin người chở chân tâm
nụ hương bi nở, trí mầm trổ hoa


Giọt không là chất nhiệm mầu
trụ tâm một cõi, xót xa phận người
tâm không thì trở về không
ánh vàng hương toả, một vầng trăng non…

CƯ SĨ LIÊN HOA



Ngày Anniversary 
09.10. 2007




QUÊ NHÀ THẬT XA


Trần Khải



Chỉ cần rời quê nhà vài năm, chúng ta dễ dàng trở thành kẻ lạ. Nhất là khi chúng ta là những người vượt thoát khỏi chế độ cộng sản. Cảm xúc này không riêng cho người Việt tị nạn, mà còn cho cả những người Tây Tạng lưu vong. Chỉ vài năm thôi, quê nhà đã trở thành sương khói. Và có thêm những điều thương tâm đặc biệt cho dân tộc Tây Tạng: trong khi văn hóa Tây Tạng bị xóa sổ dần, thì đang dân số lại bị dân Hán tộc đồng hóa thô bạo.

Nơi đây sẽ lược dịch bài viết "Returning Home in Tibet”(Thăm Quê Nhà Ở Tây Tạng) trên trang mạng phayul.com ngày 11-10-2007, của phóng viên Tenzin Choephel ghi lại chuyến về thăm Tây Tạng của cô Palzom (tên đã thay đổi). Cô trốn thoát Tây Tạng năm 2000, và gần đây là lần đầu về thăm Tây Tạng.

Một phụ nữ Tây Tạng, trong lứa tuổi cuối 20s, hiện sống ở Kathmandu (Nepal) đã về thăm Quận Dege, thuộc tỉnh Kham ở phía đông Tây Tạng, tháng trước đã về thăm gia đình cô sau 7 năm xa nhà. Như nhiều người Tây Tạng trốn khỏi Tây Tạng mà không giấy tờ hợp pháp mỗi năm vẫn đào thoát để ra hải ngoại tìm cơ hội học cao hơn, cô Palzom (tên đổi theo yêu cầu) đã thoát khỏi Tây Tạng tháng 6-2000, và được cơ hội học ba năm ở trường Sogar tại Dharamsala, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt bản doanh chính phủ lưu vong.

Theo lời cô kể, để thăm Tây Tạng, bạn phải nộp đơn xin giấy phép ở Tòa Đại Sứ Trung Quốc tại Kathmandu, kể chi tiết về gia đình của bạn ở Tây Tạng. Sau khi xác minh từ giới chức địa phương ở Tây Tạng nói đúng là có quan hệ gia đình, sứ quán TQ cấp một giấy nhập cảnh thời hiệu hai năm để đi lại trong Tây Tạng. Sau khi vào Tây Tạng, bạn cần ghi danh ở Trung Tâm Đón Tiếp  tại thị trấn biên giới Dram, rồi tại Lhasa và cuối cùng tại quận nhà. Palzom nói những người ở Trung Tâm Đón Tiếp rất nồng nhiệt và giúp đỡ, nhưng cô nghi ngờ động cơ của họ.

Palzom tới Lhasa vào Chủ Nhật và may mắn là Chùa Jokhang, một trong các ngôi chùa linh thiêng nhất ở Tây Tạng, mở cửa cho du khách ngày kế tiếp. Sau đó cô mới biết chùa này chỉ mở cửa cho công chúng các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu và chỉ từ 7AM tới 11AM thôi.

Palzom nói, "Nếu có tự do tôn giáo ở Tây Tạng, Jokhang nên mở cửa hàng ngày để cho dân Tây Tạng vào cầu nguyện tự do bất cứ lúc nào họ thích."

Sau khi ở ba ngày ở Lhasa, Palzom về nhà ở Quận Dege. Bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Tạng trên đường đi, cô nói, "Tôi thắc mắc không rõ có nơi nào trên thế giới đẹp hơn Tây Tạng hay không."

Cô thấy quận nhà Dege đã biến đổi nhiều về hạ tầng kiến trúc: ngày xưa cô mất 6 ngày để đi từ Lhasa về Dege, bây giờ chỉ mất một ngày rưỡi.

Palzom nói, trước khi cô rời Dege thì dân nơi đó hầu hết là nông dân và du mục, và sống cuộc đời đơn sơ, nhưng bây giờ hầu như không ai làm nghề nông và nuôi gia súc nữa. Cô được dân kể là theo chính sách đồn điền hóa và phải tàn sát toàn bộ gia súc nhằm bảo vệ môi sinh, và để ngăn cản nạn lụt ở lục địa Trung Quốc.

Đời sống dân Tây Tạng biến đổi vô lượng từ đó. Nếp sống đồng cỏ và nghề nông bị xóa bỏ hoàn toàn, và dân bây giờ phải sống gần như hoàn toàn bằng việc đi tìm dược thảo như loại Yartsa Gunbu [tên khoa học: Cordyceps sinensis], hay làm thợ xây cất, trong khi tiền chính phủ bồi thường khi tịch thu các thửa ruộng và đồng cỏ hầu hết đã xài trong hai năm là cạn. Loại dược thảo Yartsa Gonbu (Summer-grass Winter-worm) mọc hoang ở Tây Tạng và dùng làm thuốc Bắc ở đông y truyền thống kiểu Trung Quốc và kiểu Tây Tạng. Dược thảo nào có giá cao ở thị trường.

Palzom lo ngại về lâu dài, dân làng không sống nổi mãi như thế. Vì họ không có việc làm thường trực hay chuyên môn.

Trung Quốc ra lệnh cưỡng bách giáo dục 9 năm đối với tất cả trẻ em năm 2006, và áp dụng ở cả Tây Tạng. Nếu gia đình nào không đưa con đi học, thì tiền bồi thường đất ruộng có thể bị cắt giảm. Các khu trường mới xây trông khang trang ở Tây Tạng, nhưng phẩm chất giáo dục làm cô Palzom lo ngại. Cô được dân chúng kể là bên trong các trường thì trống trơn, và giáo viên ngồi chơi mạt chược trong trường. Nhiều dân Tây Tạng than phiền với cô là sau khi họ đưa con em vào trường hơn ba năm, các em vẫn không thể đọc và viết đúng đắn.

Gia đình Palzom thúc giục cô ở lại Tây Tạng luôn, nhưng cô từ chối vì "ngay cả khi tôi nói chuyện, tôi vẫn sợ hãi, vì người ta cứ nhìn khả nghi. Còn tuổi trẻ hầu hết đã cứ nói tiếng Trung Quốc cho dù các em thực sự là người Tây Tạng; hầu hết bọn trẻ, cả con trai và con gái lại cứ mê uống rượu, và cứ thích la cà các quán nhạc để hát xướng rượu chè. Người ta hỏi tôi xem nghĩ gì về dân Tây Tạng bây giờ; tôi nói với họ là, dân Tây Tạng đã nhậu say từ trước 1959 và bây  giờ vẫn cứ say sưa. Cứ mọc lên hoài các quán rượu, sóng bài, ổ mãi dâm; tất cả các thương xá do người Hán tộc làm chủ, cho dù là tôi đã lớn dậy từ nơi đó, tôi không cảm thấy thích sống ở đó nữa."

Tuy nhiên, cô thấy rằng tuổi trẻ Tây Tạng ở quê nhà cũng có biết về Đức Đạt Lai Lạt Ma và người Tây Tạng lưu vong. Cô ngạc nhiên thấy rằng các ca khúc của Phurbu T. Namgyal, như bản 'Kyo lhang lhang' và các bản khác lại được ưa chuộng và hát ngay cả tại một ngôi làng nhỏ ở quê cô.

Palzom, bây giờ ở cuối lứa tuổi 20s và đã trở lại Nepal, và cũng như nhiều người Tây Tạng lưu vong, cô cũng không hoàn toàn hạnh phúc tại Nepal. Cô ước mơ di dân tới Hoa Kỳ, nơi cô tin là sẽ có đời sống tốt đẹp hơn.

Đó là lời kể toàn bộ chuyến về thăm Tây Tạng của cô Palzom.

Điều chúng ta suy nghĩ nơi đây là về chính sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma: ngài lựa chọn cách làm việc nào để gìn giữ văn hóa và Phật Giáo Tây Tạng? Ngài có chụp mũ những giáo viên, bác sĩ trong Tây Tạng là đang tiếp tay nhà nước kềm kẹp dân chúng không? Ngài có chụp mũ các vị sư trong các chùa thuộc giáo hội địa phương là sư quốc doanh hay không? Ngài có chụp mũ các hội từ thiện quốc tế đang vào Tây Tạng là tay sai cộng sản tiếp tay kềm kẹp người dân Tây Tạng hay không? Ngài có kêu gọi toàn dân tiêu thổ kháng chiến, kêu gọi đốt chùa, đốt trường, đốt bệnh viện trong Tây Tạng vì cho đó là các cơ sở quốc doanh tiếp tay cộng sản hay không? Ngài có kêu gọi xóa sổ các Phật học viện ở điạ phương hay không?

Nếu bạn vào xem trang web của hội từ thiện Tibet Foundation (http://www.tibet-foundation.org/news/newsitem.php?NewsStory=106) ghi lời cựu bộ trưởng trong chính phủ Tây Tạng lưu vong của Đạt Lai Lạt Ma Rinchen Khando Choegyal (hiện là Giám Đốc dự án Tibetan Nuns Project tại Dharamsala)  cho biết hội không chỉ giúp người Tây Tạng lưu vong mà còn giúp cả cho nền giáo dục và y tế trong nội địa Tây Tạng và còn kêu gọi quốc tế giúp xây trường học ở đó:

"Cả dân Tây Tạng lưu vong và dân Tây Tạng trong Tây Tạng cần giúp từ cộng đồng quốc tế. Tôi nghĩ cực kỳ quan trọng là phải lo chăm sóc các cơ sở y tế và giáo dục trong Ấn Độ và bên trong Tây Tạng như là cách duy nhất để thiết lập một đất nước mạnh hơn mà nước này sẽ cho hy vọng tới toàn thể người Tây Tạng. ("Both exiled Tibetans and Tibetans inside Tibet need help from the international community", said Mrs Rinchen Khando Choegyal, who is currently the Director of Tibetan Nuns Project in Dharamsala. The former minister stressed, "I think it is very important to look after the health and education facility in India and inside Tibet as it is the only way to build a nation stronger which gives hope to all Tibetans.")

 Và bên trong Tây Tạng, các cơ sở của Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn hỗ trợ nhiều dự án giáo dục và y tế. Ngài không hề chụp mũ ai là sư quốc doanh, mà vẫn giúp trong mọi cơ hội để phục vụ toàn dân của ngài, song song với cuộc chiến đòi quyền tự trị cho dân tộc Tây Tạng.

Tuy nhiên, nếu bạn là người Việt hải ngoại, và bất kể có là linh mục, mục sư hay tăng ni, ngay khi kêu gọi từ thiện y tế hay giáo dục cho dân nghèo trong nước thì sẽ bị chụp mũ là tiếp tay quốc doanh, là tiếp sức cộng sản ngay. Đó là điều các bạn đã thấy, và đang thấy.

Điều cực kỳ khó cho người hải ngoại chính là làm sao để đi giữa những lằn ranh đó để việc làm thuận lợi hơn, để giúp cho người dân trong nước cụ thể, và để không ngừng gây ý thức về một nền văn hóa phi cộng sản. Có phải chăng quê nhà đã thật xa, cả trong tâm thức của chúng ta?


(Việt Báo Chủ Nhật, 10/14/2007)


Điện Phật Trầm Mông Lung*
Uyên Nguyên

1.

Tất cả, bị ném vào khoảng không tịch lặng, nó đáng sợ như từng cơn ác mộng cho những ai, còn Ông thì vẫn thản nhiên ngồi bên chung trà lịm khói mỗi buổi sáng sương mai gió lạnh, vuốt tờ hoa và nhè nhẹ tay nâng bút.


Mặc!!!
2.

Bây giờ, không còn gì ý nghĩa hơn sự im lặng giữa những náo động từ thế giới bao quanh. Thân xác này là sương mai, ánh chớp, mây chiều, nhưng tâm tư đâu là gỗ mục, nên Ông đã hơn một lần quên mình sậy yếu, để ủy thác phận đời vào đường lịch sử bốn ngàn năm dợn sóng.


Quê hương ơi mấy ngàn năm máu lệ,

đôi vai gầy dâng trọn cả mùa xuân”

(Tuệ Sỹ)
3.

Rồi, từ trong khoảnh khắc thinh lặng của núi lạnhbiển im muôn thuở, chỉ còn chăng tiếng cười vang động của người Ẩn sĩ, thăm thẳm ngân lên từ đỉnh đá dừng sững, hay ngút ngàn rền vang như bài kinh Bát Nhã vô tướng vô sở vi giữa Điện Phật trầm mông lung.
Há, chỉ một cổ nhân thi sĩ Họ Bùi mới hiểu được cái cốt cách thần di hồn dịch này sao, mà viết: “với riêng mình (Ông) không thiết chi chuyện nói”(đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ)?
Hay như hiện tiền Lão Đại Phạm Công Thiện đã khép kín cửa Am, mà may ra vẫn còn “trực nhận đâu đó cái khí phách và thần dụng bãng lãng của nghịch hành thiền”(hai vị thiền sư).
4.

Tấm lòng nhà đạo như nước phẳng

rọi bóng chìm nổi của cõi đời

(Tô Đông Pha)

Hoa Đàm thư quán

16.10.2007




TƯƠNG QUAN HAY CHẲNG LÀ GÌ


Toại Khanh


Chia lìa, phân cách hình như lại cũng là một cách thế tồn tại của vạn hữu. Nguyên tắc đó có nói một đời cũng không hết, nhưng đầu mối của nó nhiều khi chỉ là một chuyện nhỏ, rất nhỏ. Chuyện có thể bắt đầu từ một ngày mưa nhân gian trên con phố đầy ắp thiên hạ. Biết bao là những riêng tư, lạc lõng, côi cút đang quyện lấy nhau giữa cái biển người trùng điệp đó dưới một cơn mưa mù trời vốn cũng được làm nên từ những giọt nước rời rạc tự trời cao.

Vậy rồi hai mảnh hồn đơn chiếc đó gặp nhau trong mấy phút trú mưa. Hai mảnh đời, hai hoàn cảnh, cùng vô số tâm cảnh, tâm thái trong hai sinh vật bỗng tìm ra chỗ gắn kết hợp lý rồi thì một cuộc tình với những phút giây quấn quít xoắn chặt biến hai thành một. Từ muôn thuở, cõi người ta này đã nên hình nên vóc từ những ghép nối kiểu đó để đem những món rời rã về lại với nhau và làm nên cuộc đời tương sinh tương khắc.

Hàng tỉ hình hài đã được tạo sinh từ những giọt máu, những cuộc tình. Chúng đã rời cha để về với mẹ, và xa mẹ để đi với đời rồi tự tìm về những định phận chẵng cái nào giống cái nào. Tuổi vô tri, người ta cần đến những dẫn dắt kiểu tay nắm tay. Ngày khôn lớn, rời tổ ấm, người ta thành ra những cánh chim đôi khi quên mất lối về. Vậy rồi vòng quay cũ lại được tái hiện, những lẻ loi đơn chiếc vừa được khai sinh trên những dặm đời. Niềm tin, nhận thức, lý tưởng, hành động…vẫn mãi hoài xô đẩy thiên hạ ghé ngang những trạm dừng, lâu mau bất định. Về với Đây thì phải xa cách Đó. Rồi gì cũng là những cuộc chơi, duyên tình đôi khi chỉ là vài hôm dăm bữa hay được mươi năm phù vân rồi thì sóng nước nhân gian, có thể vô tình hay hữu ý, lại bằng cách này hay cách khác xé rời những vòng tay để mở rộng cái gọi là vòng xoáy trầm luân.

Phật dạy trên đời tuyệt không thể có cái gì hiện hữu độc lập như một thực tại duy nhất. Nó chỉ là nó trong mối tương quan với bao thứ khác. Từ đó vạn hữu là một chuỗi dài tương tiếp của muôn thứ sai biệt. Và đã là sai biệt thì tương quan giữa chúng không phải lúc nào cũng tuyệt đối là tương sinh hay tương khắc. Đây lại cũng là một nguyên tắc nữa của vạn hữu. Và chính vì mọi thứ luôn biến tướng không ngừng nên chúng phải cần đến những tác động khác nhau để sinh diễn tương thích. Nuôi dưỡng, hỗ trợ hay tàn phá, xung đột nhau đều là những cách tác động. Từng tác động có một ý nghĩa khác nhau: Giúp nhau duy trì cái cũ hay hình thành cái mới. Chuyện tốt hay xấu, nên hay đừng ở đây quả là khó nói. Vì vạn hữu là chỗ cộng hưởng của những sai biệt nên mọi định nghĩa về chúng phải nằm trong một chữ TÙY DUYÊN. Đúng chỗ, đúng lúc thì thôi. Và cũng chính ở ý nghĩa sai biệt, sự lựa chọn của muôn người thiên hạ khó bề giống nhau, dù nhiều lúc trên hình thức ngó như chẳng khác. Từ đó, mọi đánh giá lớn nhỏ, đúng sai, khinh trọng, sướng khổ trên đời hẳn là phải xét lại thôi.

Tôi đã bắt đầu bài viết này bằng cuộc gặp gỡ xem ra chẳng đáng gì của một đôi nam nữ với dụng ý gì? Xin thưa, cũng nhằm vào điều vừa nói ở trên. Trong mối tương quan trùng điệp của vạn hữu, ta khó lòng nói cái gì lớn hay nhỏ khi chúng hoàn toàn có thể là chỗ bắt đầu của một tỉ vấn đề. Chợt nhớ câu thơ lục bát của ai đó thiệt đúng chỗ cho điều đang nói. Giá như hôm ấy đừng mưa, giá như hôm ấy đừng đưa em về. Phải mà, ta ngẫm kỹ lại xem, nếu chẳng có cái ánh mắt, nụ cười của ai đó bên bờ ao bụi chuối hay tiếng thầm thì trên một ghế đá công viên nào ấy mươi năm trước thì tình hình thế giới hôm nay rõ ràng đã không như ta đang thấy. Năm bảy chục năm trước có trời mới biết một đứa bé vô danh nhỏ xíu nào đó hôm nay trở thành mối lo của toàn nhân loại hay chỗ dựa tinh thần cho hang tỉ người trên hành tinh. Thực ra bản thân đứa bé ngày ấy cũng chẳng có gì đáng nói nếu không kể đến những điều kiện nuôi lớn tâm hồn nó gồm những gì được nghe, thấy, học, đọc từ thiên hạ.

Nếu ngay bây giờ có ai hỏi tôi về cảm nghĩ đối với thế giới hay hẹp một chút là tình hình Phật giáo hiện tại, tôi sẽ trả lời không ngần ngại bằng ba chữ: Phải vậy thôi!



Tôi dĩ nhiên không muốn thấy ai buồn, và càng không muốn thấy những gì mình cho là tốt đẹp lại bị đe dọa. Nhưng rõ ràng mọi sự không thể tồn tại mà không thay đổi, và cái gọi là điều thiện cũng không thể hiện hữu nếu cạnh nó không có cái ác, chúng giành nhau cái ghế thượng phong. Chuyện đơn giản là ai cũng muốn có cảm giác mình là kẻ cầm trịch trong những cuộc biển dâu dù chuyện đó đến nay hình như vẫn chưa ai làm nổi. Và dẫu là lá chuối-lá bàng hay lá me-lá trúc, ai cũng là một chiếc lá trên sông cả thôi. Chỉ thương cho những người thơ ngây tin lời quỷ mị mà bỏ hết một đời cho những chiếc lá Diêu Bông…

Onceland Oct.5, 07


Thơ VŨ TIẾN LẬP



Mưa phổ độ
Ngư ông về hải ngạn

độc tấu ca khúc buồn

chiều chết đắm trong không gian hẹp

húng hắng gió đi qua

những ô mềm sợi nhỏ

vĩ cầm chơi vơi vùng cổ bản

như gọi thầm giấc ngủ

tôi thắp vội

chiều vẫn còn ròng rã

mưa rơi.


Hương cổ điển
Môi đằm thắm

khói thuốc giục cảm

lượn múa giữa thinh không

đêm ôm gọn quả trăng tròn lẳng

thở làn hơi thoa mờ mặt nguyệt

bới sâu vào vùng quá vãng

nhặt ra những hình hài mất tích

cũ kỹ và ám màu cổ điển

tôi đong đưa trái tình trong gió

cùng trăng đi giữa trời

hiểu ra màu trăng đến tuyệt diệu

nhưng có điều

chốn nào mây ẩn thân.
Tháng mười
Hồ như là tháng mười

mưa chưa về nghe đã lạnh toàn thân

về thành phố chỉ thấy nhớ nhung chất chứa

và trời sao cát muộn màng nối gót

đêm vẫn chưa từ bỏ mộng

như cỏ buồn chưa rời xác thân em

đêm chia nhau từng nỗi khổ

nhớ trăng xưa và môi hôn năm cũ

tôi gọi tên em từng bước trở về nhà


Ý thu
Ngước phơi đôi mắt nắng chập chùng

vội vã biên xa những cánh bay

bâng khuâng thị tứ xanh giòng nhạc

lạc tiếng ve sầu thoảng gió thu.


Mưa

Nhạc như chiều mưa ngoài hiên vắng

con nhện giật mình rung những tơ

hoang mang một bước chân nào đó

quay lại trần gian thấy trắng ngần.



NHÂN CHỨNG
Ngô Nguyên Dũng



Thầy ký giả Huy Sơn vừa đạp xe lộc cộc trên đường đất khô cứng lồi lõm, vừa lầm bầm chửi rủa: ''Tổ bà nó, bộ mình tới số cùng đinh mạt vận hay sao mà bị đày về đây điều tra cái chuyện dị hợm nầy. Có cái cục đá mà làm như là Phật bà giáng trần không bằng!''

Và thầy nhớ lại cái tin động trời của đặc phái viên miệt Tiền giang đánh dây thép gởi lên Sài gòn tuần trước: ''Ở làng P. có cục đá bự từ trên trời rớt xuống, mười người ôm không xuể. Hình và bản tin sẽ gởi hoả tốc lên sau.'' Cả toà soạn, ai cũng xôn xao. Vài bữa sau, ông chủ nhiệm nhận được một phong thơ dầy cộm. Ông xé ra coi qua loa rồi chuyển cho ông chủ bút, không quên ghim theo tờ giấy đề mấy chữ: ''Tin sốt dẻo, cho chạy gấp chiều nay.'' Mọi người chực chờ bóng ông vừa khuất sau tấm bình phong lấm lem mực in, sau đó là tiếng xe vết-pa nổ ''bịch, bịch'', là vội vàng chạy lại, bu quanh bàn ông chủ bút. Ông ta cầm mấy tấm hình, ngó sơ qua rồi chuyền cho mọi người cùng coi. Hình chụp một cục đá xám xì xám xỉn nằm chình ình giữa đồng không mông quạnh. Nếu thấp thoáng xa xa không có hàng dừa nghiêng nghiêng và vài nóc nhà lá, người ta có thể nghĩ là hình chụp phong cảnh miền tây nước Mỹ. Có người chắt lưỡi trầm trồ:

- Trời, ngộ quá hén! Tự nhiên từ trên trời rớt xuống một cục đá tổ chảng.

Người khác chen vô:

- May mà không rớt trúng nhà dân hay nhằm chỗ thị tứ...

- Ờ, ờ, rớt kiểu đó có nước chết chùm cả đám.

Thầy ký giả Huy Sơn buột miệng:

- Tui thấy chuyện đá từ trên trời rớt xuống cũng bình thường thôi.

Một người cãi:

- Bình thường chỗ nào? Năm thì mười hoạ mới xảy ra, chớ có phải hằng ngày, hằng tháng đâu mà bình thường?

Thầy ký giả cười nhẹ, ôn tồn giải thích:

- Anh chưa nghe tui nói hết ý. Bình thường là như vầy, đá ngoài vũ trụ mà người ta gọi là vẩn thạch, vẫn lọt vô tầng khí quyển rồi rớt xuống mặt địa cầu hoài đó chớ, tại mình không biết đó thôi. Biển chiếm khoảng hai phần ba mặt đất; nước Mỹ, nước Gia-nã-đại, nước Nga lớn gấp mấy chục lần nước mình, tính theo tỷ lệ lẽ dĩ nhiên vẩn thạch rơi nhằm biển và mấy quốc gia đó thường hơn. Vậy mà cục vẩn thạch nầy lại nhè miệt lục tỉnh mà giáng, đó mới là chuyện lạ đời, hiếm có.

Một người lên tiếng hỏi:

- Mà tại sao đá ngoài vũ trụ lại rớt vô trái đất mình nhiều dữ thần vậy anh Huy Sơn?

Thầy ký giả gãi đầu, moi óc nhớ lại mớ kiến thức trung học của mình:

- Ờ,... ngoài không gian đâu thiếu gì vệ tinh và đá vụn, phát sanh từ các phản ứng hoá học gây tiếng nổ, chớ đâu phải chỉ có các hành tinh trong thái dương hệ mà mình biết. Những mảnh đá bể, lớn có nhỏ có, bay lang thang hoài huỷ ngoài vũ trụ mênh mông. Rồi hoàn toàn ngẫu nhiên, có vài mảnh chọc thủng quỹ đạo địa cầu, bị hấp lực của trái đất hút xuống. Chúng rơi mau lắm, cọ xát với vật chất của bầu khí quyển, phát nhiệt, loé sáng như một cục bông gòn tẩm lửa. Người có học gọi đó là hiện tượng sao băng. Còn giới bình dân, người ở thôn quê thì kêu là bà giáng. Thấy bà giáng mà không bắt ấn, niệm chú thì bà giận, bà bắt sanh bệnh dễ như chơi.

Mọi người cười ồ.

Tờ báo loan tin ''đá rớt'' hôm đó bán chạy như tôm tươi. Ông chủ nhiệm thấy đề tài ăn khách, cần đào sâu thêm nên bàn với ông chủ bút, phái một người xuống làng P. coi hư thực ra sao, rồi viết bài điều tra, phỏng vấn các nhân chứng để câu độc giả. Ông chủ bút thấy ký giả Huy Sơn coi bộ rành rẽ chuyện sao băng, sao chổi, nên đề nghị ngay thầy. Ban đầu thầy ký giả không chịu đi, viện cớ là toà soạn đã có đặc phái viên lục tỉnh rồi thì kêu người ta viết bài gởi lên, cho thầy đỡ mất công xuống dưới đó. Nhưng ông chủ nhiệm không tin tưởng cái anh chàng đặc phái viên nầy cho mấy. Ông chủ bút còn chêm vô, cái thằng gì mà dốt đặc cán mai, viết bản tin đầy lỗi chánh tả, làm tui sửa thấy mụ nội. Thấy coi bộ từ chối không xong, thầy ký giả Huy Sơn đành gật đầu ưng thuận, kèo nài xin thêm tiền cà-phê thuốc lá, còn ra điều kiện, kêu toà soạn đánh dây thép xuống dưới đó, nhờ anh chàng đặc phái viên bỏ công kiếm giùm mấy nhân chứng cho đỡ mất thì giờ.

Rồi, như đã hẹn sẵn, chiều hôm đó đặc phái viên Long Hồ ra đón thầy ký giả Huy Sơn tại bến xe đò lục tỉnh. Hai người kêu xe lôi về nhà. Ký giả Huy Sơn gợi chuyện:

- Ngoài chuyện làm báo, anh còn làm nghề gì khác không?

- Có chớ anh, tui lo mấy việc ấn tống kinh Phật, quay ronéo bài vở cho trường trung học ở đây và các loại ấn loát linh tinh. Tiền bạc không được bao nhiêu, nhưng đủ sống.

- Còn việc ông chủ nhiệm nhờ anh truy giùm coi có ai thấy tận mắt chuyện đá rớt không, tới đâu rồi?

Đặc phái viên Long Hồ nói như kể công:

- Nhận được tờ điện tín, tui bắt tay làm liền. Tui cho quay ronéo vài trăm tờ giấy tìm người mắt thấy tai nghe vụ đá rớt hôm đó, rồi nhân ngày nhóm chợ ở làng P. tui mướn tụi nhỏ phân phát tận tay bà con. Tui còn sợ nhiều người không biết đọc, nên sai mấy thằng nhỏ vừa phát vừa hô lớn: ''Nhà báo tìm người thấy đá rớt để phỏng vấn, trả công hậu.'' Vậy mà...

Người đàn ông chợt ngưng ngang. Ký giả Huy Sơn hỏi thúc:

- Mà cái gì?

Đặc phái viên Long Hồ thở dài:

- Vậy mà cho tới giờ nầy, chỉ có một người liên lạc với tui mà thôi.

Ký giả Huy Sơn sáng mắt:

- Tui còn sợ là không có ai nữa đó. Anh biết mà, dân quê mình còn nặng đầu óc hủ lậu, mê tín dị đoan, sợ đụng chạm tới vong linh người khuất mày khuất mặt, đâu ai dám khai là mình thấy bà xẹt, đá rớt trên nhật trình. Mà anh hẹn với người đó ngày giờ ra sao?

- Trưa mai, sau giờ thọ trai.

Ký giả Huy Sơn ngạc nhiên kêu lên:

- Ủa, bộ người đó là thầy chùa à?

- Đúng vậy. Ông ta là sư cụ trụ trì chùa Tịnh Độ ở làng P. nầy.

Thầy ký giả chau mày, lẩm bẩm:

- Ngộ hén, ngộ hén!

Về tới nhà, sau khi tắm rửa, cơm nước xong xuôi, đặc phái viên Long Hồ chỉ vẽ đường đi nước bước cho ký giả Huy Sơn tới gặp sư cụ. Anh cho thầy ký giả mượn chiếc xe đạp cũ làm phương tiện di chuyển, còn dặn dò thêm:

- Con ngựa sắt của tui đó nghen anh! Nhớ khoá lại cẩn thận mỗi khi đi đâu. Ờ, nếu sợi dây sên sút ra thì anh mở cái hộp thiếc gắn dưới yên xe, rút nùi giẻ mà ráp lại cho khỏi dơ tay.

Hai người ngồi ở mái hiên bên hông nhà, ngó ra con rạch mênh mông bóng tối. Anh Long Hồ khêu ngọn đèn dầu thêm sáng, sai vợ đốt khoanh nhang xua muỗi đặt dưới gầm bàn, rồi tự tay pha bình trà ướp bông sứ ra đãi khách. Đêm ở chốn nầy xuống thiệt mau. Mới đó mà hai thân dừa cong oằn xuống dòng rạch, bụi chuối già cỗi tả tơi, cây ô môi lưa thưa vài chùm bông hường chỉ còn là những chiếc bóng đen kịt in lên nền trời xanh thẫm. Những ngôi sao chớp tắt ở trên cao. Quay tìm vầng trăng, ký giả Huy Sơn thấy nó treo lơ lửng giữa đỉnh trời, nhỏ bằng cái dĩa con, toả vòng ánh sáng lợt lạt như bốc khói. Côn trùng cũng bắt đầu ra rả.

Thầy Huy Sơn vừa nhóp nhép chuối khô với trà bông sứ, vừa lơ là nghe đặc phái viên Long Hồ thao thao bất tuyệt chuyện săn tin và phát hành báo ở miệt lục tỉnh. Tới một lúc, ký giả Huy Sơn không còn chú tâm lắng nghe được nữa, đầu óc bắt đầu nghĩ ngợi vòng vo. Anh nhớ nhà, nhớ đèn điện phố thị, nhớ khung cảnh náo nhiệt của Sài gòn Chợ lớn về đêm. Bất thần, giữa cảnh tượng sống động ồn ào đó, hiện lên một tảng đá khổng lồ nằm chắn lối. Chướng ngại vật của cuộc đời, thầy ký giả lẩm bẩm, đúng là chướng ngại của cuộc đời, không còn sai trật chỗ nào nữa. Khi không từ trên trời rớt xuống một tảng đá chình ình giữa đồng trống, bắt thầy cực khổ mò xuống tận chốn đìu hiu hút gió nầy, còn buộc thầy phải suy gẫm về cái minh mông của vũ trụ và căn nguyên của con người.

Thầy ký giả Huy Sơn lên tiếng hỏi một câu không ăn nhập vô đâu:

- Anh nghĩ gì về khối vẩn thạch từ trên trời rớt xuống?

Anh đặc phái viên ngơ ngác:

- Cái gì? Khối vẩn thạch nào? Ơ... ờ, anh muốn nói tới tảng đá rớt nằm ngoài ruộng đó hả? Hừm... tui nghĩ theo tây học anh à! Lúc nghe tin ấy, tui lật đật đạp xe tới coi, chụp hình rồi viết bài gởi lên toà báo như anh biết đó. Tui còn giở sách khoa học ra dò nữa. Theo tui, đó chỉ là chuyện tình cờ, hoàn toàn tình cờ như mình đang đi dưới tàn cây rậm rạp, bị chim ỉa một cục trúng đầu vậy mà.

Ký giả Huy Sơn bật cười ha hả. Tiếng cười loang rộng, dội lớn trong dòng hồi tưởng, khiến thầy ký giả đang gò lưng đạp xe trên lộ đất chang chang nắng ban trưa, cũng phải mở miệng cười thành tiếng. Thầy cảm thấy khoan khoái ngang xương, lòng bừng lên nỗi nôn nóng muốn biết sư cụ có ý kiến gì về hiện tượng hãn hữu nầy. Vài lỗ chưn trâu nằm chắn ngang lòng đường ốm. Ký giả Huy Sơn bẻ tay lái lách qua. Không biết vụng về làm sao mà thầy cảm thấy hai chưn đạp đột ngột lỏng le. Chiếc xe già nua chậm lại. Thầy cúi xuống dòm, thấy sợi dây sên sút khỏi dĩa răng cưa, cạ vô ống quần ka-ki màu xám tro, quệt một đường đen thui.

Thầy ký giả thắng xe lại, nhảy xuống, làu bàu: ''Đúng là đồ lô-can, mới chạy có chút xíu mà đã sứt cùi văng néo rồi!''

Mồ hôi thầy rịn ra ở chưn tóc. Thầy thở dài, dắt xe vô hàng cây so đũa ven đường, tìm bóng mát. Vừa dựng xe bên thân cây, từ trong khu vườn rậm lá, có tiếng chó sủa inh ỏi. Ký giả Huy Sơn giựt mình, quay mặt thấy bên kia mương, một con chó vàng ngỏng đuôi, vảnh tai, há miệng sủa thành tràng.

Ký giả toan dợm chưn, dẫn xe vọt lẹ thì nghe tiếng con gái gọi lớn:

- Mè! Mè! Có im không?

Con chó vẫn lì lợm sủa tiếp. Thầy ký giả bực mình, cúi lượm cục đất khô, quăng trúng bụng con chó. Con vật kêu cái ''ẳng'' rồi co giò lủi mất.

- Nó ưa sủa bậy, chớ chưa cắn ai bao giờ, sao thầy chọi nó làm chi, tội nghiệp!

Giọng con gái ban nãy, bây giờ chỉ cách thầy một rãnh nước hẹp. Ký giả Huy Sơn lúng túng:

- Xin lỗi cô, tui sợ nó phóng qua mương bất tử nên liệng ẩu, quên tuốt câu “chó sủa, chó không cắn.”

Thấy khuôn mặt đỏ lưởng, lấm tấm mồ hôi của người đàn ông lạ trong chiếc áo bốn túi cùng màu, cùng loại vải với cái quần dính nhớt dơ hầy, cô gái lộ vẻ thương hại, hỏi:

- Xe đạp của thầy hư sao đó?

- Tuột dây sên cô à.

Người con gái nhỏ nhẹ:

- Nếu thầy không ngại, mời thầy vô nhà ngồi nghỉ mệt, sửa xe rồi đi tiếp.

Ký giả Huy Sơn nheo mắt ngó con đường tắm mình trong cái nắng đúng ngọ, liên tưởng bâng quơ tới cảnh già lam ẩm thấp đầy bóng tối cổ kính. Một vừng mây êm ả lan tới, toả bóng mát trong lòng thầy, gây cảm giác nhẹ bâng khoan khoái như ruộng đất khô vừa hứng lấy những giọt mưa đầu mùa. Thầy lễ phép đáp:

- Dạ, nếu không làm phiền cô.

Cô gái mau mắn:

- Thầy đi độ một trăm thước, hết hàng so đũa, sẽ thấy lối quẹo vô nhà bên tay phải.

Theo lời cô gái, ký giả Huy Sơn dắt xe vô vườn nhà có cây mít cổ thụ ở bên trái. Bên phải là vườn cam sành bắc dọc ngang những cây sào tre. Để ý dòm, thấy từng đàn kiến vàng xếp hàng bò qua lại. Vườn cây rải bóng lên mặt đất đầy xác lá, lơ thơ cỏ mọc. Tàn mít xoè những bàn tay rậm lá, che ngang lối đất lót hai hàng gạch tàu rêu mọc lỗ chỗ.

Thầy ký giả thấy con chó có cái tên Mè kỳ cục bị cột vô gốc ổi cạnh sàn nước dựng hai cái lu lớn, đang cố dằng sợi dây xích, hai chưn chồm tới trước, hung hăng sủa. Trên nền nhà đắp cao, cẩn gạch nung, một người đàn bà luống tuổi bước ra, giọng vồn vã:

- Chào thầy, thầy dựng xe đâu đó, rồi mời thầy vô nhà uống nước.

Ký giả Huy Sơn ngạc nhiên, thắc mắc thầm vì thái độ vồn vã của người lạ, sực nhớ tới bản tính hiếu khách của người dân miệt vườn, nên thầy rút khăn chặm mồ hôi rịn trên trán, mỉm cười đáp:

- Dạ, cám ơn lòng tốt của bác và cô...

Thầy ngập ngừng. Người đàn bà lẹ miệng:

- À, nó tên Út. Nó vừa cho tui hay là có mời thầy về nhà, nói là chiếc xe đạp của thầy hư sao đó.

Ký giả Huy Sơn bước lên bực tam cấp, nối gót người đàn bà đi vô phòng khách. Bằng cặp mắt nghề nghiệp soi bói, thầy ký giả nhận ra ngay đây là một gia đình thượng lưu quá thời thịnh mãn. Nhà hai gian, mái ngói âm dương, tường vôi, nền lót gạch bông. Trên mái, dưới chưn tường, nhiều chỗ rêu bám, khiến mặt tiền ngôi nhà mang vẻ cổ xưa. Trước cửa dựng cặp voi sứ tráng men màu mè hực hỡ, chưng hai chậu bùm sụm uốn hình con lân thiệt khéo. Trong nhà, bên phải là bộ ngựa, ván dầy cả tấc. Một cái bàn cao cẳng bày cái giỏ mây mà mấy bà già dùng đựng trầu cau, và một khay trà. Bộ bàn ghế khảm xà cừ đặt giữa nhà. Bên trái, tủ kiếng bày ly tách pha cà-phê viền vàng viền bạc và chén dĩa cổ ngoạn kê trên đế gỗ. Cạnh đó, cái độc bình cao cả thước, cắm thân cây giơ cành trơ trụi, khô khốc, ngó như cái gạc của một con hươu già. Trên bệ cửa sổ lá sách mở bung, nắng rọi sáng một cây kiểng lùn có chòm rễ nhô lên, như những ngón tay ốm cố quơ quào bấu lấy khoảnh đất khiêm nhường trong chậu hẹp. Sau chiếc bàn rộng, một tấm bình phong cẩn xà cừ phong cảnh Vạn lý trường thành với mây giăng, núi đồi chập chùng và một cội liễu rũ làm phông. Khuất đằng sau, le lói ánh đèn dầu, thứ ánh sáng thường thấy trên bàn thờ Phật hay thờ ông bà.

Nhưng mọi chỗ, thầy đều nhận ra bộ mặt sang trọng gượng gạo quê mùa cổ lỗ. Tấm kiếng lót cửa tủ búp-phê đã đục ngầu. Dưới mái nhà, quanh mấy cây sà ngang, thấy giăng vài cái mạng nhện và bồ hóng bám đầy. Lại gần, thầy ký giả nhận ra lớp vỏ xa cừ cẩn bộ bàn ghế và tấm bình phong đã long tróc nhiều nơi. Luồng nắng soi qua khung cửa vương đầy bụi, thứ bụi mà mấy người viết văn, làm thơ vẫn gọi là ''bụi thời gian'' đó mà! Ký giả Huy Sơn nghĩ bụng, rồi ngồi xuống ghế theo lời mời của gia chủ. Đoạn, bà day vô trong, kêu:

- Út à, bưng nước ra mời thầy ký giả đi con!

Ký giả Huy Sơn giựt mình hỏi:

- Ủa, sao bác biết cháu là ký giả?

Người đàn bà cười xoà:

- Ở cái làng P. nhỏ xíu như cái chợ chồm hổm nầy, có người lạ tới hôm trước là hôm sau cả làng đều biết. Nhứt là có nhà báo từ Sài gòn xuống để điều tra chuyện cục đá trời cho, thì càng đặc biệt hơn nữa.

- Vậy là...

- Đúng đó thầy! Biết là trưa nay thể nào thầy cũng tới chùa Tịnh Độ, nên tui sai con Út rình đón thầy ngoài vườn chuối đó chớ.

- Hèn chi!

- Cũng ngộ, trời xui đất khiến sao mà chiếc xe đạp của thầy hư chỗ nào không hư, nhè ngay trước miếng đất nhà tui mà sút dây sên.

Lúc đó, từ sau tấm bình phong, cô Út bưng khay trà bước ra, đặt lên bàn. Gương mặt cô không còn nét dạn dĩ lúc nãy mà ửng hồng mắc cỡ, khiến thầy ký giả Huy Sơn tưởng như mình đang đi coi mắt vợ tương lai.

Cô gái rót trà ra chén hột mít, lỏn lẻn nói: “Mời thầy,” rồi bưng khay trống rút xuống nhà sau. Hương trà sen thơm ngát. Một cảm xúc không tên, rất thi vị, nhè nhẹ lan tới.

Má cô Út nhân dịp ấy, mở giỏ trầu, têm vôi, gọt cau, bỏ vô cối con, ngồi ngoáy thơi thả. Thầy ký giả nâng chén trà, thổi nhẹ. Đợt khói mỏng tan biến vào không gian tĩnh mịch. Đột ngột thầy thoáng thấy một chiếc bóng màu xám hiện dưới đáy chén tráng men màu cẩm thạch non. Ban đầu, thầy tưởng đó là vòm mắt mình. Dòm kỹ, thấy giống một vừng trăng trong veo màu xám trắng, lồi lõm những miệng núi lửa. Thầy nhắm mắt hớp một ngụm. Vừng trăng khuyết một mảnh. Ký giả Huy Sơn nhủ thầm, uống hết chén trà, mình sẽ nuốt trọn mặt trăng vô bụng, nhốt kín một phần vũ trụ trong dạ dầy. Trăng sẽ bị bóp nát nhừ, tan nhuyễn trong dịch vị. Một phần ngấm vào máu, nhập với cơ thể thành một. Phần khác sẽ trôi xuống ruột non ruột già, và...

- Thầy nhà báo à!

Ký giả Huy Sơn quay sang người đàn bà, miệng ''dạ, dạ''.

- Để khỏi làm mất thì giờ của thầy, xin phép thầy cho tui bắt đầu câu chuyện. Thiệt ra, tui sai con Út rước thầy về nhà để tui có dịp kể thầy nghe về cái đêm đá rớt...

Người đàn bà ngưng lời, mở hộp thiếc con, rứt nhúm thuốc rê vo tròn, gắn lên mép. Rồi bà rút một chưn lên ván, đặt tay lên đầu gối, nói mà cục thuốc vẫn không vuột khỏi miệng:

- Tui có tật mất ngủ. Vô buồng ngả lưng chừng vài tiếng là tui thức dậy, trằn trọc tới sáng. Khuya đó cũng vậy, tui bừng mắt lúc trời còn tối mịt. Nằm một chút, tui mắc tiểu, mới cầm cây đèn dầu đi ra nhà sau. Con Mè quẫy đuôi quấn theo chưn tui ra tới bến sông. Tui máng cây đèn dầu trước cửa nhà cầu. Lúc bước ra thì thấy ngọn đèn tắt ngúm từ hồi nào, lắc lắc thì biết là vẫn còn dầu. Chắc tại tui quên vặn tim đèn, chớ cây đèn có ống che, gió nào thổi tắt. Rồi thầy biết sao hông? Con chó chợt chạy lại, cúp đuôi nằm sát rạt dưới chưn tui, miệng kêu ''ắc, ắc'', đầu chĩa về hướng ruộng. Tui quay phắt lại, thì... trời thần đất địa ơi, một cái gì bự lắm, chiếu hào quang xanh lè, từ trên trời rớt xuống thiệt lẹ. Tui rụng rời tay chưn, buông cây đèn xuống đất. Tay tui bắt ấn, miệng niệm ''nam mô A di đà Phật'' lung tung xà bần. Tui nghe rõ ràng một tiếng ''bịch'' từ xa vang lại, y như có ai cầm cái dùi khổng lồ nện xuống mặt đất vậy. Đất dưới chưn tui rung rinh, tui co giò chạy một mạch vô nhà, hồn vía lên mây hết trơn hết trọi.

Kể tới đó, người đàn bà ngưng tiếng, giơ tay đẩy cục thuốc từ mép môi nầy qua mép môi kia. Ký giả Huy Sơn đã rút ra quyển sổ con, lấy viết ghi chép lia lịa.

Thầy hỏi:

- Ngay khi bác thấy vật lạ trên trời rơi xuống, bác nghĩ đó là cái gì?

- Ờ... thì... bà giáng, bà xẹt chớ còn gì nữa! Ở miệt ruộng nầy, đêm nào tốt trời, sao mọc đầy nghẹt; nếu rảnh tay rảnh chưn, ra ngắm một hồi, tui cam đoan với thầy, mình sẽ thấy bà xẹt. Người nào lẹ miệng, lên tiếng khấn vái, sẽ được toại nguyện.

- Lần đó bác có cầu trời được chuyện gì không?

- Chèn ơi, hổng có kịp thầy ơi. Nói thiệt thầy nghe, bà hiện mẻ nầy gần quá, khít rịt trước mặt làm tui hoảng, đâu còn hồn vía nào mà khấn với vái.

- Rồi sau đó bác có ra coi tận mắt cái hiện tượng bà xẹt không?

- Có chớ thầy! Ngộ lắm, bà xẹt thành một cục đá nằm giữa ruộng. Trẻ con rắn mắt, leo lên đó giỡn hớt, không sợ bà quở. Tui không dám rồi đa!

- Sự kiện nầy có làm bác thay đổi ý kiến về mấy chuyện mê tín bà xẹt, bà giáng không?

Người đàn bà cao giọng:

- Thầy nghĩ sao mà cho đó là chuyện mê tín dị đoan? Tui không biết mấy người học cao hiểu rộng nghĩ gì, chớ tui cho là mọi chuyện trên cõi trần nầy đều có ý nghĩa hết trọi. Nè, thầy đừng tưởng cái cột nhà, cây chuối, viên sạn nằm giữa lộ là những vật vô tri vô giác. Tui tin là tụi nó còn có linh hồn thì nói chi tới cái tảng đá bà xổ một đống ngoài ruộng. Mà hễ có linh hồn, thì phải có chướng nghiệp khứ lai. Đã có chướng nghiệp khứ lai thì ắt có nhân có quả, có thiện có ác, có tốt có xấu. Thầy không thấy mấy cục sạn, có cục tròn vo nổi vân đẹp đẽ, có cục méo xẹo xấu ình đó sao? Cái cột nhà ác thì cuộc đời nó ngắn ngủi, bị mọt gặm, vài chục năm thì sụp. Còn cây chuối dữ sẽ bị sâu đục lủng ruột, èo uột, không sanh trái và bị bứng gốc lúc nào không hay.

Thầy ký giả Huy Sơn vừa lẹ tay chép vừa nghĩ bụng, đáng lẽ mấy chuyện chướng nghiệp, nhân quả nầy phải để cho sư cụ chùa Tịnh Độ phát biểu, có lẽ hay ho và đúng đắn hơn. Dù vậy thầy vẫn gục gặc đầu ra vẻ hiểu ý.

Liếc nhìn đồng hồ, thấy đã quá giờ hẹn với nhà sư, ký giả Huy Sơn vội vàng cất tiếng:

- Dạ, xin lỗi bác...

Người đàn bà tươi cười:

- Thầy còn phải tới chùa nữa phải không?

Thầy ký giả còn đang chưng hửng, không hiểu tại sao bà già nầy chuyện gì cũng biết, thì bà đã lên tiếng:

- Chuyện sư cụ mời thầy tới chùa, thiên hạ đồn rùm beng.

Ký giả Huy Sơn hớp cạn tách trà nguội, đứng dậy nắm tay lại, xá chào gia chủ.

- Chiếc xe đạp sút dây sên của thầy, con Út đã nhờ người ráp lại rồi, thầy đừng bận tâm. Nếu thầy sợ nó dở chứng lần nữa thì cứ để xe đây mà đi bộ, còn chừng nửa cây số thôi chớ mấy.

Rồi giọng bà nhỏ lại rụt rè:

- Tui đề nghị với thầy chuyện nầy nghen!

- Dạ, bác cứ nói!

- Nghe nói là thầy sẽ trả công... Ấy, thầy đừng hiểu lầm là tui đòi tiền, không phải vậy. Có điều, nếu được thầy dành món tiền đó cúng dường tam bảo giùm tui.

Ký giả Huy Sơn cúi đầu chào lần nữa:

- Cháu sẽ nhớ lời bác dặn. Bác cho cháu gởi lời từ giã cô Út. Bận tới, có dịp về đây, cháu sẽ tạt ngang thăm gia đình bác.

Rồi thầy khom lưng xắn một bên gấu quần, quay nhìn lần cuối cảnh nhà êm mát dịu dàng trong khu vườn um tùm cây lá và chíu chít chim chóc. Người đàn bà mà thầy quên hỏi quý danh, đứng tần ngần ở hàng ba. Bà ta bận quần sa-teng đen bóng như da cá trê, áo bà ba lụa bông màu xám tro. Ký giả Huy Sơn có cảm tưởng, bộ quần áo và dáng dấp nhỏ thó của người đàn bà trở nên nhoè nhoẹt trong vùng bóng mát của tàn mít từ từ sẫm lại. Chợt trong trí thầy, một ý tưởng lạ lùng bật lên: có lẽ nào những chuyện vừa xảy ra chỉ là một giấc chiêm bao ý nhị? Như cái căn cơ của đời sống. Như những nhơn duyên tưởng tình cờ, mà thật ra đã được bàn tay tạo hoá xếp dựng từ trước. Bụi nhãn lồng nầy phải mọc ở đây. Cây cầu khỉ kia phải được bắc ngang con lạch nọ. Cục đất đó, tới một khắc điểm được định sẵn, sẽ bị những bước chưn trâu dẫm nát.

Cuối chân trời, một đụn mây xám vừa hiện. Rồi nương theo luồng gió cuốn, một thoáng ngắn, khoảnh trời trên đầu ký giả Huy Sơn đã vần vũ mây đen. Bầu trời giơ bàn tay thâm xì úp lên mặt đất. Thầy ký giả gò lưng đạp. Gió quất roi lên mặt sông nhăn nhúm. Ruộng lau sậy bên kia bờ ngả nghiêng theo chiều gió vô hướng. Lá reo hối hả như niềm vui trẻ con đón cơn mưa đầu mùa. Vài nhánh bay chới với trên không. Ký giả Huy Sơn bỏ lại sau lưng hai ba dáng người bước đi hấp tấp. Khi thầy thấy ở bên trái tấm bảng ghi mấy chữ ''Tịnh Độ Tự'' sơn đỏ thì những giọt mưa đầu tiên cũng vừa rớt lộp độp lên chòm lá cong quằn. Thầy ký giả quành lẹ vô lối đất trồng tre hai bên, tàn giao nhau thành mái che. Gió xô những thân tre nghiến vô nhau kẽo kẹt.

Dù đã cố lẹ làng, vậy mà khi bước vô hiên chùa, đầu tóc, quần áo ký giả Huy Sơn cũng thấm ướt gần hết. Cũng may, lúc thấy trời chuyển mưa, thầy đã nhanh trí cất giấy viết vô túi ny-lông đựng máy chụp hình. Thầy vuốt lại mái tóc. Còn đang lúng túng trong lớp quần áo dán sát người chèm nhẹp thì một cụ ông từ bên trong bước ra, hai tay chắp lại:

- Mô Phật, thiện nam có phải là ký giả Huy Sơn từ Sài gòn xuống thăm Tịnh Độ Tự?

Ký giả Huy Sơn cũng chắp tay cung kính:

- Bạch thầy, dạ phải.

- Mời ông ký giả vô chùa.

Ký giả Huy Sơn theo chưn sư cụ. Ông bận bộ quần áo vải nâu, đầu đội cái nón len cùng màu, không che hết những chưn tóc nhú trắng, chưn mang guốc thấp. Có lẽ sợ gây ra tiếng động lên thềm chùa lót gạch tàu mòn thín, nên ký giả Huy Sơn thấy ông đi như lướt trên đất.

- Xin lỗi ông ký giả, tui mời ông tới để bàn chuyện nhơn tình thế sự, nên ông vui lòng ra sau phương trượng.

Sau phương trượng là một chái nhỏ, mái lá chằm, ba bề vách ván, cất dựa vô vách tường vôi ố vàng của ngôi chánh điện. Bên trong, một chiếc giường tre trải chiếu, bốn góc dựng bốn cọc gỗ căng chiếc mùng vá quàng đùm đụp. Đầu giường, một cái bàn con, bên trên đặt cây đèn trứng vịt, thắp ngọn leo lét. Sát vách tường là hai chiếc ghế đẩu gỗ nứt kê cạnh chiếc bàn gỗ thô, bày sẵn một hộp trà, cái ấm con và hai chung đất nung.

- Mời ông ký giả ngồi chơi, tui bưng ông táo vô đây cho ông hong tay hong chưn, không thôi trúng lạnh đa! Nhân tiện, tui nấu nước pha Tịnh Độ trà đãi ông ký giả một phen. Đó là sản phẩm đặc biệt của chùa nhà.

Giọng nói của sư cụ trầm, chậm, có tiếng vang, loe ra những vòng âm ba tưởng tượng trong không gian xào xạc tiếng mưa rơi gió thốc. Tiếng nói nhỏ dần theo chưn sư cụ, nhưng không mất, rồi từ từ lớn rõ lúc ông khuân cái hoả lò thoi thóp lửa đỏ kẹp giữa hai cái mo cau. Ánh lửa nhuốm hồng khuôn mặt da mồi gấp nếp, lởm chởm râu mép và râu cằm. Riêng cặp mắt nhà sư vẫn sáng long lanh như hai hột ngọc đen tuyền.

- Tui mua trà từ mấy chuyến ghe thương hồ, đem về trộn chung với lá húng, lá bạc hà, đọt nhãn lồng thái chỉ phơi khô. Tui còn tự tay se nhang cúng Phật, làm tương chao, mì căn, tàu hũ để dùng và đem ra chợ bán nhơn ngày rằm, mồng một. Mà ông đừng có kêu tui là sư cụ hay sư ông mà mắc tội. Hồi nào tới giờ, tui chỉ là ông từ giữ chùa, lau chùi tượng Phật, dộng chuông hai thời trong ngày, lo miếng ăn thức uống cho sư ông trụ trì mười lăm năm trước. Sau khi ông viên tịch, chẳng còn ai, buộc lòng tui đứng ra cáng đáng mọi chuyện. Riết rồi ai cũng kêu tui là sư cụ hết trọi. Nếu như chùa giàu... Mà thôi, đâu có ai tìm đường cong mà đi, phải không ông ký giả? Ngày xưa, đã có lần tui rắp tâm thọ sa-di đó chớ, nhưng học mấy bài kệ còn chưa thuộc thì nói chi tới chú Lăng Nghiêm, Lăng Già. Tui còn nhớ, hồi nẳm, mỗi lần đọc tới đoạn ''Nam mô bà già bà đế'' là tui phì cười, hổng hiểu gì ráo. Nói ra, chắc Phật buồn tui lắm, nhưng mà họ viết mấy bài chú không phải bằng tiếng nước mình...

Nước trong ấm nhôm bắt đầu reo. Thầy ký giả Huy Sơn xen lời:

- Dạ, tại họ phiên âm từ tiếng Phạn ra tiếng Việt cho dễ đọc, không diễn nghĩa nên khó hiểu.

Hai mắt nhà sư rực lên vừng sáng kỳ lạ:

- Ấy, vậy mà hồi xưa sư ông hiểu hết đó ông ký giả à! Vậy mới tài.

Rồi ông mở hộp thiếc, bốc một nhúm trà Tịnh Độ bỏ vô ấm. Cái miệng chung nhỏ xíu, bỏ trái chanh không lọt, bàn tay sư cụ lại run rẩy, vậy mà sau đó ông rót trà ra chung, không đổ giọt nào ra bàn.

Tay áo ký giả Huy Sơn đã được hong khô. Thầy lặng lẽ rút quyển sổ và cây viết ra đặt lên bàn. Nhà sư khêu sáng ngọn đèn trứng vịt. Bên ngoài trời giăng mây xám xịt, mưa vẫn còn nặng hột. Phên cửa sổ khép kín, ngăn mưa tạt.

Nhà sư cất giọng thong thả:

- Như mọi bữa, sau buổi công phu bốn giờ rưỡi sáng, tui lại đi hóng mát dọc theo mé ruộng. Trời còn tối thui hà, nhưng mà có trăng sao. Tui còn nhớ rành rọt, có cánh sao mai sáng rỡ mọc trước mặt mình. Khi tui dừng chưn ngắm, thì bỗng thấy vùng trời phía trước như bị mây che. Trăng sao phụp tắt. Trời đất đổi màu đen như than hầm. Và, lẹ như tên bắn, từ không trung rớt xuống một cái gì y như trái dừa bị khổng lồ. Tui quíu tay quíu chưn, vội vàng nằm bẹp xuống đất. Tim tui đập như trống đình. Miệng tui tự nhiên bật ra một tràng: ''Nam mô A di đà Phật, nam mô Đại bi Quán Thế âm Bồ tát, nam mô Đại thế chí Bồ tát, nam mô Địa tạng vuơng Bồ tát, nam mô Thanh tịnh đại hải chúng Bồ tát...'', đoạn kinh tán Phật mà tui chưa hề thuộc nằm lòng, toàn tụng niệm với cuốn kinh mở ra trước mặt. Nằm một lát, đợi bốn bề êm ả trở lại, tui mới lồm cồm đứng lên. Mèn ơi, dưới thửa ruộng của thầy cai tổng Quới, có cục đá ở đâu rớt nằm một đống, bự tảng thần luôn. Tui chắp tay niệm nam mô thêm vài cái, rồi chạy về chùa, gióng một hồi chuông sớm. Suốt ngày hôm đó, người tui lững đững lãng đãng, hồn một nơi, xác một nẻo. Tới buổi công phu chiều, tui mới hoàn hồn, ông ký già à!

- Dạ, lúc cục đá rớt xuống, nó có chiếu hào quang hay chớp chớp không thầy?

- Không, cục đá chớ bộ con đom đóm sao mà chớp chớp? Không, nó đen thui như được sơn bằng mực tàu vậy.

- Lúc nó chạm đất, thầy có nghe đất rung chuyển không?

- Có chớ. Nó rớt một cái ''phịch'' làm cây cỏ rung rinh, cóc nhái im tiếng hết trơn. Ngộ lắm nghen! Ngay sau đó, cảnh vật êm vắng lạ thường, như khởi thỉ của đời sống vậy.

- Cảm tưởng của thầy lúc đó ra sao?

- Tận thế, tui tưởng tận thế tới nơi rồi, chỉ còn biết nằm chờ chết. Tui nhớ lại những việc mình làm trong quá khứ. Lạ lắm nghe ông ký giả, đầu đuôi sự việc kéo dài chừng vài giây chớ mấy, mà cả quãng đời của tui hiện ra lồng lộng trước mắt. Tui tự hỏi, con người từ đâu tới? Dưới đất nẻ chun lên hay từ mây xanh rớt xuống? Còn tui nữa?

Ký giả Huy Sơn nghe giọng nói của nhà sư trầm xuống buồn bã như điệu hát Nam ai:

- Theo lời kể của sư ông, sáu mươi bốn năm trước, vào một đêm mưa to gió lớn, một tiếng sét long trời lở đất đánh thức ông dậy, cũng trong phương trượng nầy, trên chính cái giường tre ọp ẹp nầy. Lẫn trong tiếng mưa tuôn, gió gào là tiếng trẻ sơ sanh ré khóc oe oe. Sư ông cầm đèn rọi tìm thì thấy trước cửa chùa một hài nhi được quấn trong mấy lượt vải ú, để nằm rong cái mo cau. Ông đâu biết làm gì khác hơn là ẵm đứa nhỏ vô chùa, cho ăn cho uống, nuôi dưỡng nên người. Thằng nhỏ đó, vừa lọt lòng mẹ, đã biết ăn chay, nghe tụng kinh, hít mùi nhang trầm. Nó được mớm bằng nước cơm, sữa đậu nành, bột mì tinh khuấy lỏng. Ba tuổi, nó đã biết thắp nhang cúng Phật. Năm tuổi, nó đã biết ngồi kiết già mỗi thời công phu sớm tối. Nhưng lời kinh tiếng kệ làm sao hấp dẫn bằng một trận đá dế, một cánh diều giấy hay một buổi tắm sông với mấy đứa trẻ chăn trâu? Cái Phật tánh trong nó nằm ở đâu không biết, chớ mấy bài chú, bài kệ, bài tán, bài tụng là nó không ưa rồi đa. Tối tối nó nằm ngủ chèo queo trên bộ ngựa kê bên hông chánh diện. Mới mười hai tuổi mà khi nghe tiếng chuột chút chít giành nhau mấy hột cơm rớt trên bàn thờ Phật, nó đã biết thao thức, một nỗi thao thức khó cắt nghĩa bằng lời. Nó nhỏ hẹp như sự sống đui mù câm điếc của trái bần treo tòn teng ven sông, ngửa cái lớp vỏ trần tục hứng ánh trăng soi. Nó lặng lẽ như lũ mọt giấy gặm dần gặm mòn những trang kinh Phật, mà vẫn không hiểu gì ráo trọi. Nó khát khao như bầy gián hôi rình chực chờ nghiến nát những cọng nhang, những chân đèn cầy quên bỏ vô hộp. Thằng bé mồ côi ấy lớn lên trong cảnh chùa Tịnh Độ, học hoài không thuộc bài kinh nào. Mười sáu tuổi, thân thể bắt đầu nẩy nở. Râu lông mọc ra. Tiếng nói bể, nghe ồm ồm như vịt đực. Một nỗi thèm khát lạ kỳ kéo tới. Nửa khuya, thức giấc vì tiếng chuột chút chít; mỗi sáng nấu nước, châm dầu, sửa soạn thời công phu sớm, thằng nhỏ bàng hoàng nhận ra cái mà sư ông vẫn kêu là lục dục thất tình. Đôi khi, sự cám dỗ của xác thịt to lớn quá, xui nó hành sự điều tội lỗi. Nhưng không hiểu sao, lúc nào cũng có một vật cản vô hình ngăn nó lại, giữ chặt bàn tay nó như xiềng xích một tội nhơn. Hay đó là cái tiền duyên của nó với đạo pháp? Ông ký giả à, thằng nhỏ không cha không mẹ, u mê ám chướng đó là tui đây, chính là tui chớ không ai khác.

Rồi nhà sư húng hắng ho khan. Ấm nước thứ nhì sôi sùng sục từ lúc nào, không ai để ý. Quần áo ký giả Huy Sơn đã khô ráo. Mưa vẫn nặng hột ngoài kia. Hoàng hôn rắc bóng tối câm lặng.

Nhà sư châm thêm nước vô bình, buông tiếng cười nhẹ:

- Ông ký giả rinh bài viết nầy về, gọt dũa lại cho văn hoa tiểu thuyết, đem đăng báo chắc có nhiều người đọc.

- Có điều, thầy không sợ bị người đời gièm xiểm sao?

- Nếu sợ, tui đã không mời ông tới đây. Sáu mươi bốn năm trời, tui ôm mối tâm sự canh cánh bên lòng, hôm nay mới có cơ hội thố lộ cùng ông ký giả. Đó là sự thật đời tui, có Phật trời chứng giám.

Như để minh chứng tấm lòng thành, một lằn chớp loé lên, tiếp theo là tiếng sấm nổ chát chúa. Ký giả Huy Sơn cất tiếng bâng quơ:

- Mưa dai dữ a.

- Ờ, mưa đầu mùa gì mà lâu dữ thần vậy cà!

Chợt, như một bóng ma, từ ngoài cửa lao vô một thằng nhỏ tóc tai người ngợm dầm mưa ướt nhẹp. Nó lắp bắp cặp môi thâm xì vì lạnh:

- Sư cụ... sư cụ ơi... chạy ra mà coi cục đá!

Ký giả Huy Sơn và nhà sư còn trơ mắt ngạc nhiên, nó đã tiếp lời:

-...Cục đá nó lún xuống sình!

Ký giả Huy Sơn la lên:

- Trời đất!

Nhà sư quơ lẹ cái nón lá máng trên vách, chẳng nói chẳng rằng, băng ra ngoài mưa, theo chưn đứa nhỏ chạy trước. Ký giả Huy Sơn không biết làm sao, đành hấp tấp cởi quần áo, chỉ còn cái quần xà lỏn, rượt theo hai dáng người lúp xúp nhoà tan trong màn mưa.

Cơn mưa nhiệt đới tuôn xối xả như thác. Trước mặt thầy ký giả là màn nước vô minh che mờ ngoại vật. Sau lưng thầy, cảnh già lam biến mất sau làn mưa dầy đặc. Ký giả Huy Sơn đứng ngơ ngác trong mưa. Lần nầy, thầy mới thật nghĩ rằng mọi chuyện vừa qua chỉ là một giấc chiêm bao. Không chừng khi mưa tạnh, tỉnh dậy mới hay là tảng đá trời đã chìm sâu dưới lòng đất từ khi nào.


NÉT ĐƠN SƠ



nhẹ như giọt nắng vàng

đong đưa ngoài ngõ lạnh

trời chiều thu vừa sang

trả không gian hiu quạnh
hiền như trăng đầu ngõ

buông ánh sáng dịu dàng

áng mây qua mờ tỏ

như thấp thoáng buông màn
thơm như hương dạ lý

mỗi cuối chiều hoàng hôn

một mùi thơm thanh quý

như hương mùa cô thôn
mỗi lần trống trường tan

tung tăng đàn bướm dạo

trắng cả một khung trời

trên đường về huyên náo
tiếng sẻ líu lo chào

dưới hàng tre run khẻ

cánh diều bay vút cao

đưa êm làn gió nhẹ
đơn sơ chỉ có thế

sao mãi gọi lòng về

hình như trong tâm thể

còn vọng mãi hồn quê!

ĐAN HÀ




SẼ RA SAO NGÀY MAI?

QUE SERA SERA...
Mỹ Đức Phạm Kim Dung



When I was just a little girl,

I asked my mother what will I be

Will I be pretty

Will I be rich

Here's what she said to me

Que sera, sera...

What ever will be, will be

The future's not ours to see

Que sera, sera...

What ever will be, will be...

Ngày em còn thơ, lòng vương mộng mơ,

Thường hay hỏi má em, Má ơi ngày sau

con sẽ thắm tơ duyên

và vui sướng không

Mẹ em sẽ khuyên bảo rằng

Biết ra sao ngày sau....

Đời luyến lưu vui cười, khổ đau

Vì sắc duyên là sóng bể dâu

Nào ai biết ngày sau....

(Lời Việt của Phạm Duy)
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng hơn một lần nghe bài hát trên trong đời. Năm 1956, khi Doris Day cất giọng hát bài trên, cô đã làm thổn thức biết bao người. Cho đến hôm nay, nửa thế kỷ đã qua, bài hát và người hát vẫn còn được nhắc đến.

Phải chăng với chật giọng ngọt ngào tự nhiên mà Doris Day đã làm rung động nhiều người khi hát bài này? Hay còn vì một lý do nào khác?

Con người là một sinh vật. Sinh vật nào cũng có một bản năng sinh tồn. Bản năng sinh tồn này đã thúc dục và giúp người ta vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm để tồn tại trong đời sống hằng ngày vốn dĩ đã tràn đầy ganh đua và tranh đấu gian khổ.

Có người mong ước có cuộc sống bình yên, có người mong được giàu sang, phú quý, có người thích được hưởng thụ những lạc thú trên đời. Mà cuộc sống thì bấp bênh, tạo ra biết bao lo âu. Người nghèo thì không biết ngày mai tương lai con cái, gia đình sẽ ra sao. Người già, đau ốm bệnh tật, cái chết chỉ là thời gian, thì lo sợ không biết sau khi chết sẽ đi về đâu. Gia đình hạnh phúc, hương lửa mặn nồng hôm nay nhưng không chắc tình yêu có vững bền đến răng long đầu bạc không. Quyền cao chức trọng nhưng lúc nào cũng nơm nớp đề phòng những kẻ ghen tị tìm cách hãm hại mình. Nhiều người giàu sống trong tiện nghi vật chất xa hoa thì sợ bị cướp bóc hãm hại hoặc thắc mắc không biết khi mình lìa đời con cái sẽ chia chác thế nào của cải mà cả đời mình đã vất vả tạo ra.

Vì sợ khổ, vì muốn giữ tất cả cho mình, và cho gia đình mình mà mỗi người có một lo lắng riêng về tương lai. Cô bé trong bài hát trên từ khi còn bé thơ đã hỏi mẹ ngày sau cô sẽ ra sao. Khi cô biết yêu, cô đã băn khoăn hỏi người yêu liệu hai người có hạnh phúc mai sau. Rồi cô có gia đình, có con. Các con cô, cũng như cô khi còn thơ ấu, cũng hỏi cô tương lai chúng rồi sẽ thế nào. Cùng nỗi niềm thắc mắc từ thế hệ này đến thế hệ khác, câu trả lời cũng chỉ là “... nào ai biết ngày sau” hay là “chuyện gì đến sẽ đến.” Thế nên khi Doris Day hát những lời trên, người ta đã đón nhận nồng nhiệt vì bài hát đã nói lên đúng những suy nghĩ khắc khoải của mỗi người về ngày mai của mình.

Vậy thì cái ngày mai ấy sẽ ra sao?

Hãy nhìn những em bé hồn nhiên ngây thơ. Nhưng rồi các em sẽ là người trưởng thành trĩu nặng lo âu như chúng ta hôm nay. Những đóa hoa lan kiêu sa, những đóa hồng xinh đẹp sẽ tàn úa ngày mai. Xe đời mới 2007 sẽ trở thành xe cũ vào năm 2008. Mười năm nữa xe sẽ già nua lắm rồi. Hoa hậu hoàn vũ năm nay chắc chắn sẽ thành một bà già xấu xí nhăn nheo sau một thời gian, nhiều lắm là 50 năm. Một người hiện giờ rất nghèo nhưng nhờ làm ăn cần cù và biết tính toán có thể trở thành nhà triệu phú về sau. Người thành công hôm nay chưa chắc sẽ mãi đứng trong hào quang chiến thắng. Một cô gái tầm thường xấu xí nhờ phẫu thuật thẩm mỹ có thể trở thành người đẹp như bất cứ ai. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng góp phần không nhỏ vào những thay đổi mà cách đây chỉ 20 năm thôi con người đã không thể mường tượng ra được. Chẳng hạn như người ta có thể thay đổi giới tính của mình, con trai có thể biến thành con gái, đàn bà có thể biến thành đàn ông nếu thích. Khi sinh ra chúng ta, cha mẹ đặt cho chúng ta những cái tên đẹp, đầy ý nghĩa và kỳ vọng. Nhưng khi sang Mỹ, những cái tên hay đẹp đó bị đảo ngược và rút lại thành hai chữ, mất cả dấu và mất cả ý nghĩa. Cái tên Lê thị Cẩm Lệ không chỉ đẹp mà còn nhắc đến một vùng làm thuốc lá nổi tiếng ở Huế. Ở Mỹ thì tên đẹp và đầy tình tự quê hương đó biến thành “Cam Le”hoặc “Le Le”. Và người Mỹ sẽ đọc là “Kem Li”hay là “Li Li”!!! Người phụ nữ mang tên này trước khi đến Hoa Kỳ có bao giờ hình dung được sẽ có ngày tên mình được gọi giống như “kem ly” không nhỉ ? Phanrang của chúng ta ngày xưa bé nhỏ, đìu hiu nhưng sao bây giờ người ở đâu mà đông như vậy, phố xá tấp nập, ồn ào,... “ngựa xe như nước, áo quần như nêm.” Trước đây to tiếng hô hào “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, ngày nay qua tận “hang ổ của đế quốc Mỹ” nhắc nhở tình cố hương, mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ đón chào từ phi trường Tân Sơn Nhất. Sau 1975 ai vượt biên bị kết tội là phản quốc, bây giờ được trân trọng gọi là “núm ruột ngàn dặm thân thương.” Nguyên nhân những thay đổi này ai cũng biết. Nhưng chắc không có ai trong khoảng 1975 đến 1990 có thể nghĩ rằng có ngày những sự kiện trên thay đổi đến 180 độ như vậy.

Chúng ta có câu “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” để ám chỉ ngày xưa chuyện con cái lấy vợ lấy chồng là do cha mẹ toàn quyền quyết định. Bây giờ dĩ nhiên không còn như vậy, nhưng con cái ở Việt Nam muốn lập gia đình với ai trước hết vẫn phải có sự đồng ý của cha mẹ hai bên. Sang đến Mỹ thì câu ngạn ngữ trên có thể đảo ngược lại, “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó”. Ở đây, khi con cái trưởng thành thì lập gia đình với ai là chuyện của chúng nó. Con cái thường thông báo và cha mẹ phần lớn đồng ý. Mấy ai dám phản đối. Phản đối thì con cái sẽ bỏ đi xây tổ ấm với người chúng đã chọn và cha mẹ sẽ mất con. Những phong tục tập quán mà chúng ta cho là tốt đẹp và ra sức gìn giữ chưa hẳn là con cái chúng ta ở đây vốn đã Mỹ hóa sâu đậm cũng nghĩ như chúng ta. Đó là chưa nói đến sự khác biệt với văn hóa đa chủng của người bản xứ. Hơn bao giờ hết, câu nói “Chân lý chỉ ở bên này rặng Pyréné” của người Pháp đúng đến như vậy.

Những sự kiện trên chỉ để chứng minh rằng cái ngày mai ấy, cái ngày mai mà con người thường băn khoăn, thắc mắc chỉ là những thay đổi trong muôn triệu đổi thay mỗi ngày. Thay đổi không hạn chế ở lĩnh vực vật chất mà còn đổi thay sâu sắc đến những giá trị văn hóa tinh thần và truyền thống của cả một dân tộc.

Nhưng tại sao ngày mai chỉ là thay đổi?



Tất cả vạn vật, từ gỗ đá vô tri cho đến cỏ cây hoa lá, các loài động vật và loài người đều chịu ảnh hưởng của quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”. Một bào thai tượng hình trong bụng mẹ, rồi một em bé sơ sinh chào đời chỉ biết khóc, ăn và ngủ. Dần dần em biết nhận ra thế giới chung quanh mình, biết bố mẹ, ông bà, biết nghe, nhìn, nói và hiểu. Rồi em cắp sách đến trường, học đọc, học viết, học những điều hay lạ, mới mẻ chung quanh để mở mang trí tuệ và hình thành một nhân cách. Đó chính là giai đoạn “thành”. Từ năm 18 tuổi cho đến khoảng 50, em là một người hoàn toàn trưởng thành. Em có thể là một thiếu nữ xinh đẹp hay là một thanh niên tuấn tú với sức sống tràn trề, năng lực dồi dào, trí tuệ minh mẫn, tài năng phong phú. Đây là thời gian tươi đẹp nhất của con người. Người ta xây dựng sự nghiệp, phát minh, sáng tạo, liều lĩnh làm những việc nghiêng trời, lệch đất ảnh hưởng đến bao người chính là trong giai đoạn này, giai đoạn “trụ”, có nghĩa là đứng vững. Người tây phương nói trong giai đoạn này, con người đi lên đến đỉnh cao của một parabol. Thực sự ra nhiều người khi 45 tuổi đã thấy có nhiều thay đổi trong cơ thể, mắt mờ, tóc điểm bạc, không còn nhanh nhẹn như trước, bụng bắt đầu phệ, chân tay chậm chạp, hay quên... Vào tuổi 50 thì những thay đổi trên thấy rõ hơn nữa. Riêng với số đông phụ nữ thì còn mỏi mệt vì các triệu chứng tiền mãn kinh. Nhiều bệnh tật bắt đầu xuất hiện, cao máu, cao mỡ, đau khớp xương, phong thấp, những triệu chứng của tim mạch, ung thư...Và cũng theo người phương tây, con người bắt đầu đi xuống dốc parabol. Nhưng đồng thời người ta cũng khôn ngoan, tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn, bớt hăng hái hơn hồi thanh xuân, điềm đạm, chín chắn hơn. Con người lúc này đang ở vào giai đoạn “hoại”. Có nghĩa là cơ thể bắt đầu rệu rã, tàn tạ như một xe ô tô đã chạy quá nhiều năm. Từ 60 tuổi trở lên, người ta thực sự bắt đầu tuổi già, tóc bạc trắng, đi đứng khó khăn, đau ốm liên miên hoặc phải uống đủ loại thuốc liên tục. Mặc dầu tuổi thọ ngày nay của loài người gia tăng, nhưng mấy ai sống đến 80 tuổi mà còn khỏe mạnh, tinh tường, nhạy bén như khi còn thanh xuân. Đây chính là giai đoạn “diệt”. Xem vậy, một kiếp người từ khi còn là trứng noãn hay tinh trùng cho đến ngày già lão nhắm mắt buông tay đều trải qua tất cả bốn giai đoạn “thành, trụ, hoại, diệt” nói trên. Ngay trong từng mỗi giai đoạn đã có biết bao thay đổi trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau. Những thay đổi đến sau làm tốt hơn cho thay đổi trước hoặc làm thay đổi trước mau tàn rụi hơn. Một cái xe ô tô cũng thế. Trước khi tung ra thị trường, nhà sản xuất lựa chọn mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng, thay đổi, tăng cường chức năng các bộ phận, thử nghiệm độ an toàn, độ bền, tính toán giá thành để dễ cạnh tranh với các hãng khác. Đó chính là giai đoạn “thành” của chiếc xe. Khi xe được xuất xưởng, đến tay người lái, xe láng bóng, cáu cạnh, chạy êm ru như tên bắn với bao chức năng độc đáo làm bao người nhìn theo thèm thuồng ganh tỵ. Đó là giai đoạn “trụ” của xe. Giai đoạn này kéo dài khoảng 80,000 đến 100,000 dặm tùy loại xe. Sau đó, xe cũng bắt đầu già nua, mỏi mệt như con người với nước sơn trầy xước, những bộ phận bắt đầu mòn, cũ, hư hỏng khiến chủ xe phải sửa cái này, thay cái khác... Đây chính là giai đoạn “hoại” để chuẩn bị cho giai đoạn “diệt” sẽ đến rất nhanh trong vài năm. Lúc xe không còn chạy được nữa, người ta có thể tiếc rẻ tháo ra vài bộ phận còn dùng được rồi cũng đem xe ra nghĩa địa vất ở đó. Một kiếp người và một đời xe xem ra cũng có nhiều chỗ tương đồng. Mà chẳng riêng gì xe, tất cả những gì tồn tại trong thế giới của chúng ta đều chịu một quy luật chung như vậy. Tất cả mọi sự hiện hữu, dù là loài vô tình hay hữu tình, đều khởi đầu bằng những thay đổi và kết thúc bằng những đổi thay. Tất cả và tất cả đều bắt đầu và chấm dứt như vậy. Vì thế dưới cái nhìn của Phật giáo, tất cả đều vô thường (không trường tồn vĩnh cửu), mong manh và ngắn ngủi. Đó chính là vạn pháp giai không.

Nếu nói vạn pháp vô thường sẽ có người thắc mắc thiên đàng có bền vững lâu dài không? Thiên đàng, nếu có, là cảnh giới dành cho người đạo đức, làm những việc tốt đẹp cho đời, cho nhiều người khi họ còn sống. Còn địa ngục là nơi trừng phạt sau khi chết cho những người xấu ác, vi phạm luật lệ xã hội, tôn giáo, hoặc gây đau khổ cho người khác. Phải đủ điều kiện mới được lên thiên đàng. Không đủ điều kiện lên thiên đàng tức là hội đủ điều kiện xuống địa ngục. Những gì còn nằm trong vòng đối kháng với nhau như giả và thật, tốt và xấu, xấu và đẹp, đúng và sai, giầu và nghèo, trẻ và già, đạo đức và vô luân, bất lương và lương thiện... đều ảnh hưởng bởi những đổi thay, tức là nhân và duyên. Những gì còn bị tác động của nhân duyên tức là những điều kiện thì đều nằm trong vòng “thành, trụ, hoại, và diệt”. Thiên đàng và địa ngục luôn đối ngược nhau, tức là còn bị nhân duyên, đổi thay chi phối, nên cũng không thoát khỏi quy luật trên.


Khi biết rồi ai cũng chết và cái gì rồi cũng bị hoại diệt, vậy chết và hoại diệt có phải là hết, là chấm dứt không? Theo nguyên lý vô thủy vô chung, vô cùng vô tận của Phật giáo, không có gì sinh ra mà cũng chẳng có gì biến mất thì chết hay hoại diệt chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp từ một trạng thái này sang trạng thái khác mà thôi. Như nước sạch sau khi tắm rửa, giặt giũ.... trở thành nước bẩn. Nước dùng dơ bẩn theo hệ thống cống rãnh trôi ra sông, biển. Xem qua tưởng như loại nước này đã biến mất. Thực ra, trong quá trình chảy ra sông, biển, nước dơ bẩn đó đã phần nào ngấm xuống đất và được sàng lọc tự nhiên trong lòng đất. Ngay cả khi chảy ra biển, nước bẩn đó tuy làm ô nhiễm dòng nước biển ở đó, nhưng rồi thì thiên nhiên cũng lọc tất cả sau bao tháng năm. Ngày nay ở California, người ta không chờ thiên nhiên làm việc này. Những nhà máy lọc nước với những thiết bị hiện đại có thể thay thế mặt đất lọc nước thải gớm ghiếc nói trên trong một thời gian rất ngắn thành nước sạch trở lại và người ta có thể sử dụng lại nước đó rất an toàn và vệ sinh trong nhiều sinh hoạt hằng ngày. Ở những nơi mà người ta còn dùng phân người và súc vật để bón cho ruộng vườn, cây cỏ thì chúng ta còn thấy rõ ràng hơn nữa là cái gì đó bị hoại diệt thì không phải là vĩnh viễn biến mất. Phân là chất thải của người và súc vật trong quá trình tiêu hóa đồ ăn để nuôi dưỡng cơ thể. Khi chúng được dùng để đem chất dinh dưỡng đến nuôi các loài thảo mộc, chúng đã góp phần rất lớn để có rau cỏ, hoa trái cho con người dùng. Sau khi con người tiêu hóa đồ ăn xong, quá trình biến đổi trên lại trở lại. Đó là thí dụ đơn giản nhất chứng minh rằng hoại diệt không phải là hết hay chấm dứt. Chết hay hoại diệt là trạng thái chuyển tiếp trong quá trình tuần hoàn của vũ trụ hay là vòng luân hồi của mỗi cá nhân. Khi sinh ra cõi đời này, em bé sơ sinh thuộc dòng dõi quý tộc, cao sang hay em bé sơ sinh của một người ăn mày, không nhà cửa đều giống nhau. Cả hai em đều khóc oe oe khi lọt lòng mẹ và vào đời với tấm thân trần trụi. Khi từ bỏ cõi đời này, một người giàu sang, quyền uy nhất thế giới cũng giống như một người mạt hạng nhất mà thôi. Đó là ra đi tay không và để mặc thân xác cho những người còn lại muốn làm gì thì làm. Khi ta đến thế giới này, ta mình trần thân trụi. Sau khi nhắm mắt lìa bỏ cuộc đời, ta cũng mình trụi thân trần mà đi. Chỉ còn lại công và tội. Công và tội sẽ theo ta đi mãi và hình thành đời sống sau này. Tiếc rằng nhiều người đã không hiểu hoặc không tin rằng chết không phải là hết nên đã ham muốn, hưởng thụ quá nhiều, sống phóng túng, thác loạn, gây ra bao đau khổ cho người, tạo ra duyên khởi trùng trùng nên đã vô số lần trải qua trạng thái chuyển tiếp để thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác. Đó chính là cái mà chư Phật gọi là trầm luân trong sinh tử hay lặn hụp trong luân hồi.
Cô bé ngây thơ hồn nhiên trong bài hát Que Sera Sera năm xưa ơi! Nay cô chắc cũng sắp bước vào tuổi lục tuần. Cô hẳn đã trải qua nhiều kinh nghiệm sống, đã nhìn thấy nhiều cảnh bể dâu, thăng trầm và chắc cũng không còn nhiều thắc mắc biết ra sao ngày sau như thuở còn thanh xuân nữa. Ở vào tuổi “nhi bất hoặc”, cô hẳn cũng biết đời mình và số phận mình đã được an bài như thế nào rồi. Cô hẳn đã mỏi mệt vì bao nhiêu thay đổi trong đời sống của cô và những người thân trong gia đình. Có thể giờ đây cô đang băn khoăn tự hỏi sau khi nhắm mắt cô sẽ đi về đâu, tại sao cuộc đời lại có nhiều thay đổi và ngắn ngủi đến thế hoặc cô phải sống thế nào giữa muôn trùng ngắn ngủi đó? Cũng có thể cô thắc mắc người ta có thể dừng lại những đổi thay trong đời sống hằng ngày không... Cô bé ơi! Nếu cô hỏi tôi những câu hỏi đó, tôi sẽ rất vui nói với cô rằng tuy tất cả mong manh, nhưng nếu biết sống, cô vẫn có thể sống hạnh phúc, tự tại và an lạc; dẫu rằng chuyện gì đến sẽ đến nhưng ngày mai cô sẽ ra sao thì hoàn toàn tùy thuộc vào những gì cô làm hôm nay và hôm qua; và nếu cô không làm khổ cô và làm khổ người khác, những đổi thay đó sẽ không ảnh hưởng đến cô bao nhiêu vì cô có thể làm chủ cuộc đời cô bây giờ và mãi mãi về sau....








tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương