Nội dung số này



tải về 1.29 Mb.
trang2/12
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.29 Mb.
#24073
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

Chánh tư duy

Chánh tư duy là chi thứ hai trong Bát chánh đạo. Từ này được dịch từ tiếng Pali là Samma-sankappa. Samma là chánh hay đúng; sankappa có nghĩa là tư duy, tư niệm, hay tiếng Việt gọi là suy nghĩ, suy tư, thuộc về lãnh vực ý thức. Khái niệm suy tư (sankappa) này, nó được bổ nghĩa bởi từ chánh (samma), cho nên được gọi nó là chánh tư duy. Thế nào gọi là chánh tư duy? Để chúng ta nắm bắt ý nghĩa một cách trọn vẹn, không bị sai lạc, chúng ta căn cứ ‘Kinh Lậu Tận’ được đức Phật giải thích:

Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: Do tri, do kiến mà các lậu bị tận diệt chớ không phải do không tri, không kiến.

Sao gọi là do tri, do kiến mà các lậu bị tận diệt? Đó là do có chánh tư duy và không chánh tư duy. Nếu không chánh tư duy thì dục lâu chưa sanh sẽ sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không sanh; đã sanh liền tiêu diệt”. 3

Thật ra bản kinh này tương đương với ‘Kinh Tất Cả Lậu Hoặc’ (Sabbasava-suttam) trong “Kinh Trung Bộ” (Majjhima-Nikaya), chúng ta có thể đem hai kinh so sánh tham khảo. Tuy nhiên, nguyên bản Phạn ngữ của “Kinh Trung A Hàm” không còn, chỉ còn bản Hán dịch, được Thượng tọa Tuệ Sỹ dịch sang Việt văn, có thể nói đây là bản dịch Việt ngữ tốt nhất. Trong bản dịch của mình, Thượng tọa đã chú thích từ ‘Chánh tư duy bất chánh tư duy’ với nội dung so sánh đối chiếu giữa A hàm và Pali: “正 思 惟 不 正 思 惟… Pāli: yoniso ca manasikara ayoniso ca manasikāra, có như lý tác ý và không như lý tác ý”. Thật ra, cụm từ Pali được Thượng tọa trích dẫn từ kinh ‘Sabbasava-suttam’, ý cho rằng, cụm từ ‘chánh tư duy bất chánh tư duy’ trong Hán tạng, nó tương đồng với cụm từ: yoniso ca manasikāraj ayoniso ca manasikāraj trong Pali. Yoniso manasikāram có nghĩa là ‘như lý tác ý’ hay ‘chánh tư duy’; ayoniso manasikāram có nghĩa là ‘không như lý tác ý’ hay ‘không chánh tư duy’, hai cách dịch này đều đúng cả. Như vậy, từ ‘chánh tư duy’ có nghĩa là ‘như lý tác ý’, vì có như lý tác ý mới có chánh tư duy, hay nói một cách khác ‘như lý tác ý’ là nhân ‘chánh tư duy’ là quả.

Trở lại vấn đề, khái niệm chánh tư duy được đức Phật giải thích trong đoạn kinh vừa dẫn, nó mang ý nghĩa là nguyên nhân mang lại cuộc sống hạnh phúc. Nói cách khác, nó là bức tường kiên cố nhằm ngăn chận các pháp bất thiện chưa sinh không sinh khởi, đã sinh được trừ diệt. Thế thì nguyên nhân nào khiến cho chánh tư duy có chức năng này? Nếu chúng ta căn cứ ý nghĩa của từ chánh tư duy thì sẽ hiểu ý nghĩa này. Chánh tư duy là sự suy nghĩ hợp lý. Thế nào là suy nghĩ hợp lý? Có nghĩa là đạo lý của sự vật như thế nào thì chúng ta suy nghĩ như thế ấy, tức là giữa suy nghĩ và thực tế cuộc sống phù hợp nhau. Bất cứ vấn đề gì, khi chúng ta suy tư về nó một cách hợp lý, thì nó sẽ cho chúng ta cách giải quyết hợp lý; bất cứ vấn đề gì, được giải quyết hợp lý, việc ấy không thể mang lại khổ đau, ngược lại, mang lại sự an vui hạnh phúc. Suy nghĩ đúng không thể mang lại kết quả khổ đau, đó là mối quan hệ nhân quả về mặt tâm lý. Nếu như trong quá khứ có phiền não gì, do không chánh tư duy, nay đã có chánh tư duy, những phiền não từ nay trở về sau không còn; và những phiền não nào chưa sinh thì cũng không thể sinh được, vì đã có chánh tư duy và chánh hành. Đó là ý nghĩa của từ chánh tư duy được giải thích trong kinh này.

Ở đây cũng cần hiểu thêm rằng, khái niệm tư duy mang hai ý nghĩa, bao gồm chủ thể tư duy và đối tượng tư duy. Ví dụ, ông A đang suy nghĩ về quê hương. Ông A suy nghĩ (tư duy) là chủ thể, quê hương là đối tượng bị tư duy. Thế thì đối tượng tư duy từ đâu mà có? Câu hỏi này tuy đơn giản, nhưng thật ra không đơn giản tí nào. Trong Duy thức học Phật giáo có hai trường phái An Huệ và Hộ Pháp, mỗi phái đều có cách trả lời khác nhau. Vì chủ đề chính của bài viết này không nhằm giải quyết vấn đề này, cho nên ở đây người viết không đi sâu vào lãnh vực triết học của hai trường phái này, nó sẽ được thảo luận trong một chuyên đề khác. Để giải đáp vấn đề đã nêu, người viết xin giải đáp. Đối tượng mà ý thức tư duy chính là ‘pháp xứ’ trong 12 xứ. Nó vốn là những hình ảnh của những cái được thấy, được nghe, được ngưởi, được nếm và được cảm xúc từ thế giới bên ngoài. Ví dụ hôm qua nghe một bản nhạc rất hay, thấy một đóa hoa thật đẹp…, ở đây, bản nhạc hay, bông hoa đẹp tuy nó đã thuộc quá khứ, hiện tại không còn, nhưng hình ảnh đóa hoa và âm thanh của nhạc vẫn còn lưu lại trong ký ức. Những ấn tượng trong ký ức đó là cái được chụp lại từ thế giới bên ngoài, làm đối tượng để cho ý thức nhận thức phân biệt, vì ý thức không thể nhận thức thế giới bên ngoài. Như vậy, nếu như giáo lý Bát chánh đạo được xem như là một quá trình nhận thức với thế giới bên ngoài thì ‘chánh kiến’ được xem như là nguồn tư liệu đáng tin cậy, làm cơ sở cho chánh tư duy, chánh ngữ… chánh định. Chánh tư duy có trách nhiệm sử lý những tư liệu đó cho phù hợp với thực tế, trước khi biểu thị qua lời nói hay hành động.




  1. Chánh ngữ

Chi thứ ba trong giáo lý Bát chánh đạo là chánh ngữ. Tiếng Pàli là Samma-vaca, có nghĩa là lời nói chơn chánh hay đúng đắn. Nếu như chánh tư duy có tránh nhiệm xử lý những gì đã được thu thập từ năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) cho hợp lý, thì chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng là một trong ba chi biểu thị thái độ hợp lý của con người đối với thế giới tự nhiên, có nghĩa là con người phải phát ngôn và làm đúng với thực tế. Tất nhiên, xã hội con người rất phức tạp, cho nên người nói phải thận trọng, phát biểu như thế nào không làm tổn thương cho mình và cho người khác, và dĩ nhiên lời nói đó phải phù hợp với lý tưởng mà mình đang đeo đuổi. Hoàn thành được mục đích này, Phật giáo gọi là chánh ngữ. Theo Phật giáo chánh ngữ không phải là thấy như thế nào nói như thế ấy, kinh nói sao mình nói vậy là chánh, đây là điểm mà người Phật tử chúng ta cần chú ý và học tập. Thế thì theo Phật giáo dựa vào những tiêu chuẩn nào để phát ngôn không rơi vào tà ngữ?

Để trả lời cho vấn đề này, trong Kinh A Hàm và Nikaya có khá nhiều kinh giải thích. Trước tiên là ‘Kinh Ví Dụ Cái Cưa’ (Kakacupamasuttam), đức Phật tường tận giải thích như sau:

Chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Người có thể dùng khi nói với các người khác: (1). đúng thời hay phi thời, (2). chơn thực hay không chơn thực, (3). nhu nhuyến hay thô bạo, (4). có lợi ích hay không lợi ích, (5). với từ tâm hay với sân tâm.”

Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Người có thể nói đúng thời hay phi thời. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Người có thể nói lời chơn thực hay nói lời không chơn thực. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Người có thể nói lời nhu nhuyến hay nói lời thô bạo. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Người có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Người có thể nói với từ tâm hay với sân tâm.”

Chư Tỷ-kheo, ở tại đây, các Người cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng địa vô biên, không hận, không sân". Chư Tỷ-kheo, như vậy các Người cần phải học tập.” 4

Nội dung đoạn kinh này, chủ yếu đức Phật căn cứ vào 5 yếu tố để khuyên chúng ta nên nói hay không nên nói. (1). Đúng thời hay phi thời. Có nghĩa là khi chúng ta muốn phát biểu một vấn đề gì, cần phải cân nhắc, vấn đề đó được nói trong lúc này đã hợp thời chưa? (2). Chân thực hay không chân thực. Cần phải xem xét vấn đề mà ta muốn nói đó đúng sự thật hay không đúng sự thật. (3). Nhu nhuyến hay thô bạo. Có hai cách thể hiện lời nói của mình là chúng ta nên dùng cách nào, thô bạo cứng rắn hay uyển chuyển mềm dẻo. (4). Có lợi ích hay không lợi ích. Trước khi muốn phát biểu lời nói nào cần phải cân nhắc, lời nói ấy có lợi ích hay không có lợi ích, (5). Từ tâm hay sân tâm. Có hai cách thể hiện lòng mình qua lời nói, nói với lòng từ bi hay lòng sân hận. Đây là 5 tiêu chuẩn để chúng ta tự lựa chọn lời nói của mình. Đức Phật cho rằng, chính chúng ta là người quyết định, lựa chọn lời nói, không có bất cứ ai có thể thay ta lựa chọn, nhưng chúng ta cần chú ý một vấn đề cơ bản là, sau khi nói ra sẽ có một trong hai kết quả là khổ đau hay hạnh phúc, điều đó tùy thuộc vào sự phát ngôn hợp lý hay phi lý. Theo nhà Phật, thông thường lời nói hợp thời, chân thật, mềm dẻo, với tâm từ, nó thường mang lại cho chúng ta an lạc và hạnh phúc; ngược lại, nó sẽ mang lại bất an và khổ đau. Đó là lý do tại sao đức Phật khuyên chúng ta nên nói lời nói lời chân thật, ái ngữ với lòng bi mẫn, không phải là hận thù. Đây là ý nghĩa về lời nói được đức Phật trình bày trong kinh này.

Cũng cùng nội dung liên quan đến vấn đề ‘Lời nói’, ‘Kinh Vương Tử Abhaya’ (Abhaya rajakumara suttam), được đức Phật giải thích một cách cụ thể và rõ ràng hơn.

Nguyên nhân đức Phật nói bài kinh này, vì ngoại đạo Nigantha Nataputta có ác ý muốn làm nhục đức Thế Tôn, cho nên đã xúi vương tử Abhaya đến tranh luận với Thế Tôn. Nếu chiến thắng, tiếng tốt sẽ đồn xa, vì vương tử là người dám luận chiến với Thế Tôn. Mặc dù Vương tử Abhaya không dám làm điều đó, nhưng Nigantha Nataputta đã thuyết phục và chỉ cách đặt vấn đề với Thế Tôn như vầy: ‘Như Lai có khi nào nói những lời nói mà người nghe không ưa không thích không?’ Nếu như Thế Tôn trả lời là: ‘Có’. Tiếp tục đặt vấn đề: ‘Thế thì, cách trả lời ấy giữa Thế Tôn và kẻ phàm phu có khác gì?’ Nếu như Thế Tôn trả lời là: ‘Không’. Tiếp tục cật vấn bằng cách hạ nhục: Thế Tôn trả lời không đúng sự thật, vì Thế Tôn đã từng nói: ‘Này Devadatta phải đọa vào đọa xứ, Devadatta phải đọa vào địa ngục’ là lời nói mà người nghe không thích. Sau đó, Vương tử Abhaya đã làm theo và cật vấn Thế Tôn.

Để trả lời câu hỏi móc câu này, đức Phật không trực tiếp trả lời câu hỏi mà trả lời gián tiếp, bằng cách vay mượn một câu chuyện có nội dung tương đồng hỏi vặn lại vương tử Abhaya. Kết quả câu trả lời của Vương tử như thế nào, thì đó chính là câu trả lời của đức Phật. Cho nên Ngài đã hỏi lại:

Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Nếu đứa con nít này, do sự vô ý của Vương tử, hay do sự vô ý của người vú hầu, thọc một cây gậy hay nuốt một hòn đá vào trong miệng, vậy Vương tử phải làm gì?” 

Bạch Thế Tôn, con phải móc cho ra. Bạch Thế Tôn, nếu con không thể móc ra lập tức, thời với tay trái con nắm đầu nó lại, với tay mặt lấy ngón tay làm như cái móc, con sẽ móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu.Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì con có lòng thương với đứa trẻ.” 

Cũng vậy, này Vương tử, (1) lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy.”

(2) Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy.”

(3) Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai ở đây biết thời giải thích lời nói ấy.”

(4) Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy.”

(5) Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy.”

(6) Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy.”

Vì sao vậy? Này Vương tử, Như Lai có lòng thương tưởng đối với các loài hữu tình.” 5

Qua nội dung và ý nghĩa câu chuyện cho thấy, lời dạy của đức Phật rất cụ thể và rõ ràng. Ngài lấy 3 tiểu chuẩn là: 1. Lời nói có như thật hay không, 2. Lời nói ấy có liên hệ mục đích hay không, và 3. Lời nói ấy có được người khác nghe thích hay không. Đây là 3 tiêu chuẩn để quyết định có nên nói hay không nói. Trong 6 trường hợp được đề cập, nhưng trong đó chỉ có 2 trường hợp thứ 3 và 6 là hai trường hợp Ngài quyết định nói. Còn lại, 4 trường hợp 1, 2, 4 và 5 Ngài nhất định không nói. Chúng ta thử tìm hiểu lý do tại sao Ngài nói và không nói? Trong hai trường hợp Ngài quyết định nói đều có liên quan đến tiêu chuẩn ‘tương ứng với mục đích’, mặc dù trường hợp thứ 3, là lời nói mà người nghe không ưa thích, nhưng đức Phật vẫn nói, vì nó có liên hệ đến mục đích. Ngược lại, những trường hợp còn lại, đức Phật nhất quyết không nói, vì chúng không có liên hệ đến mục đích, mặc dù có thể là lời nói sự thật, người nghe ưa thích. Ví dụ mục đích của học sinh là đi học, nếu như có người bảo em bỏ học đi làm công việc tuyên truyền gì đó, có đồng lương khá cao. Mặc dù công việc tuyên truyền đó là có thật, cũng có lương cao thật, nhưng việc tuyên truyền ấy, vì chúng không liên hệ mục đích đi học, cho nên em đã quyết định không làm.

Cũng vậy, chúng ta quyết định nên nói hay không nên nói, lời nào là lời nói đúng và lời nào là lời nói sai. Tiêu chuẩn của sự đúng sai đó phải được dựa vào mục đích của người đó. Mục đích của Phật giáo là hướng đến giác ngộ và giải thoát, nếu là người Phật tử nên dựa vào mục tiêu này làm tiêu chuẩn cho lời nói hay việc làm của mình. Bất cứ việc làm nào mang lại lợi ích vật chất cao, lời nói hay, việc làm là sự thật, nhưng nó không liên hệ gì đến mục tiêu giác ngộ và giải thoát thì lời nói đó, việc làm đó đức Phật khuyên chúng ta không nên nói, không nên làm. Đây chính là ý nghĩa chân thật về khái niệm ‘chánh ngữ’ trong nhà Phật. Tuy nhiên, bản chất con người vốn có sẵn tính biếng nhác, không thích lối suy tư logic, cho nên ít người trong xã hội hiểu ý nghĩa này. Đối với hạng người này, đức Phật cụ thể hóa khái niệm chánh ngữ bằng những qui định cụ thể, như được trình bày trong ‘Kinh Phân Biệt Về Sự Thật’ (Sacca vibhanga citta suttam) như sau:

Này chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh ngữ.” 6

Thật ra, sự qui định này mang tính gượng ép, chưa bộc lộ hết ý nghĩa ‘chánh kiến’ theo quan điểm nhà Phật. Vì đôi khi chúng ta nói lời không chân thật, nhưng lời nói ấy có lợi ích, lại liên hệ đến giác ngộ và giải thoát, thế thì tại sao một người Phật tử không được nói lời nói ấy. Ngược lại đôi khi chúng ta nói lời chân thật không hư vọng, nhưng lời nói ấy không liên quan gì đến giác ngộ giải thoát, thế thì tại sao Phật tử chúng ta phải nói lời nói ấy. Ví dụ, Phật tử chúng ta nói chuyện cày bừa, chuyện buôn bán… có lợi ích gì. Mặc dù đó là những chuyện có thật, nhưng nó không có liên hệ đến tu tập giác ngộ giải thoát, cho nên chúng ta không nói những lời nói ấy.

Nhưng dù sao đi nữa, những qui định này rất cụ thể bất cứ ai nghe cũng hiểu và có thể làm được, không cần suy nghĩ. Thiết nghĩ đó cũng là phương tiện giáo dục cho quần chúng, làm nền tảng cho đạo đức xã hội.


  1. Chánh nghiệp

Chi thứ tư trong Bát chánh đạo là chánh nghiệp. Tiếng Pali là samma-kammanta. Samma là chánh; kammanta là nghiệp, nghề nghiệp, sự nghiệp, gia nghiệp, chức nghiệp, thương nghiệp, nghiệp vụ. Nói một cách dễ hiểu là nghề nghiệp hay phương cách kiếm tiền để sống. Có khá nhiều cách để kiếm tiền, nhưng ở đây Phật giáo muốn đề cập đến những nghề nghiệp hợp pháp, không phải là phi pháp, nghề đó được gọi là chánh nghiệp.Thế nào là chánh nghiệp? Theo ‘Kinh Phân Biệt Về Sự Thật’ (Sacca vibhanga citta suttam), đức Phật giải thích:

Này chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh nghiệp.” 7

Hầu như những bản kinh thuộc về Phật giáo Nguyên thủy, những bản kinh có nội dung đề cập đến nghề nghiệp là phương tiện kiếm sống nuôi thân là đề cập đến đời sống của người tại gia, không phải cho người xuất gia. Cũng vậy, đoạn kinh định nghĩa về chánh nghiệp vừa được nêu, với nội dung dạy cho người tại gia không phải xuất gia, vì giới của người xuất gia, cấm Tỷ kheo không được dâm dục, không phải cấm không được tà dâm, do vậy nên biết đó là lời dạy dành cho người tại gia. Có lẽ vào thời đức Phật ba vấn đề sát sinh, trộm cắp và tà dâm là ba lãnh vực kinh doanh không lành mạnh, làm suy thoái đạo đức, cho nên đức Phật đã khuyên Phật tử không nên kinh doanh vào ba lãnh vực này. Ở đây vấn đề cấm không được sát sinh với nội dung và ý nghĩa như thế nào chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc, vì người xuất gia theo phái Nam tông vẫn được ăn mặn theo tinh thần ‘tam tịnh nhục’, có nghĩa là các loại thịt không thấy, không nghe và không nghi vẫn được thọ dụng (Xin đọc bài: “Vấn đề ăn chay trong đạo Phật” của Thích hạnh Bình). Như thế thì vấn đề ‘Tự chế không sát sinh’ với ý nghĩa như thế nào. Theo tôi mang ý nghĩa lấy việc sát sinh như là nghề để sống. Ngoài 3 lãnh vực này, lẽ dĩ nhiên còn có nhiều nghề không được tốt khác nữa, như là mua bán vũ khí, các chất độc hại… nói chung là những nghề mang tính chất nguy hiểm cho con người và xã hội. Liên quan đến vấn đề này, trong “Kinh Tăng Chi” tập 2, đức Phật đề cập những nghề người Phật tử không được làm như sau:

Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc. 8

Nghề thứ nhất trong năm nghề mà đức Phật đề cập là, cấm người Phật tử không được buôn bán đao kiếm. Từ này bao gồm cả súng đạn là những binh khí dùng cho chiến tranh, vì thời xưa chưa có vũ khí như bây giờ cho nên đức Phật chỉ đề cập đao kiếm, nhưng nên hiểu là những loại vũ khí; điều thứ hai mà đức Phật cấm người Phật tử không được làm là buôn người. Nghề này có lẽ ở xã hội lạc hậu, chưa có chính sách bảo vệ nhân quyền, cho nên tình trạng buôn người phổ biến, nhất là phụ nữ và trẻ em, không chỉ ở ngày xưa mà ngày nay vẫn còn, trình trạng buôn phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra hằng ngày; buôn bán rượu cũng được đức Phật cấm, vì nó là loại làm cho con người say mê, sống trong mê mờ, không có lý trí, nó là cái nhân sinh ra các khổ, cho nên đức Phật khuyên người Phật tử không uống, cũng không khuyến khích người khác uống, đó là lý do tại sao Ngài cấm không cho người Phật tử buôn bán rượu; nghề thứ tư mà đức Phật cấm là buôn bán thịt, vì buôn bán thịt là trực tiếp hay gián tiếp giết hại sinh vật, nếu như mọi ngày lấy đao chặt bầm mạng sống của chúng sinh, điều đó dễ dàng làm thương tổn lòng từ bi, và nó chính là nghề huấn luyện con người trở thành người ác trong xã hội, đó là lý do tại sao Phật cấm người Phật tử không nên làm nghề buôn bán thịt; và nghề cuối cùng là nghề buôn bán các loại độc được, là những loại như là heroin, thuốc lắc…, nó là những loại thuốc làm cho con người mất lý trí, mất khả năng sống, dẫn vào con đường sa đọa, làm khổ mình và khổ người. Đây là năm trường hợp cụ thể mà đức Phật cấm. Ở xã hội ngày nay, còn có nhiều nghề không được lành mạnh, là người Phật tử cũng không nên làm.

Liên quan đến nghề nghiệp, là cách để kiếm tiền để nuôi sống cho mình và gia đình, đức Phật có những lời khuyên rất thực tế và hữu ích, tôi xin liệt kê cho độc giả tham khảo. Trước nhất là “Kinh Tạp A hàm” tập 1, số 91 đức Phật khuyên người Phật tử tại gia như sau:

Bạch Thế Tôn, người thế tục tại gia nên thực hành bao nhiêu pháp để được lợi ích hiện tại và an lạc ngay trong hiện tại?

Phật bảo Bà-la-môn: “Có bốn pháp giúp cho người thế tục tại gia được lợi ích hiện tại và an lạc ngay hiện tại. Đó là: (1). Phương tiện đầy đủ, (2). Thủ hộ đầy đủ, (3). Thiện tri thức đầy đủ, (4). Chánh mạng đầy đủ.

(1). “Thế nào là Phương tiện đầy đủ ? Người thiện nam tự nuôi sống bằng các nghề nghiệp kỹ xảo, như làm ruộng, buôn bán, phục vụ vương sự, chép sách, toán thuật, hội họa. Đối với những nghề nghiệp kỹ xảo đó, luôn tinh tấn siêng năng trau dồi. Đó gọi là Phương tiện đầy đủ.

(2). “Thế nào là Thủ hộ đầy đủ ? Người thiện nam có tiền bạc, gạo lúa, do nỗ lực mà thu hoạch, tự tay mình làm ra, đúng như pháp mà có được, tích cực giữ gìn, không để cho vua, giặc, nước, lửa, tước đoạt, hay trôi, chìm, mất mát. Ngược lại, nếu không khéo giữ gìn sẽ tiêu mất; hay nếu không lưu tâm đến chúng, thì sẽ bị người khác chiếm lấy, cùng những tai nạn sẽ làm cho hư hỏng. Đó gọi là người thiện nam khéo thủ hộ.

(3). “Thế nào là Thiện tri thức đầy đủ ? Là người thiện nam sống có điều độ, không buông lung, không dối trá, không hung hiểm. Những tri thức như vậy, có khả năng khéo léo an ủi; sự sầu khổ chưa sanh có thể khiến không sanh, sự sầu khổ đã sanh có thể khai mở, tĩnh giác; những điều vui thích chưa sanh có thể khiến sanh nhanh, những điều vui thích đã sanh khiến giữ gìn không để mất. Đó gọi là người thiện nam thiện tri thức đầy đủ.

(4). “Thế nào là Chánh mạng đầy đủ ? Người thiện nam có được những tiền của, trong việc chi thu cân đối, bảo quản chu tất, không để cho việc nhập nhiều mà xuất ít, hay xuất nhiều mà nhập ít; như người cầm cân ít thì phải thêm, nhiều thì phải bớt, cho đến lúc nào biết cân bằng thì mới thôi. Như vậy, người thiện nam đã cân đối được tài vật của mình trong khi xuất nhập ngang nhau, không khiến cho nhập nhiều xuất ít, hay xuất nhiều nhập ít.

Nếu người thiện nam không có tiền của nhiều mà sử dụng rộng rãi quá trớn, thì do sự sinh hoạt này mà người ta nói là ‘quả ưu-đàm-bát không có hạt giống’; ham muốn ngu si, không biết nghĩ đến sau này. Hoặc có người thiện nam dư dật mà không dám tiêu dùng, mọi người ở gần đều nói: ‘Người ngu si này như con chó chết đói.’ Cho nên người thiện nam, những tiền của có được, nên tự mình cân đối, xuất nhập ngang nhau. Đó gọi là Chánh mạng đầy đủ. Như vậy Bà-la-môn, đây là bốn pháp thành tựu lợi ích hiện tại và an lạc hiện tại.”9

Thông thường chúng ta được nghe trong Phật giáo đề cập đến nhân quả báo ứng liên hệ đến kiếp sau của cuộc sống này, bằng cách dạy bảo chúng ta nên giữ giới tu tập như thế này hoặc như thế khác, để tránh những quả báo khổ đau trong địa ngục không tốt. Với nội dung đoạn kinh vừa được trích dẫn, đức Phật không đề cập đến kiếp sau mà nhấn mạnh ở kiếp hiện tại, cuộc sống cụ thể này. Căn cứ vào những vấn đề cụ thể của đời sống hiện tại để đưa ra lời khuyên rất mộc mạc chân tình, nhưng rất thực tế, bất cứ ai cũng có thể hiểu và thực hành được, ai thực hành đúng sẽ có kết quả an vui hạnh phúc ngay trong cuộc sống này. Điều đó chứng minh rằng, quan điểm của đức Phật không chỉ lo việc chết, nói về kiếp sau, cầu nguyện cho người đã khuất, nhất là còn phải lo cho người đang sống, cả về mặt tinh thần lẫn đời sống vật chất, bằng cách quản lý tài sản, chi tiêu trong gia đình. Thiết nghĩ ai đã làm người cha người mẹ trông coi kinh tế gia đình sẽ hiểu vấn này hơn.

Bốn yếu tố mà đức Phật khuyên người Phật tử tại gia cần hành trì để cuộc sống được an lạc là: (1). Khi còn trẻ mỗi người cần phải có tinh thần tự lực cánh sinh, bằng cách tìm một công việc nào thích hợp, và dĩ nhiên công việc đó phải là công việc hợp pháp như là làm nông, công nhân, buôn bán, kế toán, công chức... Sau khi tìm việc xong, cần ổn định và phát huy khả năng chuyên môn của mình đối với công việc đó. Đây là lời khuyên rất cơ bản, nhất là thời đại khoa học kỹ thuật như hôm nay, người làm việc phải có ý thức trách nhiệm và luôn luôn cập nhựt kiến thức chuyên môn, không bị lỗi thời. Làm được như vậy, công việc chắc chắn ổn định không lo bị sa thải. (2). Tài sản mình kiếm được một cách hợp pháp, cần phải biết bảo quản giữ gìn, không để tổn hao một cách vô lý và phi nghĩa, trong đó có cả yếu tố bị lường gạt dụ dỗ. Đây là điểm thứ hai mà đức Phật khuyên người cư sĩ. (3). Nên gần gũi kết giao với những thiện hữu tri thức, là những người không những có kiến thức chuyên môn, còn là người có tư cách đạo đức, biết thương người, không có tâm làm hại người khác. Người thiện tri thức đó sẽ có những lời khuyên hợp lý khi cần, nhằm ngăn chận những phiền não chưa sinh không phát sinh, những phiền não đã sinh liền mất; khiến niềm vui chưa sinh sẽ sinh, đã sinh càng tăng trưởng. Đây là lời khuyên thứ ba nhằm giúp cho những người Phật tử kém trí tuệ. (4). Lời khuyên thứ 4 là sự điều hòa việc chi tiêu trong gia đình, không nên phung phí, không nên quá cần kiệm. Cả hai cực đoan này đều không có lợi cho cuộc sống.

Thiết nghĩ, bốn lời khuyên này tuy rất mộc mạc đơn giản, nhưng rất thực tế, nó không những chỉ có giá trị trong xã hội ngày xưa mà ngay cả ở xã hội ngày nay cũng thích hợp. Theo quan điểm của đức Phật, nỗi khổ của con người bao gồm hai mặt: Tinh thần và vật chất. Riêng về mặt vật chất, đức Phật cho rằng, con người cần có những nhu cầu vật chất cần thiết để sống, nhưng điều đó không đồng nghĩa vật chất càng nhiều bao nhiêu thì con người càng có hạnh phúc bấy nhiêu. Có bao nhiêu đi nữa mà lòng tham không đầy thì nỗi khổ vẫn đeo theo như bóng với hình. Chỉ có người biết đủ mới cảm thấy an vui, hài lòng và trân quí những gì mình có. Trái dưa chuột với chén tương gừng của nhà chùa ai dám chắc rằng không ngon miệng bằng bữa yến tiệc nơi tửu điếm? Thật ra, nguyên nhân về sự túng thiếu của con người không phải là ít tiền hay vật chất không đủ mà chính là sự phung phí cộng thêm lòng tham không đáy. Đôi khi nguồn gốc khổ đau của con người không phải là thiếu thốn mà là sự dư thừa cộng với lòng keo kiết. Phung phí và keo kiết là hai nỗi khổ bằng nhau mà đời người thường vấp phải. Đó là nội dung và ý nghĩa mà đức Phật đã dạy cho người Phật tử tại gia qua bài kinh này.

Thế thì đối với người xuất gia thế nào được gọi là chánh nghiệp? Chánh nghiệp cho người xuất gia hay phương kế sinh nhai nào phù hợp cho người xuất gia. Theo tôi, câu trả lời tốt nhất phải được căn cứ vào mỗi trường hợp cụ thể. Ở đây, chỉ xin đưa ra hai trường hợp điển hình. Theo truyền thống Phật giáo Nam Tông là hình thức khất thực, còn Phật giáo Đại thừa là chế độ cúng dường từ Phật tử, có nhiều nơi là nền kinh tế tự túc, có nghĩa là làm nương rẫy để sống, đây là trường hợp phổ biến ở vùng thôn quê Việt Nam. Nhưng cho dù là cách sống như thế nào đi nữa, nó không đi xa chánh pháp, ngược lại tinh thần từ bi và trí tuệ của đức Phật. Là người xuất gia không thể kiếm sống bằng những nghề nghiệp liên quan đến mê tín dị đoan, làm lu mờ chánh pháp.

Dù là người tại gia hay người xuất gia, là con người vật chất vẫn là nhu cầu tất yếu. Nhưng kiếm sống như thế nào không trái với đạo giác ngộ và giải thoát của đạo Phật là điều cần phải suy nghĩ cho người xuất gia lẫn tại gia. Thực hành đúng theo lời dạy của Phật không phải là sự lợi ích cho đức Phật mà chính người hành pháp, là người thọ nhận an lạc trước nhất.





  1. tải về 1.29 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương