Nội dung số này



tải về 1.29 Mb.
trang7/12
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.29 Mb.
#24073
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

TRONG NỖI NHỚ
Trong nỗi nhớ anh thấy đời hương vị,

Bởi vì anh cảm nhận bớt cô đơn.

Bởi vì trong đau khổ với tủi hờn,

Anh đã thấy có phút giây hiện tại.

Nhận rõ lòng anh đang yêu ngây dại,

Dầu đơn phương trong một cuộc tình hờ.

Những đêm dài anh đã sống trong mơ,

Được ôm chặt người mình yêu! Diễm phúc!

Em biết không chiều nay trời vừa khuất,

Chợt thấy em đang đứng ở trong vườn.

Với tay ra em hái một bông hồng,

Ôi,đẹp quá bàn tay ngà ngọc biếc.

Đã cho anh vần thơ tình tha thiết,

Và cho anh một trời mộng hương yêu.

Anh yêu em hơn Kim Trọng yêu Kiều,

Hơn cả Dũng yêu Loan trong Đôi Bạn!

Em biết không tình yêu nào hữu hạn?

Là khi yêu đều muốn chiếm lấy nhau.

Được người yêu, không cảm nhận nhiệm mầu,

Chưa trải khổ mà đã tròn duyên đẹp.



NẮNG CHIỀU
Một giải nắng vàng nhớ cố nhân,

Vắng em vũ trụ chết muôn phần.

Cây trúc đẹp xưa, giờ úa héo,

Ai đi còn nhớ đến người thân!




THỂ HIỆN TÌNH NGƯỜI


Thanh Trí Cao



Một năm có bốn mùa, nhưng không khí mùa hè đáng ngại nhất. Nhiệt độ chỉ số 100oF với Cali thì thật là khủng khiếp! Cali mệnh danh vùng nắng ấm - khí hậu dễ thương. Người Việt hải ngoại có câu:

Cali đi dễ khó về



Về rồi mới biết vỗ về nhớ thương”

Tất cả hầu như phát xuất từ tấm lòng ưu ái. Thật vậy, nếu ưu ái người ta mới mến thương và thể hiện tình người để mở cánh cửa của tâm hồn lùa vào không khí tươi mát cảm nhận an vui.

Ai cũng hiểu được rằng tâm hồn có tươi mát thì đời mới có an vui nhẹ nhàng yêu đời. Trạng thái an vui nó được kết duyên bằng nhiều yếu tố nội và ngoại tại, tuy nhiên yếu tố ngoại tại hay bị chi phối bởi biến thể vô thường. Chợt đến - chợt đi ý niệm vô thường có thể chi phối lòng người vô hạn. Do vậy, chúng ta mãi đi tìm nguồn vui đích thực để tâm hồn được ngơi nghỉ bình yên.

Vâng! Có những việc làm cụ thể khơi dậy niềm vui đáng kể. Như hát một bài ca tặng ai đó, đọc một vài câu thơ tặng người tri kỷ khi uống trà đối ẩm, kể câu chuyện dí dỏm trào phúng dân gian xưa cổ, chia xẻ bằng cả tấm lòng nâng đỡ tinh thần vì người bạn vừa vấp ngã hôm qua v.v... Có những thứ không thể mua được bằng tiền bạn ạ! Bởi vì ngôn ngữ chỉ là một phần rất nhỏ nhoi, sự cần thiết hơn hết đó là hành động chân tình.

Lâu lắm rồi tôi quá bận Phật sự đa đoan cho nên không đến thăm hỏi và phát quà cho những người không nhà. Nay trở lại quan sát, tôi thấy vắng bóng một số người mà không hiểu vì sao? Vì sao chẳng hiểu tại vì sao! Có lẽ họ vì bệnh hoạn hay đã qua đời? Với tôi nó chỉ là câu hỏi mà chưa có câu trả lời, tôi thầm cầu nguyện cho họ trở lại đời sống bình thường và an lành trong mọi ngày.

Những người thiện nguyện nấu nướng và phát cơm cho những người không nhà lúc nào cũng vui vẻ. Thấy mọi người xếp hàng lấy thức ăn rất cảm động, vì hoàn cảnh họ mới đành như thế để đẩy đưa cuộc sống qua ngày. Đa số đều mắc bệnh tâm thần, âu cũng là nghiệp dĩ. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng chủng tộc, tuy nhiên qua cách thể hiện hành động chia xẻ, tôi hiểu được trước và sau còn có gì để nói và để làm.

Công thức nấu ăn trở nên nề nếp chu đáo rất đáng kể. Tôi thành thật cảm ơn những tấm lòng vàng thể hiện việc làm có ý nghĩa.

Người xưa có câu:

Bởi lòng người đẹp nên thứ gì cũng đẹp”

Nói nhiều mà chẳng làm chi hết thì người không nhà mất cơ hội hôm nay. Anh làm và chị cũng làm, mỗi người một việc ấy là nghĩa cử tốt đẹp để xoa dịu thương đau nỗi niềm bất hạnh nào đó. Cơm gạo xứ này thật là thừa thãi, nhu cầu ăn mặc chẳng thiếu chi, tuy nhiên lắm lúc người bệnh hoạn vẫn thấy thiếu thốn một bữa ăn tạm đủ trong khi lòng đói khát theo nghĩa thường tình. Thân phận nào cũng là thân phận đáng thương.

Có một nhà báo Orange County phỏng vấn tôi sự phát xuất bữa cơm tình thương với những người không nhà. Câu chuyện khá dài dòng như muốn khai thác tư duy của tôi và mọi người để tìm hiểu và ghi nhận. Sau cùng họ hỏi ước vọng của tôi như thế nào khi thực hiện bữa cơm tình thương cho những người không nhà trải qua 13 năm?

Tôi trả lời chẳng có ước vọng chi ngoài cảm nhận được niềm vui khi cùng mọi người thể hiện tinh thần chia xẻ bất phân. Nghĩa là làm việc bình đẳng đối với mọi người qua cung cách bình dị chân tình. Chúng tôi không mang ý thức vụ lợi qua việc làm ấy! Của thập phương gom góp lại làm việc nghĩa, ấy là niềm hạnh phúc lớn lao khi giáp mặt cuộc đời. Đối diện với tha nhân cố nhiên đa dạng và cần tế nhị để duy trì công việc tốt đẹp. Nhạc Trịnh có câu:

Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau”

Nói khác đi, “Có ai mà không có lòng không nhỉ - hình như người cũng nghĩ như tôi” một nhà thơ nào đó đã viết thi vị như vậy.

Với tôi tiếp cận thi ca để thể hiện việc làm có ý nghĩa. Tôi ý thức một người không thể làm nên tất cả, nhiều bàn tay sẽ vang dội thính đường. Người làm nên sự nghiệp lớn, hẳn nhiên có hai phần ba sức lực của người cộng sự nhiệt tình. Thành thật cảm ơn và xin cảm ơn! nêu hiểu rằng: góc độ nào cũng có giá trị khả kính, khả ái.

Chữ tán dương suối nguồn, biển cả

Một niềm vui tung cánh bay xa

Cung điện ấy vẫn còn ngự trị

Những vì sao lấp lánh ngân hà
Lòng thể hiện tỏ bày cung cách

Cánh hoa nào hồng thắm trên môi

Sức kiên nhẫn cưu mang hạnh nguyện

Mặc thời gian lặng lẽ buông trôi
Có bao giờ mây ngừng ở đó

Và lắng nghe âm điệu trùng dương

Có bao giờ gió qua phố cũ

Để ngắm nhìn chứng tích thân thương
Có bao giờ giao mùa liên tưởng

Cánh Thu phai âm hưởng niềm riêng

Tâm hồn đẹp vòng tay kết nối

Bóng trăng soi đỉnh ấy bình yên
Có bao giờ bằng lòng thực tại

Để tâm hồn cặn bã lắng sâu

Ai chưa qua chiếc cầu phiền não

Giữ hộ tôi những hạt ngọc châu
Lòng thử thách hay đời thách thức

Bàn chân gầy sỏi đá kinh qua

Yêu lý tưởng lòng này quả cảm

Cuộc hành trình chẳng ngại đường xa
Biết rằng ngôn ngữ dễ rơi vào trận đồ khách sáo, song ngôn ngữ này phát xuất tận đáy lòng ghi nhận và biết ơn. Những tưởng có những việc làm không cần ai biết, vả lại có biết cũng chỉ để khen tặng đôi lời. Mình làm việc tốt đẹp, đức Phật và Bồ Tát đã chứng minh. Hãy nhớ cho rằng, nơi Tịnh Độ - Niết Bàn đã để dành một tòa sen cho những người có tấm lòng quảng đại và hạ thủ công phu. Sách có câu:

Bửa củi - giã gạo - xách nước - là công phu đệ nhất!”

Người không phát nguyện thì Phật đạo khó mà thành. Bồ tát phát nguyện vô lượng kiếp cứu độ chúng sanh rồi mới thành Phật. Bồ Tát không có ý niệm kỳ vọng tương lai. Sự kết quả nào cũng đều có nguyên nhân bạn ạ! Người cường điệu lý luận và phê phán chưa hẳn là trí thức đáng tin. Thánh nhân chưa bao giờ hành xử như vậy. Nghĩa là la lối om xòm mà không dấn thân hành động thực tế, thì chẳng có gì đáng để học hỏi. Trên đời có nhiều người rất thích xử dụng chữ nghĩa để đỡ tay chân. Giả sử không có ngôi chùa làm sao có điểm tựa để diễn giảng đạo lý giải thoát. Không có cái bếp để nấu nướng làm sao có thức ăn để giúp cho người không nhà? Thực tế nó là vậy không thể nào chối bỏ và luận lý không tưởng. Nếu dùng ý thức so sánh chúng ta biết mặc cảm những gì yếu kém để trỗi dậy và vươn lên, hành động ấy là quân tử tính. Giữa đạo này và đạo khác tất nhiên phải có sự so sánh từ hình thức lẫn nội dung. Triết lý rất hay tuyệt vời nhưng không thể đáp ứng nhu cầu người đang đói khát. Phật không bao giờ thuyết pháp cho người đói nghe, trong kinh nói như vậy. Nghĩa là người đói được ăn no đủ sẽ cảm nhận được triết lý sống thực giữa cuộc đời khổ đế. Đạo lý giác ngộ và giải thoát cũng vậy. Ăn mặc no đủ tâm hồn mới phát sinh trạng thái sung mãn. Người đói pháp sẽ không chết, tuy nhiên người đói khát thực sự sẽ chết. Do vậy, sinh lực trí tuệ có ảnh hưởng nhu cầu vật chất.

Đức Phật dạy: “Đừng nên sử dụng dây đàn quá chùng, vì nói không đủ năng lực để phát tiết âm thanh, vả lại nếu dùng dây đàn quá căng thì âm thanh sẽ chát chúa khó nghe. Nếu dây đàn không căng cũng không chùng thì âm thanh sẽ tuyệt diệu! Người thưởng thức âm thanh tâm hồn lắng đọng và giao hưởng. Do vậy, người hành đạo không nên cố chấp ngôn ngữ làm cứu cánh của đời sống ưa thích, cũng không nên ưa chuộng bề ngoài để lấy làm hãnh diện. Một tâm hồn biết dung hòa nội và ngoại tại rất đáng quý”.

Những ai mang cơm cho những người không nhà là thể hiện hạnh Bồ Tát. Những người vào nhà dưỡng lão hay bệnh viện an ủi bệnh nhân là thực hiện sứ mệnh của Bồ Tát. Hãy bằng lòng đứng lên, vì đạo cứu đời bạn ơi! Kiếp này làm việc từ thiện thì kiếp sau được nhiều duyên phước lành tốt đẹp. Không có gì ngẫu nhiên mà thành tựu sự thật bạn ạ! Niềm đau nào đó nó có tác dụng tâm lý thực sự, nếu ai đó xả kỷ hay khắc kỷ thì tự mình sẽ hiểu được trạng thái ra sao, cũng như người uống nước sẽ cảm nhận được tính chất nóng, lạnh của nó.

Vâng! Tu là chọn con đường để đi đến, cho dù đi xe hay đi bộ cũng sẽ đến nếu quyết chí ra đi. Khi đã đến điểm cứu cánh để làm gì? Ấy là điều đáng hỏi. Nếu lầm tưởng cứu cánh Niết Bàn là nơi để an hưởng... Có lẽ quan niệm ấy quá thụ động bạn ạ! Chúng ta thử quán chiếu, bao nhiêu lần chúng ta đã đạt mục đích và còn gì sau đó phải thực hiện để nâng cao trí tuệ.

Nói tóm lại, người dám dấn thân để làm chiếc phao cuối cùng cho một tâm hồn nào đó mà không đặt điều kiện ấy là bậc Bồ Tát đó vậy.

Xin chúc tốt đẹp đến với những ai xả thân hành đạo cứu đời. “Bồ Tát và chúng sanh đồng cư độ”. Hãy cảm nhận bằng cả tấm lòng vị tha trên lộ trình giác ngộ.



Cali Hè - 2007



Thơ
HỒNG KHẮC KIM MAI


Phù Thế

Tôi đây tát gió bên đường
Hứng trăng vô giỏ lượm hồn vô bao
Đem về ngâm rượu thành cao
Bôi lên chỗ nhức cho hao cơn buồn
Ban ngày tôi dậm vết thương
Đêm đêm trở giấc nghe xương gậm mình

Ai leo lên đỉnh phù vinh
Theo chân vượn hú như mình xa xưa
Giốc đời những tuyết cùng mưa
Trong thui thủi ấy nghe khua sóng ngầm
Con đò tách bỏ bến sông
Đưa trăm phù ảo xuôi con nước ròng

Tôi về gom hết đục trong
Mở rương tìm bóng mở hồn tìm tôi
Ôi chao ơi mất tiêu rồi
Mớ phù sa ấy lở bồi cách xa
Ai kia đo dãi ngân hà
Thân như bướm trắng la đà trong đêm
Giấc nào nhỉ giấc cô miên
Tôi về thắp đuốc phù viên tặng đời

Lấy tình tôi
Cột gió đông
Lấy thơ tôi
Mua hương nồng
Dốc hết mùa thu vàng-như-khóc
Dốc hết phù vân đổi Ước Mong.

Cho Em Hoàn Xanh Bóng Mượt

Biển quanh co trăm năm nhìn sóng vỗ
Khoảng không không mưa gió lộng đường chim
Liếc mắt thương em đồi trăng bỏ ngõ
Dõi mộng theo hình choáng ngợp bờ tim

Đừng là sông hương căm tan nụ biếc
Đừng là tuyết chộn rộn mấy hàng thơ
Đừng là tơ nghe bình minh ly biệt
Đừng là tình lệ ứa dãi khăn sô

Xin chớ đi rừng trần ai rậm lá
Xin chớ hùa đọt nắng tím thong manh
Xin đưa tay xoay nhanh vùng quá khứ
Cho em hoàn bóng mượt bước chân xanh

Em dáng thơ đẹp não nùng mỗi bước
Trước thu hà tắm gội những đường mây.







Đọc thơ VŨ HOÀNG CHƯƠNG



Vĩnh Hảo

  


Thơ ông đầy men rượu trong thi phẩm đầu tay: Thơ Say. Mình không có kinh nghiệm say thì cảm không hết được ý thơ của ông đâu. Dầu vậy, cái men say ấy vẫn cứ lan sang lòng mình như thường.

Ông là một thi sĩ nghiện ngập. Người ta nói thế. Mà tôi cũng biết thế khi tôi đến nhà thi sĩ Mộng Tuyết (Thất Tiểu Muội), một người bạn thơ của ông. Có một thời gia đình ông tá túc nơi nhà nữ sĩ Mộng Tuyết. Không nhớ khoảng thời gian nào, sau năm 1975; lúc đó ông ở tù ra, một thời gian ngắn rồi mất. Tôi không được gặp ông. Chỉ nghe nữ sĩ Mộng Tuyết nói, kể về ông, thương tiếc một con người tài hoa, không làm sao sống thích nghi với xã hội mới. Theo nữ sĩ Mộng Tuyết kể sơ, ông bị công an kêu lên kêu xuống tra vấn hạch hỏi liên tục; còn bị giam nhốt để "cải tạo” tư tưởng lẫn cái bệnh nghiền của ông nữa. Sau ông bệnh quá, công an phải tha về, sống những ngày cuối cùng với vợ con rồi mất tại Sài-gòn.

Người ta nhớ ông nhất ở hai câu:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Ðời vắng em rồi say với ai!

Bốn chữ đầu của câu sau được ông lấy làm tựa đề cho bài thơ dài say tiễn cuộc tình chia xa. 



Ðời vắng em rồi

Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu

Lênh đênh thương nhớ giạt trời Âu

Thôi rồi - tay nắm tay lần cuối

Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.

Trai lỡ phong vân gái lỡ tình

Này đêm tri ngộ xót điêu linh

Niềm quê sực thức lòng quan ải

Giây phút dừng chân cuộc viễn trình

Tóc xõa tơ vàng nệm gối nhung

Ðây chiều hương ngát lả hoa dung

Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo

Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng.

Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay

Buồn mưa trăng lạnh nắng hoa gầy

Nắng mưa đã trải tình nhân thế

Lưu lạc sầu chung một hướng say

Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai

Ra đi chẳng hứa một ngày mai

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Ðời vắng em rồi say với ai

Phương Âu mờ mịt lối quê nàng

Trăng nước âm thầm vạn dặm tang

Ghé bến nào đây người hải ngoại

Chiều sương mặt bể có mơ màng.

Tuyết xuống phương nào lạnh lắm không

Mà đây lòng trắng một mùa đông

Tương tư nối đuốc thâu canh đợi

Thoảng gió trà mi động mấy bông.

 

Người tình đi xa. Tận trời Âu. Cách chia nhau mà chẳng hứa được điều gì chắc chắn. Ngồi đây chuốc rượu mà uống thâu canh. Nghĩ tưởng đoạn đường dài em đi. Phương ấy trời đã rơi tuyết chưa mà sao nơi đây, lòng tê dại như phủ cả một màu tang. Màu trắng ở đây là màu trắng của tang, của niềm tê tái giá băng, của niềm cô đơn vô tận.



Ðời vắng em rồi, anh vẫn say. Có em thì uống say với em cuộc tình nồng. Vắng em thì say nỗi niềm cô độc. Say với những cốc rượu đắng, giết cả tâm hồn. Cố tình say như thế để mà quên, để nén niềm đau cứ chực dâng trào. Chỉ khi hết say rồi mới nằm khóc được tình mộng ban đầu. 

 

Một phút ngừng say



Bấc trĩu hoa đèn nhựa úa nâu

Phai say nằm khóc mộng ban đầu

Bước chân song sóng vòng tay mở

Dạo ấy người ơi xa lắm đâu

Chớm nụ tiếc cho tình quá ngát

Mà thương trời bể quá cao sâu

Tiếc thương lẻn khói vào tâm trí

Mưa gió tàn đêm lộng quán sầu.

 

Một thi sĩ chung tình đến thế! Suốt một đời chỉ sống với thơ, rượu, bàn đèn và tình yêu ban đầu. Cuộc tình ấy không bao giờ thành, dù ông đã chờ đợi, ước mơ... với bao nhiêu năm tháng mỏi mòn trong men say và nghiện ngập.



Ðã có lúc ông tìm quên trong những quán rượu, uống say, nhảy múa với những vũ nữ, lảo đảo quay cuồng theo điệu nhạc... vừa cám cảnh thân phận nhạt nhòa hương phấn của người, vừa đau xót cuộc tình không phai mà không thành của mình. Dù nhảy nhót, uống say thâu đêm suốt sáng, cả một “thành sầu” như tảng núi, vẫn kiên cố nằm ì trong lòng, chẳng làm sao phá vỡ đi được. Niềm đau, nỗi sầu vẫn còn đó. Ông nói với người vũ nữ, mà cũng là nói với ông: sầu này không thể nào phai đi được.

Ðây là bài luân vũ tuyệt nhất của một gã tình si thở tràn hơi rượu:



 

Say Ði Em

Khúc nhạc hồng êm ái

Ðiệu kèn biếc quay cuồng

Một trời phấn hương

Ðôi người gió sương

Ðầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương

Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?

Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo

Lòng trôi nghiêng mà bước vẫn du dương

Lòng thiêng tràn hết yêu đương

Bước chân còn nhịp nghê thường lẳng lơ...

Ánh đèn tha thướt

Lưng mềm não nuột dáng tơ

Hàng chân lả lướt

Ðê  mê hồn gửi cánh tay hờ

Âm ba gờn gợn nhỏ

Ánh sáng phai nhạt dần

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

Lui đôi vai, tiến đôi chân

Riết đôi tay, ngả đôi chân

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ

Hãy thêm say còn đó rượu chờ ta

Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa

Tay mềm mại bước chân còn chưa chuếnh choáng

Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời phóng đãng

Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men

Say đi em, say đi em

Say cho lơi lả ánh đèn

Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết

Ta quá say rồi

Sắc ngã màu trôi

Gian phòng không đứng vững

Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?

Chân rã rời

Quay cuồng chi được nữa

Gối mỏi gần rơi

Trong men cháy giác quan vừa bén lửa

Say không còn biết chi đời

Nhưng em ơi

Ðất trời nghiêng ngửa

Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ

Ðất trời nghiêng ngửa

Thành sầu không sụp đổ, em ơi!
 
Ðời ông là cả một chuỗi đợi chờ. Ðợi chờ cái điều không thể xảy ra, nhưng vẫn cứ đợi, vẫn cứ chờ. Ðôi lúc nản lòng, gần như không còn tin tưởng nơi người tình nữa, như trong bài "Cánh Buồm Trắng"; ở đó ta thấy sự mỏi mòn, gần như cạn kiệt của ông, và lời thơ đã có giọng phiền trách: 

.......

Em ơi ta trằn trọc

Khắc khoải đã bao đêm

Nhớ mong rồi ngờ vực

Ðến cả tấm tình em

Vì những điều mơ ước

Của tuổi trẻ yêu đời

Thắm tươi như ánh nắng

Ðã phai rồi em ơi,

Giấc uyên ương liền cánh

Mộng trăm năm lứa đôi

Êm đềm như tiếng hát

Ðã tan rồi em ơi

Trong lo buồn chán ngán

Trong hoàn cảnh éo le

Tuy ta còn nhận rõ

Lòng em yêu xưa kia

Nhưng mai ngày bóng tối

Thẫm mãi trên đường đi

Biết đâu còn có nữa

Lòng em yêu xưa kia

Ta đâu còn giữ được

Lòng em yêu như xưa

Em ơi cánh buồm trắng

Sắp biến trong đêm mờ.

 

Ông ví cuộc tình mà ông chờ đợi như cánh buồm trắng ngoài dặm khơi. Mỗi ngày ông quan sát, chờ đợi cánh buồm ấy. Cánh buồm ấy không bao giờ quay về bến nhưng nó luôn thoáng hiện lúc gần lúc xa, nhấp nhô theo sóng nước; dầu đã có những lúc nó khuất dạng ngoài dặm xa, ông vẫn ôm hy vọng là nó không bao giờ mất, và đinh ninh một ngày nào đó nó sẽ quay lại. Chỉ khi nản lòng lắm ông mới bộc lộ vẻ lo sợ về viễn ảnh là cánh buồm trắng sẽ thực sự "biến trong đêm mờ."



Nhưng dầu thế nào thì ông vẫn tiếp tục chờ đợi, chờ đợi. Bao năm phòng lạnh chờ đợi người tình đầu. Không thấy ai ghé thăm, ngoại trừ ánh trăng. May mà hãy còn trăng, hãy còn thơ. Một đời tình, một đời thơ.  Một cuộc tình thật sầu thảm mà cũng vừa bi tráng. Bi tráng nơi sức chịu đựng kiên trì của một người lặng lẽ chờ đợi, gào thét chờ đợi, say khướt chờ đợi... mà không thấy sự đáp trả nào trong suốt ba mươi năm: 

 

Chờ đợi hoài công



Ta đợi em từ ba mươi năm

Uống hoa phong nhụy hoài trăng rằm

Heo may chớm đã lên mùa gió

Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chiếu nằm

Cúc tả tơi vàng mộng xác xơ

Hiên sương ngõ lá vẫn trông chờ

Ðêm dài quạnh hé đôi song lớn

Nguyệt đọng vòng tay úa giấc mơ

Ngai trống vàng son lợt sắc rồi

Lòng ta Hoàng hậu chẳng về ngôi

Hồ ly không hiện người không đến

Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi

Hiu hắt tình trai một kiếp suông

Mênh mông nệm gối rét căn buồng

Lệ sa bạch lạp ngàn đêm trắng

Thơ vút sầu say rượu nhập cuồng

Ðã mấy canh khuya nụ ngát nhài

Kết chưa thành mộng ý Liêu Trai

Lung linh nguyệt thấm vàng trang sách

Ðợi chẳng bừng sen nhịp gót ai

Thôi thế hoài thơm tuổi dịu hiền

Cánh khô mầm lụi trót hoa niên

Chương đài, ca quán, ôi hồng liễu

Nửa cuộc trần gian lợm yến diên

Khắp đã nghe tìm mỏi núi sông

Ðâu vương vó ngựa, gió mui hồng?

Gió sương giờ vẫn buồng đây lạnh?

Em hỡi! Phương nào em có không?

 

Phải ba mươi năm sau, ông mới biết là hoài công. Sự chờ đợi chẳng kết quả gì. Nhưng lời thơ, và tình yêu của ông thì bất tử.



Ðó là một vài bài thời tiền chiến. Về sau, thơ ông không say men rượu nữa, mà say trong lẽ huyền vi, trong Thiền. Những bài thơ rất siêu thoát, xuất thần. Ðây bài:

 

Nguyện Cầu



Ta còn để lại gì không?

Kìa non đá lở, này sông cát bồi.

Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về.

 

Trông ra bến hoặc bờ mê



Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương

Ta van cát bụi bên đường

Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.

 

Ðể ta tròn một kiếp say



Cao xanh liều một cánh tay níu trời.

Nói chi thua được với đời

Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.

 

Tâm hương đốt nén linh sầu



Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!

Ðêm nào ta trở về ngôi

Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.

 

Một phen đã nín cung đàn



Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.

 

Và bài Lửa Từ Bi, ông ghi là Kính dâng lên Bồ tát Quảng Ðức, như bài điếu văn bất hủ mà nhiều người trong giới Phật giáo thuộc lòng:


Lửa! lửa cháy ngất tòa sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm

hiện thành THƠ, quỳ cả xuống.

Hai Vầng Sáng rưng rưng

Ðông Tây nhòa lệ ngọc

chắp tay đón một Mặt-trời-mới-mọc

ánh Ðạo Vàng phơi phới

đang bừng lên, dâng lên.

 

Ôi! Ðích thực hôm nay trời có mặt;



giờ là giờ Hoàng đạo nguy nga!

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

nhìn nhau: tình Huynh đệ bao la.

 

Nam mô Ðức Phật Di Ðà



Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ

NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày

bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây;

gọi hết lửa vào xương da bỏ ngõ,

Phật Pháp chẳng rời tay.

 

Sáu ngả Luân hồi đâu đó



mang mang cùng nín thở,

tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh xe quay.

Không khí vặn mình theo

khóc òa lên nổi gió;

NGƯỜI siêu thăng

giông bão lắng từ đây.

Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây,

nhân gian mát rợi bóng cây Bồ Ðề.

 

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc



lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi;

chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác

trong vô hình sáng chói nét Từ Bi.

 

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?



ngọc đá cũng thành tro

lụa tre dần mục nát

với Thời gian lê vết máu qua đi.

Còn mãi chứ! Còn Trái-Tim-Bồ-Tát

gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.

 

Ôi ngọn lửa huyền vi!



thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác

từ cõi Vô minh

hướng về Cực lạc;

vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác

và chỉ nguyện được là rơm rác,

THƠ cháy lên theo với lời Kinh

tụng cho Nhân loại hòa bình

trước sau bền vững tình Huynh đệ này.

 

Thổn thức nghe lòng trái Ðất



mong thành quả Phúc về cây;

nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật;

đồng loại chúng con

nắm tay nhau tràn nước mắt,

tình thương hiện Tháp-Chín-Tầng xây.

(Sài-gòn tháng 5, Phật lịch 2507, tháng 6-1963)

 


Có lúc thơ ông thể hiện vẻ hùng tráng ngất trời. Chẳng hạn ở Bài Ca Sông Dịch:



Ai tráng sĩ bao năm mài gươm dưới nguyệt

Còn tưởng nghe hồn thép múa sông sâu

Kinh Kha hề Kinh Kha!

Vinh cho ngươi hề ba nghìn tân khách

Tiễn ngươi đi, tiếng trúc nhịp lời ca.

Biên thùy trống giục,

Nẻo Tần sương sa,

Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà.

 

Tám phương trời khói lửa,



Một mũi dao sang Tần.

Ai trách Kinh Kha rằng việc người để lỡ

Ai khóc Kinh Kha rằng thềm cao táng thân.

Ai tiếc đường gươm tuyệt diệu

Mà thương cho cánh tay thần.

Ta chỉ thấy

Tơi bời tướng sĩ, thây ngã hai bên.

Một triều rối loạn, ngai vàng xô nghiêng.

Áo rách thân run hề ghê hồn bạo chúa,

Hùng khí nuốt sao ngưu hề nộ khí xung thiên.

Một cánh tay đưa mà danh lừng vạn cổ,

Hiệp sĩ Kinh Kha hề ngươi thác đã nên!...

(Tâm Sự Kẻ Sang Tần)



 

Ðôi khi thơ ông u uất nỗi sầu chung của đất nước và thời thế, muốn vươn đến những cõi cao rộng xa xăm khác. Mấy mươi năm, số phận nhỏ nhoi rồi bệnh tật của ông, không vươn khỏi những biến động của xã hội, cũng như gông cùm xiềng xích của chế độ cộng sản, nhưng thơ ông đã từ lâu, và mãi mãi, như cánh phượng hoàng (ý của Viên Linh), chạm đến cái chỗ chóp đỉnh cao vời của nền thi ca Việt-nam. Ở nơi chốn ấy, không ai trói buộc ông được. Một mình tung cánh giữa trời cao rộng.




Thơ NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH



BAN MAI KHÁC
Một khúc nhạc của người da đen

Rơi vào buổi sáng

Nơi giờ khắc thong thả của những giọt cà phê

Bỗng nức nở những hạt lệ mầu đen, khóc nắng

Từ tiếng kèn run rẩy bóng đêm

Thốc tới một ban mai rất khác

Cây xương rồng trong bình

Khóc nhớ sa mạc

TIẾNG NHẠC
Tiếng nhạc dương cầm

Buộc tôi vào gió

Dưới bóng mát những lùm cây

Tôi tan ra khoái cảm
Ban mai cũng thế

Đang là một bài ca trữ tình được viết bằng

những nốt nhạc

Mà bao lâu nay

Nó cứ ngỡ mình chỉ được viết bằng ánh sáng

XEM TRANH
Đêm. Từ một bức tranh lõa thể

Người thiếu nữ mang ánh sáng mơ hồ của ánh trăng

Tóc loang bóng lá
Mầu xanh ấy chảy ra từ lá non

Đôi tay ấy là đôi tay của lá non

Cái dịu dàng mãnh liệt của chồi biếc

Cô che hết bóng đêm
Trên con đường ánh mắt đang đi

Đêm của bức tranh òa vỡ

Sắc vào tôi

Ánh lửa
NHỮNG GIẤC MƠ ĐI
Đêm mở ra

Những giấc mơ

Cho tôi bay lên
Ngày mở ra

Những giấc mơ

Cho tôi đi tới
Tôi thích những giấc mơ

Đi bằng đôi chân

Đưa tôi tới những giấc mơ

Đi bằng đôi cánh
Con đường luôn được bắt đầu

Từ một điểm rất nên thơ

BÓNG SÁNG
Nắng đang đổ lên ngày nhịp sống

Nắng đang đổ lên ngày những bóng

Nắng đang soi tôi

Một bóng sáng
Cứ mỗi ban mai

Bóng sáng dẫn đường

TÌM THẤY TÔI KHÔNG
Một ngày lên. Gặp lại tôi

Sao nghe đã lạ. Bóng ngồi đã xa

Có ai tìm bóng đi qua

Ngẩn ngơ tôi. Một đóa hoa đang cầm

Bóng ơi. Tìm thấy tôi không





Thượng tọa Tuệ Sỹ nhắc, nhớ:

Những ngày vạn giã
Nguyễn Ðạt


Thượng Tọa Tuệ Sỹ, 62 tuổi, trước 30 Tháng Tư 1975, có thời gian là Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học - Viện Ðại Học Vạn Hạnh, và là chủ biên tạp chí Tư Tưởng. Thượng Tọa Tuệ Sỹ, như nhận xét của nhà thơ Bùi Giáng (Ði Vào Cõi Thơ), “những sở tri của ông về Phật học quả thực quảng bác vô cùng,” là tác giả của nhiều luận thuyết Phật học, trong đó có tác phẩm “Triết Học Tánh Không”do nhà xuất bản An Tiêm ấn hành năm 1970. Ðặc biệt nhận xét về Thượng Tọa Tuệ Sỹ, nhà thơ Bùi Giáng nhấn mạnh: “Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.” Hiển nhiên là vậy, nên Thượng Tọa Tuệ Sỹ mới viết nên tác phẩm uyên áo: “Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng,”do nhà xuất bản Ca Dao ấn hành năm 1973.
Năm 1988, Thượng Tọa Tuệ Sỹ bị tòa án nhà nước Cộng sản lên án tử hình về tội chống phá “Cách Mạng,”nhưng trước sự lên tiếng, can thiệp của quốc tế, họ phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai. Và không thể yên tâm thực hiện bá đạo trước dư luận quốc tế, nên sau hơn 19 năm giam giữ Tuệ Sỹ, cùng thầy Trí Siêu-Lê Mạnh Thát, nhà nước Cộng sản đã phải trả tự do cho hai người. Trả tự do nhưng vẫn bị con mắt công an theo dõi, cuối năm 2003, Thượng Tọa Tuệ Sỹ, từ vụ việc đi thăm Thượng Tọa Huyền Quang đau bịnh, lại bị nhà nước Cộng Sản ra lịnh “đón lõng,” bắt Thượng tọa ở dọc đường, dẫn độ về Chùa Già Lam, quản thúc, không cho ra khỏi chùa trong hai năm. Cuối năm 2005, gần hết hạn quản thúc, Thượng Tọa Tuệ Sỹ đau bịnh, phải điều trị ở bệnh viện An Bình, vẫn có công an theo dõi, lảng vảng trước phòng bịnh suốt thời gian này.

Buổi chiều, luôn luôn là buổi chiều nếu tôi tới thăm thầy Tuệ Sỹ. Từ hiên sau căn phòng trên lầu một của dãy nhà trong Chùa Già Lam, nhìn xuống khoảng diện tích trống trải có vài ngôi mộ cổ, sau này được tạo thành một khuôn viên đồi cảnh. Nhìn xuống đồi cảnh có cỏ non xanh ấy, nghĩa là ngồi uống trà cùng thầy Tuệ Sỹ trên hiên sau, dưới những chậu hoa phong lan treo một hàng dài, lúc gió mạnh, chúng đong đưa chút đỉnh phía trên đầu, quả là thời khắc thú vị. Thầy Tuệ Sỹ, mỗi lần thấy mặt tôi, cũng nói: “Bộ tôi ăn thịt người sao, mà anh không tới đây vậy?!” Nghĩa là, dù tôi lúc nào cũng thích được ngồi uống trà với thầy, nhà thơ Tuệ Sỹ, nhưng vì bận bịu đủ thứ chuyện đời, cái ý thích nhẹ nhàng ấy của tôi ít khi thực hiện được. Và nghĩa là, thầy Tuệ Sỹ còn quá ít bạn văn nghệ lui tới. Nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn, thêm tôi nữa, là hai ‘chàng văn nghệ’ còn sót lại với thầy. Mà Nguyễn Ðức Sơn thì ở Phương Bối Am xưa, tận thị xã B'lao heo hút, thỉnh thoảng mới xuống Sài Gòn. Còn tôi, thì như đã nói, vướng lụy đời.

Hiển nhiên là tôi không sợ thầy Tuệ Sỹ ăn thịt. Bất cứ loại thịt động vật nào thầy cũng chẳng dám ăn, huống chi ăn thịt người. Tôi còn chẳng sợ bọn “cớm VC” nữa là. Thời gian thầy bị quản thúc, tôi đến thăm thầy nhiều nhất, vì lúc ấy tôi không bị quay cuồng chuyện đời. Nghĩa là, tôi không làm gì để phải sợ “bọn cớm” này. Họ không “trúng mánh,” “đạt thành tích” vì theo dõi, bắt được quả tang một người tới uống trà với nhà tu. Tất nhiên, “bọn cớm” chỉ lảng vảng trong sân Chùa Già Lam, chứ không “áp sát hiện trường,” làm sao nghe được chuyện trò giữa tôi và “người bị quản thúc.” Họ chỉ có “chức năng,” là theo dõi bước đi của thầy Tuệ Sỹ.

Hiển nhiên thầy Tuệ Sỹ là bậc chân tu, một học giả uyên bác. Nhưng tôi chỉ thích gọi thầy Tuệ Sỹ là nhà thơ. Nếu hỏi, vì sao thầy Tuệ Sỹ viết nên “Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng” hay như vậy, uyên áo như vậy, thì theo tôi, chính là vì, như thầy Tuệ Sỹ viết trong bài viết về nhà thơ Viên Linh (Thuyền Ngược Bến Không, nguyệt san Khởi Hành xuất bản tại Hoa Kỳ, số tháng 1 & 2, 2005): “Văn chương bây giờ vẫn là một lựa chọn, hoặc một nhân cách... Trong tận đáy sâu tâm khảm, mỗi nhà thơ vẫn chung một tình tự ngàn đời.”



Núi rừng Vạn Giã heo hút lạnh

Lần này tới thăm thầy Tuệ Sỹ, được xem vài số nguyệt san Khởi Hành, đọc vài bài thơ Tuệ Sỹ trong đó. Tôi thốt lên: “Mấy bài thơ này hay quá, thầy làm hồi nào vậy?” Thầy Tuệ Sỹ nói: “Làm từ lâu lắm rồi. Bây giờ, trong không khí văn nghệ tù đọng, ngột ngạt thế này, làm sao viết được thơ.” Và thầy Tuệ Sỹ nhắc, nhớ lại thời gian mà, với thầy và với bất cứ nhà thơ đích thực nào, đấy quả thật là thời gian diễm ảo nhất: Thời gian thầy Tuệ Sỹ sống nơi miền núi rừng Vạn Giả heo hút lạnh.

Năm 1973, thầy Tuệ Sỹ quyết định rời Viện Ðại Học Vạn Hạnh, đi tìm “những phương trời viễn mộng,” như thực hiện lời thầy viết trong bài tựa cho tác phẩm “Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng”:

Những thảm họa lịch sử, và những thảm họa cuồng dại si ngốc của con người, càng lúc càng đổ lên cuộc lữ. Thi đã đổi cách điệu, trở thành âm vang thống thiết của ly tao kinh, cuộc lữ đã trở thành cuộc đày ải... Ấy tuy nhiên, lưu đày cũng chính là quê nhà (Albert Camus), và từ nơi chốn đó, “vang lên những tiếng dội lạ lùng, khi đau cùng cực, trộn lẫn với hào khí ngất trời nhưng lại đượm những chân tình hoài vọng quê hương.” (Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng).

Thầy Tuệ Sỹ, sau một thời gian lưu lại Chùa Hải Ðức-Nha Trang, năm 1976, quyết định ngụ cư với núi rừng Vạn Giả. Thị trấn Vạn Giả cách Nha Trang khoảng 60 cây số. Tới đó, thầy tiếp tục vào sâu vùng rừng núi, làm chòi lá gần núi, sống như người làm rẫy tự túc mưu sinh. Những đêm hiu hắt giữa núi rừng quạnh quẽ, ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét, thầy Tuệ Sỹ nhớ lại thuở đó, nhiều khi thấy cả bóng dáng cọp đi ngang qua, “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận mà!

Nghe nói về nơi chốn heo hút mà thầy Tuệ Sỹ từng sống một thời gian dài ấy, nhiều người thích lắm, mơ được sống như vậy. Ấy tuy nhiên, cũng đã rất nhiều người tới những nẻo miền như vậy, cảm ngợi trong một, hai ngày, để ngày thứ ba phải bỏ về chốn cũ... thị thành! Thầy Tuệ Sỹ, và một, hai người tôi biết, như Nguyễn Ðức Sơn, nghĩa là hiếm lắm, những người “nuôi lửa tịch mịch,” mới thật sự sống, cảm được với nơi chốn hắt hiu, heo hút, quạnh quẽ, và thấy được thiêng liêng và nên thơ tuyệt vời của nó.

Chính thời gian đó, thầy Tuệ Sỹ đã viết nên những bài thơ đích thực, những bài thơ từ tinh huyết trào ra, những bài thơ mà Bùi Giáng gọi là “một nguồn thơ thâm viễn u u.”

Ðối với một con người như thầy Tuệ Sỹ, những vụ việc bắt bớ giam cầm, quản thúc, hoặc “trả tự do”của nhà nước Cộng Sản trong bản chất thật thiếu nhân tính, và xem ra rất khôi hài. Những buổi chiều uống trà với thầy Tuệ Sỹ, tôi chưa bao giờ nghe thầy nhắc tới những vụ việc mà nhà nước Cộng Sản tạo ra cho thầy. Lần này, thầy Tuệ Sỹ nồng nhiệt nhắc, nhớ núi rừng Vạn Giả, tôi được nghe thầy đọc một đoạn thơ làm từ thuở đó:



Ai biết mình tóc trắng

Vì yêu ngọn nến tàn

Rừng khuya bên bếp lạnh

Ngồi đợi gió sang canh...

(Bên bếp lạnh)

(Nguồn: Nguoi-viet Online

http://www.nguoi-viet.com )






LÀM THƠ
Ta ngửa mặt tìm khung trời viễn mộng

Hái vì sao khơi mở ý thơ đầu

Nhặt ánh trăng soi rọi vần thơ sau

Nhờ cơn gió lướt qua câu thơ cuối

 

Ta thi sĩ nằm viết thơ bên suối



Gã dế mèn trộm đọc hát vu vơ

Vội xếp thơ thả trôi theo dòng nước

T

MỸ HUYỀN
hi sĩ đâu ngờ thơ vướng nhánh cây khô.

(Pine Valley Centre)


KHÔNG CÓ GÌ LÀ RÁC!


Diệu Trân



“Không có gì là rác!”19

Đó là bài học đầu tiên Đại Sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử ông vừa thâu nhận, sau này chính là thiền sư Soko Morinaga, nổi tiếng của xứ Phù Tang.

Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua cuộc vật lộn cam go đó khi bao-tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.

Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đã dẫn bước chân vô định tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn bấm chuông. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được Đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:

- Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.

Tất nhiên Soko trả lời:

- Con xin hết lòng tin tưởng Sư-phụ.

Đại-sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:

- Theo ta.

Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, Đại-sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh:

- Quét dọn vườn.

Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ Đại-sư đã thâu nhận mình.

Công việc quét vườn thì có chi là khó. Soko hăng hái quét, quét, và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đá vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi:

- Bạch Thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ?

Bất ngờ, Đại-sư quát lên:

- Rác? Mi nói chi? Không có gì là rác cả, đồ ngu!

Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì Đại-sư lại sai:

- Vào nhà kho kia lấy cái bao nhựa lớn ra đây.

Khi Soko tìm được bao nhựa mang ra thì thấy Đại-sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo:

- Mở rộng miệng bao ra.

Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy mình quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại dậm dậm cho lá xẹp xuống. Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại. Soko lại nghe lệnh truyền:

- Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.

Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ:

- Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu?

Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy Đại-sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai:

- Có thấy hàng hiên ngay dưới ống máng xối kia không? Có thấy những chỗ bị nước mưa từ máng xối xoáy lồi lõm không? Đem những sỏi, đá vụn này ra, trám vào những chỗ đó.

Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.

Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu lên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đất, từ tốn trám vào.

Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.

Điều này, sau tháng tư 1975, dân chúng Việt Nam cũng đã biết rõ, không ai phải lặn lội tới tìm Đại-sư Zuigan Goto học đạo mới biết “rác không phải là rác”. Bao ny-lông bẩn đã dùng, giấy báo rách bươm, nhầu nát, ống bơ rỉ, thanh củi mục… bất luận cái gì còn chút hình thù cũng nhặt, cũng bán. Mà thật ra đám người mua cũng chẳng khá hơn gì người bán. Thượng vàng hạ cám cái gì cũng mua rồi vận dụng tiểu xảo, cố sáng chế ra “cái gì đó” tạm dùng được để lại đem bán. Người lớn, trẻ nhỏ đổ xô ra đường, lê la gầm cầu xó chợ, mải mê lượm rồi lặt, mong rác đó đổi được chén cơm là quá hạnh phúc, mà nếu chỉ được chén cháo cũng đỡ lòng.

Nhưng “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” đã hơn ba mươi năm rồi, quý vị lãnh đạo ngày xưa kham khổ cùng dân, nhà tôn áo vá, gạo đong từng kí, thịt cá họa hoằn xuân thu nhị kỳ mới nếm, tiền xu chắt chiu lận túi từng đồng; nay trương mục nhà băng sáu số là chuyện nhỏ, biệt thự mênh mông hào nhoáng là chuyện thường, cái ăn sơn hào hải vị là cơm bữa, cái chơi tung bạc qua cửa sổ cũng là… chơi thôi.

Nhưng đại đa số dân chúng sao vẫn lượm rác gầm cầu xó chợ vậy???

Những tin tức đọc được trên báo chí cho thấy sự biến dạng đáng ngại của những tỉnh lỵ đẹp đẽ, thơ mộng ngày xưa.

Cần Thơ là một thí dụ.

Ngày xưa, tôi may mắn đã từng ghé nhà người bạn cùng sở khi chị về quê thăm cha mẹ. Nhà chị ở Quận Ninh Kiều, có rạch Cái Khế uốn khúc lượn quanh, nước trong xanh, cá tôm chẳng thiếu. Bây giờ, theo bài báo, cũng chính con rạch ấy là nơi tiếp nhận cống rãnh của nhà cửa nườm nượp dựng lên xung quanh, qua chương trình đô-thị-hóa. Lẽ dĩ nhiên, chỉ những kẻ tai to mặt lớn hay có cơ hội đút lót, làm ăn buôn bán mới mua được những nhà này. Dân quê bị đẩy lui dần, nay chỉ còn khoảng 150 nhà sàn ọp ẹp ven sông và những gia đình sống chui rúc trong những khoang thuyền, ngay nơi rạch nước cống đen ngòm, hôi hám ấy.

Họ sống bằng gì?

Chúng ta dễ dàng tìm ra câu trả lời khi bài báo đề cập tới những trẻ nhỏ mười một, mười hai tuổi mà chẳng biết tên thật mình là gì. Chúng nó được gọi là con Mít, thằng Cu, bé Ba, bé Tư. Hàng ngày, chúng chờ tan phiên chợ nghèo An Nghiệp là dắt díu nhau chui xuống gầm chợ, men theo cống rãnh lượm bao ny-lông, rau trái dập, đầu cá ươn… Lẽ tất nhiên chúng chưa từng biết đến danh từ “trường học.”Chúng đi lượm rác cả ngày ở những nơi hôi hám, chỉ mong tìm được những gì mang về cho bố mẹ đổi lấy chén cơm vơi là vui rồi.

Thì thôi, theo tinh thần bài học đầu tiên Đại-sư dạy đệ tử Soko, nếu rác chuyển thành thứ hữu dụng thì rác không phải rác. Nhưng cái đau đớn là tinh thần những đứa trẻ lượm rác đó bị hủy diệt tận gốc rễ. Khi phóng viên, nhà báo lân la hỏi thăm tình trạng gia đình chúng để viết bài thì chúng sợ dúm người lại. Nhà báo hỏi “tại sao sợ quá vậy? tôi có làm gì các em đâu”, thì hai chị em tên là Bé Ba và Tý Anh, run rẩy nói rằng: “Chị không phải là công an đến bắt chúng em chứ? Chị không đến đuổi ghe bố mẹ chúng em chứ?”

Tôi nhớ không lầm thì khi Đại-sư Zuigan Goto dạy đệ tử bài học “không có gì là rác”, Ngài còn nói rõ rằng “Từ vô thỉ đến nay, dù người hay vật, đều không có gì là rác cả”.

Nếu Đại-sư chứng kiến được cuộc đời của những NGƯỜI sống bằng RÁC ở Việt Nam hiện nay, e rằng Đại-sư sẽ suy nghĩ lại câu từng nói. Vì rác có thể không là rác khi rác còn đổi được chén cơm manh áo cho người. Nhưng Người-Dân-Cùng-Khổ thì rõ ràng lại đang là Rác vì những kẻ quyền thế có thể bắt, nhốt, đuổi, quăng, vứt họ đi đâu đó, bất cứ lúc nào.

Lời nói ngây thơ tội nghiệp của trẻ nhỏ không là thông điệp rõ ràng nhất gửi tới lương tâm nhân loại hay sao?



Thiên Thần Gãy Cánh


Chiêu Hoàng

Nàng lái xe chầm chậm chạy vào một khu nhà giầu có những mái ngói đỏ, rồi ngừng lại trước một căn nhà hai tầng nằm ngay góc đường trồng những bụi hồng và vài bụi trúc xanh biếc. Để chắc ăn, nàng so lại địa chỉ ghi trên miếng giấy rồi lẩm bẩm: "Đây rồi. Nhà đẹp quá!"

Tiếng chuông ngân dường như quá lớn không những làm nàng giật mình mà chính cả những bụi hồng, bụi trúc phải xôn xao:

- Cô hỏi ai?


  • Dạ. Tôi đến đây xin việc. Có phải ở đây cần người trông nom một cụ già không ạ.

Người đàn bà mở hé cánh cửa nhìn nàng từ đầu đến chân, trên nét mặt hơi thoáng thất vọng khi thấy nàng quá gầy guộc nhưng với khuôn mặt khá xinh:

- À. Có phải cô vừa phone đấy không? Vào đây.

Nói xong, bà mở rộng thêm cánh cửa vừa đủ để một người có thể lọt vào. Khuôn mặt người thiếu phụ vẫn còn thấp thóang một vài nét trẻ trung, nhưng khô khan, cứng ngắc, với nhiều nét bất mãn thiếu niềm vui hằn lên làm thành những vết nhăn đậm nét. Nhưng bà chẳng nói gì thêm, lẳng lặng đi trước dẫn đường.

Căn phòng khách khá rộng, trang trí kiểu cách với những bàn ghế đắt tiền. Nhưng không khí đặc sệt, thốc lên một mùi khai ẩm mốc của quần áo cũ lẫn với mùi thuốc làm nàng hơi bị nhộn nhạo muốn mửa, nhưng vẫn yên lặng lẽo đẽo theo chân. Họ đi qua một phòng khách rộng, rồi bước vào phòng đọc sách, nơi đây hơi tối, các cánh cửa sổ đều kéo màn, duy chỉ một khung cửa lớn thông ra phía sau vườn là mở rộng. Mùi khai ẩm mốc và mùi thuốc phát ra từ chốn này.

Người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn, xoay lưng nhìn ra khu vườn sau đầy mầu sắc của các loài hoa, im lìm như một bức tranh chết. Tiếng người thiếu phụ cố lấy giọng dịu dàng:

- Anh ạ. Có một cô tới xin việc. Anh coi có bằng lòng không?

Vừa nói, bà vừa đến sau lưng từ từ xoay chiếc xe lăn một nửa vòng quay. Cô nhìn sững. Khuôn mặt hơi bị lệch, có nhiều nét chịu đựng, buồn nản. Ông ta bị liệt nửa người sau một cú tai biến mạch máu não. Vì nửa thân bị liệt nên khuôn mặt của ông cũng hơi dị dạng. Một con mắt còn lại chút nét tinh anh, hơi ánh lên nét vui khi nhìn thấy nàng, con kia thì đờ đẫn, không cảm giác. Ông không già. Khoảng ngoài năm mươi. Vẫn còn thấp thoáng nét phong lưu, ăn chơi thời trước. Hẳn nhiên. Ông đã bằng lòng.

- Công việc của cô là chăm lo cho ổng. Mỗi ngày ba bữa cơm sáng tối. Cho ổng uống thuốc, giặt giũ và tắm rửa. Cô có thể đến và về mỗi ngày. Còn nếu cô muốn ở lại, tôi cũng có một căn phòng riêng cho cô, sát với phòng của ổng. Lương $1000 một tháng tiền mặt.

Thiếu nữ bối rối. Ánh mắt chao đi, ấp úng:

- Dạ… em tưởng sẽ chăm lo cho một... một... cụ già.. Nhưng ông đây... chưa già... lắm... Em thấy ngại khi phải lo… về việc… về việc... (nàng cố gắng móc trong đầu mảnh chữ cuối cùng) về việc... tắm rửa...

Người đàn ông ú ớ. Ánh mắt dán chặt lên khuôn mặt làm nàng khó chịu. Hắn muốn nói một điều gì nhưng lại không thốt lên được rõ lời. Tay trái vung vung lên, cố gắng diễn đạt một điều gì đó. Nửa như van lơn, nửa như cầu xin. Ánh mắt của một người đang đi vào nước đường cùng. Người đàn bà gần như mất hết kiên nhẫn, khó chịu chen vào:

- Anh làm cái gì mà rối nhặng lên thế? Chưa chắc gì đã chịu làm. Cả chục người đến rồi, chẳng ai muốn lo phần tắm rửa. Thiệt là khổ thân tôi. (Rít lên) Sống thế này thì chẳng thà chết đi còn sướng hơn. (quay qua thiếu nữ). Vậy cô có bằng lòng làm không? Nếu không thể tắm rửa mỗi ngày thì tắm cho ổng tuần một lần cũng được...

Thiếu nữ bối rối nhìn người đàn bà:

- Tôi....

- Sao? Chê lương ít hả? Cứ làm đi. Nếu làm được việc tôi sẽ tăng lương trong vòng ba tháng...

Người đàn ông vẫn nhìn nàng chằm chặp. Lo sợ và hồi hộp. Hốt nhiên, nàng thấy cái nhìn nửa như van nài, nửa như vồ lấy nàng làm cho nàng có cảm giác gờn gợn. Nàng lùi lại một vài bước, ấp úng:

- Cảm ơn bà. Nhưng.... tôi không nghĩ tôi có thể làm được việc. Vì ông nhà tuy không còn trẻ, nhưng chưa... già khụ, ông lại hơi to con. Tôi sợ rằng tôi đỡ ông không nổi...

Người đàn bà cắt ngang:

- Một nửa người của ổng vẫn còn hoạt động được mà, ổng cũng có thể gượng được, cô đâu cần phải bồng bế ông ta. Chỉ cần cô nhận lời giúp thì chúng tôi sẽ đỡ cô một tay...

- Nhưng... nhưng... (đỏ mặt) Tôi chưa từng... tắm cho một người đàn ông nào cả... Chuyện đó... chuyện đó... chắc không thể làm được rồi. Xin lỗi bà. Xin lỗi ông...

Nói xong, nàng chắp hai tay lên ngực, xá như xá trời, xá đất rồi vội vã quay lưng như kẻ chạy trốn. Nhưng vẫn thoáng nhìn thấy được nét thất vọng tột cùng trên khuôn mặt người đàn ông vừa loé lên một niềm vui rồi lại bị tắt ngấm. Nàng nghe tiếng thở dài của người đàn bà. Bà lại đưa nàng ra cửa. Lẩm bẩm một mình. "Giá hắn có thể chết ngay sau khi bị nạn thì hay biết mấy!"

Nghe câu nói cuối cùng của người thiếu phụ, tim nàng như thắt lại. Nhận thấy rõ ràng sự bạc bẽo của tình đời. Có thể, khi người đàn ông kia còn khoẻ mạnh đã từng đem lại rất nhiều hạnh phúc và tiền bạc cho người đàn bà. Giờ đây, ông không còn tự lo được cho mình nữa thì cả một khung trời bị lệch đi. Mọi sự đều đảo điên, điên đảo cùng những tiếng bấc, tiếng chì của người vợ trẻ.

Chợt nhớ đến ánh mắt thất vọng của người đàn ông. Lòng nàng ray rứt, khổ sở. Sao lại từ chối với một người thực sự cần giúp đỡ như thế? Có phải chăng mình đang tập thực hành tâm bồ đề đấy ư? Hay ta nên nhận lời quách? Không được! Làm gì thì làm, về chuyện đó thì tâm ta còn... phân biệt lắm, vẫn còn thấy… kỳ kỳ thế nào...

Nàng bước ra khỏi cửa mà thấy lòng nôn nao. Một mặc cảm tội lỗi rằng mình vừa đánh rơi mất đôi cánh thiên thần. Dẫu vậy, nàng vẫn không đủ can đảm có thể dừng chân lại và nói với người đàn bà một câu thật dễ dàng, ngắn gọn: "Tôi bằng lòng nhận việc!" Hình như vẫn có một lực gì đó rất mạnh cản ngăn những gì nàng muốn làm.

Phải chăng đó chính là lòng vị kỷ. Cái ngã cỏn con đang tung hoành ngang dọc trong tâm nàng?

Ngoài trời. Nắng chan hòa với giàn hoa trước cửa. Cánh cửa sau lưng đóng sập vội vã, nhốt theo cái không khí bệnh hoạn bên kia bức tường. Nàng lảo đảo như người vừa bị hẫng nhịp bước. Nàng ngồi thụp xuống lề đường, nghe được tiếng rên rất khẽ của con chim non với đôi cánh trắng đã gãy lìa đang bị lòng vị kỷ của mình đè bẹp. Hai tay úp mặt. Nàng òa khóc lên như một đứa trẻ...

Nắng, hoa và không gian thênh thang yên lặng nghiêng đầu thở dài nhìn đôi vai cô bé đang run run...





Thơ


T.K. THIỆN HỮU
Chốn bình an
Thênh thang trong cõi đi về

Sao nghe chấm dứt nguồn mê phù trầm

Bao nhiêu phiền lụy xa xăm

Trở thành tịnh thủy ngàn năm đất trời

Chỗ này chỗ để gọi mời

Cõi này là cõi thảnh thơi an bình

Như nhiên vào chốn độ sinh

Thoát cơn sanh tử vô minh hồng trần

Cũng trong giây phút phù vân

Thấm nguồn pháp lạc trọn phần pháp âm!
LÝ THỪA NGHIỆP
Bụi hồng
Hóa sinh từ một kiếp nào

Tới đây đi đứng ra vào ngủ nghê

Đôi khi buồn rất não nề

Quen người rồi cũng bỏ về tay không

Đường chia trăm ngõ bụi hồng

Người đi chớp đã bạc dòng tử sinh.




GIỚI THIỆU thi tập  Lung Linh Hoa Tạng


của TK Thiện Hữu Lý Thừa Nghiệp



Tập thơ “Lung Linh Hoa Tạng” trên tay bạn là tập hợp thi vị của hai thi phẩm, hai tâm hồn, hai thế giới, hai thi nhân đạo và đời: TK Thiện Hữu Lý Thừa Nghiệp.

Hai thi nhân này không phải là những khuôn mặt mới lạ gì trên vuông chiếu văn học Phật giáo: họ đã từng góp mặt khắp các tạp chí và trang lưới đạo Phật, đã có tác phẩm được xuất bản vài năm trước (*), và thi tài của họ từng được độc giả khắp nơi đón nhận và ái mộ. Cho nên, thêm một lời giới thiệu hay bạt nơi đây cũng thừa.

Điều có thể làm là lướt qua về sự kết hợp kỳ đặc của hai dòng thơ từ hai cõi đạo-đời, vẽ nên một thế giới hoa tạng lung linh huyền ảo.

Hoa Tạng là gì? — Đây là một thuật ngữ phật-học được nhắc đến nhiều qua bộ kinh Hoa Nghiêm mà người đọc nào chưa quen với tư tưởng triết lý Đại thừa Phật giáo, cũng cần biết qua trước khi đi vào cõi thơ TK Thiện Hữu và Lý Thừa Nghiệp.

Hoa Tạng là nói tắt từ “Liên Hoa Tạng thế giới,” (kinh Hoa Nghiêm, phẩm Hoa Tạng thế giới), là một diễn tả khác của “Tỳ-lô-giá-na trang nghiêm tạng Đại lầu các” (Vairochana-alankàra-vyùha-garbhà), hoặc “Thai Tạng giới” (kinh Đại Nhật). Nhưng từ ngữ thông dụng nhất vẫn là Hoa Tạng thế giới. Đây là tên cõi tịnh-độ của đức Phật Tỳ-nô-giá-na, là chân thân của đức Phật Thích-ca. Thể của thế giới này là tự tính thanh tịnh trang nghiêm của hằng ha số chư Phật và bồ-tát; dụng của nó là sự dung nhiếp, tương thông, là sự phối trí trong trật tự của tất cả mọi hiện hữu; tướng của nó là vũ trụ vạn vật trải rộng khắp ba ngàn đại thiên thế giới, bao trùm cả pháp  giới (dharmadhàtu). Theo triết lý Hoa nghiêm, hay Hoa Tạng, tất cả những hiện hữu từ vật thể đến tâm thức, đều nương nơi các điều kiện nhân duyên để có mặt bằng chính tự thân cá biệt của chúng, đồng thời phản chiếu, dung nạp tất cả những tâm và vật khác một cách không ngăn ngại (vô ngại: anàvarana). Cái này cái kia, bên này bên kia, có mặt trong nhau, không có giới hạn của không gian và thời gian. Nói một cách thơ mộng và đơn giản bằng ngôn ngữ văn học Phật giáo, thì Hoa Tạng là thế giới thiên sai vạn biệt bao gồm chân và tục đế, phàm và thánh, sinh tử và niết-bàn; gần gũi và tượng hình hơn, là khổ đau và hạnh phúc, nước mắt và nụ cười, dòng đời và nẻo đạo.

Lung Linh Hoa Tạng” là một thi tựa vừa thơ mộng, vừa triết lý, phản ảnh khát vọng của hai thi nhân nhằm diễn bày sự tương thông tương nhiếp giữa thế giới thanh tịnh trang nghiêm và cuộc đời khổ lụy. Hai dòng thơ như hai luồng ánh sáng soi chiếu vào nhau, không đánh mất ánh sáng của mình, mà cũng vừa tiếp nhận ánh sáng khác một cách trọn vẹn.

Dòng thơ TK Thiện Hữu là những áng mây trắng bay qua bầu trời xanh thẳm vô tận. Ngôn phong thanh khiết, thuần tịnh, sáng ngời nét đẹp của trí tuệ từ bi; ý tưởng chân thành, tha thiết và đầy lạc quan. Những áng mây lúc thì tràn ngập bao phủ, khi thì tản mạn lửng lơ. Chân thành trang trải tất cả mà vẫn nhẹ nhàng thảnh thơi, không lưu vết tích giữa trời cao rộng.

Dòng thơ Lý Thừa Nghiệp là dòng sông cuồn cuộn chảy ngang trần gian thống khổ. Ngôn từ lúc sôi nổi, lúc thâm trầm; tứ thơ lồng lộng, bát ngát. Dòng sông này cưu mang tất cả bẩn đục của cuộc đời, nâng lên thành những bọt sóng lao xao, thi vị hóa và tịnh hóa chúng bằng sự cảm nhận sâu sắc nguyên lý vô thường, khổ, không.

Hai cõi thơ, nhìn theo thể cách của Hoa Nghiêm, tương thông và dung nạp nhau một cách tuyệt vời; và nói theo thể điệu của thi ca, là một kết hợp thơ mộng, hài hòa, ý vị của một thi phẩm đẹp từ cấu trúc đến nội dung.

Một thi phẩm đẹp như thế, tôi rất ngần ngại khi cố gắng phân tích, giới thiệu, nhưng không do dự gì khi trân trọng viết lời tán dương và cảm ơn hai tác giả nơi đây.



California, ngày 28 tháng 4 năm 2007.

Vĩnh Hảo
oOo
Liên lạc với Sống Đạo: Chùa Phật Đà

36 Deodar St.,

Enala QLD 4077 – Australia

Tel.: (07) 3372 3818

______________
(*) TK Thiện Hữu với thi phẩm “Gió Bụi” do Sống Đạo xuất bản năm 2005 tại Úc Châu; Lý Thừa Nghiệp với thi phẩm “Bọt Nước Xao” xuất bản năm 2003 cũng tại Úc Châu.




TIẾNG NÓI TỰ TÌNH MÙA THU



Cư sĩ Liên Hoa


Giấc ngủ say đã đưa bao cơn mộng tràn đầy, lan rộng. Làm sao biết được nơi nào là điểm dừng chân khi tâm luôn lay động “Một niệm vừa khởi, muôn trùng xa cách”.

Thu đã đến, theo vận chuyển của đất trời, như người lữ khách quen thuộc trở về, ôm lấy mọi phương trời. Một hôm nào đó, lá bỗng trở vàng. Trời se se lạnh, không gian như đắm mình trong màu lung linh, mờ ảo. Người ta chỉ biết thu là như thế, để thưởng thức, để ca tụng, để kéo lá vàng vung rải khắp nơi chốn. Những tình tự cảm xúc, biểu lộ như muốn lôi kéo cả không gian vào trong giấc miên trường- màu vàng. Thu là đây: Trăng thu, mây thu, trời thu, đất thu, mưa thu hay là những hình dung nào có thể ghép vào mùa thu để thu đi nặng nề, cưu mang, lê lết.



Ảnh: KL (chụp tại hồ Bishop, California)
Có ai đã một lần nào chiêm nghiệm mùa thu, nhìn thấu suốt được những tâm tinh hy hiến của thu, bản chất thu và để hiểu thu.

Bạn có biết không- tôi không phải là một mùa đơn độc, cô đơn, lẻ loi, nhưng mà là một trong những người bạn thân của các mùa đã đi cùng với vũ trụ. Dù gọi tên là gì như: xuân, hạ, thu, đông.., nhưng mỗi mùa là một sự sống. Vâng, sự sống là tinh tự thiêng liêng nhất mà mỗi mùa đem đến cho vạn hữu, đem đến cho con người.

Khi xuân đã qua, mùa hạ đến, tôi là người tiếp nối, dấn thân. Mỗi lá ửng vàng, lìa cành, rơi xuống hay mỗi một động thái nào đó nối tiếp v.v… để làm bạn có nhiều cảm xúc, trân trọng, yêu quí, an lạc…cũng là mỗi sự chuyển mình, đau xót không lời, hiến dâng cho con người với tinh yêu không bờ bến, không đòi hỏi. Nếu như các mùa đều dừng lại, không gian im lắng, mọi sinh hoạt vô tinh rơi vào hũy diệt, đời sống sẽ ra sao?

Cũng như thế, tinh yêu của những con người bước theo dấu chân của Đức Phật đối với cuộc đời, với con người là thứ tinh cảm không có điểm để so sánh, lệ thuộc. Đó là một phương trời cao rộng, vì đến từ biển tâm như màu vàng bao la của đất trời khi thu về. 

Từ nơi vực sâu mầu nhiệm của chân tâm, họ bước chân lên mảnh đất của bốn pháp thương yêu (Tứ nhiếp pháp ). Bố thí là khởi đầu, vì không bố thí thì điểm trụ vẫn còn. Bố thí làm cho những vọng trần rơi rụng, những chúng sinh vọng tưởng, cứng đầu, tham chấp, vị kỷ lặng lẽ đi vào trong cõi tâm, như màu vàng thu ôm trọn bao nhiêu lá vàng rụng, để đem đến cho con người, vũ trụ màu thương yêu, hạnh phúc. Bố thí đến từ nhận thức được thân phận con người đang chịu bao nghịch cảnh, đồng cảm, đồng cảnh, có đầy đủ tất cả bản chất của một nhân vị, nhưng vươn lên, tự mình muốn dâng tặng tấm lòng từ bi hỷ xả, bao dung, cảm thông với lòng trân quí, tri ân đối với loài người, vì. không có con người, tinh yêu sẽ khô cạn, không có vị giác ngộ.

Tiếng nói của Phật giáo là tiếng nói của từ tâm, của tuệ giác, như tiếng sấm gầm, vì người con Phật đã bao lần quán chiếu mảnh tâm, làm cho những độc tố tạo nên cuộc trầm luân rơi rụng, biến thành những chất liệu thương yêu, tỉnh thức và để từ đó, đem chia xẻ đến mọi người. Tất cả mọi hành động dấn thân đến từ tỉnh thức, tự nguyện, đến từ những con người “vô ngã”, không còn tham đắm những hư danh, vinh nhục, danh vọng v.v..thì sự dấn thân, chia xẻ đó mới đích thực. 

Chính vì lẽ thế, chúng ta thấy rằng tất cả những bậc thể nhập và sống với tánh giác, hay những người nếm được hương vị của tỉnh thức, của tâm đều trở thành những con nguời dấn thân vì đời, vì con người. Nơi nào có si tham sân, có vô minh, tà kiến, có bạo lực, có đàn áp, có khổ đau, có tàn sát, hũy diệt môi trường, mạng sống dù là những sinh vật nhỏ bé v.v…đều có tiếng nói hy hiến, dấn thân của Phật giáo, của người con Phật.

Một phút giây xúc động.





thơ


tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương