ChuyêN ĐỀ thông tin về diễN ĐÀn hợp tác kinh tế châU Á-thái bình dưƠng (apec)



tải về 0.55 Mb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.55 Mb.
#29011
  1   2   3   4   5   6   7
CHUYÊN ĐỀ THÔNG TIN

VỀ DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ

CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG (APEC)

Tháng 12/2006



PHẦN MỞ ĐẦU

Trong quá trình kinh tế hoá toàn cầu, đứng trước thách thức của thời đại mới, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Việt Nam đang từng bước tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các nước và gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới. Kết quả của quá trình này trên thực tế đã đẩy mạnh được các hoạt động kinh tế quốc tế của Việt Nam, nâng cao hiệu quả kinh tế của nền sản xuất trong nước.

Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm tham gia các tổ chức kinh tế toàn cầu và khu vực. Ngày 17/10/1994, Việt Nam chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á (ASEAN), trở thành thành viên của ASEAN từ 25/7/1995 và từ ngày 1/1/1996 bắt đầu thi hành nghĩa vụ thành viên AFTA. Tháng 3/1996 Việt Nam đã tham gia với tư cách thành viên sáng lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM). Ngày 15/6/1996 Việt Nam đã gửi đơn xin gia nhập Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái bình dương (sau đây gọi tắt là APEC) và tháng 11/1998 đã chính thức được công nhận là thành viên của APEC. Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN thì sự kiện này đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Việc Việt Nam tham gia vào APEC đã tạo đà và xây dựng được sự ủng hộ của các nước trong khu vực trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO).

Tài liệu thông tin này gồm 7 bài viết và các tư liệu cần thiết cho việc nghiên cứu và phổ biến pháp luật về APEC của tập thể Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp do TS. Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp chủ biên, phối hợp cùng các chuyên gia sau: Ths. nguyễn Khánh Ngọc, Ths. Nguyễn Đức Kiên, Ths. Bạch Quốc An, Ths. Trần Anh Tuấn, Ths. Phạm Hồ Hương, CN.Nguyễn Minh Quân, CN.Bùi Hương Quế. Tài liệu tập trung vào giới thiệu một cách cơ bản về APEC và về Hội nghị APEC Việt Nam 2006.



Bài 1: Mục tiêu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của APEC

Bài 2: Nội dung chương trình tự do và thuận lợi hoá thương mại, đầu tư trong APEC

Bài 3: Các lĩnh vực hợp tác kinh tế kỹ thuật trong APEC

Bài 4: Tổng quan về các Hội nghị cấp cao APEC đã tổ chức


Bài 5: Giới thiệu tổng quan về Hội nghị APEC Việt Nam 2006

Bài 6: Các nội dung được thảo luận tại Hội nghị Các Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14

Bài 7: Các nội dung được thảo luận tại Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 18

BÀI 1: MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC

VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA APEC



I. Bối cảnh quốc tế dẫn đến sự ra đời của APEC
Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình dương (APEC) được thành lập theo sáng kiến của Australia, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Thương mại và Ngoại giao 12 nước khu vực châu á và Thái bình dương, tổ chức tại Canberra - Australia tháng 11/1989. 12 nước sáng lập APEC gồm Australia, Mỹ, Canađa, Nhật bản, Singapore, Malaysia, Philipin, Thái lan, Brunei, New Zealand, Indonesia và Hàn quốc. Tháng 11/1991 kết nạp thêm Trung quốc, Hồng kông và Đài loan và tới tháng 11/1994, kết nạp thêm Chilê và Papua New Guinea, nâng tổng số các thành viên lên 18 nước và vùng lãnh thổ kinh tế. Từ cuối năm 1994, APEC đã quyết định tạm ngừng kết nạp thành viên mới trong 3 năm để chấn chỉnh tổ chức. Như vậy, số thành viên APEC hiện nay vẫn là 18 nước và vùng lãnh thổ kinh tế nói trên.
APEC ra đời trong hoàn cảnh kinh tế thế giới ở thập kỷ 80 lâm vào tình trạng suy thoái. Đỉnh cao là năm 1980-1983 thế giới có sự khủng hoảng trên các mặt nguyên liệu, tiền tệ, tín dụng, lạm phát, thất nghiệp, nợ nước ngoài, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng, gây cản trở nghiêm trọng cho kinh tế, thương mại và phát triển. Hầu hết các nước trên thế giới đều phải xem xét lại nền kinh tế của mình, thực hiện cải cách cơ cấu nền kinh tế để phù hợp với xu thế phát triển mới của thời đại, trong đó khoa học kỹ thuật nhất là tin học, vật liệu mới, sinh học phát triển như vũ bão. Để đương đầu với những thách thức mới của sự cạnh tranh mãnh liệt trên thương trường quốc tế, vấn đề đặt ra bức thiết cho tất cả các nước phát triển và đang phát triển là phải tìm ra một cơ chế hợp tác, tháo gỡ hàng rào bảo hộ, tạo thế và lực trong đàm phán thương mại đa biên, đưa kinh tế, thương mại đi lên.
Trong bối cảnh đó, hai khuynh hướng kinh tế quan trọng đã hình thành, được xem là giải pháp khắc phục tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới, đó là: chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa khu vực với ý tưởng chung là tự do hóa.
Chủ nghĩa toàn cầu:
Được đại diện bởi tổ chức Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại GATT. Tháng 9/1986, GATT đã quyết định mở Hiệp đàm phán thương mại đa biên lần thứ 8, lấy tên là: Hiệp Urugoay. Đây là Hiệp đàm phán Thương mại đa biên lớn nhất, toàn diện nhất, dài nhất và gay go nhất trong lịch sử GATT (đàm phán cả thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ). Dự kiến đàm phán từ 1986 tới 1990 nhưng phải kéo dài thêm 3 năm, tới 15/12/1993 mới thông qua, tháng 4/1994 ký chính thức tại Maroc và cho ra đời Tổ chức thương mại thế giới WTO, thay thế GATT.
Chủ nghĩa khu vực
Từ khi ra đời năm 1947, GATT đã tiến hành 8 Hiệp đàm phán thương mại đa biên. Các Hiệp đàm phán nhằm thực hiện ý tưởng tự do hóa mậu dịch. Nhưng các Hiệp đàm phán này càng gay go căng thẳng do tính đa dạng về đặc thù và quyền lợi quốc gia. Do đó các nước thành viên đã phát triển và đang phát triển đều nhận thức rằng chính bản thân mỗi nước phải tập trung nỗ lực để tự mình vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh của chính mình, đồng thời tăng cường sự hợp tác kinh tế và thương mại ở diện hẹp hơn, giữa các nước trong cùng khu vực, lân bang, có chung những nét tương đồng về quyền lợi kinh tế nhằm tạo dựng thế và lực, bổ trợ đắc lực cho đàm phán thương mại đa biên. Chủ nghĩa khu vực ra đời từ đó và đang phát triển mạnh, điển hình có các khối kinh tế thương mại sau đây:
1. Liên minh châu Âu:
Liên minh châu Âu được hình thành từ Cộng đồng kinh tế châu Âu (EC). Trong thập kỷ 80, trước thực trạng của chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa khu vực như đã nói trên, Cộng đồng Kinh tế châu Âu từ 6 nước phát triển lên thành 12 nước và tháng 2/1986 đã ký Hiệp ước Maastricht, nhất thể hóa châu Âu thành thị trường thống nhất, gọi là Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực 1/1/1993. Hiện nay EU đã phát triển thành một mô hình liên minh quốc gia gồm 15 nước, có nghị viện châu Âu, có toà án, có các Uỷ ban, Hội đồng kinh tế xã hội, có ngân hàng châu Âu với một đồng tiền chung (đồng ECU), các công dân được đi lại tự do giữa các nước thành viên. Bởi vậy, EU rất có thế mạnh trong đàm phán đa biên của GATT/WTO.
2. Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA)
Trong khi Hiệp đàm phán U rugoay đang diễn ra với nhiều nan giải, và tại châu Âu, cộng đồng kinh tế châu Âu ký Hiệp ước Maastricht thành lập Liên minh châu Âu - EU, thực hiện nhất thể hóa châu Âu, thì Mỹ và Canađa ở Bắc Mỹ cũng đã có những giải pháp riêng cho khu vực của mình bằng tiến hành đàm phán Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ - Canađa (FTA) vào tháng 9/1985 và ký thực hiện 1/1/1989. Sau đó, để tăng cường thêm lực lượng, đã kết nạp thêm Mexico, thành lập Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), có hiệu lực từ 1/1/1994.
3. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN):
Tại Châu Á, các nước Đông Nam Á đã thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1967. Tới tháng 2/1977 đã ký Thoả thuận Ưu đãi Thương mại ASEAN (PTA). Tới ngày 28/1/1992 đã ký Hiệp định thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Sự ra đời của các tổ chức khu vực: EU, NAFTA, ASEAN đã thu hút sự quan tâm chú ý của cả thế giới với mối quan ngại chung về chủ nghĩa khu vực khép kín, co cụm.
4. Sự ra đời của APEC:
Trong bối cảnh quốc tế nói trên, tháng 11/1989, theo sáng kiến của Thủ tướng Australia - Bob Hawke, Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu á - Thái bình dương đã được chính thức ra đời nhằm tập hợp lực lượng các nền kinh tế trong khu vực. APEC công nhận Hiệp hội các quốc gia Đông nam á (ASEAN) và Hội đồng hợp tác Kinh tế châu á- Thái bình dương (PECC) là quan sát viên.
Như vậy có thể nói rằng sự ra đời của APEC là xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của nhu cầu tập hợp lực lượng trong khu vực, tạo đối trọng cần thiết trong đàm phán thương mại đa biên diễn ra gay gắt kéo dài trong khuôn khổ GATT lúc đó.
II. Mục tiêu và nguyên tắc hành động của APEC
1. Mục tiêu: APEC được thành lập nhằm 3 mục tiêu lớn:
1. Tự do hoá thương mại và đầu tư trong khu vực Châu Á - Thái Bình dương vào năm 2020.

2. Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai khu vực phát triển.


3. Hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật nhằm hỗ trợ nhau phát triển, phát huy những thành tựu tích cực mà nền kinh tế của các nước trong khu vực đã tạo ra vì lợi ích của khu vực và cả thế giới.
2. Nguyên tắc hành động
Hợp tác giữa các thành viên APEC được tiến hành theo 9 nguyên tắc sau đây:
1. Toàn diện : Tiến trình tự do hoá và thuận lợi hoá toàn diện ở các lĩnh vực nhằm giải quyết tất cả các hình thức cản trở mục tiêu lâu dài của thương mại và đầu tư tự do.
2. Phối hợp với WTO : Các biện pháp áp dụng phải phù hợp những cam kết đã đạt được ở WTO.
3. Đảm bảo mối tương quan giữa các nước thành viên trong việc thực hiện tự do hoá, thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, xem xét thích đáng tới mức độ tự do hoá và thuận lợi hóa đã đạt được ở mỗi nước.
4. Không phân biệt đối xử : Các nước thành viên APEC sẽ áp dụng hoặc cố gắng áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên. Việc tự do hoá mậu dịch và đầu tư không phải chỉ trong nội bộ giữa các nước thành viên mà cả với các nước không thành viên.
5. Đảm bảo sự rõ ràng công khai mọi luật lệ chính sách hiện hành tại các nước thành viên APEC.
6. Lấy mức bảo hộ hiện tại làm mốc chỉ có giảm không có tăng thêm các biện pháp bảo hộ.
7. Tiến trình tự do hoá, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư của APEC được tất cả các nước thành viên đồng loạt triển khai, triển khai thực hiện liên tục, với những thời gian biểu khác nhau.
8. Có sự linh hoạt trong việc thực hiện các vấn đề về tự do hoá thương mại và đầu tư, vì trình độ phát triển kinh tế của các nước APEC khác nhau.
9. Hợp tác : APEC chủ trương hợp tác kinh tế, kỹ thuật để thúc đẩy thực hiện tự do hoá, thuận lợi hóa, thương mại, đầu tư.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, APEC tuân thủ những phương hướng chủ đạo sau:
+ Mở rộng thương mại để góp phần phát triển kinh tế
+ APEC cam kết hoạt động vì một hệ thống thương mại rộng mở toàn cầu, thực hiện tự do hóa thương mại.
+ APEC không phải là một khối thương mại co cụm mà hướng về "Chủ nghĩa khu vực mở cửa".
+ APEC tập trung vào các vấn đề kinh tế vì lợi ích chung và dựa lẫn nhau trên tinh thần xây dựng, không đề cập tới các vấn đề chính trị và an ninh.
+ Mọi thành viên APEC đều bình đẳng, mọi quyết định đều đạt tới bằng sự nhất trí chung tôn trọng quan điểm của các nước tham gia.
+ APEC không gây phương hại cho các tổ chức khu vực và tổ chức quốc tế khác, trái lại hoạt động của APEC sẽ bổ trợ cho hoạt động của các tổ chức khu vực và quốc tế đó.
+ APEC chủ trương quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực khác.
III. Phương thức hợp tác
Tiến trình tự do hoá, thuận lợi hoá được thực hiện theo 3 cách sau:
1. Các nước thành viên sẽ tự đưa ra những cam kết bước đầu của mình (Initial individual actions) về tự do hoá thương mại và đầu tư.
2. Các Hội nghị APEC sẽ bàn và đưa ra các quyết định, chương trình cụ thể để tiến tới các mục tiêu đã được đề ra.
3.Triển khai các cam kết APEC đạt được thông qua các diễn đàn đa phương khác theo tinh thần nước thành viên nào đã sẵn sàng thì tiến hành thực hiện các chương trình hợp tác trước, nước nào chưa sẵn sàng thì có thể tham gia sau.
IV. Tiến trình thực hiện
1/ Bước 1- Chuẩn bị:
Ngay sau Hội nghị Các nhà Lãnh đạo Kinh tế Osaka, mỗi nước thành viên APEC sẽ xây dựng kế hoạch hành động của mình, nêu rõ các bước thực hiện các mục tiêu đã đề ra, xác định rõ mốc thời gian (cả trước mắt và trung hạn) để thực hiện các cam kết cụ thể của mình, đồng thời vạch rõ hướng cơ bản tới năm 2010 với các nước phát triển, và 2020 với các nước đang phát triển.

2/ Bước 2 - Tham khảo ý kiến:
Các nước thành viên APEC sẽ bắt đầu tham khảo không chính thức ý kiến của nhau về việc xây dựng kế hoạch hành động ngay sau Hội nghị OSAKA. Việc tham khảo này sẽ thực hiện thường xuyên liên tục, trao đổi thông tin, làm rõ chính sách, so sánh các kế hoạch hành động của nhau để tiến tới xây dựng chính thức Kế hoạch Hành động cụ thể của mình.
3/ Bước 3 - Đệ trình kế hoạch hành động:
Mỗi nước thành viên đệ trình Kế hoạch Hành động của mình lên Hội nghị Bộ trưởng APEC năm 1996 tại Phillipine để xem xét.
4/ Bước 4 - Các kế hoạch Hành động của Các nước APEC sẽ bắt đầu thực hiện từ 1/1/1997
5/ Bước 5 - Kiểm điểm việc thực hiện :

Sẽ tiến hành kiểm điểm lại kết quả thực hiện các Kế hoạch Hành động ở từng lĩnh vực và gửi báo cáo lên Hội nghị Các Quan chức Cấp cao APEC (SOM) để xem xét, tổng hợp báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng hàng năm.


6/ Bước 6 - Rà soát lại các kế hoạch hành động :

Các kế hoạch hành động sẽ thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu", do vậy thông qua tham khảo ý kiến lẫn nhau, Các Kế Hoạch Hành động sẽ được các nước thành viên rà soát lại thường xuyên, tự nguyện điều chỉnh theo hướng năng động tích cực hơn.


7/ Bước 7 - Sử dụng các Diễn đàn của mình, APEC sẽ đưa ra kiến nghị mở rộng, cải tiến bổ sung những nội dung đã hướng dẫn các nước thành viên cam kết và cải tiến những việc làm tập thể để thực hiện mục tiêu tự do hoá và thuận lợi hoá đã đề ra; căn cứ vào những diễn biến cụ thể trong quá trình thực hiện cam kết của các nước APEC cũng như những diễn biến tại các diễn đàn Quốc tế, đặc biệt là WTO. Những kiến nghị đó sẽ trình Hội nghị Bộ trưởng duyệt y.
8/ Bước 8: Hành động trong khuôn khổ Đa biên :
Các nước APEC sẽ đi đầu trong việc tăng cường hệ thống thương mại mở đa biên, và phát huy xu thế đang tiến lên về tự do hoá toàn cầu. Để đạt mục tiêu này, các nước APEC sẽ tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán đa biên, tìm kiếm khả năng có những sáng kiến phối hợp tập thể trong khuôn khổ WTO.
9/ Bước 9: Xem xét lại toàn bộ chương trình hành động:
Dựa trên những phát triển toàn diện về tự do hoá, thuận lợi hoá và hợp tác giữa các nước APEC, Chương trình hành động sẽ được điều chỉnh sửa đổi, cải tiến khi xét thấy cần thiết, và có xem xét thích đáng những phát triển mới ở các diễn đàn Quốc tế khác, đặc biệt là WTO.
V. Tổ chức và phương thức hoạt động
1. Hội nghị các Nguyên thủ quốc gia APEC
Từ khi thành lập đến năm 1993, APEC chưa tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia. Cơ quan chính thức cao nhất của APEC lúc bấy giờ là Hội nghị cấp Bộ trưởng. Kể từ năm 1993 trở đi, nhận thấy vị thế và vai trò ngày càng lớn mạnh của APEC và nhằm đề ra các phương hướng cũng như đường lối hợp tác cho APEC, tại cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng thường niên của APEC năm 1993 ở Seattle, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã mời 14 nguyên thủ quốc gia cùng tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên APEC xây dựng một chương trình cho hợp tác kinh tế sâu rộng và hoạch định một viễn cảnh kinh tế tương lai cho APEC. Kể từ đó đến nay, Hội nghị các Nguyên thủ quốc gia APEC được tổ chức mỗi năm một lần.
2. Hội nghị cấp Bộ trưởng
Hội nghị cấp Bộ trưởng của APEC, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế được tổ chức mỗi năm một lần. Chủ tịch của APEC do các nước thành viên thay phiên nhau đảm nhiệm, mỗi năm một nước. Chủ tịch APEC có nhiệm vụ tổ chức đăng cai Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế hàng năm.
3. Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM)
Tại Hội nghị APEC ở Canberra - Australia 1987 các Bộ trưởng đã quyết định thành lập Hội nghị các Quan chức Cao cấp (SOM), họp thường kỳ giữa hai Hội nghị cấp Bộ trưởng để triển khai các quyết định của Hội nghị cấp Bộ trưởng và đưa ra khuyến nghị trình các Bộ trưởng APEC. Các quan chức Cao cấp cũng đảm nhận việc xem xét và điều phối ngân sách và chương trình công tác của các Uỷ ban và các Nhóm công tác chuyên môn.
4. Hội đồng cố vấn kinh doanh của APEC (ABAC)
Tháng 11/1995 ở Osaka, các Bộ trưởng đã nhất trí thành lập một Hội đồng trong đó mỗi nước thành viên được cử 3 đại diện tham gia làm công tác tư vấn cho việc thực hiện Chương trình Hành động Osaka và tư vấn về các vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực kinh doanh. ABAC cũng có nhiệm vụ cung cấp thông tin có liên quan đến kinh doanh hoặc triển vọng của kinh doanh trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể. ABAC đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của mình vào tháng 6/1996 tập trung vào 5 lĩnh vực chính là


  • cơ sở hạ tầng;

  • tài chính và đầu tư;

  • các xí nghiệp nhỏ và vừa và phát triển nguồn nhân lực;

  • tạo thuận lợi hóa cho thương mại và đầu tư vượt biên giới;

  • làm sâu sắc thêm tinh thần cộng đồng của APEC.


5. Ban Thư ký
Năm 1992, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ở Bangkok, Thái lan các Bộ trưởng APEC đã quyết định thành lập Ban Thư ký Thường trực của APEC ở Singapore để hỗ trợ các hoạt động của APEC. Ban Thư ký APEC đã được lập ở Singapore tháng 2/1993.
Đứng đầu Ban thư ký là một Giám đốc điều hành do nước giữ cương vị Chủ tịch APEC cử, đảm nhiệm trong 1 năm; Một Phó giám đốc điều hành do nước sẽ giữ chức Chủ tịch APEC vào năm kế tiếp cử ra. Hiện nay Giám đốc điều hành Ban thư ký là ông Jack Whittleton, đại sứ Canađa tại Singapore.
Nhân viên Ban thư ký sẽ do các nước thành viên APEC cử sang và tuyển tại địa phương.
APEC có ngân sách riêng mỗi năm khoảng 2 - 3 triệu USD do các nước đóng góp để Ban thư ký và các Uỷ ban của APEC hoạt động.
6. Các Uỷ ban chuyên môn của APEC.
APEC có 3 Uỷ ban và một Nhóm đặc trách như sau :
6.1. Uỷ ban về Thương mại và Đầu tư (CTI)
Uỷ ban này thành lập năm 1993 theo "Tuyên bố về khuôn khổ Hợp tác về Thương mại và Đầu tư" với nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động về kinh tế và tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hoá, dịch vụ; hợp tác để tự do hoá và mở rộng thương mại, tạo ra môi trường rộng mở hơn cho đầu tư giữa các nước và các nền kinh tế thành viên. Hoạt động của CTI tập trung vào các lĩnh vực : giao lưu hàng hoá dịch vụ, vốn, kỹ thuật, thủ tục hải quan, tiêu chuẩn hoá, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, giải quyết tranh chấp, chính sách cạnh tranh, qui chế xuất xứ, thực hiện Hiệp Uruguay v.v...
Năm 1994, các Bộ trưởng APEC đã thành lập 2 Tiểu ban trong Uỷ ban CTI, đó là :
- Tiểu ban về Tiêu chuẩn hoá và sự phù hợp về tiêu chuẩn giữa các nước

- Tiểu ban về Thủ tục hải quan.


6.2. Uỷ ban Kinh tế (EC)
Uỷ ban này thành lập năm 1995 trên cơ sở Tuyên bố Chung của Các Bộ trưởng tại Hội nghị Jakarta, Indonesia tháng 11/1994 với nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích đánh giá tình hình kinh tế thương mại, đầu tư, tự do hoá mậu dịch, xây dựng hạ tầng cơ sở, duy trì sự phát triển bền vững, và các vấn đề thời sự kinh tế thế giới và khu vực cũng như triển vọng của nó.



6.3. Uỷ ban về Ngân sách và Quản lý Hành chính (BAC)
Uỷ ban này thành lập năm 1993 với nhiệm vụ cố vấn cho các Quan chức APEC (SOM) về vấn đề Ngân sách, Quản lý hành chính, xem xét đánh giá hiệu quả của các Uỷ ban, các nhóm công tác và các hoạt động khác của APEC để có khuyến nghị về các vấn đề chi tiêu, cung cấp phân bổ quản lý tài chính của APEC.
7. Nhóm Đặc trách về chính sách đối với các xí nghiệp nhỏ và vừa

Nhóm này thành lập năm 1995 theo đề nghị của các Bộ trưởng tại Hội nghị OSAKA tháng 10/1994 với nhiệm vụ thảo luận các vấn đề trợ giúp các xí nghiệp nhỏ và vừa trong khuôn khổ APEC, coi đây là lĩnh vực ưu tiên và là yếu tố cơ bản cho phát triển kinh tế. Nhóm đặc trách còn có nhiệm vụ vạch ra chương trình công tác để đóng góp vào chương trình hành động của APEC.


Ngoài ra, APEC còn có Nhóm đặc trách về tự do hoá thương mại khu vực, nghiên cứu các chương trình khắc phục các cản trở, mở đường cho thương mại phát triển.
8. Các Nhóm công tác chuyên môn (WG)
Để triển khai thành công các chương trình hành động thực hiện các mục tiêu đề ra, ngoài các Ủy ban và Tiểu ban, APEC còn có một hệ thống gồm khoảng trên 10 nhóm công tác chuyên ngành, bao gồm:

- Hợp tác năng lượng khu vực

- Nghề cá

- Phát triển nguồn nhân lực

- Khoa học, kỹ thuật công nghiệp

- Bảo tồn nguồn tài nguyên biển

- Viễn thông

- Du lịch

- Dữ liệu về thương mại đầu tư

- Xúc tiến mậu dịch

- Vận tải.
Ngoài ra, APEC còn thành lập 4 Nhóm đặc trách trợ giúp hoạt động của APEC trên các lĩnh vực cụ thể, bao gồm Nhóm đặc trách của các chuyên gia về chống tham nhũng và minh bạch, Nhóm đặc trách về chống khủng bố, Nhóm đặc trách về y tế, Nhóm đặc trách về sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp.
9. Diễn đàn doanh nghiệp Thái bình dương (PBF)
Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thành lập diễn đàn này vào tháng 6/1994 gồm đại diện của 2 loại doanh nghiệp: một loại lớn, và một loại nhỏ của mỗi nước thành viên, nhằm mục tiêu đưa ra các vấn đề cấp bách kèm theo các khuyến nghị để cải thiện môi trường thương mại và đầu tư trong khu vực. PBF nhóm họp một năm 3 lần.

BÀI 2: NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH TỰ DO VÀ

THUẬN LỢI HOÁ THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ CỦA APEC

Chương trình tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại, đầu tư APEC được thực hiện dựa trên hai trụ cột chính: Kế hoạch Hành động Riêng (Individual Action Plan - IAP) của mỗi nước và Kế hoạch Hành động tập thể (Collective Action Plan - CAP) được xây dựng cho từng lĩnh vực cụ thể. Tháng 11/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng thường niên tại Osaka, Nhật bản, APEC đã thông qua Chương trình Hành động Osaka để cụ thể hóa các bước đi cần áp dụng nhằm thực hiện mục tiêu tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển kinh tế. Chương trình này đã đề 15 lĩnh vực theo đó các nước APEC sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch Hành động Riêng về giảm thuế và hàng rào phi thuế, giảm bớt các qui chế kiểm soát nhằm thực hiện tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại, đầu tư. Tại Hội nghị Bộ trưởng thường niên APEC năm 1996 tại Manila, các nước đã đệ trình các Kế hoạch Hành động Riêng của mình và đã đưa vào thực hiện từ 1/1/1997. Ngoài ra, Chương trình Hành động OSAKA cũng đề ra mục tiêu và các Kế hoạch Hành động tập thể trong 15 lĩnh vực như sau:


I. Thuế quan
1. Mục tiêu:
Các nước thành viên APEC thực hiện thương mại mở và tự do trong khu vực châu á - Thái bình dương bằng cách :
- Giảm dần thuế quan.

- Đảm bảo hệ thống, chế độ thuế quan của nước mình luôn được công bố rõ ràng.


2. Hoạt động tập thể:
Các nước APEC sẽ :
- Thiết lập và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu bằng máy vi tính cho hệ thống thuế (Gọi là cơ sở dữ liệu thuế APEC) và đấu nối mạng với các nước APEC.

- Xác định các ngành công nghiệp mà việc giảm thuế ở ngành đó có tác dụng tích cực tới thương mại và tăng trưởng kinh tế của khu vực châu á - Thái bình dương, hoặc các ngành đó cần sự trợ giúp của khu vực để sớm tự do hoá.


II- Các biện pháp phi quan thuế:
1. Mục tiêu:
- Giảm dần các biện pháp phi quan thuế:

- Đảm bảo các biện pháp phi quan thuế của nước thành viên luôn được công bố rõ ràng.


2. Hành động tập thể:
- Các nước APEC chủ trương sẽ tập hợp thông tin về các biện pháp phi thuế để đưa vào cơ sở dữ liệu thuế APEC, soạn thảo danh mục các biện pháp phi thuế đang áp dụng và danh mục mặt hàng chịu tác động cản trở bởi các biện pháp đó.
- Xác định các ngành công nghiệp mà việc giảm dần các biện pháp phi thuế ở ngành đó sẽ có tác dụng tích cực đối với thương mại và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu A-Thái bình dương, hoặc cần sự giúp đỡ để sớm tự do hoá.
- Giảm dần việc trợ cấp xuất khẩu, tiến tới huỷ bỏ.
- Huỷ bỏ việc cấm và những hạn chế xuất khẩu không hợp lý, và cố gắng hạn chế việc đưa ra những biện pháp mới trong lĩnh vực này.
III- Dịch vụ
1. Mục tiêu:
- Giảm dần những hạn chế về mở cửa thị trường cho thương mại dịch vụ

- Không ngừng tăng việc giành đãi ngộ tối huệ quốc MFN, đãi ngộ quốc gia và các ưu đãi khác cho nhau trong thương mại dịch vụ.


2. Hành động tập thể:
3.1. Trong lĩnh vực viễn thông:
+ Tiến tới sử dụng "Các hướng dẫn chung về thống nhất hài hoà các chứng nhận thiết bị viễn thông".
+ Tiếp tục cùng nhau hợp tác để thống nhất và hài hoà các thủ tục hành chính trong việc chứng nhận những thiết bị vô tuyến viễn thông dùng cho hải quan.
+ Vào cuối 1997 sẽ hình thành và bắt đầu thực hiện thử, trên cơ sở có chọn lọc, "Hiệp định về công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn đánh giá"
3.2. Trong lĩnh vực Giao thông vận tải:
Xúc tiến thực hiện các tiêu chuẩn, quy chế, biện pháp đảm bảo an toàn của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và tổ chức Vận tải biển Quốc tế; hoàn thành dự án về Thống nhất Hài hoà Giao thông Vận tải đường bộ, khuyến khích việc xây dựng những Hiệp định công nhận lẫn nhau cho các phương tiện vận tải đường bộ.
3.3. Trong lĩnh vực Năng lượng:
- Đến cuối năm 1996 sẽ định hình rõ những trở ngại về mặt tổ chức quy chế và thủ tục cản trở đầu tư hạ tầng cơ sở về điện và xây dựng được một bản hướng dẫn có tính chất khuôn thước cho việc tạo thuận lợi đầu tư.
- Đến cuối năm 1999 sẽ hình thành được những giải pháp phối hợp để xử lý các vấn đề phức tạp hơn dựa trên kết quả các hoạt động trên và mở rộng sang các lĩnh vực cung ứng năng lượng khác, ở những trường hợp thích hợp, và
3.4. Trong lĩnh vực du lịch:
Các nước APEC sẽ xác định những trở ngại cho việc tăng trưởng du lịch và xây dựng các chiến lược để cải tiến các hoạt động du lịch và đầu tư ở Châu á - Thái bình dương.
IV- Đầu tư:
1. Mục tiêu:
- Tự do hoá chính sách và môi trường đầu tư APEC bằng cách từng bước dành đãi ngộ tối huệ quốc ( MFN) và đãi ngộ quốc gia (NT) cho nhau nhiều hơn và đảm bảo việc công bố rõ ràng các chính sách;

- Tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư thông qua hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ kỹ thuật.


2. Hành động tập thể:
a/ Trong thời gian ngắn, tăng cường hơn việc công bố rõ ràng chế độ đầu tư APEC bằng cách:
- Cập nhật thường xuyên những thay đổi mới nhất về chính sách đầu tư các nước APEC cho cuốn "Hướng dẫn chế độ đầu tư APEC",

- Lập mạng lưới vi tính lưu trữ các chế độ chính sách đầu tư, cơ hội đầu tư.

- Cải tiến việc báo cáo thống kê và thu thập dữ kiện.
b/ Tăng cường cơ chế đối thoại hiện nay với cộng đồng doanh nghiệp APEC nhằm nắm bắt kịp thời các ý kiến của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư APEC .
V- Tiêu chuẩn và sự phù hợp
1. Mục tiêu:
- Đảm bảo công bố rõ các tiêu chuẩn và đánh giá mức độ phù hợp về tiêu chuẩn giữa các nước thành viên; thống nhất các tiêu chuẩn quốc gia của các nước thành viên, các tiêu chuẩn do APEC quy định với các tiêu chuẩn quốc tế.
- Đạt được sự thừa nhận lẫn nhau giữa các nước APEC về đánh giá mức độ phù hợp về tiêu chuẩn ở các lĩnh vực do APEC quy định và các lĩnh vực mỗi nước tự nguyện cam kết.
2. Hành động tập thể:
Các nước APEC sẽ có những hành động tập thể liên quan đến tiêu chuẩn và sự phù hợp trong bốn mặt sau:
a/ Xây dựng tiêu chuẩn APEC phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, trước mắt là trong năm 1996 sẽ xem xét chọn thêm các lĩnh vực ưu tiên để tiến hành thống nhất với tiêu chuẩn quốc tế. Lần lượt vào các năm 2000 và 2005, các nước sẽ xem xét đánh giá lại một cách toàn diện tiến trình trên.
b/ Công nhận lẫn nhau về cách đánh giá sự phù hợp (Multual Recognition of Conformity Assessment):

VI. Thủ tục Hải Quan
1. Mục tiêu:
Các nước APEC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại trong vùng Châu á-Thái Bình Dương bằng đơn giản và hài hoà hoá thủ tục hải quan.
2. Hành động tập thể
- Thống nhất hài hòa danh mục thuế quan: các thành viên APEC sẽ hài hòa danh mục thuế quan bằng cách áp dụng hoặc tuân theo Công ước quốc tế về hệ thống mã số và miêu tả hàng hoá hài hoà (HS- International Convention on Harmonized Commodity Description and Coding System) vào năm 1996.
- Công bố rộng rãi thông tin: Đến năm 1998, các nước APEC sẽ công bố rộng rãi thông tin hướng dẫn các thủ tục hành chính, các qui định bổ sung luật và các qui chế hiện hành.
- Máy tính hoá thủ tục hải quan thông qua UN/EDIFACT: các thành viên APEC sẽ tăng cường máy tính hoá thủ tục hải quan bằng cách áp dụng và ủng hộ tiêu chuẩn UNEDIFACT vào năm 1999.
- Đến năm 2000, sẽ đưa vào áp dụng hoặc tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp định về các vấn đề sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (Hiệp định TRIPS) để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc kiểm tra tại cửa khẩu, có thể tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình trên.
VII. Quyền Sở hữu Trí tuệ
1. Mục tiêu:

Các nước APEC sẽ đảm bảo bảo vệ hợp lý và có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ bằng cách ban hành các luật lệ, các qui chế hành chính...về quyền sở hữu trí tuệ trong khu vực Châu á - Thái bình dương trên cơ sở các nguyên tắc về tối huệ quốc (MFN), đối xử quốc gia (NT) và rõ ràng (Transparency) đã được nêu trong Hiệp định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của WTO (TRIPS) và các hiệp định khác có liên quan.


2. Hành động tập thể:
Các nước APEC sẽ:
- Tăng cường thảo luận hơn nữa giữa các nước APEC về chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ;
- Khảo sát các qui chế hiện hành ở mỗi nước về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như các luật lệ, thủ tục hành chính, hoạt động của các tổ chức có liên quan...
- Trao đổi thông tin về nhãn hiệu các hàng hoá quen dùng, tiến tới xem xét khả năng xây dựng hệ thống nhãn hiệu chung trong APEC;
- Trao đổi thông tin về hệ thống hành chính quản lý quyền sở hữu trí tuệ hiện nay trong các nước nhằm đơn giản hoá và tiêu chuẩn hoá thủ tục hành chính trong toàn khu vực;
- Nghiên cứu các biện pháp và các nguyên tắc, cho việc thực hiện các qui định về quyền sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả;
- Thực hiện đầy đủ Hiệp định TRIPS trước 1/1/2000 và nghiên cứu các cách thức hợp tác kỹ thuật để đạt mục tiêu trên.
VIII. Chính sách cạnh tranh
1. Mục tiêu:
Các nước APEC sẽ tăng cường cải thiện môi trường cạnh tranh trong khu vực bằng cách xây dựng thêm hoặc duy trì các chính sách cạnh tranh, các luật lệ và các biện pháp thực hiện một cách có hiệu quả và hợp lý; đảm bảo tính rõ ràng của các luật lệ chính sách trên cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các nước APEC . Các hoạt động trên nhằm tối đa hoá hiệu quả của các hoạt động giao dịch, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất và các nhà buôn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
2. Hành động tập thể:
Các nước APEC sẽ:
- Bắt đầu từ 1996, tiến hành thu thập thông tin và nghiên cứu trao đổi về:
+ Mục tiêu, sự cần thiết, vai trò và hoạt động của các chính sách, luật lệ cạnh tranh và thủ tục hành chính của mỗi nước, từ đó xây dưng một ngân hàng dữ liệu về chính sách cạnh tranh của các nước APEC ;
+ Các vấn đề gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư trong khu vực của chính sách cạnh tranh hiện hành;
+ Mối liên quan giữa chính sách, luật cạnh tranh với các chính sách khác liên quan tới thương mại và đầu tư;
IX. Mua sắm Chính phủ
1. Mục tiêu:
Thống nhất cách hiểu về chính sách và hệ thống mua sắm chính phủ nói chung và của từng nước APEC nói riêng nhằm tiến tới tự do hoá việc mua sắm chính phủ trong khu vực Châu á -Thái Bình Dương theo các nguyên tắc và mục tiêu của Tuyên bố Bogor, góp phần cải thiện việc mua sắm chính phủ ở các diễn đàn đa biên khác.
2. Hành động tập thể:
- Năm 1996, các nước sẽ tiến hành trao đổi thông tin về chính sách mua sắm chính phủ hiện hành, sau đó sẽ tổng kết và công bố rộng rãi các thông tin trên cho các nước trong khu vực;
- Bắt đầu từ năm 1996, tổ chức các lớp học, hội thảo, các khoá đào tạo về thủ tục, luật pháp và qui chế mua sắm chính phủ, kể cả các thoả thuận khu vực và đa phương về vấn đề trên như các qui định của Uỷ ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), qui định của NAFTA, CER cũng như các qui định trong Hiệp định về mua sắm chính phủ của WTO;
- Đến năm 2000 sẽ xây dựng các nguyên tắc không hạn chế (non binding principles) về mua sắm của chính phủ.
X. Điều chỉnh chính sách quản lý theo hướng tự do hoá thương mại và đầu tư
1. Mục đích:
Tăng cường việc công bố rõ ràng chính sách quản lí của từng nước nhằm loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của những qui chế nội địa tới thương mại và đầu tư; điều chỉnh lại luật lệ và qui định trong các nước APEC theo hướng thương mại và đầu tư tự do, mở trong khu vực.
2. Hành động tập thể:
- Xuất bản báo cáo chi tiết hàng năm về hoạt động của các nước APEC trong việc điều chỉnh chính sách quản lý,
- Trên cơ sở các báo cáo trên, các nước sẽ tiến hành trao đổi kinh nghiệm về việc điều chỉnh chính sách, nới lỏng các qui chế hành chính (deregulation).
XI. Quy chế xuất xứ
1. Mục tiêu:
Đảm bảo các qui chế xuất xứ của APEC sẽ phù hợp hoàn toàn với các qui định của quốc tế đã được thông qua tại các diễn đàn hợp tác đa phương và đảm bảo các quy tắc này được xây dựng và áp dụng một cách khách quan, rõ ràng và trung lập.
2. Hành động tập thể:
- Các nước sẽ tập hợp thông tin về qui chế xuất xứ của các nước thành viên APEC , kể cả các qui định ưu đãi và không ưu đãi, trên cơ sở đó cùng nhau xây dựng bản tổng hợp các qui chế xuất xứ của APEC để phổ biến rộng rãi cho giới doanh nghiệp.
- Thúc đẩy nhanh việc xây dựng qui chế xuất xứ không ưu đãi (non preferencial Rules of Origin) trong khuôn khổ WTO/WCO;

XII. Giải quyết tranh chấp
1. Mục tiêu:
- Khuyến khích các thành viên hợp tác giải quyết tranh chấp ngay từ khi mâu thuẫn mới xuất hiện với tinh thần tránh đối đầu và làm trầm trọng vấn đề, không thành kiến về quyền và nghĩa vụ của nhau trong Hiệp định WTO và các hiệp định quốc tế khác, và không trùng lặp hoặc đi chệch thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO;
- Tạo điều kiện và khuyến khích việc sử dụng thủ tục giải quyết có hiệu quả và đúng thời gian các tranh chấp giữa tư nhân với chính phủ và giữa tư nhân với nhau trong khu vực;
2. Hành động tập thể:
- Tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, kể cả trao đổi quan điểm về bất cứ vấn đề gì có thể dẫn đến tranh chấp, và cùng nhau xem xét trên cơ sở tự nguyện các tranh chấp nảy sinh, sử dụng đối thoại chính sách như "'Đối thoại chính sách thương mại" của CTI;
- Xem xét khả năng phát triển hơn nữa các thủ tục giải quyết tranh chấp theo quá trình tự do hoá của APEC.

XIII. Việc đi lại của doanh nhân.
1. Mục tiêu: Các nước APEC sẽ khuyến khích việc đi lại của doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại và đầu tư trong khu vực châu á - Thái bình dương.
2. Hành động tập thể:
- Trao đổi thông tin về chế độ quản lí việc đi lại của doanh nhân trong khu vực;
- Đẩy nhanh việc cấp thị thực ngắn hạn cho các chuyến đi nhằm mục đích kinh doanh của các doanh nhân;

XIV. Thực hiện các kết quả của Hiệp Uruguay
1. Mục tiêu: Các nước APEC đảm bảo thực hiện đầy đủ và có hiệu quả kết quả của Hiệp Uruguay trong khuôn khổ thời gian đã thoả thuận thống nhất hoàn toàn với tinh thần của Hiệp định WTO.
2. Hành động tập thể:
- Tận dụng trên cơ sở liên tục các hội thảo về thực hiện Hiệp Uruguay và các phương tiện thích hợp khác để nâng cao sự hiểu biết về các điều khoản của Hiệp định WTO và trách nhiệm đối với hiệp định đó và xác định các vấn đề gặp phải trong khi thực hiện Hiệp định WTO và các lĩnh vực các nước APEC cần có trợ giúp kỹ thuật.
XV. Thu thập và phân tích thông tin (công việc cơ bản)
1. Mục tiêu: Các nước APEC sẽ đảm bảo tạo ra một cơ sở vững chắc cho việc phát triển và cải tiến bản Hành động trong các lĩnh vực cụ thể và Kế hoạch hành động tương ứng của các nước.
2. Hành động tập thể:
- Tiến hành khảo sát các trở ngại tới thương mại và đầu tư;
- Xem xét và phân tích sự ảnh hưởng của tự do hoá thương mại trong khu vực Châu á - Thái Bình Dương đồng thời nghiên cứu và theo dõi sự ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tiểu khu vực như NAFTA, AFTA và CER;
- Hình thành và bổ sung thường xuyên các ngân hàng dữ liệu về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư trực tiếp.


tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương