Nội dung số này



tải về 9.01 Mb.
trang1/21
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích9.01 Mb.
#34588
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG


TẠP CHÍ VĂN HỌC PHẬT GIÁO ● SỐ 18 - THÁNG 11 NĂM 2007




Nội dung số này:



QUÉT RÁC | 2 – Thư người chủ trương, Vĩnh Hảo ● NGÀY NGÓ XUỐNG, MỘT PHƯƠNG TRỜI, NHA TRANG HÀNH CA M., CỔ TÍCH | 4 – thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn ● TU LUYỆN TÂM XẢ | 5 – Dalai Lama - Thích Trí Chơn dịch ● CUỐI MẮT ĐẦU MÔI | 7 – thơ Trần Vấn Lệ ● NHỮNG GIÁ TRỊ PHỔ QUÁT CỦA BỒ TÁT HÀNH | 8 – Tuệ Sỹ ● TRĂNG MỘT PHƯƠNG, GIÓ ÚA | 17 – thơ Tô Mặc Giang ● Y HỌC TRONG TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO | 18 – Tùng Sơn ● THỜI LOẠN VÀ GIAI NHÂN | 26 – Vĩnh Liêm – Văn Uyên ● LÊN NÚI, XUỐNG NÚI | 29 – thơ Hồ Chí Bửu ● THƯ THÔNG BÁO VÀ CẢM ƠN VỀ BẢN LÊN TIẾNG CỦA VĂN NGHỆ SĨ TỰ DO | 30 – Vĩnh Hảo ● BẢN LÊN TIẾNG CỦA VĂN NGHỆ SĨ TỰ DO VỀ TRƯỜNG HỢP NHÀ THƠ TUỆ SỸ | 31 ● TAM TẠNG ĐƯỢC KINH QUA CÁI NHÌN THIỀN TÔNG | 34 – Chân Hiền Tâm ● TU TIÊN | 38 – tiểu luận Võ Doãn Nhẫn ● NỤ CƯỜI THIÊN THU | 41 – thơ Thích Tánh Tuệ ● MÂY, ĂN CHAY GIẢI NGHIỆP | 41 – thơ Chánh Năng ● VÒNG QUAY | 42 – truyện ngắn Nguyên Hiệp KHÍ PHÁCH | 43 – thơ Nguyễn Thanh Huy ● NGƯỜI NHẶT TRO | 44 – truyện ngắn Hoàng Ngọc Thư ● LỄ TẠ ƠN | 51 – tùy bút Thích nữ Chân Thiền ● ĐAM MÊ | 52 – thơ Hồ Hương Lộc ● MÙA LỄ TẠ ƠN | 53 – truyện ngắn Trịnh Gia Mỹ ● VI TRẦN | 54 – thơ Lâm Bích Nhy ● NHỮNG GIÒNG SÔNG CẠN NƯỚC | 55 – tùy bút Biện thị Thanh Liêm ● IM LẶNG SẤM SÉT | 56 – thơ Tâm Thường Định ● VÔ VỊ CHÂN NHÂN | 57 – truyện ngắn Toại Khanh ● MÙA THU HẢI ĐẢO | 59 – thơ Minh Nguyệt ● NGƯỜI Ở TRÊN MÁI NHÀ | 60 – truyện ngắn Hàn Tâm ● KHOÁC ÁO CHÂN KHÔNG, BỎ QUÊN PHIỀN MUỘN | 63 – thơ Mai Khanh – Lê Đình Cát ● CHUYỆN TÌNH VỚI ANH CU YÊN | 64 – truyện ngắn Trần thị Nhật Hưng ● HƯƠNG CHIÊN ĐÀN, TIẾNG ĐÀN TỲ LÔ GIÁ NA | 69 – thơ Lý Thừa Nghiệp ● CHỊ TÔI | 70 – chuyện ngắn Văn Hưng ● ĐI, ĐẾN, Ở, VỀ | 72 – thơ Mỹ Huyền ● MIẾNG ĐẬU HŨ | 73 – truyện ngắn Lữ ● KHÔNG ĐỀ | 74 – thơ Nguyễn Văn Phin ● MẶC | 75 – tường thuật của Huệ Trân ● ĐÊM THU | 79 – tùy bút Quỳnh My ● KHÓA TU PHẬT PHÁP MÙA THU – CON ĐƯỜNG BỒ TÁT ĐẠO | 81 - tường thuật của Diệu Trang ● TU BỤI | 85 – truyện dài Trần Kiêm Đoàn ● DOÃN QUỐC VINH TRIỂN LÃM: AO NHÀ LUNG LINH | 90 –Việt Báo ● TIN TỨC PHẬT GIÁO KHẮP NƠI | 92



Tranh bìa: ĐẶNG THỊ QUẾ PHƯNG



Chủ nhiệm / Chủ bút: VĨNH HẢO



Địa chỉ liên lạc: P.O. Box 374 - Midway City, CA 92655 – USA

Telephone: (714) 623-4285

E-mail: vinhhao@vinhhao.net hoặc phuongtroicaorong@vinhhao.net ● Website: www.vinhhao.net


Bài đăng trên Phương Trời Cao Rộng do văn thi hữu gửi đến bằng e-mail với attachments, đĩa (CD), hoặc viết tay trên một mặt giấy. Bài không đăng không gửi lại bản thảo. Tòa soạn nhuận sắc nếu cần. Bài có nhuận bút xin ghi rõ “yêu cầu nhuận bút.”

Phương Trời Cao Rộng là nơi tập đại thành những bài viết của Tăng Ni và văn thi sĩ Phật giáo khắp nơi, nhiều khuynh hướng, nhiều giáo hội, tông phái, do đó không nhất thiết phản ảnh quan điểm và chủ trương của tạp chí.

QUÉT RÁC
(THƯ SỐ 18 của NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG)
Vĩnh Hảo


Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ lốm đốm những cánh hoa teo rút, đỏ tía. Lá vàng từ cây kiểng vườn nhà kế bên cũng lác đác rải xuống vườn này. Trời không gió, nhưng lạnh. Qua khung kiếng cửa sổ hướng về vườn trước, thấp thoáng có bóng người bộ hành băng ngang, khoác áo dày, dẫm trên lá xào xạc. Ngập trên bãi cỏ và lối đi là lá phong, nhiều màu, từ vàng nhạt đến đỏ sẫm. Nhìn từ xa, chỉ thấy một thảm lá dầy, thỉnh thoảng giao động như những đợt sóng nhỏ gợn nhẹ trên mặt đại dương chóa ánh mặt trời.

Thảm lá ấy sẽ được trải khắp vườn trước như thế cho đến cuối tuần, khi những người làm vườn mang máy thổi và dụng cụ hốt rác đến. Chẳng biết nên buồn hay vui khi lá vàng được dọn sạch, trả lại cho khu vườn vẻ ngăn nắp, sạch sẽ cố hữu, như mọi người mong đợi.

Hoa trên cành, lá trên cây, người trên đời, khi rơi ngã xuống, mang theo sinh khí và cái đẹp xuống lòng đất. Những cánh hoa phai và những chiếc lá vàng nhiều sắc màu, cũng chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành rác rến. Trên thực tế, mỹ quan chẳng qua cũng chỉ là một thoáng lãng mạn của những kẻ dị cảm, đa tình, không thắng nổi cái ngăn nắp trật tự và vệ sinh chung của đời sống xã hội.

Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô.” Nai có thích lá vàng không thì không biết. Người thì hầu như đa số thích ngắm lá vàng mùa thu, còn trên cành hay rụng đầy mặt đất. Người cũng thích dẫm lên lá khô, lắng nghe tiếng lào xào vui tai. Có khi hứng thú nằm lăn trên thảm lá, đùa giỡn với nhau, hoặc chỉ một mình, nằm im, lặng ngắm những cánh chim bay ngang trời thu tịch mịch, và lắng nghe tiếng gió rung đưa những hàng cây trơ trụi.

Nhưng đó chỉ là những phút nhàn tản, nghỉ ngơi, muốn tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên nơi bãi cỏ, công viên, bìa rừng… còn ở nhà, sân trước hay vườn sau, lá vàng khô là rác rến, cần phải hốt dọn.

Thực tế của đời sống trong tương quan xã hội là như thế. Những gì đã rơi, tàn, phai, héo úa, không còn dính vào thân, không còn là sở hữu của ai, hoặc không ai muốn sở hữu… đều là rác.

Tóc huyền ai thơm, tung bay những chiều lộng gió, rời khỏi mái đầu ấy, một sợi hay một nhúm, trên đất hay trong thức ăn, sẽ không còn là chủ đề cho một câu thơ lãng mạn.
Rác. Rác. Rác. Nhìn đâu cũng thấy rác là đặt chân nơi cánh cửa của chánh kiến, phân biệt chánh-tà, thiện-ác. Rác là những gì đã được sinh ra, tạo ra, mà không duy trì được trạng thái nguyên thủy của chúng, hoặc không cần thiết dùng đến nữa. Nhân nơi rác mà thấy cái tướng hoại diệt. Không có sinh thì không có diệt. Không có diệt thì không có rác. Cho nên việc quét rác, dọn dẹp là việc trường kỳ không bao giờ dứt, của người phu chuyên nghiệp đối với vệ sinh chung, của mỗi người đối với nơi trú ẩn sinh sống của mình, và nhất là những người mang hạnh nguyện quét lá, lau chùi, nơi già-lam tịnh địa.

Quét dọn rác rến, lau chùi bụi bặm là hiện tướng, cũng là hiện tượng, của việc trau luyện nội tâm, tịnh hóa ý niệm. “Thời thời thường phất thức, vật sử nhạ trần ai.” Lau chùi trong từng giây phút, từng niệm, đừng để bụi rác bám vào. Mỗi ý niệm khởi sinh, rồi tan biến đi, đều trở thành rác. Dù là ý niệm tốt hay xấu, cũng đều là rác.

Trong thiền quán, dùng niệm sau để xua đuổi hoặc quan sát niệm trước thì cũng giống như dùng chổi mà quét rác. Niệm trước là rác, niệm sau là chổi. Niệm trước vừa sinh, đã diệt, trở thành rác. Niệm sau mới vừa làm chổi, đã trở thành rác, để rồi bị cái niệm sau đó nữa, quét đi. Rác, chổi, rác, chổi, rác, chổi… Chổi, rác, chổi, rác, chổi, rác… Cứ thế mà thực tập, người quét rác dần tiến đến trạng thái không còn rác phát sinh: vô niệm. Rác không sinh thì chổi cũng không sinh. Không rác thì cần gì chổi. Có rác nên có chổi. Nhưng nếu tự thân rác vốn đã là chổi thì tự thân chổi cũng vốn là rác. Cây chổi cùn, không dùng được nữa, dù còn rác hay hết rác, thì chổi đó cũng đã là rác. Tiêu đích cuối cùng của việc quét rác là ở chỗ không còn rác; nhưng tâm thái và hành vi thượng thừa của sự nghiệp quét rác chính là lúc có thể vất đi cái chổi. Không dũng mãnh vất đi cái chổi thì muôn đời, dù khổ nhọc công phu đến đâu, vẫn cứ là rác.
Chổi. Chổi. Chổi. Nhìn đâu cũng thấy chổi là đặt chân nơi cảnh giới diệu dụng của phương tiện. Nơi ấy, nhìn đâu cũng thấy Phật Pháp; đặt tay vào phương tiện nào, phương tiện ấy trở thành Phật Pháp. Không thấy được công dụng của chổi thì không thấy Phật Pháp. Không thấy được mục tiêu của chổi, lập tức biến chổi thành rác, không cần chờ cho chổi hư hoại, cùn mòn. Thấy được mục tiêu của chổi thì có thể dùng bất cứ vật dụng nào để quét dọn rác và bụi bặm, không nhất thiết phải là chổi.

Chân lý không thể được diễn đạt rốt ráo bằng ngôn ngữ văn tự. Nói, diễn tả, là để hiển bày chân lý, giống như dùng chổi mà quét rác. Xua quét đi tất cả những gì không phải sự thật để hiển bày sự thật. Ở nơi chốn không còn gì để quét, không còn gì để lau chùi được nữa, mới là cái chỗ tột cùng của việc lau quét, chứ không phải ở nơi bụi rác, cũng không phải ở nơi khăn lau và cây chổi.

Không thể nhân danh chân lý tối thượng để tổn hại kẻ khác, dù bằng ngôn ngữ của chánh pháp, huống hồ là ngôn ngữ thế tục, phi pháp. “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.” Phật Pháp cũng chỉ là phương tiện, là chổi để quét, và cũng là rác cần dọn đi.

Với cái tâm bất chánh thì dù có dùng ngôn ngữ của chánh pháp, nhân danh mục tiêu tối hậu của chánh pháp, vẫn cứ là những manh động của tà kiến, của tà nhân. Chánh pháp cần được tuyên dương và truyền bá là do có thể nương nơi đó mà thấu đạt sự thật. Nhờ sự thật mà sống an lạc và hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát. Cho nên, nếu vì chánh pháp mà thương tổn, tác hại đến người khác, thì chẳng khác gì phỉ báng chánh pháp. Đó là dấu hiệu của cây chổi chưa kịp quét rác mà đã trở nên mục rữa như rác rưởi.


Từ mục đích tối hậu là hiển bày chân lý, chúng ta vẽ nên những lý tưởng, vận động những phong trào, dựng nên những tổ chức. Những thứ ấy, nếu cố gắng gìn giữ, bảo vệ, điều hướng một cách khéo léo, có thể phần nào tương hợp với mục đích tối hậu kia, ít ra cũng lợi mình lợi người trong một thời gian hay hoàn cảnh nào đó. Ngược lại, sẽ dẫn đến một kết quả tệ hại, xa vời, chẳng một chút dính nhập đến mục tiêu nhắm đến. Lý tưởng, phong trào, tổ chức… là những phương tiện, nhưng thường khi lại trở thành cứu cánh để tôn thờ, bảo vệ, rồi từ “cứu cánh ảo” ấy, tranh thủ những địa vị và danh vọng hão huyền, đến nỗi có thể vì chúng mà đánh mất lương tri, làm bạn với kẻ ác, sẵn sàng làm điều ác, biến lý tưởng, phong trào, tổ chức của mình thành đống rác uế nhiễm mà không tự biết.

Kẻ thượng trí là người có thể tạo nên tất cả mà cũng sẵn sàng vất bỏ tất cả. Không thấy được sự giả lập của phương tiện thì muôn kiếp chỉ lẩn quẩn trong đống rác trần gian.


Gió. Gió. Gió. Gió động hay lá động? Từng cơn gió lùa qua làm chao động mặt lá. Thỉnh thoảng có cơn gió xoáy, cuốn xoay những chiếc lá vàng đưa lên cao, dẫn đi xa, rồi thả chúng rơi rụng dần nơi góc vườn. Có gió hay lá nào động đâu! Chỉ là vọng động của tâm. Thiền sư Huệ Năng đã từng nêu ý đó.

Những gì bạn nói, những gì tôi nói, đều là rác cả. Chẳng có lời nào có thể ở mãi với đời; bởi vì âm thanh, ngôn ngữ, cũng đều là tướng của vô thường, hoại diệt. Chỉ ở cảnh giới bất động của tâm, khi mà con đường ngôn ngữ tuyệt dứt, mới hiện bày một thế giới cao rộng bao la; nơi đó, không có bụi rác, không có chổi, không có gió. Ngôn ngữ đạo, đoạn. Tâm hành xứ, diệt. Nơi đó, là niềm tịch lặng thâm sâu không bờ mé, là chỗ mà cả ý và lời đều không thể chạm đến được.


California, 15 tháng 11 năm 2007.




thơ NGUYÊN ĐỨC BẠT NGÀN
(trích từ Ngày Ngó Xuống của NĐBN)



NGÀY NGÓ XUỐNG

ngày trở lại em vai mòn một thuở
ngọn ngành nào quấn bởi tóc mai xưa
lá đã rụng sao cây còn bỡ ngỡ
đợi người tàn theo với dáng tóc mưa


ngày trở lại nghẹn chìm trong ảo vọng
khơi lên trời từng giọt nước tan hoang
con mắt khép sông hồ xao xuyến chọng
dội bên người những tình tiết vang vang


ngày ngó xuống mông mênh em ngần ngại
nghìn năm ta còn ngậm máu oan thù
ngày ngó xuống nghe ngỡ ngàng trẻ dại
chút an bình bên nỗi chết thiên thu


MỘT PHƯƠNG TRỜI
người đắng ngắt một đời sông núi
cơn mưa chiều vồ vập ta đau
đêm gió dậy bao vòng lửa rối
một phương trời
hai phương đất trông nhau


người ở lại nuối nghìn biển rộng
ta ra đi quên vạn sông dài
chút hạnh phúc mòn như ảo vọng
sao hôm buồn chợt tắt sao mai


con chim đậu cành cao bão tuyết
trái tim nào đang đâm chồi sương
cánh buồm lộng đưa tay chào
vĩnh quyết
bọt sóng gào chìm khuất quê hương


NHA TRANG, HÀNH CA M.
từ đáy mắt em xanh màu biển cả
có anh về ơi nắng ấm nha trang
ngày trong vắt với tia nhìn kẻ lạ
rộn trong hồn những thương nhớ khua vang


bờ cát đó nghe lụy phiền biết mấy
thuở nào xa em còn giữ không em
triền núi dựng tự một thời nắng cháy
khi anh về mưa thở ngát trong đêm


dừa lả ngọn đưa hương về bến chợ
anh đi theo bằng những bước xuân tươi
em hiền dịu như rừng bông trắng nở
đường bay xưa còn đọng cuối phương trời


xin tặng hết cho người này trẻ dại
núi chuyển mùa thương suối tóc em trong
xin gửi hết cho người lần trở lại
bóng mây chiều thơm một chút kiêu vong


từ đáy mắt em xanh màu biển cả
rộn trong hồn những yêu dấu khua vang
ngày trong vắt đăm đăm nhìn kẻ lạ
anh đã về ơi nắng ấm nha trang

CỔ TÍCH

anh đi xuống thì thang đời đã ngủ
nghe chồi hương đang khởi ngọn từ bi
từ ước hẹn góp chung giòng đại thụ
em hôn mình như mắt ướt trên mi


có một bận anh theo về thuở trước
vỗ âm buồn em một phiến mây đưa
sườn đá dựng có thèm như bóng nước
bóng chim nào hôn tăm cá hôm xưa


trời cổ tích lăn theo giòng nến chảy
em yêu này mai nhớ trẩy về xuôi
từ ngọn lá đổ vai hờn đã dậy
còn chi em, buốt nghẹn đáy tim người






TU LUYỆN TÂM XẢ


(Cultivating Equanimity – trích dịch từ An Open Heart)
Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma

Chuyển ngữ: H.T. Thích Trí Chơn





Để bày tỏ lòng thương chân thật đối với mọi người, chúng ta phải xoá bỏ sự thiên vị trong thái độ của chúng ta đối với họ. Ý nghĩ bình thường của chúng ta đối với kẻ khác luôn bị khống chế ảnh hưởng bởi những cảm xúc phân biệt và dao động. Chúng ta có cảm giác gần gũi với người chúng ta thương. Đối với những người lạ hay không quen chúng ta cảm thấy xa cách. Và đối với những kẻ chúng ta thù ghét, không thân thiện hay cách biệt, chúng ta cảm thấy ác cảm hay khinh miệt.
Tiêu chuẩn mà chúng ta phân loại mọi người thành kẻ thù hay bạn bè rất rõ ràng. Nếu một người gần gũi hay tử tế tốt bụng với ta, người đó là bạn của ta. Nếu một người làm hại hoặc gây khó khăn cho ta, người đó là kẻ thù của ta. Kèm với sự ưa thích mà chúng ta dành cho các người thân thương là những tình cảm như lòng quyến luyến và sự mong ước được gần gũi mến yêu. Tương tự, chúng ta dành cho những người chúng ta không thích với những cảm xúc tiêu cực như tức giận hay oán thù. Do đó, lòng từ bi của chúng ta dành cho mọi người luôn có giới hạn, thiên vị, thành kiến và với điều kiện là liệu chúng ta cảm thấy có gần gũi được với họ hay không.
Lòng từ bi chân thật phải là vô điều kiện. Chúng ta nên thực hành tâm xả để vượt qua những cảm xúc phân biệt và thiên vị. Phương cách để tu luyện tâm xả là chúng ta suy nghiệm về tính không bền chắc của tình bạn. Trước hết chúng ta cần suy xét để nhận thấy không có gì bảo đảm rằng người bạn thân của chúng ta hôm nay sẽ mãi mãi là bạn thân suốt đời. Tương tự chúng ta có thể tưởng tượng rằng người mà chúng ta không ưa thích không hẳn sẽ mãi mãi như vậy. Các suy nghĩ đó khuếch tán những cảm xúc mạnh mẽ của sự thiên vị và hủy diệt tính bất biến của tình cảm lưu luyến trong chúng ta.

Chúng ta cũng có thể suy niệm về những hậu quả tiêu cực của lòng quyến luyến mà chúng ta dành cho bạn bè và ác cảm đối với kẻ thù. Những cảm giác của chúng ta đối với bạn bè và người yêu đôi khi làm cho chúng ta mù quáng. Chúng ta phóng đại những phẩm chất mà mình khao khát nơi người đó và tin chắc là mình không hề sai lầm. Sau đó, khi chúng ta nhận thấy sự việc không đúng với những gì mà chúng ta phóng đại rồi chúng ta choáng váng. Chúng ta đu đưa rơi từ đỉnh cao tột cùng của tình yêu và mong ước xuống đến sự thất vọng, chán ghét và thậm chí là tức giận. Ngay cả cảm giác hài lòng và thoả mãn trong mối liên hệ với một người nào đó mà chúng ta yêu thương có thể dẫn đến sự thất vọng, chán nản và căm thù. Các phần tử có cảm xúc mạnh mẽ như những người có tình yêu lãng mạn và lòng căm thù chính trực thường bị lôi cuốn bởi những cảm xúc này và niềm vui của họ chỉ thoáng qua. Theo quan điểm Phật giáo, tốt hơn hết chúng ta không nên nắm giữ những cảm xúc như vậy ngay từ lúc đầu.


Những hậu quả khi bị chế ngự bởi lòng hận thù là gì? Danh từ “Shedang” hay “căm thù” của Tây Tạng có nghĩa là sự thù nghịch từ nơi sâu thẳm trong lòng. Có một điều gì đó không hợp lý khi chúng ta phản ứng lại những điều bất công hoặc gây tổn hại bằng tâm thù hận. Lòng căm thù của chúng ta chẳng gây ảnh hưởng đến thân xác kẻ thù của chúng ta, nó không làm tổn hại cho họ. Đúng hơn, chính chúng ta lãnh chịu những hậu quả xấu, đắng cay do lòng hận thù của chúng ta gây ra. Nó đục khoét chúng ta từ bên trong. Khi tức giận, chúng ta ăn chẳng biết ngon. Chúng ta không thể ngủ thẳng giấc, nằm lăn qua trở lại suốt đêm mà không cách nào chợp mắt được. Nó ảnh hưởng sâu xa đến chúng ta trong khi đó kẻ thù của chúng ta tiếp tục sống vui vẻ hạnh phúc không biết gì đến tình trạng phiền muộn của chúng ta.
Vượt thoát ra khỏi lòng hận thù và tức giận, chúng ta có thể giải quyết mọi tình huống có kết quả tốt hơn nhiều. Nếu chúng ta tiếp xúc mọi việc với tâm xả chúng ta sẽ nhìn thấy vấn đề một cách rõ ràng hơn và từ đó giúp chúng ta áp dụng phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Ví dụ, nếu một đứa bé đang làm một hành động gì đó gây nguy hiểm cho chính nó và mọi người như là chơi với những que diêm, chúng ta có thể trừng phạt nó. Khi chúng ta đối xử một cách thẳng thắn như vậy, một điều rất có thể xảy ra là đứa bé sẽ không phản ứng sự tức giận của chúng ta mà đáp lại ý thức khẩn cấp và lo ngại của chúng ta.
Đây là cách giúp chúng ta nhận biết rằng kẻ thù đích thực hiện đang nằm trong lòng chúng ta. Đó là tính ích kỷ, lòng quyến luyến và sự tức giận của chúng ta. Chúng ta nên biết khả năng kẻ thù gây hại cho chúng ta rất hạn hẹp. Nếu một người nào đó thách thức kích động chúng ta, chúng ta nên kiềm chế bản thân mình không trả đũa lại, thì dù cho người đó có làm gì đi nữa họ cũng không thể gây hại cho chúng ta. Trái lại, khi những cảm xúc mạnh mẽ như vô cùng tức giận, căm thù hay lòng ham muốn xuất hiện, chúng tạo nên sự rối loạn trong tâm hồn chúng ta. Ngay lập tức chúng phá hoại sự an lạc trong tâm chúng ta cũng như tạo nên sự buồn phiền, đau khổ và huỷ diệt công đức tu hành của chúng ta.
Khi chúng ta hành trì tâm xả, chúng ta có thể nhận thức được rằng những khái niệm về “kẻ thù” và “bạn bè” có thể thay đổi và tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Không có ai vừa mới sinh ra đã là bạn bè hay là kẻ thù của chúng ta và cũng không có gì bảo đảm rằng các bằng hữu mãi mãi sẽ là bạn bè của chúng ta. “Bạn bè” và “kẻ thù” được phân chia tùy thuộc vào thái độ cư xử của họ đối với chúng ta. Những người mà chúng ta tin rằng họ yêu thương và chăm sóc chúng ta, chúng ta thường xem họ như những người bạn thân và thương mến của mình. Những người mà chúng ta tin rằng họ có những ý nghĩ xấu và muốn làm hại chúng ta là những kẻ thù của chúng ta. Cho nên, chúng ta xem mọi người là bạn bè hay kẻ thù đều dựa trên nhận thức về những ý tưởng và cảm xúc mà họ dành cho chúng ta. Vậy thì, không có ai thực sự là bạn bè hay kẻ thù của chúng ta.
Chúng ta thường nhầm lẫn giữa hành động của một người và con người thực sự của họ. Thói quen này khiến chúng ta quyết định rằng bởi vì một hành vi hay lời nói nào đó, người ấy trở thành kẻ thù của chúng ta. Tuy nhiên, thực ra người đó không hẳn là bạn và cũng không phải là thù. Họ không phải là Phật tử hay Thiên Chúa giáo; không phải là người Trung Hoa; cũng không phải là người Tây Tạng. Trong nhiều trường hợp, một người mà chúng ta liên hệ lâu dài có thể thay đổi và trở thành người bạn thân nhất của mình. Cho nên, chẳng có gì lạ khi chúng ta nghĩ rằng: “Ồ! Bạn đã từng là kẻ thù của tôi trong quá khứ, nhưng hiện tại chúng ta là những người bạn tốt.

Phương pháp khác để tu tập tâm xả, cũng như vượt qua cảm xúc thiên vị và phân biệt là chúng ta nên suy nghĩ rằng mọi người đều bình đẳng và khao khát được có hạnh phúc cùng không thích khổ đau. Thêm nữa, tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng mình có quyền hoàn thành khát vọng này. Làm sao chúng ta biện hộ cho điều ấy? Rất đơn giản, nó là một phần trong bản chất căn bản của con người. Tôi không phải là người duy nhất, bạn cũng không có một đặc quyền nào cả. Khao khát của tôi muốn được hạnh phúc và vượt qua đau khổ là một phần trong bản tính của tôi; đó cũng là một phần trong bản tính của bạn. Như vậy, tất cả mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc và tránh khổ đau, đơn giản vì mọi người có chung bản tính căn bản này.


Dựa trên nền tảng của sự bình đẳng này, chúng ta nên phát triển tâm xả đối với mọi người. Trong lúc thiền định, chúng ta cần luyện tập tư tưởng “Chính bản thân tôi muốn sống có hạnh phúc và không thích khổ đau, mọi người khác cũng vậy; chính bản thân mình đương nhiên có quyền thoả mãn khát vọng này và mọi người cũng có.” Chúng ta nên lập lại ý tưởng này vào lúc chúng ta thiền định và cả trong cuộc sống hằng ngày cho đến khi nó thấm nhuần vào tâm hồn chúng ta.
Còn một điều quan trọng cuối cùng, là con người, hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào đời sống của mọi người và chính sự sống của chúng ta là kết quả của sự đóng góp của nhiều người khác. Sự ra đời của chúng ta phụ thuộc vào cha mẹ chúng ta. Sau đó, chúng ta cần sự chăm sóc và tình thương của cha mẹ chúng ta trong nhiều năm. Sinh kế, nơi ở và phương tiện sinh sống của chúng ta; ngay cả sự thành công và danh tiếng của chúng ta cũng là kết quả của nhiều đóng góp của vô số người khác. Trực tiếp hay gián tiếp, nhiều người liên hệ đến sự tồn tại của chúng ta – chưa kể đến hạnh phúc của chúng ta.
Nếu chúng ta mở rộng sự suy luận vượt khỏi giới hạn của một đời người, chúng ta có thể nhận thấy rằng trải qua nhiều kiếp trước của chúng ta - thực ra, kể từ lúc khởi thủy khai thiên lập địa, rất nhiều người đã đóng góp vô số kể vào hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta có thể kết luận: “Ta dựa vào đâu để mà đối xử phân biệt? Tại sao mình có thể bày tỏ thân thiện với một số người và thù nghịch với một số người khác? Ta phải vượt qua mọi cảm xúc phân biệt và thiên vị. Mình phải giúp đỡ cho mọi người một cách bình đẳng như nhau.


Cuối Mắt Đầu Môi
TRẦN VẤN LỆ

Lẽ nào mới đó đã ngàn năm? Từ Thức là ta? Đứng ngại ngần! Hư ảo một vùng, lên với xuống? Xuống, lên, gì cũng cõi hư không!


Tiếng chuông chùa núi Cô Tô vọng, thuyền khách ngày xưa hứng cái tình… Ta, kẻ ngàn sau, chuông chắc vỡ, chỉ còn sao rụng giữa mông mênh!
Thèm ơi được nắm đuôi trâu xám lẽo đẽo hoàng hôn nhặt lá vàng. Không đứa mục đồng. Thôn xóm vắng. Gió Đông, Đoài được lúc lang thang…
Ta với tay lên, không bóng nguyệt. Ta chùn chân bước, biết đêm sâu. Ngàn năm đâu phải là tia chớp mà nước non quên chỗ gối đầu!
Ta về như vậy, giống như đi. Thuở ấy, lòng ta chẳng hứa gì. Thân xác rã rời như rác rến, tắp vào đâu cũng chỗ chia ly…
Biết đã chia ly lại thở buồn! Sống chi để cứ nhớ Quê Hương? Nếu chừa gặp nhỉ vài em bé, chúng ngó mình, sao? Chắc chúng thương?
Ta ngã lưng, hề, bến vắng tanh. Con đò Chín Xía đã trôi nhanh từ ngàn năm trước, năm đình chiến, để lại đìu hiu đám lục bình!
Em chẳng chờ ta. Em đã chết. Ta còn sống bởi tiếc chiêm bao. Hỡi ơi, khi tỉnh: đời hư ảo, đâu nữa chỗ nào thấp với cao…
Non nước ngày về đau cuối mắt, đầu môi lấp lánh mấy câu thơ…

NHỮNG GIÁ TRỊ PHỔ QUÁT

của BỒ TÁT HÀNH (1)
Tuệ Sỹ




tải về 9.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương