ĐẢng cộng sản việt nam


II/- PHÁT TRIỂN THỰC LỰC, TẤN CÔNG ĐỊCH, GIÀNH QUYỀN LÀM CHỦ NÔNG THÔN (1964-1965)



tải về 1.81 Mb.
trang9/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   18

II/- PHÁT TRIỂN THỰC LỰC, TẤN CÔNG ĐỊCH, GIÀNH QUYỀN LÀM CHỦ NÔNG THÔN (1964-1965).

Sau những cuộc đảo chánh của ngụy quyền Sài Gòn, nội các của chúng liên tiếp bị thay đổi, tư tưởng ngụy quân, ngụy quyền bị phân hoá sâu sắc131. Nhưng nhờ có Mỹ giúp sức, chúng cố gắng ổn định bộ máy và ra sức đánh phá phong trào cách mạng bằng nhiều biện pháp, thủ đoạn xảo quyệt.

Địch tập trung sức đánh phá vùng giải phóng, ổn định vùng chúng kiểm soát, ra sức đôn quân bắt lính và cố gắng không để mất đất, mất dân. Chúng dùng pháo binh, máy bay, bắn phá, ném bom và dùng bộ binh càn quét nhằm xúc tát dân vùng giải phóng. Ở khu tạm bị chiếm chúng củng cố ấp chiến lược, lập “làng tị nạn cộng sản” rào quanh Phan Thiết, gom dân Hàm Thuận, Thuận Phong về thị xã, thị trấn để quản lý nhân tài vật lực. Đồng bào bị dồn vào các “làng tị nạn cộng sản” như: Kim Hải, Đại Tài, Vĩnh Thuỷ, Cầu Ké…

Những nỗ lực của địch càng bộc lộ thế suy yếu, khó khăn, nội bộ nghi ngờ nhau, không tin chế độ Sài Gòn đứng vững. Trong khi đó lực lượng vũ trang ta đánh mạnh. Ở đô thị, phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo, thanh niên học sinh đòi dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình ngày càng lên cao, buộc địch phải liên tiếp đối phó. Chính tiểu khu Bình Thuận đã thú nhận: “Kế hoạch ấp chiến lược có kềm được bước tiến của Việt cộng, tách được Việt Cộng khỏi dân, nhưng chính sách đó mất lòng dân vì mục đích quân sự, vô tình làm cho dân bị kềm trong các vòng đai ngày đêm. Quân đội canh giữ, dân không ủng hộ (1963). Sang năm 1964 tình hình Bình Thuận rất đen tối, bên trong tình hình chính trị rối ren, đô thị xáo trộn, nạn Hội đồng nhân dân cứu quốc gây rối. Ngoài tiền tuyến chiến sĩ không an lòng, phải quay về bảo vệ hậu phương. Trong khi đó Việt Cộng gia tăng xâm nhập đánh phá khắp nơi. Quân chính phủ bận lo an ninh của nội bộ, bỏ ngõ các hành lang và mật khu của Việt Cộng. Thực lực của Tiểu khu Bình Thuận chỉ có 10 đại đội địa phương quân, 63 trung đội nghĩa quân với quân số không đầy đủ, vũ khí thô sơ, tinh thần thấp kém. Thêm vào đó kế hoạch ấp Tân Sinh đang trong thời kỳ phôi thai, ta bỏ ấp chiến lược và một số đồn bót. Trong khi đó Việt Cộng đưa quân miền Bắc vào bổ sung, nên các đơn vị cấp trung đội địa phương tăng lên thành đại đội vũ trang như: 430, 440, 450, 460, 480”132

Nhằm củng cố, trấn an nội bộ vớt vát ảnh hưởng về chính trị, tăng cường đánh phá vùng giải phóng, căn cứ miền núi, 4 tháng đầu năm 1964, địch tổ chức 29 trận càn. Riêng chiến dịch “Bình Lâm II” từ ngày 12 tháng 3 đến ngày 06 tháng 4 năm 1964, địch huy động 7 tiểu đoàn, 30 máy bay đánh vào: Sa Lôn, Hàm Thạnh, Hàm Trí. Chúng dùng máy bay oanh kích liên tiếp vào các xã: Tân Thành, Hàm Minh, Hàm Trí, Hồng Lâm, Hồng Chính, Hồng Trung. Đồng thời chúng ra sức củng cố thế kèm bên trong, thực hiện một số chính sách mị dân, tranh thủ nắm quần chúng. Địch củng cố bộ máy bằng cách loại số cầu an, tiêu cực, lưng chừng đưa những tên ác ôn đầu sỏ lên thay, tổ chức các “đoàn bình định” về tận thôn, xã tuyên truyền, lập ấp Tân Sinh có trọng điểm. Chúng ráo riết bắt lính đôn quân, trang bị thêm phương tiện thông tin liên lạc. Đối với phong trào Phật giáo, sinh viên học sinh chúng mua chuộc số “cầm đầu”, thả một số tăng ni, tín đồ, học sinh và tù chính trị.

Về phía ta, thực hiện chủ trương chung là nhanh chóng chuẩn bị thực lực để giành thắng lợi quyết định trên toàn miền Nam, tranh thủ thời cơ địch còn hoang mang lúng túng sau khi Diệm mới bị lật đổ, Huyện ủy Hàm Thuận, Thuận Phong phát động phong trào 3 mũi giáp công, làm tiêu hao sinh lực địch, liên tục vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng diệt ác phá kèm, mở mảng, mở vùng, giành quyền làm chủ.

Thanh niên thoát ly, cốt cán từ các nhà tù Mỹ-Ngụy trở về, nhiều đội công tác có điều kiện để củng cố, bám sát dân. Đồng bào tự động phá ranh rào, bỏ ấp về đất cũ, mạnh mẽ, quyết liệt nhất là ở Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Thắng, Hàm Mỹ, Ma Lâm, Hồng Sơn, Xa Ra, Tùy Hòa…

Nhằm cảnh cáo và hạ uy thế các lực lượng kèm, hỗ trợ phong trào quần chúng trong ấp Tà Nung, anh Võ Văn Thanh xã đội trưởng xã Hồng Sơn nghĩ ra cách đánh táo bạo. Hàng ngày đi làm về, mỗi người dân phải vác cây về vót chông, rào ấp. Chiều ngày 10 tháng 3 năm 1964 anh Thanh cũng đội nón lá cùng dân vác cây vào cổng ấp, khi ngang qua cổng gác, anh Thanh giả vờ làm rơi nón. Tên lính gác gọi: “Anh ơi rớt nón”, anh dừng lại ném bó cây, rút súng diệt tên gác, thu khẩu súng, rút lui an toàn.

Tháng 4 năm 1964, đơn vị C430 tập kích vào 2 ấp Phú Lộc, Phú Thọ đánh tiêu hao nặng trung đội nghĩa quân, bắt sống tên Sơn, trung đội trưởng, tiêu hao lực lượng thanh niên chiến đấu, thu một số vũ khí. Tháng 7 năm 1964, đơn vị Đại Dương 481 diệt đồn Núi Đất (km18). Tiếp đó (tháng 01 năm 1964) đơn vị C430 cải trang tập kích vào trụ sở xã ban ngày diệt tên đại diện và thư ký xã, một số nhân viên hành chánh xã bị thương. Hai ấp chiến lược Phú Lộc, Phú Thọ thuộc xã Phú Sung rệu rã.

Ngày 07 tháng 7 năm 1964 đội công tác Hồng Sơn và đơn vị 450 cải trang vào đánh ấp Tà Nung, Tùy Hòa, diệt Nguyễn Ngọc Tỷ- Cuộc trưởng cuộc cảnh sát Tùy Hòa tại bàn làm việc; tên Huỳnh Tấn, đại diện xã bị thương. Tiếp đó, đội công tác Xa Ra cải trang đột vào ấp diệt tên Trần Sân, chủ tịch Phong trào cách mạng quốc gia xã Hòa Vinh giữa ban ngày. Sau những trận diệt ác liên tiếp của ta, bọn ngụy quyền phải hoạt động lưu vong ở nơi khác. Sáng 24 tháng 7 năm 1964 đơn vị 486 phục kích diệt gọn trung đội bảo an C443, mở đường vừa ra khỏi Tà Nung 200 mét. Cùng lúc các đơn vị 440, 450 cùng du kích Hồng Sơn vào đánh ấp Tà Nung, phá rã hai trung đội dân vệ. Trong khi đó một bộ phận khác của 450 cùng du kích xã Hàm Đức vào Tùy Hòa diệt một trung đội dân vệ. Cùng thời gian trên, lực lượng du kích, đội công tác 2 xã Hàm Liêm, Hàm Chính phối hợp cùng đơn vị 430 phục kích tại Xóm Mía (Hàm Liêm) đánh trung đội địch mở đường từ Hàm Chính qua Phú Hội, diệt 1 tiểu đội. Sau đó địch hết dám ngang nhiên đi lại trên đoạn đường này.

Quân dân các xã căn cứ mảng Nam huyện Hàm Thuận vừa tăng gia sản xuất vừa chiến đấu rất ngoan cường. Tháng 02 năm 1964 khi chiếc L19 đang bắn phá khu rẫy ở xã Kim Bình. Đồng chí Hẳn trung đội trưởng thuộc C486 đã bắn 1 loạt đạn trung liên, chiếc máy bay lủi về gần Căng Ê-sê-píc thì bốc cháy.

Vụ mùa năm 1964 đồng bào căn cứ xã Hàm Thạnh sản xuất thường bị địch bắn phá. Hôm đó chiếc L19 quần đảo vùng núi Lò-To - Ruộng Vỡ đúng vào phiên gác của chị Đào Thị Huê - chính trị viên thôn đội thôn Dân Cường. Chị bình tĩnh quỳ xuống nâng khẩu mát-tăng-xít và chờ con quạ sắt xuống thấp nhất mới bóp cò, một phát nổ đón đầu trúng đích, chiếc máy bay bốc cháy như bó đuốc rồi rơi nhào. Nữ du kích bé nhỏ ấy chính là người đầu tiên của huyện hạ máy bay bằng súng trường. Hè năm sau cũng tại thôn Dân Cường, 2 chiếc phản lực đến bắn phá trong lúc dân đang sản xuất. Chị Năm, du kích thôn dồn hết căm thù vào chiếc máy bay đang chúi xuống thả bom, khẩu súng trường nhả đạn chính xác, nó bị trúng đạn lảo đảo bay lên. Chiếc còn lại lao xuống ném bom. Chị Năm vẫn bình tĩnh tiếp tục xiết cò súng. Chị đã chiến đấu và hy sinh dũng cảm để cứu thoát hàng chục người đang lao động sản xuất.

Nhằm đối phó với ta, ngày 26 tháng 7 năm 1964, địch tổ chức 5 cánh quân càn quét, bao vây Khu Lê Hồng Phong. Một cánh từ Quốc lộ 1 tiến vào Hồng Liêm, 2 cánh từ Giồng Thầy Ba lên Bàu Sen, cánh thứ 4 từ Xa Ra lên Hồng Sơn và cánh thứ 5 từ Lương Sơn càn xuống Bàu Trắng. Suốt 15 ngày đêm đơn vị 440, 450 cùng du kích các xã chận đánh, diệt gần 100 tên địch và bắn rơi 1 chiếc trực thăng HU-1A.

Cùng thời gian trên, dân các ấp: Tân Điền, Bình An, An Thuận, An Hiệp, Phú Phong A được các lực lượng của huyện hỗ trợ đã phá khu tập trung, về vườn, đất cũ sinh sống.

Tháng 8 năm 1964, Hội nghị Tỉnh uỷ Bình Thuận đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới là: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức khắc phục khó khăn khuyết nhược điểm, tranh thủ thời cơ thuận lợi, tích cực đưa phong trào trong tỉnh tiến lên một bước mới, chủ yếu là phong trào ở vùng địch tạm chiếm; theo phương hướng mở rộng diện làm chủ, diện tranh chấp đại bộ phận nông thôn, củng cố và mở rộng căn cứ, thu hẹp vùng địch, tạo ra những điều kiện cần thiết về người và của, về địa bàn. Khẩn trương xây dựng lực lượng ta về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của cách mạng sắp đến, góp phần tích cực cho phong trào cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định”.

Vận dụng tinh thần trên, căn cứ vào tình hình trong huyện, Huyện ủy Hàm Thuận, Thuận Phong chủ trương: “Khẩn trương, tích cực phá ấp chiến lược, phá rã, làm xộc xệch bộ máy kèm, mở rộng hơn nữa phong trào đấu tranh đòi tự do đi lại làm ăn, đòi về đất cũ. Mở rộng thế tranh chấp và làm chủ có mức độ vào sát đường giao thông, thị trấn, thị xã, yếu khu, quận lỵ để mở rộng vùng giải phóng, thu hẹp vùng địch kiểm soát; nối liền vùng giải phóng với vùng tranh chấp, tạo thế và lực đẩy mạnh đấu tranh 2 chân, 3 mũi. Phát động quần chúng tiến lên làm chủ, phát triển thực lực, thực hiện tốt chính sách ruộng đất, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Chăm lo sức khoẻ, học hành, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho quần chúng. Mở rộng chiến tranh du kích, xây dựng và củng cố làng chiến đấu; vận động tối đa nhân tài vật lực”133.

Để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, Đông Xuân năm 1964 –1965, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bình Thuận quyết định tập trung sức giải phóng Hàm Thuận và Thuận Phong. Mở đầu cho chiến dịch này là diệt đồn Gộp, giải phóng hoàn toàn xã Hồng Sơn. Phương án đánh đồn chuẩn bị vừa xong thì ta cũng vừa phát hiện hàng đêm lính trong đồn rải quân lưu động trong ấp. Thế là phương án đánh đồn chuyển thành đánh ấp. Trận đánh do đồng chí Lê Đình Nguyên - Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy. Rạng sáng ngày 13 tháng 10 năm 1964, trung đội đi đầu của đại đội 486 vừa đột nhập vào ấp thì gặp bọn bảo an nổ súng. Trong lúc đại đội 489 chưa tiến lên kịp theo hiệp đồng; địch tung quân phản kích và đã gây cho đơn vị 486 nhiều thương vong. Trước tình thế ấy không thể chần chừ, C440 quyết định cho 2 trung đội chia làm 2 mũi đánh vào chi viện cho C486. Nhờ quyết tâm cao quân ta đã khống chế đồn Gộp, diệt đại đội Bảo an (441), bắt sống thiếu úy Đạt - đại đội trưởng, diệt rã 1 trung đội dân vệ và phá ấp chiến lược Long Hoa giành quyền làm chủ. Tháng 12 năm 1964, các đơn vị; 486, 489, 440, 450 cùng quân dân xã Hồng Sơn đánh tan ấp chiến lược Tà Nung. Đến tháng 3 năm 1965 ta diệt luôn đồn Gộp, giải phóng hoàn toàn xã Hồng Sơn.

Ở phía Nam Hàm Thuận, các lực lượng của Hàm Thuận, Hàm Tân, Phan Thiết phối hợp tấn công địch liên tục. Mảng Tam Giác ta đánh mạnh. Biết địch chủ quan, sơ hở, nhờ du kích mật bên trong dẫn đường, khoảng 15 giờ ngày 02 tháng 12 năm 1964, các lực lượng C486 và C450 cải trang thành đoàn bạn gặt lúa tập kích ấp Bình Lâm, diệt một trung đội, bắt sống 30 tên, thu 50 súng các loại. Sau đó ta thành lập UBND quân quản xã Hàm Chính.

Đêm 30 tháng 12 năm 1964, C481, C486 tập kích chi khu Thiện Giáo. Do tiếp cận mục tiêu khó khăn, ta có 2 cơ sở nội tuyến là Bẻo và Hiền. Đồng chí Chín Trừ- Bí thư mảng Hàm Phú móc nối 2 nội tuyến ra để bàn phương án hợp đồng tác chiến. Có 2 phương án vạch ra, một là nội tuyến dẫn đường, hai là tự lực. Để đảm bảo an toàn, ta thống nhất thực hiện đồng thời hai phương án. Đúng 02 giờ ngày 31 tháng 12 năm 1964, lực lượng ta bắt đầu nổ súng. Sau hơn 2 giờ chiến đấu ác liệt quân ta làm chủ trận địa, diệt đại đội Bảo an 888 và tổng đoàn dân vệ, chiếm sở chỉ huy chi khu, chiếm và phá hủy hầu hết các lô cốt trong chi khu (trừ lô cốt mẹ chưa chiếm được) giết chết quận trưởng Huỳnh Trọng; giải thoát tù nhân và thu trên 100 súng các loại. Ta hy sinh 1 và bị thương 10 đồng chí.

Thực hiện chủ trương ngừng bắn 5 ngày để quân, dân vui Tết cổ truyền của dân tộc, đón Xuân Ất Tỵ (1965); quân đội, đồng bào (cả trong vùng địch tạm chiếm) đều được xem phim, văn nghệ đông vui ở vùng Tam Giác.Tiếp đó những ngày đầu tháng 01 năm 1965, các đội công tác cùng đơn vị 430 liên tục đánh các ấp Bình Lâm, Bình An giữa ban ngày, bắt ác ôn cải tạo. Đặc biệt trưa ngày 19 tháng 01 năm 1965, bốn tiểu đội của C430 cùng 1 tiểu đội du kích xã Hàm Chính đã vận động hơn một cây số trên địa hình trống trải tấn công bọn địch tái chiếm ấp Bình Lâm. Ta diệt 1 trung đội bảo an, 1 trung đội dân vệ, giải thoát 10 cơ sở vừa bị địch bắt; ta bắt sống 5 tù binh, thu một số vũ khí, trong đó có 2 trung liên. Tối hôm đó lực lượng tỉnh cùng địa phương đánh ấp An Phú diệt 1 trung đội dân vệ.

Tiêu biểu trong Tỉnh lúc bấy giờ là du kích xã Hàm Thạnh; anh chị em đã sản xuất, chiến đấu, xây dựng, bảo vệ căn cứ: trực tiếp rào làng, canh gác, bố phòng, đi dân công, phá đường, chống càn, hạ được cả máy bay của địch... Trong tập thể tiêu biểu ấy có vai trò của đồng chí xã đội trưởng Trương Văn Năm (Năm Bụng), anh là một cán bộ chỉ huy mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, là tấm gương điển hình trong toàn Tỉnh.

Theo sự phân công của Huyện đội, du kích tập trung của xã Hàm Thạnh còn có nhiệm vụ đánh địch ở các xã Mương Mán, Hàm Mỹ, Hàm Phong, vũ trang tuyên truyền diệt ác. Một trong những trận đánh tiêu biểu là tổ chức đánh trung đội Bảo an có nhiệm vụ ngày gác giữ ấp Văn Phong, tối rút về Mương Mán. Vào lúc 7 giờ sáng ngày 21 tháng 02 năm 1965, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Trương Văn Năm và Đặng Văn Hải; đội du kích Hàm Thạnh phục kích diệt gọn trung đội Bảo an trên đoạn đường giữa Văn Phong và Mương Mán, thu 15 súng các loại (có 3 trung liên), 1 máy PRC10, diệt 18 tên địch, phá trụ sở ấp Văn Phong làm cho bọn tề, vệ ở Mương Mán hoang mang. Đây là trận đánh tốt của du kích xã.

Tiếp sau đó, Huyện ủy Hàm Thuận bố trí một tổ du kích mật ở Đại Nẫm do anh Dũng chỉ huy bám sát trung đội dân vệ. Khi chúng cụm vào ngủ ở đống rơm, các đồng chí đánh liền 3 quả lựu đạn, diệt gần hết trung đội. Sau trận này địch bỏ luôn xã Hàm Hiệp. Cuối tháng 4 năm 1965, ta vũ trang tuyên truyền phá banh các ấp: 18, An Phú, Tân Điền, Tân An, Xuân Phong, Đại Nẫm, Phú Hội, làm chủ Đường 8. Chính quyền cách mạng ở nhiều xã đồng loạt ra đời.

Với thế thắng lợi chung, công tác binh vận cũng phát huy hiệu quả. Chị Hai Tính (Sinh) vợ anh Phú Bồ134 là cơ sở binh vận. Dưới sự chỉ đạo hướng dẫn bằng kế hoạch công phu của Ban binh vận tỉnh và huyện Lê Hồng Phong, chị Hai đã giác ngộ được chồng là trung đội trưởng đưa trung đội 32 dân vệ ở Lương Sơn đang chốt giữ Bàu Ốc cùng toàn bộ vũ khí về với cách mạng ngay trong đêm 30 Tết Ất Tỵ (ngày 02 tháng 02 năm 1965). Đồng thời ta đã mở mittinh phát động quần chúng phá ấp chiến lược Bàu Ốc trong đêm 30 Tết. Đây là thành tích điển hình nhất trong công tác binh vận của toàn Khu 6.

Với khí thế áp đảo địch trên toàn huyện, bộ đội địa phương và du kích các xã, nhất là Hồng Sơn đã liên tục đánh chống càn, có đợt 15 đến 20 ngày liền, hỗ trợ cho dân phá ấp về đất cũ, phát triển thế trận nhân dân du kích chiến tranh. Đến cuối tháng 5 năm 1965, ta phá dứt điểm các ấp chiến lược: Bàu Ốc, Xa Ra, Tùy Hòa, Long Hoa, các ấp dọc Đường 8 và mảng Nam Hàm Thuận như Phú Nhang (Phú Hội), Phú Lộc, Phú Thọ (Phú Sung), mở rộng vùng giải phóng; đồng thời vũ trang tuyên truyền làm rã kèm ở Phú Long, Phước Thiện Xuân, Phú Hài… Tháng 5 năm 1965, ta diệt tên Quỳ ác ôn tại Xóm Cầu ở Xuân Phong.

Trước tình hình chiến thắng của miền Nam và ở địa phương, thế địch ở đây ngày càng suy yếu, co thủ. Giữa năm 1965 huyện ủy tiếp tục phát động toàn Đảng, quân, dân trong huyện phối hợp với lực lượng trên quyết tâm giải phóng huyện nhà.

Vào đợt hoạt động thứ hai (quý II năm 1965), tỉnh chọn huyện Thuận Phong làm điểm, nhằm giải phóng các xã: Thiện Khánh, Thiện Nghiệp, Giồng Thầy Ba, Phú Long, Phước Thiện Xuân, Phú Hài.

Mở đầu cho đợt hoạt động, ngày 04 tháng 5 năm 1965, C88 do anh Phước phụ trách cùng đơn vị 489 do anh Lý phụ trách đánh ấp Giồng Thầy Ba, giải phóng ấp Giồng Thầy Ba, diệt 1 trung đội dân vệ và bám trụ suốt ngày dưới phi pháo của địch. Cùng ngày hôm ấy, đơn vị 440 do đồng chí Nguyễn Anh Dũng- Huyện đội trưởng Lê Hồng Phong chỉ huy đánh Rạng, diệt 1 trung đội biệt kích. Sau đó C88 chuyển về khu vực Bàu Me, Bàu Tàng, còn đơn vị 440 và 489 trụ lại ấp Rạng. Lực lượng đánh chặn quân tiếp viện từ Mũi Né đã pháo kích vào chi khu quận lỵ Hải Long (Mũi Né) gây cho địch nhiều thiệt hại (trận này ta có bị tổn thất).

Tiếp đó, rạng sáng ngày 11 tháng 5 năm 1965 đồng chí Cao Ly chỉ huy 2 đơn vị 481 và 486 đánh bọn dân vệ Phú Hài tại sân vận động xã Phú Hài, bắt sống 6 tên.

Một trong những trận đánh mưu trí, táo bạo, dũng cảm là trận tập kích yếu khu Phú Long của các lực lượng 486, 450 và đội công tác Phú Long. Chiều 17 tháng 5 năm 1965 dưới sự chỉ huy trực tiếp của các đồng chí135: Lương Thanh Hà, Nguyễn Thanh Đồng, các lực lượng trên cải trang ngồi trên xe lam tiến vào Phú Long. Bốn đồng chí trinh sát136 cưỡi xe đạp đi trước đến cổng ấp, 2 đồng chí trình giấy, 2 đồng chí còn lại nhấc cây chắn cổng cho xe lam ập vào. Chiếc xe lam thứ hai vừa đến, tên gác cổng sinh nghi chận lại. Đồng chí Nguyễn Xuân Mai nhanh chóng bắn chết tên lính ấy và anh đã hy sinh anh dũng. Nhờ đó quân ta tràn vào Phú Long giữa ban ngày. Gần 2 giờ nổ súng, ta diệt 2 đại đội bảo an 443 và 887, 2 trung đội dân vệ, đánh thiệt hại nặng đại đội Bảo an 442, giải tán 2 trung đội phòng vệ dân sự, giết và làm bị thương hơn 100 tên, trong đó có 1 trung úy đại đội trưởng đại đội 887, bắt sống 59 tên, bắn bị thương 1 xe bọc thép M113, thu 90 súng các loại. Ta phá rã ấp chiến lược Phú Long, tạo điều kiện cho đồng bào bung về về đất cũ, thế làm chủ mở rộng, vây ép địch sát Phan Thiết, bọn tề rệu rã, sống lưu vong.

Ngày 27 tháng 5 năm 1965, lực lượng tỉnh đánh giải phóng ấp Phước Thiện Xuân, giành quyền làm chủ và tạo thế tranh chấp khu vực từ Phú Hài xuống Rạng, vây ép cô lập Mũi Né. Bọn địch hành quân mở đường thường bị lực lượng địa phương chận đánh. Ngày 05 tháng 7 năm 1965 một trung đội dân vệ từ Mũi Né bung lên Rạng, đã bị đơn vị 440 và du kích đánh tiêu hao nặng.

Sau 2 đợt hoạt động Đông Xuân và Hè năm 1965, thế trận trên chiến trường huyện đã chuyển biến rõ. Nhiều vùng tạm bị chiếm đã chuyển lên thế tranh chấp khá như Đại Nẫm, Xuân Phong, Phú Hội, Tân An, Hàm Kiệm, Hàm Thắng, Phú Long, Phú Hài, Phước Thiện Xuân… tạo thế vây ép địch sát Phan Thiết. Phía Nam Hàm Thuận ta làm chủ từ cây số 12 đến cây số 30 Quốc lộ 1A.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy trong những tháng cuối năm 1965 là: “Tiếp tục phá ấp chiến lược, mở rộng củng cố vùng giải phóng, chống càn chống đột kích; xây dựng xã chiến đấu, bảo vệ dân, bảo vệ mùa”. Quân dân toàn huyện liên tiếp phá ấp, phá giao thông, đánh địch càn quét. Đơn vị 430 nhiều lần đánh bọn dân vệ ở Lại An, Thuận Nghĩa, Phú Hội, Mương Mán. Để bảo vệ mùa gặt lúa, du kích các xã Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Thắng đã liên tục đánh địch di chuyển trên đường số 8. Du kích Hàm Hiệp đột nhập vào ấp Đại Hòa đánh bọn Bảo an của tiểu khu Bình Thuận. Ở Thuận Phong, C450 và du kích chống địch càn vào Xa Ra, Rẫy Thơm, Tùy Hòa, Phước Thiện Xuân và có lúc vũ trang tuyên truyền vào Tầm Hưng. Nhân dân cùng du kích phá đường sắt từ Mương Mán ra Sông Lũy làm cho giao thông địch bị ngưng trệ. Riêng du kích các xã của huyện Thuận Phong đã phối hợp diệt trên 50 tên lính sửa đường, làm chủ đoạn đường Quốc lộ 1 từ Tùy Hòa ra Lương Sơn. Địch phải dùng đường thủy đi từ Phan Rí vào Phan Thiết.

Chính sách và phương pháp cải tạo tề ngụy của ta hồi ấy có nhiều tác dụng và ảnh hưởng tốt. Ta phá rã hầu hết bộ máy tề, bắt hàng trăm tên ra vùng giải phóng học tập và cam kết không làm tay sai cho địch. Hàm Thuận, Thuận Phong mỗi huyện bắt trên 100 tên tề, họ phải tự mang lương thực về trại học tập cải tạo. Huyện mở phiên tòa xử tử một số tên ác ôn có nhiều nợ máu với dân, làm bọn chúng rúng động. Số ngoan cố trốn tránh sống lưu vong nơi khác.

Trong vùng địch, cơ sở mật của ta phát triển nhanh cả về số và chất lượng. Đến tháng 3 năm 1965 Thuận Phong có 288 hội viên nòng cốt, 13 ban cán sự, 209 hội viên giải phóng. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể được kiện toàn. Các xã đều có chi bộ, nhiều xã có đảng bộ như: Hàm Thạnh, Hàm Liêm, Hàm Chính, Hồng Sơn. Các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện đều tiến hành Đại hội. Lực lượng vũ trang cũng được tăng cường nhanh chóng, C430 từ 1 đại đội lên 3 đại đội; C440, C450 mỗi đơn vị từ 1 trung nay đủ quân số 1 đại đội; du kích mỗi xã từ 1 tiểu đội tăng lên 1 trung đội.

Hai năm 1964 –1965 Hàm Thuận, Thuận Phong đóng góp nhân, tài, vật lực lớn nhất trong 20 năm đánh Mỹ. Nhân dân ta còn sẵn lòng đóng đảm phụ và mua công phiếu kháng chiến. Hàng trăm thanh niên thoát ly. Nhiều đêm lửa trại, xem văn nghệ xong, có hàng chục thanh niên tình nguyện thoát ly tham gia kháng chiến. Nhờ đó có nhiều học sinh bổ sung vào các ngành y tế, văn hóa, giáo dục. Hàng ngàn lượt người đi dân công tải thương, tải đạn, tải lương, thu chiến lợi phẩm. Có nhiều trường hợp anh chị em dân công bị hy sinh tại mặt trận hoặc trên đường ra chiến trường. Có đợt đi vào Nam bộ lên Tây nguyên từ 3 đến 6 tháng.

Mùa nắng năm 1965, tại xã Hàm Thạnh, Huyện ủy và Huyện đoàn thanh niên Hàm Thuận tổ chức một cuộc họp bạn lớn, thu hút khoảng 120 thanh niên các xã về tham dự, thời gian một ngày, đêm. Ngay sau đó có trên 60 thanh niên nhập ngũ vào đơn vị 430. Đây là một thành công lớn trong công tác dân vận nói chung, công tác thanh vận nói riêng.

Năm 1965 quân dân trong huyện cùng lực lượng trên phá nhiều ấp chiến lược, bức rút nhiều đồn bót, diệt nhiều sinh lực địch. Đây là thời kỳ rực rỡ nhất của Hàm Thuận, Thuận Phong. Đầu năm ta phá 19 ấp chiến lược, giữa năm ta ở thế áp đảo địch. Đến cuối năm 1965, trừ các khu quận lỵ, thị trấn, yếu khu; còn lại phần lớn vùng nông thôn do ta làm chủ, nhiều xã được hoàn toàn giải phóng. Tạo ra thế liên hoàn xã liền xã, huyện liền huyện, vùng giải phóng nối liền từ miền núi xuống đồng bằng và ven biển. Vùng giải phóng và tranh chấp trong huyện có 65.000 dân. Vùng địch kiểm soát bị hẹp dần, chúng lùi sát về Mũi Né, Phú Long, Trinh Tường, Ngã Hai. Ma Lâm bị cô lập, địch muốn xuống Phan Thiết phải đưa quân mở đường; cuối năm 1965 Nguyễn Đức Mỹ quận trưởng quận Thiện Giáo đã khẩn thiết xin tiểu khu Bình Thuận cho dời quận lỵ về Phú Long137 nhưng không được chấp thuận.

Trước lời kêu cứu khẩn thiết của ngụy quyền Sài Gòn, tháng 8 năm 1965, Mỹ đổ quân vào Miền Nam. Ở Bình Thuận lúc đầu địch chỉ dùng máy bay đánh phá mảng Tánh Linh, Hoài Đức. Riêng ở Hàm Thuận, Thuận Phong đến tháng 6 năm 1966, Mỹ trực tiếp đổ quân bằng trực thăng vào Búng Tròn càn quét đánh phá nhiều ngày ở Hàm Thạnh, Hàm Cần. Phong trào cách mạng ở đây từ năm 1965 đến tháng 7 năm 1966 vẫn phát triển thuận lợi, chưa bị xáo trộn lớn trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh cục bộ.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bình Thuận: phát động phong trào nhân dân du kích chiến tranh, phá ấp mở vùng, giành dân chống bình định lấn chiếm, giữ vững vùng căn cứ, vùng giải phóng. Trong hai năm 1965 và 1966, Huyện ủy Hàm Thuận, Thuận Phong chủ trương: kết hợp 3 thứ quân, liên tục hoạt động sâu vào vùng địch, phá kho tàng, cắt đứt giao thông, tiếp tục phá ấp mở kèm, giành quyền chủ động chiến trường, tranh thủ điều kiện thời gian xây dựng thực lực, sẵn sàng đứng lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Với nhiệm vụ cơ bản nhất lúc bấy giờ là đưa phong trào nhân dân du kích chiến tranh lên mạnh, quân dân Hàm Thuận, Thuận Phong đã phối hợp cùng lực lượng tỉnh làm được nhiều việc như: Củng cố được Ủy Ban Nhân Dân tự quản, kiện toàn các ban, ngành, đoàn thể, xây dựng chi bộ 5 tốt. Mọi tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia rào làng, cắm chông xây dựng làng chiến đấu.

Ở sát yếu khu Phú Long và chỉ cách thị xã Phan Thiết 7 km, các đội công tác Hàm Thắng, Phú Long, Hàm Nghĩa và đội Thanh niên học sinh đã xây dựng các căn cứ lõm dọc sông Hội Nhơn từ đất Bà Đá đến Búng Tròn – Đất Làng. Những nơi đây, các đội công tác bám trụ, chiến đấu dài ngày. Vùng Tam Giác ta làm chủ ngày lẫn đêm, xây dựng nhiều căn cứ từ khu I Bình Lâm đến 2, Láng Quý, Bà Gò, Bà Chơn, Bà Hài, Lò Thổi, Bàu Sẻ, Phú Phong A... Các khu căn cứ này là chỗ dựa của nhiều lực lượng du kích, đội công tác ăn ở với dân ngay trong xóm làng dọc Đường 8, Quốc lộ 1.

Riêng xã Hàm Liêm trong 4 tháng đầu năm 1966 đã cắm được 20.000 chông tre, 1.500 chông sắt, đào 10 hầm chông, 83 hố chông, 4 tuyến bố phòng mỗi tuyến dài 1.500 mét; đường đi lại trong thôn xóm có hầm núp máy bay, từng thôn có vọng gác quan sát từ xa. Đến cuối năm ấy toàn dân căn cứ đã ở nhà hầm. Huyện ủy Thuận Phong làm được một hội trường hầm kiên cố, mái lợp tôn, chứa khoảng 100 đại biểu138

Những năm 1964 –1966 Huyện ủy Hàm Thuận, Thuận Phong đã chú ý vấn đề bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Năm 1965 thực hiện chính sách ruộng đất ở vùng giải phóng, chính quyền cách mạng chia ruộng công điền, ruộng vắng chủ, ruộng của ác ôn cho nông dân. Ngoài ra còn vận động một số địa chủ kháng chiến hiến điền, san sẻ ruộng cho dân nghèo. Những nơi làm sớm và có hiệu quả như: Hồng Sơn, Hồng Liêm, Hàm Trí, Hàm Phú, Hàm Thạnh, Hàm Minh (Kim Bình), Hàm Thắng. Ở Tam Giác cũng cấp ruộng cho dân ở vùng ta làm chủ. Riêng xã Hàm Liêm đã cấp 46 ha ruộng vắng chủ cho 156 hộ. Nhờ đó nông dân càng phấn khởi, an tâm sản xuất và ủng hộ kháng chiến.

Các cơ quan cũng phát động thi đua tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Các đơn vị vũ trang đứng chân ở đâu thì góp phần bảo vệ cho dân sản xuất ở đó. Dân vùng giải phóng được cải thiện. Các đoàn thể phát triển vững chắc. Từng giới, từng gia đình, nhất là Hội phụ nữ giải phóng tham gia tốt phong trào “Hủ gạo nuôi quân”, “rẫy mì, con gà kháng chiến”…

Đời sống vật chất khá, cuộc sống tinh thần cũng được nâng lên, phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển. Năm 1965 tỉnh ủy Bình Thuận chủ trương mở trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp tốc cho vùng giải phóng. Cuối năm ấy lớp đầu tiên được tổ chức ở xã Hàm Minh do 2 thầy Vũ Hồng và Ngô Triều Sơn phụ trách, có 30 giáo sinh tham dự. Những giáo viên ra trường tỏa về các địa phương, đơn vị và từ những nòng cốt ấy đã dấy lên phong trào học văn hóa khắp nơi. Hàm Thuận, Thuận Phong có hàng chục lớp học cho thiếu niên vùng giải phóng. Nhiều xã như: Hồng Thanh, Hồng Sơn, Hàm Thạnh, Hàm Cần… có những lớp trên 50 học sinh; các em đến lớp rất đều dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Trường bổ túc cán bộ ở Thuận Phong có lúc lên đến 30 học viên.

Phong trào văn hoá, văn nghệ cũng rất sôi nổi. Nhiều xã có đội văn nghệ do Huyện đoàn tổ chức và chọn tiết mục hay lưu diễn trong huyện. Huyện đoàn thường tổ chức họp bạn, đốt lửa trại tập hợp, thu hút được cả thanh niên trong vùng địch ra tham dự. Hồi ấy thường qua những đêm vui chơi thanh niên tình nguyện thoát ly hoặc trở thành cơ sở ở vùng sâu. Đặc biệt “Tờ tin Hàm Thuận” được duy trì liên tục những năm 1964 –1971 do cán bộ tuyên huấn in ấn139. Hai năm 1965 –1966 tờ tin ra đều hàng tháng, mỗi lần từ 2 đến 4 trang và số lượng phát hành từ 200 đến 300 bản. Tờ tin đăng tải kịp thời các chủ trương, tin tức trong huyện và được chuyển cho cơ sở, cốt cán ở trong vùng địch kiểm soát.

Đông Xuân năm 1965 –1966, Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trương: “Giữ vững thế đấu tranh trên 3 vùng, liên tục tấn công địch, kết hợp 2 chân 3 mũi, tiêu hao, tiêu diệt làm tan rã từng bộ phận sinh lực địch, phá ấp phá kèm, giữ dân mở rộng vùng giải phóng. Khẩn trương chuyển toàn bộ vùng nông thôn còn lại thành vùng giải phóng và tranh chấp nhất là các thị trấn, thị xã dọc theo trục đường giao thông quan trọng. Chuẩn bị chính trị, tư tưởng sẵn sàng đón thời cơ vùng dậy giành chính quyền về tay nhân dân”140.

Trên cơ sở đó Huyện ủy Hàm Thuận, Thuận Phong chủ trương: “Tiếp tục phá kèm các yếu khu, thị trấn, thị tứ, quận lỵ, tiến tới làm chủ có mức độ. Giải phóng toàn bộ nông thôn, xây dựng chính quyền các cấp; chủ động đánh phá làm thất bại âm mưu thực hiện 2 gọng kềm của Mỹ - Ngụy”.

Cuối năm 1965 Tỉnh ủy quyết định mở chiến dịch Đông Xuân (1965-1966). Ban chỉ đạo chiến dịch gồm 9 người - đồng chí Lê Đình Nguyên- Tỉnh đội trưởng Bình Thuận làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Cang làm chỉ huy phó, đồng chí Nguyễn Văn Bốn làm Bí thư Đảng ủy, chính trị viên. Yêu cầu chính của chiến dịch này là làm thất bại âm mưu 2 gọng kèm: “Bình định và tìm diệt” của Mỹ-Ngụy; phá rã các ấp chiến lược và một số yếu khu quân lỵ trên địa bàn huyện, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, phát triển lực lượng ta, xây dựng vùng giải phóng lớn mạnh.

Vừa mới thành lập, sáng ngày 05 tháng 02 năm 1965, C2/430 đã tổ chức đánh trận đầu tiên tại cua Bà Phán, thôn Vườn Trầu (Hàm Mỹ), làm đại đội bảo an từ Mương Mán xuống Ngã Hai bị thiệt hại nặng. Sau nửa giờ chiến đấu ta diệt 20 tên, bắn bị thương 15 tên, thu 1 cối 60 ly và một số quân trang, quân dụng. Tên Phan Cảnh, Đại đội tưởng đại đội bảo an chết trong trận này.

Nhằm tiêu diệt sinh lực địch, cuối năm 1965 quân dân mảng Đường 8 thường xuyên bao vây kinh tế, cô lập quận lỵ, phục kích dọc đường, nắm quy luật đi lại của địch. Sau một tháng theo dõi, ta quyết định phương án đánh bọn địch từ Ma Lâm về Phan Thiết nhận hàng, với sự phân công như sau:

- Trận địa A: Từ Bình Lâm trở lên (km số 9 đến km số 14) do tiểu đoàn 482 và du kích các xã Hàm Chính, Hàm Hưng, Hàm Thắng đảm nhận.

- Trận địa B: Từ Bình An trở xuống (từ km số 7 xuống km số 4)do C1/430, C.450 và du kích các xã: Hàm Liêm, Hàm Thạnh, Hàm Tiến, Hàm Hiệp, Hàm Phong đảm nhận.

Sau 7 ngày đêm quân ta kiên trì mai phục, đến sáng 21 tháng 02 năm 1966 địch mới xuất hiện. Sau đội quân mở đường là sĩ quan binh lính và vợ con chúng kéo nhau xuống Phan Thiết bằng các phương tiện để lãnh lương mua hàng. Khoảng 13 giờ chúng từ Phan Thiết về lại Ma Lâm. Đoàn quân hỗn hợp ấy lọt gọn vào trận địa phục kích. Quân ta nổ súng, cả những tên đầu sỏ như quận trưởng Nguyễn Đức Mỹ và trưởng Chi cảnh sát Đặng Bình An đều phải đền tội. Tại mặt trận A ta bắt được 90 tù binh, thiêu hủy 5 xe các loại, thu 3 xe quân sự GMC, chở chiến lợi phẩm vào căn cứ.

Mặt trận B chặn địch từ Phan Thiết lên, anh em ta chiến đấu dũng cảm, nhưng trận đánh kéo dài, địch tập trung lực lượng vây ép, làm nhiều đồng chí hy sinh.

Tối đó ta đánh thẳng vào quận lỵ Ma Lâm, phát loa kêu gọi địch đầu hàng, bọn địch ở đây ngoan cố chống trả quyết liệt. Chúng gọi máy bay và pháo bắn dữ dội, một số chiến sĩ thương vong. Ta rút qua Hồng Sơn, tránh máy bay Mỹ phản kích.

Ngày 04 tháng 3 năm 1966, tiểu đoàn 482 tập kích ấp chiến lược Tầm Hưng. Sau gần 1 giờ chiến đấu, quân ta diệt gọn đại đội bảo an 443 và đánh tan 4 trung đội dân vệ, giết và làm bị thương 45 tên, bắt sống 75 tên, trong đó có tên thiếu úy Hải, đại đội trưởng đại đội 443. Ta diệt và phá rã bộ máy tề ấp, ác ôn và hệ thống tổ chức phòng vệ dân sự của địch.

Tháng 3 năm 1966 mặt trận chính của chiến dịch chuyển từ Hàm Thuận qua Thuận Phong. Ta tấn công Rạng, Bà La, xoá phiên hiệu đơn vị dân vệ giữ ấp Bà La.

Được Mỹ tiếp sức, tháng 4 năm 1966 tiểu khu Bình Thuận tung 4 tiểu đoàn lên tái chiếm Bình An, Tân Điền, mở đầu cho kế hoạch gom dân, lấn đất, tái chiếm vùng giải phóng.

Huyện ủy Hàm Thuận và Ban lãnh đạo chiến dịch Đông Xuân của tỉnh quyết định tổ chức tiêu diệt địch, không thể để chúng cắm chốt giữa vùng Tam Giác.

Hơn 2 tháng lấn chiếm, địch đã gây nhiều tội ác đối với nhân dân. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện phát động toàn quân, toàn dân quyết tâm diệt địch để trả thù cho đồng bào Tam Giác. Đồng chí Nguyễn Minh Quyết, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 482 trực tiếp chỉ huy trận đánh. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng. 17 giờ ngày 18 tháng 6 năm 1966 hơn 20 dân công và tiểu đoàn 482 tiến vào trận địa ấp Bình An. Lúc này cơ sở cũng vừa báo tin lực lượng bảo an đóng chốt vừa rút đi, thay vào đó là tiểu đoàn cộng hòa thuộc trung đoàn 44 vừa đến. Các đồng chí lãnh đạo nhận định: bọn này mới đến, vừa lạ địa bàn, vừa mệt mỏi sau ngày hành quân, thế nào cũng bám công sự ngủ cho lại sức; nên ta vẫn giữ nguyên phương án tác chiến cũ. Đúng như dự kiến, trận đánh diễn ra nhanh gọn. Sau 15 phút chiến đấu, quân ta dùng thủ pháo diệt địch, dân công vào dọn chiến trường; thu 80 súng, bắt sống 30 tù binh. Ta đánh tiêu hao nặng tiểu đoàn cộng hòa này. Thành tích trên được Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam tặng “Huân chương chiến công hạng nhì”.

Địch bị tổn thất lớn, có thể hủy diệt nơi đây. Đề phòng điều đó, Huyện ủy bố trí 6 cơ sở xuống tiểu khu Bình Thuận dọa chúng không nên đưa quân lên nữa, để dân đưa xác xuống. Vốn đã mất tinh thần nên địch chấp nhận. Ta vận động xe bò, xe ngựa, chở xác địch xuống Tân An. Sau trận này địch rút bỏ Bình An, đây là ấp được giải phóng lần thứ hai và ta lại làm chủ được đường số 8.

Tháng 6 năm 1966, Hàm Thuận tổ chức Hội nghị Đảng bộ, tại Giếng Phèn ở chân Núi Nhọn, Búng Tròn (Hàm Cần). Hội nghị bầu bổ sung 3 đồng chí vào Ban chấp hành Huyện uỷ: Đồng chí Nguyễn Văn Hồng- Bí thư xã Hàm Liêm, đồng chí Nguyễn Văn Minh- Bí thư Đoàn thanh niên huyện. Đồng chí Đặng Văn Hải- Bí thư xã Mương Mán, được bầu Huyện uỷ viên dự khuyết. Hội nghị vừa bế mạc buổi chiều thì sáng hôm sau, Mỹ đổ quân bằng trực thăng xuống Búng Tròn, gần địa điểm tổ chức Hội nghị, gây khó khăn cho các đoàn dự hội nghị trở về. Đây chính là lần đầu tiên, địch dùng chiến thuật “Trực thăng vận” đối với Hàm Thuận.

Ngày 25 tháng 6 năm 1966, tổ chỉ huy tiền phương đóng ở Bà Chơn làm việc với Bí thư đảng ủy các xã Hàm Chính, Hàm Thắng, Hàm Liêm; phân công các xã chuẩn bị lực lượng dân công phục vụ trận đánh ấp Tân Điền (xã Hàm Liêm). Đêm 25 tháng 6, tiểu đoàn 482 đưa 1 đại đội vào trước ém quân bí mật, an toàn trước sự bất ngờ của địch, Các bộ phận còn lại sẵn sàng chờ lệnh. Đúng 17 giờ chiều 26 tháng 6 năm 1966, các mũi đồng loạt nổ súng tấn công đại đội Bảo an số 953, 1 đại đội thám kích và 1 đoàn bình định nông thôn. Ta diệt và làm bị thương 150 tên, trên 50 tên bỏ xác tại trận địa, bắt sống 35 tên, trong đó có trung úy Phạm Châu Duy- đại đội trưởng đại đội Bảo an 953 kiêm chỉ huy trưởng lực lượng lấn chiếm ấp Tân Điền. Ta thu nhiều vũ khí, trong đó có 1 cối 60 ly, 1 đại liên, 4 trung liên.

Phát huy thắng lợi, chiều 15 tháng 7, tiểu đoàn 482 tập kích vào Đại Nẫm đánh đại đội bảo an 788, 2 trung đội tâm lý chiến và 2 đoàn bình định, diệt trên 50 tên, thu 50 súng các loại.

Sáng ngày 24 tháng 8 năm 1966, tiểu đoàn 482 phối hợp cùng đơn vị 430 đánh vào ấp Phú Nhang (xã Phú Hội) diệt bọn biệt kích và bình định. Tại hồ Me Ba, quân ta diệt 1 C bảo an số 954, trong đó có đại úy Khang chỉ huy cuộc càn quét.

Gần 2 năm (từ năm 1965 đến tháng 8 năm 1966) phong trào cách mạng ở Hàm Thuận, Thuận Phong phát triển toàn diện, đời sống cán bộ, chiến sĩ được nâng lên, lực lượng không ngừng lớn mạnh. Cán bộ, đồng bào đi lại tự do cả ban ngày trên đường số 8 và Quốc lộ 1. Từ năm 1966 lực lượng tỉnh lớn mạnh, đủ sức mở từng đợt hoạt động, chủ động tấn công địch trên 3 vùng chiến lược, hoàn thành các nhiệm vụ: giành quyền làm chủ, chủ động chiến trường, sẵn sàng đánh Mỹ. Đặc biệt những tháng đầu năm 1966 quân dân trong huyện cùng tiểu đoàn 482 đánh 6 trận lớn diệt 8 đại đội địch. Khi Mỹ - Ngụy thực hiện kế hoạch 2 gọng kềm - Tìm diệt và Bình định vào Bình Thuận thì Tam Giác, Liên tỉnh lộ 8 và Thuận Phong trở thành nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch..




CHƯƠNG BA


tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương