ĐẢng cộng sản việt nam


II/ PHỐI HỢP CHIẾN TRƯỜNG CÙNG TOÀN TỈNH GIÀNH THẮNG LỢI (10/1953 – 9/1954)



tải về 1.81 Mb.
trang6/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18
II/ PHỐI HỢP CHIẾN TRƯỜNG CÙNG TOÀN TỈNH GIÀNH THẮNG LỢI (10/1953 – 9/1954)

Đông xuân năm 1953-1954, trên chiến trường chính của cả nước, quân ta đánh mạnh, tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, tiêu diệt địch ở Trung, Hạ Lào, đông bắc Cam Pu Chia và bao vây Điện Biên Phủ, buộc địch phải điều quân cơ động từ Trung Nam bộ ra chi viện cho chiến trường phía Bắc.

Ở Bình Thuận nói chung, huyện Hàm Thuận, Lê Hồng Phong nói riêng, địch vẫn tăng cường bắt lính, đôn quân, phát triển gián điệp, tổ chức càn quét, đột kích vào các vùng căn cứ, vùng du kích. Ở vùng tạm bị chiếm, nhân lúc các tiểu đoàn lính Âu Phi rút ra chiến trường phía Bắc, địch tổ chức lễ “trao trả chủ quyền” cho bù nhìn Bảo Đại (tháng 11 năm 1953). Ở cơ sở, chúng củng cố ngụy quyền bằng cách lập Hội đồng Hương chính, ra sức nắm các tổ chức quần chúng, thành lập nghiệp đoàn… Tại Mũi Né, chúng tổ chức lực lượng “Thường trực lưu động” để đối phó việc đột nhập của lực lượng ta vào bên trong. Địch tăng thu thật cao cái gọi là thuế “Đảm phụ quốc phòng” từ 20% lên 70% và bày ra cái trò lạc quyên, lạc thiện. Chúng còn tăng các thứ thuế mới “bù trừ hối đoái”, “địa tô gia óc” từ 100% lên 300%. Trung bình mỗi người dân một năm bị địch bóc lột, vơ vét từ 300 đồng đến 500 đồng Đông Dương.

Về phía ta, trong năm 1953, có nhiều khó khăn, biến động. Sau trận càn Na-va (Nà Sản), tình hình ăn ở, sản xuất của đồng bào vùng kháng chiến có bị xáo trộn. Đồng bào vùng ven phải tránh lánh, nhân dân Tam Giác lại một lần nữa phải dạt lên Miền Tây. Dân ở ven Quốc lộ 1 chạy vào Bến Ngạch, Trại Mấu, Hồng Hải…Một số cán bộ chủ chốt của huyện bận đi học chỉnh huấn và được điều động về trên, người mới tăng cường đến chưa sát tình hình. Tháng 7 năm 1953, đồng chí Nguyễn Quế từ Ninh Thuận được Ban Cán sự Cực Nam điều vào và chỉ định làm Bí thư Huyện ủy thay đồng chí Hồ Liên đi học lớp chỉnh huấn ở Cóc Chua, ra Miền Bắc nhận nhiệm vụ mới.

Trước tình hình ấy, căn cứ vào nội dung tài liệu học chỉnh huấn ở tỉnh (Cách mạng Việt Nam, trường kỳ kháng chiến và các gương chiến đấu, phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất), các cấp ủy Đảng huyện Hàm Thuận, huyện Lê Hồng Phong và Miền Đông đồng loạt mở Hội nghị cán bộ, phân tích tình hình đề ra kế hoạch liên kết chặt chẽ giữa bốn vùng (Miền Tây, Lê Hồng Phong, Tam Giác, Miền Đông), cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ chính:

- Một là, tiếp tục củng cố, mở rộng vùng căn cứ, chú ý hơn nữa công tác thượng du vận, xây dựng xã Hàm Thạnh, Hàm Cần thành hậu cứ lâu dài vững chắc.

- Hai là, bố trí lại thế ăn ở, sản xuất, chiến đấu của đồng bào, trước hết là tạo thế ổn định vùng căn cứ và du kích, đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị và địch vận.

- Ba là, tích cực tăng gia sản xuất, bảo vệ mùa màng, bồi dưỡng sức dân, đề cao vai trò của giai cấp nông dân, thực hiện chính sách ruộng đất triệt để hơn.

Cuối năm 1953, sau khi tỉnh tổ chức đợt học tập “rèn cán chỉnh quân”, toàn thể đảng viên được học nghị quyết của Huyện ủy và lời hiệu triệu của Hồ Chủ Tịch, tiến hành tự phê bình, mỗi người tự đề ra phương hướng phấn đấu, xác định tinh thần trách nhiệm, Huyện ủy Hàm Thuận tiếp tục thực hiện chủ trương giản chỉnh biên chế, tăng cường cán bộ xuống cơ sở, chỉ đạo sát phong trào và tiến hành tách nhỏ một số xã để dễ chỉ đạo. Ta chia Hàm Phú làm ba xã (Hàm Phú, Hàm Minh, Hàm Điền); chia Hàm Liêm làm 3 xã (Hàm Liêm, Hàm Phong, Hàm Hòa). Tổ chức cơ sở Đảng cũng được chia nhỏ, mỗi chi bộ xã chỉ còn khoảng trên dưới 50 đảng viên (thường gọi là chi bộ 50). Riêng các xã vùng sâu như: Hàm Nghĩa, Kim Ngọc, Tiến Thành (Xuân Phong), Hàm Hòa (Xuân An), Hàm Phong (Đại Nẫm) có tổng cộng trên 300 đảng viên73; Mương Mán, Ngã Hai có khoảng 40 đảng viên; Bình Lâm, Tầm Hưng mỗi nơi có từ 5 đến 7 cơ sở, Phú Hài, Xóm Lụa mỗi nơi có trên 10 cơ sở.

Nhờ có chủ trương và biện pháp về tư tưởng, tổ chức phù hợp kịp thời, nên ta sớm ổn định tư tưởng cán bộ và nhân dân, tình hình mọi mặt trên các địa bàn đều có bước chuyển biến. Phong trào đấu tranh chính trị ở vùng bản lề và vùng tạm bị chiếm từng bước được nâng lên. Hàng trăm người ở Tiến Thành (Xuân Phong), Đại Nẫm kéo vô đồn Trinh Tường đấu tranh trực diện với Phủ Châm, đòi địch không được bắn pháo bừa bãi vào các khu dân cư và nơi sản xuất, đòi về lại vườn đất cũ làm ăn. Trước khí thế áp đảo của quần chúng và những hoạt động vũ trang của ta, địch phải thực hiện một phần yêu sách.

Ở Lê Hồng Phong, ta lãnh đạo nhân dân cất nhà trong rừng lánh giặc, tạo thế hai chân, giặc đi thì dân ra đồng sản xuất. Trong khu căn cứ, công tác canh gác bố phòng, rào làng, rào nhà kiên cố. Mỗi nhà là một công sự; thanh thiếu niên treo các khẩu hiệu địch vận như mệnh lệnh, vừa là lời kêu gọi đối với lính quốc gia: “Các anh lính quốc gia muốn sống, trong lúc đi càn, không được dẫn đầu và phải mang súng quay họng xuống”. Bộ đội, du kích áp sát Quốc lộ 1. Một số nơi ta bố trí đảng viên thành lập các phân chi để lãnh đạo đưa dân về vùng địch sống hợp pháp, bám đồn, bám đồng, làm công tác địch vận, sản xuất, thu hoạch lúa.

Thực hiện đúng khẩu hiệu: “Không đánh giặc thì giặc cướp phá của ta, không tăng gia thì lấy gì nuôi quân đánh giặc”; nên việc sản xuất thu hoạch mùa lúa được quân dân toàn huyện tiến hành kiên quyết, nhanh gọn. Các cánh đồng từ Hàm Kiệm, Ngã Hai, Tam Giác, dọc Quốc lộ 1, gần đồn địch vẫn được ta thu hoạch an toàn. Địch quyết giành cánh đồng lúa từ đồn Gò đến đồn Gộp (xã Hồng Sơn) nhưng đã thất bại. Du kích, bộ đội túc trực bám đồng, bao vây đồn bót. Tổ du kích thôn 3 (xã Hồng Sơn) có các anh Nguyễn Văn Diễn, Võ Phu, Bảy Ánh… bắn tỉa rất giỏi, lính ở đồn Gộp có thể chết lúc đi càn hoặc khi ở trong tôn gác. Hàng đêm ta huy động lực lượng xuống đồng vừa cảnh giới, vừa gặt. Lực lượng đông và quyết tâm cao, trong một đêm ta gặt xong phần ruộng Bàu Dầu khoảng 3 ha gần đồn Gộp. Sáng hôm sau, nhìn cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ; bọn lính quốc gia thán phục nhận xét: “Việt Minh tàng hình hay sao mà trong đêm đã gặt hết lúa rồi”.

Nếu năm 1953, quân dân Tam Giác, Miền Tây, Miền Đông, Lê Hồng Phong lập thành tích xuất sắc để chào mừng Đại hội Chiến sĩ thi đua các cấp, thì đầu năm 1954, phong trào thi đua được thổi thêm luồng sinh khí mới từ kết quả Đại hội ấy mang về.

Thành tích kháng chiến chống thực dân Pháp của Hàm Thuận - một vùng đất nhỏ xa xôi từ miền Cực Nam Trung bộ được nhiều nơi biết đến. Bao chiến công tại chiến trường ác liệt này đã nâng tầm vóc của các anh: Nguyễn Thanh Phong, Tô Phụ, Nguyễn Văn Xăng, Ngô Văn Lợi, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Thanh Phúc, Lê Hạnh Phúc… trở thành Chiến sĩ thi đua Liên khu V anh dũng. Riêng hai chiến sĩ thi đua toàn quốc là: anh Võ Hòa Tương (đã đánh 30 trận lớn, 8 lần quyết tử, 5 lần bị thương) được chính phủ tặng danh hiệu: “Chiến sĩ diệt giặc số một miền Cực Nam Trung bộ” và anh Phạm Ty được chính phủ tặng chín chữ vàng: “Chiến sĩ hết lòng vì nhân dân phục vụ”. Anh Ty được đi dự Đại hội Liên hoan Sinh viên Thanh niên thế giới (tổ chức tại Bu-ca-rét thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Ru-ma-ni74).

Tự hào biết mấy, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào lắng nghe các “Chiến sĩ thi đua” báo cáo kết quả Đại hội thi đua Liên khu V tại các buổi mít tinh, do huyện tổ chức từ Lê Hồng Phong qua Miền Tây, Tam Giác, Tam Minh. Tinh thần hào hứng, khí thế thi đua giết giặc lập công cùng với những chiến thắng trong cả nước đã giục giã quân dân Hàm Thuận dồn hết ý chí, tinh thần, sức lực để giải phóng quê hương.

Nhằm thực hiện chủ trương bao vây bức rút và vô hiệu hóa đồn bót giặc, ta phát động phong trào quân sự hóa toàn dân, kết hợp ba biện pháp: quân sự, chính trị và địch vận áp đảo các đồn bót địch ở dọc Liên tỉnh lộ 8 và Quốc lộ 1. Các tổ vũ trang và cơ sở quần chúng bên trong liên tiếp rải truyền đơn, phát loa gọi hàng, đưa tin chiến thắng. Đêm đêm, các nữ thanh niên dùng những tiếng hát, câu hò gợi lên tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước đã tác động đến tư tưởng, tình cảm của nhiều tên lính bị bắt buộc phải sống cảnh xa nhà.

“Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội,

Thiếp xa chàng ngày đợi đêm trông.

Trong đồn anh nhớ em không,

Ngoài đồn em nhớ em trông anh về…”

Phần đông lính ngụy cầu an, co thủ, lính ở các bót dọc liên tỉnh lộ 8 nhờ dân nhắn lại với ta: “Các ông Việt Minh cứ tự do qua lại Đường 8, chúng tôi không bắn phá”. Bọn lính ở đồn Gò, đồn Gộp phải tuân thủ mệnh lệnh của ta - giương cờ trắng khi muốn ra lấy nước, lấy củi và không được ra khỏi đồn trước sáu giờ sáng. Hàng trăm lính ngụy từ Ma Lâm, Mũi Né, Tầm Hưng, Bình Lâm, Tùy Hòa rã ngũ ra vùng kháng chiến, trong đó có một trung đội bảo vệ đường sắt khu vực Ma Lâm mang toàn bộ vũ khí về vùng ta. Một số tên khác xin ta cho ở lại bên trong làm nội tuyến. Riêng ở Ma Lâm và Mũi Né, ta lập được các tổ thanh niên chống bắt lính.

Bước vào chiến dịch Miền Tây của tỉnh, với khí thế quyết chiến, quyết thắng, vì tiếng gọi của non sông; một cuộc động viên lớn về sức người, sức của đã được đồng bào hưởng ứng vô cùng sôi động; đầy quyết tâm:

“Đường đi lắm suối nhiều đèo,

Dân công hỏa tuyến quyết trèo tới nơi.

Phục vụ chiến dịch kịp thời,

Đánh cho bọn Pháp tơi bời một phen.”

Hàng trăm nam, nữ thanh niên Hàm Thuận, Miền Đông, Lê Hồng Phong tình nguyện vào bộ đội, đi dân công chiến trường. Các xã căn cứ Lê Hồng Phong, mỗi ngày huy động vài trăm người lo vận chuyển nước, lương thực, thực phẩm, chặt đòn khiêng… để phát cho những người đi theo chiến dịch. Khi bệnh viện tỉnh từ Trũng Trâm chuyển lên Cỏ Mồm (xã Hàm Phú), nhân dân Hàm Thuận, đặc biệt là Miền Tây hết lòng bảo vệ, nuôi dưỡng, thăm viếng, chăm sóc thương bệnh binh.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, công tác phá hoại giao thông địch được đẩy mạnh, nhiều đoạn trên Quốc lộ 1 địch không hoạt động được đoạn đường sắt từ Mương Mán đến Sông Lũy xe địch đi lại khó khăn. Ngoài bộ phận được tỉnh điều động, các đại đội bộ đội địa phương còn lại đã phối hợp chặt với du kích, dân quân bám sát địa bàn, liên tiếp bao vây các đồn bót giặc, phá cầu, làm địch vận. Bọn địch ra khỏi đồn là bị tổn thất.

Trong đợt cao điểm này, ngày thắng lợi càng gần, cuộc chiến đấu không kém phần gian nguy, ác liệt. Tháng 3 năm 1954, trong lúc đi trinh sát tại Hàm Liêm, chị Lê Thị Hải bị địch bắn trọng thương. Đồng đội quyết đưa chị về bệnh xá, biết sức mình không thể kéo dài được nữa, chị Hải đã yêu cầu: “Các anh hãy để tôi được chết ngay trên mảnh đất thấm máu nghĩa tình này, vì tôi đã từng tâm nguyện: Sống nơi đây và chết cũng nơi đây”. Chị Hải xứng đáng là “Dân quân gương mẫu” tiêu biểu của khu Tam Giác kiên cường. Chị đã cùng đồng đội bám giữ Lò Thổi, Xóm Chồi diệt địch, giữ đất, giữ dân, trả thù cho chồng và đồng bào, đồng chí. Khi trút hơi thở cuối cùng cũng chính nơi thân thương ấy ôm ấp chị. Quê hương mến tiếc biết bao người con kiêu hùng.

Tại vùng tranh chấp và vùng sâu, ta cũng vươn lên làm chủ, khống chế địch, lực lượng bên ngoài vào phối hợp cùng cơ sở và du kích mật diệt ác, phá tề. Đến đầu tháng 4 năm 1954, nhiều ban tề bị phá rã, số còn lại hoang mang cực độ, hết dám hóng hách, lộng hành, kềm kẹp nhân dân. Đồng bào vùng ven trở về vườn ruộng cũ làm ăn, có nơi cất chòi ở lại ban đêm, quan hệ mật thiết với lực lượng kháng chiến.

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, đêm ngày 07 tháng 4 năm 1954, chiến dịch Miền Tây của tỉnh bắt đầu nổ súng. Trong đêm ấy, ta đánh đồng loạt ba nơi: huyện lỵ Tánh Linh, đồn Gia Bát và La Giày. Trong vòng bảy ngày đêm, ta tiêu diệt một loạt đồn: Tánh Linh, Gia Bát, La Giày, Đa Kai, Tà Xị, Suối Kiết… Miền Tây của tỉnh được hoàn toàn giải phóng. Sức ta lúc này càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.

Hàm Thuận giữ vị trí đặc biệt quan trọng; vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương của tỉnh trong suốt 9 năm kháng Pháp, nay càng tỏ ra xứng đáng là hậu phương tin cậy trong chiến dịch quyết định này. Trên mọi nẻo đường, khắp các mặt trận của tỉnh đều có con em của nhân dân Hàm Thuận.

Trong khí thế tiến công mạnh mẽ, quân dân Hàm Thuận đã phối hợp với lực lượng trên đánh những đòn quyết định. Ngày 19 tháng 4 năm 1954, được tin một tiểu đoàn địch càn vào Phú Sơn (xã Hàm Phú), du kích ba xã: Hàm Phú, Hàm Minh và Hàm Điền cùng Đại đội 653 và một trung đội của Đại đội A phục kích tại Râm Tre (phần Ruộng Tà Lía) chận đường về của địch. Đúng như dự kiến, khoảng 11 giờ, địch lọt vào ổ phục kích. Vừa mệt mỏi, vừa bất ngờ, nên bị quân ta diệt tại chỗ khoảng 40 tên. Bọn còn lại phờ phạc, hãi hùng chạy về Ma Lâm.

Đến giữa tháng 5 năm 1954, một loạt đồn ở huyện Bắc Bình cũng bị ta tấn công: Duồng, Liên Hương, Lương Sơn, Sông Lũy. Tiếp đó, ngày 18 tháng 5, được sự phối hợp của bộ đội đặc công tỉnh, bằng chiến thuật đặc công, Đại đội A đánh tiêu diệt đồn Bàu Gia, thu toàn bộ vũ khí, bắt được 30 tên, mở rộng việc đi lại, nối liền sự hoạt động phối hợp giữa Miền Đông, Tam Giác với mảng Nam Hàm Thuận, tạo bàn đạp cho ta áp sát Phan Thiết.

Cuối tháng 5 năm 1954, Đại đội 225 cùng Đội công binh 69 của tỉnh đánh sập Cầu Quan (cầu Lê Hồng Phong ngày nay), diệt gọn lô cốt và một tiểu đội địch, bắt sống 3 tên, thu một trung liên và 5 súng trường, cắt đứt tuyến đường Phan Thiết- Mũi Né.

Sau một loạt thất bại ở khắp nơi trong tỉnh, bọn địch ở Phan Thiết, Hàm Thuận phản ứng yếu, chỉ co cụm ở những nơi then chốt, án ngữ và giữ các cơ quan đầu não, chủ yếu là co thủ trong đồn. Thừa thắng xông lên, bộ đội và dân quân du kích bao vây áp đảo các đồn bót tạo thành chiếc thòng lọng lớn. Cứ điểm Ma Lâm và một số đồn bót khác nằm trong phương án ta sắp tiêu diệt thì lệnh đình chiến cũng vừa đến. Chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân dân Hàm Thuận lặng lẽ rời tay khỏi cò súng mà lòng hậm hực - tiếc là chưa diệt được hết những tên giặc cuối cùng, giải phóng hoàn toàn đất nước.

Tin vui chiến thắng bay nhanh, toàn dân Hàm Thuận và Phan Thiết nô nức đón mừng. Sáng ngày 01 tháng 8 năm 1954 là ngày Hiệp định đình chiến chính thức có hiệu lực, Huyện ủy tổ chức mit ting mừng hòa bình ở Xóm Chồi (xã Hàm Liêm). Sau đó ta vận động những đoàn người từ Ngã Hai, Đại Nẫm, Xuân Phong, Hàm Liêm rầm rập tiến vào Phan Thiết hô vang khẩu hiệu:



  • Hoan hô Hiệp định đình chiến!

  • Việt Nam hòa bình độc lập muôn năm!

  • Hồ Chí Minh muôn năm!

Khi đến đồn Trinh Tường, bị cánh cổng của địch chắn ngang Liên tỉnh lộ 8, một người trong đoàn biểu tình dùng búa chặt tung dây xích. Đoàn người tràn qua cổng tiến vào Phan Thiết. Đến cầu Quan, đoàn người lại bị lính ngăn chặn và nổ súng hăm doạ. Sau hơn một giờ giằng co với địch, đoàn biểu tình quay về.

Đêm ngày 2 rạng ngày 3 tháng 8 năm 1954, địch ở đồn Ngã Hai căng Ê-Sê-Pic liên tiếp bắn pháo vào vùng ven Phan Thiết và khu vực Hàm Liêm, Vườn Trầu… sáng ngày 3 tháng 8 ta tổ chức 2 đoàn biểu tình kéo về Phan Thiết phản đối địch vi phạm Hiệp định. Đoàn biểu tình của các xã Hàm Kiệm, Hàm Cường, Hàm Liêm tập trung về đồn Ngã Hai hô vang khẩu hiệu: “Hoan nghênh Hiệp định Gơ-ne-vơ, yêu cầu ngừng bắn”. Chiều hôm ấy, khi đồng bào tiến sát đến trước đồn Ngã Hai đòi gặp tên đồn trưởng và tên Bang tá, chúng hứa sẽ báo cáo với cấp trên. Khi đoàn người quay về thì gặp đại đội Commăngđô do tên Louis chỉ huy đã bắn xối xả vào đoàn biểu tình làm chết 5 và bị thương khoảng 60 người. Đoàn biểu tình thứ 2 thẳng tiến trên Quốc lộ 1, qua cầu Bến Lội, kéo vào đồn Bánh Canh thì 1 trung đội Commăngđô chặn lại giật cờ, băng rôn của đoàn biểu tình, bắt 5 người dân. Sau đó chúng dùng 5 xe bọc thép càn vào đám đông để giải tán và chặn lại không cho đoàn tiếp tục đi vào Phan Thiết.

Khoảng bảy ngày sau, trong lúc Ban Liên hiệp Đình chiến của ta đang tố cáo địch vi phạm Hiệp định, tàn sát đồng bào, thì chúng lùng sục bắt thanh niên ở Hàm Cường, Hàm Kiệm. Một lần nữa, đồng bào Hàm Thuận lại đấu tranh chận xe của chúng tại Ngã Hai. Những hành động thô bạo ấy của địch, báo hiệu cho chúng ta thấy rằng kẻ thù luôn ngoan cố và việc thực hiện Hiệp định Gơ-ne-vơ sẽ gặp nhiều gay go phức tạp.

*

* *


Chấp hành nghiêm chỉnh những điều khoản của Hiệp định Gơ-ne-vơ, lực luợng vũ trang Hàm Thuận khẩn trương học tập tinh thần nội dung Hiệp định và tình hình nhiệm vụ mới, sắp xếp lại biên chế, triển khai những việc cần thiết.

Cán bộ, quân dân chính Đảng tập trung về Triền học tập và làm lễ mừng chiến thắng. Đồng bào khắp nơi tập trung về đây mừng ngày hội lớn. Cùng với việc học tập, phân công ai ở lại, ai đi tập kết, việc nghỉ ngơi, thăm viếng cũng được giải quyết. Nhiều lễ cưới đơn sơ, song sâu nặng nghĩa tình. Những cặp vợ chồng chỉ vỏn vẹn đôi ngày chung sống để rồi phải vượt qua bao năm dài đấu tranh, chờ đợi...

Những ngày chuẩn bị đi tập kết là những ngày sâu lắng vào ký ức của quân dân Hàm Thuận. Thời gian trôi nhanh nhưng lòng người thấy nặng nề, chậm chạp….Tình quân dân vun đắp suốt chín năm, mong có dịp tâm tình, hội ngộ nhưng giờ đây phải tạm chia tay, việc đi - ở trở thành một cái gì vừa xa xôi, vừa gần gũi: - Đi là nhiệm vụ

- Ở là vinh quang

Người sắp ra đi tự hỏi: “Mình phải làm gì để xứng đáng là sức mạnh và niềm tin cho người ở lại”, lòng thấy bồn chồn, bịn rịn đến nghẹn ngào. Những người ở lại, dù kiên quyết dặn lòng đừng nao núng, song không thể băn khoăn về những ngày gian khổ, ác liệt sắp đến, lẻ loi, vắng lặng; tâm trí nặng nề tự tìm câu giải đáp: Nói gì với dân, chống địch ra làm sao, làm gì? Làm thế nào? Dựa vào đâu để sống và công tác? Không khí mít tinh ở Triền tưng bừng nhộn nhịp bao nhiêu, thì những đêm Thu ở lại xóm làng càng trầm lặng bấy nhiêu. Nhưng những đảng viên cốt cán vững vàng khẳng định: sự nghiệp cách mạng chưa tròn, phải tiếp tục đấu tranh. Bao tâm tư của những đồng chí ấy được giải bày trên cơ sở niềm tin - còn dân còn Đảng, còn Đảng còn dân. Cán bộ, đồng bào Hàm Thuận dặn lòng phải vững chí bền gan đấu tranh cho hai năm tổng tuyển cử thống nhất nước nhà và nhắc nhau:

“Dù ai nói ngã nói nghiêng,

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

Dù ai rào giậu, ngăn sân,

Lòng ta vẫn vững là dân Cụ Hồ”.

Cuối tháng 8 năm 1954, lực lượng của Hàm Thuận cùng cả tỉnh hành quân đến ga Long Thạnh đi tập kết. Con tàu chầm chậm qua các ga: Ma Lâm, Mương Mán, Suối Kiết, Sông Phan, rồi hành quân qua Phong Điền, Hiệp Nghĩa… Nơi nào cán bộ, chiến sĩ cũng thấy lòng dân nói lên bằng ánh mắt, nụ cười, bằng tất cả sức mạnh và niềm tin nhắn gửi với hai ngón tay đưa lên làm hiệu: “Hai năm nhắc nhau ghi nhớ!”

Đến Hiệp Nghĩa, vào cuối tháng 9 năm 1954, số được phân công ở lại bí mật quay về các địa phương, những người đi tập kết tiếp tục hành quân qua Thắng Bình, Bà Tô, Cây Cám, đến Phú Mỹ xuống tàu ra miền Bắc. Rời mảnh đất thân thương ai cũng nhìn mãi vào bờ, khắc đậm hình ảnh quê hương đang gởi gấm tấm lòng thủy chung trông đợi. Tàu đã xa rồi, nhưng tất cả hình ảnh quê nhà không mờ trong tâm trí người chiến sĩ - quyết ra đi để nối lại con đường thống nhất, độc lập - tự do…
PHẦN THỨ TƯ

ĐẢNG BỘ VÀ QUÂN DÂN HÀM THUẬN KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC

(1954 -1975)
Chương một
ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ,

GIỮ VỮNG NIỀM TIN, BẢO TỒN LỰC LƯỢNG

(1954 – 1960)

I/ - TRIỂN KHAI THẾ TRẬN MỚI.

Sau khi có Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào hất cẳng thực dân Pháp, chúng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Ngày 07 tháng 7 năm 1954, Mỹ đưa tay sai Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng của Chính phủ bù nhìn Việt Nam cộng hòa.

Theo nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam, vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời, chia đất nước ta thành hai miền: Nam - Bắc. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Miền Nam tạm thời sống dưới ách thống trị của Mỹ - ngụy và sau hai năm sẽ tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà.

Trong 80 ngày thực hiện chuyển quân tập kết, cán bộ dân, quân chính Đảng tỉnh Bình Thuận học tập tình hình, nhiệm vụ mới, sắp xếp tổ chức, chia tay nhau giữa người ở với người đi. Sau cuộc míttinh mừng chiến thắng đầu tiên kỷ niệm 9 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 ở Triền (21/8/1954), cán bộ huyện, xã về các địa phương lo ổn định, sắp xếp gia đình và việc ăn ở của đồng bào vùng kháng chiến; phổ biến cho dân hiểu tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ, lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch và thư của Uỷ ban kháng chiến hành chánh tỉnh Bình Thuận. Huyện ủy Hàm Thuận về đứng chân ở vùng Tam Giác.

Ngày 24 tháng 8 năm 1954, tỉnh Bình Thuận chuyển lực lượng quân sự và một số ít cán bộ dân chính được đi tập kết từ khu Lê Hồng Phong vào Hàm Tân. Nhân dịp lễ kỷ niệm Quốc Khánh 2/9 và để chia tay đồng bào lần thứ hai, đêm 25 tháng 9 năm 1954, tỉnh tổ chức cuộc míttinh lớn tại Gò Đình (Tân Thuận). Đêm liên hoan văn nghệ vui vẻ, hấp dẫn, thắm tình quân dân, thu hút gần 10.000 đồng bào các nơi trong tỉnh về dự. Nối tiếp những ngày sôi động ở Triền, khí thế âm vang ở đây đã lắng động mãi trong tâm trí mọi người.

Cuối tháng 9 năm 1954, đoàn quân tập kết xuống tàu, tạm rời mảnh đất thân thương. Trong thời gian ấy bộ phận lãnh đạo tỉnh và các huyện ở lại khẩn trương chuẩn bị những công việc cho nhiệm vụ mới75. Lãnh đạo huyện Hàm Thuận gồm các đồng chí: Nguyễn Quế, Lâm Vĩnh Minh, Võ Khánh Tồn, Nguyễn Ngô (Sáu Ninh), Nguyễn Thiện Chính… Lãnh đạo của Lê Hồng Phong và Miền A có các đồng chí Lê Thanh Hải, Huỳnh Hà, Hồ Đức Hậu, Nguyễn Ngọc Cao, Nguyễn Vĩnh Lại, Nguyễn Kim Bồng…

Số đông cán bộ chính trị (xã, thôn) về sống hợp pháp, đấu tranh buộc địch công nhận và không được trả thù những người kháng chiến cũ. Một số cán bộ bí mật bám trụ trong dân xây dựng cơ sở; cốt cán, tập hợp quần chúng đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhân dịp tết Trung thu, một số nơi tổ chức văn nghệ, thể thao vui nhộn. Những nơi có điều kiện đã phổ biến nội dung Hiệp định Gơ-ne-vơ cho nhân dân.

Lãnh đạo huyện, xã hướng dẫn đồng bào vùng kháng chiến cũ ở phân tán, đề phòng địch gom và khống chế. Dân khu Lê Hồng Phong về ở dọc chân động cát từ Suối Nước, Long Sơn đến Bàu Me, Bàu Tàng; từ Dương Xuân lên Giếng Xó. Dân Tam Giác trở về ruộng đất cũ. Dân Tam Minh (Minh Quang, Minh Cảnh, Minh Thành) ra dọc bờ biển Xóm Trạm, Quán Thùng và ở ven rừng: Giếng Bọng, Bưng Bí, Bưng Bà Tùng…Đồng bào dân tộc thiểu số ở nguyên tại chỗ.

Nhân dân phấn khởi, vui xuân trong những ngày quê hương mới vừa hòa bình, sau 9 năm kháng chiến chống Pháp gian lao; mừng những người còn sống và ngậm ngùi tưởng nhớ bao người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Tuy nhiên đồng bào vùng kháng chiến cũ không khỏi lo lắng, cảm thấy bơ vơ. Những ngày quân ta vừa chuyển đi tập kết; Tam Giác, Khu Lê Hồng Phong, Tam Minh, Miền Tây Hàm Thuận trở nên vắng lặng. Có người tâm sự: “Tôi thấy thắng lợi có một nửa, thà ta đừng đi tập kết, cứ đánh tiếp để giành thắng lợi hoàn toàn”. Đó cũng là nguyện vọng chung của cán bộ, đồng bào. Tâm trạng, tư tưởng trong cán bộ lúc này chia làm 4 loại:

- Số trung kiên, vững vàng, bám trụ công tác.

- Một số nặng gia đình, lo làm ăn, ổn định cuộc sống, có tư tưởng xả hơi, chờ hai năm tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

- Một số bị địch khống chế, o ép nên đành phải cam kết hợp tác với giặc.

- Một số từ cầu an, bảo mạng, thiếu tin... dẫn đến trở mặt, làm phản, tiếp tay cho giặc đánh phá cách mạng.

Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1954, địch huy động ngụy quân tiếp quản vùng kháng chiến. Chúng nhanh chóng tập hợp, tổ chức số đầu hàng, dao động làm mật báo viên. Xã nào cũng có bọn cơ hội ra cộng tác với địch như Võ Xửng, Võ Thành Công ở xã Hồng Sơn, Bảy Bỗng ở xã Hàm Nhơn…Trắng trợn nhất là anh em Huỳnh Xuân Lan, Huỳnh Xuân Quế, Huỳnh Xuân Tòng… ở Tam Minh cũ, chúng dõng dạc tuyên bố: “Sống với bên nào cũng vậy, Việt Minh đi rồi, ta không theo Quốc gia thì chết”.

Ngay sau khi ta chuyển quân đi tập kết, địch gom dân và ráo riết tuyên truyền: “Quốc gia là chính nghĩa, Việt Minh bại trận, giao đồng bào miền Nam cho chính quyền Quốc gia. Đồng bào phải sống tập trung để tiện việc giữ an ninh, trật tự”. Chúng phân chia địa giới hành chánh như thời Pháp thuộc. Phủ Hàm Thuận tiếp quản hết huyện Hàm Thuận và một số xã của Khu Lê Hồng Phong như Hồng Sơn, Hồng Liêm. Nha hành chánh Mũi Né tiếp quản các xã Đông Nam Lê Hồng Phong (Hồng Trung, Hồng Hải, Hồng Thanh, Hồng Thịnh, Rạng, Phú Hài…). Phủ Hòa Đa tiếp quản các xã phía Bắc Khu Lê Hồng Phong.

Chuyển sang bước ngoặc mới của Cách mạng, phong trào đấu tranh của nhân dân Hàm Thuận đứng trước nhiều cam go, thử thách. Bên cạnh một số yếu tố thuận lợi như quần chúng nhân dân có tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ, đa số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và có pháp lý Hiệp định Gơnevơ để đấu tranh... Nhưng xét về bối cảnh chung và tương quan lực lượng, ta ở vào thế gặp nhiều bất lợi. Hàm Thuận là địa bàn trọng điểm, ác liệt nên sau 9 năm kháng chiến, kết cấu hạ tầng rất thấp kém, giao thông hạn chế, không có trường học, trạm y tế, trâu bò bị địch giết quá nhiều nên bị thiếu sức kéo. Đời sống nhân dân thiếu thốn trăm bề. trong bối cảnh đó, số cán bộ bám trụ hoạt động bất hợp pháp cũng rất khó khăn, thiếu thốn. Vế chính trị, ta không được công khai xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, quân đội… để bảo vệ dân. Mọi hoạt động của ta phải rút vào bí mật, thông tin, liên lạc rất hạn chế. Địch gom dân, đánh phá, đàn áp gây cho thế ăn ở, đi lại, sinh hoạt của cốt cán, nhân dân đều gặp khó khăn. Địch trả thù, khủng bố bằng các đợt tố cộng với nhiều thủ đoạn. Trong khi đó ta chỉ đấu tranh chính trị đơn thuần nên thực lực ngày càng hao mòn, ý chí, lòng tin của số đông quần chúng dần dần bị lung lay, dao động.

Với truyền thống ngoan cường và kinh nghiệm trước đây, đồng bào khu Lê Hồng Phong đã dùng pháp lý Hiệp định đấu tranh, kéo dài việc lập Hội đồng Hương chính của địch. Nhiều nơi như Phú Vinh, Phú Sơn, Phú Trung, Phú Hòa địch phải ba lần đưa lực lượng đến can thiệp mới cử được Hội đồng xã. Từ đầu, tỉnh, huyện đã chủ trương nắm và làm vô hiệu hóa bộ máy hội tề, nên cán bộ, cốt cán lãnh đạo dân chọn người của ta hoặc được dân tín nhiệm đưa vào Hội đồng Hương chính của địch như ở Bàu Sen (Thiện Khánh) ta đưa 2 ông Sáu Đề và Sáu Mao (Đỗ Tấn Minh ) ở Lại An, ta bố trí ông Ngô Thí, Huỳnh Duy Cầm vào nắm tổ chức Hội đồng hương chính xã.

Từ tháng 10 năm 1954 đến tháng 02 năm 1955, địch đưa gần 20.000 đồng bào Thiên Chúa giáo từ miền Bắc di cư vào Hàm Thuận, thành lập một loạt làng mới ở dọc Quốc lộ 1, đường sắt, Đường 8 nhằm tạo thế bao vây, án ngữ chia cắt địa bàn hoạt động của ta (Phường Lạc, Văn Phong, Văn Lâm, Thuận Nghĩa, Cầu Ké, Rạng, Thạch Long…). Ở các làng này, địch lập các tổ chức gián điệp, ngụy đoàn thể như: “Tập đoàn công dân”, “Dân ý vụ”, “Thanh niên chống Cộng” nhằm quản thúc dân, làm nòng cốt cho công tác chống Cộng, diệt Cộng và được địch cấp vũ khí. Họ còn phát rừng, làm rẫy, đánh bẫy kẹp, gây khó khăn cho việc đi lại hoạt động của cán bộ cách mạng. Địch bắt dân địa phương đào gốc tre về trồng bao bọc những làng Thiên Chúa giáo kiểu mẫu – nơi mà chúng cho là bất khả xâm phạm đối với Cộng Sản như: Thuận Nghĩa, Phường Lạc, Văn Phong. Địch khuyến khích số này khống chế đồng bào địa phương. Những tên phản động đội lốp Công giáo lộng hành, mỗi cuộc míttinh tố cộng là dịp tốt cho chúng trả thù, đánh đập những người bị tình nghi là cơ sở cách mạng. Đồng thời với việc tiếp quản, lập Hội đồng Hương chính, địch lập danh sách ép những người kháng chiến cũ ra trình diện, xin cư trú, làm tờ đầu thú, khai báo với nội dung: tại sao không đi tập kết, ở lại làm gì? Hoạt động với ai…?

Trước tình hình đó, cán bộ ta tránh lánh, sống bất hợp pháp, đi làm ăn nơi khác hoặc đấu lý với địch: “Chúng tôi là những người kháng chiến, cùng chung sống hòa bình, chờ Hiệp thương tổng tuyển cử, các ông không được phân biệt đối xử”.

Cuối năm 1954, sang đầu năm 1955, địch mở chiến dịch lùng bắt người kháng chiến cũ. Đêm 28 tháng 12 năm 1954, chúng bắt đồng chí Hồ Kim Phụng tại rừng Ông Rắc (Hàm Đức). Tiếp đó khoảng 12 giờ đêm 30 tháng 12 năm 1954 bọn Lê Bình Minh và Bảy Trâm đưa lực lượng bảo an, phòng nhì bao vây vùng Rẫy Thơm bắt 21 cán bộ ở làng Phú Vinh. Đồng bào ở đây làm thanh viện, la ăn cướp, toán thanh niên đánh một tên phòng nhì bị thương. Khi địch kéo 21 cán bộ về nha bang tá Sa Ra, đồng bào vẫn bám theo dù địch nổ súng uy hiếp. Bà con vây đồn bang tá đòi địch thả những người vô tội.

Khi địch tra khảo tại sao đánh nhân viên phòng nhì, anh em trả lời: “Các ông giao thanh niên giữ an ninh trật tự. Nửa đêm các ông bí mật vào bắt người, chúng tôi tưởng ăn cướp”. Các má chiến sĩ (má Miều, má Thuộc) vận động nhân dân Xa Ra góp thức ăn cho những người bị bắt. Sáng hôm sau tên Lê Thanh Cảnh76 lên giải 21 cán bộ về Phan Thiết gặp tỉnh trưởng. Chiều hôm ấy chúng thả hết những người này. Riêng đồng chí Nguyễn Công Lý, Bí thư Chi bộ bị địch tra tấn nặng, nên khỏang tháng sau thì hy sinh.

Ở xóm Núi (Hồng Sơn), sau hai lần địch họp dân lập Hội đồng Hương chính không được. Lần thứ ba cũng vào nửa đêm, trung úy Lê Thanh Cảnh dẫn lực lượng ập vào làng, khi chúng vào nhà bắt ông Hai Học, đồng bào làm thanh viện, thanh niên Giếng Chanh, Xóm Cát hỗ trợ, buộc địch thả ông Học. Nhờ chuẩn bị trước, nên dịp này bà con cử người tiến bộ vào Hội đồng Hương chính xã Phú Hoà.

Tại Phú Trường (Hàm Nhơn), trời vừa chập choạng tối, tên thiếu úy Long chỉ huy Trung đội bảo an ập vào nhà riêng bắt ông Đào Hiến. Gia đình và bà con quanh xóm la ó, hơn 200 người kéo đến với dao rựa, gậy gộc, nên đã giữ được Ông.

Mở đầu cho đợt khủng bố quy mô, đêm 28, rạng sáng 29 Tết năm Ất Mùi (đêm 20, sáng 21/01/1955), địch lùng bắt khoảng 300 cán bộ - người kháng chiến cũ của Hàm Thuận về giam ở đồn Xóm Bàu (Hàm Liêm) và trại giam quận Hàm Thuận.

Các má vận động gia đình người bị bắt kéo đến nha bang tá, đồn Xóm Bàu phản đối. Địch thả một số, còn khoảng 100 cán bộ đưa về giam ở Trinh Tường. Dưới sự lãnh đạo, hướng dẫn của các đảng viên: Nhân, Đại, Mười Hoàng, hơn 300 đồng bào Hàm Trí, Hàm Phú đến nha bang tá Ma Lâm đòi thả những người bị bắt. Tên bang tá Dương Ừ, hứa sẽ thực hiện yêu sách, nhưng hắn lại bố trí mật vụ theo dõi bắt các đồng chí đảng viên, riêng đồng chí Đại sau đó bị địch tra tấn hy sinh trong nhà tù Bình Thuận.

Khu vực Phú Sung, Kim Bình địch cũng bắt cóc cán bộ kháng chiến bằng nhiều cách: vây nhà, chận đường, đến nơi sản xuất. Má Cao, má Bát, má Út, má Ngọc… thường dẫn đầu đồng bào đến đồn giặc đòi trả lại chồng, con.

Đầu năm 1955 địch mở chiến dịch truy bức cán bộ, tra khảo tập trung vào các vấn đề: “Tại sao không đi tập kết, đảng viên ở lại gồm những ai? Làm gì? Tại sao sống bất hợp pháp, không làm giấy cư trú, không cộng tác với quốc gia…”? Dù bị uy hiếp khống chế, nhưng đại bộ phận vẫn giữ vững tinh thần, khí thế của người chiến thắng, đấu lý trực diện với địch; quần chúng cũng dũng cảm khôn ngoan bảo vệ cán bộ. Bên cạnh đó có một số dao động, phản bội, đầu hàng cộng tác với giặc. Xã có bọn đầu thú đông nhất khoảng 20 tên, xã có ít nhất là ba, bốn tên. Sự phân hoá đó báo hiệu những ngày máu lửa sắp đến đối với cán bộ, đồng bào Hàm Thuận và Khu Lê Hồng Phong. Đồng thời cũng là bài học thực tiễn - trước mỗi khúc quanh của lịch sử, bước ngoặc mới, bao giờ cũng xuất hiện nhân tố mới, những tấm gương hào hùng và cũng chính là dịp xuất đầu lộ diện kẻ cơ hội, phản bội bán nước, hại dân.

Sau thời gian sắp xếp tổ chức, ổn định tình hình, ngày 18 tháng 01 năm 1955, với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Quế, Hàm Thuận mở Hội nghị cán bộ chủ chốt lần thứ nhất tại Núi Trọc (Hàm Chính) gồm các đồng chí: Huỳnh Hà, Hồ Đức Hậu, Lâm Vĩnh Minh, Nguyễn Ngọc Cao, Nguyễn Kim Bồng, Võ Khánh Tồn (Sáu Trung), Lâm Chí Xuân (Sáu Lang)... của Hàm Thuận và Miền Đông (Miền A) để thảo luận, thống nhất các vấn đề lớn:

- Đánh giá lại tình hình địch, ta từ tháng 9 năm 1954 đến nay.

- Khẳng định ý nghĩa thắng lợi, quán triệt nội dung và biện pháp đấu tranh chính trị buộc địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.

- Quán triệt phương châm, phương thức hoạt động bí mật, chuẩn bị nhiều chỗ ở gọn, bí mật cho cán bộ chủ chốt. Chọn lọc, sắp xếp, sử dụng lực lượng đảng viên hiện có, đồng thời phát triển, xây dựng hệ thống cơ sở mới.

- Tổ chức đường dây liên lạc gồm hai hệ: hợp pháp và bất hợp pháp.

Tại Hội nghị này, các đồng chí trong Huyện uỷ phản ảnh nhiều khó khăn, lúng túng trong phương thức mới và những vướng mắc về nhận thức của cán bộ, nhân dân. Hội nghị thống nhất lý lẽ để giải quyết tư tưởng cho nội bộ và quần chúng là phải tin Đảng, tin Bác Hồ. Dù nước Đức, Triều Tiên, Trung Quốc còn chia cắt lâu dài, nhưng Việt Nam sẽ thống nhất đất nước vì ta có pháp lý Hiệp định, thực lực cách mạng tại miền Nam và hậu phương miền Bắc vững chắc…

Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy và yêu cầu thực tế của chiến trường, thực lực mỏng, khó thông tin liên lạc nên Hội nghị đã quyết định phải phân chia địa bàn thành các vùng, miền, phân công người phụ trách để bám sát cơ sở, chỉ đạo kịp thời.

Sau Hội nghị này, Hàm Thuận, Miền A đều tổ chức hội nghị cán bộ quán triệt các nội dung trên. Đồng thời Huyện quy định mỗi xã có hộp thư liên lạc với huyện mỗi tuần ít nhất là một lần. Tới kỳ trăng sáng, cán bộ xã về huyện họp, trao đổi tình hình, tiếp thu chủ trương, biện pháp mới. Nhờ quan hệ trên dưới, hội ý, hội báo thường xuyên, nên công tác chỉ đạo kịp thời và động viên cán bộ giữ vững tinh thần vượt mọi khó khăn. Hồi ấy căn cứ của cơ quan huyện Hàm Thuận ở khu vực Núi Chùa, Núi Bành, Núi Kính; căn cứ của Miền A ở khu vực Rừng Rít (Xã Hồng Phong).

Về bộ máy của ta lúc bấy giờ được tổ chức gọn nhẹ, dưới Thường trực Huyện ủy có Ban cán sự Miền, dưới Miền có vài đồng chí phụ trách xã. Thường trực Huyện ủy Hàm Thuận có các đồng chí: Nguyễn Quế, Lâm Vĩnh Minh và một số cán bộ chuyên môn77 Hàm Thuận được chia làm 6 miền, lần đầu phân công như sau:

- Miền núi, gồm các xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh do đồng chí Võ Tấn Trương phụ trách;

- Miền Tây, gồm các xã: Hàm Trí, Hàm Phú, Ma Lâm; lúc đầu do các ông Nguyễn Hưng Nhơn, Mười Chiêm, sau đó là các đồng chí Lâm Chí Xuân, Nguyễn Thanh Tâm phụ trách;

- Tam Giác, gồm các xã: Hàm Chính, Hàm Liêm, Xuân Phong, Đại Nẫm, Lại An Thượng do đồng chí Võ Khánh Tồn phụ trách;

- Miền Mới, gồm các xã: Phú Hội, Mương Mán, Hàm Thạnh do các ông Tiêu Đình Thức, đồng chí Đinh Văn Tri, Nguyễn Thiện Chính phụ trách;

- Miền Nam, gồm xã Hàm Kiệm và 3 xã thuộc Tam Minh cũ (Minh Quang, Minh Cảnh, Minh Thành) do các đồng chí: Nguyễn Hồng Phấn, Lê Tấn Ngọc, Dương Văn Khéo phụ trách;

- Miền A, gồm các xã Nam Lê Hồng Phong và Miền Đông Hàm Thuận do các đồng chí Huỳnh Hà, Hồ Đức Hậu, Nguyễn Ngọc Cao, Nguyễn Vĩnh Lại phụ trách. Do địa bàn rộng, địch khống chế; chỉ đạo hoạt động ở các vùng Ô Rô, Miền Đông, Tam Giác và Miền Tây gặp khó khăn nên tháng 7 năm 1955, Tỉnh ủy Bình Thuận quyết định chia khu Lê Hồng Phong làm hai mảng: Bắc Lê Hồng Phong từ xã Hồng Chính đến Hồng Tân giao cho huyện Bắc Bình; Nam Lê Hồng Phong từ xã Hồng Liêm trở vào giao cho Miền A và hình thành Ban cán sự Miền A trực thuộc Tỉnh ủy, gồm các đồng chí: Huỳnh Hà, Hồ Đức Hậu, Nguyễn Kim Bồng…

Năm 1955, sau khi phân công cán bộ bám địa bàn, ta tập hợp được đảng viên trung kiên, lập lại chi bộ nhỏ hoặc tổ đảng có ba, bốn đảng viên; bố trí số đồng chí bị lộ trong kháng chiến chống Pháp sinh hoạt đơn tuyến. Đồng thời xây dựng 3 loại cơ sở: chính trị, tiếp tế, giao liên. Hàm Thuận chịu trách nhiệm xây dựng đường dây hợp pháp cho tỉnh gồm các đồng chí: Nguyễn Hoà, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thị Bến, Nguyễn Thị Mậu… Đường dây hợp pháp của huyện gồm: Nguyễn Thị Thanh đi mảng Đông, chị Quý đi mảng Nam, Lương Thị Hạnh đi Phan Thiết, có khi vào Sài Gòn. Nhà má Tư Dừa ở Hàm Liêm là điểm hẹn của đường dây; Mẹ con má vừa là cơ sở tiếp tế vừa làm liên lạc cho huyện và tỉnh. Với phương châm bí mật, an toàn, thư từ, báo cáo dùng chất hóa học để người khác không nhìn được chữ viết trên giấy; cách gói thư cũng thật gọn, thuận tiện cho giao liên có thể hủy nhanh khi bị lộ.

Nhiệm vụ đầu tiên của huyện là tổ chức xây dựng thực lực, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Lúc đầu số cán bộ mới chuyển vùng gặp nhiều khó khăn lúng túng, nhất là những đồng chí chưa từng hoạt động trong vùng tạm bị chiếm. Anh em phải mất nhiều công sức, thời gian mới làm quen với phương châm, phương thức, môi trường... trong điều kiện mới. Mặt khác ngay từ đầu ta không xâu nắm mà thả nổi hàng loạt cán bộ, đảng viên tự bung về vùng địch, sau đó bị đánh phá, nhiều người chạy dạt, hoang mang mất phương hướng. Ta phải kiên trì liên lạc móc nối một thời gian mới tập họp lại được số trung kiên để giao nhiệm vụ.

Nhờ quyết tâm bám quần chúng như các đồng chí: Hồ Đức Hậu, Huỳnh Hà, Nguyễn Ngọc Cao, Nguyễn Văn Bốn… nên hệ thống tổ chức ở Miền Đông, Tam Giác sớm phát triển. Đến giữa năm 1955 hầu hết các xã của Hàm Thuận và Miền A đều có đảng viên hoặc chi bộ được tập họp.

Ở Miền A, Chi bộ Mũi Né do đồng chí Trần Hữu Nghĩa làm Bí thư; Chi bộ Thạch Long do đồng chí Trần Kiện làm Bí thư; Chi bộ Rạng do đồng chí Võ Thạnh làm Bí thư; Chi bộ Bàu Me do đồng chí Nguyễn Thanh Hoa làm Bí thư, chi bộ này đã xây dựng thí điểm được một tổ phụ nữ gồm Má Lung, chị Vạn do chị Huỳnh Thị Cân làm tổ trưởng vừa lo tiếp tế vừa làm giao liên hợp pháp cho Miền A.

Ở Tam Giác, ngoài những đảng viên sinh hoạt đơn tuyến như Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thị Đồng…ta cũng lập được một số chi bộ: Chi bộ Tân Nông do đồng chí Chước làm Bí thư; Chi bộ Bình An do Nguyễn Thanh Sang làm Bí thư; Chi bộ Mỹ Thạnh do đồng chí Ba Thủ làm Bí thư; Chi bộ Tân Điền do đồng chí Châu làm Bí thư; Chi bộ Bình Lâm do đồng chí Đỗ Chừ làm Bí thư; Chi bộ Ninh Thuận do đồng chí Bùi Phú làm Bí thư; Chi bộ Nhơn Đồng do đồng chí Đặng Ngọc Châu làm Bí thư…

Chi bộ, tổ Đảng, đảng viên hoạt động đơn tuyến lúc bấy giờ làm các nhiệm vụ: tuyên truyền Hiệp định Gơnevơ, giải quyết tâm tư vướng mắc của nhân dân, xây dựng cơ sở, tranh thủ vận động binh lính địch, nắm và phân hóa Hội đồng Hương chính của địch; động viên đồng bào tăng gia sản xuất, ủng hộ cách mạng và đòi địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và giải quyết các yêu cầu về dân sinh, dân chủ.

Về phía địch, sau một thời gian lúng túng trong việc tiếp quản vùng kháng chiến, dàn xếp những tranh chấp, đấu đá nhau giữa thế lực mới và cũ. Đến giữa năm 1955 địch ở Hàm Thuận, hạt Mũi Né ổn định dần các mặt. Chúng củng cố chính quyền78, thanh lọc Hội đồng Hương chính, lập phái viên hành chánh thay bang tá, sáp nhập một số xã nhỏ, lập xã lớn. Chúng nhập Tân Xuân Thượng, Tân Xuân Hạ, Phú Bình thành xã Tân Phú Xuân; nhập Bình An, Bình Lâm. Mỹ Thạnh, Ninh Thuận thành xã Bình Mỹ Thuận; nhập các làng Lâm An, Lâm Hòa, Phường Lạc thành xã Hòa An; nhập Long Thạnh, Phú Hòa, Phú Thạnh thành xã Long Phú; nhập Vĩnh Hòa, Tùy Hòa thành xã Hòa Vinh; nhập 2 làng Bình Sum, Kim Thạnh thành xã Kim Bình. Gắn với việc nhập xã, địch tổ chức bầu lại Hội đồng Hương chính mới, thanh lọc nội bộ, phân chia cán bộ trong Hội đồng Hương chính cũ thành ra 4 loại: bọn phản động tiếp tục được sử dụng; số lưng chừng chuyển qua làm những việc không quan trọng; số bị tình nghi thân Cộng thì chúng buộc nghỉ việc; số cốt cán của ta bố trí vào nắm Hội đồng Hương chính lần lượt bị địch bắt.

Địch phát triển mạnh: “Phong trào cách mạng quốc gia”, gồm 8 ngụy đoàn thể: nông dân, phụ nữ, lão ông, lão bà, thanh niên, thanh nữ, thiếu niên, thiếu nữ. Mỗi xã chúng thành lập một chi bộ: “Phong trào cách mạng quốc gia”, trong cấp uỷ của phong trào có đảng viên đảng Cần lao nhân vị hoạt động giấu mặt. Quận bộ phong trào và chi khu cảnh sát quận Hàm Thuận đóng tại Kim Ngọc. Các loại cơ quan trên của hạt Mũi Né, đóng tại Mũi Né.

Thực hiện âm mưu “Tố cộng, diệt cộng”, bọn “phong trào cách mạng quốc gia” sử dụng những tên tay sai có nguồn gốc hận thù cách mạng hoặc từ hàng ngũ kháng chiến đã bất mãn về làm nòng cốt như:

- Bọn phản động trong Đảng dân chủ: Phùng Huỳnh Kỳ, Huỳnh Phú Ký, Trần Đình Di, Tăng Gia Côn, Nguyễn Đặng, Văn Công Cần, Thái Văn A, Nguyễn Chấn, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Xuân Đoan…

- Số đầu hàng địch trong kháng chiến chống Pháp: Lê Bình Minh, Nguyễn Dậy, Nguyễn Bé, Bạch Đằng Giang…

- Số mới ra đầu thú79: Giáo Đến, Hộ Lùn, Nguyễn Văn Phiên, Huỳnh Xuân Lan, Dương Văn Thái…

Khắc nghiệt hơn cho những người kháng chiến ở Tam Giác và Miền A, vì Văn Công Cần (Cửu Xe) thành lập “Toán mười” ở Hàm Liêm; Võ Thành Công (Tám Công) đứng đầu toán Dân công vụ ở Hồng Sơn – chuyên tập hợp những tên sớm đầu hàng, khai báo, lùng sục, phục bắt, truy bức cơ sở.

Trong thế bị địch hoành hành khống chế, quần chúng khắp nơi đề nghị với cấp trên cho diệt ác. Ở Phú Sung đề nghị diệt tên Côi; Hồng Sơn xin diệt Nguyễn Kim Thoa; Tam Giác xin diệt Nguyễn Chấn, Văn Công Cần; Bàu Thiêu xin diệt Lê Văn Tròn… Nhưng không được lãnh đạo tỉnh chấp nhận, đồng bào phẩn uất, bực dọc. Có nơi thanh niên hành động táo bạo, tự phát.

Tại Bàu Thiêu (xã Hồng Trung) có tên Lê Văn Tròn, trốn lại không đi tập kết, chạy về làm nhân viên phòng nhì, dẫn địch khui hầm lấy tài sản, vũ khí. Tròn bắt hàng loạt đồng bào ở Bàu Đế, Bàu Thiêu; hành hạ cả những ông cha, bà mẹ đã nuôi y từ tấm bé. Đêm 14 tháng 9 năm 1955, với sự phối hợp chặt chẽ của ông Lê Văn Xưa, đồng chí Nguyễn Văn Năm (Năm Nhánh) chỉ huy tổ Thanh niên lao động Bàu Thiêu80 dụ Tròn ra khỏi xóm, đập đầu dập xác xuống hầm dông. Đây là vụ diệt ác đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận; nhân dân đồng tình phấn khởi, địch hoang mang, rúng động; nhưng huyện và tỉnh phê bình việc làm trên là: “manh động, vi phạm Hiệp định”, nên việc diệt ác trong huyện lắng luôn từ đó.

Phá Hiệp thương tổng tuyển cử là mục đích chính của địch. Từ tháng 7/1954 đến tháng 10/1955, chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết tiến hành các việc: Ngày 16 tháng 7 năm 1955, Diệm tuyên bố bác bỏ Hiệp thương; ngày 20 tháng 7 năm 1955, Diệm cho tay sai biểu tình chống Hiệp định Giơ-ne-vơ trước trụ sở Uỷ ban Quốc tế tại Sài Gòn. Sáu tháng cuối năm 1955, Mỹ- Diệm triển khai chiến dịch “Tố cộng” giai đoạn I trong toàn miền Nam; phá Hiệp thương, tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại, loại số thân Pháp ra khỏi chính quyền các cấp. Đây là thời điểm đụng đầu giữa hai lực lượng: cách mạng và bọn phản cách mạng. Hàm Thuận, Miền A triển khai chủ trương của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ hai81, xây dựng thực lực; chuẩn bị và nổ ra cuộc đấu tranh đòi Hiệp thương tổng tuyển cử. Bọn địch ở đây cũng triển khai chiến dịch tố cộng, phá Hiệp thương, tổ chức trưng cầu dân ý.

Nội dung “Tố cộng” của địch là: xuyên tạc Hiệp định, nói xấu Cộng sản, hù doạ, khống chế, phỉnh phờ mua chuộc những người kháng chiến; cưỡng bức anh chị em này viết tờ phản tỉnh, bản phát giác, nói xấu cách mạng. Địch phân quần chúng thành 3 loại: thiện chí, lưng chừng, thân cộng - bắt từng loại gia đình treo bảng tố cộng theo ba loại màu tương ứng: xanh, vàng, đỏ và treo các khẩu hiệu: ủng hộ “Ngô chí sĩ”, đã đảo Đảng và lãnh tụ của ta.

Ngày 20 tháng 7 năm 1955 - sau đúng một năm ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, địch bắt hàng ngàn cán bộ, đồng bào về các sân lễ học “Tố cộng”. Vừa cho đây là ngày “quốc tang, quốc hận”, vừa nhằm hạn chế sức đấu tranh của ta nên địch gom hàng trăm đảng viên, cốt cán mảng Tam Giác về sân banh xã Tân Phú Xuân. Ở đây Cửu Xe vừa chửi mắng vừa lấy gậy mây có móc, móc cổ anh em ta kéo qua, kéo lại. Sáu Chấn được dịp cầm gạch nện vào đầu, vào lưng những người mới hôm nào đã từng là đồng đội thân quen của hắn. Anh Chín Ngư bị đánh ngất tại sân lễ.

Biết Mỹ - Diệm không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trung ương Đảng chỉ đạo toàn miền Nam dùng áp lực quần chúng đấu tranh đòi Hiệp thương tổng tuyển cử. Khoảng tháng 6 năm 1955 lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận từ Núi Ông (Tánh Linh) chuyển về đứng chân ở khu Lê Hồng Phong để chỉ đạo phong trào. Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1955 nhân dân toàn huyện cùng cả tỉnh đấu tranh đòi Hiệp thương thống nhất đất nước và tẩy chay trò hề trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại của Ngô Đình Diệm.

Nhằm tập dượt quần chúng và mở đầu cho phong trào đấu tranh công khai; Ban cán sự Miền A lãnh đạo đồng bào chống tăng thuế chợ, chống địch cướp ruộng đất do kháng chiến chia cấp. Ông Trần Công Dân viết đơn giúp và hướng dẫn trên mười nông dân ở Phú Long đưa đơn đến Bang Tá xin được giữ nguyên canh.

Vào một sáng đã được thống nhất, cơ sở cốt cán vận động đồng bào đến chợ Mũi Né mua bán đông hơn thường lệ; các ông Nguyễn Xuân Thố, Trần Phương, Ngô Bạn tuyên bố không nộp thuế, đòi tên đấu thầu chợ hạ thuế; ba ông sáp vào vật ngã tên Biện Dẹo thu tiền chỗ, quen hống hách từ lâu. Các má, các chị phân tích cho số lính đến đàn áp thấy quyền lợi vợ con của họ mua bán ở đây cũng bị thiệt, thế là anh em đồng tình. Hôm đó, địch không thu được tiền chỗ ở chợ Mũi Né và sau đó cai thầu các chợ Phú Long, Phú Hài đều không dám tăng thuế.

Tiếp đó Huyện ủy, Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân đòi Hiệp thương tổng tuyển cử, nhằm gây áp lực buộc địch thi hành Hiệp định. Nội dung các bản kiến nghị là: “Chính quyền Sài Gòn không được trả thù những người kháng chiến cũ; không cấm đoán hoặc gom vào khu tập trung để dân tự do đi lại làm ăn; phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiến hành Hiệp thương giữa hai Miền, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước đúng thời gian quy định…”.

Đợt đấu tranh đồng loạt khắp tỉnh Bình Thuận diễn ra từ ngày 10 đến ngày 30 tháng 10 năm 1955 với nhiều hình thức: rải truyền đơn biểu ngữ; gửi thư bưu điện; bãi thị đình công; cử người trực tiếp đưa kiến nghị đến chính quyền địch. Nhằm phối hợp đấu tranh, nhiều xã của Hàm Thuận, Miền A bố trí phụ nữ đón các nẻo đường loan tin cho đồng bào đi chợ Phan Thiết là ở đó đang bãi thị, cảnh sát đang bắt người, kêu gọi bà con quay về. Rầm rộ nhất là phong trào đưa kiến nghị đến chính quyền địch. Ở khu Lê Hồng Phong và Miền A có nơi đồng bào buộc Hội đồng Hương chính dẫn đoàn biểu tình đến Nha bang tá, Nha hành chánh. Ông Thu Vân, thư ký Hội đồng Hương chính xã Phú Trung dẫn đoàn ở Triền; các ông Nguyễn Hùng, Bùi Thân Thiện, thành viên của Hội đồng Hương chính xã Long Sơn đưa đoàn Long Sơn, Suối Nước về Mũi Né.

Ngày 14 tháng 10 năm 1955, cuộc đấu tranh ở Miền A đã phát triển đến đỉnh cao. Các đoàn biểu tình nối tiếp nhau kéo đến cơ quan hành chánh của địch. Một số nơi chuẩn bị 2 đoàn chính đi trước, đoàn dự bị đi sau. Từ Long Sơn, Suối Nước, Bàu Me, Bàu Tàng, từng đoàn người tiến về Mũi Né. Nhiều trưởng đoàn rất dũng cảm. Ông Lê Minh Dân - trưởng đoàn Suối Nước cùng 4 người trong đoàn bị địch bắt. Ông Xưa liền dẫn đoàn thứ hai xông lên hô khẩu hiệu: “Không được bắt người vô cớ, phải thi hành Hiệp định”. Địch trả lại 4 người, còn ông Dân bị chúng thủ tiêu. Ông Biện Đào trưởng đoàn Triền bị đánh nặng, về nhà một thời gian ngắn thì lâm bệnh nặng và mất. Ở xã Hồng Liêm, hình thành 3 đoàn chi viện hỗ trợ nhau. Trong đó đoàn của Trũng Tre do các ông Trương Minh Phát, Nguyễn Văn Tịnh và bà Trùm Ngọ lãnh đạo xông vào nha bang tá Xa Ra, chúng đánh bà Trùm Ngọ gãy tay, ông Tịnh toét đầu. Dù bị thương ông Tịnh vẫn ngồi hút thuốc, hiên ngang, dõng dạc đối đáp với tên bang tá:

“Mày uống nước ở đâu?” - “Tao uống nước giếng”.

“Mày ăn gạo ở đâu?” - “Tao ăn gạo chợ”.

“Mày ăn tiền gì?” - “Tao ăn tiền giấy”.

Địch đuối lý, quy ông là Cộng sản, bắt cầm tù rồi đày đi Côn Đảo 7 năm trời. Riêng ông Trương Minh Phát bị địch đánh chết đi, sống lại nhưng không khai thác được gì, buộc chúng phải thả ông về.

Điển hình nhất là cuộc phối hợp giữa các đoàn biểu tình: Bàu Me, Bàu Sen, Bàu Ron, Bàu Thiêu, Bàu Tàng, đã khiêng xác anh Phạm Chút đi đấu tranh. Sáng 14 tháng 10 năm 1955, đoàn Bàu Sen vừa đến rẫy Bà Dạng thuộc khu vực Bàu Sen thì gặp địch vừa bắn chết anh Phạm Chút. Các đồng chí Võ Thạnh, Huỳnh Thị Cân… liền phát động đồng bào khiêng xác anh Chút ra đồn Rạng đòi bồi thường. Bọn lính hoảng hốt đóng cửa đồn. Bà con khiêng xác thẳng xuống Nha hành chánh Mũi Né, nhưng bị địch chận các nẻo đường. Đoàn người quay lại để xác anh Chút trước cửa đồn Rạng hô vang khẩu hiệu: “Đã đảo bọn giết người”. Đến trưa nhân lúc đồng bào vào xóm ăn cơm, còn lại ít người, địch tập trung lực lượng đàn áp cướp xác anh Chút đưa vào đồn Rạng phi tang.

Trong những ngày ấy, phía Bắc Lê Hồng Phong cũng vô cùng sôi động. Đêm 13 tháng 10 năm 1955, đồng bào Nhơn Thiện đập phá Nha bang tá Nhơn Thiện, rồi kéo vào cùng đồng bào Lương Sơn phá đồn bang tá Lương Sơn. Đợt đấu tranh đòi Hiệp thương ở khu Lê Hồng Phong và Miền A táo bạo, ồ ạt nhất trong tỉnh.

Trong thời gian này, Huyện ủy Hàm Thuận thực hiện phương châm: “Giữ thế hợp pháp, bảo tồn lực lượng”, nên hình thức đấu tranh phổ biến là gửi các bản kiến nghị qua bưu điện và rải truyền đơn, dán biểu ngữ khắp nơi. Trên 1.000 chữ ký của đồng bào Tam Giác (ký theo vòng tròn) được gửi theo đường bưu điện. Riêng xã Hàm Phú có ông De, dẫn đầu khoảng 20 người mang kiến nghị đến Hội đồng Hương chính xã Hòa An và đòi thả những người bị bắt. Địch bắt giam ông và 8 người nữa. Ở Phú Sung có Má Cao, Má Bát cùng ông Xu Thể mang kiến nghị đến yêu cầu Hội đồng Hương chính xã chuyển lên cấp trên của chúng.

Lực lượng nhân sĩ tri thức trong tổ chức bảo vệ hòa bình của Phan Thiết, Hàm Thuận, Miền A đã cùng phối hợp đấu tranh. Ông Trợ Định ở Phan Thiết cùng các ông Thông Độ, Trần Hữu Chí (Học Chí), Tú Thị, Võ Đương, Bộ Lê ở Hàm Thuận đồng loạt mang kiến nghị đến Phủ và Tỉnh. Đêm 13 tháng 10 năm 1955 tại nhà ông Trần Hữu Chí (xã Hàm Thắng) có cuộc họp mặt của các thân hào nhân sĩ, do đồng chí Nguyễn Lan, cán bộ Miền A chủ trì bàn cách đưa kiến nghị đến Phủ và Tỉnh đường. Ông Trần Hữu Chí đã xung phong nhận công việc khó khăn, nguy hiểm ấy. Sáng hôm sau ông mang một bản kiến nghị khoảng 2.000 chữ ký đại diện cho nhân dân toàn huyện và một bản kiến nghị của đồng bào Hàm Thắng trên 600 chữ ký82 đến gặp tri phủ Lưu Bá Châm. Châm khuyên ông mang về, nhưng ông nhất quyết gặp tỉnh trưởng để giao kiến nghị và đã không hề bị động khi tên tỉnh trưởng Bình Thuận Võ Văn Thành ra lệnh bắt giam. Ông không không hề bị động vì không chỉ mang kiến nghị với quốc phục83 đạo mạo chỉnh tề đại diện cho thân hào, nhân sĩ toàn huyện, mà còn chuẩn bị cả lon gô, bình trà với hành trang cần thiết trong tư thế sẵn sàng đấu tranh chịu đựng lâu dài bất chấp cả sự giam cầm của địch. Đến ngày địch thả, ông hỏi: “Tôi về tiếp tục đòi quyền lợi cho dân, các ông còn bắt nữa không? Nếu bắt thì để tôi ở đây luôn cho tiện”?

Đồng thời với đấu tranh đòi Hiệp thương, cán bộ đồng bào Hàm Thuận, Miền A cũng kiên quyết tẩy chay trò hề trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại, lập chính quyền tay sai của Mỹ do Diệm đứng đầu (chúng tổ chức vào ngày 23 tháng 10 năm 1955). Đây là thủ đoạn do Mỹ nặn ra nhằm xóa chính phủ tay sai của Pháp ở miền Nam, vô hiệu hóa Hiệp định Gơ-ne-vơ, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Địch bắt dân học thể lệ bầu cử bằng cách thuộc lòng câu: “Phiếu xanh bỏ giỏ, phiếu đỏ bỏ thùng”84. Địch tuyên bố bỏ phiếu kín, tự do dân chủ, nhưng phòng kín có 2 ngăn, bố trí mật vụ theo dõi từng cử tri.

Cán bộ từ huyện đến cơ sở lãnh đạo dân tẩy chay trò hề này bằng nhiều cách: tránh lánh đi làm ăn xa, đi bỏ phiếu chậm trễ, gạch phiếu bất hợp lệ... Sáng hôm ấy có nhiều phụ nữ vào rẫy, bị lính chận lại hỏi: “Mấy bà có biết hôm nay là ngày gì?”. Các chị đối đáp vừa khéo vừa châm chọc: “Chúng tôi nghèo khổ lo làm ăn, đâu để ý ngày gì! À, mà hôm nay là ngày 23… ông tha mà bà không tha...”. Nhiều nơi cơ sở ta sáng kiến biến cuộc bầu cử thành dịp gửi kiến nghị đòi Hiệp thương, nên một số người tiến bộ trong Hội đồng Hương chính giữ thùng phiếu, sau đó bị tù như ông Lê Bá Đạt ở Hồng Sơn, Nguyễn Ngọc Đán ở Mương Mán.

Nhiều hội tề người của ta đóng dấu “đã bầu” vào thẻ cử tri cho cốt cán có giấy đi lại. Ở Phú Thọ (Phú Sung) ông Thợ Bảy không bỏ hình Diệm vào giỏ rác mà đem về nhà đốt. Tên Giác phát hiện, ông Bảy bị tù. Ở Kim Bình huyện bố trí hai cơ sở trong dân vệ gác thùng phiếu tìm cách phá cuộc bầu cử. Địch phát hiện đánh chết anh Dương Thanh Bình và cầm tù anh Nguyễn Nhiều. Tại thùng phiếu làng Phú Hòa (Hồng Sơn) hai anh Trần Văn Minh (Lưu Minh Giành) và Lê Văn Xuân (Bảy Như) bỏ hình Bảo Đại vào bì, xé hình Diệm. Địch khống chế, các anh đấu lý: “Các ông tuyên bố tự do lựa chọn”. Ra khỏi thùng phiếu các anh bị chúng bắt giải về Nha bang tá Xa Ra đánh đập, bỏ đói và nói: “Bọn mày tìm Bảo Đại xin ăn”. Nửa đêm hai anh vờ đi uống nước vượt chạy vào rừng. Cũng tại thùng phiếu này có hai bản kiến nghị do ông Sung- Phó chủ tịch Hội đồng Hương chính xã Phú Hòa bí mật bỏ vào.

Tiêu biểu nhất ở thùng phiếu Thiện Khánh là anh Đinh Văn Góp. Anh bầu Bảo Đại, địch đánh anh trước đông đảo cử tri và hỏi: “Mày biết Bảo Đại và Ngô Chí Sĩ là ai mà chọn như thế?” Sau giây phút ngần ngừ anh Góp đáp: “Bảo Đại là vua, Ngô Đình Diệm là quan, nếu tôi bầu Diệm làm vua, thì tôi a tùng cướp ngôi vua, thế là tôi phạm tội bất trung mà cũng làm cho Ngô Thủ tướng bất trung”. Chúng đánh anh chết ngất rồi giải về nhà lao Phan Thiết.

Trước ngày trưng cầu dân ý, địch nhốt hàng loạt cốt cán. Phòng giam ở Phú Long có anh Nguyễn Ngư người làng Phú Trường. Hàng ngày chị Đỗ Thị Xuân mang đến cho anh những mo cơm. Trong ấy anh không chỉ nhận được tình cảm thuỷ chung của người vợ mà còn nhận cả truyền đơn của tổ chức. Sáng ngày 23 tháng 10 năm 1955, nhân dân đến phố Chín Căn (Phú Long) bầu cử, đọc được truyền đơn của cách mạng. Địch không sao hiểu nỗi về sự có mặt của cách mạng ở ngay những nơi được canh gác cẩn mật này.

Đồng bào Hàm Thuận cũng như toàn Miền Nam đều có nhiều cách tẩy chay trò hề trưng cầu dân ý. Nhưng Diệm vẫn đắc cử nhờ trò hề gian lận của chúng. Ngày 26 tháng 10 năm 1955 Diệm làm quốc trưởng, lập chính phủ tay sai Việt Nam Cộng hòa. Y thẳng tay loại số thân Pháp, đưa số phản động thân Mỹ nắm chính quyền các cấp. Diệm lập ra đảng Cần lao nhân vị; “Phong trào Cách mạng quốc gia” để tập hợp bọn tay sai, phản động làm nòng cốt.

Sau đợt Trưng cầu dân ý, địch ở Hàm Thuận, hạt Mũi Né ráo riết lùng sục đánh phá những cơ sở đã bộc lộ qua phong trào đòi Hiệp thương. Hàng ngàn cán bộ, cốt cán, quần chúng trung kiên bị tù đày, quản thúc. Cuối năm 1955 xóm làng chìm vào cảnh tối tăm, u ám. Đêm về tiếng chó sủa vang dậy, tiếng giày nện huỳnh huỵch của lũ ác ôn rình rập khắp mọi nhà. Có xã chỉ trong một đêm bị địch bắt trên 100 người.

Chị Trần Thị Toàn - một cơ sở thanh niên của xã Hồng Sơn vận động đồng bào ký kiến nghị. Tháng 10 năm 1955, địch bắt chị về nhà lao Phan Thiết, treo rút người khỏi mặt đất dùng roi điện quất vào bụng đang mang thai. Khi ra khỏi nhà lao, đứa con trai đầu lòng của chị đã tắt thở sau tiếng khóc chào đời.



tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương