ĐẢng cộng sản việt nam


I/- HẠT GIỐNG VÀ ĐẤU TRANH



tải về 1.81 Mb.
trang2/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

I/- HẠT GIỐNG VÀ ĐẤU TRANH.


Những năm 1930 - 1931, tiếng vang của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và những cuộc đấu tranh ở đề-pô xe lửa Dĩ An, Tháp Chàm càng giục giã các nhóm trẻ tiến bộ ở Hàm Thuận phải hành động; niềm khao khát muốn làm sao cho đất nước độc lập, mọi người được tự do bình đẳng của lớp thanh niên tiên tiến liền bắt gặp sự dắt dẫn của các chiến sĩ Cộng sản từ nơi khác đến.

Vào năm 1930, ông Dương Chước lúc đó là đảng viên Cộng Sản thuộc chi bộ Hòn Khói, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà đã đến ở nhà ông Lê Trọng Thiều tại làng Đại Nẫm; sau một thời gian tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản cho một số thanh niên, nông dân đã phát triển một số Đảng viên Cộng sản ở làng Đại Nẫm, Phú Hội gồm các ông: Nguyễn Tỵ, Phan Xích, Ngô Đức Tốn…Cùng thời gian ấy, đồng chí Hồ Quang Cảnh (quê ở Huỳnh Lưu, Nghệ An vào cư trú ở Rạng) làm việc tại ga tàu điện Sài Gòn, là một đảng viên Cộng sản về Phan Thiết xây dựng cơ sở cách mạng. Sau đó đồng chí về Rạng, Mũi Né tổ chức một nhóm yêu nước gồm 6 người là bạn bè làm các nghề thầy giáo, thợ may...Từ mối liên hệ với đồng chí Hồ Quang Cảnh, đồng chí Nghệ10 là một đảng viên Cộng Sản cũng ra Phan Thiết cùng hoạt động với đồng chí Cảnh. Từ Phan Thiết đồng chí Nghệ móc nối và kết nạp đồng chí Nguyễn Thắng là người Quảng Nam vào sinh sống ở làng Tùy Hòa vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cuối năm 1930, đồng chí Nguyễn Thắng đã tuyên truyền cách mạng cho một số thanh niên yêu nước, thành lập một tổ Nông hội đỏ ở làng Tùy Hòa gồm: Nguyễn Gia Tú, Nguyễn Đức Thắng, Phan Cao Đăng do đồng chí Tú làm Tổ trưởng. Qua giới thiệu của đồng chí Tú, đồng chí Nguyễn Thắng lập được một tổ Cứu tế đỏ gồm 3 người: Trần Hữu Chí, Trương Cúc, Nguyễn Yên làm nhiệm vụ quyên góp kinh phí cho Đảng hoạt động. Tiếp đó đồng chí Nguyễn Thắng xây dựng ở các làng Bình Lâm, Bình An và Lại An Thượng thành lập một tổ Nông hội ghép gồm các hội viên: Nguyễn Tương, Nguyễn Chí, Trần Hoành (tức Trần Đức Hoành, còn gọi là Tư Úc), Nguyễn Quế, Ngô Mân, Ngô Thí, Nguyễn Thập, Nguyễn Tân An... do đồng chí Tương làm Tổ trưởng. Với tinh thần hăng hái hành động trong tổ chức Nông hội, năm 1931 các đồng chí Nguyễn Tương, Nguyễn Gia Tú, Trần Hoành được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Được sự giáo dục, tổ chức của một số tổ Nông hội đỏ và các đảng viên tiêu biểu đầu tiên (Hồ Quang Cảnh, Nguyễn Thắng, Nguyễn Gia Tú, Nguyễn Tương...), anh chị em trong các nhóm thanh niên “tiên tiến” nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Cộng Sản và sẵn sàng hành động. Nhờ đó, đến giữa năm 1931, nhiều làng trong phủ Hàm Thuận đã có tổ Nông hội hoặc hội viên nông hội như: Đại Nẫm, Phú Hội, Khánh Thiện, Thiện Khánh, Phú Long, Thiện Mỹ, An Long, Phú Trường, Kim Ngọc, Lại An Thượng, Bình An, Mỹ Thạnh, Ninh Thuận, Vĩnh Hòa, Long Thạnh... Đặc biệt một trong ba tổ Nông hội ở làng Tùy Hòa có một số hội viên nữ Phạm Thị Hoa, Phan Thị Đơn, Nguyễn Thị Quán do bà Nguyễn Thị Ngôn (Tư Mèo) làm Tổ trưởng.

Để có tài liệu tuyên truyền về cách mạng và bảo vệ tổ chức, đồng chí Tú được phân công thực hiện hai việc là: Một là tiếp tục in ấn tài liệu; hai là thành lập lực lượng tự vệ. Đồng chí đã giao các tổ Nông hội từ Tùy Hòa đến Thiện Mỹ cho đồng chí Nguyễn Thắng lãnh đạo, chỉ giữ lại một số hội viên trẻ, khỏe, thành lập các tổ tự vệ, huấn luyện các động tác võ thuật để bảo vệ nội bộ. Tổ ở Kim Ngọc gồm: Tiếu Nghi, Nguyễn Chánh Nghị, Nguyễn Cường. Tổ tự vệ Phú Long gồm: Nguyễn Thi, Nguyễn Phú (Giáo Phú). Tổ ở Phú Trường có các ông: Lê Bài, Nguyễn Thêu; tổ tự vệ Thiện Mỹ có Đào Bá Quyên, Nguyễn Mẵn; tổ tự vệ Tùy Hòa có Lê Ngọc Liệu, Phạm Mỹ, Bùi Bá. Tổ tự vệ Vĩnh Hòa có ông Nguyễn Công Lý (Tám Giáp). Tổ tự vệ có nhiệm vụ canh gác khi các hội viên Nông hội hoạt động.

Cơ quan ấn hành của nhóm Cộng Sản hoạt động ở Hàm Thuận – Phan Thiết ra đời từ đầu năm 1931, đặt tại làng Tùy Hòa, dùng đông sương (xu- xoa) để in tài liệu tuyên truyền “bỏ túi” với khổ nhỏ. Nội dung nói về ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động, ngày Quốc tế Phụ nữ, Pa-ri Công xã, Quảng Châu Công xã... Cũng tại cơ sở in ấn bí mật này, đến tháng 8 năm 1931, các đồng chí đảng viên đã tổ chức in được 3 số báo phát hành nội bộ lấy tên là tờ “Nhân đạo”. Báo in trên giấy manh, số đầu 30 bản, hai lần sau tăng hơn. Báo được phát hành đến các tổ chức nông hội.

Nhằm hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và kỷ niệm 13 năm Ngày nhân dân thế giới chống chiến tranh đế quốc (ngày 01/8/1918 – 01/8/1931), tổ chức Cộng Sản tỉnh Bình Thuận chủ trương phát động một đợt đấu tranh trong toàn tỉnh với nội dung chính: “Chống đế quốc gây chiến tranh, bảo vệ hòa bình”. Do đó vào cuối tháng 7 năm 1931, bộ phận in ấn của tỉnh và các hội viên trong phủ Hàm Thuận khẩn trương phát hành tài liệu phục vụ đợt đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Tương được phân công cùng đảng viên và cốt cán khác viết biểu ngữ tại lò gạch ông Hồng Ngọc Viên (Hai Hiến) gần xóm Quao Dù (Hàm Thắng). Đồng chí Nguyễn Gia Tú cùng tổ in ấn in truyền đơn ở làng Tùy Hòa. Tài liệu từ Tùy Hòa được các nữ cơ sở 11 chuyển đến nhiều nơi trong phủ Hàm Thuận.

Vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng 8 năm 1931 trời mưa to, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí đảng viên như: Hồ Quang Cảnh, Nguyễn Thắng, Nguyễn Tương, Nguyễn Gia Tú; những hội viên tổ nông hội và quần chúng tốt đã nhất loạt treo cờ, băng rôn, rải truyền đơn từ Thiện Khánh đến Long Thạnh, từ Phú Hội đến Ma Lâm, nhiều thôn xóm, nhà ga đều có cờ, truyền đơn, băng rôn kêu gọi nhân dân với nội dung: chống bắt lính, chống đế quốc gây chiến tranh, chống sưu thuế... Những nơi trong vòng kiểm soát của địch và những cây cổ thụ như: cây Lim làng Long Thạnh, cây Phượng làng Vĩnh Hòa, cây Quao làng Tùy Hòa, cây Me gần ga Ma Lâm, cây Quao (Quao dù) làng Lại An Thượng, cây Bàng trước sân nhà làng Lại An Hạ, nóc nhà Thất Mẫn, nóc tôn gác trước nhà làng Thiện Khánh… đều có cờ đỏ búa liềm và ngay cả trong ngăn kéo bàn làm việc của tri phủ Hàm Thuận Hồ Đắc Bích cũng có truyền đơn của cách mạng 12. Ngay đêm hôm đó, bọn hương lý cường hào đánh trống mõ liên hồi, báo động có cờ và truyền đơn cộng sản. Số phu canh tuần do ta bố trí cũng nhân dịp này nổi trống mõ khắp nơi làm cho số hội tề thấp thỏm lo sợ, quần chúng cách mạng vui mừng. Sáng hôm sau nhiều cơ sở của ta lần đầu tiên nhìn cờ Đảng tung bay mà lòng phấn khởi, tự hào.

Hòng dập tắt phong trào cách mạng, với sự tiếp sức của Tuần vũ Ngô Đình Diệm, Tri phủ Hồ Đắc Bích đã có ngay kế hoạch đánh phá cách mạng. Nhờ có “công” đàn áp cách mạng ở Ninh Thuận Ngô Đình Diệm từ quản đạo, Ninh Thuận lên Tuần vũ tỉnh Bình Thuận. Mang kinh nghiệm đàn áp cách mạng ở Ninh Thuận đã thẳng tay khủng bố đồng bào trong tỉnh, nhất là ở Hàm Thuận. Qua đàn áp, địch đã mua chuộc được Sáu Quốc 13 đầu hàng khai báo. Địch phát hiện đầu mối từ nhà ông Hồng Ngọc Viên và bắt cơ sở ta từ nhóm lò gạch (ở liên Tỉnh lộ 8), qua mảng Quốc lộ 1, xuống Thiện Khánh, Khánh Thiện, uy hiếp tinh thần nhân dân. Có nhà bị chúng bắt hai, ba người như gia đình các đồng chí: Nguyễn Thắng, Nguyễn Gia Tú, Hồ Quang Cảnh...

Các nhà làng lập tức thành nơi tra tấn những người yêu nước. Vài hôm sau, địch đưa hàng trăm người từ các nhà làng về giam ở nhà lao phủ Hàm Thuận và nhà lao Tỉnh. Đối với các đồng chí chủ chốt như: Hồ Quang Cảnh, Nguyễn Thắng, Nguyễn Tương, Nguyễn Gia Tú... chúng dùng mọi cực hình tra tấn. Riêng đối với đồng chí Hồ Quang Cảnh, địch bắt và tra tấn, hành hạ cả cụ Hồ Sĩ Lâm, thân sinh của đồng chí Cảnh. Nhưng đồng chí Cảnh và phần lớn các đảng viên, hội viên Nông hội vẫn giữ vững khí tiết cách mạng.

Nhân đợt khủng bố, bắt bớ quần chúng cách mạng, tri phủ Hồ Đắc Bích thông qua một số chánh tổng và lý trưởng vu khống, hù doạ, tống tiền những người có cảm tình với cách mạng như nhà các ông Lê Ngọc Chương, Giáo Chấn, Chín Mẵn, Đào Bá Quyên, Dương Hữu Sóc...

Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo của Hàm Thuận đang ở trong tù, thông qua người thăm nuôi, đã hướng dẫn người nhà và một số bà con ra tù vận động những gia đình bị tống tiền làm đơn tố cáo hai tên Bích và Tập. Sau khi chuẩn bị đủ chứng cứ, cốt cán và quần chúng, ta bố trí một cuộc đi thăm tù chính trị đông hơn thường lệ, vừa sáng đã tập trung ở cổng Tỉnh đường.

Như mọi ngày, tri phủ Hồ Đắc Bích đến phủ đường liền bị đoàn người vây, đòi Bích phải trả lại số tiền hối lộ, đồng thời đưa đơn tố cáo tận tay Tuần vũ Ngô Đình Diệm. Diệm nhận đơn và hứa sẽ giải quyết. Sau đó, Diệm buộc phải cách chức Hồ Đắc Bích hòng để mị dân và nhân dịp này Diệm muốn chứng tỏ mình là “quan thanh liêm”- sẵn sàng trừng trị những kẻ ăn hối lộ, hà hiếp nhân dân.

Đến tháng 12 năm 1931, địch đưa những người bị bắt ra tòa xét xử, phần lớn bị xử án treo từ 6 đến 12 tháng, bị quản thúc tại chỗ và phải đi trình diện theo định kỳ do địch qui định. Còn lại khoảng trên ba chục người bị chúng kết án từ 1 đến 3 năm tù ở. Riêng các đồng chí: Nguyễn Tương, Hồ Quang Cảnh, Nguyễn Thắng bị kết án 4 năm tù giam. Sau một cuộc tuyệt thực đấu tranh phản đối chế độ giam cầm tàn bạo tại nhà lao Phan Thiết, địch đã đày các đồng chí lên Nhà lao Buôn Ma Thuột. Năm 1933, đồng chí Hồ Quang Cảnh hy sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh chống địch bắt làm khổ sai tại nhà lao.

Dù bị tra tấn dã man, giam cầm khắc nghiệt nhưng các đồng chí đảng viên và hầu hết các hội viên Nông hội chẳng những đã dũng cảm đương đầu với mọi cực hình, thủ đoạn của địch trong nhà tù để giữ khí tiết cách mạng mà còn tổ chức lãnh đạo quần chúng bên ngoài tiếp tục đấu tranh chống địch. Phong trào bị địch đàn áp năm 1931, cách mạng có tổn thất hy sinh. Song đó là những thử thách đầu tiên của cách mạng trong huyện. Hình ảnh đấu tranh rãi truyền đơn, treo cờ đêm 14 tháng 8 năm 1931 đã trở thành niềm tự hào của đồng bào Hàm Thuận.

II/- KHÔI PHỤC PHONG TRÀO VÀ CUỘC ĐẤU TRANH ĐÒI DÂN SINH DÂN CHỦ (1932 - 1939).

nh hưởng kéo dài của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới suốt những năm 1929 - 1933 làm cho giá hàng nông, lâm, hải sản trong cả nước nói chung cũng như ở Hàm Thuận nói riêng rẻ mạt so với giá hàng công nghiệp 14. Nông và ngư dân làm không ra tiền, đời sống tiếp tục đói khổ. Đã vậy thực dân Pháp còn tăng thuế điền, thuế chợ, đặt thêm các thứ thuế mới như: đường, bông, khung dệt... Thu nhiều thuế, được thưởng tiền hoa hồng, nên cai tuần, nhà đoan lùng bắt gỗ, rượu, muối, thuốc lá... Nạn mất mùa, thất nghiệp diễn ra liên tiếp, nỗi cơ cực bao phủ mọi tầng lớp nhân dân; kể cả một số phú nông, địa chủ, hàm hộ nhỏ cũng bị thực dân chèn ép phá sản. Phần lớn ruộng đất của Hàm Thuận lọt vào tay thực dân và một số hàm hộ kiêm địa chủ có thế lực ở Phan Thiết.

Dù lực lượng lãnh đạo bị tù đày, cốt cán hội viên còn lại bị địch kềm kẹp, quản thúc, nhưng trước tình cảnh bị áp bức, một số hội viên vẫn nhen nhóm hoạt động làm nòng cốt cho quần chúng đấu tranh với nhiều hình thức nhỏ lẻ. Vào năm 1933, nhân lúc tên Tây Đoan chặn bắt chiếc xe ngựa chở rượu đi ngang qua chợ Xóm Lụa, đồng bào trong xóm liền ập đến dùng đòn gánh, củi, gạch đánh tới tấp buộc hắn phải chạy về Phan Thiết. Trong số đánh tên Tây Đoan, có ông Nguyễn Ngọ (Năm Rợ) là hội viên Nông hội đã bị chúng tuyên án 9 tháng án treo trong đợt khủng bố tháng 8 năm 1931, nay bị tiếp một năm tù ở, vì chúng cho rằng ông là người lãnh đạo.

Ông Võ Xuân Đình, người làng Đại Nẫm, là một thân hào có biết võ thuật. Ông làm Hương chánh, tính tình khẳng khái, căm ghét thói hóng hách, hiếp dân của bọn quan trường. Ông đã ba lần thay mặt dân làng đi kiện tận triều đình Huế. Năm 1933, Ngô Đình Diệm cử lính mang trát lên Đại Nẫm mời lý trưởng, tên này đưa trát cho ông, ông không nhận, hắn hóng hách nộ nạt, níu kéo làm rách áo. Ông đánh nó một trận và mang áo rách đến trực tiếp gặp Diệm tố cáo. Diệm bẽ mặt phải bắt tên lính lệ xin lỗi ông.

Đầu năm 1934, một số đảng viên của Hàm Thuận như các đồng chí: Nguyễn Gia Tú, Trần Hoành... mãn án tù. Cùng với khí thế và sự tác động của các cuộc đấu tranh ở Nam bộ, các đồng chí ấy đã vượt qua sự rình rập của mật thám, đóng vai người buôn bông, thợ cắt tóc… nhanh chóng tập hợp, lãnh đạo quần chúng chống sưu, thuế, chống đánh đập, phạt vạ và làm đơn đòi hoãn nợ, miễn nợ...

Sôi nổi và có tiếng vang rộng rãi là cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị năm 1934. Theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Pháp; Ủy ban vận động toàn xá tù chính trị ở Đông Dương được thành lập. Tháng 01 năm 1934, phái đoàn này sang Đông Dương, phong trào đấu tranh chính trị từ Sài Gòn loan ra khắp nơi. Được tin phái đoàn điều tra từ Sài Gòn ra miền Trung sẽ đi qua Bình Thuận, các đồng chí đảng viên và quần chúng như: Nguyễn Gia Tú, Trần Hoành... vận động gia đình các đồng chí Nguyễn Tương, Nguyễn Thắng, Hồ Quang Cảnh 15... viết kiến nghị đòi thả tù chính trị, cải thiện chế độ lao tù, xét lại những vụ án không hợp lý. Bọn địch viện cớ Bình Thuận thuộc lãnh thổ của Nam Triều, nên cho lính vào chặn phái đoàn ở Tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai) không cho ra Bình Thuận.

Sau cuộc điều tra tình hình Đông Dương, Mặt trận Bình dân Pháp đấu tranh buộc chính phủ Pháp phải cải thiện chế độ nhà lao và thả một số tù chính trị ở Đông Dương, trong đó có các đồng chí Nguyễn Tương, Nguyễn Thắng (năm 1935).

Tháng 7 năm 1935, Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII đã nêu: “Kẻ thù trước mắt của nhân dân thế giới lúc này không phải là chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phát xít” 16. Về nhiệm vụ cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, báo cáo của đồng chí Đi-mi-tơ-ốp chỉ rõ: “Do tình hình thế giới và trong nước thay đổi, nên vấn đề Mặt trận thống nhất chống đế quốc có một tầm quan trong đặc biệt” 17

Trước tình hình mới và chủ trương của Đại hội Quốc tế Cộng Sản lần thứ VII, tháng 01 năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp chống phát xít được thành lập và tháng 6 năm 1936, Chính phủ phái tả lên cầm quyền bao gồm những người thuộc Đảng Xã hội và Cấp Tiến. Từ đó, Chính phủ tiến bộ Pháp đã nới rộng một số quyền lợi cho quần chúng lao động trong nước và ở các xứ thuộc địa của Pháp đúng theo cương lĩnh của Mặt trận nhân dân Pháp như: thả tù chính trị, ban hành các quyền tự do dân chủ, quyền tự do nghiệp đoàn, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, thành lập phái đoàn của Quốc hội Pháp điều tra tình hình các nước thuộc địa..., trong đó có Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng.

Trong bối cảnh quốc tế thuận lợi ấy, Đảng ta đã thành lập Mặt trận Nhân dân Phản đế Đông Dương (1936 – 1937), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1938 – 1939) đã vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh bằng nhiều hình thức: công khai hợp pháp, đấu tranh nghị trường, đòi các quyền dân sinh dân chủ như đòi triệu tập Đại hội Đông Dương, tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội nghiệp đoàn... Thông qua báo chí và liên hệ với bộ phận hoạt động công khai của Đảng ở Sài Gòn, các đồng chí Nguyễn Gia Tú, Lâm Đình Trúc... đã nắm được đường hướng, biện pháp đấu tranh của Đảng ta trong giai đoạn mới.

Đồng chí Nguyễn Tương do bị địch tra tấn trong tù nên những năm 1936-1939 thường xuyên đau yếu, phải lo chữa bệnh, chỉ liên hệ góp ý với số đảng viên đang hoạt động. Đồng chí Nguyễn Gia Tú ra tù, tuy bị địch quản thúc tại quê nhà, nhưng với bộ đồ nghề hớt tóc và lý do kiếm sống, đồng chí đã đi nhiều nơi ở Hàm Thuận, Hàm Tân chắp nối lại số đảng viên, cơ sở cũ và phát triển thêm cơ sở mới khá rộng rãi. Ta tổ chức hội bóng đá, hội gặt, hội cấy... vận động số hội viên góp tiền mua và đọc sách báo tiến bộ. Đồng chí Tú liên lạc với số thanh niên tiến bộ như Phan Lợi là em của đồng chí Phan Xích ở Đại Nẫm, Lâm Đình Trúc ở Phú Mỹ (đồng chí Tú và 2 thanh niên Lợi, Trúc là những nòng cốt trong phong trào đấu tranh cách mạng trong những năm 1936-1939) ở Hàm Thuận và tỉnh Bình Thuận.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 1929 - 1933 chưa dứt, thì những năm 1936- 1937 lại tiếp tục bị tác động bởi thủ đoạn bóc lột hà khắc của thực dân Pháp ở Bình Thuận, nhân dân Hàm Thuận càng thêm khốn đốn. Thực dân Pháp nắm độc quyền các thứ cần thiết của đời sống, chúng mua muối giá 0,16 đồng/1 hộc, bán lại cho nhân dân giá 2,5 đồng/1 hộc (khoảng 100 kg). Nông dân cơ cực dưới nhiều hình thức bóc lột, nhất là nạn cho vay lúa non với món lời cắt cổ, tỷ lệ khoảng 50% nên hàng năm người vay chỉ trả được số tiền lời, không trả nỗi tiền vốn. Do đó, một số người thiếu nợ bị địa chủ, như Đập Thông, Thất Mẫn... tước đoạt ruộng đất hoặc xiết nợ bằng cách lấy hết trâu bò, tài sản. Mặt khác thực dân Pháp còn tăng thuế chợ, thuế đò, thuế môn bài, hạ lương công chức, thực hiện chính sách ngu dân, giảm trường, giảm lớp. Mọi tầng lớp nhân dân ở Hàm Thuận đều căm thù thực dân phong kiến; muốn thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt, nặng nề.

Từ giữa năm 1936, phong trào Đông Dương Đại hội được khởi xướng ở Sài Gòn, qua báo chí công khai đã tác động đến Bình Thuận. Vào khoảng tháng 8 năm 1936, sau khi đồng chí Lâm Đình Trúc vào Sài Gòn, tìm hiểu nội dung, biện pháp tổ chức phong trào Đông Dương Đại hội trở về, đồng chí Nguyễn Gia Tú thành lập Ủy ban vận động Đông Dương Đại hội ở Phan Thiết gồm các đồng chí Nguyễn Gia Tú, Lâm Đình Trúc và ông Tống Ngọc Cang. Ủy ban đã cử đại diện đến gặp công sứ Pháp tuyên bố nhân dân Bình Thuận sẽ tổ chức Đông Dương Đại hội. Tên công sứ viện cớ Bình Thuận thuộc lãnh thổ của Nam Triều, nên không cho ta tổ chức. Ở Phủ Hàm Thuận đồng chí Nguyễn Gia Tú đã tổ chức được nhiều Ban hành động. Những nơi ít thực lực, cốt cán thì hai, ba làng liên kết lại cử một Ban hành động. Từ Phú Sung, Phú Lâm, Phú Hội, Đại Nẫm đến Ninh Thuận, Mỹ Thạnh, Ma Lâm; từ Khánh Thiện đến Phú Long, Lại Yên, Tùy Hòa ta đều cử được các Ban hành động. Các ban này tổ chức tập hợp nông, ngư dân vào các nhóm sinh hoạt công khai, thảo luận về các quyền tự do dân chủ như: tự do hội họp, ngôn luận, tổ chức đi lại... Truyền đơn, báo chí với các nội dung: bản hiệu triệu, chương trình hành động được cốt cán và các Ban hành động phân phát chuyển tận tay đến đồng bào. Đến tháng 9 năm 1936, địch ngăn cấm cuộc vận động, bắt các nghiệp đoàn, hiệp hội. Các nhóm nông, ngư dân ở Hàm Thuận nhanh chóng chuyển vào hoạt động bí mật; đồng thời hướng dẫn quần chúng chuyển sang các hoạt động khác như: tiếp tục dạy và học chữ quốc ngữ, đọc và bình luận sách, báo tiến bộ; giáo dục hội viên quần chúng đoàn kết, đùm bọc nhau trong cuộc sống và đấu tranh.

Cuộc vận động quần chúng hưởng ứng phong trào Đại hội Đông Dương ở Hàm Thuận đã thu hút được mọi thành phần tham gia (cả người Pháp và Hoa Kiều), tập dượt cho cán bộ biết tổ chức quần chúng đấu tranh công khai hợp pháp. Qua cuộc đấu tranh đòi triệu tập Đại hội Đông Dương, Hàm Thuận đã tập hợp được khá đông quần chúng. Dù trong hoàn cảnh bị bưng bít, kềm kẹp nhưng ta đã dùng báo chí, truyền đơn phát động phong trào đấu tranh công khai hợp pháp, gây được khí thế mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn Phủ.

Sau thắng lợi này, nhiều cốt cán phấn khởi hoạt động mạnh mẽ, một số người tiến bộ thuộc tầng lớp trên cũng tin tưởng hăng hái tham gia phong trào như các ông Tống Ngọc Cang, Huỳnh Văn Dậu...

Qua quá trình thử thách, đồng chí Nguyễn Gia Tú bồi dưỡng lý tưởng Cộng Sản, tuyên truyền Điều lệ Đảng cho một số cốt cán. Đến tháng 04 năm 1937, hai đồng chí Lâm Đình Trúc và Phan Lợi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lúc bấy giờ Hàm Thuận, mới hình thành được một nhóm (tổ Đảng) gồm các đảng viên: Nguyễn Gia Tú, Phan Lợi, Lâm Đình Trúc, do đồng chí Tú làm Tổ trưởng. Sau đó, công tác tuyên truyền về Đảng càng được chú ý, các đảng viên thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa Lê-nin, Điều lệ Đảng, xây dựng ý thức giai cấp cho những người tích cực. Tuy chưa kết nạp thêm đảng viên mới, nhưng nhóm đảng viên ấy đã xây dựng được một số đối tượng trung kiên như: Ngô Xuân Duyên, Lê Triều, ông Tuồng, ông Tố, ông Tám Xi...

Từ một số tổ nông hội cũ còn lại sau những năm 1931 - 1932, đến năm 1937 - 1938, tổ chức các hội như: Nông hội, Bóng đá, hội Ái Hữu phát triển thêm, nhóm ít từ 5 đến 7 hội viên, nhóm đông từ 10 đến 15 hội viên. Mỗi làng đều có hội viên làm nòng cốt hướng dẫn các tổ quần chúng rộng rãi sinh hoạt. Ngoài tham gia các phong trào chung, qua sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và Nông hội, nông dân Hàm Thuận còn đấu tranh đòi giảm tô, giảm tức, chống cướp ruộng, chiếm đập nước.

Từ xưa, nông dân ở phía Nam Hàm Thuận đã cùng nhau làm đập Đồng Đế, vét mương dẫn nước từ vùng núi Tà Cú về đồng ruộng để làm hai vụ lúa và hoa màu. Khi Cát-xê (Catset) chiếm đất, làm chủ đồn điền vùng từ cây số 16 đến cây số19 Quốc lộ 1 (từ Phan Thiết - Sài Gòn), đã chiếm đập, cản hết các con mương, buộc nông dân phải mua lại nguồn nước của chính họ làm ra. Cát-xê đã cướp sự sống, lại còn hống hách dọa nạt... đồng bào ở đây vô cùng căm phẫn, chỉ chờ dịp là đứng dậy đấu tranh. Nắm được nguyện vọng bức thiết của đồng bào, tổ Đảng phân công đồng chí Lâm Đình Trúc cùng ông Tố, ông Tuấn trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh chống lại Cát-xê. Ngày 14 tháng 02 năm 1937 (Mồng bốn Tết), khoảng 400 nông dân với cuốc xẻng, dao rựa xông đến phá tan bờ cản nước, dòng nước lại về với ruộng đồng của nông dân. Thắng lợi ấy đã gây tiếng vang khắp Phủ và tác động đến phong trào đấu tranh của nông dân ở nhiều nơi khác trong tỉnh.

Đầu tháng 3 năm 1937, ở Hàm Thuận dấy lên phong trào tiếp đón Gô-đa 18. Các hội viên Nông hội, các hội Ái Hữu đi vào thôn xóm vận động dân ký kiến nghị đòi cải thiện chế độ nhà tù, ân xá tù chính trị, đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Biết tin phái đoàn Gô-đa sắp đến Phan Thiết, ta chuẩn bị đón để đưa kiến nghị. Nhưng thực dân Pháp lại bố trí Gô-Đa từ Đà Nẵng vào đi lên Đà Lạt “nghỉ ngơi” rồi xuống Sài Gòn, không qua Phan Thiết. Tổ chức Đảng ở Hàm Thuận kịp thời cử đồng chí Lâm Đình Trúc mang kiến nghị vào Sài Gòn đưa đến phái viên của Chính phủ Pháp.

Cuộc đấu tranh bãi thị vào dịp Tết Thanh Minh ở chợ Phan Thiết đã có tác động và gây tiếng vang lớn. Lúc bấy giờ việc phạt vạ, tăng tiền chỗ tùy tiện ở chợ Phan thiết đã đụng đến quyền lợi thiết thực hằng ngày của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là vào dịp Tết Đinh Sửu (năm 1937), tên chủ thầu chợ Phan Thiết tăng tiền chỗ lên gấp đôi, bà con nông dân, ngư dân, tiểu thương càng bất bình. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Gia Tú lãnh đạo thành lập Ban vận động bãi thị gồm các đồng chí Phan Lợi, Lâm Đình Trúc và ông Tống Ngọc Cang. Sau khi đồng bào ở Phan Thiết và Hàm Thuận được chuẩn bị kỹ về các mặt: tinh thần cũng như dự trữ về lương thực, thực phẩm... Vào phiên chợ Thanh Minh (tháng 4 năm 1937), đồng bào Phan Thiết, Hàm Thuận phối hợp ngừng mua bán ba ngày liền. Tên chủ thầu chợ và bọn thu tiền chỗ bị thất thu, các sinh hoạt hằng ngày của bọn thực dân ở Phan Thiết lâm vào tình trạng khó khăn, cùng với áp lực của quần chúng buộc địch đã phải giải quyết yêu sách: không tăng thuế chợ, không đánh đập phạt vạ vô cớ.

Đến tháng 8 năm 1937, nhân cuộc đấu tranh tuyển cử dân biểu vào Viện Dân biểu Trung kỳ và Hội đồng tỉnh hạt diễn ra sôi nổi ở miền Trung. Tại Hàm Thuận ta chủ trương đưa những người tiến bộ như ông Huỳnh Văn Dậu, Huỳnh Khánh Tòng ứng cử, đồng thời vận động đại biểu cử tri tập trung phiếu cho hai đại biểu trên. Cuộc vận động tranh cử và bầu cử giằng co quyết liệt; ở nông thôn ta tuyên truyền đơn lẻ, nơi đông dân ta tổ chức nói chuyện công khai vạch trần thái độ lái buôn chính trị của các “Nghị gật” như: Phan Lý Ngư, Ung Văn Mẫn... Sau cuộc tranh cử lần thứ nhất, phái tiến bộ và phe phản động ngang phiếu. Lần thứ hai, tập thể phân công đồng chí Nguyễn Gia Tú, nhân danh cựu chính trị phạm tổ chức in truyền đơn ủng hộ ứng cử viên tiến bộ, đồng thời tổ chức nhiều buổi nói chuyện vận động đại biểu cử tri. Đợt này ông Huỳnh Văn Dậu đã trúng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ. Qua cuộc vận động này, không những ta đã đưa được người tiến bộ vào Hội đồng dân biểu Trung kỳ mà còn tập dượt cho cán bộ biết tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh nghị trường, đấu tranh công khai hợp pháp đồng thời tập hợp và nâng cao giác ngộ chính trị cho đông đảo nhân dân.

Những năm 1937 - 1939, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động công khai hợp pháp; qua sự chỉ đạo linh hoạt khéo léo của tổ Đảng, các tổ nông hội ở Hàm Thuận làm nòng cốt phát triển và biến tướng các tổ chức hợp pháp như: lớp học bình dân ban đêm các hội: Ái hữu, Bóng đá, Hớt tóc, Mộc, Hồ, May, Gặt hồi, Cấy hồi... Khi tập hợp được quần chúng vào các loại hình tổ chức, ta đẩy mạnh việc dạy và học chữ Quốc ngữ, viết báo, mua và đọc sách báo tiến bộ, thảo luận thời sự, quyên tiền ủng hộ báo... Năm 1938, sau khi nghe ông Phan Thanh là đại biểu Viện dân biểu Trung kỳ vào Phan Thiết nói chuyện về phong trào Truyền bá chữ Quốc ngữ và các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ diễn ra khắp miền Trung thì các hoạt động công khai hợp pháp ở Hàm Thuận, nhất là phong trào bóng đá và truyền bá chữ Quốc ngữ diễn ra rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp, nhất là thanh niên tham gia đông đảo.

Các hình thức chống cường hào, chống mê tín dị đoan cũng ngày càng phong phú. Ông Nguyễn Ngọc Thọ ở Phú Long thường đưa tin, đăng báo tố cáo tội ác của địch tại địa phương. Các đảng viên Cộng Sản, hội viên hướng dẫn dân và làm nòng cốt viết đơn kiện Ban Lý hương tham nhũng. Năm 1937, đồng bào ở Tùy Hòa làm đơn tố cáo Hương bổn Khoa thâm lạm tiền công quỹ xây cất trường học, buộc phải trả lại tiền. Để lật mặt số người lợi dụng mê tín lường gạt dân, tổ Nông hội ở Tùy Hòa bố trí ông Lâm Vĩnh Bình (một cơ sở của Nông hội), giả bệnh mời thầy đến trị. Trong lúc tên “thầy Pháp” đang bày trò lên đồng bắt ma quỷ, ông Bình bung dậy đánh phải bỏ chạy. Nhiều hình thức chống mê tín tương tự như thế cũng diễn ra khắp Phủ, đã góp phần giáo dục đồng bào thấy rõ chân tướng của đám “thầy” lừa gạt và giảm dần nạn mê tín dị đoan.

Nhằm tạo thế đấu tranh, các tổ Nông hội còn bố trí được cơ sở và quần chúng tốt vào nắm một số chức vụ trong bộ máy tay sai, như ông Lâm Vĩnh Thời làm Chánh tổng và ông Lê Ngọc Chương làm Tổng đoàn (Tổng Lại An), ông Lại làm Lý Trưởng xã Phú Hài, ông Nguyễn Đồng Chương làm Phó lý xã Long Thạnh, ông Nguyễn Chánh Nghị làm Phó lý xã Kim Ngọc... Đây là điều kiện thuận lợi để quần chúng đấu tranh.

Từ lâu nhân dân Hàm Thuận, nhất là các chủ xe ngựa uất ức trước cảnh phạt vạ, đánh đập của cảnh sát; dừng xe ngựa chở khách dọc đường đều bị phạt. Ông Nguyễn Ngọc Cư là hội viên hội Ái hữu xe ngựa. Một hôm, khi chiếc xe ngựa của ông vừa đến Tân Xuân thì tên Khuê chặn phạt vì lý do ông Cư đứng ở bàn đạp và chở quá bốn người, ông Cư đánh lại Khuê. Khi bị địch đưa vào bót, ông Cư dùng lời lẽ khéo léo: Ông ấy không mặc đồ cảnh sát, tôi tưởng tên du côn chứ tôi không hề đánh cảnh sát. Bọn địch tức tối nhưng không buộc tội được ông. Sau vụ này không những tên Khuê mà cả bọn cảnh sát đều bớt hống hách, phạt vạ.

Vào giữa năm 1938, được sự lãnh đạo của những đảng viên Cộng Sản, hội Ái Hữu xe ngựa Hàm Thuận và Phan Thiết phối hợp đấu tranh. Hơn 100 đại biểu các chủ xe ngựa tập trung về chùa Long Hải (Phan Thiết) đấu tranh đưa yêu sách. Đồng thời các hội viên trong từng làng vận động đồng bào hưởng ứng cuộc đấu tranh: không đi chợ, tất cả những ngưới đánh xe ngựa đình công ba ngày liền. Trước yêu sách chính đáng và áp lực của đồng bào, địch phải chấp nhận: không tăng thuế, cấm cảnh sát đánh đập, phạt vạ vô cớ và lập bến bãi cho xe ngựa.

Tính chất của các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ngày càng được nâng lên, từ hình thức thấp như: tố cáo các vụ phù thu lạm bổ 19, đến mức cao hơn là dân đòi hoãn nợ, miễn nợ. Cao hơn nữa là vào mùa gặt năm 1938, những người gặt mướn vùng Xuân Phong, Đại Nẫm thống nhất đòi chủ ruộng phải tăng giá ngày công từ nửa giạ lên một giạ lúa (7 kg). Lúc đầu địa chủ không chịu, thợ gặt bỏ lúa ở cánh đồng dọc sông Cà Ty chín rục nên cuối cùng chủ ruộng phải chấp nhận. Tiếp đó những người gặt mướn ở khắp Phủ cũng đòi được giá ngày công như thế.

Nhân dân làng Bình An không những vừa đấu tranh đòi địa chủ giảm tô, tăng giá ngày công gặt mà còn đồng tình lấy Triện của lý trưởng Ung Tấn Cống. Các ông Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Hữu Dụng, Huỳnh Thanh Đạt, Đoàn Quỳnh cùng một số người khác có uy tín vận động dân trong làng ký tên vào bản yêu sách gửi lên Phủ và Tỉnh đòi để dân được cử lý trưởng mới. Sau khi Phủ và Tỉnh giải quyết không thỏa đáng, đồng bào đã đưa đơn kiện lên tới triều đình Huế. Trong ba năm tranh đấu, dù một số người chủ chốt bị tù đày, nhưng đã hạn chế được nạn chiếm đoạt ruộng đất cũng như sự hạch sách của bọn cường hào đối với nhân dân. Điển hình như ta tẩy chay được Lý Trưởng Ung Tấn Cống, cử được Lý Trưởng Trần Tửng và Phó Lý trưởng Huỳnh Thanh Đạt là những người tiến bộ bênh vực quyền lợi cho dân.

Mặc dù không nhận được chủ trương trực tiếp của trên, nhưng qua sách báo công khai, sự tác động của phong trào cách mạng ở Sài Gòn trong những năm 1936-1939, những người lãnh đạo của Hàm Thuận đã chủ động tổ chức quần chúng đấu tranh công khai hợp pháp, đòi các quyền dân sinh, dân chủ thiết thực hằng ngày đúng với đường hướng, phương thức hoạt động của Đảng ta lúc bấy giờ. Nhờ đó, ta đã tổ chức được nhiều hình thức đấu tranh, trên nhiều lĩnh vực và thu hút được mọi thành phần, tầng lớp công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, thợ thuyền…tham gia mạnh mẽ các hình thức đấu tranh chống địch đòi các quyền dân sinh, dân chủ.

Qua các cuộc đấu tranh sổi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, Tổ Đảng của Hàm Thuận đã tập hợp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và từng bước nâng dần giác ngộ cách mạng cho quần chúng, khôi phục phong trào, xây dựng được đội ngũ cốt cán đông đảo, vững vàng. Những yếu tố trên là điều kiện thuận lợi để phong trào cách mạng tiếp tục phát triển.

Chương hai
KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1941 - 1945).
Vào tháng 5 năm 1939, nhân dịp đồng chí Dương Bạch Mai ở Sài Gòn ra Phan Thiết20, đã phổ biến cho đồng chí Nguyễn Gia Tú biết địch đang khủng bố phong trào trong Nam bộ. Đến tháng 7 năm 1939, đồng chí Tú vào Sài Gòn nắm thêm tình hình và chủ trương mới. Qua tiếp xúc với đồng chí Đinh Nho Khôi, đồng chí Tú biết được chủ trương chung của Đảng ta lúc bấy giờ là vẫn tổ chức các cuộc đấu tranh công khai, nhưng nhiệm vụ chính là nắm chặt cơ sở quần chúng, xắp xếp lại tổ chức để từng bước chuyển dần vào hoạt động bí mật.

Những tháng cuối năm 1939, ở Bình Thuận nói chung và Hàm Thuận nói riêng, địch cũng bắt đầu khủng bố phong trào đấu tranh cách mạng, chúng lần lượt bắt những người hoạt động công khai như ông Tống Ngọc Cang, Huỳnh Văn Dậu. Đầu năm 1940, địch bắt tiếp anh Lê Triều. Trước tình hình đó, các đồng chí chủ chốt ở Hàm Thuận chủ động thu hẹp các hoạt động công khai, chuyển dần vào hoạt động bí mật là chủ yếu. Nhằm tạo thế hoạt động trong hoàn cảnh mới, đồng chí Tú vào làm rẫy ở rừng Tùy Hòa - một khu vực kín đáo thuận tiện trong việc liên lạc với nhiều làng trong phủ Hàm Thuận.

Cùng thời gian ấy, đồng chí Nguyễn Tương bắt được liên lạc với đồng chí Trần Hữu Dực là Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ đang hoạt động ở Ninh Thuận qua đường dây bí mật. Tháng 9 năm 1941, người liên lạc của đồng chí Trần Hữu Dực bị bắt tại Phan Thiết và đã khai báo nên địch bắt nhiều đồng chí lãnh đạo của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận; trong đó có cán bộ, đảng viên của Hàm Thuận như: Nguyễn Tương, Phan Lợi, Trần Hoành, Nguyễn Gia Tú... Sau một thời gian tra tấn, địch đày phần lớn các đồng chí lãnh đạo, cốt cán đến nhà lao Buôn Ma Thuột (tháng 02 năm 1942). Riêng đồng chí Tú thì chúng giam tại nhà lao Phan Thiết 1 năm, rồi đày đi an trí ở Ly Hy- Thừa Thiên (1943-1945). Gần bốn năm (1941-1944), tuy phong trào cách mạng ở Hàm Thuận gặp nhiều khó khăn, nhưng ta vẫn tiếp tục duy trì được một số hoạt động hợp pháp trong các tổ chức hội Bóng đá và hội Truyền bá chữ quốc ngữ…

Những năm 1943-1945, một số người có tài sản, thế lực và hương lý, ở Hàm Thuận vay tiền của Nhà băng (ngân hàng), ký hợp đồng với Nhật, đứng ra làm cai thầu, ép dân trồng bông, thầu dầu, khế tây (tương tự cây đay). Hàng trăm ha rẫy mì, đậu, dưa của dân từ Tú Luông, Kim Thạnh đến Long Thạnh, Thạnh An bị thay bằng những cây công nghiệp phục vụ lợi ích cho Nhật. Tham chánh Mười Dần ở Mũi Né, Thợ Mười (mục sư Tin Lành ở Ma Lâm)... là những đại diện của Nhật bao thầu: bông, thầu dầu, đậu, mè, gỗ, dầu rái, mật ong... Đồng thời với việc đề cao thuyết Đại Đông Á của Nhật, chúng tung ra nhiều sách báo, tranh ảnh phô trương lực lượng hùng hậu của Thiên Hoàng. Vơ vét kinh tế, giặc Nhật còn khẩn trương xây dựng những cơ sở về chính trị, quân sự. Chúng lập sở Ma-ta-chi21 ở Long Thạnh và Thạnh An, bắt phu đào công sự ở Ma Lâm, đóng quân ở nhà thờ Kim Ngọc. Bọn Nhật không những đã khống chế, lôi kéo được một số hội tề, mật thám của Pháp như tri phủ Nguyễn Tương, Nga (ở Tân Xuân), Tư Chạy (ở Mũi Né), Ngư (ở Xa Ra)... mà còn nhanh chóng tạo thêm một lớp tay sai mới như: Nguyễn Duy Động, Trần Ngọc Toại, Nguyễn Văn Bảy... Số này nhanh chóng chuyển sang học tiếng Nhật để làm thông ngôn và rình rập, theo dõi nhân dân

Nhiều xã có phong trào chống bắt sưu, bắt lính. Năm 1943, thanh niên Long Thạnh lập được hội “Đồng Tâm” chống Nhật. Hội này đã bố trí hai ông Nguyễn Quang Khai và Nguyễn Vĩnh Lại, dùng búa đánh lý trưởng và hương bổn khi chúng rình bắt nhóm thanh niên đang khai Hội. Nhân dân Long Thạnh còn kiện hội tề bớt xén tiền của nhân dân qua hợp đồng trồng thầu dầu cho Nhật. Nhân đó Pháp đã bắt số hội tề thân Nhật ở Long Thạnh cầm tù. Thắng lợi ấy đã gây tiếng vang trong Phủ, đồng bào thêm tin tưởng và đấu tranh mạnh mẽ hơn.

Cuối năm 1943, tổ chức Mặt trận Việt Minh từ Phan Thiết phát triển dần lên Hàm Thuận. Bằng cách giả dạng người mua bông, bán lụa, thợ may..., các ông Lưu Minh Kim, Lưu Minh Tâm (Ba Trò), Nguyễn Kim Bồng (Châu) lên Hàm Thuận tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, xây dựng cơ sở. Sau một thời gian hoạt động các ông đã móc nối được với một số cốt cán, hội viên cũ ở Hàm Thuận như: Tiếu Nghi, Phạm Mùi, Ngô Mân, Ngô Thí, Dương Hữu Nam... Từ đó các nhóm Việt Minh phát triển nhanh chóng, tập hợp lại nhiều cơ sở quần chúng. Riêng nhóm của ông Nguyễn Kim Bồng ở trong Hội Phật học nên có điều kiện nắm số phật tử tiến bộ như Nguyễn Trực, trong đó có cả một số công chức của địch như các ông Phan Bá, Thừa Bích (Bảo Toàn)...

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (09-3-1945), các đồng chí đảng viên Cộng Sản của Hàm Thuận cùng những đồng chí khác thoát khỏi nhà tù về địa phương hoạt động. Tháng 4 năm 1945, đồng chí Nguyễn Gia Tú từ trại tập trung Ly Hy (Thừa Thiên) trở về Hàm Thuận đã tìm cách móc nối, tập hợp lại cơ sở cũ để thành lập các tổ Việt Minh. Tiếp đó, các đồng chí Nguyễn Tương, Nguyễn Sắc Kim, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Chúc, Thái Hựu... từ nhà lao Buôn Ma Thuột lần lượt về đến Bình Thuận và thành lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Bình Thuận. Tập thể phân công đồng chí Nguyễn Tương, thành viên trong Ban lãnh đạo khởi nghĩa, trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức lực lượng và lãnh đạo giành chính quyền ở Hàm Thuận. Đến tháng 5 năm 1945, nhiều vùng trong phủ Hàm Thuận từ Phú Hội, Phong Nẫm đến Bình Lâm, Ma Lâm; từ Mũi Né đến Phú Long, Kim Ngọc, Tùy Hòa, Long Thạnh ... đều có cơ sở của Mặt trận Việt Minh. Để chuẩn bị giành chính quyền theo tinh thần của Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (Chỉ thị của Ban thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12-3-1945), lúc bấy giờ nhiều tổ chức đảng phái cũng nhảy ra tranh giành ảnh hưởng về chính trị, nắm quần chúng như: hội Yêu nước phụng sự quốc gia do Trương Gia Kỳ Sanh lãnh đạo; nhóm Tân Việt Nam do Trần Mỹ Hải cầm đầu. Nhân chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố độc lập và ban hành các quyền tự do dân chủ, một số thanh niên trong tổ chức thanh niên Tiền Tiến (thanh niên Phan Anh) cũng đi rêu rao rùm beng về thuyết Đại Đông Á. Nhưng đông đảo cơ sở quần chúng của Mặt trận Việt Minh có từ trước đều vững vàng và hoạt động sôi nổi, không những nắm được nhiều quần chúng mà còn lôi kéo cả phần lớn thanh niên tiến bộ trong tổ chức Thanh niên Tiên tiến ở Hàm Thuận tham gia.

Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1945, ta liên tục tổ chức các buổi họp nhỏ và tuyên truyền phổ biến về tình hình thế giới, phân tích tình hình trong nước, vạch trần nhản hiệu “độc lập giả hiệu” của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và kêu gọi nhân dân đòi tự do hội họp, tự do ngôn luận, gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, vào các Hội Cứu quốc. Với danh nghĩa là cán bộ Việt Minh tỉnh, các đồng chí Nguyễn Tương, Cổ Văn An cùng cốt cán của Hàm Thuận về tận cơ sở tổ chức các nhóm Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Đến giữa tháng 8 năm 1945, khắp phủ Hàm Thuận từ Tân Xuân đến Ma Lâm, từ Mũi Né đến Long Thạnh đều có tổ chức Mặt trận Việt Minh và đoàn thể Cứu quốc.

Khi quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (ngày 15-8-1945), bộ máy tay sai của chúng ở Phan Thiết, Hàm Thuận đều hoang mang, rệu rã… đây là điều kiện thuận lợi thêm cho ta hoạt động. Trong những ngày giữa tháng 8 năm 1945, cùng với khí thế khởi nghĩa chung cả nước, toàn thể hội viên Cứu Quốc ở Hàm Thuận rãi tuyền đơn, dán khẩu hiệu, treo băng rôn kêu gọi toàn dân giành chính quyền.

Phủ lỵ Hàm Thuận nằm trong địa bàn của Phan Thiết, nên vào sáng ngày 24 tháng 8 năm 1945, sau khi các đại biểu của Việt Minh tỉnh như Nguyễn Tương và Nguyễn Nhơn gặp Tỉnh trưởng ngụy quyền là Tuần vũ Huỳnh Dư để tiếp quản các công sở như: đồn Bảo an, Kho bạc, Bưu điện, Nhà máy đèn, Nhà lao... thì bộ máy chính quyền ngụy ở phủ Hàm Thuận cũng tự tan rã. Do đó phủ Hàm Thuận đã giành chính quyền cùng ngày với tỉnh ngày 24-8-1945. Chiều hôm đó, nhân dân từng làng tổ chức mít tinh làm áp lực với địch, ủng hộ Việt Minh tỉnh. Suốt đêm ấy, mọi người nhộn nhịp quên ăn, quên ngủ lo chuẩn bị cho cuộc biểu tình kế tiếp.

Cùng với khí thế chung trong toàn tỉnh, rạng sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945, đồng bào Hàm Thuận hàng ngủ chỉnh tề từ các nẻo đường rầm rập tiến về Phan Thiết. Hàng chục ngàn người với giáo, mác, ná, tên, gậy gộc ... hiên ngang tiến bước. Sau những hồi trống thúc giục là tiếng hô khẩu hiệu vang rền: - Đả đảo phát xít Nhật!

- Việt Nam hoàn toàn độc lập!

- Việt Minh muôn năm!...

Riêng đoàn biểu tình ở mảng phía đông Quốc lộ 1, vừa đến đồn G.I (Garder Indigène tức đồn lính khố xanh- khu vực Tỉnh đội ngày nay) thì bị lính Nhật chặn lại gây khó khăn, nhưng trước khí thế áp đảo của quần chúng và cách đấu tranh khôn khéo của ta nên chúng đã nhượng bộ, đoàn người lại nhanh chóng tiến vào sân vận động dự lễ vào chiều ngày 25-8-1945. Sau buổi lễ, dòng người vẫn hàng ngũ chỉnh tề diễu hành vòng quanh Phan Thiết trước khi về lại các xã.

Những ngày sau, bộ máy tay sai từ Phủ, Tổng đến Xã lần lượt ra trình diện, giao nộp hồ sơ, đồng triện (con dấu) cho chính quyền cách mạng. Ở Đại Nẫm, đồng chí Phan Lợi, cán bộ Việt Minh xã đã ném Đồng Triện xuống Bàu Sen trước nhà làng như chôn vùi chế độ bạo tàn tận bùn sâu. Các nhà làng trong Phủ trở thành nơi hội họp của nhân dân. Ủy Ban Nhân Dân Cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh từng xã làm mít tinh, tuyên bố trước đồng bào: “Giải tán hội tề, xóa nợ, bỏ thuế”. Tiếp đó, sau ngày 02 tháng 9 năm 1945, từng làng lại tưng bừng tổ chức mít tinh chào mừng ngày đất nước độc lập và phổ biến bản Tuyên ngôn độc lập.

Qua 15 năm hoạt động, phong trào cách mạng ở Hàm Thuận khi âm ỉ; những năm 1931, 1936-1939 sôi động, từ ấy đã tạo nên những hạt giống tốt, lãnh đạo quần chúng trong cao trào khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công là thành quả của 15 năm bền bỉ đấu tranh và cũng là cơ sở, vốn quí giúp cán bộ và nhân dân Hàm Thuận tiếp tục hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.



Phần thứ ba

ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HÀM THUẬN

KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

(02/9/1945 – 9/1954)
Chương một
HÀM THUẬN NHỮNG NĂM ĐẦU XÂY DỰNG VÀ KHÁNG CHIẾN

(9/1945 - 12/1947)



tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương