ĐẢng cộng sản việt nam


I/ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (9/1945 - 01/1946)



tải về 1.81 Mb.
trang3/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

I/ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (9/1945 - 01/1946)


Sau Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng các cấp của Hàm Thuận tiếp tục được thành lập và kiện toàn. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Hàm Thuận do đồng chí Nguyễn Gia Tú làm Chủ tịch và có các Ủy viên phụ trách các ngành. Ban chấp hành Mặt trận Việt Minh lâm thời Phủ được củng cố và chính thức ra công khai, do ông Nguyễn Hữu Hạnh làm Chủ nhiệm. Mỗi Tổng đều có từ 1 đến 3 cán bộ Việt Minh phụ trách 22.

Ngay sau đó, Mặt trận Việt Minh và Ủy ban nhân Cách mạng Lâm thời Phủ phân công cán bộ xuống cơ sở củng cố Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc và thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời các xã. Mặt trận Việt Minh vẫn tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo, đảm nhiệm mọi công tác, đồng thời thu hút đông đảo các thành phần, giai cấp (cả tầng lớp trên) vào các đoàn thể. Sinh hoạt sôi nổi nhất là hai giới Phụ nữ và Thanh niên.

Giữa lúc nhân dân Hàm Thuận đang hăng hái ra sức xây dựng quê hương, thì được tin thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn trong Nam bộ, điều đó càng thôi thúc mọi người quyết tâm thực hiện chủ trương: vũ trang hóa toàn dân của Đảng. Ngày lẫn đêm, các lò rèn, trại mộc khẩn trương làm giáo, mác, dao găm, ná, tên... trang bị cho tự vệ. Nam nữ thanh niên, nông dân khoẻ đều trở thành chiến sĩ, mỗi xóm hình thành một đội tự vệ khoảng vài mươi người. Với tất cả lòng tự hào, đội ngũ tự vệ say sưa luyện tập quân sự. Hàng ngày tại các nhà làng sau hồi trống mõ báo hiệu là có mặt đông đủ thanh niên, hàng ngũ chỉnh tề, từ các điểm tập vang dậy tiếng hô một, hai... và tiếng bước chân rầm rập. Mỗi tự vệ luôn mang sẵn bên mình dây, gậy hoặc dao găm, đầy niềm tự hào, phấn khởi quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng. Ở một số làng còn có cả tự vệ và cán bộ chỉ huy nữ. Những cô gái đôi mươi nhanh chóng cũng trở thành cán bộ chỉ huy - tóc cắt ngắn, quần áo gọn gàng hướng dẫn nam, nữ thanh niên luyện tập, canh gác như: chị Mười Thủ ở Ma Lâm, chị Mười Xuyến ở Kim Ngọc, chị Năm Bá ở Tùy Hòa. Một trong những đội nữ tự vệ xông xáo là trung đội xã Long Thạnh do chị Nguyễn Thị Đào làm trung đội trưởng. Các cô gọn gàng trong bộ quân phục (áo sơ mi, quần túm ống, dây vải buộc thắt lưng), mái tóc cắt ngắn nằm gọn trong chiếc nón lát to vành. Ngoài việc tập luyện quân sự, báo động giả, canh gác, bảo vệ an ninh trật tự cả ngày lẫn đêm, các chị còn liên lạc, phục vụ hậu cần cho trại giam của tỉnh ở sở Ma-ta-chi cũ.

Chính quyền cách mạng phủ Hàm Thuận vừa mới ra đời đã cùng với các đoàn thể, Mặt trận Việt Minh và tỉnh họp nhân dân xử tội một số Việt gian như tên Nga tại sân vận động làng Tân Xuân, tên Ngư tại xã Vĩnh Hòa. Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể vận động nhiều người thuộc tầng lớp trên tiến bộ, tham gia công tác.

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Hàm Thuận tự giác tham gia mạnh mẽ 3 phong trào: chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm; hưởng ứng mạnh mẽ tuần lễ vàng, tuần lễ đồng, hủ gạo nuôi quân…Trong đợt hưởng ứng tuần lễ vàng từ ngày 17 đến ngày 24 /9/1945, sau khi nghe các Ban vận động tuần lễ vàng và đoàn thể giải thích, cán bộ, đồng bào đều quyên góp, ủng hộ bằng tất cả tấm lòng tự nguyện. Ai không có vàng thì góp lúa hoặc tiền. Xã nào cũng có những hình ảnh đẹp: Má Dương Thị Lâu ở Đại Nẫm hiến trọn bộ nút áo dài bằng vàng; má Xếp ở Dân An ủng hộ 5 chỉ; đặc biệt chị Mười Rỗ ở Rạng đã hiến đôi bông tai ngày cưới và còn động viên con gái hiến thêm sợi dây chuyền. Bà Nguyễn Thị Dậu ở Mỹ Thạnh hiến 1 bộ nút áo và 1 đôi bông tai vàng; má Nguyễn Thị Mậu ở Tân Xuân; má Trần Thị Mười ở Dân Thạnh đã tự nguyện hiến đôi bông tai ngày cưới... Nhờ tinh thần tất cả cho độc lập - tự do, đồng bào Hàm Thuận đã góp phần nhiều nhất so với các huyện, trong tổng số khoảng 30 kg vàng của toàn tỉnh quyên góp được. Tiếp đó là hưởng ứng mạnh mẻ tuần lễ đồng, nhiều người đã ủng hộ đôi chân đèn đồng, mâm thau, nồi đồng, những vật kỷ niệm quý trong nhà để cách mạng làm vũ khí.

Tình nghĩa, trách nhiệm với hàng triệu đồng bào miền Bắc ruột thịt đang đói rét, nên ngoài phần tự túc, nhân dân Hàm Thuận còn ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tổ chức hủ gạo đồng tâm, hủ gạo cứu quốc.

Phong trào diệt giặc dốt, xoá nạn mù chữ cũng được đẩy mạnh. Sau khi nghe các đoàn thể nói rõ, mục đích ý nghĩa của việc học chữ Quốc ngữ thì mọi người đều hưởng ứng. Nhà nhà, người người đều tham gia dạy và học. Mỗi học viên tự làm một cây đèn; các miếu thờ, trụ sở cũng được dân sử dụng làm phòng học. Mỗi xóm làng đều có một lớp học từ 20 đến 50 người. Trời vừa chập choạng tối, sau những hồi trống vang lên từ nhà làng thì các học viên đèn sách đến lớp, có cả những cụ già tóc bạc. Nhiều gia đình cũng trở thành một lớp học, em học anh, vợ học chồng, có người lẩm nhẫm đánh vần, nhắc nhau trong lúc đang lao động sản xuất. Đêm đêm các lớp học đều tập trung hầu hết các thành phần thanh, thiếu niên, già trẻ, trai gái đông vui, phấn khởi.

Vào giữa tháng 11 năm 1945, một số lính Nhật từ Sài Gòn ra, chúng đưa yêu sách đòi ta giao lại một số vị trí để chúng bàn giao lại cho Đồng minh. Đây là âm mưu của Anh- Pháp, muốn Nhật trở lại các vị trí trước đây. Việt Minh tỉnh bác bỏ yêu sách đồng thời công bố lệnh sẵn sàng đánh Nhật. Các cơ quan tỉnh từ Phan Thiết ra đóng dọc Liên tỉnh lộ 8 - từ Xuân Phong đến Bình Lâm; cơ quan của phủ Hàm Thuận dời lên Kim Ngọc. Nhân dân Hàm Thuận vừa giúp cơ quan, bộ đội vừa đùm bọc hàng ngàn đồng bào ở Phan Thiết mới tản cư ra. Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 năm 1945, ta và Nhật đánh nhau ở Phan Thiết, tự vệ chiến đấu và nhân dân các làng ven Phan Thiết đã quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men... phục vụ ăn uống, sức khoẻ cho các đơn vị bộ đội. Đồng bào Hàm Thuận đã làm tốt công tác hậu cần tại chỗ.

Đến giữa tháng 12 năm 1945, Nhật rút lui, các cơ quan tỉnh về lại Phan Thiết tổ chức lễ truy điệu cho các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến đấu với Nhật tại vườn hoa 1/6. Đông đảo nhân dân Hàm Thuận về đây tham dự. Riêng phủ Hàm Thuận cũng có cơ quan cũ ở Phan Thiết, nhưng các đồng chí lãnh đạo của Phủ nghe tin địch đã đánh mạnh trong Nam bộ và nhận định tình hình còn phức tạp nên không về lại Phan Thiết.

Những ngày cuối năm 1945, đồng bào Hàm Thuận nhộn nhịp xung quanh sự kiện trọng đại, đó là ngày bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Các ban tuyên truyền từ phủ đến xã tích cực giải thích cho cử tri hiểu ý nghĩa, thể lệ bầu cử cũng như danh sách ứng cử viên. Để cử tri lầm tên các ứng cử viên, Ban bầu cử đã xếp các ứng viên trong hai câu đối:

“Tương, Nhung, Quang, Giảng, Trà, Thời, Chất,

Đối, Luận, Đàn, Nga, Đáng, Ngọc, Trình23.”

Vừa hừng sáng ngày 06 tháng 01 năm 1946, các ngã đường làng xóm rộn rịp người đi, ai nấy đều hân hoan trao đổi với nhau về ứng cử viên cần chọn lựa. Đông vui rộn rịp nhất là ở đơn vị bầu cử xã Bình An - quê hương của ứng cử viên Nguyễn Tương, vừa là đơn vị bầu cử của cán bộ trong Phủ. Kết quả bầu cử đúng như lòng mong muốn của nhân dân. Hai ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên là Nguyễn Tương và Huỳnh Tấn Đối. Đồng bào Hàm Thuận càng tự hào về người con thân yêu của quê nhà.

Thành quả của Cách mạng tháng Tám và thành tích trong xây dựng, chính quyền Cách mạng non trẻ, những đóng góp tích cực cho công việc chống giặc đói, giặc dốt và giặc Nhật là cơ sở thử thách ban đầu rất quan trọng để nhân dân Hàm Thuận đứng vững trước bao khó khăn, ác liệt lâu dài.



II/ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, QUYẾT TÂM CHỐNG PHÁP. (31/01/1946 - 31/12/1947)

Giữa lúc nhân dân Hàm Thuận đang chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán đầu tiên trên quê hương vừa giành độc lập (cuối tháng 01 năm 1946), thì những chiếc xe thông tin của tỉnh từ Phan Thiết lên các ngã đường của Hàm Thuận thông báo: Giặc Pháp sắp tấn công Phan Thiết và đọc lệnh tản cư của Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận. Nghe lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, đồng bào Phan Thiết rời bỏ tất cả, chỉ chọn lại những thứ thiết yếu gọn nhẹ và dồn vào chiếc gánh, lần thứ hai tản cư ra các vùng nông thôn Hàm Thuận. Các cơ quan của tỉnh lại sơ tán ra khu vực rừng Già, Rẫy Nổ (xóm Ninh Thuận, Hàm Chính) sau đó chuyển qua Ô Rô. Cơ quan phủ Hàm Thuận chuyển từ Kim Ngọc lên rừng Tùy Hòa. Đề phòng địch chiếm đóng, ta phá những ngôi nhà kiên cố dọc Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 8. Đồng bào Hàm Thuận một lần nữa giúp đỡ hàng ngàn nhân dân Phan Thiết và đùm bọc đồng bào và một số cán bộ từ Đồng Nai Thượng lánh xuống vùng Phú Sơn, Gia Le, Trại Mấu... Quang cảnh đón xuân trở thành những ngày chuẩn bị chiến đấu.

Sau khi chiếm Phan Rang, giặc Pháp tiến vào Phan Thiết, ngang qua địa phận Hàm Thuận vào ngày 31/01/1946 (29 tháng Chạp năm Ất Dậu). Để đánh lừa ta, địch cắm cờ đỏ sao vàng trên chiếc xe dẫn đầu nên một số người bị nhầm, không biết đó là xe của giặc Pháp. Trên đoạn đường từ Long Thạnh đến Tùy Hòa, chúng đã sát hại một số đồng bào. Trưa hôm đó, vừa đến Phú Long, địch gặp một phân đội của Chi đội I, do đồng chí Trần Đình Nộ, Chính trị viên Đại đội I chỉ huy cùng tự vệ Rạng và Phú Long chặn đánh. Sau khi bắn hỏng một xe và diệt được một số tên địch, tương quan lực lượng quá chênh lệch thì bộ đội ta rút quân. Ngay sau đó chúng sục vào xóm (khu vực chợ Phú Long) tàn sát khoảng 30 đồng bào.

Biết lực lượng ta ở vùng Tam Giác, ngày 08 tháng 02 năm 1946 (mùng 7 Tết năm Bính Tuất), ba cánh quân Pháp từ ba hướng: Phan Thiết lên, đường sắt xuống, Phú Hội qua tập kích vào Xóm Mía (thôn Xuân Đài, xã Tân Xuân). Vừa bất ngờ và không cân sức, nên gần hai tiểu đội của Chi đội I bị tổn thất. Tấm gương tiêu biểu trong trận ấy là nữ cứu thương Phan Thị Diệu (quê ở Đức Thắng, Phan Thiết), chị luôn bám trận địa, cứu chữa trị thương binh và đã hy sinh anh dũng. Lũ giặc dã man, điên dại giết chết khoảng 70 đồng bào, có những gia đình bị tàn sát gần hết, như gia đình ông Huỳnh Hoa bị giết 5 người. Chiều hôm ấy, chúng còn quay lại bắn thêm một số người nữa, trong đó có ông Nguyễn Trung Chánh cùng người con trai. Nhân dân Phan Thiết, Hàm Thuận nói chung, đồng bào ở Phú Hội và Tân Xuân nói riêng, không sao quên được tội ác của quân cướp nước. Hằng năm mỗi độ Tết đến Xuân về, đồng bào ở đây đều đốt những nén hương, vừa tưởng niệm người thân vừa khắc - ghi mối thù giặc Pháp.

Sau những trận tàn sát ở Phú Long và Xóm Mía, dù địch không thực hiện được ý đồ tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta, nhưng đã đẩy ta ra xa, tạo thế siết chặt, khống chế những vùng ở xung quanh Phan Thiết, phục vụ âm mưu chiếm đóng lâu dài. Nhân dịp này, bọn tay sai cũ hí hửng ngóc đầu dậy đánh phá cách mạng. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở Hàm Thuận có phần hoang mang; còn lại cán bộ trung kiên tìm cách bắt liên lạc, bám đồng bào, động viên nhau khắc phục khó khăn tiếp tục chiến đấu. Số khác chạy vào vùng địch tạm chiếm sống cầu an, cá biệt có kẻ đầu hàng làm tay sai cho giặc24.

Dù có Hiệp ước Sơ bộ ngày 06-3-1946, nhưng bọn Pháp ở Hàm Thuận vẫn tiếp tục phát triển hệ thống đồn bót, chúng luôn tìm mọi sơ hở để đánh úp, lấn chiếm, tiêu diệt lực lượng ta. Đóng đồn đến đâu, địch bắt lính và lập bộ máy tay sai, tề điệp ở đó để kiểm soát dân. Từ đồn Kim Ngọc, Ma Lâm chúng nống ra đóng đồn ở Phú Long, Lầu Ông Hoàng, Tùy Hòa, Vĩnh Hòa, Trinh Tường, Phú Bình, Phú Hội, Mương Mán, Sông Quao, bót Suối Dầu. Đến cuối năm 1946, địch cơ bản hoàn thành việc đóng các đồn, bót.

Đi đôi với việc đánh phá chính quyền cách mạng, địch ra sức dụ dỗ, cưỡng ép dân làm tề. Ngày 02 tháng 02 năm 1946, khi lùng vào Phong Nẫm, địch bắt ông Giáo Mai đưa về Phan Thiết, dụ ông làm thông ngôn nhưng ông không làm, chúng đã đánh ông đến chết. Ông Phạm Đinh, một nông dân ở làng An Phú cũng bị giặc Pháp ép làm tề, ông không làm, dù địch trói, dùng bàn ủi nóng ủi khắp lưng và người ông cho đến khi tắt thở. Nhân dân An Phú vô cùng cảm phục tấm gương anh dũng của ông. Giữa tháng 5 năm 1946, giặc Pháp bắt đồng chí Lê Trung Lân, phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân Cách mạng Lâm thời xã Tân Xuân, buộc vào hậu thu (dây đai yên ngựa) lôi về đồn cách đó hơn 500 mét và đồng chí Lân đã hy sinh.

Vào tháng 3 năm 1946, để mở đầu cho việc lập các khu tập trung có quy mô lớn, một lần nữa địch huy động lực lượng càn vào vùng Tam Giác, Phong Nẫm, Phú Hội lùa dân về căng Ê-sê-pic. Chúng giam những người bị tình nghi là cán bộ Việt Minh và buộc dân phải vào ở trong vùng chúng kiểm soát. Từ tháng 4 đến tháng 8 năm ấy, địch liên tiếp mở những trận càn vào Phước Môn, Dương Xuân lên đến tận Dân Thạnh, Bàu Trắng tìm diệt bộ đội, đồng bào, uy hiếp tinh thần cán bộ và nhân dân. Ngày 07 tháng 5 năm 1946, ta tuyên bố xóa Hiệp định Sơ bộ địa phương đã ký với Pháp. Ngay trong đêm 08-5-1946, tên Huỳnh Văn Kỷ25dẫn địch đột vào cơ quan bộ của Chi đội I ở Triền, chúng bắt đồng chí Lương Văn Khâm, Chi đội trưởng đưa về Phan Thiết thủ tiêu sau khi tra tấn dụ hàng thất bại. Tiếp đó, ngày 14 tháng 5 năm 1946, địch ném bom vào khu dân cư xã Minh Thành làm chết chị Nguyễn Thị Diên và em Kiều Thị Nuôi.

Để sớm ổn định tình hình sau trận địch càn ở Xóm Mía (Tân Xuân), các đồng chí lãnh đạo của Việt Minh tỉnh và huyện Hàm Thuận phân công nhau xuống xã tổ chức các cuộc mít tinh kêu gọi dân bình tĩnh, từng bước chuẩn bị các mặt tạo thế kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp. Đồng thời chỉ đạo việc xây dựng căn cứ kháng chiến của Hàm Thuận ở rừng Tào Quang, thôn Hòa Minh, xã Tùy Hòa (xã Dân Đồng)- gần nước, gần dân tiện cho việc chỉ đạo. Hưởng ứng chủ trương trên, đồng bào các xã: Tân Xuân, Phú Bình, Bình An, Mỹ Thạnh, Ninh Thuận, Tùy Hòa, Vĩnh Hòa, Tú Luông, Kim Thạnh, Văn Kê, Thạnh Mỹ... rút vào ven rừng tạo thế ăn ở mới. Riêng đồng bào ở Tùy Hòa, Xa Ra đã nhanh chóng lập các thôn kháng chiến Hòa Minh, thôn Hòa Bình ở rừng Tùy Hòa và Giếng Chanh, bảo vệ giúp đỡ cơ quan Phủ. Một số dân của Phan Thiết và các xã thuộc phía Nam Hàm Thuận xây dựng hậu cứ ở Tam Minh (Minh Quang, Minh Cảnh, Minh Thành), trong đó có khu du kích Ba Hòn. Phương thức hoạt động của cán bộ ta lúc này cũng thay đổi, cán bộ công tác ở các xã vùng sâu (vùng địch hậu), phải cải trang len lỏi bám dân để sống và công tác, tài liệu, hành trang gọn gàng để trong một chiếc túi nhỏ may bằng vải (còn gọi là túi nhái). Trong điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn đó, cán bộ càng gần gủi, gắn bó với đồng bào.

Sau cuộc họp của Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Hành chánh tỉnh Bình Thuận ở làng Mỹ Thạnh do hai đồng chí Nguyễn Dân và Nguyễn Gia Tú chủ trì- bàn việc chia huyện thành các khu hành chánh cho phù hợp với tình hình mới. Từ tháng 02 đến tháng 6 năm 1946, ở Hàm Thuận đã làm được một số việc cấp thiết quan trọng như: chuyển đổi Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời phủ thành Ủy ban Hành chánh huyện, và chia huyện thành 6 khu hành chánh, đồng thời ghép các làng, xã nhỏ trong toàn huyện còn 20 xã26. Cuối năm 1946, khi củng cố xong chính quyền ở các xã, ta rút cán bộ khu về huyện.

Bên cạnh việc củng cố chính quyền, ổn định thế ăn ở và đời sống, quân dân Hàm Thuận đã đánh giặc bằng tất cả vũ khí thô sơ, mưu trí và lòng dũng cảm. Vào buổi sáng đầu tháng 3 năm 1946, một tên Pháp nghênh ngang mang súng từ đồn Phú Long xuống Phú Hài, y không thoát khỏi sự theo dõi của đồng bào Thiện Mỹ. Khi phát hiện địch, Tổ trưởng Tổ tự vệ Đào Bá Quyên cùng hai chiến sĩ thống nhất phương án và quyết tâm hành động. Vừa ra tới đường là giáp mặt tên Pháp, đồng chí Quyên nhanh trí dùng mẹo chỉ lên hướng Phú Long nói một câu tiếng Pháp “nhìn kìa” và xông vào ôm choàng khi tên này nhìn ngoái lại sau lưng. Hai ông Trần Mọi (Năm Neo) và Huỳnh Văn Đá (Mười Lắc) liền ập đến tiếp sức, ba người dùng dao chém chết và kéo xác tên giặc chôn vào động cát Phước Môn. Hôm sau huyện cử cán bộ xuống khen ngợi và tiếp nhận khẩu súng trường Anh. Đây là kết quả hoạt động quân sự đầu tiên của nhân dân Hàm Thuận.

Cần súng đánh Tây là một yêu cầu lớn của tự vệ hồi ấy. Thấy bọn Nhật đang sửa chửa cầu Phú Long có súng. Ban an ninh và tự vệ Phú Long trà trộn nắm tình hình. Sau nhiều lần tiếp xúc, phát hiện bọn này ngủ ở nhà bà Đơn thường dựng một khẩu súng gần ngay lỗ vách thủng. Ban an ninh xã liền bàn cách lấy súng và phân công cho một tổ tự vệ, gồm bốn người cùng nhau thực hiện. Hai anh em ông Lương Hợi trực tiếp vào lấy súng, hai người còn lại canh chừng. Đêm hôm ấy (cuối tháng 3/1946), khi tiếp cận mục tiêu, hai người đứng ngoài canh chừng cho ông Hợi thò tay vào lỗ vách hỏng nắm được bá súng, nhưng nhấc lên không nỗi. Sau vài phút bàn tính, hai anh em ông khoét lỗ vách rộng hơn. Đêm đã về khuya, thời gian chậm chạp nặng nề trôi qua, tiếng ngáy đều đều của bọn lính Nhật làm cho hai ông yên lòng. Ông Hợi nằm úp trườn vào, đầu đụng tên Nhật, nhưng với tay không tới khẩu súng; Ông đành lui ra định bỏ đi, nhưng luyến tiếc lại quay vào, trườn ở thế nằm ngửa. Lần này ông cong người chụp được khẩu súng và hai bao đạn đưa ra ngoài. Ông Quang cầm được súng mừng quá đi ngay, quên cả người anh còn ở lại trong nhà. Định quay ra, ông Hợi lại sờ đụng khẩu súng thứ hai, quên cả hiểm nguy, ông lấy tiếp đưa ra lỗ vách, nhưng không còn người em tiếp ứng. Ông quyết định phải thoát thân bằng cửa hông, nhưng vừa bước đi ông lại đụng khẩu thứ ba, thế là ông Hợi mang gọn hai khẩu súng đưa ra an toàn. Nhờ đó tự vệ Phú Long có 3 khẩu súng tập luyện và sau đó chuyển giao cho huyện.

Trên liên Tỉnh lộ 8, vào ngày chủ nhật hàng tuần hàng tuần thường có một tốp lính người Chăm từ Phan Thiết lên Bình An, Mỹ Thạnh vào xóm cướp phá. Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh xã Bình An, lau chùi lại 5 khẩu súng khai hậu đã giấu từ trước và bàn kế hoạch trừng trị bọn này. Đội tự vệ xã Tân Hòa do đồng chí Nguyễn Hữu Dụng phụ trách, hoạt động rất hăng hái.

Đúng vào ngày Chủ nhật (đầu tháng 4/1946) như thường lệ, 7 tên lính Thổ xuống xe ngựa háo hức vào Bình An. Bốn tên sục sạo một lát rồi ra về, còn lại ba tên đi sâu vào xóm Ninh Thuận, Mỹ Thạnh. Giữa trưa hè nóng gắt, đợi đến lúc ba tên giặc quay về đến đồng ruộng Cây Trôm (Bình An), Tự vệ ta nổ súng. Bị đánh bất ngờ và hốt hoảng trước tiếng la inh ỏi của đông đảo nhân dân, nhất là lực lượng tự vệ lại có giáo, mác… chúng bắn loạn xạ một hồi hết đạn cắm đầu chạy. Nhưng không sao thoát khỏi vòng vây, một tên ngã gục tại chỗ dưới chiếc mã tấu của đồng chí Huỳnh Phú Đa. Đuổi đến Suối Chùa, đồng chí Nguyễn Hữu Dụng bắn gục tên thứ hai. Còn tên chạy ra gần đến Đường 8, thì cũng đúng vào lúc ông Huỳnh Văn Thái, một nông dân, có võ thuật đã vượt lên tóm cổ. Nhân dân ở đây đã thu được ba khẩu súng trường Anh. Ngay đêm ấy, đồng bào chôn xác ba tên giặc trong lòng Suối Cát xoá sạch dấu vết. Sáng hôm sau, địch ở Phan Thiết lên tìm. Đồng bào chỉ trả lời: không biết, không nghe, không thấy... Từ đó trở về sau bọn giặc ít dám đi lẻ vào vùng này hà hiếp nhân dân.

Nhà thờ Rạng nằm sát đồn, gần đường, lại vừa cao, nơi nhiều người trông thấy, nên chính quyền xã Quang Cảnh giao cho đồng chí Nguyễn Quang Phước (Tư Làm) - Trung đội Trưởng Du kích xã, tìm cách treo cờ lên nóc nhà thờ nhằm gây ảnh hưởng và thanh thế của cách mạng. Một ngày tháng 4/1946, trời sắp về chiều, cả trung đội du kích xã đột nhập ém quân quanh khu nhà thờ. Đồng chí Phước vốn là thợ hái dừa, cùng hai chiến sĩ vừa giữ thang cho nhau, mang lá cờ buộc sẵn trong cây tre tầm vông leo lên đỉnh cây thánh giá rồi dùng dây cước buộc chặt cán cờ vào cây thánh giá. Lá cờ đỏ sao vàng rộng gần 2 mét vuông, bay cao phần phật, nổi hẳn lên nền ngọn dừa xanh, hiên ngang ngạo nghễ. Không sao lấy được, bọn giặc phải bắn rất nhiều đạn mới phá được lá cờ. Tinh thần dũng cảm và mưu trí của các chiến sĩ du kích ở Rạng càng được nhân dân mến phục.

Vào một buổi chiều mùa Đông năm 1946, khi phát hiện một lính Pháp đi lạc vào xóm đồng Ông Căn, ông Đặng Ngọc Thọ, cán bộ Nông dân cứu quốc xã Xuân Bình hô hào đồng bào trong xóm vây đánh. Tên lính Pháp chỉ có một quả lựu đạn nên vô cùng hốt hoảng trước tiếng la áp đảo và cuốc chỉa của đoàn người mỗi lúc một đông. Khi nó ném lựu đạn thì anh Đặng Ngọc Quý (Năm Ban) cầm chỉa xông sát vào người hắn, nên quả lựu đạn nổ chệch sau lưng anh. Trong lúc anh Quý và tên Pháp đang giành giật cây chỉa, thì mọi người ập vào đánh chết tên xâm lược và chôn nó vào lòng suối.

Từ cuối năm 1945 trở đi, ở Hàm Thuận đã có nhiều lực lượng vũ trang lần lượt đến đứng chân và dìu dắt phong trào du kích chiến tranh của huyện phát triển. Bên cạnh bộ đội chủ lực (ngoài Bắc vào, trong Nam bộ ra) còn có Công an tỉnh, Công an xung phong và Danh dự đội của thị xã Phan Thiết. Ngày 25 tháng 6 năm 1946, Chi đội I Giải phóng quân được sáp nhập để thành lập Trung đoàn 82. Đây là bộ đội chủ lực gắn bó và giúp đỡ quân dân Hàm Thuận nhiều mặt trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngoài các lực lượng nêu trên, phải kể đến một lực lượng đặc biệt gắn bó mật thiết nhất ngay từ đầu với quân dân Hàm Thuận, đó là Tự vệ chiến đấu tỉnh. Trước tình hình đánh phá ác liệt của quân Pháp, Tự vệ của các xã tổn thất và gặp khó khăn về mọi mặt, trên cơ sở quyết chiến, quyết thắng và quan điểm bạo lực cách mạng, cùng với uy tín là đảng viên Cộng Sản vừa là đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Tương chủ động tập hợp những chiến sĩ tự vệ tiêu biểu ở một số xã của Hàm Thuận, thành lập Tự vệ chiến đấu tỉnh, nhân dân thường gọi là: “Tự vệ ông Tương”. Tự vệ ông Tương ra đời và phát huy đúng lúc, đã kịp thời góp phần bảo vệ và phát triển thực lực cách mạng ở Hàm Thuận, dìu dắt tự vệ các xã, bước đầu chặn bớt sự lộng hành của địch, tạo lòng tin cho đồng bào.

Tháng 6 năm 1946, đội Tự vệ ông Tương vừa mới ra đời đã lập công ngay trận đầu. Khi đơn vị đang tập luyện tại đồi cát trên bàu Tâm Lang xã Dân Thạnh, thì được tin báo có giặc Pháp đang vào xóm bắt gà. Một trung đội được phân công chuyển quân vây đánh. Địch bất ngờ nên bị Tự vệ ta diệt 4 tên, số còn lại tháo chạy.

Sau quá trình chuẩn bị, cuối tháng 7 năm 1946, lực lượng Tự vệ chiến đấu tỉnh phối hợp với tự vệ các xã vùng lân cận, do đồng chí Nguyễn Tương trực tiếp chỉ huy, tập kích đồn Tùy Hòa. Dầu lửa, diêm quẹt, mồi đốt đã được chuẩn bị chu đáo, nhưng đêm ấy trời mưa quá to nên phát hỏa không cháy. Tuy ta chưa diệt được đồn, song đây là trận công đồn đầu tiên trên chiến trường Hàm Thuận.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Tương lại huy động tự vệ các xã: Quang Cảnh, Dân Thạnh, Dân Đồng... cùng lực lượng của mình phục kích tại Rừng Rít (xã Quang Cảnh). Giữa trưa nắng, cát nóng, quân Pháp đi càn từ Ô Rô quay về vừa mệt, vừa bị bất ngờ nên bị ta tiêu diệt và gây thương vong khoảng 10 tên.

Lực lượng chiến đấu Tỉnh ra đời, lớn lên nhanh chóng, dù chỉ tồn tại vỏn vẹn trong vòng một năm (từ giữa năm 1946 đến giữa năm 1947), nhưng đã đánh được nhiều trận trên khắp địa bàn Hàm Thuận (Dân Thạnh, Tùy Hòa, Cóc Chua, Đá Ông Địa, Động Bà Hòe, An Phú, Ninh Thuận, Bình Lâm, Núi Rễ...) Tự vệ ông Tương đã đánh giặc, giữ làng, bảo vệ dân; là chỗ dựa tin cậy của dân quân, tự vệ và đồng bào Hàm Thuận trong những ngày đầu đánh Pháp gay go, ác liệt nhất. Lực lượng này vừa tập cho tự vệ các xã về cách đánh du kích vừa củng cố lực lượng... Đội Tự vệ do đồng chí Tương thành lập cũng chính là tiền thân của Lực lượng vũ trang huyện Hàm Thuận.

Cùng với những trận đánh của các lực lượng tự vệ, Trung đoàn 82 của tỉnh cũng đánh một số trận vừa trừng trị địch vi phạm “Hiệp ước Sơ bộ ngày 06-3-1946”, vừa buộc địch phải thi hành “Tạm ước 14-9-1946”, vừa tạo đà cho nhân dân Hàm Thuận gầy dựng phong trào chiến tranh du kích.

Ngày 26 tháng 6 năm 1946, một trung đội địch hổn hợp gồm lính Pháp và lính Ngụy dùng hai thuyền buồm từ Mũi Né lên Bình Thiện. Vừa mờ sáng, chúng đã đổ bộ lên bờ càn quét, đốt phá, hãm hiếp… Đến khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, bọn địch rút về ngang qua Hòn Nghề (xã Hòa Thắng ngày nay) thì lọt vào ổ phục kích của Đại đội 3 (Quang Trung) thuộc Trung đoàn 82. Chờ địch đang trong tư thế trèo lên thuyền, quân ta nổ súng, diệt tại chỗ 13 tên và thu 7 súng trong đó có 2 trung liên (Bờ Ren) và 1 phóng lựu (Mọt ta 50). Số còn lại quay lên bờ chạy thục mạng về Mũi Né.

Ngày 16 tháng 10 năm 1946, được dân ở Rẫy Thơm (Tùy Hòa) cung cấp tình hình và sự phối hợp chặt chẽ của tự vệ xã, Đại đội 3 phục kích tại giồng Rẫy Thơm. Đúng như dự kiến, vừa sáng, một trung đội Pháp từ đồn Tùy Hòa vào Giếng Triền, bị lực lương tự vệ nổ súng nên chúng quay về. Ra đến Rẫy Thơm địch lọt vào ổ phục kích, quân ta làm chủ trận địa xông lên siết chặt vòng vây. Sau 90 phút đánh nhau quyết liệt, ta diệt tại chỗ 18 tên lính Pháp, thu một số quân trang, quân dụng. Đây là chiến công lớn đầu tiên nhờ sự phối hợp giữa bộ đội chủ lực với tự vệ và đồng bào, thể hiện rõ nét tính chất du kích chiến tranh nhân dân.

Nhằm ngăn chặn phong trào nhân dân du kích chiến tranh vừa chớm nở, thực dân Pháp liên tục củng cố bộ máy tay sai từ phủ đến xã. Những nơi có điều kiện thì bên cạnh tên đồn trưởng địch lập thêm chức Bang tá để kiểm soát về mặt hành chánh, ở Ma Lâm có bang tá Thập Bàng, ở Xóm Lụa có Tôn Thất Trì, ở Mũi Né có Phan Lý Ngư, đồn Kim Ngọc có bang tá Chuân, đồn Tân Nông có tên phủ Nốt rồi sau đó là bang tá Độ… Dựa vào thế lực của Pháp, bọn tay sai ở làng, xã ép buộc dân phải làm giấy thông hành.

Trước tình hình ấy, chính quyền huyện Hàm Thuận kịp thời tổ chức một đợt trừ gian, diệt tề phá thế kềm của địch. Cuối năm 1946, Công an di động, tự vệ các xã, Danh dự đội và bộ đội chủ lực tỉnh phối hợp bắt giáo dục và diệt một số tề ác ôn. Ở Khu II ta tiến hành quyết liệt nhất. Những tên cộng tác đắc lực cho Pháp ở các xã: Dân Hòa, Tân Thành (Phú Long), Lại An đều bị trừng trị thích đáng. Bọn tề điệp còn lại hoang mang chùn bước, đồng bào có điều kiện đi lại sản xuất, tiếp xúc với cách mạng; bước đầu đã làm vô hiệu hóa âm mưu lập tề, dồn dân lập khu tập trung của địch.

Cuối năm 1946, các đoàn thể đều tiến hành củng cố, Hội Phụ nữ huyện tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Rẫy Nổ, bầu đồng chí Lâm Thị Xuân Mai làm Bí thư. Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc huyện do đồng chí Lê Bá Đài tiếp tục làm Bí thư. Ban Chấp hành Nông dân Cứu quốc gồm các đồng chí: Đỗ Hữu Diệm, Trần Hữu Đáng, Nguyễn Phan.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, thực hiện chủ trương tuyên bố giải tán Đảng (thực chất là Đảng ta rút vào hoạt động bí mật), cơ quan Đảng gọi là cơ quan Các Mác (cơ quan Các Mác huyện, cơ quan Các Mác xã), tổ chức chi bộ Đảng gọi là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Một số cốt cán từ các tổ nghiên cứu Chủ nghĩa Mác lần lượt được kết nạp vào Đảng Cộng sản, đến tháng 11 năm 1946, toàn huyện Hàm Thuận mới hình thành được 3 chi bộ đầu tiên của huyện: Chi bộ cơ quan Các Mác Huyện do đồng chí Tiếu Nghi làm Bí thư; chi bộ xã Đồng Tiến do đồng chí Nguyễn Thanh Long làm Bí thư; chi bộ ghép của các làng Phú Hòa, Đại Nẫm do đồng chí Trần Như Khuôn làm Bí thư. Năm 1947, hình thành thêm một số chi bộ ở các xã: Xuân Bình, Khánh Long, Dân Đồng, Dân Thạnh, An Lương, Dân Tiến, Tân Thành… Từ đó sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường sâu sát hơn đối với phong trào toàn huyện.

Lãnh đạo của Hàm Thuận sớm quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ đầu năm 1947, sau khi đồng chí Tiếu Nghi đi dự lớp tập huấn đầu tiên ở tỉnh về, huyện Hàm Thuận kịp thời triển khai cho cán bộ chủ chốt học các nội dung: tình hình thế giới và trong nước, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, Chỉ thị Toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng, sự tu dưỡng của người Cộng Sản và cán bộ cách mạng, các chính sách và công tác kháng chiến. Triển khai các chủ trương trên, đặc biệt là thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, quân dân Hàm Thuận đã đưa cuộc kháng chiến phát triển toàn diện trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… Đầu năm 1947, bên cạnh Ủy ban Hành chánh còn hình thành thêm Ủy ban kháng chiến, do đồng chí Nguyễn Gia Tú vừa phụ trách công tác Đảng vừa kiêm Chủ tịch. Thực hiện chủ trương của trên, tháng 7 năm ấy, Hàm Thuận sáp nhập hai tổ chức trên thành Ủy ban Kháng chiến hành chánh, đồng chí Vũ Thanh Tùng làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện.

Khoảng tháng 9 năm 1947, đồng chí Tú chuyển về tỉnh công tác, đồng chí Phan Tấn Trình được tỉnh điều từ huyện Phan Lý về làm Bí thư Ban cán sự huyện Hàm Thuận. Cuộc kháng chiến ngày càng diễn ra khốc liệt. Đảng viên và tổ chức đảng ở Hàm Thuận ngày càng phát triển mạnh mẽ đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng thống nhất, tập trung lãnh đạo phong trào cách mạng. Trước yêu cầu đoì hỏi của lịch sử, ngày 05 tháng 12 năm 1947, tại Rẫy Thơm- Tùy Hòa (Hàm Đức), đồng chí Nguyễn Đức Dương chủ trì Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Hàm Thuận. Hội nghị bầu đồng chí Phan Tấn Trình làm Bí thư Huyện ủy. Lúc này Hàm Thuận chính thức có Đảng bộ và cơ quan Huyện ủy.

Hội nghị đề ra 3 nhiệm vụ lớn trong công tác xây dựng Đảng:

- Phát triển đảng viên mới, tiếp tục thành lập tổ chức cơ sở Đảng.

- Giáo dục chủ nghĩa Cộng sản sơ đẳng phổ thông cho cán bộ, đảng viên.

- Biên soạn, phát hành sổ tay công tác Đảng ở cấp xã.

Yêu cầu của cuộc kháng chiến phải thu hút mọi tầng lớp nhân dân còn đứng ngoài tổ chức Mặt trận Việt Minh, nên Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam huyện được thành lập, đồng chí Nguyễn Thị Ân làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh. Ông Phạm Hoài Xuân (Thuật Chi) làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam huyện. Hội Mẹ chiến sĩ ở các xã cũng lần lượt được hình thành. Riêng Công đoàn hỏa xa cũng thành lập được 2 tổ ở Phú Hội và Mương Mán. Sau khi củng cố, hội Nông dân Cứu quốc huyện đã kịp thời mở lớp ở Xóm Cát (Dân Thạnh) tập huấn cho cán bộ Nông dân Cứu quốc ở các xã về chính sách giải quyết công điền, công thổ. Nhiều xã như: Dân Đồng, Dân Thạnh, Tân Thành, Xuân Bình, Đồng Tiến... đã triển khai sớm việc tạm cấp ruộng đất, thu đảm phụ kháng chiến, xây dựng ngân sách xã. Qua đó nhân dân phấn khởi càng hăng hái sản xuất và đánh giặc.

Cũng trong năm 1947, nhiều ban, ngành của huyện được ra đời và củng cố. Phòng văn hóa, thông tin; Đoàn văn nghệ Đuốc Sống của huyện, do đồng chí Nguyễn Văn Chu phụ trách đã phục vụ tốt công tác tuyên truyền và làm nòng cốt cho phong trào văn hóa văn nghệ. Phòng Bình dân học vụ do đồng chí Nguyễn Thiện Chính phụ trách, chăm lo công tác bình dân học vụ. Phòng Dân y huyện, do đồng chí Lê Long Minh (Kỳ) làm Trưởng phòng theo dõi phong trào vệ sinh phòng bệnh27 và bồi dưỡng xây dựng lực lượng y tá cứu thương cho các xã. Cung cấp kịp thời tin tức, tình hình phục vụ công tác chỉ đạo hồi ấy giữ vai trò rất quan trọng nên Huyện ủy sớm lập Ban liên lạc do đồng chí Nguyễn Thanh Hiệp (Mười Thừa) phụ trách. Đồng chí Hiệp là một cán bộ giao liên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: nhiều lần một mình băng rừng bảy ngày đêm liền từ Dân An đến Minh Thành. Với thành tích trên, cuối năm 1947, đồng chí được Khu ủy khu V biểu dương thành tích xuất sắc.

Về phía địch, ngoài việc đóng thêm đồn bót, bắt lính, lập tề, trong năm 1947 chúng còn liên tiếp tổ chức các trận càn, đột kích vào vùng ta, bắn giết cán bộ, khủng bố tinh thần của nhân dân. Tháng 4 năm 1947, địch đột kích vào cơ quan huyện bắn chết đồng chí Nguyễn Văn Tưởng là cán bộ Văn phòng Huyện ủy (cơ quan Các Mác Huyện). Trong sáu tháng, cơ quan huyện phải sáu lần di chuyển và sau đó phải chuyển một bộ phận qua đứng chân ở Tam Minh. Cuối năm 1947 dời cơ quan Huyện ủy từ Dân Đồng qua núi Giếng Chùa (Hàm Liêm)

Thực dân Pháp không từ một thủ đoạn nào đối với ai bị chúng gán là Việt Minh. Ông Năm Đê, một nông dân ở Phú Long, ông Huỳnh Tấn Phong, cán bộ công an xã Quang Cảnh bị Pháp tra tấn, buộc vào ngựa kéo lê đến chết. Khi các đòn tra tấn bị thất bại, cùng một lúc giặc ở đồn Thạch Long (Mũi Né) đã treo cổ bốn đồng chí: Tám Món, Bảy Phát, Nguyễn Chừ, Nguyễn Thủ là cán bộ của xã Quang Cảnh, Khánh Long.

Giặc Pháp còn dùng nhiều hành động man rợ nhằm uy hiếp tinh thần của cán bộ và nhân dân ta. Chúng đã mổ và nhét tài liệu vào bụng đồng chí Đào Khắc Mỹ, Bí thư Đoàn thanh niên Cứu quốc xã Minh Tiến. Anh Bảy Khiêu, cán bộ tài chính xã Minh Tiến dù bị địch cho chó bẹc-giê cắn xé thân thể, nhưng anh Khiêu không nao núng và chúng đã bắn anh. Ở Rạng, địch đưa một số cụ ông, cụ bà ra bãi biển lột hết quần áo, bắt xếp hàng chạy cho cả lũ đứng nhìn cười sặc sụa, khoái trá. Chị Võ Thị Nuôi (Ngọc), Tiểu đội Trưởng Tiểu đội Du kích Rạng luôn bám sát đồn giặc, có mặt trong mọi trận đánh ở địa phương, hoàn thành tốt các công tác: nắm tình hình, khiêng thương, tải đạn. Năm 1947, sau một trận đánh đồn bị lộ; tên cai Thới, Trưởng đồn Rạng bắt chị lên đồn ve vãn, dụ hàng, tra tấn. Không khuất phục được, lũ giặc đã đưa chị Nuôi lên dốc Rạng cắt cổ. Đứng trên đồi cát trắng của quê hương, chị Nuôi dõng dạc hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Tiếng thét của chị Nuôi vang mãi trong lòng nhân dân Rạng, chính kẻ thù cũng khiếp phục người nữ du kích kiên cường.

Đối với những tên Pháp hung bạo, đồng bào đã đặt cho chúng những cái tên riêng gần gũi với sắc thái, đặc tính, thói quen của chúng như: “Tây đầu đỏ, Tây cặt bò, Tây mắm ruốc, Tây cá đuối...”. Đặc biệt là thằng Lu-I- một tên Tây lai mang trong người nửa giòng máu người Việt (mẹ nó là bà Thân, người Hàm Thuận, cha nó là Ghi-đông La-va-lê). Với mối thù giai cấp và gia đình28. Lu-I từng tuyên bố: phải giết đủ hai ngàn cán bộ Việt Minh. Ngày nào không bắn được cán bộ, đồng bào trên đường càn quét thì Lu-i về đồn kéo những người đang bị giam ra bắn. Một hôm càn vào vùng Giếng Xó (Dân Thạnh), bị quân ta chặn đánh, Lu-I tức tối chạy về ga Long Thạnh, hành quyết một lúc 20 người dân đang bị giam tại ga.

Một lần địch càn vào vùng căn cứ, ta bị bất ngờ và tổn thất. Điển hình nhất là vào tháng 12 năm 1947, chúng đột nhập vào khu rừng phía trên bàu Củ Gừng (Dân Thạnh), bắn chết 9 diễn viên nam, nữ của đoàn Văn công Sao Vàng I29.

Cai Hương ở đồn Rạng đội lốt Thiên Chúa giáo, khi Pháp tái chiếm Hàm Thuận nó lộ nguyên hình thành một tên Việt gian hại dân bán nước. Hàng ngày Hương ra chợ Rạng nhìn mặt những người ở vùng kháng chiến, doạ nạt nhân dân. Với bản tính háo gái, nó thường lân la đến nhà cô Năm Bán là một nữ du kích có nhan sắc để ve vãn. Giữa trưa hè tháng 4/1947, từ đồn Rạng, Hương xăm xăm đi xuống và hí hửng vào nhà ông Hồng (cạnh nhà chị Bán). Đã hợp đồng tác chiến từ trước; nhanh như chớp, bốn chiến sĩ du kích (Xu, Lưỡng, Mười, Tâm) trong thùng nhuộm lưới nhảy ra bóp họng và tiêu diệt hắn bằng những nhát dao chắt nịch. Thấy máu của Hương bắn tung tóe và người mềm nhũn, bốn chiến sĩ rút lui.

Chạy điếng về đồn cách đó khoảng 300 mét, trong hơi thở cuối đời làm tay sai, Hương ráng thều thào: “Tao vào nhà con Bán, bị thằng Xu và du kích đâm...”. Bọn lính lập tức xông vào đốt sạch khoảng 50 nóc nhà, bắt bốn người gồm cha và anh của đồng chí Xu cột chùm chôn sống. Sau khi Hương đền tội, Kiểm Quế (cha của Hương) và Kiểm Qườn nổi lên kế tục. Tháng 5 năm 1947, với sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Phước, trung đội du kích xã Quang Cảnh diệt luôn hai tên phản quốc.

Ngay sau đó, địch liên tiếp khủng bố xã Quang Cảnh (Rạng), chúng treo giá: “Ai lấy được đầu của ông Phạm Đình Hòe, Bí thư Chi bộ xã Quang Cảnh thì được thưởng mười ngàn đồng Đông Dương”. Một sáng, địch đã đột nhập vào xóm Rạng, bắt đồng chí Hồ Nhất Trinh, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh xã. Nghe động, chị Huỳnh Thị Xẩm30 Bí thư Hội Phụ nữ xã chạy đến bìa rừng, nhưng sực nhớ túi tài liệu còn để lại nhà, chị quyết định quay vào - vừa giấu xong tài liệu thì địch ập đến bắt chị. Dù bị tra tấn dã man nhưng hai đồng chí Trinh và Xẩm vẫn giữ tròn khí tiết cách mạng. Ngày 28 tháng 8 năm 1947, địch đã bắn hai cán bộ kiên trung tại bãi biển Rạng. Xã Quang Cảnh có phong trào cách mạng từ những năm ba mươi; trong năm 1947, ba đồng chí thôn trưởng hy sinh, để phát huy truyền thống, cán bộ và nhân dân ở đây đã đổi xóm Rạng thành thôn Nhất Trinh, xóm Trạm thành thôn Thanh Khiết, xóm Bàu Me thành thôn Khánh Thạnh.

Cùng với những trận đánh nhỏ lẻ của du kích, tự vệ; bộ đội chủ lực đã có những trận diệt đồn địch giữa ban ngày. Sau quá trình chuẩn bị, quân dân các xã Tân Dân, Tân Thành cung cấp tình hình... rạng sáng ngày 14 tháng 6 năm 1947, bộ đội Hoàng Hoa Thám cải trang kỳ tập đồn Lầu Ông Hoàng, diệt nhanh gọn một trung đội địch đóng tại đồn, thu được nhiều quân trang, quân dụng và vũ khí; đặc biệt trong số đó có khẩu đại liên Vít-ke địch vừa đưa đến ngày hôm trước. Trong buổi mít tinh mừng thắng lợi tại Rẫy Thơm có đông đảo đồng bào Phan Thiết, Hàm Thuận tham dự. Tại đây, bộ đội bắn thử mấy loạt Vít-ke, đồng bào rất phấn khởi trước sức công phá của nó. Tiếp đó, một trung đội của Hoàng Hoa Thám, do đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy phục kích bọn Pháp tiếp tế thực phẩm cho đồn Phú Bình tại Suối Cát vào tháng 6 năm 1947, quân ta diệt một trung đội địch, thu ba súng trung liên và trên hai mươi súng trường. Địch trả thù hèn hạ bằng cách bắn chết bảy đồng bào đang bị giam trong đồn Phú Bình.

Từ khi Pháp đóng đồn Phú Bình, du kích, dân quân xã Xuân Bình thường xuyên khuấy rối. Nhân dịp này, chính quyền mặt trận Việt Minh xã Xuân Bình lãnh đạo nhân dân thôn Phú Thọ tản cư đi nơi khác, đồng thời phát động quân dân toàn xã bao vây bức rút đồn, không cho địch ra lấy nước, lấy củi, mua lương thực, thực phẩm…đồng bào phóng uế làm dơ bẩn giếng nước, không bán thức ăn cho chúng. Bị bao vây cô lập, nên địch phải rút bỏ đồn Phú Bình vào tháng 8 năm 1947.

Tháng 4 năm 1947, trong trận phục kích tại cây số 37 liên tỉnh lộ 8, Đại đội 3 của Trung đoàn 82 đã đánh 1 tiểu đội địch ở đồn Sông Quao ra sưu sách, trong số 8 tên chết có 1 tên Pháp chỉ huy.

Ngày 16 tháng 7 năm 1947, bộ đội Trần Quốc Tuấn phối hợp cùng bộ đội Hoàng Hoa Thám phục kích tại An Lâm (Nhơn Hiệp), đánh bọn địch tiếp tế cho đồn Sông Quao. Hơn 1 giờ nổ súng, ta đã diệt 45 tên Pháp, 15 tên ngụy và phá hủy 3 xe quân sự; thu toàn bộ vũ khí (có 5 trung liên).

Phong trào diệt ác, đánh Pháp của dân quân du kích lan rộng khắp nơi trong huyện. Tên Nguyễn Ngọc Châu (Vịt) làm đội sếp ở đồn Tùy Hòa thường dẫn lính vào xóm, vào chợ nhìn mặt, bắt và đánh đập những người chúng tình nghi là Việt Minh. Tháng 7 năm 1947, chính quyền huyện bố trí bộ đội phối hợp cùng phụ nữ, thiếu niên Tùy Hòa tìm cách diệt tên Châu. Theo phương án đã định, với vai người tình, chị Võ Thị Miên dụ được y vào nơi ta bố trí. Trong lúc Vịt đang âu yếm đưa quả lựu đạn cho chị Miên cầm xem, các em thiếu niên ra ám hiệu, anh Lãng và anh Tự (bộ đội Hoàng Hoa Thám) cải trang ập vào vây bắn. Khi Vịt bị thương nặng thì được bọn lính trong đồn ra cứu thoát31.

Ông Huỳnh Văn Can, một nông dân khẳng khái, gan dạ và khỏe mạnh ở làng Dân Thạnh, có người con trai út là anh Chín Cần bị Lu-I giết hại năm 1946, nên ông Can rất căm thù giặc Pháp. Vào một chiều mùa Hè năm 1947, tên Pháp trong tốp đang sửa cầu Bằng Lăng sục vào nhà của ông Can cách cầu khoảng 300m. Hắn dùng súng uy hiếp và trói đồng chí Nguyễn Đồng Chương (phó Lý Chương) nguyên là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chánh xã Dân Thạnh, rồi quay sang định hiếp bà cụ Can. Ông Can hô to: “Hè thà chết mày phó ơi!” và ôm choàng thằng Tây. Bà Can chụp cái liềm cắt dây trói cho đồng chí Chương. Được cởi trói, đồng chí Chương liền xông vào cùng ông Can vật địch và giằng khẩu súng. Bà Can lấy cuốc bổ vào đầu tên giặc cho đến khi nó ngất xỉu. Tuy bị thương nặng vì súng nổ trong lúc giằng co, nhưng sợ địch đến tiếp ứng, ông già Can bảo: “Phó! mày chạy trước đi”. Ông Can trút hơi thở cuối cùng khi hai ông bà dìu nhau ra đến bìa rừng. Nhờ tinh thần dũng cảm, ông bà Can vừa cứu được cán bộ, vừa thu được 1 khẩu súng tiểu liên. Đồng bào Dân Thạnh ai cũng mến phục vợ chồng ông Can.

Dân quân vùng Tam Giác cũng sớm thể hiện khí phách kiên cường. Ở thôn Mỹ Thạnh, dân quân xã cũng diệt được Tây. Vào ngày Chủ nhật (ngày 05 tháng 9 năm 1947) một toán lính Commandos sục vào Bình An. Trong đó có một tổ gồm 3 tên vào Mỹ Thạnh. Chúng vô nhà ông Chín Đường ở đầu xóm tra khảo của cải và chuẩn bị đốt nhà. Nắm được tình hình trên, dân quân xã Tân Hòa chia làm 3 tổ do 3 đồng chí chỉ huy: Nguyễn Thanh Long, Cao Văn Lưu và Nguyễn Hữu Dụng, triển khai thế đánh địch. Tổ của đồng chí Lưu chặn đầu, tổ của đồng chí Long áp sát sau lưng địch.

Một tên lính Pháp theo con mương nước định vào nhà khác ở phía trước thì gặp đồng chí Lưu nổ súng. Phát đầu đạn bị lép, phát thứ hai nổ “đoành”, tên địch lùi trở lại, hai tên kia trong nhà chạy ra la ơi ới: “Việt Minh” và bắn loạn xạ, vừa chạy về hướng đập Ông Danh, hòng lợi dụng con suối để thoát thân, nào ngờ tổ của đồng chí Dụng đã chờ sẵn nổ súng. Tên chạy đầu ngã gục, rồi ngã tiếp tên thứ hai. Toàn lực lượng ta hô xung phong áp đảo khép chặt vòng vây, tên to béo còn lại cố sức chạy, nhưng có một nông dân to khoẻ có võ thuật đã chồm lên quật ngã. Trong vòng 15 phút, dân quân xã Tân Hòa đã tiêu diệt 3 tên lính Pháp và thu toàn bộ súng đạn.

Anh Trần Sậu, tự vệ An Phú bị địch bắt trong một trận đánh, chúng tra tấn dụ hàng nhưng không lay chuyển nên chúng đưa anh ra bắn. Trước họng súng bạo tàn của giặc, anh Sậu thản nhiên hút thuốc, ngắm hình ảnh quê hương yêu dấu lần cuối rồi hô vang khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Ngày 08 tháng 12 năm 1947, được quân dân Phú Long cung cấp tình hình. Một đơn vị của bộ đội Hoàng Hoa Thám cải trang (đóng vai nữ) dùng xe ngựa chở khách từ chợ Dinh vào Phú Long. Khi đến nơi anh em đồng loạt nhảy xuống xe đánh úp phòng thông tin và bót gác của địch ở cầu Phú Long, diệt và làm bị thương gần 2 tiểu đội địch, thu 1 đại liên hóc-kít với nhiều vũ khí, đạn dược.

Cùng với khí thế áp đảo trên toàn chiến trường của huyện và tinh thần thi đua giết giặc lập công; cuối năm 1947, quân dân xã Dân Đồng đã bao vây bứt rút đồn Vĩnh Hòa.

Gắn liền với bao chiến công, sự trưởng thành của bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang ở địa phương là những tấm lòng cùng với sự cống hiến lớn lao của các ông cha, bà mẹ. Tình quân dân sớm hình thành gắn bó keo sơn ngay trong những ngày đầu gian nan, ác liệt. Khi Pháp mới tái chiếm Hàm Thuận, bộ đội gặp khó khăn, ông Nguyễn Hinh32 ở xóm Chồi xã Xuân Bình đã động viên chiến sĩ “tụi bây cứ yên lòng đánh giặc, công tác nuôi quân có dân lo”. Ngoài việc vận động mọi người quyên góp cho kháng chiến, ông Hinh đã tự nguyện ủng hộ lúa gạo, trâu bò của gia đình mình cho bộ đội trong suốt cuộc kháng chiến. Có lần ông đã dốc hết toàn bộ số lúa (gồm 12 xe) cho bộ đội.

Giữa năm 1947, hội Mẹ chiến sĩ, hội Phụ lão cứu quốc ra đời, có hệ thống tổ chức từ huyện đến xã. Hội đã tập hợp ngày càng nhiều những người cha, người mẹ làm nhiệm vụ đỡ đầu thương bệnh binh, bộ đội. Gia đình ba má nào cũng có một, hai đứa con nuôi là chiến sĩ và hầu hết các đồng chí Nam tiến (bộ đội quê ngoài Bắc vào Nam chiến đấu) đến Hàm Thuận đều có dân nuôi. Tình nào cao hơn tình mẹ, ai đã dừng chân chiến đấu trên chiến trường Hàm Thuận, không sao quên được những người cha, bà mẹ hết lòng nuôi dưỡng, bảo bọc chiến sĩ, thương binh. Tiêu biểu như má Dĩ, má Năm ở Mũi Né, má Trọng, má Chẩn ở Tùy Hòa, má Châu (má Mục), má Cối Giả ở Giếng Đế, ông Nguyễn Cường ở Kim Ngọc, ông bà Nguyễn Can ở Mỹ Thạnh, má Cao ở Hưng Nhơn v.v…

Biết bao người cha, người mẹ, người chị đã nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ như chăm sóc đứa con xa nhà lâu ngày mới về, nhường từ miếng ngon, vật lạ đến chỗ nằm sạch mát nhất trong nhà. Những buổi lễ khao quân mừng chiến thắng, những cuộc viếng thăm Tết, mùa đông chiến sĩ… các má đã vận động, quyên góp được nhiều gánh quà đầy ắp và đưa đến cho các đơn vị. Các ba má vui khi bộ đội ăn no, đánh thắng, lo buồn khi chiến sĩ phải thiếu thốn, thương vong... Sau mỗi lần tổn thất, các má đau hơn ai hết song vẫn vững lòng động viên chiến sĩ. Sự chắt chiu từng hạt gạo, lát khoai... mang nặng nghĩa tình đã động viên bộ đội càng hăng say chiến đấu. Đặc biệt má Năm ở Mũi Né, đã bán hết tài sản dẫn con, cháu lên rừng ở với bộ đội và có lần má cũng khoát ba lô cùng đoàn quân xông trận, công đồn.

Sau khi có Chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng, lấy ngày 27 tháng 7 hằng năm làm ngày thương binh, liệt sĩ; ở Hàm Thuận phong trào các má chiến sĩ nhận đỡ đầu cá nhân, đơn vị nuôi dưỡng thương bệnh binh càng phát triển rộng khắp. Anh Lê Văn Y, một tự vệ xuất sắc ở Tùy Hòa cùng đồng đội thường dùng mìn diệt địch ở dốc Động Bà Hòe. Trận đánh cuối cùng của đời anh là xe Pháp lăn qua, quả mìn không nổ, anh thu mìn về nghiên cứu- mìn lại nổ làm anh mù đôi mắt. Từ đó anh Y được sự chăm sóc của gia đình má Nguyễn Thị Hương và ba Trần Thinh ở Giếng Chanh. Hai ông bà đã tần tảo, chịu đựng, chở che và động viên anh Y vượt qua những ngày dài gian khó.

Sau hai năm kháng chiến, xây dựng; quân dân Hàm Thuận đã thực hiện đúng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch33: “Tổ chức du kích khắp nơi, tăng gia sản xuất khắp nơi”. Hàm Thuận đã vượt qua thử thách bước đầu, xây dựng được căn cứ và vùng du kích ở rừng Ô-Rô, Tùy Hòa, Tam Minh, Tam Giác; có bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang; có cơ sở quần chúng cả trong vùng địch tạm chiếm. Thực lực cách mạng làm cơ sở cho phong trào cách mạng của Hàm Thuận đứng vững và đi lên trong những năm dài đầy gian lao, ác liệt.





tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương