ĐẢng cộng sản việt nam


Chương hai PHÁT TRIỂN THẾ TRẬN KHÁNG CHIẾN TOÀN DÂN TOÀN DIỆN



tải về 1.81 Mb.
trang4/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

Chương hai
PHÁT TRIỂN THẾ TRẬN KHÁNG CHIẾN TOÀN DÂN TOÀN DIỆN

(1948 - 12/1950)

I/- PHÁT TRIỂN, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ THỰC LỰC CÁCH MẠNG, ĐẨY MẠNH TIẾN CÔNG ĐỊCH.

Sau thất bại trên chiến trường Việt Bắc (năm 1947), đầu năm 1947, địch chuyển từ âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Ở Hàm Thuận, địch thực hiện chiến thuật “vết dầu loang”. Chúng tiếp tục dựng tháp canh khống chế Liên Tỉnh lộ 8.

Để tạo thế đứng chân mới, cuối năm 1947 ta dời cơ quan Huyện từ Rẫy Thơm (xã Dân Đồng) lên núi Giếng Chùa thuộc ranh giới 2 xã Hàm Liêm và Hàm Chính. Mùa Thu năm ấy, địch đột kích làm ta hy sinh trên 10 cán bộ và chiến sĩ. Đây là tổn thất lớn nhất của cơ quan huyện Hàm Thuận trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Khoảng tháng 6 năm 1948, ta chuyển cơ quan Huyện uỷ về lại xã Dân Đồng, đặt trụ sở trong khu rừng phía đông núi Tà Dôn.

Đầu năm 1948, nhiều cán bộ chủ chốt của Huyện và Xã đi học các lớp chính trị mang tên: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Thúc Kháng do đồng chí Nguyễn Côn, Thường vụ Khu ủy Liên khu V tổ chức ở căn cứ Ô Rô, Cóc Chua và bưng Cò Ke. Sau khi đi học về, các đồng chí đã mở nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng cho cốt cán của xã và các đoàn thể những nội dung về: Tình hình thế giới và trong nước, tương quan lực lượng giữa ta và địch, kinh nghiệm và công tác vận động quần chúng; nhân dân du kích chiến tranh và các tác phẩm: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Người Mác-xít trong công cuộc kháng chiến và sửa đổi lế lối làm việc của XYZ34.

Cuối năm 1948, Huyện ủy tổ chức 1 lớp huấn luyện cho cán bộ chủ chốt của xã phụ trách công tác thanh niên khá căn bản ở Tam Minh, thời gian 12 ngày. Ban huấn luyện lớp học gồm 3 đồng chí: Nguyễn Tế Nhị (ủy viên Thường trực Việt minh Huyện), Nguyễn Thanh Nhàn (Bí thư Huyện Đoàn) và Lê Cự Nhiếp (cán bộ Thanh niên tỉnh). Nội dung gồm 3 phần chính:

- Vai trò, vị trí công tác thanh niên;

- Cuộc kháng chiến trường kỳ, tự lực cánh sinh;

- Kỹ năng công tác thanh niên.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về công tác diệt tề, tháng 5 năm 1948, Huyện ủy Hàm Thuận phát động một đợt tổng phá tề bằng cách phối hợp các lực lượng: công an, bộ đội, du kích, dân quân, cảm tử đội đột nhập vào các thôn, xóm vùng địch tạm chiếm làm công tác vũ trang tuyên truyền. Cùng phối hợp với các lực lượng bên ngoài; nhân dân trong các khu tập trung đã nổi dậy làm thanh viện đánh trống mỏ, thùng thiếc làm náo động và tự xé các loại giấy tờ của địch cấp (giấy căn cước). Nổi bật nhất cho đợt hoạt động là ở các xã: Dân Thạnh, Dân Đồng, Minh Tiến, Xuân Bình, Phú Long, Rạng, Mũi Né. Trong một đêm, quân dân toàn huyện đã phá rã phần lớn các ban tề xã, ngoài số được giáo dục thả về, ta đã xử lý khoảng 60 tên ngoan cố. Ở những nơi tề chưa rã, ta thực hiện phương thức “khập khiểng” tề35 và lập tề hai mặt để hạn chế sự hoạt động của địch ở cơ sở. Nhiều xã như: Dân An, Dân Thạnh, Dân Đồng, Dân Tiến mãi về sau địch không lập lại được tề. Các ban hội tề chỉ còn ở những khu có đồn địch như: Phú Long, Phú Hài, Kim Ngọc, Mũi Né, Tầm Hưng, Ma Lâm, Mương Mán, Ngã Hai... Số tề còn lại phụ trách luôn các làng lân cận, nhưng chỉ kiêm nhiệm trên mặt danh nghĩa. Nhờ đó đồng bào ở vùng địch tạm kiểm soát bung ra sản xuất, liên hệ mật thiết với kháng chiến, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích.

Sau đợt tổng phá tề, khoảng tháng 8 năm 1948, ta tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân, lập Ủy ban kháng chiến hành chánh xã. Một số nơi trong khu địch tạm chiếm, ta cũng thành lập được chính quyền cách mạng, hoạt động bí mật của kháng chiến.

Năm 1948, lợi dụng vào hành động quá tả và sự sơ hở của một số cán bộ nên những người quá khích trong Đảng Dân chủ ngấm ngầm kích động chống phá cách mạng. Nhân một cuộc lễ phát động phong trào Bình dân học vụ ở xã Dân Đồng, chúng kích động một số phần tử chống đối gây bạo động, nhưng ta đã kịp thời dùng lực lượng quần chúng ngăn chặn, đến cuối năm 1949, tình hình mới tạm ổn định.

Từ năm 1948 đến năm 1950, Hàm Thuận luôn đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Về xây dựng Đảng, từ năm 1948 trở đi, công tác kết nạp đảng viên mới được tiến hành rộng khắp và các xã đều có chi bộ. Nhằm kịp thời động viên và phát huy truyền thống, nhiều chi bộ xã đã lấy tên đảng viên hy sinh đầu tiên của xã mình làm tên của chi bộ như: Chi bộ Hồ Nhất Trinh (xã Quang Cảnh), Huỳnh Thanh Đạt (xã Đồng Tiến), Huỳnh Phú Đa (xã Nhơn Hiệp), Nguyễn Đình Nhạc (xã Dân Đồng), Nguyễn Hữu Liên (xã Dân Định) v.v…

Trước sự lớn mạnh của Đảng bộ và yêu cầu phải kiện toàn bộ máy để đủ sức lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tháng 7 năm 1949, tại rừng Cổ Rùa (Tân Thành), Huyện ủy Hàm Thuận tổ chức Hội nghị mở rộng (có tính chất như Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ nhất) trong thời gian 2 ngày, có đông đủ đại biểu của các chi bộ về dự, do đồng chí Nguyễn Diêu, Thường vụ Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị đã nghe đồng chí Hoàng Văn Tĩnh thay mặt Huyện uỷ trình bày báo cáo chính trị và nhất trí đề ra các chủ trương lớn:

- Một là tiếp tục củng cố chính quyền, đoàn thể.

- Hai là xây dựng cơ sở hội viên ở vùng địch tạm chiếm, chú ý công tác dân vận, nhất là tôn giáo và dân tộc vận.

- Ba là phát triển hơn nữa phong trào nhân dân du kích chiến tranh và kinh tế tự túc.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Huyện ủy gồm 11 đồng chí, do đồng chí Trần Như Khuôn làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Tiềm làm Phó Bí thư, đồng chí Nguyễn Tế Nhị làm Ủy viên Thường vụ - Thường trực Đảng, đồng chí Bảo Toàn làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chánh36.

Tiếp sau đó, do yêu cầu phân công, sắp xếp lại cán bộ, một số đồng chí chủ chốt về Tỉnh. Tháng 4 năm 1950, huyện Hàm Thuận tiến hành Hội nghị Đảng bộ tại rừng Triền (xã Dân Đồng), do đồng chí Phan Tấn Trình trực tiếp chỉ đạo. Hội nghị khẳng định ngoài việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ do Hội nghị lần thứ nhất đề ra (tháng 7 năm 1949), toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và xác định: Bảo vệ mùa màng là nhiệm vụ chính, đẩy mạnh phong trào tổng động viên nhân tài vật lực, thực hiện chủ trương “xây dựng Đảng quần chúng đông đảo và mạnh mẽ” của cấp trên chỉ đạo.

Hội nghị bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá mới37, do đồng chí Nguyễn Tế Nhị làm Bí thư, Võ Xuân Viên38 Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh; đồng chí Lê Khả làm Ủy viên Thường vụ - trực Đảng.

Thực hiện Nghị quyết trên, trong năm 1950, Hàm Thuận phát triển nhanh chóng đội ngũ đảng viên đã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cao trào tổng động viên nhân tài vật lực. Nhưng công tác tuyên truyền ta chỉ nhấn mạnh mặt thuận lợi và công tác phát triển đảng viên mới chưa chặt chẻ. Mặt khác, nhiều chi bộ hiểu không đúng về chủ trương “Xây dựng Đảng quần chúng đông đảo và mạnh mẽ” dẫn đến kết nạp Đảng ồ ạt, đưa quần chúng lao động chưa đủ bề dày thử thách rèn luyện vào Đảng mà ít chú ý đến chất lượng. Nhiều nơi thi đua kết nạp Đảng và kết nạp một lúc hàng chục người. Những kết quả kết nạp đảng viên mới không làm tăng thêm sức chiến đấu của Đảng, mà còn để lại hậu quả lớn về sau.

Cuối năm 1950, để kịp thời đối phó tình hình địch chia cắt, khống chế địa bàn, chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy Bình Thuận, Hàm Thuận tổ chức hội nghị Huyện ủy mở rộng ở Rẫy Nổ, bàn việc phân vùng, sáp nhập đầu mối chỉ đạo. Hội nghị quyết định nhập các xã trong huyện thành 8 xã và thống nhất lấy tên Hàm Cần, Hàm Kiệm, Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Nhơn, Hàm Đức, Hàm Trí, Hàm Dũng. Đồng thời tỉnh thành lập Ban cán sự khu Căn cứ Lê Hồng Phong, do đồng chí Đỗ Đơn Thơ làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo 3 xã: Hồng Sơn, Hồng Hải và Hồng Trung.

Cùng với việc củng cố xây dựng Đảng, Huyện ủy Hàm Thuận, củng cố các tổ chức đoàn thể và chỉ đạo công tác dân vận. Những năm 1948-1949, các Ban chấp hành công đoàn cơ sở được thành lập ở các xã: Dân Thạnh, Dân Đồng, Khánh Long, Quang Cảnh, Tân Dân, Xuân Bình, Đồng Tiến... đã tập hợp đông các tập đoàn xe ngựa, xe trâu trong toàn huyện tham gia kháng chiến. Ở Tam Minh, mỗi xã đều có tổ công đoàn ngư nghiệp. Các xã vùng Tam Giác thành lập tổ chức công đoàn rất đa dạng theo tính chất ngành nghề để tiện việc tập họp quần chúng sinh hoạt như: mộc, rèn, hồ, thợ may, xe ngựa, xe trâu…

Cũng trong năm 1948, Mặt trận Liên Việt huyện Hàm Thuận được thành lập gọi tắt là Liên Việt do các ông Phạm Hoài Xuân còn gọi là Thuật Chi (1948- 1950), đồng chí Phan Viên39 (năm 1950), ông Lâm Thành Hưng tức là Lâm Vinh Thời (1951-1952) lần lượt làm hội trưởng.

Cuối năm 1948, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện được thành lập. Hội Phụ nữ Cứu quốc tiến hành Đại hội lần thứ hai, bầu đồng chí Võ Thị Khánh Lan làm Hội trưởng. Đến năm 1949, đồng chí Lâm Thị Xuân Mai làm Hội trưởng. Cuối năm 1949, Đoàn Thanh niên Cứu quốc huyện mở Đại hội lần thứ nhất, bầu đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn làm Bí thư. Hội Nông dân Cứu quốc huyện (gọi tắt là Nông hội) và tổ chức Đại hội lần thứ nhất, bầu ông Lâm Chí Xuân làm Hội trưởng. Các đoàn thể cụ thể hoá chủ trương của Đại hội Huyện Đảng bộ lần I (7/1949) theo nhiệm vụ của từng giới. Sau đại hội, cán bộ các đoàn thể về bám sát cơ sở vận động quần chúng, chỉ phân công một đồng chí trực ở cơ quan. Các đoàn thể đều tổ chức sinh hoạt; các nơi gần đồn địch như: Phong Nẫm, Ngã Hai, Kim Ngọc, Phú Long, Phú Hài, Mũi Né... hội viên vẫn sinh hoạt đều, tham gia tốt mọi công tác kháng chiến. Các ngày lễ, những lần liên hoan văn nghệ mừng chiến thắng, phụ nữ và thanh thiếu niên trong vùng địch tạm chiếm cũng ra vùng của ta tham dự đông đảo. Công tác dân vận đã góp phần động viên các tầng lớp xã hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ: sản xuất, bảo vệ mùa màng, canh gác, báo động báo an, bảo vệ cán bộ, phá giao thông, cắt dây điện thoại của địch, lượm đạn cho bộ đội, cắm chông, bố phòng… thực hiện tốt phương châm 3 không: “Không nghe, không thấy, không biết”, bảo đảm an toàn cho những lớp học, hội nghị chỉnh huấn, chỉnh quân...

Trên lĩnh vực liên lạc, trinh sát các em thiếu niên giữ một vai trò quan trọng. Các đội thiếu niên Rạng, Mũi Né, Hàm Kiệm… đã đưa cán bộ cải trang đột nhập vào vùng địch kiểm soát để vận động quần chúng, gây cơ sở, thu thuế... Các em thiếu nhi Mũi Né lân la vào đồn địch nắm tình hình. Các em thiếu niên ở Rạng cũng rất dũng cảm như em Huỳnh Thị Dương đi liên lạc bị địch bắn chết; em Nguyễn Thị Mười mang công văn từ thôn lên xã không may đã rơi vào tay giặc, chúng tra tấn em đến chết vẫn không khai một li. Thực hiện khẩu hiệu làm cho địch mất ăn, mất ngủ, các em thiếu niên xã Xuân Bình, Đồng Tiến đã cùng với dân quân, du kích bám sát đồn giặc phát loa gọi hàng, dùng ống tre và khí đá gây tiếng nổ, lính trong đồn hoảng hốt bắn ra như vãi đạn.

Một trong những thủ đoạn đánh phá ác liệt của Pháp gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất đó là chúng dùng ngựa đột kích ban đêm vào các vùng tranh chấp ven Phan Thiết đuổi bắt, bắn cán bộ, đồng bào. Dân quân các xã Phú Long, Kim Ngọc, Xuân Bình, Hàm Kiệm ... tìm cách diệt ngựa của địch nhằm hạn chế hoạt động của chúng. Bên cạnh những lần bộ đội trực tiếp phục kích đánh lính đi ngựa (Kỵ binh địch). Du kích Hàm Chính, Hàm Liêm, Hàm Thắng, Phú Long… bám sát, nắm chắc tình hình hoạt động của địch và tấn công liên tục vào các đồn Xóm Bàu, Bình Lâm, Kim Ngọc. Qua đó ta đã bắt hàng chục con ngựa của chúng. Trong phong trào này có sự đóng góp tiêu biểu của hai nữ du kích xã Hàm Thắng là chị Mười Xuyến và Sáu Dụng. Táo bạo nhất là đội thiếu niên Phú Long, dưới sự hướng dẫn của ông Hai Òn, các em đã mưu trí tổ chức tắm sông, bơi lội để tiếp cận nơi buộc ngựa của địch ở chân cầu, cách đồn Phú Long chưa đầy 30 mét. Sau một thời gian thấy địch không chú ý, đúng vào lúc chúng ngủ trưa, tên gác cũng đang mệt mỏi, các em mở dây lùa được năm con ngựa đưa về cho du kích. Nhờ vậy từ năm 1949 trở đi, ta đã làm hạn chế đánh phá của địch, cán bộ, đồng bào đi lại dễ dàng hơn.

Về công tác tôn giáo và dân tộc, ở Hàm Thuận có một số Phật tử tiến bộ đã sớm có mối quan hệ với Mặt trận Việt Minh từ trước cách mạng tháng Tám, nên đã thành lập tổ chức Phật giáo kháng chiến. Những người tu hành là cơ sở cũ của Việt Minh, nay tiếp tục che giấu cán bộ như: ông Phú ở chùa Phú Lạc (Phú Hội), ông Chánh Thiện ở chùa Xuân An (Xuân Bình).

Về đạo Thiên Chúa, một số ít phản động ở các nhà thờ Rạng, Kim Ngọc, Tầm Hưng đã mê hoặc giáo dân, chia rẽ lương giáo, xuyên tạc chính sách Mặt trận Việt Minh. Tại nhà thờ Tầm Hưng, thực dân Pháp đã thành lập ra cái gọi là: “Đội bảo vệ linh mục và xứ đạo”, nhưng thực chất là để rình rập, khống chế nhân dân. Dù rất khó khăn, Huyện ủy Hàm Thuận chỉ đạo việc vận động giác ngộ đồng bào Thiên chúa giáo. Lãnh đạo phân công các đồng chí: Quang, Nguyễn Ngọc Chước, Nguyễn Kim Bưu, Phạm Đình Hòe ... bám vào vùng đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo. Sau thời gian kiên trì vận động, ta nắm được một số giáo dân, riêng ở nhà thờ Tầm Hưng, ta tranh thủ được linh mục Đại. Những buổi giảng đạo, ông Đại kêu gọi giáo dân nếu bị địch bắt đi lính thì đừng giết hại đồng bào. Về sau địch theo dõi phát hiện nên đã đổi linh mục Đại về Phan Thiết. Đến cuối năm 1949, Hàm Thuận thành lập được Ban Chấp hành hội Công giáo kháng chiến, do ông Dương Tiễn ở họ đạo Kim Ngọc làm Thường trực và ở Rạng, Kim Ngọc, Tầm Hưng đều có hội viên. Được hội viên cung cấp tình hình, có lần ta đột nhập vào khu vực nhà thờ Rạng ban ngày để làm công tác tuyên truyền.

Tháng 10 năm 1949, thực hiện chủ trương của tỉnh về công tác Hoa Vận, Hàm Thuận củng cố lại tổ chức Hội Hoa Kiều kháng chiến, phát triển được bốn phân hội ở: Mũi Né, Phú Hài, Xóm Lụa và Ma Lâm. Toàn huyện có khoảng 300 hội viên. Các phân hội sinh hoạt khá đều và vận động đồng bào Hoa kiều ủng hộ tiền, hàng cho kháng chiến.

Lúc bấy giờ, Hàm Thuận có trên 1.300 người thuộc các dân tộc ít người ở miền núi và vài ngàn đồng bào Chăm ở Ma Lâm. Sau cách mạng tháng Tám, huyện cử các anh: Dương, Khai, Vàng và chị Minh lên vùng sông Trao xây dựng chính quyền, đoàn thể. Đến năm 1949, các đồng chí này trở thành đảng viên Cộng Sản và phát triển thêm một số đảng viên người dân tộc thiểu số. Nhờ đó ta bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số nắm chính quyền, đoàn thể như: anh Que làm Chủ tịch Ủy Ban kháng chiến Hành chánh, anh Xăng làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh xã Sông Trao.

Những năm 1946-1949, Phòng Quốc dân thiểu số tỉnh Bình Thuận phân công các đồng chí Bố Xuân Long, Võ Vẫn... xuống Ma Lâm vận động đồng bào Chăm, xây dựng cốt cán, hình thành các tổ chức, giao lại cho chính quyền địa phương tổ chức sinh hoạt. Những ngày đầu của cuộc kháng chiến, tỉnh Bình Thuận chưa có chính sách sát hợp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đó địch ra sức kích động gây hận thù, chia rẽ các dân tộc nên mức đóng góp của đồng bào Chăm cho kháng chiến có phần hạn chế. Về sau bên cạnh chính sách cụ thể còn có đội ngũ cán bộ chuyên trách len lỏi vào các làng Giang Mâu, Ma Chiếc vận động quần chúng. Đồng chí Bố Xuân Long đã cải trang làm thầy Bóng, thầy Te vào đồn làm công tác địch vận. Ta dùng tờ báo Song ngữ “Chàm-Việt Liên hữu” và truyền đơn viết bằng chữ Chăm để vận động binh lính và nhân dân. Nhờ đó, ta tranh thủ được các thành phần chức sắc có các ông Sư Cả, ông Cả Giỗ. Các ông đã vận động đồng bào ủng hộ kháng chiến. Có những cơ sở trung kiên như ông Hiển, ông Hội… Điển hình nhất là chị Văn, nhiều lần đã chuyển tài liệu, hàng hoá qua đồn giặc bằng chiếc thúng đội trên đầu. Một số thanh niên Chăm cũng gia nhập bộ đội.

Công tác dân vận, công tác xây dựng lực lượng vũ trang và phát triển chiến tranh du kích Huyện ủy tăng cường chỉ đạo. Năm 1947 Hàm Thuận đã thành lập Huyện đội dân quân, do đồng chí Huỳnh Ngọc Phương (Huỳnh Thiên Lộc)40 phụ trách. Đến tháng 4 năm 1948, Ban chỉ huy Huyện đội được thành lập gồm các đồng chí: Huỳnh Ngọc Phương làm Huyện đội Trưởng; Phan Kim Huề làm Chính trị viên; Nguyễn An làm Huyện đội Phó. Đến tháng 5 năm 1949, Ban chỉ huy huyện đội về tỉnh nhận công tác khác. Ban chỉ huy mới được tỉnh chỉ định gồm các đồng chí: Vũ Hoàng Chính làm Huyện đội Trưởng41; Nguyễn Thiện Ấn làm Chính trị viên. Sau khi học xong hai lớp bồi dưỡng cán bộ quân sự do tỉnh tổ chức ở Cổng Chuồng Trâu (tháng 12/1947) và ở Giếng Trâm (tháng 3/1948) thuộc xã Đồng Tiến, một số cán bộ quân sự của Hàm Thuận như: Võ Ngọc Đài, Nguyễn Sơn Nhân cùng với một số cán bộ của tỉnh xuống xã xây dựng phong trào, thành lập thôn đội, xã đội. Cùng thời gian ấy, Hàm Thuận hình thành hai trung đội du kích tập trung do hai đồng chí Võ Ngọc Đài và Nguyễn Sơn Nhân chỉ huy trung đội I; Ban chỉ huy trung đội II gồm đồng chí Bá và ông Nguyễn Thành Phước42. Sau đó các trung đội này chuyển thành bộ đội địa phương huyện.

Trên cơ sở tổ “rờ-sạc” (làm đạn) do đồng chí Nguyễn Dương (Mười Út) gầy dựng, từ năm 1946 đổi thành trung đội III do đồng chí Nguyễn Dương phụ trách, đứng chân ở núi Đá Dạ Đen làm nhiệm vụ sưu tầm đồng, sắt... sửa chữa vũ khí (rờ sạc đạn). Đây là binh công xưởng đầu tiên của huyện Hàm Thuận và cũng là cơ sở đầu tiên của Tỉnh.

Tháng 01/1949, tỉnh bổ sung Đại đội 216 cho Hàm Thuận. Bộ đội địa phương huyện gồm 6 trung đội: một trung đội binh công xưởng, một trung đội công binh chuyên phá hoại giao thông địch và bốn trung đội chiến đấu được phân công ở các địa bàn: Trung đội I do đồng chí Võ Ngọc Đài chỉ huy, đứng chân ở Ku-Kê và Phú Sơn; Trung đội II do ông Nguyễn Thành Phước phụ trách, đứng chân ở Miền Đông; Trung đội III do đồng chí Trần Văn Giá chỉ huy, thường xuyên hoạt động từ Triền lên Ô Rô và Trung đội IV do đồng chí Nguyễn Viết Năng chỉ huy, đóng ở Rẫy Nổ (Tam Giác).

Bên cạnh bộ đội địa phương huyện và du kích tập trung, các xã còn có du kích bán thoát ly và dân quân rộng rãi giữ vai trò khá quan trọng. Lực lượng này phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương làm các nhiệm vụ: diệt tề, phục kích, chống càn bảo vệ dân, bảo vệ mùa màng, phá hoại giao thông, vũ trang tuyên truyền, phá rối đồn bót, làm công tác địch vận... Đây là lực lượng nòng cốt trong phong trào: “Dân quân hóa đoàn thể”. Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với lực lượng vũ trang theo phương thức “nhất nguyên chế” là Bí thư cấp ủy kiêm Chính trị viên. Thực hiện chủ trương “Dân quân hóa đoàn thể”, Ban chấp hành phụ nữ huyện Hàm Thuận cử chị Đinh Thị Nguyệt, Ủy viên Ban chấp hành, biệt phái sang huyện đội công tác.

Để báo tin địch đến và đi, từ năm 1946, ta đã có những tín hiệu báo động như báo an là treo hủ bôi vôi, lấy nón khỏi đầu, tiếng la trâu... Về sau mở rộng phạm vi báo động trong từng thôn, xã và nhiều xã liên hoàn, thường dùng những bó lá, chà cây, mảnh vải… cắm trên ngọn cây cao để cán bộ, đồng bào biết tình hình có địch phục kích hay không, hình thức ấy gọi là “Bù”.

Cuối năm 1947, anh Ngôn Trưởng ban liên lạc xã Quang Cảnh, đang gác trên cây me ở Rạng, địch tình nghi bắt anh vào đồn tra tấn. Anh Ngôn chỉ trả lời: “leo lên cây để hái me” nhưng địch không tha cho anh. Khi tên lính Pháp chuẩn bị bắn, anh Ngôn liền đưa tay lên cao và hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Vọng gác bù ở cây me xã Minh Tiến đã nhiều lần phát hiện địch rất kịp thời nên chúng quyết tâm diệt điểm bù này. Vào một sáng năm 1947, địch bọc vô rừng rồi luồn ra phía sau. Bị bất ngờ, nên khi anh Nghệ phát hiện thì địch đã đến gần, nhưng anh vẫn bình tĩnh hạ bù báo động và đã hy sinh anh dũng dưới gốc cây bù Lạc Đạo. Anh Nghệ không còn nhưng cây me ấy vẫn là điểm bù của kháng chiến, để tưởng nhớ và phát huy tinh thần chiến đấu của người dân quân gương mẫu, đồng bào Minh Tiến đã gọi nơi đây là “Gò me bù ông Nghệ”. Anh Tiến ở Dân Thạnh, anh Nhâm ở Dân Đồng... cũng hoàn thành nhiệm vụ trước lúc ngã xuống dưới gốc cây “bù”. Những tấm gương hy sinh dũng cảm ấy đã giữ cho những chiếc bù mãi mãi là niềm tin.

Đồng bào ở vùng căn cứ Tam Minh43 và các xã ven Phan Thiết (mảng Nam huyện) đã làm tròn nhiệm vụ xây dựng hậu cứ, nuôi bộ đội, cơ quan. Trong phong trào phòng gian bảo mật, đồng bào Tiến Lợi đã thực hiện tốt khẩu hiệu “ba không” bảo vệ an toàn cho cán bộ ta hoạt động.

Dân quân, du kích, bộ đội huyện luôn sát cánh cùng các lực lượng của cấp trên tiến công địch. Ngày 15 tháng 4 năm 1948, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trung Đoàn trưởng 82 Nguyễn Đức Tuyến, bộ đội chủ lực đánh phục kích ở núi Rễ, diệt 127 tên địch. Quân dân các xã Dân An, Dân Thạnh đã phục vụ công tác nắm tình hình, dân công chiến trường. Trong trận đại bại này, tên Lu-i phải vứt bỏ cả quân phục chạy thoát thân.

Cũng trong năm 1948, quân và dân Tam Giác phối hợp với bộ đội chủ lực tỉnh đánh nhiều trận, không cho địch ở Phan Thiết ra tiếp tế các đồn ở mảng Đường 8. Tại Suối Cát (xã Xuân Bình), bộ đội Hoàng Hoa Thám và Trần Quốc Tuấn phục kích đánh nhiều trận. Trong trận tháng 4 năm 1948, ta diệt 9 tên địch. Đặc biệt trong trận đánh vào tháng 8 năm ấy, ta diệt hai trung đội địch, trong đó có tên Phủ Nốt làm Bang tá khu tập trung Xuân Nông.

Ở đồn Xuân Nông vào năm 1948 có 01 lính Pháp thường vào xóm bàu Đá Mang bắt gà, hãm hiếp phụ nữ. Nhân dân rất phẩn uất nên đã cung cấp tình hình đi lại của địch đề nghị Đại đội 216 trừng trị chúng. Đồng chí Huỳnh Lương Ngân chỉ huy 1 tiểu đội phục kích, bắt sống tên địch cách đồn khoảng 200 mét. Hy vọng được đồng bọn giải cứu nên hắn giằng co không chịu đi, bị tiêu diệt và ta thu 1 khẩu súng ngắn. Từ đó lính trong đồn ít dám ra cướp phá xóm làng.

Kẻ thù càng hung bạo, cán bộ chiến sĩ ta càng nêu cao những tấm gương ngời sáng. Vào tháng 7 năm 1948, đoàn cán bộ huyện đi công tác, vừa đến Đất Làng (thôn Chính Hiệp, xã Dân Tiến), thì bị một toán lính cưỡi ngựa phát hiện truy kích, đồng chí Lê Quý bị thương nặng nhưng vẫn chôn giấu xong tài liệu trước lúc hy sinh. Đồng chí Nguyễn Hưng Thi sau khi bị thương, địch buộc vào ngựa kéo về đồn Kim Ngọc dùng cực hình tra tấn rất dã man nhưng vẫn không một lời khai báo, đã anh dũng hy sinh. Chị Nguyễn Thị Châu, cán bộ địch vận của xã Tân Thành bị địch bắt chịu mọi cực hình tra tấn của giặc. Biết chị đang mang thai, nhưng lính Pháp vẫn đưa ra bắn ở gần chợ Phú Long. Dù rất thương đứa con đầu lòng sắp chào đời, nhưng chị Châu vẫn không nao núng, ngẫng cao đầu nhìn đồng bào, quê hương lần cuối. Sau loạt đạn đê hèn, lũ đao phủ cũng khiếp phục người con gái kiên trung. Thương mến chị Châu, nhân dân Phú Long càng chồng chất hờn căm đối với quân cướp nước và bán nước. Chị Sáu Cái ở Mỹ Thạnh, cũng là một nữ cán bộ địch vận giỏi, bám sát các đồn giặc, cung cấp tình hình rất kịp thời. Trong một chuyến công tác, chị bị địch ở đồn Xuân Nông bắt khảo tra đến chết44.

Nhằm tổng kết rút kinh nghiệm về phong trào nhân dân du kích chiến tranh và biểu dương lực lượng trong toàn tỉnh, tháng 9 năm 1948, Tỉnh ủy mở Đại hội dân quân tại Giếng Cát (xã Đồng Tiến) trong hai ngày. Tại Đại hội này, Hàm Thuận được đánh giá là huyện có phong trào toàn diện nhất Tỉnh. Các xã Khánh Long, Quang Cảnh, Tân Dân, Tân Thành, Đồng Tiến, Tân Bình, Dân Đồng...được báo cáo điển hình về công tác diệt ác, phá tề, bắn tỉa, bao vây bứt rút đồn bót, làm công tác địch vận xây dựng phát triển thực lực.

Tiếp tục phát huy kinh nghiệm và khí thế thi đua từ Đại hội dân quân, phong trào toàn huyện càng vươn lên mạnh mẽ. Bộ đội địa phương và du kích Tùy Hòa phục kích tại Láng Mè gần cơ quan huyện, diệt gần 10 tên địch, bẻ gãy trận lùng sục, đánh phá cơ quan ta. Sau đó bọn địch ở đồn Tùy Hòa ít dám càn sâu vào căn cứ.

Sau khi bang tá Nốt bị diệt, bang tá Độ đến thay vẫn kềm kẹp dân ở quanh đồn Xuân Nông. Biết Độ hay đến theo đuổi con gái bà Lương Thị Viềng (Giềng). Nhằm bảo vệ dân, giữ vững phong trào, tiến tới bao vây bứt rút đồn bót địch, Huyện ủy Hàm Thuận giao cho cấp ủy xã Xuân Bình, phối hợp với Đại đội 216 cùng bà Tư Viềng bàn kế hoạch, phương án diệt bang tá Độ. Ngoài lòng căm thù giặc Pháp đã giết chồng bà là ông Huỳnh Văn Mẹo vào năm 1947 và nhà ở cách đồn khoảng 300 mét, nên hằng ngày bà Viềng còn chứng kiến biết bao hành động bạo ngược do giặc gây ra, do đó bà sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Sáng sớm ngày 15 tháng 5 năm 1949, bà Viềng sai con gái mang chai rượu “dưỡng tữu” vào đồn biếu cho Độ và mời Độ đến nhà chơi. Khoảng 9 giờ sáng, Độ bước vào nhà bà Viềng, 3 chiến sĩ bộ đội địa phương gồm Huỳnh Lương Ngân, Huỳnh Văn Lâm và anh Bác phục sẵn trong nhà bắt sống tên Độ để giữ bí mật, an toàn cho việc rút quân. Khi anh Lâm thuyết phục Độ đầu hàng, y xông vào đánh anh Lâm, hai anh còn lại nép sau cánh cửa cùng ập vào bắt Độ.

Không để mất cơ hội, bà Viềng liền rút chiếc dao đưa cho anh Lâm kết liễu cuộc đời của bang tá Độ. Gia đình bà Viềng cùng ba chiến sĩ nhanh chóng vùi xác tên giặc xuống suối Trâm. Ngày 17 tháng 5 ta rãi tuyền đơn đưa tin bang tá Độ đã đầu hàng đi theo cách mạng. Cùng thời gian đó, bọn lính trong đồn tìm mãi không thấy dấu vết, chỉ nhận được lá thư ký tên Lê Xuân Độ, nội dung thư kêu gọi lính ở trong đồn hãy mang súng về với Mặt trận Việt Minh, do chính quyền xã Xuân Bình chuẩn bị trước. Địch nửa tin nửa ngờ, bắt bà Viềng tra khảo, năm ngày sau chúng phải trả bà về vì không đủ chứng cứ.

Cùng các trận đánh trên, quân dân Tam Giác liên tục bao vây, bắn tỉa, diệt ác, không cho lính trong đồn Xuân Nông ra lấy nước, lấy củi. Đồng bào phá khu tập trung đi nơi khác, đồn Xuân Nông hoàn toàn bị cô lập. Đến giữa năm 1949, sau trận tập kích của bộ đội Hoàng Hoa Thám, địch rút bỏ đồn Xuân Nông. Từ đó giữa lòng khu du kích Tam Giác không còn sự quấy phá trực tiếp của giặc.

Quân dân Miền Đông và Ô Rô cũng phối hợp nhịp nhàng với chiến trường Tam Giác. Tháng 9 năm 1949, trong một trận phục kích ở Ba Cây, bộ đội địa phương diệt được 5 tên Cò-măn-đô, trong đó có lính Pháp khét tiếng gian ác, đồng bào thường gọi là “Tây mắm ruốc”. Cũng nơi đây, tháng 11 năm 1949, Tiểu đoàn 86 diệt hai trung đội địch, trong số đó có lính Pháp gian ác, nhân dân vô cùng phấn khởi.

Nhằm đánh phá căn cứ Ô Rô, hậu cứ Tam Minh, uy hiếp, khống chế các trục đường giao thông và tiêu diệt lực lượng của ta, đầu năm 1950, địch liên tiếp đánh vào Hàm Kiệm, Dân Đồng, Dân Thạnh... Tháng 02 năm 1950, một tiểu đoàn Lê-dương (Légion) từ Xa Ra thọc vào Giếng Chanh lúc trời vừa hừng sáng, nhưng dân quân kịp thời phát hiện, Tiểu đoàn 86 từ Xóm Cát hành quân đến đánh địch. Đại đội A dồn chúng vào chân núi Tà Dôn, một tiểu đội từ sân banh Láng Le bắn nhử, bộ phận khác vượt qua đồng ruộng Giếng Chanh từ bên hông đánh thốc vào; đại đội B và đại đội Xung Kích chi viện. Lọt vào vòng vây của ta, nhiều tên địch ném súng bỏ chạy. Đến trưa địch rút lui, ta giải thoát được một số đồng bào bị chúng bắt và thu được nhiều chiến lợi phẩm.

Trưa ngày 29 tháng 3 năm 1950, Tiểu đoàn 86 vừa nghỉ tập chuẩn bị cơm trưa, Tiểu đoàn lính Lê-dương lại bất ngờ tấn công từ Gộp xuống Xóm Cát (Dân Thạnh) theo ba hướng: Sông Cạn, đường Quốc lộ 1 và rừng Cát. Dưới sự chỉ huy mưu trí của Đại đội trưởng Nguyễn Văn Cang (Đảng)45 và Đại đội phó Huỳnh Văn Khôi, Đại đội A đánh quyết liệt với địch dưới trưa nắng gắt, cát nóng và giữa đồng ruộng trống. Hơn một giờ nổ súng, được sự chi viện truy kích của Đại đội B và Xung kích, gần 100 tên giặc bị tiêu diệt và thương vong, có tên ném trung liên xuống giếng tìm ngõ thoát thân. Trong trận này, đồng chí Khôi và một số chiến sĩ ta đã dũng cảm hy sinh, đồng bào, đồng đội vô cùng khâm phục, thương tiếc.

Ở Trũng Bà Cơ (xã Minh Tiến) cũng diễn ra một trận chống càn quyết liệt. Một đại đội Lê-dương lọt vào ổ phục kích của hai trung đội bộ đội địa phương. Đồng chí An ra lệnh cho toàn đơn vị chờ địch đến gần mới nổ súng. Nhưng phát súng lệnh đầu tiên không nổ, các chiến sĩ liền đồng loạt xung phong giáp lá cà, vừa bắn vừa dùng dao găm, báng súng đánh bị thương hơn một tiểu đội địch, hy sinh một số đồng chí, song đã thể hiện lòng dũng cảm và quyết tâm diệt giặc của bộ đội ta.

Được sự giúp đỡ tích cực của bộ đội địa phương, quân dân xã Quang Cảnh liên tiếp bao vây, quấy phá đồn Rạng. Đầu năm 1949, ta diệt gọn tháp canh số I, trong tiểu đội địch đền tội có cả tên chỉ huy Cai Thới. Ngay sau đó chúng bỏ đồn, bỏ luôn cả vùng Rạng, dồn một số dân về Mũi Né, lập khu tập trung kiên cố, trồng cây gai lưỡi long rào dày đặc, bao bọc xung quanh khu dân cư. Đồng bào Rạng phần đông chuyển vào vùng kháng chiến, địch chỉ dồn được một ít dân vào đây.

Đồng bào Kim Ngọc rất căm phẫn bọn lính ở bót Cầu Lim, chúng thường bắn phá và thường vào lấy tài sản của dân. Một buổi sáng mùa khô năm 1950, như thường lệ hai tên lính pat-ti-dăn (partisan) vào xóm Đất Làng lục lạo kiếm ăn, khi chúng vừa đến chòi ruộng của ông Nguyễn Cường (ruộng Bà Lúa), thì chị Chín chạy đi tìm du kích, nhưng chỉ có người anh ruột của mình đang trực và hai anh em cùng quay vào nhà. Thấy anh Sáu Canh và chị Chín vào gần đến nhà, tên lính đứng gác đưa quả lựu đạn lên hô: “Đưa tay lên!”.Với tư thế đã chuẩn bị, anh Sáu Canh đánh bật quả lựu đạn và ôm chặt tên lính, ông Nguyễn Cường trong nhà xông ra tiếp sức. Chị Chín chụp quả lựu đạn vừa chạy vừa kêu du kích. Tên lính còn lại hoảng hốt chạy thục mạng.

Ba cha con ông Nguyễn Cường đã giao cho xã đội 1 tên lính và 1 khầu súng trường Anh cùng với hai quả lựu đạn mỏ vịt OF được được cấp trên tặng giấy khen. Sau vụ đó, địch bắt ông Nguyễn Cường đánh đập tàn nhẫn, buộc ông chỉ tên lính ngụy bị bắt. Ông Nguyễn Cường trước sau vẫn thống nhất một lời khai: “Tụi này thường cướp phá của dân, cha con tôi định bắt giao về bót cho các ông giáo dục, nhưng tôi vừa trói xong thì bị du kích đưa đi đâu mất”.

Địch tiếp tục củng cố vùng tạm bị chiếm Mũi Né, Phú Hài, Kim Ngọc, Ma Lâm, Mương Mán, Ngã Hai; đồng thời đánh phá khu Tam Giác, ra sức kiểm soát giao thông, khống chế địa bàn. Cuối năm 1949, địch triển khai xong chiến thuật Đờ-la-tua, chúng dựng tháp canh cao ở khắp các trục đường, dày đặc dọc Đường 8 (khoảng 500 mét đến 1.000 mét một tháp canh). Đầu năm 1950, bộ đội ta sử dụng một loại vũ khí mới (FT1) do Binh công xưởng Trung đoàn 812 sản xuất, đánh sập một số tháp canh ở những nơi trọng yếu, số còn lại ta tổ chức lực lượng địa phương vừa bao vây bắn tỉa, vừa kết hợp công tác địch vận. Đến cuối năm 1950, ta đã làm vô hiệu hóa chiến thuật này. Binh lính địch ở dọc Đường 8 trước đây thường ra cướp phá, vào xóm bắt dân phải nộp nước, củi cho chúng; nay phải gửi thư xin ta cho ra lấy nước, lấy củi. Trong một bức thư chúng gửi cho du kích Tam Giác có đoạn viết: “Các anh, chị đừng bắn tụi em tội nghiệp, tụi em hứa không dám bắn phá xóm làng”. Đặc biệt ở Tua số 8 (Hầm Đá), có anh Hồ Văn Chưởng là cơ sở nội tuyến của ta, nên việc đi lại của cán bộ từ Tam Giác qua Miền Đông thuận lợi và an toàn.

Quân địch ở vùng Tam Giác và đồn Xuân Nông rất sợ anh Huỳnh Lương Ngân bắn tỉa. Ngoài trận diệt bang tá Độ, anh Ngân thường xuyên bám sát đồn diệt địch, nhiều tên lính trong đồn bót phải đền tội. Đầu năm 1949, khi biết một thằng lính Pháp vào xóm Bàu Đá Mang bắt gà, hiếp phụ nữ, anh cùng với một chiến sĩ đã diệt hắn.

Bọn địch ở Miền Đông khiếp vía khi nghe nói đến tên đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Tiểu đội Phó Bộ đội địa phương huyện. Có lần anh cải trang đột nhập vào chợ Phú Long giữa ban ngày, diệt tên Phòng; gián điệp chỉ điểm có nhiều nợ máu. Liên tiếp mấy trận, anh Phong chỉ huy một tiểu đội dùng FT1 diệt lô cốt Rạng và lô cốt Phú Long. Bọn địch đi càn ra đến xóm Bà Giá thường bị những trận phục kích bất ngờ của tiểu đội do anh Phong chỉ huy.



tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương