ĐẢng cộng sản việt nam



tải về 1.81 Mb.
trang1/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM


ĐẢNG BỘ HUYỆN HÀM THUẬN BẮC
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG

CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN



HUYỆN HÀM THUẬN

(1930 – 1975)

Tái bản lần thứ nhất

Tháng 07/1910

* CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:

Ban Thường vụ Huyện uỷ Hàm Thuận Bắc.

* CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN:



Huỳnh Thanh Cảnh

Tỉnh uỷ viên - Bí thư Huyện uỷ Hàm Thuận Bắc.

* BIÊN SOẠN:

Trần Nhật Nghĩa

* BIÊN TẬP NỘI DUNG:

Trần Mạnh Tường

Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Thuận

Dương Văn Đông

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hàm Thuận Bắc

* TRÌNH BÀY VÀ SỬA BẢN IN

Dương Văn Đông

LỜI GIỚI THIỆU

Hàm Thuận có vị trí chiến lược rất quan trọng, có vùng rừng cát tiếp giáp biển và vùng rừng núi phía tây, tây – nam, hình thành các khu căn cứ cách mạng bao quanh Phan Thiết- trung tâm đầu não của địch ở Bình Thuận. Đồng thời Hàm Thuận còn là hậu phương lớn, là nơi cung cấp nhân tài vật lực cho Tỉnh và quân Khu VI. Chính vùi vậy, Hàm Thuận trở thành chiến trường luôn luôn nóng bỏng ác liệt giữa ta và địch trong suốt hai cuộc kháng chiến.

Ngày 05/12/1947, Đảng bộ Hàm Thuận ra đời, là bước ngoặc lịch sử đánh dấu sự trưởng thành và không ngừng lớn mạnh của phong trào đấu tranh cách mạng Hàm Thuận. Dưới sự lãnh đạo Tỉnh, Ban Cán sự Cực Nam; sự giúp đỡ của các lực lượng khác đứng chân trên địa bàn huyện, Đảng bộ và quân dân trong huyện đoàn kết, một lòng một dạ trung thành với Đảng và Bác Hồ, kiên trì, bền bỉ chịu đựng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đập tan các thủ đoạn chiến tranh của kẻ thù cho đến ngày toàn thắng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Để lưu giữ, giáo dục và tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của Đảng bộ và quân dân Hàm Thuận đối với các thế hệ mai sau, năm 1983 Thường vụ Huyện uỷ Hàm Thuận chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống huyện. Sau nhiều năm sưu tầm tư liệu và biên soạn, hai tập lịch sử “Hàm Thuận bất khuất, kiên cường” lần lượt ra đời: Tập I, giai đoạn 1930- 1954 ấn hành vào tháng 3/1988; Tập II, giai đoạn 1954- 1975 ấn hành tháng 1/1994.

Tuy nhiên do lần đầu biên soạn nên hai tập lịch sử trên có những hạn chế, thiếu sót cần được chỉnh sửa, bổ sung. Ngày 25/03/2003, Thường vụ Huyện uỷ Hàm Thuận Bắc có Chỉ thị số 12 về đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống địa phương, trong đó chỉ đạo tái bản hai tập lịch sử “Hàm Thuận bất khuất kiên cường” để hợp nhất thành một tập với tên gọi “Truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Hàm Thuận”, giai đoạn 1930- 1975.

Gần 6 năm tổ chức biên soạn, với nhiều cuộc hội thảo góp ý chỉnh sữa, bổ sung đã thu nhận được nhiều ý kiến của cán bộ và nhân dân trong huyện, nhất là những ý kiến đóng góp nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo huyện các thời kỳ và của các đồng chí đã từng công tác, chiến đấu trên chiến trường Hàm Thuận, cùng với sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đến nay nội dung tập lịch sử đã được hoàn chỉnh. Việc tái bản tập lịch sử vừa thể hiện lồng tri ân của cán bộ và nhân dân trong huyện đối với các thế hệ chiến sĩ, đồng bào đã chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Hàm Thuận, vừa là công trình thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc lần thứ X, nhiệm kỳ 2010- 2015 và đại hội Đảng bộ các cấp

Tuy có nhiều cố gắng trong lần tái bản này nhưng không sao tránh khỏi thiếu sót. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy rất mong đồng chí, đồng bào tiếp tục đóng góp ý kiến để tập lịch sử ngày càng hoàn thiện hơn, phản ánh đầy đủ, chân thật, sinh động nhất truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hàm Thuận anh hùng./.

BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY HÀM THUẬN BẮC

Phần thứ nhất

QUÊ HƯƠNG - CON NGƯỜI HÀM THUẬN

Chương một:

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ, VĂN HOÁ VÀ XÃ HỘI CỦA HÀM THUẬN

Trong quá trình hình thành và phát triển, từ phủ Hàm Thuận đã có nhiều sự thay đổi về tổ chức hành chánh và vị trí địa lý. Năm 1832, Triều đình nhà Nguyễn đổi Bình Thuận trấn thành Bình Thuận tỉnh, gồm 2 phủ: Ninh Thuận và Hàm Thuận. Tên Hàm Thuận ra đời từ đó. Phủ Hàm Thuận gồm hai huyện: huyện Hoà Đa (từ sông Duồng đến sông Phố Hài), huyện Tuy Định (từ sông Phố Hài giáp với tỉnh Biên Hoà, nay là tỉnh Đồng Nai). Diện tích tự nhiên khoảng 2.402 km2.

Năm 1839, phủ lỵ Hàm Thuận đóng ở thôn Xuân An (huyện Hoà Đa) chuyển về làng Phú Tài (nay là khu vực cây xăng đối diện sân vận động Phan Thiết). Năm 1899, Phan Thiết tách khỏi phủ Hàm Thuận thành tỉnh lỵ của Bình Thuận. Phủ lỵ phủ Hàm Thuận vẫn đóng ở làng Phú Tài.

Đến đầu thế kỷ thứ XX, phủ Hàm Thuận còn 4 tổng: Đức Thắng, Lại An, Thắng An và Nông Tang (gồm 63 làng, xã). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng tách một số xã của tổng Đức Thắng giao về thị xã Phan Thiết và đổi phủ Hàm Thuận thành huyện Hàm Thuận.

Từ năm 1946 đến năm 1954, những vùng Pháp chiếm đóng trên vùng đất Hàm Thuận, chúng vẫn duy trì tổ chức hành chánh cấp phủ. Đối với ta, năm 1951, chia Hàm Thuận thành 2 huyện Hàm Thuận và huyện căn cứ Lê Hồng Phong. Đến cuối năm 1952, tách các xã: Hàm Đức, Hàm Nhơn, Hàm Thắng, Hàm Dũng của huyện Hàm Thuận thành lập khu Miền Đông là đơn vị hành chánh trực thuộc Tỉnh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1957 đến năm 1961, trên vùng đất huyện Hàm Thuận, địch chia thành ba quận: Hàm Thuận, Thiện Giáo và Hải Long. Đối với ta, do yêu cầu của cuộc kháng chiến năm 1968, huyện Hàm Thuận chia thành 2 huyện Hàm Thuận và Thuận Nam, đến đầu tháng 2 năm 1972 sáp nhập lại. Năm 1974, do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, huyện Hàm Thuận chia lại 2 huyện Thuận Nam và Hàm Thuận; đến tháng 2 năm 1975 sáp nhập lại. Tháng 10/1975, huyện Thuận Phong sáp nhập vào huyện Hàm Thuận 1. Đến năm 1976, toàn huyện Hàm Thuận có 20 xã: Hàm Dũng, Hàm Tiến, Hàm Nhơn, Hàm Thắng, Hàm Đức, Hàm Mỹ, Hàm Hiệp, Hàm Cần, Hàm Kiệm, Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Trí, Hàm Phú, Hàm Thạnh, Hàm Minh, Hồng Phong, Hồng Liêm, Hồng Sơn, Ma Lâm và Mỹ Thạnh. Từ năm 1976, huyện Hàm Thuận lần lượt nhận thêm 2 xã Đông Giang và La Dạ của căn cứ Nam Sơn thuộc Khu VI.

Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định tách xã Hồng Phong giao cho huyện Bắc Bình; tách xã Hàm Tiến (Rạng) và xã Hàm Dũng (Mũi Né) giao về thị xã Phan Thiết. Năm 1983 Hàm Thuận chia thành 2 huyện là Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc.

Đến năm 2005, huyện Hàm Thuận Bắc có 17 đơn vị hành chánh gồm: Thị trấn Ma Lâm, Thị trấn Phú Long và các xã Hàm Thắng, Hàm Đức, Hồng Sơn, Hồng Liêm, Thuận Hoà, Hàm Phú, Hàm Trí, Thuận Minh, Hàm Chính, Hàm Liêm, Hàm Hiệp, Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ và Đa Mi.

Núi rừng huyện Hàm Thuận liền sát với núi rừng tỉnh Lâm Đồng, liên quan đến dãy Trường sơn, có độ cao ở hướng Tây Bắc và thấp dần về hướng Đông Nam. Các núi trong huyện gồm có: núi Nhọn, núi Bà, núi Xã Thô và núi Đá Gia (Hàm Trí); núi Bàu Thiêu (Hồng Phong); núi Rễ, núi Ách, núi Bành, núi Kính (Hồng Liêm); núi Tà Dôn (Hàm Đức); núi Thừa (Hàm Phú); dãy núi Ông (Mỹ Thạnh), có đỉnh cao nhất 1.392m; núi Da, núi Lùm, núi Cô Nhí (Hàm Thạnh); núi Tà Cú (Thị trấn Thuận Nam); núi Ba Hòn (Hàm Kiệm). Địa hình Hàm Thuận có 3 dạng chính: miền núi, trung du và đồng bằng. Vùng đồng bằng chạy dọc theo Quốc lộ 1 và Quốc lộ 28; vùng trung du là vùng đồi núi thấp và đồi cát chạy dọc theo ven biển.

Hàm Thuận có rừng và biển. Trong rừng có nhiều cây gỗ quý như: gõ, trắc, giáng hương, căm xe, sao, dầu...và nhiều lâm sản có giá trị như: dầu rái, chai móng, tre mây, cây lá buông...và trên 30 loại cây ăn quả. Trong rừng có nhiều dược liệu như: trầm, kỳ, sa nhân, tô mộc, mật ong và có nhiều loại thú: voi, hổ, bò tót, hươu, vượn, trăn, trĩ, khỉ, công, gà lôi...Gấu, cọp ở Hàm Thuận đã nổi tiếng một thời, được thể hiện qua câu hát:

“Anh về em muốn về theo

Sợ Truông Khe Cả, sợ đèo Tú Luông”

Đặc biệt ở rừng cát ven biển có con dông (2), là nguồn thực phẩm của ta ở vùng căn cứ kháng chiến.

Hàm Thuận có 3 con sông chính: Sông Cà Ty (còn gọi là sông Mường Mán) dài 56 km bắt nguồn từ dãy núi Ông (Tánh Linh) chảy về cửa biển Phan Thiết. Dòng sông chảy ngang qua Hàm Thuận khoảng 20 km. Sông Quao (sông Cái) bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên có chiều dài 71km, chảy qua Hàm Thuận dài khoảng 63 km, qua các xã Hàm Trí, Hàm Phú, Ma Lâm, Hàm Chính, Hàm Đức, Hàm Thắng và Hàm Nhơn đổ ra cửa biển Phú Hài. Sông Cạn bắt nguồn từ núi Đá Heo (phía Tây huyện Băc Bình) dài 44 km, chảy qua các xã: Hồng Sơn, Hàm Đức, Hàm Thắng và Hàm Nhơn. Nơi gặp nhau giữa sông Cạn và sông Cái tại ranh giới giữa 2 xã Hàm Nhơn, Hàm Thắng và cùng đổ ra cửa biển Phú Hài. Hệ thống sông ngòi của Hàm Thuận vừa ngắn, hẹp, vừa dốc, nhiều khúc quanh co, dẫn đến thiếu nước về mùa nắng, gây lũ lụt về mùa mưa.

Bờ biển Hàm Thuận từ Hòn Hồng đến Khe Gà là nơi sinh trưởng của nhiều loại hải sản. Nhiều loại hải sản như: cá nục, mòi, đỏ dạ, bẹ, thu, bạc má, chim, hải sâm, hải mã, rong câu, tôm, hào, sò, mực, điệp... Từ năm 1983 đến nay, vùng biển của Hàm Thuận trước đây, nay thuộc các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và thành phố Phan Thiết.

Vài nơi ven biển có điều kiện làm muối nên các cánh đồng muối ở Phú Hài, Trinh Tường đã sản xuất, cung cấp muối ăn và chế biến nước mắm. Nước mắm Phan Thiết, Mũi Né, Phú Hài đã một thời nổi tiếng thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Nước mắm và các mặt hàng hải sản khác, là nguồn thu chính của Hàm Thuận ngày xưa.

Những động cát dọc bờ biển có độ cao từ 5 đến 15 mét, thành một tuyến liên hoàn, tạo nên nhiều bàu như: bàu Sen, bàu Ghe, bàu Me, bàu Tàng, bàu Đế.....Tuyến rừng cát ôm ấp bờ biển phía Nam nối liền từ Tú Luông đến Khe Gà, có các bưng: bưng Bí, Kỳ Hào, Bà Tùng, Cò Ke, Giồng Xây...

Sự gắn liền giữa bưng, bàu, rừng, động cát... tự nhiên ấy đã tạo nên một số nơi dọc bờ biển Hàm Thuận có nguồn nước nhỉ ngọt, giúp ngư dân làm vườn, rẫy. Nhiều mũi đá, bãi ngang hình thành những bãi tắm đẹp như: Bình Thiện, Suối Nước, Hòn Rơm, Rạng, Trạm, Đá Ông Địa, Tú Luông, Ngọc Lâm, Bình Tú, Quán Thùng, Khe Cả, Khe Gà... Núi non, rừng biển, ruộng đồng, sông, suối của Hàm Thuận đã cung cấp nhiều cây, con để làm dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, lương thực, thực phẩm...phục vụ cho việc xây dựng và phát triển kinh tế địa phương.



Khí hậu Hàm Thuận có hai mùa chính: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Từ xưa, nông dân Hàm Thuận đã có câu tục ngữ: “Trăm sự nhờ trời”. Hàm Thuận là vùng khô hạn, do đó nhân dân đã làm các công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Tính đến năm 1945, phủ Hàm Thuận đã làm được 6 đập nước, có sức tưới khoảng 5.000 ha, đó là: đập Cây Khế, Kim Long, Ô Xuyên, Đồng Đế, Siễng Giang, Lăng Giang. Trong đó đập Cây Khế xây dựng đầu tiên vào giữa thế kỷ XIX. Ngoài ra nhân dân còn dựa vào các bưng ở phía Nam, các bàu ở phía Bắc, khai thác nước nhỉ quanh năm. Năm 1949, chính quyền cách mạng phát động nhân dân vùng kháng chiến làm thêm đập Bàu Tiết ở xã Dân Thạnh (nay là xã Hồng Sơn).

Từ sau ngày giải phóng năm 1975 đến nay, trên vùng đất huyện Hàm Thuận đã xây dựng được thêm nhiều công trình thuỷ lợi có ý nghĩa cả về kinh tế, văn hoá, xã hội như: hồ Sông Quao, hồ Suối Đá, hồ Tân Lập, đập Ba Bàu...nhờ đó có nguồn nước phục vụ cho đời sống và sản xuất trong mùa khô.

Nông sản của huyện Hàm Thuận khá phong phú có lúa, mè, khoai, đậu, dưa.... Hàm Thuận là vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Từ những giống lúa dài ngày có năng xuất và chất lượng thấp (lúa úi, ba trăng...), nông dân đã tiếp thu nhiều giống lúa mới có chất lượng cao như ba thóc, nàng sậu, nàng quớt, móng chim, nếp ba tháng và nhiều giống lúa có thời gian gieo trồng thu hoạch gắn ngày (3). Ngoài cây lúa, cây ăn quả (thanh long, mảng cầu, xoài...), đất Hàm Thuận cũng thích hợp với một số cây công nghiệp như: thuốc lá, dừa, điều, thầu dầu, mía, bông...Ở miền núi phát triển: tiêu, cà phê, cao su....

Nhờ thế mạnh tự nhiên, Hàm Thuận sớm phát triển một số nghề truyền thống như: làm muối, nước mắm, đồ gốm, làm tỉn, dệt lá buông, dệt vải, đóng ghe thuyền, thùng lều... Việc khai thác lâm đặc sản cũng rất đa dạng, lấy mật ong, dầu rái, gỗ, tre, mây... Nhân dân Hàm Thuận còn dùng lá buông để dệt đệm, dệt buồm, làm dây neo, đan bao bì... Phú Hài, Vĩnh Thạnh, Khánh Tường... là các làng dệt nổi tiếng. Việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa cũng sớm phát triển và địa danh “Xóm lụa” (Phú Long ngày nay) ra đời từ đó. Nghề trồng mía, nấu đường (đường khè) cũng đã sớm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho nhân dân.

Về giao thông, Hàm Thuận ngày xưa có địa bàn rộng nhưng hệ thống giao thông, liên lạc rất hạn chế. Đến đầu thế kỷ XX, toàn phủ Hàm Thuận mới có ba con đường chính chạy ngang qua Huyện: Quốc lộ 1 dài 63 km, Liên tỉnh lộ 8 (Quốc lộ 28) dài 42 km và Tỉnh lộ 9 (Phan Thiết – Mũi Né) dài 22 km; đường sắt Bắc Nam chạy ngang qua huyện 93 km. Ngoài ra trên địa bàn Huyện còn có 60 km đường đắp liên xã. Sau năm 1920, Pháp lập sân bay Bình Lâm thuộc xã Hàm Chính ngày nay. Trong thời Mỹ, nguỵ (trước năm 1975), địch làm thêm một số đường cộng đồng để gom dân, lập ấp và khống chế cách mạng. Từ sau năm 1975, nhất là những năm gần đây, có nhiều tuyến đường liên xã mới được xây dựng và các tuyến đường cũ được nâng cấp, giải quyết được yêu cầu bức thiết cho việc đi lại của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong huyện.

Về xã hội, đầu thế kỷ XVII, Hàm Thuận còn nhiều vùng đất hoang vu, chỉ có một ít tộc người CờHo, Rai ở miền núi phía Tây sống du canh, du cư và một số đồng bào Chăm sống rải rác từ Phú Hài, Lại Yên đến Xa Ra (Sa Ra), Ma Lâm. Từ thế kỷ XVII trở đi, dân cư các tỉnh miền Trung lần lượt đến Hàm Thuận bằng đường biển, đường bộ. Đến thế kỷ XVIII, sau khi chúa Nguyễn có chính sách khẩn hoang, đồng bào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quãng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...vào Hàm Thuận đông đảo hơn. Khi mới đến, dân cư sinh sống ở các vùng như: Mũi Né, Rạng, Phú Hài, Lại An (Lại Yên), Phú Long, Kim Ngọc...sau đó chuyển dần lên các vùng: Tùy Hoà, Vĩnh Hoà, Long Thạnh, Tân Xuân, Phú Hội, Mỹ Thạnh, Ma Lâm...

Những nông dân, ngư dân vào Hàm Thuận (Bình Thuận) tìm kế sinh nhai. Đến khi phong trào Cần Vương khởi xướng, một số người đỗ đạt khoa cử – nho học, có tinh thần yêu nước cũng vào đây dạy học, sinh sống. Những cụm dân cư nhỏ đầu tiên được hình thành trên cơ sở dòng tộc, họ hàng hoặc tình làng, nghĩa xóm chung lưng đoàn kết, đùm bọc nhau để tạo dựng cuộc sống. Chẳng bao lâu sau, những vùng hoang vu được biến thành xóm ấp, làng mạc. Đầu thế kỷ XVIII, Hàm Thuận đã sớm phát triển về nông – lâm – ngư nghiệp và thủ công nghiệp. Nông dân làm ruộng, rẫy, khai thác lâm sản; đóng tàu, làm biển, làm muối, nước mắm...Trước khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Bình Thuận, nhân dân huyện Hàm Thuận đã tạo nên một số vùng đời sống phát triển trù phú như: Mũi Né, Rạng, Phú Hài, Lại An, Dương Xuân, Thiện Mỹ, Phú Long, Phú Tài, Xuân Phong, Đại Mẫm... Nhiều địa danh nổi tiếng gắn với các của biển như chợ Dinh, Phan Thiết, Mũi Né, Phú Hài...

Trước năm 1945, dân số phủ Hàm Thuận (cả Phan Thiết) khoảng 65.000 người, phần lớn là người Kinh, còn lại là người Chăm tập trung ở Ma Lâm và một số ít người Rai, KờHo, Mạ ở miền núi và một số người Hoa sinh sống ở Mũi Né, Phú Hài, Phú Long...Đến năm 1976, dân số Hàm Thuận khoảng 131.750 người.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, hơn 80% dân số của huyện Hàm Thuận là bần, cố nông không có ruộng đất, cuộc sống chính là lãnh canh, làm thuê, ở đợ...Thực dân, địa chủ cấu kết với nhau tước đoạt ruộng đất, bóc lột nông dân bằng nhiều thủ đoạn như: nâng mức tô, đấu giá, thay đổi tá điền, thu ruộng, thu trưng quảng thắng (địa chủ làm trùm bộ, mướn nông dân khai khẩn đất rừng, cho sản xuất vài ba năm rồi thu hồi lại). Phần lớn ruộng đất nằm trong tay giai cấp bóc lột. Riêng một số địa chủ ở Phan Thiết như bà Lục Thị Đậu, ông Trần Gia Hoà, ông Thất Ngàn... chiếm 40% diện tích ruộng đất của Hàm Thuận. Ngoài ra còn hàng trăm ha ruộng của nhà chung, nhà chùa. Riêng nhà thờ Kim Ngọc chiếm 100 ha ruộng hạng nhất, phát canh thu tô trong giáo dân. Những tên thực dân Pháp như: Ghi-đông La-van-lê (Guidon Lavallé), Đờ Mô-nét-xtrôn (De Monestrol), Cát-xê... đã tước đoạt hàng ngàn ha ruộng và cả đập nước của nông dân Hàm Thuận để lập những đồn điền.

Trong ngành đánh bắt hải sản dù phải lặn lội với sông nước, biển khơi, song tính mạng, công sức của người lao động biển cũng chỉ làm giàu cho hàm hộ, đầu nậu, chủ vựa. Do mượn tiền trước, nên ngư dân phải bán cá cho chủ nợ với giá bằng 50 đến 60% giá thị trường. Ngay sau mùa cá, ngư dân lại trở thành con nợ của chủ cho vay nặng lãi. Thiếu ăn, thiếu mặc, cuộc sống của ngư dân càng thêm khó khăn.

Đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao càng tủi nhục, đói cơm lạt muối và cảnh phu phen, tạp dịch trở thành gánh nặng. Lợi ích của việc khai thác đồn điền hướng Di Linh đã làm cho thực dân Pháp quyết hoàn thành sớm đường Liên tỉnh lộ 8. Suốt những năm 1911 – 1915, những phu làm đường cả người Kinh lẫn người dân tộc không những chết vì đau yếu, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men mà hàng ngày còn bị đánh đập, hà khắc. Cùng với ăn đói, mặc rách, bệnh hoạn, nợ nần, hàng năm mỗi tráng đinh phải chịu một suất sưu (làm Xâu). Các công việc làm cầu, làm đường, làm công sự, cưa ván, chặt cây, lao động không công ở các đồn điền trà, cà phê, cao su...tại Di Linh, lắm người đi sưu không trở lại. Riêng thanh niên còn bị bắt đi lính lệ, khố đỏ, khố xanh cho triều Nguyễn và thực dân Pháp.

Chính sách sưu thuế của thực dân là gánh nặng đè lên những con người kiệt sức, như thuế - thuế ruộng, thuế muối, thuế chợ, thuế đò...dã man nhất là thuế thân (thuế đánh vào nam giới từ 18 đến 60 tuổi, còn gọi là thuế đinh). Những năm 1942-1945, thực dân Pháp cùng phát xít Nhật ra sức vơ vét của cải nhằm phục vụ chiến tranh xâm lược của chúng nên người dân Hàm Thuận bị một cổ ba tròng (Pháp - Nhật – Nam Triều) áp bức. Chúng tăng các loại thuế, trong đó thuế thân tăng từ 2 đến 5 đồng/1 suất, trong khi giá lúa chỉ 8 đồng/1 xe trâu (khoảng 700 kg). Dân nghèo khiếp đảm mỗi khi nghe tiếng trống, mõ thúc dồn đòi thuế, ai thiếu thuế bị gông cùm, nhiều người phải đến các hàm hộ, phú nông, địa chủ vay tiền để chuộc chồng, con rồi trả nợ bằng cách làm thuê, ở đợ. Quan lại giàu lên sau mùa thuế qua hù doạ, vơ vét, cho vay và phù thu lạm bổ (Lý hương báo danh sách người nộp thuế thấp hơn thực tế để xén bớt một khoản tiền công quỹ). Ngoài ra hàng năm, người lao động phải nộp vào các khoản: lễ Tết, Xuân Thu nhị kỳ... Đây là dịp quan lại ham quyền chức dành nhau chỗ ngồi, với quan niệm: “Một miếng thịt làng hơn tràng thịt chợ”. Bên cạnh đó, chúng còn dùng quyền thế lôi kéo từng bộ phận nông dân vào việc kiện tụng giành ruộng đất....gây hiềm khích trong gia tộc và chia rẽ trong xóm làng. Kết quả của những cuộc tranh chấp đó là nhân dân mất của, mất công, mất đất, mất lòng....kẻ được là hương lý và quan trường xử kiện.

Về giáo dục Nho học, đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), trường phủ Hàm Thuận đặt ở làng Phú Tài; năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) chuyển trường Phủ thành trường Tỉnh. Nhờ điều kiện đó nên trong giai đoạn này có một số con em của người Hàm Thuận được học hành.

Sau khi Pháp xâm lược nước ta (1858) đến năm 1904, Phan Thiết mới có một trường Sơ học. Gần cả chục năm sau, một số làng đông dân trong phủ Hàm Thuận mới có trường Sơ học gồm lớp một đến hai lớp đầu cấp bậc tiểu học. Năm 1924, Phan Thiết có trường Tiểu học Pháp - Việt (nay là trường Tiểu học Đức Thắng I). Năm 1940, ở Hàm Thuận có trường Tiểu học ở Mũi Né. Ai muốn học lên bậc trung học phải ra ngoài tỉnh, đó là điều khó thực hiện đối với học trò nghèo. Vốn có truyền thống hiếu học, từ xưa một số gia đình khá giả ở một số làng đã mời thầy về dạy chữ Hán, chữ Quốc ngữ cho con em trong làng. Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Tỉnh uỷ Bình Thuận chủ trương mở trường trung - tiểu

học trên địa bàn Hàm Thuận (ở Tam Minh và khu Lê Hồng Phong) 4. Nhờ đó, một số con em của nhân dân lao động được học hết bậc tiểu học. Trong thời Mỹ xâm lược vùng tạm bị chiếm chính quyền địch có mở các cấp học, nhưng phần nhiều ở vùng chiến sự, việc học hành gặp khó khăn. Đối với vùng giải phóng ta cũng mở một số trường tiểu học nhưng gặp nhiều khó khăn.

Về y tế, đầu thế kỷ XX, tỉnh Bình Thuận có một Nhà Thương thí ở Phan Thiết, lúc đầu có 10 giường bệnh. Đến năm 1916, bệnh viện này phát triển lên khoảng 40 giường bệnh. Trong đó có hai chế độ cách biệt: Số có tiền đóng viện phí nằm phòng chăm sóc đặc biệt, dân nghèo nằm phòng riêng được phát thuốc miễn phí (phòng thí). Ngoài ra, ở Mũi Né và một số thị tứ khác còn có cơ sở y tế, lúc đó gọi là “nhà thương” làm nhiệm vụ cấp thuốc và chửa bệnh cho dân nghèo. Trong điều kiện Tây y còn hạn chế, nhân dân chủ yếu dùng thuốc Nam và thuốc Bắc để điều trị bệnh.

Về tín ngưỡng ở huyện Hàm Thuận có các tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo hồi...Nhưng đạo Phật gắn bó chặt chẽ vào tình cảm của nhiều người, bên cạnh đình làng còn có ngôi chùa thờ phật. Những ngôi chùa được xây dựng sớm phải kể đến là Phật Quang tự (chùa Cát ở Hưng Long xây năm 1736), Bửu Quang tự ở làng Xuân Phong (1762), chùa Phước Hưng ở làng Phú Trường...Về đạo Công giáo, vào năm 1665 đã có linh mục người Pháp đến đây truyền đạo. Đầu thế kỷ thứ XVIII (khoảng năm 1702), Hàm Thuận có nhà thờ bằng tranh, tre, nứa lá đầu tiên ở Phú Hài. Hai xứ đạo ra đời sớm là ở Phú Hài và Kim Ngọc. Năm 1955 Mỹ, Diệm đưa thêm khoảng 20.000 giáo dân từ một số tỉnh ở miền Bắc vào Hàm Thuận lập ấp, cất nhà thờ (Văn Giáo, Văn Lâm, Văn Phong, Thuận Nghĩa...). Trong đồng bào Chăm người dân theo đạo Hồi giáo...Trong suốt hai thời kỳ Pháp và Mỹ chiếm đóng, chúng luôn tìm cách chia rẽ các Tôn giáo và dân tộc trong địa phương.

Với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội đã tạo nên một bản sắc con người Hàm Thuận trong đấu tranh và xây dựng. Đây cũng là cơ sở cho tinh thần yêu nước của nhân dân Hàm Thuận đứng lên chống quân xâm lược.




Chương hai
PHONG TRÀO YÊU NƯỚC TRƯỚC KHI CÓ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Sự hình thành dân cư ở Hàm Thuận gắn liền với quá trình liên tục đấu tranh giữa bao đổi thay dồn dập của đất nước. Khi kẻ thù đến xâm lược, nhân dân Hàm Thuận đã liên tiếp tham gia các phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

I/- PHONG TRÀO TỴ ĐỊA (1859-1880).

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Đầu năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Biên Hòa và 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Trong khi đó, Bình Thuận là nơi tiếp giáp giữa Nam kỳ và Trung kỳ nên nhiều nhà yêu nước Nam Kỳ ra Bình Thuận để tìm kế chống giặc: Phan Trung - quê ở Phan Thiết thuộc tổng Đức Thắng phủ Hàm Thuận, lúc đó đang làm Tùy phái ở Gia Định. Đã chiêu mộ nghĩa binh gồm nhiều con em của tỉnh Bình Thuận. Trước họa xâm lăng, nhiều trai làng của Hàm Thuận đã tình nguyện gia nhập vào nghĩa quân của Phan Trung, phối hợp với nghĩa quân Trương Định chi viện cho tuyến lửa Biên Hòa và đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất. Năm 1862, bất chấp lệnh của vua Tự Đức cấm nghĩa binh hoạt động, Phan Trung vẫn chỉ huy lực lượng của mình ra vào miền Đông Nam kỳ chống giặc làm tiêu hao lực lượng địch.

Từ 1867 trở đi, sau khi 6 tỉnh Nam kỳ bị Pháp chiếm, trong phong trào Tỵ địa (bất hợp tác với giặc) có nhiều sĩ phu cùng nhân dân yêu nước từ Nam kỳ lánh ra Hàm Thuận tìm cơ hội chống giặc. Tại đây, các cụ đã giác ngộ nhân dân Hàm Thuận thêm tinh thần chống thực dân Pháp. Trong số 111 sĩ phu yêu nước ra Bình Thuận, đã có 57 người dừng chân ở Hàm Thuận – trong đó có cụ Nguyễn Thông gắn bó cuộc đời của mình với mảnh đất và nhân dân Hàm Thuận.

Vào những năm 70 của thế kỷ XIX, trong quá trình hoạt động ở Bình Thuận, ông Nguyễn Thông thường xuyên có mặt ở Hàm Thuận. Năm 1873, ông cáo quan về nghỉ ở Xa Ra, lập vườn (gọi là Trại Núi) và ở đó làm thơ, ngâm, vịnh. Với tinh thần chống Pháp cùng văn thơ yêu nước của mình, ông Nguyễn Thông đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước và nhen nhóm cho đồng bào Hàm Thuận tinh thần chống thực dân, đế quốc.

II/- NGHĨA QUÂN UNG CHIẾM HƯỞNG ỨNG HỊCH CẦN VƯƠNG (1885-1886).

Năm 1885, vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương, nhân dân nhiều nơi trong tỉnh Bình Thuận đứng lên chống Pháp. Cùng với phong trào do các ông Phạm Đoan, Nguyễn Văn Luận, Phùng Hàu, Phùng Tố, v...v.. lãnh đạo ở Tuy Phong, Hòa Đa, tại phủ Hàm Thuận có cuộc khởi nghĩa do cha con ông Ung Chiếm lãnh đạo. Ông Ung Chiếm làm Chánh tổng Lại An. Năm 1885, ông hưởng ứng hịch Cần vương của vua Hàm Nghi, tự xưng là Chánh Sơn phòng, cùng con trai và con rễ chiêu tập nghĩa quân chống thực dân Pháp và bọn quan lại tay sai. Bộ chỉ huy nghĩa quân gồm có ông Từ Sĩ Vệ - phó Chánh sơn phòng, Chánh lãnh binh Võ Cẩn (người làng Long Thạnh), thầy Tài (làng Tầm Hưng) và ông Huỳnh Hữu Trí (làng Tùy Hòa). Cùng với nghĩa quân Ung Chiếm, còn có lực lượng nghĩa quân khác do ông Cao Hành và ông Bùi Đảng chỉ huy hoạt động ở tổng Đức Thắng. Dưới Chánh Sơn phòng, lãnh đạo ở từng làng gọi là quản binh, suất đội. Nghĩa quân của ông Ung Chiếm tập hợp được nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia, nên gọi là quân “ Thứ ”. Nghĩa quân hoạt động trong vùng đất của Tổng Lại An, từ Tân Xuân, Khánh Tường đến Thuận Sen (là xã Hàm Trí và Hồng Liêm ngày nay) và lập căn cứ dọc theo rừng cát từ Thiện Mỹ đến Long Thạnh; thường luyện quân những nơi có địa thế kín đáo thuận lợi như: hóc núi Giếng Chanh, ruộng Nước trời và Vườn xoài, mương Nổi (Kim Ngọc). Các hào lý trong vùng chiếm đóng của nghĩa quân đều phải phục tùng mệnh lệnh của ông Ung Chiếm. Nhân dân những nơi ấy (gọi là dân của Thứ). Nhiều lần nghĩa quân đã vây đánh Phủ lỵ Hàm Thuận và mai phục đánh bọn lính Phủ ra tuần tiểu ở vùng Bến Lội5 (cầu Bến Lội ngày nay). Chánh quyền tay sai ở Phủ và Tỉnh bất lực trước sức mạnh và thanh thế của nghĩa quân, chúng phải cầu viện binh từ Sài Gòn. Ngày 27 tháng 8 năm 1886, thực dân Pháp cử tên thiếu tá Delorme (Đờ-Loóc-mơ) và Trần Bá Lộc đưa lính từ Sài Gòn ra đàn áp nghĩa quân ở Hoà Đa rồi vào Hàm Thuận bao vây tấn công nghĩa quân Ung Chiếm.

Dù vũ khí thô sơ (giáo, mác, cung, tên) nhưng nghĩa quân Ung Chiếm đã dàn mặt trận từ vùng Bến Lội đến Lại An chiến đấu quyết liệt với giặc Pháp. Sau 3 ngày đêm chống trả, nghĩa quân bị tổn thất, ông Ung Chiếm cho quân rút qua vùng Dương Xuân, Phước Môn, trũng Bà Cơ, lấy sông Cái làm phòng tuyến cố thủ hơn tháng trời (khu vực này còn có địa danh Giếng thầy Tài, do thầy Tài đào để lấy nước cho nghĩa quân). Khi quân Pháp tràn qua sông, nghĩa quân lại rút vào rừng củng cố lực lượng để tiếp tục chiến đấu.

Đồng thời với việc bao vây, địch còn dùng thủ đoạn tàn sát nhiều gia đình có người theo nghĩa quân. Giữa lúc nghĩa quân đang gặp khó khăn thì các lãnh đạo nghĩa quân lần lượt bị sa vào tay giặc. Cha, con ông Ung Chiếm bị địch bắn tại cây me ở làng Thiện Mỹ 6 rồi bêu đầu ở chợ Dinh. Ở Long Thạnh, chúng bắt ông Võ Cẩn trói vào cây trụ và bắn trước mặt người thân. Địch bắt và hành quyết ông Cao Hành rất dã man, hèn hạ. Chúng bêu đầu ở Cây Duối, Chợ Đồn, làng Trinh Tường - Phan Thiết, treo chân ở Phú Hài, treo tay ở Phú Tài (lỵ sở Phủ lỵ Hàm Thuận) nhằm tiếp tục uy hiếp tinh thần dân chúng. Địch liên tiếp vây ráp, khủng bố nên những gia đình có liên quan đến nghĩa quân phải cải trang, đổi tên, họ… Đến cuối năm 1886, nghĩa quân lần lượt tan rã. Dù cuộc chiến đấu không thành nhưng tinh thần, dũng khí của hai cha con ông Ung Chiếm, ông Cao Hành, ông Võ Cẩn và nghĩa quân đã góp phần vào phong trào Cần Vương và mãi mãi là một chấm son trong lịch sử chống ngoại xâm của đồng bào Hàm Thuận.

III/- PHONG TRÀO DUY TÂN (1905-1929).

Đầu thế kỷ 20, một số nhà yêu nước như Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đến Bình Thuận, Hàm Thuận phát động phong trào Duy Tân 7.

Hưởng ứng phong trào trên, ở tổng Đức Thắng có hoạt động của hội Liên Thành, hội này do ông Nguyễn Trọng Lội và một số người tiến bộ khác sáng lập. Ngoài việc chủ trương chấn hưng kỹ nghệ, hội Liên thành còn lập Liên Thành thư xã (1906), Liên Thành thương quán (1906), Dục Thanh học hiệu (1907). Trường Dục Thanh là nơi dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Trong quá trình dạy học ở đây 8, thầy Thành không những đã trực tiếp truyền bá tư tưởng yêu nước của mình cho một số thanh niên, học sinh, mà còn để lại những ảnh hưởng tốt về phong cách dạy và học ở một số trường khác trong phủ Hàm Thuận.

Năm 1925, học sinh trường Pháp – Việt, Phan Thiết đang hưởng ứng phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu. Năm 1926, phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh cũng thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân Bình Thuận tham gia. Học sinh ở Phan Thiết đã bãi khóa đòi được để tang cụ Phan Chu Trinh. Các vùng nông thôn Hàm Thuận đã có nhiều hình thức hưởng ứng như: nhóm họp truyền tụng thơ ca yêu nước. Thơ văn của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng như tiếng kèn thúc giục lòng yêu nước của nhân dân. Hàng năm, những người tiến bộ ở Hàm Thuận bí mật tổ chức kỷ niệm ngày mất của hai cụ Phan dưới hình thức đám giỗ, đám tiệc để đàm đạo, suy tư về đất nước, dân tộc.

Những năm 1926 - 1933, các nhóm thanh niên, học sinh ở một số làng trong Phủ thường tụ họp đọc sách báo tiến bộ, tìm hiểu thời cuộc. Những nhà có sách báo ấy là nơi lui tới gặp gỡ của các bạn trẻ 9. Không chỉ tìm hiểu thời sự, tin tức trong các báo, những thanh niên này còn tiếp cận những tác phẩm viết về thế giới sử, lịch sử nhân loại, cách mạng tháng Mười Nga; nhờ đó nhận thức mới về chính trị - xã hội được nâng lên.

Bốn năm liền từ 1929 đến 1933, đồng bào miền Trung gặp thiên tai, lũ lụt. “Nhâm Thân trời bão tháng ba (1932)”, các nhóm thanh niên Hàm Thuận đã hưởng ứng tiếng gọi: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng” do báo Tiếng Dân phát động, họ tự giác quyên tiền cứu trợ nhân dân, đồng thời dấy lên phong trào kiện đám hương lý ở địa phương phù thu lạm bổ. Nhóm thanh niên ở Kim Ngọc viết đơn tố cáo lý trưởng Nguyễn Vĩnh Tồn ăn hối lộ, hà hiếp nhân dân. Nhóm thanh niên ở Tùy Hòa vận động thanh niên không đi sưu làm cầu ở Tà Mon. Những việc làm trên được đông đảo đồng bào tiến bộ hưởng ứng.

Các hình thức đấu tranh nhỏ lẻ, tuy chưa giành được thắng lợi căn bản, nhưng nó đã chứng tỏ nhân dân Hàm Thuận đang đòi hỏi một con đường mới và sẵn sàng vùng dậy chống áp bức, bạo tàn giành quyền sống.

Như vậy, qua đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội và truyền thống yêu nước của nhân dân, càng thấy rõ một số nét đặc trưng của huyện Hàm Thuận. Hàm Thuận ngày xưa có núi, rừng, sông, biển, ruộng đồng..., nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; có tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển. Đây còn là mảnh đất tụ nghĩa, tụ trí, tụ lực và truyền thống yêu nước đã được hun đúc từ lâu đời. Hàm Thuận còn có một vị trí chiến lược rất quan trộng đối với tỉnh Bình Thuận, là huyện có địa bàn bao quanh và là cửa ngỏ tiến vào Phan Thiết, trung tâm đầu não của kẻ thù. Huyện Hàm Thuận còn là căn cứ cách mạng của Tỉnh, Ban cán sự Cực Nam, Khu 6..., là nơi chỉ đạo kháng chiến. Hàm Thuận còn là hậu phương, là tuyền tuyến của tỉnh. Chính những yếu tố đó, Đảng bộ huyện Hàm Thuận sớm xây dựng được cơ sở, cốt cán, phát triển phong trào yêu nước, giữ vững thế trận tấn công địch suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và mỹ xâm lược.

Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Thuận đã cùng nhân dân trong tỉnh tiến hành cuộc chống Pháp chống Mỹ xâm lược trong suốt 45 năm (1930-1975).


* *

*

Phần thứ hai

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN HÀM THUẬN GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945)

Chương một
CÁC TỔ CHỨC NÔNG HỘI VÀ NHỮNG CUỘC ĐẤU TRANH

CÁCH MẠNG TRONG THỜI GIAN ĐẦU (1930 - 1940)



tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương