ĐẢng cộng sản việt nam


II/- ĐÁNH CHO NGỤY NHÀO, GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG



tải về 1.81 Mb.
trang14/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

II/- ĐÁNH CHO NGỤY NHÀO, GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG.

Do ta áp sát, liên tục tấn công các ấp chiến lược nên năm 1974, địch hạn chế đánh phá vùng ta mà co về phòng thủ các ấp. Chúng tích cực phát triển các công cụ đàn áp cách mạng như: cảnh sát hóa bộ máy kèm, xây dựng lực lượng bảo an cơ động, tăng cường hệ thống đồn bót; tăng cường lực lượng cảnh sát, phòng vệ dân sự, cải tiến trang bị, đôn dân vệ lên thay bảo an giữ đồn, giữ ấp, kiểm soát dân.

Âm mưu cơ bản của địch năm 1974 là: tiếp tục bình định lấn chiếm và thực hiện kế hoạch hậu chiến một cách khẩn trương. Ở Thuận Phong, địch mở rộng lấn chiếm, khai hoang khẩn đất, di dân, lập ấp mới, lập khu kinh tế mới, tập trung lực lượng đánh phá vùng ta. Bên trong ấp, chúng truy quét cơ sở, khủng bố, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ; đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, gián điệp, hòng giải tỏa thế áp sát của ta. Ở vùng căn cứ giải phóng, địch dùng máy bay, xe tăng, pháo binh đánh phá, kết hợp với càn quét, đột kích, phục kích, ủi phá lấn chiếm địa hình.

Để thực hiện âm mưu trên, địch kết hợp các biện pháp, thủ đoạn như:

- Tiếp tục lấn chiếm, ủi phá địa hình, khai hoang khẩn đất và cướp hàng trăm ha ruộng của dân171; lập Tân Mục Trường ở Hồng Liêm dưới hình thức mở trang trại trồng mì, chăn nuôi bò nhưng thực chất là lấn chiếm địa bàn, di dân, lập thêm ấp mới.

- Tiến hành di dân lập ấp. Trong 6 tháng đầu năm 1974, ngoài việc dụ dỗ Việt kiều Campuchia ở Nam Căng, địch còn đưa trên 100 gia đình đồng bào Thiên Chúa giáo di cư ở Thanh Hải, Vĩnh Phú ra cây số 15 (Hàm Thuận), lập Giáo xứ Vĩnh An (huyện Thuận Nam).

- Chúng vơ vét, bóc lột dân bằng cách trưng thu, tăng các loại thuế.

- Tiếp tục đánh phá vùng giải phóng. Ngoài việc càn quét lớn, chúng thả lực lượng nhỏ, ém đột, phục kích thường xuyên ở các xã vùng căn cứ, giải phóng.

Ngày 28 tháng 3 năm 1974, trong cuộc càn tại Hàm Phú, địch đã đốt 50 nóc nhà, một trường học và cướp 26.200 giạ lúa, 50 giạ gạo và nhiều heo, gà. Tháng 4 năm 1974 địch tập trung 5 tiểu đoàn, kết hợp với cơ giới, pháo binh đánh phá Tam Giác và khu vực Cà Gằng xã Hàm Thạnh. Trong các ngày (04 đến 06 tháng 4 năm 1974), chúng sử dụng 26 lần chiếc máy bay A37 ném hàng trăm quả bom, bắn hàng ngàn đạn Róckét và bắn pháo các loại vào Tân Nông, Mỹ Thạnh.

Trong tháng 7 năm 1974, để phục vụ ngày bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh (14 tháng 7) địch tăng cường các biện pháp nắm dân, truy bắt cơ sở, tuyên truyền cho việc bầu cử, bắt dân đi bỏ phiếu. Những tháng tiếp theo địch đẩy mạnh truy quét bên trong, khống chế gia đình cách mạng, ráo riết bắt lính đôn quân, thiết quân luật, tuần tra gài mìn; vừa bung duỗi đánh bàn đạp của ta, bắn pháo vào các khu vực: Giếng Lớn, Núi Bành, Núi Kính, Núi Chùa, Đèo Thợ Thiện.

Qua nhiều hình thức đánh phá, địch đã gây cho ta một số khó khăn nhất định. Dân vùng giải phóng không ổn định làm ăn. Hoạt động của lực lượng bên trong bị hạn chế. Thế đứng, thế bám trụ của ta gặp khó khăn.

Căn cứ tình hình và chủ trương của trên, Huyện ủy đề ra phương hướng năm 1974: “Trước mắt động viên, đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh tấn công 3 mũi, kết với pháp lý Hiệp định, chống phá âm mưu bình định, lấn chiếm mới của địch. Giành dân, giành quyền làm chủ, xây dựng vùng giải phóng và lực lượng ta vững mạnh với tinh thần: Giành dân, giành quyền làm chủ là nhiệm vụ hàng đầu, xây dựng vùng giải phóng vững mạnh là quan trọng, phát triển lực lượng vũ trang và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng là quyết định”.

Để tiếp tục đánh bại âm mưu bình định, lấn chiếm mới của địch, đánh bọn càn quét bung duỗi, đánh mạnh vào vùng sâu, diệt ác; hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng, tạo thế thuận lợi phá kèm, giành quyền làm chủ; trong 6 tháng đầu năm 1974, Quân Khu 6 chủ trương mở 3 đợt hoạt động cao điểm172. Tam Giác và khu vực Nam Căng nằm trong vùng trọng điểm nên Quân khu và Tỉnh tăng cường lực lượng giúp huyện tấn công địch.

Ngày 16 tháng 01 năm 1974, biết địch đã nống ra đất Bà Cán, cách đồn Bình An khỏang 1000 mét, đơn vị 430 liền vận động vào gần ấp Bình An, rồi bọc ra đánh sau lưng địch. Ta có 12 chiến sĩ nhưng diệt 1 trung đội địch, thuộc đại đội 274; thu 11 súng và nhiều quân trang quân dụng.

Từ ngày 07 đến 15 tháng 3 năm 1974, các lực lượng của ta trên địa bàn Hàm Thuận đã trừng trị bọn lấn chiếm hàng chục trận, giết và làm bị thương trên 90 tên địch, phá hỏng 5 xe bọc thép, bắn rơi 3 máy bay, đẩy 5 tiểu đoàn địch lui khỏi Tam Giác.

Đầu năm 1974, Chi khu Thiện Giáo tập họp bọn chiêu hồi, lập 1 trung đội thám báo do 2 tên Danh và Cải chỉ huy. Bọn này thường cải trang trà trộn phục kích vùng Ma Lâm, Hàm Phú đánh phá đội công tác, lục xét, bắt bớ đồng bào.

Nắm được tình hình địch sẽ vào phục kích đánh ta. Đêm 07 tháng 4 năm 1974, đồng chí Nguyễn Nhẫn và Ban cán sự Khu C nhanh chóng bố trí 1 trung đội độc lập, sử dụng vũ khí bén (trung, tiểu liên..), do 2 đồng chí Nguyễn Thanh Dân và Nguyễn Lục chỉ huy, chia làm 2 tổ phục kích tại nỗng Tám Chức, thôn Phú Minh xã Hàm Phú.

Khoảng 01 giờ ngày 08 tháng 4 năm 1974 tiểu đội thám báo cùng 2 trung đội thám sát từ nỗng Cà Tang kéo lên cười nói ồn ào. Khi đội hình địch lọt gọn vào trận địa, mìn khai hỏa nổ, toàn đơn vị xung phong, dùng AK và thủ pháo diệt địch. Sau 15 phút chiến đấu ta diệt chết 22 tên, bị thương 21 tên; xóa phiên hiệu trung đội thám báo của chi khu Thiện Giáo. Sau đó đồng bào đi lại, làm ăn, tiếp xúc với đội công tác thuận lợi.

Ngày 09 tháng 8 năm 1974, du kích xã Hồng Sơn phối hợp với Tiểu đoàn 482 phục kích khu vực ấp Tà Nung, đánh bọn hành quân lấn chiếm, diệt tại chỗ 36 tên, làm thiệt hại nặng đại đội 2 của D275 bảo an, thu được 7 khẩu súng. Ta hy sinh 3 và bị thương 1 đồng chí.

Cùng với hàng loạt trận đánh của chủ lực và bộ đội địa phương, trinh sát, an ninh vũ trang…lực lượng du kích và quần chúng toàn huyện cũng mạnh mẽ vùng lên diệt ác, phá kèm. Trong đó, du kích mật của 3 xã Hồng Sơn, Hàm Liêm và Hàm Chính hoạt động có hiệu quả nhất.

Ngày 10 tháng 5 năm 1974, tên Ngác, cuộc phó cuộc cảnh sát xã Tân Phú Xuân lên ấp Tân Điền, tập trung đồng bào làm mít-tinh. Khoảng 10 giờ, Ngác đứng trước cửa nhà bà Ba; kê giấy lên chân ghi tên người đi họp. Em Mười du kích mật bắn liền 3 phát súng ngắn. Khi nghe báo động, lính trong đồn gần đó bắn trả; Mười nhanh trí cầm roi đuổi đàn bò vượt ra khỏi ấp. Ngác bị thương nặng và đã chết tại bệnh viện.

Ngay sau đó, cảnh sát vây bắt 56 người thuộc gia đình cách mạng để khống chế, trả thù. Bà con đoàn kết đấu tranh và tranh thủ binh lính: “Mấy người lùa dân vô ấp rồi dựng chuyện bắt à? Kẻ làm ác phải chết, dân có tội tình gì?”. Một số lính đồng tình với dân ngăn bọn cảnh sát: “Nó chết thì chôn, việc gì sinh sự bắt dân gây thêm chuyện”.

Em Nguyễn Văn Hùng du kích mật xã Hàm Chính mưu trí, gan lì và táo bạo. Nhiều chiếc ba lô của địch thường bị Hùng gài lựu đạn. Hùng đánh địch trong mọi tình huống, khi chúng đang tuyên truyền, chơi bạc hoặc đang lùng bắt cơ sở. Ngày 19 tháng 5 năm 1974 được tin tên Của đưa cảnh sát đến ấp Bình Lâm bắt cơ sở; du kích xã Hàm Chính lập thế đánh địch. Ta đặt mìn bên mép Đường 8 (Km 9). Hùng cải trang một cô gái, cầm cần độc (dụng cụ để móc ếch) đi móc ếch. Bên ngoài, một tổ du kích ém sau suối Ông Tín để hỗ trợ.

Đúng 11 giờ 30 ngày 19 tháng 5 năm 1974, chiếc xe của chi cảnh sát quận Thiện Giáo lọt vào trận địa của ta. Sau tiếng nổ vang rền là những loạt súng AK giòn giả. Chiếc xe tung lên, bốc lửa và bị thiêu rụi; có 5 tên ác ôn đã đền tội tại chỗ và một số tên khác bị thương. Trong đó có tên Của, là cái gai của đồng bào Tam Giác, chết hụt nhiều lần. Nay Hùng đã kết liễu đời nó. Nhân dân vô cùng phấn khởi.

Tên Son là cảnh sát ác ôn ở xã Tầm Hưng. Sau quá trình theo dõi, nắm quy luật, đúng 11 giờ 30 ngày 19 tháng 6 năm 1974, 2 du kích xã đột nhập được vào nhà riêng, diệt tên Son chết tại chỗ. Dân ở Đường 8 phấn khởi, thán phục nói với nhau: “Thật đáng đời thằng Son gian ác, du kích đằng mình tài giỏi quá chừng”.

Lực lượng vũ trang của huyện cũng có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Tỉnh đội Bình Thuận đã đánh giá: “Sau khi chỉnh huấn Chỉ thị số 12 và quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ mùa khô, tất cả đều chuyển biến nhận thức, nhiệm vụ, phương châm, phương thức đánh phá bình định và các phương thức hoạt động trên từng vùng, có phát triển khí thế tiến công mới. Một số nơi trọng điểm đã giữ vững thế chiến trường, thế đứng, thế bám; từng lúc bẻ gãy thủ đoạn càn quét, bung xỉa của địch như: Bộ đội địa phương và du kích Hàm Thuận, du kích xã Hồng Sơn - Lực lượng Quân khu 6 đứng ở Tam Giác có bám được nhiệm vụ chống càn, đánh những trận càn lớn, đồng thời hỗ trợ cho phong trào tại chỗ, bằng những hoạt động vào trong ấp, đánh sâu vào đầu não của địch. Nổi nhất là C5 của tỉnh và C3/430; trinh sát huyện, an ninh vũ trang huyện cũng hoạt động tốt. Các lực lượng trên đã phối hợp đánh được một số đơn vị địch như: Bảo an, dân vệ, bình định, cảnh sát và một số ác ôn, hỗ trợ tốt cho phong trào chính trị, binh vận. Về phương thức tác chiến, sau khi được nâng về kỹ, chiến thuật, thì trình độ chỉ huy cũng như kết hợp trong và ngoài tốt như C5 trinh sát, B độc lập Hàm Thuận, B2 huyện Thuận Nam. Từng lúc kết hợp 3 thứ quân, giữa bên trong và bên ngoài tốt như du kích Tam Giác, xã Hồng Sơn và C3/430 Hàm Thuận”173.

Sau nhiều trận đánh, nhiều hình thức đấu tranh liên tiếp, đều khắp, đồng loạt của các lực lượng và quần chúng. Bọn lính Bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự và bộ máy kèm của địch hoang mang. Các phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, chống bắt lính, chống khủng bố… chuyển biến và hiệu quả hơn. Đồng bào rủ nhau bung về đất cũ sản xuất đông hơn. Mức độ làm chủ của quần chúng ở các ấp đã chuyển lên thế mới, sẵn sàng đánh cho Ngụy nhào, giải phóng quê hương.

Bằng hình thức công khai, hợp pháp, phổ biến nội dung các tờ báo tiến bộ: công khai dư luận bàn tán rộng rãi về chính trị - ta thắng địch thua, Thiệu tham nhũng độc tài, chống lại hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc, nhất định Thiệu sẽ bị lật đổ.

Cùng với đồng bào Việt kiều ở Nam Căng, đồng bào địa phương cũng tổ chức những cuộc đấu tranh quyết liệt. Địch ủi phá lấn chiếm đoạn (km 19 –25) Quốc lộ 1 phía Nam Phan Thiết, đồng bào rất căm giận. Vào một buổi sáng tháng 3 năm 1974, chiếc xe ủi vừa rồ máy thì bà con la ó, đồng loạt vây chặt xe và hỏi: “Đất vườn chúng tao sao mày dám ủi, quân bây to gan ủi cả mồ mả ông bà”. Một cụ già vạm vỡ, phương phi vác cuốc xông lên quát: “Tao sống ở đây 70 năm, chưa thấy chế độ nào trắng trợn như vầy! Có lui xe không, tao cho chà leng bây giờ”. Trước cơn phẫn nộ của dân, tên lái xe hốt hoảng bẻ cần lái quay đầu, bọn tề thấy vậy cũng làm lơ.

Địch khuyến khích bọn tay sai đội lốt tư sản lên khu vực huyện Thuận Nam phá rừng, hầm than. Bị đồng bào ngăn chặn, chúng lý sự: “Làm lò than đụng gì đến ruộng vườn?”. Dân hỏi lại: “Mấy ông có giữ được khói không? Đốt than là phá hết rừng. Mấy ông đốt, chúng tôi sẽ đập nát lò”. Bọn chúng yếu thế phải tháo bỏ các lò than.

Đại đội bảo an 127 mới đổi đến Mương Mán. Đêm 22 tháng 5 năm 1974 một cụ già vừa ra khỏi cửa, tên lính tuần tiểu liền kéo hết một loạt AR.15. Nghe súng nổ, bà con đến thấy xác cụ già mang hàng chục lỗ đạn. Sáng hôm sau bọn hiến binh, tề xã, ấp kéo đến định ém nhẹm tội ác. Nhưng có trên 80 đồng bào Mương Mán liền vây chặt chúng và hô to: “Chúng mày lùa dân vào ấp để rồi đi đái cũng bắn à? Chính phủ quốc gia bảo vệ dân như thế sao? Phải bồi thường nhân mạng, phải trị tội bọn giết người vô cớ. Hãy trở về với đất cũ làm ăn mới được yên thân”. Địch phải đưa đơn vị 127 ra nhận lỗi trước đồng bào và hứa bồi thường nhân mạng. Sáng 24 tháng 5, đồng bào đưa tang cụ già rất đông và mọi người càng căm giận địch khi nghe tiếng khóc thảm thiết của gia đình. Đúng là tinh thần đấu tranh của nhân dân Hàm Thuận rất kiên cường.

Dù cho đất chuyển sao dời,

Lòng dân Hàm Thuận một lời thuỷ chung.

Tử sinh với giặc đến cùng,

Đập tan “bình định” dân bung trở về.

Hy sinh gian khổ tứ bề,

Vẫn không lay chuyển lời thề thiêng liêng”174.

Đồng bào bị gom vào các khu tập trung luôn chuẩn bị tư thế, chờ thời cơ tốt là phá ấp về lại đất cũ. Một số người đã rào, dọn lại đất cũ; cất chòi, đào hầm giấu lúa. Phong trào đòi tự do đi lại làm ăn rộng mạnh hơn. Hàng trăm đồng bào các xã: Hồng Sơn, Hàm Thắng, Hàm Chính, Hàm Liêm ra vùng giải phóng thu hoạch mùa ở lại 5 đến 7 đêm liền. Hàng trăm đồng bào Kinh, Chăm, Thượng ở Lâm Hòa, Lâm An, Ma Lâm Chiêm… thường ra vùng giải phóng làm ăn, dự mít-tinh, xem văn nghệ. Khi về bà con mang theo truyền đơn cách mạng. Nhiều người ở vùng tranh chấp, trong đó có cả gia đình binh lính ngụy cũng rủ nhau ra vùng ta học tập chủ trương, nhận công tác. Có người học xong tự nguyện đóng góp tài chính, gọi con bỏ ngũ ra vùng giải phóng làm ăn. Đồng bào Thiên Chúa giáo cũng phát hiện gián điệp đang trà trộn vào vùng ta. Tháng 10 năm 1974, Hàm Thuận có 4.450 người dự mít-tinh, có 1.320 quần chúng tham gia đấu tranh; tuyên truyền chính sách binh vận cho 177 gia đình và 400 binh lính địch.

Việc xây dựng lực lượng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò nòng cốt cho phong trào 3 mũi ở các cấp có nhiều cố gắng và tiến bộ. Huyện đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học các chỉ thị của trên; thành lập, củng cố các Đảng ủy và chi ủy, ban cán sự xã. Đến tháng 10 năm 1974, hầu hết các xã không còn đội công tác mà do Đảng ủy và chính quyền xã lãnh đạo, quản lý như: Hàm Kiệm, Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Thắng…

Về động viên nhân tài vật lực, càng về sau càng khá. Riêng tháng 12 năm 1974 đạt thành tích bằng quý trước, thu 1 triệu đồng, rút 5 thanh niên, mua 900 xe lúa, đạt xấp xỉ kế hoạch cả năm.

Nhờ phối hợp hoạt động tốt giữa các lực lượng, các hình thức đấu tranh liên tục của ta; mặt khác do bị thất bại trên chiến trường cả nước, nên thế và lực của địch ở địa phương càng suy yếu. Cuối năm 1974 địch bộc lộ nhiều khó khăn: quân số hao hụt, tinh thần dao động, bị căng kéo, sức đối phó ngày càng suy yếu; chúng phải rút bỏ một số đồn, bót.

Tinh thần chiến đấu của địch sa sút,các phương tiện cơ giới, phi pháo giảm nhiều. Lính Bảo an chết trận, bỏ xác chạy; không dám đi cứu viện, bị chỉ huy ép buộc đẩy đi thì miễn cưỡng; tránh chạm súng với ta. Một số nơi bộ đội địa phương, du kích đánh vào địch tháo chạy, không dám chống trả. Phòng vệ dân sự nhiều nơi tan rã.

Hệ thống kèm ở xã, ấp bị lỏng rã, hành quân cảnh sát, khủng bố bắt người, lục soát giảm nhiều. Tề xã, ấp tiêu cực, đồng tình với những cuộc đấu tranh của quần chúng. Phần đông số tề bỏ ấp chạy lên quận, tỉnh hoặc chui vào đồn để trốn. Nhiều tên thanh minh với quần chúng, làm đơn xin đầu thú cách mạng, xin ra vùng giải phóng học tập, tự nguyện gửi tiền ra nộp thuế cho ta.

Tình hình trên địa bàn toàn huyện đã xuất hiện nhiều nhân tố mới và khả năng mới, có nhiều thuận lợi để tiến lên giành thắng lợi lớn.



III/ - MÙA XUÂN TOÀN THẮNG.

Ngày 27 và 28 tháng 11 năm 1974, Khu ủy Khu 6 tổ chức hội nghị mở rộng bàn kế hoạch mùa khô năm 1975. Kế hoạch chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 02 năm 1975. Đợt 2 từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1975. Hội nghị đề ra nhiệm vụ của chiến trường Nam Bình Thuận (có cả Hàm Thuận) trong mùa khô như sau:

“Tập trung các lực lượng vũ trang, chính trị của tỉnh và các huyện, lực lượng 3 mũi ở cơ sở, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy, cán bộ cho xã ấp; ra sức động viên nội bộ và quần chúng nhận rõ tình thế cách mạng, nỗ lực chiến đấu, công tác đẩy mạnh tấn công và nổi dậy, nổi dậy và tấn công liên tục đều khắp, nhằm đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch trong năm 1975, mở mảng chuyển vùng, làm chuyển biến cục diện chiến trường xấp xỉ như năm 1965 ở hướng trọng điểm. Hàm Thuận giải phóng 20 ấp với 27.000 dân”175.

Thực hiện chủ trương trên, tỉnh Bình Thuận thành lập “Ban chỉ huy chiến dịch tấn công và nổi dậy Nam Bình” gồm các đồng chí: Nguyễn Quý Đôn - Bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung; Võ Ngọc Đài, Nguyễn Minh Quyết - Phụ trách quân sự; Nguyễn Nhẫn - Phụ trách huyện Hàm Thuận; Nguyễn Hữu Tín - Phụ trách thị xã Phan Thiết; Đặng Văn Hải - Phụ trách huyện Thuận Nam.

Để thực hiện yêu cầu, kế hoạch trên, huyện Hàm Thuận lấy 3 xã: Hàm Liêm, Hàm Thắng, Hàm Chính gồm 7 khu ấp, 11.000 dân, làm khu vực trọng điểm để chuyển mở phong trào.

Phối hợp với hoạt động trọng điểm của Khu 6 ở Tánh Linh, Hoài Đức; đêm 09 tháng 12 năm 1974, Tiểu đoàn 482 tập kích đồn Bình Lâm, Đại đội 3/430 trụ tại ấp đánh bọn phản kích; du kích xã vây ép, bắn tỉa cụm lô cốt 12. Đồng thời D482 dùng cối tập kích chi khu Thiện Giáo. Cũng trong đêm đó, C5 đặc công tỉnh tập kích Tân An diệt gọn 1 đoàn bình định, 1 trung đội phòng vệ dân sự. Ngày 13 tháng 12 năm 1974, các lực lượng nói trên phối hợp diệt đồn Bình Lâm, giải phóng ấp Bình Lâm. Từ ngày 14 đến 20 tháng 12 năm 1974, ta diệt tiếp cụm lô cốt Thắng Thuận, phân chi khu An Phú và chặn đánh bọn bung xỉa.

Để chống đỡ sự tấn công của ta, ngày 29 tháng 12 năm 1974 tiểu khu Bình Thuận huy động 7 tiểu đoàn càn lên Tam Giác hòng đẩy ta ra khỏi khu vực này. Đầu năm 1975, địch điều các tiểu đoàn bảo an: 202, 229, 212, 248 vào Tam Giác. Tổng số ngụy quân, ngụy quyền trong toàn huyện là: 7.258 tên. Chúng dùng chi đội trực thăng liên tiếp đổ quân giải toả các khu vực vòng ngoài như: Hàm Thạnh, Hàm Phú, Hàm Trí, Hồng Liêm176

Lực lượng ta đã chặn đánh quyết liệt, bẻ gãy hầu hết các mũi tiến công, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, buộc địch phải rút lui.

Trong ấp địch tuyên truyền Mỹ sẽ trở lại Việt Nam. Chúng lập lại ấp Bình Lâm mới, thu hẹp mỗi bề còn 500 mét, lấy việc bồi thường thiệt hại để xoa dịu quần chúng. Tỉnh trưởng Ngô Tấn Nghĩa hai lần đến ấp Bình Lâm hò hét ra lệnh, buộc dân phải vào lại ấp và tuyên truyền thắng lợi của cuộc càn đầu tháng 01 năm 1974.

Nhằm đề phòng mũi tấn công binh vận của ta, địch hoán đổi các đơn vị từ xã này qua xã khác. Chúng tăng cường phòng thủ, xây thêm lốc ở Tùy Hòa, tăng các cụm chốt, giữ cầu, giữ đường; liên tục mở những đợt hành quân cảnh sát bắt người, khống chế số bị tình nghi. Địch lập danh sách những người có liên quan cách mạng để quản thúc và có thể thủ tiêu khi cần thiết, như: Phú Long có 145 người, Rạng có 100 người, Mũi Né có 200 người…

Mặc dù địch ra sức củng cố tinh thần ngụy quân, ngụy quyền; nhưng qua tác động của những thắng lợi chung ở khắp miền Nam và sức tấn công của ta, bọn tề lo sợ, tiếp tục lưu vong, lơ là canh gác, lục xét. Nhiều tên làm tờ đầu thú với cách mạng như ở Ma Lâm, Tân An, Thắng Thuận…

Trong đợt 1, ta đã đánh 123 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 615 tên, bắn rơi và bị thương 2 máy bay trực thăng, 4 xe bọc thép, 3 xe vận tải. Đánh thiệt hại nặng 4 phân chi khu, cắt phá làm gián đoạn giao thông, vây ép địch nhiều ngày; phá rã một nửa lực lượng phòng vệ dân sự, phá banh ấp chiến lược Bình Lâm, giải phóng 1.600 dân; hệ thống kèm xã bị lỏng rã trên diện rộng. Quyền làm chủ của dân được nâng lên, thế tranh chấp được mở rộng, một số đồng bào trở về vùng giải phóng. Thế địch đang trên đà suy yếu rõ nét. Nhưng chúng vẫn còn đông, còn ngoan cố, nhất là bọn cầm đầu, ác ôn.

Qua đợt 2, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 6, chỉ thị: “Tình hình diễn biến rất thuận cho ta, các tỉnh không được trông chờ và ỷ lại quân chủ lực mà phải nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương với mức cao nhất, bám chắc tình hình mạnh dạn xốc tới tiêu diệt địch, giải phóng địa phương mình”.

Tháng 3 năm 1975, quân khu tăng cường tiểu đoàn 200C xuống Hàm Thuận để góp sức đánh phá các ấp trên Đường 8, và Quốc lộ 1, đồng thời chuẩn bị để tiêu diệt chi khu quận lỵ Thiện Giáo. Bộ chỉ huy tiền phương của Quân khu 6 tại Bình Thuận được thành lập gồm các đồng chí: Đỗ Phú Đáp, Nguyễn Quý Đôn, Phạm Hoài Chương, Võ Ngọc Đài, Lê Văn Nhựt.

Đêm 14 rạng 15 tháng 3 năm 1975, Tiểu đoàn 482 của tỉnh và các lực lượng của huyện vừa tấn công đồn Kim Bình vừa đánh ấp Kim Bình và vũ trang tuyên truyền. Khi lực lượng ta vào đồn, tên đồn trưởng và một bộ phận lính không ở trong đồn nên ta nổ súng muộn hơn giờ quy định và diệt không gọn, chỉ thu được 8 súng (có 1cối 60 ly). Cùng thời gian trên, C3/430 đánh san bằng 2 lốc cấp A ở An Thuận (xã Lại An), một bộ phận khác của C3/430 đánh bọn bung duỗi ra khu vực Ruộng Mun trong ngày hôm đó. Tối 15 tháng 3 năm 1975, ta dùng mìn DH.10 đánh tiếp 2 lốc Mương Cái và Cà Giang. Sau đó D482 và C3/430 phối hợp đánh tiêu hao 1 đại đội thuộc tiểu đoàn 202 ở ấp Bình Lâm, thu 7 súng, 1 máy thông tin...

Sáng 16 tháng 3 năm 1975, địch ở Bình Lâm, Phú Long, Tùy Hòa bung ra giải tỏa, liền bị một bộ phận của C3/430 và C/450 ép sát cổng ấp đánh bị thương 6 tên. Ta liên tiếp vũ trang tuyên truyền vào các ấp Bình An, Bình Lâm, Tân Điền. Ngày 17 tháng 3 năm 1975 du kích xã Hồng Sơn phục kích diệt 1 trung đội địch đang đi lùng sục. Đến thời điểm này hầu hết đồn bót địch dọc Đường 8 và Quốc lộ 1 đều bị các lực lượng ta bao vây, khống chế.

Những ngày đầu tháng 4 năm 1975 không khí hết sức sôi động. Từ chiến thắng Tây Nguyên, các tỉnh Miền Trung, Lâm Đồng, Đà Lạt dội về và hàng ngàn tàn quân của địch từ miền Trung theo hướng Quốc lộ 1 chạy vào cướp phá đốt chợ Phan Thiết, làm bọn địch ở đây càng hoang mang, dao động.

Nhằm ngăn chặn, hạn chế các lực lượng ta áp sát, tấn công Hàm Thuận và Phan Thiết, địch huy động máy bay ném bom, bắn pháo liên tục vào vùng ven Tam Giác. Sáng ngày 07 tháng 4 năm 1975; trong lúc hành quân; Đội công tác thanh niên học sinh tỉnh lọt vào trận địa pháo. Đồng chí Trần Văn Bảy bị thương nặng và hy sinh.

Chiều ngày 07 tháng 4 năm 1975, E/812 (-) của Quân khu 6 từ Đà Lạt đã về đến khu vực quận Thiện Giáo. Nhờ có tiểu đoàn 200C chuẩn bị trước và đã có phương án tác chiến, Bộ chỉ huy tiền phương hạ quyết tâm tiêu diệt chi khu quận lỵ Thiện Giáo.

Đúng 02 giờ 25 phút ngày 08 tháng 4 năm 1975, quân ta bắt đầu nổ súng đánh vào chi khu Thiện Giáo. Địch ngoan cố chống cự quyết liệt, nên sau 30 phút chiến đấu ta mới chiếm được một số mục tiêu ngoại vi. Ở hướng chủ yếu phía Đông Nam, Tiểu đoàn đặc công 200C mới mở được 2 lớp rào. Hướng thứ yếu phía Nam, Tiểu đoàn 482 còn bám trụ ngoài bờ rào. Ở phía Bắc, tiểu đoàn 840 chiếm được ấp 18. Trong khi đó, Đại đội 3/430 của Hàm Thuận từ km 21 tiến xuống ấp 18, bị địch phản kích mạnh, bắn hỏng xe bọc thép (xe bù lu), nên một số phải lùi lại phía sau. Trời vừa hừng sáng địch dùng máy bay và pháo bắn vào các hướng tiến công của ta, quân ta có bị tổn thất ít.

Trước tình hình đó, ta phải dừng lại để củng cố lực lượng. Đến 17 giờ cùng ngày, đồng chí Đỗ Phú Đáp chỉ huy trưởng trận đánh hạ lệnh công kích tiếp vào chi khu. Sau 20 phút tấn công, đạn pháo của ta đã nã trúng đội hình địch gây cho chúng nhiều thương vong. Địch trong đồn hốt hoảng, một số bỏ chạy về hướng đông Ma Lâm.

Chớp thời cơ, các lực lượng ta đồng loạt tiến công đánh chiếm lô cốt mẹ, trung tâm chi khu, khu vực ga Ma Lâm và thị trấn Ma Lâm. Khoảng 20 giờ ngày 08 tháng 4 năm 1975, ta hoàn toàn làm chủ chi khu và quận lỵ Thiện Giáo; tiêu diệt và làm tan rã 1 đại đội và ban chỉ huy tiểu đoàn bảo an 230, thu 150 súng các loại và 10 xe quân sự. Sáng ngày 9 tháng 4 năm 1975, các đồng chí lãnh đạo Huyện uỷ (Nguyễn Nhẫn, Ngô Minh Thưởng) cùng với cán bộ các ban, ngành, đoàn thể huyện và cán bộ, chiến sĩ đội công tác Ma Lâm kinh vào tiếp quản quận lỵ Thiện Giáo.

Mất chi khu Thiện Giáo, một vị trí quan trọng bảo vệ phía Bắc Phan Thiết, bọn địch trên Đường 8 và các khu vực xung quanh hoang mang dao động. Thừa thắng xông lên, ngày 09 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 482 phối hợp với Đại đội 3/430 và du kích xã Hàm Chính, Hàm Hưng đánh chiếm một loạt ấp: Tầm Hưng, An Phú, Bình Lâm và vây ép đồn Bình An. Đến 15 giờ cùng ngày, bọn địch ở ấp Bình An tháo chạy xuống ấp Tân Điền.

Trên hướng Quốc lộ 1, đêm 08 tháng 4, Đại đội 5 đặc công tỉnh tập kích hỏa lực vào đồn Xa Ra, địch ở đây tháo chạy về Phú Long. Sáng ngày 09 tháng 4, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 15 vào chiếm đồn và giải phóng Xa Ra, trưa hôm đó ta giải phóng luôn Tùy Hòa.

Ngày 10 tháng 4, Tiểu đoàn 482 và một bộ phận của Tiểu đoàn 200C đánh cụm lô cốt ở km số 6 và đồn Tân Điền. Địch ở đây tháo chạy xuống Tân An. Ta vào chiếm đồn và giải phóng ấp Tân Điền.

Rạng sáng ngày 12 tháng 4 năm 1975, ta đánh chiếm yếu khu Phú Long và cầu Phú Long. Tiểu đoàn bảo an 230 và 7 trung đội dân vệ ở đây bị ta tiêu diệt và tan rã. Phú Long được giải phóng. Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 15 được giao nhiệm vụ bám trụ tại chỗ, bảo vệ cầu Phú Long và sẵn sàng đánh địch phản kích.

Chi khu Thiện Giáo và Phú Long bị mất, Phan Thiết lâm vào tình thế bị uy hiếp, nên địch tung lực lượng bảo an phản kích, mà chủ yếu là dùng máy bay, phi pháo bắn cấp tập. Trọng điểm của chúng là dọc Quốc lộ 1, khu Tam Giác, nhất là Khu căn cứ Hàm Liêm, Hàm Chính, Râm Tre, Lò Thổi…Chúng muốn ngăn chặn không cho ta vượt qua đường sắt áp sát vào Phan Thiết. Sự chống đỡ, giãy giụa này đã gây cho ta một số khó khăn, có đồng chí bị hy sinh vì đạn pháo. Suốt ngày 12 tháng 4 năm 1975, Tỉnh trưởng, kiêm tiểu khu trưởng Ngô Tấn Nghĩa tung 6 tiểu đoàn bảo an, có máy bay, pháo binh chi viện ngoan cố phản kích, hòng chiếm lại cầu Phú Long. Nhưng tất cả các đợt phản kích ấy đều bị quân ta đánh lui.

Sau khi mất Phú Long, địch còn lại ở các ấp dọc Quốc lộ 1 rệu rã, hoang mang cực độ. C5 đặc công cùng du kích các xã tấn công dồn dập, phát loa làm binh vận. Bên trong ấp, ta phát động quần chúng nổi dậy làm thanh viện. Đến trưa ngày 14 tháng 5 năm 1975, địch ở các đồn Cây Táo, Gộp, Gò bỏ quân trang, đốt tài liệu, tháo chạy về Mũi Né. Như vậy là ta đã giải phóng gần hết huyện Thuận Phong và Bắc Hàm Thuận; làm chủ liên tỉnh lộ 8 và chia cắt Quốc lộ 1. Chỉ còn đồn núi Tà Dôn đang trong tình trạng bị bao vây, cô lập.

Ra sức giữ hai cửa ngõ chính vào Phan Thiết là Đường 8 và Quốc lộ 1, nên suốt 7 ngày đêm (từ ngày 12 đến 18 tháng 4 năm 1975), địch tung tất cả các lực lượng, phương tiện còn lại đánh phá, hủy diệt những nơi ta vừa giải phóng. Nhất là khu vực Phú Long, Tân Điền. Chúng cố phá cầu chận đường tiến quân của ta. Ngược lại ta chủ trương: bằng mọi cách phải bảo vệ cầu. Các lực lượng và đồng bào đã chịu đựng bom đạn, bám trụ kiên cường, bắn máy bay địch, đánh lui tất cả các đợt phản kích của địch, giữ vững cầu Phú Long, giằng co với địch chiếc cầu Trắng giữa 2 ấp Tân An và Tân Điền (trên Đường 8).

Đêm 17 rạng 18 tháng 4 năm 1975, ta sử dụng một bộ phận đặc công và bộ binh có hỏa lực pháo chi viện, đánh tiêu diệt cao điểm Tà Dôn, điểm cuối cùng của địch ở Đông Bắc Phan Thiết.

Chiều 18 tháng 4 ta tập trung sức đánh đuổi địch khỏi cầu Phú Long để tạo thuận lợi cho việc tiến quân dứt điểm Phan Thiết. Đến 18 giờ cùng ngày, ta nả pháo cấp tập vào các cơ sở của địch ở Phan Thiết.

Khoảng 20 giờ ngày 18 tháng 4 năm 1975, cánh quân Duyên Hải của quân chủ lực theo hướng Quốc lộ 1 vượt qua cầu Phú Long tiến vào Phan Thiết. Quân ta phát triển đến đâu, địch rút chạy đến đó. Khoảng 22 giờ đêm 18 tháng 4 năm 1975, ta đã chiếm tiểu khu Bình Thuận - thị xã Phan Thiết hoàn toàn được giải phóng. Khoảng 23 giờ đêm 18 tháng 4, địch ở Ngã Hai, chi khu quận lỵ Hàm Thuận tháo chạy. Sáng 19 tháng 4 năm 1975, một cánh quân chủ lực tiến theo tỉnh lộ 9, giải phóng Mũi Né - chi khu quận Hải Long.

Đêm 18 tháng 4 năm 1975, địch ở Hàm Thuận (Ngã Hai) bỏ chạy. Khoảng 6 giờ sáng được sự hướng dẫn của cơ sở và quần chúng tại chỗ, đại úy Tuấn chỉ huy đơn vị Quân chủ lực vào tiếp quản Ngã Hai - quận lỵ Hàm Thuận. 8 giờ sáng, lực lượng huyện vào quản lý Chi khu Hàm Thuận. Lá cờ ba que bị hạ xuống - cờ Mặt trận Giải phóng được kéo lên tung bay phất phới. Trưa hôm đó Huyện ủy, Ủy ban huyện Thuận Phong tiếp quản quận lỵ Hải Long ở Mũi Né. Đó là giây phút không thể nào quên - Hàm Thuận, Thuận Phong được hoàn toàn giải phóng.

Trong những ngày tiến công và nổi dậy (tháng 4 năm 1975), quân dân Hàm Thuận, Thuận Phong đã sát cánh cùng bộ đội chủ lực giải phóng quê nhà. Đồng bào đã làm tốt nhiệm vụ hậu cần, tải thương, tải đạn, chăm sóc thương binh, phục vụ chiến trường, cùng các đội công tác tiếp quản các khu công sở của địch ở các xã.




tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương