ĐẢng cộng sản việt nam


II/ QUYẾT LIỆT ĐẤU TRANH CHỐNG QUỐC SÁCH “TỐ CỘNG” CỦA MỸ NGỤY, GIỮ VỮNG NIỀM TIN



tải về 1.81 Mb.
trang7/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   18

II/ QUYẾT LIỆT ĐẤU TRANH CHỐNG QUỐC SÁCH “TỐ CỘNG” CỦA MỸ NGỤY, GIỮ VỮNG NIỀM TIN.

Quang cảnh xóm làng càng tiêu điều, khốc liệt hơn khi địch triển khai chiến dịch tố cộng giai đoạn II (tháng 10 năm 1955 đến tháng 10 năm 1956). Chúng phát động toàn dân thi đua tố cộng theo 4 tiêu chuẩn do Ban chỉ đạo chiến dịch “Tố cộng” Trung ương ngụy đề ra85. Lực lượng nòng cốt trong chiến dịch này là bọn cải huấn và “Phong trào cách mạng quốc gia”.

Mở đầu chiến dịch, địch chọn Sa Ra làm điểm - nơi có nhiều thành phần Đảng Dân chủ và tay sai phản động. Chúng chọn đồng chí Đặng Ngọc Châu - một chi ủy viên có uy tín ở địa phương làm đối tượng uy hiếp. Đêm 28 tháng 10 năm 1955 địch bắt đồng chí Châu vào đồn Xa Ra (Sa Ra), buộc phải trả lời các câu hỏi: Ai đã chôn sống những người bị ghép tội làm Việt gian ở Dân Đồng vào năm 1947? Tại sao ông không đi tập kết? Cuối cùng chúng yêu cầu: Nếu ông muốn sống phải lên diễn đàn tố cộng. Lúc đầu đồng chí Châu từ chối, nhưng qua nhiều hình thức bức bách của địch, bị dằn vặt, đau đớn về thể xác, căng thẳng về tinh thần, và ông chấp nhận sẽ đứng lên “Tố cộng”. Địch hí hửng, thả lỏng, cho ông gặp gia đình. Đồng chí Châu dặn dò, nhắn nhủ với người con gái Đặng Thị Lan: “Chắc đêm nay chúng nó giết cha, con về lấy mền qua gói cha về chôn cất”.

Đêm 29 tháng 10 năm 1955, tại cuộc míttinh lớn ở sân banh Xa Ra, Huỳnh Quy nguyên là cán bộ xã đội, xã Hàm Đức - đảng viên Đảng Dân Chủ, người đầu tiên lên khán đài. Hắn hô các khẩu hiệu phản động, xé ảnh Bác, xé cờ Đảng, tuyên bố ly khai Cộng sản, kêu gọi nhân dân ủng hộ Quốc gia. Kế tiếp, đồng chí Châu chững chạc bước lên diễn đàn trước tiếng xầm xì và ánh mắt hồi hộp theo dõi của đông đảo đồng bào. Tất cả đều căng thẳng trông chờ tiếng nói của người đảng viên Cộng sản đã bao năm được dân tin yêu, mến phục. Lũ hội tề từ quận đến tỉnh đều bất ngờ nhốn nháo trước lời tố cáo đanh thép của ông:

“Chế độ quốc gia mới một năm nắm quyền mà đã thể hiện đầy đủ sự dã man, tàn bạo, tra tấn, giết chóc, trả thù hèn hạ đối với những người kháng chiến cũ. Đồng bào hãy đòi địch thi hành Hiệp định, chỉ có chế độ Cộng sản mới mang lại quyền lợi cho dân…” Chưa dứt lời, đồng chí Châu bị địch đánh ngã xuống khán đài.

Tại nhà lao Trinh Tường, lúc nửa đêm 31 tháng 10 năm 1955 khi nghe địch gọi tên mình, đồng chí Châu liền chào vĩnh biệt và nhờ anh em chuyển về gia đình bộ đồ bà ba đen đẫm máu vừa giặt chưa khô. Trong đêm tối mịt mù, tại bãi cát động Bà Hòe (Bà Què), kẻ thù muốn hạ uy danh đồng chí Châu hơn là chôn sống. Chúng cho tên Huỳnh Đào qụy lụy xin tha chết, rồi đe dọa : “Châu! Mày noi gương thằng này thì sống”. Lần thứ hai chúng lại bị bất ngờ - đồng chí Châu hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Tức tối, bị động, địch nổ súng và vùi xác đồng chí Châu xuống hầm dông!

Đêm thanh vắng, tiếng súng giết người không giấu được sự tinh ý của đồng bào. Nhờ đó sáng hôm sau gia đình tìm được xác và đắp lại nấm mồ cho ông an nghỉ86. Tất cả đều khâm phục cái chết bất tử của người Đảng viên cộng sản Đặng Ngọc Châu. Và đây cũng chính là sự thất bại cay đắng của ngụy quyền Bình Thuận; chúng không sao hiểu nỗi ý chí sắt đá - trung với nước, hiếu với dân của những người thật sự là chiến sĩ cách mạng. Đồng thời với những cuộc míttinh tố cộng, trong thôn xóm, địch truy lùng cán bộ ngoài rừng. Địch bắt đồng chí Bách Tùng ở Láng Lớn đưa về Bưng Bí dìm chết vì khảo tra không kết quả. Do tên Bạn chỉ điểm, lính phòng nhì bắt đồng chí Quyền ở rừng Kim Bình đưa về đồn 18 thủ tiêu.

Đến cuối năm 1955, tình hình trong toàn tỉnh nói chung, Hàm Thuận, khu Lê Hồng Phong nói riêng đã đứng trước khó khăn gay gắt, thực lực bị tiêu hao, lòng tin của quần chúng vào việc thi hành Hiệp định Gơnevơ bị lung lay.

Trước bối cảnh ấy, tháng 12 năm 1955, Tỉnh ủy Bình Thuận mở hội nghị tại Rừng Lớn (khu Lê Hồng Phong). Chủ trì hội nghị là đồng chí Trần Lê, tham dự cuộc họp có các đồng chí Nguyễn Dân, Nguyễn Gia Tú, Nguyễn Quế, Trần Soạn, Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Tiềm, Huỳnh Hà, Lê Thanh Hải và Võ Xuân Viên. Hội nghị kiểm điểm việc chỉ đạo đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp thương tổng tuyển cử, đòi quan hệ bình thường Nam Bắc, cải thiện dân sinh, dân chủ, đòi địch không được khủng bố người yêu nước, người kháng chiến cũ. Hội nghị nhận định: ta chưa hướng phong trào giữ đúng phương châm đấu tranh: có lý, có lẽ, có mức độ, đã để bộc lộ lực lượng và tổn thất lớn. Hội nghị chủ trương: xây dựng cơ sở cốt cán mật trong các đối tượng ít liên quan đến gia đình có người đi thoát ly, tập kết, theo phương thức ngăn cách, bí mật, nứt rễ xâu chuỗi. Đưa cơ sở, cốt cán của ta vào xây dựng và nắm các tổ chức hợp pháp, bán hợp pháp, tập hợp quần chúng bằng mọi hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp. Lãnh đạo quần chúng đòi dân sinh dân chủ là chính, đồng thời chống địch khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ, đòi lập quan hệ bình thường giữa hai Miền Nam - Bắc và tuyên truyền cương lĩnh 5 điểm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với cán bộ thoát ly phải tuyệt đối giữ thế hoạt động bí mật, bất hợp pháp.

Thực hiện tinh thần trên, đầu năm 1956, Hàm Thuận mở hội nghị Huyện ủy lần 2, chủ trương : Tiếp tục đòi Hiệp thương tổng tuyển cử; học tập tình hình nhiệm vụ mới cho cơ sở, giáo dục tinh thần chịu đựng gian khổ lâu dài cho cán bộ nhân dân. Chuyển số người bị lộ tạm lắng một thời gian. Xây dựng cơ sở mật, đơn tuyến, nhất là tổ chức thanh niên lao động, cài cắm cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch. Đẩy mạnh phong trào đòi dân sinh, dân chủ; phát triển các tổ chức quần chúng hợp pháp như hội Thanh minh, hội nghề nghiệp...

Nhờ ít bộc lộ lực lượng trong đợt đấu tranh đòi Hiệp thương, nên Hàm Thuận còn nhiều thực lực, duy trì được phong trào toàn diện hơn Miền A. Ta còn giữ được nhiều cơ sở nội tuyến trong dân vệ, thanh niên cộng hòa, phụ nữ liên đới. Để bồi dưỡng năng lực công tác, lập trường, ý chí chịu đựng, hy sinh cho cán bộ, Huyện ủy Hàm Thuận chọn lọc khoảng 100 đảng viên hoạt động trong vùng địch về Núi Kính học các nội dung: Tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ, củng cố lập trường quan điểm, nội dung 5 bước công tác vận động quần chúng trong tình hình mới87. Phần lớn những đồng chí này đã phát huy tốt trong phong trào công khai hợp pháp và vững vàng suốt thời kỳ ác liệt.

Sau khi phong trào bảo vệ hoà bình bị địch khủng bố, Hàm Thuận chuyển sang tổ chức các nghiệp đoàn. Khi địch tổ chức Nghiệp đoàn dân cày, ta đưa thành phần tiến bộ và người của ta như anh Khai, anh Tình vào nắm tổ chức này. Nhờ cốt cán của ta vận động quần chúng ủng hộ nên ông Phiên thắng phiếu tên Trọng; làm thư ký nghiệp đoàn Hàm Thuận. Sau đó ông Phiên trúng cử vào uỷ viên Ban chấp hành nghiệp đoàn Trung ương. Ta dựa vào thế lực của ông Phiên để phát triển nghiệp đoàn ở Hàm Thuận. Với nghề nghiệp thợ may của mình, đồng chí Nguyễn Thanh Long (Bảy Long) tranh thủ thành phần họat động công khai ấy để tổ chức các nghiệp đoàn: may, mộc, hồ, gặt, cấy… Hàm Thuận còn xây dựng được nghiệp đoàn xích lô ở Phan Thiết. Hai năm 1956 –1957 các tổ chức nghiệp đoàn này hoạt động sôi nổi thu hút nhiều quần chúng; góp phần chi phối, hạn chế tác hại của “Phong trào cách mạng quốc gia”. Có lúc địch họp đoàn thể khó khăn vì bà con ta viện cớ bận sinh hoạt ở các nghiệp đoàn...

Sau cuộc đấu tranh chống trò hề trưng cầu dân ý và đòi Hiệp thương tổng tuyển cử, thực lực trong huyện nhất là Miền A vừa tổn thất vừa bị lộ, nên năm 1956 địch càng đánh phá dữ dội. Âm mưu xuyên suốt, tàn bạo nhất của chúng là thi hành triệt để quốc sách “Tố cộng, diệt cộng” giai đoạn II. Địch đổi nhà tù thành trung tâm cải huấn “cải hối đường”. Ở cấp quận có Ban cải huấn, nhà giam, ở xã có phòng giam; xã và ấp trưởng có quyền ra lệnh bắt người.

Tháng 01 năm 1956, tiểu khu Bình Thuận mở chiến dịch: “Đinh Tiên Hoàng” lùng bắt cán bộ hoạt động bất hợp pháp. Chúng gom và quản lý dân chặt chẽ, ta tiếp xúc với đồng bào ngày càng khó khăn. Phòng nhì Bình Thuận cùng ngụy quyền Hàm Thuận, hạt Mũi Né huy động hết các lực lượng: mật vụ, dân ý, công dân vụ, bảo an, thanh niên cộng hòa, thanh niên chống cộng, tập đoàn công dân, Phong trào cách mạng quốc gia và bọn ham tiền v.v… lùng rừng, rình rập suốt ngày đêm, bới xới từng dấu vết. Các khu rừng từ miền núi xuống Tam Giác, Miền Đông, Ô Rô... nơi nào cũng có lưới địch bủa vây. Bên ngoài cán bộ thoát ly liên tiếp hy sinh. Trong thôn, xóm dân bị địch bắt học “Tố cộng” liên miên, gia đình cách mạng sống trong cảnh đoạ đày, khổ ải! Chúng truy từng dấu chân, dấu dây cột võng, dấu lá ủ lạ trong lùm cây... Có trường hợp gặp dấu chân, bọn xấu dùng thúng úp lại rồi dẫn lính đến vây phục.

Những ngày lễ kỷ niệm của ta hoặc của địch, số người bị tình nghi đều bị quản thúc. Trước ngày bầu Quốc hội bù nhìn của địch (ngày 04 tháng 3 năm 1956), chúng bắt hàng chục cán bộ kháng chiến cũ mảng Quốc lộ 1 về nhốt vào lô cốt ở đầu cầu Phú Long. Không thể chịu đựng nỗi, ông Trần Công Dân và bà Nguyễn Thị Kẽm đã lãnh đạo số người bị giam phản đối hành động phân biệt đối xử với người kháng chiến cũ. Địch đưa hai đồng chí trên về tỉnh đánh đập rồi buộc viết phản tỉnh. Ông Dân (quê ở Phú Long) đã biến tờ phản tỉnh thành bản tố cáo tội ác của địch và khẳng định mình là người Cộng sản, không hợp tác với quốc gia, chính quyền tay sai bán nước. Địch đày hai đồng chí này ra Côn Đảo. Nguyễn Thị Kẽm (quê Tùy Hòa) là phụ nữ duy nhất của Bình Thuận trong chuyến tàu đầu tiên của Mỹ - Diệm đày tù nhân ra Côn Đảo88.

Lần theo dấu vết đọng trên cây cỏ, hừng sáng ngày 08 tháng 3 năm 1956 (nhằm ngày 26, tháng Giêng, năm Bính Thân), bọn Hồ Thuận, Võ Công dẫn phòng nhì vào chỗ ở của cán bộ xã Hồng Trung ở rừng Láng Ông Giêng, bắt đồng chí Đinh Quế, bắn chết đồng chí Trần Nhật Quang. Chúng xẻo tai, cạy răng vàng của đồng chí Quang mang về Phan Thiết lãnh thưởng. Đồng chí Quang là cán bộ bất hợp pháp hy sinh đầu tiên của Miền A.

Tiếp đó, ngày 14 tháng 3 năm 1956, tên Bảy Hữu làm phản biến, dẫn địch bắn chết đồng chí Phan Láng tại rừng Tào Quang. Chúng xẻo tai và mũi của đồng chí Láng đem về trụ sở ấp Hòa Tân (Tùy Hòa) làm míttinh biểu dương tinh thần “diệt cộng” và kêu gọi ai muốn thể hiện sự dứt khoát theo lý tưởng quốc gia thì vào chặt tiếp tay, chân xác chết nói trên. Tên phản bội Nguyễn Lý đã đứng ra làm điều ghê rợn ấy. Ngày 21 tháng 4 năm 1956, đồng chí Lê Như Tý, bị địch phục kích bắn hy sinh trong lúc đang họp cán bộ Miền A ở Tre Huê.

Trong thời gian này, lực lượng “phong trào cách mạng quốc gia” Phước Thiện Xuân vây bắt đồng chí Huỳnh Văn Thạch, Bí thư Chi bộ xã Phước Thiện Xuân đưa về lấy thưởng.

Những tên Hồng Đức, Phạm Xuân Khai trong ban Tố cộng đi khắp Hàm Thuận, Miền A tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua tố cộng, diệt cộng, lập thành tích cao hơn để kịp chào mừng Đại hội thi đua tố cộng toàn quốc của Diệm vào cuối năm 1956. Chúng đốc thúc lũ tay sai các địa phương triển khai tiếp các chiến dịch: “Ngô Đình Khôi”, “Hoàng Hoa Thám” nhằm tuyên truyền nội dung: “Vì sao Cộng sản thất bại trong việc đòi Hiệp thương. Vì sao không có tổng tuyển cử...”. Trong những chiến dịch này, địch tiến hành liên tiếp, toàn diện các mặt: tư tưởng, tổ chức, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá v.v…

Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, địch quyết hủy diệt lòng tin, ý chí chiến đấu của người Cộng sản. Chúng cử những tên ác ôn nhất xuống tận thôn xóm. Bên cạnh Hồng Đức chỉ đạo chung còn có Phạm Xuân Khai, phụ trách Miền Đông, Nguyễn Viết Khai ở mảng Nam; Chài và Dương Đàn phụ trách Tam Giác…

Địch lập danh sách và bắt hết những người kháng chiến về các nơi quy định, học “Tố cộng” mỗi đợt năm bảy ngày. Học xong từng người phải viết bản ly khai cộng sản89. Cuối khoá học, chúng mở míttinh cưỡng bức những ai chịu đựng không nỗi phải lên khán đài xé cờ Đảng, ảnh Bác. Có người bị rúng ép, bức bách qua nhiều khoá học, đành phải chịu xé cờ Đảng như xé lòng mình. Từ đầu, lãnh đạo huyện không lường hết âm mưu thủ đoạn của địch trong vấn đề này, nên giáo dục chưa sâu kỹ cho cốt cán cách đối phó. Khi địch truy bức, anh chị em nhận thức là tạm chấp nhận để che mắt quân thù. Do đó qua tố cộng đợt 2, đến cuối năm 1956 Hàm Thuận, Miền A đã có trên 300 bản “đầu thú”. Phong trào đấu tranh của quần chúng bị khó khăn, gần như mất phương hướng, dù rất căm thù giặc nhưng bà con ta không biết phải làm gì, làm như thế nào. Nguyên nhân chính là cốt cán công khai hợp pháp bị bắt, cán bộ bất hợp pháp bám trụ còn rất ít và rất khó tiếp xúc với dân.

Nhân dịp đúng 2 năm ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (20 tháng 7 năm 1956), địch thẳng tay làm nhục những gia đình có người đi tập kết. Riêng ở Tam Giác và Miền A địch bắt buộc, khống chế bà con phải viết 337 đơn gửi Ủy hội Quốc tế đòi: “Bắc Việt” phải trả con em của họ về lại miền Nam…

Trên lĩnh vực kinh tế, địch khuyến khích địa chủ tăng tô, thu lại ruộng đất, nhưng ở Hàm Thuận đại bộ phận là địa chủ kháng chiến, nên cán bộ huyện vận động chủ ruộng để nông dân giữ nguyên canh. Địch chỉ lấy được một ít ruộng ở Phú Long, Phước Thiện Xuân, Xa Ra, Phú Lâm... Nhờ khuyến khích, hậu đãi bọn đầu hàng, chỉ điểm nên địch đã thu được nhiều lúa gạo, trâu bò, ghe, lưới của Việt Minh để lại cho dân sau ngày chuyển quân đi tập kết.

Về văn hoá xã hội, do quần chúng đấu tranh đòi cải thiện dân sinh buộc địch phải đào tạo cấp tốc giáo viên, y tá. Trong thời gian ngắn (1955 –1956), tại Hàm Thuận địch làm mới 68 km đường công hương, 48 cầu, 59 giếng nước, 45 trường học, 9 trụ sở, 20 sân vận động, 15 đập nước... Thông qua những công trình thoạt nhìn có vẻ vì quốc kế dân sinh đó, lại có một số con đường địch tạo ra với ý đồ chia cắt Tam Giác, Miền Tây, Tam Minh cũ và khu Lê Hồng Phong ra nhiều mảnh, hòng khống chế, kiểm soát sự đi lại, hoạt động của ta 90.

Sự tổn thất lớn của Hàm Thuận và Miền A được thể hiện phần nào qua “thành tích” tố cộng của địch từ tháng 5 năm 1955 đến tháng 10 năm 1956. Địch ở Hạt Mũi Né đánh phá 8 chi bộ, 550 đảng viên, cốt cán ở Miền A, trong đó có nhiều Bí thư Chi bộ, cán bộ Miền như: Võ Sỹ, Trần Hữu Nghĩa, Nguyễn Thanh Hoa, Ngô Tùng Lộc, Võ Thạnh, Phan Thanh Hiếu v.v…

Ở Hàm Thuận địch cũng đánh phá 5 cứ điểm, 8 hầm bí mật, bắt 116 người gồm: 26 chi uỷ viên, 18 tổ trưởng, 54 tổ viên “tam tam chế”, 15 đảng viên và lấy nhiều tài sản của dân. Quận Hàm Thuận đã được nguỵ quyền Trung phần tuyên dương là đơn vị tố cộng gương mẫu của toàn tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt xã Hòa Vinh (Hàm Đức) là đơn vị gương mẫu của quận Hàm Thuận. Đơn vị xuất sắc gồm các xã: Văn Mỹ, Kim Bình, Long Phú, Phú Long, Kim Ngọc, An Hải, Tân Phú Xuân. Cá nhân gương mẫu trong tố cộng cấp xã có 19/33 so với toàn tỉnh; cá nhân xuất sắc cấp xã có 80/108 người toàn tỉnh. Hàm Thuận là quận đạt thành tích “tố cộng” cao nhất tỉnh. Kết quả mà địch làm được cũng chính là sự đau thương, tổn thất của phong trào cách mạng huyện nhà.

Mục đích tố cộng là diệt Cộng sản. Địch làm cho cán bộ, đồng bào mệt mỏi, đau đớn, quằn quại về thể xác, căng thẳng, uể oải về tinh thần, giảm sút, lung lay ý chí, niềm tin; gây tâm lý hoài nghi, ngờ vực nhau trong gia đình, xã hội. Mọi người mang tâm trạng nơm nớp lo âu, không khí nặng nề tràn ngập. Một bộ phận cán bộ, đồng bào bị phân hóa, nghi ngờ, thù hận nhau. Biết bao cảnh thương tâm: Con bắt cha, vợ bắt chồng, cơ sở làm phản bắt cán bộ. Trinh tiết, hiếu trung bị xói mòn, đổ vỡ. Chúng còn đưa ra những thủ đoạn đê hèn hơn là treo thưởng 30.000 đồng cho những ai bắt được Việt Cộng; khen thưởng và tăng lương, lên chức cho bọn nguỵ quân, nguỵ quyền nếu tên nào lấy được vợ Việt Cộng. Gia đình kháng chiến, nhất là vợ của cán bộ thoát ly, đổi vùng, tập kết, bị địch hãm hiếp, bức bách, hành hạ, cướp của chị em quyền làm người. Các chị ở khu Lê Hồng Phong đã căm thù, oán hận:

“Khăn tang trắng điểm chợ chiều

Bao nhiêu đồi núi, bấy nhiêu hận thù”!

Các cụ già còn vững chí bền gan, nhắn gửi lòng mình với Đảng:

“Tuy là ăn ở với Tần,

Song còn nhớ Sở muôn phần không nguôi”.

Bên cạnh thủ đoạn thả gián điệp giả dạng đi rẫy, làm rừng tìm dấu vết cán bộ; địch còn huy động lính bảo an, thanh niên cộng hòa… giăng hàng lùng sục khắp rẫy rừng. Trước hoàn cảnh đó, Huyện ủy chủ trương tạm thời né tránh, cố gắng duy trì mối liên lạc giữa trong ấp với bên ngoài để trao đổi tình hình, động viên nhau giữ vững tinh thần.

Nơi nào ta nắm được dân và xây dựng được cơ sở Thanh niên lao động trong các đoàn thể ngụy, thì ở đó cán bộ đỡ bị tổn thất hy sinh. Lực lượng này cung cấp tình hình báo động, báo an, dẫn đường cho ta vào ấp. Đồng chí Nguyễn Thanh Trà (Nguyễn Văn Bốn) hoạt động ở Tam Giác, nhiều lần thoát chết là nhờ cảnh giác cao và có nhiều cơ sở trong dân, trong tổ chức hội tề thanh niên dân vệ. Ngay cả Miền A, địch lùng phục gắt gao, cán bộ hy sinh nhiều, nhưng một vài nơi còn duy trì được cơ sở, nắm được dân vệ, thì còn len lỏi bám được dân. Giữa năm 1956, địch giải giao đồng chí Võ Sỹ từ Láng Cháy về Mũi Né, địch ghé nhà anh Rừng là dân vệ của Bàu Sen. Thừa lúc chúng sơ hở, anh Rừng tháo dây, nhưng do sức yếu bị đánh nhiều, đồng chí Sỹ chạy không thoát. Về nhà giam Mũi Né, đồng chí Sỹ đã được một thanh niên cai ngục tiến bộ lén cho thuốc uống. Cán bộ Hồng Sơn, Hàm Chính… nhiều phen thoát nạn cũng nhờ cơ sở trong lực lượng dân vệ báo động lúc địch lùng rừng. Điều đó chứng tỏ một số thanh niên bị địch bắt cầm súng, nhưng trái tim vẫn hướng về cách mạng.

Đến năm 1957, địch ban hành Luật Quân dịch và bắt thanh niên đi quân dịch, nhiều thanh niên xin thoát ly. Nhưng do sinh hoạt khó khăn, chưa tìm ra hướng mới, chưa có phương thức xâu nắm, giữ liên lạc, lãnh đạo huyện đành động viên anh em tạm thời vào lính, chờ tổ chức liên lạc sau. Thực tế ấy đã làm cho ta hao mất thêm thực lực.

Thực hiện sự hướng dẫn của ta, cốt cán trong thanh niên đã dùng các hình thức đấu tranh chống địch như: Khai man tuổi để trốn quân dịch, không vào tổ chức bảo vệ hương thôn, không viết khẩu hiệu chống cộng sản mà thay vào đó là viết và rải truyền đơn cho cách mạng. Có nơi địch treo bảng: “Diệt cộng là yêu nước”. Tối đến ta sửa lại chữ Diệt thành Việt, tức là : “Việt cộng là yêu nước”.

Từ cuối năm 1955, đầu năm 1956, địch khủng bố trắng. Phần đông cán bộ hợp pháp ở các xã phải chạy ra rừng. Trong điều kiện vừa giữ thế bí mật, vừa tự lo cuộc sống, anh em không thể đáp ứng được. Do đó đến giữa năm 1956, Tỉnh uỷ Bình Thuận chủ trương cho cán bộ xã tìm cách chuyển vùng, vào sống hợp pháp ở địa phương khác. Mỗi người phải tự lo: tiền, giấy tùy thân và quần áo. Tổ chức yêu cầu các đồng chí vào vùng địch phải thực hiện các quy định: Không vào phong trào cách mạng quốc gia, không hoạt động tình báo cho địch, không để tứ đổ tường cám dỗ, không để lộ tông tích; ráng học nghề, tìm công ăn việc làm, thành người dân nơi đó, giữ vững niềm tin, khí tiết; chờ tổ chức sẽ liên lạc. Đầu năm 1957 Khu ủy khu 5 chủ trương chuyển đại bộ phận cán bộ lãnh đạo ra hoạt động hợp pháp. Chấp hành chủ trương trên, Hàm Thuận và Miền A chuyển hầu hết cán bộ vào vùng địch sống hợp pháp (trung bình mỗi xã có 15 – 20 đồng chí).

Do yêu cầu hoán đổi cán bộ chủ chốt, đầu năm 1957 Tỉnh ủy điều đồng chí Võ Khánh Tồn từ Hàm Thuận qua làm Bí thư Miền A thay đồng chí Huỳnh Hà. Các đồng chí Huỳnh Hà, Võ Khánh Tồn, Hồ Đức Hậu, Nguyễn Kim Bồng đang họp bàn giao tại Rừng Rít thì khoảng 7 giờ ngày 04 tháng 01 năm 1957, tên Nguyễn Hữu Chi dẫn địch từ Mũi Né lên bao vây điểm họp, bắn hai đồng chí Huỳnh Hà và Hồ Đức Hậu hy sinh. Trước đó, đêm 03 tháng 01 năm 1957, trên đường về Phú Long mời đồng chí Trần Tĩnh về dự cuộc họp trên, tên Phan Lai (Mẫn) đã đầu hàng dẫn địch bắt đồng chí Trần Tĩnh. Đêm sau Mẫn dẫn địch phục chỗ ở của đồng chí Nguyễn Kim Bồng. Ngày 05 tháng 01 năm 1957, dân vệ Bàu Sen rượt bắt anh Phan Tùng giao liên của Miền A.

Trước tình hình quá phức tạp, ngày 14 tháng 4 năm 1957, Huyện ủy Hàm Thuận mở hội nghị bất thường nhằm: kiểm điểm tình hình, củng cố tư tưởng nội bộ và bàn cách chống số cơ sở đầu hàng làm phản biến, chọn lọc lại cốt cán, phát triển cơ sở mới; tiếp tục chống âm mưu tố cộng. Đêm ấy Nguyễn Hưng Nhơn và đồng chí Mười Chiêm xuống Giếng Thum (xã Hàm Chính) lấy nước phục vụ hội nghị, lọt vào ổ phục kích của địch, Nguyễn Hưng Nhơn bị bắt, đồng chí Mười Chiêm hy sinh. Tình hình càng thêm căng thẳng.

Ngày 20 tháng 4 năm 1957, dân vệ ấp Thuận Nghĩa phục bắt đồng chí Trần Hoa, liên lạc của Hàm Thuận. Tiếp đó đồng chí Trần Dũng, cán bộ Văn phòng huyện cũng bị bắt. Ở khu vực Bưng Bí, tên Ngư Râu dẫn địch bắt đồng chí Nguyễn Hồng Phấn. Tại Kim Bình, Huỳnh Thị Cẩu dẫn địch bắt đồng chí Lê Tấn Ngọc; đồng chí Lê Vinh Dự cũng bị địch bắt trên đường đi lấy nước.

Tháng 6 năm 1957, Tiêu Đình Thức, Bí thư xã Hàm Thạnh đầu hàng, làm vỡ lỡ nhiều cơ sở ở Miền Mới. Quần chúng hoang mang, mất lòng tin vào cán bộ. Ngày 15 tháng 7 năm 1957 do cơ sở làm phản dẫn phòng nhì Phan Thiết vây bắt đồng chí Đinh Văn Tri phụ trách Miền Mới. Đồng chí Tri luôn có tư tưởng tấn công địch, thường đề nghị huyện cho vũ trang chống giặc. Lần này dù thế cô sức yếu, nhưng đồng chí đã dồn hết tinh thần, sức lực đánh ngã tên võ sĩ Chanh, nhưng do lực lượng địch đông, và đầy đủ vũ khí nên đồng chí Tri đã hy sinh anh dũng tại Suối Dầu (Ruộng Vỡ) Hàm Thạnh; ông Hai Tiên bị bắt (do bị khui hầm bí mật).

Trong năm 1957, một số cơ sở phản biến, một số xa lánh cách mạng. Cán bộ ta vừa mất chỗ dựa, vừa bị địch bố ráp săn lùng nên các xã: Hàm Cần, Hàm Trí, Hồng Sơn, Hàm Nhơn, Thiện Nghiệp… đều có một số người dao động chạy về gia đình, hoặc tìm cách tự nộp mình cho địch. Thực lực cách mạng trong huyện lúc này còn rất mỏng. Phong trào cách mạng như chiếc thuyền nan phải vượt sóng ngàn trong những năm kế tiếp.

Nguyên nhân của tình hình trên là do ta chỉ đấu tranh chính trị đơn thuần, còn địch thì tăng cường đánh phá ngày càng ác liệt. Ngày 12 tháng 02 năm 1957 tiểu khu Bình Thuận thành lập “Liên đoàn công tác lưu động Bàu Thiêu” nhằm tiêu diệt hoàn toàn thực lực cách mạng ở Miền A và khu Lê Hồng Phong. Trong 6 tháng đầu năm 1957, Nha hành chánh Mũi Né mở trên 300 buổi học tố cộng. Trong 8 tháng cuối năm 1957, Liên đoàn này đã mở 89 lần míttinh tố cộng, bắt giam 94 người; chúng mị dân bằng cách tổ chức văn nghệ, chiếu phim, phát thuốc, phát sữa v..v..

Cùng thời gian trên, ngụy quyền Hàm Thuận liên tiếp mở hàng trăm lớp tố cộng. Riêng tháng 8 năm 1957 có 12.500 người bị địch bắt dự các buổi học. Qua đó chúng khám phá nhiều cơ sở, hầm bí mật và bắt 40 cán bộ. Quận trưởng Nguyễn Bá Giảng đã nhận xét: “Việt Cộng tại địa phương lâm vào thế bí, vì cơ sở bị khám phá hết”.

*

* *


Những năm cuối cùng của thập niên 50, trước tình hình của phe Xã hội chủ nghĩa và trong nước diễn biến phức tạp, có ảnh hưởng đến phong trào cách mạng ở miền Nam. Trong gần 2 tháng (5 và 6/1957), Tỉnh ủy Bình Thuận mở hội nghị ở Núi Ông; với sự chủ trì của đồng chí Võ Dân - Bí thư Tỉnh ủy, hội nghị thảo luận sâu kỷ các vấn đề: phe xã hội chủ nghĩa diễn biến phức tạp; Miền Bắc vấp phải sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất; Miền Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng địch đã và đang tố cộng, diệt cộng ngày càng ráo riết, phong trào cách mạng bị dìm trong bể máu. Hội nghị Tỉnh ủy đấu tranh gay gắt giữa hai quan điểm:

- Một là tiếp tục đấu tranh chính trị đơn thuần.

- Hai là phải kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. (Cách mạng phải có bạo lực cách mạng).

Nhiều ý kiến khác nhau và những vướng mắc của đại biểu về các vấn đề tại địa phương chưa được giải quyết. Hội nghị chỉ chốt lại một số việc trước mắt: Một là thực lực có hạn, ta tạm thời bỏ trống những vùng không còn cơ sở, tập trung bám những nơi còn có thể hoạt động được theo phương thức bí mật, đơn tuyến, nứt nhánh, bắt rễ xâu chuỗi; ngăn cách để hạn chế tổn thất. Hai là chuyển cán bộ và cơ quan lãnh đạo tỉnh ra hợp pháp hòa nhập với quần chúng và lãnh đạo đấu tranh chính trị, hợp pháp, nửa hợp pháp.

Trong lúc địch đánh mạnh, ta chưa tìm ra phương châm, phương thức hoạt động thích hợp; về tư tưởng, tổ chức chưa tìm được lối ra, thì ngay sau hội nghị Tỉnh uỷ này ; ngày 26 tháng 6 năm 1957, Võ Xuân Viên lấy cắp tiền, vàng của Tỉnh ủy chạy về đầu hàng giặc. Y nguyên là Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, lại muốn lập công, gây lòng tin với địch nên trước khi chạy đầu hàng, Viên đến các huyện yêu cầu lãnh đạo các huyện báo cáo tình hình tổ chức, thực lực cơ sở bí mật bên trong vùng địch. Do đó, ngoài việc viết thư gọi hàng rộng rãi, Viên đã cung khai tất cả tình hình, chủ trương và bộ máy tổ chức của ta. Thậm chí có quần chúng cho Viên một nhánh chuối, một tán đường, vài con cá khô cũng bị khai báo, 64 cán bộ chủ chốt của Bình Thuận đã chuyển vùng trước đó đều lần lượt bị Viên khai bắt vào tù, trong đó có 3 Tỉnh uỷ viên91. Hầu hết cán bộ cơ sở, quần chúng tốt ở Hàm Thuận, Miền A đều bị lộ, số cán bộ đang ở tù bị địch đưa ra thẩm vấn, làm cung lại theo nội dung mới cung khai, tố giác của Viên. Tội lớn của Viên là đánh mất lòng tin của nhân dân đối với cách mạng. Hệ thống cơ sở bể vỡ, nhiều nơi đứt liên lạc, tình hình vốn khó, nay càng khó hơn. Cán bộ thiếu nước, thiếu gạo, thiếu thực phẩm, thuốc men; món ăn chính là mì với muối. Đồng bào, cơ sở vừa sợ địch, vừa sợ cán bộ ta chạy đầu hàng khai báo, nên tìm cách tránh lánh, không dám tiếp xúc với cách mạng.

Song vấn đề mấu chốt ở đây là do phương thức đấu tranh chính trị đơn thuần đã không còn phù hợp với thực tế tình hình và nguyện vọng của nhân dân. Phong trào, thực lực cách mạng, ngày càng tổn thất, lãnh đạo Bình Thuận không dám linh hoạt, vẫn tuyệt đối chấp hành đường lối đấu tranh chính trị không kết hợp vũ trang diệt ác như ở Nam bộ đã làm. Địch có điều kiện lấn tới áp đảo ta. Cán bộ, đồng bào từ lúng túng, phẩn uất đến dao động, bế tắc. Tiếp sau Võ Xuân Viên thì Tám Lâu cán bộ xã Hồng Sơn, tên Ba cán bộ hành lang tỉnh chạy đầu hàng. Một đồng chí công tác chung với Ba đã treo cổ tự tử.

Trong một đêm mưa đầu tháng 7 năm 1956, đồng chí Nguyễn Văn Bốn tổ chức cuộc họp mặt với 7 cốt cán của Tam Giác ở khu rừng Bông Dâu (Hàm Chính)92 bàn kế hoạch đấu tranh đòi Hiệp thương. Các cụ già đã đề nghị lãnh đạo huyện báo cáo lên Đảng, Bác Hồ: “Phải tổ chức bộ đội, du kích, dân nuôi như hồi đánh Pháp, chứ đấu tranh chính trị mãi, bọn Mỹ-Diệm cầm tù và giết hết, còn ai để đấu tranh”. Đến năm 1957 có cơ sở đã tuyên bố với cán bộ : “Nếu không vũ trang đánh địch thì các ông đừng gặp chúng tôi nữa”.

Nhiều trường hợp đau lòng, vì phải chấp hành triệt để mệnh lệnh không được nổ súng trong bất cứ trường hợp nào. Thật khó xử, là chiến sĩ cách mạng mà chỉ lẫn trốn chứ không được kháng cự khi bị địch tấn công. Cuối năm 1957, năm đồng chí ở Miền A93 ra Giếng Xó (xã Hồng Liêm) lấy nước. Địch phục bắn đồng chí Lượng hy sinh, đồng chí Cang bị thương. Mấy anh em gắng chạy ngược lên dốc cát, địch đuổi theo định bắt sống. Trước cơn nguy biến, đồng chí Võ Khánh Tồn nổ súng giải vây. Thế là đồng chí Tồn bị lãnh đạo tỉnh kiểm điểm xoay quanh vấn đề : “Tư tưởng gì mà nổ súng !? ”94.

Từ tháng 9 năm 1957 đến cuối năm 1959, địch triển khai chiến dịch tố cộng giai đoạn III. Tại Bình Thuận, Hàm Thuận địch huy động sư đoàn 5 cùng bọn phản động trong số Thiên Chúa giáo di cư, đảng Dân chủ, đảng Cần lao nhân vị, Phong trào cách mạng quốc gia, số đầu hàng phản biến...hợp lực đánh ta từ xóm, ấp, chiến khu đến tận nhà tù. Địch gom vào và quản lý dân trong các ấp Tân Sinh, khu Trù Mật95… Gom dân miền núi về Gia Bát, Bắc Ruộng, Cỏ Mồm. Đồng bào Hàm Thuận, Miền A cũng bị gom ra ở dọc theo các đường Cộng đồng. Một vài nơi có điều kiện, ta lãnh đạo cơ sở, quần chúng tốt vào cất nhà ở bìa xóm giáp ranh ruộng đất và đấu tranh đòi ra rừng, rẫy làm ăn, để cán bộ tiện việc tiếp xúc nắm tình hình. Năm 1958, địch đổi Nha đại diện hành chánh Mũi Né thành quận Hải Long, gồm 7 xã: Khánh Thiện, Thạch Long, Thiện Nghiệp, An Hải, Phước Thiện Xuân, Thiện Khánh, Thanh Hải. Địch chia quần chúng thành 6 loại và có đối sách riêng với từng loại: “Tập kết, thoát ly, tình nghi, tiêu cực, kháng chiến cũ, ở tù ra”. Chúng bắt gia đình cách mạng phải treo đèn, treo bảng đỏ: “Gia đình Việt cộng”, bắt ly khai Đảng, ly dị chồng, đi trình diện hàng tuần. Có chị đêm đêm phải ôm con dại đến các điểm tập trung học các lớp Tố cộng.

Tháng 9 năm 1957 tiểu khu Bình Thuận thành lập: “Đoàn tố cộng lưu động tỉnh Bình Thuận" do Hồng Đức96 làm trưởng đoàn, Võ Xuân Viên làm phụ tá. Đoàn này cùng “Đoàn công tác lưu động Bàu Thiêu” biến Hàm Thuận, Khu Lê Hồng Phong thành trường tra. Âm mưu, thủ đoạn của địch là quyết làm cho cán bộ, đồng bào căng thẳng về tư tưởng, bại hoại về ý chí, lòng tin, mệt mỏi về thể chất, cạn kiệt, túng bấn về đời sống vật chất...

Mục tiêu chính đánh phá của đoàn tố cộng là những nơi có nhiều thực lực cách mạng như trong nhà tù, vùng kháng chiến cũ. Đoàn này xuống tận thôn, xã, mỗi đợt 5 –7 ngày tổ chức làm văn nghệ, chiếu phim; vờ vịt thăm hỏi thân hào, nhân sỹ nhưng thực chất là dò la nắm tình hình.

Sau đó chúng bắt dân tố cáo những người bị tình nghi làm cộng sản. Sau cuộc míttinh, số vào tù, số còn lại bị địch quản thúc tại địa phương phải trình diện hàng tháng. Trong những người đã qua đợt tố cộng tại xã, địch chọn những “người nguy hiểm”, đưa về các lớp học tập trung liên xã ở: Xa Ra, Lại An, Ma Lâm, Phú Hội, Tân Phú Xuân v.v… (như Nguyễn Thị Danh, Hoàng Thị Nguyệt, Trần Thị Nhít, Lê Thị Hoa…). Tại đây địch chia anh chị em làm hai đối tượng: loại phải khống chế và loại cần mua chuộc. Chúng dùng loại này tác động loại kia. Địch bắt anh chị em quỳ suốt đêm viết phản tỉnh – “Bản cầu tiến”. Viết xong chúng xé không cần đọc, cho rằng chưa thành khẩn. Có người viết cả chục lần và bị đánh ngất xỉu, ngã quỵ, nhất là đối với những đồng chí tỏ ra khẳng khái. Sau bảy ngày đêm tra tấn cực hình, chúng mở míttinh bố trí số đầu thú hoặc những cán bộ cũ có uy tín trước đây, nay chịu đựng không nỗi đứng lên xé cờ Đảng, tuyên bố ly khai cộng sản. Anh em kiệt sức cùng đường đành phải nói và làm ngược lòng mình rất đáng thương tâm. Mỗi người dự lễ phải cầm một ngọn đuốc gọi là: “Ánh đuốc triệt tiêu tư tưởng Cộng sản”.

Mở đầu chiến dịch tố cộng giai đoạn III, địch chọn Nhơn Thiện và xã Hòa Vinh làm điểm trong toàn tỉnh. Đêm 04 tháng 11 năm 1957 trước đông đảo đồng bào Nhơn Thiện, địch đưa Võ Xuân Viên - lần đầu tiên ra tố giác cơ sở, buộc tội những người đã từng nuôi giấu, bảo bọc y, Viên tố: “Gia đình Lê Thị Hiền - tiếp tế cho Việt cộng nhiều nhất, Lê Văn Ngư anh của Hiền là cán bộ nằm vùng”.

Viên vừa bước xuống, chị Hiền97 nhảy vội lên khán đài nói to: “Tôi xin hỏi ông Viên vài điều, nếu ông biết Việt Cộng không chánh nghĩa, tại sao ông theo Việt Cộng làm đến Thường vụ Tỉnh ủy, dụ dỗ đồng bào, trong đó có anh Ngư; làm cho gia đình tôi bị quốc gia nghi kỵ, liên lụy, khổ đau. Các ông đói đồng bào cho ăn, nay lại tố cáo? Sao ông không dẫn anh Ngư về quy chánh…”. Chị Hiền chưa dứt lời, tên Hồng Đức trấn áp: “Lê Thị Hiền là tên khẩu phật, tâm xà, vừa đánh trống vừa la làng, giam nó lại”, rồi khống chế bắt chị Hiền. Ở Bàu Thiêu, khi Viên tố: “Việt Cộng tàn ác”, một cụ già liền chất vấn: “Ông Viên nói thế thì ông làm đến Thường vụ Tỉnh uỷ thì tội ác của ông đến mức nào?”. Viên ấp úng cúi mặt…

Sau đợt tố cộng này, cán bộ càng khó gặp cơ sở. Đêm 20 năm 12 năm 1957 đồng chí Lê Văn Ngư vừa vào nhà Lê Thị Quý ở Nhơn Thiện, bà ta ôm choàng la toáng lên. Địch ập đến trói đồng chí Lê Văn Ngư. Với thành tích trên, Quý không chỉ được thưởng 20.000 đồng mà còn được chính quyền Diệm tặng: “Huân chương anh dũng bội tinh”. Thời kỳ này Tỉnh ủy giao cho Miền A phụ trách cả 2 xã : Hồng Chính, Hồng Lâm, khi cán bộ chủ chốt của 2 xã này bị bắt thì lãnh đạo Miền A cũng đứt liên lạc với hai xã trên.

Tại Mũi Né, khi Viên nói Việt Cộng xấu xa, cướp của đồng bào. Bà Dương Thị Bé tố cáo: “Gia đình tôi đã sống 9 năm ở vùng kháng chiến chỉ thấy ông xã Cà, cán bộ tài chánh lấy của tôi 100 đồng, rồi chạy về đây làm Hội đồng Hương chính, chứ không thấy ông Việt Minh nào lấy của dân”.

Sau gần 2 tháng tố cộng khắp khu Lê Hồng Phong, ngày 31 tháng 11 năm 1957 Viên cùng đoàn tố cộng tỉnh quay về Xa Ra - điểm tố cộng của Hàm Thuận. Cả lũ, nhất là Viên mang tâm trạng uể oải, chán chường, tuy có rút tỉa thêm nhiều thủ đoạn. Tại đây chúng đưa một số tù nhân và số phản bội đầu hàng mà địch còn nghi ngờ về học tập. Sau 7 ngày đêm khủng bố, chúng mở míttinh tại sân banh Xa Ra, có ngụy quyền ấp, xã trong toàn quận về dự. Nơi đây lại diễn ra lần tố cộng thứ hai, lớn nhất trong tỉnh. Đồng bào đến rất đông, nếu lần thứ nhất bà con hồi hộp lắng nghe đồng chí Châu phát biểu, thì lần này ai cũng muốn biết mặt và nghe Viên nói những gì về cái lý tưởng mà gần cả đời y đã gắn bó, theo đuổi.

Quá căm phẫn khi thấy Viên lảm nhảm nói xấu cách mạng, các má, các chị quên hết hiểm nguy, thay nhau hỏi tội Viên: “Ông làm Thường vụ Tỉnh uỷ đã dụ chồng con của chúng tôi theo Việt Cộng, chính ông đã gây cho gia đình tôi đói khổ, tù đày, chết chóc, ông về đây, người thân của chúng tôi đâu?”. Có má đã xông lên kéo áo Viên: “Tao biết mày lòng dạ thế này, thà để cơm cho chó ăn còn hơn?”

Bọn Hồng Đức và Võ Xuân Viên đưa đoàn “Tố cộng” đi khắp nơi trong tỉnh, đến đâu Viên cũng đón nhận những lời nguyền rủa, sỉ vả, ánh mắt căm hờn, khinh bỉ của dân. Đặc biệt là khi đến Xa Ra (xã Hàm Đức) Viên quá nhục nhã, sượng sùng, vì bị các má vạch mặt một cách thậm tệ, điều mà Viên chưa thể lường hết. Thật oan trái, ê chề và khó tưởng tượng là Viên đã bị địch đưa vào thế chẳng đừng, phải lộ nguyên hình là tên phản bội cách mạng. Viên đã trực tiếp đối thoại chiêu hồi, chiêu an, dụ hàng, hù dọa cả những đồng chí nguyên là Tỉnh ủy viên do chính Y chỉ điểm cho địch bắt như : Trần Soạn, Nguyễn Tế Nhị... Viên nói : “ Các anh đừng học tập Nguyễn Văn Cừ... và trước khi chết, phải giao lại cho nhà cầm quyền toàn bộ tài sản mà anh có (nhằm ám chỉ là phải khai báo cơ sở cách mạng)”.

Mục tiêu tố cộng của địch không thành ở Hàm Thuận, khu Lê Hồng Phong. Điều đó càng chứng tỏ tinh thần bất khuất, kiên cường, ý chí đấu tranh, sức chịu đựng phi thường của cán bộ, đồng bào ta ở vùng đất đáng tự hào.

Rút những kinh nghiệm thất bại từ khu Lê Hồng Phong, địch chuyển qua tố cộng ở Tam Giác khốc liệt hơn. Nhiều cán bộ cũ phải mang gạo đến các lớp tập trung, hết ở đồn Tân Nông lên An Phú, Ma Lâm, qua Phú Hội về Tân Phú Xuân. Đầu năm 1958, Lưu Bá Châm- Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Thuận trực tiếp chỉ đạo lớp tố cộng ở xã Tân Phú Xuân. Ròng rả 9 ngày đêm, những người cha, người vợ của cán bộ bị đánh đập, truy bức như: Nguyễn Hinh, Sáu Nghiệp, Sáu Say, Tám Lãn... Dưới cơn nắng gay gắt, địch bắt trên 400 người kháng chiến cũ mảng Đường 8 đứng nghiêm tại sân banh Tân Phú Xuân98 đau đớn nát lòng, chứng kiến một số ít đảng viên cũ bị địch ép buộc phải xé cờ Đảng, tuyên bố ly khai cộng sản vì thế cùng lực tận. Hiểu được điều đó, nên diễn văn bế mạc cuộc míttinh, Lưu Bá Châm hậm hực: “Đây chỉ mới là hình thức, chúng tôi còn chờ xem lòng dạ của các ông”.

Trong buổi míttinh tố cộng ở Gò Bồi (Hàm Kiệm), địch lại bày cái trò “hai con đường”: Ai vào đường Quốc gia bước qua cờ Đảng, tức là phục thiện được khoan hồng. Ai vào đường Cộng Sản bị trừng trị. Đại bộ phận những người kháng chiến cũ dừng lại ở ngã hai, không bước tiếp. Chỉ có 3 người bị địch bức bách phải vào đường quốc gia (Nguyễn Thanh Hà, Bảy Thiên, Tám Cỏn).

Địch khuyến khích và tăng lương, tăng chức, thưởng tiền cho những tên làm hư hỏng vợ, con của cán bộ. Qua 3 đợt tố cộng, ép buộc ly khai, ly dị, địch làm lung lạc, sa ngã không ít số chị em này. Có chị bị chúng cưỡng hiếp có thai, ôm con nhỏ bơ vơ thù hận. Nhiều tên phản động như: Bảy Bỗng ở Phú Long, Lê Hai, Tám Công ở Hồng Sơn, Bảy Của ở Hàm Chính, Hai Kiến ở Phú Long… luôn tìm cách gạ gẫm, hãm hiếp vợ con của cán bộ tập kết, ở tù, chuyển vùng, thoát ly. Tên Hồng Đức cũng trơ trẽn, chọc ghẹo chị Thiệp Tâm (Hoàng Thị Nguyệt) ở Phú Long. Y truy bức chị Tâm: “Tại sao không lấy chồng, phải chăng còn vọng tưởng Việt Cộng, ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản?”. Chị Tâm trả lời cứng cỏi: “Cha mẹ tôi đã dạy, theo đạo lý người Việt Nam, phụ nữ chưa được thắp nén hương trước mồ chồng, thì phải giữ tiết hạnh; các ông cũng muốn vợ mình như thế”. Các chị đã khéo léo rĩ tai, động viên, nhắc nhau yêu thương, đoàn kết, tối lửa tắt đèn hôm sớm có nhau. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt ấy, xã nào cũng có những chị thuỷ chung với chồng, hiếu với dân, trung với Đảng. Trong thế bị o ép, nhưng nhiều chị sắc son chờ đợi. Các chị Võ Thị Cam, Nguyễn Thị Mãn…không những chung thủy đợi chồng mà còn tần tảo nuôi con, làm cơ sở nuôi cách mạng.

Sau giai đoạn địch khủng bố trắng, những năm 1958 –1959, trừ Tam Giác và Miền A còn một ít cơ sở trung kiên, nhiều nơi trở thành vùng trắng. Phần lớn cốt cán nằm yên. Lòng dân căm thù giặc, nhưng không biết phải làm gì và làm thế nào. Người tốt bấy giờ là trụ lại nằm chờ, không cộng tác với giặc. Địch khủng bố dân trong ấp, thủ tiêu người trung kiên trong tù. Đa số cán bộ thoát ly lần lược bị bắt hoặc hy sinh. Hàm Thuận, Miền A hao mất 56 người, còn vỏn vẹn mấy đồng chí chủ chốt: Võ Khánh Tồn, Lâm Vinh Minh, Nguyễn Văn Bốn, Nguyễn Thanh Tâm. Mảng Nam còn Dương Văn Khéo, Huỳnh Chút. Từ năm 1957 đến tháng 7 năm 1958. Ở Miền A còn 3 đồng chí: Võ Khánh Tồn, Nguyễn Văn Nhâm, Trương Vũ Đức. Từ tháng 8 năm 1958 đến năm 1960, cán bộ Miền A cũng còn 3 đồng chí : Nguyễn Ninh, Nguyễn Văn Nhâm, Trương Hồng Thái (Khởi). Do đó địch ở quận Hải Long đã nhận xét: “Các tổ chức chính trị của Việt Cộng bị tan rã, nên chúng không hoạt động phá hoại được gì”.

Nguyên nhân chính của tình hình trên là do ta duy trì quá lâu phương thức đấu tranh chính trị đơn thuần. Địch tự do, thẳng tay đàn áp đánh phá, không sợ phản kích. Võ Xuân Viên và một số khác đầu hàng, khai báo, phản biến. Trong khi đó Tỉnh ủy Bình Thuận và Liên Tỉnh ủy 3 không kịp thời điều chuyển, để phần lớn cán bộ chủ chốt lần lượt sa vào tay giặc.

Địch giăng lưới phòng nhì, điệp báo khắp nơi, cán bộ rất khó gặp dân. Nhiệm vụ chính của cán bộ huyện là dùng hầm bí mật, xây dựng cơ sở tiếp tế, cảnh giác, kịp thời giáo dục cơ sở, ngăn ngừa phản biến bằng cách đột vào gặp cơ sở không hẹn trước. Đối tượng, chỗ dựa chính của ta lúc này vẫn là gia đình, người thân của những người kháng chiến và cơ sở Thanh niên lao động trong bộ máy hội tề, dân vệ. Chính những lúc gian truân, ác liệt đó mới rõ ai là người yêu nước, trung hiếu với dân, với Đảng. Hiểm nguy đến thế nhưng cán bộ vẫn sống được là nhờ trước giông tố vẫn còn những người con trung dũng; còn có lòng dân hướng về cách mạng, tin Đảng, Bác Hồ.

Khi Võ Xuân Viên đầu hàng tố giác bắt cốt cán, tổ chức nghiệp đoàn lần lượt tan rã. Nhưng một số hình thức đấu tranh khác vẫn được duy trì trong những năm ác liệt. Đó là phong trào nuôi giấu cán bộ; đòi giữ nguyên canh, chống tăng tô cướp ruộng, đòi tự do đi lại làm ăn.

Ở Miền A, có các chị Dương Thị Huệ, Phan Thị Thuận99, Nguyễn Thị Bính len lỏi đưa từng lon gạo, lon nước ra rẫy rồi nhịn đói, để dành cho cán bộ. Rẫy mì của chị Bính, chị Lê Thị Hiền là kho lương thực của cán bộ Miền A. Một số hạt giống tốt hiếm hoi đã được kết nạp vào Đảng trong những năm đen tối, khó khăn, ác liệt, đó là: Nguyễn Nhâm, Trương Vũ Đức, Nguyễn Thị Bính (Sáu Băng Cung)… Đúng là lửa thử vàng, gian nan thử sức.

Vùng quê Tam Giác khô cằn, nghèo khổ, nhưng nổi lên nhiều tấm gương giàu lòng yêu nước. Các chị Nguyễn Thị Mỹ, Nguyễn Thị Thu Ba, Trần Thị Lự, Nguyễn Thị Thanh... đi liên lạc, đào hầm nuôi cán bộ, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho huyện, tỉnh. Địch dùng lửa đốt bàn chân và tra tấn chị Thanh đến tàn phế. Cuối năm 1959 sang đầu năm 1960 các chị ấy đã lần lượt trở thành đảng viên cộng sản. Riêng má Nguyễn Thị Đồng ở Hàm Liêm - một đảng viên trung kiên, giữ vững tinh thần, hoạt động đơn tuyến, qua bao phen bị địch tố cộng, mấy lần tù, má vẫn không sờn chí.

Cuối năm 1957, đồng chí Nguyễn Thanh Tâm (Bảy Tâm), một cán bộ giao liên kiên cường, táo bạo đột vào nhà chị Võ Thị Đẩu ở Xóm Rơ (xã Hàm Chính), chờ đến nửa đêm, đồng chí Tâm vừa gặp mặt thì bị chị xua đuổi: “Mày đi ngay, tao la làng bây giờ, Võ Xuân Viên, Ủy viên Thường vụ Tỉnh uỷ còn đầu hàng, huống chi bọn mày”. Đồng chí Tâm tìm lời giải thích: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, bàn tay có ngón ngắn ngón dài, chị biết đó, có lần bị địch đánh toét đầu, em vẫn không hàng”. Chị Đẩu nói cho hả giận: “Năm nay trúng mùa, lúa đầy bồ, nhưng tao không dám cho bọn mày ăn nữa”. Đồng chí Tâm lại kiên trì thuyết phục: “Em ăn sung hai tháng rồi vẫn mập, không xin gạo của chị; em chỉ nhờ chị chuyển giúp lá thư của Tỉnh ủy cho cô Mười ở Phan Thiết”. Suy nghĩ một hồi, chị cầm lá thư. Khi đồng chí Tâm chào tạm biệt; chị gọi lại xúc cho giạ gạo, gói đường tán và mấy quả bí đỏ. Từ Hàm Chính mang bồng100 hàng về núi, đồng chí Tâm đã khóc vì thấy rõ lòng dân - bao giờ cũng mênh mông như biển cả. Cách mạng gặp khó khăn là do địch đánh phá hoặc đường lối không phù hợp, một số cán bộ của ta biến chất, phạm sai lầm, làm mất lòng dân. Nhờ bồng hàng đó mà Tết năm ấy Tỉnh ủy Bình Thuận có thêm hương vị ngày Xuân.

Vừa rạng sáng, đồng chí Nguyễn Văn Bốn đang ngủ dưới hầm bí mật trong nhà má Thơm ở Tân Nông (Hàm Liêm), bất ngờ tên ấp trưởng ập vào. Má Thơm bình tĩnh, nhanh trí thọt con gà mái đang ấp trên ổ kêu “ót ót” vừa át tiếng ngáy của đồng chí Bốn dưới hầm vừa báo động cho đồng chí Bốn.

Địch ép vợ chồng ông Mười Chót ở Xóm Rơ bắt đồng chí Bốn. Đêm đó, đồng chí Nguyễn Văn Bốn làm ám tín hiệu bắt liên lạc với ông Mười nhưng vẫn thấy im lìm, đồng chí Bốn sinh nghi tìm cách đột nhập vào nhà và nói: “Em đây, anh chị cứ bắt giao cho địch”. Hai vợ chồng khóc òa: “Địch ép buộc như thế, nhưng chúng tôi nỡ lòng nào làm điều ấy”. Sau một hồi trao đổi, đồng chí Bốn động viên phải tin ở ngày mai thắng lợi. Hai vợ chồng tiễn đồng chí Bốn với một bồng đầy gạo.

Nhiều má, nhiều chị ở Tam Giác rất nghèo: Chị Tư Bốn, Ba Nga, Tư Dị, Ba Tạo... chặt từng cây tre, gánh củi, đổi gạo, nhưng anh em về thì cấp nấp đủ thứ, từ lon gô thịt ếch, cua đồng… do các chị tự chế biến đến những mặt hàng thiết yếu khác. Một số gia đình khá giả ở Miền A đã đóng góp tiền cho kháng chiến như các ông Trần Hữu Chí, Lê Xích, Bộ Lê, Bà Ba Rận...

Quần chúng tin Đảng, thương cán bộ, nhưng không tán thành phương thức đấu tranh chính trị đơn thuần. Địch ở Hàm Thuận, Hải Long đã tuyên bố: “Trong Nam Bộ Việt cộng diệt ta. Việt cộng ở đây không dám, ta cứ tha hồ chặt đầu chúng nó cho nhiều”. Những lần vào Bà Rịa trở về, các đồng chí Nguyễn Tiềm, Nguyễn Ninh đều báo cáo với Tỉnh ủy tinh thần Đề cương cách mạng Miền Nam và kinh nghiệm diệt ác tự vệ ở Nam Bộ, nhưng đồng chí Võ Dân, Bí thư Tỉnh ủy giải thích: “Ở Nam bộ khác, ở Bình Thuận khác. Diệt ác là khủng bố cá nhân, cách mạng là phải lật đổ chính quyền”.

Đến tháng 3 năm 1958, Liên Tỉnh 3 chỉ đạo: “Xây dựng căn cứ; xây dựng lực lượng vũ trang; rút cán bộ đã chuyển vùng hoạt động hợp pháp trong vùng địch về lại căn cứ”. Thực hiện tinh thần trên, khoảng tháng 7 năm 1958 Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trương: “Xây dựng căn cứ miền núi, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ, tiến hành diệt ác bằng dao rựa, chà gạc, hạn chế nổ súng, với tinh thần vũ trang tự vệ, ném đá giấu tay…”

Ngày 20 tháng 7 năm 1958, Tổ vũ trang đầu tiên của tỉnh ra đời gồm 4 chiến sĩ, do đồng chí Phạm Hoài Chương chỉ huy. Tổ này được phân công xuống Tam Giác làm các nhiệm vụ: xây dựng cơ sở, tạo bàn đạp, chuẩn bị lực lượng, mục tiêu. Sau hai tháng hoạt động, đồng chí Lơ hy sinh, đồng chí Trác101 và đồng chí Lợi bị bắt do không được phép nổ súng.

Đến giữa năm 1959, cán bộ vẫn còn bị tổn thất hy sinh vì bị cơ sở làm phản. Ngày 10 tháng 7 năm 1959, đồng chí Trần Thành Hổ, cán bộ Hàm Thuận bị tên Chín Chót phản bội, dẫn địch phục bắn hy sinh tại Chà Tre, xã Hàm Liêm. Trong những năm 1957- 1959, cán bộ Hàm Thuận, Miền A len lỏi tìm gặp từng người dân tuyên truyền, vận động tháo gỡ tâm tư vương mắc cho họ. Đến cuối năm 1959, lòng tin của quần chúng đối với cách mạng mới nhen nhóm phục hồi. Kết quả ấy phải đổi biết bao xương máu của đồng bào, đồng chí!!!

Bế tắc, tổn thất trên do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là do phương thức đấu tranh chính trị đơn thuần, công tác tư tưởng một chiều, thiếu cơ sở khoa học, lực lượng bám trụ mỏng dần, không nắm được quần chúng, thiếu thực lực để trấn áp địch. Anh em bị địch khủng bố, thoát ly ra rừng, ta không giải quyết được nơi ăn, ở, đành động viên vào lại vùng địch và lý giải là cứ lấy pháp lý Hiệp định để đấu tranh. Sự ấu trĩ và công tác tư tưởng gán ghép ấy, thể hiện phần nào qua cuộc thảo luận giữa hai đồng chí Trần Kiện và Hồ Đức Hậu (6/1955). Bị địch ở Mũi Né theo dõi, đồng chí Kiện xin được thoát ly. Đồng chí Hậu giải thích: “Lúc này anh chưa thể thoát ly được, phải tìm cách tránh lánh, sau hai năm địch phải thi hành Hiệp định. Ta có pháp lý, có dư luận và Ủy hội quốc tế giám sát, có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo, có sức mạnh của cả nước”. Chấp hành mệnh lệnh đồng chí Kiện vừa quay về là bị địch bắt (7/1955).

Trong hai năm 1956 và 1957, chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy Bình Thuận; Hàm Thuận và Miền A thực hiện triệt để việc cho cán bộ chuyển vùng đi hợp pháp. Từng người chấp hành ra đi với hành trang gọn nhẹ, vài trăm đồng lộ phí đến nơi xa lạ, xa đồng chí, đồng bào, tự sống và giấu kỹ tông tích. Trừ một ít đồng chí có người thân, nghề nghiệp, chỗ dựa hoặc quen sống ở đô thành, còn đại bộ phận vào Long Khánh, Đà Lạt, Sài Gòn… đều bám víu nhau để sống, không giữ đúng phương thức ngăn cách, bí mật. Do đó khi lộ một người là bể vỡ hàng loạt. Một số cán bộ vừa vào Nam bộ lại bị chiến dịch Trương Tấn Bửu của địch – “tầm nả cán bộ đổi vùng”. Tiếp đến là Võ Xuân Viên đầu hàng khai báo nên đến đầu năm 1958, số đông cán bộ chuyển vùng đều bị tù đày. Đến năm 1959, khi tỉnh rút cán bộ chuyển vùng hoạt động hợp pháp về lại căn cứ thì Hàm Thuận, Miền A còn vỏn vẹn 5 - 3 đồng chí: Lê Xuân Nhị, Nguyễn Đức Lương (Sáu Thiết), Lê Đình Nguyên (Bảy Nguyên)...

Những đồng chí trụ lại căn cứ trong thế phòng thủ, tránh lánh, không được vũ trang tự vệ, có súng không được bắn. Vũ khí duy nhất của mỗi người là một cây gậy với ý chí, tinh thần và sức chịu đựng - bằng chiếc gậy để leo núi, lội sông, chống thú dữ và quân thù. Nhiều trường hợp đau lòng, có súng mà để địch dùng tay không bắt sống. Lãnh đạo tỉnh sợ nổ súng là vi phạm Hiệp định và địch sẽ lấy cớ để đàn áp phong trào. Nhưng ta càng nhượng bộ lùi bước, địch càng lấn tới, tiêu diệt ta.

Việc chấp hành chủ trương của tỉnh là rập khuôn, cứng nhắc, không kịp thời đối phó với tình hình, không đáp ứng được nguyện vọng của dân. Riêng Huyện ủy Hàm Thuận còn phạm thêm một số khuyết điểm: Về công tác tổ chức, do tình hình khó khăn, phức tạp nên Huyện ủy quá dè dặt, một số cơ sở cốt cán trung kiên, xứng đáng nhưng huyện chưa mạnh dạn kết nạp vào Đảng, làm hạn chế sức lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng của nhân dân. Có lúc chưa kết hợp tốt công tác tư tưởng với tổ chức, có cán bộ dao động, nhưng huyện chậm giải quyết, nên dẫn đến hư hỏng. Về việc chuyển phương thức đấu tranh hợp pháp cũng chưa kịp thời, cán bộ cơ sở chưa biết vận dụng 5 bước công tác dân vận trong tình hình mới, lãnh đạo huyện cũng lúng túng, không tập huấn, hướng dẫn tỉ mĩ cách hoạt động hợp pháp cho anh em. Trong tập hợp quần chúng, nhiều nơi chưa sử dụng tốt các hình thức biến tướng, các tổ chức công khai hợp pháp như hội gặt, hội cấy v..v… Huyện ủy cũng chưa lường hết các thủ đoạn và mức nguy hiểm của kẻ thù, không chủ động có hướng đối phó, chuẩn bị tư tưởng cho số nòng cốt. Khi địch nhằm vào đối tượng cốt cán của ta đánh phá, bắt ly khai Đảng, ly dị chồng thì nội bộ và quần chúng bị phân hóa, tổn thất. Những năm đầu (1955-1956), trong đấu tranh đòi Hiệp thương tổng tuyển cử, có nơi ở Miền A làm ồ ạt, bộc lộ lực lượng, nhân đó địch đàn áp giam cầm số nòng cốt, trung kiên.

Những tháng năm khốc liệt trong điều kiện chỉ hoạt động bí mật; các chiến sĩ cách mạng với ý chí sắt đá, chịu đựng gian khổ, tinh thần tự nguyện, tự giác sẵn sàng hy sinh, vững chí, bền gan... sống lạc quan tin tưởng hết sức phi thường. Thời kỳ “Cú kêu, Nai bép”102 tuy đã qua đi, nhưng những tháng ngày chiến đấu hào hùng, không thể nào quên sẽ mãi mãi xứng đáng được lịch sử ghi nhận.

Năm năm ác liệt (1955-1959) dường như dài hơn thực tế, những người thoát ly, phải sống vắng vẻ giữa núi rừng với phương châm: “Tuyệt đối bí mật, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Mọi người phải tuyên thệ với nhau trung thành, bí mật, cảnh giác; ở đơn tuyến hoặc vài ba người; muốn gặp nhau phải có ám tín hiệu, mật khẩu. Rừng núi điệp trùng đầy thú dữ, nhưng cán bộ đi không đường, ở không nhà. Trường hợp như đồng chí Nguyễn Thiện Chính, Nguyễn Tiềm… đi lạc 5 –7 ngày đêm, đói, khát giữa rừng Ô Rô, phải liếm sương đêm chờ đồng đội. Đồng chí Nguyễn Nhâm, là cán bộ giao liên mà cũng bị lạc, mất chiếc balô. Từ đó có cái tên “Tám Ba Lô” kỷ niệm của một thời kháng chiến103.

Do thiếu phương tiện thông tin trong điều kiện hoạt động bí mật nên thời ấy công tác giao liên (đường dây) là mạch máu liên lạc của Đảng. Mọi tin tức, hoạt động của cách mạng đều liên quan đến đường dây. Cán bộ giao liên phải đi lại, sinh hoạt trong điều kiện đơn tuyến vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Có thời gian dài không có người tâm sự, thiếu thốn toàn diện cả vật chất lẫn tinh thần; các anh phải tự rèn luyện, động viên, nhất là những lúc ốm đau, thiếu đói, bị địch bao vây, phục bắt...

Những chiến sĩ giao liên gian khổ, khó hơn thuyền trưởng giữa biển khơi, chỉ nhắm hướng, nhắm sao, cắt rừng Ô Rô lên Núi Ông. Từ Hàm Tân ra Bắc Bình phải đến đúng nơi, đúng hẹn, an toàn. Bí mật, cảnh giác cao là sự sống còn, là yêu cầu cao nhất của cán bộ cách mạng hồi ấy, một sơ suất nhỏ là có thể hy sinh, bể vỡ phong trào. Anh Biền Xiềng, cán bộ giao liên đi từ Miền A ra Bắc Bình, đêm ấy trời mưa, anh cắt rừng chỉ để lộ một dấu chân to, in trên cát, bọn gián điệp đi bẫy giông phát hiện. Sau một tháng phục kích địch đã bắt được anh.

Những người thoát ly có lúc phải ngủ trong bụi tre, đám tranh rậm, hoặc dùng càng khêu104 giả dấu chân thú đi lui vào chỗ ngủ. Nhiều đêm mưa dầm ướt lạnh, không sao yên giấc, về sau anh em sáng tạo, biết làm móc võng105 từ cây cứng, rồi phát triển lên móc làm bằng ngà voi, bằng nhôm... Bị địch lấy võng, các đồng chí lại cải tiến thế buộc võng để rút dây nhanh khi báo động.

Tránh lánh địch đã khó, đối phó với thú dữ cũng không dễ dàng. Rừng khu Lê Hồng Phong hồi ấy rất nhiều cọp, có lúc các đồng chí ta phải ngủ trên ngọn cây. Đồng chí Tâm, bí thư xã Hồng Trung đang treo võng ngủ trong Rừng Rít, một con hổ đói đánh được hơi, nó vừa hụm vừa xông vào vồ miếng mồi ngon. Trên tay chỉ có cây vò dông. Đồng chí Tâm đánh mạnh vào mặt nó, con cọp bị đau bất thần bung nhảy. Đồng chí Đông cán bộ giao liên, mang gùi báo đi giữa rừng Ô Rô. Một con cọp dữ chận đường, chồm lên vồ lấy. Trước lúc lâm nguy, anh ném chiếc gùi vào mặt nó rồi bung chạy. Lát sau đồng chí Đông quay lại con cọp đã xé nát gùi tài liệu.

Thiếu ăn vài ba tháng, hết ăn 5 - 7 ngày là chuyện thường diễn ra, lương thực chính của anh em ta là: đọt mây, quả sung, trái gấm, măng, nần, lá bép, rau tàu bay, trái bom, củ chuối… Thực phẩm chính là: thỏ, dông, ếch, rùa, tắc kè… Song việc khát nước vẫn khó chịu hơn, địch lại thường vây phục bàu, giếng nước, nên anh em đi lấy nước thường bị hy sinh. Chính vì thế mà nước ở Ô Rô, Tam Giác quý như máu của mình. Cán bộ dùng nước có định lượng, có lúc người này giữ bình đông cho người kia uống để tiết kiệm. Khi bình thường mỗi đồng chí, mỗi ngày dùng một bình đông nước, khi thắt ngặt thì lượng nước ấy phải dùng 2 - 3 ngày. Nước quý, hiếm như thế, nên anh em thường tắm nắng, tắm sương, tắm rung cây; giặt nắng, giặt lửa, hoặc giặt xong lóng nước để lại106. Ngày đi bị gai quào, đêm về các anh dùng nước tiểu xoa bóp sát trùng.

Tin và thương nhau, tình đồng chí lúc ấy cao cả vô song, nhưng thủ đoạn của địch làm sao lường hết. Do đó phải giữ đúng nguyên tắc cảnh giác, khi đơn vị có người đi công tác lâu, đúng ngày hẹn mà chưa thấy về thì người ở nhà phải dời chỗ ở.

Buồn vắng, lạnh lẽo, điếu thuốc rê là bạn chí tình, nhưng những chiến sĩ cách mạng cũng luôn thiếu hụt. Buồn quá! Nhất là cán bộ giao liên hay sống một mình, anh em giải trí bằng cách nói chuyện, đánh cờ một mình. Thiếu hẳn tiếng người, các anh thèm khát được cười nói tự do, được gặp đồng bào, đồng chí. Có anh soi gương để thấy nét mặt, nụ cười kháng chiến của mình. Cô đơn không phải chỉ vì xa gia đình, mà anh em ít được gần nhau. Gian khổ, chết chóc, quạnh hiu, song những đồng chí trung kiên vẫn chịu đựng vượt qua được là nhờ có niềm tin mãnh liệt – tin Đảng, tin dân, tin Bác Hồ, tin miền Bắc, tin phe Xã hội chủ nghĩa, tin sự tất thắng ở ngày mai; tin sẽ có ngày độc lập, tự do, hạnh phúc, ấm áo, no cơm, công bằng, bình đẳng…

Xóm ấp, chiến khu gian khổ là thế, trong lao tù của địch càng ác liệt, đắng cay. Nhà tù Mỹ -Ngụy là nơi thử thách rõ nhất khí tiết người cách mạng. Chính sách tố cộng của địch cũng lấy nhà giam làm trọng điểm. Tên Hồng Đức cùng bọn cải huấn liên tục tổ chức tố cộng tại đây và đưa số đầu hàng khai báo đến các xã tố giác cơ sở. Chính nơi địa ngục trần gian này, nhiều người con của Hàm Thuận, Miền A thể hiện sáng ngời khí phách hiên ngang. Những năm 1955- 1956, các đảng viên cộng sản trung kiên ở nhà lao Phan Thiết đã lập được tổ chức: “Tương trợ” tập hợp tù nhân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Các đồng chí Đinh Quế, Lê Cự Nhiếp làm nòng cốt trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Nhân cơ hội địch khuyến khích tù nhân viết tờ báo “Cải tạo”. nhằm động viên anh chị em giữ vững tinh thần chiến đấu, đồng chí Đinh Quế đăng bài “Sức mạnh tinh thần” nói về tấm gương của Trần Bình Trọng. Số báo ấy bị địch tịch thu, tác giả bài báo bị nghiêm giam, tăng án.

Trong nhà tù còn nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt: Ông Hoàng Diệu giả điên chửi địch. Hai đồng chí Trần Tĩnh, Nguyễn Hồng Phấn chống nội qui bị nhốt biệt giam. Vào một sáng đầu tuần các đồng chí dọn vệ sinh mang thùng phân ra sân, đúng vào lúc chào cờ. Hai anh liền ngồi xuống, địch hỏi tại sao? Các đồng chí trả lời: “Tôi chỉ chào cờ tổ quốc tôi”. Trong buổi học tố cộng, địch nói: “Việt Minh thất bại, quốc gia giành chính quyền không tốn một viên đạn”. Ông Đỗ Tịnh đập lại: “Độc lập phải đổi bằng xương máu, các ông có độc lập như thế là cướp công của người khác”.

Chị Võ Thị Hai, người con của xã Hồng Lâm, bị địch tra tấn cực hình. Tại thẩm vấn Phan Thiết, bị đóng kim cúc vào đầu ngón tay, chị hô to: “Bọn bây tưởng tao sợ lắm sao” và tự đập tay vào tường cho kim ngập sâu. Chị Hai được đồng bào, đồng chí thương yêu quý trọng.

Ngày 09 tháng 5 năm 1959, Luật số 10/59107 được ban bố, tiếp đó tháng 7 năm 1959 chính quyền Diệm ban hành Quốc sách “Khu trù mật”. Khi có luật 10/59, địch càng thẳng tay khủng bố, đàn áp cách mạng. Khẩu hiệu của chúng đề ra là “Thà bắt lầm hơn bỏ sót; không có, đánh cho có; có đánh có chừa”. Người dân không được luật pháp bảo vệ. Ở Bình Thuận, Hàm Thuận địch tha hồ bắt bớ, hãm hại đồng bào bằng nhiều thủ đoạn. Đêm đêm chúng giả dạng cán bộ vào kêu cửa gia đình cơ sở. Ai mở cửa bị bắt bớ, tra tấn, tù đày vì bị địch gán cho cái tội danh là tiếp tế cho Việt cộng. Chúng gom dân lần thứ ba, lập khu trù mật để khám xét, kiểm tra, cấm dân “tùng tam, tụ ngũ”; thiết quân luật ban đêm, thôn xóm vắng vẻ hoang tàn, gia đình cách mạng sống trong cảnh nặng nề ngột ngạt. Tỉnh trưởng Lưu Bá Châm đến Nhơn Thiện tuyên bố: “Nếu dân còn nghe lời Việt cộng, thì Nhơn Thiện này không còn một bóng người”. Gia đình đồng chí Mãn Tấn Định ở xã Hồng Chính bị địch thu hết ngư cụ, gia sản, đồng chí Định vào tù - một đàn con dại sống hẩm hiu, thiếu đói.

Địch ngăn cấm gia đình cách mạng quan hệ với xóm làng; ngay cả ngày Tết, bà con ấy không dám đến thăm ai và cũng ít được ai dám đến thăm viếng. Có chị sau khi ra tù phải dắt con đi xứ khác, vì địch không cho về địa phương cư trú. Địch ở Mũi Né tuyên bố:

“Luật Mười năm chín ra đời,

Nếu ai dung Cộng chớ thời oán than”

Thi hành Luật 10/59, địch bắn hàng loạt cán bộ, đồng bào của Hàm Thuận, Khu Lê Hồng Phong. Riêng tại cây Gủ Bàu Ron (xã Hồng Thịnh) địch tổ chức hai lần bắn người trước đông đảo nhân dân: Ngày 09 tháng 12 năm 1959 chúng bắn hai cán bộ quê ở Đường Ngang (Hồng Trung). Lần thứ hai, ngày 29 tháng 12 năm 1959 địch đưa hai anh Nguyễn Văn Thời và Trần Ngọc Thuận quê Bàu Ron từ nhà lao Phan Thiết về đây xử bắn. Cuối năm 1959, tại khe Ông Minh (Kim Bình thuộc xã Hàm Kiệm ngày nay) địch mở míttinh, bắn hai cán bộ của xã Hàm Minh là đồng chí Đức và Lợi.

Trong hai năm (1959 –1960), địch liên tiếp thủ tiêu các đồng chí trung kiên trong các nhà tù. Tại nhà lao Phan Thiết, trong một lần, chúng giết 4 cán bộ của Hàm Thuận: Đào Ngọc Trác, Trần Tĩnh, Nguyễn Hồng Phấn, Lê Tấn Ngọc. Tổ chức và gia đình chưa biết ngày hy sinh và thi hài của các đồng chí ấy ở đâu, chỉ nghe tin các đồng chí này bị địch giết ở Suối Dầu, đường Mồi Ông Kỵ hoặc Bàu Lon, Suối Cái!

Những cái chết bất tử đó sẽ sống mãi trong lòng dân. Lũ tay sai càng bạo tàn, càng làm lộ rõ bản chất xấu xa, thối nát phản động, hại dân, bán nước; cốt cán, quần chúng trung kiên vô cùng căm hận chế độ bạo tàn Ngô Đình Diệm!




tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương