ĐẢng cộng sản việt nam


II/- GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH”



tải về 1.81 Mb.
trang12/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   18

II/- GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH”

Về địch, đầu năm 1972 quân Mỹ và chư hầu trên chiến trường Bình Thuận đã rút dần; nhưng nhờ đã bình định xong nên địch còn có thể điều lực lượng cộng hòa và một số bảo an đi chi viện cho chiến trường Tây Nguyên. Chúng chỉ để lại một chi đoàn bọc thép hoạt động ở Bình Thuận. Địch nâng bảo an thành quân cơ động. Chúng ghép thêm nhiều liên đội bảo an thành tiểu đoàn, ghép dân vệ thành đại đội; tăng cường và củng cố phòng vệ dân sự, tăng thêm cảnh sát xã, lập thêm nhiều cuộc cảnh sát. Địch tăng cường phòng thủ ấp bằng cách tăng thêm đồn bót, lập các tuyến mìn quanh ấp, quanh thị trấn và vùng xung yếu. Địch tiến hành quân sự hóa, cảnh sát hóa bộ máy kèm ở cơ sở, tăng cường bọn sĩ quan quân đội nắm vai chủ chốt trong bộ máy tề, đồng thời phát triển gián điệp và các tổ chức đảng phái phản động.

Thực lực của địch ở địa phương gồm: quận Thiện Giáo có 3C địa phương quân, Hàm Thuận có 5C, Hải Long có 3C. Tổng số dân vệ của 3 quận là 10C; 13 toán phòng vệ dân sự, 108 tề ác ôn, 13 đồn cấp C, 24 đồn cấp B. Riêng 4 xã trọng điểm: Hàm Liêm, Hàm Thắng, Hàm Chính, Hàm Hưng đã có 802 tên địch.

Quý 4 năm 1972, địch bung ra phản kích, nhằm đối phó khi có giải pháp chính trị. Trên Đường 8, địch dùng chi đội xe bọc thép, kết hợp với 2C bảo an đánh các bàn đạp từ Hàm Liêm lên Hàm Hưng, tăng cường hoạt động phi pháo cố đẩy ta ra xa.

Từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 11 năm 1972, địch tập trung quân càn từ Tam Giác đến Bắc Hàm Kiệm, đánh sâu vào căn cứ; dùng biệt kích, cảnh sát càn quét vùng ven, đốt 45 cái chòi và 10 tấn lúa của dân. Bên trong bọn ác ôn tề vệ ra sức kèm dân, bắt lính, khủng bố những người mà chúng nghi là cơ sở. Việc đi lại bám địa bàn ra vào ấp của ta gặp khó khăn.

Về ta, từ năm 1972 tập trung củng cố thực lực, tạo thế, tạo lực, tiếp tục tiến công, diệt ác, phá kèm, quyết tâm đánh bại âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh và âm mưu bình định nông thôn của địch.

Tháng 2 năm 1972, trong không khí tết Nguyên đán, Đảng bộ Thuận Phong và Hàm Thuận lần lượt tiến hành Đại hội157. Huyện Hàm Thuận tổ chức Đại hội lần thứ V, tại đèo Gió Lạnh, xã Hàm Cần, có đồng chí Trần Lê- Bí thư Khu uỷ Khu 6 về dự. Đây còn gọi là Đại hội hợp nhất, vì ngoài việc đánh giá tình hình hoạt động các mặt, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, còn tiến hành hợp nhất 2 huyện Thuận Nam và Hàm Thuận. Đại hội bầu Ban Chấp hành Huyện ủy mới gồm 21 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Nhẫn làm Bí thư Huyện ủy.

Đại hội đánh giá công tác chống bình định trong 2 năm qua: “Tình hình chung chuyển biến khá, mở được phong trào, cơ sở phát triển cả về số lẫn chất lượng. Nhưng so với yêu cầu còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là nhận thức của nội bộ về tấn công chưa đầy đủ, thực lực tổn thất lớn bổ sung không kịp”. Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 1972 là “Trên cơ sở quán triệt tinh thần tấn công, đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, ra sức nắm thời cơ để giành thắng lợi lớn nhất. Trước mắt khẩn trương hoàn thành bước 1, kịp thời chuyển sang bước 2, nhằm đánh cho ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ một bước, đánh bại âm mưu bình định nông thôn của địch. Diệt một bộ phận sinh lực, làm tan rã nặng ngụy quân, đánh sụp nặng bộ phận nông thôn, mở phong trào cơ sở vùng sâu, vùng yếu, giành quyền làm chủ tại chỗ, đi đôi với bung trải dân ra trên diện rộng, khôi phục lại vùng giải phóng, đồng thời ra sức động viên nhân vật tài lực và phát triển thực lực”.

Sau Đại hội, Huyện uỷ chỉ đạo thành lập thêm Khu E (Hàm Cường, Hàm Kiệm). Như vậy toàn huyện có 5 khu A, B, C, D, E. Đồng thời sau đó huyện giải thể và sáp nhập hai khu A và B thành lập Mảng Đường 8 gồm 4 xã: Hàm Liêm, Hàm Thắng, Hàm Chính, Hàm Hưng. Về tổ chức` Đảng, huyện thành lập Ban cán sự Đảng Mảng Đường 8, phân công đồng chí Ngô Minh Thưởng, Uỷ viên thường vụ Huyện uỷ làm Bí thư, các uỷ viên gồm Bí thư của 4 xã. Đồng chí Văn Công Xây, Uỷ viên phụ trách quân sự. Đến cuối năm 1972, các xã thuộc Mảng Đường 8 phát triển, mạnh lên về thực lực và tổ chức bộ máy. Các xã này đều có Đảng uỷ xã (Gồm có các chi bộ bên trong và chi bộ bên ngoài) đã đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Cuối năm 1972 thì Ban cán sự Đảng Mảng Đường 8 giải thể, nên chỉ tồn tại trong 1 năm.

Tháng 9 năm 1972, Huyện ủy Hàm Thuận họp mở rộng, bổ sung phương hướng: “Ra sức phát huy thành tích đạt được, động viên các lực lượng tiếp tục tấn công, xây dựng thực lực, chuẩn bị sẵn sàng đón lấy thời cơ chồm lên giành thắng lợi lớn nhất, nhằm đánh cho ngụy quân, ngụy quyền suy sụp tan rã nghiêm trọng, giành thêm đất, thêm dân, bung dân ra trên diện rộng và khôi phục lại thế cũ như năm 1965”.

Nhằm thực hiện được mục đích, yêu cầu đã đề ra, Huyện ủy xác định lại vị trí, chất lượng từng vùng và đề ra nhiệm vụ cụ thể để vận dụng phương châm, phương thức hoạt động thích hợp.

Đối với vùng sâu, vùng yếu: Cái lớn là tạo thế tạo lực tấn công địch bằng 3 mũi: chính trị, binh vận là chính, mở rộng phong trào đấu tranh công khai hợp pháp; từng lúc và khi cần thiết thì tiến hành vũ trang diệt ác hỗ trợ phong trào, làm cho bộ máy kèm lỏng nhão, nâng quyền làm chủ của dân.

Đối với vùng tranh chấp: Ta tổ chức huy động đông đảo quần chúng đấu tranh giành quyền làm chủ, vây ép địch, bung dân về ruộng vườn, bảo vệ mùa màng; xây dựng lực lượng trãi đều ở các ấp chiến lược.

Đối với vùng ta làm chủ: Đẩy mạnh phong trào đấu tranh 3 mũi tại chỗ, kết hợp vũ trang bên ngoài tấn công địch, giữ vững vùng làm chủ. Ra sức xây dựng thế bám trụ vững chắc, vận động một số dân bung về vùng giải phóng.

Đối với vùng giải phóng: Ra sức xây dựng củng cố mọi mặt, nhất là xây dựng làng chiến đấu, phát triển phong trào du kích chiến tranh, giữ vững vùng giải phóng, góp phần tích cực cùng phía trước tấn công địch. Từ năm 1972 trở đi, ta đẩy mạnh việc vận động thanh niên ra vùng giải phóng trốn lính, nhân dân về đất cũ làm ăn; phát triển kinh tế - văn hóa, mở rộng vùng giải phóng. Ta thường chiếu phim, diễn văn nghệ, thu hút đồng bào trong ấp ra xem. Tình hình mọi mặt ổn định, Hàm Thuận tổ chức trường dạy Bổ túc văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Phan Thanh Cao (Ba Hòa) phụ trách.

Tết Nguyên Đán hàng năm, ta đều có các đợt hoạt động, nhưng mùa xuân năm 1972 phong trào sôi nổi đều khắp hơn hẳn, hàng ngàn đồng bào Phật giáo đến chùa cầu nguyện cho hòa bình, cả binh lính cũng về đất cũ sửa chữa mồ mả trong dịp Tết, nhân đó tiếp xúc với cách mạng. Ở xã Hàm Phong, trung úy Thoàng, đồn trưởng đồn Cây Ké đến chùa dự lễ cầu nguyện xong, anh ta hứa trước đồng bào là sẽ không để lính lục xét, không bắn pháo ra xóm cũ, không gài mìn quanh cổng, quanh nhà, tạo điều kiện cho dân ra ấp sớm để làm ăn. Sau những buổi lễ ở chùa, bà con, tín đồ toả ra thăm gia đình liệt sĩ và một số gia đình binh sĩ ngụy để tranh thủ họ.

Phong trào đấu tranh của huyện khá đều. Hàm Thuận đánh 34 trận, diệt 128 tên; Thuận Phong đánh 21 trận, diệt 40 tên. Công tác binh vận cũng đạt nhiều kết quả. Nội bộ địch giữa bọn bảo an, dân vệ và tề cảnh sát có nơi bị phân hóa. Bọn bảo an không canh gác cho tề bắt dân phát hoang tại Bình Lâm và ngăn cản việc lục xét đồng bào ra cổng ấp ở Bình Lâm, Tân An, Tân Điền. Lính Bảo an ở Bình Lâm nhắn với du kích là chỉ bung ra đến Khu I, nếu chúng bị cấp trên bắt càn sâu hơn, thì ta bắn chỉ thiên cho họ có cớ bỏ chạy về đồn.

Báo cáo của tỉnh đội Bình Thuận ngày 11 tháng 4 năm 1972 đã đánh giá: “Hàm Thuận duy trì được sự hoạt động nhỏ của bộ đội địa phương, du kích và đội công tác. So với các huyện thì Hàm Thuận diệt địch khá hơn, tạo được thế đứng và hoạt động ở địa bàn tốt phục vụ cho phong trào địa phương. Xã Hàm Chính bố phòng tác chiến đánh địch tốt, hạn chế được sự bung duỗi đánh phá của địch, bảo vệ lực lượng; các lần địch lấn ra đều bị đánh. Về mặt đánh địch trong ấp, sắp xếp tổ chức lực lượng dân quân du kích các xã cũng chặt hơn - Hồng Sơn (Thuận Phong), bộ đội vùng quầng bám đánh địch tốt. Phong trào nhân dân đòi bung ra sản xuất bước đầu đạt kết quả. Phong trào bên trong các ấp Bình Lâm, Tân Điền, Tân An, Gò, Gộp cũng nâng lên khá, tranh thủ được sự đồng tình của lính Bảo an, cô lập bọn tề, cảnh sát. Các nhóm quần chúng nghe đài, đọc báo, bàn luận thời cuộc cũng phát triển mạnh”.

Về hoạt động vũ trang, năm 1972 Khu ủy Khu 6 chủ trương mở hai đợt hoạt động chính là mùa Hè và mùa Thu. Trong đợt cao điểm Hè, Quân Khu 6 chủ trương mở chiến dịch tổng hợp đánh phá bình định ở trọng điểm Bình Thuận nhằm tiêu hao, tiêu diệt, làm tan rã một bộ phận lực lượng bảo an, dân vệ, cảnh sát, tề, giải tán phòng vệ dân sự, phá lỏng rã bộ máy kèm của địch, bung dân về khôi phục lại vùng giải phóng, tạo thế liên hoàn giữa các vùng.

Quân Khu 6 chọn đoạn Quốc lộ 1 từ Lương Sơn đến Hồng Sơn làm khu vực trọng điểm; chọn Tam Giác (Đường 8) làm khu vực nổi dậy giành quyền làm chủ. Lực lượng chính trong chiến dịch này gồm: Các tiểu đoàn chủ lực của quân Khu 6 ở trọng điểm; Tiểu đoàn 482 của tỉnh phụ trách Tam Giác.

Đêm 10 tháng 5 năm 1972, Đại đội 5 của Tiểu đoàn 186 tập kích đồn Gộp, nhưng không dứt điểm, chỉ đánh tan được 2 trung đội dân vệ. Cùng thời gian trên lực lượng phục kích vận động ở trên cầu Dĩ (km 27 Quốc lộ 1 xã Hồng Liêm) đánh thiệt hại nặng 1 đại đội bảo an.

Trong hai đêm (13 và 16 tháng 01 năm 1972) lực lượng huyện Thuận Phong tấn công địch ở Tùy Hòa, giết và làm bị thương 15 tên dân vệ và thám kích. Sáu đêm liền (12 đến 17 tháng 5 năm 1972) bộ đội chủ lực bắn pháo vào đồn Gộp; đội an ninh vũ trang huyện, du kích, đội công tác liên tiếp đột vào ấp Gộp. Đêm 19 tháng 5 năm 1972, Tiểu đoàn 482, Đại đội 5- Đặc công cùng Đội công tác ấp Gò tấn công lực lượng kèm của địch tại Cuộc cảnh sát ấp Gò (Hồng Sơn), diệt 24 tên, làm bị thương 11 tên, thu toàn bộ vũ khí. Địch ngoan cố tử thủ, ta hy sinh 3 đồng chí, trong đó có 1 đại đội trưởng và 1 chính trị viên tiểu đoàn.

Phối hợp với mảng Quốc lộ 1, từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 năm 1972, được sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 482, quân dân Hàm Thuận đã đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền vào các ấp chiến lược dọc Đường 8. Riêng trận Kim Bình (Hàm Thắng) ngày 04 tháng 5 năm 1972, ta đánh sập 2 lốc, diệt 19 tên dân vệ, thu toàn bộ vũ khí. Nhằm thiết thực lập thành tích chào mừng ngày sinh của Bác Hồ. Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Đơn vị 430 đánh tan 1B dân vệ tại Cầu Cháy (Mương Mán), diệt và làm bị thương 8 tên, bắt sống 2 tên. Từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 30 tháng 6, các lực lượng Quân Khu 6, Tỉnh đội và huyện, xã liên tiếp tấn công vào các đồn Cây Táo, Gộp, Gò…

Ngày 30 tháng 6 năm 1972, Tiểu đoàn 840 vây ép đồn Cây Táo (xã Hồng Liêm) và bố trí lực lượng chận địch tiếp viện từ Sông Lũy vào. Trận này tuy không gọn nhưng ta đã làm thiệt hại nặng 2C bảo an.

Đêm 30 tháng 6 năm 1972, các lực lượng 489, 186, 482 cùng du kích xã Hồng Sơn phối hợp đánh đồn và ấp Gộp. Theo sự phân công, anh Nguyễn Văn Thế, du kích xã Hồng Sơn đã dùng súng bá đỏ (có máy ngắm), dập tắt ngọn đèn pha ở núi Tà Dôn, phục vụ trận đánh. Tiểu đoàn 482 đánh ấp Gộp làm thiệt hại nặng hai trung đội dân vệ. Sau đó, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 482 chốt lại trong ấp để đánh quân giải tỏa. Tiểu đoàn 186 bố trí ở khu vực Tà Nung đánh quân cứu viện từ Phan Thiết lên. Ta dự đoán sai, địch không đi theo hướng Quốc lộ 1 mà theo Đường 8 lên Ma Lâm rồi quay sang Gộp đánh vào Đại đội 2. Xe tăng, bộ binh và cả máy bay bao vây Đại đội 2. Các chiến sĩ ta chống trả quyết liệt, nhưng do không tương quan lực lượng, Đại đội 2 bị tổn thất nặng: 4 đồng chí bị bắt, 14 đồng chí còn lại lần lượt hy sinh. Trận tiến công tiêu diệt đồn và giải phóng ấp Gộp không thành, nhưng thể hiện rõ tinh thần quyết tử của bộ đội ta. Nhân dân càng tin yêu, mến phục quân giải phóng.

Sang đợt hoạt động mùa Thu năm 1972, để đẩy mạnh tấn công và nổi dậy, tạo và đón thời cơ khi có giải pháp chính trị, Quân Khu 6 chuyển trọng điểm hoạt động về phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận. Tiểu đoàn 840 của Khu 6 đứng chân hoạt động ở Đường 8. Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1972, ta đã đánh liên tiếp các trận vận động, kết hợp với chốt chặn ở Bình Lâm, An Phú, Tân Điền, diệt được nhiều đại đội bảo an, ép địch sát vào chi khu, thị xã, hỗ trợ tốt cho quần chúng nổi dậy phá lỏng, rã và làm chủ các ấp trên Đường 8.

Điển hình và hiệu quả nhất là trận đánh ấp Bình Lâm, ngày 26 tháng 10 năm 1972 (20/9 năm Nhâm Tý), khoảng 2 giờ sáng hôm ấy, Tiểu đoàn 840 của Quân khu 6 phối hợp với lực lượng địa phương tấn công đồn và ấp Bình Lâm. Trước khi bộ binh áp sát, ta dùng pháo nả cấp tập vào đồn, đang say ngủ, bọn lính bất ngờ không kịp chống trả. Ta diệt 1 tiểu đội bảo an đang chốt giữ đồn Bình Lâm và làm bị thương nhiều tên khác. Ấp chiến lược Bình Lâm cũng lỏng nhão luôn từ đó. Song song với mũi vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị, công tác binh vận cũng đạt kết quả tốt. Có tháng trên 50 cuộc đấu tranh, thu hút cả chục ngàn quần chúng tham gia đòi dân sinh, dân chủ. Song song với mũi vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị, công tác binh vận cũng đạt kết quả tốt.

Tháng 6 năm 1972, đồng chí Hồ Viết Hách cán bộ Tuyên huấn Khu ủy khu 6 xuống giúp huyện, tổ chức các lớp tập huấn, các hội nghị, bằng hình thức “Đại hội nhân dân” mang tính chất, ý nghĩa như “Hội nghị Diên Hồng”, nhằm phát động và hỏi ý kiến các bô lão nên đánh Mỹ, diệt Ngụy như thế nào?

Ngày 19 tháng 6 năm 1972, cuộc “Đại hội nhân dân” đầu tiên được khai mạc ở căn cứ Thuận Phong. Trong vòng một tháng Hàm Thuận và Thuận Phong đã tổ chức được 7 cuộc họp mặt, trên 200 đại biểu thuộc các tầng lớp nhân dân trong các ấp chiến lược ra dự. Sau khi nghe tình hình thắng lợi của ta trên bàn Hội nghị Paris và thắng lợi lớn trên chiến trường toàn Miền; đồng thời học tập chính sách 10 điểm của Mặt trận giải phóng đối với binh sỹ ngụy, các đại biểu đã phấn khởi, sôi nỗi thảo luận và hứa quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trước mắt như: Đấu tranh giành quyền làm chủ thôn xóm; bảo vệ người thân, chống địch bắt lính đôn quân, phá thế kèm bung về đất cũ làm ăn, tạo thế sản xuất và chiến đấu mới, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách 10 điểm vào hàng ngũ ngụy quân và các tầng lớp nhân dân.

Tiếp sau đó, các xã lần lượt mở hội nghị đại biểu, mời gia đình binh lính ở các ấp ra vùng ven học tập. Nhiều đại biểu hứa khi về sẽ đẩy mạnh các nhiệm vụ: Đoàn kết, động viên toàn thể nhân dân đấu tranh phá kèm, giành quyền làm chủ; ra sức tuyên truyền sâu rộng chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam, vận động binh sĩ ngụy đứng về với cách mạng. Tháng 9 năm 1972, má Bảy Rụng ở Hàm Liêm đã vận động được 1 tiểu đội lính ngụy về với cách mạng. Má bó súng vác đi trước, anh em binh lính theo sau, cùng ra chiến khu tìm quân giải phóng.

Lính trong ấp, trong đồn Gò, Gộp, Bình Lâm… thường báo cho cơ sở biết kế hoạch hành quân của địch. Có nơi có lúc họ cung cấp cho ta đạn và nhu yếu phẩm. Nội bộ địch ngày thêm phân hóa, mâu thuẫn. Lính bảo an bắn gãy chân tên cuộc phó cảnh sát Tùy Hòa. Ngày 26 tháng 8 năm 1972, lính ở đồn Gộp làm nổ mìn, lựu đạn, gây thương vong cả trung đội bảo an thuộc đơn vị 510.

Thành công của những đợt hoạt động trong năm 1972 là ở khu vực Gò, Gộp (xã Hồng Sơn), quân ta đã thu hút được lực lượng địch tập trung vào đây để đối phó; tạo điều kiện tốt cho các nơi khác đẩy mạnh hoạt động mở phong trào. Trong thời gian ấy, đội công tác, bộ đội địa phương vào ấp 35 lần; 31 lần vào được trong 12 ấp, phát động 6.241 lượt quần chúng. Tuyên truyền chính sách binh vận cho 299 gia đình và 408 binh lính, có 4 gia đình binh sĩ ngụy trực tiếp gọi con về.

Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1972, lãnh đạo huyện và các ngành, giới đều chuyển sát xuống bàn đạp, phát động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Huyện ủy tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tập tình hình, nhiệm vụ; nâng cao lập trường quan điểm, giải quyết tư tưởng lệch lạc, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Huyện thành lập Ban vận động thanh niên, kêu gọn thanh niên thoát ly bổ sung quân số; huy động lực lượng ở phía sau tăng cường ra phía trước.
*

* *


Ngày 30 tháng 10 năm 1972, Mỹ lật lọng không ký Hiệp định Paris, ở Hàm Thuận, Thuận Phong, địch phản kích hòng tiêu diệt lực lượng ta. Chúng dùng máy bay, pháo binh đánh phá vùng căn cứ, vùng giải phóng. Địch ném bom B52 xuống khu vực Ruộng Chùa, sau râm Rẫy Nổ (Xóm Rơ) thuộc xã Hàm Chính, gần khu dân cư, nhằm ngăn chặn ta vào đánh ấp.

Phong trào nhân dân du kích chiến tranh những năm 1969 - 1972, quân dân trong huyện nổi lên nhiều tấm gương tiêu biểu. Trong phong trào vây ép địch, đánh lấn, chống càn, đánh chông mìn, bắn tỉa có anh Ngô Văn Hoà du kích xã Hàm Chính. Anh Hoà là tay súng bắn tỉa xuất sắc, đã diệt hơn trăm tên địch. Riêng năm 1969 anh bắn tỉa chết 54 tên địch. Năm 1970 anh Hoà đã trở thành chiến sĩ thi đua của Quân Khu 6158.

Suốt quá trình đánh phá âm mưu bình định của địch, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong huyện đã vượt qua nhiều cam go thử thách, lập nên nhiều chiến tích. Trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chi viện của Quân khu 6 và Tỉnh đội, sau đó là sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương; quân dân trong huyện đoàn kết chung lòng, quyết tâm chiến đấu. Một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định tạo nên thắng lợi, đó là: thế trận lòng dân.

Nếu những năm 1954 –1960 có nhiều cơ sở chí cốt trung kiên thì chặng đường 1969 –1972 không ít những tấm gương cao đẹp trong việc chở che cách mạng, mưu trí đấu tranh với quân thù.

Đêm 17 tháng 10 năm 1970, sáu cán bộ của huyện Thuận Nam vào ấp Phú Phong (Hàm Mỹ), vướng mìn hy sinh 3 đồng chí, 3 đồng chí bị thương nặng. Chị Trần Thị Nguyệt bị lạc, gắng sức bò vào rẫy của anh Nguyễn Thanh Nam bên bờ sông Cà Ty. Khi mới gặp, anh Nam đòi đưa chị Nguyệt về ấp cứu chửa. Chị nhất quyết từ chối và thuyết phục anh Nam bằng lòng cho chị ở tại rẫy. Hàng ngày anh Nam mang thức ăn, bông, băng, thuốc kháng sinh cho chị Nguyệt. Anh đã lén lấy quần áo của vợ đưa ra, và để giữ bí mật anh giặt quần áo cho chị Nguyệt rồi dùng lửa hơ khô. Sau một thời gian vết thương vừa đỡ, chị Nguyệt quyết định về lại đơn vị. Hôm cuối cùng anh Nam tiễn chị Nguyệt lên đường với hành trang cần thiết, thắm đượm tình quân dân: cơm rang, chanh đường và đôi nạng.

Để công khai tuyên truyền khẩu hiệu: “Lật đổ Thiệu, Kỳ, Hương” trong vùng địch, ông Huỳnh Quế ở Xa Ra, chiều chiều thường giả say đi khắp nơi trong ấp la to: “Thiệu, Kỳ xuống ghế, Huỳnh Quế lên ngôi”. Địch đàn áp, ông vẫn nói mãi, dần dà chúng cũng lơ đi.

Đặc biệt hơn là ông Bùi Kim Phụng ở ấp Gộp (xã Hồng Sơn) đã biến chiếc đèn lồng mà địch bắt ông treo thành chiếc “đèn thần” làm ám tín hiệu cho ta vào ấp. Trên bóng đèn, ông khéo kéo làm vỡ một lỗ rồi dán giấy màu xanh. Ta vào ấp hôm nào thấy ánh sáng xanh quay ra sân là không có địch. Chiều nào ông cũng giả say, nói lảm nhãm, đi lảo đảo ngang qua những nơi địch thường phục kích để nắm tình hình. Động tác trinh sát và chiếc đèn của ông Phụng suốt bao năm dài không bị lộ.

Những năm 1970 - 1972, chấp hành chủ trương của trên là: áp sát, bám trụ vào vùng địch. Nhiều đồng chí cán bộ, lãnh đạo, cán bộ đội công tác đào hầm nằm trong ấp chiến lược để xây dựng cơ sở, phát động quần chúng. Làm được điều đó là nhờ cơ sở, quần chúng tốt bảo vệ, che giấu hoặc đào hầm chứa cán bộ. Năm 1970, đồng chí Nguyễn Tấn Sỹ ở trong nhà bác Nguyễn Hùng (Biện Tu) tại Kim Bình xã Hàm Thắng. Chị Xí đào hầm và nuôi giấu đồng chí Lê Văn Long vào trụ ở ấp 18 (Ma Lâm). Đồng chí Tăng Bình Công đã chứa một tiểu đội du kích trong nhà mình tại Ma Lâm để đánh bọn Mỹ đóng quân dã ngoại. Đồng chí Nguyễn Nhẫn vào ấp Ma Lâm Chiêm, có sư cả bảo bọc. Đồng chí Lê Thị Ẩn cũng trụ được trong nhà ông Năm Thảo ở ấp Tân An. Ông Tám Cảnh, chỉ Năm Hồng đã đào hầm cho Đội công tác Hàm Phong bám trụ. Nhà chị Nguyễn Thị Phượng gần đồn Kim Ngọc, sát Quốc lộ 1, thế mà cũng trở thành nơi gặp gỡ của các đồng chí lãnh đạo Đội công tác thanh niên học sinh tỉnh với cơ sở. Tồn tại lâu dài nhất là chiếc hầm của nhà ông Ngô Mân ở thôn Thắng Thuận xã Hàm Thắng, giữ được bí mật suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ đến ngày giải phóng. Những năm kháng chiến chống Pháp, mà nhất là kháng chiến chống Mỹ, gia đình ông thường xuyên nuôi giấu nhiều cán bộ các cấp trong chiếc hầm này159.

Những lúc địch kèm kẹp, đánh phá ác liệt, nhưng cán bộ vẫn bám sát được vào ấp chiến lược, trước hết là nhờ trí thông minh, lòng dũng cảm của cơ sở. Đồng chí Võ Thị Lành nhiều lần thoát chết ở khu vực ấp Gò là nhờ các má, các em trong ấp. Dù hoàn cảnh nào mẹ Lê Thị Đích (Hai Hiền) cũng len lỏi trinh sát, nắm tình hình, chuyển thư và thức ăn đến hầm bí mật cho Đội công tác Gò (xã Hồng Sơn).

Ở thôn II (Hồng Sơn) có chị Đoàn Thị Mười, đôi mắt mù, nhưng vẫn đi lại làm việc, chị là một đoàn viên xuất sắc. Trong nhiều năm (1970 –1971) địch xét cổng ấp gắt gao, chị vẫn dựa thế tật nguyền để chuyển thư và hàng cho Đội công tác. Có lúc bộ đội gặp khó khăn, chị phát động thiếu niên cùng chị giũ rơm lấy lúa cho bộ đội. Mắt chị Mười tuy mù nhưng tình cảm, tâm hồn luôn trong sáng.

Trong số những quần chúng trung kiên ở các ấp chiến lược, thì tiêu biểu, đáng trân trọng là má Ngô Thị Ngư và người con gái Nguyễn Thị Hường ở ấp Bình Lâm (xã Hàm Chính). Hai mẹ con má không chỉ bảo vệ cán bộ mà còn nắm tình hình, đi liên lạc. Hường là nữ du kích mật táo bạo xông xáo, đêm đêm cô choàng dù, cầm lựu đạn (M26) chỉ huy tổ du kích mật hoạt động trong ấp, dẫn đường cho lực lượng bên ngoài vào ấp. Hường thường dẫn đường cho đồng chí Nguyễn Bá Tường đi xây dựng cơ sở. Đêm 18 tháng 02 năm 1972, trong lúc đang chỉ huy tổ du kích rải truyền đơn và đập phá các khẩu hiệu, ngọn đèn treo trước nhà dân thì bị địch phục kích bất ngờ, Hường hy sinh anh dũng tại mảnh đất thân yêu của mình lúc chị vừa tròn 20 tuổi.

Ngôi nhà của má Ngư vỏn vẹn có mấy tấm tôn chật hẹp, sát đồn địch, nhưng má đã tự tay đào cho cách mạng một chiếc hầm dưới gầm ván. Năm 1970 –1971 đồng chí Nguyễn Bá Tường, Bí thư Đảng ủy xã Hàm Chính đã nhiều lần nằm trong chiếc hầm này. Tháng 01 năm 1973, để chuẩn bị cho ngày ký Hiệp định Pari, má Ngư lại một lần nữa cũng là người duy nhất dám chấp nhận cho đồng chí Nguyễn Ngọc Thất đưa một tổ vũ trang vào bám trụ ngay trong căn nhà của má. Hơn 7 ngày đêm, tổ vũ trang bị địch bao vây, truy tìm nhưng tổ vũ trang vẫn an toàn. Khi cơ sở cải trang đưa tổ vũ trang vượt khỏi cổng ấp, tất cả vũ khí đều để lại, má dùng nilon gói kỷ khẩu súng AK, mãi đến ngày quê hương giải phóng, má giao lại khẩu súng còn nguyên vẹn cho cách mạng.

Để chuẩn bị tranh thủ “chồm lên” giành được nhiều thắng lợi trong thời cơ ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Từ tháng 02 năm 1972, Khu ủy Khu 6, Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo cho huyện đẩy mạnh đợt hoạt động, tạo thế triển khai lực lượng áp sát vào các mục tiêu theo “Kế hoạch thời cơ”, đồng thời cũng chuẩn bị khả năng nếu chiến tranh còn kéo dài. Ta huy động tất cả lực lượng, cơ quan, đơn vị, dân quân du kích, dân vùng căn cứ giải phóng ra phía trước, cùng lực lượng tại chỗ hoạt động đón thời cơ. Chuyển cơ quan chỉ đạo tỉnh, huyện ra đứng sát vùng bàn đạp để kịp thời chỉ huy, chỉ đạo.

Trong hai tháng trước và sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cán bộ chiến sĩ Hàm Thuận, Thuận phong giành giật quyết liệt với quân thù từng bờ mương, thửa ruộng.

Phối hợp với chiến trường toàn tỉnh trong đợt “Chồm lên” cuối năm 1972, trước khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Hàm Thuận, Thuận Phong đã đẩy mạnh đợt hoạt động tấn công địch để cắm cờ, giành dân, giữ đất. Trong đó, ấp Gò (Hồng Sơn) là một trọng điểm. Rạng sáng 19 tháng 12 năm 1972, các lực lượng: Đại đội 5 đặc công, Tiểu đoàn 482, Đội công tác Gò phối hợp đánh ấp Gò lần 2. Ta phá sập trụ sở phân chi khu cảnh sát, 4 lốc, diệt 8 cảnh sát, 2 tiểu đội bảo an, 1 toán thanh niên chiến đấu, thu toàn bộ vũ khí. Đợt hoạt động quân sự này có ý nghĩa toàn diện không chỉ tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ phong trào 2 chân, 3 mũi tại chỗ mà còn thu hút lực lượng địch phải tập trung đối phó, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào toàn huyện vươn lên. Bọn địch hoang mang, rúng động.

Chủ trương của Khu 6 và Tỉnh ủy Bình Thuận là tăng cường một số đơn vị của quân khu 6 và của tỉnh Bình Thuận, quyết tâm giải phóng một số địa bàn trọng điểm của Hàm Thuận như: Mương Mán, Phú Nhang, Bình Lâm…trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực.

Đồng thời với việc bộ đội chủ lực tấn công địch, các Đội công tác, các tổ công tác được phân công tìm cách bám vào vị trí của mình trong từng ấp, lo chuẩn bị hầm bí mật và các điều kiện khác để ém lót khi có lệnh. Ở các mục tiêu huyện đã chọn (Hàm Thuận 10 điểm, Thuận Phong 9 điểm), mặc dù địch ra sức đề phòng, nhưng nắm vững thời cơ và triệt để chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Đêm 26 rạng 27 tháng 01 năm 1973, các lực lượng của Khu 6 và địa phương đã phối hợp kiên quyết “Chồm lên”. Ta huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, cả 3 mũi giáp công đồng loạt tấn công, chiếm, làm chủ nhiều ấp trên Đường 8 và Quốc lộ 1, nhất là 19 điểm chính đã chọn đánh địch rất dũng cảm. Nhiều đồng chí thà hy sinh chứ không rời trận địa. Suốt ngày 27 tháng 01 năm 1973 và những ngày tiếp theo, ta liên tục đánh địch lấn chiếm. Trong đợt chồm lên này, các lực lượng 450, 430 và du kích, đội công tác bám trụ trong ấp160.

Bọn địch rất ngoan cố và xảo quyệt, ngay sau khi có lệnh đình chiến, chúng đã tấn công vào những nơi ta làm chủ, ác liệt nhất là ở ấp Gò và các ấp dọc Đường 8. Ngay tại Hồng Sơn, phái đoàn ta và địch vừa nói chuyện xong là địch bắn pháo ập đến, chiến sự diễn ra ác liệt. Đặc biệt ở ấp Bình Lâm bộ đội địa phương và du kích xã Hàm Chính đã bám trụ, chiến đấu đến cùng, không bỏ cờ, bỏ đất. Ngày 27 tháng 01 năm 1973 đã hy sinh 17 đồng chí, 3 đồng chí còn lại kẹt trong ấp 7 ngày đêm 1. Nguyễn Ngọc Thất, Hoàng Anh, Nguyễn Thị Sương nhờ má Ngư che chở trong hầm bí mật. Sau đó nhờ chị Nguyễn Thị Phương cùng em trai là Nguyễn Văn Hoàng dùng Honda đưa ra khỏi ấp lúc giữa trưa.

Sáng 28 tháng 01 năm 1973, một ngày lịch sử đáng nhớ - cờ Giải phóng tung bay khắp nơi. Đặc biệt 19 điểm đã có kế hoạch chiếm lĩnh, lực lượng bên trong cùng phối hợp nổi dậy làm chủ như: Hồng Sơn, thôn 3 (Hàm Đức), An Long, Dương Xuân, Phước Môn, Phú Trường, Động Cát Tùy Hòa, Láng Cháy, Láng Im, Bàu Me, Bàu Ghe, Long Sơn, Suối Nước, Lâm Hoà, Tân Thành, An Phú, Bình Lâm, Tân Điền, Tân An, Bàu Gia, Gò Bồi, Lộc Thọ.

Một số nơi khác như: Phú Nhang, Phú Phong A, Phú Mỹ, Khu Me Ba…Khi đến giờ ngừng bắn có hiệu lực (01 giờ ngày 28 tháng 01 năm 1973), quân ta đã cắm cờ Mặt trận giải phóng, đào hầm bám trụ, giằng co với địch suốt 03 ngày đêm (từ ngày 28 đến ngày 30/01/1973). Sau đó địch phản kích mạnh, bộ đội rút ra, cán bộ đội công tác vẫn bám trụ lại trong dân.

Trong những ngày chiến đấu ác liệt này, cán bộ chiến sĩ ta chấp hành mệnh lệnh và tinh thần chiến đấu rất cao. Nhiều đồng chí đào hầm trụ lại dài ngày trong ấp. Đồng chí Trần Thị Hiệp, đội trưởng Đội công tác Hàm Phong đã trụ trong ấp Phú Nhang hơn một tháng liền. Nhiều đơn vị bám điểm chốt giữ đất, giữ cờ suốt ngày đêm không rời trận địa. Tại các điểm nóng như Bình Lâm (Hàm Chính), Xóm Bàu (Hàm Liêm), Hàm Hiệp, nhiều chiến sĩ của bộ đội chủ lực hy sinh tại chiến hào nhưng vẫn không lui khi chưa có lệnh.

Nhờ ta đẩy mạnh phong trào 2 chân, 3 mũi giáp công, nhiều binh sĩ ngụy đã tĩnh ngộ sớm quay về với cách mạng, rã ngũ, bỏ nhiệm vụ, hoặc nghe lời kêu gọi của cách mạng không nổ súng khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Anh Hồ Thoàng, đồn trưởng đồn Cây Ké chỉ huy binh lính không nổ súng, tạo điều kiện cho ta vào xã Hàm Phong thuận lợi. Tên trung úy Khang, đại đội trưởng đại đội 432 mới tăng cường đến ấp Gò, đã chủ động gửi thư báo cáo quân giải phóng biết kế hoạch của địch sẽ đánh vào những nơi mà chúng hẹn để gặp phải đoàn của ta.

Nhìn chung năm 1972, lực lượng ta còn yếu, nên địch đã thực hiện được một phần kế hoạch bình định. Tuy nhiên chúng cũng gặp nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều nhược điểm, đang trong thế suy yếu, đi xuống.

Về phía ta, cũng có những khó khăn nhất định như việc bổ sung lực lượng, về thế bám, về phong trào ở phía trước… Nhưng được sự chỉ đạo chặt chẽ của trên và ở trong thế thắng lợi chung. Được sự phối hợp, giúp đỡ của lực lượng Khu 6 và tỉnh Bình Thuận, Đảng bộ, quân dân Hàm Thuận, Thuận Phong đã nỗ lực vươn lên. Chớp thời cơ trước khi ký Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ta đã tấn công địch ở nhiều nơi, mở ra thêm được một số ấp và kiên quyết đánh địch phản kích. Ta giữ được thế áp sát địch, mở rộng và giữ vững được thế đứng ở 3 vùng, tạo thế xen kẽ, cài răng lược. Vùng ta và vùng địch xen cài đã tạo ra điều kiện thuận lợi để ta vây lấn, tấn công, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng quê hương.



CHƯƠNG NĂM




tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương