ĐẢng cộng sản việt nam


ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HÀM THUẬN TIẾN CÔNG



tải về 1.81 Mb.
trang13/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HÀM THUẬN TIẾN CÔNG

GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG

(tháng 02/1973 – tháng 4/1975)
I/- KIÊN QUYẾT TRỪNG TRỊ ĐỊCH VI PHẠM HIỆP ĐỊNH PARIS, TẠO THẾ, TẠO LỰC VƯƠN LÊN - GIỮ VỮNG ĐỊA BÀN.

Sau khi có Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973), ngay từ đầu địch không chấp hành lệnh ngừng bắn, ra sức giành giựt quyết liệt với ta ở xã, ấp và các trục giao thông Đường 8, Quốc lộ 1 hòng giành lại những nơi ta đã làm chủ trong đợt “chồm lên”. Địch sử dụng nhiều lực lượng: bộ binh, cơ giới, pháo binh, không quân đánh thẳng vào dân, vào ấp có tính chất hủy diệt. Riêng các xã Hàm Liêm, Hàm Chính, địch mở nhiều cuộc càn quét, bắn trên 2.750 quả pháo, ném gần 10 tấn bom đạn. Sau đó từng bước chúng nống ra ven đường, quanh ấp nhổ cờ của ta, cắm cờ ngụy, lần lượt chiếm lại một số vị trí ta đã làm chủ trước giờ ngưng bắn. Bất chấp sự cảnh cáo của ta và dư luận của quốc tế, địch vừa “đánh trống vừa la làng”- tố cáo ta vi phạm Hiệp định, vừa tung quân đánh phá. Ngày 10 tháng 3 năm 1973, địch tung 3 tiểu đoàn lấn chiếm khu Xóm Bàu (Hàm Liêm, Tam Giác) nhằm đẩy ta bật qua phía tây đường sắt. Nhưng chúng bị ta đánh trả quyết liệt, phải lui về vị trí cũ.

Trong vùng chiếm đóng, địch ra sức củng cố bộ máy kèm, đi đôi với việc phát triển đồn bót, tiếp tục bình định, kèm dân, truy quét cơ sở cách mạng, vơ vét sức người, sức của, bắt lính đôn quân, củng cố ngụy quân, ngụy quyền. Chúng bưng bít, xuyên tạc và vu cáo ta vi phạm Hiệp định Paris, gây tâm lý hoài nghi trong quần chúng.

Địch phát triển mạnh: “Đảng dân chủ”, “Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, thực thi quyền tự quyết”; lập nhiều tổ chức, đoàn thể công khai, bắt ép công chức, giáo viên, nhân dân vào các tổ chức phản động này. Tuy nhiên, phần đông trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền mang tâm trạng, tư tưởng cầu an, bảo mạng, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, mong đợi hòa bình, ngại đụng đầu, đánh nhau với ta.

Về phía ta, sau giờ ngừng bắn có hiệu lực, các lực lượng từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đến du kích đều ngoan cường chiến đấu, trừng trị địch vi phạm Hiệp định. Có đơn vị quân số ít, bị địch đánh bật ra nhưng cũng kiên quyết bám lại ở thế giằng co hết sức quyết liệt. Tuy nhiên sức ta có hạn, nên vài ngày sau phần lớn các lực lượng phải dãn ra đứng ở bên ngoài ấp nhưng vẫn giữ thế áp sát, vây ép địch.

Sau khi có Hiệp định Paris, quân Mỹ rút, Ngụy co cụm, sức đánh phá giảm hẳn. Các lực lượng ta có điều kiện áp sát địa bàn, bám dân, đánh địch ngay trong ấp. Đầu năm 1973, cơ quan Huyện ủy Hàm Thuận từ Mã chị Ngọc (Phía trên đường sắt) chuyển về râm tre Bàu Lon (phía dưới đường sắt thuộc xã Hàm Liêm) để kịp thời, trực tiếp chỉ đạo phong trào, chỉ đạo các đội công tác thường xuyên bám sát các ấp chiến lược, sát địch, sát dân, sát chiến trường. Cơ quan Huyện ủy Thuận Phong cũng được chuyển từ Đất Xám (giữa 2 xã Hồng Liêm & Hồng Trung) xuống đứng chân ở phía Bắc Triền (xã Hàm Đức). Nhờ ta áp sát các ấp chiến lược, địch phải co về đối phó, nên các hoạt động ở vùng giải phóng dễ dàng phát triển.

Công tác tuyên truyền, binh vận cũng thuận lợi. Cốt cán, nhân dân phấn khởi bung về vườn đất cũ và tham gia công tác nhiều hơn; nhiều người theo dõi đài giải phóng hoặc đọc báo tiến bộ, phổ biến, tuyên truyền nhau, nhận định tình hình thời sự sôi nổi.

Về hoạt động vũ trang trong đợt chồm lên, các lực lượng ta trên địa bàn Hàm Thuận, Thuận Phong diệt trên 100 tên, sát thương khoảng 200 tên địch. Đồng thời tiếp tục giằng co giữ đất, giữ cờ; nhưng sau đợt cao điểm đó, phong trào bị chựng lại vì có nơi nhận thức lệch lạc, ngại vi phạm Hiệp định Paris, do dự, thiếu chủ động tiến công.

Đầu tháng 02 năm 1973, Thường vụ Khu ủy khu VI ra chỉ thị: “Cần nắm chắc tinh thần chính là dấy lên cho được một phong trào quần chúng đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định Paris, đòi tự do dân chủ, kết chặt với phá kèm bung dân ra, giành quyền làm chủ, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng”161. Riêng về hoạt động của các lực lượng vũ trang ở phía trước, chỉ thị nêu: “Phải biết sử dụng đúng mức và kịp thời lực lượng vũ trang để hỗ trợ đắc lực cho phong trào. Nhất là phải chú ý hình thức 3 mũi giáp công ở cơ sở dưới nhiều hình thức linh hoạt…Về lực lượng vũ trang tập trung phải bố trí theo hướng có lợi cho vùng ven, vùng giáp ranh, để vừa sẵn sàng đánh địch bung ra lấn chiếm bảo vệ được số dân bung về bám đất, vừa hỗ trợ kịp thời cho các lực lượng đứng sát ấp, sát đường; làm chỗ dựa cho các đội vũ trang công tác thâm nhập hoạt động trong thôn ấp”.

Giữa tháng 3 năm 1973, Quân khu VI đề ra chủ trương cụ thể cho các lực lượng vũ trang là: “Phải kiên quyết bám sát đánh trừng trị địch vi phạm Hiệp định, vừa đánh bọn bung ra vừa đánh sâu vào trong ấp, diệt ác, diệt đơn vị ác, kết hợp với tuyên truyền phát động quần chúng tấn công binh vận trên cơ sở dựa vào pháp lý Hiệp định Paris”162.

Căn cứ sự chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế, Huyện ủy đề ra nhiệm vụ:

Ra sức động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong huyện phấn khởi, tự hào tiếp tục chiến đấu, công tác để thực hiện những yêu cầu: đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của địch, giành dân, giành quyền làm chủ; vận động nhân dân bung ra đông đảo, tạo thế bám lại ruộng vườn cũ của mình tiếp tục mở phong trào và cơ sở vào vùng sâu, vùng yếu, thị trấn, ra sức xây dựng, củng cố vùng giải phóng vững mạnh về mọi mặt, tích cực xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, vũ trang”163.

Huyện ủy cũng đề ra những biện pháp cụ thể như: “ Ra sức tuyên truyền phát động quần chúng đưa lên thành cao trào đấu tranh chính trị, vận động binh lính thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc, làm cho họ cầu an, tiêu cực. Hết sức phát huy pháp lý Hiệp định, buộc địch ngừng bắn và thực hiện các quyền tự do dân chủ. Về vũ trang thì lập thế đứng sát trên các địa bàn, vây ép đánh địch bung xỉa lấn chiếm, kết hợp với các lực lượng bên trong diệt ác; kịp thời trừng trị bọn vi phạm Hiệp định, bắt bớ khủng bố nhân dân. Thực hiện phương châm: Kết chặt 3 mũi giáp công và kết hợp pháp lý Hiệp định để tấn công buộc địch thi hành Hiệp định; đánh phá âm mưu bình định lấn chiếm, thực hiện yêu cầu giành dân, giành quyền làm chủ, vận động dân bung ra bám đất cũ; đi đôi xây dựng vùng giải phóng, phát triển thực lực”164.

Chính nhờ có sự chỉ đạo kịp thời, nên sau đó, các lực lượng vũ trang, đội công tác liên tục bám giữ địa bàn, sẵn sàng đánh trừng trị địch vi phạm Hiệp định. Nổi bật nhất là trận đánh ngày 10 tháng 3 năm 1973 ở Xóm Bàu, của Tiểu đoàn 840, đã diệt gọn 1 đại đội thuộc tiểu đoàn 202 bảo an, bắt sống 5 tù binh, thu 27 súng và đánh thiệt hại nhiều đại đội khác, phá được âm mưu lấn chiếm của địch. Trận đánh đó đã làm nhân dân phấn khởi, tin tưởng, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận và bung về vườn đất cũ ngày càng đông.

Tháng 5 năm 1973, Khu ủy Khu 6 họp kiểm điểm và uốn nắn tư tưởng hữu khuynh, do dự trong việc tấn công đánh trả địch vi phạm Hiệp định. Đồng thời đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục trụ bám, tấn và xây; chuyển mạnh phương thức, ra sức giữ vững và mở rộng vùng tranh chấp, xóa đại bộ phận ấp trắng; tích cực phát triển, mở phong trào vào vùng sâu, vùng yếu, kết chặt với phá kèm, giành dân, giành quyền làm chủ. Xây dựng cả lực lượng bên ngoài và bên trong vững mạnh”.

Chấp hành chủ trương trên và dựa vào đặc điểm, tính chất, trạng thái chiến trường địa phương, Huyện ủy chia địa bàn huyện ra làm 3 loại vùng165; đồng thời đề ra nội dung, phương châm, phương thức hoạt động cụ thể, phù hợp với 3 loại vùng: căn cứ giải phóng, tranh chấp và vùng yếu.

Được sự hỗ trợ trực tiếp của bộ đội chủ lực đồng thời phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng tại chỗ, bên trong và bên ngoài, Hàm Thuận và Thuận Phong đã chủ động đánh trừng trị địch vi phạm Hiệp định Paris. Nhiều nơi dọc Quốc lộ 1 và Đường 8 địch không lấn nổi. Ta đánh địch ngay nơi chúng xuất phát, đồng thời tập kích các cuộc cảnh sát vừa diệt ác, phá kèm, vừa đánh lực lượng yểm trợ bình định bung xỉa càn quét. Kết hợp diệt ác phá kèm với đánh tiêu hao, tiêu diệt, có những trận ta diệt sinh lực địch tương đối đậm. Các tiểu đoàn số 202, 230, 259, 275 của địch lần lượt bị đánh tan tác.

Một trong những trận tiêu biểu là đợt chống càn ở Tam Giác, từ ngày 07 đến ngày 12 tháng 7 năm 1973. Có 5 tiểu đoàn địch trang bị xe tăng thiết giáp, phi pháo yểm trợ càn vào Tam Giác. Tiểu đoàn 15 của Quân khu 6 cùng quân dân Hàm Thuận đã bám đánh quyết liệt, diệt hàng chục tên địch, bắn rơi 3 trực thăng, bẻ gãy cuộc càn quy mô lớn của chúng.

Ngày 02 tháng 9 năm 1973, Đại đội 5 đặc công phối hợp với Đại đội 450 Thuận Phong tập kích cuộc cảnh sát Xa Ra, diệt 10 tên, bị thương 12 tên. Cùng thời gian này, nhiều trận đánh ngoan cường đẩy lui quân địch để bảo vệ các cánh đồng lúa chín của Hàm Phú, Hàm Trí, Hàm Thạnh… Nhờ đó mà ta thu mua được nhiều lương thực.

Cùng phối hợp với các lực lượng bên ngoài; trong những ngày “Chồm lên” và tiếp sau đó, tiếng súng diệt ác của du kích mật vẫn liên tiếp nổ khắp nơi. Tên Nam, ấp phó an ninh ấp Gò (xã Hồng Sơn) thường vào quán ăn nhậu. Theo dõi nắm chắc quy luật, khoảng 20 giờ đêm 18 tháng 01 năm 1973, em Dương Hữu Quý, ném quả M26 đúng bàn nhậu. Hắn chết ngay tại chỗ.

Ở Hàm Kiệm, vào đầu tháng 02 năm 1973, đội công tác phối hợp với cơ sở nội tuyến trong lực lượng phòng vệ dân sự diệt tên Danh, ấp trưởng ấp Gò Bồi.

Tiếp đó, cơ sở mật ấp Gò Bồi dẫn đội công tác vào ấp diệt tên Châu Văn Hanh, ấp trưởng giữa ban ngày. Đồng bào phấn khởi, khâm phục các chiến sĩ ta.

Ngô Ngọc Võ, ấp trưởng ấp Hoa Tân (Gộp) rất hung hăng, du kích mật bám mãi nhưng chưa diệt được. Chiều ngày 03 tháng 5 năm 1973, khi cày mảnh đất còn dở dang nên hắn chỉ mở bò để cây cày tại chỗ. Đêm ấy em Nguyễn Văn Xin nhanh trí gài lựu đạn dưới lưỡi cày. Sáng hôm sau Võ tiếp tục móc bò vào kéo cày đi tới, một tiếng nổ bất thần đã xử tội tên hại dân, bán nước. Em Xin cũng thoát ly kháng chiến từ hôm đó.

Ngày 29 tháng 01 năm 1973, đội công tác Hàm Phong và C3/430 của Hàm Thuận ém quân trong ấp Phú Hội diệt tên Ba (Xì Dầu), cuộc trưởng cảnh sát. Sau đó tên Xừng cuộc phó lên thay, hắn khôn ngoan cảnh giác hơn. Đến tháng 6 năm 1973 em Lê, du kích mật nằm trong lực lượng phòng vệ dân sự đã dùng mìn giờ diệt Xừng khi hắn đang say ngủ.

Tư Thừa, ấp trưởng ấp Bình Lâm rất lợi hại và nguy hiểm, khống chế cơ sở, đồng bào, gây khó khăn cho phong trào, Ban chỉ huy huyện đội chỉ đạo C3/430 phối hợp cùng du kích mật ở ấp Bình Lâm tìm cách xử tội tên tay sai đắc lực. Sau 2 tháng chuẩn bị, du kích mật nắm chắc quy luật khoảng xế chiều Thừa thường rời ấp về Phan Thiết. Ta đặt mìn tại cây số 9 Đường 8, phân công 3 du kích mật vừa làm ám hiệu vừa chập dây mìn. Khoảng 13 giờ ngày 19 tháng 9 năm 1973, Thừa lái Honda ngang qua mục tiêu ta bố trí - mìn nổ. Thừa chết ngay tại chỗ. Cùng lúc ấy, C3/430 nổ súng hỗ trợ đánh lạc hướng, để du kích mật rút lui an toàn. Cái chết của Thừa làm cho bọn tề mảng Đường 8 rúng động, cơ sở hoạt động dễ dàng hơn.

Được sự phối hợp, yểm trợ của lực lượng bên ngoài; ngày 11 tháng 5 năm 1973, đồng chí Nguyễn Văn Hùng chỉ huy tổ du kích mật ấp Bình Lâm gài lựu đạn dưới đáy ba lô của địch, diệt chết 3, bị thương 2 tên166.

Ngày 06 tháng 11 năm 1973, trong lúc một trung đội của C3/430 chặn đánh diệt 1 tiểu đội dân vệ ở bìa ấp Bình Lâm đồng thời du kích mật bên trong dùng lựu đạn diệt 5 tên ác ôn. Bọn địch tình nghi bắt 1 số người, trong đó có cả du kích mật. Cơ sở ta lập tức vận động đồng bào kéo lên quận Thiện Giáo đấu tranh. Không có bằng chứng cụ thể cộng với lý lẽ sắc bén của quần chúng, buộc địch phải thả những người bị bắt. Đây là những trận phối hợp tốt giữa các lực lượng và kết hợp chặt chẽ 2 chân, 3 mũi.

Các chi bộ, các đoàn thể tại chỗ đã bằng nhiều hình thức tập hợp quần chúng, tuyên truyền ý nghĩa và thắng lợi của Hiệp định. Một số thị trấn, thị tứ đã vận dụng các hình thức tổ chức công khai, nửa công khai và biến tướng một số tổ chức do địch lập ra theo phương châm: “xanh vỏ, đỏ lòng” để tập hợp, giác ngộ quần chúng. Nhờ đó phong trào đấu tranh chính trị trong năm 1973 có nhiều tiến bộ. Phong trào đấu tranh ở các ấp chiến lược đều hơn và thu hút đông đảo quần chúng tham gia với các khẩu hiệu: “Chống âm mưu vơ vét, cướp giật, bóc lột của địch. Chống địch bắt lính, đôn quân, vi phạm Hiệp định, lấn chiếm vùng ta, với nhiều hình thức chống đối, kêu kiện”.

Năm 1973, Hàm Thuận đã phát động được 41.385 lượt quần chúng, tập hợp được 241 tổ chức, có 250 cơ sở nòng cốt; có 700 cuộc đấu tranh thu hút 30.000 lượt người tham gia. Thuận Phong phát động 13.574 lượt quần chúng, có 20 cuộc đấu tranh, thu hút 3.491 lượt quần chúng tham gia. Riêng ấp Gò (Hồng Sơn) có 400 quần chúng đấu tranh không đi biểu tình do địch tổ chức; có du kích bên ngoài hỗ trợ nổ súng, bà con có cớ giải tán về nhà.

Bất chấp lệnh cấm đoán của địch, hàng ngàn đồng bào đạp rào, phá cổng, bung về đất cũ làm ăn. Khoảng 10.000 người đã kiên trì cất đi, cất lại gần 14.000 lượt nhà, chòi. Có khoảng 900 người về ở luôn tại đất cũ, 460 người về lại vùng giải phóng. Huyện Thuận Phong có trên 5.000 người trong ấp bung ra phục hóa, khai hoang, đẩy mạnh sản xuất. Diện tích sản xuất ở vùng ven cũng được mở rộng.

Năm 1973, riêng Hàm Thuận diện tích sản xuất tăng khoảng 1.400 ha, tạo thế tiếp giáp giữa vùng địch tạm chiếm với vùng giải phóng; phá được thủ đoạn phân tuyến, phân vùng của địch. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên hệ, giáo dục giác ngộ cơ sở quần chúng ở trong ấp. Khá nhất là ở Hàm Kiệm, Mương Mán, Tam Giác, Hàm Phú v.v...

Đi đôi với việc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do đi lại, làm ăn, nhân dân hai huyện đã đóng góp 45 xe lúa và 11.500.000 đồng, bán theo giá nghĩa vụ trên 200 xe lúa, trong đó có gần 100 xe từ các ấp chiến lược chuyển ra; bà con còn góp hàng chục tạ đậu, gạo, mì khô cho cách mạng. Trong 287 thanh niên thoát ly, có 50 người là phòng vệ dân sự.

Về công tác binh vận, ta đã tuyên truyền phát động 7.000 lượt gia đình binh lính, tổ chức trên 700 gia đình làm nòng cốt trong đấu tranh chính trị và trực tiếp làm công tác binh vận; tranh thủ được 700 lính cảm tình, tham gia cách mạng. Trong và sau đợt thực hiện kế hoạch thời cơ (tháng 01 năm 1973), ta đã tranh thủ được sự đồng tình cam kết của nhiều đại đội bảo an và 14 trung đội dân vệ. Họ án binh bất động, tạo điều kiện cho ta vào chiếm ấp. Trong mùa lúa chín, đã có 2 đại đội chống lệnh của chỉ huy, không hành quân cướp lúa. Có 4 vụ phòng vệ dân sự phối hợp với lực lượng bên ngoài diệt 4 tên ác ôn, phá lô cốt, mang 20 súng về với cách mạng. Có hàng chục lính ngụy đã đào ngũ và rã ngũ.

Xã nào, ấp nào cũng có các má, các chị làm binh vận giỏi. Chị Phan Thị Mai (Tám Tiệm) ở Hàm Liêm đã thuyết phục được cả sĩ quan tâm lý chiến167. Chị Nguyễn Thị Sinh ở Tùy Hòa đã tranh thủ được 2 lính ngụy, nhờ họ tìm cách chuyển thư của ta cho địch. Chị Đoàn Thị Mười ở Hồng Sơn nắm được một hạ sĩ quan, anh này cung cấp đạn dược, tin tức cho ta khá thường xuyên.

Việc xây dựng, phát triển tổ chức và cơ sở binh vận cũng được Huyện ủy và Ban binh vận huyện quan tâm, đa số ngụy quân, ngụy quyền ở vùng tranh chấp và một số ít ở vùng địch kiểm soát đã được tuyên truyền; một số giác ngộ có hành động cách mạng thực sự, qua đó giải quyết phần nào sự mâu thuẫn, ngăn cách giữa gia đình binh lính và nhân dân. Ban binh vận ấp đã được hình thành, phát huy tác dụng và kết hợp với các đoàn thể. Đến cuối năm 1973, phong trào binh vận trong huyện có nhiều chuyển biến, thiết thực, một bộ phận binh lính không ngăn chặn dân ra vào ấp, không bắt lính, chống lệnh hành quân góp phần phá kèm, giành dân, giành quyền làm chủ.

Xây dựng thực lực là công tác thường xuyên, nhờ quần chúng trong ấp bung ra mạnh, nên việc tiếp xúc xây dựng cơ sở cũng thuận lợi. Số hội viên các đoàn thể, cơ sở an ninh, du kích mật đều tăng. Trong các đoàn thể do ngụy quyền tổ chức cũng bị “biến tướng” theo phương châm “xanh vỏ, đỏ lòng”, ta cài cốt cán vào để nắm quần chúng, có tháng phát triển trên 100 cơ sở. Các tổ chức bên trong trưởng thành, chủ động đảm nhiệm được công việc, ít ỷ lại đội công tác bên ngoài.

Hàm Thuận hình thành trên 200 tổ chức, có 12 chi bộ tại chỗ, 2 xã ủy và 5 Ban cán sự Đảng. Thuận Phong phát triển được 25 đảng viên mới, có 5 chị bộ, 2 tổ đảng, các xã đều có đảng viên lẻ (hoạt động đơn tuyến); có 2 chi đoàn và một số đoàn viên lẻ, xoá được phần lớn xóm, ấp trắng.

Đối với phía sau, vào giữa năm 1973, tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo Huyện ủy lập Ban cán sự chuyên trách chỉ đạo xây dựng căn cứ. Từ đó phong trào xây dựng căn cứ, vùng giải phóng được toàn diện, có nề nếp hơn, làm tốt các nhiệm vụ: Sản xuất, bố phòng đi dân công chiến trường168.Thanh niên vùng giải phóng và cả vùng tạm bị chiếm tình nguyện đi mang tải hàng hóa….

Ở vùng căn cứ kháng chiến, tuy địch thường càn quét, hoạt động biệt kích, chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, dụ hàng, bắn pháo, ném bom, bao vây kinh tế; một số nhu cầu thiết yếu của nhân dân chưa được giải quyết. Tuy nhiên các lực lượng ở đây vẫn khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ… Các xã căn cứ của Hàm Thuận nối liền với căn cứ Nam Sơn và các xã vùng giải phóng đồng bằng, tạo thế và lực mới để phát triển toàn diện, đời sống từng bước được cải thiện; đã thật sự trở thành chỗ dựa để ta tấn công địch và phá kèm ở phía trước.

Các xã căn cứ của Lê Hồng Phong được hình thành từ năm 1950 (thời kháng chiến chống thực dân Pháp). Sang giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ năm 1960 trở đi liên tục được củng cố; có bộ máy xã, thôn vững chắc, có rừng che chở; các tuyến bố phòng liên hoàn, xã liền xã, thôn liền thôn, dày đặc các bãi chông kiên cố. Đây vừa là chỗ dựa cho các lực lượng phía trước vưà trực tiếp làm nhiệm vụ hậu phương, hậu cần tại chỗ.

Sau Hiệp định Paris, thế sản xuất của nhân dân vùng căn cứ nối liền với địa bàn sản xuất của nhân dân vùng giải phóng và dân trong ấp bung ra. Sức kéo tăng, diện tích được mở rộng. Đồng bào bám ruộng, đất sản xuất; xoá dần sự ngăn cách của địch, tạo mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân ở các vùng. Dân trong ấp ra vùng ta ngày một đông hơn. Năm 1973, vùng giải phóng toàn huyện tăng 927 người. Kể từ đó đời sống cũng được nâng lên rõ nét.

Phong trào du kích chiến tranh được giữ vững và nâng lên. Dân quân, du kích được tập huấn và trang bị khá hơn, thường ra phía trước hoạt động vây ép địch, đồng thời tổ chức nhiều tuyến bố phòng củng cố thôn, xã, chiến đấu.

Các mặt chính trị, y tế, xã hội đều phát triển, xã nào cũng có dân về lại vườn đất cũ, cất lại nhà. Các tổ vần đổi công được củng cố. Tỉnh, huyện hổ trợ một phần vốn, sức kéo cho dân phát triển sản xuất.

Tuy vậy, so với yêu cầu thì vùng giải phóng cũng còn nhiều hạn chế như: Thực hiện chính sách ruộng đất, an ninh trật tự có nơi có lúc chưa tốt; văn hóa, y tế phát triển chậm; xây dựng thôn, xã chiến đấu chưa mạnh; đội ngũ dân quân phát triển chậm.

Căn cứ vào Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng căn cứ; Ban cán sự căn cứ huyện đề ra phương hướng năm 1974 như sau:

Khẩn trương xây dựng và tiếp tục mở rộng vùng giải phóng căn cứ, vừa khôi phục vừa phát triển theo kế hoạch, từng bước mở ra hình thành các vùng giải phóng mới, tạo thế nối liền giữa hai vùng… Xây dựng toàn diện quân sự, kinh tế, chính trị; trước mắt tập trung phát triển kinh tế cải thiện đời sống, từng bước thực hiện chính sách ruộng đất; phát huy phong trào toàn dân đánh giặc và vai trò của chính quyền, đoàn thể nhất là Nông hội và Đoàn thanh niên. Trong xây dựng vừa chú ý trước mắt vừa lâu dài, đào tạo cán bộ, với phương châm:



- Phá kèm giành dân là hàng đầu

- Xây dựng vùng giải phóng là quan trọng

- Xây dựng lực lượng là quyết định”

Thực hiện chủ trương trên, năm 1974 phong trào trong huyện dấy lên khá toàn diện và đều khắp. Về y tế đã mở phòng khám và tổ chức đoàn y tế lưu động khám và trị bệnh cho hàng ngàn đồng bào. Tháng 7 năm 1974, huyện căn cứ Lê Hồng Phong khám và trị bệnh cho 316 người, phổ biến cách giữ vệ sinh phòng bệnh cho 548 người. Bệnh xá huyện điều trị cho trên 100 bệnh nhân.

Trong 6 tháng đầu năm 1974, đồng bào Lê Hồng Phong đã phục hóa thêm 317 ha ruộng đất; bố phòng thêm 90.200 chông, gài 400 trái nổ, đóng góp 1.200 ngày công phục vụ phía trước. Du kích đánh, chống càn tốt hơn.

Nhằm để bảo vệ sân bay, Quốc lộ 1, địch biến khu vực Nam Căng ÊSêpic thành vùng tạm bị chiếm. Địch dự định ủi 2.500 ha và đưa đến đây 25.000 dân, lập một quận hành chánh mới; nới rộng thị xã Phan Thiết tới Cầu 40. Năm 1972 địch bắt đầu đưa Việt kiều Campuchia từ Vàm Sáng (tỉnh Kiến Phong) ra khu vực Nam Căng.

Tháng 7 năm 1973, địch đưa 1 đại đội bảo an đóng chốt ở Giồng Táo. Đầu tháng 9 năm 1973, chúng đưa máy ủi, máy cày ủi phá từ Giồng Táo đến Ba Hòn đồng thời đưa thêm bà con Việt Kiều đến đây.Tính đến 30 tháng 6 năm 1974 có 2.200 gia đình với 12.000 dân.

Đưa dân đến, chúng tổ chức ngay bộ máy hành chính, thành lập Giáo xứ; kết hợp quân sự với kinh tế, bình định bên trong với lấn chiếm bên ngoài. Đầu năm 1974 chúng thành lập tiểu đoàn “Sao Đỏ” bảo vệ khu vực này. Địch ủi phá mạnh từ khu Hố Dài về hướng Ba Hòn. Tháng 6 năm 1974 chúng ủi từ Hòn Một, Dốc Cây Sơn về bưng Cò Ke.

Trước tình hình đó và thực hiện chủ trương chống bình định lấn chiếm của Khu ủy Khu 6, tháng 11 năm 1973, Tỉnh ủy Bình Thuận thành lập Ban cán sự169 huyện Thuận Nam trực thuộc Tỉnh ủy, do đồng chí Đặng Văn Hải làm Bí thư – chuyên sâu chỉ đạo chống lấn chiếm, di dân lập ấp của địch ở khu vực Nam Căng ÊSêpic.

Ban cán sự huyện Thuận Nam quản lý xã Hàm Minh, Hàm Kiệm, Ngã Hai và khu Việt kiều Nam Căng với khoảng 16.500 dân, trong đó có trên 10.000 Việt kiều Cam Pu Chia. Đội công tác Việt kiều170 do đồng chí Nguyễn Thanh Hiệp làm đội trưởng.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bình Thuận là: “Ra sức phát huy lực lượng của bản thân vùng giải phóng, vùng tranh chấp, kết hợp vùng kèm. Lực lượng vũ trang chống địch lấn chiếm, ủi phá địa hình, kết hợp diệt ác phá kèm, chống bình định bên trong nhằm đánh gãy từng âm mưu, thủ đoạn của địch”. Lực lượng vũ trang, đội công tác đã lập thế bám đánh địch, phá phương tiện; tập kích bọn đóng dã ngoại, bãi để xe, lập tuyến bố phòng ngăn địch lấn chiếm. Đồng thời cán bộ tích cực bám vào dân, vạch rõ âm mưu của địch, vận động bà con Việt kiều ra vùng giải phóng, về lại quê cũ, hoặc phân tán ở xen kẽ với đồng bào địa phương.

Từ tháng 7 năm 1973 đến tháng 10 năm 1974, ta đã tuyên truyền, phát động 445 người, trong đó lực lượng bên trong tự phát động 254 người, có 2 cuộc phát động tập thể hơn 60 người trong ấp. Qua đó ta đã tập hợp được 5 nhóm, 35 gia đình; nắm chắc 112 người; nắm chưa chắc 85 gia đình, gồm 400 người.

Ta đã tổ chức được 4 cuộc đấu tranh lớn, hơn 3.000 quần chúng tham gia, có cuộc trên 1.000 người dùng gậy gộc, dao rựa tấn công địch quyết liệt, đánh bị thương tên đại uý chỉ huy bắt người vô cớ. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh ở Hố Dài ngày 12 tháng 7 năm 1974. Bọn thông tin đến Hố Dài tuyên truyền thiện chí của chúng, rồi kết luận: “Việt kiều đói là do không chịu làm ăn”. Lập tức 500 người vây đánh chúng, một cụ già xông vào giật loa đập lại luận điệu xuyên tạc của địch. Chúng ra lệnh đàn áp. Nhiều người phanh ngực thách bắn. Cuối cùng tên quận trưởng phải đến xoa dịu, xin lỗi đồng bào.

Nhiều cuộc đấu tranh có hàng trăm quần chúng tham gia, do cốt cán lãnh đạo, khiêng người bị thương lên tỉnh đòi bồi thường. Hàng ngàn quần chúng liên kết đấu tranh đòi lên ở chỗ cao ráo, đòi giải quyết nước uống, đòi diệt bọ chét... Qua đó đồng bào càng giác ngộ, nhận rõ âm mưu địch đưa họ đến đây làm lá chắn bảo vệ bọn đầu sỏ của địch ở Phan Thiết. Hai lần bà con đấu tranh chống địch lập phòng vệ dân sự. Nhiều người không nhận đất, không phát rừng, không gieo trồng theo ý đồ của địch. Khi tổ chức bầu cử Ban đại diện, đồng bào đưa người tiến bộ ra nắm chính quyền, thuận lợi cho việc đấu tranh chống địch.

Du kích cùng đồng bào ở Nam Căng đã phá hủy 40 xe ủi, 3 xe quân sự, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ta dùng mìn phá hủy 3 xe ủi, 1 xe quân sự và sát thương 35 tên. Du kích mật mới hình thành nhưng năng động hăng hái. Với 3 mũi giáp công ta đã hạn chế, ngăn chặn được âm mưu ủi phá địa hình và lấn chiếm của địch. Tuy dân mới đến, nhưng nhờ sẵn có cơ sở, đảng viên làm nòng cốt, nên đội công tác đã sớm tổ chức được các đoàn thể, các tổ binh vận, du kích mật…

Dù có nhiều khó khăn như địa hình xa, cách trở, thiếu phương tiện giao thông liên lạc, cán bộ ít, chưa quen địa hình. Nhưng nhờ cấp trên giúp đở, cán bộ bám trụ, có kinh nghiệm vận động quần chúng nên hơn một năm ta đã thu được một số kết quả: Đánh bại âm mưu của địch, chúng không thành lập được quận và xã hành chánh. Với sự giác ngộ và đấu tranh liên tục của quần chúng, Linh mục cũng đồng tình bỏ đi trước, con chiên theo Chúa đi sau, đến cuối năm 1974 bà con Việt kiều bỏ Nam Căng đi hết vào Đồng Nai sinh sống.




tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương