ĐẢng cộng sản việt nam


TRỰC TIẾP CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC MỸ, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH CỤC BỘ



tải về 1.81 Mb.
trang10/18
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.81 Mb.
#12948
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   18

TRỰC TIẾP CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC MỸ, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH CỤC BỘ

(1966 đến tháng 8/1968).
I/- TRỰC TIẾP ĐÁNH QUÂN XÂM LƯỢC MỸ.

Sau trận ta đánh Phú Hội (ngày 24 tháng 8 năm 1966) chỉ cách tiểu khu Bình Thuận hơn 3 km. Thấy tình hình nguy ngập, quân địa phương và trung đoàn 44 không đủ sức giữ Phan Thiết nên bọn ngụy ở đây khẩn thiết kêu gọi quân ở Sài Gòn phải chi viện.

Ngày 28 tháng 8 năm 1966, địch huy động 1 chiến đoàn 144 Mỹ, 1 chiến đoàn kỵ binh Mỹ, với nhiều phi cơ, trực thăng, pháo lớn, xe tăng, xe thiết giáp đến Bình Thuận chốt giữ ở nhiều nơi thuộc Phan Thiết, Hàm Thuận, Thuận Phong hòng giúp quân Ngụy cứu vãn tình thế. Tháng 6/1966, lần đầu tiên Mỹ đổ quân bằng trực thăng xuống Búng Tròn (Hàm Cần) và cán quét nhiều ngày ở Hàm Cần, Hàm Thạnh, sau đó đóng chốt ở các điểm. Cuối tháng 8 năm 1966 quân Mỹ đã trực tiếp chiếm đóng, đánh phá trên địa bàn toàn tỉnh Bình Thuận.

Từ cuối năm 1966 đến cuối năm 1967, âm mưu của địch ở Hàm Thuận, Thuận Phong là: lấn chiếm, dồn dân để bình định nông thôn. Trọng điểm đánh phá của chúng là các xã dọc liên tỉnh lộ 8, Quốc lộ 1 và vùng ven Phan Thiết nhằm đánh bật lực lượng ta, giành lại địa bàn này.

Địch huy động: chiến đoàn 144 Mỹ, chiến đoàn cơ động 408 ngụy, 1 trung đội pháo binh, 1 chiến đoàn kỵ binh Mỹ, 4 đại đội địa phương quân; nhiều đoàn cán bộ bình định nông thôn, 45 trung đội nghĩa quân nhằm bình định Hàm Thuận, Thuận Phong với 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: 4 tháng cuối năm 1966, chúng hành quân tảo thanh khu Tam Giác, tái chiếm liên tỉnh lộ 8. Ngày 27 tháng 8 năm 1966 lính Mỹ đổ quân đóng chốt ở Bà Gò (Hàm Liêm), ngày 06 tháng 10 năm 1966 đóng chốt ở Bình An (xã Hàm Chính). Mỹ càn quét đánh phá Tam Giác liên tiếp 40 ngày. Chúng hỗ trợ cho ngụy quân xây đồn Bình An, Bàu Gia, tu sửa chi khu Thiện Giáo. Mỹ lập một loạt căn cứ dã chiến ở lầu Ông Hoàng, Bà Gò, Tân Nông, núi Giếng Chùa, nỗng Cà Tang, Mương Mán.

- Giai đoạn 2: Năm 1967, địch tiếp tục củng cố đồn bót, gom dân mảng Đường số 8, Quốc lộ 1, lập lại các ấp chiến lược. Chúng mở lại các trục giao thông đã bị ta cắt đứt và làm mới con đường từ cầu Hòa Đồng lên rừng Ông Rắc (xã Hàm Đức), tu bổ đường Tầm Hưng –Xa Ra. Riêng con đường từ Bình An qua Phú Hội được chúng tu bổ lại lần thứ 3.

Khi quân Mỹ nhảy vào Bình Thuận, lúc đầu bọn ngụy ở đây có chỗ dựa nên lên mặt hung hăng, tàn ác. Sau đó chúng thấy quân Mỹ vẫn bị cách mạng tiêu diệt, mặt khác, Mỹ khinh miệt quân Ngụy, hà hiếp đồng bào nên phát sinh mâu thuẫn giữa Mỹ với số ngụy quân, ngụy quyền có tinh thần dân tộc.

Mỹ, ngụy tập trung đánh mạnh vào hậu phương của ta để phá kinh tế, kho tàng, tăng cường do thám gián điệp, chiến tranh tâm lý, chiêu an, chiêu hồi. Khi Mỹ đổ quân càn quét, tăng cường phương tiện chiến tranh, địch tuyên truyền củng cố lòng tin cho ngụy vừa kết hợp bắt lính ồ ạt, bù vào số bị diệt, bị rã.

Năm 1967, địch sử dụng xe tăng, pháo binh, trực thăng, chất độc hóa học, máy thu tiếng động... và càn quét liên tiếp, dài ngày nhằm gỡ lại thế bị bao vây cô lập. Thực hiện kế hoạch 2 gọng kềm, Mỹ - Ngụy phối hợp lấn chiếm, bình định các xã Tam Giác, Hàm Thắng, Hàm Nhơn, Xa Ra, Tùy Hòa… dồn dân Hàm Cường, Hàm Kiệm, đánh phá Hàm Phú, Hàm Trí, Hồng Sơn, Hồng Liêm và các xã miền núi.

Chúng phân tuyến đánh phá: Mỹ càn quét vòng ngoài, quân địa phương ngụy và cán bộ bình định đánh bên trong nhằm xúc tát gom dân, lập ấp, lấn chiếm, đóng thêm đồn bót. Trong vùng kiểm soát, chúng tổ chức bầu lại Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chánh xã; củng cố lại ngụy quyền đã bị rã hoặc xộc xệch trước đây.

Trong kế hoạch đánh phá, bình định Hàm Thuận, Thuận Phong của tiểu khu Bình Thuận có nhận định: “Tam Giác là vựa lúa nuôi quân vừa là bàn đạp của Việt cộng thâm nhập đánh Phan Thiết. Ta phải kiểm soát Tam Giác. Việt cộng tổ chức nhiều cơ sở nằm vùng trên Tỉnh lộ 8 và Quốc lộ 1, đặc biệt là Bình Lâm, Bình An, Hòa Vinh, Hoa Tân. Bởi thế từ nhiều năm qua các cơ sở chính quyền ấp, xã, vùng... đã bị Việt cộng bắt cóc, ám sát một số, còn số đông bị chúng uy hiếp phải rời bỏ vùng này, vì thế sự kiểm soát của ta không được chặt chẽ. Tiểu khu cần phải củng cố và kiểm soát vùng này để nối liền sự liên tục giữa Tỉnh và quận Thiện Giáo”141.

Gần 2 năm đánh phá, địch gây cho ta nhiều khó khăn tổn thất. Tình hình nhân dân ở vùng ta làm chủ từ miền núi đến đồng bằng đều căng thẳng, không ổn định thế ăn ở, sinh hoạt. Những tháng cuối năm 1966, ta bị địch cướp phá khoảng 400 xe lúa; nhân, tài, vật lực đều giảm sút. Năm 1967, địch dồn vào ấp mất trên 8.000 dân của Hàm Thuận và Thuận Phong. Do bom đạn, chất độc hóa học và khó khăn trong đời sống nên số đông đồng bào đành phải tạm thời rời vùng giải phóng vào vùng địch kiểm soát. Chiến thuật trực thăng vận của Mỹ và bọn biệt kích đã làm cho ta nhiều hy sinh, tổn thất.

Chúng dùng trực thăng nhảy chụp bắt người, bắn cán bộ, các đội công tác bám trụ thường bị tổn thất142. Nhân dân căn cứ khu Lê Hồng Phong phải ở dưới hầm. Ngày 25 tháng 02 năm 1966 địch ném bom vào chiếc hầm của gia đình ông Trần Văn Nhành ở thôn 1 xã Hồng Thịnh làm chết 17 người. Nhân dân gọi đây là “chiếc hầm 17” để chỉ địa danh đau thương và ác liệt đó.

Đứng trước kẻ thù mới, phương tiện chiến tranh hiện đại, ta chưa tìm ra hướng đối phó, cán bộ chiến sĩ ngán ngại; bộ đội chưa đánh được Mỹ, dân quân du kích càng lúng túng. Địch giải tỏa được thế bị bao vây ở một số nơi, ổn định tinh thần ngụy quân, ngụy quyền; vùng làm chủ của ta bị thu hẹp dần.

Ở Tam Giác tình hình cũng rất ác liệt và khó khăn, cán bộ chủ chốt của các xã liên tiếp hy sinh, bị bắt, cá biệt có người chạy đầu hàng. Số còn lại phải phân tán nhỏ lẻ để tránh lánh. Riêng xã Hàm Chính, đồng chí Hùng- Bí thư Đảng ủy hy sinh, 2 đồng chí Hồ Ngọc Kề và Ánh bị bắt, cán bộ thôn đội trả súng chạy vào vùng địch.

Quân Mỹ đánh mạnh bên ngoài, phòng thủ chặt bên trong nên cán bộ ta bị dạt ra xa dân. Chính quyền cách mạng ở nhiều xã giải phóng bị co lại, ở nơi yếu không hoạt động được. Địch lấn sâu vào Tam Giác và uy hiếp căn cứ, các cơ quan huyện, tỉnh. Cán bộ các xã Hàm Hiệp, Hàm Liêm, Hàm Chính và cả Hàm Thắng vẫn bám địa bàn, chuyển các ấp. Lúc địch đánh mạnh, ta di chuyển số phụ nữ, người già, trẻ em, ốm đau qua Hàm Thạnh tránh lánh. Địch gom dân vùng giải phóng mảng nam Hàm Thuận lập lại các ấp: Phú Lộc, Phú Thọ, Gò Bồi. Nhiều xã giải phóng ta không nắm được dân, chỉ giữ được trạng thái tranh chấp. Tình hình khó khăn ác liệt, lực lượng ta hy sinh, tổn thất. Một số cán bộ, chiến sĩ hoang mang, dao động. Có kẻ bỏ chiến đấu hoặc chạy về đầu hàng giặc: Tên Võ Đình Diệm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và Nguyễn Ngô, trưởng công an xã Thuận Đức (Tùy Hòa) đầu hàng, chỉ điểm cho địch bắt cơ sở cách mạng và lấy trên 30 xe lúa. Ở xã Hàm Thắng, tiếp sau Năm Câu Đá, tên Trình và Nguyễn Keo, chiến sĩ đội công tác chạy đầu hàng, chỉ địch khui hầm lấy cả chục xe lúa và đánh phá hầu hết cơ sở. Lúc này đội công tác xã Hàm Thắng gặp nhiều khó khăn vì các hầm bí mật đều bị lộ. Đặc biệt tên Nguyễn Trung Trực (Trực Mẫm) cán bộ hoàn kết, đang làm chính trị viên phó huyện đội Thuận Phong cũng đầu hàng giặc đánh phá phong trào. Vấn đề bức xúc đặt ra lúc bấy giờ là phải giải quyết tư tưởng cho đảng viên, quần chúng là ta có thể đánh được quân Mỹ hay không?

Để kịp thời củng cố phong trào, đầu tháng 9 năm 1966 đồng chí Lê Văn Hiền bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Ban chỉ huy tỉnh đội xuống Hàm Thuận mở hội nghị, nghiên cứu đánh giá tình hình, tìm nguyên nhân: vì sao bộ đội không đánh được Mỹ, trong lúc Mỹ hành quân cụm chốt dã ngoại khắp nơi?

Hội nghị thảo luận và thống nhất phải xáp vào đánh Mỹ, đánh những trận nhỏ trước rồi rút kinh nghiệm cho các trận đánh lớn hơn, để hỗ trợ phong trào, tạo lòng tin cho quần chúng phải đánh khi Mỹ còn ở vòng ngoài. Hội nghị quyết định tiêu diệt chi khu Thiện Giáo mở đầu cho phong trào đánh Mỹ. Đêm 14 tháng 9 năm 1966 dưới sự chỉ huy của đồng chí Phạm Hoài Chương, các lực lượng 481, 482 và 430 tấn công vào Ma Lâm chiếm hầu hết chi khu nhưng không diệt được lô cốt mẹ. Lực lượng ta bị thương vong trong lúc đánh và cả khi rút lui. Quân Mỹ tiếp tục dùng trực thăng thả pháo sáng liên tục. Tuy trận đánh không dứt điểm nhưng ta đã diệt được một số sinh lực địch, thu 30 súng các loại (có cối 60, 81 ly, đại liên, trung liên).

Lúc 7 giờ 30 ngày 09 tháng 9 năm 1966, anh Nguyễn Văn Định, tiểu đội trưởng của đơn vị 450 cùng 3 chiến sĩ bị 2 chiếc trực thăng (Gáo) vây bắt ở đất Cây Cày (khu vực cầu Ông Tầm). Anh Định dùng súng bá đỏ bắn bị thương 1 chiếc. Địch đưa thêm 2 chiếc HU-IA đến đổ quân nhảy chụp. Anh Định bị thương và bị bắt nhưng đã mở đầu phong trào bắn “Gáo” (máy bay của Mỹ) ở huyện Thuận Phong cũng như ở tỉnh Bình Thuận.

Tiếp đó, ngày 22 tháng 11 năm 1966 tại đồi Cát Xám (xã Hồng Liêm) chiến sĩ Bờ thuộc đơn vị 482 đã dùng trung liên bắn rơi một trực thăng Mỹ khi chúng đổ quân nhảy chụp bao vây đơn vị. Tiểu đoàn 482 bị tổn thất nặng trong trận này.

Những ngày cuối tháng 02 năm 1967, quân dân Lê Hồng Phong lại đụng đầu với Mỹ trong trận chống càn suốt 14 ngày đêm (từ 15 đến 28 tháng 02 năm 1967). Với âm mưu tiêu diệt căn cứ Lê Hồng Phong, sáng 15 tháng 02 năm 1967 Mỹ dùng máy bay B52 rải bom từ xã Hồng Lâm lên xã Hồng Trung, Hồng Liêm. Trực thăng chiến đấu, phản lực và pháo binh từ biển bắn phá liên hồi vào Ô Rô, Hố Đất, Đồi Cam Đường. Sau đó từng đoàn trực thăng đổ quân. Quân Mỹ đến đâu là phát rừng làm sân bay dã chiến đến đó để trực thăng tiếp tế hậu cần. Trong 9 năm xâm lược trước đây, thực dân Pháp chưa bao giờ dám đặt chân đến rừng Điểu, Ô Rô. Nhưng lần này gót giày của 12.000 quân Mỹ, Đại Hàn (Nam Triều Tiên) nện khắp nơi, nhằm thực hiện chiến lược 2 gọng kềm: “Tìm diệt và bình định”.

Để đối phó lại cuộc càn quét của địch, dân quân du kích đưa dân phân tán làm nhiều hướng: Một bộ phận xuống Bàu Trắng, số khác lên hướng Tây đường sắt. Trong lúc đưa dân đi tránh lánh đồng chí Lê Long Phi, chánh văn phòng Huyện ủy Thuận Phong thấy trẻ em, người già đói khát, mệt lả, nóng lòng vì phải cứu các cháu nên quyết định quay về nơi dự trữ nước. Trên đường đi bị vướng mìn địch, đồng chí Phi hy sinh, một số chiến sĩ bị thương, bị bắt. Dù trong thế tương quan lực lượng quá chênh lệch, song các đơn vị 440, 450 và du kích các xã căn cứ đã quầng bám đánh địch suốt 15 ngày đêm hết sức kiên cường. Ta đã diệt hàng chục tên Mỹ và chư hầu, bảo vệ được dân và lực lượng cơ quan. Đây là trận đánh Mỹ đầu tiên của quân, dân Lê Hồng Phong.

Ngày 17 tháng 02 năm 1967, được cơ sở bên trong cung cấp tình hình, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Lương Thái Hà, Lê Quang và Lê Văn Bảng, các đơn vị: trinh sát, đặc công, 482 và 430 phối hợp tập kích đoàn xe bọc thép Mỹ đang đóng dã ngoại tại Tân Điền tại km6- Đường 8, xã Hàm Liêm, ta đã bắn cháy, bắn hỏng 12 xe bọc thép và nhiều tên Mỹ đền tội, làm thất bại luôn kế hoạch của chúng là phối hợp với các lực lượng càn quét khu Lê Hồng Phong. Đêm ấy, đồng chí Võ Hữu cũng dẫn một bộ phận đặc công tập kích vào trận địa pháo của Mỹ đóng ở Bà Gò (Hàm Liêm), diệt 50 tên Mỹ, phá 3 khẩu pháo 105 ly. Đây là trận tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ đầu tiên trên chiến trường Tam Giác.

Cùng thời gian trên, một tổ du kích của xã Hàm Chính dùng lựu đạn đánh vào đội hình của đại đội bảo an đang từ Bình An kéo xuống Tân Điền chi viện cho bọn Mỹ, chúng bị chết 3, bị thương 3 tên nên phải dừng lại tại chỗ.

Qua nhiều hình thức đánh Mỹ: đánh nhảy chụp, đánh chống càn, đánh vào căn cứ dã ngoại, bắn hạ máy bay “Gáo”… của quân dân ta trên khắp chiến trường Hàm Thuận, Thuận Phong; bước đầu ta đã rút được một số kinh nghiệm đánh Mỹ là: bám thắt lưng Mỹ mà đánh, bám sát chúng mà diệt, đánh bằng nhiểu kiểu cách, tiếp cận sát chúng ta đỡ bị bom, pháo. Nếu có quyết tâm cao, có công sự vững, vũ khí bén, có kỹ thuật tốt, chuẩn bị chu đáo các mặt, ta có thể đánh được Mỹ trong mọi tình huống và cũng có thể hạ được máy bay Mỹ. Từ đó ta đã giải quyết dần tư tưởng sợ Mỹ. Phong trào đánh Mỹ từng bước vươn lên.

Chủ trương của huyện ủy Hàm Thuận, Thuận Phong trong năm 1967 cụ thể từng vùng như sau: Chuyển phương thức hoạt động, củng cố tổ chức cho phù hợp với tình hình; phát triển thực lực bên trong, chú ý xây dựng phong trào ở vùng sâu, vùng yếu với phương châm: luồn sâu, bám vững, bung ra hoạt động, phát triển thực lực, diệt ác phá kèm. Đối với vùng căn cứ, ta động viên nhân dân đưa trẻ em người già tạm thời về vùng địch sống hợp pháp, chỉ để lại số người khoẻ mạnh có điều kiện sản xuất và chiến đấu, xây dựng làng chiến đấu. Các đội công tác vùng sâu, tích cực động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ bám trụ. Những nơi mất dân ở vùng giải phóng, ta tập họp cán bộ xã, thôn, du kích quán triệt tình hình, nhiệm vụ và kinh nghiệm đánh Mỹ, sau đó chọn nòng cốt lập lại đội, mũi công tác, vũ trang, tuyên truyền bám vào ấp hoạt động, động viên nhân dân quyết tâm đánh Mỹ. Huyện Hàm Thuận chuyển nhanh trong việc chỉ đạo vùng sâu, vùng yếu. Các đồng chí chủ chốt và huyện ủy viên thường xuyên bám vùng sâu trực tiếp chỉ đạo phong trào, cùng cơ sở kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, lãnh đạo dân chống địch lấn chiếm.

Cán bộ chiến sĩ khu Tam Giác bị địch đánh phá dữ dội, nhưng sau một thời gian ngao ngán, bung, dạt; đến đầu năm 1967 đã bám lại được vào thôn xóm, dựa vào dân xây dựng cơ sở, đã đào hầm bí mật, tổ chức canh gác báo tin. Bám trụ và chiến đấu khá nhất huyện là du kích các xã: Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Thắng, Hàm Hiệp… Đạt được kết quả đó là nhờ: cơ sở quần chúng trung kiên đùm bọc che chở cho ta hoạt động trong lòng địch và cán bộ xông xáo năng nổ chịu đựng gian khổ, ác liệt, bám trụ xây dựng cơ sở, cốt cán. Có nơi chưa có hầm bí mật nhưng nhờ bám sát địa bàn nên đội công tác vào ấp hoạt động nhiều lần. Nhiều cán bộ trẻ lăn lộn vào ra trong lòng địch như: Văn Công Trãi, Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Biên, Huỳnh Thị Dung… sát địch, sát dân, tập hợp quần chúng, xây dựng thực lực, góp phần đưa phong trào chuyển biến khá vững chắc.

Ở Thuận Phong sau quá trình củng cố, các đội công tác bám trụ ở Râm Tre, Chợ Dầu, rừng Căm Liên (Hàm Nhơn), Hàm Đức, núi Tà Dôn, Giếng Chanh, Giếng Đế, vào ấp hoạt động thường xuyên. Khá nhất là các đội công tác Tùy Hòa, Xa Ra, đã nắm quyền chủ động ra, vào ấp chiến lược. Nhân dân ở đây đã cung cấp nhiều nhân, tài, vật lực cho cách mạng trong những lúc khó khăn. Riêng ở Phú Long ta xây dựng được một chi bộ ghép, một chi đoàn vừa là tổ du kích mật. Những nơi đội công tác bám được ấp là nhờ cán bộ dũng cảm, mưu trí quyết tâm cao và cơ sở quần chúng tốt, vững vàng.

Nhiều đội công tác đã biết làm trong sạch địa bàn, xây dựng và dựa vào bàn đạp nắm chắc cốt cán, phát động quần chúng, nắm chắc từng nhà, từng người. Nhiều xã cán bộ ta hoạt động được cả ban ngày, họp trong xóm làng, mở lớp cảm tình Đảng. Có đội công tác đánh được quân ngụy và cả quân Mỹ.

Những nơi bị địch đánh phá tình hình rất khó khăn, nhưng nếu ta giữ được thế hợp pháp, hoạt động tích cực, thì ở đó thực hiện được 3 mũi giáp công; khả năng đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng vẫn phát triển. Lúc đầu Mỹ mới đến đồng bào còn sợ, dần dần bà con đã đấu tranh được với chúng và đưa truyền đơn tiếng Anh cho lính Mỹ để làm binh vận.

Đồng bào Tam Giác đã chống địch bắn phá, cướp bóc, hãm hiếp dồn dân, bình định bằng cách giữ thế ăn ở hợp pháp tại ruộng vườn, không chịu vào lại ấp chiến lược, giằng co kéo dài quá trình dồn dân của địch.

Mỹ rải chất độc làm chết nhiều đám mạ (khoảng 50 giạ giống) ở Nóc Neo, Suối Thị, Cà Gằng và một số vườn cây ở Văn Phong, Mương Mán. Ngày 16 tháng 9 năm 1967, nhân dân Mương Mán kéo đến xã đòi bồi thường, bọn Hội đồng xã đổ thừa tại Mỹ. Ngày 02 tháng 10 năm 1967 đồng bào kéo lên quận tiếp tục đòi bồi thường, công an quận bắt giam những người bị nghi là lãnh đạo. Trong số đó có ông Mười Lụt đã cắn lưỡi tự tử. Địch hoảng sợ đưa đi cấp cứu. Nhân dân tiếp tục đấu tranh, cuối cùng ngụy quyền Hàm Thuận phải thả những người bị giam và bồi thường hoa màu cho dân.

Sáu tháng cuối năm 1967, phong trào “2 chân, 3 mũi” ở Hàm Thuận, Thuận Phong vươn lên rõ nét, bộ đội chủ lực tỉnh cùng lực lượng bộ đội của huyện và các đội công tác huyện đội thường xuyên đột nhập đánh phá các ấp: Gò Bồi, Xuân Phong, Đại Nẫm, Hàm Thắng, Xa Ra, Tùy Hòa, Phước Thiện Xuân, Bà La. Ta đánh địch liên tiếp tại các ấp: An Phú, Bình Lâm, Tân Điền, Trinh Tường, Phú Hội, Đại Tài, Đại Nẫm, Mương Mán, Ngã Hai, Gò Bồi.

Tháng 10 năm 1967 trung đội Mỹ đóng ở đồn Bà Gò thường vào thôn Mỹ Thạnh xã Hàm Chính. Biết quy luật ấy, vào một đêm cuối tháng 10 năm 1967, du kích đào hầm đặt chông, mìn. Sáng hôm sau địch lùng sục vào, du kích nổ súng dụ chúng đuổi theo hướng có chông mìn. Tên đi đầu dẫm quả mìn chết tại chỗ, những đứa khác bung chạy dẫm quả thứ hai chết tiếp. Số còn lại dạt ra, rơi xuống các hầm chông. Trận này du kích xã Hàm Chính đã diệt 13 tên và làm bị thương 7 tên Mỹ, phá hỏng 5 súng. Đây là trận mở đầu cho phong trào du kích toàn huyện dùng chông mìn đánh Mỹ. Ngày 27 tháng 11 năm 1967, tiểu đoàn 482 tập kích ấp Thuận Nghĩa, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội Bảo an, thu nhiều vũ khí. Cuối năm ấy, Hàm Thuận, Thuận Phong đã xây dựng được cơ sở bên trong đều khắp. Nhiều xã vùng sâu có tổ Đảng, chi đoàn, du kích và an ninh mật. Huyện ủy cũng hình thành một số Ban cán sự để chỉ đạo các xã.

Một trong những thành tích nổi bật của quân dân Hàm Thuận, Thuận Phong trong phong trào thi đua: “Diệt Mỹ - Ngụy, diệt xe tăng, máy bay địch” là bắn máy bay Mỹ, từng bước hạn chế được chiến thuật trực thăng vận của chúng.

Đầu năm 1967, đội du kích tập trung 2 xã Hàm Trí, Hàm Phú, huyện Hàm Thuận đang gác cho nhân dân sản xuất, hai chiếc Đacôta quầng xuống thấp định phun thuốc khai hoang hủy diệt đồng lúa. Cả tiểu đội liền tập trung 11 khẩu súng trường nhả đạn, một chiếc bị thương, buộc chúng không thực hiện được ý đồ.

Du kích các xã thuộc huyện Thuận Phong cũng dũng cảm, sáng tạo, dám dùng súng trường hạ máy bay Mỹ. Tháng 4 năm 1967, đồng chí Đoàn Văn Bụi và Lê Văn Thảo du kích xã Hồng Trung đang gác trên Núi Nhỏ. Khoảng 8 giờ sáng một chiếc L19 phát hiện dân đang làm cỏ, liền lao xuống định bắn trái khói chỉ điểm, bị trúng 2 viên đạn súng trường của hai chiến sĩ. Con ác quỹ phụt cháy rơi ngay tại Láng Cốc, xã Hồng Trung.

Nắm được quy luật máy bay địch cứ mỗi sáng thường quần đảo đánh phá căn cứ; Huyện ủy và Ban chỉ huy huyện đội Thuận Phong chủ trương phải đánh máy bay trực thăng bằng chiến thuật phục kích. Sáng ngày 18 tháng 9 năm 1967, đồng chí Trần Tấn Tiển, xã đội trưởng xã Hồng Thanh chỉ huy tổ du kích gồm các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình, Trần Thanh Hiền và Nguyễn Lộc, đào hầm ém quân rồi đốt lửa nhử máy bay. Thấy khói bốc lên, 3 chiếc trực thăng (HU-1A) sà xuống ở độ cao 10 mét, dùng đại liên bắn xối xả vào công sự của du kích. Các chiến sĩ ta đồng loạt nổ súng. Kết quả 2 chiếc trực thăng bốc cháy, 1 chiếc rơi tại chỗ.

Cùng thời gian trên (tháng 9 năm 1967), Nguyễn Văn Xí du kích thôn 2 xã Hồng Thịnh đang săn thú để làm cơm giỗ cha, vì cũng vào thời điểm này năm trước cha của Xí bị tàu Gáo bắn chết. Hôm nay Xí lại gặp 2 chiếc “Gáo” bay rất thấp. Tuy mới 15 tuổi nhưng căm thù giặc Mỹ, Xí bắn một phát súng trường, chiếc bay sau bốc cháy. Thấy đồng bọn bị nạn, chiếc bay trước quần đảo lại với tầm cao hơn. Lần này phấn khởi và tin tưởng hơn, Xí lại xiết cò súng, chiếc thứ 2 cũng cùng chung số phận.

Mùa khô năm 1967 – 1968, Quân khu 6 chủ trương lấy chiến trường Bình Thuận làm điểm để nghiên cứu đánh bại chiến thuật trực thăng vận của Mỹ. Quân khu 6 cùng tỉnh đội Bình Thuận thành lập Ban chỉ huy tiền phương, trực tiếp chỉ đạo chiến trường.

Nhằm bẻ gãy chiến thuật trực thăng vận của Mỹ, Ban chỉ huy tiền phương Quân khu 6 tổ chức phục kích đánh quân Mỹ đổ chụp tại thôn Phú Sơn, xã Hàm Phú do các đơn vị C3/840, 482 và lực lượng C3/430 thực hiện. Sau 2 ngày đêm chuẩn bị; ta cho một tổ gồm 3 đồng chí đến Vườn Xoài 6 Cây bắn 2 phát súng, rồi chạy về hướng ruộng Sần để câu nhử địch. Đến 11 giờ 15 phút ngày 23 tháng 11 năm 1967, trận đánh bắt đầu và diễn ra suốt ngày hôm ấy. Qua 7 lần đổ quân của không vận Mỹ, ta bắn rơi, bắn cháy 13 trực thăng, có 8 chiếc rơi tại chỗ, diệt 120 tên Mỹ, làm thất bại bước đầu chiến thuật đổ chụp của chúng; đánh thiệt hại 1 trung đội Bảo an ở quận Thiện Giáo. Ta hy sinh 4 và bị thương 2 đồng chí.

Sau đó vài tuần, trên Đồi Trúc, một vị trí nằm sâu trong căn cứ của ta, cũng với chiến thuật trên, sau nhiều lần bắn phá của không quân, ngày 09 tháng 12 năm 1967 Mỹ bắt đầu đổ quân nhảy chụp xuống khu vực Đồi Trúc hòng tiêu diệt lực lượng ta. Các đơn vị 840, công binh và trinh sát tỉnh đã đánh cho chúng một trận tơi tả; bắn rơi 4 trực thăng, diệt chết và bị thương gần 1 đại đội Mỹ.

Qua hai trận ở Phú Sơn và Đồi Trúc cùng nhiều trận khác trên chiến trường Hàm Thuận, Thuận Phong bước đầu ra đã rút được kinh nghiệm đánh Mỹ khá toàn diện làm thất bại bước đầu chiến thuật Trực thăng vận của Mỹ.

Năm 1967, quân dân hai huyện góp phần cùng toàn tỉnh bắn rơi 55 máy bay địch. Riêng chiến trường Hàm Thuận, Thuận Phong trong những năm 1965 –1967, quân dân ta đã diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi hàng chục máy bay các loại, bắn cháy 10 xe bọc thép.

Xây dựng thực lực là một yêu cầu có ý nghĩa quyết định nên luôn được huyện ủy rất quan tâm. Ngoài việc xây dựng lực lượng vũ trang là nam giới, Ban chỉ huy huyện đội Hàm Thuận do đồng chí Trần Việt Tân làm huyện đội trưởng cũng đã sớm tổ chức lực lượng vũ trang nữ. Cuối năm 1965 trung đội nữ tập trung đầu tiên của huyện được thành lập do đồng chí Đào Thị Huê làm trung đội trưởng. Lúc đầu chị em chỉ bảo vệ cơ quan, sau đó cùng nam giới vào ấp đánh địch, vũ trang tuyên truyền. Đồng chí Huê sau khi bị thương mất một cánh tay, lãnh đạo huyện đề nghị chị về phía sau, chị nhất quyết xin ở lại tuyến trước chiến đấu và trở thành cán bộ chỉ huy của huyện143. Cuối năm 1965 huyện đội Hàm Thuận còn tăng cường cho Quân khu 6 một đại đội.

Năm 1966 khi tỉnh Bình Thuận mở trường Thiếu sinh quân, hàng chục thiếu niên là con em của nhân dân Hàm Thuận, Thuận Phong vào trường học tập, nhiều em đã trưởng thành tốt và chiến đấu dũng cảm, nhất là trong mùa Xuân Mậu Thân (năm 1968).

Năm 1966 huyện Thuận Phong thành lập được một trung đội vận tải nữ do chị Đoàn Thị Mai (Mai Cao) làm trung đội trưởng. Năm 1967 đơn vị này được tăng cường cho Ban kinh tài tỉnh. Đầu năm 1967, Tỉnh ủy chủ trương thành lập các đội thanh niên xung phong và Hội đồng cung cấp tiền phương. Ngày 26 tháng 3 năm 1967, Thuận Phong thành lập một trung đội nữ gồm 36 chị, do chị Nguyễn Thị Năm (Năm Label) làm trung đội trưởng. Tiếp đó huyện Thuận Phong tổ chức một đại đội thanh niên xung phong với 200 anh chị em. Những nam, nữ thanh niên này đã trèo đèo, vượt núi, lội suối, băng sông... chuyển nhiều chuyến hàng từ Tây Ninh, Bà Rịa… về đến tỉnh nhà. Nhờ đó mà cuối năm 1967 bộ đội địa phương được trang bị vũ khí khá đầy đủ.

Để xây dựng thực lực tại chỗ và diệt ác đúng đối tượng, giữa năm 1967 lực lượng trinh sát an ninh vũ trang huyện Hàm Thuận được thành lập do đồng chí Lê Đức Toàn làm đội trưởng. Lúc mới ra đời có 17 anh chị em, sau phát triển thành 1 trung đội, gồm 2 lực lượng: bộ phận bí mật ở trong lòng địch và bộ phận bất hợp pháp ở ngoài được chia làm 2 cánh bám sát 2 quận lỵ của địch là Ngã Hai và Ma Lâm. Nhiệm vụ chính của an ninh vũ trang là: luồn sâu đột nhập vào vùng địch, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở mật diệt ác phá kèm, hợp đồng tác chiến với các lực lượng khác, gắn bó thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với các đội công tác.

Từ cuối năm 1966 trở đi, Mỹ rải bom đạn xuống mảnh đất Hàm Thuận, Thuận Phong ngày càng nhiều, từ đó phong trào tận dụng vũ khí địch để đánh địch của quân dân ta càng phát triển. Để mở rộng phong trào nhân dân du kích chiến tranh, đầu năm 1967 tỉnh quyết định thành lập Binh công xưởng cấp huyện đầu tiên ở Hàm Thuận. Ngày đầu ra đời Binh công xưởng Hàm Thuận có 5 đồng chí, do đồng chí Phan Công Kiên làm xưởng trưởng, đứng chân ở núi Dạ Đen. Tiếp đó khoảng tháng 5 năm 1967, Binh công xưởng huyện Thuận Phong được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Phàn làm xưởng trưởng, đứng chân ở rừng Điểu (Hồng Liêm).

Bằng vật liệu tự tạo như bom, đầu đạn lép của địch, kíp nổ, ngòi cháy chậm của trên cung cấp, binh công xưởng Huyện làm được thủ pháo, lựu đạn, bazômin, mìn chống tăng và sửa chửa vũ khí hư hỏng…Ngoài ra binh công xưởng Huyện còn hướng dẫn các tổ du kích xã, đội công tác làm mìn, trái nổ đánh xe tăng, dùng vũ khí tự tạo rào làng chiến đấu, chống càn bảo vệ căn cứ.

Du kích nhiều xã như Hàm Thạnh, Hàm Liêm, Hàm Thắng, Hàm Chính, Hàm Trí, Hàm Nhơn, Hàm Đức, Hồng Sơn đánh rất tốt, địch vào vùng ta là thiệt mạng. Căn cứ lõm là một hình thức sáng tạo trong phong trào nhân dân du kích chiến tranh. Tinh thần bám trụ kiên cường, thể hiện qua việc bám dân, bám đất, bám chiến trường. Nhiều nơi ta duy trì thế bám trụ sát dân, sát địch. Đáng khâm phục chiến sĩ, đồng bào của ta ở các khu căn cứ lõm. Đây là một kỳ tích của quân dân Hàm Thuận và căn cứ dọc sông Hội Nhơn, Xoài Quì (Hàm Thắng) là minh chứng.

Trong những chiến dịch, huyện, xã đã tái tạo hàng trăm trái nổ. Có những em thiếu niên đêm nằm lắng nghe tiếng rơi và đếm từng quả pháo lép của địch. Các em đã lượm hàng ngàn đạn lép nộp cho du kích. Anh Ba Điểm- một nông dân ở xóm Mương Cái (Hàm Thắng) đã có sáng kiến tháo kim hoả khỏi bom bi. Từ kinh nghiệm đó, du kích xã Hàm Thắng, Hàm Chính đã tháo gở bom bi lép do địch thả một cách an toàn và sử dụng bom đó đánh địch đi càn rất hiệu quả. Du kích các xã đều biết cải tạo đầu đan pháo 75, 105 mm để đánh địch. Việc tận dụng vũ khí của địch để đánh địch ở Hàm Thuận có từ rất sớm. Nhất là từ 1967 trở đi, Mỹ rãi bom đạn xuống vùng đất này ngày càng nhiều. Ta lại tổ chức binh công xưởng và nhiều sáng kiến của dân quân, du kích` nên phong trào ngày càng phát triển phong phú, đa dạng.

Năm 1967 là thời gian lực lượng ta chống càn quyết liệt, bộ đội địa phương và du kích các xã đánh chống càn 247 trận. Từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 10 năm 1967, địch càn liên tiếp 5 trận vào Thuận Phong, bị du kích các xã loại khỏi vòng chiến đấu 14 tên, trong đó có 2 tên Mỹ. Đội công tác xã Hàm Thắng hy sinh, tổn thất lớn, nhưng vẫn bám trụ kiên cường. Ngày nào cũng quầng nhau với giặc, có lúc hy sinh 5 đồng chí (ngày 18/12/1967).

Càng khó khăn ác liệt, phong trào xây dựng căn cứ càng được quân dân ta đẩy mạnh. Năm 1967 Thuận Phong cải tạo 700 mét đường mới đi lại trong căn cứ, bố phòng các tuyến đường cũ, cắm được 8 ha loại chông dài 2 mét để chống trực thăng đổ quân nhảy cóc. Ngoài ra còn có nhiều bãi chông chết gồm: 281.000 chông các loại, 9.500 chông bố phòng dọc rào; bố trí 1.445 chông sắt, đào được 947 hầm dọc đường, 13 công sự bắn máy bay, 6.000 mét giao thông hào và 22 hầm bí mật. Mỗi thôn là một làng chiến đấu kiên cố. Các cơ quan và nhân dân đều có nhà hầm để tránh bom, pháo của giặc.

Các khu căn cứ ở huyện Hàm Thuận cũng không ngừng phát triển. Mỗi căn cứ có 4 tuyến rào, mỗi tuyến dài 2 km, rộng 50 mét. Nhiều bãi chông chết liên hoàn, quy mô như: Hàm Trí có bãi chông từ Núi Chấn Rong đến cây số 30. Hàm Thạnh có tuyến chông từ Bàu Sen - Cô Nhí đến Suối Thị.Vùng Tam Giác có hàng trăm hầm bí mật.

Tuy vậy do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch và lúc đầu ta lúng túng trong phương thức đánh Mỹ, nên từ cuối năm 1966 đến năm 1967, Hàm Thuận và Thuận Phong cũng không tránh khỏi hạn chế, tổn thất, những khuyết điểm chung, được phản ảnh phần nào qua đánh giá của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận hồi ấy: “Cả 3 lực lượng đều chưa làm tốt vai trò nòng cốt trong phong trào nhân dân du kích chiến tranh. Đặc biệt là bộ đội tỉnh, huyện chưa làm được vai trò đòn bẫy hỗ trợ phong trào chính trị của địa phương như: phá ấp mở vùng, giành giữ dân, chống bình định lấn chiếm giữ vững vùng căn cứ giải phóng. Chưa diệt được nhiều ác ôn cảnh sát, bình định bảo an, cộng hoà trực tiếp làm nhiệm vụ bình định. Bộ đội địa phương chưa bám được địa bàn. Trừ Hàm Thuận, Thuận Phong có bám gần địch nhưng bung ra hoạt động chưa tốt”.

Qua những ưu điểm mà tỉnh đánh giá về Hàm Thuận, Thuận Phong đã chứng tỏ rằng trong khó khăn ác liệt, quân dân của hai huyện vẫn giữ thế bám trụ kiên cường. Báo cáo Tỉnh đội Bình Thuận năm 1967 đánh giá: “Có cố gắng đánh cả Mỹ và ngụy, chống càn đánh điểm diệt cơ giới, bắn máy bay. Lực lượng du kích và đội công tác tuy bị địch đánh phá ác liệt nhưng bám trụ tốt. Cơ quan tỉnh, huyện bước đầu chiến đấu chống càn tốt, tiêu hao được địch. Ta dùng vũ khí thô sơ như bom bi, đầu đạn, thuốc nổ từ bom đạn thúi của địch để đánh địch bảo vệ căn cứ an toàn, đặc biệt là bàn đạp đứng chân ở Hàm Thắng, Hàm Liêm, Hàm Chính. Bộ đội địa phương đánh tốt nhất trong tỉnh là C1/430 và 450. Du kích đánh tốt liên tục như: Tam Giác, Hàm Thắng, Hàm Tiến, Hồng Sơn, Hồng Liêm. Riêng Tùy Hòa, Phú Long đã biết tìm sơ hở của địch mà nghiên cứu cách đánh: đánh trái, đánh phục kích, đánh chim sẻ. Du kích Thuận Phong chống càn và bắn máy bay tốt nhất trong tỉnh”.

Nhờ những nỗ lực đạt được trong những năm tháng đánh Mỹ, diệt ngụy, nên cuối năm 1967 quân, dân Hàm Thuận vinh dự đón nhận “Huân chương thành đồng” hạng Nhất do Bộ tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam trao tặng.




tải về 1.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương