MỤc lục mở ĐẦU 1


Đặc điểm đa dạng cảnh quan tỉnh Quảng Bình



tải về 1.44 Mb.
trang7/12
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.44 Mb.
#12687
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

3.2. Đặc điểm đa dạng cảnh quan tỉnh Quảng Bình

Nghiên cứu, làm rõ đặc điểm đa dạng CQ lãnh thổ tức là phân tích CQ làm rõ cấu trúc, chức năng và động lực phát triển của CQ lãnh thổ. Nói cách khác là làm rõ sự phân hóa đa dạng, phức tạp của CQ theo không gian và thời gian. Đặc tính đa dạng của CQ cho phép đánh giá đúng tiềm năng tự nhiên của mỗi vùng, từ đó đưa ra được những giải pháp, biện pháp nhằm sử dụng hợp lý TNTN và BVMT cho mục đích phát triển kinh tế xã hội bền vững [27, 25]. Chính vì vậy tiến hành nghiên cứu đặc điểm đa dạng CQ tỉnh Quảng Bình là một công đoạn quan trọng trong nghiên cứu cảnh quan, là cơ sở để đánh giá cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

3.2.1. Đa dạng cấu trúc cảnh quan tỉnh Quảng Bình

Bên cạnh tính đồng nhất thì tính bất đồng nhất tạo nên sự phân hoá đa dạng, phức tạp của CQ lãnh thổ và thể hiện rõ nét nhất trong cấu trúc CQ. Đó là sự sắp xếp vị trí tương hỗ của các bộ phận và khả năng liên hợp của các bộ phận đó. Có hai loại cấu trúc trong CQ là cấu trúc thẳng đứng và cấu trúc ngang [50,58]. Cấu trúc thẳng đứng bao gồm các thành phần cấu tạo là đá mẹ, vỏ phong hoá, đất, địa hình, khí hậu, thuỷ văn, sinh vật và mối quan hệ giữa các thành phần đó. Mỗi cấp phân vị đều có một cấu trúc thẳng đứng riêng, nhưng không phải là địa chất, địa hình, thổ nhưỡng, sinh vật...một cách chung chung mà phải xác định rõ đơn vị địa chất, địa hình, đặc điểm thổ nhưỡng,...tương đương với cấp phân vị đang xét.

Cấu trúc ngang bao gồm các địa tổng thể đồng cấp hoặc khác cấp tạo nên một đơn vị địa lý nhất định, cùng với các mối quan hệ phức tạp giữa các địa tổng thể đó với nhau và mỗi cấp phân vị có một cấu trúc ngang riêng [50,58], đây chính là đặc điểm phân hoá đa dạng theo không gian lãnh thổ của cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

Hệ thống các đơn vị phân loại CQ và bản đồ CQ tỉnh Quảng Bình phản ánh sự phân hóa phức tạp theo không gian của các đơn vị CQ từ cấp thấp đến cấp cao nhất, từ vùng núi phía tây đến dải cồn cát ven biển phía đông. Hệ thống các đơn vị CQ này mang tính độc lập tương đối, có những đặc trưng riêng quy định chức năng và giá trị ứng dụng của từng CQ, nhưng giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau tạo thành một hệ thống CQ thống nhất trên lãnh thổ. Sự phát triển của hệ thống CQ lãnh thổ phụ thuộc rất lớn vào sự thay đổi của từng đơn vị CQ. Luận án tiến hành phân tích đa dạng cấu trúc CQ tỉnh Quảng Bình trên cơ sở Hệ thống phân loại và bản đồ cảnh quan tỉnh Quảng Bình tỷ lệ 1:100.000.



3.2.1.1. Cấp Hệ và Phụ hệ thống Cảnh quan

Trong cấu trúc CQ tỉnh Quảng Bình cấp phân vị lớn nhất mang tính chất chung của tự nhiên Việt Nam là Hệ thống CQ. Quảng Bình là một phần trong trong Hệ thống cảnh quan nhiệt đới ẩm gió mùa trên toàn lãnh thổ Việt nam và nằm trong Phụ hệ thống cảnh quan nhiệt đới gió mùa, ẩm, có một mùa đông hơi lạnh ở Việt Nam kéo dài từ đèo Ngang đến đèo hải Vân (Bạch Mã). Là Phụ hệ thống CQ chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa Đông Bắc, song vượt Đèo Ngang tính chất lạnh ở Quảng Bình có phần giảm sút do có sự giảm sút của khối không khí cực đới. Tuy vậy ở đây lượng bức xạ tổng cộng đạt 108-120 kcal/cm2/năm, cán cân bức xạ dương đạt tiêu chuẩn khí hậu nhiệt đới. Nền nhiệt khá cao trung bình năm từ 24-250C, trung bình các tháng mùa đông đạt trên 180C với tổng nhiệt độ hoạt động trong năm từ 8700-90000C. Chế độ mưa, ẩm khá phong phú và phân bố theo mùa, lượng mưa trung bình hàng năm đạt 2100mm, mùa mưa chiếm tới 80-90% tổng lượng mưa cả năm và những tháng mưa lớn vào thời kỳ ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, mùa ít mưa kéo dài 4-5 tháng và chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Độ ẩm trung bình năm đạt tới 83-84% và cũng có sự phân hoá theo mùa sâu sắc.

Đây là hai cấp phân vị phản ánh sự phân hoá của tự nhiên theo quy luật địa đới, đồng thời thể hiện mối liên hệ giữa các hoàn lưu gió mùa với địa hình. Tuy nhiên tương quan giữa địa hình và hoàn lưu gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam tương đối đồng nhất trên toàn bộ lãnh thổ Quảng Bình. Sự phân hoá đa dạng của cảnh quan Quảng Bình được quy định rõ nét trong quy luật phân hoá phi địa đới hình thành nên các đơn vị phân loại ở các cấp thấp của hệ thống phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình. Từ Lớp cảnh quan, đến phụ lớp, loại cảnh quan.

3.2.1.2. Cấp Lớp cảnh quan

Là cấp được phân chia căn cứ chủ yếu vào đặc điểm phát sinh hình thái của đại địa hình. Với đặc điểm địa hình Quảng Bình chủ yếu là đồi núi thấp, phía tây là dãy Trường Sơn, phía đông là dải cồn cát ven biển và ở giữa là đồng bằng, căn cứ vào sự đồng nhất trong hai quá trình bóc mòn và tích tụ, cảnh quan Quảng Bình được chia làm 3 lớp cảnh quan là: Lớp cảnh quan núi, lớp cảnh quan đồi và lớp cảnh quan đồng bằng.

- Lớp cảnh quan núi: Bao gồm các núi trung bình và núi thấp, có độ cao từ 300m trở lên, chiếm khoảng 65% diện tích lãnh thổ. Gồm các dạng địa hình có nguồn gốc bóc mòn là chủ yếu. Phân bố ở phía tây Quảng Bình, kéo dài từ Minh Hoá mở rộng về phía tây Bố Trạch đến thượng nguồn sông Kiến Giang ở phía tây nam, phía Bắc là dãy Hoành Sơn, dọc theo thung lũng sông Rào Nậy xuống tới Ba Đồn. Trong đó có một vài đỉnh trên 1200m thường cấu tạo bởi đá xâm nhập, có đường chia nước phức tạp, đỉnh nhọn, sườn dốc. Một số đỉnh cao trên 1500m như: Phu Cô Pi (2058m) và đỉnh Côta Rum (1623m). Đặc biệt, trong vùng có các dạng địa hình cacxtơ phân bố rộng, trong vùng có khối núi đá vôi Khe Ngang-Kẻ Bàng độ cao trung bình 700-800m, thấp dần từ nam ra bắc và từ tây sang đông, nằm sát biên giới Việt -Lào. Các bề mặt san bằng hoặc bóc mòn hoàn toàn được cấu tạo bởi nham thạch có tuối Miôxen muộn, Pliôxen. Các bề mặt có nguồn gốc Cacxtơ ở đỉnh và sườn các khối núi đá vôi, chiếm một diện tích khá lớn.

Sườn xâm thực, rửa trôi, xói rửa có tuổi Đệ tứ phân bố rộng rãi dọc theo các thung lũng sông, suối ở Khe Ve, thượng nguồn Long Đại, Kiến Giang, sông Dinh có độ dốc lớn từ 15 - 25, 300. Các quá trình ngoại sinh xảy ra mạnh phổ biến các hoạt động đổ lở, trượt đất, rửa trôi, xói rửa. Cấu tạo chủ yếu bởi đá cứng dạng khối, các rãnh xâm thực, máng trũng khá phổ biến.

Các dạng địa hình Cacxtơ phân bố rộng rãi, ngoài các khối núi còn bao gồm các thung lũng và vùng trũng cacxtơ phân bố ở khối núi Kẻ Bàng, thượng nguồn sông Long Đại, các cánh đồng cacxtơ dọc theo các thung lũng sông suối, rìa khối núi đá vôi ở Phúc Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch); Hoá Tiến, Xuân Hoá, Hoá Thanh (Minh Hoá);...cấu tạo bởi các sản phẩm trầm tích aluvi sông, suối.

Đây là lớp cảnh quan có sự thay đổi rõ rệt của khí hậu, thảm thực vật và các yếu tố tự nhiên do ảnh hưởng của độ cao địa hình, phân chia thành 2 phụ lớp: Cảnh quan núi trung bình và cảnh quan núi thấp gồm 43 loại CQ.

- Lớp cảnh quan đồi: Là khu vực chuyển tiếp của vùng núi phía tây và dải đồng bằng ven biển Quảng Bình. Chiếm 20% diện tích lãnh thổ, có độ cao từ 30m đến 300m. Các bề mặt bóc mòn có độ cao từ 100-300m, có độ dốc dưới 100 phân bố rộng khắp phía Tây các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch và Quảng Trạch, quá trình xói mòn, rửa trôi vẫn xảy ra nhưng bề mặt ít biến dạng, địa hình có dạng các đồi hoặc dãy đồi mềm mại, có tuổi Pleistoxen sớm.

Các dạng địa hình có nguồn gốc dòng chảy sông suối gồm các đáy máng trũng, thềm xâm thực-tích tụ có tuổi hiện đại phân bố dọc theo các thung lũng sông Roòn, Rào Cái, Rào Nan, Khe Kích, Long Đại... các vùng thung lũng lớn ở vùng núi, có độ cao từ 40-80m, thường có độ dốc từ 5-150. Các sườn rửa trôi phân bố ở cùng đồi thấp, phía dưới là sườn tích tụ, có độ dốc từ 8-150, phổ biến ở các vùng trũng Quy Đạt - Minh Hoá, Xóm Chùa - Tuyên Hoá. Thềm biển mài mòn có độ cao từ 40-60m nằm sát chân núi tạo thành địa hình đồi thoải bị chia cắt bởi các khe rãnh, mương xói phía trước các đồng bằng huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch.

Với những đặc điểm phức tạp của trắc lượng hình thái địa hình vùng đồi đã kéo theo sự phân hoá phức tạp trong các thành phần khí hậu, thổ nhưỡng và thảm thực vật, phân chia thành 2 phụ lớp cảnh quan là phụ lớp cảnh quan đồi thấp và phụ lớp cảnh quan đồi cao gồm 58 loại CQ.

- Lớp cảnh quan đồng bằng: Chiếm 15% diện tích tự nhiên. Gồm vùng đồng bằng đồi và vùng duyên hải nằm trũng thấp ở giữa, có độ cao từ 30m trở xuống, phân bố chủ yếu ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch và Quảng Trạch. Các dạng địa hình ở đây có nguồn gốc mài mòn-bồi tụ sông, sông-biển, thềm biển tích tụ hoặc nguồn gốc hỗn hợp và được bồi đắp bởi phù sa các sông Kiến Giang, Long Đại, sông Dinh, sông Roòn, sông Gianh phân bố với diện tích khá rộng ở các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch và Quảng Trạch.

Nét đặc biệt của đồng bằng Quảng Bình là dải cồn cát ven biển chạy song song với đường bờ biển phân bố từ Lệ Thuỷ đến Quảng Trạch, gồm các cồn cát di động, bán di động, máng trũng thổi mòn, đầm lầy cát, các bề mặt tích tụ cát biển hoặc địa hình cát lấp vào sâu trong nội địa. Có nơi cồn cát cao tới 30-40m, có độ dốc lớn, dễ bị thổi bay.

Với những đặc điểm địa hình có nguồn gốc phức tạp và chịu tác động của các yếu tố ngoại sinh, đồng bằng Quảng Bình chia làm 2 phụ lớp cảnh quan chính là: cảnh quan đồng bằng cao, cảnh quan đồng bằng thấp và dải cồn cát ven biển.

Ngoài ra Quảng Bình còn có các hồ, ao, đầm phá có nguồn gốc từ đầm phá cũ phân bố ở đồng bằng và các hồ nhân tạo phân bố rải rác ở vùng đồi núi, thượng nguồn các khe suối tạo nên một loại hình cảnh quan đặc biệt làm phong phú thêm tính đa dạng cảnh quan của lãnh thổ Quảng Bình.

3.2.1.3. Cấp Phụ lớp cảnh quan

Là cấp phân vị được hình thành do sự phân hóa bên trong lớp cảnh quan, dựa trên các đặc trưng về trắc lượng hình thái của địa hình. Cảnh quan Quảng Bình được phân chia thành 6 phụ lớp cảnh quan gồm:

- Phụ lớp cảnh quan núi trung bình: Phân bố ở bậc địa hình cao nhất, phát triển rất hạn chế, có độ cao từ 900m trở lên gồm một số đỉnh cao trên 1500m như: Phu Cô Pi, Côta Rum; một số đỉnh trên 1000m như U Bò, Ba Rền, núi Thù Lù, Cô Roong, Cô Pru. Chiếm khoảng 31.065 ha (3,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Là phần sót của các bề mặt bóc mòn hoàn toàn, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, có độ dốc lớn. Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới trên núi trung bình, tính chất nóng, ẩm có phần giảm sút do độ cao địa hình, nhiệt độ trung bình năm đạt từ 18-200C, mùa lạnh kéo dài 6-7 tháng. Ở đây lớp phủ thổ nhưỡng có tầng mỏng, đặc trưng là feralit có mùn hình thành trên nhiều loại đá khác nhau gồm Ha, Hs, Hq. Thảm thực vật rừng rậm nhiệt đới thường xanh phân bố rải rác ở biên giới phía Tây Bắc thuộc huyện Minh Hoá, Tây Nam thuộc huyện Lệ Thuỷ và Tây Đồn biên phòng 593 huyện Bố Trạch và Quảng Ninh, giáp với Lào, chủ yếu là rừng tự nhiên, đầu nguồn và trảng cây bụi thứ sinh, một vài nơi có đá gốc lộ ra. Phân bố rải rác từ bắc vào nam nên Phụ lớp này có sự phân hoá của các yếu tố khí hậu, đất và sinh vật hình thành nên 5 loại cảnh quan.

- Phụ lớp cảnh quan núi thấp: Có độ cao từ 300-900m, chiếm 457947,1ha (56,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), là phụ lớp phân bố rộng rãi nhất ở miền núi Quảng Bình kéo dài từ Hoành Sơn đến Tây Bắc Quảng Bình, trãi rộng từ phía Nam thượng nguồn sông Gianh đến Tây Bố Trạch, Đồng Hới tiếp giáp với thượng nguồn sông Long Đại và vào tận Tây Nam Quảng Bình ở thượng nguồn sông Kiến Giang. Gồm các bề mặt bóc mòn hoàn toàn có độ cao 900-1000m phân bố trên bề mặt đỉnh các khối núi ở thượng nguồn sông Gianh, sông Long Đại và sông Kiến Giang; Khối núi đá vôi Khe Ngang-Kẻ Bàng có độ cao 700-800m phân bố rộng ở phía tây và các dạng địa hình có nguồn gốc cacxtơ gồm: bề mặt đỉnh và sườn hoà tan rửa lũa cacxtơ cao từ 600-800m, địa hình bề mặt sắc nhọn lởm chởm, phân bố ở các khối đá vôi thuộc Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá và Quảng Ninh; các cánh đồng cacxtơ đáy phẳng rộng, các thung lũng cacxtơ kéo dài dọc theo thung lũng các sông ven rìa các khối núi đá vôi Kẻ Bàng, Phúc Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch), Hoá Tiến, Hoá Thanh, Xuân Hoá (Minh Hoá). Các bề mặt bóc mòn, phân bậc cao 200-300m, 400-500m và 600-700m kéo dài dọc theo thung lũng sông suối bị biến đổi mạnh do quá trình rửa trôi, xói rửa gắn liền với sự phá huỷ, xâm thực của dòng chảy ở thượng nguồn các sông suối.

Các sườn xâm thực, sườn trọng lực ở các khối núi Phu Cô Pi, Cô Ta Rưm, Thù lù, U bò, Ba rền; lưu vực các sông suối Khe Ve, Rào Nậy, sông Dinh, sông Long Đại, sông Kiến Giang...có độ dốc lớn, phân bậc từ 8-150, 15-250 và từ 25-300, có nơi trên 300. Hoạt động ngoại lực diễn ra mạnh, đá lở, đất trượt và rửa trôi, xói rửa phổ biến ở những sườn này, nhiều nơi vận chuyển vật chất mạnh lộ đá gốc và đây là những nơi phát triển mạnh hệ thống khe suối và thung lũng sông.

Thảm thực vật rừng ở đây nhìn chung là ở mức trung bình và nghèo kiệt, phần lớn diện tích rừng đều đã bị khai thác, có nơi chỉ còn lại trảng cây bụi, có nơi rừng bị chặt trắng, nhiều nơi đá gốc lộ trên mặt. Dọc theo thung lũng sông suối như Khe Bang, Khe Giữa, thượng nguồn sông Long Đại, Khe Kích, Khe Ve, thượng nguồn Rào Nan, Rào Cái, Rào Trổ...rừng thứ sinh tre nứa không nhiều, một số nơi rừng đang phục hồi, xuất hiện rừng trồng và thực vật nhân tác như: cây hàng năm, thậm chí có cả hoa màu và lúa. Đây là khu vực địa hình duy nhất ở Quảng Bình có đồng cỏ tự nhiên cải tạo được phân bố ở khu vực Hóa Sơn, Trung Hóa, Tân Hóa, Yên Hóa huyện Minh Hóa.

Trong phụ lớp cảnh quan núi thấp, có 9 loại đất được hình thành trên nhiều loại đá mẹ khác nhau: Đất feralit phát triển trên đá vôi (Fv), đá phiến sét (Fs), đá mác ma axit (Fa), trên đá biến chất (Fj) hay đất vàng nhạt trên đá cát (Fq). Ở các thung lũng tích tụ là đất dốc tụ hình thành trên nhiều loại đá (D), đất phù sa ngòi suối (Py) và đất xám bạc màu (B).

Đặc biệt ở đây có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với tổng diện tích là 85.754ha, nằm trong địa bàn các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, Xuân Trạch huyện Bố Trạch được quy hoạch và bảo vệ nghiêm ngặt. Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm quá trình cacxtơ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian dài đã hình thành nên nhiều hang động, sông ngầm phong phú, đa dạng. Các núi đá vôi có độ cao trung bình khoảng 800m-1000m như: Phu Tạo (1174 m), Co Unet (1150 m), Phu Canh (1095 m), Phu Mun (1078 m), Phu Tu En (1078 m), Phu On Chinh (1068 m), Phu Dung (1064 m), Phu Tu Ôc (1053 m), Phu Long (1015 m), Phu Ôc (1015 m), Phu Dong (1002 m), Phu Sinh (965 m), Phu Co Tri (949 m), Phu On Boi (933 m), Phu Tu (956 m), Phu Toan (905 m), Phu Phong (902 m), núi Ma Ma (835 m), phân bố dọc theo biên giới với nhiều đỉnh núi cao liên tục; Các địa hình núi phi cacxtơ nằm ở phía đông bắc và đông nam của Vườn chiếm diện tích nhỏ với độ cao từ 500-1000m như: Phu Toc Vu (1000 m), Mã Tác (1068 m), Cổ Khu (886 m), U Bò (1009 m), Co Rilata (1128 m), có độ dốc lớn từ 25-30 độ, có sự chia cắt mạnh với nhiều thung lũng nằm dọc theo các khe, suối như: khe Am, khe Cha Lo, khe Chua và phía nam có Rào Thương. Sông ngòi ở đây có một mùa lũ và một mùa cạn chi phối rất lớn đến hoạt động kinh tế của con người. Có nhiều loại đất feralit đỏ vàng hình thành từ các nguồn đá mẹ khác nhau, feralit vàng nhạt trên đá cát (Fq, Fv) và đất phù sa ven sông suối được bồi đắp (P). Thảm thực vật ở đây là rừng rậm nhiệt đới, ẩm thường xanh trên núi đá vôi. Có 96,2% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ; trong đó 92,2% là rừng nguyên sinh, 2,3% (4875ha) là cây bụi cỏ rải rác trên núi, có khoảng 180 ha là rừng tre nứa và mây song và 512 ha thảm cây trồng nông nghiệp gồm lúa, hoa màu. Rừng ở đây là rừng nguyên sinh trên núi đá vôi điển hình với nhiều loài thực vật đặc trưng như: Chò đãi, Chò nước, Sao; quý hiếm như Bách xanh, nhiều loại Lan...Đây là tiểu vùng cảnh quan rất đặc trưng của cảnh quan núi thấp Quảng Bình và phản ánh đa dạng cảnh quan của lãnh thổ, hiện là khu vực được bảo tồn.

Tóm lại, với địa hình khá phức tạp, lại chịu tác động mạnh của các quá trình ngoại sinh, với nhiều loại đất hình thành trên nhiều loại đá khác nhau và sự phân hóa đa dạng của thảm thực vật nên phụ lớp cảnh quan núi thấp hình thành nên 38 loại cảnh quan khác nhau.

- Phụ lớp cảnh quan đồi cao: Chiếm 11354,9 ha (1,4%) DTTN của tỉnh, phân bố rải rác, có độ cao từ 100-300m gồm các bề mặt bóc mòn phân bố ở phía tây, bao quanh các cánh đồng Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Có bề mặt rộng từ 20-30m, nghiêng dưới 100, có nơi sườn cong lồi độ dốc tới 15-200. Bề mặt có lớp vỏ phong hóa mỏng, thực vật thưa thớt, rửa trôi và xói rửa mạnh. Thổ nhưỡng chính gồm đất bị xói mòn trơ sỏi đá (đất tầng mỏng: E), đất đỏ vàng trên đá phiến sét (Fs) hay đất vàng nhạt trên đá cát (Fq). Thực vật tự nhiên nghèo, phát triển chủ yếu là sim mua, cây bụi, ở đây được tăng cường trồng rừng (tràm, thông) để bảo vệ đất. Đây là phụ lớp xen kẽ giữa núi thấp và đồi thấp, rất khó để tách bạch. Với những đặc điểm của thổ nhưỡng và thực vật như trên phụ lớp cảnh quan đồi cao hình thành nên 8 loại cảnh quan.

- Phụ lớp cảnh quan đồi thấp: Chiếm 196.929ha (24,4% DTTN của tỉnh). Độ cao từ 30-100m, gồm các dạng địa hình có nguồn gốc sông suối: thềm sông cao trung bình 60-80m phân bố rộng rãi trong các thung lũng núi, kéo dài dọc thung lũng sông Rào Nậy, sông Long Đại, sông Kiến Giang; các bậc thềm sông-lũ nghiêng thoãi từ 5-100, kéo dài hàng trăm mét dọc theo các đáy trũng giữa núi, dọc theo thung lũng các sông Roòn, sông Rào Cái, Rào Nan, Khe Kích...; các đáy máng trũng có tuổi hiện đại, phân bố rộng rãi ở thung lũng các sông suối và vùng đồi ở Quảng Bình. Địa hình các thềm biển mài mòn có độ cao từ 40-60m nằm sát chân núi tạo thành địa hình đồi thoải, độ dốc từ 8-150, bị chia cắt bởi các khe rãnh, mương xói phân bố thành các mảnh nhỏ hẹp sát chân núi, phía trước các đồng bằng huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch. Các sườn rửa trôi phân bố không liên tục ở vùng đồi thấp, chân các dãy núi và trũng giữa núi, ở đây diễn ra hoạt động bóc mòn, rửa trôi bề mặt, khe rãnh và dòng chảy tạm thời khá phổ biến; phía dưới là sườn tích tụ, có độ dốc từ 8-150, có nơi chỉ từ 3-80 phổ biến ở các vùng trũng Quy Đạt - Minh Hoá, Xóm Chùa - Tuyên Hoá và chân đồi thấp tiếp giáp với đồng bằng huyện Lệ Thuỷ.

Các loại đất chính là Feralit hình thành trên nhiều loại đá khác nhau gồm 10 loại: Đất nâu đỏ hình thành trên đá Bazan (Fk) chiếm diện tích nhỏ phân bố ở xóm Bang (Lệ Thuỷ), đất đỏ nâu hình thành trên đá vôi (Fv), đất vàng nhạt hình thành trên đá cát (Fq), đất đỏ vàng hình thành trên đá phiến sét (Fs), đất đỏ vàng hình thành trên đá macma axit (Fa), đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp), đất đỏ vàng trên đá biến chất (Fj), đất xám bạc màu trên nhiều loại đá khác nhau (B), đất phù sa ngòi suối (Py) và đất xói mòn trơ sỏi đá (đất tầng mỏng E).

Đây là phụ lớp cảnh quan có điều kiện tự nhiên đa dạng, có nhiều nét phân hóa giống với phụ lớp cảnh quan núi thấp. Sự phức tạp của địa hình, thổ nhưỡng kéo theo sự phong phú của thảm thực vật. Ở đây thảm thực vật rừng tự nhiên hầu như bị khai thác triệt để, ngoài một số nơi có đá gốc lộ ra thì phân lớn chỉ còn lại rừng nghèo và trảng cây bụi cỏ; rừng thứ sinh cũng chỉ chiếm diện tích không lớn; rừng trồng chiếm diện tích lớn và sử dụng phần lớn cho việc trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và trồng các loại cây lương thực, thực phẩm. Với 10 loại đất và 8 kiểu thảm thực vật, phụ lớp cảnh quan đồi thấp phân hoá thành 50 loại cảnh quan khác nhau và là phụ lớp có nhiều loại cảnh quan nhất trong hệ thống phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

- Phụ lớp cảnh quan đồng bằng cao: Bao gồm nhiều dạng địa hình có độ cao từ 10-30m, chiếm khoảng 8106 ha (1,0 % DTTN của tỉnh), có nguồn gốc từ các quá trình địa mạo sông, biển hoặc sông-biển như: Thềm sông có độ cao trung bình 20-30m, phân bố rộng rãi dọc theo các sông Rào Nậy, sông Nhật Lệ, có tuổi Pleistoxen muộn; các bậc thềm biển mài mòn-tích tụ cao 20-30m, cũng phân bố rộng hàng trăm km2 ở các đồng bằng Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy; phía dưới là các thềm tích tụ có tuổi Holoxen sớm cao từ 10-15m, là các bậc chuyển tiếp giữa đồng bằng cao và đồng bằng thấp, có bề rộng vài km và kéo dài hàng chục km, phân bố rải rác, không liên tục ở phía nam và tây nam đồng bằng Lệ Thuỷ, phía tây đồng bằng các huyện Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, phía tây và bắc sông Roòn (Quảng Trạch).

Thổ nhưỡng chính gồm các loại đất Xám bạc màu hình thành trên nhiều loại đá khác nhau như đá phiến, đá cát, đôi chỗ đất bị kết von (Ba, Bg thuộc nhóm B). Ở đây thảm thực vật hoàn toàn là nhân tác với các loại rừng trồng, một số nơi là trảng cây bụi cỏ, còn lại là các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hàng năm, hoa màu và lúa. Với địa hình và thổ nhưỡng không phức tạp, diện tích không lớn lắm, thảm thực vật trồng là chủ yếu nên ở đây chỉ phân hoá thành 5 loại cảnh quan khác nhau.

- Phụ lớp đồng bằng thấp: Có độ cao dưới 10m, chiếm 83298 ha (10,3% DTTN của tỉnh) có thể phân biệt thành 2 bộ phận là đồng bằng trũng thấp và dải cồn cát ven biển.

a. Phần đồng bằng trũng thấp ở giữa:

Gồm các bậc thềm biển, thềm sông có: Thềm tích tụ sông có độ cao từ 8-10m ở các thung lũng hạ lưu sông Rào Nậy, sông Nhật Lệ có kích thước từ 1000-2000m, kéo dài tới hàng chục km; bãi bồi cao từ 4-6m so với lòng sông, phân bố ở hạ lưu sông Gianh, sông Nhật Lệ dưới dạng dải kéo dài hai bên bờ sông, thường chịu ảnh hưởng của lũ lụt; bãi bồi thấp là đồng bằng hai bên sông có độ cao từ 1-2m, thường xuyên bị ngập nước theo mùa, đôi chỗ trở thành vùng lầy; thềm biển tích tụ thành tạo trong giai đoạn Holoxen giữa ở độ cao 4-6m, kéo dài từ Quảng Tiến đến Quảng Long thuộc đồng bằng Quảng Trạch và Thanh Trạch, Phú trạch, Đức Trạch, Trung Trạch huyện Bố Trạch, thềm tương đối bằng phẳng nghiêng về phía biển và cấu tạo bởi cát sét có màu xám đen, thạch anh chiếm tới 60% trong thành phần cấu tạo; bãi biển tích tụ cao 0-2m, phân bố thành dải hẹp chạy theo bờ biển, rộng khoảng 20-30m có nơi rộng 100m, cấu tạo bởi cát hoặc ở cửa sông có cát lẫn bùn sét, các bãi này thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều và sóng biển.

Các bề mặt tích tụ sông-biển và sông-biển-đầm lầy có độ cao từ 0 đến dưới 5m phân bố dọc theo các sông, cửa sông hoặc vùng nội đồng trũng thấp phía trong các cồn cát. Gồm các dạng địa hình: Bề mặt tích tụ sông-biển cao 4-6m, phân bố rộng rãi ở cửa sông Gianh, sông Dinh, sông Nhật Lệ thành từng mảng lớn và kéo dài từ An Thuỷ (Lệ Thuỷ) đến Duy Ninh (Quảng Ninh) gồm các thành tạo cát vàng, xám xanh, xám đen có chứa mùn thực vật dày từ 5-7m; bề mặt cao từ 1-3m phân bố ở các cửa sông Gianh, sông Dinh, sông Nhật Lệ và khu vực trung và hạ lưu sông Kiến Giang dọc hai bên sông từ Hồng Thuỷ, Thanh Thuỷ, Cam Thuỷ (Lệ Thuỷ) đến Gia Ninh (Quảng Ninh), nghiêng về phía hạ lưu và tương đối bằng phẳng, thành tạo bởi trầm tích cát bột lẫn mùn đen; bề mặt tích tụ sông-biển-đầm lầy chiếm diện tích không lớn lắm tại các xã Hồng Thuỷ, Thanh Thuỷ và An Thuỷ huyện Lệ Thuỷ, là các bề mặt trũng thấp cao từ 0,5-1m cấu tạo bởi bột sét lẫn bùn sét chứa nhiều bã thực vật; bề mặt tích tụ biển-đầm phá cao từ 2-4m dọc phía trong các cồn cát ven biển phân bố ở Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, cấu tạo bởi cát màu xám, dưới sâu có bùn sét dày từ 2-5m.

Thổ nhưỡng ở đồng bằng trũng thấp gồm các loại: Phù sa trung tính (P), Phù sa bị gley (Pg), sản phẩm phù sa sông, biển bị mặn, phèn (M, S) và đất cát biển (C). Đây là các loại đất chủ yếu sử dụng trong nông nghiệp ở Quảng Bình thuận lợi cho việc trồng lúa, trồng rau màu, cây thực phẩm hoặc trồng cây ăn quả, một số nơi ngập nước theo mùa bỏ hoang nên cỏ năn, lác, các loài cây ngập mặn tái sinh, có nơi nuôi trồng thủy sản, nơi có đất cát biển được trồng rừng, xung quanh khu dân cư, nghĩa địa có các trảng cây bụi.

b. Các cồn cát ven biển:

Là cảnh quan đặc biệt của đồng bằng Quảng Bình gồm các dạng địa hình nguồn gốc do gió với các cồn cát, đụn cát ven biển có độ cao từ 2-3m đến 30-40m.

Các cồn cát, đụn cát di động gồm một dải hẹp các cồn cát chắn ven biển dọc theo đường bờ biển, chiều rộng trung bình 20-30m, cao từ 5-20m, càng về phía nam càng tăng, vách dốc tới 50-600; các cồn cát dọc di động phân bố chủ yếu ở Nam Quảng Bình, ngay sau cồn cát ven biển, phát triển dưới dạng cồn hẹp và kéo dài theo hướng ĐB-TN trùng với hướng gió.

Các cồn cát ngang di động ở phía trong các cồn cát dọc, phân bố trên diện rộng ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ với các cồn cát trắng vàng, cao từ 10-40m, chiều rộng có nơi lên tới 7km (ở Quảng Ninh), nằm vuông góc với hướng gió Đông Bắc di chuyển dần vào nội địa và thấp dần. Giữa các cồn cát có các dạng máng trũng, bề mặt tích tụ, đầm lầy phủ cát cao 2-4m.

Máng trũng thổi mòn phân bố giữa các cồn cát, rải rác từ Quảng Ninh đến Lệ Thuỷ, rộng từ vài trăm mét vuông đến vài km2, thường ngập nước theo mùa nên người dân thường canh tác nông nghiệp; đầm lầy phủ cát phát triển thành một dải hẹp sau cồn cát ven biển ở Hải Ninh (Quảng Ninh), địa hình thấp nguồn nước ngọt dồi dào nên quần xã có ưa ẩm mọc và chiếm ưu thế.

Bề mặt tích tụ cát biển chiếm một diện tích lớn trên toàn dải cồn cát, cát thường di động vào phía trong do gió đông bắc tạo nên các cồn cát di động, lớp phủ thực vật là các loại quăn xanh chịu hạn, mọc thưa thớt, vì vậy cần trồng rừng để bảo vệ; địa hình cát lấp nằm phía đông quốc lộ 1A, do dòng chảy cuốn trôi cát từ các cồn cát cao vào trong nội đồng, địa hình có dạng nan quạt, rộng tới 1 km, dài 2m, tầng cát phủ dày từ 1,5-2m, hàng năm có xu hướng mở rộng diện tích làm thu hẹp diện tích canh tác, lấp cầu cống, đường sá ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống con người.

Nhìn chung các cồn cát, nhất là các cồn cát có độ dốc lớn, thường xảy ra các hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm đồng ruộng, làng mạc, đường giao thông gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây, nhất là về mùa đông khi có gió mùa đông bắc thổi vì thế cần trồng rừng phòng hộ chống cát bay, cát chảy. Với sự đa dạng của địa hình, thổ nhưỡng và tác động mạnh mẽ của các hoạt động sản xuất tạo nên hệ thực vật nhân tác phong phú ở phụ lớp đồng bằng thấp và dải cồn cát ven biển, hình thành nên bộ mặt cảnh quan phong phú đa dạng gồm 24 loại cảnh quan khác nhau.

3.2.1.4. Cấp Kiểu cảnh quan

Là cấp phân loại được phân chia trên cơ sở đặc điểm sinh khí hậu, mối tương quan nhiệt ẩm quyết định đến sự hình thành các kiểu thảm thực vật theo nguồn gốc phát sinh.

Quảng Bình thuộc Kiểu cảnh quan rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa, có một mùa đông lạnh trong hệ thống phân loại chung của CQ lãnh thổ Việt Nam [27, 29, 30], là Kiểu CQ được phân bố từ 160B trở ra, song vượt qua Đèo Ngang tác động của các khối không khí lạnh có yếu đi vì thế tính chất lạnh ở Quảng Bình có phần giảm sút so với các tỉnh phía Bắc. Độ dài mùa lạnh khoảng 2 tháng và nhiệt độ trung bình các tháng mùa đông từ 18-200C, biên độ nhiệt năm dưới 100C, các chỉ số vẫn đảm bảo tính chất khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ trung bình năm đạt 24-250C, lượng mưa trung bình năm thuộc loại lớn đạt tới hơn 2500mm/năm, có một mùa mưa và một mùa ít mưa, độ ẩm trung bình cao hơn 85%.

Chính những đặc trưng cơ bản của điều kiện khí hậu là nguồn gốc phát sinh của thảm thực vật, hình thành nên Phụ kiểu cảnh quan rừng nhiệt đới thường xanh mưa mùa có một mùa đông hơi lạnh từ phía Nam đèo Ngang (Quảng Bình) vào tới đèo Hải Vân-Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) [25, 26].

Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình nên khí hậu Quảng Bình có sự phân hóa đa dạng, phức tạp và có những yếu tố bất thường. Sự phân hóa của điều kiện nhiệt, ẩm theo độ cao địa hình, phân hóa từ Bắc vào Nam và từ Đông sang Tây đã hình thành nên các kiểu sinh khí hậu có mùa mưa, mùa khô dài ngắn khác nhau; mức độ ẩm, mức độ lạnh; mưa, khô nhiều, ít khác nhau,...đây là một trong những yếu tố tác động đến thành tạo thổ nhưỡng và hệ thống thảm thực vật ở Quảng Bình, làm cơ sở để phân hóa cảnh quan thành các đơn vị loại cảnh quan trên lãnh thổ.

3.2.1.5. Cấp Phụ kiểu cảnh quan

Hình thành do sự phân hóa của các định lượng sinh khí hậu cực đoan trên lãnh thổ quyết định đến thành phần loài của các kiểu thảm thực vật nguyên sinh, là sự phân chia thành các đai cảnh quan. Có thể thấy rằng, mặc dù khí hậu Quảng Bình có sự phân hoá phức tạp do địa hình, nhưng đặc điểm chung của thảm thực vật ở đây vẫn là Rừng rậm nhiệt đới thường xanh hình thành nên một Phụ kiểu cảnh quan rừng nhiệt đới thường xanh mưa mùa, có một mùa đông hơi lạnh .

Tuy nhiên theo đai cao thành phần thực vật cũng có sự phân hoá: Từ 900m trở lên với thành phần các loài cây lá rộng xen lẫn cây lá kim, có mặt đáng kể các loài cây rụng lá về mùa đông. Phân bố trong Phụ lớp Cảnh quan núi trung bình, chiếm diện tích nhỏ trên các đỉnh núi, phân bố rải rác ở phía Tây Quảng Bình. Do địa thế cao hiểm trở nên một vài nơi còn tồn tại rừng nguyên sinh, còn lại là trảng cỏ, cây bụi nhiệt đới, ở đây hình thành nên 5 loại cảnh quan chiếm khoảng 31.065 ha (3,8% diện tích toàn tỉnh). Từ độ cao 900m trở xuống với thành phần loài chiếm ưu thế là cây lá rộng thường xanh. Phân bố trên 96,2% diện tích lãnh thổ Quảng Bình từ núi thấp đến đồng bằng và dải ven biển, gồm 12 quần xã thực vật: Rừng tự nhiên ít bị tác động, rừng thứ sinh, rừng trồng, trảng cây bụi thứ sinh, đồng cỏ tự nhiên cải tạo, các loại cây trồng nông nghiệp như: cây công nghiệp, cây ăn quả, cây hàng năm, hoa màu, lúa, quần xã thuỷ sinh và cây bụi ngập mặn rải rác ở vùng cửa sông Gianh, cửa sông Nhật Lệ, cửa sông Roòn hình thành nên 124 loại cảnh quan khác nhau.

3.2.1.6. Cấp Loại cảnh quan

Là đơn vị phân loại phân loại cuối cùng trong hệ thống phân loại cho cảnh quan tỉnh Quảng Bình. Mỗi loại CQ được thành tạo trong mối tác động tương hỗ của 1 loại đất và 1 kiểu thảm thực vật. Loại cảnh quan phản ánh sự đa dạng cảnh quan lãnh thổ và thể hiện cụ thể, đầy đủ nhất đặc điểm sinh thái của từng đơn vị lãnh thổ, là đơn vị cơ sở để đánh giá cảnh quan tỉnh Quảng Bình. Với sự kết hợp của 19 nhóm loại đất và 10 quần xã thực vật hiện tại trên lãnh thổ hình thành nên 130 loại cảnh quan phân bố từ núi trung bình ở phía Tây đến dải cồn cát ven biển phía Đông Quảng Bình. Đặc điểm đa dạng CQ tỉnh Quảng Bình được thể hiện rõ nét trên Bản đồ CQ, bảng chú giải và bảng tổng hợp đặc điểm các loại CQ.

Trong đó loại cảnh quan số 130 là quần xã thuỷ sinh trong các môi trường sông, hồ, mặt nước phân bố trên khắp các địa hình từ núi thấp đến dải cồn cát phía đông. Bao gồm 5 hệ thống sông lớn, 133 ao, hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo. Trên dải cồn cát có Bàu Tró, Bàu Sen, chưa kể hàng chục hồ nuôi trồng thuỷ sản; Các hồ giữa núi như: Vực Tròn, vực Sanh, vực Nồi, hồ Khe Ngang;... các đập thuỷ lợi như: Đập Tiên Lãng, Phú Vinh, Mỹ Trung, Cẩm Ly, Đồng Sơn, Phú Vinh, An Mã, Thanh Sơn...tạo thành một loạt các hồ nhân tạo có giá trị tưới tiêu trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước cho sinh hoạt tăng thêm sự đa dạng trong cảnh quan lãnh thổ Quảng Bình.

3.2.2. Đa dạng chức năng và động lực cảnh quan tỉnh Quảng Bình



3.2.2.1. Về chức năng cảnh quan tỉnh Quảng Bình

Qua việc phân tích đa dạng cấu trúc Cảnh quan tỉnh Quảng Bình cho thấy Cảnh quan ở đây cũng sẽ có sự đa dạng trong chức năng, mỗi lớp, phụ lớp hay loại cảnh quan khác nhau có những chức năng khác nhau, mỗi cảnh quan có thể có nhiều chức năng và mỗi chức năng có ở nhiều loại cảnh quan. Đối với Cảnh quan tỉnh Quảng Bình có thể thấy những chức năng chính là: Chức năng phòng hộ, bảo vệ; Chức năng phục hồi, bảo tồn; Chức năng kinh tế sinh thái.



  1. Chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường

Là chức năng của các loại cảnh quan rừng tự nhiên phát triển trên núi trung bình, núi thấp và địa hình đồi Quảng Bình. Thường là những vùng địa hình hiểm trở, có độ chia cắt lớn, có độ dốc lớn, xói mòn, rửa trôi mạnh, đầu nguồn các sông, suối như: Thượng nguồn sông Gianh, sông Roòn, sông Long Đại, sông Kiến Giang, các khu vực gần biên giới, trên các đỉnh núi đá vôi. Phân bố ở phía Tây Quảng Bình với diện tích lớn khoảng 420.000 ha, gồm các loại rừng giàu, rừng trung bình, là những cảnh quan rừng tự nhiên được hình thành trên các loại đất feralit khác nhau. Rừng ở đây có chức năng phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nước cho sông suối ở đồng bằng, chống xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế tốc độ dòng chảy trong mùa lũ nhất là những khu vực rừng có độ che phủ tốt. Ở phụ lớp núi trung bình có các loại cảnh quan số 1, 3; phụ lớp núi thấp gồm có các loại cảnh quan số 6, 11, 17, 24, 28, 30, 35, 41; phụ lớp đồi cao có các loại cảnh quan số 44 và 48; phụ lớp cảnh quan đồi thấp gồm các loại cảnh quan số 52, 58, 64, 78, 84.

Đặc biệt các loại CQ số 12, 125, 126 ở trên dải cồn cát ven biển là rừng thứ sinh, trảng cây bụi thứ sinh, rừng trồng có chức năng phòng hộ, chống cát bay, cát chảy; phân bố từ Lệ Thủy đến Quảng Trạch với diện tích gần 20.000ha.

Những nơi cảnh quan là trảng cây bụi hoặc đá gốc lộ ra ở những địa hình dốc gồm: CQ 2, 4, 5 ở vùng núi trung bình phía tây huyện Quảng Ninh; CQ số 8, 13, 20, 27, 29, 31, 37, 42 và CQ 10, 16, 23 ở vùng núi thấp phân bố trên các bề mặt và sườn núi có độ dốc lớn, thượng nguồn sông suối phía tây Quảng Bình; CQ 47, 49, 51 ở vùng đồi cao có chức năng phòng hộ, bảo vệ kém đi vì thế cần có thời gian và biện pháp để khoanh nuôi phục hồi lớp phủ rừng để phòng hộ.


  1. Chức năng phục hồi, bảo tồn

Là chức năng của các loại cảnh quan rừng thứ sinh nghèo kiệt (gồm rừng nghèo và rừng phục hồi) phát triển trên nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau. Phân bố ở phụ lớp núi thấp gồm các loại CQ số 7, 12, 18, 25, 38; CQ số 45 ở phụ lớp đồi cao và các loại CQ số 59, 65, 72, 85 ở phụ lớp cảnh quan đồi thấp; đặc biệt trên dải cồn cát ven biển có CQ số 124, cảnh quan rừng ngập mặn thứ sinh, phân bố thành một khu vực nhỏ ở bờ biển Hải Thuỷ (Lệ Thuỷ). Diện tích rừng thứ sinh cần được phục hồi ở Quảng Bình khoảng chừng hơn 30.000 ha, chủ yếu ở chân núi thấp, vùng đồi và thung lũng các suối đầu nguồn như Khe Bang, Khe Ve, Khe Giữa, Rào Nậy, Rào Trổ, Rào Nan... Nếu rừng ở đây được khoanh nuôi phục hồi tốt thì sẽ có giá trị trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường.

Các loại cảnh quan ưu tiên bảo tồn phải kể đến Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng gồm một phần các loại CQ số 6, 8, 20; chiếm diện tích gần 8.500 ha (trừ vùng dịch vụ hành chính có diện tích 3.411ha), có giá trị đa dạng sinh học cao. Rừng ở đây là rừng tự nhiên trên núi đá vôi điển hình với nhiều loài thực vật đặc trưng như: Chò đãi, Chò nước, Sao; quý hiếm như Bách xanh, nhiều loại Lan...trong đó 92,2% là rừng nguyên sinh cần được bảo tồn với diện tích 790.651ha, 2,3% (4.875ha) diện tích là cây bụi cỏ rải rác trên núi, có khoảng 180 ha là rừng tre nứa, mây song cần được khoanh nuôi phục hồi. Cảnh quan ở đây không những có giá trị bảo tồn duy trì đa dạng sinh học, phòng hộ, bảo vệ môi trường mà còn còn có giá trị phát triển kinh tế Du lịch.

Chức năng bảo tồn đa dạng sinh học còn kể đến các cảnh quan ở hai khu BTTN Khe Nét ở Tây Bắc Quảng Bình và Khe Nước trong ở phía Tây Nam. Khu BTTN Khe Nét thuộc Tuyên Hóa có diện tích khoảng 26.815ha có các cảnh quan số 11, 17, 24, 35, 52, 58, 64; khu BTTN Khe Nước trong thuộc xã Kim Thủy huyện Lệ Thủy có các CQ số 1, 11, 17, 24, 58, 64 là các CQ rừng tự nhiên, có đa dạng sinh học cao, nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm có trong sách đỏ Việt nam, là hai khu BTTN có tên trong danh sách quy hoạch các khu BTTN tại Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003. Bên cạnh đó phát triển kinh tế du lịch cũng là chức năng của các loại CQ này.

c. Nhóm chức năng phát triển kinh tế sinh thái gồm

Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch và quần cư.

- Ở phụ lớp núi thấp có thể thấy rằng các loại CQ số 19, 26, 36 là rừng trồng có chức năng phòng hộ và kinh tế lâm nghiệp. Các loại CQ số 20, 27 ở Nông trường Việt Trung (Bố Trạch), CQ số 13, 42 ở Yên Hoá, Hồng Hoá (Minh Hoá), CQ số 20 thuộc Trường Xuân (Quảng Ninh), CQ số 27, 37 ở Quảng Hợp, Quảng Kim (Quảng Trạch) là diện tích có thể khai thác để trồng rừng phòng hộ với diện tích khoảng hơn 6.000 ha.

Chức năng kinh tế nông nghiệp gồm các cảnh quan đồng cỏ, cây công nghiệp, cây hàng năm, hoa màu và trồng lúa. Các loại cảnh quan đồng cỏ số 9, 14, 21, 32 ở Minh Hoá với diện tích chừng 1.500 ha chức năng chính là phát triển chăn nuôi gia súc. Các loại CQ số 15, 22, 33, 39, 43 gồm hoa màu và cây hàng năm trên các loại đất feralit đỏ vàng, đất dốc tụ và đất phù sa ngòi suối; cảnh quan số 34, 40 lúa trên đất dốc tụ và phù sa ngòi suối, các cảnh quan này phân bố ở các triền suối, các thung lũng có độ dốc không lớn trên các bề mặt bóc mòn cao 200-300m nằm dọc theo hai bên đường Hồ Chí Minh thành dải hẹp từ Thượng Hoá đến Hoá Thanh thuộc huyện Minh Hoá, chỉ có CQ số 39 nằm ở thượng nguồn sông Long Đại. Ở đây ngoài việc trồng rừng, còn có thể trồng các loại cây hàng năm và hoa màu, thung lũng ở chân núi có thể trồng lúa, chăn nuôi và xây dựng các điểm quần cư.

Chức năng phát triển kinh tế du lịch phải kể đến các CQ thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Bên cạnh hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng về thảm thực vật, động vật phong phú với nhiều loài quý hiếm, đây còn là quần thể hang động caxtơ kỳ vỹ có giá trị đối với việc phát triển kinh tế Du lịch, các CQ thuộc khu BTTN Khe Nét và Khe Nước trong, các CQ có các tiềm năng tự nhiên có thể phát triển du lịch như các CQ số 47, 54, 67 có các hồ nước ngọt, suối nước khoáng Bang, CQ 50, 125 Đèo Ngang, Đèo Lý Hòa.

- Ở phụ lớp cảnh quan đồi cao chức năng kinh tế sinh thái rất hạn chế, chỉ có thể trồng rừng phòng hộ là chủ yếu. Rừng trồng ở những cảnh quan số 46, 50 có thể mở rộng thêm ở các cảnh quan trảng cây bụi như CQ số 47, 49, 51 phân bố ở hồ Vực Tròn, hồ Quảng Liên (Quảng Trạch), hồ Khe Ngang, Thanh Trạch (Bố Trạch).

- Phụ lớp cảnh quan đồi thấp và đồng bằng cao chức năng phòng hộ, bảo vệ là thứ yếu, ở đây con người hoàn toàn tác động và khai thác các chức năng vốn có của nó là chức năng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Các loại cảnh quan rừng trồng sản xuất, rừng trồng đặc dụng gồm 9 loại (CQ số 53, 55, 60, 66, 73, 79, 86, 93, 99, 102) phân bố trên nhiều loại đất khác nhau với diện tích lớn gần 100.000 ha; những nơi còn đất trống (CQ số 57, 71) hoặc trảng cây bụi (CQ số 54, 56, 61, 67, 74, 80, 87, 90, 94, 103) là những khu vực có thể khai thác để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm, cây ăn quả. Cảnh quan cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả gồm 8 loại (CQ số 62, 68, 75, 81, 88, 95, 99, 104); cây hoa màu, cây hàng năm gồm 9 loại CQ và có 7 CQ trồng lúa. Chức năng chính của cảnh quan ở đây được quy định bởi đặc điểm địa hình bằng phẳng, độ dốc không lớn, đất feralit có tầng dày. Bên cạnh chức năng sản xuất ở đây còn là các điểm phân bố dân cư và xây dựng các công trình văn hoá xã hội phục vụ cuộc sống của con người. Hầu hết phân bố ở các huyện trong tỉnh chiếm một phần lớn diện tích của các xã: Lê Hoá, Thuận Hoá, Thạch Hoá, Đồng Hoá, Đồng Lê, Mai Hoá (Tuyên Hoá); Hoá Thanh, Hoá Tiến, Hoá Phúc, Lâm Hoá, Thanh Hoá, Dân Hoá, Yên Hoá, Hồng Hoá, Hoá Phúc (Minh Hoá); Quảng Sơn, Quảng Tiến, Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Thạch (Quảng Trạch); Nông trường Việt Trung, Phú Định, Hưng Trạch, Sơn Trạch, Phúc Trạch, Liên Trạch, Lâm Trạch (Bố Trạch); Thuận Đức, Nghĩa Ninh, Đồng Sơn (Đồng Hới); Trường Xuân (Quảng Ninh), Thái Thuỷ, Mỹ Thuỷ, Mai Thuỷ, Trường Thuỷ, Văn Thuỷ, Phú Thuỷ, Nông trường Lệ Ninh, Sơn Thuỷ (Lệ Thuỷ).

- Chức năng nông nghiệp, thuỷ sản và quần cư là chức năng chính của cảnh quan đồng bằng thấp tỉnh Quảng Bình bao gồm cả dải cồn cát ven biển. Đây là phụ lớp gồm 24 loại cảnh quan từ CQ số 107 đến 130. Chiếm gần 15% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố ở đồng bằng các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch và Quảng Trạch thuộc hạ lưu các con sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Lý Hoà, sông Dinh, sông Roòn.

Chức năng phát triển kinh tế nông nghiệp ở đây với các loại cây trồng chủ yếu gồm cây ăn quả, cây hàng năm, hoa màu và trồng lúa trên các loại đất phù sa trung tính, phù sa gley, đất phèn, đất mặn, đất cát biển (CQ số 107, 108, 109, 110, 112, 114, 119 và 120). Một số nơi trảng cây bụi hoặc đất trống trên đất cát biển (CQ số 117, 121) ở Sen Thuỷ, Hưng Thuỷ (Lệ Thuỷ); Phú Hải (Đồng Hới); Quảng Phương, Hải Trạch (Quảng Trạch) có thể cải tạo để trồng cây ăn quả, hoa màu, cây gia vị, rau các loại hoặc trồng lúa.

Chức năng phát triển kinh tế nuôi trồng thuỷ sản gồm các cảnh quan trảng cỏ, cây bụi ngập nước ở các vùng dọc ven sông, cửa sông và trên dải cồn cát (CQ số 111, 113, 115, 122, 129) thuộc các xã Quảng Đông, Quảng Xuân, Quảng Phương, Hải Trạch, Cửa Gianh (Quảng Trạch); Hồng Thuỷ, An Thuỷ, Thanh Thuỷ (Lệ Thuỷ); cửa Nhật Lệ và một số ao, hồ, mặt nước của cảnh quan số 130.

Ở vùng hạ lưu các con sông là những nơi phân bố dân cư chủ yếu của tỉnh Quảng Bình. Thành phố Đồng Hới, các trung tâm huyện, thị trấn, thị tứ đều tập trung ở đồng bằng ven biển. Chính vì vậy, chức năng quần cư là một trong những chức năng cơ bản của đồng bằng ven biển Quảng Bình, các huyện có diện tích đồng bằng lớn như Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Đồng Hới, Quảng Trạch, Bố Trạch có mật độ dân số hơn 100 người/km2, Đồng Hới hơn 300 người/km2, các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá dân cư chỉ tập trung ở các xã thuộc thung lũng, đồi thấp nên mật độ dân cư thưa thớt hơn.

Dải cồn cát ven biển Quảng Bình là một trong những khu vực có cảnh quan đa dạng, ngoài chức năng kinh tế nông nghiệp (CQ số 127) và nuôi trồng thuỷ sản, các cồn cát ở đây còn có chức năng phòng hộ, bảo vệ. Ngoài cảnh quan rừng tự nhiên (số 123), rừng thứ sinh (số 124), các cảnh quan rừng trồng (số 125) và trảng cây bụi cỏ (số 126) xen kẽ nhau phân bố trên dải cồn cát phía nam Quảng Bình, kéo dài từ Ngư Thuỷ (Lệ Thuỷ) đến Lương Ninh (Quảng Ninh), phía Bắc có giá trị trong việc chống cát bay, cát chảy bảo vệ đồng ruộng, làng mạc, đường giao thông phía trong cồn cát. Cảnh quan số 128 là các cồn cát, bãi cát trắng nằm dọc theo bờ biển có giá trị phát triển kinh tế du lịch đối với các bãi biển như: Nhật Lệ, Lý Hoà, Ngư Thuỷ, Quang Phú, Hải Ninh, Quảng Đông...; khai thác cát thuỷ tinh ở một số cồn cát trắng ở Nhân Trạch, Ba Đồn...; còn lại ở những nơi khác có thể trồng rừng để phòng hộ chống cát bay, cát chảy.

Cảnh quan Quảng Bình đa dạng về chức năng, mỗi chức năng cảnh quan thể hiện ở nhiều đơn vị cảnh quan của lãnh thổ và mỗi đơn vị cảnh quan lại có nhiều chức năng khác nhau. Tuy nhiên có thể thấy rằng các chức năng chính của cảnh quan tỉnh Quảng Bình gồm: Chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường; chức năng phục hồi, bảo tồn và chức năng khai thác phát triển kinh tế.

Phân tích chức năng cảnh quan là một trong những căn cứ quan trọng để tiến hành đánh giá cảnh quan cho các mục đích sử dụng khác nhau. Trên cơ sở chức năng của từng CQ, luận án lựa chọn các mục đích để đánh giá phù hợp với đặc điểm tự nhiên của lãnh thổ nghiên cứu.



3.2.2.2. Về động lực cảnh quan tỉnh Quảng Bình

Luận án không nghiên cứu sâu về động lực phát triển của CQ tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên động lực cảnh quan là một yếu tố có tầm quan trọng mang tính quyết định đối với chiều hướng phát triển của cảnh quan theo thời gian, vì vậy trong quá trình nghiên cứu CQ tỉnh Quảng Bình, luận án đề cập một cách khái quát về đa dạng động lực CQ.

Trong quá trình hình thành và phát triển, CQ lãnh thổ Quảng Bình chịu sự tác động của các yếu tố động lực ở bên trong hoặc bên ngoài CQ từ nguồn năng lượng bức xạ mặt trời, chế độ hoàn lưu gió mùa, nguồn năng lượng được giải phóng do các hoạt động trong lòng đất...tạo nên sự chuyển hoá vật chất và năng lượng trong CQ, thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình phong hoá, phân huỷ vật chất hoặc vận chuyển, chuyển đổi vật chất do xói mòn, rửa trôi (các quá trình ngoại lực)... Bên cạnh đó hoạt động của con người cũng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh định hướng phát triển của tự nhiên làm thay đổi hệ sinh thái CQ, làm tăng cường hoặc suy giảm chất lượng CQ. Có thể thấy rằng yếu tố động lực lớn nhất có tính quyết định đến sự biến đổi của CQ chính là các hoạt động khai thác lãnh thổ của con người. Con người tác động vào tự nhiên ngày càng toàn diện và sâu sắc, việc khai thác TNTN phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đã làm biến đổi các thành phần và cấu trúc CQ tự nhiên ở những mức độ nhất định, lớn nhất là những tác động của con người đến địa hình, thổ nhưỡng và sinh vật.

Quảng Bình có mật độ dân số thấp, chủ yếu tập trung ở đồng bằng, còn miền núi thì dân cư thưa thớt. Hiện nay dân số hoạt động chủ yếu vẫn trong lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp chiếm gần 80%, còn khoảng 20% hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và du lịch, dịch vụ.

Qua hiện trạng sử dụng đất Quảng Bình cho thấy, ở đây đất đai được sử dụng phần lớn vào mục đích Nông, Lâm nghiệp và xây dựng đô thị. Đây là những tác động có thể tích cực hoặc tiêu cực đã làm thay đổi bộ mặt CQ tự nhiên góp phần hình thành nên sự đa dạng CQ hiện tại của tỉnh Quảng Bình. Chính vì thế nghiên cứu động lực CQ không chỉ làm rõ thực trạng thay đổi, phân hoá CQ do các tác động tự nhiên mà còn phân tích sự thay đổi phân hoá CQ do nhân tác và cho phép chúng ta lựa chọn các phương án SDHL nhất các tiềm năng tự nhiên của lãnh thổ.

Lãnh thổ Quảng Bình mang đặc điểm động lực chung của CQ nhiệt đới, gió mùa ẩm. Với tổng lượng bức xạ từ 108-121 kcal/cm2/năm, tổng nhiệt độ hoạt động trong năm lớn (8700-90000C), lượng mưa phong phú trung bình năm đạt 2100-2500mm, độ ẩm đạt tới 85%, đồng thời chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông bắc và gió mùa Tây nam là những yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển của các yếu tố thành tạo CQ lãnh thổ. Tăng cường hoặc kìm hãm các quá trình địa mạo hình thành nên các kiểu địa hình Quảng Bình như: Địa hình bóc mòn, rửa trôi, xâm thực, xói lở ở các khu vực đồi núi, sườn dốc và thung lũng thượng nguồn các khe suối; Địa hình bồi tụ ở những địa hình trũng, đồi thấp, gò đồi ven sông, đồng bằng; Các dạng địa hình caxtơ độc đáo trên núi đá vôi với hệ thống hang động, sông ngầm ở Phong Nha-Kẻ Bàng. Thúc đẩy quá trình phong hoá nhiệt đới hình thành và phát triển 2 hệ đất chính là đất feralit ở đồi núi và đất phù sa ở đồng bằng Quảng Bình với 8 nhóm đất gồm hàng chục loại đất khác nhau từ các loại đất mùn trên núi cao, các loại đất vàng đỏ trên núi thấp, vùng đồi trung du đến các loại đất phù sa trung tính, gley, mặn, phèn ở đồng bằng và các loại đất cát biển, cồn cát trắng vàng. Đây cũng chính là động lực hình thành và phát triển thảm thực vật nhiệt đới phong phú ở Quảng Bình với các kiểu rừng nhiệt đới thường xanh ưa ẩm, cây bụi ngập mặn; các loại cây công nghiệp nhiệt đới như cà fê, cao su, tiêu; cây ăn quả, rau các loại, cây hàng năm như ớt, tỏi...cây nông nghiệp nhiệt đới như lúa, hoa màu... Tính chất mùa của khí hậu kéo theo tính chất mùa trong chế độ nước sông ngòi, là động lực phát triển theo mùa của cây trồng, vật nuôi và hoạt động sản xuất của con người là động lực tạo nên tính chất mùa của CQ lãnh thổ.

Địa hình đồi núi phía tây, đồng bằng ở giữa và dải cồn cát ven biển, hệ thống các dòng chảy cùng với những tác động bất thường của bão, lũ lụt... là những động lực bên ngoài có tác động rất lớn, làm cho CQ Quảng Bình có sự thay đổi và phát triển phức tạp hơn. Đặc biệt là những hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, xây dựng...đã tác động rất lớn đến thổ nhưỡng, thuỷ văn, rừng, thảm thực vật hình thành nên 130 loại CQ hiện tại của tỉnh Quảng Bình. Trong đó hầu hết đều đã có tác động của con người, các tác động có thể tạo nên xu hướng tích cực như trồng và bảo vệ rừng, giữ đất, chống xói mòn, rửa trôi (CQ số 19, 26, 36, 46, 50, 53, 55, 60, 66, 73...), trồng rừng phòng hộ ven biển (CQ số 116, 125) tạo nên sự cân bằng môi trường tự nhiên; Xu hướng tiêu cực như khai thác, chặt phá rừng quá mức, canh tác không hợp lý hoặc sử dụng vượt quá sức chứa lãnh thổ như ở một số CQ ở vùng núi thấp và gò đồi (CQ số 37, 51, 87, 90, 103) làm cho đất trống, tầng mỏng, đồi núi trọc tăng cường xói mòn, rửa trôi vì vậy trong quá trình phát triển làm thoái hoá CQ.

Các yếu tố động lực CQ Quảng Bình có sự phân hoá đa dạng, phức tạp, đây chính là các yếu tố tác động làm thay đổi CQ lãnh thổ và cũng chính là cơ sở xác định chức năng của cảnh quan. Làm rõ xu hướng phát triển của cảnh quan là một trong những nghiên cứu làm cơ sở xây dựng các định hướng sử dụng hợp lý nguồn TNTN, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình.


tải về 1.44 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương